Phòng trị, bệnh do vi khuẩn ở cá nuôi lồng bè

Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho vi khuẩn trong ao phát triển mạnh gây bệnh cho cá. Bài viết cung cấp một số bệnh phổ biến trên cá do vi khuẩn, dấu hiệu nhận biết và biện pháp chữa trị.

1. Những bệnh do vi khuẩn trên cá nuôi

1.1.Bệnh viêm ruột (đốm đỏ) ở cá

* Dấu hiệu bệnh lý:

  • Cá kém ăn hoặc bỏ ăn;
  • Cá bệnh bơi lờ đờ trên tầng mặt;
  • Da cá màu tối, mất nhớt khô ráp;
  • Xuất hiện các đốm đỏ trên thân;
  • Mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi, hậu môn sưng đỏ;
  • Khi cá bệnh nặng có biểu hiện hoại tử da và cơ;
  • Mổ cá kiểm tra thấy nhiều dịch màu hồng trong bụng cá. Các cơ quan nội tạng bị xuất huyết và viêm nhũn (dịch hóa).

* Tác nhân gây bệnh: Do nhóm vi khuẩn Aeromonas spp di động gây ra.

2.2.Bệnh thối mang

*Dấu hiệu bệnh lý:

  • Các tia mang thối nát, có dính bùn, lớp biểu bì phía trong mang xung huyết nên còn được gọi là bệnh mang đóng bùn.
  • Các tế bào tổ chức mang bị thối nát, ăn mòn và xuất huyết.
  • Bệnh này thường kết hợp với bệnh nhiễm trùng máu, xuất huyết (đốm đỏ).
  • Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu khi nhiệt độ nước 28- 35ºC.

* Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn dạng sợi Myxoccocus piscicolas.

2. Biện pháp phòng, trị bệnh do vi khuẩn

Việc trị bệnh do vi khuẩn cho cá rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao, vì vậy phòng bệnh rất quan trọng.

* Biện pháp phòng bệnh:

  • Đảm bảo môi trường nước tốt cho đời sống của cá, không để cá bị sốc do môi trường thay đổi xấu.
  • Định kỳ treo túi vôi vừa có tác dụng khử trùng vừa giúp kiềm hoá môi trường nước.
  • Mùa xuất hiện bệnh: 2 tuần treo một lần.
  • Mùa khác: một tháng treo 1 lần.
  • Lượng vôi: trung bình 2 kg vôi nung/10m3 lồng
  • Bè lớn treo nhiều túi và bè nhỏ treo ít túi tập trung ở chỗ cho ăn và phía đầu nguồn nước chảy.
  • Trước và trong mùa xuất hiện bệnh cho cá ăn: Cung cấp thêm lượng vitamin C, lượng dùng thường xuyên từ 20-30mg Vitamin C/1 kg cá/ngày.

* Biện pháp trị bệnh:

  • Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp xử lý kịp thời. Việc chữa trị chỉ hiệu quả khi phát hiện sớm, chẩn đoán đúng bệnh và trị bệnh các biện pháp hợp lý.
  • Khi phát hiện cá có các dấu hiệu của 2 loại bệnh trên cần áp dụng các biện pháp trị bệnh như sau:
  • Tăng sức để kháng cho cá nuôi: trộn vitamin C vào thức ăn rồi cho cá ăn. Đồng thời treo túi vôi ở đầu dòng nước chảy vào lồng.
  • Cho cá ăn thuốc kháng sinh: trộn kháng sinh vào thức ăn đúng liều lượng hướng dẫn. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày, từ ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày đầu.
    – Oxytetracyclin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Steptomycin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Kanamycin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Sulphamid: 1,5-2g/100kg cá/ngày
    – Erythromycin: 2-5g/100kg cá/ngày
  • Kết hợp với việc đánh diệt khuẩn cho ao nuôi.

Nguồn: TTKNQN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể

Đối tượng nhuyễn thể đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống.

Nghêu, ngao

Nuôi nghêu Bến Tre đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển phía Nam, nhất là Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số tỉnh ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định. Nguồn con giống cung cấp chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh đã thực hiện được quy chế quản lý bãi nghêu giống. Lượng ngao, nghêu giống cỡ nhỏ (nghêu cám) tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau cung cấp cho các địa phương phía Bắc đã hình thành nghề ương nghêu giống trong ao ở Thái Bình, Nam Định, mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực cho việc giải quyết giống nuôi. Hiện nay, một số địa phương đang tiếp nhận công nghệ sản xuất giống nghêu từ các viện nghiên cứu bước đầu khá tốt như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định.

Ốc hương

Ốc hương được nuôi ở các tỉnh ven biển miền Trung và giống được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và Ninh Thuận. Nhu cầu mỗi năm khoảng trên 10 – 20 triệu giống và tăng dần vì phần lớn diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả ở vùng ven biển đã chuyển sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, sản xuất giống ốc hương chưa được quan tâm kiểm soát, chưa có tiêu chuẩn chất lượng.

Sò huyết

Nuôi sò huyết phát triển khá mạnh ở vùng ĐBSCL, tuy vậy con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo. Một số vùng nuôi cũng bắt đầu khoanh vùng bảo vệ các bãi sò huyết phân bố tự nhiên, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định.

Trai ngọc

Trai ngọc được phát triển nuôi ở vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) và đang được phát triển nuôi ở Kiên Giang do những công ty có vốn đầu tư lớn nuôi với mục đích cấy ngọc. Do nuôi ở vùng biển xa, đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ hẹp có tính chất chuyên sâu nên mức độ nuôi còn rất hạn chế, con giống nuôi do các công ty nuôi tự sản xuất giống.

Tu hài

Nuôi tu hài phát triển mạnh ở vùng vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) và đang nuôi ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, sản xuất giống đã hoàn thiện công nghệ và chủ động cung cấp đủ giống, đáp ứng nhu cầu.

Hàu Thái Bình Dương

Nuôi hàu đang được phát triển ở nhiều địa phương ven biển và có triển vọng khả quan về thị trường tiêu thụ. Vùng nuôi tập trung nhất ở Quảng Ninh. Hiện đã sản xuất được giống bằng sinh sản nhân tạo nhưng số lượng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất giống hầu tam bội được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III nhập và đang triển khai ứng dụng sẽ góp phần tạo được giống có chất lượng và chủ động sản xuất giống cho nhu cầu nuôi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đột phá giống thủy sản

Năm 2017, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ khó khăn… nhưng ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An vẫn đạt và vượt kế hoạch. Thành công trên được xác định ở khâu đột phá về giống.

Tính đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An đạt 21.333ha bằng 102% kế hoạch và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó diện tích nuôi nước ngọt 18.926ha, nuôi mặn lợ 2.408ha.

Nuôi tôm thắng lớn

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng nuôi ngọt 39.626 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 10.627 tấn.

Diện tích nuôi tôm đạt 2.119ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 2.072ha, tôm sú 27ha, chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm 6.582 tấn, bằng 120% kế hoạch và bằng 108% năm 2016, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha.

Trong năm 2017, ngành thủy sản Nghệ An triển khai 3 mô hình nuôi TTCT thâm canh không sử dụng kháng sinh, không sử dụng hóa chất, áp dụng VietGAP; 2 mô hình nuôi TTCT thâm canh tuần hoàn khép kín áp dụng VietGAP. Các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tiếp tục được củng cố; nhiều tiến bộ KHKT được người nuôi áp dụng.

Hiện toàn tỉnh có 7 vùng (240ha) nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 5/7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ nuôi trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vùng khác từ 20 – 25%. Nhiều vùng nuôi đạt hiệu quả cao như Nam Tiến, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) với 90% hộ nuôi có lãi từ từ 200 triệu – 2,5 tỷ đồng/hộ. Vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai), Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) khoảng 80% số hộ có lãi, mức lãi từ 100 – 500 triệu/hộ, có một số hộ mức lãi từ 1 – 5 tỷ đồng…

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Nghệ An năm 2017 ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.
Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích nuôi cá – lúa đạt 4.511ha bằng 101% so cùng kỳ năm 2016. Nhiều hộ dân ứng dụng lồng nuôi công nghệ vào nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước với trên 70% số lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh năm 2017 là 696 chiếc, tăng 246 chiếc so năm 2016, tập trung tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều lắp đặt theo công nghệ cải tiến.

Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ; 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, trong đó 15 cơ sở xếp loại A, 11 cơ sở xếp loại B. Năm 2017 đã có 15.073 con cá; 1.700 con TTCT; 100% số tôm sú bố mẹ được kiểm tra, đạt chất lượng. Toàn tỉnh sản xuất, ương dưỡng được 1.535 triệu con TTCT; 184 triệu tôm sú giống; 31 triệu con cua giống; 1 triệu con cá hồng mỹ, cá bống bớp, cá chim, cá đối. Việc sản xuất ương dưỡng giống thủy sản ở Nghệ An cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trên địa bàn và xuất bán các tỉnh lân cận.

Kiểm tra tôm giống TTCT tại Cty Hải Tuấn, phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai

Trên địa bàn có 6 trại sản xuất cá giống cấp 1 và 7 cơ sở sản xuất giống cấp 2. Đối tượng sản xuất chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Tổng số lượng cá bố, mẹ đưa vào sinh sản năm 2017 là 15.073 con, gồm 8.809 cá cái, 6.264 cá đực, tổng khối lượng 15.918kg; cá bố mẹ đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Sản lượng cá giống sản xuất được năm 2017 đạt 704 triệu con cá bột, 54.885kg cá hương, 312.585kg cá giống.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng chất nhầy để phát hiện TiLV trên cá rô phi

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thái Lan đã xác định được con đường lây truyền của mần bệnh Tilapia Lake Virus(TiLV) và sử dụng chất nhầy để phát hiện mần bệnh mà không gây chết cho cá.

Cá rô phi nuôi

Tilapia Lake Virus (TiLV) là một loại virus gây bệnh trên cá rô phi đang nổi lên gần đây ở nhiều quốc gia trong đó có Israel, Ecuador, Colombia, Ai Cập và Thái Lan.

Tuy nhiên, ít có thông tin và hiểu biết đến về con đường lây truyền của virus trong quần thể cá. Trong nghiên cứu này, TiLV đã được phát hiện trong các mẫu gan và chất nhầy từ cá rô phi đã chết bằng cách sử dụng phản ứng chuỗi polymerase định lượng ngược và cách ly virus trong nuôi cấy tế bào.

So sánh phát hiện virus trong gan và chất nhầy của các mẫu cá bệnh cho thấy chất nhầy có thể được áp dụng để chẩn đoán TiLV và virus này trong chất nhầy vẫn còn có khả năng gây bệnh và là nguyên nhân của hiệu ứng bệnh biến trong tế bào.

Cá khỏe mạnh sống chung với cá có chứa TiLV làm cho tỷ lệ tử vong tích lũy của cá lên tới 55,71% cho thấy tiếp xúc trực tiếp với cá bệnh là nguyên nhân lây bệnh.

Đáng chú ý là các gen RNA TiLV đã được xác định trong chất nhầy của cá khỏe mạnh khi tiếp xúc với cá bệnh sớm nhất là 1 ngày nhiễm bệnh và virus được phân lập từ các mẫu chất nhầy thu được ở 5 ngày nhiễm bệnh.

Tỉ lệ tử vong tích lũy của cá sống chung được ghi lại hằng ngày.

Sự hiện diện của TiLV đã kéo dài đến 12-14 ngày bị nhiễm bệnh trong chất nhầy, gan và ruột của cá sống chung.

Sự phát hiện TiLV trong chất nhầy của các mẫu cá bệnh và cá khỏe sống chung cho thấy lây truyền qua tiếp xúc (truyền ngang) là con đường lây lan chính của TiLV trên cá.

Quan trọng hơn, nghiên cứu này cho thấy rằng chất nhầy có thể được sử dụng để lấy mẫu để phát hiện TiLV mà không gây chết cho cá.

Nguồn: Sciencedirect được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kinh ngạc: Nuôi tôm trong mùa Đông vẫn lãi tiền tỉ

 Bằng kinh nghiệm và sáng tạo nhiều nông dân đã thành công trong nuôi tâm vụ Đông, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm. Nhiều hộ nuôi tôm vụ Đông thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng.

Kiểm tra mô hình nuôi tôm vụ Đông có mái che chóp nón tại Ninh Bình

Đắm mình với tôm vụ Đông

Là người thành công với trang trại nuôi tôm trong mùa Đông, ngày nào, anh Vũ Thanh Trường cũng trực tiếp lội xuống ao tôm. Anh bảo, phải đắm mình vào ao để cùng làm bạn với tôm, gắn bó với đồng tiền khúc ruột của mình để có được sự điều chỉnh sát về mức nhiệt, quạt, thức ăn, gom bọt sủi… Hãy làm như thế để mình yêu công việc của mình hơn và cũng để anh em công nhân say mê có trách nhiệm với công việc.

Đối với mái che hình chóp nón này, khi có mưa bão việc người đi lại để chỉnh sửa, chằng chéo không mấy khó khăn. Việc che chắn này sẽ cách ly môi trường bên ngoài (trung gian truyền bệnh). Nó không làm thay đổi nhiều và đột xuất nhiệt độ vì thế tôm thích nghi rất tốt. Khác với nuôi tôm không có mái che, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột tôm dễ bỏ ăn, phát sinh dịch bệnh.

“Hiện sản phẩm làm ra chỉ mới cung ứng trong nội địa. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho những hộ nuôi khác”, anh Trường cho biết.

Đáng chú ý, trong kỹ thuật nuôi tôm vụ Đông là phải giữ được nhiệt bên trong ao, nhất là nhiệt độ của nước phải đảm bảo nếu không tôm sẽ chết vì lạnh. Chính vì thế, các ao tôm chóp nón được phủ bạt (khác với bạt ni lông che mạ mùa đông) vì nó có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời.

“Đây được xem là một dạng của hiệu ứng nhà kính trong ao tôm che chóp nón, nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 – 8 độ C. Nhiệt dưới nước vào khoảng 27 – 32 độ C đảm bảo thích nghi của tôm”, anh Trường cho biết.

Lý giải về việc vì sao lại hình thành nên những ao tôm có mái che chóp nón, anh Vũ Thanh Trường cho hay, vùng biển Ninh Bình hàng năm đón nhiều cơn bão. Việc đầu tư nhà 2 mái che như rạp đám cưới sẽ khó giữ được mỗi khi có gió bão, đặc biệt rất khó có thể trèo lên chằng chéo mái che. Qua nghiên cứu các mô hình, nhận thấy mái che chóp nón hướng đón gió ít, thoát gió, chi phí đầu tư rẻ hơn.

Đã có nhiều nông dân ở Cà Mau ra đây tìm hiểu, nhận thấy giá tôm ở đây cao hơn nhiều so với miền trong. Cụ thể, ở đây, thường 28 – 30 con/kg giá bán 320.000 – 350.000đ/kg, trong khi ở miền trong có nơi bán 70 con/kg được 170.000 đồng. Mặc dù điều kiện nuôi tôm ở miền Bắc khắc nghiệt hơn miền Nam.

Lãi tiền tỉ nhờ sản xuất tôm mùa Đông

Từ xa, chúng tôi thấy thấp thoáng những chóp nón đó là các ao nuôi tôm. Trực tiếp chứng kiến và nghe người nuôi tôm kể, chúng tôi thực sự thấm thía sự thông minh sáng tạo của người nông dân. Ông Vũ Hải Đường, một trong những chủ nuôi tôm vùng bãi cát Bình Minh tâm sự, có được thành quả như hôm nay là cả một quãng thời gian dài vật lộn vớn thiên tai bão bùng, nắng gió và cả đau đớn trước những vụ tôm thất bát.

Có mái che “hiệu ứng nhà kính” nhiệt độ nước luôn ổn định nên tôm nuôi 4 vụ/năm phát triển tốt

“Khi một phần đất của Cty TNHH MTV Bình Minh cho khai thác, tôi cùng một hộ dân nữa thuê lại và triển khai nuôi tôm”, ông Đường bắt đầu câu chuyện. Theo đó, 5 năm trước mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh của ông Đường không mấy hiệu quả. Cũng từ đó ông khát khao thay đổi cách làm để không bể nợ.

Theo ông Vũ Hải Đường, với khí hậu miền Bắc, tôm quảng canh chỉ nuôi được 1 vụ chính, 1 vụ phụ trong đó vụ phụ bấp bênh vì thường vào mùa mưa bão. Nuôi tôm quảng canh mật độ thả tôm giống thưa, chi phí thấp, nhân công tận dụng. Sản lượng bấp bênh do chịu tác động lớn bởi thời tiết. Nếu một ao nuôi 5.000 m2 thì chi phí đầu tư khoảng 10 triệu, thu nhập chỉ đạt đến 20 triệu đồng.

“Điều này khác hẳn so với nuôi tôm có mai che. Vì nuôi tôm có mái che sản xuất được 4 vụ trong năm. Mật độ thả tôm giống cao, thường 200 con/m2. Sản lượng đạt 20 – 22 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, thu 20 tấn x 200 triệu đồng/tấn đạt 4 tỷ đồng, trừ chi phí 50% thì phần lãi đạt được là tiền tỷ (2 tỷ đồng) chứ không gói gọn trong mấy chục triệu”, ông Đường nói.

Cũng theo ông Đường, trong nuôi tôm có mái che là người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường. Ví dụ, trước và sau Tết hoặc vào các dịp lễ, hội thì nhu cầu tôm ở miền Bắc sẽ cao. Muốn có nguồn cung kịp thời, chủ động thì chỉ có tôm nuôi mái che mới đáp ứng chứ ao quảng canh không thể.

Đề cập đến tồn tại, hạn chế của nuôi tôm hiện nay, theo những người nuôi tôm chuyên nghiệp ở Ninh Bình đó chính là chúng ta chưa chủ động được nguồn giống. Phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, trong đó Tập đoàn CP của Thái Lan chiếm tỷ lệ lớn. Vì thế, nếu DN nước ngoài cho ra đời mẻ tôm giống tốt thì người nuôi trong nước được nhờ, ngược lại là khổ sở. Một khi tôm giống kém chất lượng thì tôm nuôi sẽ còi cọc, mang mầm bệnh, kéo dài thời gian nuôi, tốn chi phí, giá bán thương phẩm cũng thấp hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số mô hình tôm nuôi có mái che như của ông Đường, anh Trường đều đặt hàng tôm going của CP với những điều kiện gắt gao hơn, sẵn sàng trả phí cao hơn; đồng thời sử dụng thức ăn chế phẩm sinh học để có sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng.

Thị trường tôm vụ Đông rất lớn

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, trước đây người nuôi tôm đã đầu tư khá lớn về vốn và công sức cho hai vụ tôm trong năm. Có nơi nhờ dự án nuôi tôm công nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất. Thế nhưng dịp Tết Nguyên đán và khoảng cuối tháng 3, tháng 4 người tiêu dùng vẫn khan hiếm tôm.

Bằng thực tiễn trải nghiệm và quá trình tìm tòi nghiên cứu, mô hình nuôi tôm vụ Đông đã được triển khai ở Quảng Ninh, Hải Phòng và gần đây là Ninh Bình. Trên những bãi cát hoang vu hay các đầm tôm quảng canh tiêu điều dần được thay thế bởi những ao nuôi hình tròn chóp nón đáp ứng điều kiện sống của tôm vụ đông phía Bắc. Chính cách làm này, nhiều địa phương phía Bắc đã chủ động sản xuất được tôm vụ đông, nâng sản xuất từ 2 vụ lên 4 vụ/năm, doanh thu tăng gấp 3 – 4 lần so với các năm trước.

Bằng quyết tâm đó, ông Đường cùng người góp vốn đã vào miền Nam tìm hiểu, ra Quảng Ninh, Hải Phòng học hỏi rồi về đầu tư vốn liếng hình thành nên 11 ao nuôi có mái che chóp nón, trong đó có 8 ao nuôi, mỗi ao rộng 1.800 m2; các ao còn lại rộng từ 500 – 800 m2.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản rất ấn tượng nuôi tôm vụ đông của ông Vũ Hải Đường (trái)

Không chỉ đam mê với con tôm, “cay cú” với những lần thất bại và món nợ ngân hàng quá hạn, mà cái chính là ông Đường đã nhìn nhận được tiềm năng thị trường tôm vụ Đông ở phía Bắc là rất lớn. Đây chính là động lực thôi thúc ông dốc sức vào đầu tư sản xuất nuôi tôm vụ đông. Ông khẳng định, miền Bắc, nếu không làm ao có mái che sẽ không nuôi được tôm vụ đông.

Đây cũng là quan điểm của nhóm thanh niên ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. Từ một bãi cát được bồi lên sau dự án nạo vét sông Đáy người ta đầu tư dự án nuôi bò sữa thất bại, 5 thanh niên trong làng đã mạnh dạn góp vốn với một quyết tâm biến đồng cát bạc thành vùng tôm trù phú. Nhanh chóng 37ha đất này đã được cấp có thẩm quyền hoàn tất thủ tục cho họ thuê để nuôi tôm.

Anh Vũ Thanh Trường, một trong 5 thanh niên góp vốn chia sẻ, xác định nuôi tôm là phải có điện lưới. Trong khi chờ đợi nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã kéo lưới điện cao thế để đáp ứng nhu cầu cung ứng điện năng cho cả vùng nuôi.

Nguồn: Báo nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Nuôi cá nheo Mỹ trên 0.5ha cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng

Ông Đỗ Văn Nên ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã nuôi thử nghiệm 7650 con cá nheo Mỹ với giá cả như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng…

Ông Đỗ Văn Nên cho biết, năm 2016, gia đình tham gia nuôi thử nghiệm 7.650 con cá nheo Mỹ thương phẩm. Thực tế cho thấy, sau 14 tháng , cá nheo Mỹ cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con, sản lượng đạt gần 18 tấn, với giá thị trường khoảng 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ở Việt Nam có nhiều loài thuộc bộ Cá da trơn như cá trê, cá nheo, cá bông lau, cá ba sa, cá tra v.v. Đại đa số chúng sinh sống tự nhiên trong các ao, đầm, sông, hồ. Chỉ đến gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ loại cá này dưới dạng thực phẩm tăng lên một cách đột biến, một số loài cá thuộc bộ này bắt đầu được các chủ trại nuôi cá ở Việt Nam chăn nuôi.

Cá nheo Mỹ (danh pháp hai phần: Ictalurus punctatus) là một loài cá thuộc chi Ictalurus. Nó là cá chính thức của Missouri, Iowa, Nebraska, Kansas, và Tennessee, và tên trong tiếng Anh không chính thức là “channel cat”. Tại Hoa Kỳ chúng là đối tượng là đánh bắt loài cá da trơn với khoảng 8 triệu người đi câu nhắm vào nó mỗi năm.

Theo báo Bắc Ninh, để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, từ tháng 7 năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình: “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện: Gia Bình và Lương Tài. Sau hơn 1 năm triển khai, có thể khẳng định nuôi cá nheo Mỹ là hướng đi mới giúp cho người nuôi trồng thủy sản nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế…

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 5.350 ha mặt nước đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản. Để khai thác tốt tiềm năng, những năm qua, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như: nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba…

Tháng 7/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện Gia Bình và Lương Tài. Mô hình được triển khai với quy mô 9.000 m2, thả 15.300 con giống tại 2 hộ thuộc xã Bình Dương (Gia Bình) và Trung Kênh (Lương Tài). Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các xã khảo sát chọn hộ tham gia; kiểm tra công tác chuẩn bị ao nuôi, xử lý ao trước khi thả giống; tập huấn kỹ thuật cho hộ dân xây dựng mô hình và cung ứng con giống, thức ăn theo mức hỗ trợ.

Ông Đỗ Văn Nên ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh (Lương Tài), một trong 2 hộ tham gia mô hình cho biết: “Với diện tích 4.500 m2 mặt nước, gia đình từng nuôi nhiều loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chim, rô phi…nhưng hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.

Năm 2016, gia đình Ông Nên tham gia nuôi thử nghiệm 7.650 con cá nheo Mỹ thương phẩm. Thực tế sản xuất cho thấy, cá Nheo Mỹ dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 90% trở lên. Sau 14 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con, sản lượng đạt gần 18 tấn, với giá thị trường khoảng 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng, gấp 3-4 lần so với nuôi các giống cá truyền thống”.

Cá nheo là loài cá nước ngọt, giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, có khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường, chúng ăn các loại thức ăn phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, tôm, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, , giun…, nếu dùng thức ăn công nghiệp thì lượng đạm trên 35% và canxi là 0.45 % mới đảm bảo cho cá phát triển bình thường.

Ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Cùng với mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi cá trắm đen, kết quả khả quan của mô hình nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp đã mở ra triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập có giá trị, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân…”.

Từ hiệu quả của mô hình thử nghiệm cần khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá nheo Mỹ, cá lăng để tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Theo ông Vũ Thái Ninh, cá nheo Mỹ cũng là nguồn tạo ra sản phẩm có ý nghĩa xã hội cao, nguồn thực phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nuôi cá nheo Mỹ cần vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất… vì vậy, để nhân rộng mô hình, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Nguồn: Báo thương hiệu và pháp luật được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người dân tập trung chăm sóc ao nuôi tôm sau bão

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, toàn tỉnh còn hơn 3.500 ha nuôi tôm chưa thu hoạch. Do ảnh hưởng của bão làm môi trường ao nuôi biến động. Sau bão, người nuôi tôm đang khẩn trương xử lý, ổn định môi trường ao nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 3.516ha nuôi tôm trên đồng và không có loại hình nuôi lồng, bè.

Gần 3.000 mét vuông nuôi tôm thẻ của gia đình anh Ngô Thanh Tuấn ở xã Hòa Đông đã được 50 ngày, dự kiến Tết nguyên đán sẽ thu hoạch. Để chủ động ứng phó với bão, trước đó anh đã giảm mực nước trong ao phòng khi mưa lớn. Tuy nhiên, cơn mưa kéo dài trong ngày và đêm 25/12, đã làm giảm độ mặn, độ kiềm và độ PH trong ao. Để ổn định lại môi trường, anh đã bổ sung vôi và khoáng để tôm lấy lại sức, giúp tôm đã lột cứng vỏ, phục hồi nhanh. Ông Dương Hoàng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết: Toàn xã còn 500 ha tôm chưa thu hoạch, trong đó 50% diện tích trên 75 ngày tuổi. Trong thời gian bão, mưa nhiều làm đục ao nuôi, xã đã cử cán bộ xuống hộ dân hướng dẫn bà con xử lý ao.

Ngoài sự chủ động của địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cán bộ trực tiếp đến hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách xử lý để ổn định ao nuôi, giúp tôm phát triển tốt. Trong 3.500 ha tôm chưa thu hoạch trong tỉnh tập trung ở xã Vĩnh Tân, Lai Hòa và Hòa Đông của thị xã Vĩnh Châu. Thời tiết nắng tốt trở lại, các hộ tập trung chăm sóc ao tôm, mong là sẽ có vụ nuôi thắng lợi .

Rãi vôi xử lý nước ao nuôi tôm sau bão

Chi cục Thủy sản cũng có lưu ý đến bà con nuôi tôm, để quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi cần: dự trữ nước ao lắng để lấy nước đã được xử lý bằng phương pháp sinh học (cá rô phi, vi sinh…) để thường xuyên cấp bổ sung cho ao nuôi nhằm duy trì độ sâu và ổn định chất lượng nước cho ao nuôi; vận hành phần cống xả tràn để ổn định mức nước của ao nuôi, tăng cường sử dụng quạt nước để tránh phân tán nhiệt độ, tăng hàm lượng oxy và giảm độc tố của các khí độc như H2S, NH3… nhất là vào ban đêm; phối hợp với việc sử dụng vi sinh có chất lượng trong quá trình nuôi; kiểm soát lượng bùn đáy trong ao để hạn chế phát sinh độc tố và mầm bệnh.

Đối với việc quản lý cho ăn, cần theo dõi sự biến động môi trường nhất là pH, nhiệt độ… lưu ý khi nhiệt độ nước trong ao dưới 24ºC nên giảm thức ăn hoặc thậm chí không cho ăn khi thời điểm nhiệt độ xuống thấp, nên cho ăn bằng sàn nhằm điều chỉnh, bổ sung các khoáng chất và vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Riêng đối với diện tích chuẩn bị cho vụ mới, người nuôi cần chuẩn bị theo quy trình kỹ thuật nuôi và chờ thông báo của lịch khung thời vụ.

Nguồn:  Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhà nông xứ Huế: Làm giàu nhờ sinh sản thành công giống lươn đồng

Mô hình“Sinh sản lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo” (SSLĐBPPBNT) vừa được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thành công, mở ra cơ hội mới, đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản (NTTS), giảm áp lực khai thác nguồn lươn tự nhiên.

Sinh sản lươn đồng nhân tạo thành công tại gia đình ông Hoàng Huế ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).

Ông Hoàng Huế ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) được TTKN tỉnh chọn triển khai mô hình SSLĐBPPBNT với quy mô diện tích 30m2. Có kinh nghiệm nuôi tôm, cá từ nhiều năm nay nên ông Huế dễ dàng tiếp cận, ứng dụng mô hình nuôi lươn đồng.

“Ban đầu cũng khá lúng túng vì mô hình còn mới, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, chỉ trong thời gian ngắn tui đã tiếp thu các quy trình kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất giống lươn đồng”, ông Huế chia sẻ. Sau 8 tháng nuôi, ông Huế đã thu được 44 tổ trứng với số lượng ước chừng 15.360 trứng, tỉ lệ nở 72,9%; tỉ lệ ương từ bột lên giống đạt 64,4%, số lươn giống thu được là 7.209 con giống.

Những năm gần đây, NTTS trên đầm phá Tam Giang ngày càng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường. Các đối tượng nuôi khó thích nghi môi trường thay đổi đột ngột, nhất là nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ. Mô hình lươn đồng tuy mới nhưng khá dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, môi trường ở nhiều địa phương. Đây chính là cơ hội cho người dân vùng đầm phá trong việc đa dạng hóa các đối tượng NTTS trong điều kiện ứng phó BĐKH.

Ngoài đa dạng mô hình NTTS, giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi lươn đồng không đòi hỏi diện tích lớn, có thể tận dụng sân vườn nuôi tại chỗ. Vốn đầu tư cho mỗi mô hình khá thấp, với mỗi bể nuôi khoảng 30m2, kể cả giống, thức ăn, xây dựng bể chỉ khoảng 20-30 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa chủ động được nguồn lươn giống, chủ yếu mua ở các tỉnh phía nam, giá thành cao và tỷ lệ sống thấp.

Lươn đồng hiện nay ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức, trong khi thị trường tiêu thụ mạnh, giá trị kinh tế cao. Giá bình quân mỗi kg lươn đồng dao động từ 150-200 ngàn đồng, trong khi các loại cá chỉ 50-100 ngàn đồng; kể cả tôm sú cũng chỉ từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg. Lươn đồng không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng, làm thức ăn hằng ngày mà còn được các nhà hàng, khách sạn chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.

Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên người dân khai thác quá mức nên nguồn lươn đồng trên các vùng đầm phá có nguy cơ cạn kiệt gây mất cân bằng sinh thái. Vậy nên mô hình nuôi lươn đồng khi được nhân rộng sẽ giảm áp lực khai thác nguồn lươn tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc TTKN tỉnh đánh giá, mô hình SSLĐBPPBNT tại thị trấn Sịa bước đầu thử nghiệm thành công, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được quy trình sản xuất giống lươn đồng; góp phần từng bước chủ động nguồn giống lươn cho nuôi thương phẩm có chất lượng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nhiều địa phương. Lâu nay, mô hình nuôi lươn chủ yếu theo mùa, thường từ tháng 3 đến tháng 9; sắp đến sẽ nghiên cứu sản xuất giống để nuôi quanh năm. TTKN tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng, sau đó tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao cho người dân.

Theo ông Phi, để nhân rộng mô hình sản xuất giống, cũng như nuôi lươn đồng thương phẩm cần xã hội hóa trong việc đầu tư nguồn lực tài chính. Các địa phương chủ động đầu tư kinh phí, quy hoạch, định hướng và có chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình. Cơ quan chức năng, TTKN có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Lâu dài, Nhà nước cần xây dựng các cơ sở ương giống tại một số địa phương để cung ứng nhu cầu sản xuất cho người dân.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Acid folic đối với tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii

Các nhà khoa học Ấn Độ đã đề xuất rằng có thể bổ sung folic acid giúp kích thích tôm tăng trưởng, hiệu quả tiêu hóa thức ăn và hệ thống phòng chống oxy hoá của tôm càng xanh M. rosenbergii.

Acid folic tăng cường tăng trưởng và sức đề kháng của tôm. 

Vitamin được coi là các hợp chất hữu cơ có trọng lượng phân tử thấp được sử dụng với số lượng nhỏ để duy trì sự trao đổi chất, tăng trưởng bình thường và sức khoẻ của cá. Acid folic là một dạng vitamin hòa tan trong nước, rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất amino acid và nucleotide, tăng trưởng và sức khoẻ của hầu hết các loài động vật thủy sinh.

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là một đối tượng thủy sản cho năng suất cao, tăng trưởng nhanh, rộng muối và có các sức sống rất cao như chịu nhiệt độ, kháng bệnh cũng như hương vị cao của nó và giá trị thương mại cao. Ngoài ra còn là nguồn dinh dưỡng bổ sung protein, axit amin thiết yếu, axit béo không bão hòa và ít chất béo. Do đó, nó có thể được sử dụng như là một lựa chọn an toàn cho người tiêu dùng.

Có nhiều nghiên cứu về các yêu cầu dinh dưỡng của tôm càng xanh, nhưng những thông tin liên quan đến nhu cầu vitamin và chức năng dinh dưỡng của tôm vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, không có thông tin về hiệu quả chống oxy hoá và các thông số sinh học huyết thanh của acid folic đối với tôm càng xanh M. rosenbergii, những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm.

Một thử nghiệm của các nhà khoa học Ấn Độ cho ăn kéo dài 12 tuần đã được tiến hành để xác định tác động của việc bổ sung acid folic trong chế độ ăn đối với hoạt động của enzym tiêu hóa, thành phần cơ, đáp ứng miễn dịch, khả năng chống oxy hoá và hoạt tính enzyme của tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii.

Thí nghiệm

Các nghiệm thức được bổ sung axit folic với tỷ lệ 0 (đối chứng), 0,5; 1,0; 2,0;4,0 và 8,0 mg/kg trọng lượng thức ăn khô. Axit folic bổ sung vào thức ăn và cho tôm càng xanh M. rosenbergii ăn trong thời gian 90 ngày.

Kết quả

Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy trọng lượng cơ thể cuối cùng, tăng trọng, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cải thiện đáng kể (P <0,05) khi mức acid folic bổ sung tăng lên từ 0,5 đến 2,0 mg/kg. Tuy nhiên, những con tôm ăn với thức ăn bổ sung 4,0-8,0 mg/kg acid folic cho thấy hiệu quả lại kém hơn.

Thêm vào đó, tôm ăn 0,5 – 2,0 mg/kg khẩu phần bổ sung acid folic cải thiện đáng kể hoạt tính tăng trưởng, hoạt động của enzym tiêu hóa và các thành phần sinh hóa trong cơ. Trong khi tôm ăn khẩu phần bổ sung trên 2,0 mg/kg acid folic cho thấy nồng độ protein tổng số (p <0,05) cao hơn đáng kể.

Tác dụng chống oxy hoá của hoạt tính enzym (SOD, CAT) trong cơ không thấy có sự thay đổi đáng kể (P> 0,05) đối với nhóm tôm nuôi ăn chế độ ăn bổ sung axit folic 0,5 – 2,0 mg/kg.

Kết luận

Từ các kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã đề xuất rằng có thể bổ sung 2,0 mg/kg acid folic giúp kích thích tôm tăng trưởng, tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn và hệ thống phòng chống oxy hoá của tôm càng xanh M. rosenbergii.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bùng nổ thị trường cá cảnh

Cá cảnh ngày càng chứng tỏ lợi thế trong nền nông nghiệp đô thị ở TPHCM. Mặc dù có bước khởi động khá chậm, nhưng khi đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu nuôi

Cá cảnh tại Hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm lần 6 (Hi-Tech Agro 2017) 

Nội địa vẫn là chủ yếu

Là người có thâm niên với nghề nuôi cá cảnh, ông Tống Hữu Châu, chủ Trại cá cảnh Châu Tống (quận 12), kể lại câu chuyện trước đây ông chỉ quan tâm đến việc nuôi cá để xuất khẩu. Có lần tình cờ đến cửa hàng bán cá cảnh gần một khu công nghiệp, ông thấy có nhiều công nhân vào xem.

Lân la hỏi chuyện, các cô cho biết chọn mua vài con về nuôi để khi rảnh rỗi nhìn cá bơi tung tăng trong hồ nhỏ nhắn cũng giúp thư thái tâm hồn, nhẹ nhàng đầu óc, giảm bớt căng thẳng sau những giờ làm việc. Lúc đó, ông Hữu Châu mới nghiệm ra thêm một điều, cá cảnh không chỉ dành cho giới có tiền, nuôi những con cá giá trị hàng triệu đồng; trước đây là các loại cá rồng như kim long, hồng long… còn gần đây có cá Koi – cá chép Nhật Bản. Như vậy, đối tượng nuôi cá giải trí đã được mở rộng, phổ cập nhiều hơn ở thị trường nội địa.

Những nhà cung cấp cá cảnh cho biết, hiện thị trường bán lẻ rất mạnh, không chỉ ở TPHCM hay vài TP lớn như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng hay Hải Phòng mà nhu cầu đã xuất hiện ở nhiều TP nhỏ thuộc các tỉnh, kể cả khu vực Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Pleiku.. Đó chính là điều kiện giúp ngành cá cảnh phát triển mạnh hơn.

Tiềm năng còn nhiều nhưng theo ông Lê Như Phú, chủ Cơ sở cá cảnh Phú Khang (quận 12, TPHCM), hạn chế của nghề nuôi cá cảnh hiện nay là quy mô cực nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, dù có nhiều người nuôi (285 cơ sở với sản lượng 135 triệu con) nhưng không mạnh. Các cơ sở hay trang trại nuôi manh mún, quá ít sản phẩm để chào hàng.

Với nghề này, PGS-TS Vũ Cẩm Lương, Đại học Nông Lâm TPHCM, nhận xét xu hướng tiêu dùng của ngành này đòi hỏi phải luôn mới và lạ. Trong khi các cơ sở sản xuất, nuôi cá cảnh đa phần sản xuất giống thuần túy có sẵn, một số loại giá trị bị suy thoái về chất lượng con giống. Bên cạnh đó, một số loài cá cảnh trong tự nhiên đã gần như tuyệt chủng như cá Thái Hổ… Nguồn giống vì vậy thiếu đa dạng và hiện chỉ tập trung vài loại đã có thương hiệu tốt như cá dĩa.

Việc lai tạo chọn các loại giống cá mới là vấn đề cần quan tâm. Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi), cho biết ngày càng phát sinh thêm nhiều dòng cá cảnh nằm trong danh mục của Cites ở dòng cá nước ngọt, đặc biệt là trên một số loại sinh vật biển. Điều này càng đặt ra việc nhân giống, lai tạo sinh sản là vô cùng cần thiết cho ngành cá cảnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và thị hiếu thường xuyên thay đổi của thị trường. Việc đa dạng loài là nhu cầu lớn và không kém phần thách thức. Vì vậy, nhập một số cá cảnh từ nước ngoài về bán và làm giống là phổ biến.

Những năm gần đây, Công ty Saigon Aquarium, Công ty Hải Thanh chuyên về cá chép Koi, Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức… và một số hộ mua cá từ nước ngoài về để sản xuất giống mới. Đa phần con giống mới được cung cấp thị trường trong nước giúp phong phú và đa dạng hơn giống loài cho thú chơi cá cảnh của người dân, nhưng danh mục con giống cá cảnh được nhập còn hạn chế.

Việc Tổng cục Thủy sản chỉ cho đăng ký 2 lần/năm, gây khó cho người làm giống khi muốn nhập khẩu nếu phát hiện nhu cầu của thị trường. Các nhà sản xuất cá cảnh cũng đề xuất cách tính thuế nhập khẩu cá cảnh về làm giống cần thật sự ưu đãi, dễ dàng, giúp nghề nuôi cá cảnh còn khá non trẻ có điều kiện làm mới con giống, đáp ứng nhu cầu mới và lạ trên thị trường.

Cá cảnh và sinh vật cảnh

“Vài năm nữa khi thuế suất bằng 0%, cá cảnh từ các nước ASEAN như Thái Lan… có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam, tham gia vào thị trường bán lẻ. Đó là viễn cảnh rất gần. Vì vậy, phải đứng vững “trận địa” trong nước trước khi nói đến xuất khẩu”, ông Tống Hữu Châu nêu ý kiến. Theo ông Châu, thị trường nội địa cần được tổ chức lại, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm vì nếu không có sự liên kết hay hợp tác sẽ làm rối loạn thị trường, người sản xuất bị ép giá.

TPHCM đã có các chính sách phát triển nghề nuôi cá cảnh, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, nhưng mức độ phát triển nghề nuôi cá cảnh, tỷ trọng xuất khẩu vẫn còn khá thấp so với khả năng và tiềm lực. Ông Lê Hữu Thiện cho rằng, trình độ tay nghề của Việt Nam không thua các nước nhưng lại yếu về tổ chức và xúc tiến thương mại. Mặc dù rất muốn sản xuất cá cảnh tập trung để có điều kiện hợp tác, nhưng theo ông Lê Như Phú, trong bối cảnh hiện nay, mô hình vệ tinh là khả thi. Liên kết hình thành giữa doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất nhỏ để bán cái thị trường cần thay vì bán cái người nuôi có.

Là người nghiên cứu về thị trường cá cảnh, PGS-TS Vũ Cẩm Lương cho rằng, cần hình dung đầy đủ về thị trường cá cảnh để mở rộng thị trường nội địa. Đề cập đến công thức 10-90, PGS-TS Vũ Cẩm Lương so sánh giá trị cá cảnh chỉ khoảng 10% với người chơi cá cảnh, 90% còn lại là khâu thiết kế ao bể, trang thiết bị, tư vấn dịch vụ, chăm sóc khách hàng… Đó là những dịch vụ giúp gia tăng giá trị thị trường cá cảnh nói chung. Ngay cả thiết bị cho hồ cá cũng rất cần đa dạng như bao bạt, bể đất, lu hũ, chum vại, bể kính, cây thủy sinh… Vì vậy, mở rộng thị trường bằng việc đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, có sự tương hỗ lẫn nhau, dần hình thành tour du lịch cá cảnh và sớm có chợ đầu mối sinh vật cảnh là điều cần thiết để nghề nuôi và thú chơi cá cảnh phát triển.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.