Nuôi trồng thủy sản ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được ngành, các địa phương tăng cường nguồn lực để nhân rộng.

Nuôi cá lồng bè vượt lũ trên hồ thủy lợi Khe Ngang

Các đợt mưa lớn, kể cả những trận lũ cuối năm 2017 vừa qua không gây thiệt hại đến NTTS tại xã Hương Phong (TX. Hương Trà) nhờ hệ thống ao hồ nuôi tôm, cua, cá được người dân tôn cao bờ bao, chắn thêm lưới bao quanh để bảo vệ.

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong nhìn nhận, BĐKH trong những năm gần đây thể hiện rất rõ nét. Triều cường ngày càng dâng cao, mưa lũ thất thường với cường độ lớn hơn. Nhiều vụ nuôi thủy sản phải thu hoạch non, bán giá rẻ. Một số vụ không thu hoạch kịp thời bị lũ cuốn trôi. Từ 3 năm trở lại đây, ông Đấu cũng như nhiều hộ dân ở Hương Phong không còn lo lắng mỗi khi triều cường, hay nước lũ dâng cao nhờ phương án ứng phó lũ lụt là tôn cao bờ bao, vây lưới chắn quanh ao hồ cao 1-1,5m.

Ông Phan Hữu Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong đánh giá, từ khi triển khai mô hình ứng phó BĐKH, tình hình NTTS trên địa bàn xã Hương Phong khá ổn định. Các mùa bão lũ hằng năm, thủy sản được bảo vệ an toàn, nuôi đảm bảo kích cỡ mới thu hoạch bán với giá cao. Nhiều hộ lãi bình quân từ 50-100 triệu đồng/vụ. Trong các đợt lũ cuối năm 2017, ngoài các ao hồ đã thu hoạch, số còn lại đều được bảo vệ an toàn.

Tại xã Quảng Công (Quảng Điền), người dân cũng triển khai mô hình NTTS thích ứng BĐKH mang lại hiệu quả kinh tế. Bà Lê Thị Khoa ở thôn 14 có hơn 30 năm trong nghề NTTS cho hay, 5 năm trở lại đây, nhờ mô hình ứng phó BĐKH bằng cách tôn cao bờ bao, chắn lưới quanh ao hồ đã bảo vệ an toàn, có thể nuôi thủy sản quanh năm mà tránh được thiệt hại do thiên tai.

Người dân xã Quảng Công còn đào đắp hệ thống kênh mương, ao chứa nước ngọt, đầu tư thêm giếng bơm, máy bơm nước dự phòng. Khi triều cường, xâm nhập mặn, người dân kịp thời vận hành máy móc, bơm bổ sung nguồn nước ngọt sẵn có để ổn định độ mặn, độ PH trong ao nuôi.

Mô hình NTTS ứng phó BĐKH tại xã Hương Phong

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, toàn xã có khoảng 126 ha NTTS của 225 hộ nuôi các loại. Để bảo vệ sản xuất, người dân có ý tưởng vây chắn lưới quanh ao hồ, tôn cao bờ bao, ứng phó nước lũ dâng. Mô hình này phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài các biện pháp vây chắn lưới, tôn cao bờ bao, thời gian qua một số hộ nuôi đã chọn đối tượng thủy sản phù hợp, thích ứng BĐKH. Tại xã Hải Dương (TX. Hương Trà), trong khi nhiều hộ nuôi cá mú, hồng, vẩu… bị thiệt hại hoàn toàn trong các đợt lũ cuối năm 2017 thì hộ ông Phan Hạnh nuôi cá chẽm đã bảo vệ an toàn, lãi khá cao.

Sau nhiều vụ nuôi, ông Hạnh nhận thấy cá chẽm thích nghi tốt với nguồn nước lũ bạc đầu nguồn đổ về, trong khi đó cá vẩu, cá hồng, cá mú thường bị chết. Mới đây nhất trong các đợt lũ tháng 12/2017 vừa qua, các loại cá đều chết sạch do nước bạc, duy chỉ cá chẽm sống sót.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh cho rằng, những mô hình NTTS ứng phó BĐKH ở Hương Phong, Hải Dương, Quảng Công tuy không khó thực hiện nhưng chưa phổ biến.

Sắp đến, CCTS phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ vốn đầu tư mua sắm lưới để vây chắn quanh ao hồ, tôn cao bờ bao nhằm đảm bảo NTTS quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế. CCTS tiếp tục nghiên cứu, chọn các đối tượng thủy sản thích hợp để người dân đưa vào sản xuất trong điều kiện BĐKH.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Ninh Thuận cấm tàu thuyền ra biển từ 18 giờ tối nay

Chiều 3/1, theo BCH PCTT-TKCN Ninh Thuận, UBND tỉnh đã tổ chức họp khẩn lên phương án ứng phó với bão số 1 vào chiều nay và đã phát lệnh cấm tàu, thuyền ra biển từ 18 giờ ngày 3/1.

Người dân cùng nhau đưa tàu thuyền vào bờ chống bão

Hiện toàn tỉnh hiện có 2.651 phương tiện tàu, thuyền với 16.474 lao động. Trong đó có 508 tàu với 3.619 lao động hoạt động trên biển đã liên lạc được và biết được thông tin về bão, còn 2.143 tàu, thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng.

Tàu thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng

Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, đồng thời tiếp tục kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên vào nơi tránh trú an toàn, đảm bảo tính mạng người dân và tài sản.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1 để thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Lấp lánh ngọc trai hồ Núi Cốc, ý tưởng độc đáo sắp thành hiện thực

Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) được du khách đánh giá cao bởi phong cảnh huyền ảo, mộng mơ. Giữa lòng non nước, mây núi hữu tình với diện tích 25km², nơi đây vừa mới hình thành một mô hình sản xuất được kì vọng sẽ mang lại giá trị vàng cho dòng sông bạc. Đó là nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Gửi tình yêu vào nước

Khi xem chương trình “Sinh ra từ làng” trên sóng VTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Trịnh Việt Hùng đặc biệt thích thú với mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Ninh Bình. Vốn là sinh viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, ông Hùng đã đề nghị nhà trường phối hợp với địa phương tìm hiểu, ứng dụng.

Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc đã đạt được những thành công bước đầu

Ngay sau khi tổ chức đoàn công tác về tận Ninh Bình tham quan, học tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng Dự án ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Ý tưởng độc đáo đã gặp được hoài bão lớn của nhà khoa học. Thạc sỹ Trần Viết Vinh (Khoa Thủy sản, Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã mạnh dạn đứng ra làm chủ nhiệm đề tài. Có một điểm chung giữa ông Hùng và ông Vinh là cả hai đều sinh ra và lớn lên ngay bên bờ hồ Núi Cốc.

Ông Vinh cho biết, sau khi tham quan, học tập tại doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl (Yên Khánh, Ninh Bình), nhận thấy, nhân lực sẵn có chắc chắn đảm bảo được việc ứng dụng kỹ thuật cấy ghép ngọc nhân tạo và nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Một yếu tố đặc biệt khác là năm 2016, các chuyên gia Nhật Bản khảo sát và đánh giá chất lượng ngọc trai thu tại hồ Núi Cốc cao hơn hẳn so với các tỉnh khác ở miền Bắc (dầy, tròn, bóng, kích cơ, không tì vết). Vậy là ông Vinh tự nguyện nhận luôn vai trò là chủ đầu tư thực hiện dự án với tên pháp nhân là Cty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân.

Công ty đã cử 4 kỹ thuật viên về học tập và đào tạo tại Ninh Bình. Đồng thời, thực hiện thu gom trai nguyên liệu từ các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau đó tiến hành phân loại, lựa chọn những con đủ tiêu chuẩn để làm trai nguyên liệu cấy. Trai nguyên liệu cấy ngọc được lựa chọn có độ tuổi từ 2 – 6 năm, trọng lượng đạt từ 300g trở lên, hình dạng cân đối.

Có 2 loại trai nguyên liệu là trai xanh cánh mỏng (cho ngọc ánh vàng) và trai đen cánh dày (cho ngọc ánh tím). Ngọc trai tự nhiên phải mất hàng chục năm mới có ngọc. Trong khi đó phương pháp cấy nhân vào cơ thể con trai thì ngọc đạt chất lượng tốt, thời gian lấy ngọc nhanh hơn.

Sau khoảng 18 – 20 tháng là đã thu được ngọc trai. Song hành với việc chuẩn bị nguyên liệu trai cấy ngọc, Cty Thảo Vân cũng xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất gồm các bể nuôi chờ cấy, lồng bè trên hồ để nuôi sau cấy, nhà xưởng, kho bãi… Tháng 4/2017, việc cấy ngọc được thực hiện với số lượng 200 ngàn viên nhân cấy cho 50 ngàn con trai nguyên liệu.

Về kỹ thuật cấy ngọc, ông Vinh say sưa nhân cấy có các loại kích cỡ từ 0,6 – 1cm2. Viên nhân cấy có xuất xứ từ Nhật Bản. Mỗi con trai nguyên liệu có thể được cấy từ 3 – 4 nhân. Trai nguyên liệu sau khi thu mua về phải có thời gian thích ứng với môi trường nuôi mới. Phải hãm sự hoang dã, tức là làm giảm sức khỏe của trai thì mới dễ thao tác cấy nhân. Khi thực hiện cấy, kỹ thuật viên phải thực hiện vô trùng nhà thao tác kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc, khắt khe kỹ thuật tách vỏ trai nguyên liệu, cắt tế bào gốc, đặt nhân…

Thạc sỹ Trần Viết Vinh kiểm tra trai cấy nhân trên hồ Núi Cốc

Khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc trong lòng hồ Núi Cốc của doanh nghiệp Thảo Vân tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ) được bố trí trên diện tích 1ha. Trai sau khi cấy được cho vào bể nuôi từ 20 – 25 ngày.

Để hạn chế trai nhả ngọc, kỹ thuật viên cho vào bể một tỷ lệ dung dịch Flo khiến trai không mở miệng, ắt phải ngậm ngọc. Sau đó, mỗi con trai lại được cho vào một chiếc túi, treo vào lồng bè. Nếu trai nhả ngọc thì vẫn có thể thu được ngọc trong túi đựng. Trai sống lơ lửng, tích lũy phù du, màu mỡ của nước hồ, phủ màng xà cừ lên nhân ngọc. Người nuôi có thể kiểm tra định kỳ, thường xuyên để vệ sinh mảng bám hoặc vi sinh vật gây hại.

Thành công

Ngày ngày, khi hết giờ giảng trên giảng đường hay thực nghiệm cùng sinh viên tại trung tâm thủy sản của trường đại học, thạc sỹ Trần Viết Vinh lại phóng xe máy gần 20km vào khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Anh cho biết, tỷ lệ trai sống sau cấy ngọc đạt trên 80%. Đó là con số lý tưởng.

Lái thuyền máy đưa chúng tôi ra khu vực lồng bè nuôi trai lấy ngọc giữa lòng hồ, anh giải thích, việc cho trai vào túi, treo vào lồng bè sẽ giúp việc di chuyển khi cần đưa vật nuôi đến vị trí có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là dễ dàng trong việc kiểm tra cũng như thu hoạch.

Mang một con trai đã cấy ngọc được 8 tháng, anh thực hiện thao tác mổ để kiểm tra ngọc. 3 viên ngọc trai lấp lánh được lấy ra. Mỗi chúng tôi đều ngạc nhiên, trầm trồ, anh bảo, dù mới được 8 tháng nhưng nhân đã được phủ kín. Tốc độ phủ ngọc của trai nguyên liệu nuôi tại đây được đánh giá là rất nhanh so với các vùng nuôi khác.

Ông Tạ Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua theo dõi bước đầu, khả năng tạo ngọc của trai được nuôi trong dự án có tốc độ phủ ngọc nhanh, khả năng sinh trưởng nhanh, chất lượng ngọc sáng bóng. Theo dự kiến, đến tháng 10/2018, sẽ thu hoạch được 196.000 viên ngọc trai. Hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, chi phí một con trai để nuôi, cấy ghép chỉ hết 35.000 đồng. Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình có giá từ 400.000 – 800.000 đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2 – 4 triệu đồng.

Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, vỏ trai còn được tận dụng làm các đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tăng trưởng nông nghiệp cao nhất trong 3 năm

Năm 2017, tổng giá trị SX toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,16%, GDP nông lâm thủy sản tăng ở mức 2,9% so với năm 2016.

Ngành trồng trọt, nhất là rau quả XK đang có nhiều chuyển biến tích cực

Đây được xem là một nỗ lực lớn trong bối cảnh phải hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề cùng nhiều thách thức lớn về thị trường.

Trồng trọt vượt kế hoạch

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị SX toàn ngành nông nghiệp năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016, trong đó, trồng trọt tăng 2,23%, chăn nuôi tăng 2,16%, lâm nghiệp tăng 5,17% và thủy sản tăng 5,89%. GDP nông lâm thủy sản tăng 2,9% (so với mức 2,95% năm 2013; 3,9% năm 2014; 2,6% của năm 2015 và 1,44% năm 2016).

Là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ thiên tai, tuy nhiên, trồng trọt là lĩnh vực đã tạo được nhiều chuyển biến trong năm qua. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức SX; khuyến khích phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết SX theo chuỗi giá trị… tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ cấu SX ngành trồng trọt tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao… Nhờ đó, giá trị SX trồng trọt đã tăng 2,23% so với năm 2016, vượt mục tiêu so với kế hoạch đề ra (2%).

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2017, với tổng số khoảng 185,7 nghìn ha được chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cộng thêm với thiệt hại do thiên tai, diện tích lúa cả năm chỉ đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha; sản lượng lúa ước đạt 42,84 triệu tấn, giảm khoảng 318,3 nghìn tấn so với năm 2016. Bên cạnh đó, các loại cây lương thực như ngô cũng giảm trên 52 nghìn ha và 114,6 nghìn tấn so với năm 2016. Tuy nhiên, bù lại diện tích, sản lượng nhiều loại rau màu, cây lâu năm, đặc biệt là cây ăn trái có thị trường tiêu thụ tốt tăng mạnh.

Cụ thể, diện tích rau các loại đạt 937,3 nghìn ha, tăng 29,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (3,5%). Diện tích cà phê đạt 664,6 nghìn ha, tăng 14,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 1.529 nghìn tấn, tăng 51,9 nghìn tấn (4,7%); hồ tiêu đạt 152 nghìn ha, tăng 22,7 nghìn ha, sản lượng đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 25,1 nghìn tấn (11,6%). Đặc biệt, diện tích cây ăn quả ước đạt 923,9 nghìn ha, tăng 52,5 nghìn ha; sản lượng ước đạt 9.478,9 nghìn tấn, tăng 555,9 nghìn tấn (6,2%)… Xu hướng phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã quy hoạch vùng SX hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài trăm ha với nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, rau đậu các loại). Đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 600 nghìn ha SX lúa theo mô hình cánh đồng lớn với các quy trình tiên tiến, thân thiện môi trường (như VietGAP, Global GAP…) được phổ biến nhân rộng…

Thủy sản quyết vượt khó

Thủy sản tiếp tục là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao nhất của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2017 với tốc độ tăng giá trị SX đạt khoảng 5,89%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (5%). Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 7,22 triệu tấn, tăng 5,2%; trong đó khai thác đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5,1%; nuôi trồng đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,3%. Sản lượng tôm các loại đạt khoảng 723,8 nghìn tấn (tăng 10,3%), cá tra đạt khoảng 1.251,3 nghìn tấn (tăng 5,0% so với năm 2016), các đối tượng nuôi khác vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Thủy sản vượt khó ấn tượng trong năm 2017

Điểm khởi sắc trong năm 2017 của ngành thủy sản, đó là việc khôi phục SX sau sự cố môi trường biển miền Trung đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thương mại thủy hải sản ở khu vực này đã cơ bản lấy lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và XK hải sản nước ta trong năm 2017 lại vấp phải khó khăn do EC ban hành “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) áp dụng với DN Việt Nam.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục như: Ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EU về IUU; đồng thời hoàn thiện Luật Thủy sản trình Quốc hội phê duyệt để có quy định pháp lý cao nhất điều chỉnh các hành vi đánh bắt bất hợp pháp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU-Fishing; xây dựng chương trình truyền thông về khai thác IUU nhằm nâng cao nhận thức và hành động, tạo chuyển biến thật sự trong thực hiện các quy định, khuyến nghị của EC về khai thác hải sản…

Tại buổi họp báo tổng kết 2017 của Bộ NN-PTNT mới đây, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn khẳng định, mục tiêu trong năm 2018, ngành thủy sản phải bằng mọi biện pháp trước hết không để EU rút “thẻ đỏ”, tiếp tục duy trì trạng thái thẻ vàng, từ đó triển khai các giải pháp khắc phục.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Trúng cá ngừ, người dân Bình Định thu tiền tỷ

Những ngày đầu năm mới 2018, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định cập bờ, chiếc nào chiếc nấy khẳm be. Chiếc đánh bắt ít nhất cũng được 8 tấn cá ngừ sọc dưa, chiếc đánh bắt được nhiều có đến 30 tấn, thu vào 1,3 tỷ đồng.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người đang cầm trịch đội tàu đánh bắt xa bờ 16 chiếc, chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa phấn khởi cho biết: “Đúng ngày đầu năm mới 2018, tàu BĐ 97678 TS (800CV) cập bờ với 8 tấn cá ngừ sọc dưa, qua ngày 2/1, chiếc BĐ 97999 TS (730CV) tiếp tục cập bến Hàm Tử (TP Quy Nhơn, Bình Định), chiếc này cũng đánh bắt được 8 tấn cá ngừ sọc dưa và 5 tạ cá ngừ đại dương. Gía cá ngừ sọc dưa hiện nay 26.000đ/kg, nhờ có thu nhập khá nên những thuyền viên đi bạn trên 2 tàu nói trên chia được mối người 3,5 triệu đồng, ai cũng phấn khởi”.

Ngư dân phấn khởi khi trúng cá ngừ, thu nhập khá hơn

Cũng trong ngày đầu năm 2018, tàu cá BĐ 96953 TS, của ngư dân Võ Văn Tuấn (47 tuổi) ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), trên tàu có 14 thuyền viên, cũng cập vào cảng cá Quy Nhơn. Chuyến biển vừa qua tàu anh Tuấn đánh bắt được chỉ 1 thời gian ngắn do thời tiết trên biển bão gió liên miên, thế nhưng sau 8 ngày đánh bắt tại vùng biển phía Nam, tàu BĐ 96953 TS của anh Tuấn đã đánh bắt được 12 tấn cá ngừ sọc dưa và cá ngừ đại dương, bán được trên trên 300 triệu đông.

Đặc biệt, tại cảng cá Quy Nhơn trong sáng 1/1 có 2 tàu cá mang số hiệu BĐ 96844 TS và BĐ 97777 TS, chủ tàu là anh Vũ Minh Hoàng (38 tuổi) ở huyện Hoài Nhơn, cập cảng với gần 40 tấn cá đủ loại, gồm: Cá ngừ sọc dưa, cá ngừ đại dương, cá thu…

Người dân xay đá chuẩn bị cho chuyến tàu tiếp theo

Hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định đều trúng đậm chuyến biển đầu năm. Theo ngư dân Trần Văn Huệ (49 tuổi) ở huyện Hoài Nhơn, thuyền viên trên tàu BĐ 97777 TS, cho biết: “Tàu chúng tôi trở về trúng gần 33 tấn cá đủ loại, bán được 1,3 tỷ đồng. Tàu chỉ đánh bắt có 8 ngày mà trúng lượng cá đó là trúng đậm lắm rồi. Những ngày đầu vừa ra đến ngư trường là tàu chúng tôi vây bắt được nhiều mẻ cá lớn, trong hầm tàu đã có đến 10 tấn cá”…

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, thời điểm biển hơi động nhưng trời không có gió bão là cá xuất hiện nhiều, nhờ đó những chuyến biển cập bờ vào những ngày đầu năm mới 2018 của ngư dân Bình Định hầu hết đều trúng đậm.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thái Bình áp dụng nhiều mô hình nuôi tôm đem lại hiệu quả cao

Nuôi tôm theo mô hình VietGAP hay theo phương thức “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính được tỉnh Thái Bình áp dụng giúp giảm rủi ro, dịch bệnh, đem lại lợi nhuận cao.

Nhiều phương thức nuôi tôm mới được tỉnh Thái Bình áp dụng

Nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mô hình “Nuôi tôm Thẻ chân trắng theo quy phạm VietGAP” đã được tỉnh Thái Bình đưa vào áp dụng. Sau thời gian ngắn triển khai mô hình đã có những kết quả về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và những tiêu chí VietGAP được chứng nhận. Đối với mô hình nuôi theo qui phạm thực hành VietGAP môi trường ao nuôi ổn định. Sản phẩm nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn.

Ngoài ra phương thức “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính cũng được tỉnh Thái Bình áp dụng. Sau thời gian triển khai, các chủ “Ao nuôi liên kết” khẳng định, phương thức nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao là phương thức nuôi chắc ăn, rất ít rủi ro, dịch bệnh và có thể mang lại suất lợi nhuận cao gấp 4 đến 5 lần, thậm chí còn cao hơn nữa so phương thức nuôi truyền thống.

Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong nhà kính kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm” để giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, công nghệ nuôi tôm nhà kính của Doanh nghiệp Phương Nam đã đưa từ 2 vụ nuôi/năm (nuôi cổ truyền) lên 4 vụ nuôi/năm, đưa năng suất nuôi trồng từ khoảng 1 kg/m2 (nuôi cổ truyền) lên trên 2 kg/m2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm từ 70-75 con/kg (nuôi cổ truyền) lên 30-35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi.

Phương thức “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính cũng được tỉnh Thái Bình áp dụng

Việc đưa từ 2 vụ lên 4 vụ nuôi/năm không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi, sớm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi… mà điều quan trọng là, 2 vụ nuôi tăng thêm thực chất là 2 vụ nuôi trái vụ nên đã tránh được tình trạng “được mùa thì rớt giá” trong sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết đông giá, các tỉnh phía Bắc không thể nuôi tôm theo phương thức cổ truyền, việc nuôi theo công nghệ mới này giúp có tôm xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán là hết sức có ý nghĩa.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho phương thức nuôi trồng này là vốn đầu tư ban đầu cao (8-9 tỷ đồng/ha) và để thực hiện nuôi trồng độc lập thì “hộ nuôi trồng” phải có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết.

Nguồn: VietQT được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khôi phục nuôi trồng thủy sản tại Vạn Ninh

“Cầm” sổ đỏ vay vốn, làm lại từ đầu

Cảng cá Vạn Giã (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) – một trong những vùng nuôi trồng thủy sản sầm uất với dày đặc lồng bè thả tôm, cá trước đây giờ trở nên thoáng đãng, quá đỗi yên bình, chỉ lác đác vài lồng bè vừa mới “mọc” lên sau bão.

Trên bờ biển, những lồng bè rách nát, phuy nhựa, lưới cụ, tàu thuyền bị vỡ được người dân mót lại sau bão vẫn còn nằm ngổn ngang khắp nơi. Tất cả tan hoang, trở thành thảm họa.

Khung cảnh tan hoang sau bão tại Vạn Ninh

Xen kẽ giữa những thứ bề bộn đó, là những khung bè mới được bà con đóng lại nhưng chưa kéo ra mặt nước nuôi vì chưa hoàn thiện. Hơn nữa dù khung bè đã xong nhưng trước mặt người nuôi trồng thủy sản còn vô vàn nỗi lo và cần chuẩn bị nhiều thứ như làm lồng nuôi, mua con giống, thức ăn…mới có thể nuôi trở lại.

Trong số những khung bè đang làm lại có bè nhà anh Lưu Văn Thanh, ở thị trấn Vạn Giã hiện đã cơ bản hoàn thành. Gặp chúng tôi, anh cho biết, để làm ra nhà bè, cùng với khung bè gồm 24 ô lồng, giảm 6 ô lồng so với trước đây thì ngoài việc tận dụng những cây gỗ, phuy nhựa còn sót lại, anh còn bỏ thêm 150 triệu đồng đầu tư.

Sau bão trắng tay vì bao nhiêu vốn liếng dành dụm đã đầu tư nuôi 3.000 con cá bớp và cá bè đạt trọng lượng xuất bán thì bị bão “cướp” sạch, ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Vừa qua anh đến ngân hàng cầm 3 sổ đỏ là nhà cửa của anh em, họ hàng mới vay được 600 triệu đồng.

Nguời dân đang từng bước đã hoàn thành bước một, là làm lại khung bè và mua chiếc thuyền nhỏ (không có máy), giá 30 triệu đồng làm phương tiện đi lại trên biển.

Còn bước tiếp theo sẽ làm lại lồng nuôi và mua con giống, khi đó nếu thiếu tiền sẽ vay tiếp. Bởi theo anh, nếu không nuôi trồng thủy sản không có cách nào gỡ gạc, trả nợ được.

Tiếp tục về xã Vạn Thạnh- vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở huyện Vạn Ninh nhìn ra biển Đầm Môn cũng trở nên hoang vắng. Nhiều ngư dân vẫn cặm cụi mót từng chiếc phuy, chắp từng mảnh cây để đóng lại lồng bè.

Ngư dân cặm cụi đóng lại lồng bè

Theo người nuôi trồng thủy sản, khó khăn hiện nay là các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phuy nhựa, lưới đều tăng giá từ 15 – 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi khan hiếm và tăng từ 100-150 ngàn/con, cụ thể tôm trắng 305 ngàn đồng/con; tôm nuôi 1 tháng từ 400-500 ngàn đồng/con.

Tuy nhiên, theo quan sát chúng tôi hiện nay một số hộ gia đình cũng đã “vượt lên nỗi đau”, tìm mọi cách để nuôi tôm trở lại.

Tiêu biểu như anh Trần Đẩu, thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng sau cơn bão, anh mất trắng hơn 30.000 con tôm hùm và cá các loại, ước thiệt hại 25 tỷ đồng. Do cạn kiệt vốn nên gia đình anh cầm sổ đỏ nhà tại ngân hàng để vay vốn khôi phục sản xuất.

Anh Đẩu cho biết, sau bão anh đóng lại bè mới với hơn 30 ô lồng và thả 3.000 con tôm hùm. Dù việc phục hồi chẳng thấm vào đâu với số thủy sản đã mất, nhưng đó là sự quyết tâm gượng dậy của người nuôi trồng thủy sản.

Cần tiếp sức từ những chính sách

Đối với anh Thanh, anh Đẩu giờ họ đã vực dậy, tự an ủi bản thân, bắt tay làm lại từ đầu vì nghĩ rằng ông trời sẽ không phụ lòng người cố gắng, kiên trì đến cùng. Thế nhưng không phải ai cũng có được quyết tâm như vậy sau nỗi mất mát quá lớn và kinh tế kiệt quệ!

Như gia đình ông Phạm Thân, tổ 7, thị trấn Vạn Giã vẫn chưa hết ám ảnh khi cơn bão làm toàn bộ lồng bè tan nát, cá tôm mất sạch ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Dù ông Thân vẫn hằng ngày ra biển tu sửa lại con thuyền bị vỡ, đôi mắt hướng về biển nhưng chưa thể bắt tay làm lại. Bởi lẽ gia đình ông đã không còn gì, còn mang nợ nên không thể nào xoay xở vốn để gỡ gạc. Ông Thân bộc bạch: “Bây giờ gia đình tôi hy vọng nhà nước sớm có chính sách tháo gỡ cho vay vốn tái sản xuất may ra tôi mới có thể làm lại”.

Tượng tự gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, một người tôm trải bạt ở thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ cho biết, hiện vẫn chưa tu sửa ao đìa, bởi chi phí đầu tư lớn vượt quá tầm của gia đình.

Theo ông Lộc, 2 ao nuôi trên bạt tổng cộng gần 3.000 m2 giờ muốn nuôi lại ,ông phải đổ đất đắp ao, rồi trải bạt và mua toàn bộ thiết bị nuôi tôm tốn hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chưa kể sau khi phục hồi xong ao nuôi, còn mua giống, mua thức ăn, tính ra cả tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Sáng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, việc khôi phục nuôi trồng thủy sản đang rục rich nhưng chậm, bởi nguồn lực trong dân đã hết. Hơn nữa, hầu hết người nuôi đều đã vay vốn ngân hàng. Sau cơn bão, toàn xã ngoài thiệt hại 7.261 lồng bè, còn hơn 107 ha ao nuôi tôm, ốc mất trắng; tổng thiệt hại ước 491 tỷ đồng.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay chỉ mới 20-30% số hộ nuôi trồng thủy sản bắt đầu khôi phục trở lại nhưng chủ yếu là lồng bè, còn việc thả giống chưa nhiều.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để giúp người dân thả nuôi trở lại, huyện đã đề nghị Sở NN-PTNT sớm tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ tiền mua giống, cây trồng, vật nuôi theo NĐ 02/2017/NĐ-CP. Đồng thời đề nghị tỉnh sớm ban hành quy hoạch tạm thời khu vực nuôi trồng thủy sản để người dân tái sản xuất và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ thiệt hại theo quy định như thiếu bản kê khai ban đầu theo NĐ 02, huyện đề nghị Sở NN-PTNT xem xét, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ riêng cho các trường hợp này. Bởi tính riêng lồng, bè thiệt hại không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định đã là hơn 56.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn 4.700 lồng nuôi cá.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nghệ An: Nuôi trồng thủy sản vượt chỉ tiêu đề ra

Năm 2017, sản xuất, nuôi trồng thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Diện tích nuôi trồng thủy sản Nghệ An đạt 21.333 ha bằng 102% KH và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, diện tích nuôi ngọt 18.926 ha, nuôi mặn lợ đạt 2.408 ha (diện tích nuôi tôm đạt 2.119 ha).

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng ngọt 39.626 tấn, sản lượng mặn lợ đạt 10.627 tấn (sản lượng tôm là 6.582 tấn).

Ươm cá giống tại Diễn Châu

Trong năm qua, các cơ sở tại Nghệ An đã sản xuất được 1.719 triệu con tôm giống, bằng 143% so KH và bằng 105% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tôm sú đạt 184 triệu con, tôm thẻ đạt 1.535 triệu con.

Sản xuất cá giống các loại đạt 704 triệu con bằng 101 % KH và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Sản xuất cua giống đạt trên 31 triệu con. Sản xuất, ương ngao giống đạt 1,2 tỷ con.

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.

Tại Hội nghị, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã trao Giấy khen cho 14 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nuôi trồng thủy sản năm 2017.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất tôm giống: Lượng và chất chưa song hành

Hiện nay, nếu xét về năng lực, các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt đó là vẫn còn một lượng lớn tôm giống không bảo bảo chất lượng cung cấp cho người nuôi.

Năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất tôm giống

Đủ lượng, thiếu chất

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, với sản lượng ước hơn 100 tỷ con. Những con số này cho thấy, công suất của các cơ sở sản xuất giống cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi.

Ông Phan Tuấn Cự, Giám đốc DNTN Tuấn Cự (Bình Thuận) cho biết, theo tính toán, muốn sản xuất được 100 tỷ con tôm thương phẩm thì nhu cầu giống phải có 400 – 500 tỷ con chất lượng. Các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được đủ con giống cung ứng cho thị trường. Thậm chí, nếu nhu cầu thị trường cần thì các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong nước có thể sản xuất được nhiều hơn con số trên. Song chất lượng vẫn là bài toán khó khi vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn đang sản xuất và cung ứng giống ra thị trường.

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và cung ứng tôm giống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam cho biết: “Số lượng cơ sở sản xuất tôm giống của ta hiện nay đủ về mặt số lượng nhưng ít về mặt chất lượng, như vậy nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc phát triển ngành tôm”.

“Tất cả cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hai đặc điểm hạn chế chung. Thứ nhất, nguồn tôm bố mẹ hầu hết được lấy từ hai nguồn. Một là khai thác, đánh bắt ngoài biển, đối với Việt Nam chúng ta là đánh bắt tại Vịnh Thái Lan. Hai là, nguồn tôm bố mẹ, như tôm thẻ chân trắng, được nhập khẩu tới hơn 90%. Có một số đơn vị trong nước đã tiến hành cung cấp tôm bố mẹ đã được gia hóa. Tuy nhiên, nguồn tôm có uy tín cũng đều là tôm nhập từ nước ngoài về. Thứ hai là vấn đề tổ chức sản xuất. Tất cả cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đồng bộ. Hạ tầng phần mềm, tức là khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất con giống cũng hạn chế, dẫn đến việc chưa chủ động sản xuất ra được tôm giống chất lượng cao”, ông Xuân chia sẻ thêm.

Rất cần giống tốt

Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) – một doanh nghiệp đang nuôi tôm công nghệ cao mùa đông cho biết: “Hiện, Công ty đang có 10 ao nuôi (8 ao rộng 1.800 m2, 1 ao 900 m2 và 1 ao 700 m2). Ngoài ra, còn có 2 ao ương với diện tích 500 m2/ao. Đối với nuôi tôm, có rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng phải đối diện với nhiều rủi ro, trong đó quan trọng nhất là vấn đề con giống. Công ty đang sử dụng tôm giống của Công ty C.P Bình Định. Nhìn chung, chất lượng tôm giống khá tốt, phát triển nhanh, tránh được các bệnh dịch; từ đó giúp Công ty nuôi tôm thành công với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay”.

“Công ty rất thận trọng trong việc lựa chọn con giống bởi đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành bại của một vụ nuôi. Chúng tôi sẵn sàng đặt hàng doanh nghiệp sản xuất tôm giống riêng cho Công ty dù phải mua với giá cao hơn, miễn sao chất lượng được đảm bảo”, ông Đường chia sẻ thêm.

Trên thị trường hiện nay, chất lượng tôm giống không đồng đều, thật giả lẫn lộn, giá mỗi nơi một kiểu. Với sản xuất công nghiệp quy mô lớn, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có đủ điều kiện, khả năng liên kết chặt chẽ với nơi sản xuất giống để mua được con giống tốt; Nhưng với những người dân nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít thì khó tiếp cận với cơ sở sản xuất giống tốt. Vậy làm thế nào để người dân không mua phải giống trôi nổi, giống chưa qua kiểm tra?

Nhiều chuyên gia cho rằng, người nuôi tôm nên mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường; cần phải liên kết với nhau để mua với số lượng lớn mà không cần qua trung gian. Việc liên kết này vừa giúp giảm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo sẽ tiếp cận được với tôm giống chất lượng. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên và đột xuất, từ đó có phân loại theo dạng cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A hay B hay C. Chứng nhận đó là cơ sở quan trọng để người dân phân biệt được chất lượng của cơ sở sản xuất giống và giá thành có tương ứng với chất lượng giống mình đang sử dụng hay không.

Từ đầu năm đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tổng cục An ninh (A86) – Bộ Công an và Công an kinh tế các địa phương (PA81) thành lập đoàn thanh tra đột xuất và tiến hành xử phạt nghiêm đối với nhiều cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Với những hành động quyết liệt này, hy vọng chất lượng tôm giống sẽ ngày càng được nâng cao, giúp người nuôi tôm hân hoan với những vụ nuôi thắng lợi, hoàn thành tốt các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra với ngành tôm Việt Nam.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Khoa học đánh thức nuôi trồng thủy sản miền Trung

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Tôm giống 

Những năm gần đây, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật có ứng dụng cao trong thực tiễn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã giới thiệu những giống mới, quy trình kỹ thuật nuôi mới giúp các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngày một đa dạng hơn về đối tượng nuôi.

Tiến bộ trong sản xuất thức ăn

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III (Viện III) cho biết, khu vực các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 60.000ha với điều kiện thiên nhiên ưu đãi (độ mặn cao và ổn định quanh năm). Các loại hình thủy vực, đối tượng nuôi, hình thức nuôi khu vực này đang ngày một đa dạng hơn, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn nơi đây.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về sản phẩm hải sản ngày càng tăng cao, nghề nuôi hải sản ở nước ta đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong đó hình thức nuôi công nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm định hướng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi hải sản công nghiệp ở các địa phương. Do vậy, nhu cầu thức ăn công nghiệp cho nuôi hải sản với số lượng lớn là xu thế tất yếu trong thời gian trước mắt và tương lai.

Mới đây, Viện đã nghiên cứu thành công đề tài “Công nghệ sản xuất thức ăn ương nuôi cá chình” góp phần đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp trong các doanh nghiệp nuôi lớn và một phần sẽ cung cấp thức ăn cho các trang trại có quy mô nhỏ ở các địa phương.

Hiện nay việc nuôi cá chình chủ yếu dựa vào thức ăn tươi, cá tạp tự chế biến (ước tính 100.000 tấn/năm) mang lại tác động xấu đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Một số trang trại tiến hành nhập khẩu thức ăn công nghiệp từ nước ngoài, tuy nhiên giá thành cao, thủ tục phức tạp và không chủ động nguồn thức ăn.

Theo ông Ninh, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzyme và một số nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam là một tiến bộ mới, là bước đột phá trong việc ứng dụng, phát triển ngành sản xuất thức ăn nuôi thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thức ăn cá chình nói riêng. Do từ trước đến nay chưa có nghiên cứu ứng dụng, công ty hoặc cơ sở nào sản xuất thức ăn cho cá chình từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước có bổ sung enzyme.

Ứng dụng enzyme để sản xuất thức ăn tổng hợp góp phần đảm bảo nghề nuôi phát triển bền vững. Sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, tạo ra sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao (giá thành thấp hơn 20 – 25% so với thức ăn nhập ngoại), làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho người nuôi, tiến tới thay thế thức ăn cá tạp nuôi cá chình, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình ở nước ta phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững.

Ngoài ra, Viện đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá chình, tạo ra được công thức thức ăn có hiệu quả kinh tế cao, hoàn thiện mô hình thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn công suất 500 kg/giờ, thay thế việc nhập máy móc từ nước ngoài.

Bên cạnh hiệu quả về nghiên cứu tạo ra thức ăn tổng hợp cho cá chình, mới đây Viện III đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống bể sử dụng nước tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho hay, sau 2 năm thực hiện, Viện đã thiết kế và vận hành hiệu quả hệ thống nuôi gồm bể nuôi và bể lọc sinh học, và chọn lựa được các thiết bị phụ trợ như máy bơm, máy xử lý nước, máy ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, máy cung cấp ô xy nguyên chất, thiết bị lọc…

Bể lọc sinh học sử dụng vật liệu sẵn có trong nước có hiệu suất lọc khá tốt, duy trì ổn định các yếu tố môi trường nuôi phù hợp cho tôm hùm bông phát triển, với tỉ lệ sống của tôm hùm bông nuôi trong bể đạt 70%.

Đến nay, nhóm tác giả bước đầu đã chủ động sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên sử dụng 100% nguyên liệu sẵn có trong nước, thay thế hoàn thức ăn tươi. Chi phí thức ăn để sản xuất 1kg tôm hùm bông ước tính 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy vào cỡ tôm.

Ông Ninh cho biết thêm, nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn nước bằng thức ăn công nghiệp là mô hình nuôi tiên tiến, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào (nước, thức ăn) do đó giúp giảm thiểu dịch bệnh và tạo sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi trong bể giúp hạn chế được rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, ít lệ thuộc vào thiên nhiên là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm của Việt Nam.

Phát triển công nghệ di truyền và sản xuất giống

Bên cạnh việc nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thức ăn, thì việc ứng dụng công nghệ trong di truyền chọn giống là rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ sống và độ tăng trưởng cho các loại thủy sản nuôi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ở Việt Nam, từ thập niên 90 các nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá chẽm đã bắt đầu nghiên cứu, đến nay công nghệ sản xuất giống cá chẽm đã đạt những kết quả nhất định. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang lưu giữ đàn cá bố mẹ là sản phẩm của đề tài di truyền chọn giống cá chẽm.

Đàn cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh so với đàn cá bố mẹ trước đây từ 10 – 15%, đã và đang được sử dụng cho việc sản xuất giống với công suất trại giống 2 – 3 triệu cá giống 3 – 5 cm/năm.

Sản xuất thành công giống cá vua song

Bên cạnh sản xuất thành công giống cá chẽm, mới đây, Viện III đã hợp tác nghiên cứu với Philippines và Úc phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua (cá mú nghệ), với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống ổn định và đạt hiệu quả cao để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá song vua tại Việt Nam.

Ông Ninh cho rằng, một trong những khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá mú nghệ chủ yếu do số lượng con giống sản xuất ra trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi nên vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại. Hiện nay, trong khu vực chỉ có Đài Loan có thể sản xuất giống đối tượng này với số lượng lớn và xuất giống đi các nước.

Đề tài phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua đã nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ. Cá bố mẹ đưa vào thuần dưỡng và nuôi vỗ có trọng lượng từ 20 – 35kg, tuổi cá từ 3 – 4 năm, được tuyển chọn từ đánh bắt ngoài tự nhiên. Thức ăn cho cá bố mẹ là các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cá tươi, mực, cua, ghẹ…

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Chuyên gia thực hiện kỹ thuật cấy ngọc vào trai ngọc nữ

Từ tháng 7/2017, trong khuôn khổ hợp tác với Úc, dự án phát triển nuôi trai cấy ngọc bán cầu tại bắt đầu thực hiện tại Viện III đã được các chuyên gia từ Úc và cán bộ Viện III tiến hành cho trai sinh sản. Kết quả thu được 5 triệu ấu trùng chữ D, và thu được 400 ngàn con giống điệp quạt với kích cỡ 1 – 3mm, hiện con giống đang được ương nuôi tại Viện III.

Ngoài ra, dự án cũng thử nghiệm cấy ngọc và thu được 71 viên ngọc bán cầu. Dự kiến trong năm 2018, dự án sẽ thực hiện việc ương giống, cấy ngọc quy mô lớn và chuyển giao công nghệ đến người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, với những chức năng và nhiệm vụ chính như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản… trong giai đoạn 2013 – 2016, Viện Nghiên cứu NTTS III đã chủ trì thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN các cấp (11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 cấp Bộ, 18 cấp Tỉnh và 6 nhiệm vụ nhánh) và 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như chọn giống, sản xuất giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản…

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.