Thời của nuôi trồng hiện đại

Thời gian qua, việc áp dụng những hình thức mới vào nuôi trồng thủy sản đã cho kết quả tích cực về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Hãy cùng Thủy sản Việt Nam “điểm danh” lại những mô hình này.

Tôm giống chất lượng cao

Nuôi tôm hai giai đoạn

Với quy trình này, trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong nhà lưới 20 – 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Thời điểm này, người nuôi cần kiểm soát chặt chẽ tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học để ngăn ngừa hội chứng chết sớm (thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi). Tôm giống được thả với mật độ 1.000 – 3.000 con/m2. Khi tôm có trọng lượng 1,5 – 2 g/con sẽ được chuyển sang nuôi giai đoạn 2 ở ao liền kề, mật độ 200 – 300 con/m2, cho đến khi đạt cỡ 40 – 60 con/kg. Tổng thời gian nuôi là 80 – 100 ngày. Quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học; không phải thay nước hoặc thay rất ít; sử dụng các thiết bị hiện đại như: máy cho ăn tự động, máy sục ôxy đáy, quạt nhím. Quy trình này tái sử dụng chất thải của tôm thành hạt biofloc làm thức ăn cho tôm. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm 10 – 20% chi phí so các mô hình nuôi tôm khác.

Nuôi tôm bằng công nghệ vi sinh

Giai đoạn một, thực hiện cải tạo ao như thông thường. Cấp nước và diệt khuẩn với các sản phẩm không độc cho tôm như Iodine, chỉ diệt khuẩn bằng Chlorine khi cần thiết với những ao nuôi mà vụ trước bị bệnh hoặc ao nuôi nằm trong vùng có dịch bệnh. Đối với những ao nuôi khó gây màu nước có thể sử dụng chế phẩm vi sinh và gia tăng hàm lượng vi sinh có lợi trong ao nuôi. Kiểm tra thành phần vi sinh trong ao khi đạt yêu cầu thì tiến hành thả giống.

Giai đoạn hai, dùng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường định kỳ trong suốt vụ nuôi nhằm ổn định một số vi khuẩn có lợi trong ao. Trộn chế phẩm vi sinh vào thức ăn giúp phòng trị các bệnh về đường ruột của tôm.

Giai đoạn ba, sau khi thu hoạch sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm vi sinh với nhiều thương hiệu khác nhau; tuy nhiên, chế phẩm vi sinh được dùng phổ biến nhất và có hiệu quả cao là chế phẩm EM. Cạnh đó, người nuôi có thể tự sản xuất bằng sử dụng 1 gói vi sinh EM gốc kết hợp 5 kg mật đường cùng với 500 ml nước, tiến hành ủ ít nhất 4 – 10 giờ, sau đó có thể sử dụng tạt xuống ao.

Nuôi tôm theo CPF-Combine Program

Nhằm giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã triển khai mô hình CPF-Combine Program bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C. CPF-Green House là mô hình nuôi tôm trong nhà ương (25 – 30 ngày), sau đó tôm được đưa ra các ao nuôi thương phẩm nhằm mục đích hạn chế được các dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, giảm chi phí, tăng vụ nuôi. Ao CPF-Green House diện tích từ 500 m2 trở lại. Đây là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học. Ao CPF-Turbo Program diện tích không quá 2.000 m2, thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời phải có thêm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Còn chương trình ba sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch. Khi thực hiện mô hình CPF-Turbo Program, người nuôi phải làm hệ thống an toàn sinh học; các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, có hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập. Hiện, mô hình này được C.P triển khai rất hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Như theo chị Trần Thị Bàng, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), áp dụng mô hình này chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha, tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm trên 30 tấn/ha, mỗi năm sản xuất 4 vụ.

Nuôi cá “sông trong ao” (IPA)

Do ông Jess Chappell (Mỹ) sáng tạo là một công nghệ nuôi trồng thủy sản mới cho hiệu quả cao, giảm tiêu hao năng lượng và bảo vệ tốt cho môi trường nuôi, tránh dịch bệnh. Hiện nay, một số tỉnh như Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương… đã áp dụng và cho kết quả tốt, có thể nhân rộng. Hệ thống IPA tạo môi trường sông trong ao, chủ động nguồn nước, nước trong ao không cần thay mà có thể tuần hoàn, tránh lây lan mầm bệnh sang các trang trại khác và ra môi trường xung quanh. Công nghệ IPA đã giải quyết được các khó khăn của người nuôi là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng thịt; đặc biệt cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên chứ không cần phải chờ xử lý ao. Trong mô hình này, cá tập trung ở một phạm vi nhỏ (hệ thống IPA chỉ chiếm 1,5 – 2% diện tích ao) nên giảm đáng kể công lao động (cho ăn và thu hoạch) so với các hệ thống nuôi trong ao khác. Công nghệ IPA có điểm tối ưu là hệ thống máy nén đưa không khí nén qua máng độn dưới đáy ao, sau đó đẩy từ dưới lên mặt nước, giúp tạo ra dòng chảy và đẩy các khí độc khỏi đáy ao.

Công nghệ Na Uy nuôi cá lồng

So với lồng nuôi bằng gỗ truyền thống, hệ thống lồng bè bằng ống nhựa HDPE (công nghệ Na Uy) có nhiều tính năng vượt trội, được xem là mô hình phù hợp với biến đổi khí hậu. Thể tích mỗi lồng nuôi 1.200 – 2.400 m3, kết nối với nhau và với neo giàn, mỗi neo nặng 3 – 4 tấn, chịu được bão gió cấp 12. Hệ thống cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ nơi mà môi trường nước trong sạch, giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng ATTP; tránh xung đột với các lợi ích khác như giao thông vận tải, du lịch ở những vùng vịnh kín sóng gió (Nguyễn Quang Huy, 2016). Ngoài ra, loại lồng này còn chịu được thời tiết khắc nghiệt trên biển, khung lồng bằng ống nhựa có tuổi thọ trên 35 năm, độ an toàn nuôi trên 20 năm.

Việc ứng dụng công nghệ Na Uy cho kết quả khả quan qua mô hình của Viện Nghiên cứu NTTS I thực hiện tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Mô hình có thể sản xuất được 100 – 200 tấn cá/năm (cá chim, cá giò, cá vược…) với năng suất nuôi 8 – 12 kg/m3. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí đầu tư cao hơn so mô hình nuôi nhỏ lẻ.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Australia là nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia với UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Đại diện đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia đánh giá rất cao về những bước tiến mới của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng. Đặc biệt, tại Bạc Liêu – thủ phủ tôm cả nước, có rất nhiều trang trại tôm công nghệ cao với các quy trình, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới để nuôi tôm sạch, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội.

Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể xuất khẩu tôm nguyên con vào thị trường Australia. Vì yếu tố an toàn dịch bệnh, đến nay, thị trường này chưa cho phép nhập khẩu tôm nguyên con từ các nước. Dự kiến, sau chuyến khảo sát này, cơ quan nông nghiệp hai nước sẽ có buổi làm việc nhằm thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu mặt hàng tôm trong thời gian tới.

Nguồn: VTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thiếu hụt trầm trọng giống cá Tra

Cuốn theo cá tra xuất khẩu đang hút hàng ở ĐBSCL, từ sau tết đến nay cá giống tăng giá mạnh. Người nuôi gọi tìm mua cá giống khắp nơi.

Tìm mua cá giống

Ông Chương Văn Khanh (Út Anh), theo đuổi nghề nuôi cá tra 18 năm qua, với 5ha ao nuôi ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho hay: Do mấy tháng cuối năm vừa qua thị trường xuất khẩu tốt nên các doanh nghiệp tiêu thụ cá được giá cho người nuôi. Phần tôi nuôi cá cung ứng theo hợp đồng liên kết với Cty Sao Mai-IDI nuôi gia công lấy công làm lời. Nhưng đối với một số ít người nuôi cá tra riêng lẻ, nếu hộ nào có cá xuất ao lúc này có bao nhiêu doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu. Cá tra đang có giá cao kỷ lục 29.000 đ/kg, người nuôi có lãi từ mức 6.000 đ/kg trở lên.

Được mệnh danh “cù lao cá”, dân nuôi cá tra ở Tân Lộc từng chịu nhiều cảnh thăng trầm, nhất là mấy năm qua cá tra dội chợ, xuống dốc. Cú sốc lỗ lã khiến nhiều người nợ nần bỏ ao chuyển sang nghề khác. Số còn trụ lại chiếm phần nhiều là các hộ tính đường “cầm chắc” theo hợp đồng gia công với doanh nghiệp. Bây giờ thị trường cá tra sống dậy, người nuôi thấy ham nhưng ít có mấy người dám phiêu lưu, vì ngại vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Hơn nữa lúc này tìm mua được cá giống đạt chất lượng thật chẳng dễ.

Một chủ hộ nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn cho biết, trước tết một số hộ nuôi cá dọc theo bờ sông Hậu thu hoạch xong, vệ sinh ao chờ qua mùng ba tết gọi điện các trại giống thân quen, tìm tới cơ sở ương nuôi cá tra đặt mua. Nơi nào cũng nhẹ nhàng từ chối vì không đủ số lượng cung cấp. Thậm chí một số ao nuôi trong vùng “tự chủ” nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu còn cho người chạy ra ngoài tìm cá giống mua thêm. Vậy mà họ không tìm mua đủ cá giống nên vẫn còn ao để không. Trước tết giá cá giống 50.000 đ/kg (cỡ cá 30 con/kg) đến nay tăng vọt lên 70.000 đ/kg.

Chuyển biến chậm

Từ nhiều năm trước, hầu hết các hộ nuôi cá tra trong vùng mua cá giống chủ yếu từ các cơ sở ương nuôi cá ở 2 tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang. Trải qua những năm tháng khi đắt hàng lúc dội chợ, vì khó đoán để bắt nhịp nguồn cung nên thường xảy ra tình trạng cá giống mất cân đối cung – cầu. Có lúc cá tra giống dư thừa, từ cá bột ương nuôi tới lớn 2 – 3 phân mà không có người mua. Mặt khác về yếu tố chất lượng con giống phụ thuộc rất lớn vào đàn cá bố mẹ. Vì vậy đã có một số người giỏi nghề có xu hướng tản mát về một số tỉnh vùng hạ lưu như Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang tìm thuê ao nuôi mới để lấy nguồn nước ít ô nhiễm, nâng cao tỉ lệ ương nuôi con giống có chất lượng.

Ông Út Anh nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt (Cần Thơ)

Ông Trần Ngọc Hải, người nuôi cá tra có nghề ở phường Thới An, quận Ô Môn hiện nay cùng nhóm bạn thân hữu thuê đất 20ha ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ lập trại sản xuất giống cá tra, chạch bùn, trê vàng… Qua mấy mùa sản xuất ổn định với mức bình quân xuất 100 tấn cá tra giống/năm (5 – 10 tấn/tháng).

Ông Hải nhìn nhận: Cá tra giống vào thời điểm nào cũng có xuất bán, còn hiện nay giá tăng cao và không đủ bán là do nguồn cung ít. Nhu cầu tái thả cá sau khi thu hoạch ở một số địa phương đang tăng lên. Ngoài ra thêm một nguyên nhân khác nữa, tỉ lệ ương nuôi cá bột lên cá giống hiện đạt rất thấp, khoảng 5 – 7% và có đạt lắm cũng chỉ từ 10% trở xuống. Thông thường vào mùa khô tỉ lệ cá ương nuôi đạt cao hơn vào những tháng mùa mưa.

Ai cũng hiểu rằng nuôi cá tra điều kiện đầu tiên phải có giống tốt. Trong khi người nuôi cá thương phẩm vẫn còn than vãn tình trạng chất lượng cá tra giống kém dẫn tới hao hụt tỷ lệ cao tới 30 – 50% càng đặt ra vấn đề sớm hình thành những trung tâm sản xuất, tạo nguồn cung cá giống chất lượng cao. Các nhà chuyên môn lĩnh vực thủy sản nước ngọt phân tích, muốn đảm bảo chất lượng con giống tốt cần có nhiều yếu tố. Trước tiên là thị trường tiêu thụ cá tra giống tương đối ổn định theo quy hoạch, kế hoạch sản xuất từ vùng nuôi. Từ đó có thể dự đoán, cân đối nguồn cung. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu thủy sản để cung cấp nguồn con giống bố mẹ khỏe và thiết kế vùng ao nuôi, ương cá có nguồn nước ao tốt, sạch…

Trong thời gian qua ở một số địa phương trong vùng đã tính toán, quy hoạch vùng sản xuất cá tra bắt nhịp đồng điệu từ trung tâm giống – mạng lưới cơ sở nhân giống – nuôi cá thương phẩm. Thế nhưng chuyển biến còn rất chậm.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ: Hiện nay Trung tâm có vùng SX giống 20ha, vừa nhập giống cá tra bố mẹ từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về cho sinh sản, ương nuôi. Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 6/2018 sẽ cung ứng giống ra thị trường. Năng lực sản xuất ước khoảng 8 triệu con giống/năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự kiến năm 2018 xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch khoảng 1,85 tỷ USD. Năm 2017 xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so năm 2016.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đầu tư 226 tỷ đồng cho vùng nuôi tôm công nghệ cao Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thuỷ sản tập trung là hơn 226 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là gần 1,1 tỷ đồng, còn lại sẽ sử dụng vốn của các thành phần kinh tế khác.

Theo đó, khu nuôi thuỷ sản tập trung được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha; trong đó, khu nuôi tôm nước lợ tập trung 682 ha và khu nuôi hàu tập trung sẽ là 21 ha.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án này được xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của huyện Nhơn Trạch phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Riêng đối với khu nuôi tôm nước lợ, mục tiêu của vùng quy hoạch là phấn đấu đưa sản lượng tôm đạt hơn 16.000 tấn vào năm 2030 sẽ đạt sản lượng hơn 30.000 tấn.

Đặc biệt, với việc quy hoạch mỗi tiểu vùng nuôi tôm có diện tích tối thiểu từ 50 ha trở lên, khu nuôi tôm tập trung cũng sẽ tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn.

Từ đó, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật như tổ chức nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…

Đối với dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ đầu tư theo hình thức Nhà nước sẽ lập quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản.

Đồng thời, giao UBND huyện Nhơn Trạch là đơn vị đầu mối để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư bằng hình thức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tâng kinh doanh khai thác.

Những đối tượng được tham gia đầu tư bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều được phép đầu tư vào khu nuôi theo đúng quy hoạch được duyệt và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, các tiêu chuẩn mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, tạo sản phẩm hàng hoá có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn; tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Lê cho nhiều nước, quả ngọt

Quả lê là một loại quả hết sức quen thuộc với mọi người. Bên cạnh là một loại quả ngon miệng, lê còn có rất nhiều những lợi ích khác. Hơn nữa, kỹ thuật trồng cây lê không khó nên mọi người có thể dễ dàng trồng cho năng suất cao.

Quả lê

Lê là một cây ăn quả đặc sản của vùng ôn đới nước ta, lê được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung ở những nơi có độ cao 500 – 1500m so với mực nước biển. Kỹ thuật trồng cây lê không khó nên người dân có thể trồng để tăng thu nhập.

Một số giống lê ở miền Bắc nước ta

Lê xanh: phân bố ở độ cao 6000m trở lên (SaPa, Bắc Hà) quả hình bầu dục, vỏ màu xanh có má phớt hồng, trọng lượng quả trung bình 300 – 400g, thịt quả trắng, nhiều nước, ăn ngọt, năng suất cao, phẩm chất khá, quả chín vào tháng 9, 10.

Lê nâu: phân bố rộng, quả tròn, tròn dẹt nâu có chấm, trọng lượng quả trung bình 200 – 300 g thịt quả khô ngon, thơm khi chưa chín có vị chát, ra hoa vào tháng 3, 4; thu hoạch tháng 8, 9; năng suất 300-750kg/cây. Mắc coọc (lê cọt): phạm vi phân bố rộng, mọc khoẻ, quả nhỏ trọng lượng trung bình 100g, vỏ qủa thô ráp, thịt quả khô, có vị chát.

Chuẩn bị

Chọn giống: Chọn cây khỏe mạnh không sâu bệnh, có thể trồng cây ghép có bầu hoặc cây gốc ghép rễ trần. Chú ý loại bỏ các mầm mọc ở phía dưới mắt ghép vì đó là mầm của cây dại. Mật độ: 400 cây/ha, hàng cách hàng 5m, cây cách cây 5m. Thời vụ: Trồng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau khi cây rụng lá, chưa lên lá mới và lộc non.

Đất trồng: Lê VH6 trồng được ở nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất và cho năng suất cao ở đất màu mỡ có độ ẩm. Đào hố có kích thước: 70 x 70 x 70 cm để đất mặt riêng, đất ở đáy hố riêng (lưu ý đào xong dùng xẻng, cuốc xiểm xung quanh hố để tạo các lỗ khí thoát nước tránh úng cục bộ cho cây trồng sau này).

Bón phân mỗi hố: 20 kg phân hữu cơ + 0,5 kg phân lân super + 1kg vôi bột (Có thể thay thế phân hữu cơ bằng phân vi sinh 10kg). Trộn đều phân với lớp đất mặt đưa xuống đáy hố. Lấp đất đầy hố trước khi trồng 25-30 ngày, khi thời tiết thuận lợi sẽ trồng cây.

Kỹ thuật trồng

Trồng cây giữa hố, bới một hốc nhỏ ở giữa hố trồng, đặt cây vào vị trí, (nếu cây có bầu dùng dao rọc một đường từ trên xuống để lấy túi đựng bầu ra), lấp đất giữ chặt cây nén chặt xung quanh, tưới 10-15 lít nước cho 1 gốc. Cắm cọc cố định cây buộc bằng dây nilon để tránh cây bị lay gốc.

Kỹ thuật chăm sóc

Giữ ẩm: Dùng cỏ rác khô tủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm, tủ cách gốc 15- 20 cm. Tưới nước: Cây lê rất cần đến nước nhất là giai đoạn cây mới trồng cây và thời gian khô hạn kéo dài. Sau trồng tuỳ tình hình thời tiết 2 tháng đầu tiến hành tưới 1- 2lần/1 tuần. Thời kỳ mang quả, cây cần nước để nuôi quả. Tùy theo thời tiết từng năm để điều chỉnh số lần tưới tuy nhiên lê cũng như cây ăn quả khác là không chịu được úng.

Bón phân: Khi cây còn nhỏ (1 -5 tuổi) bón bổ sung 30kg phân hữu cơ, 2kg đạm, 2kg lân, 2kg kali/cây/năm. Khi cây lớn đã cho thu hoạch thì cần bón tăng cường 30-40kg phân hữu cơ, 4kg đạm, 2 kg lân, 2 kg kali/cây/năm. Lượng phân trên bón làm 2 lần: Lần 1: vào tháng 2, 3: nhằm nuôi lộc cành. Lần 2: bón vào tháng 9, 10: phục hồi cây sau thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh: Sâu cắn lá, cuốn lá, xoăn lá: dùng Dipterec 0,1%, Padan 0,1%, Dimẻcon 0,1% phun lên lá vào lúc trời râm máy. Sâu đục thân: dùng Dipterec hoặc vôphatốc hoà với vôi quét lên thân cây. Chú ý việc phun thuốc trừ sâu phải chấm dứt trước thu hoạch tối thiểu 15 ngày.

Thu hái và bảo quản

Thu hái khi quả bắt đầu chín vỏ quả chuyển màu xanh vàng, nếu vận chuyển xa cần thu hái sớm. Khi thu hái cần nhẹ nhàng, không làm dập nát hoặc sây sát quả. Quả thu hái xong cần đặt vào thùng gỗ, hộp cứng để vận chuyển không bị dập nát. Bảo quản quả ở nơi khô ráo thoáng mát.

Thu hoạch lê

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Đặc tính sinh học của Dứa

Hiện nay trên thế giới, cây dứa được trồng hầu hết các nước nhiệt đới và một số nước nhiệt đới có nhiệt độ tương đối ẩm như đảo Hawai, Đài Loan.

Dứa (khóm)

Dứa có thể trồng tới vĩ tuyến 38º bắc, trong đó các nước Châu Á chiếm trên 60% sản lượng dứa cả thế giới.

Các nước trồng nhiều là Philippines, Thái Lan, Malaysia, Hawai, Brazil, Mêhicô, Cuba, Uc, Nam phi.

Quả dứa được coi là một trong những cây ăn quả nhiệt đới hàng đầu, loại quả “vua”, rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây.

Quả dứa có mùi thơm mạnh, chứa nhiều đường, lượng calo khá cao, giàu chất khoáng, nhất là Kali, có đủ các loại vitamin cần thiết như A, B1, B2, PP, C đặc biệt trong cây và quả dứa có chất Bromelin là một loại men thủy phân protêin (giống như chất Papain ở đủ đủ), có thể chữa được các bệnh rối loạn tiêu hóa, ức chế phù nề và tụ huyết, làm vết thương mau thành sẹo.

Trong công nghiệp, chất Bromelin dùng làm mềm thịt để chế biến thực phẩm, nước chấm. Ngoài ăn tươi, quả dứa chế biến thành dứa hộp và nước dứa, là những mặt hàng xuất khẩu lớn. Xác bã quả dứa sau khi chế biến dùng làm thức ăn gia súc và phân bón. Thân lá dứa làm bột giấy.

Ở nước ta, dứa trồng từ Bắc đến Nam, diện tích trồng cả nước hiện khoảng 40.000 ha với sản lượng khoảng 500.000 tấn trong đó 90% là phía Nam.

Các tỉnh trồng dứa nhiều ở miền Nam là Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Long An… miền Bắc có Thanh Hóa, Ninh Bình, Tuyên Giang, Phú Thọ….miền Trung có Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định,… Năng suất quả bình quân một năm ở các tỉnh phía Bắc khoảng 10 tấn, phía Nam 15 tấn/ha.

Trong năm cây dứa ra hoa nhiều vụ. Ở miền Bắc vụ chính ra hoa tháng 2-3, thu hoạch tháng 6-7, vụ trái ra hoa tháng 6-8, thu hoạch tháng 10-12. Ở miền Nam, dứa có thể ra hoa quanh năm, song thường tập trung vào tháng 4-5 và tháng 9-10. Từ khi ra hoa đến thu hoạch trung bình khoảng 4-5 tháng.

Dứa có nhiều cách chế biến để phục vụ cho con người

Yêu cầu điều kiện sinh thái:

a. Khí hậu

Dứa là cây ăn quả nhiệt đới, ưa nhiệt độ cao. Phạm vi nhiệt độ thích hợp từ 20 – 300C. Giống Cayenne chịu lạnh kém hơn giống Queen và các giống địa phương. Ở nhiệt độ cao trên 32ºC có thể làm cháy lá và vỏ quả, nhất là giống Cayenne.

Về lượng mưa, cây dứa có thể trồng nơi lượng mưa thấp, 600-700 mm/năm với mùa khô dài nhiều tháng cho đến những vùng lượng mưa nhiều tới 3500-4000 mm/ năm. Quan trọng nhất là lượng mưa phân bố hàng tháng, khoảng 80-100 mm được coi là đầy đủ, không cần tưới thêm.

Về ánh sáng, cây dứa yêu cầu ánh sáng nhiều nhưng thích ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. Thiếu ánh sáng cây mọc yếu, quả nhỏ. Ngược lại nếu ánh sáng quá mạnh kèm theo nhiêt độ cao lá sẽ bị vàng hoặc đỏ, lúc này cần che mát cho dứa.

Cây dứa tuy không phải là cây ngày ngắn nhưng người ta thấy rằng giống Cayen nếu thời gian bóng tối kéo dài và nhiệt độ giảm thấp sẽ ra hoa sớm hơn. Từ những yêu cầu trên, điều kiện khí hậu nước ta từ Bắc đến Nam đều thích hợp với cây dứa.

Tuy vậy tùy theo đặc điểm từng thời gian ở từng vùng cần có biện pháp để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, đạt năng suất và chất lượng cao.

b. Đất

Cây dứa có bộ rễ tương đối yếu và ăn nông nên muốn có năng suất cao đất cần có tầng mặt xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, đồng thời thoát nước tốt trong mùa mưa. Đất nhiều sét, thoát nước chậm, cây dứa sinh trưởng kém và dễ bị bệnh. Thoát nước và tơi xốp là 2 yêu cầu quan trọng nhất đối với đất trồng dứa.

Về độ pH, cây dứa nói chung thích hợp với đất chua, độ pH từ 4.5 đến 5.5, kể cả trên đất phèn có pH bằng hoặc dưới 4 dứa vẫn sống tốt. Các giống dứa tây nhóm Hoàng hậu (Queen), giống Tây Ban Nha (Spanish) chịu chua khá hơn giống Cayen.

Ở nước ta, dứa trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ bazan, đất đỏ vàng, phù sa cổ, đất bạc màu ở phía Bắc, đất xám ở miền Đông Nam Bộ và đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, nếu không được bón phân đầy đủ, nhất là phân hữu cơ, năng suất quả sẽ không cao.

Yêu cầu chất dinh dưỡng

Dứa là cây yêu cầu rất nhiều chất dinh dưỡng do lượng sinh khối lớn. Theo tính toán, trung bình trên 1 hecta trồng trọt, dứa lấy đi từ đất 86 kg N (trong đó thân lá 74 kg, quả 9 kg), 28 kg P2O5 (thân lá 23 kg, quả 5 kg) và 437 kg K2O (thân lá 402 kg, quả 35 kg), cùng với các nguyên tố trung và vi lượng.

Cây dứa ít có nhu cầu với Canxi.

Yêu cầu với Lân cũng không lớn.

Riêng với Kali cây dứa yêu cầu nhiều nhưng nếu bón nhiều Kali lại thường dẫn đến bị thiếu Magiê cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết.

Trong thời gian đầu sau khi trồng khoảng 5-6 tháng nhu cầu dinh dưỡng không lớn, chỉ khoảng 10% tổng số chất dinh dưỡng cây cần trong suốt chu kỳ sống.

Sau khi cây đã mọc tốt, nhu cầu chất dinh dưỡng tăng rất nhanh, đặc biệt là Kali (gấp 4-5 lần so với đạm).

Ngoài ra, cây dứa cũng cần một số nguyên tố vi lượng khác như kẽm, sắt, Mangan, Đồng….

Nhưng các biểu hiện bị thiếu thường không rõ ràng.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Dứa Philippines tràn ngập thị trường

Sau hiện tượng chuối Philippines, hiện nay trên thị trường TP.HCM xuất hiện thêm thơm (dứa) Philippines đang được bày bán tại một số siêu thị. Thơm Philippines hay còn gọi thơm Dole, trái to, khá đều, mắt thơm không sâu như mắt thơm VN nên chỉ cần gọt lớp vỏ mỏng bên ngoài là dùng được. Thơm ngoại màu vàng tươi, vị ngọt vừa phải, so với thơm trong nước chất lượng không vượt trội hơn.

Dứa Philippines

Theo người bán, vì giá loại này khá cao từ 54.000-55.000 đồng/kg, nên phần lớn khách mua ăn thử hoặc một số nhà hàng, khách sạn cao cấp dùng để trang trí trong chế biến thức uống.

Dứa được bày bán nhiều trong các siêu thị

Theo các đầu mối nhập khẩu trái cây, thông thường những tháng cuối năm nhập khẩu trái cây có xu hướng tăng mạnh do đây là thời điểm nhiều loại trái cây được thị trường VN ưa chuộng như quýt, nho, lê, táo… bước vào mùa thu hoạch, nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, sức mua thị trường cũng tăng nhờ tác động dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Từ bỏ đánh bắt tận diệt, chuyển sang nuôi Ghẹ lột cho thu nhập cao

Từ nhiều năm nay, anh Trần Sáu (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) không còn lặn lội mưa gió đi đánh bắt cá tôm trên Phá Tam Giang nữa mà đã chuyển sang nuôi ghẹ lột, mô hình này không chỉ mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần làm đa dạng đối tượng nuôi trồng để phát triển sản xuất bền vững.

Ghẹ lột

Trò chuyện với chúng tôi, anh Sáu cho biết “Trước khi chuyển sang nuôi ghẹ lột, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào việc đánh bắt tôm cá, kiểu khai thác của tôi bị chính quyền cấm vì gây ảnh hưởng đến các loại thủy sản. Sau khi UBND huyện Phú Vang có chủ trương sắp xếp lại nò sáo trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trong đó có địa bàn xã Phú Diên tôi quyết định chuyển đổi nghề đánh bắt sang nuôi ghẹ lột thưởng phẩm”.

Trải qua thời gian dài học hỏi, nghiên cứu cách nuôi ghẹ lột, anh Sáu bắt tay thực hiện. Từ chổ nuôi thử nghiệm vài lồng, đên nay mô hình của anh đã mở rộng lên thành 20 lồng. Vào mùa thu hoạch, số lồng nuôi này có thể xuất hơn 50 kg ghẹ lột thương phẩm/ngày, với giá dao động từ 180.000 đồng/kg. Bình quân thu hoach cho lãi gần 80 triệu đồng mùa.

Anh Sáu cho biết thêm, tháng 2/2017, phòng Nông nghiệp huyện Phú Vang đã hỗ trợ 50 triệu để nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay là việc nguồn nước bị ngọt hóa đột ngột. Ghẹ sẽ chết sạch trong vòng 24 giờ vì không chịu được nước ngọt. Ngoài lo sợ đó ra thì điều kiện tự nhiên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rất thích hợp để nuôi ghẹ lột, không có đường lỗ nếu như nguồn nước đảm bảo.

“Những năm gần đây thị trường tiêu thụ ghẹ lột ngày càng mở rộng, con ghẹ lột có thịt chắc và ngọt nên người tiêu dùng rất thích. Mỗi lần xuất bán đều có 2-3 công ty về tận đầm thu mua, đầu ra khá ổn định. Từ khi nuôi con này kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt, tôi không còn đi bắt tôm cá kiểu như trước nữa.”, Anh Sáu phấn khởi.

Theo đánh giá của Ông Hoàng Trọng Đoài – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên “sự thành công của mô hình không chỉ mang lại kinh tế trực tiếp cho người nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, ổn định đời sống của người dân mà còn hướng tới việc phát triển đa dạng đối tượng nuôi nhằm ổn định, phát triển sản xuất bền vững. Xã cũng tạo điều kiện cho hộ nuôi tổ chức các khâu sản xuất phù hợp, khắc phục những nhược điểm tồn tại, tăng hiệu quả sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm”.

Nguồn: moitruong.net.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trừ sâu bệnh hại Ca Cao

I. Côn trùng gây hại chính

1. Bọ xít muỗi (Helopeltis spp)

Triệu chứng và tác hại: Chích hút nhựa trái, chồi non, cành non. Các vết chích bị thâm, sau đó bị thối. Chồi non, cành non bị hại sau sẽ héo khô.

Bọ xít muỗi hại ca cao

Biện pháp phòng trừ : Vệ sinh vườn sạch sẽ, tỉa bớt cành nhánh không cần thiết. Có thể phun các loại thuốc như Bassa 50 EC, Supracide 40 ND.

 2. Sâu hồng (Glenia celia)

Triệu chứng và tác hại : Sâu thường đục phần thân ngọn và các cành rồi đùn phân và mạt cưa ra ngoài miệng lỗ đục và rơi xuống đất. Những cành ca cao bị đục sẽ héo rồi chết khô.

Sâu hồng đục thân ca cao

Biện pháp phòng trừ : Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm sau đó cắt các cành bị hại và đốt để diệt sâu nằm trong. Các loại thuốc được sử dụng như Basudin 50 EC.

3. Bọ cánh cứng hại lá (Apogonia spp, Adoretus spp)

Côn trùng ăn lá ca cao thuộc nhiều loài khác nhau như bọ nâu, bọ xám, bọ hung kim; Triệu chứng và tác hại: Chủ yếu phá hại vào ban đêm, ban ngày trú ngụ nơi tối hay dưới đất. Bọ ăn lá non tạo những lỗ khuyết trên lá làm giảm sự phát triển của cây.

Bọ cánh cứng hại thân ca cao

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sạch sẽ, có thể phun các loại thuốc như Basudin 50 ND

4. Rầy mềm (Aphid)

Triệu chứng và tác hại: Rầy mềm sống tập trung và chích hút nhựa cây trên các chồi non, lá non, trái non làm cây chậm phát triển, trái khô héo. Thường có các loài kiến sống kết hợp với loài rầy nầy.

Rầy trên cây ca cao

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sạch sẽ, có thể phun các loại thuốc như Bassa 50 EC theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

5. Rệp sáp (Planococcus citri)

Triệu chứng và tác hại: Rệp sáp sống bám vào cuống lá, trái, thân, trái non hay cổ rễ để hút nhựa làm cây, trái chậm phát triển, còi cọc. Rệp tiết ra chất hơi dính như mật ong nên thường có nhiều loại kiến sống kết hợp với rệp

Biện pháp phòng trừ: Cần chú ý theo dõi để phát hiện những ổ rệp sáp mới hình thành tránh hiện tượng lây lan. Có thể diệt rệp sáp bằng cách phun các loại thuốc trừ sâu như Bi 58 40 EC.

6. Chuột ăn trái

Chuột thích ăn cùi ngọt bao quanh hạt ca cao. Thường chúng cắn phá quả ca cao bằng cách khoét lỗ để moi hạt. Khi chuột gây hại nặng buộc phải tổ chức diệt trừ bằng cách dùng bả độc cho kết quả tốt.

II. Bệnh hại ca cao

1. Bệnh thối trái (Phytopthora palmyvora)

Triệu chứng: Bệnh xuất hiện trên mọi lứa tuổi của trái. Bệnh phát triển nhiều vào mùa mưa. Trái bị bệnh có màu nâu đen làm giảm năng suất 20-35%, đôi khi 90%

Phòng trừ: Chúng ta cần hái bỏ các trái thối càng sớm càng tốt để tránh lây lan đặc biệt trong mùa mưa. Không nên để trái chín lâu trên cây. Vườn cây nên được thông thoáng, khô ráo, không còn cỏ dại. Có thể sử dụng các thuốc trừ nấm có gốc đồng, phun định kỳ 10 – 12 ngày/lần để hạn chế mầm bệnh.

2. Bệnh nấm hồng (Corticium salmoncolor)

Bệnh thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, ở những  vườn ca cao quá ẩm và rợp. Nấm phá hoại ở những cành lá đã hoá nâu. Vết bệnh lúc đầu có vết mốc trắng nhưng dần dần chuyển sang màu trắng hồng, cành khô nâu, lớp vỏ thân cành bị tách ra từng mảng.

Phòng trừ: Để phòng trừ cần tỉa cây thông thoáng giảm ẩm độ, cắt bỏ các cành bị bệnh và phun thuốc trừ nấm.

3. Bệnh hại rễ (Rigidoporus lignosus, Ganoderma pseudoferum, Phellinus noxius, Rosellina bunodes)

Rễ ca cao có thể bị trắng, hoá nâu, hoá đen hoặc nứt cổ rễ gây ra bời nhiều loại nấm khác nhau. Vệ sinh đồng ruộng, xử lý hố trước khi trồng, tránh trồng nơi đất khó thoát nước, tránh tổn thương rễ. Phòng trị bằng bằng các loại thuốc trừ nấm phun trực tiếp quanh gốc.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở gia súc trong mùa rét

Để gia súc có sức đề kháng tốt, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò, đặc biệt trong mùa mưa, rét.

A. Bệnh lở mồm long móng (FMD): Là một bệnh cấp tính nguy hiểm và lây lan rất nhanh

1. Nguyên nhân: Bệnh do vi-rút thuộc họ Picorna Viridae gây ra, vi-rút có nhiều type khác nhau, vi-rút tuýp O,A Asia 1 ở cả bò và lợn

2. Triệu chứng

– Trâu bò nung bệnh từ 2 – 7 ngày, đôi khi kéo dài 14 ngày. Con vật sốt cao 40 – 410C, ăn ít, uống nước nhiều, nước dãi từ miệng chảy ra như bọt xà phòng. Sau khi con vật sốt 2 – 3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc lưỡi, hàm trên, miệng, mũi. Mụn ở chân móng và kẽ móng làm cho con vật đi lại khó khăn.

– Các mụn nước lớn lên và vỡ ra tạo thành những nốt loét đỏ. Các nốt loét ở chân do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên có thể bị nhiễm trùng, gây ra bong móng, làm cho con vật đi đứng khó khăn hoặc nằm một chỗ. Ngoài ra các mụn nước còn mọc ở vú, nách, bụng gây các vết loét tương tự.

Kẽ ngón chân trâu, bò bị loét trong bệnh lở mồm long móng

3. Phòng bệnh

– Thực hiện tốt vệ sinh thú y, giữ gìn chuồng khô sạch và ấm. Thực hiện định kỳ tiêu độc khử trùng, ủ phân sinh học.

– Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò, đặc biệt trong mùa mưa, rét. Bổ sung thức ăn tinh và thức ăn thô xanh.

– Tiêm vắc-xin lở mồm long móng 6 tháng/lần. Khi nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý.

– Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập khẩu trâu, bò để loại trừ những con mang mầm bệnh.

4. Điều trị

Chưa có thuốc đặc trị. Điều trị các triệu chứng như sau:

– Dùng các chất sát trùng nhẹ (xanh metylen, thuốc tím 1%), nước chanh, nước khế… để rửa, sát trùng các chỗ lở loét;

– Dùng nước sắc các loại như: ổi, chè xanh… để rửa các vết loét;

– Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: bổ sung vitamin, khoáng chất;

– Dùng kháng sinh để chống các bệnh nhiễm trùng kế phát.

B. Bệnh tụ huyết trùng (Pasteurellosis bovum)

Bệnh tụ huyết trùng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra trên khắp cả nước nhưng hay gặp ở các tỉnh miền núi.

1. Nguyên nhân

Bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn Pasteurella multocida với các tuýp A,B,D,E gây ra. Vi khuẩn có sẵn trong đất, rất dễ phát tán vào mùa mưa, dính vào rơm, cỏ hoặc trôi vào nguồn nước, trâu, bò mắc bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn.

Bệnh cũng có thể lây lan trực tiếp từ gia súc bệnh sang gia súc khỏe thông qua tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chung nguồn thức ăn, nước uống, chăn thả cùng bãi chăn hoặc có thể do dùng chung dụng cụ chăn nuôi… Bệnh có thể lan xa do việc mổ thịt gia súc ốm, phân tán thịt da, ăn thịt gia súc bệnh bị chết, bị giết mổ.

2. Triệu chứng và bệnh tích

Trâu bò thường mắc bệnh ở 3 thể: thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính.

+ Thể quá cấp: Thường ít gặp, trâu bò đột nhiên sốt cao (41 – 420C), hung dữ, bệnh phát rất nhanh và chúng có thể chết sau 24 giờ. Trâu bò chết đột ngột ngay trên bãi chăn hoặc trong chuồng, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Với bê, nghé triệu chứng thần kinh rõ hơn, con vật giãy giụa, ngã vật xuống rồi chết.

+ Thể cấp tính phổ biến ở trâu, bò. Bệnh tiến triển trong 3 – 5 ngày, tỷ lệ chết rất cao: 90 – 100%. Sau thời kỳ nung bệnh 1 – 3 ngày, con vật có biểu hiện không nhai lại, sốt cao đột ngột 40 – 420C, khó thở và thở mạnh. Các hạch lâm ba đều sưng, đặc biệt là hạch lâm ba dưới hầu sưng to, làm con vật thở khó, lè lưỡi ra để thở nên còn gọi là “bệnh trâu bò hai lưỡi”. Hạch lâm ba trước vai, trước đùi sưng, thủy thũng làm con vật đi lại khó khăn.

Trâu, bò biểu hiện thở khó do viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi cấp tính. Một số con bị bệnh thể đường ruột: bụng chướng to do viêm phúc mạc. Con vật lúc đầu đi táo, sau đó ỉa chảy dữ dội, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Lúc sắp chết, thấy bò nằm liệt, đái ra máu, khó thở, có nhiều chấm xuất huyết đỏ sẫm ở các niêm mạc. Nếu bệnh chuyển sang nhiễm trùng máu thì con vật chết nhanh trong 24 – 36 giờ.

+ Thể mãn tính xuất hiện ở những con mắc bệnh thể cấp tính không chết, bệnh sẽ chuyển thành mãn tính. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng: viêm ruột mãn tính (lúc ỉa chảy, lúc táo bón), viêm phế quản và viêm phổi mãn tính, viêm khớp và con vật đi lại khó khăn, giảm ăn, gầy nhanh.

Bệnh tiến triển trong vòng vài tuần, các triệu chứng có thể nhẹ dần và con vật khỏi bệnh, nhưng thông thường con vật khó qua khỏi.

3. Phòng bệnh

– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bãi chăn: tiêu độc, tẩy uế chuồng trại bằng nước vôi 10% hoặc bằng các thuốc sát trùng khác, khơi thông cống rãnh quanh chuồng, bãi chăn để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.

Khi có dịch xảy ra cần phát hiện kịp thời những con ốm để cách ly và điều trị. Nghiêm cấm không cho vận chuyển, giết mổ, trâu, bò chết phải được chôn sâu, đổ vôi bột vào hố chôn, tẩy uế chuồng trại, bãi chăn, ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.

Tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng 6 tháng/lần. Tiêm phòng vào tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10 trước khi giao mùa.

– Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh nhất là trong lúc giao mùa và thời gian bị ngập lũ hoặc mưa rét.

4. Điều trị

Do đặc điểm bệnh thường xảy ra ở dạng cấp tính nên cần phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời mới hiệu quả.

Điều trị bằng kháng sinh Streptomycin, Kanamycin, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Con vật sốt cao tiêm thuốc hạ sốt. Tăng cường trợ sức trợ lực bằng cafein, vitamin C, vitamin B1. Con vật quá yếu, bỏ ăn cần truyền huyết thanh. Tăng cường hộ lý chăm sóc, dinh dưỡng.

C. Bệnh cước chân ở trâu, bò

1. Nguyên nhân

Do thời tiết lạnh, vùng núi cao thường xuyên có băng giá và sương muối, nhiệt độ xuống dưới 100C làm cho đàn trâu, bò dễ mắc bệnh cước chân.

Thời tiết lạnh, trâu, bò phải đứng và nằm trong chuồng nuôi ẩm, ướt, lầy thụt mất vệ sinh, trâu, bò phải làm việc ngâm chân lâu trong nước lạnh làm cho hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị co lại gây trở ngại cho việc lưu thông máu. Nếu tiếp diễn khoảng 2 – 3 ngày hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị tắc từng đám dẫn đến hiện tượng phù nề xung quanh móng chân, bàn chân, cổ chân, làm cho trâu bò đau đớn không đi lại được.

2. Triệu chứng

Giai đoạn mới mắc bệnh, chân trâu, bò sưng nhẹ làm cho con vật đi lại chậm chạp, khập khiễng. Nếu không được điều trị kịp thời, chân sẽ có biểu hiện phù nề, sưng tấy, nhiều vết tím đỏ hoặc có vết nứt da, rỉ nước màu vàng, nếu ấn tay vào chỗ sưng khi bỏ tay ra thấy rõ vết lõm sâu là do hệ thống mạch máu ở vùng bàn chân đã bị tắc làm cho vùng da xung quanh móng và bàn chân bị hoại tử nặng. Chân trâu, bò bị nhiễm trùng kế phát khiến cho trâu, bò không đứng dậy đi lại được, nếu vết thương sâu làm cho trâu, bò bị què phải nằm tại chỗ.

Bệnh cước chân ở trâu, bò tuy không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể xảy ra hàng loạt gây ảnh hưởng lớn đến việc cày kéo và vận chuyển. Trâu, bò giảm tăng trọng và giảm sức đề kháng, dễ gây nhiễm các bệnh kế phát.

3. Phòng bệnh

– Những ngày thời tiết giá lạnh (dưới 120C) không chăn thả trâu, bò ở ngoài trời, cần cho trâu, bò nghỉ cày kéo. Di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, dồn chúng về chỗ nuôi nhốt để dễ kiểm soát.

– Luôn giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, che chắn kín gió, giữ ấm cho gia súc và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi. Dự trữ đủ thức ăn (rơm rạ, cỏ khô) cho trâu, bò ăn uống đầy đủ và bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, sắn với lượng khoảng 2 kg thức ăn tinh/ngày.

Thường xuyên quan sát đi lại của trâu, bò, nếu thấy hiện tượng như đã nêu ở phần triệu chứng cần có phương pháp điều trị kịp thời để trâu, bò nhanh bình phục.

– Dùng vật liệu giữ ấm cho gia súc như: Làm áo khoác bằng bao tải hoặc có thể nâng nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách đốt than, trấu, củi,… để sưởi ấm cho trâu, bò (lưu ý khi đốt cần có ống khói ra ngoài để tránh trâu, bò bị ngạt).

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh và tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn trâu, bò trước mùa mưa rét. Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi

4. Điều trị

Nếu bệnh mới xuất hiện cần rửa sạch, lau khô chân trâu, bò, dùng gừng, riềng giã nhỏ, sao nóng cho vào túi vải rồi chườm vào chỗ sưng hoặc dùng rơm rạ, bao tải… trà xát nhiền lần vào chỗ sưng làm cho máu tụ tan ra, mạch máu lưu thông trở lại, mỗi ngày chườm 2 lần. Dùng cồn Methylxalixilate xoa vào chân trâu, bò sau khi đã rửa sạch, lau khô. Không để trâu bò nằm lâu một bên sẽ gây hoại tử phần da tiếp súc xuống nền chuồng.

Nếu chân có chỗ bị vỡ, loét đã nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím, sau đó rắc bột Tetracylin hoặc Sunfamid.

Nếu chân có nhiều chỗ hoại tử cần cắt bỏ những tổ chức hoại tử, sau đó điều trị kháng sinh liên tục trong 5 – 7 ngày. Tiêm kháng sinh (Pen – Strep; Ampicillin…) theo liều lượng của nhà sản xuất. Tăng cường trợ sức trợ lực bằng Cafein, vitamin C, vitamin B1. Tăng cường chăm sóc, dinh dưỡng. Giữ cho trâu, bò trên nền chuồng khô ráo, sạch và ấm.

Nguồn: PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.