Mô hình 3 trong 1 nuôi cua đồng cá chạch đồng trong ruộng lúa

Mô hình nuôi cua đồng và chạch đồng trong ruộng lúa đã chứng minh hiệu quả tại nhiều địa phương. Bài xin đề cập một số lưu ý khi nuôi mô hình 3 trong 1 này.

Một số lưu ý khi nuôi cua đồng cá chạch đồng trong ruộng lúa. 

* Ruộng nuôi:

+ Bờ ruộng cần chắc chắn và được che chắn bằng nilon, lưới cước hoặc prô xi măng chôn sâu xuống 30 – 40 cm và cao lên 40 – 50 cm tính từ mặt bờ ruộng đồng thời hơi nghiêng vào trong ruộng một góc 45 độ để tránh khi có sấm chớp hoặc trời mưa, cua, chạch sẽ bò ra khỏi ruộng nuôi.

+ Mặt ruộng cần hơi dốc để thuận tiện cho việc thoát nước và thu hoạch.

+ Đào mương chạy xung quanh ruộng nuôi với kích thước sâu 60 – 80 cm, rộng 0,8 – 1m, cứ cách 50 – 70m đào một hố khoảng 5 – 10 m2, sâu 1m. Mục đích của đào mương để tạo chỗ trú cho cua, chạch sau khi gặt xong và thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch.

+ Trong ruộng nuôi thiết kế các ụ giả kích cỡ 50x20x30 cm để tạo chỗ cho cua đào hang và chui rúc. Ruộng nuôi nên thiết kế theo dạng hình xương cá là lý tưởng nhất.

+ Tại điểm lấy nước vào và tháo nước ra cần có lưới chắn với kích thước mắt lưới nhỏ để tránh cua, chạch thoát ra ngoài ruộng.

* Con giống:

Do nguồn giống cua và chạch đồng chủ yếu phụ thuộc vào giống tự nhiên là chính nên khi thả cần lựa chọn kích cỡ giống đồng đều để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau. Không mua con giống khi bị đánh điện hoặc xây xát, gãy càng.

* Mùa thả giống:

Thích hợp là từ tháng 4 – tháng 8 hàng năm, do giai đoạn này mưa nhiều nên dễ kiếm con giống.

* Mật độ thả:

Cua giống

Cá chạch bùn giống

Mật độ thả giống: 30 – 45 con/m2 (trong đó chạch có thể thả từ 20 – 30con/m2, cua thả 10 – 15 con/m2).

* Cho ăn:

+ Thức ăn tự nhiên của cua và chạch chủ yếu là rong tảo, giun cỡ nhỏ, động vật phù du… Thức ăn nhân tạo gồm bột ngô, cám gạo, bột sắn, bột đậu tương hoặc cá tạp xay nhỏ.
+ Lượng cho ăn: cho ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân, ngày cho ăn 2 lần. Lưu ý đối với cua khi mới thả giống nên cho nhịn đói 2 – 3 ngày sau đó mới bắt đầu cho ăn.

* Quản lý ruộng nuôi

+ Cua, chạch đều là loài sống chui rúc nên nhu cầu hàm lượng oxy không cần cao. Mực nước trong ruộng nuôi nên duy trì từ 10 – 15cm, tại mương nuôi từ 60 – 70cm. Một tuần đến nửa tháng nên tháo cạn và phơi ruộng cho xe mặt khoảng 2 – 3 ngày sau đó mới cấp nước mới vào. Mục đích giúp cua lột vỏ và phòng bệnh cho chạch không bị các mầm bệnh tấn công.

+ Định kỳ 7 đến 10 ngày dùng 1.5 – 2 kg vôi tạt cho 100m2 mương nuôi.

* Thu hoạch:

– Sau thời gian nuôi 9 – 12 tháng, chạch có thể đạt kích cỡ 100 – 150 con/kg, cua đạt 60 – 70 con/kg và có thể thu tỉa dần.

Do tập tính sống chui dúc sâu dưới bùn và đào hang là chính nên việc thu hoạch sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn các đối tượng nuôi khác.

Đối với chạch đồng: Trước khi thu hoạch cần tháo cạn ruộng nuôi cũng như mương và để từ 3 đến 4 ngày cho mặt ruộng và mương cứng lại. Sau đó sẻ một rãnh dọc ruộng hoặc sẻ theo hình xương cá. Tiếp theo bắt đầu thêm nước mới vào để cho chạch vào rạch theo nước mới từ đó ta chỉ việc tiến hành thu. Trong quá trình thu có thể dùng lưới có mắt lưới tùy theo cỡ chạch cần thu để ta lọc bỏ những con bé hoặc những con đang mang trứng để dùng làm chạch bố mẹ hoặc chạch giống cho vụ sau.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô Hình Nuôi Cá Chạch Ở Ruộng Lúa

Chạch nuôi ở ruộng n­ước là nghề phụ của nhà nông, nghề nuôi cá ruộng nếu có môi tr­ường tốt cũng đem lại hiệu quả khá cao.

Cá chạch ruộng, ngoài việc tăng thêm thư­ơng phẩm còn làm cho đất ruộng thêm tơi xốp, cá ăn các loại sâu, bọ, phân cá đ­ược phân hủy tăng độ màu mỡ cho đất ruộng, lúa tốt, thóc nhiều, năng suất tăng.

Nuôi cá ruộng “nhất cử l­ưỡng tiện” là như­ vậy.

+ Ph­ương pháp nuôi cá ruộng kết hợp với trồng lúa n­ước:

  • Với mục đích nuôi cá ở ruộng để cải tạo, nâng cao độ màu mỡ của đất, nên chọn những nơi đất có độ chua ít, chất đất không thoát n­ước, giữ đ­ược n­ước lâu làm nơi nuôi cá.
  • Sau khi tu sửa lại, đắp bờ ruộng cho vững (chống vỡ bờ) cao hơn mặt nư­ớc 30-50cm, mở ra một rãnh rộng 30-50cm, sâu 30cm, giữa ruộng, bố trí vài hố 4-6m2, sâu 30-50cm (chiếm khoảng 5% diện tích ruộng) làm nơi cho cá ăn, tránh nắng, tập trung cá cao cho dễ bắt.
  • Nếu điều kiện cho phép, tốt nhất tại bờ ruộng nên chặn thêm một miếng ván gỗ hoặc tấm chắn bằng nhựa cứng, phía d­ưới chặn bằng một gò đất cao 30cm làm cửa cho việc cấp, thoát nước (có đặt l­ới, chống cá bơi mất).
  • Th­ường, sau khi gặt xong lúa là phải hoàn chỉnh ruộng nuôi vào thời điểm giao nhau của vụ xuân hè năm sau. Khi cấy xong lúa nước, lúa xanh tốt thì tháo hết n­ước ruộng ra, phơi nắng 3-4 ngày, rải 20-25kg cám gạo với 50kg phân chuồng cho 100m2 ruộng.
  • Theo dõi thấy phân đã hoai (thối rữa hết) thì tháo n­ước vào ruộng, giữ n­ước ở độ sâu 15-30cm, thả 10-15kg cá chạch, thân dài 5cm cho 100m2 ruộng lúa.
  • Ruộng thả cá kết hợp với trồng lúa kiểu này không nên quấy nhiều, tuần đầu ch­a cần cho cá ăn thêm thức ăn.
  • Một tuần lễ sau, cứ cách 3-4 ngày, cho cá ăn thêm ít cám, mạch trộn lẫn với bột nhộng. Đem thức ăn rải đều trên mặt ruộng rồi thu nhỏ vào một chỗ. Từ đó trở đi, chỉ cho thức ăn vào một nơi cố định, tạo thói quen cá tập trung ăn, vào giờ nhất định trong ngày, tới mùa đông thu hoạch dễ bắt.
  • Đồng thời với việc cho cá ăn, cứ cách một tháng, cho thêm vào ruộng 50kg phân chuồng, cho thêm ít lân, canxi, sinh vật phù du nuôi vớt đư­ợc.
  • Cho ăn như­ bình th­ường, chủ yếu dùng thức ăn dễ kiếm, giá thành hạ, cá thích ăn nh­ư cám gạo, bã đậu, giun và thức ăn hỗn hợp, mỗi ngày một lần vào buổi sáng lúc 8-9 giờ, l­ượng thức ăn khoảng 3-5% tổng thể trọng cá đem nuôi. Tới hạ tuần tháng 11, khi trời trở lạnh, ngừng cấp thức ăn cho cá.
  • Ruộng nuôi cá kết hợp với trồng lúa kiểu này th­ường gọi là ruộng tinh dưỡng, không được dùng thuốc trừ sâu và thuốc nông nghiệp khác.
  • Cá chạch nuôi trong ruộng lúa lớn rất nhanh, có thể đánh bắt khi mùa đông tới. Cá thu hoạch th­ường có thể trọng 10g trở lên, cho 30-50kg cá chạch trong 100m2 ruộng lúa.

+ Ph­ương pháp nuôi thô (tạp):

  • Ruộng phục vụ cho ph­ương pháp nuôi thô đơn giản hơn, chỉ cần chú ý khâu không để cá bơi mất, cần làm tốt công tác bảo vệ tại ruộng.
  • Bờ ruộng nên đắp cao, vững chắc, cửa cấp thoát n­ước có vật cản, l­ới chắn.
  • Trong ruộng không đào hố cá, không thả thức ăn cho cá.
  • Khi đ­ưa n­ước vào ruộng, cấy lúa xong, mạ lên xanh tốt, giữ nư­ớc ruộng ở mức 10-20cm, thả khoảng 5kg cá giống cho 100m2 ruộng.
  • Tuy không cho thức ăn vào ruộng nh­ưng vẫn phải cho phân nuôi phù du, sinh vật làm thức ăn cho cá.
  • Qua một vụ lúa, có thể thu đư­ợc 10-15kg cá trên 100m2 ruộng

    Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá giò thương phẩm

Cá giò hay còn gọi là cá bớp (Cobia/Black King fish) phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Đây là một loài cá có giá trị kinh tế lớn, mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Trong tự nhiên cá giò sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi. Cá giò thuộc loại cá dữ, ăn thịt động vật, thức ăn tự nhiên của cá gồm cua, tôm, ốc và các loại cá con. Tốc độ sinh trưởng của cá nhanh, có thể đạt cỡ 4-6 kg sau một năm nuôi. Cá giò thành thục lần đầu tiên sau 2 năm tuổi, mùa sinh sản của cá giò ở miền Bắc từ tháng 4 – 7 hàng năm.

Do cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Vũng Tàu, Kiên Giang. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển.

Lồng nuôi

Có 2 kiểu lồng nuôi phổ biển là lồng gỗ có kích thước từ 27-216m3, thường được nuôi ở vùng kín sóng gió và lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích từ 300m3 trở lên) có khả năng nuôi được ở những vùng biển hở. Cỡ mắt lưới lồng dùng cho lồng nuôi cá thương phẩm tăng dần theo sự tăng trưởng của cá, từ 2a = 3-7cm.

Thả giống

Kích thước cá giống: Cỡ giống thả nên đạt khối lượng trung bình 30g, chiều dài 18-20 cm (70-75 ngày tuổi). Con giống phải đồng đều, khoẻ mạnh, không bệnh tật. Mật độ thả: cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, khi thu hoạch cá thịt đạt trung bình 5kg/con nên mật độ thả nuôi ban đầu cần dừng ở mức 5 – 6 con/m3.

Trong giai đoạn khi cá đạt từ 1 – 3 kg cần phân cỡ cá một số lần để đảm bảo cá lớn đồng đều. Khi cần có thể giảm bớt mật độ cá trong lồng.

Thức ăn và chế độ cho ăn

Cá tạp:

Khi sử dụng thức ăn là cá tạp cần phải dùng cá tươi. Ngày cho ăn 1 lần vào buổi sáng. Mỗi lần cho ăn đến no, khoảng 5-8% tổng khối lượng đàn cá nuôi. Hệ số thức ăn sử dụng cá tạp dao động từ 8 – 10 kg cá tạp/kg cá thịt.

Thức ăn công nghiệp:

Sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng tốt để nuôi cá Giò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cá tạp, vừa chủ động nguồn thức ăn, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có các cỡ thức ăn phù hợp theo tăng trưởng của cá: từ 2-16 mm. Cho cá ăn ngày 2 lần (sáng và chiều), khẩu phần 1.5-2% khối lượng cá/ ngày. FCR: 1,5 -1,8 kg thức ăn cho 1kg tăng trọng

Khối lượng cá ( g )      Cỡ thức ăn công nghiệp ( mm )
15 – 50                                       2
50 – 160                                     3
160 – 1000                                5.0
1000 – 1500                              7
1500 – 3000                              9
>3000                                         16

Quản lý lồng nuôi

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của cá để kịp thời xử lý. Cần định kỳ vệ sinh và thay lưới lồng 2-3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Cần định kỳ kiểm tra neo, lưới …) và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng. Hàng tháng đo mẫu để xác định tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

Thu hoạch cá

Cỡ cá thu hoạch tốt nhất từ 5-10 kg. Trong quá trình nuôi khi cá đạt cỡ thương phẩm có thể thu tỉa để bán dần và nên thu hoạch và bán hết khi có đầu ra để quay vòng chu kỳ nuôi mới.

Thị trường

Cá giò hiện được tiêu thụ ở các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu quy mô nhỏ ra nước ngoài ở dạng cá sống (Quảng Ninh, Hải Phòng) hoặc được chế biến hay đông lạnh (Khánh Hoà, Vũng Tàu).

Nguồn: VACVINA được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ương cá bống tượng giống trong vuông nuôi tôm nước lợ

Những năm gần đây, người dân một số địa phương trong tỉnh phát triển nuôi đối tượng này trong ao, ruộng lúa… đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, nghề nuôi cá bống tượng còn gặp khó khăn về con giống do nhu cầu ngày càng cao.

Cá bống nuôi trong các ao, ruộng lúa mang lại hiệu quả cao

Từ những kinh nghiệm và thực tế đã áp dụng cho các xã Tân Thành, An Xuyên, TP Cà Mau, tôi xin trao đổi với bà con nông dân về kỹ thuật “Ương cá bống tượng giống trong vuông nuôi tôm mùa nước lợ (mùa mưa)” như sau:

Tận dụng các ao nuôi cá thương phẩm có sẵn, khi cá đạt kích cỡ và thành thục thì tiến hành làm các giá thể đặt trong ao tạo chỗ để cá đẻ. Trứng cá bống tượng khi đẻ ra dính trên các giá thể có trong ao như gốc cây, cọc, thành cống… Vì thế, cần chuẩn bị giá thể để thu trứng được dễ dàng. Giá thể thường dùng là gạch, ngói được đặt cách đáy ao 20 cm và nghiêng một góc 45º để làm tổ cho cá.

Sau khi cá nở khoảng 45-60 ngày tuổi, cá lớn khoảng 3-4 cm thì tiến hành thu cá giống bằng cách đặt giá thể (bằng cành, nhánh cây khô bó lại) đặt xung quanh ao, cách mặt nước 30-50 cm cho cá bống tượng con tập trung vào.

Khi bắt, nâng các bó chà lên và dùng vợt vớt cá rồi chuyển ra vuông, tận dụng nguồn tôm, ruốc tạp trong vuông làm thức ăn để ương cá con. Nuôi cho đến khi cá đạt kích cỡ 50-100 g/con (khoảng 4-5 tháng) thì tiến hành đặt lú bắt và chuyển vào ao nuôi cá thương phẩm.

Một số bệnh thường gặp ở cá Bống Tượng

Cá Bống Tượng là một đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Để được bán được giá, người nuôi cần chú ý tới phòng bệnh cho cá, bởi nếu cá bị bệnh sẽ để lại sẹo trên người làm giảm giá trị thương mại.

1. Bệnh ký sinh trùng

– Nguyên nhân và triệu chứng:

Bệnh do các sinh vật rất nhỏ bám vào mang, da của cá để hút máu hoặc chất dinh dưỡng gây nên những vết thương, xuất huyết. Khi bị bệnh màu sắc cá trở nên nhợt nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài, thời tiết lạnh.

Trùng quả dưa gây bệnh cho cá bống tượng 

– Phòng trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung

– Cách trị: dùng formol tạt xuống ao với nồng độ 20-25ml/m3.

2. Bệnh nấm thuỷ mi

– Triệu chứng: khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều trên thân cá xuất hiện những đám bông màu trắng. Cá có cảm giác ngứa ngáy, thân cá gầy, đen sẫm. Nấm ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm bệnh nặng thêm.

– Cách phòng: áp dụng biện pháp phòng bệnh chung

– Trị bệnh Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao liều 3-5g/m3 nước, hoặc dùng dung dịch muối ăn 3% tắm cá trong 15 phút.

3. Bệnh đốm đỏ

– Nguyên nhân: do vi khuẩn Pseudomonas punotata hay Aeromonas hydrophila.

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt. Da cá màu tối, mất nhớt khô ráp. Xuất hiện các đốm đỏ trên thân. Mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi. Hậu môn sưng đỏ

– Cách phòng: áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.

– Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Neomycine 4g/100kg và Vitamine C 3g/100kg, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục từ 5-7 ngày.

4. Bệnh lở loét (Hội chứng lở loét)

– Nguyên nhân: do nhiều nguyên nhân kết hợp như siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm thuỷ mi, nấm nội Aphanomyces, giáp xác ký sinh, môi trường nước quá dơ bẩn , nhiệt độ thay đổi.

– Triệu chứng: Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn.

– Phòng và trị bệnh: áp dụng biện pháp phòng bệnh chung

– Trị bệnh: Dùng thuốc tím 3g/m3 kết hợp với muối ăn 0,3kg/m3 tạt xuống ao. Đồng thời trộn kháng sinh cho ăn liên tục từ 5-7 ngày với liều Oxytetracyline 2g/kg thức ăn, bổ sung vitamin C 3g/kg thức ăn.

5. Bệnh mất nhớt

– Nguyên nhân và triệu chứng bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát, bị sốc do đánh bắt vận chuyển hoặc do môi trường thay đổi đột ngột. Khi bị bệnh khắp da cá có một lớp nhớt dày bao phủ. Cá tách đàn, bơi lội yếu ớt. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Trên thân từng vùng bị trắng. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ là cơ hội để nấm và ngoại ký sinh phát triển. Bệnh nặng cá chết chìm xuống đáy ao.

– Phòng bệnh: Tránh các yếu tố gây sốc cho cá, định kỳ hoặc trước những cơn mưa to tạt vôi bột CaCO3 với liều 1-2kg/100m3 vào ao nuôi.

– Trị bệnh: dùng formol 25 ml/m3 nước, để diệt nấm và ngoại ký sinh, sau 24 giờ thay thay 50% lượng nước trong ao nuôi rồi dùng lặp lại thuốc với liều trên một lần nữa.

Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp:

Làm sạch môi tr­ường n­ước và ao nuôi:
– Nguồn nư­ớc lấy vào ao phải sạch.
– Ao quang đãng, xung quanh ao không có cây cối rậm rạp.
– Tr­ước khi thả cá tháo cạn n­ước, phơi đáy ao và tẩy bằng vôi bột với lượng 10 – 15 kg cho 100 m2.
– Vớt hết thức ăn thừa (nhất là cỏ, lá) trư­ớc khi cho cá ăn lần mới.

Tăng sức đề kháng cho cá:
– Chọn cá giống khoẻ mạnh, không bị xây xát, không dị hình.
– Không thả cá quá nhỏ, không nên nuôi cá với mật độ quá dày.
– Tránh làm cá bị sốc: cá giống mới mua về cần để cá có thời gian quen dần với nư­ớc ao, bằng cách té nư­ớc ao vào thùng, chậu đựng cá giống hoặc ngâm cả túi cá xuống ao 15 phút để cho nhiệt độ trong túi và nư­ớc ao cân bằng nhau, rồi thả cá ra ao.

Ngăn ngừa bệnh:
– Tr­ước khi thả cá nên tắm cho cá giống bằng n­ước muối nồng độ 2 – 3% trong 10 -15 phút.
– Không dùng phân chuồng tư­ơi để bón cho ao; phân chuồng cần ủ với vôi (4 – 5 kg vôi/100kg phân chuông) trong 20 ngày tr­ước khi sử dụng.
– Có thể bón vôi bột vào n­ước ao định kỳ mỗi tháng 2 lần (Bón 1 – 2 kg vôi cho 100m3 n­ước ao).

Chú ý: Cần kiểm tra độ chua của n­ước ao bằng giấy quỳ tím (giấy pH).
– Dùng thuốc phòng bệnh cho cá vào tr­ước mùa xuất hiện bệnh.

Nguồn: Chi cục Thủy sản Cần Thơ được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm chọn cá bống tượng giống

Trước đây người nuôi cá bống tượng thường mua cá giống ở chợ, nguồn cá này được bắt bằng hình thức cào hoặc đặt lợp, vì thế chất lượng không được đảm bảo và số lượng cũng ít, người nuôi cá bống tượng ít khi chọn được nguồn cá giống như ý muốn.

Hiện nay, ngành thủy sản đã sản xuất được cá bống tượng giống bằng phương pháp nhân tạo.

Xin giới thiệu cách chọn cá bống tượng giống, nhằm giúp bà con nông dân trong nghề nuôi cá bống tượng trong ao hoặc trong lồng bè.

Kinh nghiệm chọn đúng giống

Nếu trông bên ngoài, cá bống tượng giống với loài cá bống khác, nhất là trong thời kỳ còn nhỏ. Nhưng chúng có đặc điểm không thể lầm lẫn được trong họ nhà bống là dưới đuôi có hình chữ V màu đen.

Những con cá bống tượng có chất lượng tốt

Kinh nghiệm nhìn bề ngoài

Cần chọn những con cá có kích cỡ đều nhau. Nếu trong đàn cá có kích cỡ khác nhau, chứng tỏ không phải chúng cùng sinh ra một nguồn hoặc chế độ dinh dưỡng không đều. Nếu thả những con cá có kích thước khác nhau thì rất khó cho vấn đề chăm sóc và rất bất lợi cho cạnh tranh thức ăn trong đàn.

Trọng lượng trung bình trong đàn cá từ 50-100g/con là thích hợp nhất (không nên quá 5% số lượng cá lớn hơn hoặc nhỏ hơn trọng lượng trung bình đó).

Cá giống khi lật ngửa ra thấy vảy bụng và lưng phải đều, các tia vi còn nguyên, cá nhiều nhớt, màu lưng của cá hơi xám, da bóng, mang phùng ra thật to và các tia vi xòe ra hết cỡ, đó là con giống tốt.

Kinh nghiệm theo dõi lúc bơi

Nếu thả cá vào chậu nước sạch, chúng bơi rất nhanh, theo dõi các tia vi hoạt động đều, đó là cá giống khỏe.

Cần chú ý những con cá khi bơi lờ đờ, thỉnh thoảng chúng ngưng hoạt động tia vây hoặc nằm ngửa, có thể là cá bị cào điện hoặc bị bệnh, cần phải loại bỏ vì khi thả chúng xuống ao chúng cũng sẽ chết và lây bệnh cho cả đàn.

Ngoài ra cũng cần chú ý nhưng con cá khi thả vào chậu, chúng nhào lộn dữ dội, đây có thể là những con cá bị sán lá ký sinh.

Kinh nghiệm theo dõi những vết bệnh

Có thể lấy ngẫu nhiên 100 con trong đàn, rồi thả vào keo thủy tinh chứa nước sạch. Nhìn thật kỹ xem có nhiều con bụng dưới bị sưng đỏ không, có thể là chúng đang bị nhiễm bệnh ghẻ do vi khuẩn Aeromonasssp. Hoặc là do trùng mỏ neo (Lemea) hoặc dưới đuôi có thấy một chùm trắng giống bông gòn, có thể là do nấm thủy mi tấn công.

Trùng mỏ neo hoặc nấm thủy mi có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trung bình trong đàn không được quá 2% số con bệnh thì mới có thể chấp nhận được.

Trên đây là những yếu tố cần thiết cho cách chọn cá bống tượng giống. Cách chọn này có thể áp dụng khi phải mua giống trôi nổi cũng như nguồn cá giống trong trại. Nhưng cũng cần nhớ là uy tín nơi bán cá giống quan trọng. Bà con nông dân nên chọn những cơ sở bán cá giống có uy tín từ trước tới nay để mua cá giống.

Theo 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá bống tượng giá bán cao

Cá bống tượng (Oxyeleotris marmorata) có kích thước lớn nhất trong họ cá bống nước ngọt. Nhờ có chất lượng thịt thơm ngon và giá bán cao, cá bống tượng được xem là loài nuôi kinh tế ở Nam bộ.

Hình dáng

Cá có thân hình thoi tròn, đầu to hơn thân, miệng rộng và răng sắc nhọn. Thân cá nhiều nhớt, có nhiều màu đen và vằn nâu, màu lưng hơi xám. Vảy bụng và lưng đều, mang phồng to, các vây xòe ra hết cỡ. Cá dễ phân biệt với cá bống khác do dưới đuôi có hình chữ V màu đen.

Cá bống tượng

Tập tính sống

Cá sống ở sông rạch, ao, ruộng hoặc hồ chứa, thường đi theo cặp, có thể sống được ở pH = 5, độ mặn 0 – 15‰. Cá có thể chịu đựng được nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp (1 mg/lít). Cá thường sống ở tầng đáy, mé bờ gần mặt nước nơi có cỏ cây thủy sinh, ban ngày cá vùi mình xuống bùn hoặc ẩn trong hang hốc, bộng, ban đêm mới đi kiếm ăn. Cá có thể sống nhiều ngày không ăn, trong điều kiện chật hẹp (lu, chậu, bể nhỏ) hoặc nơi ít nước.

Sinh trưởng sinh sản

Bống tượng là loài cá dữ thích ăn mồi sống như cá, tôm, tép, cua, trùn, ấu trùng, côn trùng, thủy sinh… tươi sống và không thích ăn vật ươn thối, hoặc có thể ăn thêm thức ăn khác như cám công nghiệp và chế biến. Cá ăn mạnh về đêm và những ngày nước lớn. Cá là loài đẻ trứng dính, thành thục sau một năm tuổi, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 3 – 11, tập trung tháng 5 – 8, sức sinh sản trung bình 170.000 trứng/kg cá cái. Cá sinh sản nơi nước chảy có cây cỏ thủy sinh hay các gốc thân cây chìm ở ven bờ.

Cá nở sau 4 ngày, cá bột mới nở ăn thức ăn gồm động vật phù du cỡ nhỏ và các hạt mịn như bột, trứng, sữa, đậu nành. Từ ngày 20 trở đi, ăn trùn chỉ, sau một tháng ăn tôm, cá nhỏ. Cá lớn chậm ở giai đoạn dưới 100 g, sau đó lớn nhanh hơn. Cá đạt cỡ 3 – 4 cm sau 2 – 3 tháng ương nuôi. Cỡ cá (3 – 4 cm) phải nuôi 3 – 4 tháng mới đạt cỡ giống 100 g/con. Để nuôi lên cá thương phẩm cỡ 400 g/con trở lên phải nuôi cá giống (cỡ 100 g/con) trong ao hoặc lồng bè 5 – 8 tháng.

Hiện trạng nuôi

Cá bống tượng thương phẩm (cỡ 300 g trở lên) có thịt dày, vị ngọt, thơm, ngon, được tiêu thụ trong các nhà hàng khách sạn và phục vụ xuất khẩu. Trước đây người dân đã nuôi cá bằng nguồn giống tự nhiên như nuôi trong ao đầm ở Đồng Nai, Cà Mau và nuôi bè tại An Giang mang lại sản lượng khá. Hiện nay, hầu hết các trạm trại và cơ sở sản xuất giống đã sinh sản nhân tạo được loài cá này đáp được nhu cầu giống cho thị trường. Tuy nhiên, do thời gian ương giống dài (5 – 7 tháng) và việc đáp ứng nhu cầu thức ăn tươi sống của cá còn hạn chế nên tỷ lệ sống của cá ương nuôi lên giống (cỡ 100 g/con) vẫn còn thấp.

Hiện nay cá bống tượng vẫn được nuôi ao đất, bể hoặc lồng bè

Trong các phương pháp nuôi cá bằng thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp thì phương pháp nuôi cá bằng thức ăn tươi sống (cá bạc đầu, rô phi…) được xem là hiệu quả kinh tế, vừa giảm chi phí, ô nhiễm nước vừa nâng cao được tỷ lệ sống cá, giúp cá phát triển tốt.

Cá bống tượng tuy giá bán cao nhưng đầu tư lớn, thời gian nuôi dài, tiêu thụ trong nước chậm và việc xuất khẩu không chủ động. Do vậy khi nuôi cá người dân phải tuân theo quy hoạch, nếu tự ý mở rộng diện tích nuôi lớn, nguồn cung vượt cầu, giá bán hạ sẽ khiến người nuôi dễ bị lỗ.

Theo thuysanvietnam.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Bạc Liêu sẽ trở thành “thủ phủ” ngành tôm

Chính phủ đã quyết định thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Nuôi tôm công nghiệp ở Bạc Liêu

Theo TTXVN, ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết Bạc Liêu được Chính phủ quyết định cho thành lập “ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Đến nay, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt- Úc 315 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, ngoài 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho hơn 100 hộ nông dân áp dụng. Qua thực tế khảo sát cho thấy, mô hình này đang được lan tỏa trong cộng đồng người nuôi tôm trên địa bàn, người dân rất háo hức, phấn khởi áp dụng sản xuất.

Đặc biệt, với “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, sau hơn một năm từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, đến nay tất cả các hồ sơ, thủ tục, các điều kiện liên quan đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất, dự kiến sẽ tiến hành khởi công xây dựng trong giữa đầu Quí I năm nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan thông tấn, báo chí và các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để Bạc Liêu xây dựng và phát triển thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hướng đến “Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam” đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Đại biểu nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái cho biết: Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, lãnh đạo tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư xây dựng những cánh đồng tôm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đặc biệt, xây dựng khu sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao và phát triển mạnh mô hình thực hành thủy sản tốt có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic) với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đưa con tôm thẳng tiến “từ ao, đầm trực tiếp đến bàn ăn”.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu con tôm Bạc Liêu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, phát triển và mở rộng thêm thị trường tiềm năng như: Hong Kong, Trung Đông, Đông Âu, ASEAN, Liên minh kinh tế Á – Âu và với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nguồn: TTXVN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thị trường xuất khẩu tôm “đổi ngôi”, châu Âu mới là số 1

Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2018, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, Châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1.2018.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1.12.2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc khi nhu cầu ở thị trường này tăng mạnh.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa tết âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ châm trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Cụ thể, theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.

Trong khi đó, sản xuất tôm trong nước năm qua cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ giá tốt, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành ưu tiên. Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ trong vòng một năm qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển rất mạnh mẽ tại địa phương này, hướng tới xây dựng Bạc Liêu thành trung trâm công nghiệp tôm của cả nước.

“Chỉ với 500 – 600 triệu đồng, nông dân có thể đầu tư ao nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và lấy lại vốn sau 1 năm. Do đó, các mô hình này đang lan tỏa rất nhanh, dẫn tới lo ngại về việc khó kiểm soát ô nhiễm môi trường”, ông Trung cho biết.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Sự khác biệt màu vỏ tôm thẻ nuôi và nguyên nhân

Màu sắc là một yếu tố quan trọng xác định việc người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm đo đó nó cũng quyết định giá trị của tôm nuôi. Bài viết so sánh màu sắc vỏ tôm và nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt của vỏ tôm thẻ chân trắng.

Sự biến đổi màu sắc vỏ của tôm thẻ chân trắng nuôi.

Màu sắc của tôm phần lớn bị ảnh hưởng bởi sắc tố, thức ăn, động vật, tình trạng bệnh tật và các yếu tố môi trường. Báo cáo của các nhà khoa học phân tích sự khác biệt 2 loại màu sắc phổ biến của tôm thẻ chân trắng là tôm có màu vỏ trắng và tôm có màu nâu đỏ.

Màu vỏ bình thường của tôm thẻ chân trắng nuôi là màu trắng xanh (dưới), nhưng lại xuất hiện một vài con có vỏ màu nâu (trên)

So sánh 2 loại màu sắc vỏ tôm thẻ chân trắng

Xét về khía cạnh vật lý, ngoại trừ sự khác biệt về màu sắc, tôm thẻ có vỏ màu trắng xanh và tôm thẻ có vỏ màu nâu có đặc tính tương tự nhau.

Một nghiên cứu đã được tiến hành để xác định xem có sự khác biệt giữa tôm có vỏ trắng và tôm có vỏ nâu về màu thịt, thành phần thịt và kết cấu thịt.

Tôm được thu thập từ một trại nuôi tôm ở Andhra Pradesh, Ấn Độ được chọn ngẫu nhiên và vận chuyển ở nhiệt độ <4 °C đến phòng thí nghiệm và phân tích.

Tiến hành thí nghiệm

Phân tích màu sắc

1: Lột vỏ tôm tươi để phân tích màu sắc mỗi loại 5 con được, 2: Đem nấu chín trong vòng 5 phút mỗi loại 5 con.

Tôm có vỏ nâu sau khi được nấu chín (trái), tôm vỏ trắng xanh sau khi được nấu chín (Phải).

Một sự khác biệt quan trọng trong giá trị màu đỏ (a *) và sự khác biệt rất nhỏ trong giá trị độ nhạt (L *) và màu vàng (b *) được quan sát thấy giữa tôm thẻ trắng và tôm thẻ nâu.

Kết quả phân tích: màu đỏ (a *) cao hơn rõ rệt (P <0,05) trong tôm vỏ trắng xanh, cả vỏ tươi (7,9 ± 0,3) và vỏ nấu chín (17,9 ± 0,8), tôm thẻ vỏ nâu (4,8 ± 0.3 mẫu tươi, 14.4 ± 1.6 và mẫu nấu chín) cho thấy sự khác biệt giữa hai loại tôm thẻ chân trắng.

Các sắc tố carotenoid chính chịu trách nhiệm về màu sắc của tôm là astaxanthin tức là 3,3 dihydroxy β carotene 4,4-dione5,6. Trước khi tôm được nấu chín, astaxanthin được bao phủ bởi các chuỗi protein gọi là crustacyanin. Các chuỗi protein bao bọc lấy astaxanthin và che giấu màu đỏ hồng của astaxanthin. Hàm lượng sắc tố trong vỏ tôm luôn luôn cao hơn cơ bụng. Dựa vào kết quả, có thể kết luận rằng tôm thẻ vỏ trắng xanh có sản phẩm tôm nấu chín màu đỏ hơn so với tôm thẻ có vỏ màu nâu.

Phân tích thành phần và kết cấu thịt

Hàm lượng protein, chất béo, canxi, kali và natri, và cấu trúc tế bào của 2 loại tôm đã được phân tích.

Kết quả phân tích thành phần thịt: tôm thẻ vỏ trắng xanh có hàm lượng natri (552 mg%) và canci (264mg%) cao hơn so với tôm thẻ màu nâu (natri 331mg%, canxi 188mg%) cho thấy sự mất cân bằng chất khoáng có thể là một lý do gây nên sự khác biệt trong màu sắc vỏ tôm. Kết quả phân tích cũng cho thấy tôm thẻ vỏ trắng xanh có kết cấu thịt tốt hơn.

Nguyên nhân sự khác biệt màu sắc tôm: có thể do những con tôm nâu bị căng thẳng. Một vài yếu tố đã được biết đến làm ảnh hưởng màu sắc tôm nuôi là khi bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn hoặc môi trường nuôi độc hại. Martinez và cộng sự (2014) cho thấy màu đỏ trong tôm có thể là kết quả của việc tiếp xúc với đồng. Các kim loại như cadmium, đồng, chì và thuỷ ngân kết hợp với astaxanthin và hình thành các phức hợp mới có màu đỏ sậm hơn.

Kết luận:

Các nhà khoa học cũng đưa ra kiến nghị cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác định những yếu tố căng thẳng chịu trách nhiệm về sự khác biệt về màu vỏ của tôm nuôi.

Nguồn: Báo cáo của: B. Madhusudana Rao, P. Viji and Jesmi Debbarma được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.