Thu nhập cao nhờ trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chuyển đổi từ trồng tiêu sang trồng mít Thái, tre lấy măng, nhãn, bơ… kết hợp chăn nuôi dê, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận) với mô hình trồng mít Thái, tận dụng lá mít làm nguồn thức ăn để phát triển đàn dê, cho thu nhập khá.

Trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

 

Ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) đã tận dụng lá mít Thái để chăn nuôi đàn dê của gia đình, ổn định về kinh tế.

Trong căn nhà khang trang, nằm xen giữa màu xanh của những bụi tre cao vút và những cây mít trĩu quả, nhâm nhi ly trà nóng, chỉ tay ra phía sau vườn, ông Vàng vui vẻ cho biết: “Có được cơ ngơi như hôm nay cũng nhờ đàn dê và vườn mít Thái. Dê dễ nuôi, ít tốn công, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên và lá mít có sẵn trong vườn”.

Theo ông Vàng, nhờ nguồn nước từ hồ Suối Môn, năm 2015, ông đã đầu tư trồng thử 100 cây mít Thái trên diện tích 1 sào, cho trái hơn 60kg/cây. Với giá hơn 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm từ loại cây ăn trái dễ trồng này.

“Các thương lái đến tận vườn của gia đình tôi thu mua. Nhờ cây mít Thái, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập hàng năm. Hiện nay, tôi đã mở rộng thêm diện tích 1ha, trồng 1.000 cây mít Thái. Vừa cắt tỉa được lá để nuôi dê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập của gia đình”, ông nói.

Ông Vàng cho biết, ông chọn nuôi dê bách thảo và dê boer lai (nguồn gốc Nam Phi) vì dễ nuôi, lớn nhanh, khoảng 5 tháng là sinh sản. Lứa đầu mỗi dê mẹ sinh 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi sẽ sinh từ 2-3 con. Dê con sau 4 tháng nuôi có trọng lượng khoảng 25kg là có thể bán. Giá dê giống từ 180-200 ngàn đồng/kg, dê thịt từ 130-145 ngàn đồng/kg hơi. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình ông không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã có hơn 10 dê mẹ và đàn dê thịt hơn 30 con. Bình quân mỗi tháng ông Vàng thu hơn 10 triệu đồng từ bán dê thịt. “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ nhân đàn lên 20 con dê sinh sản, liên kết với các cơ sở mua bán dê giống, dê thịt ở trong và ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định”, ông Vàng cho biết thêm.

Để thành công như hôm nay, ông Vàng không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động mà còn là người tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân các cấp tổ chức.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Hiện nay tổng đàn dê của xã có khoảng 672 con, tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Thuận. Nhiều nông dân đã biết tận dụng mô hình trồng trọt và chăn nuôi kết hợp, điển hình như ông Vàng. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào như lá mít, lá keo, cỏ để nuôi dê mà nhiều hộ dân đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên làm giàu… Thực tế, mô hình này cần được nhân rộng vì phát huy hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít và thị trường tiêu thụ khá dễ dàng.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền

Thương mại kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng vùng miền và giao thương tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn năm 2019.

 

Tinh dầu Khánh Đan, sản phẩm từ vùng đất Yên Bái

 

Đó là chủ đề hội thảo do Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trong bối cảnh yêu cầu đổi mới của đất nước, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những lĩnh vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, được triển khai hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực và đi vào cuộc sống mà điển hình như chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, chương trình khuyến công hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển…

Trong đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định  964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chương trình trọng tâm được thực hiện trên phạm vi địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các địa bàn khu vực này.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền; các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, đưa ra những yêu cầu từ thị trường với các sản phẩm đặc trưng vùng miền; một số biện pháp nhằm phát triển thương hiệu đặc sản cho Việt Nam; kết nối thương mại cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX… sản xuất, phân phối sản phẩm đặc trưng vùng miền với các đối tác, chuỗi phân phối. Quảng bá thương mại sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Hội thảo tạo ra các cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền góp phần giúp người dân sống được với nghề, giữ gìn và phát triển nghề, giữ đất giữ làng nhất là các sản phẩm đặc trưng của bà con vùng cao gắn với núi rừng. Những sản phẩm đặc trưng vùng miền ngày càng được biết đến nhiều hơn nhờ các chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, các kênh thông tin quảng bá cũng như hỗ trợ từ Chính phủ đến các bộ, ngành…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Bên cạnh các ao nuôi tôm truyền thống với diện tích lớn, mô hình sử dụng bể nổi tròn có diện tích nhỏ trong nuôi tôm thâm canh đang ngày càng phổ biến. Đón đầu xu hướng này, đội ngũ kỹ thuật của Skretting đã nghiên cứu và hoàn thiện mô hình nuôi để khai thác triệt để tiềm năng của hệ thống nuôi sử dụng loại bể này.

 

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Ưu điểm của bể nổi tròn

 

Nhược điểm của ao nuôi hình chữ nhật truyền thống là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ. Hình dạng đặc trưng và kích thước của bể tròn (trung bình khoảng 500 – 1000 m2) giúp người nuôi thu gom và loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Vì bể hình tròn nên khi vận hành quạt nước tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc si-phon sạch các chất dơ, hạn chế việc gây ô nhiễm trong ao nuôi. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường nưới nuôi. Bên cạnh đó, diện tích bể nhỏ nên không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ oxy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi bể chỉ cần lắp đặt 2 dàn quạt (mỗi dàn gồm mô-tơ 3-5hp) và 01 dàn sục khí 5hp là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể.

Ao nằm nổi trên mặt đất nên không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại hoặc mầm bệnh tích tụ trong đất ngấm ngược vào bể. Vách bể thẳng đứng giúp hạn chế chất bẩn và rong bám vào, từ đó đơn giản hóa công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn phải các chất bẩn này… Nhờ các ưu điểm này trong quản lý chất lượng nước ao nuôi mà người nuôi sử dụng hệ thống bể trong giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường.

 

Quy trình nuôi hai giai đoạn sử dụng bể tròn

 

Giai đoạn 1 (giai đoạn ương vèo tôm giống): tôm giống PL10 – 12 được thả ương với mật độ 1000 – 3000 con/m2. Tôm được nuôi trong bể ương trong vòng 20 – 25 ngày cho đến khi tôm giống đạt cỡ 1500 – 700 con/kg. Giai đoạn 1 giúp giống ở giai đoạn PL12 đến PL40 thích ứng với môi trường ao nuôi ngoài trời, tăng sức đề kháng đặc biệt là với bệnh AHPND/EMS, đạt kích cỡ đồng đều, và có tỷ lệ sống cao. Từ đó rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm chi phí nuôi ban đầu, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, tăng vụ nuôi trong năm và tăng sản lượng. Trong quá trình ương tôm, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới chuyển qua ao nuôi.

Ban đầu, bể nuôi tròn nổi với diện tích nhỏ rất được ưa chuộng cho giai đoạn ương vèo trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm nhờ vào các ưu điểm đã được nêu trên. Hiệu quả của bể nổi tròn ngày càng được khẳng định, nên nhiều hộ nuôi đã quyết định tiến  hành Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) trong bể nổi tròn thay vì ao nuôi có diện tích lớn. Ở giai đoạn này tôm được thả ở mật độ 100 – 300 con/m2; tôm giống giai đoạn này thường ở cỡ 1.000 – 2.000 con/kg. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đến khoảng 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg thì tiến hành thu tôm thương phẩm.

Ưu điểm của mô hình này là nâng cao tỷ lệ sống của tôm lên đến 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định, ao nuôi có diện tích nhỏ hơn nên quản lý chất lượng nước hiệu quả hơn rõ rệt. Các sản phẩm thức ăn của Skretting như PL (cho giai đoạn 1), Sapphire, Gamma, Mega, Xpand (Giai đoạn 2) được người nuôi ưa chuộng sử dụng trong mô hình nuôi hai giai đoạn này nhờ các đặc tính như tính dẫn dụ cao, thành phần dinh dưỡng dễ hấp thu, kết cấu bền trong nước, giảm thiểu áp lực lên môi trường nuôi.

Một số lưu ý trong thiết kế bể nổi tròn

 

Bể được dựng từ khung thép hoặc tường xây phủ bạt HDPE (dày 0.5 đến 1 cm), có đáy dạng hình phễu, vách thẳng đứng. Một số yêu cầu kỹ thuật trong quá trình lắp đặt bể nuôi gồm:

–    Đáy bể có độ dốc hướng về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng.

–    Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước có lắp van xả, điều này giúp cho tôm ương không bị hao, việc sang tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

–    Hệ thống bể ương nổi cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý diệt khuẩn trước khi sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước cho bể ương.

–    Ở giai đoạn ương người nuôi nên dùng lưới lan che nắng cho bể ương để giảm biên độ nhiệt độ, giảm được một phần nước mưa rơi vào ao khi mưa lớn. Giá thành thấp, lắp đặt đơn giản, dễ dàng để tháo dần ra cho tôm quen với nhiệt độ không có mái che, nhờ vậy tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống.

–    Nên ương tôm trong bể có diện tích nhỏ khoảng 100m3 nước để dễ quản lý môi trường.

–    Đối với nuôi tôm thịt, diện tích bể nên nằm trong khoảng từ 500m2 đến 900m.

–    Ở giai đoạn này, khi số lượng tôm trong bể đạt trên 3.5 kg/m3 nên tiến hành thu tỉa hoặc sang bể để tôm có thể phát triển tối ưu.

–    Đảm bảo sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường phải được chuẩn bị đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/7 để đảm bảo không có sự cố và nếu có thì cần xử lý ngay lặp tức.

Những khó khăn thường gặp trong vận hành

 

Các bể có thể tích quá nhỏ (dưới 50m3) có biên độ nhiệt lớn, tôm nuôi dễ bị sốc nhiệt độ. Cách khắc phục là tăng kích thước bể, lắp đặt mái che, đồng thời sục khí đều khắp thành ao sẽ giảm thiểu nhược điểm này.

Tôm bị sốc khi điều kiện sống thay đổi giữa các giai đoạn nuôi: sốc nhiệt độ, pH, kiềm, kim loại nặng… Người nuôi nên đảo đều nước trước 1-2 ngày, mở mái che để tôm dần quen với môi trường bên ngoài. Sang ao vào lúc nhiệt độ thấp, sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phù hợp nhất.

Ương mật độ quá cao yêu cầu kỹ thuật có chọn lọc, thao tác chính xác, trang thiết chuyên biệt. Hệ thống sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường luôn phải đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/24 để đảm bảo sự cố kịp thời.

Để phát huy tối đa hiệu quả của bể nuôi nổi tròn, đội ngũ kỹ thuật Skretting luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn người nuôi thiết kế, cải tạo và nâng cấp hệ thống nuôi sao cho khoa học, hợp lý. Đồng thời tư vấn cho người nuôi lựa chọn loại thức ăn phù hợp với đặc điểm môi trường và nhu cầu dinh dưỡng của tôm tại từng hộ nuôi.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam ở mức trung bình của thế giới

Hội thảo “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và Cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam chiều 26/9 cho biết, từ 2018 đến nay có 30 dự án lớn đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đặc biệt nhấn mạnh vài trò của công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch với nền nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nhờ công nghiệp chế biến tăng trưởng, phát tiển mạnh nên trong những năm vừa qua Việt Nam tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2017.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, tương lai nông sản Việt Nam có thắng trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc rất lớn vào công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của cả nước có nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội.

Cụ thể, giai đoạn từ 2013 – 2018 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 – 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 – 7%. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 – 10%/năm trong hai năm qua.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.

Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, thống kê từ 2018 đến nay có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động, triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Điển hình như các doanh nghiệp Masan, Doveco, Dabaco, TH Group, Vinamilk, Minh Phú, Ba Huân, Nafood, Lenger Seafood, Angfish… hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ.

Tuy nhiên, về mặt công nghệ chế biến và chất lượng sản phẩm, nhìn chung trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, chế biến tôm và cá tra…

 

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%.

Từ thực trạng, lợi thế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức từ biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7 – 8%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt trên 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 – 100%. Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 4-5,5HP/ha (hiện nay 2,2HP/ha).

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Đột phá công nghệ, nâng cao giá trị Gạo Việt

Xu hướng hiện nay của các nước nhập khẩu gạo luôn đòi hỏi chất lượng gạo phải ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc. Vì vậy để lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững cần có những giải pháp nâng cao chất lượng hạt gạo.

Thu hoạch Lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

 

Lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị XK hàng tỷ USD/năm, là sản phẩm nòng cốt giữ vững thương hiệu quốc gia nông nghiệp trên thế giới.

Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch XK gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của gạo Việt.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong SX, chế biến và bảo quản vẫn còn rất hạn chế đối với các DN SX gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia XK gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2010 – 2018, tổng lượng gạo tiêu dùng của Việt Nam dao động từ 19 – 23 triệu tấn/năm, sản lượng gạo XK dao động từ 4,9 – 7,7 triệu tấn/năm, giá trị XK luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và mức kỷ lục 3,08 tỷ USD năm 2018. Song, ứng dụng công nghệ trong chuỗi giá trị lúa gạo còn thấp nên thu nhập của nông dân và DN chưa cao.

Riêng 8 tháng đầu năm 2019 XK gạo đạt 5,4 triệu tấn nhưng trị giá chỉ đạt 1,96 tỷ USD (-15%). Trong năm nay gạo Việt XK sang thị trường Trung Quốc cũng giảm 65% về lượng và 67% về trị giá. Nguyên do vì hiện nay Trung Quốc tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý biên giới không còn là thị trường dễ tính nữa.

Từ lý do đó lúa gạo Việt Nam cần đột phá về nhiều mặt như nâng công nghệ chất lượng hiệu quả trong SX và tiêu thụ lúa gạo sang các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các DN là chủ thể của chuỗi SX lúa gạo Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như mục tiêu lâu dài về nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của gạo Việt.

Hiện tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên cả nước là 50%, riêng ĐBSCL đạt 82%. Sấy lúa là khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thu hồi và chất lượng gạo xay xát, nhưng năng lực sấy lúa của Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, chỉ đạt khoảng 56%.

Các hệ thống kho chứa chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa dài ngày (từ 6 – 12 tháng). Hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo vẫn còn thấp, do tỷ lệ thất thoát cao, chất lượng gạo XK còn thấp, phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác còn bất cập. Cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản, chế biến ở địa phương còn lạc hậu làm gia tăng tổn thất, và giảm chất lượng trong bảo quản.

 

Lượng gạo XK của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị trường thế giới nhưng lại không có thương hiệu gạo nổi bật, nên không thu được giá trị gia tăng nhờ thương hiệu.

 

Theo ông Sơn, để có thể nâng cao giá trị nông sản, nhất là lúa gạo, thông tin về các sản phẩm được chế biến sau lúa, gạo là vô cùng hữu ích cho nông dân, nhà khoa học, các DN và quản lý nhà nước trong nỗ lực nghiên cứu, học hỏi các phương thức SX mới trên thế giới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lúa, hạt gạo, và các phụ phẩm sau thu hoạch.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về nội dung này và tin tưởng với tính hấp dẫn về đầu tư ngành nông nghiệp, cùng với những cơ hội ngày một mở rộng hơn từ các hiệp định thương mại ký kết gần đây, các DN tham gia trong ngành công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo quan tâm sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, hợp tác với DN SX trong nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả và chất lượng của gạo Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Giá trị của hạt gạo trên thị trường, ngoài chất lượng gạo còn có rất nhiều yếu tố khác tác động như thương hiệu (uy tín của DN), quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc. Để nâng cao hơn nữa giá trị XK gạo của Việt Nam, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống đã đạt được, đề nghị các DN XK cần có sự hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Lượng Gạo XK của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị trường trên toàn Thế Giới nhưng lại không có thương hiệu Gạo nổi bật

 

Quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường và duy trì được sự ổn định của chất lượng giống và lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn nữa đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, mặc dù thị phần không lớn, nhưng có giá trị kinh tế rất cao, mà chưa được quan tâm đúng mức.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những mô hình canh tác né hạn: Đậu phộng chinh phục đất lúa

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả lại thiếu nước tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân).

Mô hình trồng Đậu Phộng (Lạc) trên đất trồng lúa

 

Trên 3 xứ đồng đậu phộng

 

Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao nên thời gian tới, các địa phương tiếp tục nhân rộng. Mô hình trồng đậu phộng giống TB25 tại xứ đồng Gò Chàm, Soi Dưới, Soi Trên, thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Hoà An (huyện Phú Hòa) trên diện tích 8ha, với 48 hộ nông dân tham gia. Trong thời gian sinh trưởng, đậu phộng TB25 có khả năng phân cành cấp 1 nhiều, chống chịu khá tốt với sâu bệnh hại; năng suất thực thu đậu phộng tươi đạt 46 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 30 triệu đồng/ha.

 

Ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tây Hòa An cho hay: Vùng đất này, trước đây bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 8 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng lúa trên 20 triệu đồng/ha. Đầu ra ổn định, có thương lái tiêu thụ. Không những thế, trồng đậu phộng trả lại đất nguồn dinh dưỡng, dây đậu phộng sau khi thu hoạch làm phân xanh.

Ông Trần Hay, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Trên chia sẻ: “Tôi trồng 3 sào (1.500m2) đậu phộng, cuối vụ gia đình tôi thu hoạch nhổ được 279 kg/sào, với giá bán 17.000 đồng/kg, thu trên 4,7 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí từ khi làm đất đến thu hoạch, còn lãi trên 2,1 triệu đồng/sào, với 3 sào tôi thu lãi 6,3 triệu đồng. So sánh với trồng lúa, vùng này lâu nay 3 sào đất nhà tôi bình quân thu 600kg, với giá bán 5.500 đồng/kg thì thu 3, 3 triệu đồng. Đó là chưa trừ chi phí phân thuốc, cày bừa”.

Ông Nguyễn Thành Phương, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứđồng Gò Chàm, cho hay: “Gia đình tôi trồng 3 sào, hôm tổ chức hội nghị tham quan mô hình, nhổ thí điểm 1m2 được 22 bụi, lặc lấy hột cân, quy ra năng suất đạt 220kg đậu tươi/sào. Trước khi trồng, gia đình tôi được nhận hỗ trợ 36kg giống, tương đương mỗi sào 12kg”.

Còn bà Bùi Thị Hiền, cũng tham gia trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Dưới, cho hay: “Tôi trồng 2 sào, thu hoạch được gần 5 tạ. Tôi chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông. Cuối vụ nhổ lên trái sai, hột đậu no. Trước đây tôi trồng đậu phộng nhưng dính lép, hột đậu phộng hơi nghiêng (bị xốp)”.

 

Giống TB25, LDH.01 trên Soi Họ

 

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng giống TB25, LDH.01 tại xứ đồng Soi Họ, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), trên diện tích 8ha, trong đó giống LDH.01 là 5ha, TB25 là 3ha, với 56 hộ nông dân tham gia.

Tại hội nghị tổng kết tham quan thực tế mô hình trồng đậu phộng tại Soi Họ, nông dân cân đo đong đếm, năng suất thực thu đậu phộng tươi đối với giống LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha, giống TB25 là 40 tạ/ha, với giá bán 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi ròng đối với giống LDH.01 gần 15 triệu đồng/ha, giống TB25 là 5,7 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bà con nông dân trồng bắp lợi nhuận chỉ đạt 2,3 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng bắp từ 3,7 đến 12,7 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Bình, tham gia mô hình cho hay: “Tôi tham gia mô hình trồng 1 giạ giống (1.000m2). Trước khi xuống giống, tôi được tập huấn kỹ thuật từ khâu cày bừa đất, sạch cỏ dại, bón lót phân chuồng, vôi, phân lân. Bón lót kết hợp với các biện pháp phòng trừ mối, kiến để khi rắc xuống không bị kiến, mối ăn hột giống. Đến khi đậu phộng ra hoa 10-15 ngày, tôi bón vôi, sau đó phun Bidamin 15WP (thuốc ức chế tăng trưởng) để giúp đậu phộng tập trung dinh dưỡng nuôi củ, chắc hột”.

Bà Đặng Thụ Duyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn La Hai cho rằng, mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả triển khai tại Soi Họ, kết quả năng suất 2 giống đậu phộng lần lượt là TB25 đạt 40, còn LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha. Mô hình còn tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh giữa 2 vụ trồng cây màu và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Thông qua mô hình, nông dân nắm bắt kỹ thuật trồng cây đậu phộng giống mới.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, mô hình trồng đậu phộng thuộc Dự án “Phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”. Trồng đậu phộng về mặt chi phí đầu tư cũng tương tự như trồng bắp nhưng đậu phộng có giá bán cao hơn.

Mặc khác, nếu trồng đậu phộng trên nền đất lúa kém hiệu quả giảm được từ 4 – 5 lần tưới tràn/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phộng giảm từ 60 – 70% so với lúa. Vì vậy, mô hình này không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Doveco sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả mỗi năm ở Tây Nguyên

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mà còn đưa Tây Nguyên trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả chất lượng cao của cả nước

Khánh thành trung tâm chế biến rau quả Doveco tại Huyện Mang Yang, Gia Lai

 

Chế biến hơn 500 tấn rau quả mỗi ngày

 

Sau hơn một năm xây dựng, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chính thức đi vào hoạt động tại huyện Mang Yang, Gia Lai.

Doveco Gia Lai với tổ hợp nhà máy chế biến rau quả hiện đại công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Có 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: Dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Từ tháng 4/2019 đến nay, Doveco đã đưa vào vận hành, chạy thử với những lô hàng đầu tiên sản xuất ra đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Với các tổ hợp sản xuất này, mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại để chế biến và xuất tươi nhiều dòng sản phẩm rau củ quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm có thể đạt 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng năm từ 100 đến 150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Doveco có điều kiện giới thiệu sản phẩm rau quả đặc sản của Tây nguyên như chanh dây, bơ, chuối, sầu riêng… ra thị trường thế giới.

Theo ông Khuê, với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Doveco sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho rau quả nông sản khu vực Tây Nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất và nâng cao đời sống của người dân tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Doveco Gia Lai đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết trên 500 lao động ở địa phương và hàng chục ngàn nông dân tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản.

Ông Thành cũng kỳ vọng, Doveco sẽ mở đầu cho thời kỳ bùng nổ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, thu hút các nhà đầu tư mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Doveco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực của Việt Nam. Từ việc chủ động tạo ra giống mới cho năng suất cao, Doveco có công nghệ chế biến, xuất khẩu một cách bền vững.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Doveco tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh của mình, tiếp tục đồng hành cùng người dân Tây Nguyên để chế biến và tiêu thụ nhằm năng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc biệt là các loại cây đặc sản như chanh dây, bơ, chuối và sầu riêng.

 

Đòn bẩy để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển

 

Hiện nay, sản phẩm của Doveco xuất khẩu đến 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường các nước như: Nhật Bản Mỹ Israel, EU… Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Doveco chủ yếu là: dứa lạnh dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt… Còn với thị trường trong nước, sản phẩm của Doveco đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn.

Ông Kenichiro Nakano, đại diện công ty Tokai Denpun Nhật Bản cho biết, những năm gần đây, Doveco đã xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường khắt khe về chất lượng sản phẩm và giá bán. Nhờ sự hợp tác và chia sẻ công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý, Doveco đã tạo được niềm tin của khách hàng tại Nhật Bản.

Nhằm đưa Doveco Gia Lai trở thành trung tâm chế biến rau qua lớn nhất Tây Nguyên, Doveco đã có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Đến nay, Doveco đã phát triển vùng nguyên liệu dứa tại các địa phương như: Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa (Gia Lai) với diện tích 2.000 ha; phát triển vùng chuối nguyên liệu tại thị xã An Khê, huyện Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Mang Yang (Gia Lai) và tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum với diện tích 1.000 ha; phát triển vùng nguyên liệu chanh dây tại các địa phương của tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum với diện tích 2.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu của Doveco sẽ đạt từ 22.000 ha đến 25.000 ha.

Chanh dây của Doveco được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, việc hợp tác, liên kết giữa Doveco với nông dân sản xuất nguyên liệu bước đầu đã có kết quả tốt, tạo tiền đề cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao tại khu vực Tây Nguyên.

Theo ông Nghĩa, Doveco ký hợp đồng với chính quyền địa phương để thuê đất của dân nhằm chủ động trong việc tổ chức sản xuất. Sau khi người dân cho thuê đất, Doveco tạo điều kiện thuê làm nhân công lao động ngay tại vùng nguyên liệu.

Doveco sẽ thực hiện đầu tư ban đầu cho bà con nông dân như: cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu.

“Ngoài việc tiêu thụ nông sản, chúng tôi cũng góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng” – ông Nghĩa chia sẻ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech Vietnam

Cà Phê Việt: Thế mạnh top 2 thế giới, Việt Nam vẫn ôm nỗi buồn đội sổ

Đứng thứ 2 thế giới, song xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại đang sụt giảm mạnh. Đáng buồn hơn, giá xuất khẩu cà phê Việt đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu Cà Phê

Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu cà phê 8 tháng năm 2019 ước đạt 1,17 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, giảm 11,8% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Từ đầu năm đến nay, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,7% và 9%. Ngoại trừ Philippines và Malaysia có giá trị xuất khẩu cà phê tăng lần lượt 22% và 3,7%, hầu hết các thị trường chính còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Không những giảm về sản lượng xuất khẩu, giá giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.708 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Thực tế, giá cà phê Việt Nam đang giảm theo xu hướng chung. Giá cà phê thế giới tiếp tục suy giảm trong những tháng đầu năm 2019 và giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây do áp lực dư cung của thị trường cà phê toàn cầu.

Song, điều đáng buồn, giá cà phê Việt xuất khẩu lại đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước khác.

Đơn cử, tại Tây Ban Nha, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho nước này với hai loại chủ yếu gồm: cà phê chưa rang; chưa khử caffein và khử caffein (không bao gồm rang) chiếm 42,8% và 39,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hai chủng loại cà phê này trong 4 tháng đầu năm 2019.

Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha đạt mức 2.712 USD/tấn. Trong khi đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam chỉ ở mức 1.779 USD/tấn, thấp hơn nhiều giá bình quân nhập khẩu tại thị trường này.

Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha từ Pháp đạt mức cao 15.670 USD/tấn. Tức cao gấp gần 9 lần so với giá cà phê nước này nhập từ Việt Nam.

Tương tự, Bộ Công Thương cũng dẫn số liệu từ Ủy ban thương mại Hàn Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường này với sản lượng 11.000 tấn, song giá chỉ đạt 1,8 USD/kg.

Brazil là nước đứng thứ hai về sản lượng với gần 10.600 tấn nhưng xuất khẩu được vào Hàn Quốc với giá 2,6 USD/kg. Còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg.

Cà Phê Việt xuất khẩu thô là chủ yếu nên giá trị thu về thấp

Một chuyên gia trong ngành cho biết, cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%. Do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơi nhiều, thậm chí còn xếp bét bảng so với các nước có thế mạnh xuất khẩu cà phê.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phần lớn cà phê Việt Nam khi thu hoạch không đáp ứng được độ chín, lẫn nhiều tạp chất, máy móc thiết bị sơ chế lạc hậu, sân phơi tạm bợ trên nền đất hoặc nền xi măng,… dẫn đến chất luọng thấp.

Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn…

Đơn vị này dự báo, giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tăng do nguồn cung có phần sụt giảm từ các nước sản xuất chính, tuy nhiên giá sẽ vẫn ở mức thấp trong nhiều năm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng nhanh hơn so với sản xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cà phê trong trung và dài hạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nấm sạch Tuấn Linh khẳng định chất lượng

Được thành lập năm 2016, Hợp tác xã Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ở xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã thành công trong việc trồng các loại nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tuấn Linh cho biết: Trong giai đoạn 2016 – 2018, HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao cho hệ thống máy móc, nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến.

“Từ khâu giống, nguyên liệu, bịch phôi, nấm thành phẩm, đến chế biến nấm ra các sản phẩm hàng hóa là quy trình khép kín. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các thành viên”, ông Hưởng nói.

Định hướng của HTX là quyết tâm đưa thực phẩm an toàn để phục vụ tốt cho người tiêu dùng trên khắp mọi miền và hướng đến thị trường xuất khẩu. Từ định hướng này, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại giống bấm, nấm ăn và nấm dược liệu…

Ngoài ra còn có các sản phẩm chế biến sâu như trà linh chi, rượu linh chi. Sản phẩm sản xuất sạch theo quy trình khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX.

 

Sản xuất Nấm sạch tại HTX Tuấn Linh

Theo ông Hưởng, hằng năm, HTX sản xuất 170 vạn bịch nấm/năm. Sản lượng 170 tấn nấm (gồm các loại nấm linh chi, nấm sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm…). Tổng doanh thu khoảng 7 tỷ đồng.

Vừa qua, HTX Tuấn Linh đã được Sở Công thương Quảng Bình công nhận là doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm nấm linh chi, nấm mộc nhĩ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, HTX thực hiện dự án đầu tư phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác (THT) trồng nấm. Đầu tư nâng cao năng lực thiết bị chế biến và chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.

Để bảo đảm nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nấm, Sở NN-PTNT Quảng Bình tổ chức ký kết bao tiêu sản phẩm chuỗi sản xuất nấm giữa các THT và doanh nghiệp. Đến nay, HTX đã liên kết trực tiếp với 28 THT trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh,Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch…

HTX cung cấp nấm giống theo yêu cầu của các đối tác. Dự kiến nấm linh chi khoảng 150.000 bịch phôi/năm; nấm sò 30 triệu bịch và nấm mộc nhĩ 28 triệu bịch. Đồng thời, sản phẩm nấm do các THT sản xuất sẽ được HTX Tuấn Linh thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Qua đó, tạo công ăn việc làm cho hơn 360 lao động ở các địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi người 4 triệu đồng/tháng. Từ kết quả này, tháng 2/2018, HTX Tuấn Linh đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen điển hình liên kết, sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm nấm sạch, chất lượng cao của HTX Tuấn Linh đã được thị trường chấp nhận. HTX đã ký kết hợp đồng và liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với các Công ty, Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Co.opmart Hà Tỉnh, Co.opmart Huế , Co.opmart Quảng Trị, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm từ nấm đã được đa dạng hóa như nấm linh chi quả thể, nấm linh chi thái lát, nấm linh chi bột…

 

Sản phẩm của HTX Tuấn Linh có mặt ở nhiều siêu thị lớn

Theo bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành HTX Tuấn Linh, hiện đã có sản phẩm trà uống có lợi cho sức khỏe con người. “Đó là các sản phẩm trà xanh linh chi, trà linh chi, trà cà gai leo linh chi. Ngoài ra còn có nhiều dạng sản phẩm khác như nấm mộc nhĩ quả thể khô, nấm mộc nhĩ thái sợi, nấm sò tươi, nấm sò khô, nấm hương khô, nấm hoàng đế, nấm kim phúc, rượu nấm linh chi, cao linh chi”, bà Liên giới thiệu thêm.

Cũng theo bà Liên, hiện HTX đã dùng bã thải nấm để trồng rau má quy trình hữu cơ và đã sản xuất ra sản phẩm trà thảo mộc rau má túi lọc.

Từ những sản phẩm đầu tiên, HTX đã chú trọng đến việc thiết kế bao bì, nhãn mác. Lãnh đạo HTX luôn lắng nghe các phản hồi của khách hàng để điều chỉnh bao bì, nhãn mác phù hợp với nhu cầu của thị hiếu. Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả thị trường nước ngoài (Thái Lan, Lào, Nga) tin tưởng, lựa chọn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Ba giống Ngô ưu việt

Những giống Ngô lai đơn VINO 688, VINO 678 và VINO 812 đều do Công ty TNHH Việt Nông nghiên cứu lai tạo và đưa vào sản xuất.

 

Các giống Ngô mới của Việt Nông

Giống VINO 688

Đây là giống ngô trung ngày (từ 98 – 105 ngày ở Nam bộ và 105 – 115 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc). VINO 688 chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, sinh khối đạt 50 – 60 tấn/ha; bộ lá đứng, thích hợp cho việc trồng dày. Chiều cao cây trung bình từ 200 – 220 cm, độ cao đóng trái từ 100 – 110 cm. Cây vẫn giữ được bộ lá xanh khi thu hoạch.

Giống VINO 688 có thể trồng với mật độ 65.000 – 70.000 cây/ha mà vẫn cho năng suất ổn định. Bắp có chiều dài từ 19 – 20 cm, 12 – 16 hàng hạt, dạng hạt đá, màu hạt vàng cam rất bắt mắt. Đặc biệt tỷ lệ hạt/bắp khá cao (khoảng 79%). Năng suất hạt trung bình đạt từ 9 – 11 tấn/ha. Giống VINO 688 có phổ trồng rộng, có thể trồng tất cả các vùng trong cả nước và có thể trồng quanh năm.

“Tôi ấn tượng với 2 giống ngô VINO 678 và VINO 688. Tôi trồng cả 2 giống thấy thân cây to, khỏe, tốc độ phát triển cũng như khả năng chịu hạn rất tốt”, ông Lò Văn Thanh (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) chia sẻ tại hội thảo trình diễn 3 giống ngô mới của Công ty TNHH Việt Nông tại Sơn La.

Giống VINO 678

Giống VINO 678 được lựa chọn theo định hướng vừa có thể thu hạt, vừa thu cây lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Là giống ngô dài ngày: 100 – 104 ngày ở Đông Nam Bộ, 103 – 114 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống đạt sinh khối lấy thân có thể đạt 60 – 70 tấn/ha, mật độ trồng từ 57.000 – 65.000 cây/ha.

Giống có bộ lá xanh, rễ chân kiềng phát triển, cây cao từ 220 – 235 cm, chiều cao đóng trái từ 110 – 115 cm. Vì là giống có sinh khối lớn nên trong quá trình trồng cần đảm bảo cung cấp đủ nước để cây phát triển tốt. Giống VINO 678 có thể kháng sâu bệnh hại khá tốt.

Bắp ngô VINO 678 có chiều dài đạt 20 – 22cm, 14 – 16 hàng hạt, đường kính 4,4 – 4,7 cm, tỷ lệ hạt trên trái đạt 78%, hạt dạng bán đá, có màu cam. Giống thích hợp trồng vụ đông xuân, hè thu và thu đông. Năng suất hạt của giống đạt từ 10 – 12 tấn/ha.

Ông Lò Văn Luyện (xã Chiềng On, huyện Yên Châu) cho biết: “Năm vừa qua tôi trồng 2 giống ngô VINO 688 và VINO 812. Ưu điểm ở 2 giống ngô này mà tôi ấn tượng nhất là khả năng chống chịu sâu bệnh và tốc độ phát triển nhanh trên đất đồi. Đặc biệt bắp to, màu sắc rất đẹp.”

Giống VINO 812

Đây là giống khá đặc biệt, được kết hợp giữa 2 dòng bố mẹ có sức sinh trưởng mạnh và thích thích nghi tốt nhất trong bộ nguồn của Công ty TNHH Việt Nông hiện có. Giống có tiềm năng đạt năng suất cao: 11 – 12 tấn/ha, năng suất lấy thân đạt 55 – 60 tấn/ha.

Bộ lá xanh, lá dày và thân cây lớn, bắp to là những nhận xét của người dân Sơn La về giống ngô này. Giống VINO 812 là giống bắp dài ngày, 100 – 105 ngày ở Đông Nam Bộ, 110 – 120 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống có chiều dài trái 20 – 21 cm, đường kính trái 5,0 – 5,2 cm, dạng hạt răng ngựa, màu vàng. Tỷ lệ hạt/trái cao: từ 80 – 81%. Bắp có từ 16 – 20 hàng hạt. Giống VINO 812 có thể trồng quanh năm và rất thích hợp trồng ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm trong vòng 1 năm trở lại đây nhưng người dân Sơn La đều đánh giá rất cao 3 giống ngô trên. Ông Lò Văn Phái (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) có 5.000 m2 trồng thử nghiệm, đã nhận xét: “Trong năm nay, người dân tại địa phương rất hứng thú với 3 giống ngô của Việt Nông. Kháng sâu bệnh tốt là đặc điểm mà bà con quan tâm nhất vì thời gian gần đây trồng ngô phải đối mặt với nạn sâu keo mùa thu”.

Năm 2019, xã Chiềng Sung trồng hơn 1.000 ha ngô, trong đó người dân gieo hơn 2.000 kg hạt giống của Công ty TNHH Việt Nông. Dự báo trong năm 2020, con số đó sẽ tăng lên đến 8.000 – 10.000 kg.

“Bắp của 3 giống ngô đều có màu vàng đẹp, bắp to, mang lại năng suất cũng như hiệu quả kinh tế rất cao. Vì chất lượng hạt giống tốt nên đối với người nông dân quá trình trồng khá đơn giản. Giá thương lái thu mua hiện khoảng 2.800 – 2.900 đ/kg, tương đương 38 – 40 triệu/ha”, ông Lò Văn Phái chia sẽ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam