Vài nét về cá Bảy Màu

Cá bảy màu, hay cá hồ lan, cá hà lan, cá hòa lan ( Poecilia reticulata) là một trong những loại cá cảnh nước ngọt phổ biến nhất thế giới. Nó là một thành viên nhỏ của họ Poeciliidae (con cái dài 4–6 cm, con đực dài 2,5–3,5 cm) và giống như các thành viên khác của họ cá này, chúng là dạng cá đẻ trứng thai.

Nguồn gốc của cá bảy màu

Tên thường gọi là cá bảy màu, có nơi gọi là cá công. Tên khoa học:Poecilia reticulata, thuộc họ Cá khổng tước (Poeciliidae)

Đây là giống cá dễ nuôi, sinh sản nhanh, đa dạng và phong phú nhất trong số các loài cá cảnh (về màu sắc). Cá bảy màu nhập ngoại vào Việt Nam có 2 loại chính: bảy màu đuôi rắn và bảy màu thân xanh đen, đuôi màu xanh biếc, đỏ điểm vạch trắng. Ở các nước khác có cá bảy màu toàn thân đen tuyền chưa thấy có tại Việt Nam.

Cá có nguồn gốc từ Jamaica, sống trong những vũng vịnh cạn, eo biển, mương rãnh và dọc theo bờ biển. Năm 1866, Robert John Lechmere Guppy sống ở đảo Trinidad thuộc British West Indies gửi một vài con cá này đến bảo tàng Anh để nhận dạng. Albert C. L. G. Gunther của bảo tàng này đặt tên khoa học cho nó là Girardinus guppii để ghi công Guppy vào cuối năm đó. Đến năm 1913, đặt tên lại là Lebistes reticulatus, tên khoa học chính thức lúc bấy giờ. Tuy nhiên, loài cá này đã được Wilhelm Peters mô tả trước đó vào năm 1859 trong số sinh vật ông thu thập được từ Nam Mỹ. Mặc dù Girardinus guppii hiện nay được coi là từ đồng nghĩa của Poecilia reticulata, nhưng tên gọi “guppy” vẫn được sử dụng.[2] Theo thời gian cá bảy màu đã được đặt nhiều tên gọi khoa học khác, nhưng hiện tại Poecilia reticulata là danh pháp được coi là hợp lệ.

Phân bố của cá bảy màu

Cá bảy màu là cá bản địa của Trinidad và một số khu vực thuộc Nam Mỹ, đặc biệt là Antigua và Barbuda, Barbados, Brasil, Guyana, Netherlands Antilles, Trinidad và Tobago, quần đảo Virgin và Venezuela

Tuy nhiên, cá bảy màu đã được đưa vào nhiều quốc gia khác nhau tại mọi châu lục, ngoại trừ châu Nam Cực. Đôi khi điều này diễn ra một cách ngẫu nhiên, nhưng chủ yếu thường là trong vai trò của sinh vật kiểm soát muỗi, với hy vọng rằng cá bảy màu sẽ ăn các loại ấu trùng muỗi và làm giảm sự lan truyền của bệnh sốt rét. Trong nhiều trường hợp, những con cá bảy màu này lại trở thành loài xâm hại có ảnh hưởng tiêu cực tới quần xã cá bản địa

Sinh thái và hành vi của cá bảy màu

Có một sự đa dạng lớn về màu sắc giữa các quần thể, nhiều quần thể với màu sắc rất khác biệt nhau. Những quần thể nào sinh sống trong các môi trường mà các loài động vật ăn thịt là phổ biến sẽ có xu hướng ít sặc sỡ như là một biện pháp tự bảo vệ trong khi các quần thể với môi trường sống ít kẻ thù thì lại sặc sỡ hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những con đực màu sặc sỡ được ưa thích hơn trong quá trình chọn lọc giới tính (nguyên lý handicap) trong khi chọn lọc tự nhiên thông qua lối sống ăn thịt lại ưa chuộng các sắc thái dịu. Kết quả là, các kiểu hình thống lĩnh được ghi nhận trong phạm vi các cộng đồng cô lập về mặt sinh sản là chức năng của tầm quan trọng tương đối mà mỗi yếu tố có trong môi trường cụ thể.

Đôi khi những con đực có thể đối xử với nhau một cách hung hãn, tham gia vào những cuộc chọi đứt vây hay các hành vi ức hiếp khác. Cá bảy màu sống trong một mạng lưới xã hội phức tạp, chúng lựa chọn đối tác và ghi nhớ các đối tác này

Cá bảy màu là loài cá được các nhà sinh học tiến hóa chọn lựa do lối sống ăn thịt của chúng thông thường hay biến đổi ngay cả khi chỉ trong một khu vực nhỏ. Cả các công trình nghiên cứu trong quá khứ lẫn các nghiên cứu gần đây về cá bảy màu được khái quát hóa trong Evolutionary Ecology: the Trinidadian Guppy của Anne Magurran

Sinh sản của cá bảy màu :

Cá bảy màu đẻ nhiều. Thời kỳ mang thai của chúng là 22-30 ngày, trung bình khoảng 28 ngày. Sau khi cá cái được thụ tinh thì một vùng sẫm màu gần hậu môn, gọi là đốm thai, sẽ lớn dần lên và sẫm màu đi.

Cá bảy màu ưa thích nước có nhiệt độ khoảng 28 °C (82 °F) để sinh sản. Cá bảy màu cái sẽ sinh ra từ 2 đến 200 cá con, thông thường trong khoảng 5-30 con. Cá con vừa sinh đã có đầy đủ khả năng bơi, ăn, và tránh nguy hiểm. Chỉ vài giờ sau khi sinh đẻ xong, cá cái lại sẵn sàng cho việc thụ thai. Cá bảy màu có khả năng lưu trữ tinh trùng, nên sau chỉ một lần cặp đôi với cá đực, cá cái có thể sinh nhiều lần. Nếu không nuôi riêng hoặc không có lưới ngăn, cá trưởng thành sẽ ăn cá con.

Cá con cần khoảng một hoặc hai tháng để trưởng thành. Trong bể cá, thức ăn cho cá bảy màu con thường là thức ăn nghiền và ép thành dạng vảy (flake), ấu trùng artemia, hoặc thức ăn của cá trưởng thành. Ngoài ra, cá con còn ăn tảo bám trong bể.

Người ta đã lai thành công cá bảy màu với một số loài khác thuộc chi Poecilia (poecilia latipinna/velifera), ví dụ cá bảy màu đực và Poecilia cái. Tuy nhiên, con lai luôn là cá đực và có vẻ vô sinh.

Trong bể cảnh :

Cá bảy màu ưa thích bể cảnh nước cứng và có thể trụ vững trong môi trường với độ mặn cao gấp 1,5 lần độ mặn thông thường của nước biển. Cá bảy màu nói chung là ưa chuộng hòa bình, mặc dù hành vi rỉa vây đôi khi thể hiện ở những con đực hoặc nhằm vào những loài cá bơi nhanh khác như các loài cá kiếm (Xiphophorus spp.) và đôi khi nhằm vào những loài cá khác với các vây dễ thấy như cá thần tiên (Pterophyllum spp.). Đặc trưng đáng chú ý nhất của cá bảy màu là xu hướng sinh sản, và chúng có thể cho sinh đẻ trong cả bể cảnh nước ngọt lẫn bể cảnh nước mặn.

Cá bảy màu do những người nuôi cá cảnh tạo ra có sự biến đổi lớn về bề ngoài, như màu sắc hay hình dáng đuôi (đuôi quạt hay đuôi kiếm nhọn đầu). Sự sinh sản chọn lọc đã tạo ra nhóm các nhà thu thập “cá bảy màu lạ lùng”, trong khi cá bảy màu “hoang dã” vẫn duy trì được độ phổ biến của chúng như là một trong những loại cá cảnh dễ nuôi.

Những người nuôi cá cảnh có kinh nghiệm gây giống cá bảy màu cho chính mình đều biết rằng cá trưởng thành sẽ có thể ăn thịt các con non và vì thế nên tạo ra khu vực an toàn cho cá bột. Các bể cho sinh đẻ được thiết kế đặc biệt, có thể treo lơ lửng bên trong bể cảnh. Chúng phục vụ cho hai mục đích, thứ nhất là che chở cho cá cái đang mang thai không bị các con đực để ý tới và tấn công, và thứ hai là cung cấp một khu vực riêng biệt cho cá con mới sinh không để chúng bị mẹ ăn thịt. Cần lưu ý không thả cá mẹ vào nơi đẻ quá sớm vì nó có thể bị sẩy thai.

Nguồn: Kythuatnuoicabaymau.blogspot.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người đưa cây Măng Cụt về đất Gia Nghĩa

Vốn là người miệt vườn miền Tây Nam bộ, ông Trần Quang Đông, hiện là chủ trang trại Gia Ân ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Măng cụt

Khi lên địa bàn Đắk Nông khảo sát, tìm quỹ đất để làm ăn, ông nhận thấy khu vực Đắk Nia đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi nên quyết định đầu tư trang trại trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả. Sau nhiều năm, ông Đông đã nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp để phát triển cây măng cụt, một loại cây có giá trị kinh tế tương đối cao trên thị trường. Vậy là ông tự tìm giống và dành phần lớn quỹ đất có được để trồng măng cụt.

Đây là loại cây khá mới ở vùng Gia Nghĩa nên khi thấy ông đầu tư trồng với quy mô lớn, nhiều người còn nói ông đang “chơi một canh bạc” khá mạo hiểm. Tuy nhiên, tin vào nhận định cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của chính mình học hỏi được, ông đã dồn sức thâm canh loại cây này để chờ ngày cho quả ngọt. Đúng như dự tính, cây măng cụt của ông không chỉ phát triển mà khi cho quả chất lượng cũng rất tốt. Theo ông Đông, một số bạn bè đang là chủ các vựa cây ăn quả lớn ở các tỉnh miền Tây khi lên thăm trang trại cũng đều thừa nhận chất lượng quả măng cụt nơi đây rất đặc biệt. Hầu như quả nào cũng có trọng lượng khá chuẩn, da trơn bóng lại rất ngọt và thơm.

Đến nay, chỉ với hơn 8 ha măng cụt 6 năm tuổi, mỗi năm gia đình ông Đông cũng đã thu 60 tấn quả thương phẩm, cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Theo ông Đông, trồng măng cụt tuy thời gian đầu tư ban đầu là khá dài so với một số loại cây ăn quả khác nhưng đổi lại, thời kỳ ra quả dài và tương đối ổn định, không mất nhiều công cho việc chăm sóc vì gần như chúng phát triển tự nhiên, không bị tỉa cành, chủ yếu thu hái và bón phân định kỳ, theo dõi và xử lý một số loại địch hại. Mặt khác, cây măng cụt chủ yếu nhân giống từ hạt và tỷ lệ thoái hóa rất thấp nên nông dân có thể chủ động về nguồn cây giống cho việc mở rộng diện tích.

Khi nói về thị trường đầu ra, ông Đông cho biết: “Thời gian qua, sản phẩm măng cụt của Trang trại Gia Ân chủ yếu xuất sang thị trường Đà Lạt (Lâm Đồng). So với nhu cầu hiện nay, 8 ha măng cụt của trang trại là chưa thấm tháp vào đâu. Điều đáng nói, vấn đề ở đây không phải là số lượng mà chất lượng quả măng cụt ở Gia Nghĩa rất đặc biệt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do quy mô loại cây này mới chỉ phát triển nhỏ lẻ, chưa tạo được những vùng chuyên canh nên sản phẩm cung ứng cho thị trường thiếu tính ổn định. Vì thế, ngoài việc xây dựng thương hiệu cho quả măng cụt Gia Nghĩa, cũng như kêu gọi một số hộ dân cùng sở thích trồng loại cây này, tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm có quy hoạch, nhân rộng mô hình để măng cụt Gia Nghĩa sớm khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tư thương Trung Quốc đến tận nhà gom Mít Thái, trả giá cao chót vót

Với mức giá 43.000 đồng/kg tại vườn, người dân một số tỉnh vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang đang lãi lớn vì đây cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt với mít Thái không hạt, giá có lúc lên tới 60.000 đồng/kg.

Ông Năm có 15 cây mít Thái ở Tiền Giang cho biết, vì chăm sóc khá cẩn thận nên vườn nhà ông cho trái khá đều và ổn định. Đa phần là trái loại một và hai, trung bình 1 cây chỉ có khoảng 2-3 trái loại 3. Riêng trái loại một, thương lái đến thu gom ngay tại vườn với giá mỗi trái lên tới 300.000 đồng.

Nhà vườn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chăm sóc mít Thái.

“Nếu giá đỉnh điểm của 2017 có khi lên tới 30.000 đồng/kg thì nay đã nhảy vọt lên 43.000 đồng/kg. Do tư thương thu gom mua mạnh nên không dễ có hàng để bán. 3 năm trước giá bán tại vườn 15.000 đồng là tôi đã có lãi, còn năm nay với mức giá trên thì vụ mít năm nay… siêu lãi. Chỉ với 15 cây mít mà có thể thu về cả trăm triệu”, ông Năm nói.

Cũng có vườn mít Thái lớn, ông Bảy Ẩn, ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, năm nay nhà ông thu hoạch 5 tấn. Vì là hàng chất lượng đa phần loại 1 và 2 nên bán rất nhanh.

“Tôi bán 43.000 đồng/kg cho trái loại một (trái trên 9kg) và 35.000 đồng/kg cho loại 2 (trái trên 7kg). Đây là năm mà mít Thái có giá cao nhất từ trước tới nay”, ông Bảy Ẩn nói và cho biết, khi mới trồng mít Thái có giá 15.000 đồng/kg cho trái loại một nhưng nay chỉ với hàng dạt ông đã bán được với giá này.

Ông cũng cho biết, năm nay thị trường Trung Quốc thu gom mít Thái với số lượng lớn nên hàng ngon được tuyển đi hết. Mít bán tại chợ hiện đa phần là hàng “dạt”, trái bé, hoặc bị sâu phần đầu.

“Chưa có đầu năm nào thuận lợi như năm nay. Thương lái liên tục đi gom hàng tận nhà và trả với giá cao nhưng không còn hàng để bán. Có ngày có 3-4 người hỏi nhưng vì bán hết cho người hỏi mua đầu tiên nên không còn hàng để bán”, ông Bảy chia sẻ thêm.

Hiện mít Thái loại 1 giá lên tới 43.000 đồng/kg tại vườn, cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Tương tự, ông Trần Văn Sáu có 2 công mít Thái siêu sớm ở xã Bình Trưng, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, vườn của ông trồng đã thu hoạch khi cây được 2 – 3 năm. Hiện giờ, vườn ông thu hoạch bình quân mỗi trái nặng từ 8 – 20 kg, sau khi trừ chi phí thu lợi 70 – 80 triệu đồng, cao gấp 3 lần giá đỉnh điểm năm 2017.

Không chỉ ở Tiền Giang, Bến Tre nhà vườn bán được mít với giá cao mà tại Cần Thơ, Hậu Giang cũng lãi lớn với mít Thái sớm năm nay.

Cẩn trọng khi giá mít tăng cao kỉ lục

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP HCM cho thấy, mít loại 3 cũng được bán với giá khá cao. Chị Hoa, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết, tại chợ đầu mối lượng mít không nhiều đa phần bị sâu đầu nhưng cũng đã có giá trên 20.000 đồng một kg nên khi bán ra có giá 30.000 đồng. Riêng với mít Thái không hạt, giá lên tới 60.000 đồng nhưng cũng chưa phải là loại nhất.

Giá mít Thái tăng cao nên nông dân rất phấn khởi. 

Lý giải cho giá mít tăng cao, hầu hết nhà vườn và thương lái cho biết, vì Trung Quốc thu gom ồ ạt nên lượng hàng khan hiếm. Nếu như những năm trước đây thị trường này chỉ thu mua trái mít đã tách múi, bỏ hạt và đóng vào hộp thì nay họ tăng mua mặt hàng mít nguyên trái. Mặt khác, do hiện chưa phải là chính vụ nên giá cao hơn so với thời kỳ vào mùa.

Theo Sở Nông nghiệp & Nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá mít loại một bán tại vườn đang trên 40.000 đồng/kg, còn tại chợ là 60.000 đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục so với 5 năm trở lại đây.

Trước tình hình giá mít tăng đột biến, giúp bà con có lãi cao như hiện nay, người dân một số nơi đang phá bỏ diện tích vườn cây ăn trái để chuyển sang trồng mít. Vì vậy các chuyên gia nông nghiệp cũng lo ngại, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng thì nguy cơ cung vượt cầu. Mặt khác, Trung Quốc ngừng thu mua sẽ khiến giá giảm mạnh.

Thực tế là đã có thời điểm, giá mít Thái sụt giảm chỉ còn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở Châu Thành (Hậu Giang) không bán được mít đã phải bổ ra ném xuống ao cho cá ăn.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho Bưởi Da Xanh xen Mít Thái ruột vàng, mới thu bói đã ra 300 triệu

Anh anh Đỗ Thanh Toàn, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) hiện có 7 ha trồng cây ăn trái đặc sản. Trong đó, anh Toàn có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Tuy mới thu trái bói, nhưng diện tích trồng bưởi da xanh xen mít Thái ruột vàng đã mang về cho anh Toàn hơn 300 triệu đồng.

Anh Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam giới thiệu anh Đỗ Thanh Toàn trồng cây ăn trái đặc sản đạt giá trị kinh tế cao trên vùng đất gò đồi xã Nhị Hà.

Chúng tôi “tận mục sở thị” vườn cây ăn trái đặc sản tỏa bóng xanh mát vùng đất đồi tục danh Láng Dầu ở thôn Nhị Hà 2. Anh Toàn nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ngọt ngào hương thơm mít chín đầu mùa.

Anh Đỗ Thanh Toàn cho biết, mặc dù mới là mùa quả chiến (quả bói), nhưng những cây mít Thái ruột vàng trong trang trại của gia đình đều cho ra những trái đẹp với sản lượng tốt.

Trao đổi với người chủ sở hữu vườn cây ăn trái đặc sản thuộc diện bậc nhất của huyện Thuận Nam, chúng tôi được biết anh từ xã Phước Minh lên xã Nhị Hà khởi nghiệp trồng cây ăn trái từ năm 2004 đến nay. Buổi đầu, anh đầu tư trồng 1 ha mãng cầu theo phương pháp cắt cành cho ra bông trái vụ. Thổ nhưỡng, khí hậu xã Nhị Hà thích hợp với các loại cây ăn trái này, anh liên tiếp thu hoạch những mùa mãng cầu trái vụ cho thu nhập cao. Chỉ với 1 ha mãng cầu qua gần 10 năm thu hoạch 2 vụ/năm, anh Toàn tích lũy trên 1 tỷ đồng.

Anh tiếp tục sang nhượng đất mở rộng diện tích vườn cây ăn trái hiện nay lên 7 ha. Trong đó, có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Anh trồng bưởi da xanh và mít vàng sấy với mật độ 400 cây/ha. Trong vài vụ tới, khi bưởi da xanh giao cành, anh sẽ bỏ gốc mít để cây bưởi thông thoáng hấp thụ tốt dinh dưỡng và ánh sáng. Anh đào 7 ao chứa nước và lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm cho vườn cây canh tác theo hướng an toàn sinh học.

“Từ nguồn hoa lợi của vườn cây trái đặc sản tuy mới cho những mùa trái chiến nhưng đã giúp gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, khi vườn bưởi da xanh 3,5 ha cho thu hoạch sẽ nâng mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với hiện nay”, anh Đỗ Thanh Toàn.
Bóc vỏ trái bưởi da xanh ruột đỏ đầu mùa mời khách thưởng thức, anh Đỗ Thanh Toàn phấn khởi, chia sẻ: Bưởi da xanh trồng trên đất Nhị Hà ruột chín có màu hồng tươi, hương thơm, vị ngọt thanh, không hạt. Do mới trồng từ năm 2012 tới nay nên tôi mới thu hoạch trái chiến trên diện tích 2,5 ha trồng xen với mít ruột vàng. Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 35-40 ngàn đồng/kg.

Anh Toàn cho biết thêm, có lẽ chưa có loại cây nào trồng trên đất Nhị Hà cho thu nhập cao như bưởi da xanh ruột đỏ. Riêng vườn mít Thái Lan rộng 1 ha đã bước vào năm thu hoạch thứ ba, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Tôi bán sỉ cho bạn hàng ở Phú Quý thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg, cao hơn 3 ngàn đồng so với mít cùng loại trồng ở các tỉnh phía Nam đưa ra tiêu thụ tại thị trường Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Hà nhận xét: Anh Đỗ Thanh Toàn là nông dân đầu tiên đưa cây bưởi da xanh ruột đỏ và mít Thái Lan về trồng trên vùng đất gò đồi thôn Nhị Hà 2 cho hiệu quả kinh tế cao. Anh nêu cao ý chí vượt khó vươn lên làm giàu nhờ trồng các loài cây đặc sản. Vườn cây ăn trái của gia đình anh được nông dân địa phương học tập kinh nghiệm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn bưởi da xanh ruột đỏ, mít Thái Lan của gia đình anh Toàn trở thành điểm đến của nông dân địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Ninh Thuận tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tôm Hùm giống tăng giá

Nếu vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất giá tôm hùm giống ở Bình Định chỉ có 220 ngàn đồng/con tôm sao thì hiện đã tăng đến 260 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, đang vào cuối mùa nên sản lượng đánh bắt giảm mạnh.

Tôm hùm tăng giá do vào cuối mùa sản lượng khai thác ít.

Ngư dân Huỳnh Văn Sỹ (43 tuổi), chủ tàu cá BĐ 01187 TS chuyên đánh bắt tôm hùm giống ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cho biết, thời điểm trước tết tôm hùm giống chỉ xuất hiện nhiều do biển động mạnh. Những con thuyền đánh mành lớn ở xã Nhơn Hải sau một đêm ra khơi đánh bắt được từ 40 – 60 con tôm hùm giống cả tôm sao lẫn tôm xanh, cá biệt có thuyền đánh bắt được trên 100 con. Đặc biệt năm nay tôm sao là loại tôm có giá trị kinh tế cao xuất hiện nhiều nên ngư dân có thu nhập khá.

Cả ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) vào thời điểm trước tết ngư dân cũng trúng đậm tôm hùm giống. Ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Lý cho biết: “Từ đầu vụ đến trước tết, ngư dân trong xã khai thác được 7.000 con tôm sao, trị giá trên 1,4 tỉ đồng”.

Tương tự, ngư dân xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) cũng đã khai thác được khoảng 3.000 con tôm sao, 20.000 con tôm xanh.

Do sản lượng đánh bắt cao, sức mua lại yếu đi do các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bị “vỡ trận” do cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017 vừa qua, nên năm nay giá tôm hùm giống ở Bình Định vào thời điểm trước tết bị mất giá đến hơn 100.000 đồng/con.

Theo ngư dân Huỳnh Văn Sỹ, nếu cùng kỳ năm trước giá tôm sao bán được 320.000 đồng/con thì thời điểm trước tết chỉ có 220.000 đồng/con; còn tôm hùm xanh năm trước có lúc bán được 70.000 đồng/con thì năm nay chỉ có giá 25.000 đồng/con.

“Năm nay ngoài nguyên nhân tôm hùm giống được mùa mất giá đã đành, thời gian gần đây tôm hùm giống nhập về từ Malaysia, Indonesia và Philippines cũng nhiều, do đó càng kéo giá tôm hùm giống tuột thấp. Nhiều ngư dân Việt Nam sang định cư các nước nói trên cũng đánh bắt tôm hùm giống, đánh bắt xong họ nuôi ủ đến khi tôm to bằng ngón tay mới đưa về Việt Nam bằng được hàng không bán với giá rẻ hơn tôm của ngư dân mình vừa đánh bắt từ biển về từ 40.000 – 60.000 đồng/con”, ngư dân Huỳnh Văn Sỹ cho biết.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chăm sóc Mai sau tết

Ngày tết nhiều gia đình ở miền Nam thường chưng cây mai vàng với ý nghĩa mang may mắn vào nhà. Tuy nhiên, sau tết không phải ai cũng quan tâm đến việc chăm sóc cây mai nhà mình.

Theo các nghệ nhân chuyên trồng mai thì việc chăm sóc cây sau tết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của mai và quyết định cho việc ra hoa vào mùa tết năm sau. Do đó, thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng mai đang tất bật chăm sóc cây.

Với gần 30 năm gắn bó với cây mai vàng, anh Nguyễn Văn Điền ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã sưu tầm và sở hữu trên 100 gốc mai lớn nhỏ, trong đó có nhiều cây có tuổi đời cả trăm năm tuổi.

Dịp tết vừa qua, đa số các gốc mai trong vườn nhà anh đều cho hoa nở đều cây. Bí quyết giúp anh có được những gốc mai ra đẹp như thế là do biết cách chăm sóc theo từng thời điểm phát triển của cây.

Anh Điền chia sẻ: “Đầu mùng 7 là mình cắt dài tới 15 – 20 âm lịch, ráng cắt hết những nụ đã nở, chưa nở và còn nhỏ, cắt bỏ hết đừng tiếc để năm sau cho bộ hoa đẹp hơn và có hoa nhiều hơn”.

Hiện nay, một số người dân sau khi mua mai về chưng tết thường tiếc không cắt hoa, để cho hoa tàn hết rồi tự rụng nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người trồng lâu năm thì đây chính là nguyên nhân khiến cây bị mất sức, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng cho cả năm sau.

Anh Nguyễn Văn Điền ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông khuyến cáo: “Qua tết mà không cắt nụ thì sẽ làm cho cây mai “mất sức”, vì phải nuôi hạt của đài hoa, nuôi càng nhiều thì cây dốc sức càng nhiều. Mình không có phân bón, không rút cành làm cho ánh nắng không chiếu được vô thân, vô nhánh cây dễ bị nấm bệnh…”.

Cũng theo các nghệ nhân thì việc chăm sóc mai sau tết đòi hỏi phải công phu, người trồng phải có sự nghiên cứu bởi cây mai đang trồng ngoài trời và cây mai chưng trong nhà đều có cách chăm sóc khác nhau. Trong đó, cây mai chưng trong nhà đòi hỏi phải đầu tư chăm sóc nhiều hơn.

“Cây trong nhà nên đưa ra ngoài từ từ cho nó quen ánh nắng chứ đừng cho ra đột ngột, vì trong thời gian chưng trong nhà cây không có ánh nắng quang hợp, bộ lá mỏng. Nếu đem ra đột ngột quá nó sẽ sốc, dễ cháy lá. Nên đem ra từ từ ngoài bóng râm khoảng 1 tuần để bộ lá hơi dầy mới đưa ra nắng”, anh Điền chia sẻ thêm.

Ngoài việc cắt nụ hoa sau tết thì khâu thâu tàn cho cây cũng là yếu tố quan trọng bởi khi thâu tàn sẽ tạo ra thêm nhiều nhánh mới, giúp cây có thêm nhiều chồi và nụ cho đợt tết năm sau. Bên cạnh đó, khâu bón phân cũng là yếu tố quan trọng mà các nghệ nhân khuyến cáo nên thực hiện từ đầu đến giữa tháng 2 khi lá đã ra đầy đủ và chỉ bón với một lượng vừa đủ. Không nên bón nhiều bởi rễ cây chưa hoạt động mạnh. Nếu bón quá nhiều nhiều phân có thể làm cây bị chết.

Ngoài các khâu trên thì việc thay chậu cho cây chỉ nên thực hiện vào khoảng thời gian từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 âm lịch khi đó bộ rễ cây đã cứng cáp, cây sẽ không bị chết.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật xử lý Măng Cụt ra hoa theo ý muốn

Măng cụt được trồng chủ yếu ở Nam bộ, trong đó đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 5.000 ha, sản lượng khoảng 4.500 tấn, trong đó có 1/3 diện tích đang cho trái. Bến Tre hiện có gần 4.500 ha, là tỉnh đã công bố chính thức chọn măng cụt là cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển theo hướng thâm canh.

Đặc sản măng cụt

Măng cụt là loại cây đặc sản, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trái cây cao cấp. Giá măng cụt lúc nào cũng cao. Đám cưới mà có mâm măng cụt là thuộc loại sang. Măng cụt được gọi là “nữ hoàng” của cây ăn trái là vậy. Chủ cơ sở cây giống Duy Hiền, cũng là người trồng để nhân giống tại xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre, nói về vườn cây của mình, cũng có bao thăng trầm. Để có trái măng cụt đến tay người tiêu dùng nhà vườn phải bỏ ra không ít công sức.

Trồng măng cụt

Đối với cây măng cụt, việc chuẩn bị đất cũng giống như các loại cây ăn trái khác, nhưng khoảng cách trồng phải từ 7-10 m, vì tàn lá lớn và cây sống lâu năm. Nếu trồng xen với dừa, thì nên trồng khoảng giữa 4 cây dừa là tốt nhất.

Khi trồng nên cắt bớt lá, nên trồng vào đầu mùa mưa. Có thể trồng xen với chuối, dừa để che mát. Muốn trồng thuần măng cụt, lúc đầu khi cây còn nhỏ nên xen những cây ngắn ngày để có thu nhập.

Rễ măng cụt tiếp xúc với đất kém, nên cần tưới và chăm sóc thường xuyên. Cây bị ngập nước dễ chết, cho nên cần thoát nước tốt vào mùa mưa.

Cây măng cụt rất ưa phân chuồng. Bón đạm để giúp cây tăng trưởng nhanh. Kinh nghiệm của những nhà vườn chuyên canh: Trong năm đầu có thể bón từ 50 gam đến 100 gam phân SA/cây hoặc 20-40 gam urê/cây vào một tháng sau khi trồng và từ 50-100 gam SA, hoặc 20-40 gam urê vào sáu tháng sau. Từ năm thứ hai sau khi trồng nên tăng dần lượng phân theo giai đoạn tăng trưởng. Khi cây bắt đầu cho trái, bón 500 gam phân NPK 20-20-15 một cây vào đầu và cuối mùa mưa. Lượng phân tăng khi cây lớn sẽ cho nhiều trái.

Cây trưởng thành có thể bón từ 2 kg NPK/năm. Những người có kinh nghiệm có thể bón 1,5 kg DAP/gốc vào cuối mùa mưa, kết hợp bồi sình rải lá và cỏ mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.

Lúc đầu cắt bỏ cành yếu, nhưng cây cao từ 8 đến 10m thì cắt ngọn để giảm chiều cao, tạo tán ngang giúp cây cho trái nhiều.

Bệnh của cây măng cụt thường là sâu ăn lá, rệp dính hoặc nhện đỏ, bọ xích làm cây kiệt sức, bệnh đóm rong, chảy nhựa vàng. Các loại bệnh này đều có thuốc trị, chỉ cần nhà vườn lưu ý sẽ khỏi.

Thu hoạch trái đã chuyển màu đỏ là thuận lợi, vì có thể bảo quản được từ 7-10 ngày.

Quả măng cụt chín

Hiện tại theo dự án của Bến Tre diện tích măng cụt của tỉnh đã lên tới 4.500 ha, trong đó 200 ha đang trong thời kỳ cho trái năng suất cao.

Hạn chế của trái măng cụt là trái bị sượng. Cách tốt nhất là thu hoạch trước mùa mưa. Đặc tính của măng cụt là ra hoa trên đầu cành đọt mới nên việc cho măng cụt ra hoa sớm, trước hết phải làm cho cây ra đọt non sớm và đồng loạt.

Xử lý cho trái nghịch vụ

Để cho mùa sau ra trái sớm và chất lượng, sau thu hoạch mùa trước cần làm mấy việc sau: Thứ nhất, bón 3 kg phân đầu trâu AT1 + 30 kg phân ủ hoai + 50 gam RICHO-MS/cây có tán 6-8 mét, tưới nước đều. Thứ hai là tỉa bỏ cành vượt, cành cấp một vượt ra khỏi khung tán và cắt bỏ những cặp lá đầu cành trên toàn bộ tán lá. Làm hai việc này càng nhanh càng tốt.

Hai tuần sau, dùng MS-THIORÊ hoặc FOOD-MS1 phun sương ướt đều tán cây. Sau hai đến ba lần phun, cây sẽ nhú đọt đồng loạt. Khi đọt non nhú được 01 tuần, dùng FOOD-MS1 phun hai lần, 10 ngày một lần nữa, giúp đọt lá phát triển mạnh chuẩn bị ra hoa.

Xử lý ra hoa cũng đòi hỏi trình độ. Vì tạo được đọt non phát triển chưa hẳn là ra hoa. Khi đọt non được 05 tuần tuổi, bón 02 kg phân đầu trâu AT2 + 02 kg HUMICH/cây. Muốn có hiệu quả nhanh, thì dùng 100 gam MS hòa nước xịt đều trên cây. Một tuần sau dùng FOOD-MS2 hoặc F-PO phun sương cho ướt đều hai mặt lá cây hai lần, cách nhau 07 ngày/lần. Làm vào đầu tháng 10 âm lịch để thu hoạch đầu tháng 04 năm sau.

Có hai cách bắt cây ra hoa sớm và đồng loạt: Thứ nhất, khi đọt non 09 tuần thì siết nước (tạo khô hạn, rút nước trong mương và phủ nylon trên mặt liếp. Khoảng 2-4 tuần thấy lá non có biểu hiện héo thì tưới thật nhiều, 5-7 ngày sau tưới lần nữa để mặt liếp đủ ẩm. Thứ hai, là khất gốc (khoanh vỏ). Cách làm này chỉ áp dụng cho những vườn khó tạo khô hạn, thì khi đọt được 9-10 tuần tuổi, khoảng ngày 15 tháng 10 (âm lịch), tiến hành khất gốc xung quanh thân. Chỉ khất phần vỏ, không được chạm vào gỗ trong thân, vết khất cách mặt đất khoảng 1 mét.

Sau khi lá tươi trở lại hoặc khấc gốc 2 hoặc 3 ngày là cho cây ra hoa đồng loạt bằng cách dùng thuốc kích thích ra hoa C.A.T + FOOD-MS2 phun sương đều hai mặt lá cây một lần. Khoảng 10-20 ngày sau khi tưới nước lại và phun thuốc, cây sẽ nhú chồi hoa. Từ khi hoa nhú đến hoa nở khoảng 30-45 ngày. Muốn đậu trái tốt, nên phun hai lần thuốc đậu trái C.A.T hoặc HCR cách nhau 10 ngày một lần.

Nuôi trái cũng là vấn đề quan trọng. Khi trái đậu hai tuần, bón 02 kg phân đầu trâu AT3 + 02 kg HUMICH/cây, chia làm hai lần. Muốn cho cung cấp nhanh dinh dưỡng nuôi trái thì bón 400 gam MS hòa với 04 lít nước xịt cho một cây. Đồng thời, dùng HCR phun hai lần, 07 ngày/lần. Sau đó dùng thuốc dưỡng trái + FOOD-MS4 phun 3-4 lần, 10 ngày một lần giúp cho trái to, chắc, ngon ngọt và hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết trồng măng cụt cho năng suất vượt trội

Trái măng cụt có giá trị kinh tế cao và có thị trường xuất khẩu rất lớn. Ở Việt Nam, trái măng cụt có giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người ưa thích. Vì vậy, bà con nên nắm vững kỹ thuật trồng cây măng cụt cho năng suất cao nhất.

Măng cụt

Măng cụt thuộc cây ăn quả nhiệt đới được trồng nhiều ở Thái Lan, Mã lai, Phi luật tân, Indonesia và Việt nam. Măng cụt là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng và được xem như là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới bởi lẽ dáng trái đẹp và chứa nhiều chất bổ dưỡng. Dưới đây là những kỹ thuật trồng cây măng cụt đúng cách nhất cho năng suất vượt trội.

Giống và kỹ thuật nhân giống

Măng cụt có thể được nhân giống bằng cách ghép đọt hoặc gieo hạt. Phương pháp ghép không đạt hiệu quả cao do cây con có tỉ lệ hao hụt rất lớn; cây ghép cho trái nhỏ và ít hơn so với cây trồng bằng hạt.
Gieo hạt là phương pháp nhân giống phổ biến của măng cụt. Măng cụt đậu trái không thụ phấn, hạt măng cụt được phát triển từ phôi cái nên cây trồng từ hạt có đặc tính giống như cây mẹ.
Cách gieo hạt: Hạt măng cụt mau mất sức nẩy mầm, do đó không nên dự trữ hạt lâu. Chọn hạt to, nặng > 1g từ những trái mặng cụt chín. Rửa sạch hạt va gieo vào bầu đất hoặc liếp ươm.
Vật liệu của bầu hoặc liếp ươm là tro trấu, bột sơ dừa hoặc cát mịn trộn phân hữu cơ. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm, 20-30 ngày sau hạt sẽ nẩy mầm. Khi cây lớn thì chuyển sang bầu lớn chú ý không làm tổn thương rễ vì rễ măng cụt không có lông hút và rất yếu.

Mật độ khoảng cách

Măng cụt có tán cây lớn, tán là sum xuê, do đó nên trồng thưa cây cách nhau 7-10m. Mật độ 100-200 cây/ha, với khoảng cách trồng nầy cây sẽ giao tán sau 30 năm trồng.

Chuẩn bị mô

Mô cần được chuẩn bị 1-2 tháng trước khi trồng. Mô hình tròn có đường kính 0,6 –0,8m, cao 0,3-0,5m tùy theo địa hình cao hay thấp. Đất mô nên trộn với 10-20 kg phân chuồng hoai và 200g phân NPK 15-15-15. 4.

Kỹ thuật trồng

Khi cây con được 2 năm tuổi thì đem đi trồng, lúc này cây có 12-13 cặp lá và 1 cành cấp 1, khoét lỗ trên mô vừa với bầu đất, nhẹ nhàng đặt cây vào, lấp đất ngang mặt bầu, cắm cọc giữa cây không bị đổ ngã. Khi đặt cây cần cẩn thận để không bị hư rễ.

Làm cỏ, trồng xen

Có thể dùng một số cây ngắn ngày làm cây trồng xen trong vườn cây măng cụt để góp phần hạn chế cỏ dại phát triển. Việc trồng xen cần bảo đảm cây trồng xen không cạnh tranh nước và dinh dưỡng với cây măng cụt.
Trong những năm đầu khi cây chưa khép tán, cỏ dại sẽ phát triển mạnh, nên diệt cỏ bằng phương pháp thủ công, hoặc dùng máy cắt cỏ, khi cần thiết có thể diệt cỏ bằng thuốc hoá học như: Glyphosate, Gramoxone,…

Tưới nước

Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn, nhất là giai đoạn cây con và cây đang mang trái vì sau khi trổ (tháng 12 dương lịch) là thời kỳ không mưa. Do đó, cần phải tưới nước cách ngày cho cây nhất là ở giai đoạn sau khi trổ hoa, trái.

Thu hoạch

Hái trái lúc trái có màu hồng, khi hái phải thật cẩn thận và tránh sự va chạm mạnh trên trái nhằm giảm đến mức thấp nhất sự xây xát. Nên dùng dụng cụ có túi vải để hái trái, tránh để trái rơi tự do trên mặt đất làm xay xát vỏ trái…
Những quả măng cụt ngon ngọt hấp dẫn khi được chăm sóc tốt
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thủy sản thời 4.0

Nhờ bắt kịp xu thế và áp dụng những công nghệ thông minh trong thời đại nông nghiệp 4.0 mà ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Dưới đây là một số ứng dụng thông minh đang mang lại những hiệu quả thiết thực, mở ra nhiều triển vọng cho ngành thủy sản.

Công nghệ điện hóa – siêu âm

Tác giả của công nghệ này là TS Lê Quang Tiến Dũng và cộng sự thuộc bộ môn Vật lý chất rắn – Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Huế. Với ưu điểm không phải sử dụng bất cứ hóa chất nào khác trong quá trình nuôi, đây là giải pháp được trao giải Ba Giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2016. Công nghệ đã được ứng dụng thành công ở các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau… giúp giải được bài toán lớn về xử lý các chất dư thừa đọng lại dưới đáy ao nuôi. Thiết bị xử lý nước trong hồ tôm dựa trên nguyên lý chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch điện hóa thành vi bọt khí. Dung dịch vi bọt khí được điều chế bằng phương pháp điện hóa – siêu âm đã tăng hiệu suất diệt khuẩn mà không cần đến bất kỳ một loại hóa chất diệt khuẩn, kháng sinh nào và cũng không cần thay nước trong suốt vụ nuôi. Bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất, dung dịch vi bọt khí đã đem lại chìa khóa thành công cho nuôi tôm thâm canh vì đã cùng lúc xử lý đạm hóa tan trong suốt vụ nuôi, xử lý khuẩn, xử lý tảo và làm giàu ôxy cho nước ao nuôi. Cụ thể, khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm – điện hóa kết hợp khảo sát theo nồng độ muối NaCl với điện áp cố định 4V, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ NaCl 5 g/l. Với nồng độ NaCl 20 g/l, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỷ lệ dung dịch vi bọt khí: khuẩn (1:1). Dung dịch vi bọt khí có khả năng phân hủy xanh methylene và xử lý khuẩn Vibrio spp. tốt hơn so với khi sử dụng dung dịch anolyte được điều chế từ bộ điện hóa.

Công nghệ giúp giảm chi phí rất lớn về xử lý nước trong quá trình nuôi, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Nâng tỷ lệ thành công các vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn cho các hộ nuôi so với trước đây. Đến nay, công nghệ đã được Trường ĐH Khoa học Huế kết hợp với Công ty Huetronics tiến hành triển khai chế tạo và thương mại hóa thiết bị xử lý nước sử dụng điện hóa – siêu âm với công suất lớn, cấp nước vào ao hoặc tuần hoàn trong suốt vụ nuôi mà không dùng bất kỳ sản phẩm diệt khuẩn truyền thống nào.

Thiết bị XpertCount2

Thiết bị được sản xuất bởi XpertSea Solutions, một nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm công nghệ tin học phần cứng và phần mềm của ngành thủy sản có trụ sở tại Canada. Hiện, thiết bị đang được phân phối tại Việt Nam bởi Công ty Vinhthinh Biostadt. Đây là một thiết bị di động thông minh dùng để kiểm tra và đánh giá nhanh chất lượng các loài thủy sinh về: số lượng, kích cỡ (chiều dài) và độ phân đàn (CV). Sử dụng công nghệ quang học tiên tiến an toàn cho tất cả sinh vật, XperCount2 giúp người sử dụng đếm hàng nghìn sinh vật, từ các tế bào vi tảo, ấu trùng đến các hậu ấu trùng chỉ trong vài phút. Mọi dữ liệu từ thiết bị XperCount2 đều được tổng hợp vào một báo cáo kiểm soát chất lượng dựa trên công nghệ đám mây dễ sử dụng, có thể được tải về và chia sẻ giữa ban quản lý cơ sở tôm giống và khách hàng. XperCount2 hoạt động như một chiếc máy tính được hỗ trợ thêm bởi 2 camera và bộ cảm biến nên có độ chính xác vượt trội lên đến 95% đối với tất cả ứng dụng cập nhật mỗi 2 tuần. Có khoảng cách kích thước hoàn thiện từ 1 micromet đối với vi tảo cho đến lớn hơn như ấu trùng tôm hay tôm post. Máy vận hành bằng pin, sử dụng liên tục 6 – 8 giờ, gọn nhẹ (khoảng 4 kg), dễ thao tác, sử dụng màn hình cảm ứng và hệ thống wifi nên vừa có tính cơ động cao, nhưng cũng dễ dàng sử dụng trong mọi lúc, mọi nơi. Máy có khả năng báo cáo và phân tích chuyên sâu cho 100% hoạt động truy xuất và mở rộng sản xuất. Kết quả các mẫu kiểm tra sẽ được tự động gửi về cho khách hàng và khách hàng có thể truy cập từ bất kỳ trình duyệt nào để xem dữ liệu.

Hệ thống RAS

Mặc dù đã được nhắc đến nhiều, nhưng không thể phủ nhận rằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) cho đến nay vẫn được xem là hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh và mang lại hiệu quả đối với người nuôi nhất tại nhiều nước trên thế giới. Với ưu điểm là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường (trên 100 kg/m3), chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường. RAS bao gồm một dây chuyền các quá trình bổ sung, cho phép lượng nước thải được tái sử dụng cho các bể nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, nước sẽ tuần hoàn trong một hệ thống kín và hoàn toàn không thay nước, chỉ một lượng nhỏ nước mới được cấp thêm vào hệ thống để bù đắp cho lượng nước hao hụt do bốc hơi. Sau khi hệ thống được vận hành, kiểm tra thông số môi trường (DO, pH, NH3, NO2…) và nhiệt độ, sau đó có thể thả cá vào bể nuôi. Thông thường cá được thả vào bể phải có mật độ cao (100 – 200 con/m3), hàng tuần định kỳ kiểm tra thông số môi trường để điều chỉnh thích hợp. Hệ thống lọc phải được vận hành liên tục suốt vụ nuôi (3 – 5 tháng), hệ thống sục khí phải được duy trì hằng ngày. Sau khi vận hành hệ thống lọc tuần hoàn 3 ngày trở lên thì thả cá giống vào bể và cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn được điều chỉnh theo sức ăn của cá.

Hiện, RAS được cải tiến, áp dụng chủ yếu trong các trại sản xuất tôm giống ở các tỉnh ĐSBCL.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.