Tại sao côn trùng chưa được chấp nhận như là một nguồn protein để sản xuất thức ăn chăn nuôi?

Sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết trong tương lai. Chúng ta cần phải khẩn trương tìm một nguồn protein mới và côn trùng là một nguồn cung cấp protein có tiềm năng trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ côn trùng có chất lượng tương đương với các sản phẩm sản xuất từ bột cá và đậu nành dùng trong nuôi trồng thủy sản và trong chăn nuôi. Ngoài ra, chi phí thức ăn và diện tích đất để sản xuất 1 kg protein từ côn trùng cũng nhỏ hơn rất nhiều so với sản xuất 1 kg protein từ thịt động vật. Tuy nhiên, các quy định và pháp luật hiện hành có liên quan phải được xem xét để có thể chấp nhận việc sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bài viết trình bày về những thuận lợi và khó khăn khi sử dụng côn trùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nó cũng cung cấp một cái nhìn rõ ràng về các văn bản pháp luật hiện hành và những thay đổi cần phải thực hiện để hợp thức hóa việc sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

1. Những thuận lợi của việc sử dụng côn trùng làm thức ăn

– Có thể thay thế thịt

Bên cạnh việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho động vật, côn trùng còn có thể dùng làm thức ăn cho con người. Côn trùng được xem là một loại “gia súc mini” chúng chiếm một không gian sinh thái rất nhỏ so với nuôi các loài động vật cung cấp thịt khác. Giá trị dinh dưỡng của côn trùng tương tự như thịt bò. Hơn nữa, côn trùng còn chứa rất nhiều acid béo đa phân tử không bão hòa và rất nhiều khoáng chất, ví dụ như sắt.

Thực tế là các nguồn protein thay thế thịt có nhu cầu rất lớn trên thị trường do tốc độ gia tăng dân số trên thế giới ngày một nhanh, nhu cầu protein cũng rất lớn và liên tục tăng hàng năm. Nguồn cung cấp protein thông thường từ động vật đang ngày càng hạn chế. Côn trùng là một nguồn thức ăn đầy hứa hẹn cho con người và nó hiện là một phần trong chế độ ăn uống của hơn 2 triệu người trên thế giới. Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và Hà Lan hiện đang nuôi côn trùng dùng làm thức ăn cho con người ở quy mô lớn.

– Thành phần sản xuất thức ăn bền vững

PROteINSECT là một dự án về sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi đang được triển khai nhằm cung cấp nguồn protein dùng để sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Một trích dẫn trong dự án cho biết “Côn trùng đang ngày càng được công nhận như là một nguồn protein thay thế tuyệt vời trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.” Ngoài ra, có rất nhiều loài côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao và sản xuất (nuôi) chúng rất ít có tác động tiêu cực đến môi trường so với nuôi động vật lấy thịt hay khai thác cá làm bột cá ở biển. Cũng theo dự án này, côn trùng rất dễ nuôi và phát triển rất nhanh trong các môi trường chất thải hữu cơ ví dụ như các loại rau củ thối, chất thải sinh hoạt.

 Ruồi lính đen trưởng thành 

– Chi phí nuôi côn trùng rất thấp

Một công ty mới thành lập của Pháp có tên là Ynsect đã tìm ra được một phương pháp thay thế protein từ đậu nành có giá rẻ và sẵn có ở địa phương trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ruồi lính đen, ấu trùng ruồi nhà (con dòi), con tằm (silkworm) và sâu quy hay sâu bột (mealworm) được xem là các loài có triễn vọng nhất đối với ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi theo báo cáo mới đây của FAO và cơ quan lương thực Liên hiệp quốc. Theo FAO, nguồn protein như là bột thịt, bột cá và bột đậu nành chiếm tới 60-70% giá thức ăn chăn nuôi.

– Chất lượng thịt của động vật nuôi tốt hơn 

Yaohui Che, người làm việc trong một nông trại ở Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết “Nuôi gà với côn trùng giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của gà. Ngoài ra, nó cũng giúp cải thiện đáng kể chất lượng thịt gà.” Các thông tin này hy vọng giúp cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Châu Âu hiểu rõ hơn về nguồn protein mới này.

– Cung cấp nguồn protein bền vững hơn

Elaine Fitches, điều phối viên của dự án PROteINSECT cho biết “Chúng ta biết dân số thế giới ngày một gia tăng, con người ăn thịt nhiều hơn và vì thế chúng ta cần sản xuất một nguồn protein bền vững hơn.” FAO dự tính rằng thế giới cần gia tăng sản lượng thức ăn lên 70% vào năm 2050 để đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho khoảng 9 tỷ người. Sản xuất thức ăn chăn nuôi đang ngày càng cạnh tranh các nguồn tài nguyên (đất, nước, phân bón) với con người, với vấn đề đô thị hóa và thiên nhiên.

 Ấu trùng ruồi lính đen

– Phản ứng của các công ty 

Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Hà Lan Coppens và Công ty sản xuất côn trùng Hà Lan Protix Biosystems đã ký một thỏa thuận về việc sử dụng bột côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc. Khi luật pháp cho phép, các công ty có sẵn tất cả mọi thứ để sử dụng bột côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Họ sẽ sử dụng 200 tấn chất béo từ côn trùng và 300 tấn protein từ côn trùng. Nguồn nguyên liệu này đủ để sản xuất đủ 15.000 tấn thức ăn hỗn hợp cho chăn nuôi. Nguồn chất béo và protein này được cung cấp từ ấu trùng ruồi lính đen. Công ty Protix sản xuất được khoảng 2,5-3 tấn côn trùng mỗi tuần.

Ruồi lính đen được chọn nuôi do nó có chu kỳ sống ngắn và đẻ nhiều trứng. Chất béo (tinh khiết) được chiết xuất từ ấu trùng ruồi lính đen đã được chấp thuận sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và nó sẽ là nguồn cung cấp chính cho công ty Coppens. Công ty Coppens muốn kết hợp các thành phần từ côn trùng để sản xuất các loại thức ăn đặc biệt, ví dụ như dùng cho heo con. Tỷ lệ tiêu hóa cao của nguyên liệu chế biến thức ăn từ côn trùng rất phù hợp và tốt cho giai đoạn nhỏ của động vật. Cả hai công ty nhấn mạnh rằng côn trùng sẽ là một phần của nguồn thức ăn có nguồn gốc tự nhiên cho gà và lợn. Chất kitin có trong khung xương của côn trùng còn có tác dụng chống lại vi khuẩn. Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng từ côn trùng cũng đang được nghiên cứu thêm.

– Các loài côn trùng phù hợp

Trên thế giới có khoảng hơn 1900 loài côn trùng có thể ăn được. Thực tế cho thấy rằng, ấu trùng của ruồi lính đen, ruồi nhà và sâu bột là rất phù hợp cho việc sử dụng các nguồn chất thải hữu cơ quy mô lớn và thích hợp cho sản xuất protein quy mô lớn. Do đó, các loài này rất phù hợp để nuôi và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Theo dự tính, trong vòng 7 năm tới sẽ có khoảng 80 cơ sở sản xuất quy mô lớn đạt kim ngạch 420 triệu euro. Côn trùng là loài máu lạnh và do đó nó rất có hiệu quả trong việc biến các nguồn sinh khối có giá trị thấp thành nguồn protein có giá trị cao. Hàm lượng protein thô cao nhất trong nhộng ruồi nhà là 65,7% và thấp nhất là trên ấu trùng ruồi lính đen 38,9%.

– Một trường hợp điển hình: Công ty AgriProtein

Công ty AgriProtein thu gom các chất dinh dưỡng từ các lò giết mổ bao gồm máu và ruột để nuôi ruồi. Những quả trứng ruồi sẽ nở thành ấu trùng (dòi) và phát triển với tốc độ phi thường. Ấu trùng ruồi sau đó sẽ là nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá và gà. Một kg trứng ruồi sẽ phát triển thành 380 kg ấu trùng trong vòng 72 giờ. Thành phần dinh dưỡng của bột cá và ấu trùng ruồi gần như giống nhau, do đó nó được chọn lựa như là một sự thay thế tuyệt vời cho bột cá khi công ty AgriProtein bắt đầu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm thức ăn chăn nuôi của hãng. Công ty dự tính sản phẩm thức ăn chăn nuôi của hãng sẽ có giá rẻ hơn so với thức ăn làm từ bột cá, khoảng 900 USD/tấn so với 1.350 USD/tấn. Thế giới đang rất cần một nguồn cung cấp protein mới và bền vững hơn. Trong đó, ấu trùng ruồi là một nguồn protein thay thế tuyệt vời.

2. Những khó khăn khi sử dụng côn trùng làm thức ăn

– Cần nhiều thông tin hơn về việc sử dụng côn trùng làm thức ăn

Trong số hơn 1.300 người được hỏi ở 71 quốc gia, đại đa số (88,2%) cho rằng họ cần biết nhiều thông tin hơn về việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho người và động vật. Trong khi đó, có khoảng 66% người trả lời rằng ấu trùng ruồi là một nguồn protein phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, có tới hơn một nửa (52,4%) người cho rằng không nên cho cá, gà và heo ăn thức ăn có chứa nguồn protein từ côn trùng vì họ không có thông tin đầy đủ về chủ đề này.

Rhonda Smith thuộc dự án PROteINSECT cho biết chúng ta cần phải tích cực công bố các thông tin cần thiết về việc sử dụng nguồn protein từ côn trùng đến công chúng. Hendrik de Vor, Tổng giám đốc công ty Coppens cho rằng chi phí sản xuất bột côn trùng hiện tại vẫn còn cao nhưng ông cho biết tiềm năng của việc sử dụng côn trùng trong tương lai là rất lớn. Công ty Coppens của ông muốn sử dụng côn trùng để làm thức ăn cho heo con, nhưng những ảnh hưởng của nguồn dinh dưỡng từ côn trùng lên heo con vẫn chưa được biết chính xác và cần phải nghiên cứu thêm.

– Các quy định và vấn đề pháp lý có liên quan đến việc sử dụng côn trùng

Hiện tại, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho động vật bị cấm (2014). Như đã đề cập ở trên, các chất béo tinh khiết được chiết xuất từ ấu trùng côn trùng đã được phép sử dụng trong chế biến thức ăn động vật. Tuy nhiên, việc sử dụng protein từ côn trùng trong thức ăn chăn nuôi vẫn bị cấm do các bộ luật an toàn và chất lượng khác nhau, ví dụ như quy định TSE của Châu Âu về việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Trong các điều luật này, côn trùng thường được liệt kê trong danh mục “động vật nuôi- farm animal”. Do đó, côn trùng không thể được sử dụng để chế biến thức ăn cho một loài động vật nuôi khác. Theo TSE quy định, côn trùng được xem là protein động vật và như vậy nó không được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn cho heo và gia cầm. Ngoài ra, chứng nhận GMP+ cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp với côn trùng. Ngoài ra, cũng cần phải có luật về việc sử dụng an toàn các chất thải như là rau củ quả thối, nước và phân dùng để nuôi côn trùng một cách có hiệu nhất.

– Cần quy mô lớn hơn nữa

Một ví dụ, muốn thay thế 5% lượng thức ăn cho gà thịt nuôi ở Hà Lan trong một năm cần phải cung cấp đủ khoảng 75.000 tấn côn trùng! Một cơ sở sản xuất côn trùng quy mô nhỏ có thể cung cấp 1 tấn/ngày (365 tấn/năm), do đó phải cần tới 200 công ty sản xuất côn trùng mới đủ đáp ứng 5% nhu cầu. Vì vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất côn trùng là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường thức ăn chăn nuôi đang ngày càng lớn mạnh.

Sâu bột 

– Cần thêm các đánh giá rủi ro

Cần có thêm nhiều nghiên cứu về khả năng tiêu hóa dinh dưỡng của thức ăn sản xuất từ côn trùng. Nghiên cứu chỉ số amino acid thiết yếu của ruồi lính đen, ruồi nhà và sâu bột cho thấy các nguồn protein này cung cấp lượng amino acid thiết yếu vượt hơn nhu cầu tăng trưởng cần thiết của gà thịt và heo. Để thay thế hoàn toàn bột đậu nành trong thức ăn nuôi heo thịt và gà thịt cần khoảng 685,000 tấn côn trùng. Ngoài ra, đánh giá các rủi ro để tiếp tục sử dụng côn trùng như là một thành phần để sản xuất thức ăn chăn nuôi là cần thiết để xây dựng và phát triển các quy định pháp lý khác.

– Chi phí chế biến cao

Ấu trùng của các loài côn trùng như ruồi lính đen, ruồi nhà và sâu bột cần phải được xử lý để có thể sử dụng như là một nguồn nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thời hạn sử dụng của các loài côn trùng phụ thuộc vào các phương pháp chế biến và xử lý ví dụ như đông lạnh hay đông lạnh khô sẽ cho thời gian sử dụng lâu hơn so với các phương pháp chế biến khác, tuy nhiên đây là các phương pháp xử lý rất tốn kém.

– Phúc lợi động vật đối với côn trùng

Vấn đề phúc lợi động vật (animal welfare) cũng có liên quan đến các cơ sở nuôi côn trùng. Côn trùng hàng ngày được xem là các loài gây hại và gây ô nhiễm. Nhưng ngay khi chúng được nuôi dùng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, các quy tắc về quyền lợi của động vật và giết chúng cũng phải được quy định cụ thể. Hiện tại, các kiến thức về vấn đề này vẫn còn thiếu. Để đảm bảo rằng côn trùng được nuôi không chịu đau đớn, tổn thương, bệnh tật và sống một cách thoải mái, các định nghĩa về đau đớn và chịu tổn thương cũng cần phải được áp dụng đối với côn trùng. Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Wageningen đang tiến hành một nghiên cứu để xác định liệu côn trùng có cảm giác đau đớn hay không.

3. Những việc cần làm tiếp theo

– Giảm chi phí nuôi và chế biến côn trùng

Điều này là cần thiết để có thể sử dụng côn trùng như là một nguồn protein trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các vấn đề có thể xem xét để giảm chi phí sản xuất như sau:

+ Gia tăng hiệu quả sử dụng thức ăn của côn trùng
+ Giảm chi phí nhân công lao động bằng cách ứng dụng cơ giới hóa, tự dộng hóa và các dịch vụ hậu cần
+ Giảm chi phí vận hành trang trại nuôi bằng cách nuôi côn trùng ở quy mô lớn
+ Giảm sử dụng năng lượng, trao đổi nhiệt độ và thông gió
+ Chỉ chọn nuôi loài côn trùng giàu protein
+ Giảm chi phí chế biến

– Những nghiên cứu bổ sung

Hiện nay sản lượng côn trùng thấp chủ yếu tập trung vào các đối tượng động vật nuôi trong các vườn thú và các cửa hàng thú cưng. Để sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cần thêm có nhiều nghiên cứu như:

+ Giá trị thức ăn
+ Tỷ lệ bổ sung côn trùng trong thức ăn của động vật
+ Phân tích giá trị và các thành phần dinh dưỡng của côn trùng
+ An toàn khi sử dụng các chất thải sinh học để nuôi côn trùng
+ Chiết xuất các chất dinh dưỡng từ côn trùng
+ Thời hạn sử dụng
+ Khả năng sử dụng các sản phẩm sau khi nuôi và thu hoạch côn trùng

4. Kết luận

Để sử dụng côn trùng như là một nguồn nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi ở quy mô lớn cần phải gia tăng sản lượng sản xuất côn trùng cả về số lượng lẫn chất lượng; giảm giá thành nuôi côn trùng để cạnh tranh với các nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi khác; xây dựng các chuỗi bao gồm nguồn cung cấp chất thải hữu cơ sinh học dùng để nuôi côn trùng, các công ty nuôi côn trùng, công nghiệp chế biến các loại côn trùng, công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất gia súc, gia cầm, thủy sản và cả ngành phân phối và bán lẻ; vận động hành lang ở khu vực Châu Âu để sớm chấp nhận sử dụng côn trùng như là một thành phần trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tóm lại, để đẩy mạnh việc ứng dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cần làm rất nhiều việc đặc biệt là vấn đề pháp lý.

Nguồn: Aquanetviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

LẠ MÀ HAY: Làm bể lót bạt, nhấc dây ni lông, lươn bơi ra cả đám

Anh Vũ Minh Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có cách nuôi lươn lạ mà hay. Anh làm bể lót bạt, thả 5 chùm dây ni lông làm nơi trú ẩn, nghỉ ngơi cho lươn. Khi cho lươn ăn, nhấc chùm dây ni lông lên, lươn bơi ra cả đám…

Với chỉ 10m2 bể lót bạt nuôi lươn tranh thủ sau giờ làm việc mà anh Vũ Minh Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Không cần đào ao hay xây bể bằng xi măng mà chỉ cần dùng bạt nilông và tre để dựng khung làm chỗ nuôi, anh Vũ Minh Thắng đã áp dụng thành công mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt. Mô hình này còn giúp người nuôi tiết kiệm chi phí và ít hao hụt lươn trong quá trình nuôi.

Ra thăm bể nuôi lươn sau giờ đi làm về, anh Thắng dỡ từng chùm dây phổi (chùm dây kết bằng ni lông) trên mặt nước, bầy lươn trú ngụ nghe động tĩnh liền lúc nhúc bơi ra. Anh Thắng khoe: “Lúc mới thả 1.000 con lươn giống vào bể này, con nào con nấy chỉ nhỏ bằng chân nhang thôi. Vậy mà sau 7 tháng nuôi, có con đã đạt tới hơn 200 lạng, con nhỏ nhất cũng nặng hơn 1 lạng. Trưa nay có thương lái ở huyện Mỹ Tú vô coi, họ ra giá hơn 130.000 đồng/kg và hẹn tôi 2 tháng sau sẽ bắt”.

Để áp dụng mô hình nuôi lươn bằng bể lót bạt, có treo chùm dây ni lông này, hơn 7 tháng trước, anh Thắng đã tự tìm hiểu thông tin từ các hình thức nuôi lươn ở các tỉnh khác qua các báo, đài và nhận thấy mô hình nuôi lươn trong bể rất tiềm năng và có thể áp dụng tại địa phương. Sau khi nghiên cứu và được tập huấn quy trình và kỹ thuật nuôi lươn tại địa phương, anh Thắng đã mạnh dạn làm bể để nuôi tại khoảng đất trống kế bên nhà.

Theo đó, bể nuôi lươn được anh Thắng thiết kế rất đơn giản, bằng cách lót bạt nilông trên một khoảng đất trống có diện tích 10m2 và dựng 4 góc bạt cao lên chừng 8 tấc (80cm), rồi dùng tre đóng khung cố định xung quanh, sau đó lấy nước vào và thả 1.000 con lươn giống. Trên mặt nước, anh Thắng phủ 5 chùm dây được kết bằng nilông (chùm dây phổi) để tạo chỗ cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi, trú ẩn.

Với thiết kế như trên, mức chi phí đầu tư cho mô hình thấp hơn so với các hình thức nuôi lươn trong bể ximăng, người nuôi không tốn kém nhiều trong việc trang bị bạt lót hay cây cối để dựng khung. Mô hình nuôi lươn lót bạt này cũng đồng nghĩa với việc môi trường nuôi lươn không có bùn, đất.

Anh Thắng chia sẻ: “Với bể lót có diện tích 10m2, có thể nuôi 1.500 con lươn nhưng tôi thả thưa 1.000 con để chúng sinh trưởng nhanh. Nguồn nước để nuôi cũng được tôi xử lý sạch sẽ, đảm bảo độ pH thích hợp cho lươn sinh sống nên con lươn giống thích nghi tốt. Ngoài ra, khi thay nước hàng ngày sẽ giúp tôi dễ quan sát mầm bệnh trên lươn (nếu có) để từ đó có biện pháp và tìm hướng xử lý kịp thời. Nhờ đó mà tỷ lệ lươn nuôi hao hụt rất thấp; 1.000 con lươn giống mà tôi chỉ hao hụt độ hơn 20 con, lươn nuôi đến nay cũng không thấy bị bệnh”.

Là người tiên phong với mô hình này tại địa phương, anh Thắng cẩn thận với từng giai đoạn sinh trưởng của lươn nuôi: “Hồi mới bắt lươn về còn rất nhỏ, lúc đó tôi phải kiếm trùn chỉ cho ăn. Khoảng 10 ngày sau mới cho ăn thức ăn và theo dõi mầm bệnh và nguồn nước sạch. Sau 3 tháng nuôi, đã đạt trọng lượng hơn 10 con 1kg và sau từ 5 đến 6 tháng thì chỉ còn 7 con đạt 1kg. Đến nay, lươn lớn nhất cũng đạt trọng lượng từ 2- 2,5 lạng…”.

Theo tính toán của anh Thắng, bình quân 1 tháng sẽ tốn 350.000 đồng tiền thức ăn cho 1.000 con lượn nuôi. Nếu bầy lươn hiện nay đạt chừng 200kg và bán được với giá 130.000 đồng/kg thì tổng thu nhập cũng được 26 triệu đồng, trừ chi phí, như: tiền con giống, thức ăn, điện, nước…sau 10 tháng nuôi lươn cũng lãi được hơn 14 triệu đồng. Hiện mô hình của anh Thắng được nhiều người đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm để có thể áp dụng tại hộ gia đình.

Lươn là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao nên có thị trường tiêu thụ khá rộng. Với mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt, thả chùm dây ni lông có thể giúp nông dân vùng ven đô thị có hướng đi phù hợp trong việc giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cũng cần tìm hiểu kỹ quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo nguồn nước phù hợp cho lươn sinh trưởng…

Nguồn: Báo Sóc Trăng được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả

Ba huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm biển thâm canh sang quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Đặc biệt, có một số nông dân đã áp dụng công nghệ cao chuyển sang nuôi tôm biển thâm canh 2 giai đoạn. Cùng với việc trúng mùa, giá tôm nguyên liệu thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, người nuôi có lãi.

Nhờ mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao nên lần đầu tiên tại Thạnh Phú tôm biển đạt năng suất đến hơn 90 tấn/héc-ta/vụ.
Giá cao, Người nuôi có lãi

Từ đầu năm 2017 đến nay, ao nuôi tôm sú quảng canh rộng 3,5ha của ông Nguyễn Văn Yêm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú đã mang về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ao tôm đã mang về lợi nhuận như thế. Theo ông Yêm, nuôi tôm sú quảng canh rất… nhàn nhã, vì ban ngày chăm sóc tôm, chiều tối chèo xuồng đi đặt lú. “Nhiều người khuyên tôi nên chuyển qua nuôi tôm thâm canh cho mau giàu. Nhưng tôi nghĩ nuôi tôm thâm canh mà không đủ tiền đầu tư tới nơi tới chốn sẽ dễ bán đất. Sống ở đây hơn 50 năm, tôi đâu còn lạ gì khí hậu thất thường, lắm rủi ro ở xứ biển mình”, ông Yêm chia sẻ.

Không xổ cống vào 2 con nước rằm và 30 như nhiều người nuôi tôm biển quảng canh ở đây, ông Yêm chọn cách đóng chặt cống và đặt lú đều đặn mỗi ngày để thu hoạch tôm sú. Ông Yêm nói: “Mình chủ động chọn độ to nhỏ của lưới để phù hợp với con tôm thiên nhiên hay con tôm sú ở những kích cỡ khác nhau. Làm như vậy sẽ giữ được nguồn nước an toàn cho tôm, vì xung quanh cũng còn không ít người nuôi tôm thâm canh xả nước mang mầm bệnh ra sông. Ngoài ra, con tôm thu hoạch bằng lú sẽ còn sống, bán được cho các quán ăn, nhà hàng với giá đôi khi cao gấp đôi con tôm sú ướp đá”.

Trong khi đó, những nông dân có diện tích đất dưới 1ha tại vùng biển thường áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh cải tiến. Bởi, chi phí đầu tư ít hơn so với nuôi thâm canh, khi thành công thì lợi nhuận cao hơn. Đầu năm 2017, anh Võ Văn Thật ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo 5 vuông nuôi tôm quảng canh thành quảng canh cải tiến. Anh Thật thả với mật độ hơn 200

con/m2. Hai vụ thu hoạch mang về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. “Nuôi tôm quảng canh cải tiến không phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất ít cũng làm được, chỉ cần chịu khó chạy quạt và thu gom thức ăn như cá phân, ốc… có tại địa phương, cùng với ít thức ăn công nghiệp là nuôi được” – anh Thật chia sẻ.

Cùng với việc trúng mùa, năm nay giá tôm biển luôn duy trì ở mức cao. Tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg ở mức hơn 230 ngàn đồng/kg; 40 con/kg hơn 180 ngàn đồng/kg. Riêng tôm sú còn sống loại 30, 40 con/kg giá thường cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với tôm ướp đá; tôm cỡ 50 – 60 con/kg giá luôn trên 125 ngàn đồng/kg, loại 100 con/kg giá trên 100 ngàn đồng/kg. Người nuôi có lãi cao.

Nuôi tôm “sạch”

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, toàn huyện hiện có trên 18 ngàn héc-ta nuôi tôm biển, trong đó khoảng 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm biển thâm canh và hơn 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa. Mô hình nuôi tôm quảng canh thích ứng với biển đổi khí hậu đã đạt hơn 220kg/công/năm, tăng hơn 20% so với các năm trước. Năm nay, trên 90% diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện trúng mùa. Bà con đã theo khuyến cáo trở về với các mô hình có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu như nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, luân canh lúa trong ao tôm. Đặc biệt, trong năm nay, có khoảng 100 héc-ta nuôi tôm thâm canh thông thường chuyển sang nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. 3 vụ nuôi trong năm 2017, nhiều hộ dân đã thành công, năng suất đều trên 90 tấn/héc-ta.

Trong vài năm gần đây, diện tích nuôi tôm thâm canh đầu tư giản đơn tại huyện Thạnh Phú giảm đáng kể. Cụ thể, từ diện tích trên 5 ngàn héc-ta của năm 2013 đã giảm xuống còn khoảng 1,5 ngàn héc-ta vào năm nay. Đây là tín hiệu lạc quan, kiểm soát dịch bệnh tại các vùng nuôi được tốt hơn. Chính quyền đã hỗ trợ người dân tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho con tôm biển bằng các khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh thay vào đó sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ nhằm phát triển thương hiệu cùng với lúa sạch Thạnh Phú. Huyện cũng hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng nuôi tôm sạch, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi. Cũng thông qua mô hình này, huyện quảng bá nhãn hiệu lúa sạch cũng như du lịch sinh thái.

“Việc áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất tôm quảng canh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tiếp theo. Vì điều đó chẳng những làm cho môi trường nuôi luôn giữ được sức đề kháng cao trước dịch bệnh, thời tiết khó lường hiện nay, mà còn là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư hướng đến xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Bến Tre. Có nhà máy chế biến tại chỗ thì giá trị thu được của người nuôi chắc chắn sẽ nhiều hơn và việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết đối với con tôm biển sẽ sớm thành công. Ngoài ra, sử dụng vùng nguyên liệu sạch trên cơ sở phát triển tài nguyên bản địa trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung để phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác phát triển du lịch cộng đồng cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp đang thực hiện”, ông Bùi Văn Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Nguồn: Báo Đồng khởi được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi ếch trong ruộng lúa

Ếch là con vật khá quen thuộc với người nông dân Việt Nam , hiện nay nhiều gia đình đã mở rộng mô hình nuôi ếch để làm giàu và phát triển, mô hình được nhiều người nông dân áp dụng nhất đó chính là nuôi ếch ngoài ruộng lúa. Ruộng lúa là môi trường rất tốt cho ếch sinh sống và phát triển. Những côn trùng hại lúa là nguồn thức ăn ếch ưa thích…

1. Chọn ruộng nuôi

Chọn ruộng có nguồn nước đầy đủ, cấp thoát nước thuận lợi, diện tích từ vài trăm đến vài nghìn m², trong đó 2/3 diện tích để trồng lúa, còn lại trồng xen khoai nước hoặc sen.

Nếu ruộng lúa và ao sen sát cạnh nhau có thể bao bờ chung, đào một hố bảo vệ rộng 1 – 2m², sâu 50 – 60m, ở gần cửa cống thoát nước và xẻ mương bảo vệ rộng 30cm, sâu 50cm xung quanh ruộng lúa, nối liền hố với mương để ếch và nòng nọc có chỗ sinh sống khi tháo cạn phơi lúa. Bờ ruộng nên đắp rộng và cao, giữ độ sâu nước từ 6 – 15cm, nên trồng loại lúa ngắn ngày, khi gặt để lại gốc cho lúa nảy chồi.

Trước khi thả ếch phải rào lưới. Dùng 2 tấm lưới nilon khâu lại, độ cao 1,5m trở lên, chân lưới vùi sâu xuống đất trên 10cm. Lưới được buộc vào các cọc nẹp tre, gỗ làm giá đỡ, có thể dùng giấy tẩm dầu, tấm lợp xi măng hay xây tường gạch (tuy nhiên cần chú ý vì những loại vật liệu này thông gió kém, dễ đổ, trôi… khi có mưa bão). Tại các chỗ cửa rào, cửa cống cấp thoát nước cần bịt bằng lưới nilon, mắt lưới to nhỏ tuỳ kích cỡ loại ếch nuôi.

2. Thả ếch

Khi nhiệt độ nước trên 18ºC hoặc sau khi cấy lúa xong 10 ngày thì thả ếch (cỡ 20g/con) vào ruộng, mật độ thả 1.000 con/sào. Nên thả cùng cỡ trên một diện tích để tránh con lớn ăn con bé. Không thả nòng nọc ở ruộng vì sẽ bị lươn, côn trùng, ếch đồng, thuỷ sinh… ăn.

Thả ếch trong ruộng lúa khi nhiệt độ nước trên 18ºC hoặc sau khi cấy lúa xong 10 ngày 

Nếu ruộng lúa ít côn trùng có thể mắc đèn bẫy sâu bọ, sau khi gặt lúa. Trời lạnh ít sâu bọ cho ếch ăn thêm tôm, cá nhỏ, giun… Ruộng nuôi giữ nước sâu 6 – 15cm. Khi cần phơi nắng, tháo nước cạn dần để nòng nọc rút vào mương bảo vệ hoặc ruộng khoai, ao sen.

3. Chống nóng

Vào mùa hè, cây lúa còn nhỏ, ruộng không có gì che mát, nhiệt độ có khi lên tới 38 – 40ºC, vượt quá mức thích nghi của ếch. Vì vậy cần cấy lúa chính vụ hay lúa sớm, khi gặt lúa cần để gốc rạ đều cho mọc lúa chét. Cạnh ruộng lúa nên trồng khoai, sen để ếch trú ẩn, hoặc lấy rơm rạ lợp vào một chỗ che mát trên mương để bảo vệ ếch.

4. Chăm sóc

Ruộng lúa nuôi ếch cần điều chỉnh mật độ cấy thích hợp, cải tiến kỹ thuật bón phân để giảm nhẹ nguồn bệnh, không cần sử dụng đến thuốc trừ sâu, ếch vẫn có thể sinh trưởng và phát dục thuận lợi, không cần phơi ruộng hạn chế lúc đẻ nhánh, ruộng nuôi ếch cần bón lượng phân lót nhiều hơn, giảm hay bỏ hẳn bón thúc để nâng cao hiệu quả bón phân, giảm tác hại cho ếch.

Ếch khi được chăm sóc tốt

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết giúp ếch sinh sản bằng hệ thống phun mưa

Ông Cao Văn Phương (thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là nông dân đi đầu trong phong trào nuôi ếch của địa phương. Số lượng ếch của ông hiện nay không những cung cấp trong tỉnh mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận.

Ông Cao Văn Phương thành công với nuôi ếch bằng hệ thống phun mưa

Ông Phương cho biết, gia đình bắt đầu nuôi ếch từ tháng 4.2006, với số lượng ban đầu chỉ có 60 cặp bố mẹ. Do ban đầu chưa biết kỹ thuật giao phối, kỹ thuật chăm sóc ếch nên năng suất sinh sản không cao.

Sau đó, nhờ tham quan học hỏi nhiều nơi ông đã vận dụng kỹ thuật tạo hệ thống phun mưa cho đàn ếch giúp cho ếch giao phối, sinh sản phát triển nhanh. Nhờ áp dụng kỹ thuật này mà trong đợt đầu tiên ếch đẻ được 40.000 con, sau khi chăm sóc ông bán ra với giá 1.000 – 1.200 đồng/con, lãi đợt đầu tiên trên 28 triệu đồng. Năm tiếp theo ông đã chọn được 300 cặp bố mẹ, đến nay đã nhân rộng được trên 600 cặp ếch bố mẹ.

Hiện nay, bình quân mỗi năm ông cung cấp trên 60.000 con ếch giống, từ 3 – 4 tấn ếch thịt, với giá bán 1.000 – 1.200 đồng/con ếch giống, 60.000 – 65.000 đồng/kg ếch thịt, mô hình nuôi ếch đem lại thu nhập lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Nói về bí quyết để nuôi ếch thành công ông Phương chia sẻ, ếch giống phải chọn những con vừa khỏe, to, đồng đều, có chất lượng tốt, tạo hệ thống phun mưa cho đàn ếch bố mẹ ở giai đoạn giao phối. Theo ông, ở kỳ giao phối nên cho ếch bố mẹ vào ao nuôi ở mật độ từ 3 – 4 cặp/m2, phun mưa cho ếch bố mẹ trong thời gian 6 – 8 giờ.

Sau thời gian 24 – 36 giờ trứng nở ra nòng nọc. Thức ăn đầu tiên cho nòng nọc là lòng đỏ trứng gà nấu chín rải đều trong ao theo tỷ lệ 3 – 4 trứng/lần, mỗi ngày cho ăn 3 lần. Khi nòng nọc phát triển thành ếch thì cho ăn cám tổng hợp, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.

Ông Phương cho biết thêm, ếch đẻ quanh năm, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, bình quân mỗi con ếch bố mẹ đẻ từ 2.000 – 3.000 trứng, tỷ lệ nở đạt trên 80%.

Theo kythuatnuoitrong.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi ếch bằng lồng lưới và bằng bể xi măng

Hiện nay, nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng. Nhiều người đã nhân giống ếch đồng (ếch nội) để nuôi. Giống ếch này, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khỏe, ít bị bệnh hại, dễ nuôi, dễ bán.

Kỹ thuật nuôi ếch không khó nhưng đòi hỏi môi trường nuôi đảm bảo, giống tốt,… Đối với loài này chỉ với thời gian nuôi ngắn thì đã có thể thu hoạch. Có nhiều hình thức nuôi khác nhau, nhưng sau đây Farmtech VietNam xin giới cho bạn đọc hai hình thức nuôi ếch trong bể xi măng hoặc trong lồng lưới. Ưu điểm của hai hình thức này là dễ dàng quản lý, theo dõi được quá trình phát triển của ếch, dễ vệ sinh, phòng chống bệnh tật, phòng chống được con vật khác ăn thịt ếch

I. ĐỊA ĐIỂM NUÔI

1. Lồng lưới

– Làm bằng lưới cước hoặc sợi nilon, kích cỡ mắt lưới khoảng 0,5-1cm.

– Kích thước: cao 1- 1,2 m, rộng 2 m, dài 3-5m.

– Mặt trên lồng để hở 30-50 cm để cho ếch ăn và phân loại ếch. Có hệ thống che mát cho lồng nuôi (lá dừa, lưới che mát …)

– Mặt dưới để chìm dưới nước 15-25 cm, dưới đáy lồng thả các miếng xốp cho ếch lên ăn, nghỉ ngơi (chiếm 1/3-1/2 diện tích lồng nuôi).

2. Bể xi măng

– Diện tích: 6-30 m2, độ cao 1,2-1,5 m, đáy bể có độ nghiêng khoảng 50 về phía cống thoát.

– Có sàn ăn, bè nổi cho ếch lên ăn mồi và nghỉ ngơi (chiếm 1/3-1/2 diện tích bể nuôi).

– Thiết kế hệ thống cống cấp, thoát nước riêng biệt, hệ thống lưới che chắn, bảo vệ ếch.

– Bể trước khi nuôi được xử lý bằng các hóa chất: thuốc tím, Iodine, chlorine …

– Cho nước vào bể khoảng 20-30cm.

* Lưu ý: đối với bể mới xây hoặc sửa lại cần tẩy rửa bể trước khi nuôi bằng cách ngâm nước và xả bỏ nhiều lần (3-4 lần).

II. CHỌN GIỐNG VÀ THẢ GIỐNG

– Chọn ếch cỡ 45 ngày tuổi (khoảng 20g/con), khỏe mạnh, linh hoạt, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh hay bị dị tật.

– Thời gian thả: lúc trời mát (buổi sáng hoặc buổi chiều).

– Tắm ếch bằng nước muối 3‰ từ 10-15 phút trước khi thả nuôi.

– Mật độ thả nuôi:

+ Tháng thứ nhất: 150-200 con/m2.

+ Tháng thứ hai: 100-150 con/m2.

+ Tháng thứ ba: 80-100 con/m2.

* Lưu ý: Kiểm tra lại môi trường nước trước khi thả giống (pH: 6,5-7, nhiệt độ: 28-30oC).

III. THỨC ĂN VÀ CÁCH CHO ĂN

1. Thức ăn

– Thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có độ đạm cao (22-35%).

– Thức ăn tự chế biến: sử dụng 20% thịt, cá + 80% bột ngũ cốc trộn đều và nấu chín trước khi cho ăn, có thể bổ sung thêm B.complex, vitamin…

– Ngoài ra cần phải cho ăn bổ sung thêm thức ăn tự nhiên: ốc bươu vàng, giun, cá tạp…

2. Cách cho ăn

– Chọn thức ăn có kích cỡ và độ đạm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ếch.

– Hàm lượng protein (%) – Kích cỡ viên (mm) – Thời gian nuôi
+ 35 2,2-2,5 1-15 ngày (20-50g)
+ 30 3,0-4,0 15-45 ngày (50-100)
+ 25 5,0-6,4 45-75 ngày (100-150g)
+ 22 8,0-10 >75 ngày (>150g)
– Cho ăn bằng cách rải thức ăn trực tiếp vào hồ (đối với thức ăn viên) và để lên sàn ăn (đối với thức ăn chế biến).

– Lượng thức ăn cho ăn: Tháng đầu cho ăn 7-10% trọng lượng đàn ếch, từ tháng thứ hai 3 – 5%.

– Thời gian cho ăn: Tháng đầu cho ăn 3 – 4 lần/ngày (sáng, trưa, chiều, tối), từ tháng thứ hai trở đi cho ăn 2 – 3 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát.

IV. CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ

– Chế độ thay nước

+ Tháng đầu thay nước từ 2 – 3 ngày/lần, mực nước duy trì ở mức 20- 30 cm; Tháng thứ hai trở đi thay nước mỗi ngày, mực nước có thể giảm xuống còn  10 – 15 cm.

+ Thời gian thay nước thích hợp nhất là vào buổi sáng.

* Lưu ý: Nước giếng khoan được bơm lên trữ lại ít nhất một ngày mới sử dụng.

– Phân cỡ

Hàng ngày kết hợp với việc cho ăn và thay nước là việc tách đàn, phân cỡ ếch. Thông thường là phân thành hai cỡ lớn và nhỏ tương đối đều nhau. Việc phân cỡ càng kỹ thì ếch ít có cơ hội ăn thịt lẫn nhau, giảm tỷ lệ hao hụt đáng kể.

– Chăm sóc, quản lý

+ Kiểm tra quan sát thường xuyên các hoạt động của ếch để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp bị bệnh.

+ Bổ sung vitamin, thuốc bổ, men tiêu hóa 01 tuần/lần.

+ Tắm ếch tuần/ lần bằng thuốc tím, Iodine, …

+Kiểm tra thường xuyên các hệ thống cấp thoát nước, chất lượng nước, lưới bảo vệ đề phòng thất thoát ếch.

+ Định kỳ khoảng 2 tuần cân ếch một lần để kiểm tra mức tăng trọng và trọng lượng trung bình cả đàn làm cơ cơ sở điều chỉnh chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý.

V. THU HOẠCH

Sau 2,5-3 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng trung bình 200-250 g/con, có thể thu hoạch toàn bộ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bệnh và cách phòng trị bệnh ở ếch

1. Phòng bệnh

Dịch bệnh xuất hiện trong điều kiện nuôi khi: môi trường nuôi bị nhiễm bẩn, tồn tại tác nhân gây bệnh và ếch nuôi bị suy dinh dưỡng. Thức ăn không đầy đủ ếch thường cắn nhau rất dễ bị bệnh ngoài da, sau đó nhiễm trùng. Khi ếch bị nhiễm bệnh thì việc điều trị hết sức khó khăn, do đó việc thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh là rất cần thiết.
– Chọn giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ.
– Thường xuyên san thưa và phân cỡ: tạo đàn ếch đồng đều về kích cỡ.
– Không nuôi với mật độ quá dày.
– Thức ăn phải đảm bảo đầy đủ chất lượng.
– Định kỳ bổ sung vitamin + men tiêu hóa giúp tăng sức đề kháng của ếch nuôi.
– Thay nước và vệ sinh bể nuôi hàng ngày.

2. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị

Hiện nay trong quá trình nuôi, ếch thường bị hao hụt là do một số nguyên nhân sau:

2.1. Hiện tượng ăn nhau

Nguyên nhân: Nuôi mật độ cao, thức ăn không đủ, kích cỡ nuôi không đồng đều. Phòng chống: Mật độ nuôi vừa phải. Thức ăn phải đủ chất lượng, cho ăn đều khắp bể. Thường xuyên lọc và phân cỡ bể nuôi khi ếch nhỏ dưới 50g.

2.2. Bệnh lở loét đỏ chân

Triệu chứng bệnh: Ếch giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Giải phẩu nội tạng, thấy xuất huyết trong ổ bụng.
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển khi môi trường nuôi dơ và khi ếch bị sốc.
Bệnh lở loét đỏ chân
Phòng bệnh: Thường xuyên thay nước, giữ môi trường nuôi sạch sẽ.
Chữa trị: Điều trị kịp thời khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Ngâm ếch trong dung dịch Iodine (PVP Iodine 350: 5 – 10 ml/1m3 nước). Dùng Oxytetracycline (3 – 5g/kg thức ăn).

2.3. Bệnh về đường tiêu hóa

Triệu chứng bệnh: Bụng ếch trương phồng lên, ếch nằm yên một chổ. Một số con có hậu môn lồi ra, ruột bị sưng lên. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn.
Nguyên nhân: Do ếch ăn thức ăn ôi thiu hay cho ếch ăn quá nhiều, ếch không tiêu hóa được, nguồn nước nuôi dơ do ít thay nước.
Phòng bệnh: Định kỳ trộn men tiêu hóa vào thức ăn của ếch. Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch.
Chữa trị: Giảm lượng thức ăn xuống còn 50%. Làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Sulphadimezine và trimethroprim (4 – 5g/kg thức ăn). Sử dụng liên tục 5 ngày.

2.4. Bệnh mù mắt, cổ quẹo

Triệu chứng: Mắt bị viêm sưng. Mắt đục và mù cả hai mắt. Biến dạng cột sống và cổ quẹo, ếch thường xuyên quay cuồng và chết.
Bệnh mù mắt, quẹo cổ ở ếch
Nguyên nhân: Chưa rõ, nhưng có tài liệu cho là do vi khuẩn Pseudomonas sp.
Chữa trị: Cách ly những con có triệu chứng bệnh. Ngâm ếch bằng Iodine với liều lượng 3-5 ml/m3 nước. Trộn thuốc cho ếch ăn: 100g NOROCINE/500-700kg ếch. Xử lý và trộn thuốc liên tục trong 5 ngày.’
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa): Khó gượng dậy sau bão

Trong cơn bão số 12, các vùng sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) với hàng trăm trại ương nuôi bị tàn phá hoàn toàn. Các chủ trại như đang ngồi trên đống lửa khi của cải bị mất hết, con giống chết và đối mặt với cảnh nợ nần.

Thôn Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) là vùng sản xuất giống thủy sản chủ lực của thị xã Ninh Hòa. Toàn vùng có khoảng 140 trại sản xuất con giống ốc hương và ngao để cung cấp cho các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh. Sau bão, bên cạnh hàng trăm hộ nhà bị tốc mái, thì cả một vùng sản xuất giống thủy sản đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Ngô Đình Đức – chủ một trại sản xuất giống ốc hương cho biết: “Nhà tôi có 5 trại giống bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng cơ sở vật chất thiệt hại 1 tỷ đồng, cùng với 15 triệu con ốc giống chưa kịp bán bị cuốn trôi, ước thiệt hại 750 triệu đồng”. Trại sản xuất giống của ông Ngô Văn Huân gần đó cũng bị bão đánh tan tành. Ông Huân là hộ bị thiệt hại nhiều nhất trong vùng với 7 trại sản xuất bị đổ sập, hơn 10 triệu con ốc giống bị chết, ước thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Vùng sản xuất giống thủy sản thôn Ninh Tịnh tan hoang sau bão

Ở vùng ương nuôi cá bớp giống tại thôn Tân Thành và thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích), hàng chục cơ sở sản xuất cũng rơi vào cảnh hoang tàn. Ông Nguyễn Văn Tình – chủ một cơ sở cho biết, khi bão vào, ao ương bị sạt lở, máy móc thiết bị bị bão cuốn bay. Mưa lớn khiến cho nước trong đìa ương bị ngọt hóa đột ngột nên toàn bộ cá giống hơn 20.000 con gần xuất bán bị chết, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Trên địa bàn có 30 hộ ương nuôi cá bớp giống. Các cơ sở này đều bị thiệt hại hoàn toàn sau bão. Một vấn đề đặt ra đối với công tác khôi phục sản xuất của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là ngoài lồng bè bị đánh tan, ao đìa bị sạt lở nghiêm trọng, các hộ khôi phục xong cũng không tìm đâu ra giống để tái sản xuất”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa cho biết: “Cơn bão số 12 đã khiến cho ngành Thủy sản Ninh Hòa bị thiệt hại nặng. Về diện tích nuôi trồng có 856ha, chủ yếu nuôi tôm, cá, ốc hương bị thiệt hại; 166 bè nuôi thủy sản bị đánh tan; 240 chiếc tàu thuyền bị chìm. Riêng đối với sản xuất giống, trên địa bàn thị xã có 110 cơ sở sản xuất ốc hương giống, 35 trại sản xuất tôm giống, 30 cơ sở sản xuất cá bớp giống, 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt, tất cả đều tan hoang sau bão. Giống ương nuôi, chuẩn bị xuất bán gặp mưa, bão đã chết sạch. Việc khôi phục sản xuất của các cơ sở nói riêng và khôi phục sản xuất thủy sản trên địa bàn thị xã nói chung phải mất một thời gian dài nữa mới hồi phục”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất giống cho biết, tuy thiệt hại nặng nề nhưng họ vẫn phải gắng gượng, dọn dẹp những gì tan hoang sau bão để tổ chức lại sản xuất. Khó khăn hiện nay là nhân công, vật tư để xây dựng lại các trại khan hiếm, điện để chạy máy chưa có nên trước mắt chưa thể tổ chức sản xuất được. Các cơ sở sản xuất giống đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Bão số 12 gây thiệt hại trên 13.500 tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất của BCH PCTT – TKCC tỉnh Khánh Hòa, cơn bão số 12 khiến toàn tỉnh có 44 người chết cùng nhiều thiệt hại về tài sản, cây trồng, gia súc gia cầm và thủy hải sản, ước tính thiệt hại trên 13.500 tỷ đồng.

Theo đó, Khánh Hòa có 44 người chết, 1 người mất tích; 212 người bị thương; có 2.792 nhà sập hoàn toàn, 114.098 nhà tốc mái; 29.381 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó có hơn 4.374 ha lúa, 2.066 ha rau màu, 668 ha cây lâu năm, 15.072 ha cây hàng năm, hơn 7.200 ha cây ăn quả.

Về gia súc, gia cầm và thủy hải sản, toàn tỉnh có khoảng 153.204 con gia cầm, 286 con heo và 626 con bò bị cuốn trôi và chết. Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại là 133.023 ha, 68.864 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, 1.141 tàu thuyền bị đánh chìm.

Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

“Thủ phủ” tôm hùm tan tác

Thiệt hại nặng nhất về tài sản do cơn bão số 12 phải kể đến những người nuôi tôm hùm. Chỉ riêng 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, hàng ngàn tỉ đồng của bà con đã bị cuốn trôi ra biển

Ông Võ Hoàn Hải – Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa – ngày 11-11 cho biết hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm ở đây đã trắng tay chỉ sau 1 đêm bão số 12 đổ bộ. Toàn huyện với trên 12.400 lồng nuôi tôm hùm, trên 350 ha nuôi thủy sản giờ chỉ như một bãi chiến trường trên nước.

Nợ nần, trắng tay…

“Ngư dân nuôi tôm chưa bao giờ rơi vào cảnh khốn đốn như lúc này. Đa số tôm hùm, hải sản đều chuẩn bị thu hoạch, vậy mà tan nát hết. Hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều đến vài chục tỉ…, số tiền thiệt hại ước khoảng 3.888 tỉ đồng. Đó là chưa kể số tàu bè chìm, hư hỏng” – ông Hải chua xót.

Người dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bán tháo tôm hùm với giá chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi đến xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh – nơi bị thiệt hại nặng nề về người và cả tài sản trong cơn bão vừa qua. Một phụ nữ ôm đứa con nhỏ vào lòng ngồi thất thần bên thềm nhà giờ đã tan hoang. Một người trong xóm bảo đó là vợ anh Lê Hồng Linh, một trong những người tử nạn trong cơn bão số 12.

“Gia đình ấy cũng khá, dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng đầu tư cho bè tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng. Tôm chuẩn bị thu hoạch lấy tiền trả nợ nhưng không ngờ tai ương ập đến, tài sản thì mất hết, còn chồng thì cũng mất… Chỉ một đêm, gia đình tan nát” – một phụ nữ cám cảnh.

Nhiều hộ nuôi tôm hùm với số lượng lớn, ước thiệt hại hơn 100 tỉ đồng như gia đình ông Tám Tuân (Vạn Giã), ông Dương, ông Nhà, Mười Châu (xã Vạn Hưng)… Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào: “Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển, thiệt hại gần 30 tỉ đồng. Bây giờ gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Tại Phú Yên, 2 “thủ phủ” tôm hùm lớn nhất là thị xã Sông Cầu và Vũng Rô (huyện Đông Hòa) cũng tan tác trong bão số 12. Trong đó, nặng nhất là vùng Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Những ngày này, khi về Vịnh Hòa, chúng tôi cứ nghe tiếng rưng rức khóc từ đầu đến cuối xóm. Không còn cảnh táo tác chạy bão, những bóng người chúng tôi gặp trên đường cứ liêu xiêu, uể oải, lặng lẽ như vô hồn. Tài sản của họ – cả những khoản nợ khổng lồ từ người thân, ngân hàng – đều đã bị cuốn trôi theo bão.

Khó khăn lắm mới có một người chịu nói chuyện. Chị là Trần Thị La, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thịnh. “Cả làng này xem như trắng tay. Mất hết rồi anh à…” – chị vỡ òa trong nước mắt. Chị La kể riêng vợ chồng chị đã đổ hết vốn, vay nợ thêm hơn 1 tỉ đồng để thả nuôi 49 lồng tôm hùm, trong đó 19 lồng đã đến kỳ thu hoạch nhưng không còn được 1 con. “Ngay khi bão vừa tan, chồng tôi ra kiểm tra. Không còn lồng nào. Không còn con tôm nào sống hết…” – chị La lấy tay quệt nước mắt.

Dự kiến khoanh nợ 5-7 năm

Những ngày qua, tại thị trấn Vạn Giã, hàng chục ngư dân, chủ bè vớt vát số tôm hùm chết hoặc yếu bán chạy lỗ. Giá tôm hùm giờ chỉ còn 150.000 – 800.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Theo ông Võ Hoàn Hải, huyện Vạn Ninh đang kiểm đếm, thống kê các trường hợp thiệt hại, đồng thời sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân. “Với số lượng lồng bè thiệt hại, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như xóa sổ. Rất khó để phục hồi được trong thời gian tới, do đó ngư dân rất cần tỉnh, bộ, ngành có kế hoạch, chính sách hỗ trợ tái sản xuất” – ông Hải bày tỏ.

Theo thống kê bước đầu của thị xã Sông Cầu, hơn 3.900 lồng với gần 900.000 con tôm hùm ở đây đã mất sạch, thiệt hại ước tính trên 175 tỉ đồng. “Nói về giá trị thiệt hại thì ở Phú Yên, có lẽ Sông Cầu là nặng nhất. Tuy nhiên, khổ một điều là thiệt hại về tôm hùm và tài sản nói chung khó lay động lòng người như thiệt hại về nhân mạng…”- ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm. “Chỉ mới bước đầu đã thấy thiệt hại quá lớn. Chúng tôi đang thống kê để đề nghị trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Đối với ngân hàng, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ giúp người nuôi tôm hùm gượng dậy chứ năm nay thiệt hại quá” – ông Phương băn khoăn.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Khánh Hòa, cho rằng nếu các tổ chức tín dụng chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì khó mà giúp doanh nghiệp và người dân gượng dậy được sau bão. “Ngày 14-11, chúng tôi sẽ triệu tập các ngân hàng để lấy ý kiến, tìm phương án giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi dự kiến sẽ thống nhất khoanh nợ 5-7 năm cho các cá nhân, tổ chức vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Chúng tôi sẽ có tờ trình kiến nghị các giải pháp sau khi bàn bạc thống nhất” – ông Chiểu nói.

Hiện 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn chưa thống kê hết con số thiệt hại từ người nuôi tôm hùm nhưng ước tính lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.