Một số lưu ý canh tác lúa trong mô hình tôm – lúa ĐBSCL

Một số lưu ý đó là các khâu: chọn giống, thời vụ gieo cấy, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước và thu hoạch – sau thu hoạch.

 

Mô hình canh tác Tôm – Lúa ở ĐBSCL

1. Mô hình tôm – lúa có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Việc nuôi tôm sú (nước lợ) tiến hành trong mùa khô khi nước mặn xâm nhập vào ruộng (thời gian nuôi bắt đầu khoảng tháng 1 và kết thúc vào tháng 6) và mùa mưa có nước ngọt thì trồng lúa: Canh tác lúa trong mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 12) khi đã cải thiện được xâm nhập mặn và có đủ nước ngọt cho sản xuất lúa.

Mô hình lúa – tôm đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích đất: Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).

Sau vụ tôm tiến hành trồng lúa giảm đầu tư phân bón (tận dụng xác bã thực vật, lượng thức ăn thừa của tôm), giảm dịch hại (do luân canh) chất lượng lúa gạo rất cao (lúa sạch, lúa hữu cơ) hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học. Năng suất nuôi tôm – lúa trên 1 ha bình quân đạt khoảng 300 – 500 kg tôm và 4 – 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm.

2. Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình.

2.1. Chọn giống:

– Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên, Một bụi lùn Minh Hải hoặc giống lúa trung mùa ST 24, một số vùng sản xuất bằng giống lúa ngắn ngày: OM5451, OM6976, OM7347, OM 4498, OM 2517, OM5464, OM5464, OM5981, IR 50404… Năng suất lúa biến động rất lớn, từ 3 – 6 tấn/ha tùy theo mức độ thâm canh của từng vùng.

 

2.2. Thời vụ gieo cấy:

Chủ yếu là mưa đều, rửa mặn xong (độ mặn dưới 1 phần ngàn) mới gieo sạ.

Đối với giống nhóm B (thời gian sinh trưởng tương đương 120 ngày): Gieo sạ từ 10/8 – 30/8.

Các giống lúa mùa có thể gieo mạ từ 20/7 – 30/7.

Đối với giống nhóm A1 (thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày): Gieo sạ từ 01/9 – 20/9.

Lượng giống sạ: 80-100kg/ha. Sử dụng giống xác nhận.

 

2.3. Bón phân:

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng, chú ý nhẹ đầu nặng cuối và khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp.

Bón lót: Bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và can-xi để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi. Các nhà khoa học khuyến cáo đầu vụ, trước khi gieo sạ, bà con có thể bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Bón thúc: Giai đoạn 10 ngày không bón, cây lúa hấp thu dinh dưỡng từ lớp bùn non của ruộng. Chỉ bón thúc đẻ 18-22 ngày sau sạ cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK + trung vi lượng: Bón 100-150kg Đầu Trâu TEA1 (gia giảm tùy theo lúa tốt xấu).

Bón đón đòng: trước khi lúa vào giai đoạn tượng đòng cần tạo điều kiện cho cây lúa chuyển sang màu vàng (xiết nước giữa vụ), khi lúa chuyển vàng, bóc ra có tim đèn (đòng đòng đất) 1-2mm sẽ bón phân theo kỹ thuật không ngày không số:

Lúa Màu vàng: Đầu Trâu TEA2 150 kg/ha.

Lúa Xanh nhạt: Đầu Trâu TEA2 100 kg/ha.

Lúa Xanh đậm: 50-70 kg KCl/ha (tuyệt đối không bón đạm).

 

2.4. Quản lý dịch hại tổng hợp:

Chú ý:

Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày.

Không phun thuốc sâu định kỳ, chỉ phun khi mật số sâu hại tới ngưỡng, nhớ áp dụng theo 4 đúng.

Đối với bệnh: Trong 40 ngày đầu thăm đồng phát hiện có vết chấm kim thì phun ngay.

Giai đoạn từ 40 ngày đến trổ đều: Có thể chủ động phun ngừa các bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá vi khuẩn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm.

 

2.5. Quản lý nước:

Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ giúp tiết kiệm nước và cây lúa khỏe.

Chú ý đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo).

 

2.6. Thu hoạch – sau thu hoạch:

Thu hoạch đúng độ chín (85-90% độ chín) cho năng suất và chất lượng cao nhất.

Hiện nay nếu nông dân bán lúa tươi tại ruộng là hay nhất. Nếu chưa bán được phải tìm cách sấy lúa, trong 24 giờ đầu cần hạ độ ẩm của lúa từ 22-28% xuống còn dưới 17% và sau 48 giờ độ ẩm dưới 15%. Nếu muốn bảo quản lâu hơn 1 tháng cần sấy đến độ ẩm 13%.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mít Thái ra trái quanh năm

Mít Thái là giống cây dễ trồng, ít công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, đậu trái quanh năm, múi mọng và giòn ngọt, đặc biệt cây trồng phù hợp với vùng đất đồi

1, Tiêu Chuẩn Chọn Giống:

Dùng hạt cây Mít mật, Mít rừng gieo làm gốc ghép cho mít dai. Tiến hành ghép khi cây gốc ghép được 5-6 tháng, cao 30-40cm, lá đã ổn định. Có thể ghép mắt kiểu cửa sổ hoặc ghép áp, trong đó tỷ lệ thành công của ghép áp cao hơn. Thời vụ cho chiết, giâm hom, ghép cây tốt nhất là tháng 3-4 (vụ xuân) và tháng 8-9 (vụ thu) khi nhựa trong cây ổn định. Bí quyết thành công của các phương pháp nhân giống mít là giâm, ghép phải làm nhanh ngay sau khi cắt; với chiết cần để nhựa khô 2-3 ngày mới bó bầu nếu không sẽ bị nhiễm khuẩn mà chết khô cành.

 

2, Thời Vụ và Mật Độ Trồng:

Đầu mùa mưa tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Nếu chủ động nguồn nước tưới có thể trồng sớm hơn, thậm chí trồng quanh năm.

– Trồng dầy: Cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m. Một ha trồng khoảng 300 cây (vì phải chừa đường đi nội bộ).

– Trồng thưa: Cây cách cây 6m hàng cách hàng 7m. Một ha trồng khoảng 210 cây. – Đất cằn cỗi nên trồng dầy, đất tốt nên trồng thưa. Hiện nay, người ta có xu hướng trồng dầy để tăng sản lượng và rút ngắn thời gian hoàn vốn, sau đó áp dụng phương pháp tỉa cành hay đốn tỉa bớt.

 

3, Làm Đất Và Đào Hố Trồng:

– Đất bằng phẳng phải xẻ mương rãnh sâu ít nhất 30 – 40cm (tùy nước thủy cấp ở từng nơi) để chống úng vào mùa mưa. Làm hốc sâu 40 x 40 x 40cm và đắp mô cao 40 – 70cm.

– Đất có độ dốc khoảng 5%, không cần đắp mô, chỉ cần làm hốc có kích thước 40 x 40 x 40cm.

– Độ dốc cao hơn 7%, làm hốc có kích thước 40 x 40cm và sâu 60cm.

– Mỗi hốc có thể trộn: 0,5kg vôi bột, 1-3kg phân hữu cơ Better HG01 3-2-2. Hố trồng đào 50 cm x 50 cm x 50 cm, khi đào hố nên để riêng lớp đất trên mặt ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên, bón lót mỗi hố 10-12 kg phân chuồng đã ủ hoai, hoặc phân hữu cơ Komix 1 kg, 150-250 g Super lân, trộn đều với lớp đất mặt xung quanh, trộn thêm với 50 g Basudin 10H và 0,5 kg vôi để phòng trừ mối kiến và nâng cao độ pH đất. Ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ và làm mặn đất.

 

4, Phân Bón Lót:

Bón lót mỗi hố 10-12 kg phân chuồng đã ủ hoai, hoặc phân hữu cơ Komix 1 kg, 150-250 g Super lân, trộn đều với lớp đất mặt xung quanh, trộn thêm với 50 g Basudin 10H và 0,5 kg vôi để phòng trừ mối kiến và nâng cao độ pH đất. Ngoài vật liệu bón lót trên không nên dùng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp bón lót dễ gây thối rễ và làm mặn đất.

 

5, Kỹ Thuật Trồng Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

Dùng tay móc một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng thanh trà khoảng 2-3 cm, kích thước to hơn bầu cây đôi chút, để túi cây trên mặt đất, dùng dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2-3 cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó đặt vào hố trồng, lấp đất và rút bọc nilon ra. Dùng tay lấp và ém chặc lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rể ngang bằng với nền đất xung quanh, không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng cần làm bồn đường kính khoảng 1 m để nước tưới không chảy ra ngoài. Trồng xong lấy cọc cắm, buộc thân cây vào cọc tránh gió lay gốc, nên buộc lỏng bằng dây nilon. Nếu trồng vào mùa mưa không cần che mát như sầu riêng hay măng cụt.

 

6, Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

6.1 Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:

Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.

 

6.2 Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:

Chú ý chỉ tỉa cành tạo tán khi cây mít đạt chiều cao khoảng 1m trở lên, khi cây chưa cho trái tỉa cành 2-3 lần/năm. Cây đã cho trái tỉa cành 1 năm/lần vào thời điểm thu hoạch trái xong. Khi tỉa cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành tược, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh. Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng nhằm chống sâu bệnh và tăng năng suất.

 

6.3 Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

+ Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1-1,5 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 100-150 g NPK(15:15:15), xịt bổ sung phân bón lá vi lượng như: number one hay Fetrilon-combi theo liều hướng dẫn, mục đích giúp cây có đủ dưỡng chất và chất vi lượng cần thiết khi bộ dễ chưa bén đất.

+ Năm thứ 2: lượng bón cho một cây là: 1,5-2,0 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2.

+ Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho trái kinh doanh, lượng phân tăng so với năm trước 0,5-1,0 kg/cây. Chia làm hai lần bón đầu và cuối mùa mưa. Trong thời gian quả đạt trọng lượng tối đa sử dụng phân bón gốc Kali sulphate (K2SO4), bón mỗi gốc 400-500 g, kết hợp với phân bón lá 0-52-34 hoặc 10-52-17 phun cho cây 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần như vậy trái sẽ chính tập trung, màu thịt quả vàng hơn vàng mùi vị thơm ngon hơn.

 

7, Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Mít Thái (Siêu Sớm):

SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC CÀNH: Có tên Margronia, thành trùng đẻ trứng trên lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Xịt thuốc trừ sâu vào giai đoạn ra lá non, trái non như Cyperan 5 EC, 10 EC, Decis 2,5EC, Bian 40-50 EC, Basudin 50 EC.

RUỒI ĐỤC TRÁI: Do loài dacus sp, đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hay xịt thuốc diệt ruồi như trebon 10 Nd, decis 25 ec…

SÂU ĐỤC TRÁI: Gây hại nặng trên mít làm giảm chất lượng và sản lượng. Thường ở các phần tiếp giáp các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân, bị gây hại nặng nhất.Trái có thể bị hư hỏng hay bị rụng sớm. Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.

NGÀI ĐỤC TRÁI: Có nhiều loài gây hại khác nhau, chúng chích hút vào ban đêm ở giai đoạn trái chín. Cách phòng trị giống như sâu đục trái.

RẦY, RỆP: Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là Nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Dùng các loại thuốc hóa học sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Bassan 50 EC, Supracide 40 EC, Basudin 50 ec..

 

8, Thu Hoạch và Bảo Quản:

Cây mít cho trái rải vụ quanh năm, song vụ chính ở Đồng nai vào tháng 6, 7. Thời gian từ lúc ra hoa đến lúc trái già khoảng 5 tháng, do đó có thể căn cứ vào màu sắc trái để thu hoạch. Trái mít già, các gai nở căng, chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, mủ lỏng và trong, vỗ kêu bồm bộp, để vận chuyển đi xa nên thu hoạch lúc trái già. Hiện ở Đồng Nai có nhiều giống mít cho năng suất cao như: mít Viên Linh, mít Thái, mít nghệ, mít tố nữ… Song, nông dân nên trồng giống mít nghệ trong nước được tuyển chọn qua các cuộc thi trái ngon, giống tốt hoặc những giống mít trong nước có phẩm chất ngon được nhiều người ưa chuộng, đồng thời thích hợp để chế biến, sấy khô đóng gói xuất khẩu.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tân Thành ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học

Sáng ngày 5/10, tại huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), Cty TNHH Thương mại Tân Thành long trọng ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học Anonin 1EC chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên cho gần 4.000 nông dân.

 

Cty Tân Thành ra mắt sản phẩm thuốc trừ sâu Anonin chiết xuất từ thiên nhiên

 

Buổi ra mắt lần này năm trong chuỗi sự kiện “Tốt rễ trúng mùa” sắp diễn ra các tỉnh, thành ĐBSCL, miền Đông, Tây Nguyên. Đến dự có lãnh đạo Cục BVTV phía Nam, các nhà khoa học…

Ông Nguyễn Xuân Khoa, TGĐ Cty Tân Thành cho biết: Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản về chất lượng, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua các sản phẩm thuốc BVTV sinh học được Tân Thành nghiên cứu SX đã đến với bà con nông dân như Lacasoto, Chubeca, Plasti mula… Đó là những giải pháp sinh học, giúp nông dân canh tác đạt được năng suất cao, đảm bảo sức khỏe, thân thiện với môi trường. Nông sản chứng minh được là đảm bảo an toàn có thể XK thuận lợi. Từ đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập và đời sống khá hơn. Đặc biệt là sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học Anonin mà Cty đã tâm huyết nghiên cứu hơn 3 năm nay mới cho đời. Đây là sản phẩm có hoạt chất 100% từ thiên nhiên.

 

Các sản phẩm Thuốc BVTV sinh học của Tân Thành

 

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Mỗi năm Việt Nam canh tác nông nghiệp khoảng 7 triệu ha. Trong những năm qua SX nông nghiệp luôn gặp khó khăn do ảnh hưởng của BĐKH làm dịch bệnh gia tăng trên cây trồng. Trong đó thuốc BVTV đóng vai trò bảo vệ năng suất cây trồng rất quan trọng. Hiên cả nước có hơn 100 nhà máy SX thuốc BVTV, với hơn 30.000 đại lý kinh doanh VTNN để phân phối thuốc BVTV, trong đó ĐBSCL tỷ lệ đại lý chiếm cao nhất cả nước. Bình quân hàng năm VN nhập 100.000 tấn thuốc BVTV tương đương khoảng 1 tỷ USD để kinh doanh, SX trong nước và XK thuốc BVTV sang các nước trong khu vực Châu Á.

Trong khuyến cáo của Bộ NN-PTNT sử dụng thuốc BVTV theo bốn đúng, trong đó sử dụng thuốc sinh học cho cây trồng rất quan trọng nhằm để minh chứng tạo ra sản phẩm an toàn và đạt tiêu chuẩn XK ngày càng nhiều. Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều nông dân còn chạy theo lợi nhuận mà sử dụng thuốc BVTV không theo bốn đúng, mà thời gian qua XK nông sản của chúng ta có nhiều đơn hàng phải bị trả lại.

 

Hơn 4000 nông dân đến tìm hiểu về sản phẩm mới

 

 

Theo ông Thiệt, để nông sản trong nước xâm nhập mạnh vào các thị trường trên thế giới và bán được giá cao, đòi hỏi nông sản phải SX theo hướng VietGAP hay GlobalGAP… Từ đó phải thay đổi thói quen sử dụng phân, thuốc hóa học sang sinh học. Thời gian tới Cục BVTV cũng sẽ loại bỏ dần 14 hoạt chất trong thuốc BVTV lưu hành tại Việt Nam với hơn 1.006 tên thuốc không đúng với quy định quốc tế. Rất mừng Cty Tân Thành tiên phong cho ra đời sản phẩm thuốc trừ sâu Anonin chiết xuất từ thiên nhiên để phát huy hiệu quả quản lý sâu bệnh trên cây trồng và tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Nói về vai trò sử dụng thuốc sinh học, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) nhận định: Sử dụng thuốc sinh học giúp tạo ra sản phẩm sạch và thân thiện môi trường vì ai cũng biết. Nhưng để làm ra nông sản an toàn bà con trước mắt phải thay đổi tư duy sản xuất mà chuyển qua tư duy SX theo thị trường. Việc sử dụng sức mạnh sinh học đóng vai trò quan trọng, giúp cây xanh tốt và có bộ rễ khỏe giúp cây có sức đề kháng tốt với sâu bệnh.

Đối với cây lúa, đầu tiên phải nói xử lý hạt giống bằng chế phẩm sinh học, khi sạ rễ mầm phát triển mạnh, rễ gốc nhanh bám xuống đất. Từ đó kích thích bộ rễ khỏe hút nước tốt, rễ hấp thu dinh dưỡng khoáng, rễ tạo tạo hormone ra chồi giúp cây lúa tốt, rễ giúp cây đứng vững đạt năng suất cao.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thu nhập cao nhờ trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chuyển đổi từ trồng tiêu sang trồng mít Thái, tre lấy măng, nhãn, bơ… kết hợp chăn nuôi dê, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận) với mô hình trồng mít Thái, tận dụng lá mít làm nguồn thức ăn để phát triển đàn dê, cho thu nhập khá.

Trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

 

Ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) đã tận dụng lá mít Thái để chăn nuôi đàn dê của gia đình, ổn định về kinh tế.

Trong căn nhà khang trang, nằm xen giữa màu xanh của những bụi tre cao vút và những cây mít trĩu quả, nhâm nhi ly trà nóng, chỉ tay ra phía sau vườn, ông Vàng vui vẻ cho biết: “Có được cơ ngơi như hôm nay cũng nhờ đàn dê và vườn mít Thái. Dê dễ nuôi, ít tốn công, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên và lá mít có sẵn trong vườn”.

Theo ông Vàng, nhờ nguồn nước từ hồ Suối Môn, năm 2015, ông đã đầu tư trồng thử 100 cây mít Thái trên diện tích 1 sào, cho trái hơn 60kg/cây. Với giá hơn 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm từ loại cây ăn trái dễ trồng này.

“Các thương lái đến tận vườn của gia đình tôi thu mua. Nhờ cây mít Thái, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập hàng năm. Hiện nay, tôi đã mở rộng thêm diện tích 1ha, trồng 1.000 cây mít Thái. Vừa cắt tỉa được lá để nuôi dê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập của gia đình”, ông nói.

Ông Vàng cho biết, ông chọn nuôi dê bách thảo và dê boer lai (nguồn gốc Nam Phi) vì dễ nuôi, lớn nhanh, khoảng 5 tháng là sinh sản. Lứa đầu mỗi dê mẹ sinh 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi sẽ sinh từ 2-3 con. Dê con sau 4 tháng nuôi có trọng lượng khoảng 25kg là có thể bán. Giá dê giống từ 180-200 ngàn đồng/kg, dê thịt từ 130-145 ngàn đồng/kg hơi. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình ông không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã có hơn 10 dê mẹ và đàn dê thịt hơn 30 con. Bình quân mỗi tháng ông Vàng thu hơn 10 triệu đồng từ bán dê thịt. “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ nhân đàn lên 20 con dê sinh sản, liên kết với các cơ sở mua bán dê giống, dê thịt ở trong và ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định”, ông Vàng cho biết thêm.

Để thành công như hôm nay, ông Vàng không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động mà còn là người tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân các cấp tổ chức.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Hiện nay tổng đàn dê của xã có khoảng 672 con, tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Thuận. Nhiều nông dân đã biết tận dụng mô hình trồng trọt và chăn nuôi kết hợp, điển hình như ông Vàng. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào như lá mít, lá keo, cỏ để nuôi dê mà nhiều hộ dân đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên làm giàu… Thực tế, mô hình này cần được nhân rộng vì phát huy hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít và thị trường tiêu thụ khá dễ dàng.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền

Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019.

 

Tinh dầu Khánh Đan, sản phẩm từ vùng đất Yên Bái

 

Đó là chủ đề hội thảo do Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới của đất nước, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những lĩnh vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, được triển khai hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực và đi vào cuộc sống mà điển hình như chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, chương trình khuyến công hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển…

Trong đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định  964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chương trình trọng tâm được thực hiện trên phạm vi địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các địa bàn khu vực này.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền; các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, đưa ra những yêu cầu từ thị trường với các sản phẩm đặc trưng vùng miền; một số biện pháp nhằm phát triển thương hiệu đặc sản cho Việt Nam; kết nối thương mại cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX… sản xuất, phân phối sản phẩm đặc trưng vùng miền với các đối tác, chuỗi phân phối. Quảng bá thương mại sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Hội thảo tạo ra các cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền góp phần giúp người dân sống được với nghề, giữ gìn và phát triển nghề, giữ đất giữ làng nhất là các sản phẩm đặc trưng của bà con vùng cao gắn với núi rừng. Những sản phẩm đặc trưng vùng miền ngày càng được biết đến nhiều hơn nhờ các chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, các kênh thông tin quảng bá cũng như hỗ trợ từ Chính phủ đến các bộ, ngành…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Bên cạnh các ao nuôi tôm truyền thống với diện tích lớn, mô hình sử dụng bể nổi tròn có diện tích nhỏ trong nuôi tôm thâm canh đang ngày càng phổ biến. Đón đầu xu hướng này, đội ngũ kỹ thuật của Skretting đã nghiên cứu và hoàn thiện mô hình nuôi để khai thác triệt để tiềm năng của hệ thống nuôi sử dụng loại bể này.

 

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Ưu điểm của bể nổi tròn

 

Nhược điểm của ao nuôi hình chữ nhật truyền thống là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ. Hình dạng đặc trưng và kích thước của bể tròn (trung bình khoảng 500 – 1000 m2) giúp người nuôi thu gom và loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Vì bể hình tròn nên khi vận hành quạt nước tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc si-phon sạch các chất dơ, hạn chế việc gây ô nhiễm trong ao nuôi. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường nưới nuôi. Bên cạnh đó, diện tích bể nhỏ nên không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ oxy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi bể chỉ cần lắp đặt 2 dàn quạt (mỗi dàn gồm mô-tơ 3-5hp) và 01 dàn sục khí 5hp là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể.

Ao nằm nổi trên mặt đất nên không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại hoặc mầm bệnh tích tụ trong đất ngấm ngược vào bể. Vách bể thẳng đứng giúp hạn chế chất bẩn và rong bám vào, từ đó đơn giản hóa công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn phải các chất bẩn này… Nhờ các ưu điểm này trong quản lý chất lượng nước ao nuôi mà người nuôi sử dụng hệ thống bể trong giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường.

 

Quy trình nuôi hai giai đoạn sử dụng bể tròn

 

Giai đoạn 1 (giai đoạn ương vèo tôm giống): tôm giống PL10 – 12 được thả ương với mật độ 1000 – 3000 con/m2. Tôm được nuôi trong bể ương trong vòng 20 – 25 ngày cho đến khi tôm giống đạt cỡ 1500 – 700 con/kg. Giai đoạn 1 giúp giống ở giai đoạn PL12 đến PL40 thích ứng với môi trường ao nuôi ngoài trời, tăng sức đề kháng đặc biệt là với bệnh AHPND/EMS, đạt kích cỡ đồng đều, và có tỷ lệ sống cao. Từ đó rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm chi phí nuôi ban đầu, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, tăng vụ nuôi trong năm và tăng sản lượng. Trong quá trình ương tôm, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới chuyển qua ao nuôi.

Ban đầu, bể nuôi tròn nổi với diện tích nhỏ rất được ưa chuộng cho giai đoạn ương vèo trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm nhờ vào các ưu điểm đã được nêu trên. Hiệu quả của bể nổi tròn ngày càng được khẳng định, nên nhiều hộ nuôi đã quyết định tiến  hành Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) trong bể nổi tròn thay vì ao nuôi có diện tích lớn. Ở giai đoạn này tôm được thả ở mật độ 100 – 300 con/m2; tôm giống giai đoạn này thường ở cỡ 1.000 – 2.000 con/kg. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đến khoảng 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg thì tiến hành thu tôm thương phẩm.

Ưu điểm của mô hình này là nâng cao tỷ lệ sống của tôm lên đến 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định, ao nuôi có diện tích nhỏ hơn nên quản lý chất lượng nước hiệu quả hơn rõ rệt. Các sản phẩm thức ăn của Skretting như PL (cho giai đoạn 1), Sapphire, Gamma, Mega, Xpand (Giai đoạn 2) được người nuôi ưa chuộng sử dụng trong mô hình nuôi hai giai đoạn này nhờ các đặc tính như tính dẫn dụ cao, thành phần dinh dưỡng dễ hấp thu, kết cấu bền trong nước, giảm thiểu áp lực lên môi trường nuôi.

Một số lưu ý trong thiết kế bể nổi tròn

 

Bể được dựng từ khung thép hoặc tường xây phủ bạt HDPE (dày 0.5 đến 1 cm), có đáy dạng hình phễu, vách thẳng đứng. Một số yêu cầu kỹ thuật trong quá trình lắp đặt bể nuôi gồm:

–    Đáy bể có độ dốc hướng về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng.

–    Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước có lắp van xả, điều này giúp cho tôm ương không bị hao, việc sang tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

–    Hệ thống bể ương nổi cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý diệt khuẩn trước khi sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước cho bể ương.

–    Ở giai đoạn ương người nuôi nên dùng lưới lan che nắng cho bể ương để giảm biên độ nhiệt độ, giảm được một phần nước mưa rơi vào ao khi mưa lớn. Giá thành thấp, lắp đặt đơn giản, dễ dàng để tháo dần ra cho tôm quen với nhiệt độ không có mái che, nhờ vậy tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống.

–    Nên ương tôm trong bể có diện tích nhỏ khoảng 100m3 nước để dễ quản lý môi trường.

–    Đối với nuôi tôm thịt, diện tích bể nên nằm trong khoảng từ 500m2 đến 900m.

–    Ở giai đoạn này, khi số lượng tôm trong bể đạt trên 3.5 kg/m3 nên tiến hành thu tỉa hoặc sang bể để tôm có thể phát triển tối ưu.

–    Đảm bảo sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường phải được chuẩn bị đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/7 để đảm bảo không có sự cố và nếu có thì cần xử lý ngay lặp tức.

Những khó khăn thường gặp trong vận hành

 

Các bể có thể tích quá nhỏ (dưới 50m3) có biên độ nhiệt lớn, tôm nuôi dễ bị sốc nhiệt độ. Cách khắc phục là tăng kích thước bể, lắp đặt mái che, đồng thời sục khí đều khắp thành ao sẽ giảm thiểu nhược điểm này.

Tôm bị sốc khi điều kiện sống thay đổi giữa các giai đoạn nuôi: sốc nhiệt độ, pH, kiềm, kim loại nặng… Người nuôi nên đảo đều nước trước 1-2 ngày, mở mái che để tôm dần quen với môi trường bên ngoài. Sang ao vào lúc nhiệt độ thấp, sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phù hợp nhất.

Ương mật độ quá cao yêu cầu kỹ thuật có chọn lọc, thao tác chính xác, trang thiết chuyên biệt. Hệ thống sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường luôn phải đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/24 để đảm bảo sự cố kịp thời.

Để phát huy tối đa hiệu quả của bể nuôi nổi tròn, đội ngũ kỹ thuật Skretting luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn người nuôi thiết kế, cải tạo và nâng cấp hệ thống nuôi sao cho khoa học, hợp lý. Đồng thời tư vấn cho người nuôi lựa chọn loại thức ăn phù hợp với đặc điểm môi trường và nhu cầu dinh dưỡng của tôm tại từng hộ nuôi.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam