Nghệ An: Chính thức dãn nhãn tem truy xuất điện tử cho cam vinh

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.

Thông tin từ Sở KH&CN Nghệ An cho biết, đã có 120 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh được HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tấn Thanh và HTX sản xuất dịch vụ cam Phùng Huyền trên địa bàn xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đăng ký để dán lên sản phẩm, bán ra thị trường.


Qua tem điện tử, khách hàng có thể tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại thông minh.

Thông qua nhãn tem này, khi người tiêu dùng kiểm tra truy xuất điện tử sẽ cho thông tin: Tên sản phẩm, giống cam, quy cách đóng gói, bảo quản, ngày thu hoạch; hạn sử dụng; phân loại chất lượng, thông tin cảnh báo; quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, diện tích, số lượng, thời gian gieo trồng; Tên tổ chức, cá nhân đại diện, địa chỉ giao dịch, điện thoại giao dịch, email và thông tin phân phối cũng được đơn vị chức năng tiến hành thẩm định, in đầy đủ trên mỗi nhãn tem Cam Vinh.

Quy trình thẩm định, cấp phép in ấn tem truy xuất điện tử cam Vinh sẽ được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Nguồn: Báo Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thu nhập 200 tỷ/năm nhờ vào cây có múi

Từ ý tưởng bị coi là “điên rồ”

Ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên, nhiều đời nay người dân sống chủ yếu dựa vào cấy lúa, mỗi sào cho thu hoạch vài tạ thóc. Có thời điểm, các hộ dân ở đây cơm không đủ ăn, cả nhà nhường nhau từng chút thức ăn để vượt qua những năm tháng đói nghèo bủa vây.

Trong hoàn cảnh đó, từ năm 2000, một số hộ dân ở xóm Thanh Sầm và Bùi Xá đã táo bạo chọn hướng thay đổi mô hình trồng lúa sang trồng cây có múi như cam Vinh, cam sành, bưởi Diễn với hy vọng cuộc sống sẽ sung túc hơn.

Xã Đồng Thanh thoát nghèo nhờ trồng cây có múi

Một trong những người đi tiên phong thay đổi cây trồng là ông Lê Văn Phú (60 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm. Ông Phú được người dân kính nể không chỉ vì có thu nhập khủng từ vườn cây có múi mà còn là người trực tiếp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp các gia đình khác thoát nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Phú vẫn không quên ‘trang điểm’ cho căn nhà bằng hai hàng bưởi sai trĩu quả đang vào vụ thu hoạch. Ông kể: “Năm 2000, khi tôi quyết định chuyển đổi 1,5 mẫu đất trồng lúa sang trồng cây cam Vinh, bưởi Diễn mọi người trong làng đều kịch liệt phản đối và cho rằng đó là ý tưởng điên rồ. Thậm chí, khi ấy UBND xã Đồng Thanh cũng không mặn mà gì với việc làm này của tôi”.

Tuy nhiên, bỏ qua những lời phản đối và những khó khăn ban đầu, ông Phú vẫn kiên định và quyết tâm theo đuổi con đường mình lựa chọn. Vì theo ông Phú, nếu cứ tiếp tục trồng lúa với thu nhập thấp như vậy thì gia đình sẽ mãi sống trong cảnh chật vật, nghèo túng.

“Thời gian đầu, khó khăn nhất là kĩ thuật trồng và chăm sóc cây. Tôi mất 5 năm đầu mới tự tin nhân rộng mô hình và thu được thành quả bước đầu” – ông Phú nhớ lại.

Cũng theo ông Phú, sau khi nắm bắt được kĩ thuật, học hỏi thêm kiến thức sau các đợt tập huấn, gia đình ông đã biết cách làm sao cho cây sống khỏe, cho ra vị ngọt rất đặc biệt, không giống với các loại cam ở các huyện khác ở Hưng Yên như Văn Giang.

“Đất của xã Đồng Thanh là đất thịt, khác với đất cát ở Văn Giang, đất đồi ở các vùng Hòa Bình nên rất phù hợp với việc trồng cây có múi. Hương, vị của hoa quả trồng ở đây cũng khác lạ, tạo nên thương hiệu riêng” – lão nông Lê Văn Phú cho biết.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế gia đình từ trồng cây có múi, lão nông Lê Văn Phú còn sáng tạo nhiều kĩ thuật canh tác cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Một trong những kĩ thuật đó là bón đậu nành cho cây cam.

Theo ông Phú, việc cho cây cam ‘ăn’ đậu nành giúp cây cho quả nhiều hơn, vị ngọt của cam đậm và thơm hơn. Cứ mỗi sào gia đình ông Phú bón từ 80 đến 100kg. Cùng với bón đậu nành, các hộ dân ở đây còn cho thêm phân kali để tăng vị ngọt và giúp cây chống chọi được với các dịch bệnh.

Sau 17 năm kiên trì, đến nay ông Phú đã mở rộng quy mô, tăng diện tích trồng cây có múi lên 11 mẫu, trồng khoảng 7.000 cây gồm cam Vinh, cam đường, bưởi Diễn. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm gần 2 tỷ đồng.

Đến xã ‘tỷ phú’ mới nổi

Nhìn thấy hiệu quả kinh tế ngoài sức tưởng tượng mà ông Phú gặt hái được từ cây có múi, từ năm 2010 đến nay, nhiều hộ dân trong xã Đồng Thanh đổ xô chuyển sang trồng cây có múi và đều đổi đời. Có nhiều gia đình mở rộng quy mô lên hàng chục mẫu đất, với chi phí đầu tư nhiều tỷ đồng. Có những hộ dân, chỉ với một vài sào ruộng nhưng cũng quyết tâm chuyển đổi.

Ông Vũ Văn Luận, được người dân mệnh danh là “ông trùm” về cây có múi ở xã Đồng Thanh với tổng diện tích trồng cây khoảng 20 mẫu, trồng khoảng 10 nghìn cây gồm cam và bưởi Diễn, mỗi năm thu về trên 3 tỷ đồng lợi nhuận.

Với những tìm tòi, sáng tạo trong canh tác, ông Luận cùng nhiều người đã tạo ra những quả cam có vị ngọt rất lạ, đậm và thơm. Theo ông Luận, thương lái từ khắp các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội,… lần lượt rỉ tai nhau kéo về đây để lấy hàng, ai nấy đều gật gù với chất lượng cam Đồng Thanh.

Nhìn thấy lợi nhuận từ vườn cây có múi, cả xã Đồng Thanh ai nấy đều ồ ạt chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam, bưởi. Có những gia đình diện tích đất chỉ vài sào nhưng cũng quyết tâm chuyển hướng với hy vọng đổi đời.

Cuộc sống của người dân thay đổi từ khi chuyển đổi cây trồng

Anh Đào Văn Vượng (40 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm, mặc dù chỉ có hơn 5 sào đất trồng cam nhưng mỗi năm vẫn cho thu về trăm triệu.

Anh Vượng tâm sự: “Ngày xưa khi còn trồng lúa, tôi vừa làm ruộng vừa làm công nhân bốc vác trên địa bàn huyện thu nhập chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng. Đời sống gia đình không khá lên được”.

“Thấy hàng xóm là ông Phú làm giàu từ cam với bưởi Diễn, tôi quyết định sang học tập kinh nghiệm. Sau 4 năm cố gắng, gia đình cũng có một vườn cam nhỏ đủ để trang trải cho cuộc sống. Năm nay, trừ đi chi phí, ước tính lợi nhuận thu được từ hơn 5 sào đất khoảng trên 100 triệu đồng”.

Bức tranh đời sống của xã Đồng Thanh thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên san sát.

Ông Lê Văn Nhất, chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, cho hay: Bộ mặt của toàn xã đã thay đổi hoàn toàn từ khi người dân chuyển đổi cây trồng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xã thay đổi hoàn toàn. Đó là nhờ việc nhân rộng mô hình chuyển đổi đất từ trồng lúa sang đầu tư cây có múi như cam Vinh, bưởi Diễn. Tổng thu nhập toàn xã Đồng Thanh các năm 2015, 2016 đều đạt trên 100 tỷ đồng. Xã đã chuyển đổi hơn 70% diện tích đất để trồng cây có múi.

Vị chủ nhiệm HTX Đồng Thanh vui mừng: “Mới đây, cam Đồng Thanh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang đưa sản phẩm tham gia các hội chợ với tên thương hiệu là cam và bưởi Đồng Thanh, với kỳ vọng thời gian tới sẽ xuất khẩu được cam ra thị trường nước ngoài”.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hà Giang xây dựng chuỗi giá trị cam sành

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và là đặc sản của Hà Giang. Cây cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở Hà Giang

Trong niên vụ cam 2017 – 2018, tổng diện diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 8.850ha, trong đó có trên 4.500ha cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 48.000 tấn.

Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cam sành góp phần thúc đẩy tiềm năng đối với cây ăn quả đặc sản của địa phương; thu hút đầu tư từ các nguồn lực, tạo mối liên kết thị trường, góp phần tăng thu nhập và ổn định cho người SX, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và 3 huyện trồng cam thực hiện các chương trình, dự án nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm.

Điển hình là chương trình “Cải tạo và phục hồi cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”, chương trình “Mở rộng và nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành”… Cho tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hàng năm vào đầu vụ thu hoạch, UBND tỉnh đều phối hợp với các huyện tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành. Hiện sản phẩm cam sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Cam sành trồng theo chuẩn VietGap 

Xác định cam sành là một trong những cây trồng chủ lực (gồm cam, chè và cây dược liệu), HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND về các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực, trong đó có cây cam sành.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để thâm canh cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha; riêng đối với vườn cam có xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ 24 tháng.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến cam sành sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đem cá tươi ủ làm phân bón, kết quả là 2000 gốc cam sai trĩu quả

Mọi người lên thăm vườn cam của lão thì bảo “lão này hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cam”, người thì bịt mũi không chịu được cái mùi hôi thối của cá ủ bốc lên nồng nặc. Nhưng ít ai ngờ đây là chiêu độc mà ông Phạm Bá Tiến, đội 5, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm để “sai khiến” gần 2.000 gốc cam của ông vụ nào cũng trĩu quả.Giảm chi phí phân bón

Đã 7 vụ cam, ông Tiến thành công với cách bón phân lạ lùng của mình. Phân bón cam của ông được làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học. Theo ông Tiến thì chi phí từ việc ủ cá làm phân, thấp hơn nhiều so với đầu tư các loại phân bón khác. Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như ông Tiến, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt.“Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy, ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn, lại đem ủ phân bón cho cam, họ chỉ quen dùng các loại phân bón bán trên thị trường. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt mà cây cũng dễ hấp thu” – ông Tiến chia sẻ cách ủ cá làm phân của mình. Khi nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ trên thị xã Mường Lay. Ông Tiến đã cất công lên tận Mường Lay để mua cá về ủ phân bón cho cam.

Theo ông Tiến thì chi phí ủ cá bón cho 1.500 gốc cam của ông trung bình mỗi năm hết 20 triệu đồng cả cá và men vi sinh, giảm 1/3 chi phí so với bón các loại phân khác. Cá được ông Tiến mua về, ông đào hố, lót cẩn thận để nước phân không ngấm ra ngoài, ông mua thêm chế phẩm EMUNIV là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi. Sau đó cho thêm nước, mật rỉ đường cùng ủ, thời gian ủ khoảng hơn 1 tháng thì bón cho cam.“Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê nghèo như tỉnh Điện Biên. Cả vùng này tôi chưa thấy ai ủ cá làm phân bón như tôi, cách này tôi học được chính là trong chuyến thăm quan vùng trồng cam nổi tiếng – Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”. Ông Tiến chia sẻ thêm.

Bón đúng thời điểm cho cam chất lượng

Cách bón phân cá cho cam của ông Tiến cũng rất khoa học, đảm bảo cung cáp đủ dinh dưỡng cho cam, vì thế 7 năm gần đây năm nào vườn cam nhà ông cũng trĩu quả. “Để bón phân hiệu quả nhất, trước đó phải cuốc quanh gốc nhằm làm đứt các rễ già, khi cây ra rễ mới tôi mới bón phân cá cho cam. Sau khi cây ra hoa được hơn 1 tháng tôi lại tiếp tục bón phân cá, như vậy cây sẽ hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, cho quả sai và chất lượng cam cũng rất tốt. Khi bón, cần pha loãng phân với nước, tưới đều xung quanh gốc cây với lượng vừa đủ, như thế cây cam sẽ hấp thu hết chất dinh dưỡng” – ông Tiến bảo vậy.Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây.

Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây

Những năm nguồn cá làm phân khan hiếm trên thị trường và giá đắt, ông Tiến lại tìm kiếm gom nhiều nguồn cá tạp để làm phân. Năm nay, ông Tiến phải đánh bắt gần 1 tấn cá tạp trong chính ao nhà mình và hàng xóm, chủ yếu là rô phi, để ủ phân bón cam. Theo cách tính của ông thì nếu bán cả tấn cá rô phi may lắm cũng chỉ được 25 triệu đồng, đấy là cá loại to. Nhưng để mua phân bón cho cam thì cả vườn cam nhà ông cũng ngốn ngót nghét cả trăm triệu. Vì thế ông quyết định đầu tư toàn bộ số cá trong ao nhà cho vườn cam.

“Họ bảo tôi hâm chính là thấy tôi bắt cá ủ phân bón cam. Nhưng mọi người có biết đâu, để đầu tư mua phân bón cho vườn cam còn đắt hơn rất nhiều mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo. Họ cũng không biết phân ủ từ cá có nhiều khoáng chất cần thiết cung cấp dinh dưỡng cho cây nên tạo sức phát triển mạnh và tăng tuổi thọ cây trồng. Qua gần chục năm thử nghiệm, tôi đã đúc rút ra bài học ấy cho nghề làm vườn” -ông Tiến khẳng định như vậy.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mắc màn cho cam – hiệu quả bất ngờ

Vợ chồng anh Đặng Văn Thắng ở xóm 26/3, Tổng đội Thanh niên xung phong 2, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã mắc màn cho cam – một phương pháp bảo vệ cây trồng mới, đem lại hiệu quả bất ngờ trong sản xuất.

Những hàng cam dài được phủ màn tuyn trắng như “cây tuyết” từ ngọn đến gốc

Anh Thắng cho biết, nhà anh có 8ha vườn đồi, trồng nhiều loại cây, trong đó, cam và quýt khoảng 1.000 gốc. Năm nay, những hàng cam Xã Đoài trồng từ năm 2012 đã cho quả bói, nên từ tháng 5 hai vợ chồng đã bàn bạc tìm cách đối phó với nạn sâu bọ, nhất là loại “bướm ma mắt đỏ”, “đốt đâu rụng đó”. Ở địa phương, những người trồng cam đã dùng nhiều phương cách để bảo vệ cây nhưng vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều diện tích cam của các hộ lân cận bị sâu bọ chích rụng hàng tạ quả, khiến vợ chồng anh càng lo lắng hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán, anh Thắng đã nảy ra ý tưởng sẽ bảo vệ cam bằng 1 cái lồng. Lúc đầu anh nghĩ sẽ bọc những cây cam bằng lưới thép, nhưng làm lưới thép chi phí khá cao, lại không bền với mưa nắng, sau anh liên tưởng đến cách chống muỗi khi ngủ của người và nghĩ đến việc mua màn về mắc cho cam. Hai vợ chồng thống nhất và quyết định đi chợ Vinh mua màn. Lúc đem màn về, cả nhà hí hoáy đi ướm từng hàng cam để may. Anh Thắng nói vui: “Người thì đang nằm màn rách, cây lại được giăng màn mới toanh. Dễ mà bị thiên hạ cười lắm”.

Cây cam được mắc màn xung quanh

Số màn này được phủ lên cây cam khi quả cam đã gần chín, đã tỏa mùi thơm. Đây là lúc nhiều loại côn trùng tụ tập về vườn cam để hút chích. Việc phủ màn lên cam, lúc đầu đã gây nên sự chú ý đặc biệt của những người trồng cam trong xã. Ai cũng thấy lạ lẫm vì từ xưa tới nay, người dân địa phương chỉ bảo vệ cam bằng cách bắt sâu thủ công, phun thuốc sâu, thắp bóng điện, bọc quả cam bằng túi ni lông… chứ chưa ai mắc màn cho cam cả.

Lần đầu tiên, làm chuyện “quái dị”, vợ chồng anh Thắng không dám “bọc màn” cho toàn bộ số cam trong vườn, mà chỉ làm thí điểm một phần diện tích. 5 cuộn màn mua về, chỉ bọc 100 gốc cam, số còn lại đang cất trong nhà. Anh Thắng cho biết, chi phí ban đầu để mắc màn cho cam khoảng 150 – 200 nghìn đồng/cây. Sau khi làm xong, cả nhà hồi hộp theo dõi sự phát triển của những cây cam “bọc màn”.

Rất mừng là những hàng cam này vẫn xanh tốt bình thường. Các loại sâu bướm phá hoại thường gặp không thể chui vào trong cam để chích quả được. Sau 3 tháng, lứa cam “đội màn” đầu tiên với mùa quả bói đã cho thu hoạch hơn 1 tấn quả. “Chất lượng cam rất tốt. Màu quả đẹp, vẫn thơm ngon như những cây cam khác”, anh Thắng chia sẻ.

Chất lượng cam rất tốt khi được mắc màn

Chị Phan Thị Lai – vợ anh Thắng cho biết, khi thu hoạch cam cứ việc giơ màn lên, chui vào hái quả. Cam hái hết đến đâu thì cuốn màn đến đó. Số màn này sẽ được thu dọn, giặt sạch, cất cho mùa cam năm sau. Dự định một lần mua màn sẽ dùng được 3 – 4 năm. Như vậy tính ra chi phí mắc màn cho mỗi gốc cam cũng chỉ 50 – 70 nghìn đồng.

Hiện cam trên vườn đã thu hoạch gần xong, anh Thắng quả quyết: “Đến giờ, tôi dám khẳng định hiệu quả của việc phủ màn cho cam là thành công ngoài mong đợi. Cam phủ màn, số quả từ lúc mắc màn tồn tại cho đến lúc thu hoạch gần 100%. Quả cam không bị cháy xém hay bị sâu chích. Người trồng không phải mệt mỏi vì chuyện bắt sâu cả đêm, hay lọc cọc mang bình phun thuốc vừa mệt, vừa độc. Ngoài ra, cam phủ màn là cam sạch “chính hiệu” được người tiêu dùng ưa chuộng. Người mua đăng ký khá nhiều nhưng nhà tôi không có cam để bán”.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Phân biệt cam Hà Giang và cam Trung Quốc.

Hãy là một nhà tiêu dùng thông thái. Với một thị trường tràn lan các mặt hàng trong và ngoài nước từ có thương hiệu nhãn mác đến hàng giả hàng nhái. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn phân biệt cam Hà Giang và cam Trung Quốc. Từ đó giúp bạn có thể mua được những trái cam một cách chính xác.

Phân biệt.

Thời gian gần đây, tại các chợ dân sinh cũng như vỉa hè Thủ đô xuất hiện rất nhiều điểm kinh doanh “cam Hà Giang”. Loại cam này có đặc điểm vỏ mỏng, màu xanh hoặc xanh ngả vàng, tép cam màu vàng chanh rất bắt mắt, mọng nước và không có hạt.

Một đặc điểm khác nữa rất dễ nhận dạng là dẫu bị phơi nắng cả ngày nhưng cam vẫn tươi xanh như vừa mới hái. Đây chính là cam của Trung Quốc. Cam Việt Nam kể cả cam Hà Giang hay cam sành thì đều có vỏ sần sùi và dày vỏ hơn, vỏ hay bị nám và xấu hơn. Và cam Việt Nam thì loại nào cũng có hạt. Cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm.

Cam Hà Giang còn khác cam Trung Quốc ở đặc điểm lá. Người tiêu dùng có thể quan sát lá quả cam trước khi quyết định mua. Do có thể ngâm thuốc bảo quản và thuốc phát triển nhanh, lá cam Trung Quốc thường rất non, trong khi cam Hà Giang đúng vụ thu hoạch lá sẽ rất già, có màu hơi rám sẫm thậm chí có thể hơi úa vàng.

Nếu là cam xuất xứ từ Trung Quốc, tép rất mọng nước, màu vàng chanh và đặc biệt không có hạt. Cam Hà Giang khi chín quả sẽ có cùi dày, vị ngọt thơm và đương nhiên có hạt, một số quả chín chưa tới có vị hơi chua mát. Cam Trung Quốc luôn có vị ngọt sắc.

Phân biệt qua giá cả. 

cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm. Vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển) và giá cao nhất lên đến 50.000 đồng/kg vào cuối vụ. Bởi vậy, nếu là cam Hà Giang xịn thì không thể có mức giá rẻ như vậy. Cam Trung Quốc được bày bán đại trà, mức giá khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg; loại quả nhỏ, mẫu mã kém, giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Nguồn: Vietq.vn tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

Trồng cây ăn quả có múi ở Hưng Yên thu 100 tỷ đồng/năm

Từ năm 2015 đến nay các nhà nông xã Đồng Thanh luôn có nguồn thu ổn định 100 tỷ đồng/năm từ cây có múi.
Xã Đồng Thanh được coi là “mỏ” cây ăn quả có múi mới nổi của huyện Kim Động, Hưng Yên. Hiện địa phương có 205ha cây có múi đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh. Sản lượng quả thu hoạch mỗi năm ước đạt 6.000 tấn, trong đó có 3.200 tấn cam đường, 1.800 tấn cam Vinh, hơn 300 tấn bưởi Diễn. Tổng giá trị sản lượng thu được khoảng 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 70 – 80 tỷ đồng.

Cam trồng trên đất chuyển đổi ở Đồng Thanh

Các cơ sở thôn thường xuyên thu được sản lượng quả có múi lớn là Thanh Sầm và Bùi Xá. Trung bình mỗi hộ dân ở đây thu được 2 – 3 tấn quả có múi. Nhiều gia đình thu từ 10 – 15 tấn. Một số hộ thuê nhượng được thêm đất trồng cam ở các huyện miền núi tỉnh Hòa Bình có thu trên 100 tấn quả.
Anh Lê Văn Phú là một trong số chủ hộ ở xã Đồng Thanh trồng cây múi từ năm 2000 đến nay. Ban đầu gia đình anh chỉ trồng thử nghiệm 1 – 2 sào cam Vinh. Sau khi thấy cây cam phù hợp với đồng đất địa phương, hiệu quả thu nhập đạt gấp 5 – 6 lần so với cấy lúa cùng diện tích, anh Phú đã quyết định chuyển đổi toàn bộ hơn 1 mẫu đất chuyên lúa sang trồng các cây có múi (cam Vinh, cam Canh, bưởi Diễn).
Toàn bộ tiền lãi thu được hàng năm anh Phú đều dành cho thuê nhượng đất canh tác để mở rộng diện tích trồng cây có múi. Kết quả sau 17 năm chuyên cần SX, anh Phú có được gần 1,5ha cam, bưởi ở quê nhà và 2,5ha cam Canh tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Tổng giá trị lợi nhuận năm 2016 thu được gần 2 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017 gia đình anh Phú sẽ có thu hoạch trên 100 tấn cam Canh, 35 tấn cam Vinh và 18.000 quả bưởi Diễn, ước doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,3 tỷ.
Biết gia đình anh Phú trồng cây có múi thu được lợi nhuận cao, ngay từ năm 2010 các hộ dân ở xã Đồng Thanh đã đua nhau chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả các loại. Các thôn Bùi Xá và Thanh Sầm, đến hết tháng 9/2017 đã chuyển đổi được lần lượt là 87% và 73% diện tích đất chuyên lúa sang trồng cây có múi. Các thôn khác cũng đang dấy lên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị. Hiệu quả thu được đều cao gấp 4 – 6 lần so với cấy lúa cùng chân ruộng.
Ông Nguyễn Văn Bắc, trưởng thôn Bùi Xá cho biết, hầu hết nhà nông ở đây chỉ giữ lại một ít diện tích cấy lúa lấy gạo đủ ăn cho gia đình trong năm, còn lại đều chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc rau các loại.

Nông dân chăm sóc cam

Ông Bắc so sánh, cam Vinh là cây dễ cho quả nhất, chỉ sau 3 năm trồng, chăm sóc tốt sẽ cho thu 1,2 – 1,4 tấn quả/sào, với giá bán buôn tại vườn hiện nay 25.000 đồng/kg, thì 1 sào cam Vinh đã cho thu hoạch 30 – 35 triệu đồng, trừ hết mọi khoản chi phí đầu tư (khoảng 3 – 4 triệu đồng), lãi thuần vẫn đạt trên 30 triệu đồng/sào canh tác, cao gấp 6 lần cấy lúa. Đây chính là đòn bẩy thúc đẩy các gia đình chuyển đổi mạnh mẽ sang trồng các cây có múi.
Cũng theo ông Bắc, để các cánh đồng quả cho thu nhập bền vững, nhà nông cần tránh lạm dụng phân bón hoá học và hoá chất BVTV. Gia tăng phân bón hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại đặc biệt là rầy chổng cánh (môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh). Khai thác lượng quả hợp lý tuỳ khả năng sinh trưởng của từng cây…
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, phong trào trồng cây có múi ở xã Đồng Thanh đã góp phần đẩy lùi căn bản các loại cam Trung Quốc chất lượng thấp, chưa kiểm soát dịch bệnh, nhập vào thị trường Hưng Yên qua đường tiểu ngạch.

Nguồn : Nông nghiệp VN, được kiểm duyệt bới Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng cam năng suất cao.

Cây cam có tên tiếng anh là Orange tree, đây là cây nhỏ, có cành gai và lá thường xanh dài khoảng 4-10 cm. Cam bắt nguồn từ Đông Nam Á.

Chọn giống.

Chọn giống từ những trung tâm giống cây trồng uy tín, chất lượng như: trung tâm hạt giống cây trồng miền bắc, gian hàng cây giống học viện nông nghiệp.

Đất trồng.

Đất phải được dọn sạch cỏ, cày bừa kĩ, chia lô, rạch hàng, đào hố (hoặc làm mô trồng) và bón phân lót trước khi trồng khoảng 30 ngày. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, người ta thương làm mô để trồng cam. Để đắp thành mô, tốt nhất dùng đất ao, nương vườn cũ đất mặt ruộng hay đất bãi bồi ven sông, phơi khô.

Mô có kích thước rộng 60-80cm, cao 20-30cm. Hoặc có thể trồng bằng hố với kích thước hố đào 40x40x40 hoặc 60x60x60. Ở vùng đồi núi cao cần đào hố sâu hơn, rộng hơn 70x70x70.

Kỹ thật trồng và chăm sóc.

 Kỹ thuật trồng. 

Các loại cam ghép gốc nhân vô tính (Chiết ghép), có thể trồng với mật độ dày hơn 800-1200 cây/ha.

Trước khi trồng một tháng, đất phải được dọn sạch cỏ, cày bừa kĩ, chia lô, rạch hàng, đào hố bón phân lót.

 Chăm sóc. 

Thời kỳ kiến thiết cơ bản cây cam chưa có quả cần chú ý xen tỉa cành tạo tán cho cây. Người ta cắt tỉa bớt các cành nhỏ, cành vợt và cành mọc sâu trong tán. Đặc biệt cần tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu gây hại. Công việc tỉa cành, tạo tán cũng cần được tiến hành thường xuyên hàng năm sau mỗi mùa thu hái quả. Cần cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành quả mọc yếu và những cành bị sâu bệnh gây hại nhằm tạo tán cây thông thoáng, loại bỏ một phần sâu bệnh hại.

Hoa cây ăn quả có múi thường rất nhiều, nhưng tỉ lệ đậu quả thường thấp, chỉ vào khoảng 2-8% tùy thuộc vào điều kiện thời tiết chăm bón và đặc điểm giống, loài. Do đó thời kì nụ, hoa, quả non, người ta thường tỉa bớt các hoa dị hình, nhưng hoa quả non ra muộn và ở các vị trí không thích hợp cho việc hình thành và phát triển quả. Công việc này có thể được thực hiện bằng cách phun các chất điều hòa sinh trưởng.

Việc tỉa cành, tạo tán cũng cần được tiến hành thường xuyên hàng năm sau mỗi mùa thu hoạch. Cần cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành quả mọc yếu và những cành bị sâu bệnh gây hại nhằm tạo tán cây thông thoáng loại bỏ một phần sâu bệnh hại.

Bón phân.

Tùy vào tuổi của cây, điều kiện tự nhiên, khí hậu mà tiến hành bón phân cho vườn cam có khác nhau.
Cây cam từ 1-3 tuổi cần lượng phân bón cho 1 cây: 70-300g ure; 100-300g DAP và 100g clorua kali (KCl).

Cây 4-6 tuổi bón: 350-450g ure; 450-550g DAP và 250g clorua kali/cây.

Cây 7-9 tuổi bón: 600-750g ure; 650-850gDAP; 350g clorua kali/cây

Cây 10 tuổi bón: 800-1700g ure; 900-1100g DAP, 450g clorua kali/cây.

Xử lý ra hoa cho cây cam.

Ngưng tưới và rút nước mương khoảng 2-4 tuần cho đến khi cây vừa “xào lá” khi lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn. Sau đó tưới nước đẫm lại ba ngày liền, ngày tưới hai lần. Ngày thứ tư thì tưới mỗi ngày/lần.

Sau khi tưới nước lại bộ lá tươi trở lại, phun thuốc kích thích ra hoa HVP-AUXIN ORGANIC , phun sương đều tán cây và trong thân cây hai lần (5 ngày/lần) thúc ra hoa đồng loạt, sau khi cây ra đọt non tưới hai ngày/lần.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. 

Có một số loại sâu, bệnh thường gặp ở cây cam như:

Sâu vẽ bùa hay đục vào lá gây nên những đường ngoằn ngoèo, thường đi chung với bệnh loét gây nên. Phòng trừ bằng cách tỉa cành, bón phân hợp lý, điều khiển sự ra chồi đồng loạt để hạn chế sư lây nhiễm liên tục trong năm và phun thuốc sớm ngay từ giai đoạn cây ra lộc non .

Sử dụng 1 trong các loại thuốc: Phosphomidon, Dimethoate, Trigard, Abamectin và Dimilin có hiệu quả phòng trị tốt sâu vẽ bùa. Bên cạnh các loại thuốc hóa học thì hiệu quả của dầu khoáng đối với sâu vẽ bùa cũng đã được khẳng định.

Thu hoạch và bảo quản.

Khi quả già, vỏ quả hơi vàng màu đặc trưng của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa khi đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả). Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ ở Hậu Giang

Cây ăn trái không hạt được nhiều nhà vườn có xu hướng lựa chọn để canh tác vì nhiều ưu điểm vượt trội. Mới đây, UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã cho nhà khoa học trồng thử nghiệm cam mật không hạt trên địa bàn để tìm thêm một loại cây mới có hiệu quả kinh tế cao cho người dân áp dụng.

Ông Trần Văn Tiên cải tạo 7 công vườn tạp để trồng thử nghiệm cam mật không hạt.
Thạc sĩ Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, cho hay dự án được thực hiện tại xã Hòa An, với quy mô 5ha. Mục tiêu của dự án là mong muốn xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Cùng với đó là tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc để nông dân dần làm quen với phương pháp canh tác cam mật không hạt theo hướng hữu cơ.

Anh Tiên bỏ vườn tạp để trồng cam mật không hạt

Được biết, sở dĩ chủ nhiệm dự án chọn nơi đây thử nghiệm, bởi Phụng Hiệp luôn là một trong 3 địa phương có diện tích và sản lượng cây có múi lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, sản phẩm cây có múi của Phụng Hiệp còn yếu sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mà nguyên nhân cốt lõi là do kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ, tỷ lệ trái đạt tiêu chuẩn quốc tế còn thấp. Ngoài ra, do nông dân quen canh tác theo tập quán, công nghệ lạc hậu, còn sử dụng giống tạp và chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên năng suất thấp. Hơn nữa, chi phí sản xuất cao làm giảm tính cạnh tranh và việc quảng bá hình ảnh còn hạn chế…
Với những vấn đề còn tồn tại trên, dự án của thạc sĩ Hạnh sẽ hướng người dân đến một phương pháp canh tác mới tốt hơn để cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc đầu tiên là chọn cây giống chất lượng, sạch bệnh được nhân giống tại Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Vị trí trồng thử nghiệm cam được tiến hành phân tích các chỉ tiêu như độ pH, hữu cơ, Arsen (As), Cadimi (Cd), chì (Pb), đồng (Cu), kẽm (Zn). Nước tưới thì phân tích độ pH, thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Arsen (As), chì (Pb) để đảm bảo độ an toàn. Đất trồng được cải tạo cẩn thận, dọn cỏ, xới đất, đào rãnh thoát nước, xây dựng vùng đệm cách ly giữa khu canh tác theo kiểu thông thường và khu canh tác theo hướng hữu cơ…
Thạc sĩ Trần Quốc Dẹn, cán bộ kỹ thuật dự án, cho biết: “Mô hình được bố trí với mật độ trồng 4 x 5m. Mỗi cây đều được đắp bầu với đường kính từ 0,4-0,6m. Khi đắp bầu cần lưu ý sử dụng lớp đất mặt và đất nền được phơi khô ít nhất là 1 tháng, dùng 1kg vôi bột rắc lên bầu đất để xử lý vi khuẩn gây hại và hạ phèn. Phân bón lót là phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh (từ 3-5kg/gốc cam). Trồng xong gốc cam được phủ cỏ khô để chống thoát hơi nước”.
Được biết, phương pháp tiên tiến được áp dụng trong mô hình là tưới phun mưa. Các nông dân tham gia mô hình cũng được tập huấn kỹ thuật lắp đặt và vận hành hệ thống tưới để thuận tiện trong việc canh tác. Ông Trần Văn Tiên, ở xã Hòa An, chia sẻ: “Hồi trước tưới bằng tay cực lắm, bây giờ trồng thử thấy tưới bằng hệ thống mới rất nhẹ công. Nhờ tham gia mô hình này mà tôi biết được kỹ thuật trồng cam không hạt đúng kỹ thuật, an toàn theo hướng hữu cơ là như thế nào”.

Cam mật không hạt

Tham gia dự án, ông Tiên đã trồng thử 7 công đất vườn nhà mình. Ông Tiên bày tỏ thêm: “Cũng nghe nói chanh không hạt, cam không hạt nhưng đây là lần đầu trồng thử nên cũng rất háo hức. Bước đầu tôi muốn áp dụng để chuyển đổi cây tạp trong vườn, kế đó là sản xuất cam theo hướng an toàn, muốn cung cấp cho các siêu thị”. Ngoài ông Tiên, ông Huỳnh Văn Thế, ở cùng xã cũng đang kỳ vọng cho vườn cam nhà mình sai trái, cho thu nhập cao, hướng đến chuẩn GAP để xuất khẩu ra nhiều nước.
Như vậy, bước đầu trồng thử nghiệm, mô hình đã được nhiều nhà vườn đón nhận. Cam mật không hạt sẽ là giải pháp cho sự chọn lựa giống cây trồng thích hợp để khuyến khích người dân phát triển nhằm hạn chế rủi ro từ dịch bệnh vàng lá gân xanh. Hơn nữa, việc áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Người dân trong vùng dự án còn tiếp cận được kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bớt phụ thuộc vào tự nhiên và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nông sản của thế giới, để từng bước xây dựng một vùng nguyên liệu chất lượng, đủ tiêu chuẩn để vươn ra thị trường quốc tế.

Nguồn : Báo Hậu Giang, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm trồng cam sành

Cam sành là một giống cây ăn quả thuộc chi Cam chanh có quả gần như quả cam, có nguồn gốc từ Việt Nam. Quả cam sành rất dễ nhận ra nhờ lớp vỏ dày, sần sùi giống bề mặt mảnh sành, và thường có màu lục nhạt, các múi thịt có màu cam.

Cam sành

Cam sành trái dạng tròn dẹp, vỏ màu xanh đậm, cơm vàng sậm nhiêu nước, vị ngọt thanh, trọng lượng trung bình 275g/ trái. Giá bán trên thị trường những năm gần đây khoảng 35.000 đ/kg. Cây cam sành ghép ra trái sau 1,5 năm trồng. Chu kỳ khai thác lên đến 15 năm. Cùng với kỹ thuật xử lý ra quả trái vụ, cây cam sành đã giúp không ít hộ gia đình nâng cao thu nhập, làm giàu nhanh chóng

Cam sành đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Để sản xuất cam sành đạt hiệu quả, cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc từ việc làm đất, chế độ phân bón, đến việc phòng trừ sâu bệnh đều phải thực hiện đúng kỹ thuật.

Cam là loại cây trồng rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, nên đòi hỏi người trồng phải có sự đầu tư cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ thì mới có thể thành công với loại cây trồng này.

Các lưu ý khi chọn và chăm sóc cây cam:

  • Khi trồng, cần chọn cây giống có bộ rễ nông tốt, nên che bớt ánh nắng và tưới ẩm đất rồi đào một hố đủ rộng, không quá sâu vì rễ chỉ ăn nông dưới lớp đất mặt.
  • Đặt cây giống xuống hố rồi lấp đất lại, ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây, không nén đất quá nhiều hoặc chất đống đất hay phủ bồi đất cao lên gốc để tránh bệnh lở cổ rễ, một bệnh khá phổ biến ở cây có múi.

Cam sành khi được chăm sóc đúng cách

  • Sử dụng phân bón hữu cơ để nuôi dưỡng cây. Nên sử dụng phân đã nghiền thành bột và trộn nấm Trichoderma rắc trên đất cách xa gốc để kích thích rễ lan ra. Luôn tưới ẩm đất trước và sau khi bón phân.
  • Khi cây lớn chú ý chăm sóc tỉa cành, nhánh mọc lẻ tẻ, rời rạc. Cắt các cành nhánh ngay bên dưới nơi chúng mang trái hoặc hoa. Điều này sẽ kích thích cây tập trung năng lượng cho tăng trưởng thực vật. Nó cũng làm cho cây trở nên mạnh mẽ và không phát triển tán rườm rà.
  • Việc bón phân và điều khiển ra hoa, trái vụ là một kỹ thuật quan trọng giúp nhà vườn có thu nhập cao. Cam sành nghịch vụ có giá cao gấp 3 – 5 lần vụ thuận. Nhằm kích thích ra hoa sớm, biện pháp được dùng phổ biến là cắt nước trong mùa khô nhằm tạo sự căng thẳng sinh lý trong cây để kích thích ra chồi non và hoa khi tưới nước trở lại.

Cam sành sau khi thu hoạch

  • Ngừng tưới nước từ 12 – 15 ngày đến khi cây có biểu hiện héo thì tưới nước trở lại. Khi thực hiện chú ý thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch mất khoảng 9 tháng.
  • Sau khi cắt nước 12 – 15 ngày thấy cây có biểu hiện héo thì tiến hành bón phân hữu cơ hoai mục, bón càng nhiều càng tốt kết hợp với 150 – 250g urea + 300 – 500g lân + 100 – 150g kali (KCl) cho một gốc. Bón quanh tán cây theo vành mép tán bằng cách đào rãnh sâu 20cm, rộng 30cm. Trộn đều các loại phân xong cho vào rãnh lấp kín đất, ủ rơm giữ ẩm.
  • Có thể bón rải trên liếp. Sau khi bón phân, tưới nước khoảng 7 ngày thì cây phát triển chồi non và ra hoa. Từ khi cây có hoa, cứ khoảng 2 tháng 1 lần bón bổ sung phân cho cây, mỗi lần tương đương số lượng trên hoặc dùng phân hỗn hợp có tỷ lệ N-P-K tương ứng bón kết hợp tưới nước giữ ẩm thường xuyên.
  • Dùng các loại thuốc chống rụng trái được khuyến cáo (như VITĐQ 40…).

Ngoài ra, để cho trái sáng đẹp và không bị da lu, da cám nên phòng tránh nhện đỏ, nhện vàng bằng các loại thuốc an toàn được khuyến cáo.

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.