Nuôi gà an toàn để xuất khẩu

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gà sạch để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.

Chúng tôi đến trại gà của ông Lê Văn Nghĩa (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) để tìm hiểu. Đây là một trong số các trang trại gà nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu, do Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai triển khai thời gian qua.

Cơ hội

Theo ông Nghĩa, từ ngày tham gia chương trình, trang trại của ông gần như phải thay đổi toàn bộ quy trình nuôi gà truyền thống nhằm đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Trước hết, hệ thống chuồng trại được ông đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Ngoài trại nuôi gà thịt thương phẩm, ông còn phải xây dựng thêm trại nuôi gà giống. Trong đó, từ con giống, thức ăn, thuốc thú y tất cả đều phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Nhiều trang trại nuôi gà sạch rất mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà xuất khẩu

Đặc biệt, 1 tháng trước khi xuất bán gà, theo qui định ông phải ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc thú y. Mặc dù quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, gà thịt đạt tiêu chuẩn sạch theo quy định nhưng hiện tại ông Nghĩa vẫn phải bán gà qua thương lái.

“Cứ 2 ngày lại có xe của thương lái vào bắt gà, mỗi lần bắt vài ngàn con. Giá bán theo giá thị trường, lúc cao họ mua cao, lúc giá xuống họ mua thấp”, ông cho biết.

Do đầu ra không chủ động lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên trại gà của ông Nghĩa dù chăn nuôi theo quy trình sạch, nhưng giá cả cũng không khác so với gà thường. Bởi vậy, khi nghe thông tin về việc một doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu được thịt gà sang thị trường Nhật Bản, ông rất muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà nguyên liệu.

“Tham gia vào chuỗi chăn nuôi xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua đảm bảo sản lượng và giá gà ổn định, chắc chắn người nuôi sẽ yên tâm hơn rất nhiều. Theo quy trình của doanh nghiệp đưa ra, gà nguyên liệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhưng nếu có mô hình chăn nuôi cụ thể, được hỗ trợ kỹ thuật thì chúng tôi sẽ đáp ứng tốt”, ông Nghĩa cam kết

Tương tự, ông Lâm Đình Tới, chủ trại gà 20 ngàn con tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cũng cho rằng, chỉ cần có đầu ra, giá cả ổn định thì người chăn nuôi sẽ tham gia. “Quy trình nuôi, chúng tôi chỉ cần có mô hình cụ thể cộng thêm đó là sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì làm được hết, chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm chăn nuôi hàng chục năm rồi”, ông Tới cho hay.

An toàn dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, để đáp ứng nhu cầu chế biến thịt gà xuất khẩu sang Nhật, Cty Koyu & Unitek đang cần nguồn gà nguyên liệu rất lớn. Trong khi đó, số trang trại đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là chưa nhiều, do đó cơ hội để người chăn nuôi gà tham gia vào chuỗi có biên độ rất rộng.

Tuy nhiên, để được tham gia vào chuỗi, trại nuôi cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với các trại gà để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu chính là vấn đề an toàn dịch bệnh.

“Vừa rồi Cty Koyu & Unitek có tổ chức các đoàn kiểm tra các trại nuôi gà, trong đó có trại nuôi của gia đình tôi. Dù trại đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra nhưng do nằm gần với các trại chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực nên họ còn lo ngại đối về vấn đề an toàn dịch bệnh”, ông Ngọc chia sẻ

Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, rất khó để thực hiện quy định về khoảng cách trại nuôi. Bởi, phần lớn người chăn nuôi hiện đang ở dạng nhỏ lẻ, nếu thực hiện việc giữ khoảng cách 1 m có một trại nuôi như yêu cầu thì Đồng Nai sẽ không còn bao nhiêu trại nuôi gà nữa.

Vì thế, nhằm gỡ khó cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp địa phương đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Theo đó, tại đây đã xây dựng và chứng nhận an toàn dịch bệnh cấp xã đối với 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom. Ngoài ra, 10 xã quanh trại gà của Cty Koyu & Unitek cũng đã được công nhận an toàn dịch bệnh. Tức là, tất cả các khu vực nói trên đều đã đủ tiêu chuẩn để nuôi gà xuất khẩu.

“Chúng tôi đang tập trung mở rộng xây dựng thêm các xã an toàn dịch bệnh nằm trên địa bàn huyện Xuân Lộc và TX Long Khánh. Mục tiêu những năm tới là sẽ xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu gà nguyên liệu”, ông Báu nhấn mạnh

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi cầy hương hiệu quả bất ngờ

Tình cờ biết được mô hình nuôi chồn hương ở Quảng Ngãi, anh Tuấn mua giống về phát triển mô hình. Sau 5 năm theo đuổi nghề nuôi đã đem lại thành công hơn mong đợi. Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng.

Đến tham quan trang trại nuôi chồn hương của gia đình anh Nguyễn Phước Tuấn (45 tuổi ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi anh xây dựng được mô hình nuôi chồn khép kín ngay tại khu dân cư. Khu vực nuôi chồn hương nằm phía sau căn nhà được anh Tuấn thiết kế thoáng mát.

Trang trại chăn nuôi chồn hương của anh Nguyễn Phước Tuấn

Anh Tuấn kể, năm 2011 anh biết một người dân ở tỉnh Quảng Ngãi nuôi chồn hương. Qua tìm hiểu, anh thấy mô hình đầu tư ít vốn lại phù hợp với vùng bán sơn địa xã Bình Trị. Anh mua 4 con chồn cái và hai con chồn đực với giá 20 triệu đồng và đến cơ quan chức năng đăng ký nuôi.
Sau 2 năm chăm sóc, đàn chồn sinh sản lứa đầu được 14 con. Tuy nhiên kinh nghiệm chưa có nhiều, chồn mẹ cắn chết 8 con. “Ban đầu nên tôi không biết để tách chồn còn khỏi chồn mẹ khi sinh nên nhận phải “trái đắng”. Sau đó mỗi lần sinh sản, tôi đều tách ra nên không bị chết”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh, chồn có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, nó có thể ăn tất cả các loại thức ăn kể cả thực vật lẫn động vật (trừ chuột dú, cóc). Nó thường ăn cháo trắng và chuối vào ban đêm. Quen dần được tập tính của chồn, anh Tuấn tiếp tục mở rộng chuồng trại.
Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng. “Khoảng 10 tháng nuôi chồn thương phẩm sẽ đạt trọng lượng hơn 3kg. Với giá bán là 1,3 triệu đồng/kg, mỗi năm tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nuôi chồn chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao, lại nhàn nhã”, anh Tuấn tâm sự.

Mỗi ngày chi phí thứ ăn cho chồn khoảng 70.000 đồng

Theo anh Tuấn, loài chồn này chưa thể thuần chủng được nên vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nhốt chung thường cắn nhau đến chết, vì vậy phải thiết kế những ô để nuôi riêng. Khu vực chuồng trại phải được thiết kế phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn.
Đặc biệt, muốn nuôi được một con chồn cái sinh sản thì phải chú ý không để chồn quá mập. Chuồng trại phải được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ để chồn có không gian vận động, có như vậy chồn mới sinh sản nhanh.
“Thường người nuôi không để ý đến những điều này nên nuôi không đạt hiệu quả, chồn cũng không sinh sản được. Ngoài ra chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, định kỳ mỗi tháng xổ giun một lần để chồn háu ăn, mau lớn”, anh Tuấn chia sẻ.
Người nông dân này cho biết thêm, vào mùa nắng phải tưới nước làm mát mái chuồng nuôi, vì chồn chịu được lạnh chứ không chịu được nóng. Khi chồn đẻ con thì phải chú ý quan sát kỹ lưỡng nếu không con lớn sẽ cắn chết con nhỏ. Nuôi được một tháng thì phải tách chồn con ra riêng, để giảm chồn con bị cắn, chồn mẹ mới tiếp tục sinh sản lứa thứ 2.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Anolit – chất khử trùng từ muối

Hiện cả nước đã có trên 600 thiết bị SX anolit được chế tạo và đưa vào hoạt động. Nhiều bệnh viện, trại chăn nuôi, xí nghiệp giết mổ chăn nuôi, cơ sở nuôi tôm giống…

Từ năm 1998, Viện Khoa học Vật liệu, sau đó là Viện Công nghệ môi trường thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu chế tạo thiết bị SX anolit trên cơ sở các công nghệ được chuyển giao từ Nga và các quy trình sử dụng anolit.

Phun dung dịch anolit khử trùng, vệ sinh môi trường tại nhà lưới ở Thanh Hóa

Trong 15 năm gần đây, đã có trên 5 đề tài, dự án, nhiệm vụ cấp quốc gia và hàng chục đề tài, dự án cấp Bộ, cấp tỉnh được hàng chục đơn vị nghiên cứu thực hiện.

Hiện cả nước đã có trên 600 thiết bị SX anolit được chế tạo và đưa vào hoạt động. Nhiều bệnh viện, trại chăn nuôi, xí nghiệp giết mổ chăn nuôi, cơ sở nuôi tôm giống, nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản, trồng và bảo quản các loại trái cây có giá trị và khả năng xuất khẩu cao đã sử dụng chất khử trùng này.

Viện Công nghệ môi trường là nơi duy trì được tập thể khoa học chuyên nghiên cứu về anolit sâu nhất và gần đây đã có bước tiến mới trong nghiên cứu chế tạo thiết bị SX anolit, đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2015.

PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Công nghệ môi trường cho biết, chỉ cần dưới 3kg muối đã có thể SX được 2.000 lít anolit, khử trùng được cho 300 – 500m3 nước đạt yêu cầu nước sạch về vi sinh theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới và của Bộ Y tế hoặc khử trùng được cho diện tích 10.000 – 20.000m2 bề mặt sàn các phòng trong bệnh viện, trường học, nhà ở, trại chăn nuôi…

Tính ưu việt của anolit đã được khẳng định qua hàng ngàn công trình nghiên cứu về phương pháp chế tạo và mức độ ứng dụng nó tại rất nhiều nước trên thế giới. Dung dịch này diệt được rất nhiều loài vi khuẩn, nấm, virus và bào tử gây bệnh cho người, kể cả những loài có sức đề kháng cao như vi trùng bệnh lao, vi khuẩn bệnh than, virus viêm gan B.

Anolit khử trùng nhanh và mạnh, ít tác động đến sức khỏe của người và động vật vì có lượng clo hoạt động thấp và nhờ khả năng chống các chất oxi hóa của tế bào động vật cấp cao.

Anolit được tạo ra từ nước muối và dần trở về dưới dạng muối ăn thông thường có trong thiên nhiên nên không là chất tồn lưu làm ô nhiễm môi trường. Có giá rẻ do được SX chỉ từ điện và nước muối, tuy nhiên dung dịch anolit không bảo quản được lâu và hàm lượng clo hoạt động thấp nên không thuận tiện cho SX lớn vì chi phí vận chuyển cao, cần lắp đặt thiết bị tại cơ sở.

Do ảnh hưởng của áp mưa lớn trên diện rộng liên tục trong các ngày từ 9 đến 13/10/2017, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã bị ngập lụt nghiêm trọng. Một số nhà lưới của Cty TNHH Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) bị ngập dài ngày. Cty đã đề nghị Viện Công nghệ môi trường hỗ trợ dung dịch anolit để khử trùng, làm vệ sinh. Với các thiết bị thế hệ mới đang được chế tạo thử nghiệm, trong thời gian gần 6 giờ, Viện SX được 1.200 lít dung dịch anolit để cung cấp kịp thời.

Ông Lê Huy Khiêm, PGĐ Cty đánh giá cao hiệu quả khử trùng, vệ sinh môi trường của dung dịch anolit và cho hay: “Đây là lần đầu tiên, chúng tôi sử dụng cùng lúc chất khử trùng này cho diện tích 5.000 – 6.000m2 trong các nhà màng, nhà lưới và tác dụng khử trùng, làm sạch môi trường của anolit thể hiện rõ rệt. Hiện dung dịch được SX tại Hà Nội, sau đó chúng tôi vận chuyển về bằng phương tiện xe tải. Về lâu về dài, Cty sẽ đầu tư thiết bị để chủ động SX tại chỗ”.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi thỏ, gà kết hợp trồng trọt, thu 30 triệu đồng/tháng

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao…

Thành ngữ Việt Nam có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Câu nói đó thật đúng với trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc và ông Nguyễn Quốc Kim ngụ tại Kp7, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, hai vợ chồng vẫn ngày đêm cần mẫn phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ mô hình kết hợp này, mỗi tháng gia đình ông bà thu nhập được hơn 30 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ và gà thả vườn của gia đình bà Lộc

Hơn 2 sào lúa đang trổ bông, 1 sào rau muống xanh mướt, một mô hình nuôi thỏ ta với hơn 100 con và hơn 350 con gà ta được nuôi theo cách thả vườn là điều ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Chừng ấy công việc, mà chỉ có 2 người làm là điều không hề đơn giản, nhưng với sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, vợ chồng bà Lộc đã bố trí thời gian vừa trồng trọt vừa chăn nuôi hợp lý để vừa chăm sóc tốt cho đàn thỏ và gà cũng như chăm bón tốt cho lúa và rau muống, khiến cho ai nhìn vào vào cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: “Khởi đầu ngày mới của gia đình bà thường bắt đầu với công việc đầu tiên là vệ sinh chuồng thỏ để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ được chăm sóc tốt nên tỷ lệ thỏ lớn khỏe mạnh hầu như lúc nào cũng tuyệt đối, trọng lượng mỗi con thỏ ta nuôi khoảng từ 3 đến 4 tháng, xuất bán cho thương lái và các mối hàng kinh doanh lúc nào cũng trên 2 ký rưỡi. Với giá bán lẻ và bán sỉ đều như nhau: Khoảng 65 ngàn đồng/kg nên người mua khá ưa chuộng”

Chất lượng thịt thỏ của gia đình bà Lộc nuôi được nhiều người mua đánh giá là thơm ngon, chắc thịt… vì thỏ nhà bà Lộc nuôi được cho ăn chủ yếu là rau muống mà gia đình tự trồng, chỉ bổ sung một ít thức ăn tinh vào buổi trưa là từ thức ăn gia súc để đảm bảo dinh dưỡng cho thỏ. Với 20 con thỏ giống, mỗi tháng chúng sinh sản phát triển trung bình trên 50 con thỏ con, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao, sau khi gà nở và trong quá trình chăn nuôi sau bà đều cho chúng uống vắc xin phòng bệnh theo từng giai đoạn, nên rất hiếm khi xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ xuất bán mỗi tháng trên 100 con với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên Đán, gà nhà bà Lộc nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Lộc trồng thêm lúa và rau muống để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà
Ngoài ra để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bà Lộc còn trồng thêm 2 sào lúa và 1 sào rau muống. Một mặt là phát triển thêm kinh tế, mặt khác là để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà, không những tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn ban đầu, mà còn còn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Ông Đỗ Bách Việt – PCT Hội Nông Dân phường Tân An cho biết: “Với mô hình vừa kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia đình bà Lộc thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tham gia chuỗi sản xuất trứng cút sạch XK sang Nhật, thu 40 – 50 triệu đồng/tháng

Những người nuôi chim cút liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm sạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đó là Tổ hợp tác nuôi chim cút Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Thu gom phân loại trứng cút xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Long An cho biết, ông Trần Nguyễn Hồ là người đầu tiên trong xã nuôi chim cút và sáng chế chuồng nuôi bằng sắt. Đặc biệt ông trực tiếp liên kết với một Cty Nhật Bản để tiêu thụ sản phẩm trứng sạch cho nông dân. Những cố gắng nỗ lực của ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013…

Nhằm phát triển nghề nuôi chim cút, tháng 10/2014, UBND xã Long An đã thành lập THT nuôi chim cút Nguyễn Hồ do ông Trần Nguyễn Hồ làm Tổ trưởng. Qua quá trình hoạt động cho thấy, đây là một mô hình liên kết làm ăn rất ổn định và hiệu quả, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, từ khi có THT bà con được tập huấn kỹ thuật nuôi chim cút, dùng thức ăn tự trộn theo công thức riêng, có sự giám sát chặt chẽ của DN. Không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng và chất bảo quản. Thức ăn trộn cho ăn trong ngày, không để thừa sang ngày hôm sau.

Ông Trần Nguyễn Hồ chia sẻ, thức ăn cho vật nuôi rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của cả THT, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trứng. THT đã đầu tư 1 xe tải nhỏ chuyên thu gom trứng và 2 máy trộn thức ăn phục vụ các hộ nuôi, trứng sản xuất ra phải đảm bảo sạch. Hàng ngày THT cho xe tải nhỏ gom trứng của các hội viên về phân loại rồi xuất cho nhà máy đóng hộp trứng cút của Nhật. Sản lượng trứng xuất đạt 300.000 quả/ngày, với giá dao động từ 300 – 500 đ/quả.

“Để đảm bảo đủ sản lượng trứng cút cho thị trường XK, tôi đã mua thêm 2ha đất để làm nhà xưởng cho công nhân ở và xây chuồng trại. Tính tới thời điểm này gia đình đã nuôi 200.000 con chim cút”, ông Hồ chia sẻ.

Anh Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Long Thạnh, xã Long An cho biết: “Trước đây gia đình anh làm rẫy trồng mía, trồng xoài. Do đất xấu nên SX không có hiệu quả. Năm 2005, ông Hồ chỉ cho cách làm chuồng trại và hỗ trợ vốn đầu tư nuôi 3.000 con. Khi có trứng bán thì ông trừ nợ dần. Ông Hồ không chỉ giúp anh mà còn giúp rất nhiều người ở trong xã. Đến nay họ đều tham gia THT tạo thành chuỗi sản phẩm sạch.

Hội viên tổ hợp tác đang thu hoạch trứng cút

“Bây giờ người nuôi không phải lo thị trường tiêu thụ như trước nữa. Cứ sáng sớm có xe của THT tới gom trứng, chiều là họ có tiền. Gia đình tôi đã phát triển được 30.000 con, mỗi tháng thu nhập 40 – 50 triệu đồng. Nhờ đó gia đình có của ăn của để”, anh Tuấn chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục mới

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2017 ước đạt gần 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã vượt qua con số 32,1 tỷ USD của cả năm ngoái, để thiết lập kỷ lục mới, và đang hướng đến mốc 35-36 tỷ USD trong năm nay.

Tính trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu nông sản tăng 16%; thủy sản tăng 18,3%; lâm sản tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị nhập khẩu (nhập khẩu) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong 11 tháng qua là đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 8 tỷ USD.

Nhiều nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Đối với lúa gạo, kết quả xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn, đem về 192 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, đã xuất khẩu 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,8% thị phần; tăng 35% về lượng và tăng 33,9% về giá trị. Xuất khẩu gạo càng về cuối năm càng thuận lợi, nhu cầu tăng mạnh khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa loại thường tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến tăng 200 đ/kg trong tháng 11 lên mức 5.600 đ/kg; lúa Jasmine tăng 500 đ/kg lên 6.900 đ/kg. Hiện nguồn cung lúa gạo chỉ trông chờ vào diện tích lúa thu – đông còn lại của những tỉnh gieo sạ trễ.

Ngành hàng rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 292 triệu USD, đưa giá trị 11 tháng lên 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong năm nay với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Giá trị xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở các thị trường: Nhật Bản tăng 67,6%; Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất tăng 56,9%, và Trung Quốc tăng 52,7%.

Ước tính khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11/2017 đạt 143 nghìn tấn, đem về 210 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với năm 2016.

Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%. Trong nước, giá thu mủ cao su dạng nước đã tiếp tục tăng sau nhiều tháng không biến động, từ mức 12.500 đ/kg lên 13.200 đ/kg.

Ở ngành hàng điều, tháng 11, xuất khẩu đạt 32 nghìn tấn và 310 triệu USD, đưa xuất khẩu 11 tháng lên 323 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tăng 22,4% so với năm ngoái.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,8%, 15,9% và 12,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều…

Thủy sản, lâm sản lập kỷ lục mới

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng ước đạt 7,57 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là: Trung Quốc tăng 67,9%, Hà Lan tăng 47,5%, Anh tăng 35%, Hàn Quốc tăng 29,5%, Nhật Bản tăng 22,2%, và Canada tăng 22,7%.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên ở một số vùng, dao động ở mức 26.000-28.500 đ/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán, có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đ/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tính từ đầu tháng 11/2017, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 đạt 655 triệu USD, đưa kết quả 11 đạt kim ngạch 6,87 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 42,7%, 14,1%, và 13,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (tăng 18,8%), Hàn Quốc (tăng 14,2%) và Canada (tăng 13,4%).

Nhìn chung toàn cảnh xuất khẩu ngành nông lâm ngư nghiệp, chỉ có 3 ngành hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, tiêu, sắn. Xuất khẩu cà phê tháng 11 ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.289,9 USD/tấn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,3% và 12,8%.

Ngành hàng tiêu đang trong giai đoạn đi xuống về giá trị xuất khẩu, tháng 11 ước đạt 10 nghìn tấn, với giá trị đạt 46 triệu USD; đưa xuất khẩu tiêu 11 tháng lên 203 nghìn tấn và 1,06 tỷ USD; tăng 20,1% về lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm nay giảm 34,6% so với năm trước. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt là 19,4%, 6,8%, và 5,8%.

Nguồn: vneconomy.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Độc nhất mô hình nuôi lợn ăn tảo xoắn, nghe nhạc sô-panh

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Những con lợn biết… cười

“Trong sinh hoạt, những gì tôi được hưởng thì đám lợn cũng xứng đáng được hưởng theo”. Đó chính là tâm sự của người đấu tranh cho quyền lợi của con lợn nhằm hướng cho chúng đến một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn…

Nuôi lợn để… diệt ốc bươu vàng

Mấy hôm rồi anh Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) thấy toàn thân đau nhức quá nên mới tìm đến một trung tâm vật lý trị liệu có tiếng ở Thủ đô để chữa chạy. Vừa bước qua cánh cửa thì một bản nhạc không lời của Chopin (Sô-panh) cất lên réo rắt làm cho anh chợt bật cười.

Trước vẻ mặt ngơ ngác của mấy cô nhân viên, anh liền vội giải thích kẻo họ hiểu nhầm: “Tôi thấy mình được đối xử giống hệt như lũ lợn ở trang trại của anh bạn các cô ạ! Chúng cũng được thường xuyên nghe nhạc cổ điển để chống stress và uống tảo biển hàng ngày để bảo vệ sức khỏe…”.

Anh Quang đang cho lợn ăn

Anh bạn có trang trại lợn đặc biệt ấy là Nguyễn Thanh Quang ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Vốn xuất thân từ dân cơ khí, hoàn toàn ngoại đạo về nông nghiệp nên anh chỉ bật ra ý tưởng nuôi lợn trong một dịp tình cờ trò chuyện với người bạn vong niên là GS Nguyễn Lân Dũng. Ông Dũng khi đó kể cho anh nghe nỗi trăn trở về chuyện con ốc bươu vàng một thời từng được lầm lỡ tuyên truyền, lầm lỡ đưa vào chăn nuôi để rồi sau đó gây đại họa cho những cánh đồng.

Chúng tàn phá đủ loại cây trồng đặc biệt là lúa nhưng rất khó diệt trừ. Ốc vàng tràn lan đến nỗi giờ ở nhiều vùng quê, người dân thay vì ví von “nhiều như lợn con” bằng ví von “nhiều như ốc bươu vàng”. “Chỉ còn mỗi cách là thử dùng ốc bươu vàng để chế biến thức ăn cho lợn thì may ra mới có thể ngăn cản được tốc độ lây lan của chúng”.

Ý tưởng nảy ra trong đầu anh Quang. Ngay lập tức 4 chuyên gia về chăn nuôi, chuồng trại, thức ăn gia súc được ông Dũng vời về giúp. Họ “quần nhau” đúng 1 ngày thì anh vác 700 triệu đồng đi lập trại nuôi thử nghiệm 100 con lợn với thức ăn là ốc bươu vàng.

Thường thì thức ăn của lợn phần thô gồm có ngô, cám gạo, phần tinh có bột cá, bột huyết nhưng nay anh Quang thay phần tinh ấy bằng đạm của động vật ngoại lai: ốc bươu vàng. Đang từ chỗ phải mất công đổ bỏ, ốc bươu vàng kìn kìn được chở về để bán cho trại của anh với giá 5.000 đồng/kg.

Ốc sau khi đập dập được đem vào lò bánh mì sấy rồi nghiền nhỏ ra thành bột để phối trộn với cám, ngô làm thức ăn cho lợn. Lứa đầu tiên thất bại gần như hoàn toàn. Lợn phát triển rất chậm đã đành mà lông còn xù lên như nhím, bì dầy cứng tựa áo giáp khiến cho cánh thợ ba toa phải kêu giời, kêu đất: “Lợn của bác da chẳng kém gì lợn rừng, chỉ cắm thêm hai cái lông nữa là xong, khó thịt quá”. Cũng còn một chút an ủi là thịt của chúng khá ngon và thơm.

Lại phải nghiên cứu để thay đổi công thức thức ăn bằng cách tăng tỷ lệ ruột ốc, loại bớt vỏ, bổ sung thêm giun quế để khắc phục tình trạng thừa can xi mà lại thiếu đạm. Như người dò đá bên dưới để vượt sông, anh Quang chia bầy lợn ra thành 5 đàn nhỏ với 5 khẩu phần ăn khác nhau rồi theo dõi sự sinh trưởng cũng như chất lượng thịt. Hễ đàn nào kém là loại bỏ.

Lợn nuôi kiểu này sau 6 tháng mới xuất chuồng được thay vì chỉ 4 tháng theo kiểu nuôi công nghiệp nhưng chất lượng thịt thơm ngon và an toàn hơn hẳn nên giá bán thịt hơi bao giờ cũng hơn khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Những con lợn hạnh phúc

Tuy là dân cơ khí nhưng anh Quang lại rất mê âm nhạc cổ điển mà nhất là Chopin. Âm nhạc xoa dịu đi những ồn ào, vất vả, mưu toan của cuộc sống hiện đại. Người đã có tác dụng, lợn chắc cũng thế. Vậy là anh thử nghiệm cho chúng nghe nhạc cổ điển hàng ngày và quả thực cũng thấy chúng cũng ngoan hơn, bớt cục tính hơn.

Tình cờ một lần anh đi tham quan cơ sở sản xuất tảo xoắn – một sản phẩm đặc biệt với hàm lượng protein từ 56 – 77%, hàm lượng vitamin, khoáng chất cao và có tới khoảng 20 loại axit amin các loại. Bởi thế tảo xoắn là loại thực phẩm chức năng có công dụng chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt cho con người và có giá bán rất đắt. Hàng sản xuất trong nước 1 vỉ 10 viên cũng 150.000 đồng hay bán theo kg cũng là tiền triệu.

Tò mò quá nên anh Quang liền mua mấy vỉ để dùng thử. Chỉ trong vài tháng uống là anh có thể cảm nhận được cơ thể thay đổi rõ rệt, bệnh tật vặt vãnh liền bị thoái lui nên mới quyết định mua luôn để về bồi bổ cho… lợn.

Anh Quang giới thiệu về cách cho lợn ăn tảo xoắn

Cứ mỗi ngày người uống 2 viên thì lợn uống 1 viên. Lúc đầu thử nghiệm cho lợn ăn tảo biển trong suốt quá trình nuôi 6 tháng liền nhưng giá thành đội lên thành 10 triệu/con, khó bán nên sau đó mới rút ngắn xuống chỉ ăn trong khoảng 2 tháng đầu tiên.

Cho ăn bình thường lợn 6 tháng xuất chuồng, cho ăn tảo biển vẫn 6 tháng xuất chuồng một lần, chất lượng thịt cũng ít có sự thay đổi đáng kể tuy nhiên khả năng đề kháng của chúng lại gia tăng đáng kể. Lợn con vừa rời vú mẹ thường hay ốm yếu nhưng kể từ khi được uống tảo biển thì không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh nữa.

Nói về chuyện kháng sinh, có lần một công nhân trong trại có đàn lợn đã thau tháu 50 – 60 kg/con nhưng vì điều kiện không thể nuôi thêm được mới nằn nì anh Quang mua giúp. Nuôi thêm 3 tháng nữa theo mô hình thức ăn sạch, không dùng thuốc kháng sinh nhưng đến khi xuất chuồng xét nghiệm thịt vẫn dính dư lượng, làm cho anh cạch đến tận giờ, chỉ dám nhập lợn giống 7 – 8kg về nuôi đến khi xuất bán.

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Nếu nuôi lợn kiểu công nghiệp 1,3 con/m2 thì ở trại 2 m2/con để có không gian cho chúng vận động, chạy nhảy được thoải mái. Vận động chán chê, mồ hôi mồ kê đầm đìa rồi chúng sẽ được tắm ngày 2 – 3 lần đối với mùa hè, mùa thu, mùa xuân còn riêng mùa đông thì ít hơn vì lạnh.

Năng vận động nên những con lợn có thân hình rất đẹp

Lợn là loài tham ăn nhưng khá nóng tính nhất là khi thấy đối thủ lạ trong chuồng sẽ chiến đấu đến khi phân thắng bại mới thôi. Bởi thế mà khi ghép chuồng với lợn lạ anh Quang thường chọn thời điểm buổi tối, vừa thả vào cái là đổ thức ăn xuống máng ngay để chúng sao lãng đối thủ. Con nào còn có ý vừa ăn vừa hăm he dọa nạt sẽ được quẳng cho một chiếc bao tải – thứ đồ chơi mà lũ lợn rất ưa thích được hũi hũi mõm vào, được lăn lê bò toài cọ xát.

Dù thường xuyên nghịch ngợm nhảy qua chuồng để dạo chơi bên ngoài nhưng chúng cũng không bị đánh mắng mà còn được chủ xoa đầu, vuốt cổ để làm dịu đi sự căng thẳng.

Ăn thức ăn chất lượng, tắm táp suốt ngày nên vào giữa chuồng lợn mà nhiều khi còn ngỡ ngàng vì quá sạch sẽ, quá ít mùi hôi. Hiện ngoài trại của mình anh Quang còn liên kết với trại của anh Đàm Ngọc Doanh gần đó chăn nuôi tổng cộng 700 con lợn để cung cấp hàng cho hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội…

Ở nơi những con lợn được nuôi theo hướng hạnh phúc, sống sướng như con người ấy anh Quang bảo rằng nhiều lúc chẳng muốn về nội thành nữa bởi: “Không khí trong lành, đồ ăn sạch sẽ, làm việc với nông dân thật thà chất phác nên đầu óc rất thoải mái, tối về ngủ ngon hệt như… lợn vậy”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng cây so đũa lấy lá nuôi dê

Anh Đỗ Văn Tú, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bước đầu đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng bằng lá so đũa. Anh Tú nói, để nuôi đàn dê nái, dê thịt, anh đã phải trồng 200 cây so đũa để lấy lá cho dê ăn…

Cây so đũa được trồng để lấy lá cho dê ăn

Nuôi dê là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân (ND) vùng ven thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lựa chọn. Quỹ Hỗ trợ ND của Hội ND đã giúp nhiều hộ có vốn đầu tư xây dựng mô hình.

Phù hợp với nông dân ít vốn

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiện nay đang được nhiều ND trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu lựa chọn, bởi dê là loài vật dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và những hộ vốn ít.

Được Hội ND thị xã Vĩnh Châu giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê nhốt chuồng của nhiều hộ ND trên địa bàn. Theo đó, Khánh Hòa là một trong những phường có nhiều hội viên ND thành công từ mô hình này. Ông Nguyễn Văn Dễ – Chủ tịch Hội ND phường Khánh Hòa cho biết: “Mô hình nuôi dê ở địa phương được triển khai thực hiện năm 2016 từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của thị xã, với nguồn vốn ban đầu là 50 triệu đồng, chia đều cho 4 hộ vay. Thấy được việc chăn nuôi dê có hiệu quả, nhiều bà con ở phường đã làm theo. Toàn phường có 945 hội viên ND thì có tới hơn 60 hội viên nuôi dê”.

Anh Đỗ Văn Tú ở khóm Kinh Ven -1 trong những hộ được vay vốn từ Quỹ HTND đầu tư nuôi dê nhốt chuồng tâm sự: “Với số tiền 12,5 triệu đồng được vay từ Quỹ HTND, tôi mua 7 con dê giống. Chuồng dê được tôi đổ cột bê tông cố định nên bền và chắc. Do chăm sóc tốt nên đàn dê của gia đình tôi tăng nhanh số lượng, hiện nay có 13 con dê nái và dê thịt thương phẩm”.

Chặt từng cành so đũa non cho dê ăn, anh Tú phấn khởi chia sẻ thêm: “Tôi mới bán 3 con dê thịt, thương lái vào tận nhà mua với giá 90.000 đồng/kg. Nuôi dê chi phí thấp, chỉ cần nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để mua con giống, chịu khó và học hỏi thêm kinh nghiệm thì có thể có thu nhập. Hơn nữa, dê rất dễ nuôi, nguồn thức ăn rất đa dạng gồm tất cả các loại cây tạp, nhưng để cho dê bóng và đẹp thì phải cho ăn thêm lá cây so đũa. Hiện nay, tôi đang trồng trên 200 cây so đũa mới đủ nguồn thức ăn cho dê”.

Tuyên truyền để nhân rộng

Gia đình anh Thái Văn Pha cùng ở khóm Kinh Ven cũng là 1 trong những hộ bước đầu thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Từ số tiền được vay của Quỹ HTND, anh Pha mua 4 con dê giống về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước cộng thêm sự siêng năng, cần cù, đàn dê của anh Pha ngày càng phát triển.

Dẫn chúng tôi ra tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, anh Pha phấn khởi cho hay: “Nuôi dê nhốt chuồng chi phí thấp, nguồn thức ăn của dê rất dễ kiếm, chủ yếu các phế phẩm nông nghiệp. Thường thì một con dê nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lần chỉ đẻ 2 con nhưng con dê nái nhà tôi lần này đẻ được 3 con dê cái. Hiện gia đình tôi có 7 con dê cái, tôi sẽ để nhân giống mở rộng đàn”.

Cho dê ăn lá cây so đũa

Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho dê ăn để tránh dê bị đau bụng. Từ thành công bước đầu của nhiều hộ nuôi dê nhốt chuồng ở phường Khánh Hòa, Hội ND thị xã Vĩnh Châu sẽ tuyên truyền để nhân rộng ở những địa phương phù hợp, qua đó giúp ND có thêm thu nhập từ nghề chăn nuôi mới…

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Mô hình nuôi rắn ráo trâu đem lại thu nhập trăm triệu

Bắt đầu triển khai từ năm 2014, đến nay mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình chị Trần Thị Linh (thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Nuôi ý chí làm giàu nhưng lại chịu cảnh đất chật người đông của vùng quê Vĩnh Phúc, năm 1996, vợ chồng chị Trần Thị Linh (sinh năm 1965) đưa nhau vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, quyết chí khởi nghiệp trên vùng đất mới.

Không nản chí sau những lần thất bại liên tiếp trong nuôi dê, nuôi bò do nhà neo người lại không có công và thời gian chăm sóc, tháng 11/2014, gia đình chị Linh đã chọn cho mình một hướng đi mới và táo bạo: nuôi rắn ráo trâu – một loại rắn không độc, có giá trị kinh tế cao.

Chị Linh chia sẻ: Trước khi đến với mô hình này, tôi đi học hỏi ở ngoài quê Vĩnh Phúc. Ở đó, cứ 100 nhà thì có đến 95 nhà nuôi rắn ráo trâu, do đó, tôi cũng mạnh dạn nuôi giống này…

Trang trại nuôi rắn mang lại cho gia đình chị Linh thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ban đầu, gia đình chị Linh bán đàn bò và trút hết số vốn 200 triệu đồng để mua 150 con rắn giống, xây dựng chuồng trại với diện tích 50m2, chia làm 90 ô chuồng ngay trong vườn cao su của gia đình tại thôn 6.

Dù quy mô chuồng trại khá khiêm tốn nhưng các dãy chuồng được gia đình bố trí ngăn nắp, thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ. Mỗi ô chuồng được thiết kế với chiều cao 80cm, rộng 80cm, nền tráng xi măng, lót đất khô, đệm lót sinh học, xung quanh xây bằng gạch, bên trên được đậy cẩn thận, an toàn bằng lưới sắt, mỗi ô chuồng nuôi nhốt từ 4-5 con tùy vào nhóm rắn, đảm bảo không gian cho rắn sinh trưởng và phát triển.

Ngoài thiết kế chuồng trại đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật, nguồn thức ăn cho rắn cũng được gia đình chị Linh chủ động đảm bảo bằng phương pháp nuôi ếch làm thức ăn cho rắn.

Chị Linh cho biết thêm: Nuôi giống rắn này một tuần cho ăn một lần. Rắn rất ít bệnh tật, từ khi nuôi đến nay, trại rắn chưa xuất hiện bệnh tật gì, chỉ thất thoát số ít do chúng cắn nuốt nhau. Nguồn thức ăn thì trước đây tôi chịu khó đi bắt cóc, ếch, nhái cho ăn. Hai năm nay, tôi xây mấy bể nuôi ếch, cho ếch ăn bằng bắp, cám, rồi lấy ếch làm thức ăn cho rắn, như vậy là sẽ đỡ phần nhân công đi bắt ếch, nhái. Ngoài ra, tôi mua thêm 2 tủ đông lạnh khoảng 20 triệu để cho thức ăn vào, hết mùa nuôi, tôi tích góp dự trữ thêm. Mỗi năm tôi chỉ hết tầm 6-7 triệu tiền thức ăn cho rắn bố mẹ.

Hiện nay, gia đình chị Linh đang nuôi 150 con rắn, trong đó có 100 con bố mẹ từ 2 đến 3 năm tuổi, nặng 2,5 – 3kg. Với sự mạnh dạn và cách làm khoa học, chỉ sau hơn 1 năm triển khai, gia đình chị đã thu được 100 triệu đồng; trong đó có 80 triệu tiền bán trứng với giá 140 ngàn đồng/quả và 20 triệu đồng từ bán rắn đực thương phẩm.

Riêng từ đầu năm đến nay, với giá thị trường từ 1- 1,5 triệu/con, gia đình chị thu thêm được 150 triệu tiền bán rắn giống, 90 triệu tiền trứng.

Ngoài ra, da rắn được gia đình thu gom bán cho các đại lý để làm thuốc, phân của rắn cũng được gia đình chị tận dụng bón cây trồng.

Phấn khởi trước hiệu quả mà mô hình mang lại, hiện gia đình chị Linh đang ấp ủ nhiều dự định để mở rộng quy mô cũng như giúp đỡ các hộ gia đình có nhu cầu học hỏi hướng làm giàu từ rắn ráo trâu.

“Tôi cũng muốn nhân rộng mô hình cho bà con ở đây. Tôi mong các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho nhân dân phát triển trang trại này vì nó rất hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn chưa ai mạnh dạn làm trang trại nuôi động vật hoang dã như thế này…” – Chị Linh nói.

Bên cạnh nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng từ mô hình rắn, gia đình chị Trần Thị Linh còn trồng thêm 3ha cao su, trong đó, có 1.200 cây đã cạo mủ và 1ha cà phê, ước tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Gỡ bỏ 12 thủ tục sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, thủy sản

Trong phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến sẽ bãi bỏ 12 thủ tục hành chính và quy định trong lĩnh vực này.

Nhiều thủ tục về Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y sẽ được bãi bỏ

Các thủ tục và quy định này nằm rải rác trong nhóm thủ tục hành chính (TTHC) từ khi nuôi/sử dụng con giống đến phân phối, xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng số có 83 TTHC trong nhóm này. Trong đó: Lĩnh vực Chăn nuôi có 23 TTHC, lĩnh vực Thú y có 43 TTHC và lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có 17 TTHC.
Trong số 12 thủ tục xem xét bãi bỏ gồm 7 thủ tục ở lĩnh vực Chăn nuôi, 1 thủ tục trong lĩnh vực Thú y và 4 thủ tục của lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Lĩnh vực Nông lâm sản và Thủy sản dự kiến bãi bỏ 4 thủ tục

Một số thủ tục điển hình được xem xét bãi bỏ như: Cấp giấy phép nhập khẩu giống vật nuôi ngoài danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi; Kiểm tra giảm chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn; Các thủ tục về thẩm định điều kiện vệ sinh thú y (được quy định các dạng cơ sở cụ thể) do Trung ương và địa phương quản lý…

Nhiều thủ tục trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi được bãi bỏ

Ngoài 12 thủ tục đề nghị bãi bỏ trong nhóm thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ NN&PTNT đang dự kiến đơn giản hóa 49 thủ tục khác trong lĩnh vực này. Ước tính tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa TTHC nhóm này khoảng 27%, tổng chi phí tuân thủ TTHC tiết kiệm được hơn 483 tỷ đồng/năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam