Khai thác gắn với bảo vệ rong mơ

Tỉnh Khánh Hòa đã và đang nhân rộng mô hình khai thác gắn với bảo vệ rong mơ – nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng bảo vệ hệ sinh thái vùng ven biển, nhưng đang bị suy giảm do khai thác quá mức.

Ngư dân chuẩn bị đưa rong mơ từ tàu lên bờ

Từ tháng 6/2017, Tổ hợp tác “Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản rong mơ” phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang đi vào hoạt động. Mô hình này có 21 thành viên là ngư dân hành nghề khai thác rong mơ ở vịnh Nha Trang tham gia.

Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang cho biết, trước đây, ngư dân thường khai thác rong mơ trước thời vụ, không đúng kỹ thuật, giá rong mơ cũng không ổn định. Tổ hợp tác thành lập đã hỗ trợ ngư dân kỹ thuật về khai thác, biện pháp bảo vệ rong mơ, đồng thời liên kết với nhau để bán sản phẩm từ rong mơ cho doanh nghiệp nên giá ổn định.

Mô hình khai thác gắn với bảo vệ rong mơ dựa vào cộng đồng đang được nhiều địa phương, đoàn thể ở Khánh Hòa nhân rộng. Điển hình như Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang thành lập “Tổ sinh kế rong mơ” với 40 thành viên làm nghề khai thác rong mơ. Tham gia mô hình này, các thành viên được tập huấn kỹ thuật khai thác rong mơ để nâng cao sản lượng, chất lượng rong mơ, nhưng vẫn bảo vệ được nguồn lợi lâu dài.

Ngư dân phơi rong mơ

Theo Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, vùng ven biển Khánh Hòa có 21 loài rong mơ phổ biến. Các thảm rong mơ có diện tích trên 1.160 ha với trữ lượng khoảng 7.300 tấn khô/năm, tập trung ở 3 vịnh biển: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu.

Các thảm rong mơ có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái vùng ven biển Khánh Hòa, đồng thời làm bãi đẻ, nơi trú ngụ cho sinh vật biển. Những năm gần đây, rong mơ cho giá trị kinh tế cao do phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, y học… nên loài này bị khai thác quá mức dẫn đến suy giảm.

Đơn cử như vụ khai thác rong mơ diễn ra từ tháng 5-8 hàng năm, nhưng ngư dân thường khai thác ngay từ tháng 2, khi rong mơ đang còn non nên khó tái sinh. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản cùng nhiều tác động khác ở vùng ven biển cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của rong mơ.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chỉ thị về việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi rong mơ như thời gian thu hoạch cho từng vùng, khai thác phải để lại gốc và thân 10cm để rong tái sinh trưởng, chừa lại 20% trữ lượng của bãi rong để làm nơi cư trú và sinh sản cho các loài động vật biển…

Nguồn: Baomoi được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa: rau câu chỉ được mùa, được giá.

Khánh Hòa: rau câu chỉ được mùa, được giá
Năm nay, rau câu chỉ được mùa, được giá đã giúp nhiều gia đình ở một số xã của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tăng thu nhập.

Được mùa rau câu chỉ

Phơi rau câu chỉ ở Cam Hải Tây.

Hiện nay, tuy là thời điểm cuối vụ thu hoạch rau câu chỉ nhưng đi dọc bờ đầm Thủy Triều, không khó bắt gặp cảnh người dân đang khai thác rau câu. 11 giờ trưa, trời nắng gắt, nhiều hộ vẫn miệt mài phơi rau câu. Ông Hoàng Tuấn Phương (thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây) phấn khởi nói: “Trước đây, tôi làm phụ hồ cho các công trình nhưng thu nhập khá bấp bênh. Mấy tháng nay, thấy nhiều người khai thác rau câu chỉ mang lại thu nhập khá nên tôi chuyển sang nghề này. Rau câu chỉ xuất hiện tự nhiên ở đầm Thủy Triều. Tôi chỉ bỏ ra khoảng 1 triệu đồng làm bè, mua vợt… để vớt. Mỗi ngày, vợ chồng tôi khai thác được 10 tạ rau câu tươi, phơi khô còn được 2 tạ. Với giá bán 4.800 đồng/kg, trừ chi phí, tôi kiếm được gần 1 triệu đồng. Điều đáng mừng là thu hoạch tới đâu, người ta mua hết tới đó”.

Có thâm niên hơn 20 năm khai thác rau câu, vợ chồng ông Trần Văn Khương (thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa) xem nghề này là nghề chính để mưu sinh. Ông Khương cho biết: “Vợ chồng tôi khai thác ngày nhiều nhất được 4 tạ rau câu khô, ngày ít khoảng 1,8 tạ, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Rau câu chỉ dễ nuôi nên sau mỗi mùa thu hoạch tôm (khoảng tháng 10 âm lịch), tôi bắt đầu thả xen canh rau câu trong đìa, vài tháng có thể thu hoạch. Với diện tích 5ha, tôi đã thu 9 tấn rau câu khô”.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, toàn xã có hơn 30 hộ khai thác rau câu chỉ ở đầm. Trong đó, tập trung ở thôn Bắc Vĩnh và Tân Hải. Đa số những người làm nghề này thường đánh bắt cá trên đầm hoặc không có việc làm ổn định. Năm nay, mưa nhiều nên rau câu phát triển nhiều hơn năm ngoái. Với giá bán 4.800 – 5.000 đồng/kg khô (cao hơn 1.500 đồng/kg so với năm trước), một người khai thác rau câu chỉ có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nghề này chỉ khai thác được 5 – 6 tháng, trong đó tập trung từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch…

Rau câu chỉ khô

Được biết, các hộ khai thác rau câu chỉ tập trung chủ yếu ở các xã: Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Thành Bắc và ven đầm Thủy Triều. Rau câu chỉ có sợi mảnh như sợi chỉ, vớt lên phải phơi từ 1 đến 2 nắng cho khô rồi mới bán. Mặt hàng này tiêu thụ ở Bình Định, Hải Phòng và một số tỉnh khác. Bà Nguyễn Thị Nga – người chuyên thu mua rau câu hơn 10 năm ở xã Cam Hòa cho biết, rau câu chỉ dùng làm thạch rau câu, nước giải khát… Thời gian qua, nhiều người đến các điểm thu mua để đặt hàng với số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay, bà thu mua hơn 5 – 6 tấn rau câu khô/ngày. Số lượng người đi khai thác rau câu chỉ cũng nhiều hơn gấp đôi so với năm trước. Mặt khác, năm nay, do các tỉnh khác mất mùa rau câu chỉ nên giá bán cao hơn so với năm ngoái.

Theo khuyến cáo của lãnh đạo Trạm Khuyến công – nông – lâm – ngư huyện Cam Lâm, người dân không nên khai thác rau câu chỉ quá mức, chỉ nên khai thác đúng thời điểm nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân nên nuôi xen canh rau câu chỉ trong các đìa để đảm bảo ổn định môi trường sinh thái vùng nuôi.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nghề ‘chăm con mọn’ ở đầm Nha Phu thu bạc triệu

Nhìn qua tưởng đơn giản nhưng nghề nuôi gia công trai lấy ngọc cũng lắm công phu khi người nuôi chăm những “viên ngọc thô” của mình chẳng khác gì chăm con mọn…

Tỉ mỉ, kỳ công

Sau 15 phút xuất phát từ bến ghe thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chúng tôi đến khu vực nuôi trai của anh Nguyễn Văn Tuấn trên đầm Nha Phu. Anh Tuấn là người đầu tiên trong tỉnh hợp tác với một công ty của Nhật nuôi gia công trai lấy ngọc. Từ ngoài nhìn vào, khu bè của gia đình anh rộng cả ngàn mét vuông, tít tắp tầm mắt. Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang đo độ mặn của nước.

Trai giống 4 tuần tuổi được đưa lên thay lồng

Hơn chục công nhân hối hả đưa những lồng nuôi trai lên vệ sinh. Những con trai giống xù xì, hàu rêu bám mốc, dính vào nhau, chỉ một loáng đã được tách ra, cắt tai sạch sẽ. Anh Tuấn cho biết, con trai rất “khó tính”, muốn nó sống và tăng trưởng mạnh khi chăm sóc phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Chỉ cần lơ là, vệ sinh không tốt trai sẽ chết.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trai, anh Tuấn rút ra kết luận, nghề này thực lắm công phu. Không chỉ có kỹ thuật nuôi mà việc chăm sóc trai chẳng khác nào chăm con mọn. Giai đoạn trai từ 1 tuần tuổi đến 8 tuần tuổi là thời gian vất vả nhất. “Ban đầu trai được công ty cung cấp để nuôi chỉ nhỉnh hơn hạt cát một chút. Muốn trai lớn và đạt tiêu chuẩn phải qua hàng trăm công đoạn khác nhau, theo đúng chu kỳ nhất định.

Thu hoạch trai

Hàng ngày phải đưa trai lên vệ sinh, thay túi theo kích cỡ tăng trưởng của nó. Lúc vệ sinh cũng phải để ý không được cắt tơ của con trai, nếu cắt trúng tơ thì nó sẽ chết”, anh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ có kỹ thuật mà người nuôi phải thành thục con nước triều lên xuống. Anh Lê Thạnh, người có nhiều năm nuôi trai ở trại anh Tuấn cho hay, môi trường khu vực đầm Nha Phu thuận lợi cho việc nuôi con 2 mảnh vỏ, nhất là hàu, trai, vẹm xanh.

Tuy nhiên, với đặc tính của con trai không chịu được nước ngọt nên khi nước nguồn từ núi chảy xuống đầm mang theo nước ngọt, người nuôi phải nhận biết để xử lý kịp thời. Khi nước ngọt xâm nhập, trai phải được thả dây sâu xuống tầng đáy. Nếu không kịp xử lý thì chỉ 2 giờ ngâm nước ngọt trai sẽ chết. Vì vậy, anh em phải trực 24/24 giờ để xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo người nuôi trai kinh nghiệm, trong số các công đoạn nuôi thì việc xử lý muối công phu và khó nhất. Bởi cứ 2 tuần phải xử lý muối 1 lần, giúp trai kháng khuẩn, tránh bệnh tật. Nồng độ muối phải đạt ngưỡng bão hòa mới có thể diệt được rêu mốc, sâu vỏ. Con trai sau 7 tháng nuôi sẽ được xuất bán lại cho công ty thực hiện cấy ghép ngọc; nếu đạt chuẩn nó có trọng lượng từ 10gram trở lên và không bị sâu vỏ.

Người tiên phong nuôi trai lấy ngọc

Với anh Tuấn, cái duyên đến với nghề nuôi trai cũng thật tình cờ. Năm 2012, sau khi thành công với con hàu sữa Thái Bình Dương, tiếng tăm của anh đã được một công ty Nhật Bản chuyên nuôi trai lấy ngọc biết đến. “Họ chủ động liên hệ với tôi, đặt vấn đề nhờ nuôi thí điểm trai giống lấy ngọc. Tôi vốn thích cái mới nên đã nhận lời, bỏ hơn 1 tỷ đồng để đầu tư bè, với hơn 3.000m2.

Phía công ty Nhật cung cấp toàn bộ con giống, mình chỉ việc chăm sóc. Thế nhưng, ban đầu khi mới nuôi, kỹ thuật chưa có, lại không hiểu được con nước triều… nên gặp khá nhiều khó khăn. Có thời điểm giống chết quá nhiều do thiên tai, chán nản tôi tính bỏ nghề nhưng nghĩ lại vì uy tín và là một người Việt nên tôi đã quyết tâm vượt qua”, anh chia sẻ.

Lâu dần, với kinh nghiệm làm nghề nuôi nhiều năm và được sự hướng dẫn của đối tác, anh Tuấn trở thành người nuôi đạt nhất trong số đối tác của Nhật. Đến nay, mỗi tháng trại giống của anh cung cấp cho công ty Nhật Bản từ 500.000 đến 800.000 con trai giống lấy ngọc có trọng lượng từ 17 đến 20gram. Hiện nay, mỗi kg trai giống được bán với giá dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng.

Những thành công trong nghề nuôi trai giúp anh Tuấn có thu nhập ổn định từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên ở thôn Ngọc Diêm. Tuy đã chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng làng để làm, nhưng nghề nuôi trai lấy ngọc khá kén người. Vì vậy, ngoài gia đình anh, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có thêm 2 hộ đang manh nha nuôi thí điểm với số lượng ít.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa : Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên nhiều diện tích đìa được nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chuyển đổi sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, do chuyển đổi tự phát, mạnh ai nấy đầu tư nên việc nuôi ốc hương đang dần mất kiểm soát.

Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Ông Nguyễn Đức Thành (phường Ninh Hải) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3,2 triệu con ốc hương giống trên 8 đìa. Tổng số tiền đầu tư cho ao nuôi, con giống, mua thức ăn cho ốc từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi thu hoạch hơn 1,5 tỷ đồng. Chi phí nuôi ốc hương rất cao, nếu tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lớn, giá cả bấp bênh thì người nuôi rất dễ thua lỗ. Vì vậy, tuy có nhiều đìa nhưng tôi vẫn thận trọng, không dám mạo hiểm đầu tư hết cho con ốc”.

Thận trọng khi nuôi ốc hương

Người dân phường Ninh Hải chuẩn bị ao nuôi ốc hương

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, năm 2016, trên địa bàn thị xã có gần 290ha nuôi ốc hương. Đến năm 2017, nông dân trên địa bàn thị xã đã thả nuôi khoảng 350ha ốc hương, diện tích thả nuôi dự kiến còn tiếp tục tăng. Trong đó, có hàng chục héc-ta được chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi ốc hương; các địa phương có sự chuyển đổi mạnh như: Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Phú, Ninh Ích…
Ông Nguyễn Khiêm, người dân TP. Nha Trang đến thuê đìa tại xã Ninh Ích để nuôi ốc hương cho biết: “Năm trước, tôi thuê 1ha đìa, thả nuôi gần 2 triệu con giống. Sau gần 5 tháng, tôi thu hoạch được hơn 8 tấn ốc thương phẩm. Với giá bán gần 200.000 đồng/kg, tôi thu được khoảng 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 700 triệu đồng”. Theo ông Khiêm, gần đây, nhiều người dân đã cải tạo các đìa nuôi tôm để thả nuôi ốc hương nên diện tích ngày một tăng, khiến nguồn cung cấp con giống cũng khan hiếm. Hiện nay, hầu hết người nuôi ốc hương phải đặt cọc với các chủ trại sản xuất ốc giống trước cả tháng mà vẫn chưa có giống. Vụ năm nay, ông tính thả nuôi 3 triệu con giống, nhưng do nhiều trại nuôi con giống bị chết hàng loạt nên nguồn giống khan hiếm, đẩy giá lên cao.

Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho hay: “Sau nhiều vụ tôm thất bát, khoảng 2 năm trở lại đây, người dân trong xã ồ ạt chuyển sang nuôi ốc hương. Đến nay, diện tích chuyển đổi sang nuôi ốc hương đã lên đến 20ha. Nuôi ốc hương chi phí đầu tư khá lớn, nên chỉ những hộ có tiềm lực kinh tế mới có thể đầu tư nuôi. Vì thế, nhiều diện tích đìa tại địa phương do người ở nơi khác đến thuê nuôi”. Điều khiến ông Khánh lo lắng, đối với những diện tích được chuyển đổi từ tôm sang ốc, người dân chỉ có lãi được 1 – 2 vụ đầu, còn những vụ sau đều khó nuôi, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, địa phương khuyến cáo người dân cần thận trọng khi nuôi ốc hương.

Tại xã Ninh Phú, người nuôi ốc hương cũng đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích chuyển từ tôm sang thả ốc hương bị dịch chết. Ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phú cho hay: “Trên địa bàn hiện có khoảng 20ha nuôi ốc hương, trong đó phần lớn diện tích được chuyển từ tôm sang ốc trong vòng 2 năm trở lại đây. Thời gian qua, trên địa bàn có 10ha ốc hương mới thả chưa đến 30 ngày đã bị dịch chết. Nguyên nhân có thể do môi trường nước, chất lượng con giống không đảm bảo”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Trong quá trình nuôi, nông dân thấy đối tượng nào hiệu quả thì chuyển sang nuôi theo kiểu tự phát. Năm trước, các hộ nuôi tôm thua lỗ, trong khi các hộ nuôi ốc hương trúng, nên năm nay người dân bỏ tôm chuyển sang ốc. Điều khiến chúng tôi lo lắng là thời gian qua, ốc giống của các trại giống có biểu hiện chết hàng loạt; ở một vài vùng nuôi ốc mới thả vài ngày đã bị chết”.

Theo ông Cửu, không phải khu vực nào cũng nuôi được ốc hương, bởi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, kỹ thuật của người nuôi. Trong khi đó, giá ốc hương lên xuống thất thường do đầu ra không ổn định, phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc… Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc hương cho người dân, địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thả nuôi ốc hương, cần phải thận trọng với đối tượng nuôi này do chi phí đầu tư rất lớn.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Trồng trái cây trong nhà kính ở Khánh Hòa

Kim Kim Hoa là trang trại đầu tiên ở Khánh Hòa có mô hình trồng cây ăn trái trong nhà lưới. Đây cũng là trang trại do một phụ nữ còn trẻ làm chủ – đó là chị Nguyễn Kim Hoa, người đã có sáng kiến, ý tưởng và quyết tâm dám nghĩ dám làm để biến vùng đất khô cằn thành một trang trại bạt ngàn cây ăn trái trĩu quả quanh năm, được trồng theo phương thức hoàn toàn sạch…

Nhà kính được đầu tư kỹ lưỡng

Khi bưởi, xoài vào… nhà kính

Nằm ở thôn Xuân Tây (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), cách Quốc lộ 1 khoảng hơn 1,5km, trang trại Kim Kim Hoa giống như một công viên xanh khi được quy hoạch thành từng khu như bàn cờ, có xe điện đưa khách đi tham quan rất tiện lợi. Trang trại rộng hơn 20ha, trồng 2.000 gốc xoài Tứ quý và xoài Úc cùng với hơn 3.000 gốc bưởi da xanh và bưởi đường cho thu hoạch quanh năm. Điểm đặc biệt là xoài và bưởi ở đây được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới nước sạch, không dùng thuốc hóa học khi cây đậu quả. Hiện nay, trang trại đã đầu tư 2 nhà kính với kinh phí tiền tỷ, mỗi nhà kính có diện tích 5.000m2. Chị Kim Hoa cho biết: “Làm nhà kính đòi hỏi kinh phí lớn nhưng bù lại quy trình trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, tránh được tác động xấu của môi trường, cây cho trái chất lượng và hoàn toàn sạch. Trang trại cũng đang phát triển thương hiệu bưởi da xanh Vạn Hưng với giống bưởi cho trái to, vỏ mỏng, cùi dày, thơm ngon. Xoài Tứ quý và xoài Úc cũng vậy, được chăm bón kỹ nên chất lượng tốt, ra trái quanh năm, được nhiều khách hàng ưa chuộng”.

Một góc trang trại Kim Kim Hoa

Đi giữa trang trại xanh, ngắm nhìn những gốc bưởi, xoài trái sai lúc lỉu, chúng tôi thật sự mãn nhãn và khâm phục cách làm khoa học của chị Kim Hoa – người đã thấy được tiềm năng của vùng đất Vạn Hưng và đeo đuổi dự án này. Trải qua nhiều khó khăn, giờ đây chị đã xây dựng được một trang trại sạch đúng nghĩa. Hiện tại, nông sản trang trại làm ra không đủ cung ứng cho thị trường nên dù đã có 2 doanh nghiệp nước ngoài đề nghị xuất khẩu nhưng chị vẫn chưa dám nhận bởi đối tác nước ngoài yêu cầu nguồn hàng lớn và ổn định. Do vậy, trước mắt, nông sản của trang trại vẫn chỉ tiêu thụ tại các trung tâm cung ứng nông sản sạch ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại Nha Trang. Chị Hoa còn cất công tìm những loại giống cây ăn trái ngon, lạ, sản lượng cao để nhân giống và phát triển như: thanh long ruột đỏ, cam xoàn, mít ruột đỏ, ổi không hạt… Không chỉ vậy, ngoài cây ăn quả, hàng nghìn cây gỗ quý như: thiên ngân, gõ đỏ, lát hoa, gió bầu… đã cao lớn và được những bụi tiêu leo bám từ gốc đến ngọn cũng sẽ là nguồn thu rất lớn từ trang trại này. Đưa những loại cây này vào trang trại cũng là cách để chắn gió và tạo rừng bởi theo chị Hoa, rừng giữ vai trò chủ đạo trong mối quan hệ tương tác giữa sinh vật với môi trường, có sự liên quan mật thiết với cuộc sống của con người. “Thời gian gần đây, đồng bào miền Trung thường chịu cảnh thiên tai lũ lụt, mình thấy xót xa lắm, suy cho cùng nguyên nhân sâu xa cũng do vấn đề chặt phá rừng bừa bãi. Bởi vậy, tôi muốn vừa trồng cây ăn trái vừa trồng rừng, làm kênh thoát lũ với mục đích là bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái…”, chị Hoa chia sẻ.


Những căn nhà chòi thơ mộng bên bờ ao.

Phát triển du lịch nhà vườn

Tham quan trang trại Kim Kim Hoa, nhiều người có cảm giác như đang đi du lịch nhà vườn ở miền Tây khi được thỏa thích ngắm vườn cây trái sai trĩu quả, được hái trái và thưởng thức bưởi, xoài tươi ngon… ngay tại chỗ. Ý tưởng làm trang trại kết hợp với phát triển du lịch nhà vườn cũng đang được chị Kim Hoa xây dựng và dần hoàn thành khi chị đang đầu tư thêm nhiều hạng mục phục vụ cho nhu cầu của khách. Bên những chòi gỗ dựng sát ao xanh, du khách có thể câu cá thư giãn, nghỉ ngơi sau khi đi tham quan vườn cây ăn trái. Điều khiến du khách thích thú nhất có lẽ là tự mình thu hoạch, tận tay hái những trái bưởi da xanh căng bóng, những trái xoài to hay những quả thanh long chín mọng… trong vườn. Những trải nghiệm làm vườn và thưởng thức nông sản sạch sẽ làm cho du khách thêm yêu nơi này khi được hòa mình vào thiên nhiên, hòa mình với không khí làm việc, vun trồng, chăm bón từng gốc cây của những người làm vườn…

Xoài và bưởi vừa mới thu hoạch

Chị Kim Hoa chia sẻ thêm: “Tôi nhận thấy rất nhiều du khách có nhu cầu thích khám phá mô hình nhà vườn như thế này. Bởi vậy, nhà vườn Kim Kim Hoa trong tương lai gần sẽ có đầy đủ những yếu tố đáp ứng thị hiếu khách hàng mà vẫn giữ được nét độc đáo của trang trại sạch. Hiện tại, tôi đã làm việc với một số công ty lữ hành ở Nha Trang về kế hoạch kết hợp dẫn tour đến trang trại”. Có thể thấy tâm huyết của người phụ nữ này khi chị dồn hết sức vào dự án làm tour du lịch vườn. Theo chị, đó không đơn thuần chỉ giới thiệu cho du khách biết về trang trại Kim Kim Hoa mà còn để mỗi người sẽ được truyền cảm hứng lao động, sự sáng tạo khi được tận mắt chứng kiến cả một vùng đồi núi khô cằn năm nào giờ đã là một trang trại xanh và sạch. Điều đó chứng tỏ khi có sức mạnh và niềm tin, dám nghĩ dám làm, không gì là không thể thực hiện được. Giống như chị Kim Hoa – từ một kỹ sư xây dựng rẽ ngang vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng đã thành công từ mô hình này, bắt đầu từ quyết tâm phải tạo ra nông sản sạch cho người Việt, vì người Việt.


Du khách thích thú tham quan vườn bưởi da xanh

Tết này, những quả bưởi, xoài… mang thương hiệu Kim Kim Hoa lại tỏa đi khắp mọi vùng, mọi miền, mang hương vị ngọt ngào đến mọi nhà. Sẽ là niềm tự hào của người dân Vạn Hưng khi trái cây của vùng đất này đã và đang dần trở thành thương hiệu được nhiều người ưa chuộng. Và cũng không lâu nữa, trang trại Kim Kim Hoa sẽ trở thành một điểm đến thú vị – nơi có thiên nhiên hiền hòa, cảnh vật thơ mộng và những vườn cây trái sum suê, cho trái ngọt bốn mùa…

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Săn cua biển giống

Cua biển khai thác tự nhiên được nhiều hộ chọn để thả nuôi nên giá khá cao. Điều này đã kích thích hàng chục hộ dân sống ven các cánh rừng ngập mặn đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xuyên đêm săn cua biển giống.

Theo chân ông Nguyễn Văn Phai (thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích) đi săn cua biển giống, chúng tôi được ông cho biết: “Nghề săn cua biển giống gần như hoạt động quanh năm, chỉ trừ thời điểm mưa bão. Cua giống xuất hiện dày nhất vào khoảng tháng Chạp năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Các tháng khác, tùy theo điều kiện thời tiết mà cua giống có ít hay nhiều”. Nghề săn cua biển gắn liền với những cánh rừng ngập mặn ven đầm. Tuy nhiên, sau “cơn lốc” đìa tôm, rừng ngập mặn mất dần, nghề săn cua biển cũng biến mất. Mấy năm gần đây, khi rừng ngập mặn được phục hồi một phần, các loài thủy sản về trú ngụ, sinh sản, nghề săn cua biển dần phục hồi. Ban đầu chỉ có 5 – 7 người, hiện nay mỗi đêm có đến 30 – 40 người dân các địa phương: Ninh Ích, Ninh Hà, Ninh Lộc đi bắt cua biển giống.

Gặp chúng tôi trên bãi triều ngập nước, ông Nguyễn Văn Tuấn, một người săn cua chia sẻ: “Dụng cụ của người đi săn cua chỉ có chiếc xuồng nhỏ, bình ắc quy, đèn pha, vợt… Việc bắt cua giống diễn ra khi thủy triều rút hoặc vừa chớm lên, độ sâu mực nước chừng 0,3 – 0,4m, còn sâu hơn rất khó phát hiện bởi cua nằm lẫn trong đám rong, bùn đất. Chúng tôi thường bơi xuồng ra đầm lúc chập tối đến 1 – 2 giờ sáng mới quay về”.

Sau 6 giờ lướt ghe trên bãi triều ven rừng ngập mặn, căng mắt theo ánh đèn soi đến tận đáy đầm, ông Phai bắt được 120 con cua giống. “Tùy theo ngày và con nước mà lượng cua bắt được khác nhau, ít thì mỗi người bắt được từ 70 đến 100 con/đêm, may mắn gặp hôm cua nhiều thì bắt được 200 – 300 con/đêm. Cách đây vài ngày, tôi bắt được gần 300 con. Nhiều đêm tôi còn bắt được cua thịt kích cỡ chừng 0,3 – 0,4kg/con”, ông Phai cho hay.

Nghề săn cua biển giống

Cua giống bắt được, người dân bán cho các chủ đìa nuôi, trung bình 1 con giá 4.000 đồng. Với mức giá này, nhiều người dân ven đầm Nha Phu có một khoản thu hấp dẫn, thậm chí có người kiếm tiền triệu mỗi đêm.

Lý giải về nguyên nhân cua giống được bán với giá cao như hiện nay, ông Trần Văn Thừa (phường Ninh Hà), một người săn cua giống cho hay: “Khoảng 5 năm trở lại đây, khi cua biển ngày càng được giá, phong trào nuôi cua biển, nhất là nuôi cua biển kết hợp nuôi tôm được nhiều hộ dân triển khai. Điều này dẫn đến nhu cầu mua cua giống ngày càng cao. Nhiều hộ nuôi không mua cua giống từ các cơ sở sản xuất giống (giá 600 đồng/con) mà đặt mua cua giống từ chúng tôi. Nguyên nhân chủ yếu là cua giống tự nhiên, săn trên đầm Nha Phu có kích cỡ lớn hơn, thích nghi tốt, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi thấp”.

Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, nghề săn cua biển giống mang lại thu nhập khá cao cho một số hộ dân địa phương. Nghề này gắn liền với sự phục hồi của những cánh rừng ngập mặn ven đầm Nha Phu. Những năm gần đây, người dân thấy được lợi ích từ rừng ngập mặn nên đã tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng, nhờ đó, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã đã phát triển lên hơn 50ha.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, hiện nay, nghề nuôi cua biển trên địa bàn thị xã đang phát triển nhanh, diện tích hiện có hơn 145ha. Nguồn giống chủ yếu là cua giống khai thác từ đầm Nha Phu, một phần được người nuôi mua từ các trung tâm sản xuất giống cua. Nghề săn cua giống đã giúp các hộ nuôi cua trên địa bàn chủ động được phần lớn nguồn giống thả nuôi.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Làm giàu ở nông thôn: Trang trại tổng hợp, nuôi con, trồng cây gì cũng lãi khá

Hơn 2 năm triển khai mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi gia đình anh Ngô Tùng Lam (thôn Tân Lâm, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Mô hình này đang được địa phương khuyến khích nhân rộng.

Bỏ nghề chăn vịt… chuyển sang làm trang trại

Trên 22 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, anh Ngô Tùng Lam nhận thấy nghề này rất vất vả phải chạy đồng khắp nơi. Cứ nghe thông tin cánh đồng nào có gặt lúa là anh tìm đến để hỏi cho đàn vịt trú chân, mỗi khi đến mùa hạn là anh lại càng lo lắng hơn vì không có nước cho đàn vịt ăn, vịt tắm. Khắc nghiệt hơn giá cả trứng bán ra bấp bênh, chính vì đó mà nhiều năm lam lũ với đàn vịt gia đình anh cũng chẳng “đút túi” được đồng nào. Thời gian này anh muốn từ bỏ nghề nuôi vịt để tìm sang một nghề khác có thu nhập ổn định hơn.

Anh Lam phát triển kinh tế từ mô hình tổng hợp

Trong một lần tình cờ, anh Lam xem trên tivi thấy giới thiệu nhiều mô hình trang trại vừa hay, lại có hiệu quả. Kể từ đây anh nắm bắt thông tin và tìm đến các nơi như Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh để học tập. Sau khi bán đi đàn vịt anh quyết định chuyển sang trồng xoài, vườn xoài đang phát triển tốt thì gặp những đợt hạn hán kéo dài làm cho vườn xoài chết gần hết. Phá bỏ vườn xoài, anh tiếp tục nghiên cứu đầu tư trồng cây mít, bưởi, chuối và đu đủ.

Năm đầu tiên cho mang lại doanh thu 100 triệu đồng

Dẫn chúng tôi đi quanh khu vực trồng cây ăn quả và kết hợp với chăn nuôi lợn rừng lai, gà, bồ câu, anh Ngô Tùng Lam cho biết, trang trại của anh năm vừa rồi mang lại doanh thu 100 triệu đồng, nguồn vốn này giúp anh có thêm nghị lực để phát triển và nhân rộng mô hình.

Với 2ha diện tích của mình, anh đã trồng 200 gốc mít, 200 gốc chuối mốc, 400 gốc đu đủ và trên 250 gốc bưởi da xanh. Anh Lam khoe, đu đủ là loại cây đang cho thu nhập cao nhất, vụ vừa rồi đu đủ chăm sóc bài bản nên cho ra từ 50 – 60 quả/cây, mỗi quả nặng từ 1- 2,5kg.

Cây mít cho ra trĩu quả

Cứ 7- 10 ngày cho thu hoạch một đợt, năng suất đạt 1 tạ/lần, giá bán dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm bán 15.000 đồng/kg. Chỉ tay vào vườn mít anh cho hay, mít mới vừa cho thu hoạch vụ đầu tiên nhưng năng suất rất cao  đạt 4 tấn, giá bán tại vườn 10.000 – 15.000 đồng/kg. Còn riêng vườn bưởi anh dự định khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch.

Tại phiên chợ nông sản Ninh Hòa 2017 vừa rồi, anh đã xuất bán trên 6 tạ đu đủ và chuối mốc. Những sản phẩm nông sản của anh được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.

Ngoài phát triển cây ăn quả, anh nuôi trên 35 con lợn rừng lai, cách đây khoảng 1,5 tháng anh xuất bán 1 đợt 20 con, giá bán thịt bình quân 100.000 đồng/kg, thu nhập trên 16 triệu đồng.

Tận dụng không gian trong vườn anh tiếp tục thả nuôi 40 con bồ câu lai, hơn 50 con gà để tăng thêm thu nhập. Theo anh, chỉ vài năm nữa  trang trại sẽ cho thu nhập tăng thêm gấp 3- 4 lần so với hiện tại.

Vườn cây của anh đã đào ao dự trữ nước tưới cho mùa hạn nên không còn lo lắng về nước tưới nữa. Thành công nhưng không giữ bí quyết cho riêng mình, mà anh sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được cho bà con sản xuất trong thôn để phát triển kinh tế.

Ông Trương Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa cho biết, mô hình của hộ anh Lam có rất nhiều triển vọng, sản phẩm được các thương lái bao tiêu ngay tại chỗ nên đầu ra rất yên tâm. Cá nhân anh Lam rất chịu khó làm ăn, tích cực công tác hội và đặc biệt chịu khó học hỏi về kỹ thuật làm cây ăn quả và chăn nuôi. Hội đang khuyến khích các hội viên, nông dân tham gia tìm hiểu học tập mô hình vườn đồi này.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa: Phấn đấu hoàn thiện đúng lộ trình chương trình Nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới (NTM) tại Khánh Hòa đang gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực từ nhiều phía, 9 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2017 đang hoàn thiện nốt những phần việc cuối cùng để về đích theo đúng lộ trình vào tháng 11/ 2017.

Thu hoạch lúa ở Cam Lâm – Khánh Hòa.

Theo kế hoạch, 9 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017 gồm: Vạn Phú, Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh), Ninh Bình, Ninh Đông, Ninh Hưng (thị xã Ninh Hòa), Diên Toàn, Diên Hòa (huyện Diên Khánh), Cam Hiệp Bắc, Cam Hòa (huyện Cam Lâm). Tính đến tháng 8/2017, hầu hết các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản đã được 9 xã này hoàn thành hoặc sắp hoàn thành. Tất cả các xã đã đạt những tiêu chí quan trọng và khó như thu nhập, hộ nghèo, tạo nền móng cho mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của cư dân NTM.

Ở các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản, hay còn gọi là các tiêu chí “cứng”, xã Vạn Phú dự kiến đến cuối tháng 9, công trình trường học và cơ sở vật chất văn hóa của xã sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, hoàn tất 19/19 tiêu chí. Tương tự ở xã Xuân Sơn, công trình trường học cũng đang được gấp rút hoàn thiện để có thể đưa vào sử dụng vào đầu tháng 10. Còn tại Ninh Đông, công trình hạ tầng thương mại nông thôn (chợ) và công trình thuộc lĩnh vực cơ sở vật chất văn hóa cũng đang được thi công và hoàn thành trong năm 2017.

Tại xã Cam Hòa, các hạng mục công trình thuộc lĩnh vực giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đều đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành sớm. Riêng 2 xã Ninh Hưng và Cam Hiệp Bắc, ngoài các công trình đang thi công, 2 xã này đang chờ kinh phí tỉnh cấp hỗ trợ khoảng 3,37 tỷ đồng để đầu tư cứng hóa 3 tuyến đường nội đồng. Về vấn đề này, trong cuộc họp Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh ngày 6/9 vừa qua, đồng chí Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư khẩn trương phân bổ kinh phí cho 2 xã này hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đạt chuẩn.

Như vậy, đến thời điểm này các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản của 9 xã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2017 đã cơ bản hoàn tất. Hiện nay, chính quyền các cấp và các sở, ngành đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí như: y tế, hệ thống chính trị. Đây là những chỉ tiêu “mềm” trong chương trình xây dựng NTM, không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư.

Theo ông Huỳnh Quang Thành – Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh, so với trước đây, các tiêu chí xây dựng NTM hiện nay có mức độ cao hơn, khó hơn. Chẳng hạn, ở chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong tiêu chí y tế, trước đây yêu cầu từ 70% trở lên, bước sang năm 2017 đòi hỏi phải đạt từ 85% trở lên. Đặc biệt, các xã đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu phải có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã trong tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Trong số 9 xã đặt mục tiêu đạt chuẩn trong năm 2017, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của Xuân Sơn mới đạt 81%, Ninh Đông 82,2% và Ninh Hưng 81,4%. Từ nay đến cuối năm, 3 xã này sẽ tập trung tuyên truyền, vận động để nâng cao tỷ lệ này lên ít nhất 85%. Có 3 xã chưa có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt theo quy định gồm: Ninh Bình, Ninh Đông và Diên Hòa. Ngoài ra, còn một số xã có cán bộ chưa đạt chuẩn chuyên môn. Theo các xã này, việc quy hoạch cán bộ cần có thời gian, trong khi quy định chuẩn NTM trước đây và bây giờ thay đổi đột ngột, khiến các xã trở tay không kịp. Một số xã đã quy hoạch nữ cán bộ vào chức vụ chủ chốt cấp xã, nhưng trong quá trình bầu cử các vị trí này không trúng cử, nên rất khó hoàn thành tiêu chí số 18.

Như vậy có thể thấy, 9 xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2017 đều đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí theo quy định. Chỉ còn một số chỉ tiêu cũng đã được UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương tập trung hoàn thiện, quyết tâm đến tháng 11 năm nay, 9 xã này sẽ được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.

Nguồn: baomoi được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Triển khai mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đang triển khai hỗ trợ mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, cây trồng có giá trị kinh tế cao này sẽ đâm chồi nảy lộc và thêm chọn lựa về cây trồng cho nông dân Khánh Hòa.

Cây măng tây

Cây trồng có thu nhập khá

Người ta gọi là măng Tây do có nguồn gốc từ phương Tây nhằm để phân biệt với “măng ta” như: măng tre, măng nứa… Măng Tây là một loại cây trồng lâu năm để thu hoạch chồi non, loại rau có giá trị dinh dưỡng cao và mang dược tính nên được thị trường trong và ngoài nước rất chuộng. Cây măng Tây du nhập vào Việt Nam từ gần 60 năm trước. Hiện nay đã trở thành cây trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân.

Theo tính toán, cứ sau khoảng 4 tháng trồng là măng Tây đã cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày, thời gian thu hoạch thường từ 8 đến 10 tháng mỗi năm và kéo dài trong 8 – 10 năm mỗi đợt xuống giống. Mỗi sào măng Tây (1.000m2) ở độ trưởng thành cho thu hoạch trung bình 10kg măng/ngày. Với giá bán bình quân là 50 nghìn đồng/kg, mỗi ngày sau khi trừ các chi phí, nông dân có thể bỏ túi tới 300 nghìn đồng. Đó là một mức thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, măng Tây với đặc tính sinh trưởng theo kiểu thay thế, cây măng con khỏe mạnh liên tục được sử dụng để thay thế cây măng mẹ nên công tác chăm sóc, cắt tỉa, chọn cây thay thế được thực hiện một cách thường xuyên, đòi hỏi mức độ tỉ mỉ, dày công của người trồng. Ngoài ra, măng Tây thích hợp với địa hình cao ráo, đặc biệt là ở những bãi bồi phù sa, thường là ven sông, suối; tuy nhiên, đây lại là những nơi dễ bị ngập úng vào mùa mưa nên không dễ tìm kiếm được các khu vực đáp ứng đồng thời được các đòi hỏi này. Ngoài ra, giá giống cây măng Tây khá cao. Hiện nay, mỗi gốc giống được bán với giá 10 nghìn đồng, mỗi hạt giống là 6 nghìn đồng. Mỗi héc-ta măng Tây, nông dân phải bỏ ra số vốn hàng trăm triệu đồng về giống, phân bón. Đặc biệt, măng Tây thường già đi một cách nhanh chóng và giảm hẳn giá trị, thậm chí là trở thành phế phẩm nếu không tuân thủ tốt các đòi hỏi về bảo quản sau thu hoạch.

Mô hình măng Tây từng được trồng tại Khánh Hòa

Trông chờ từ mô hình điểm

Theo ông Đào Đình Cương – Trưởng phòng Khuyến nông Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực hiện kế hoạch năm 2017, trung tâm tiến hành hỗ trợ cho 1 mô hình trồng măng Tây trên diện tích 4.500m2 của hộ ông Phan Đình Thành tại xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động khuyến nông sẽ hỗ trợ 70% chi phí giống và 30% chi phí vật tư phân bón, với số tiền hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng. Nông dân bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để trồng khoảng 10 nghìn gốc măng Tây trên diện tích đó. Theo ông Nguyễn Tiến – Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa, hiện nay, người dân đã hoàn tất việc chuẩn bị đất, dự kiến trong tháng 8 sẽ tiến hành xuống giống.

Được biết, cây măng Tây đã được trồng thử nghiệm tại Khánh Hòa vào các năm 2012, 2013 và 2014, nhưng chưa mang lại thành công như mong đợi. Nguyên nhân chính được cơ quan chuyên môn rút ra là do kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc loại cây này của nông dân chưa thực sự đầy đủ.

Ông Đào Đình Cương cho biết, trong ít ngày tới, công tác tập huấn kỹ thuật trồng măng Tây sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại Ninh Hòa. Và với tính chất của một mô hình điểm, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt quá trình thử nghiệm. Trung tâm coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên trong quá trình triển khai mô hình. Đồng thời, ngoài 4.500m2 kể trên, trong thời gian tới, diện tích trồng măng Tây sẽ tiếp tục được khuyến khích mở rộng nhằm đáp ứng đủ số lượng thu hoạch mỗi ngày theo yêu cầu của các đơn vị thu mua. “Tại tỉnh Ninh Thuận, phong trào chuyển đổi sang trồng măng Tây đang phát triển và mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân. Măng Tây đạt chất lượng và số lượng đang được nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức thu mua để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khánh Hòa cũng đã tiếp cận được với các doanh nghiệp này nên người nông dân không lo về đầu ra”, ông Cương khẳng định.

Hy vọng mô hình này sẽ mang lại thành công, mở ra hướng đi mới cho cây trồng ở khu vực lân cận và xa hơn là triển khai diện rộng ở những khu vực thích hợp trên toàn tỉnh.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản, chống dịch bệnh lây lan luôn được ngành thủy sản quan tâm, khuyến cáo. Tuy nhiên, tại tỉnh Khánh Hòa thời gia gần đây xuất hiện ở nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản người dân thải ra môi trường thủy sản chết, không xử lý đúng quy định khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Khánh Hòa nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Thời gian gần đây tại xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) xảy ra tình trạng ốc hương nuôi chết hàng loạt; khi đó không khó để bắt gặp những bao tải chứa ốc vứt bên vệ đường, cạnh mương nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hỏi chuyện các hộ nuôi ốc gần đó mới biết, khi xảy ra hiện tượng ốc chết, người nuôi chỉ lo tìm cách cứu chữa cho ốc mà không quan tâm đến việc xử lý ốc chết, họ cứ tìm chỗ nào trống là vứt ốc, không đưa đi xử lý đúng quy định.

Hay tại vùng nuôi cá bớp ở Hòn Lăng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) xuất hiện tình trạng cá bớp chết liên tục. Hỏi người dân về cách xử lý cá chết, ông P.T.T. – người nuôi cá tại đây cho biết: “Trong vòng 1 tháng qua, cá bớp của gia đình tôi chết hơn 1.500 con. Khi phát hiện cá chết, tôi vớt lên và vứt luôn xuống biển ngay cạnh bè chứ không biết xử lý cách gì”. Theo ông T., cả vùng nuôi này bè nào cũng vậy. Bởi cá chết cả tấn, có mang vào bờ cũng không biết chôn ở đâu. Còn ngoài biển rộng lớn, việc vứt vài ba tấn cá chắc cũng không ảnh hưởng gì. Bởi vậy, có hộ khi cá chết trắng lồng thì xả tất cả ra biển, kéo lồng lên rồi về bờ.

Được biết những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều lớp tập huấn, thông tin về Thông tư 04 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản cho người dân. Các yêu cầu về khu cách ly và hố xử lý động vật thủy sản; quy trình xử lý, vận chuyển động vật thủy sản chết đến hố xử lý; tiêu hủy bằng hóa chất cũng đã được hướng dẫn đến người dân ở các vùng nuôi. Qua đó, nhằm giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, có các biện pháp kỹ thuật tiêu hủy động vật thủy sản khi mắc bệnh, chết nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vùng nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng của người dân còn nhiều hạn chế.

Theo ông Phạm Duy Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, một trong những khó khăn lớn trong nuôi trồng thủy sản hiện nay là ý thức cộng đồng của người nuôi. Một khi có dịch bệnh xảy ra, người dân không thu gom xử lý, xả ra môi trường sẽ rất dễ lây lan ra toàn vùng nuôi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Để phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, người dân cần có ý thức cộng đồng, từ khâu cải tạo ao đìa, thả giống, xử lý dịch bệnh… Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đang vận động người dân thành lập các tổ cộng đồng vùng nuôi, cùng thả giống, cùng tổ chức sản xuất đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 diễn biến khá phức tạp; các đối tượng nuôi như: cá bớp, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương… chết ở nhiều vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Một số vùng nuôi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao do nguồn nước bị ô nhiễm. Chi cục đã tích cực khuyến cáo đến người nuôi các biện pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi. Chỉ tính riêng đối tượng tôm nước lợ, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, chi cục đã dập 41 ổ dịch trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Nguồn: bao Khanhhoa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam