Bảo vệ thủy sản mùa mưa lũ

Đối với những đối tượng nuôi trong ao , đầm, hồ ( ao nuôi vỗ cá bố mẹ, ao ương giống và ao nuôi thương phẩm )

– Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
– Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.
– Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.
– Bổ sung vitamin C vào thức ăn để giúp cá, tôm tăng sức đề kháng. Đối với tôm 1 kg Vita – C/ 500 kg thức ăn, đối với cá 2g Vita – C/1kg thức ăn
– Sau mỗi đợt mưa bão cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao; đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 – 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
Những ao nuôi đạt cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại.Đối với những ao nuôi tôm thương phẩm bà con cần chú ý theo dõi và bổ xung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng điện lưới bị cắt. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên, Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm cá chết hàng loạt.

Đối với những mô hình nuôi cá lúa

– Gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.
– Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thất thoát
– Thường xuyên kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.
– Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.( chuẩn bị thêm máy phát điện nếu có để đề phòng điện lưới bị mất )
– Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

Đối với những mô hình nuôi lồng bè trên sông và hồ nước lớn

– Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng
– Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
– Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.
– Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.
– Đối với người nuôi trồng thủy sản.Tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản.Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn…Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết: mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.

Đối với nuôi tôm nước lợ

– Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm hiện nay, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
– Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.
– Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.
– Những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi khẩn trương tận thu các sản phẩm: tôm; cua; cá, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra
– Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất
– Các vùng nuôi tôm trên cát chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi cần phải quan tâm đến việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

Đối với nuôi thủy sản trên biển

Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng bệnh cho cá nuôi mùa mưa lũ

Các dạng bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi (đặc biệt là bệnh ngoại ký sinh trùng) thường phát sinh nhiều trong mùa mưa, lũ. Lý do là trong mùa mưa, nhiệt độ môi trường nước thường xuống thấp- nhất là vào những lúc thời tiết âm u, mưa lũ kéo dài và hàm lượng chất hữu cơ thường tập trung cao trong nước do sự rửa trôi của vật chất hữu cơ xuống các ao, hầm, sông, kênh, rạch. Đây là yếu tố tạo điều kiện cho các ký sinh trùng như: Trùng bánh xe, trùng mỏ neo, trùng quả dưa, sán lá … phát sinh và phát triển trong môi trường nước.


Để phòng trị các dạng bệnh ngoại ký sinh trùng trên cá, ngư dân thường sử dụng các loại hoá chất như: Formol, thuốc tím, phèn xanh (sulphat đồng), vôi, muối..
Nhưng hiện nay, trước xu hướng hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước do các hoá chất độc hại cùng với phương châm “phòng bệnh hơn trị bệnh”, rất mong bà con nông dân thực sự quan tâm đến công tác phòng bệnh và chỉ sử dụng các loại hoá chất không làm ô nhiễm môi trường nước (vì hoá chất Formol, thuốc tím, phèn xanh độc hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, cần hạn chế sử dụng- đặc biệt là hạn chế trong mô hình nuôi cá bè và cá đăng quần, và việc sử dụng các loại hoá chất trên thường gây sốc cho cá trong quá trình sử dụng).


Hai loại hoá chất nên dùng để phòng bệnh cho cá nuôi (thường gặp nhất là các bệnh ngoại ký sinh trùng) trong mùa mưa lũ, đó là muối (NaCl) và vôi nông nghiệp (CaCO3)
+ Vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 gốc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc) với liều lượng:
– Nuôi bè và đăng quần: Vôi: 2-5 kg/túi, muối 10-20kg/túi.
– Nuôi ao hầm: Vôi: 1-2kg/túi, muội-10kg/túi
+ Liều lượng trên có thể thay đổi trong phạm vi cho phép tuỳ theo qui mô, diện tích nuôi và thể tích nước của đàn cá nuôi. Định kỳ 10-15 ngày thực hiện một lần. Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục (trong mô hình nuôi ao hầm thì mỗi ngày thay 10-15% thể tích nước ao). Đồng thời đem mẫu cá bệnh nhờ cán bộ thuỷ sản hỗ trợ trong việc chuẩn đoán bệnh cá.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực đập giập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5-10kg để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh trùng trong mùa mưa, lũ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đặc điểm sinh học của cá khế vằn

1. Đặc điểm hình thái

Thân cao, hình quả trám, dẹp hai bên, trán dốc phía trên mắt tạo thành hình rất cong. Vây lưng thứ hai có 1 tia cứng và 19 – 20 tia mềm. Gốc vây hậu môn ngắn hơn gốc vây lưng. Vây ngực hình lưỡi liềm. Đường bên phía trước cong đến mút cuối vây ngực. Phần thẳng bắt đầu từ dưới tia vây mềm 6 – 7 của vây lưng thứ hai. Cá thể trưởng thành có nhiều đốm đen trên thân.

Cá khế vằn

2. Đặc điểm phân bố

Thế giới: Vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới ấn Độ-Thái Bình Dương. Đông Phi, Hồng Hải. Nhật Bản, Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin

Việt Nam: Phân bố Khánh Hòa, vùng biển đảo Phú Quốc, Kiên Giang…

3. Đặc điểm dinh dưỡng

Cá khế vằn sử dụng hàm có thể căng ra để hút con mồi từ cát hoặc rạn san hô và ăn nhiều loại cá, giáp xác và động vật thân mềm.

4. Đặc điểm sinh trưởng

Môi trường sống là tầng nổi trên cát và đá, thường gặp nhất ở vùng biển ven bờ với độ mặn thấp: san hô, đầm phá, bãi triều, có khi hướng ra biển với độ sâu 80m. Cá có chiều dài 4cm có màu vàng với 9 sọc tối, cá càng lớn tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.

5. Đặc điểm sinh sản

Cá thành thục sinh dục có chiều dài từ 54 – 61cm ở 3 – 4 tuổi. Cá thường đẻ trứng xung quanh các rạn san hô. Mỗi cá thể đẻ trứng nhiều lần trong từng chu kì. Chúng tập hợp đẻ trứng vào ban đêm tại những thời điểm khác nhau trong năm trên toàn phạm vi của nó. Tỷ lệ giới tính cá đực và cá cái ở quần đàn 1:1.

Cá khế vằn sinh sản theo tháng có khí hậu ấm

Tổng hộ bởi Farmtech Vietnam.

Tại sao thịt cá lại có nhiều màu sắc khác nhau?

Từ màu đỏ đến màu trắng, từ màu cam cho đến màu xanh, thịt cá có thể rơi vào bất kỳ chổ nào trên thang đo màu sắc. Đằng sau sự khác nhau về màu sắc của từng loại thịt cá là gì? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết này.

Nếu bạn là người đam mê ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là các món ăn từ cá sống như sushi hay sashimi thì chắc hẳn bạn sẽ nhận ra sự phong phú về màu sắc của từng loại thịt cá khác nhau xuất hiện trong các món ăn này. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho màu sắc thịt cá khác nhau có thể từ gen cho đến các sắc tố mật. Ngoài ra, môi trường sống của cá, sự vận động và đặc điểm thức ăn của cá cũng góp phần làm cho thịt cá có nhiều màu sắc khác nhau.

Màu sắc khác nhau của thịt cá. Theo thứ tự từ trái qua phải là thịt cá ngừ vây vàng, cá hồi chinook, cá tuyết lingcod và cá bơn Thái Bình Dương .

Thịt đỏ của cá ngừ vây vàng

Cá ngừ vây vàng được xem là Michael Phelps trong thế giới loài cá bởi khả năng vận động và bơi lội cừ khôi của chúng. Chính sự vận động và bơi lội tuyệt vời của cá ngừ vây vàng làm cho thịt của chúng có màu đỏ tươi.

Thịt màu đỏ tươi của cá ngừ vây vàng

Bruce Collette, nhà động vật học thuộc Trung tâm Dịch vụ Biển Quốc gia cho biết cá ngừ vây vàng cần rất nhiều oxy để phục vụ cho khả năng bơi lội và vận động với cường độ cao của nó. Một protein gọi là myoglobin chứa oxy và hoạt động như sắc tố, chuyển màu thịt của đa số các loài cá ngừ, và các loài cá sống đại dương khác như cá mập mako và cá kiếm, thành màu đỏ hơi hồng.

“Điều đó cũng đúng đối với các động vật trên cạn: Nếu chúng hoạt động nhiều, chúng có nhiều myoglobin hơn và thịt chúng có màu đậm hơn”, Collette nói. Michaeleen Doucleff cho rằng, hoạt động của cơ quá nhiều cũng làm cho thịt cá cứng hơn và gây khó khăn trong việc vận động. Điều này giải thích vì sao phần bụng của cá ngừ vây vàng rất mềm, giúp chúng cử động cơ thể dễ dàng hơn.

Màu thịt cá ngừ càng đỏ thì càng tươi ngon, tuy nhiên cần lưu ý là một số người buôn bán thủy sản bất lương dùng khí CO để gia tăng màu đỏ của thịt cá ngừ. Phương pháp này giúp cho màu thịt cá ngừ từ hơi nâu của cá không được tươi trở thành màu đỏ tươi ngon. Việc này là bất hợp pháp ở một số quốc gia như Singapore, nhưng ở Mỹ thì không. Vì thế hãy cảnh giác với những miếng cá ngừ có màu đỏ anh đào giống như thật – thịt nó có thể không tươi như quảng cáo.

Thịt trắng của cá bơn Thái Bình Dương

Trong khi màu thịt đỏ sẫm có liên quan đến những loài cá thương xuyên vận động và bơi quãng đường xa, màu thịt quá trắng, gần như không màu của một số loài cá là dấu hiệu của những loài cá ít vận động.

Thịt màu trắng của cá bơn Thái Bình Dương

Cá bơn Thái Bình Dương có cơ thịt dày và trắng nhìn rất ngon do xuất phát từ thói quen vận động của chúng. Loài cá này thường dành hết thời gian hàng ngày bơi một cách chậm chạp hoặc nằm nghỉ dưới đáy biển – ngược lại hoàn toàn với cá ngừ.

Khi thịt cá bơn còn tươi sống, nó không thực sự trắng mà hơi bóng và gần như trong suốt. Nhưng sau khi nấu làm cho protein trong thịt đông lại, tạo ra màu thịt trắng như tuyết và cơ thịt chắc mà chúng ta thường gọi là “cá thịt trắng”. Một quá trình tương tự cũng xảy ra ở tất cả các động vật trên cạn lẫn dưới nước. Điều này giải thích tại sao thịt cá ngừ biến thành màu xám khi nấu nướng, trong khi thịt cá hồi biến thành màu hồng nhạt, và thịt bò biến thành màu nâu.

Thịt màu cam của cá hồi chinook

Thịt cá hồi chinook có màu cam hơi hồng, đó là do sự kết hợp của gen và thức ăn của chúng. Milton Love, nhà sinh vật học tại Đại học California, cho biết khi cá hồi ăn tôm krill, loại thức ăn chính của nó, các sắc tố gọi là carotenoid trong loài giáp xác này làm cho thịt cá hồi có màu cam.

Thịt màu cam của cá hồi chinook

Thế nhưng, tại sao điều này không xảy ra đối với tất cả các loài cá ăn tôm krill khác? Milton Love giải thích rằng cá hồi có chứa “gen màu” cho phép carotenoid biểu hiện trong cơ thịt của nó.

Tuy nhiên, trong số các loài cá hồi như Chinook, cá hồi king, cá hồi salmon một số cá thể thiếu “gen màu”, kết quả là đôi khi thịt của những loài cá hồi này có màu hơi xám. Những con cá hồi thịt màu xám này gọi là “vua ngà” (ivory kings) có giá bán cao hơn trên thị trường, tuy nhiên rất khó bán do người tiêu dùng thích cá hồi thịt đỏ hơn.

Thịt màu xanh của cá tuyết lingcod

Mặc dù thịt thường có tông màu trắng giống cá bơn hay cá tuyết khác, thịt cá lingcod, loài cá sống đáy ở Bờ Tây trông có vẻ như nó được nhuộm qua đêm trong khay thuốc nhuộm màu xanh.

Milton Love viết trong sách của ông rằng màu của sắc tố mật được gọi là biliverdin dường như chịu trách nhiệm trong việc chuyển hóa huyết thanh của những con cá này thành màu xanh gây kinh ngạc – nhưng làm thế nào sắc tố này đi vào cơ thịt cá, hoặc tại sao chỉ một số cá lingcod chuyển màu vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà sinh học.

Thịt màu xanh của cá tuyết lingcod

Lingcod – thành viên của họ cá xanh (greenling family), không phải là loài cá phân bố ở khu vực Bờ Tây duy nhất có màu thịt xanh. Các loài cá cùng họ khác như rock greenling và kelp greenling, thỉnh thoảng thịt của chúng có màu xanh ngọc lam.

Tom Worthington, đồng sở hữu của chợ cá Monterey ở San Francisco cho rằng thịt cá màu xanh ngọc lam có mùi vị tương tự như cá màu thịt trắng. Trong khi nấu nướng, màu xanh sẽ biến mất hoàn toàn. Những người có đủ may mắn bắt gặp một miếng philê thịt xanh có thể bị thu hút bởi sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ của nó. Worthington nói philê cá lingcod thịt xanh bán chạy hơn cá philê thịt trắng cùng loài.

Tóm lại, màu sắc của thịt cá phụ thuộc vào nhiều đặc điểm như sự vận động, loại thức ăn, sắc tố mật và cả gen di truyền.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Liều dùng và vai trò của Vitamin C trên cá

Một nghiên cứu đầu tiên từ trước đến nay về hàm lượng Vitamin C (Ascorbic acid) bổ sung vào thức ăn cá chạch bùn giúp nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hệ thống miễn dịch và hoạt tính enzyme chống oxy hóa.

Vitamin C với động vật thủy sản

Động vật thủy sản thường phải chịu sự căng thẳng từ các yếu tố vượt quá khả năng của chúng về sự chịu đựng, chẳng hạn như mật độ nuôi cao, chất lượng nước kém, nhiệt độ cao và sự xâm nhập của vi khuẩn và virus. Tất cả những yếu tố bất lợi này có thể gây ra phản ứng sốc cho cá, dẫn đến năng suất thấp.

Đối với nuôi trồng thủy sản, để giảm phản ứng căng thẳng nhiều tác đã bổ sung vào thức ăn các chất chống oxy hóa (ví dụ như vitamin C và vitamin E), probiotic, prebiotic, B-glucans và các chất kích thích miễn dịch khác, có thể giúp cá giảm sự nhạy cảm đối với những yếu tố gây căng thẳng.

Vitamin C (acid L-ascorbic, ASA) đóng một vai trò quan trọng trong các chức năng sinh lý bình thường và kích thích phản ứng miễn dịch của cá (Lim & Lovell 1978), và nó là một chất chống oxy hóa tan trong nước quan trọng. Vitamin C cũng tăng cường hiệu ứng trên hoạt tính diệt khuẩn ở huyết thanh (Ren, Koshio & Uyan 2008), hoạt động thực bào (Misra, Das & Mukherjee 2007), nồng độ kháng thể (Misra et al. 2007) và chất nhầy trong phản ứng miễn dịch (Roosta, Hajimoradloo & Ghorbani 2014).

Trong nuôi trồng thủy sản, vitamin C thường được sử dụng với mức độ cao khi bổ sung vào thức ăn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng ở liều cao của việc bổ sung vitamin C  vào thức ăn trên cá vẫn chưa được xác định chắc chắn.

Nghiên cứu liều lượng bổ sung Vitamin C vào cá chạch bùn

Cá chạch bùn (Misgurnus anguillicaudatus) là một cá sống tầng đáy phân bố rộng rãi ở Châu Á. Trong những năm gần đây, giá trị của chúng trên thị trường đã tăng lên bởi vì giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao được công nhận bởi người tiêu dùng (Wang, Hu & Wang 2010;. Gao et al 2012). Cho đến nay, không có nghiên cứu nào về nhu cầu vitamin C trên cá chạch bùn được thực hiện. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành để làm rõ những ảnh hưởng của chế độ ăn khác nhau có bổ sung vitamin C đối với về hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch từ chất nhầy, hoạt tính của enzyme chống oxy hóa và biểu hiện gen chống oxy hóa trên cá chạch bùn.

Một thử nghiệm cho ăn trong 60 ngày đã được tiến hành để xác định những ảnh hưởng của vitamin C ở chế độ ăn khác nhau về hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và khả năng chống oxy hóa của cá chạch bùn.

Sáu mức độ Vitamin C bổ sung vào thức: 0 mg/kg (VC0), 100mg/kg (VC100), 200mg/kg (VC200), 500mg/kg (VC500), 1000mg/kg (VC1000) và 5000 mg/kg (VC5000) của VC (35% acid ascorbic) với ba lần lặp lại. Kết quả cho thấy cá ăn với mức độ  VC200 cho sự tăng trưởng tối ưu và có tác dụng ngăn ngừa sự oxy hóa cao (cụ thể là hơn 207,4 mg/kg), đồng thời hệ miễn dịch của cá chạch bùn hoạt động mạnh mẽ hơn rất nhiều. Hơn nữa, liều cao của việc bổ sung VC không cho thấy bất kỳ tác động bất lợi đến hiệu suất tăng trưởng của cá chạch bùn.

Do đó, thí nghiệm của nhóm nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung từ 200 mg/kg Vitamin C là điều cần thiết để gia tăng sự tăng trưởng và miễn dịch của cá chạch bùn, mức độ này cao hơn nhiều so với hầu hết các loài cá khác, ví dụ 47,6 mg/kg đối với cá chẽm Nhật Bản – Lateolabrax japonicus (Ai, Mai, Zhang, Xu, Duan & Tân 2004), 23,8 mg/kg  cho cá đù vàng lớn – Pseudosciaena crocea (Ái, Mai, Tân, Xu, Zhang, Ma & Liufu 2006) và 35,7 mg/kg đối với cá Cirrhinus mrigala (Zehra & Khan năm 2012). Điều này có thể gợi ý rằng các chạch bùn là loài nhạy cảm hơn nhiều với các yếu tố stress so với các loài cá khác.

Lưu ý khi sử dụng Vitamin C

Mặc dù Vitamin C là một chất chống oxy hóa, nó có thể tạo điều kiện cho quá trình oxy hóa trong điều kiện nhất định (Hininger et al. 2005). Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng Vitamin C gây độc với một số loại tế bào (Bhat, Azmi, Hanif & Hadi 2006; Ullah, Khan & Zubair 2011). Thêm vào đó, Vitamin C ở mức cao sẽ ức chế mạnh mẽ của sự hấp thụ Đồng hoặc các enzym phụ thuộc vào Đồng và dễ bị ngộ độc sắt (Prasad 1978). Vì thế khi bổ sung Vitamin C vào thức ăn cá chạch bùn cần phải cân nhắc ở mức hợp lý.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ mới cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác, kết hợp lượng dư thừa các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi đọng lại ở đáy ao nuôi không được xử lý.

Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã nghiên cứu thành công giải pháp “Điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa, siêu âm và ứng dụng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản”. Nghiên cứu này đã mở ra một hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

Hướng đi mới đầy tiềm năng

Theo Tiến sỹ Lê Quang Tiến Dũng, trên thực tế có rất nhiều phương pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, xử lý nguồn bệnh trong môi trường nuôi. Nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi khi gặp phải những vấn đề trên đã phải bỏ ra chi phí lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để xử lý môi trường ao nuôi nhưng không đem lại hiệu quả cao như mong muốn.

Mặt khác, việc sử dụng tràn lan các hóa chất để khử trùng nước như Chlorine, Iodin, thuốc tím, Formaline… có thể dẫn đến những hậu quả làm suy thoái môi trường và gây ra hiện tượng nhờn thuốc của các loại vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh như: khuẩn Vibrio spp., Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus… Do đó, việc nghiên cứu tìm các biện pháp làm giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản được xem là nhiệm vụ rất cấp thiết.

Với ý tưởng tăng hiệu suất diệt khuẩn của dung dịch anolyte sau điện hóa thành các vi bọt khí bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất cao để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản, nhóm tác giả đã mở ra hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte hay còn được gọi là nước oxy hóa điện ly được kỹ sư người Nga V. Bakhir phát hiện năm 1972.

Dung dịch anolyte là một tác nhân khử trùng có nhiều tính ưu việt, hiệu quả khử trùng cao, diệt nhanh nhiều loại vi khuẩn, dễ sản xuất, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường. Các nước trên thế giới đặc biệt là Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Hàn Quốc… đã đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo thiết bị sản xuất dung dịch anolyte và ứng dụng công nghệ này trong đời sống và sản xuất như y tế, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm… Trong nước, việc nghiên cứu ứng dụng dung dịch anolyte để khử trùng trong y tế, chế biến và bảo quản nông sản đã được thực hiện từ năm 2001.

Năm 2002, dung dịch anolyte được sử dụng dung để bảo quản vải thiều, thanh long, nho… Trong chăn nuôi gà, vịt, heo, dung dịch anolyte được sử dụng để phòng ngừa các bệnh đường ruột đạt kết quả tốt. Trong những năm gần đây, dung dịch anolyte này được nghiên cứu ứng dụng để thay thế các hóa chất thường dùng trong việc xử lý, khử trùng môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

Dung dịch anolyte được điều chế bằng phương pháp điện hóa có nhiều ưu việt trong khử trùng môi trường nước. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là hiệu suất diệt khuẩn vẫn chưa tối ưu, tính ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số hạn chế. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một giải pháp có tính kế thừa và có tính mới nâng cao hiệu quả diệt khuẩn bằng phương pháp công nghệ điện hóa – siêu âm kết hợp chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch anolyte thành vi bọt khí có hiệu suất diệt khuẩn rất cao, phân hủy các chất hữu cơ và các khí độc.

Kết quả khi sử dụng dung dịch anolyte để xử lý khuẩn Vibrio spp. với nồng độ muối 5g/L, hiệu suất đạt 54,8 %; tăng nồng độ muối lên 30g/L, hiệu suất đạt 96,4 % theo tỉ lệ dung dịch anolyte: khuẩn (1:1). Điều này chứng tỏ rằng, nếu càng tăng nồng độ muối NaCL, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. càng tăng. Khi kết hợp siêu âm – điện hóa, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp được nâng cao và có thể điều chế được dung dịch vi bọt khí.

Khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm- điện hóa kết hợp khảo sát theo nồng độ muối NaCl với điện áp cố định 4V , hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ Nacl 5g/L. Với nồng độ NaCl 20g/L, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỉ lệ dung dịch vi bọt khí : khuẩn (1:1). Dung dịch vi bọt khí có khả năng phân hủy xanh methylene và xử lý khuẩn Vibrio spp. tốt hơn so với khi sử dụng dung dịch anolyte được điều chế từ bộ điện hóa.

Cần ứng dụng rộng rãi

Về hiệu quả kinh tế, bằng việc kết hợp với Trường Đại học Khoa học trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện hóa- siêu âm, Công ty Huetronics đã tiến hành triển khai chế tạo và thương mại hóa thiết bị xử lý nước sử dụng công nghệ điện hóa- siêu âm với công suất lớn, cấp nước vào ao hoặc cấp nước tuần hoàn trong suốt vụ nuôi mà không dùng bất kỳ sản phẩm diệt khuẩn truyền thống nào.

Về hiệu quả kỹ thuật, theo đánh giá của các hộ nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế, ứng dụng giải pháp thiết bị điện hóa – siêu âm xử lý nước tuần toàn tại ao nuôi giá thành thấp, quy trình sản xuất đơn giản phù hợp với các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn. Đặc biệt, dung dịch vi bọt khí có tính năng ưu việt như có khả năng xử lý khuẩn Vibrio spp đạt hiệu quả cao, không độc hại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, thân thiện với môi trường. Cụ thể, đã giảm chi phí rất lớn về xử lý nước trong quá trình nuôi, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Nâng tỷ lệ thành công các vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn cho các hộ nuôi so với trước đây.

Giáo sư Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá: Nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa kết hợp siêu âm công suất của Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng đặc biệt có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội lớn đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phát triển các loại sản phẩm công nghệ cao, giá thành thấp, mang thương hiệu Việt.

Kết quả nghiên cứu không chỉ được ứng dụng hiệu quả cho các vùng nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế mà thiết bị điện hóa – siêu âm vi bọt khí còn được tín dụng cao ở các vùng nuôi tôm trọng điểm miền Nam như Gò Công, Tiền Giang, Bạc Liêu…Với những thành quả về mặt kinh tế, kỹ thuật và xã hội, đề tài đã đoạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ toàn quốc (VIFOTEC) năm 2016 trong lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Hy vọng trong thời gian không xa, thiết bị này được ứng rộng rãi trong cả nước để mang lại hiệu quả cao cho người nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Dự đoán trước bệnh trên các loài thủy sản nuôi bằng cách phân tích mẫu DNA môi trường

Để đánh giá sự hiện diện của mầm bệnh lây lan qua môi trường nước ở ngành nuôi cá chẽm Úc, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật di truyền tiên tiến. Thành công của dự án cho thấy tiềm năng to lớn của kỹ thuật này đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản.

Giana Bastos Gomes là một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nuôi trồng thủy sản và Nghề cá nhiệt đới bền vững, thuộc Đại học James Cook, Úc. Cô đã thực hiện một dự án nhằm nghiên cứu khả năng sử dụng mẫu eDNA (environmental DNA) để phát hiện sự có mặt của các loài trùng miệng lệch (Chilodonella spp.) ở các trang trại nuôi cá chẽm nước ngọt. Các kết quả eDNA của Giana đã chỉ ra rằng có thể dự đoán được các đợt cá chết khi có nhiều kí sinh trùng lông tơ trong nước.

Chilodonella nghiêm trọng đến đâu và nó có ảnh hưởng đến các loài cá hay các vùng địa lý khác không?

Chilodonella spp. là những loài ký sinh trùng lông tơ phân bố trên toàn thế giới, lây nhiễm đến hầu hết các loài cá nước ngọt. Những ký sinh trùng này đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu đáng kể trong 10 năm qua do sự gia tăng nuôi thủy sản nước ngọt trên toàn thế giới. Việc tăng cường nuôi thâm canh của các hệ thống nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như chilodonellosis (bệnh nhiễm trùng do Chilodonella spp. gây ra).

Lấy mẫu eDNA khác như thế nào so với các thủ tục lấy mẫu truyền thống, chẳng hạn như mô bệnh học?

Sử dụng eDNA để phát hiện các mầm bệnh – chẳng hạn như vi khuẩn và ký sinh trùng – tập trung vào việc phát hiện và định lượng vật liệu di truyền mục tiêu có trong nước hoặc trầm tích, ví dụ trước khi động vật bị bệnh. Vì vậy, chúng ta có thể gọi nó là một phương pháp tiên đoán, trong khi mô bệnh học truyền thống xác định những mô bị tổn thương do bệnh gây ra khi động vật đã bị nhiễm bệnh và đang có triệu chứng của bệnh.

eDNA có được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản hoặc các ngành chăn nuôi khác?

eDNA chủ yếu được sử dụng cho các nghiên cứu về pháp y và bảo tồn. Đây là một cách tiếp cận mới đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cho mục đích thương mại, mặc dù đã được các nhà nghiên cứu sử dụng khá rộng rãi trong thời gian gần đây.

Về thời gian giữa lấy mẫu và cho kết quả?

Phụ thuộc vào khoảng cách giữa trang trại và phòng thí nghiệm. Một khi mẫu đã về phòng thí nghiệm thì chỉ mất vài ngày là có kết quả khuyếch đại vật liệu di truyền. Để một dự án nghiên cứu bắt đầu từ một mớ hỗn độn (như dự án của tôi), cần phải mất hai năm để phát triển phương pháp. Nhưng trong tương lai gần, chúng tôi muốn phát triển các thiết bị tại chỗ (tại trang trại) để thu được kết quả tối đa trong vòng hai giờ.

Trên thực tế, làm thế nào để so sánh chi phí? Và tính khả thi ra sao để đào tạo công nhân ở các trang trại nuôi cá sử dụng?

Phương pháp eDNA phải được sử dụng như một cách tiếp cận để phòng ngừa bùng phát dịch bệnh. Lý tưởng nhất là nên sử dụng kết hợp với việc phân tích các thông số về chất lượng nước. Người nuôi sẽ tiết kiệm tiền bằng cách không đợi cho đến khi vật nuôi bị bệnh để hành động. Giống như sức khỏe con người, phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản ít tốn kém hơn so với trị bệnh.

Lấy nước để thu mẫu eDNA rất đơn giản và bất cứ người nuôi nào cũng có thể làm được. Phần việc có tính kỹ thuật và phức tạp hơn thì hiện phải được làm trong phòng thí nghiệm phân tử. Nhưng trong tương lai, với việc sử dụng các thiết bị phát hiện tại chỗ, các kỹ thuật viên trong lĩnh vực này sẽ có thể thực hiện được.

Tôi cũng đang làm việc trên một thiết bị tại chỗ điểm dựa trên DNA (DNA-based point-of-care device) trong một dự án do công ty Nghiên cứu và Phát triển nghề cá (FRDC) cùng với Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc tài trợ nhằm giúp đỡ cho những người nuôi thủy sản ở các vùng hẻo lánh, xa các phòng thí nghiệm chẩn đoán.

Điều gì đã thu hút cô đến với ngành nuôi cá chẽm?

Cá chẽm (barramundi) là một loài cá mang tính biểu tượng ở Úc và đã thu hút được rất nhiều nghiên cứu, không chỉ ở nước này mà còn ở Châu Á. Từ thực tế này, cùng với mối quan hệ gần gũi mà tôi đã có được với các trang trại nuôi cá chẽm lớn ở Úc đã thôi thúc tôi tìm ra những cách giải quyết mang tính đột phá đối với các bệnh gây ra trên loài cá này.

Cô có ngạc nhiên về các kết quả nào không?

Tôi ngạc nhiên rằng kỹ thuật này đã làm việc rất tốt để phát hiện ra Chilodonella, vì nghiên cứu luôn có may rủi. Bạn có một ý tưởng khi bạn thiết kế dự án, nhưng kết quả có thể hoàn toàn khác so với những gì bạn mong đợi.

Nghiên cứu của cô đã làm sáng tỏ những điều kiện cụ thể thích hợp nào để dịch bệnh Chilodonella bùng phát?

Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh một số xu hướng liên hệ giữa lượng mưa thấp và mật độ Chilodonella cao, đặc biệt nguy hiểm đối với cá nhỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo trên các loài cá khác cũng như lấy mẫu nước và các thông số về chất lượng nước thường xuyên hơn trong tương lai sẽ là rất quan trọng để xác định được các yếu tố môi trường thích hợp cho sự bùng phát của bệnh Chilodonella.

Các kết quả nghiên cứu của cô có gợi ý điều gì cho các ngành nuôi thủy sản khác?

Ý định kết hợp với nghiên cứu này là sử dụng phương pháp eDNA và các dữ liệu về chất lượng nước từ trang trại nuôi cá nước ngọt làm một mô hình để chứng minh khái niệm này. Hiện các ngành công nghiệp nuôi trồng thuỷ sản khác có thể sử dụng được phương pháp này.

Làm thế nào mà người nuôi có thể phản ứng để giảm thiểu những tác động của mật độ ký sinh trùng cao do kỹ thuật này phát hiện ra?

Mỗi loài thủy sản và hệ thống nuôi trồng thủy sản sẽ có cách tiếp cận khác nhau, nhưng trong trường hợp nghiên cứu của chúng tôi, người nuôi có thể xem xét việc thay đổi thời gian nuôi trong năm và có thể cân nhắc để thả cá lớn hơn. Có thể có các phương pháp xử lý bằng hóa chất có hiệu quả hơn trước khi cá bị bệnh và ký sinh trùng lây lan thêm. Quan trọng hơn là eDNA có thể giúp các nhà quản lý trang trại cải tiến các quy trình an ninh sinh học và tăng cường năng lực phản ứng của họ.

Cô hoặc các nhà nghiên cứu khác có thể sử dụng các kết quả của nghiên cứu này như thế nào?

Các ứng dụng có thể của phương pháp eDNA trong nuôi trồng thuỷ sản là rất lớn. Ví dụ, liên kết giữa việc định lượng các mầm bệnh (phương pháp eDNA) trong các hệ thống nuôi trồng thuỷ sản với các cảm biến thời gian thực để kiểm tra chất lượng nước có thể là một “kẻ là thay đổi cuộc chơi” đối với người nuôi. Nó có thể nhanh chóng chứng minh xu hướng giữa sự hình thành mầm bệnh và những thay đổi lớn của oxy hoặc nhiệt độ, ví dụ như thế. Tiếp cận nhanh chóng với loại thông tin này sẽ cho phép người nuôi áp dụng các chiến lược quản lý phù hợp để giảm thiểu hoặc tránh các tổn thất về kinh tế do dịch bệnh bùng phát gây ra.

Nguồn: TheFishSite.com được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tại sao cá ngừ có thể có lượng hóa chất gấp 36 lần so với các loại khác?

Cá ngừ là loại cá có giá trị kinh tế cao thường được ngư dân đánh bắt để xuất khẩu và rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên đây là loại cá được khuyến khích không nên ăn nhiều  bởi có thể nguy hại cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego đã phát hiện ra mức độ chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu cao gấp 36 lần trong mô cơ của cá ngừ vây vàng đánh bắt ở các khu vực công nghiệp hóa của vùng Đông Bắc Thái Bình Dương và Đông Bắc Đại Tây Dương so với cá ngừ đánh bắt ở các vùng biển nguyên sơ của Tây Thái Bình Dương.

Các chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu (POPs) bao gồm thuốc trừ sâu, chất làm chậm cháy, và polyclorinated biphenyl (PCBs) – những chất được sử dụng trước đây như một chất làm mát trong các thiết bị điện và các thành phần trước khi chúng bị cấm ở Hoa Kỳ vào năm 1979. Mặc dù chúng bị hạn chế hoặc không được sử dụng, các thành phần này tồn tại trong môi trường và cuối cùng tích tụ trong các sinh vật, bao gồm các loài thủy sản và con người. POPs gây một số tác dụng bất lợi ở người, bao gồm can thiệp vào sự phòng vệ của cơ thể chống lại các chất lạ.

Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết 117 con cá ngừ trên thế giới được phân tích trong nghiên cứu này sẽ được coi là an toàn theo hướng dẫn tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, họ ghi nhận rằng 90% cá ngừ được đánh bắt ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương và hơn 60% cá ngừ đánh bắt ở Vịnh Mexico có chứa các mức độ chất ô nhiễm có thể cần đưa ra các lời khuyên về sức khoẻ cho những người tiêu dùng thường xuyên và những người có nguy cơ, bao gồm cả phụ nữ mang thai hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Các tác giả cũng tìm thấy các mức độ cụ thể của các chất ô nhiễm này được biết đến làm suy yếu hệ thống phòng vệ của cơ thể con người trong việc chống lại các hóa chất và chất độc. Nhóm các chất ô nhiễm này được gọi là các chất ức chế sự hoạt động (TICs). Đáng ngạc nhiên là TIC có trong tất cả cá ngừ với mức cao nhất được phát hiện lần nữa ở những nơi bị ô nhiễm nhiều nhất.

Nhà nghiên cứu Tiến sĩ Sascha Nicklisch của Scripps, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Đáng ngạc nhiên, chỉ có một vài loại chất ô nhiễm được phát hiện trong cá ngừ có thông tin quy định để tính toán các khuyến cáo về chế độ ăn. Một vấn đề quan trọng được nêu ra trong nghiên cứu này là làm thế nào để hướng dẫn khoa học và chính sách về các mối nguy hiểm có thể liên quan đến các hóa chất này trong các nguồn thực phẩm của chúng ta”.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối tương quan giữa lượng chất ô nhiễm và phần trăm mỡ cơ thể của cá vì các chất ô nhiễm tích tụ trong lipid. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Nicklisch đã phát hiện ra rằng mức độ các chất ô nhiễm thường liên quan chặt chẽ hơn với vị trí mà cá được đánh bắt chứ không phải là lượng chất béo trong cá. Trong khi các nhà nghiên cứu không thể thiết lập mối quan hệ rõ ràng, dữ liệu của họ cho thấy rằng hàm lượng chất béo tự nó không phải lúc nào cũng là một dự báo đầy đủ về tổng khối lượng chất ô nhiễm có trong cá.

Nghiên cứu cho thấy rằng cần phải sử dụng vị trí đánh bắt để hướng dẫn các lựa chọn của người tiêu dùng và để giúp giảm sự tiếp xúc không chủ ý của con người đối với các chất ô nhiễm này.

Nguồn: Phys.org được tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng, chữa bệnh hiệu quả cho cá nuôi với 7 loại thảo mộc

Biến động của thời tiết như rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn đã làm sức đề kháng của cá nuôi bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây ra các bệnh. Để phòng bệnh theo hướng an toàn, việc sử dụng những loại thảo mộc sẵn có trong tự nhiên sẽ giúp xử lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, giúp cá phát triển tốt.

1. Lá xoan – trị bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe


Đặc tính của cây xoan có vị đắng, cá được cọ xát thì những con trùng mỏ neo, trùng bánh xe không bám vào vây và da.

Cách phòng bệnh: Định kỳ 15 ngày ngâm lá xoan trong ao một lần với liều lượng 10 kg cành lá/100 m2 ao; hoặc 20 – 25kg lá xoan/lồng 8m3; có thể bón lót xuống ao với liều 0,3 kg/m3 trước khi thả cá vào ao ương 3 ngày.

Trị bệnh: Lấy cành lá xoan non bó thành lại đem ngâm trong ao nuôi cá đang có trùng mỏ neo, trùng bánh xe gây bệnh; cũng có thể ngâm trong bè hoặc vèo nuôi cá ở phía đầu nguồn nước với lượng 1,5 – 2,0 kg lá xoan/150 – 200 m2 ao đến khi thấy lá xoan bị mục thì vớt cành ra khỏi ao.

2. Lá đu đủ tía (lá thầu dầu) – trị bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá

Lá đu đủ tía (cây thầu dầu),có vị đắng chứa hoạt chất Ricin, dùng để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá.

Cách phòng bệnh: Định kỳ 15 ngày ngâm lá đu đủ tía trong ao một lần với liều lượng 15 kg cành lá đu đủ tía/1000 m2 ao.

Trị bệnh: Lấy lá đu đủ tía bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 2,5 – 3 kg lá/150 – 200 m2 ao. Đối với lồng nuôi cá ngâm 15 – 20 kg lá/8 – 10 m3 lồng.

3. Cây rau sam – trị bệnh viêm ruột do virus ở cá trắm cỏ

Cây rau sam có chứa beltalan ankaloit dùng chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn cho cá trắm cỏ.

Cách phòng bệnh: Định kỳ 10 ngày cho cá ăn một lần với liều lượng 1 kg rau sam/100 kg cá.

Trị bệnh: Lấy rau sam đem rửa sạch rồi thả vào khung cho cá ăn một lần/ngày, liên tục trong 5 – 7 ngày, với 1,5 – 3 kg rau/100 kg cá. Đối với cá giống, cần băm nhỏ rau rắc đều trên mặt ao, chú ý để cá thật đói rồi mới cho ăn.

4. Cây răng cưa (chó đẻ) – trị bệnh hoại tử ở cá trê


Cây chó đẻ răng cưa, là kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử ở cá trê, vòng kháng khuẩn 11 – 20 mm.

Cách sử dụng: Dùng 5 kg cây tươi, giã lấy nước rồi trộn vào 100 kg thức ăn để trị bệnh cho cá.

5. Cây nghể – trị bệnh viêm ruột, loét mang cho cá trắm cỏ, rô phi

Là loài cỏ mọc hoang dại ở nơi ẩm thấp (thường thấy ở các đầm lầy) sống quanh năm, thân cây có nhiều nhánh, lá hình lưỡi mác, có hoa đỏ mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Cây có vị cay nóng, hắc.

Cách trị bệnh: Lấy thân cây và lá băm nhỏ, nấu kỹ lấy nước, sau đó trộn với thức ăn cho cá ăn, với liều lượng 3kg thân lá nghể tươi/100kg cá giống, cho cá ăn liên tục từ 3 – 6 ngày. Cũng có thể dùng lá nghể khô xay thành bột trộn với thức ăn cho cá, 1-2kg nghể khô/100kg cá giống.

6. Cây sòi – trị bệnh thối rữa mang và trắng đầu ở cá


Cây sòi còn có tên khác là ô thụ quả, ô du, thác tử thụ. Cây sòi có nhựa, có khả năng diệt khuẩn. Dùng lá sòi để trị bệnh thoái rửa mang, tráng đầu ở cá. Lấy cành bó thành bó nhỏ cho xuống ao.

Trị bệnh: Cần bón xuống ao với nồng độ 6,0 ppm (6,0 gram cành lá sòi phơi khô/m3 nước) Thường dùng 1 kg cành lá sòi khô (hoặc 4 kg tươi) ngâm vào 20 kg vôi sống 2% trong một đêm, sau đó đun sôi 10 phút, pH trên 12 rồi bón xuống nước.

7. Cây cỏ sữa lá nhỏ – trị bệnh viêm ruột, bệnh thối rữa mang của cá do vi khuẩn

Cây cỏ sữa lá nhỏ có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng ngưng máu, trung hoà độc tố. Dùng toàn thân cây để trị bệnh viêm ruột, thoái hoá mang cá do vi khuẩn gây ra.

Trị bệnh: Dùng 50 gram cây cỏ sữa khô hoặc 200 gram cây được giã thành bột + 20 gram muối cho 10 kg trọng lượng cá ăn trong 1 ngày, ăn liên tục trong 3 ngày.

Theo báo Nghệ An, được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phương pháp mới ngăn ngừa tuyến sinh dục cá phát triển

Các nhà khoa học Hoa Kỳ mới đây đã tìm ra một phương pháp mới gây bất dục trên cá bằng cách ngăn cản sự phát triển của tế bào mầm mà không dùng kỹ thuật gây đột biến hay chuyển gen. Mở ra một triển vọng nhằm nâng cao năng suất thịt cá và an toàn cho người tiêu dùng.

Lợi ích của việc gây bất dục trên cá

Việc gây bất dục cá nuôi cung cấp cho ngành nuôi trồng thuỷ sản một số lợi ích đáng kể. Đối với nông dân, nó có thể ngăn chặn cá thành thục sinh dục sớm hơn mong muốn vì sự trưởng thành sớm sẽ làm giảm chất lượng thịt và làm cho cá dễ bị bệnh hơn.

Việc gây bất dục cũng có thể hạn chế tác động môi trường của chúng trong việc phòng ngừa các mầm bệnh, vốn thường không tối ưu trong cuộc sống ngoài tự nhiên.

Phương pháp làm bất dục cá

Trình tự của sự làm bất dục theo phương pháp mới này là: Trứng được tiếp xúc với áp suất cao hoặc nhiệt độ cao, phá vỡ chuyển động của nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào. Các trứng được xử lý sẽ giữ lại nhiều nhiễm sắc thể hơn bình thường – ba thay vì chỉ hai – làm cho động vật không có khả năng sinh sản sau này.

Biện pháp này cũng đã được sử dụng trong các hệ thống nông nghiệp trên cạn. Hầu hết các loại chuối và dưa hấu không hạt mà chúng ta ăn chẳng hạn. Cũng có thể gây bất dục cho từng cá thể – chẳng hạn như làm bất dục bằng thủ công nhưng cần có nhiều thao tác hơn – và thực sự chỉ thích hợp cho việc xử lý một số lượng nhỏ cá cùng một lúc.

Các bước của phương pháp tạo ra cá bất dục cho nuôi trồng thuỷ sản. Các hợp chất gây bất dục được điều khiển bởi ngâm tắm, phá vỡ sự phát triển của tế bào mầm ở giai đoạn rất sớm, dẫn đến sản xuất cá bất dục

Tiến sĩ Ten-Tsao Wong (Đại học Maryland, Quận Baltimore)cho biết các quy định khác nhau của các quốc gia cũng là một trở ngại đáng kể. Ngay cả khi có sự chấp thuận của chính quyền, vẫn còn một trở ngại nữa để vượt qua – đó là sự lựa chọn của người tiêu dùng, cho đến nay đã có sự phản đối đáng kể đối với cá biến đổi gen. Do đó nếu mọi việc suôn sẻ, quá trình này có thể mang lại nhiều lợi thế hơn: Nó không đòi hỏi phải có một giống cá mới biến đổi gen; Phương pháp tắm có thể dễ dàng kết hợp vào các phương pháp canh tác hiện đang được sử dụng; Và quá trình này có thể gây bất dục một số lượng lớn trứng trong một lần.

Wong, tác giả của nó được hỗ trợ bởi Chương trình Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản  Hoa Kỳ và Chương trình Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản NOAA, cũng đã xem xét việc phá vỡ sự phát triển tế bào mầm nguyên thủy bằng kỹ thuật ngâm chứ không phải là sự biến đổi di truyền. Ông đã phát triển một bồn tắm đặc biệt bao gồm một phân tử tổng hợp được thiết kế để phá vỡ biểu hiện gen, và một chất mang để đưa phân tử vào trứng. Việc xử lý ngăn ngừa tuyến sinh dục phát triển tạo ra cá bất dục. Wong hy vọng rằng trong vài năm tới, ông sẽ có thể đánh giá hiệu quả của cá được xử lý bằng phương pháp ngâm và so sánh chúng với cá tam bội.

Sự khác biệt giữa cá tam bội và cá lưỡng bội

Cá hồi Đại Tây Dương cá Triploid (tam bội) có nhu cầu về phốt pho cao hơn cá nheo – đặc biệt là những con non và trải qua sự tăng trưởng nhanh. Nghiên cứu của Tiến sĩ Per Gunnar Fjelldal (Viện Nghiên cứu Hàng hải, Na Uy) đã cho thấy rằng nếu không có đủ phốt pho – cá thậm chí cũng có thể tử vong. Điều này có nghĩa là triploid (3n) không nên chỉ đơn giản được cho ăn cùng một chế độ ăn như các đối tượng lưỡng bội (2n), như thường xảy ra. Chính xác bao nhiêu phốt-pho nên được thêm vào chế độ ăn của chúng để thực hiện tối ưu là một vấn đề cần điều tra nghiên cứu.

Cũng đã có kết luận rõ ràng rằng cá hồi tam bội nhạy cảm hơn với nhiệt độ và sự giảm ôxy (oxy thấp) hơn cá lưỡng bội bình thường. Theo Tiến sĩ Florian Sambraus (Viện Nghiên cứu Hàng hải, Nauy), có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, lượng thức ăn ăn được và tỷ lệ tử vong. Trong các thí nghiệm của mình, cá tam bội cho thấy lượng thức ăn ăn được cao hơn đáng kể so với cá lưỡng bội khi nhiệt độ trong khoảng từ 3° C đến 9°C, với lượng ăn vào đạt đến đỉnh điểm ở 12°C. Nguồn cung cấp thức ăn của lưỡng bội, đạt đỉnh điểm lúc 15°C, chỉ vượt qua cá tam bội một khi nhiệt độ vượt quá 12°C.

Khi họ xử lý cho các điều kiện thiếu oxy, cá triploid (3n) thực sự phải rất khó khăn: lượng thức ăn ăn vào giảm và ở nhiệt độ 18°C đã trở thành một vấn đề khó khăn đáng kể đối với chúng. Nghiên cứu cung cấp lời khuyên cho các nhà nuôi trồng thuỷ sản cá hồi: Chỉ nên nuôi cá hồi ta bội ở những nơi có tình trạng giảm ôxy hiếm khi xảy ra – và ở những nơi nhiệt độ nước không cao hơn 15°C. Nếu điều kiện thay đổi nhiều hơn nơi trang trại của bạn, cá lưỡng bội có thể là đối tượng an toàn nhất.

Kết luận: Phương pháp xử lý ngăn ngừa tuyến sinh dục phát triển để tạo ra cá bất dục bằng việc ngâm là một hứa hẹn trong tương lai bởi tốc độ tăng trưởng cũng như an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: TheFishSite được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.