Hướng dẫn nhân giống Rùa Vàng

1. Ao nuôi rùa bố mẹ

Chọn nơi có điều kiện sinh thái gần giống với tự nhiên, ao hướng Bắc nam, tránh gió Bắc, hướng về phía mặt trời, đất tơi mềm, nguồn nước dồi dào, cấp thoát nước thuận tiện, yên tĩnh, không bị nhiễm bẩn.

Diện tích ao nuôi: 20-100m2. Ao sâu: 1,5m, nước sâu 1,2m.

Xung quanh ao cách mép nước 1-2m có tường rào cao 0,5 m, tường trát nhẵn, trên tường có gờ nhô ra về phía ao độ 10 cm, chân tường sâu 60-70cm. Giữa ao cần có mô đất 3-5m2, độ dốc 25o, trên mô đất trống các loại cây làm dàn che mát, làm nơi rùa nghỉ và đẻ trứng.

Đáy ao nên bừa kĩ, lớp đất cát dưới đáy ao dày 20-30cm để rùa trú đông. Bờ ao có độ dốc nhất định cho một lớp đất cát pha để rùa đào hố đẻ trứng. Ngoài ra trồng ít cây bóng mát hoặc cho cây leo tạo thành nơi yên tĩnh.

2. Bể bơi rùa mới nở

Thường dùng gạch và xi măng xây trong nhà có thành trơn nhẵn, bể hình chữ nhật.

Bể bơi nuôi rùa mới nở

Diện tích mỗi bể 2-3 m2, cao 0,8m, nước sâu 0,2-0,3m. Đáy bể có độ dốc nhất định, một đầu bể có nước, đầu kia không ngập nước để rùa bò ra ăn uống nghỉ ngơi, nhà ấp cần thông thoáng, mát, mùa đông cần che chắn kín gió, trên bể che đậy bằng tấm nhựa.

3. Sự giao phối

Hàng năm tháng 8-9 là mùa giao phối và đẻ trứng, thường giao phối vào đêm sáng trời. Khi động hớn nổi lên mặt nước khuấy mạnh bò lên cạn rất nhanh. Con đực chủ động theo con cái hoặc quay tròn quanh con cái, con cái lại không cho bò đi… tiến hành giao phối. Đặc điểm cảu rùa là giao phối năm này sang năm sau tinh trùng vẫn có khả năng thụ tinh, trong điều kiện nuôi tỉ lệ là 1 đực 2 cái, hoặc 1 đực 3 cái.

4. Đẻ trứng

Mùa đẻ tháng 4-9, tập trung vào trung tuần tháng 6 đến thượng tuần tháng 7. Khi nhiệt độ không khí trên 20oC kéo dài 5-10 ngày con cái bắt đầu đẻ trứng. Đa số một năm một lứa, mỗi lứa khoảng 2 quả trứng, có một số con một năm đẻ hai lứa, cá biệt ba lứa.

Trước lúc đẻ bò khắp nơi tìm chỗ đất xốp, sườn dốc, kín để đào ổ dưới gốc cây hay bụi cỏ rậm.

Nơi đào ổ có hàm lượng nước 5-20%, trước khi đào thành hố, dùng chân sau và đuôi hất đất sang hai bên. Khoảng 2-3 giờ được một hố sâu 5-15cm, đường kính khoảng 8-12cm. Trời khô, hàm lượng nước trong đất 5% thì rùa đào vào buổi sáng chọn chỗ đất ẩm ướt, có con dùng nước tiểu của nó tưới lên cho đất mềm dễ đào. Nếu hàm lượng nước trên 30% khó đào.

Sau khi đào xong hố nó nghỉ một lát rồi đẻ trứng. Dùng chân sau xếp trứng đúng vào hố, trứng vừa đẻ vỏ mềm có tính đàn hổi, sau đó vỏ trứng cứng dần. Thời gian giữa trứng thứ nhất đến trứng thứ hai là 5-10 phút.

Trứng hình ô van cỡ 27-50mm, cỡ to 18,3g, nhỏ 12,5g, trung bình 15,25g, tỉ lệ thụ tinh 70-90%.

5. Ấp nở nhân tạo

Dụng cụ ấp gồm thùng ấp, lợi dụng nhà ấp gà, lò ấp trứng vịt để ấp. Tùy số lượng trứng và yếu tố kĩ thuật. Trứng vừa đẻ ra có màu trong chưa phân biệt được có thụ tinh hay không. Sau khi đẻ 48-72 giờ có thể phân biệt. Vỏ trứng thụ tinh sáng có vòng tròn màu trắng sữa. Đem trứng thụ tinh xếp vào thùng đặt phần có vòng tròn trắng lên trên, trứng cách trứng 3-5 cm, trên phủ cát dày 3-4cm, trên mỗi thùng có lỗ nhỏ để khi trứng nở thành rùa con có chỗ chui lên trên thúng ấp phủ lớp bông ướt, dùng nước phun ẩm. Độ ẩm không khí 70-85%, nhiệt độ 25-34oC là tốt nhất. Trong thùng cần cắm nhiệt kế và ẩm kế cho tiện theo dõi, tỉ lệ nở 75-80%.

Nếu thùng ấp dùng đất thít thì lớp đất dày 20cm, vùi trứng sâu 10-13cm, khi trứng sắp nở thì bớt lớp đất trên mỏng đi một ít, lượng nước trong đất là 12-16%, cách 3-5 ngày phun nước một lần. Nhiệt độ không khí 22-34oC, độ ẩm 75-80%, tỉ lệ nở đạt 94%.

6. Quản lí chăm sóc

Nhiệt độ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thời gian nở. Trong tự nhiên thời gian nở 80-90 ngày có khi đến 100 ngày. Ấp nhân tạo khoảng 70 ngày. Khi nhiệt độ dưới 18oC và trên 37oC thì phôi không phát triển và chết.

Đất dùng để ấp vừa đảm bảo giữ được nước vừa thông thoáng không khí, không sinh nấm mốc. Dùng cát vàng hay cát đen để ấp thì biên độ giao động nhiệt độ tương đối lớn, khi bị ánh nắng mặt trời chiều vào nhiệt độ lên cao, hơi nước bốc nhanh làm nhiệt độ ấp cũng tăng nhanh, phôi dễ chết, nếu phun thêm nước để duy trì độ ẩm lại dễ xuất hiện tích nước tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Thực tiễn dùng cát vàng, cát đen không tốt bằng đất thịt. dùng đất sâu cách mặt đất 60cm không có mùn bã hữu cơ, đất nhỏ cỡ 1cm, phơi thật khô để diệt khuẩn, phun nước để có độ ẩm 12-16% như vậy đất thông thoáng, giữ ẩm, giữ nhiệt tốt.

Quá trình phát triển của phôi, càng về giai đoạn cuối cùng càng nhạy cảm với điều kiện môi trường, trao đổi khí càng mạnh nên dễ chết. Trứng đã ấp 20 ngày không nên di động vì trứng rùa lòng trắng rất ít, nếu di động trứng rất dễ bị thương và phôi chết.

Khi ấp trứng rùa là dịp tốt để rắn, chuột, kiến mò đến ăn hại nên phải dọn sạch xung quanh không để cho chúng có nơi ẩn náu. Nếu ấp trong nhà phải có thuốc diệt chuột, kiến, rùa, lúa rùa con phá vỏ chui ra kiến thường đến ngay để đốt, cần làm ngay các rãnh nước ngăn kiến, phá các ổ trứng kiến nếu có.

Có thể làm động tách kích thích để trứng nở tập trung như: Khi thấy vài trứng đã nở thì lấy hết trứng đang ấp trong đất ra cho vào nước có nhiệt độ ấp hoặc để trên đât sau 10-12 phút rùa con sẽ dùng mồm phá vỡ vỏ trứng chui ra, nếu sau 25 phút không thấy trứng nở thì lại đưa vào thùng ấp như cũ.

7. Rùa mới nở

Thân còn yếu, chưa bắt mồi được, đưa rùa con vào khay gỗ cho rùa tự vận động khoảng 4-5 giờ, dùng nước muối có nồng độ 10% hoặc thuốc tím 1g/1m3 tắm cho rùa. Sau 2 ngày cho rùa ăn lòng đỏ trứng gà luộc chín, sau 1 tuần lễ đưa ra bể nuôi.

8. Nuôi rùa con (sau 1 tuần lễ)

Lúc này cơ thể nặng 10g, thả 50-100con/m2. Trước khi nuôi dùng vôi dọn sạch bể, để khô rồi mới lấy nước vào, nước sâu 0,2-0,3m. Khả năng tiêu hóa của rùa con rất yếu nên thức ăn phải đạt yêu cầu: tinh, nhỏ, mềm, , giá trị dinh dưỡng cao, thường cho ăn cá, tôm, thịt bò, thịt nạc, giun xay nhuyễn, tốt nhất trộn với lòng đỏ trứng thành hỗn hợp. Không nên cho ăn nhiều mỡ để phòng bệnh viêm ruột. Lượng thức ăn bằng 3-5% trọng lượng thân. Ngày cho ăn 2 lần; sáng và chiều tối. Lượng cho ăn phải điều chỉnh theo thời tiết, việc quản lí nước phải thật nghiêm khắc, vì rủa còn rất nhạy cảm với nhiệt độ nước, nhiệt độ thích hợp 25-30oC, lúc mới nỏ cũng là tháng có nhiệt độ cao, phải tăng thêm nước hoặc giảm mật độ nuôi. Khi phát hiện bệnh phải xử lí kịp thời.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn nuôi Rùa cảnh nhanh lớn và sống lâu

Ý nghĩa phong thủy khi nuôi rùa cảnh

Theo phong thủy, rùa là loài vật mang may mắn và hút tài lộc cho người nuôi và gia đình vì thế rùa được xem là con vật linh thiêng, mang điềm lành và có sức mạnh siêu năng lực. Nhiều gia đình phong kiến thời xưa đều có ao rùa trong gia đình. Nuôi rùa cũng khá hợp lý, chi phí bỏ ra cũng không tốn kém lắm so với nhiều loài sinh vật cảnh khác như cá Rồng, cá La Hán,…

Rùa cảnh

Phân loại rùa cảnh

Rùa là một trong nhiều con vật dễ thương, dễ nuôi nhưng để có thể nuôi rùa cảnh nhanh lớn và sống lâu thì chắc hẳn không phải ai cũng có kinh nghiệm. Rùa cảnh có khá nhiều loại nhưng đơn giản nhất người ta chia ra thành rùa cảnh cạn và rùa cảnh nước. Chỉ nghe cái tên của nó thôi chắc bạn cũng đã thấy được môi trường sống của chúng khác nhau thế nào dẫn đến cách nuôi rùa cảnh nước và cách nuôi rùa cảnh cạn sẽ có những lưu ý riêng mà bạn phải thật sự chú ý để em rùa của mình có môi trường sống tốt nhất, được chăm sóc chu đáo và phù hợp nhất.

Rùa cảnh được nuôi trên cạn

Cách nuôi rùa cảnh

Trong hai loài rùa cạn và rùa nước thì cách nuôi rùa nước có phần phức tạp hơn vì phải xây dựng, tạo chỗ ở, còn rùa cạn thì không cần điều này. Bạn có thể mua một chiếc bể thủy tinh nhỏ phù hợp với kích cỡ của em rùa có giá từ 300-500 nghìn đồng và bổ sung thêm vài chi tiết như rong hay sỏi tạo ấn tượng cho bể.

Rùa nuôi trong nước

Nếu không bạn có thể làm một chiếc bể bằng xi măng, tạo thêm hòn non bộ trong đó để rùa nước có thêm không gian sinh hoạt, tắm nắng, bạn càng tạo giống không gian tự nhiên bao nhiêu rùa lại càng thích thú bấy nhiêu. Bạn cũng đừng quên vệ sinh bể của rùa định kì để làm sạch cũng như loại bỏ vi khuẩn xâm nhập môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của rùa.

Với bể kính hay bể xi măng thì bạn cũng nên vệ sinh bể từ 2-3 lần/tuần thủ công hoặc bằng máy. Đơn giản hơn rùa nước, cách nuôi rùa cạn không cần chuẩn bị nơi sống cho rùa mà bạn chỉ cần cho chúng bò tự do trong nhà hoặc một phòng nào đó, nhưng chúng ta phải cẩn thận nếu không sẽ giẫm phải chúng.

Thức ăn cho rùa cảnh

Cách nuôi rùa cảnh và chăm sóc chúng không quá phức tạp, thức ăn của rùa không cần cầu kì hay khó kiếm mà đơn giản chỉ là rau, cá nhỏ hay tép nhỏ,…Rùa là loài động vật không có răng nên thức ăn chúng thích nhất có lẽ là các hạt đậu hà lan, đậu bi, bắp cải.

Rùa có sở thích đặc biệt với trái cây như dâu tây, chuối

Ngoài ra chúng cũng có sở thích đặc biệt với trái cây như chuối, dâu tây. Bên cạnh đó bạn có thể bổ sung thêm khoáng chất khác cho rùa bằng các loại khoáng chất tổng hợp bán rộng rãi trên các cửa hiệu thức ăn cho rùa. Giống như mọi loài động vật, nước uống cũng không được thiếu dành cho rùa đặc biệt là rùa cạnh còn rùa nước thì đã có sẵn nguồn nước rồi. Nước uống cho rùa cạn cần đặt vào đĩa nông có chèn đá hay vật gì đó để không bị lật.

Rùa cạn còn có bản năng bắt muỗi và côn trùng nhỏ nhỏ vì thế chúng thường bò khắp nơi, trú ngụ ở ngầm giường, gầm ghế để tìm kiếm thức ăn cho chính mình. Nhiều khi chúng leo treo linh tinh có thể bị lật ngược vì thế bạn nên để mắt đến chúng để giúp đỡ.

Cách chăm sóc, phòng bệnh cho rùa cảnh

Một điều bạn cần quan tâm trong cách nuôi rùa cảnh nữa chính là bệnh mà rùa có thể mắc phải để phòng bệnh cũng như nhận biết để chữa trị. Cảm lạnh là bệnh phổ biến diễn ra ở rùa với những triệu chứng khó thở, chảy nước mắt, mũi. Vì thế tạo chúng môi trường sống ấm áp và lau rửa mắt, mũi thường xuyên. Theo dõi sự phát triển của bệnh và tìm hiểu thông tin chữa trị. Hiện nay, chưa có đội ngũ y bác sĩ dành riêng cho rùa nhưng bạn cũng có thể tìm đến bác sĩ thú y để thăm khám.

Bạn có cách nuôi rùa cảnh tốt, phù hợp thì chúng có thể sống vài chục năm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết nuôi Rùa Răng hiệu quả kinh tế cao

Nhờ kiên trì theo đuổi việc nuôi và cho sinh sản nhân tạo càng đước (rùa răng, trọng lượng 7-8kg), nông dân Võ Thành Ngay (52 tuổi, ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang) là một trong rất ít người bước đầu thành công với mô hình được cho là mạo hiểm, nhưng hiệu quả lại rất cao.

Kiểm tra trọng lượng càng đước (rùa răng)

Dù ông Ngay có đến 25 công ruộng, xây túi biogas nuôi trên 20 con heo, nhưng một thời gian dài, cuộc sống gia đình cứ tầm tầm không khá lên được, trong khi việc học hành của 2 con cứ thúc bách chuyện tiền nong. Được bạn bè chỉ dẫn, cuối năm 2008, ông Ngay đến xã Khánh An (An Phú) gom mua được 20 con càng đước, mỗi con từ 1 – 1,5kg (giá 400.000 đồng/kg), đem về quyết tâm nuôi và cho sinh sản loại động vật giá trị kinh tế cao này.

Sau 2 năm chăm sóc, mỗi con đều tăng trên 2,5kg, nhưng không con nào đẻ trứng, điều mà ông quan tâm và cần nhất. Ông lựa ra 16 con (620kg) đem qua chợ An Phú bán 450.000 đồng/kg, thu được gần 25 triệu đồng. Cú làm ăn này bước đầu đã tạo cho ông một động lực lớn, dù thu lợi còn khiêm tốn, nhưng lại rộng mở cơ hội để phát triển.

Ông Ngay tâm sự: “Càng đước là loại động vật rất ít bệnh, tuy dễ nuôi, nhưng nếu không theo dõi đặc tính để xử lý (thay nước mỗi ngày, cho ăn, kiểm tra) thì chúng chậm lớn, ít ăn, thậm chí chết đột ngột, nhất là cho sinh sản rất khó. Riêng việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cho càng đước sinh sản thì rất ít người biết và không thấy phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Do đó, tôi phải tự mày mò học hỏi mỗi nơi một chút, đặc biệt bỏ công để theo dõi tập quán ăn, uống, sinh hoạt… để tự tích lũy kinh nghiệm cho mình. Bước đầu, tôi đã thành công trong việc cho chúng sinh sản dù chỉ ở mức 20 – 30%”.

Hiện nay, ông Võ Thành Ngay sở hữu đến 28 con càng đước, trong đó có 8 con mái, bình quân mỗi con nặng 5kg, cá biệt có con đến 7-8kg. Càng đước là loài động vật ăn tạp, chúng thích nhất là các loại xoài, mít chín, cua, óc, tép, cá, rau muống… Mỗi con càng đước thường đẻ 3-6 trứng, cá biệt đến 10 trứng, tập trung từ tháng 9 đến tháng 12. Sau 4,5 tháng ấp trứng sẽ đẻ ra con, nhưng gặp thời tiết lạnh thì kéo dài đến 6-7 tháng. Trứng của càng đước chỉ bằng trứng gà ác và khi vừa đẻ xong (1 hoặc 2 ngày), thương lái đến nơi mua đến 1 triệu đồng/con, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Ông Ngay cho biết: “Từ sự cố ấp gần 100  trứng thất bại, tôi đã có một kinh nghiệm lớn, nên dần dà sau đó tỷ lệ thành công đã từng bước nâng lên. Dù bán với giá khoảng 600.000 đồng/kg (con đực), 800.000 đồng/kg (con cái), nhưng lợi nhất vẫn là bán càng đước con. Nếu tỷ lệ sinh sản đạt 50% thì nghề nuôi càng đước rất dễ khá lên, đặc biệt món khoái khẩu này hiện đang không đủ cung”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: “Dù là xã biên giới nghèo nhưng phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh được nhiều nông dân tích cực tham gia và đạt kết quả khả quan. Ông Võ Thành Ngay (nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền) là một điển hình. Hiện mô hình nuôi càng đước của ông đạt hiệu quả rất cao, thu hút 2 hộ khác nuôi và học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, xã còn nhiều mô hình hiệu quả khác, như: Nuôi gà thả vườn, nuôi lươn, cá lóc…”.
Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi Rùa cho lãi 150 triệu đồng/năm

Đến ấp 4B, xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) hỏi ông Huỳnh Văn Chính nuôi rùa không ai không biết, bởi ông có tiếng là người thành công và đi tiên phong nuôi rùa thịt tại địa phương.

Gia đình ông Chính là hộ tiên phong nuôi rùa đầu tiên tại địa phương

Điều đáng khâm phục là mô hình nuôi rùa của ông được thực hiện trên một diện tích nhỏ (khoảng 300m2 bao gồm đất xây dựng chuồng trại và diện tích ao) nhưng mỗi năm trừ chi phí ông bỏ túi trên 150 triệu đồng.

Ông Chính cho biết, trước đây ông trồng lúa, trồng rau, trồng cây ăn trái, chăn nuôi nhưng hiệu quả không cao. Đến năm 2010, nhờ người quen giới thiệu, ông biết đến mô hình nuôi rùa thịt và quyết định mua giống rùa về nuôi thử nghiệm. Ông bỏ tiền ra xây dựng chuồng trại, đồng thời cải tạo cái ao bỏ hoang phía sau nhà để nuôi rùa.

Ban đầu ông chỉ nuôi thử nghiệm một số ít vì giá rùa giống khá cao (hơn 1 triệu đồng/con). Nhờ chịu khó và tiếp thu những hướng dẫn về kỹ thuật nên chỉ sau một năm, ông Chính đã nắm được các kỹ thuật nuôi rùa, tạo điều kiện cho rùa phát triển. Thấy thị trường khá rộng mở, ông tự tin tăng thêm số lượng rùa trong trại và chọn làm hướng phát triển kinh tế của gia đình.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi rùa thịt, ông Chính cho biết phải thiết kế chuồng trại thông thoáng, đủ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nhất là phải đảm bảo đủ rộng để có chỗ ăn, chỗ chơi và hệ thống thoát nước cho rùa phát triển tốt nhất. Bên ngoài chuồng trại phải đảm bảo chắc chắn, được xây dựng bằng tường gạch, có lưới sắt phủ bên trên. Về thức ăn cho rùa, ông Chính cho biết chủ yếu là rau muống, lục bình, ốc, phụ phẩm của thịt gà… nên rẻ và dễ tìm. Rùa là loài sinh trưởng nhanh, sau một năm rưỡi có thể xuất bán được.

Dù chỉ với diện tích 300m2 nhưng trại rùa của ông nuôi được khoảng 400 con rùa thương phẩm và 30 cặp rùa bố mẹ (được tách ra ở khu vực riêng để tiện chăm sóc). Đến đợt xuất bán, thương lái tự tìm đến nhà thu mua, với giá dao động từ 600.000 – 700.000 đồng/kg. Đặc biệt dịp cuối năm nhu cầu thị trường cao nên  rùa “cháy hàng”, không đủ cung cấp. Nói chung đầu ra sản phẩm rất ổn định.

Thấy nuôi rùa thịt có hiệu quả so với các cây trồng khác nên ông Chính dự định mở rộng diện tích chuồng trại, liên kết thêm các hộ nuôi rùa ở địa phương để cùng phát triển vật nuôi này.  Ngoài nuôi rùa, ông còn tận dụng diện tích mặt nước dưới ao để nuôi cá giúp tăng thu nhập. Nhờ vậy gia đình ông sống ổn định, con cái học hành đầy đủ.

Nguồn: danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trào lưu: Nuôi Rùa làm thú cưng

Không giống các loài thủy sinh như cá hay tép cảnh, rùa là vật nuôi bạn có thể mang theo đi khắp nơi để ‘khoe’ với bạn bè. Đó là chưa kể việc chăm sóc một con rùa sẽ mang đến cho bạn rất nhiều điều thú vị.

Rùa cảnh

Nguyễn Tấn Anh, một trong những admin chính của Hội Những người yêu rùa kiểng trên Facebook cho biết: “Tôi mê rùa từ thời còn nhỏ nhưng đến khi lên Sài Gòn mới có cơ hội nuôi rùa. Hồi đó con rùa đầu tiên mà tôi nuôi là của người ta cho. Lúc đó có biết nuôi gì đâu, cũng không biết rùa ăn gì, chăm sóc ra sao. Nhớ lại, tôi mua thịt và rau cho rùa ăn, thấy rùa chỉ ăn rau tôi mới phát hiện ra chú rùa của mình là “dân ăn chay”.

Hiện nay rùa núi vàng là loài rùa cảnh đang được nhiều người ưa chuộng vì giá khá mềm lại dễ nuôi, màu sắc đẹp, chúng lại hiền lành, thuận tiện khi nuôi trên cạn. Rùa núi vàng được đánh giá là đẹp khi mai của nó vàng óng ả không có một chút chấm đốm đen.
“Thức ăn chủ yếu của rùa núi vàng là xà lách, rau lang, rau muống, cà chua, dưa leo. Nhưng thứ mà rùa núi vàng thích nhất là cà chua”, bạn Hoài Anh, nhà tại quận 10, TP.HCM cho biết.
Theo bạn Hoài Anh, rùa núi vàng thường sống trên cạn nên chuồng cần khô ráo và phải được vệ sinh thường xuyên: “Không nên để rùa ở nơi quá cao vì nếu rùa xổng ra được thì nó dễ bị chấn thương khi va chạm với sàn nhà. Nếu sống ở những vùng có không khí lạnh thì nên dùng đèn sưởi cho các “bé” rùa để “bé” được khỏe mạnh. Để rùa lạnh thì rùa rất dễ bị sổ mũi, còn lâu dài rùa có thể bị bệnh mà chết”.
Rùa cảnh nhỏ nhắn trông rất đáng yêu
Chia sẻ thêm về thức ăn dành cho rùa cảnh, bạn Tấn Anh nói: “Khi giao lưu với các thành viên trong Hội Những người yêu rùa kiểng, tôi vẫn có quan điểm rằng thay vì mua rau quả ngoài chợ thì nên cho rùa ăn cỏ. Bạn có thể tìm được cỏ ở khắp nơi trong thành phố. Cỏ không chứa nhiều chất tăng trưởng có thể làm hại cho rùa”.
Tấn Anh bật mí thêm: “Rùa núi vàng thuộc hạng quý nên mua bán trên mạng phải có giấy phép. Giá một con rùa núi vàng từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy thuộc vào kích thước và độ đẹp của mai”.
Ngoài rùa núi vàng, một số loài rùa cảnh đang được nhiều người ưa chuộng gồm rùa sao Ấn Độ, rùa lá mata mata… “Đặc biệt, nhiều người rất thích rùa sao Ấn Độ bởi hoa văn trên mai rùa rất đẹp, màu sắc ấn tượng. Có lẽ vì thế mà loại rùa này được giới sinh vật cảnh quốc tế đánh giá là một trong những loài rùa cảnh đẹp nhất thế giới. Giống như rùa núi vàng, thức ăn của loại rùa này chủ yếu là rau xanh, các loại cỏ và một số rau quả. “Không nên cho rùa ăn một loại thức ăn cố định để tránh sự nhàm chán và bổ sung đầy đủ vitamin cho rùa thêm khỏe mạnh”, bạn Hoài Anh khuyên.
Bên cạnh những người thích nuôi rùa trên cạn, bạn Tấn Anh cho biết có nhiều người thích nuôi rùa nước. Nuôi rùa nước tốn nhiều công sức hơn. Rùa nước không chỉ “ăn chay” mà còn ăn thịt nên việc chuẩn bị thức ăn cho rùa sẽ tốn nhiều công hơn. Chuồng rùa cũng phải được thiết kế để rùa vừa bơi được trong nước vừa có thể bò lên trên cạn. Nên thay nước 3 lần một tuần, khi sử dụng nước máy thì nên để nước ra ngoài một thời gian, để chất chlorine bốc hơi hết.
Tấn Anh lưu ý thêm: “Tùy vào kích thước của rùa mà thiết kế chuồng với diện tích phù hợp. Nếu bạn xác định gắn bó với rùa trong một thời gian dài thì khi làm chuồng phải tính đến trường hợp những chú rùa lớn lên tăng kích thước của mai. Thêm vào đó, rùa còn là loại thích rong chơi nên không gian của chúng càng rộng càng tốt. Một cái chuồng đạt chuẩn ít nhất phải thỏa mãn những điều kiện như: thành lồng làm bằng gỗ, phải có nơi ẩn náu, phải có hệ thống sưởi ấm…”.
Rùa cảnh phải luôn được chăm sóc tốt để phòng tránh bệnh tái phát
Hỏi về cách chữa bệnh cho rùa nếu lỡ không may rùa bị bệnh, một thành viên trong Hội Những người yêu rùa kiểng chia sẻ: “Không giống như ở nước ngoài có những bệnh viện dành cho thú ý có thể chẩn đoán bệnh cho cả các loài như rùa, ở VN chỉ là truyền tai nhau hoặc tự lên mạng tìm hiểu về cách chữa bệnh… Để tránh rùa bị bệnh, điều quan trọng là cần đảm bảo đủ ấm cho chúng vào ban đêm. Khi rùa ngủ thì nhớ tắt đèn. Sau cùng là cung cấp cho chúng thức ăn và nguồn nước sạch cùng một môi trường sống sạch, thoáng và thường xuyên tắm cho chúng”.
Nhiều người khi bắt đầu mê chơi rùa cảnh thường lăn tăn chuyện không biết có luật cấm nuôi rùa hay không, vì có một số loài rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Bạn Tấn Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ nuôi hoặc trao đổi với nhau về những giống rùa không có trong sách đỏ. Hầu như những chú rùa được giao lưu trong hội đều có giấy tờ và nguồn gốc rõ ràng. Nói thật, yêu rùa thì mới nuôi mà khi đã nuôi thì đâu có ai muốn làm rùa của mình chết hay bệnh tật. Đó là còn chưa nói đến chuyện gắn bó với một con thú cưng lâu ngày thì mình sẽ có tình cảm với nó và xem nó như người trong gia đình”.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hải Dương: Cam ngon bón bằng Đậu Tương, Ngô Sạch

Vườn cam đường nhà anh Phạm Văn Triệu (Hải Dương) sai trĩu, quả đều tay, ngọt lừ. Đó là vì cây được tưới bằng nước sạch ngâm ngô, đậu tương.

Vườn cam sai trĩu quả của gia đình anh Triệu

Không bón cây bằng Kali, phân đạm hay các kiểu truyền thống khác, ở những vườn cam đường tại Hải Dương, người ta không ngạc nhiên khi các chủ vườn đổ hàng tạ ngô, đậu tương ngâm trong những hố nước sạch lớn. Tưới bằng nước này, những trái cam ở đây vừa ngọt vừa có vị thơm ngon hơn nhiều vùng khác.

Vườn cam nhà anh Phạm Văn Triệu (Vũ Xá, Thất Hùng, Kinh Môn, Hải Dương) rộng trên 1 ha. Cả nghìn gốc cam, cây nào cũng sai trái. Trái cam nào cũng đều tay to như nắm đấm.

Anh Triệu cho biết, gia đình anh đã trồng cam đường 7 năm nay. Cam đang vào mã, chỉ 2 tháng nữa là cho thu hoạch.

Nhưng, bất ngờ nhất là nhà anh Triệu tưới cây bằng nước sạch ngâm ngô, đậu tương. Anh chia sẻ: “Sau một thời gian mày mò, thử nghiệm, tôi phát hiện ra tưới cam bằng nước ngô, đậu tương ngâm sẽ tăng vị ngọt và vị thơm cho quả. Từ năm 2009 đến nay, nhà tôi thường xuyên áp dụng cách này. Với 1.000 gốc cam, mỗi năm tôi phải bỏ ra 5 đến 6 triệu tiền ngô và đậu tương”.

So sánh cây cam bón bằng kali và cam bón bằng ngô, đậu tương, nhiều người thấy rõ sự khác biệt. Cam bón bằng kali cũng có vị ngọt nhưng ăn xong có vị hơi chát ở cổ. Trong khi đó, cam được bón bằng ngô và đậu tương cho mùi thơm, ăn xong vị ngọt còn lưu lại. Chính vì thế, hàng chục chủ vườn cam tại đây hiện đều áp dụng phương pháp này.

Cũng giống như anh Phạm Văn Triệu, gia đình ông Hậu (Thái Thịnh, Kinh Môn, Hải Dương) cho hay, gia đình ông có 40 gốc cam lần đầu ra quả. Để trái được thơm ngon, ông đã đầu tư 40 kg ngô và 15 kg đậu tương, với chi phí khoảng 400.000 đồng, để ngâm nước tưới cho cây trong thời điểm cam vào mã.

Theo các chủ vườn cam lâu năm, một tháng tưới cho cam hai lần, duy trì như vậy liên tục trong 2 tháng đến khi cam xuất bán.

Anh Phạm Văn Triệu cho biết, hiện giá cam đường bán tại vườn đã ở mức 45.000-50.000 đồng/kg. Thương lái đến tận vườn đặt và hái quả, các chủ vườn không phải đi bán.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Làm ngọt Bưởi Diễn bằng bột Đậu Tương

Ngày nay, bưởi diễn được trồng rộng rãi ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên để có màu sắc và vị ngọt như ở đất diễn thì còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là do giống bưởi diễn không phải bưởi diễn xịn, thứ hai là do khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng và thứ ba là do kỹ thuật chăm sóc cây bưởi diễn còn chưa tốt.

Sau khi chăm sóc cây bưởi diễn thời kì sau thu hoạch đúng cách như: cắt tỉa cành và tán, sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón để kích thích cây bưởi phát lộc và ra hoa tăng tỷ lệ đậu quả… thì đến bước tiếp theo là tạo ngọt cho quả. Để tạo ngọt cho trái bưởi ta dùng:

Phân đơn Kali

kali có vai trò làm tăng khả năng đề kháng của cây cũng như làm cho bộ rễ chắc khỏe, hấp thụ tốt chất dinh dưỡng… Tạo độ ngon ngọt lẫn màu sắc của trái. Sử dụng Kali vào thời điểm trước thu hoạch để làm tăng độ ngọt đậm đà của bưởi và sau khi thu hoạch để giúp cây phục hồi độ sinh trưởng.

Đậu tương ngâm thối

Đậu tương ngâm thối được rất nhiều nhà vườn trồng bưởi lựa chọn vì nó cung cấp đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho cây, giúp cây phát triển ổn định tươi tốt.

Ngâm đậu tương thối

Đặc biệt khi sử dụng phân bón đậu tương thì múi bưởi thường có vị ngọt hơn so với sử dụng kali.

Kỹ thuật ngâm đậu tương

  • Bước 1: Xay hạt đậu tương
  • Bước 2: Chuẩn bị thùng phi có nắp đậy hoặc bể chứa có lắp đậy kín để tránh mùi khi đậu tương lên men.
  • Cho đậu tương và dung dịch EM2 (dung dịch điều chế phân bón đậu tương) vào thùng phi hoặc bể chứa.
    • Với 100kg đậu tương ta cần bể chứa khoảng 700l nước.
    • 100kg đậu tương ta đổ 120l EM2 vào và khuấy đều. khuấy lại sau 12h và lặp đi lặp lại trong khoảng 2 – 3 hôm.
    • Sau 2 tuần ta đổ thêm 300l nước và 120l EM2  vào bể khuấy đều.
    • Sau 30 ngày ta có thể đem phân ra bón cho bưởi.

Thời vụ bón phân đậu tương 

Tháng 10 khi quả bưởi đã đạt kích thước tối đa và bưởi đang tập trung dinh dưỡng vào độ ngọt của trái. Thời gian này việc tạo ngọt cho trái bưởi diễn trở lên cần thiết hơn bao giờ hết. Đây chính là lúc mang đậu tương đã ngâm ra sử dụng.

Bón đậu tương cho bưởi diễn vào tháng 10

Lưu ý: Không nên bón sớm vì khi bón đậu tương ngâm sớm sẽ làm cây bưởi nhiều chất dinh dưỡng quá khiến quả bị to nhưng ộp dẫn đến chất lượng kém.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng Đậu Tương hè thu lấy giống

Theo Cục Trồng trọt, dự kiến diện tích gieo trồng đậu tương vụ đông năm nay của các tỉnh khu vực phía Bắc sẽ tăng cao, khả năng thiếu giống, đặc biệt là các giống chất lượng cao.

Khuyến cáo của các nhà chuyên môn là, các địa phương cần khẩn trương thu hoạch đậu tương xuân và tranh thủ các chân đất tốt, điều kiện tưới tiêu thuận lợi để tiếp tục gieo trồng thêm vụ đậu tương hè thu nhằm cung cấp đủ giống cho vụ sản xuất đậu tương đông sắp tới.

Đậu tương (đậu nành)

Xin giới thiệu “Quy trình tóm tắt sản xuất đậu tương giống vụ hè thu” của Viện Di truyền Nông nghiệp để bà con và các địa phương tham khảo, áp dụng.

– Giống: Bà con có thể sử dụng các giống DT 84, DT 96, DT 2001 nguyên chủng do cơ quan tác giả – Viện Di truyền Nông nghiệp hoặc của các công ty, cơ quan có thẩm quyền sản xuất giống nguyên chủng cung cấp để gieo trồng trong vụ hè thu nhằm lấy giống cho sản xuất vụ đông sắp tới.

Đây là các giống đậu tương có tiềm năng năng suất cao, có tính thích ứng rộng, có thể trồng được cả 3 vụ xuân, hè, đông (vụ hè giảm 1/2 lượng đạm, chỉ nên tập trung cho bón lót, nếu đất tốt không cần bón đạm, tiết kiệm chi phí). Ngoài ra, có thể sử dụng các giống đậu tương khác như: DT 76, DT 80, DT 83, DT 92, DT 93, DT 94, DT 99, TL 75, HL 92, HL 2, AK 06, DT 2000…

– Tiêu chuẩn hạt giống: Hạt giống phải lấy ở cây khỏe mạnh, thuần chủng, đúng giống, nhiều quả có 2-3 hạt, khi chín ít bị tách vỏ. Chọn hạt mẩy, không sâu bệnh, độ nẩy mầm phải đạt >90%. Trước khi gieo bà con nên phơi lại bằng các dụng cụ đựng như nong, nia, cót; tránh phơi trên sân gạch hoặc sàn xi măng dưới nắng gắt sẽ làm hạt chảy dầu, giảm sức nẩy mầm.

– Thời vụ: Gieo từ 15-6 đến 15-7.

– Chọn và làm đất, gieo hạt: Chọn các chân đất tốt, chủ động tưới tiêu, cát pha, ít chua. Với vụ hè, hè thu, gặt và giải phóng lúa xuân trước 26-5 đến 6/6 dương lịch; ngô xuân phải giải phóng trước 1/7. Có thể làm đất toàn diện (cày bừa với đất khô) hoặc làm đất tối thiểu (với đất ướt) nhưng phải cày thành luống để thoát nước nhanh, tránh bị ngập úng.

Gieo thưa với mật độ 20-25 cây/m2 để tránh đổ trong vụ hè. Số hạt thừa nên gieo thêm 0,5-1m2 mạ ở đầu bờ để dặm sau 7 ngày, khi cây con chưa có lá nhặm. Gieo xong phủ một lớp rơm rạ, bẹ ngô vừa để giữ ẩm, vừa chống mưa to xói trôi hạt giống. Sau khi gieo nếu gặp mưa to, ngày hôm sau dùng bàn cào cào nhẹ để phá váng giúp cho hạt không bị chầm dưới đất ẩm.

– Bón phân, chăm sóc: Lượng phân bón cần cho 1 sào (360m2): 300 kg phân chuồng hoai mục + 4 kg đạm +15 kg phân lân + 5 kg phân kali + 10 kg vôi bột (nếu đất chua). Với đất khô, bón lót toàn bộ phân chuồng + lân hoặc NPK vào rạch, lấp nhẹ, gieo hạt bên cạnh, cách phân 5cm, lấp hạt sâu 1-2cm.

Trường hợp đất ướt, bón toàn bộ phân chuồng được trộn thêm trấu và đất bột theo tỷ lệ 1:1 để lấp hạt. Xới xáo làm cỏ lúc cây mới có 3 lá thật, xới xáo kết hợp bón thúc toàn bộ lượng đạm và phân kali còn lại hoặc NPK và vun cao gốc lúc cây có 5-6 lá thật. Nếu cây phát triển kém do bị úng, hạn cần pha nước phân chuồng ngâm với lân và đạm urê pha loãng tưới 2-3 lần.

– Thu hoạch, để giống: – Khử lẫn để loại bỏ cây khác dạng vào 3 giai đoạn lúc cây 8 ngày tuổi, khi ra hoa rộ và trước khi thu hoạch.

– Thu hoạch lúc 1/2 số quả có vỏ đã chuyển sang khô. Thu hoạch vào những ngày nắng ráo. Có thể xử lý cho rụng lá trước khi thu hoạch 1 tuần bằng các biện pháp như: ngâm nước, phun ethrel hoặc nước muối, phân kali…

Cắt gốc, rải trên sân phơi 1 nắng, đưa vào nơi khô ráo, xếp dựng cây đứng không được đắp đống cao trên 0,5m, ngày thứ 3 đem phơi tiếp 1 nắng rồi đập lấy hạt đợt 1 để làm giống. Số còn lại ủ tiếp 2 ngày, đập lấy hạt, phơi khô còn độ thủy phần 10-13% đem vào cất giữ, bảo quản làm đậu thương phẩm.

Nguồn: nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hưng Yên: Vườn chanh bonsai được trồng bằng Đậu Tương

Giống chanh ngoại nhập, được chăm sóc hữu cơ của anh Nguyễn Hữu Hà bán chạy dịp Tết.

Vườn chanh của anh Nguyễn Hữu Hà

Hơn 1.700 gốc chanh tứ quý của anh Nguyễn Hữu Hà (xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) sau nhiều năm chăm sóc, tạo thế bonsai đã được tung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán này.

“Từ kinh nghiệm truyền thống dùng hạt đậu tương và cây đậu tương bón cho hoa, cây trầu không, tôi đã triển khai mô hình chăm sóc hữu cơ cho vườn chanh của mình, với thành phần chính nấm vi sinh, phân chuồng hoai mục, bột đậu tương, hạt đậu tương luộc ủ lên men”, anh Hà nói.

Bột đậu tương chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho cây chanh

Bột đậu tương là chất dinh dưỡng quan trọng để nuôi cây. Mỗi cây chanh bón 5 gram đậu tương thì có thể chơi 3 tháng mà không phải chăm bón gì thêm.

Cây chanh cảnh giá từ 2 đến 60 triệu đồng. Cây giá cao thường là trồng lâu năm, thế bonsai đạt thẩm mỹ cao, quả to vàng, có hoa, quả xanh, cây không xước.

Chanh vàng xuất xứ ngoại lai nhưng lại phù hợp với vùng đất Bắc Bộ. Cây sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt, không tốn công chăm sóc.

“Tôi đã tạo ra các cây chanh thế bonsai từ nhỏ cho đến cây cao 3 mét dành cho mọi nhu cầu người chơi. Đây là giống chanh từ Australia, ra quả quanh năm, quả tồn tại trên cây đến 6 tháng nên vừa để chơi trong ngày Tết vừa có thể dùng được lâu dài”, anh Hà nói.

Nghệ nhân tạo thế cho cây chanh cảnh với nhiều biểu tượng, như địa danh đất mũi Cà Mau, hay hình ảnh 5 anh em trên một chiếc xe tăng, những bàn tay xòa cụp…

Giống chanh vàng nhìn rất đẹp mắt

Cây giống sau khi trồng dưới đấ 6 tháng thì chuyển lên chậu cho rễ cây thích nghi không gian nhỏ và chất đất, cũng như cân bằng chế độ dinh dưỡng. Thân cây chanh giòn nên phải làm cho thân nóng lên mới uốn được thế mong muốn, quá trình uốn nắn tạo thế mất khoảng 3 năm.

Anh Hà đang chăm sóc cho vườn chanh

Quá trình chăm sóc hữu cơ nên chủ vườn hầu như không cần bón hoặc phun thuốc cho chanh, chỉ cần tưới nước. Toàn bộ 1,7 ha đất của anh Hà trồng 4.700 gốc chanh nhưng dịp Tết chỉ có 1.700 cây đủ tiêu chuẩn xuất đi, những gốc khác cần thời gian hoàn thiện dáng và cân bằng chế độ dinh dưỡng.

Bên cạnh tác dụng làm cảnh, quả chanh có giá bán từ 40.000 đồng mỗi cân

Hiện 1.000 cây chanh của anh Hà đã có người đặt mua, đây đều là những cây chanh thế có tuổi đời ít nhất 3 năm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Chăm sóc Đậu Tương đông

Đến thời điểm này cây đậu tương đông đã được trên dưới 1 tháng (tuỳ theo địa phương, tuỳ theo giống…), hiện đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ra hoa, do đó chúng tôi chỉ đề cập đến một số điểm chính trong kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch để bà con tham khảo, áp dụng.

Cây đậu tương non

Với các tỉnh phía Bắc đậu tương có thể trồng được 2 vụ chính cho hiệu quả cao: Xuân hè và vụ đông do đó bà con có thể tham khảo thêm các tài liệu về giống, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh v.v… được đăng tải thường xuyên trên báo Nông nghiệp Việt Nam và các báo địa phương trước khi vào vụ hoặc thông qua các Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện, Sở Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và Chi cục BVTV các tỉnh để được cung cấp tài liệu và tư vấn thêm về kỹ thuật. Do khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm của bà con Hà Tây trong những năm gần đây thông qua tài liệu của TT Khuyến nông Hà Tây và Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam:

Chăm sóc

Do gieo vãi nên cây mọc không đều, bà con nhổ bớt những chỗ mọc dày để trồng dặm lại những chỗ thưa nhằm đảm bảo mật độ (45-55 cây/m2 với các giống trung ngày, 55-65 cây/m2 với các giống ngắn ngày) sẽ cho năng suất cao nhất. Công việc cấy dặm lại phải xong trước 15 ngày sau gieo. Dặm xong cắt rạ phủ kín gốc và tưới nước đủ ẩm. Thường xuyên dẫn nước tưới đủ ẩm cho đậu sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là thời kỳ ra hoa, nuôi quả lớn. Chú ý khơi thông mương rãnh để thoát nhanh nước sau mưa to, không để ruộng bị úng ngập.

Lượng phân bón tính cho 1 sào Bắc bộ gồm: 200kg phân chuồng hoai mục, 3kg urê, 10kg phân lân, 3kg phân kali. Phân chuồng ngâm vào hố ở góc ruộng để pha tưới dần cùng với phân hoá học. Bón thúc lần 1 khi đậu có 1 lá thật (là lá đầu tiên bên trên 2 lá mầm) bằng cách pha 5kg lân + 1,5kg đạm + nước phân chuồng hoà đều để tưới vào gốc. Thúc lần 2 khi đậu có 3-4 lá: Pha 5kg lân + 1,5kg đạm + 1,5kg kali + nước phân chuồng hoà đều để tưới. Thúc lần 3 khi đậu có 5-6 lá: Pha 1,5kg kali còn lại + nước phân chuồng hoà đều để tưới. Chú ý các đợt bón thúc phải kết thúc xong 23 ngày sau khi mọc, không bón quá muộn làm ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả và chất lượng hạt sau này.

Phòng trừ sâu bệnh

Vụ đông ít sâu bệnh hơn vụ xuân hè, tuy nhiên cần chú ý phát hiện và phòng trừ kịp thời một số đối tượng sau: Sau khi gieo 9 ngày (5 ngày sau mọc) pha Dipterex 2/1.000 cộng với 1/1.000 Padan 95SP (bình bơm 10 lít pha 2g Dipterex + 1g Padan) phun kỹ để chống dòi đục thân. Sau 3-5 ngày phun kép lần 2 (cây có 7-8 lá thật) để trừ sâu ăn lá, có thể kết hợp phun thêm các chế phẩm phân bón qua lá để tăng năng suất hạt.. Khi đã tắt hoa phun trừ sâu đục quả bằng thuốc Ofatox, Regent… nồng độ 2/1.000. Dùng thuốc Zineb, Tilsupper để phòng trị bệnh rỉ sắt, sương mai, đốm nâu hại lá. Dùng Validamicin để trị bệnh lở cổ rễ khi cây còn nhỏ. Ngoài ra chú ý diệt trừ sâu khoang hại lá, hại hoa bằng cách bắt bằng tay hoặc đặt các bẫy Pheromone, bẫy chua ngọt có pha thuốc trừ sâu và chuột đồng hại quả vào cuối vụ.

Thu hoạch

Khi thấy lá đậu đã vàng, một số rụng xuống gốc, quả khô là thu hoạch được. Nếu đậu đã già mà lá xanh còn nhiều thì có thể phun nước muối, phun ethrel hoặc xả nước vào ngâm chân 2-3 hôm rồi rút cạn nước cho lá rụng hết dễ thu hoạch.

Đậu tương sắp được thu hoạch

Chọn ngày nắng ráo cắt sát gốc, phơi tại ruộng cho khô bớt rồi vận chuyển về phơi trong nong, nia, vải bạt đập lấy hạt. Cũng có thể dùng máy tuốt lúa để tuốt lấy hạt, phơi khô (độ thuỷ phần khoảng 13%), quạt sạch đem bảo quản nơi khô mát hoặc đem tiêu thụ.

Nguồn: Khoahoc.tv được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.