Vỏ nhuyễn thể nguồn vật liệu sinh học bền vững

Hơn 7 triệu tấn vỏ nhuyễn thể bị bỏ đi bởi ngành công nghiệp hải sản mỗi năm, phần lớn đều vứt trong bãi rác hoặc đổ xuống biển.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét các lựa chọn bền vững về mặt môi trường và kinh tế cho các vật liệu sinh học này. Tiến sĩ Morris cho biết “Hầu hết vỏ các loài nhuyễn thể được đánh bắt hoặc khai thác bởi ngành công nghiệp hải sản, chúng được xem là chất thải khó xử lý và phần lớn phải xử lý ở các bãi chôn lấp. Đây không chỉ là thực tế tốn kém màn còn có hại cho môi trường sinh thái và gây ra sự lãng phí khổng lồ các vật liệu sinh học hữu ích.

Một trong những ứng dụng thú vị nhất được đề xuất bởi tiến sĩ Morris là sử dụng phế thải để khôi phục các rạn san hô bị hư hỏng và nuôi dưỡng sự phát triển của những con hàu mới. Việc khôi phục các rạn san hô này chỉ đòi hỏi ít tiền và công sức, nhưng có thể có những lợi thế sinh thái rất lớn. Tiến sĩ Morris giải thích “Những quần thể động vật có vỏ có sức khoẻ có thể có nhiều lợi ích cho môi trường: làm sạch nước, cung cấp ngôi nhà cho các sinh vật khác, và cũng đóng vai trò như là một cấu trúc bảo vệ bờ biển.

Sử dụng vỏ sò làm thức ăn cho gà

Vỏ nhuyễn thể bao gồm hơn 95% canxi cacbonat, được sử dụng trong nhiều ứng dụng nông nghiệp và kỹ thuật. Các vỏ nghiền được dùng trong nông nghiệp và thủy sản để kiểm soát độ acid của đất hoặc làm thức ăn cho gà đẻ trứng như một chất bổ sung canxi. Canxi cacbonat cũng là một thành phần phổ biến trong hỗn hợp xi măng và đã tìm ra cách sử dụng bổ sung để xử lý hiệu quả nước thải. Thật không may, phần lớn canxi cacbon trên thế giới xuất phát từ khai thác đá vôi có hại về mặt sinh thái và không bền vững.

“Tái sử dụng vỏ nhuyễn thể là một ví dụ hoàn hảo của nền kinh tế , đặc biệt là vỏ sò là một vật liệu sinh học có giá trị, nó không chỉ cải thiện tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản mà còn chuyển tiếp trở lại, nhưng nó cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế thứ cấp cho người nuôi trồng và chế biến , “Tiến sĩ Morris nói.

Bằng cách nghiên cứu cách các vỏ nhuyễn thể có thể hoạt động như một nguồn canxi cacbonat thứ cấp, Tiến sĩ Morris và nhóm của ông hy vọng sẽ đưa ra một phương pháp thay thế bền vững hơn đối với đá vôi được khai thác. Ông hy vọng công việc của ông sẽ nhấn mạnh đến giá trị kinh tế của việc tái chế những vỏ thải bỏ này trở lại sử dụng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá theo công nghệ ‘tạo sông trong ao’ thu tiền tỷ ở Nghệ An

Anh Đậu Đức Kính ở xã Quỳnh Văn là người đầu tiên đưa công nghệ “tạo sông trong ao nuôi cá” đầu tiên ở Quỳnh Lưu. Sau 2 năm xây dựng mô hình, anh có thu nhập ước tiền tỷ.

Gia đình anh Đậu Đức Kính có 10 ha ao nuôi chuyên canh các loại cá nước ngọt như rô phi, trắm, mè, chép, cá lóc… Mỗi năm, anh thả hàng triệu con giống các loại. Tuy nhiên, tỷ lệ cá chết khoảng 20% do nguồn nước trong ao quá nóng vào mùa hè, cá bị ngạt hơi do nước tù thiếu ô-xy, hoặc do nồng độ khí mê-tan quá cao do lượng phân thải ra của cá quá nhiều.

Mô hình nuôi cá theo công nghệ “tạo sông trong ao” của anh Đậu Đức Kính ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Như Thủy

Từ thực tế đó, qua các lần tham quan học hỏi đưa công nghệ mới vào chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam, tháng 1/2016, anh Kính đã mạnh dạn đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng mô hình “tạo sông trong ao” để nuôi cá. Trên diện tích ao rộng 2ha, anh ngăn và xây 4 bể xi măng giữa lòng ao theo hình thác, lắp đặt hệ thống súc khí, tạo dòng chảy mạnh và máy tự động hút phân thải của cá dẫn ra ngoài.

Sau khi hệ thống hoàn thiện, anh thả nuôi hơn 60.000 con cá rô phi Đường nghiệp, đây là giống cá có trọng lượng lớn từ 1- 2kg/con, thịt cá dày nên khi nuôi bằng hệ thống tạo sông sẽ giúp cá vận động nhiều theo dòng chảy, giúp chất lượng cá dai chắc, thơm ngon hơn.

Mỗi bể xi măng có 1 máy sục khí tạo sóng nước, hệ thống hút phân thải tự động dẫn ra mương tiêu giúp môi trường nước luôn sạch. Ảnh: Như Thủy

Đến nay, sau gần 2 năm thử nghiệm mô hình đã thành công. Năm đầu tiên anh Kính đã thu hồi vốn, năm thứ 2 có lãi gần 1 tỷ đồng/năm qua 3 vụ cá.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo 8 ha còn lại để đưa công nghệ tạo sông trong ao vào nuôi đại trà trên tất cả các giống cá, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế” – anh Kính cho hay.

Phân cá được hút vào 1 bể lắng lọc riêng có xử lý diệt khuẩn trước khi xả ra ngoài. Ảnh: Như Thủy

Theo ông Đậu Đức Năm – Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu, sau khi kiểm tra đánh giá mô hình tạo sông trong ao nuôi cá nước ngọt của anh Kính, huyện đánh giá đây là công nghệ mới, cho hiệu quả cao. Phương pháp này đã giải quyết được các khó khăn của người dân là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng thịt; đặc biệt cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên chứ không cần phải chờ xử lý ao nuôi. Sắp tới huyện sẽ tổ chức cho các hộ dân tham quan mô hình và nhân ra diện rộng.

Nguồn: Báo Nghệ An được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp xử lý nước nhiễm phèn nặng

Nước nhiễm phèn khiến tôm, cá còi cọc, chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như chất lượng đầu ra của vật nuôi. Chính vì vậy, việc xử lý phèn trong ao nuôi là vấn đề cấp thiết.

Tác hại của nước nhiễm phèn

Ao nuôi nhiễm phèn nặng thường đi kèm với pH thấp, lượng canxi rất ít làm mất cân bằng áp suất thẩm thấu giữa vật nuôi và môi trường nước, khiến tôm khó lột vỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tạo vỏ, khiến tôm mềm vỏ hoặc lột vỏ không hoàn toàn, bị dính vỏ, tỷ lệ sống không cao.

Nước ao nhiễm phèn nặng còn làm giảm khả năng gắn kết giữa ôxy và hợp chất HP (Hemoglobin) trong máu, quá trình hô hấp tăng cao làm cho tôm cá và vi sinh vật mất nhiều năng lượng hơn từ đó giảm khả năng sinh trưởng, sinh sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nuôi. Hợp chất phèn lơ lửng trong nước sẽ bám vào mang, cản trở quá trình hô hấp của tôm, đặc biệt khi tôm còn nhỏ. Nồng độ pH thấp làm cho lượng khí H2S trở nên độc hơn gây ức chế cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa ôxy của tôm nuôi làm cho tôm nuôi chậm lớn, màu sắc kém, mất giá.

Ngoài ra, ao nuôi bị nhiễm phèn còn làm cho tảo chậm phát triển, từ đó rất khó gây màu nước ao nuôi tôm, cá. Thông thường ao nuôi bị nhiễm phèn màu nước sẽ thay đổi thường xuyên do sự biến động của tảo.

Nguyên nhân nước nhiễm phèn

Nước nhiễm phèn là do đất tại vùng đào ao có chứa hàm lượng sulfat cao, cùng với điều kiện yếm khí và hoạt động của vi sinh vật nên sulfat bị khử, từ đó gốc lưu huỳnh sẽ kết hợp với hàm lượng sắt (Fe) có trong trầm tích tạo thành chất FeS2.

Dấu hiệu cho biết vùng đất nhiễm phèn thường có màu xám đen, vùng có chứa hàm lượng FeS2cao, khi phơi khô đất thường có phấn trắng, khi đào ao nuôi tôm ở vùng này thì việc xử lý phèn sẽ rất vất vả.

Biểu hiện ao nuôi nhiễm phèn

Sau những trận mưa, ao có những biểu hiện nhiễm phèn như nước ao trong hơn hoặc chuyển màu trà nhạt, có váng vàng nhạt nổi trên mặt nước, kiểm tra không có tảo phát triển.

Đối với ao nuôi cá, khi độ phèn cao, da cá chuyển màu đen, cá gầy đi và chậm lớn, nếu pH xuống quá thấp cá có hiện tượng chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Đối với ao nuôi tôm, quan sát thấy toàn bộ thân tôm chuyển từ màu sáng trong sang màu vàng nhạt đến vàng đậm, màu nước trà, sờ vào vỏ tôm có cảm giác cứng hơn bình thường, đồng thời, mang tôm chuyển sang màu vàng và sơ cứng lại. Tôm khó lột xác và bắt đầu bỏ ăn sau những trận mưa kéo dài, nếu ao bị phèn nặng tôm sẽ dạt bờ và chết rải rác, do ngạt thở bởi phèn bám nhiều vào mang tôm cản trở quá trình hô hấp của tôm.

Cách xử lý ao nhiễm phèn

Khi cải tạo ao, người nuôi không nên phơi đáy vì khi phơi hợp chất Pyrit sắt sẽ bị ôxy hóa tạo nên hydroxit sắt Fe(OH)2, giải phóng ion H+ làm pH giảm. Do vậy, cần cải tạo ướt như cày ướt ngâm nước và thau chua liên tục 3 – 4 lần. Sau khi thau chua, nếu nước vẫn có màu đỏ thì cần bón phân lân (photpho) với liều lượng 2 – 3 kg/100 m2 để giảm sắt.

Bón vôi nông nghiệp (CaO) để khử trùng, tăng pH và hệ đệm trong ao, liều lượng 15 – 20 kg/100 m2, vôi được rải đều xuống đáy và bờ ao. Dùng máy đo hoặc quỳ tím để đo pH đáy; nếu pH vẫn thấp thì nên bón thêm vôi, điều chỉnh pH từ 7,5 trở lên. Nếu người nuôi có khả năng về kinh tế thì có thể đầu tư trải bạt toàn bộ nền đáy và bờ ao để ngăn xì phèn là tốt nhất.

Đối với ao đất phèn, nên tăng công suất của dàn quạt nước từ 25 lên 30 hp/ha (mã lực) và thay dàn quạt cánh bằng quạt lông nhím nhằm cung cấp đủ dưỡng khí cho tôm.

Lấy nước vào ao 1,2 – 1,5 m, khử trùng và bật quạt nước, đo lại pH; nếu chỉ số này vẫn thấp thì có thể lấy vôi nông nghiệp và vôi đen (dolomite) hòa loãng lấy nước tạt vào buổi đêm liều lượng 2 – 4 kg/100 m2, nếu nước bị đục và có váng phèn thì có thể dùng  EDTA hoặc AQUAZEX (0,5 – 0,7 kg/100 m3 nước) để keo tụ váng phèn.

Sau khi xử lý nước có thể bón cám ủ, bột cá để gây màu nước trong ao đồng thời bổ sung chất khoáng để giữ màu nước được bền, lâu.

Khi ao lên màu nước, kiểm tra độ trong của nước đạt 35 – 40 cm là được, cần kiểm tra các yếu tố môi trường như độ mặn, pH, H2S lần cuối trước khi thả tôm.

Cần lưu ý, sau mỗi trận mưa, nước mưa có chứa axit và lượng xì phèn trên bờ có thể trôi xuống ao làm giảm pH. Do đó, cần dùng Zeolite để keo tụ chất vẩn, sau đó sử dụng chế phẩm sinh học để khoáng hóa đáy ao, đồng thời dùng vôi dolomite hòa vào nước ngọt 24 giờ; sau đó tạt đều xuống ao lúc 8 – 10 giờ đêm, liều lượng 1,7 kg/100 m3 nước. Nên rải vôi nông nghiệp quanh bờ ao trước khi trời mưa; khi mưa to, mực nước ao nuôi lên cao, cần xả bớt nước mặt để tránh giảm độ mặn đột ngột và tràn bờ, vỡ bọng, cống, kết hợp quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nước.

Trời sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn hoặc thậm chí ngừng cho ăn, chờ đến khi ngớt mưa, cho ăn với số lượng giảm 30 – 50% lượng thức ăn bình thường. Nếu dư thức ăn sẽ làm cho tảo lục phát triển mạnh, pH nước ao dao động, tôm sẽ bị đóng rong.

Để bảo đảm sức đề kháng và tránh cho tôm bị mềm vỏ, có thể trộn men vi sinh, khoáng chất và Vitamin C vào bữa chính cho tôm ăn mỗi ngày. Từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, cần vận hành quạt khí liên tục để cung cấp đủ dưỡng khí cho tôm nuôi, ổn định pH trong ao bằng vôi nông nghiệp và dolomite. Sau 2 tháng, có thể xi phông chất thải dưới đáy ao do quạt nước gom tụ lại, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển tốt.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thành công với mô hình nuôi tôm sú kết hợp với tôm càng xanh

Đây là bài báo cáo về một nông dân Ấn Độ nuôi thành công tôm sú (Penaeus monodon) và tôm càng xanh nước ngọt (Macrobrachium rosenbergii).

Trang trại sử dụng giống tôm sông hoang dã, nuôi ở mật độ tương đối thấp và cho ăn thức ăn viên dành cho tôm càng xanh mà tôm sú cũng chấp nhận.

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2013, Sri Mrityunjoy Bal đã nuôi của cả hai loài này với nhau.  Ông lựa chọn con giống M. rosenbergii (5-8mm, cỡ hạt thóc) và P. monodon (PL15 kích thước 14-15mm) từ trại giống chuyên nghiệp.

Ương giống

Trong một  ao nuôi ương 400m: 10.000 con giống tôm càng xanh và 20.000 giống tôm sú cùng nhau trong 35-45 ngày, trong đó M. rosenbergii và P. monodon đạt 3,9-5cm và 7,7-9cm (3g) trọng lượng cơ thể.

Mặc dù là thức ăn dành cho tôm càng xanh nhưng, nó được dùng cho cả hai loài và tôm sú cũng chấp nhận nó. Cách cho ăn: 80-100g mỗi ngày trong 10 ngày đầu tiên, cho ăn 100-140g trong 10 ngày thứ hai, 140-480g trong 10 ngày thứ ba và 480-880g mỗi ngày trong suốt 10 ngày thứ tư (tức là cho đến ngày thứ 40).

Giai đoạn 2 thức ăn viên với đường kính 1.5-2.0mm được cung cấp cho cả tôm càng và tôm sú trong ao bốn lần một ngày; Một lịch trình cho ăn nghiêm ngặt được duy trì bắt đầu với việc áp dụng thức ăn 7% mỗi ngày vào tuần đầu tiên.

Quy trình cân tôm và cho tôm ăn theo tỉ lệ mà Sri Mritunjoy sử dụng

– Cân 2,5-3,0g trọng lượng cơ thể trung bình (abw)) dùng 6% thức ăn mỗi ngày trong tuần lễ thứ hai của quá trình nuôi.

– 4-5g abw cho ăn 5% thức ăn mỗi ngày trong tuần thứ ba

– 6-7g abw trong tuần thứ 4

– Kết thúc với 1,5% thức ăn mỗi ngày trong tuần thứ 13 và khi đạt 35-37g Abw

– 38-40g abw cho ăn 1,2% thức ăn mỗi ngày trong tuần lễ thứ 14

Lịch trình cuối cùng được duy trì

Thức ăn viên đường kính 1-2mm để làm thức ăn cho tôm càng xanh và Tôm sú có kích thước 25gm và thức ăn 2-3mm Pellet được sử dụng cho đến thời điểm thu hoạch.

M. rosenbergii bắt đầu nuôi từ tháng 3 và thu hoạch vào cuối tháng 1 năm sau trong khoảng thời gian nuôi là bảy tháng.

Trong quá trình nuôi họ sử dụng máy bơm oxy để cung cấp oxy cho nước ao, họ đã không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề nào của nhiễm virus (WSSV hoặc MBV) khi nuôi tôm sú trong ao nuôi nước ngọt của mình trong ba năm.

Sự bùng nổ của các bệnh do virus gây ra ở tôm sú khi nuôi trong điều kiện nước ngọt ở mật độ thấp và sử dụng con giống thu được từ các vùng của sông Rupnarayan có độ mặn nước dưới 4-5ppt.

Mô hình nuôi tôm càng xanh và tôm sú được thực hiện bởi Sri Mrityunjoy Bal sẽ khuyến khích người dân nuôi tôm sú trong các hệ thống nước ngọt có độ mặn và mật độ thấp để giảm nguy cơ và các vấn đề về virut.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Liều dùng và vai trò của Vitamin C trên cá

Một nghiên cứu đầu tiên từ trước đến nay về hàm lượng Vitamin C (Ascorbic acid) bổ sung vào thức ăn cá chạch bùn giúp nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hệ thống miễn dịch và hoạt tính enzyme chống oxy hóa.

Vitamin C với động vật thủy sản

Động vật thủy sản thường phải chịu sự căng thẳng từ các yếu tố vượt quá khả năng của chúng về sự chịu đựng, chẳng hạn như mật độ nuôi cao, chất lượng nước kém, nhiệt độ cao và sự xâm nhập của vi khuẩn và virus. Tất cả những yếu tố bất lợi này có thể gây ra phản ứng sốc cho cá, dẫn đến năng suất thấp.

Đối với nuôi trồng thủy sản, để giảm phản ứng căng thẳng nhiều tác đã bổ sung vào thức ăn các chất chống oxy hóa (ví dụ như vitamin C và vitamin E), probiotic, prebiotic, B-glucans và các chất kích thích miễn dịch khác, có thể giúp cá giảm sự nhạy cảm đối với những yếu tố gây căng thẳng.

Vitamin C (acid L-ascorbic, ASA) đóng một vai trò quan trọng trong các chức năng sinh lý bình thường và kích thích phản ứng miễn dịch của cá (Lim & Lovell 1978), và nó là một chất chống oxy hóa tan trong nước quan trọng. Vitamin C cũng tăng cường hiệu ứng trên hoạt tính diệt khuẩn ở huyết thanh (Ren, Koshio & Uyan 2008), hoạt động thực bào (Misra, Das & Mukherjee 2007), nồng độ kháng thể (Misra et al. 2007) và chất nhầy trong phản ứng miễn dịch (Roosta, Hajimoradloo & Ghorbani 2014).

Trong nuôi trồng thủy sản, vitamin C thường được sử dụng với mức độ cao khi bổ sung vào thức ăn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng ở liều cao của việc bổ sung vitamin C  vào thức ăn trên cá vẫn chưa được xác định chắc chắn.

Nghiên cứu liều lượng bổ sung Vitamin C vào cá chạch bùn

Cá chạch bùn (Misgurnus anguillicaudatus) là một cá sống tầng đáy phân bố rộng rãi ở Châu Á. Trong những năm gần đây, giá trị của chúng trên thị trường đã tăng lên bởi vì giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao được công nhận bởi người tiêu dùng (Wang, Hu & Wang 2010;. Gao et al 2012). Cho đến nay, không có nghiên cứu nào về nhu cầu vitamin C trên cá chạch bùn được thực hiện. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành để làm rõ những ảnh hưởng của chế độ ăn khác nhau có bổ sung vitamin C đối với về hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch từ chất nhầy, hoạt tính của enzyme chống oxy hóa và biểu hiện gen chống oxy hóa trên cá chạch bùn.

Một thử nghiệm cho ăn trong 60 ngày đã được tiến hành để xác định những ảnh hưởng của vitamin C ở chế độ ăn khác nhau về hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và khả năng chống oxy hóa của cá chạch bùn.

Sáu mức độ Vitamin C bổ sung vào thức: 0 mg/kg (VC0), 100mg/kg (VC100), 200mg/kg (VC200), 500mg/kg (VC500), 1000mg/kg (VC1000) và 5000 mg/kg (VC5000) của VC (35% acid ascorbic) với ba lần lặp lại. Kết quả cho thấy cá ăn với mức độ  VC200 cho sự tăng trưởng tối ưu và có tác dụng ngăn ngừa sự oxy hóa cao (cụ thể là hơn 207,4 mg/kg), đồng thời hệ miễn dịch của cá chạch bùn hoạt động mạnh mẽ hơn rất nhiều. Hơn nữa, liều cao của việc bổ sung VC không cho thấy bất kỳ tác động bất lợi đến hiệu suất tăng trưởng của cá chạch bùn.

Do đó, thí nghiệm của nhóm nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung từ 200 mg/kg Vitamin C là điều cần thiết để gia tăng sự tăng trưởng và miễn dịch của cá chạch bùn, mức độ này cao hơn nhiều so với hầu hết các loài cá khác, ví dụ 47,6 mg/kg đối với cá chẽm Nhật Bản – Lateolabrax japonicus (Ai, Mai, Zhang, Xu, Duan & Tân 2004), 23,8 mg/kg  cho cá đù vàng lớn – Pseudosciaena crocea (Ái, Mai, Tân, Xu, Zhang, Ma & Liufu 2006) và 35,7 mg/kg đối với cá Cirrhinus mrigala (Zehra & Khan năm 2012). Điều này có thể gợi ý rằng các chạch bùn là loài nhạy cảm hơn nhiều với các yếu tố stress so với các loài cá khác.

Lưu ý khi sử dụng Vitamin C

Mặc dù Vitamin C là một chất chống oxy hóa, nó có thể tạo điều kiện cho quá trình oxy hóa trong điều kiện nhất định (Hininger et al. 2005). Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng Vitamin C gây độc với một số loại tế bào (Bhat, Azmi, Hanif & Hadi 2006; Ullah, Khan & Zubair 2011). Thêm vào đó, Vitamin C ở mức cao sẽ ức chế mạnh mẽ của sự hấp thụ Đồng hoặc các enzym phụ thuộc vào Đồng và dễ bị ngộ độc sắt (Prasad 1978). Vì thế khi bổ sung Vitamin C vào thức ăn cá chạch bùn cần phải cân nhắc ở mức hợp lý.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ mới cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác, kết hợp lượng dư thừa các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi đọng lại ở đáy ao nuôi không được xử lý.

Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã nghiên cứu thành công giải pháp “Điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa, siêu âm và ứng dụng trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản”. Nghiên cứu này đã mở ra một hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

Hướng đi mới đầy tiềm năng

Theo Tiến sỹ Lê Quang Tiến Dũng, trên thực tế có rất nhiều phương pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi, xử lý nguồn bệnh trong môi trường nuôi. Nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi khi gặp phải những vấn đề trên đã phải bỏ ra chi phí lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để xử lý môi trường ao nuôi nhưng không đem lại hiệu quả cao như mong muốn.

Mặt khác, việc sử dụng tràn lan các hóa chất để khử trùng nước như Chlorine, Iodin, thuốc tím, Formaline… có thể dẫn đến những hậu quả làm suy thoái môi trường và gây ra hiện tượng nhờn thuốc của các loại vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh như: khuẩn Vibrio spp., Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus… Do đó, việc nghiên cứu tìm các biện pháp làm giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản được xem là nhiệm vụ rất cấp thiết.

Với ý tưởng tăng hiệu suất diệt khuẩn của dung dịch anolyte sau điện hóa thành các vi bọt khí bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất cao để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản, nhóm tác giả đã mở ra hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte hay còn được gọi là nước oxy hóa điện ly được kỹ sư người Nga V. Bakhir phát hiện năm 1972.

Dung dịch anolyte là một tác nhân khử trùng có nhiều tính ưu việt, hiệu quả khử trùng cao, diệt nhanh nhiều loại vi khuẩn, dễ sản xuất, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường. Các nước trên thế giới đặc biệt là Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Hàn Quốc… đã đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo thiết bị sản xuất dung dịch anolyte và ứng dụng công nghệ này trong đời sống và sản xuất như y tế, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm… Trong nước, việc nghiên cứu ứng dụng dung dịch anolyte để khử trùng trong y tế, chế biến và bảo quản nông sản đã được thực hiện từ năm 2001.

Năm 2002, dung dịch anolyte được sử dụng dung để bảo quản vải thiều, thanh long, nho… Trong chăn nuôi gà, vịt, heo, dung dịch anolyte được sử dụng để phòng ngừa các bệnh đường ruột đạt kết quả tốt. Trong những năm gần đây, dung dịch anolyte này được nghiên cứu ứng dụng để thay thế các hóa chất thường dùng trong việc xử lý, khử trùng môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

Dung dịch anolyte được điều chế bằng phương pháp điện hóa có nhiều ưu việt trong khử trùng môi trường nước. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là hiệu suất diệt khuẩn vẫn chưa tối ưu, tính ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số hạn chế. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một giải pháp có tính kế thừa và có tính mới nâng cao hiệu quả diệt khuẩn bằng phương pháp công nghệ điện hóa – siêu âm kết hợp chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch anolyte thành vi bọt khí có hiệu suất diệt khuẩn rất cao, phân hủy các chất hữu cơ và các khí độc.

Kết quả khi sử dụng dung dịch anolyte để xử lý khuẩn Vibrio spp. với nồng độ muối 5g/L, hiệu suất đạt 54,8 %; tăng nồng độ muối lên 30g/L, hiệu suất đạt 96,4 % theo tỉ lệ dung dịch anolyte: khuẩn (1:1). Điều này chứng tỏ rằng, nếu càng tăng nồng độ muối NaCL, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. càng tăng. Khi kết hợp siêu âm – điện hóa, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp được nâng cao và có thể điều chế được dung dịch vi bọt khí.

Khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm- điện hóa kết hợp khảo sát theo nồng độ muối NaCl với điện áp cố định 4V , hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ Nacl 5g/L. Với nồng độ NaCl 20g/L, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỉ lệ dung dịch vi bọt khí : khuẩn (1:1). Dung dịch vi bọt khí có khả năng phân hủy xanh methylene và xử lý khuẩn Vibrio spp. tốt hơn so với khi sử dụng dung dịch anolyte được điều chế từ bộ điện hóa.

Cần ứng dụng rộng rãi

Về hiệu quả kinh tế, bằng việc kết hợp với Trường Đại học Khoa học trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện hóa- siêu âm, Công ty Huetronics đã tiến hành triển khai chế tạo và thương mại hóa thiết bị xử lý nước sử dụng công nghệ điện hóa- siêu âm với công suất lớn, cấp nước vào ao hoặc cấp nước tuần hoàn trong suốt vụ nuôi mà không dùng bất kỳ sản phẩm diệt khuẩn truyền thống nào.

Về hiệu quả kỹ thuật, theo đánh giá của các hộ nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế, ứng dụng giải pháp thiết bị điện hóa – siêu âm xử lý nước tuần toàn tại ao nuôi giá thành thấp, quy trình sản xuất đơn giản phù hợp với các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn. Đặc biệt, dung dịch vi bọt khí có tính năng ưu việt như có khả năng xử lý khuẩn Vibrio spp đạt hiệu quả cao, không độc hại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, thân thiện với môi trường. Cụ thể, đã giảm chi phí rất lớn về xử lý nước trong quá trình nuôi, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Nâng tỷ lệ thành công các vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn cho các hộ nuôi so với trước đây.

Giáo sư Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá: Nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa kết hợp siêu âm công suất của Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng đặc biệt có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội lớn đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phát triển các loại sản phẩm công nghệ cao, giá thành thấp, mang thương hiệu Việt.

Kết quả nghiên cứu không chỉ được ứng dụng hiệu quả cho các vùng nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế mà thiết bị điện hóa – siêu âm vi bọt khí còn được tín dụng cao ở các vùng nuôi tôm trọng điểm miền Nam như Gò Công, Tiền Giang, Bạc Liêu…Với những thành quả về mặt kinh tế, kỹ thuật và xã hội, đề tài đã đoạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ toàn quốc (VIFOTEC) năm 2016 trong lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Hy vọng trong thời gian không xa, thiết bị này được ứng rộng rãi trong cả nước để mang lại hiệu quả cao cho người nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo hội chứng co cơ (CMS) trên tôm thẻ chân trắng khi áp dụng hệ thống tuần hoàn (RAS)

Hội chứng co cơ (Cramp Muscle Syndrome – CMS) trên tôm hay còn gọi là hội chứng chuột rút đã được đề xuất với nguyên nhân gây ra bởi các yếu tố sinh lý hoặc các yếu tố môi trường dinh dưỡng.

Nguyên nhân hội chứng co cơ trên tôm

Hệ thống nuôi tuần hoàn trong nhà (RAS) để sản xuất tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) đã thu hút được nhiều nghiên cứu và lợi ích kinh tế vì chúng tương đối thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn sinh học. Áp dụng hệ thống cũng có thể nằm trong đất liền, cách xa những vùng  đất ven biển đắt đỏ, tôm được nuôi ở khí hậu ôn đới và gần các thị trường chính. Tôm có thể được nuôi trong các hệ thống nước sạch hoặc sử dụng công nghệ biofloc. Các cơ sở nuôi nội địa thường lấy nước nuôi bằng cách pha  muối biển tổng hợp với nước từ giếng hoặc các nguồn nước khác .

Sản xuất tôm thương phẩm có thể thay từ 0,5 đến 10% nước hàng ngày. Việc này có thể làm cho hệ thống hệ thống tích luỹ các yếu tố ở mức độ nhỏ hơn nhưng độc hại khi vượt quá ngưỡng cho phép, chúng bao gồm: Đồng, Cadmium, Chromium, Chì, Thủy ngân, Mangan, Selenium, và Kẽm. Hoặc mất các ion quan trọng cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng và mức độ sống sót của tôm như  Canxi, Chloride, Magiê, Phốt pho, Kali, Natri và Sulphur. Vấn đề này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hội chứng co cơ trên tôm nuôi.

Hội chứng co cơ (Cramp Muscle Syndrome – CMS) hay hội chứng chuột rút đã được đề xuất với nguyên nhân gây ra bởi các yếu tố sinh lý hoặc các yếu tố môi trường dinh dưỡng. Thiếu Kali  hoặc môi trường giảm (so với các nguyên tố khác như Ca, Na và Mg) có thể là yếu tố chính trong nguyên nhân gây ra hội chứng co cơ (CMS) trên tôm. Một phần cơ bụng tôm có dấu hiệu bị co cứng, trong khi các bộ phận khác của cơ thể đầy đủ bình thường. Gây hạn chế khả năng di chuyển của tôm, bắt mồi kém và tăng trưởng chậm. Khi hàm lượng Oxygen trong hệ thống bị giảm sút có thể làm chết tôm nhanh chóng hơn.

Thí nghiệm chứng minh

Vấn đề này đã được thảo luận trong một bài báo trình bày tại Hội nghị Quốc tế về Nuôi trồng  Thuỷ sản được tổ chức vào mùa hè năm ngoái  tại Roanoke, Virginia. Bởi tiến sĩ David Kuhn thuộc Virginia Tech, Blacksburg và cộng sự.

Để mô tả cách quản lý các phần tử trong RAS nuôi tôm, Kuhn đã bố trí thí nghiệm như sau: Sử dụng nguồn nước ở một cơ sở nước sạch trong nội địa để nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) sử dụng lọc RAS điển hình. Cùng với muối biển tổng hợp (Crystal Sea Marine Mix) đã được thêm vào nước giếng để tạo độ mặn là 10 – 12 ‰. Nhiệt độ được duy trì ở khoảng 30°C và nồng độ oxy hòa tan ở 5,0 mg/l hoặc cao hơn. Amoniac và nitri ít hơn 0,75 mg/L, sự tích tụ nitrat-N dưới 200 mg/L. Duy trì các sinh vật phù du, đảm bảo chất lượng nước tốt và cung cấp thức ăn dinh dưỡng để có được sự sống còn cao hơn.

Sau một tháng hoạt động của RAS, một số lượng lớn tôm bắt đầu cho thấy có triệu chứng co cơ sau khi được xử lý, trong đó một tỷ lệ lớn tôm không hồi phục.

Một điều đáng chú ý trong thú nghiệm trên là sau một tháng hoạt động, nồng độ kali được xác định bằng khoảng một nửa so với nước biển thông thường (50 – 75 so với 100 – 125 mg/L). Chứng tỏ việc thiếu Kali có ảnh hưởng rất lớn đến hội chứng co cơ (CMS) trên tôm.

Nguồn: Tepbac.com được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nên ăn hải sản nuôi hay tự nhiên?

Có nhiều tranh cãi giữa việc ăn hải sản đánh bắt tự nhiên tốt hơn so với hải sản được nuôi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ăn cá nuôi tốt hơn. Dưới đây là sự phân tích những nhận định so sánh giữa tôm cá nuôi và đánh bắt tự nhiên.

1. Ăn hải sản nuôi không tốt cho sức khỏe?

Thực tế cho thấy ăn hải sản nuôi tốt cho sức khỏe hơn đánh bắt từ tự nhiên. Thức ăn thủy sản phải đảm bảo tôm cá nuôi phải an toàn và tốt cho sức khỏe người dùng. Thức ăn thủy sản phải đảm bảo sản xuất chất lượng tôm cá ngon, an toàn cho người sử dụng, và bảo vệ môi trường. Nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng acid béo omega-3 giữa cá nuôi và cá tự nhiên không khác nhau. Omega-3 bao gồm alpha-linolenic acid (ALA), docosahexaenoic acid (DHA), và eicosapentaenoic acid (EPA), là những acid béo không no tốt cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, và tốt cho sự phát triển của não. Những nghiên cứu gần đây cho thấy omega-3 còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư vú và tim mạch.

ALA có nhiều trong dầu thực vật, DHA và EPA có nhiều trong hải sản đặc biệt trong những loài cá ở xứ lạnh như cá hồi, cá thu, cá ngừ, ….Trong tự nhiên, cá sản sinh ra các omega-3 nhờ vào ăn các loài cá nhỏ hơn. Trong khi đó, cá nuôi được cho ăn thức ăn với hàm lượng protein cao cùng với hàm lượng omega-3 tương đương với cá tự nhiên.

Do đó, cá nuôi thường có hàm lượng DHA cùng với EPA cao hơn cá được đánh bắt ngoài tự nhiên và các mức độ chính xác phụ thuộc vào thành phần thức ăn.

2. Môi trường cá nuôi dơ và mật độ cao?

Cá luôn sống theo bầy đàn, ngay cả trong tự nhiên cá luôn sống theo bầy. Do đó, so với cá nuôi với mật độ dày thì cá ngoài tự nhiên sống theo bầy đàn thì điều kiện môi trường nuôi gần như là như nhau.

3. Dịch bệnh cùng với sự bùng phát của ký sinh trùng?

Dịch bệnh và ký sinh trùng bùng phát thường xuyên xuất hiện trong tự nhiên, do tập tính sống theo bầy đàn của cá và cá luôn di chuyển, điều này làm cho dịch bệnh lây lan từ nơi này đến nơi khác. Trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi luôn kiểm soát môi trường nước nuôi nhằm hạn chế tối đa sự bùng phát của dịch bệnh cũng như sự phát triển của các ký sinh trùng gây bệnh.

4. Ảnh hưởng bởi việc sử dụng kháng sinh?

Ngày nay để đáp ứng cho ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, cùng với việc hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh, nên nhiều loại vaccine được sử dụng thành công trên cá. Bên cạnh đó nhiều thực phẩm bổ sung được sử dụng trong công thức thức ăn nhằm tăng cường sức khỏe cùng với tăng cường hệ miễn dịch của cá. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có nhiều mô hình nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, với sự kiểm soát môi trường nước nuôi, qua đó tạo ra sản phẩm thủy sản sạch.

5. Cá nuôi chứa các chất tạo màu ảnh hưởng đến sức khỏe?

Thực tế nghiên cứu màu trên cá hay thịt cá như cá hồi hay cá tráp là do ăn cá thức ăn trong tự nhiên có chứa chất tạo sắc tố gọi là carotenoids. Các carotenoids phổ biến là astaxanthin và canthaxanthin, các chất này được xem là những chất chống oxy hóa, giàu vitamin A cho cá trong tự nhiên. Trong sản xuất thức ăn cho cá, khẩu phần thức ăn có bổ sung thêm astaxanthin tự nhiên hay tổng hợp nhằm tăng sắc tố tự nhiên của cá.

Do đó, việc bổ sung vào astaxanthin vào thức ăn cho cá giống với điều kiện ngoài tự nhiên và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Nguồn:  Aquaculturealliance.org được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dự đoán trước bệnh trên các loài thủy sản nuôi bằng cách phân tích mẫu DNA môi trường

Để đánh giá sự hiện diện của mầm bệnh lây lan qua môi trường nước ở ngành nuôi cá chẽm Úc, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật di truyền tiên tiến. Thành công của dự án cho thấy tiềm năng to lớn của kỹ thuật này đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản.

Giana Bastos Gomes là một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nuôi trồng thủy sản và Nghề cá nhiệt đới bền vững, thuộc Đại học James Cook, Úc. Cô đã thực hiện một dự án nhằm nghiên cứu khả năng sử dụng mẫu eDNA (environmental DNA) để phát hiện sự có mặt của các loài trùng miệng lệch (Chilodonella spp.) ở các trang trại nuôi cá chẽm nước ngọt. Các kết quả eDNA của Giana đã chỉ ra rằng có thể dự đoán được các đợt cá chết khi có nhiều kí sinh trùng lông tơ trong nước.

Chilodonella nghiêm trọng đến đâu và nó có ảnh hưởng đến các loài cá hay các vùng địa lý khác không?

Chilodonella spp. là những loài ký sinh trùng lông tơ phân bố trên toàn thế giới, lây nhiễm đến hầu hết các loài cá nước ngọt. Những ký sinh trùng này đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu đáng kể trong 10 năm qua do sự gia tăng nuôi thủy sản nước ngọt trên toàn thế giới. Việc tăng cường nuôi thâm canh của các hệ thống nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như chilodonellosis (bệnh nhiễm trùng do Chilodonella spp. gây ra).

Lấy mẫu eDNA khác như thế nào so với các thủ tục lấy mẫu truyền thống, chẳng hạn như mô bệnh học?

Sử dụng eDNA để phát hiện các mầm bệnh – chẳng hạn như vi khuẩn và ký sinh trùng – tập trung vào việc phát hiện và định lượng vật liệu di truyền mục tiêu có trong nước hoặc trầm tích, ví dụ trước khi động vật bị bệnh. Vì vậy, chúng ta có thể gọi nó là một phương pháp tiên đoán, trong khi mô bệnh học truyền thống xác định những mô bị tổn thương do bệnh gây ra khi động vật đã bị nhiễm bệnh và đang có triệu chứng của bệnh.

eDNA có được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản hoặc các ngành chăn nuôi khác?

eDNA chủ yếu được sử dụng cho các nghiên cứu về pháp y và bảo tồn. Đây là một cách tiếp cận mới đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cho mục đích thương mại, mặc dù đã được các nhà nghiên cứu sử dụng khá rộng rãi trong thời gian gần đây.

Về thời gian giữa lấy mẫu và cho kết quả?

Phụ thuộc vào khoảng cách giữa trang trại và phòng thí nghiệm. Một khi mẫu đã về phòng thí nghiệm thì chỉ mất vài ngày là có kết quả khuyếch đại vật liệu di truyền. Để một dự án nghiên cứu bắt đầu từ một mớ hỗn độn (như dự án của tôi), cần phải mất hai năm để phát triển phương pháp. Nhưng trong tương lai gần, chúng tôi muốn phát triển các thiết bị tại chỗ (tại trang trại) để thu được kết quả tối đa trong vòng hai giờ.

Trên thực tế, làm thế nào để so sánh chi phí? Và tính khả thi ra sao để đào tạo công nhân ở các trang trại nuôi cá sử dụng?

Phương pháp eDNA phải được sử dụng như một cách tiếp cận để phòng ngừa bùng phát dịch bệnh. Lý tưởng nhất là nên sử dụng kết hợp với việc phân tích các thông số về chất lượng nước. Người nuôi sẽ tiết kiệm tiền bằng cách không đợi cho đến khi vật nuôi bị bệnh để hành động. Giống như sức khỏe con người, phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản ít tốn kém hơn so với trị bệnh.

Lấy nước để thu mẫu eDNA rất đơn giản và bất cứ người nuôi nào cũng có thể làm được. Phần việc có tính kỹ thuật và phức tạp hơn thì hiện phải được làm trong phòng thí nghiệm phân tử. Nhưng trong tương lai, với việc sử dụng các thiết bị phát hiện tại chỗ, các kỹ thuật viên trong lĩnh vực này sẽ có thể thực hiện được.

Tôi cũng đang làm việc trên một thiết bị tại chỗ điểm dựa trên DNA (DNA-based point-of-care device) trong một dự án do công ty Nghiên cứu và Phát triển nghề cá (FRDC) cùng với Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc tài trợ nhằm giúp đỡ cho những người nuôi thủy sản ở các vùng hẻo lánh, xa các phòng thí nghiệm chẩn đoán.

Điều gì đã thu hút cô đến với ngành nuôi cá chẽm?

Cá chẽm (barramundi) là một loài cá mang tính biểu tượng ở Úc và đã thu hút được rất nhiều nghiên cứu, không chỉ ở nước này mà còn ở Châu Á. Từ thực tế này, cùng với mối quan hệ gần gũi mà tôi đã có được với các trang trại nuôi cá chẽm lớn ở Úc đã thôi thúc tôi tìm ra những cách giải quyết mang tính đột phá đối với các bệnh gây ra trên loài cá này.

Cô có ngạc nhiên về các kết quả nào không?

Tôi ngạc nhiên rằng kỹ thuật này đã làm việc rất tốt để phát hiện ra Chilodonella, vì nghiên cứu luôn có may rủi. Bạn có một ý tưởng khi bạn thiết kế dự án, nhưng kết quả có thể hoàn toàn khác so với những gì bạn mong đợi.

Nghiên cứu của cô đã làm sáng tỏ những điều kiện cụ thể thích hợp nào để dịch bệnh Chilodonella bùng phát?

Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh một số xu hướng liên hệ giữa lượng mưa thấp và mật độ Chilodonella cao, đặc biệt nguy hiểm đối với cá nhỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo trên các loài cá khác cũng như lấy mẫu nước và các thông số về chất lượng nước thường xuyên hơn trong tương lai sẽ là rất quan trọng để xác định được các yếu tố môi trường thích hợp cho sự bùng phát của bệnh Chilodonella.

Các kết quả nghiên cứu của cô có gợi ý điều gì cho các ngành nuôi thủy sản khác?

Ý định kết hợp với nghiên cứu này là sử dụng phương pháp eDNA và các dữ liệu về chất lượng nước từ trang trại nuôi cá nước ngọt làm một mô hình để chứng minh khái niệm này. Hiện các ngành công nghiệp nuôi trồng thuỷ sản khác có thể sử dụng được phương pháp này.

Làm thế nào mà người nuôi có thể phản ứng để giảm thiểu những tác động của mật độ ký sinh trùng cao do kỹ thuật này phát hiện ra?

Mỗi loài thủy sản và hệ thống nuôi trồng thủy sản sẽ có cách tiếp cận khác nhau, nhưng trong trường hợp nghiên cứu của chúng tôi, người nuôi có thể xem xét việc thay đổi thời gian nuôi trong năm và có thể cân nhắc để thả cá lớn hơn. Có thể có các phương pháp xử lý bằng hóa chất có hiệu quả hơn trước khi cá bị bệnh và ký sinh trùng lây lan thêm. Quan trọng hơn là eDNA có thể giúp các nhà quản lý trang trại cải tiến các quy trình an ninh sinh học và tăng cường năng lực phản ứng của họ.

Cô hoặc các nhà nghiên cứu khác có thể sử dụng các kết quả của nghiên cứu này như thế nào?

Các ứng dụng có thể của phương pháp eDNA trong nuôi trồng thuỷ sản là rất lớn. Ví dụ, liên kết giữa việc định lượng các mầm bệnh (phương pháp eDNA) trong các hệ thống nuôi trồng thuỷ sản với các cảm biến thời gian thực để kiểm tra chất lượng nước có thể là một “kẻ là thay đổi cuộc chơi” đối với người nuôi. Nó có thể nhanh chóng chứng minh xu hướng giữa sự hình thành mầm bệnh và những thay đổi lớn của oxy hoặc nhiệt độ, ví dụ như thế. Tiếp cận nhanh chóng với loại thông tin này sẽ cho phép người nuôi áp dụng các chiến lược quản lý phù hợp để giảm thiểu hoặc tránh các tổn thất về kinh tế do dịch bệnh bùng phát gây ra.

Nguồn: TheFishSite.com được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tại sao cá ngừ có thể có lượng hóa chất gấp 36 lần so với các loại khác?

Cá ngừ là loại cá có giá trị kinh tế cao thường được ngư dân đánh bắt để xuất khẩu và rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên đây là loại cá được khuyến khích không nên ăn nhiều  bởi có thể nguy hại cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego đã phát hiện ra mức độ chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu cao gấp 36 lần trong mô cơ của cá ngừ vây vàng đánh bắt ở các khu vực công nghiệp hóa của vùng Đông Bắc Thái Bình Dương và Đông Bắc Đại Tây Dương so với cá ngừ đánh bắt ở các vùng biển nguyên sơ của Tây Thái Bình Dương.

Các chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu (POPs) bao gồm thuốc trừ sâu, chất làm chậm cháy, và polyclorinated biphenyl (PCBs) – những chất được sử dụng trước đây như một chất làm mát trong các thiết bị điện và các thành phần trước khi chúng bị cấm ở Hoa Kỳ vào năm 1979. Mặc dù chúng bị hạn chế hoặc không được sử dụng, các thành phần này tồn tại trong môi trường và cuối cùng tích tụ trong các sinh vật, bao gồm các loài thủy sản và con người. POPs gây một số tác dụng bất lợi ở người, bao gồm can thiệp vào sự phòng vệ của cơ thể chống lại các chất lạ.

Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết 117 con cá ngừ trên thế giới được phân tích trong nghiên cứu này sẽ được coi là an toàn theo hướng dẫn tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, họ ghi nhận rằng 90% cá ngừ được đánh bắt ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương và hơn 60% cá ngừ đánh bắt ở Vịnh Mexico có chứa các mức độ chất ô nhiễm có thể cần đưa ra các lời khuyên về sức khoẻ cho những người tiêu dùng thường xuyên và những người có nguy cơ, bao gồm cả phụ nữ mang thai hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Các tác giả cũng tìm thấy các mức độ cụ thể của các chất ô nhiễm này được biết đến làm suy yếu hệ thống phòng vệ của cơ thể con người trong việc chống lại các hóa chất và chất độc. Nhóm các chất ô nhiễm này được gọi là các chất ức chế sự hoạt động (TICs). Đáng ngạc nhiên là TIC có trong tất cả cá ngừ với mức cao nhất được phát hiện lần nữa ở những nơi bị ô nhiễm nhiều nhất.

Nhà nghiên cứu Tiến sĩ Sascha Nicklisch của Scripps, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Đáng ngạc nhiên, chỉ có một vài loại chất ô nhiễm được phát hiện trong cá ngừ có thông tin quy định để tính toán các khuyến cáo về chế độ ăn. Một vấn đề quan trọng được nêu ra trong nghiên cứu này là làm thế nào để hướng dẫn khoa học và chính sách về các mối nguy hiểm có thể liên quan đến các hóa chất này trong các nguồn thực phẩm của chúng ta”.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối tương quan giữa lượng chất ô nhiễm và phần trăm mỡ cơ thể của cá vì các chất ô nhiễm tích tụ trong lipid. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Nicklisch đã phát hiện ra rằng mức độ các chất ô nhiễm thường liên quan chặt chẽ hơn với vị trí mà cá được đánh bắt chứ không phải là lượng chất béo trong cá. Trong khi các nhà nghiên cứu không thể thiết lập mối quan hệ rõ ràng, dữ liệu của họ cho thấy rằng hàm lượng chất béo tự nó không phải lúc nào cũng là một dự báo đầy đủ về tổng khối lượng chất ô nhiễm có trong cá.

Nghiên cứu cho thấy rằng cần phải sử dụng vị trí đánh bắt để hướng dẫn các lựa chọn của người tiêu dùng và để giúp giảm sự tiếp xúc không chủ ý của con người đối với các chất ô nhiễm này.

Nguồn: Phys.org được tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.