Hiện tượng nước biển nóng lên làm kích cỡ cá biển giảm

Kích cỡ cá biển dự kiến sẽ giảm từ 20% đến 30% nếu nhiệt độ nước biển tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đã đưa ra một giải thích sâu hơn về lý do tại sao cá dự kiến ​​giảm kích thước.

Phó giáo sư William Cheung, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, các loài cá không thể điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể của chúng, khi môi trường nước nóng lên, sự trao đổi chất của chúng sẽ tăng lên và chúng cần thêm oxy để duy trì các chức năng của cơ thể.

Daniel Pauly, tác giả chính của nghiên cứu này và là nhà nghiên cứu chính của Sea Around Us tại Viện Hải dương học, cho biết khi cá phát triển đến độ trưởng thành, nhu cầu oxy tăng lên vì khối lượng cơ thể của chúng lớn hơn. Tuy nhiên, diện tích bề mặt của mang cá – nơi nhận oxy – không phát triển ở tốc độ giống như phần còn lại của cơ thể. Theo ông, nhóm nguyên tắc này giải thích tại sao cá dự kiến giảm kích cỡ.

Chẳng hạn, khi một con cá giống như cá tuyết có tăng trọng lượng cơ thể đạt đến 100%, thì mang cá chỉ tăng đến 80% hoặc ít hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quy luật sinh học này củng cố dự báo kích thước cá sẽ giảm và thậm chí còn nhỏ hơn so với các nghiên cứu trước đây.

Nước nóng lên làm nhu cầu oxy của cá tăng nhưng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến lượng oxy ít hơn trong các đại dương. Điều này có nghĩa là mang cá sẽ nhận ít oxy hơn để cung cấp cho cơ thể đang phát triển với tốc độ nhanh. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này buộc cá ngừng phát triển và dừng lại ở kích thước nhỏ hơn để có thể đáp ứng nhu cầu với lượng oxy giảm.

Một số loài có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự kết hợp của các yếu tố này, trong đó có cá ngừ.

Kích cỡ cá giảm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản cũng như sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Bình Định: Nâng tầm tôm nuôi công nghệ cao

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi tôm, đã và đang được một số doanh nghiệp ở Bình Định thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kiểm tra hàm lượng ôxy trong ao nuôi tôm của Công ty Thủy Sản Xanh

Nuôi tôm gắn máy… lạnh

Không giống cách đầu tư nuôi tôm thường thấy, khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao rộng gần 8 ha của Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh tại thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, Phù Cát được xây dựng tường rào kiên cố; người và phương tiện ra vào khu nuôi tôm đều được tiêu độc, khử trùng. Mọi hoạt động trong khu nuôi tôm được giám sát bởi hệ thống camera và các thiết bị hiện đại khác được lắp đặt tại nhà điều hành gần cổng ra vào.

Chủ doanh nghiệp Phan Đắc Uy dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi tôm và giới thiệu quy trình đầu tư: Năm 2015, Công ty xây dựng 7 hồ và đến nay số hồ nuôi tôm đã tăng 17 hồ. Mỗi hồ rộng 2.500 m2, sâu 2 – 2,6 m đều được xây dựng bằng bê tông xi măng, đáy hồ được trải bạt bằng cao phân tử tổng hợp. Nước trong hồ được xử lý bằng vi sinh và luôn hiện diện vi khuẩn có lợi với mật độ cao, có khả năng đồng hóa chất thải hữu cơ (trong đó có thức ăn và chất thải tôm nuôi), chuyển thành sinh khối của vi khuẩn rất giàu protein. Các vi khuẩn có lợi được giữ lơ lửng trong nước và kết dính với nhau thành những hạt nhỏ, gọi là hạt floc. Trên hạt floc, ngoài các vi khuẩn có lợi, còn có nhiều sinh vật khác, như nấm, tảo, động vật phù du, có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn tốt cho tôm, nên đã giảm được khoảng 30% lượng thức ăn cho tôm hàng ngày.

Nước trong ao luôn có màu vàng rơm và luôn chuyển động để hạt floc trôi theo nước. Trước đây ông Uy thả tôm giống với mật độ 400 con/m2, nhưng nay đã tăng lên 600 con/m2, tỷ lệ tôm sống 98%. Mỗi hồ được trang bị máy sục khí và hệ thống máy làm lạnh hoạt động liên tục, nhằm đảm bảo nước luôn ở nhiệt độ 280C. Sau khoảng 2 tháng thả nuôi, ông thu tỉa 30 – 40% tổng lượng tôm thả nuôi, đảm bảo tôm trong hồ phát triển tốt nhất, vừa có chi phí tiền thức ăn, tiền điện… Một tháng sau, tiến hành tháo nước sang hồ chuyên chứa nước để thu hoạch tôm nuôi, sau đó lại đưa nước trở lại hồ cũ để thả tôm vì nguồn nước cũ rất có giá trị. Với cách nuôi này, vấn đề môi trường xanh, sạch luôn được đảm bảo, tôm nuôi rất an toàn. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm Công ty cho doanh thu 6 – 8 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chi nhánh Bình Định 3 tại xã Mỹ An và Công ty CP Việt – Úc Bình Định tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) cũng đã thành công trong sản xuất tôm giống thẻ chân trắng bằng công nghệ cao. Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc Công ty CP Việt – Úc Bình Định cho biết, khu nuôi tôm giống cao nghệ cao khép kín của Công ty luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tôm bố mẹ được nhập từ Mỹ và Australia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đầu tư các hiện đại để xử lý nước trước khi thả tôm bố mẹ và sản xuất tôm giống. Trong quá trình nuôi, không dùng bất kỳ một loại hóa chất, kháng sinh nào mà chủ yếu sử dụng tảo, ấu trùng làm thức ăn, đảm bảo môi trường cho tôm post phát triển tốt nhất. Tôm giống do Việt – Úc sản xuất và cung cấp đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của người dân. 6 tháng đầu năm 2017, Công ty cung cấp 609,219 triệu con tôm giống cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Theo các doanh nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao giúp chủ đầu tư chủ động hoàn toàn về lịch thời vụ, con giống, mật độ tôm thả nuôi, chăm sóc và thu hoạch. Sản lượng tôm nuôi và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với với nuôi tôm truyền thống. Với quy trình đầu tư, xử lý nguồn nước và thức ăn, chất thải tôm nuôi, đặc biệt, mô hình này không gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Phát triển vùng nuôi

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, diện tích mặt nước sử dụng nuôi tôm phân tán và nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn nữa, kinh phí đầu tư và ý thức cộng đồng trong nuôi tôm cũng như công tác quản lý dịch hại còn hạn chế, nên thu nhập từ tôm nuôi rất bấp bênh. Lượng thức ăn thừa và chất thải tôm nuôi hàng năm chưa được xử lý đang gây ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi.

Với quyết tâm phát triển bền vững ngành nghề nuôi, tỉnh Bình Định đã quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), diện tích 460 ha, tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát), diện tích 150 ha; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tại các vùng nuôi đã quy hoạch.

Tại xã Mỹ Thành, Công ty CP Việt – Úc Bình Định đang triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao khép kín trên diện tích 300 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Còn tại xã Cát Thành, Công ty TNHH Thành Ly cũng đã thực hiện dự án nuôi tôm công nghệ cao với vốn đầu tư hơn 284 tỷ đồng trên diện tích 48 ha. Ngoài ra, Công ty TNHH Nam Việt Bình Định, Công ty TNHH Thành Hiệp; Công ty TNHH Thạnh Vân, Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh cũng đã hoàn thành các thủ tục cần thiết chuẩn bị thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao tại xã Cát Thành.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Sử dụng chế phẩm sinh học (hay còn gọi men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản được xem là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong ao, giảm thiểu tình trạng vật nuôi bị nhiễm bệnh, gia tăng sản lượng…

Thu hoạch tôm tại vùng nuôi xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)

Gần 1 năm nay, ông Nguyễn Đăng Nhân, chủ đùng tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã sử dụng chế phẩm sinh học trong các ao nuôi tôm thẻ. So với việc sử dụng kháng sinh hay hóa chất, việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp tôm hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Chi phí sử dụng chế phẩm sinh học cũng thấp hơn, chưa đến 1 triệu đồng/ao nuôi, trong khi sử dụng kháng sinh chi phí lên đến 4-5 triệu đồng/ao nuôi. Sản phẩm tôm thương phẩm khi xuất bán luôn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.

Tại phường 12, TP.Vũng Tàu, hiện đã có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học. Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ đùng tôm ở địa chỉ 1708 đường 30-4, phường 12 cho biết: Với mô hình nuôi tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học, trước khi nuôi phải cải tạo ao đầm. Sau đó, sử dụng chế phẩm sinh học để tạo môi trường, giúp tôm khỏe, hay ăn, chóng lớn, tăng sức đề kháng, chất lượng tôm ngon hơn, sản lượng tăng 20% so với mô hình nuôi tôm thông thường.

Theo ông Vũ Đức Chính, Trạm phó Trạm Khuyến ngư huyện Xuyên Mộc, chế phẩm sinh học là những vi sinh vật có lợi, sống ở trong nước. Những vi sinh vật này khi sống ở trong nước sẽ tiết ra chất xúc tác sinh học giúp phân hủy các chất hữu cơ độc hại, chất thải dư thừa trong ao, giúp ao nuôi được sạch hơn. Khi sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh hoặc hóa chất có thể hạn chế được việc ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý, không được sử dụng chế phẩm sinh học cùng với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như thuốc tím, Chlorine, i-ốt, kháng sinh; đồng thời không được sử dụng khi các chất trên đang hiện diện trong môi trường nước hay trong thân tôm. Ngoài ra, chế phẩm sinh học thực chất cũng là vi sinh vật, vì vậy không nên sử dụng quá mức cho phép, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh oxy trong ao nuôi, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của vật nuôi. Người nuôi phải thường xuyên theo dõi khay thức ăn và kiểm tra bùn đáy ao để xử lý liều vi sinh thích hợp.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Vạn Ninh: Người dân nuôi sò mai tự phát

Với giá trị kinh tế khá cao của sò mai (còn gọi là sò biên mai, thuổng), hàng chục hộ ở các xã ven biển huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã mua giống về nuôi. Do tự phát nên người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật, nguồn giống và đầu ra.

Nuôi tự phát

Ông Trần Văn Bảy (xã Vạn Khánh) cho hay: “Sò mai là loại sò biển hình tam giác, to cỡ bàn tay người lớn, sống dưới lớp bùn đáy biển. Trước đây, tôi đi lặn biển, thấy sò mai thì bắt về ăn, có bán cũng không được bao nhiêu tiền. Mấy năm gần đây, sò mai được thương lái thu mua với giá cao nên nhiều người đổ xô khai thác. Một số hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương đặt mua sò mai loại nhỏ về làm giống để nuôi. Hiện nay, có rất nhiều hộ nuôi sò mai trên khắp các vùng biển: Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Thọ, Vạn Hưng…”.

Ông Đặng Trung Diễn (xã Vạn Khánh) kể: “Từ trước đến nay chưa có ai nuôi loại thủy sản này. Nghề nuôi sò mai chỉ mới xuất hiện ở địa phương từ tháng 2 năm nay, vụ nuôi đầu tiên đến nay vẫn chưa thu hoạch. Vào thời điểm ấy, người dân thấy sò mai được thương lái thu mua với giá gần 60.000 đồng/kg (loại khoảng 5 con/kg) nên đặt mua giống từ thợ lặn với giá 2.000 đồng/con (kích cỡ khoảng 50 con/kg)”. Trong lần nuôi thử nghiệm này, ông Diễn cũng đặt thợ lặn, mua… con giống với tổng số tiền 100 triệu đồng để nuôi. Đến nay, qua khoảng 6 tháng nuôi, tỷ lệ hao hụt còn 50%, sò mai đã có kích cỡ khoảng 8 – 9 con/kg, gần thu bán được.

Trong khi đó, ông Trần Phi (xã Vạn Long) cho biết: “Sò mai được nuôi theo kiểu tự nhiên, chỉ nhổ giống ở khu vực lạch Cổ Cò (vịnh Vân Phong) về rồi cắm xuống nuôi trong khu vực vùng nước của mình đánh dấu, hoàn toàn không cho ăn thức ăn gì. Về tỷ lệ hao hụt, từ khi cắm giống đến khi thu hoạch hơn 50%, có thể do người dân chưa biết cách nuôi; trong khi giống có con lớn, con bé, có thể có những con sức đề kháng yếu nên khi đưa về nuôi thì bị chết, chứ các loại bệnh trên đối tượng nuôi này chúng tôi cũng mù mờ”.

Do nghề nuôi này mới phát triển tự phát nên đến nay ở mỗi địa phương cũng chỉ có một vài hộ nuôi thử. Hiện nay các hộ vẫn chưa thu hoạch nên chưa có thông tin gì để đánh giá hiệu quả của sò mai.

Hiện nay, sò mai được thương lái thu mua ở Vạn Ninh với giá 75.000 đồng/kg

Nhiều thách thức

Theo các ngư dân, thịt thân sò mai nhão, không ngon bằng 2 lớp cơ thịt (to cỡ đồng xu, dày chừng nửa lóng tay) nối liền 2 mảnh vỏ gọi là “cồi sò mai”, đây là phần ngon nhất của loại sò này. Sò mai là đặc sản của một số vùng biển, trong đó có Vạn Ninh. Hiện nay, loại sò này được thương lái thu mua bán cho một số vựa hải sản và tiêu thụ ở các nhà hàng trong và ngoài huyện. Với nhiều cách chế biến khác nhau, sò mai đang trở thành món ăn ngon, hấp dẫn, là một trong những mặt hàng hải sản thu hút thực khách. Vì vậy, giá trị kinh tế mang lại cho ngư dân ngày càng cao. Nếu như thời điểm này năm trước, sò mai chỉ được thu mua với giá chưa đến 60.000 đồng/kg thì hiện nay, thương lái thu mua với giá 75.000 đồng/kg ngay tại các vùng biển Vạn Ninh. Theo tính toán của ông Diễn, nuôi sò mai không tốn chi phí, chỉ mất tiền giống, đến khi xuất bán dù tỷ lệ hao hụt đến 50% người dân vẫn có lãi cao.

Tuy nhiên, người nuôi sò mai ở Vạn Ninh không khỏi lo lắng khi đầu ra chưa ổn định. Nhiều người cũng chưa biết gì về kỹ thuật nuôi loại hải sản này. Con giống cũng bấp bênh, có năm sò mai sinh sản nhiều nhưng có năm không được bao nhiêu, trong khi chưa có ai nhân giống đối tượng này. Đây là những thách thức lớn đối với nghề nuôi sò mai.

Cần quy hoạch và quản lý tốt để phát triển nghề nuôi sò mai bền vững

Ông Đặng Tri Thông – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Vạn Ninh hiện nay có khoảng 20 hộ nuôi sò mai theo kiểu tự phát. Nghề này mới rộ lên trong năm nay và đang đối diện với nhiều yếu tố không bền vững, trong đó lớn nhất là vấn đề tiêu thụ và con giống. Để định hướng cho nghề nuôi sò mai, địa phương đã đề xuất đề tài nghiên cứu, nhân giống sò mai. Nếu nhân giống thành công và thị trường đầu ra ổn định, địa phương sẽ có định hướng cho người dân phát triển nghề nuôi này”.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao Biosipec

Dự án nuôi tôm thẻ siêu thâm canh kết hợp công nghệ cao (Biosipec) không chỉ giúp làm tăng mạnh sản lượng tôm thẻ trong một vụ nuôi, làm tăng số vụ trong năm, mà còn giảm đáng kể tác động tới môi trường.

 Ao ương giai đoạn 2 trong hệ thống Biosipec

Theo ông Thomas Raynaud, GĐ Kỹ thuật và Marketing thủy sản của Neovia Việt Nam, Biosipec áp dụng rất nhiều công nghệ cải tiến, tiêu biểu như: Hệ thống xử lý nước để tăng cường an toàn sinh học (ATSH) và ngăn ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí đặc biệt để giảm chi phí năng lượng nhưng tối ưu hóa lượng oxy cung cấp; hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu của tôm, qua đó làm giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn.

Khác với việc nuôi tôm thẻ theo cách thông thường chỉ có 1 giai đoạn (con giống mua về được thả thẳng xuống ao nuôi), Biosipec gồm 3 giai đoạn nuôi: 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống Biosipec được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm.

Ngoài ra còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Các ao ương giai đoạn 1 và 2 được đặt trong nhà màng, trong đó, ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, ao ương giai đoạn 2 là dạng ao đất. Còn ao nuôi thương phẩm là ao ngoài trời.

Khi tôm giống mới đưa từ trại giống về, sẽ được thả vào ao ương giai đoạn 1. Do ở giai đoạn này, tôm rất nhạy cảm với môi trường, nên nước trong ao được xử lý tiệt trùng toàn bộ, không còn mầm bệnh. Nhờ đó, dù thả với mật độ tôm giống cao từ 5.000 – 12.000 con/m2, những sau khi kết thúc ương giai đoạn 1 (4 tuần ương), tỷ lệ tôm sống vẫn rất cao đạt tới trên 80%, kích cỡ tôm từ 250 – 500 mg/con.

Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh… Ở giai đoạn ương này, mật độ tôm giống từ 300 – 500 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần. Kết thúc ương giai đoạn 2, tôm đạt kích cỡ 5 – 6g/con, tỷ lệ sống cũng rất cao trên 80%.

Với việc ương 2 giai đoạn như trên, khi được đưa tới ao nuôi thương phẩm, tôm đã đạt kích cỡ của tôm giống lớn, có sức đề kháng tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất. Tạo ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 – 250 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần, khi thu hoạch đạt 12 – 16 g/con, tỷ lệ sống 85%. Đặc biệt trong giai đoạn nuôi thương phẩm, Biosipec áp dụng hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu thực tế của tôm dưới ao nuôi.

Với 3 giai đoạn ương và nuôi như trên, cộng với việc áp dụng các công nghệ cao, Biosipec giúp cho tôm nuôi đạt tỷ lệ sống chung cho cả quá trình sản xuất đạt mức cao là trên 80%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt tỷ lệ sống bình quân 30 – 50%.

Nhờ nuôi mật độ cao và đạt tỷ lệ sống như trên, năng suất tôm nuôi theo hệ thống Biosipec có thể đạt tới 30 tấn/ha (nuôi thông thường 5 tấn/ha). Với thiết kế chia thành 3 ao với 3 giai đoạn ương, nuôi, hệ thống Biosipec giúp người nuôi tôm quay vòng vụ nhanh và có thể nuôi tới 5/vụ năm (tổng sản lượng 150 tấn/ha/năm). Còn nuôi thông thường vì chỉ có 1 giai đoạn nên chỉ được khoảng 2-3 vụ/năm.

Đó là hiệu quà kinh tế? Còn môi trường? Hệ thống Biosipec giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng trong quá trình nuôi tôm, vì không cần thay nước trong cả 2 giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm; giảm chi phí năng lượng nhờ hệ thống sục khí đặc biệt…

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Dịch bệnh ở Phúc Kiến và Quảng Đông ngập tràn thị trường tôm hạ giá

Theo nguồn tin của Seafoodnews cho biết tôm ở Phúc Kiến và Quảng Đông của Trung Quốc xảy ra dịch bệnh và tôm giá rẻ tràn ngập thị trường.

Dịch bệnh ở Phúc Kiến và Quảng Đông ngập tràn thị trường tôm hạ giá

Tôm bị dịch bệnh do thời tiết thay đổi thất thường nhất là ở Phúc Kiến, tôm bệnh đã tràn ngập thị trường với số lượng lớn, làm giảm giá trong nước xuống từ 2 đến 3 Nhân dân tệ / tuần (0,60 – 0,90 USD / kg Mỹ) trong tuần này.

Một lượng lớn ao tôm ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc bị nhiễm phân trắng. Do dịch bệnh phân trắng diễn ra gây thiệt hại nặng nề nên người dân tiến hành rút ngắn thời gian nuôi bằng cách thu tôm sớm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Hoạt động nuôi trồng thủy sản đang phát triển khá mạnh, cùng đó là quá trình phát sinh các nguồn chất thải rắn, lỏng, khí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Làm thế nào để đảm bảo môi trường nuôi an toàn là vấn đề bức xúc cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Nuôi thủy sản kết hợp giúp giảm ô nhiễm môi trường

Xử lý các chất ô nhiễm

Một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong thức ăn tôm, cá không được hấp thụ vào cơ thể để tạo sinh khối mà bị thải ra ngoài môi trường xung quanh dưới dạng thức ăn dư thừa, phân và chất thải, là nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường.

Hệ thống xử lý: Cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải ao nuôi trước khi xả ra môi trường. Diện tích ao xử lý nước thải tối thiểu bằng 30% diện tích ao nuôi. Bùn thải trong nuôi thủy sản phải có khu chứa riêng trong cơ sở nuôi, hay có phương án xử lý phù hợp như: Bồi đắp nền nhà, tôn cao bờ đê, san lấp mặt bằng… Tránh tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh rạch, dẫn đến tình trạng ô nhiễm hữu cơ, để lại dư lượng hóa chất trong đất, nước và gây ra tình trạng bồi lắng các kênh rạch trong vùng nuôi.

Dùng chế phẩm sinh học: Vi sinh vật nói chung và vi khuẩn nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển vật chất như phân hủy các chất hữu cơ, chuyển đổi các hợp chất vô cơ từ dạng này sang dạng khác. Do đó, cần đưa các vi sinh vật có lợi như vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men vào trong ao nuôi giúp phân giải lượng lớn thức ăn dư thừa cũng như các chất thải trong quá trình nuôi. Trên thực tế, có rất nhiều chế phẩm sinh học đã và đang được sử dụng hiệu quả trong nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.

Nuôi trồng kết hợp: Sử dụng một số động vật thân mềm hai mảnh vỏ, rong biển, một số loài cá có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa từ các ao nuôi tôm thâm canh. Cụ thể, Châu Minh Khôi và cộng sự (2012) đã nghiên cứu khả năng xử lý các chất thải dinh dưỡng dư thừa trong nước thải ao nuôi cá tra thâm canh bằng cây lục bình (Eichhorina crassipes) và cỏ Vetiver (Vetiver zizanioides). Kết quả nghiên cứu cho thấy, lục bình và cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ các chất thải dinh dưỡng dư thừa và làm giảm 85 – 88% N và 99 – 100% P hữu cơ trong nước thải của ao nuôi cá tra sau 4 tuần. Tiếp đó, Nguyễn Văn Trai (2013) đã nghiên cứu thử nghiệm dùng vọp (Geloina coaxans) và hàu (Crassostrea sp.) để xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, với các bể xử lý bằng vọp (kích cỡ 37 + 6,6 g, mật độ 60 con/m3, cấp nước thải từ các ao nuôi tôm, sục khí liên tục rất hiệu quả trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa, thể hiện qua việc giảm hàm lượng các thông số COD (92,7%), TSS (81,8%), TN (82,4%) và TP (89%) trong mẫu nước sau khi xử lý.

Sử dụng bùn ao làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp: Nhiều hộ nuôi ở vùng ĐBSCL đã và đang sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để bơm cho các khu cây trồng như ruộng lúa, vườn cây, làm giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất và lợi nhuận thu được từ các vườn cây, ruộng lúa. Hình thức này càng được nhiều người dân ủng hộ, áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, cần có quy hoạch tổng thể lại vùng nuôi cá tra và vùng đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi cũng như xem xét các cây trồng, mùa vụ hợp lý để thúc đẩy mô hình này phát triển. Trương Quốc Phú và cộng sự (2012) đã tiến hành xử lý bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng và kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Thực hành tốt quy trình

Trong công tác quản lý môi trường cần kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức, cá nhân; thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cam kết thực hiện đúng theo quy định. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống, nuôi thủy sản thương phẩm áp dụng thực hành hình thức nuôi tốt, nuôi có tránh nhiệm (GAP, VietGAP, GlobalGAP, BAP), Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh… nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nuôi xung quanh.

Giám sát, quan trắc môi trường

Việc giám sát, quan trắc môi trường vùng nuôi cũng góp phần không nhỏ nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm theo dõi, giám sát môi trường tại cơ sở nuôi trồng thủy sản; thu thập, ghi chép đầy đủ các số liệu, thông tin có liên quan và kịp thời cung cấp thông tin, số liệu về môi trường khi có yêu cầu. Cùng đó, áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa, khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan quản lý yêu cầu.

Nâng cao ý thức người dân

Chấp hành nghiêm luật môi trường là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường nuôi trồng thủy sản nói riêng. Người nuôi hạn chế lạm dụng thuốc và hóa chất trong kiểm soát bệnh tôm, xử lý nước, xử lý đáy ao. Giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của hộ nuôi, chủ cơ sở nuôi về bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Giải pháp quản lý chất thải hữu cơ mô hình nuôi tôm trên ao đáy đất

Việc loại bỏ chất thải hữu cơ (phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo chết) ra khỏi ao nuôi tôm có trải bạt đã quen thuộc với người nuôi tôm. Ở hệ thống ao nuôi này, toàn bộ ao được trải bạt, thiết kế một hố ở giữa ao để quy tụ chất thải và ống PVC chạy ngầm dưới đáy ao đưa chất thải ra ngoài mỗi khi mở van xả.

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm phần lớn là mô hình nuôi tôm trên ao đáy đất, nuôi với mật độ thưa dưới 100 con/m2. Ở mô hình này, người nuôi tôm thường không thiết kế hệ thống xi phông đáy ao như hệ thống ao bạt nên không đưa được chất thải ra ngoài. Điều này khiến nguồn chất thải tích tụ dưới ao và sinh ra các loại khí độc; môi trường giàu dinh dưỡng làm vi khuẩn gây bệnh phát triển lên rất nhanh và thường thì tảo phát triển quá mức làm dao động pH, thiếu ôxy vào ban đêm…

Thông thường người nuôi tôm dùng nhiều vi sinh với hy vọng rằng chúng sẽ giúp phân hủy và chuyển hóa chất thải, duy trì được chất lượng nước; nhưng thực tế, vi sinh bán tràn lan hiện nay không phải lúc nào cũng hữu hiệu và rất tốn kém.

Qua khảo sát, một số người nuôi tôm đã cải tiến ao nuôi tôm đáy đất và thiết kế cách đưa chất thải ra ngoài rất đơn giản, không tốn kém và đem lại hiệu quả rất tốt. Mô hình này nên được nhân rộng đến người nuôi tôm.

Thiết kế ao

Sau khi hút cạn ao, người nuôi tôm nên quan sát đáy ao khu vực nào giữa ao tích tụ nhiều chất thải hữu cơ do quá trình chạy quạt gom lại, đánh dấu khu vực đó, đồng thời đánh dấu vị trí lắp quạt để khi chạy quạt vụ sau, chất thải vẫn gom đúng chỗ cũ.

Đào một hố sâu khoảng 80 cm toàn bộ khu vực chất thải gom lại, sau đó lấy bạt trải hết đáy hố và thành hố. Phần mép bạt được cuộn vào thanh tre và chôn sâu khoảng 20 cm. Việc chỉ trải bạt hố xi phông không quá tốn kém mà vẫn hút sạch hoàn toàn chất thải nên công dụng không kém hố xi phông của ao trải toàn bộ bạt đáy.

Để hiệu quả hơn, dàn quạt nên được lắp sao cho hiệu quả gom chất thải càng tập trung vào một điểm giữa ao càng tốt, khi đó hố xi phông không cần quá lớn mà vẫn hiệu quả lại dễ vận hành, tốn ít thời gian cho quá trình xi phông hơn.

Đặt một mô tơ khoảng 2 – 3 HP trên bờ, lắp một ống PVC hoặc ống gân đường kính 60 nối từ mô tơ đến giữa ao để giúp bơm chất thải ra ngoài. Ống này nên đặt nổi cách mặt nước 20 – 30 cm, dùng tầm vông để đỡ ống. Phần đầu hút xi phông gắn vào ống gân mềm để dễ vận hành di chuyển toàn bộ khu vực hố. Phần chất thải đi từ mô tơ đến ao thải có thể dùng ống mềm (ống vải) để dễ cuộn lại, sử dụng cho nhiều ao. Nếu 2 ao tôm cạnh nhau có thể thiết kế chung một mô tơ đặt trên bờ chung để sử dụng cho 2 ao.

Vận hành

Khi bơm nước vào ao, nên bơm đầy hố xi phông ở giữa ao trước, sau khi bơm đầy hố, áp lực nước từ trên xuống sẽ ép bạt dính chặt xuống đáy và xung quanh hố khiến bạt không bị phồng lên

Có thể tiến hành hành xi phông cho ao khi tôm đạt kích cỡ từ 2 g trở lên. Dùng thuyền hoặc phao ngồi trên để di chuyển đầu xi phông toàn bộ hố. Nếu tiến hành xi phông hằng ngày, đáy ao sẽ không bẩn thì hoàn toàn có thể lội xuống đứng dưới ao xi phông mà không ảnh hưởng gì và cũng dễ kiểm tra mức độ sạch bẩn của đáy ao. Theo kinh nghiệm, nên xi phông mỗi buổi sáng, thời gian xi phông chỉ khoảng 30 phút đến 1 giờ mỗi hố, điều này sẽ hạn chế được rất nhiều chất thải lắng tụ ở đáy ao, giúp duy trì chất lượng nước và đặc biệt giảm được lượng vi sinh cần thiết; hoặc cũng với lượng vi sinh tương tự, nhưng hiệu quả của vi sinh được tốt hơn vì lượng chất thải trong ao ít hơn. Phần nước hao hụt mỗi lần xi phông khoảng 2% nước sẽ được bơm bù lại từ ao chứa đã được xử lý.

Chất thải đưa ra ngoài ao chứa thải nuôi cá rô phi để chúng sử dụng làm thức ăn, và sẽ được tảo và hệ vi sinh tại ao chứa thải hấp thụ. Nếu kiểm tra chất lượng nước ao chứa thải tốt thì hoàn toàn có thể tái sử dụng lại ao nuôi.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá dứa trên nền ao nuôi tôm nước lợ

Cá dứa (Pangasius kunyit) là loài cá nhiệt đới có thịt chắc thơm ngọt, ít mỡ nên được thị trường khá ưa chuộng. Hiện nay cá dứa đã được cho sinh sản nhân tạo, có khả năng nuôi thích nghi trong điều kiện nước ngọt và nước lợ, ăn tạp, dễ nuôi, ít dịch bệnh, vốn đầu tư thấp nên được xem là đối tượng nuôi phù hợp với hộ gia đình.

Cá Dứa (còn gọi là cá Tra bần), có tên khoa học là Pangasius kunyit, thuộc họ cá Tra 

Với mục đích ban đầu giúp cải tạo, thay đổi môi trường ao nuôi tôm và đa dạng đối tượng nuôi thủy sản tại khu sản xuất của Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trung tâm Tập huấn), cuối năm 2016, đơn vị đã nuôi thử nghiệm cá dứa. Số lượng thả nuôi là 1.500 con trên diện tích 1.000 m2 ao nuôi, cỡ giống ± 3 cm/con với mật độ nuôi 1,5 con/m2. Mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp (loại sử dụng cho cá basa, cá tra).

Sau thời gian nuôi 09 tháng, thu hoạch cá nuôi đạt trọng lượng từ 0,8 kg đến 1,2 kg/con, cho thu hoạch trên 1,2 tấn cá thương phẩm, năng suất trên 12 tấn/ha, bán với giá 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng/1000m2 ao nuôi. Để thực hiện mô hình thành công, cần lưu ý một số khâu kỹ thuật như sau:

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi cần cải tạo, vét bùn, bón vôi, phơi đáy ao. Diện tích thích hợp 1.000 – 2.000 m2, ao quá lớn hoặc quá nhỏ đều không thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch cá thương phẩm; duy trì mức nước 1,4 m -1,6m. Sau khi cấp nước vào ao cần xử lý gây màu nước cho ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, phân vi sinh… đến khi nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nhạt thì tiến hành thả cá. Kiểm tra một số yếu tố môi trường như: độ mặn 10 – 15‰, pH 6 – 8,…

Chọn thả cá giống

Lựa chọn cá dứa giống có nguồn gốc rõ ràng từ tỉnh An Giang hoặc Tiền Giang với kích cỡ 3 – 5 cm/con. Trong quá trình vận chuyển nên cẩn thận để tránh làm xây xát ảnh hưởng đến sức khỏe cá giống. Thuần hóa độ mặn trước khi thả giống. Nên thả giống vào lúc mát trời (sáng sớm hoặc chiều tối) với mật độ 1 – 2 con/m2.

Chăm sóc, quản lý ao nuôi

Cá dứa chịu đựng kém trong môi trường nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp, nên bố trí quạt nước để đảm bảo cung cấp ôxy cho cá, nhất là vào ban đêm. Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có độ đạm từ 18 – 25%. Cần hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi, ảnh hưởng đến chất lượng nước, thông thường lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng thân. Cá dứa rất háu ăn nên khu vực cho ăn phải rộng và xa bờ để tránh tình trạng cá ăn không đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển. Bổ sung khoáng, vitamin vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng.

Thu hoạch

Khi nuôi được 8 – 9 tháng, cá đạt trọng lượng 0,8 – 1,5 kg/con thì thu hoạch. Thu cá bằng cách kéo lưới. Cá thu hoạch phải sơ chế và ướp lạnh ngay để đảm bảo chất lượng khi xuất bán.

Thu hoạch cá dứa

Trong thời gian triển khai mô hình, Trung tâm Tập huấn đã đón tiếp trên 90 lượt cán bộ khuyến nông của một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên 120 lượt bà con nông dân quanh vùng đến thăm quan, học tập, chuyển giao kỹ thuật. Từ đó giúp người dân trong khu vực có thêm một đối tượng nuôi thủy sản để lựa chọn, luân canh, chuyển đổi khi môi trường ao nuôi tôm gặp khó khăn, bất lợi như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi ốc hương trong ao cát lót bạt

Ninh Thuận với điều kiện thuận lợi về sản xuất ốc hương giống và nuôi thương phẩm. Thực hiện chuyển đổi đối tượng nuôi mới, các năm gần đây, một số diện tích nuôi tôm trên cát lót bạt kém hiệu quả chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm.

Trước đây, người dân thường nuôi ốc hương theo 3 hình thức: Nuôi trong đăng lồng, nuôi trong bể xi măng, nuôi trong ao đất. Vài năm gần đây, tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, các ngư dân đã tận dụng những ao nuôi tôm trên cát lót bạt kém hiệu quả chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm, nhờ nuôi có hiệu quả kinh tế cao nên diện tích nuôi ngày càng được mở rộng, từ vài hộ nhỏ lẻ, đến nay, toàn xã Phước Dinh đã có 23 ha nuôi ốc hương trên cát. Chiếm hơn 10 % diện tích nuôi của toàn xã.

Theo ông Phạm Ân (hộ nuôi ốc hương tại đây) cho biết: “Tính trên 1 ha ao nuôi, sau vụ nuôi 6 tháng, với mật độ 90 con/m2, sản lượng thu hoạch đạt 10 tấn ốc hương. Tổng vốn đầu tư 1 tỉ đồng, giá bán hiện nay 160.000 đồng/kg, lãi ròng là 600 triệu đồng. Có những năm giá ốc hương tăng cao (220.000 đ/kg) lãi ròng đạt 1 tỉ đồng/ha.

Tuy nhiên trong quá trình nuôi ốc hương, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra, nhất là những vùng nuôi cũ. Việc thực hiện đúng kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, chọn giống, chăm sóc quản lý,… cần chú ý những điểm sau đây:

Cải tạo ao đìa

Ốc hương là loài sống vùi, chúng chỉ ngoi lên mặt đất khi ăn nên cần phải tạo nơi ở thật tốt, cần đổ một lớp cát sạch dày 5 – 10 cm làm nơi ở cho ốc.

Con giống

Ốc hương giống

Chọn giống ốc hương ở những cơ sở sản giống uy tín, đảm bảo chất lượng, giống đã được kiểm dịch. Nhìn bằng mắt thường ốc tương đối đồng đều, màu sắc tươi sáng, các vân có màu nâu đậm, vỏ còn nguyên vẹn, ốc không bị sưng vòi.

Thức ăn

Cá tạp cắt nhỏ là thức ăn của ốc hương 

Thức ăn ưa thích của ốc hương là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, cá tạp, cua, ghẹ, tôm…Thức ăn phải đảm bảo tươi, không bảo quản bằng hóa chất. Sau khi cho ăn khoảng 2 -3 giờ, tiến hành làm vệ sinh vớt hết thức ăn dư thừa ra khỏi ao để tránh ô nhiễm môi trường nước nuôi.

Cần nuôi kết hợp với một số đối tương nuôi khác như: Rong câu, rong nho, hải sâm, cá dìa để tận dụng triệt để diện tích mặt nước, tăng thêm thu nhập, vừa cải thiện môi trường ao nuôi và tăng thêm thu nhập.

Ốc hương với giá trị kinh tế cao, có thị trường xuất khẩu khá ổn định. Phát triển phương thức nuôi trên ao cát lót bạt là hướng đi mới đầy tiềm năng nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam