Kỹ thuật sinh sản nhân tạo Cá Ba Sa và Cá Tra

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu sang nước ngoài thì các hộ nuôi trồng đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tăng trọng nhanh cho cá cũng như kỹ thuật nuôi cá tra và cá basa để tạo ra những loại cá chất lượng nhất, thịt ngon nhất. Bên cạnh đó, Việc chủ động nguồn giống cũng rất quan trọng trong quy mô nuôi cá công nghiệp.

1. Nuôi vỗ cá bố mẹ:

Cá bố mẹ chọn nuôi vỗ phải khỏe mạnh, có độ tuổi 3 tuổi trở lên (nặng 2,5-3kg). Nơi nuôi cá bố mẹ: có thể trong ao đất hoặc trong bè:

– Trong ao đất: diện tích ao ít nhất 500 mét vuông trở lên (cá tra) và 1500 mét vuông (cá basa), độ sâu từ 1,2-1,5m. Nguồn nước cấp cho ao phải sạch và chủ động cấp thoát. Ao nuôi phải được thay nước thường xuyên, có thể lợi dụng thủy triều hàng ngày để thay nước cho ao.

– Nuôi trong bè: Bè đặt trên sông nước chảy để thuận lợi cho sự thành thục của cá bố mẹ. Mật độ thả nuôi: Trong ao: 2kg/10 mét vuông (cá tra), 0,5 – 1kg/10 mét vuông (basa) Trong bè: 1kg trên mét khối (cá tra), 0,5 kg trên mét khối (basa) Có thể nuôi chung đực cái trong ao hoặc bè, tỷ lệ đực/cái là 0,7-1/1

2. Mùa vụ nuôi vỗ và thức ăn cho bố mẹ:

Mùa vụ nuôi vỗ bắt đầu từ tháng 9 – 10 hàng năm, thức ăn phải có hàm lượng đạm 30% (cá tra) và 35% (basa) trở lên. Có thể sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến thức ăn hỗn hợp cho cá bố mẹ. Các loại nguyên liệu chính là cá tạp tươi, cá khô, bột cá, ruốc, bột đậu nành, cám gạo, tấm, bột bắp, bánh dầu, rau xanh, bí, cơm, dừa v.v… Cần phối chế hợp lý các thành phần để đảm bảo đủ hàm lượng đạm trong thức ăn. Nếu hỗn hợp thức ăn là nguyên liệu cá tươi thì khẩu phần ăn cho cá 4-6% trọng lượng thân cá/ngày. Nếu là thức ăn công nghiệp dạng khô (viên) thì 1-2% mỗi ngày. Mỗi ngày cho cá ăn 1-2 lần. Thức ăn hỗn hợp chế biến cho cá bố mẹ trong bè phải có độ dẻo và dính để giảm bớt sự tan rã trong nước làm lãng phí thức ăn. Trong ao có thể để thức ăn trong sàn (nong, nia) treo cách đáy 0,2 – 0,3m.

3 Cho đẻ nhân tạo

3.1 Chọn cá bố mẹ

– Chọn cá đã nuôi vỗ thành thục có buồng trứng phát triển ở giai đoạn bốn (IV), ngoại hình cá cái bụng to, mềm, lỗ sinh dục hồng, các hạt trứng đều, màu vàng nhạt hoặc trắng nhạt, đường kính đa số 1mm trở lên (cá tra) và 1,8mm trở lên (cá basa). Cá đực có tinh dịch tốt, trắng và đặc. 2.3.2 Sử dụng kích dục tố: Các loại kích dục tố đang sử dụng phổ biến hiện nay là HCG (Human chorionic gonadotropin), LHRH a (Lutenizing hormone Releasing hormone) và não thùy thể cá (chép, mè, trê, tra …)

Kích dục tố có thể dùng đơn hoặc kết hợp nhiều loại (cho liều tiêm quyết định). Dùng phương pháp tiêm nhiều lần sơ bộ (1-4 lần) và 1 lần quyết định cho cá cái, cá đực thì tiêm 1 lần cùng với liều quyết định của cá cái.

Đối với HCG: Tiêm sơ bộ 300-1000 UI/kg cá cái Tiêm quyết định 2500-3000UI/kg cá cái

Não thùy thể cá phối hợp HCG:
+ Liều sơ bộ: 0,2 – 0,3mg não thùy/kg cá cái
+ Liều quyết định: 1500-2000 UI (HCG) + 3 -5mg não thùy
+ Hoặc 70 – 100microgam LHRHa +3 -5mg não thùy/kg cá cái

Cá đực chỉ tiêm 1 lần với lượng dùng 1/4 – 1/3 so với liều quyết định của cá cái. Ngoài ra, tuỳ theo chất lượng và độ thành thục của trứng để điều chỉnh liều lượng và phối hợp chủng loại kích dục tố cho thích hợp. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và tay nghề của người kỹ thuật

Thời gian hiệu ứng của kích dục tố sau liều tiêm quyết định từ 8-12 giờ. Khi cá rụng trứng, tiến hành vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo. Có thể khử dính trứng (sau khi thụ tinh) bằng Tanin hoặc không cần khử dính, cho trứng dính trên các giá thể làm bằng lưới nylon. Ấp trứng trong bể ấp hoặc bình weise (vây)

Ở nhiệt độ nước 28 – 30 độ C, cá bột sẽ nở sau 20 – 24 giờ (cá tra) và 28-33 giờ (basa). Cá tra sau khi nở 20 – 24 giờ, nhanh chóng chuyển cá xuống ao ương để tránh tình trạng cá ăn thịt lẫn nhau khi bắt đầu hết noãn hoàng. Đối với cá basa, nên chuyển cá bột hết noãn hoàng vào ương trong bể ximăng, cá bột basa không ăn thịt lẫn nhau như cá tra bột.

3.3 Ương cá giống:

Ao có diện tích tối thiểu 500 mét vuông trở lên, độ sâu nước 1 – 1,5m. Chuẩn bị ao theo quy trình chung ương nuôi các loài cá: tát cạn, diệt hết cá tạp, cá dữ, vét bớt bùn đáy, rải vôi bột (7-10kg/100 mét vuông đáy ao), phơi đáy 1-2 ngày, bón lót phân chuồng 10-15kg trên 100 mét vuông (phân gà, cút, heo …) hoặc 1-1,5kg (lân + urê) trên 100 mét vuông đáy ao. Sau đó đưa nước sâu 0,3 – 0,4m và thả giống trùng chỉ và trứng nước (Moina).

Thả cá bột và tiếp tục đưa nước từ từ vào ao cho đến khi đạt yêu cầu. Mật độ thả 400-500 con trên mét vuông. Các khâu trên là nhằm đảm bảo được lượng thức ăn tự nhiên cho cá ngay sau khi cá bột xuống ao, hạn chế sự ăn thịt lẫn nhau của chúng.

Sau khi thả bột, hàng ngày bổ sung tiếp tục thức ăn cho cá: cứ 10.000 cá bột dùng 200 gam đậu nành xay nhuyễn, nấu chín và 20 lòng đỏ hột vịt (luộc chín), trộn đều và rải đều khắp ao.

Sau 10 ngày, tăng lượng thức ăn thêm 50% và cho ăn dặm trùn chỉ.

Sau tuần lễ thứ 2 có thể cho ăn thức ăn chế biến bằng cá và ốc (phần thịt) xay nhuyễn trộn bột gòn.

Sau 1 tháng, cho ăn cám + bột cá (tỷ lệ 1/1) hoặc cám + cá tươi (tỷ lệ 1/2), mỗi ngày cho ăn 3-4 lần, khẩu phần ăn 5-7% trọng lượng cá.

Sau 3-4 tháng ương nuôi, cá đạt cỡ 12-15 con trên kg thì chuyển sang nuôi cá thịt. Đối với cá basa, ương cá bột trên bể ximăng với thức ăn là Moina hoặc ấu trùng Artemia, sau 1 tuần cung cấp bổ sung thêm trùn chỉ.

Sau 2 tuần chuyển cá xuống ương trong ao đất hoặc san thưa ương trong bể. Thức ăn là Moina + trùng chỉ + thức ăn chế biến (cá tươi xay nhuyễn và cám) cho đến khi 2 tháng tuổi.

Sau đó cá giống tiếp tục được ương nuôi trong bè cỡ nhỏ trong khoảng 4-5 tháng, khi cá đạt cỡ 10-15 con/ kg sẽ chuyển vào bè nuôi cá thịt. Đối với cá basa giống nhỏ thu gom từ tự nhiên, với cỡ cá 5-6g/con, sau khi mua hoặc đánh bắt về cần ương tiếp trong bè nhỏ 3-4 tháng cho đến khi đạt cỡ 80-100g/con mới đưa vào bè nuôi cá thịt.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Vài nét về Cá Ba Sa và Cá Ba Sa

Cá tra và cá basa là 2 trong số 11 loài cá thuộc họ cá tra (Pangasiidae) đã được tìm thấy ở sông Cửu Long. Trong đó có 5 loài được nuôi nhiều nhất hiện nay ở Đồng Tháp và An Giang, chủ yếu nuôi trong ao và trong bè. Tên khoa học của cá tra là Pangasianodon hypophthalmus, của cá basa là bocourti. Cả hai loài này đều thuộc giống Pangasius, họ Pangasidae, bộ Siluriformes, lớp Osteichchthyes và ngành Chordata.

Cá Tra

Cá Ba Sa

Ở Việt Nam, cá tra và cá basa có nhiều tên thương mại khác nhau. Điều này đã dẫn đến tình trạng tranh chấp về sản phẩm của hai loại cá này trên thị trường. Trước tình hình này, vào năm 2004, Hội nghị về chất lượng và thương hiệu cá tra – cá basa, do Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức, đã thống nhất, đặt tên thương mại cho cá tra là pangasius và cá basa là basa pangasius.

Đặc điểm sinh học của cá tra và basa

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và basa (Pangasius bocourti) là 2 loài cá bản địa của Việt Nam và một số nước lân cận (Lào, Campuchia và Thái Lan). Cá basa là loài được nuôi truyền thống trong bè trên sông Mêkông của Việt Nam và Campuchia trong khi đó cá tra được nuôi nhiều trong ao cầu ở đồng bằng Nam bộ Việt Nam trước đây

Phân loại: 2 loài này thuộc bộ cá nheo (Siluriformes), họ cá tra (Pangasiidae). Hiện tại đã có 11 loài thuộc họ cá tra được tìm thấy ở Việt Nam, trong đó có 5 loài là đối tượng nuôi quan trọng trong ao và bè. Cá tra và basa có thân dài, không vẩy, màu sắc đen xám, bụng hơi bạc, bụng cá basa to tròn vì có lá mỡ rất lớn (nên trước đây gọi là cá bụng), miệng rộng và có 2 đôi râu dài. Cá sông chủ yếu ở nước ngọt, chịu được nước lợ nhẹ (độ muối dưới 10 phần ngàn), chịu đựng được nước phèn có pH>4.

Cá tra có cơ quan hô hấp phụ nên có thể sống được ở những ao hồ chật hẹp, thiếu oxy, nên nuôi được mật độ rất cao.

Cá basa chỉ sống chủ yếu ở sông nước chảy và được nuôi trong bè, chịu đựng điều kiện chật hẹp, thiếu oxy kém hơn cá tra.

Cả 2 loài đều có tính ăn tạp thiên về động vật, thích ăn mồi có nguồn gốc động vật và cũng dễ dàng chuyển đổi loại thức ăn. Trong vòng đời của cá, giai đoạn cá bột hết noãn hoàng thì thích ăn mồi tươi sống, ăn các loài động vật phù du có kích thước vừa cỡ miệng. Thậm chí cá tra bột còn ăn thịt lẫn nhau trong bể ương nuôi. Khi phân tích thức ăn trong ruột của cá đánh bắt ngoài tự nhiên, thành phần thức ăn được tìm thấy như sau:

Cá tra: Nhuyễn thể: 35,4%; Cá: 31,8% ; Côn trùng: 18,2% ; Thực vật thượng đẳng: 10,7%

Cá basa: Mùn bã 63,1%; Rễ thực vật 21,1%; Giáp xác 14%; Trái cây 12,1%; Côn trùng 6,7%; Nhuyễn thể 5,4%; Cá 4,5%

Khi nuôi trong ao, cá tra có khả năng thích nghi với nhiều loại thức như mùn bã hữu cơ, cám, rau, động vật đáy, thức ăn hỗn hợp và rất thích phân cầu. Cá basa cũng dễ dàng sử dụng các loại thức ăn khác nhau như hỗn hợp tấm, cám, rau và cá vụn (nấu chín) nên thích hợp cho nuôi dưỡng trong bè.

Trong tự nhiên, cá tra có thể sống trên 20 năm, cỡ cá lớn nhất đã gặp dài 1,8m. Nuôi trong ao một năm đạt 1-1,5kg/con.

Cá basa cũng có tốc độ lớn khá nhanh, sau một năm nuôi lớn được 0,7 – 1,3kg/con. Nuôi trong bè sau 2 năm đạt tới 2,5kg/con. Trong tự nhiên đã gặp cỡ cá dài 0,5m

Trong tự nhiên, tuổi thành thục của cá tra từ 3-4 năm, cá basa từ 4-5 năm. Vào mùa thành thục (từ tháng tư trở đi) cá có tập tính bơi ngược dòng di cư tìm đến các bãi đẻ, nơi có điều kiện sinh thái phù hợp cho sự phát triển của tuyến sinh dục và đẻ trứng. Vì vậy cá không đẻ tự nhiên ở phần sông Mêkông của Việt Nam. Bãi đẻ của cá nằm ở khu vực từ địa phận tỉnh Cratie của Campuchia trở lên. Tại đây có thể bắt được những cá bố mẹ 15kg với buồng trứng đã thành thục. Tại bãi đẻ, cá bố mẹ đẻ trứng thụ tinh tự nhiên, trứng dính vào cây cỏ thủy sinh ven bờ. Sau khi nở, cá bột trôi theo dòng nước về hạ lưu đến các vùng ngập nước ở Campuchia và xuôi theo sông Mêkông về phía Việt Nam.

Tại vùng biên giới giáp Campuchia và Việt Nam, ngư dân có truyền thống vớt cá tra bột bằng các dụng cụ gọi là “đáy”. Hàng trăm triệu bột cá tra (kể cả cá thuộc họ cá tra) và các loài cá khác được vớt lên. Nhưng để thu chỉ cá tra bột, ngư dân đã ép lọc loại bỏ những loài cá khác, do đó đã giết một số lượng lớn gấp hàng chục lần số lượng cá tra bột. Hình thức này đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lợi cá tự nhiên trên sông. Hiện nay, chúng ta đã chủ động nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ nhân tạo, ương nuôi cá giống cá tra, nên đã hạn chế được nghề vớt cá bột trên sông. Cá basa cũng đã chủ động được một phần.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Cá tra giống tăng giá mạnh nông dân hối hả cho vụ mới

Hiện giá cá tra giống loại 30 – 40 con/kg, được thu mua khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Với mức giá này người nuôi có lãi trên 10.000 đồng/kg.

Cá tra đang tăng mạnh, nông dân hối hả cho mùa vụ mới

Hiện giá cá tra thương phẩm tăng mạnh với mức giá cá tra thương phẩm 28.000 – 30.000 đồng/kg, người nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp vô cùng phấn khởi chuẩn bị thả nuôi vụ mới.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.500 ha nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện theo quy định với tổng số 1.675 ao; trong đó, diện tích nuôi của các doanh nghiệp hơn 968 ha, còn lại là hộ nuôi cá thể, bình quân năng suất đạt 350 tấn/ha.

Diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận hơn 809 ha với các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Giá cá tra đang ở mức 28 – 30 nghìn đồng/kg, tăng 5 – 7 nghìn đồng/kg so với vài tháng trước, người nuôi có thể thu lợi nhuận từ 3 – 5 nghìn đồng/kg.

Tân Hồng là địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn với tổng diện tích hơn 580ha, trong đó, cá tra thương phẩm hơn 179 ha và cá tra giống hơn 236 ha… Trong 9 tháng đầu năm huyện đã thả nuôi và thu hoạch 38.029/36.000 ha, đạt 106% kế hoạch, gồm: cá tra 35.923 tấn, các loại khác 999 tấn.

Ông Phan Thanh Xuân – Phó phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng cho biết, để phát triển ngành cá tra cần làm tốt công tác sản xuất đến tiêu thụ phải đạt chuẩn có chứng nhận mới là hướng đi bền vững. Huyện đã hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi không sử dung kháng sinh, ao nuôi sạch có xử lý môi trường và phải ghi sổ tay để quản lý. Nhiều hộ đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo người nuôi có lãi.

Cá tra tăng giá mạnh nông dân phấn khởi

Thị trường cá tra giống cũng nhộn nhịp hẳn lên. Toàn huyện Hồng Ngự có 53 cơ sở sản xuất cá tra bột (giảm trên 20 cơ sở so với năm 2015), trong đó có 31 cơ sở nuôi cá bố mẹ được chuyển giao công nghệ chất lượng di truyền cao. Hàng năm cung ứng ra thị trường gần 500 triệu con giống và 10 tỷ con cá tra bột phục vụ cho các doanh nghiệp và hộ nuôi trong, ngoài tỉnh

Nguồn: Nongnghiep.vnd được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tin vui: Da cá tra được xuất khẩu sang Singapore làm… bimbim

Thay vì bán phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, da cá tra Việt Nam đã tìm đường xuất khẩu sang Singapore với giá trị cao.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May có trụ sở ở Đồng Tháp cho biết, nếu trước đây da cá tra chủ yếu bán phụ phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi thì mới đây sản phẩm của đơn vị này được doanh nghiệp ở Singapore đề nghị mua làm sản phẩm ăn liền (snack).

Da cá tra sau khi chế biến thành snack.

“Cách đây 4 tháng, nhiều khách hàng Singapore và châu Âu đề nghị chúng tôi cung cấp da cá tra đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế với giá hấp dẫn. Sau quá trình khảo sát, đối tác Singapore đã ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty”, ông Giang nói và cho hay nếu trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 – 8.000 đồng/kg thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, giá đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 -24.000 đồng/kg.

Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230gram.

Hiện mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50-60 tấn da cá. Qua năm 2018, công ty sẽ mở rộng nhà máy để nâng công suất lên cao hơn. Hiện tại lượng hàng xuất đi cung không đủ cầu. Tuy nhiên, để xuất được, da cá phải đảm bảo các chứng nhận an toàn về vệ sinh thực phẩm quốc tế, không có các dư lượng về thuốc bảo vệ thực vật, hóa học.

Da cá tra là nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giàu collagen và gelatin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà máy ở Việt Nam chưa thể tận dụng nguyên liệu này để sản xuất sản phẩm ăn liền. Để đón đầu xu hướng, ngoài xuất khẩu, sắp tới Cỏ May sẽ nghiên cứu khẩu vị, cách tẩm ướp của các nước như Singapore, Malaysia, châu Âu, Việt Nam để chế biến ra sản phẩm phù hợp và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm snack từ da cá tra đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đây, các phụ phẩm của con cá tra như da, đầu, vây, bao tử, bong bóng đa phần bán để làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa

Ông Giang cũng cho biết, để có 35 tấn phi lê cá tra thì cần có 100 tấn nguyên liệu đầu vào. Trước đây, các phụ phẩm như da, đầu, vây, bao tử, bong bóng của cá đa phần bán để làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, ngoài doanh nghiệp Cỏ May thu được giá trị cao từ da cá tra nhờ xuất khẩu, thì trong nước, mới chỉ có Vĩnh Hoàn xây nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra với công suất 2.000 tấn một năm. Kết thúc quý I/2017, doanh thu từ collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn đạt 700.000 USD. Doanh thu năm ngoái của mảng này khoảng 1 triệu USD và kỳ vọng sẽ tăng lên 5 triệu USD năm nay.

Cỏ May ra đời năm 1986 với việc sản xuất xà bông, nhưng đến năm 1990 vì gặp khó nên ngừng sản xuất mặt hàng này và chuyển sang kinh doanh lương thực. Ngoài sản xuất gạo cho thị trường trong nước và Singapore, công ty còn trồng nấm, chế biến cá tra…

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giải bài toán giống cá tra

Dù giá trị XK đã đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các sản phẩm thủy sản XK chủ lực của Việt Nam, nhưng ngành hàng cá tra vẫn luôn ở trong tình trạng khi thiếu, lúc thừa cá tra nguyên liệu, gây khó khăn lớn cho hoạt động XK.

Để giải quyết vấn đề này, ổn định sản xuất cá tra nguyên liệu đang là vấn đề cấp thiết, nhất là giải quyết bài toán giống.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL hiện vẫn đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, không mấy người nuôi cá tra được hưởng lợi từ mức giá này, bởi không còn cá mà bán.

Theo ông Nguyễn Văn Đời, một chủ trại cá tra lớn, với diện tích 10ha ở cù lao Tân Phong (Tiền Giang), phần lớn các ao nuôi cá tra ở cù lao này đã thu hoạch và bán hết khi cá tra nguyên liệu ở mức giá 24.000 – 25.000 đ/kg. Hiện dưới ao chỉ có cá mới thả nuôi chưa lâu. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, GĐ HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang), cho biết, hầu hết các ao nuôi ở đây cũng không còn cá để thu hoạch.

Điều đáng nói là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá tra nguyên liệu trong năm 2017 đã được nhiều DN cảnh báo từ năm ngoái, nhưng vẫn cứ xảy ra. Nguyên nhân trước hết là do trong 3 năm từ 2014 – 2016, giá cá tra nguyên liệu thường ở mức thấp, khiến nhiều người nuôi bị thua lỗ, phải treo ao hay chuyển nghề nuôi khác. Bên cạnh đó, là việc mất mùa cá tra giống cuối năm 2016 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thả nuôi cá tra của nhiều trang trại trong năm nay.

Mặt khác, chất lượng cá tra giống cũng đang khiến cho nhiều DN, trang trại không yên tâm thả nuôi. Theo báo cáo của TS Dương Nhựt Long (Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ), tại Lễ tổng kết Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam, tỷ lệ sống của cá tra trong quá trình ương giống rất thấp, hiện chỉ từ 6 – 10%. Sau khi thả giống, tỷ lệ cá chết khá cao, từ 10 – 30%, tỷ lệ sống của cá tra nuôi thịt hiện mới chỉ đạt 69 – 80%.

Chính vì vậy, để ổn định nghề nuôi cá tra, việc nâng cao chất lượng con giống đang được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Một thông tin đáng chú ý là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang”.

Cụ thể: cấp 1 gồm các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, trường ĐH và DN có đủ điều kiện cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt để chuyển giao cho đơn vị cấp 2; cấp 2 gồm Trung tâm giống thủy sản An Giang, trung tâm giống thủy sản cấp 1 của các tỉnh, các DN có cơ sở sản xuất giống, các trại giống liên kết sản xuất, cung cấp cá tra bột; cấp 3 là các cơ sở ương dưỡng từ cá bột lên cá hương giống. Mục tiêu là đến năm 2020, diện tích tham gia chuỗi liên kết đạt 1.000ha, chiếm 50% diện tích ương giống cá tra khu vực ĐBSCL; cung cấp cho toàn vùng khoảng 50% con giống (tương đương 1,75 tỉ con giống); đến năm 2025 cung cấp 70% con giống (tương đương khoảng 2,8 tỉ con giống).

Điều đáng chú ý của Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp là đã thu hút được sự tham gia của các DN. Chẳng hạn, Tập đoàn Việt – Úc đã quyết định đầu tư vùng sản xuất cá tra giống chất lượng cao với diện tích 100ha ở thị xã Tân Châu (An Giang).

Bộ NN-PTNT cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của DN trong hệ thống sản xuất giống cá tra, nhất là những DN đã khẳng định được năng lực trong nghiên cứu, chọn tạo giống thủy sản. Mới đây, tại Lễ công bố Chương trình tôm giống bố mẹ của tập đoàn Việt – Úc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, sau khi biểu dương những thành công của Tập đoàn Việt – Úc trong việc chọn tạo tôm giống bố mẹ, đã đề nghị tập đoàn này tận dụng kinh nghiệm sẵn có, phát triển nghiên cứu chọn giống sang các đối tượng nuôi quan trọng, trong đó có cá tra.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong 10 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt gần 1,48 tỷ USD. Trong mấy tháng cuối năm đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ một số thị trường nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN… Tuy nhiên, do cá tra nguyên liệu bị thiếu hụt nặng nề, kế hoạch XK cuối năm của nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá dứa trên nền ao nuôi tôm nước lợ

Cá dứa (Pangasius kunyit) là loài cá nhiệt đới có thịt chắc thơm ngọt, ít mỡ nên được thị trường khá ưa chuộng. Hiện nay cá dứa đã được cho sinh sản nhân tạo, có khả năng nuôi thích nghi trong điều kiện nước ngọt và nước lợ, ăn tạp, dễ nuôi, ít dịch bệnh, vốn đầu tư thấp nên được xem là đối tượng nuôi phù hợp với hộ gia đình.

Cá Dứa (còn gọi là cá Tra bần), có tên khoa học là Pangasius kunyit, thuộc họ cá Tra 

Với mục đích ban đầu giúp cải tạo, thay đổi môi trường ao nuôi tôm và đa dạng đối tượng nuôi thủy sản tại khu sản xuất của Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trung tâm Tập huấn), cuối năm 2016, đơn vị đã nuôi thử nghiệm cá dứa. Số lượng thả nuôi là 1.500 con trên diện tích 1.000 m2 ao nuôi, cỡ giống ± 3 cm/con với mật độ nuôi 1,5 con/m2. Mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp (loại sử dụng cho cá basa, cá tra).

Sau thời gian nuôi 09 tháng, thu hoạch cá nuôi đạt trọng lượng từ 0,8 kg đến 1,2 kg/con, cho thu hoạch trên 1,2 tấn cá thương phẩm, năng suất trên 12 tấn/ha, bán với giá 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng/1000m2 ao nuôi. Để thực hiện mô hình thành công, cần lưu ý một số khâu kỹ thuật như sau:

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi cần cải tạo, vét bùn, bón vôi, phơi đáy ao. Diện tích thích hợp 1.000 – 2.000 m2, ao quá lớn hoặc quá nhỏ đều không thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch cá thương phẩm; duy trì mức nước 1,4 m -1,6m. Sau khi cấp nước vào ao cần xử lý gây màu nước cho ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, phân vi sinh… đến khi nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nhạt thì tiến hành thả cá. Kiểm tra một số yếu tố môi trường như: độ mặn 10 – 15‰, pH 6 – 8,…

Chọn thả cá giống

Lựa chọn cá dứa giống có nguồn gốc rõ ràng từ tỉnh An Giang hoặc Tiền Giang với kích cỡ 3 – 5 cm/con. Trong quá trình vận chuyển nên cẩn thận để tránh làm xây xát ảnh hưởng đến sức khỏe cá giống. Thuần hóa độ mặn trước khi thả giống. Nên thả giống vào lúc mát trời (sáng sớm hoặc chiều tối) với mật độ 1 – 2 con/m2.

Chăm sóc, quản lý ao nuôi

Cá dứa chịu đựng kém trong môi trường nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp, nên bố trí quạt nước để đảm bảo cung cấp ôxy cho cá, nhất là vào ban đêm. Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có độ đạm từ 18 – 25%. Cần hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi, ảnh hưởng đến chất lượng nước, thông thường lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng thân. Cá dứa rất háu ăn nên khu vực cho ăn phải rộng và xa bờ để tránh tình trạng cá ăn không đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển. Bổ sung khoáng, vitamin vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng.

Thu hoạch

Khi nuôi được 8 – 9 tháng, cá đạt trọng lượng 0,8 – 1,5 kg/con thì thu hoạch. Thu cá bằng cách kéo lưới. Cá thu hoạch phải sơ chế và ướp lạnh ngay để đảm bảo chất lượng khi xuất bán.

Thu hoạch cá dứa

Trong thời gian triển khai mô hình, Trung tâm Tập huấn đã đón tiếp trên 90 lượt cán bộ khuyến nông của một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên 120 lượt bà con nông dân quanh vùng đến thăm quan, học tập, chuyển giao kỹ thuật. Từ đó giúp người dân trong khu vực có thêm một đối tượng nuôi thủy sản để lựa chọn, luân canh, chuyển đổi khi môi trường ao nuôi tôm gặp khó khăn, bất lợi như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá tăng thu nhập cao

Trong những năm gần đây mô hình nuôi ếch Thái kết hợp với nuôi cá được nhiều nông dân lựa chọn vì có hiệu quả kinh tế cao, có triển vọng phát triển bền vững.

mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá

Một trong những hộ nuôi thành công là ông Trần Văn Trí sinh năm 1959 ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nhờ vào sự chia sẻ, hướng dẫn tận tình của ông Nguyễn Văn Lũy ở ấp 1 xã Mỹ Thành Bắc (một người nuôi thành công trước đó), ông quyết định chuyển 2.500 m2 ao nuôi cá tra không hiệu quả sang nuôi ếch. Hiện ông nuôi 15 vèo, mỗi vèo thả 3.000 ếch giống. Ếch giống mua ở huyện Cái Bè, 600 – 1.300 đồng/con (tùy thời điểm). Vèo có diện tích 12m2 làm từ lưới Thái, phần đáy được phủ tấm nhựa để trữ nước. Bên ngoài vèo, ông thả nuôi kết hợp 4.000 cá tra và 1.000 cá trê.

Đối với ếch, nuôi theo kiểu gối đầu nên thu hoạch luân phiên, cứ cách vài tuần là thu hoạch 3 – 4 vèo, rồi lại thả tiếp ếch giống trên vèo mới vừa thu hoạch… Thời gian nuôi 1 vụ ếch từ 2,5 – 3 tháng, đạt trọng lượng 4 – 5 con/kg. Nếu nuôi đạt đầu con, mỗi vèo ông thu hoạch được 500 – 600 kg ếch thịt. Trong vụ mới đây, ông bán ếch với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi được 30 triệu đồng (mỗi vèo lãi 2 triệu đồng). Với 1 năm 4 vụ, nuôi ếch cho lãi trên 80 triệu đồng (do giá bán từng thời điểm khác nhau). Đối với 5.000 con cá đã thả, sau thời gian nuôi 10 tháng, ông thu được 5 tấn cá thịt, lãi hơn 100 triệu đồng nữa. Như vậy, mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá đem lại thu nhập cho ông trên 180 triệu đồng trong một năm.

Ông cho biết “Nuôi ếch Thái kết hợp với nuôi cá giúp tận dụng phân và thức ăn thừa của ếch để nuôi cá, đồng thời vệ sinh ao nuôi nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra. Quan trọng là nguồn nước phải sạch, thay đổi thường xuyên và được khử khuẩn trước khi đưa vào ao. Và cần phân cỡ ếch trước khi thả và trong 2 – 3 tuần đầu để hạn chế việc ăn thịt lẫn nhau. Ông tính toán: Nếu xuất bán ếch lúc giá thấp thì chỉ cần hòa vốn cũng tốt, vì phần lãi từ cá cũng khá đáng kể.

Ông nhiệt tình chia sẽ: Do lúc đầu chưa am hiểu đặc tính sinh trưởng và kỹ thuật nuôi kết hợp ếch – cá nên ông bị thất bại mấy đợt. Nhờ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi và cộng với sự chịu khó, linh hoạt, ông đã có được sự thành công. Từ nuôi với số lượng ít, ông dần phát triển lên số lượng nhiều hơn và hiện tại ông đã có 15 vèo. Trong thời gian tới nếu có điều kiện, ông sẽ tìm học kỹ thuật cho ếch sinh sản để giảm chi phí giống, tăng thêm lợi nhuận.

Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới trong việc xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt mô hình có khả năng nhân rộng rất tốt đối với những ao nuôi cá tra bỏ trống hoặc nuôi không hiệu quả chuyển đổi sang nuôi ếch kết hợp với cá.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam