Bưởi hồ lô mất mùa, sản lượng giảm tại Hậu Giang

Nông dân Nguyễn Trung Thành, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), chủ vườn bưởi hồ lô gần 2ha cho biết, ông trồng bưởi hồ lô trên 600 trái để bán dịp Tết Mậu Tuất 2018, nhiều hơn năm trước 3 – 4 lần.

Nông dân Nguyễn Trung Thành chủ vườn bưởi hồ lô gần 2ha

Năm nay vườn bưởi hồ lô của ông Thành dùng giống bưởi Năm Roi, tạo dáng khá độc đáo, đang được nhiều Cty ở ĐBSCL và TP.HCM xuống bao tiêu sản phẩm. Giá bán một quả bưởi hình hồ lô có chữ nổi dao động từ 150.000 – 600.000 đồng/trái tùy loại, tăng khoảng 10% so với năm trước, còn bưởi vừa có dáng hồ lô và có chữ “Tài – Lộc” hoặc “Phúc- Lộc- Thọ” giá 500.000 đồng/trái. Nếu so ra, một trái bưởi hồ lô có chữ “Tài – Lộc” sẽ tương đương với hai chục bưởi thường (chục 14 trái) bán ngoài thị trường.

Bưởi giảm năng suất do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều

Theo phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện có khoảng 1.300ha bưởi. Diện tích trồng bưởi tạo hình phục vụ bán tết năm nay mất năng suất do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, sản lượng giảm mạnh khoảng 25 – 30% so với năm ngoái.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Chàng trai Huế đầu tiên đầu tư nhà kính ‘cực’ hiện đại làm nông nghiệp cao

Chỉ sau 5 tháng xây dựng, một khu nhà kính rộng 1.500m2 do Công ty Nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công đã hình thành. Khu nhà này làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực có thể chịu được sức gió 120km/h.

Đam mê nông nghiệp công nghệ cao, anh Trương Như Hải (phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) quyết định thôi việc ở công ty bia, mạnh dạn đầu tư số tiền lớn làm nhà màng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của Israel, Nhật Bản để trồng dưa lưới và rau xanh.

Khu nhà màng của anh Trương Như Hải rộng 1.500m2 với kinh phí 1,2 tỷ đồng

Trương Như Hải sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hương êm đềm. Thủy Biều có vườn cây quanh năm xanh mướt với nhiều loại trái cây ngon như thơm, mít, dâu, nhãn, chuối… và đặc biệt là vườn cây đặc sản thanh trà nức tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu “Thanh trà Huế”. Hiện người dân Thủy Biều vẫn canh tác nông nghiệp theo cách truyền thống.

Anh Hải tâm sự: “Mặc dù làm việc ở nhà máy bia, không liên quan nhiều đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng tôi lại mê tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp tiên tiến của nước ngoài và các địa phương khác ở Việt Nam. Sau giờ làm việc tôi vào internet tìm kiếm các thông tin về những mô hình ấy, hình ảnh nhà kính hiện đại, vườn rau xanh mượt khiến tôi rất thích”.

Qua 2 năm tìm hiểu các mô hình nhà kính trên mạng, anh khăn gói đi Lâm Đồng, Quảng Bình, Hải Dương… để học tập kinh nghiệm. 38 tuổi, anh quyết định xin thôi việc ở nhà máy bia để toàn tâm toàn ý bắt tay vào xây dựng nhà kính hiện đại như mình đã ấp ủ nhiều năm qua.

Anh Hải có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp công nghệ cao

Chỉ sau 5 tháng xây dựng, một khu nhà kính rộng 1.500m2 do Công ty Nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công đã hình thành. Khu nhà này làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực có thể chịu được sức gió 120km/h. Phía trên phủ lớp màng dày 180 – 200 micromet, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng mở tùy điều kiện thời tiết.

Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà, anh Hải vui vẻ cho biết, các hệ thống điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông minh như hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống phun sương trong nhà, hệ thống tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm… Tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm lập trình sẵn để tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng, đảm bảo môi trường lý tưởng, chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Dưa lưới được trồng trên giá thể và chăm sóc theo phương pháp thủy canh. Sau khi làm luống xong anh đặt dây nhỏ giọt chạy dọc theo luống, song song và cách hàng cây khoảng 5-7cm. Khi cây phát triển tốt được treo lên dây của hệ thống cáp treo giúp tiết kiệm diện tích, cây có đủ không gian, ánh sáng để phát triển cũng như thuận lợi cho việc chăm sóc cắt tỉa cành nhánh, chọn quả, thụ phấn và phòng trừ bệnh cho cây.

Phía trên nhà kính được phủ lớp màng dày và lưới chắn bao quanh để ngăn sâu hại cây trồng, ngăn các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, rét, nắng nóng gây hại cho cây trồng

Khu nhà kính còn được trang bị hệ thống tưới mái và quạt đối lưu không khí. Hệ thống này được lập trình sẵn, khi gặp thời tiết nắng nóng sẽ tự động vận hành để tưới làm giảm nhiệt độ và lượng ánh nắng chiếu từ mái xuống, quạt hòa trộn không khí trong nhà màng, giúp các vùng nhiệt độ trong nhà đều nhau rồi đẩy không khí nóng ra khỏi nhà qua cửa nóc nên triệt tiêu khí nóng và tránh hiện tượng sốc nhiệt cho cây vào mùa nắng.

“Khi áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như tưới tự động, treo cây, thông gió, làm mát và sưởi ấm nên cây trồng được bảo vệ và chăm sóc một cách tốt nhất, tránh được các điều kiện thời tiết cực đoan và tránh gần như 100% sâu hại cây, phòng tránh được 80% nguồn bệnh hại cây trồng. Nhờ đó, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe con người, đồng thời tăng năng suất và chất lượng của cây trồng”, anh Hải nói.

Anh Hải chia sẻ, lý do chọn dưa lưới để trồng bởi với mùi vị thơm ngon được người tiêu dùng ngày càng yêu thích. Tuy nhiên, trong địa bàn tỉnh gần như chưa có đơn vị nào tư nhân đầu tư phát triển sản phẩm này, trong lúc đó các tỉnh bạn lân cận đã có mô hình tư nhân trồng dưa lưới khá thành công như Nghệ An, Quảng Bình.

Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel 

Hệ thống quạt đối lưu không khí

Dưa lưới được trồng trên các luống giá thể

Anh Hải dự kiến sản xuất 4 vụ/năm gồm 3 vụ dưa lưới, 1 vụ cà chua hoặc rau sạch. Ước tính sẽ cho thu hoạch 13.5 tấn dưa lưới, 9.5 tấn rau sạch hoặc cà chua.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thanh long Bình Thuận sụt giá kỷ lục

Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất cả nước với trên 27.000 ha, sản lượng hằng năm trên 500.000 tấn. Hiện tại, phần lớn sản lượng loại trái cây này được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Thanh long Bình Thuận đang vào đợt thu hoạch trái vụ. Chi phí trồng thanh long mùa này rất cao vì người dân phải chong đèn suốt đêm trong thời gian dài để kích thích cây ra hoa. Do đó, giá bán phải đạt khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg thì người trồng mới có lời. Thế nhưng, hiện tại thương lái thu mua tại các nhà vườn ở mức giá chừng 6.000 – 8.000 đồng/kg, đây là mức giá giảm sâu kỷ lục trong nhiều năm qua.

Hàng tấn thanh long Bình Thuận đang rớt giá trầm trọng

Theo nhiều người dân nơi đây, cứ 1 tấn thanh long bị loại 1 tạ hàng dạt. Tổng mức đầu tư cho lứa thanh long chong đèn mất khoảng 25 – 30 triệu đồng/1.000 trụ nhưng số tiền bán thanh long hiện nay dao động 6.000 – 8.000 đồng/kg chỉ thu được xấp xỉ 15 triệu đồng khiến người trồng thua lỗ.

“Gần 1.000 trụ thanh long chong đèn cho ra khoảng hơn 3,5 tấn trái. Trong vòng 3 tháng chăm sóc cùng với tiền điện, tiền phân tro đầu tư cao nhưng nếu bán với giá hiện tại tính ra lỗ rất lớn. Nhưng không bán thì không được vì đã đến thời điểm thu hoạch, để lâu thanh long sẽ bị hỏng” – một nhà vườn chuyên canh tác thanh long ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), chua xót nói.

Người dân lao đao vì thanh long sụt giá

Theo một số thương lái, nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh là do thời tiết hiện tại của Trung Quốc đang lạnh, tuyết rơi nhiều nên việc vận chuyển, tiêu thụ loại trái cây này gặp nhiều khó khăn.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng vú sữa có thể thu nhập 200 – 300 triệu/ha/năm

Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài.

Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ được coi là một trong những vựa cây trái nổi tiếng nhất ĐBSCL. Toàn huyện hiện có trên 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 6.500ha cây ăn trái. Riêng loại cây trái ngon và cây đặc sản như dâu hạ châu, nhãn, xoài riêng, măng cụt, mít, vú sữa… chiếm hơn nửa diện tích, đặc biệt có tới 800ha vú sữa. Những nơi phát triển rầm rộ là thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Mỹ Khánh.

Vú sữa tím Phong Điền

Thời gian qua, tuy phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán kéo dài nhưng nhiều nhà vườn đã áp dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đạt năng suất cao, chất lượng bảo đảm, mức thu nhập bình quân từ 200 – 300 triệu/ha/năm.
Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phong Điền cho biết, việc cải tạo, nâng chất vườn cây ăn trái có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, nổi tiếng nhất là dâu hạ châu, nhãn, xoài riêng, măng cụt, vú sữa các loại…
Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài. Một người trồng đúng kỹ thuật, biết xử lý cho cây ra trái mùa nghịch có thể thu hoạch 500 triệu đ/ha/năm.

Vú sữa tím Phong Điền (giống mới)

Ông Nguyễn Hoàng Ân ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền có 7 công đất trồng vú sữa đủ loại, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng. Ông Trần Văn Vui ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới có 4 công vườn trồng toàn vú sữa lò rèn được 4 năm tuổi, cứ mỗi tuần hái trái một lần, mỗi lần vài trăm ký, bán tại chỗ với giá 15.000 đ/kg. Nếu cho trái ra mùa nghịch giá sẽ cao gấp đôi. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi vụ ông còn lời trên 100 triệu đồng. Ông cho biết vú sữa càng lâu năm trái càng sai và càng ngọt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm CLB làm vườn ấp Nhơn Thọ 1A, bà con nông dân Phong Điền hiện trồng nhiều loại vú sữa khác nhau như bơ hồng, bơ trắng, lò rèn, tím, cà na, tứ quý… Thường vú sữa bơ hồng chín sớm từ tháng 11 âm lịch nên giá rất cao. Các loại khác kéo dài từ trước tết cho đến tháng hai âm lịch. Do vậy mà mùa thu hoạch kéo dài giúp cho bà con nông dân có thu nhập ổn định.
Ngoài các vườn cây ăn trái, Phong Điền còn có trên 20 nhà vườn làm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách tham quan, giúp cho đầu ra được thuận lợi và dễ dàng. Hiện nay tuy vú sữa ở cuối mùa nhưng thị trường tiên thụ rất mạnh, thậm chí có nhiều thương lái đến tận vườn thu mua, đóng thùng chở đi các nơi tiêu thụ.

Bà con chất vú sữa vào thùng chuẩn bị vận chuyển đi xa

Các nhà vườn đánh giá, hiện nay vú sữa bơ hồng và vú sữa tứ quý là các giống có triển vọng với các ưu điểm trái to, bóng, đẹp và ngọt lành. Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit) vú sữa là một trong 11 chủng loại có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được Bộ NN-PTNT khuyến cáo phát triển hướng đến xuất khẩu.
Ông Trương Văn Phong, cán bộ khuyến nông xã Nhơn Ái cho biết, ở Nhơn Ái nhà vườn nào cũng trồng vú sữa, trong đó có trên 3,5ha vú sữa bơ hồng đang ra trái, vừa được mùa vừa trúng giá, bà con ai cũng phấn khởi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Thâm canh cây có múi theo VietGAP

Đó là mục tiêu chính được các đại biểu 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế) tập trung thảo luận tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cây ăn quả có múi” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Hà Tĩnh vừa tổ chức.

100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo an toàn

Hiện khu vực Bắc Trung Bộ đã phát triển được khoảng 16.279ha cây ăn quả có múi (cam, bưởi, quýt). Nếu so sánh với các vùng khác trong cả nước thì diện tích này không lớn, tuy nhiên những năm gần đây, khi thực hiện chương trình Nông thôn mới thì phong trào sản xuất cây ăn quả có múi tăng mạnh cả về quy mô diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.

Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng Bắc Trung Bộ đang có hơn 9.800ha cam phát triển tốt, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những năm gần đây diện tích cam trên cho năng suất, hiệu quả kinh tế khá cao, thương hiệu một số loại “đứng” được trên thị trường trong và ngoài vùng, thậm chí ở các thị trường “khó tính” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Điển hình là cam Vinh, cam Vân Du, Sông Con (Nghệ An); cam Khe Mây, Thượng Lộc, cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh)…

Đối với cây bưởi, diện tích hiện có là 5.155ha (chiếm 20,6% so với diện tích toàn vùng phía Bắc và 8,6% so với cả nước). Tập trung nhiều ở Hà Tĩnh (khoảng 2.000ha); Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế (hơn 1.000ha/tỉnh) và Nghệ An (730ha). Có 2 thương hiệu bưởi nổi tiếng là Phúc Trạch (Hà Tĩnh) và Thanh Trà (Thừa Thiên – Huế). Còn cây quýt, hiện diện tích đạt khoảng 1.270ha; chủ yếu tập trung ở tỉnh Nghệ An với hơn 900ha.

Mặc dù nằm trong nhóm 15 loài cây trồng có diện tích và sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả của cả nước. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay trong phát triển cây có múi khu vực Bắc Trung Bộ là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán (bình quân phổ biến 0,2 – 0,6ha/vườn hộ) dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bên cạnh đó, tâm lý trồng cây ăn quả theo phong trào, tự phát; năng suất thấp, đầu ra bấp bênh nên không đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cam và bưởi là 2 cây trồng được tỉnh chọn chủ lực tập trung phát triển thời gian tới

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các vùng đất đồi khu vực Bắc Trung Bộ, ngành NN-PTNT và các nhà khoa học đang khuyến khích các địa phương tập trung thâm canh, hướng tới mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đối với cây cam, quýt, sản xuất tập trung trên 70% diện tích gắn với ngành công nghiệp chế biến; 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP. Riêng cây bưởi, chú trọng tại Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế, trong đó diện tích sản xuất tập trung trên 70% và 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP.

Thu 5 tỷ từ cam

Theo đánh giá của nhiều hộ dân, hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả có múi cao hơn nhiều lần so với trồng cây lâm nghiệp và các cây trồng khác. Đặc biệt, ở khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích đất đồi núi lớn, nghèo chất dinh dưỡng và thường xuyên phải đối mặt với thời tiết bất thuận thì việc phát triển cây ăn quả là một hướng đi đúng đắn. Vấn đề bà con quan tâm, lo lắng nhất hiện nay là giống và đầu ra sản phẩm.

Ông Đinh Văn Oánh (64 tuổi) ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói: “Bây giờ virus gây hại cam rất nhiều do đó để nông dân tiếp cận được nguồn giống tốt, đề nghị các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các giống cam mới; quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng giống tại các doanh nghiệp, đơn vị”.

Cũng theo ông Oánh, ngoài chất lượng giống thì cần khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng trái cam.

Ông Oánh là một nông dân điển hình vùng đất Hà Tĩnh trong sản xuất đặc sản cam Khe Mây (huyện Hương Khê). Năm 1991 ông là người đem những cây cam chanh đầu tiên về trồng trên đất Hương Đô, đến nay diện tích tăng lên đạt 20ha; trong đó, 7ha cho thu hoạch; năng suất bình quân 15 – 20 tấn/ha; doanh thu năm 2017 ước đạt 5 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích của ông đều áp dụng quy trình VietGAP.

“Đất Hương Khê là đất cát pha sỏi, cằn cỗi lại hứng nhiều đợt gió nồm, gió lào nên có vị rất riêng, hội tụ đủ 3 vị ngọt, chua, mặn. Với giá trị dinh dưỡng cao đó nên giá bán thường giao động từ 60.000 – 70.000đ/kg, cao hơn các vùng khác từ 20.000 -30.000đ/kg”, ông Đinh Văn Oánh nhấn mạnh.

Nông dân Hà Tĩnh giàu lên nhờ sản xuất cam

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cam và bưởi đang là 2 cây trồng được tỉnh xác định là cây chủ lực tập trung phát triển tại các huyện có diện tích đất đồi núi lớn như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh. Năm 2017, hơn 1.290ha kinh doanh bưởi Phúc Trạch cho năng suất 10,4 tấn/ha; doanh thu bình quân đạt 500 triệu đồng/ha. Còn cây cam, diện tích đang tăng nhanh theo từng năm, năm 2017 đạt hơn 5.000ha; sản lượng hơn 47.000 tấn; doanh thu bình quân 350 triệu đồng/ha.

“Để gia tăng hiệu quả kinh tế, thời gian tới Hà Tĩnh tiếp tục lồng ghép các chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM để hỗ trợ nông dân; đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng giống đến bao tiêu đầu ra cho bà con. Trong đó, quan tâm hàng đầu hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói.

Hàng năm cơ sở Tuyết Hùng, TP Hà Tĩnh bao tiêu hàng trăm tấn cam, bưởi, quýt cho người dân toàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo chị Tuyết, cơ sở của chị là địa điểm thu mua sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ “độc nhất” ở TP Hà Tĩnh. Hơn chục năm qua, cơ sở đã đi tắt đón đầu, hỗ trợ, giúp đỡ người sản xuất trong việc tiêu thụ đầu ra, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao thì cơ sở Tuyết Hùng càng được chọn lựa hàng đầu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mất vụ bưởi cảnh Tết

Còn 2 tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng người trồng bưởi cảnh ở xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) vẫn không thể phục hồi hàng trăm chậu bưởi bị thiệt hại bởi cơn bão số 12.

Là người trồng bưởi cảnh lâu năm và cũng có số lượng bưởi cảnh lớn tại thôn Trường Thạnh (xã Diên Thạnh), ông Nguyễn Chí Phong buồn rầu trước vụ mùa năm nay. Gia đình ông có hơn 120 chậu bưởi cảnh dự định bán trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng sau cơn bão số 12 đã có đến 110 chậu bị thiệt hại như: rụng trái, gãy cây, ngã… “Chi phí bỏ ra không nhiều, chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng nhưng tôi tiếc là số bưởi này đang ở thời kỳ sung sức, cho trái nhiều và đẹp. Nếu bán vào dịp Tết thì gia đình tôi cũng có số tiền lãi hơn 130 triệu đồng. Từ khi dâm cành đến khi bán một chậu bưởi, tôi phải mất gần 3 năm. Vậy mà đến lúc gần thu hoạch thì bị thiệt hại”.

Lo bị ngập lụt, bà Lê Thị Thanh Thủy kê cao các chậu bưởi và tích cực chăm sóc để kịp bán Tết

Ông Nguyễn Luyện (thôn Trường Thạnh) cũng cho biết, gia đình ông trồng gần 100 chậu bưởi cảnh nhưng cũng bị thiệt hại gần hết, phần lớn là bị rụng trái. Một số chậu chỉ còn lại 2 – 3 trái nên cũng không bán được. Ông Luyện nói: “Bưởi cảnh phải khoảng 4 trái trở lên thì thương lái mới thu mua. Các cây còn vài ba trái chỉ còn cách cắt trái bán thôi. Tôi đang cố gắng dọn dẹp, thu gọn lại các chậu bưởi để trồng các loại hoa ngắn ngày như thược dược, mào gà bán kiếm thêm tiền tiêu Tết”.

Những năm gần đây, do có thị trường tiêu thụ ổn định, giá thành cao (trung bình khoảng 1 triệu – 1,5 triệu đồng/chậu), bưởi cảnh đã trở thành cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân xã Diên Thạnh. Năm nay, toàn xã có khoảng 10 hộ trồng bưởi với hơn 600 chậu. Được biết, sau vụ bưởi Tết năm trước, các hộ nhận tiền đặt cọc của các mối hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận cho vụ bưởi năm nay (từ 20 đến 30 triệu đồng). Với những thiệt hại do bão, các hộ phải hoàn trả tiền cọc, thông báo cho mối hàng biết và thông cảm. Tuy nhiên, người trồng bưởi lo ngại sẽ bị mất mối hàng vào năm sau.

So với những người trồng bưởi trong thôn, gia đình bà Lê Thị Thanh Thủy còn vớt vát được 40 chậu trên tổng số 100 chậu bưởi dự định bán trong Tết năm nay. Những chậu này do có nhiều trái nên khi những trái lớn bị rụng thì trên cây vẫn còn 5 – 6 trái nhưng đều là trái nhỏ. Hiện nay, gia đình bà đang nỗ lực chăm sóc, cắt tỉa cành, bón phân thúc để bưởi phát triển kịp bán Tết. Tuy nhiên, mấy ngày nay mưa nhiều, bà Thủy lại lo sẽ bị ngập nặng thì không còn chậu bưởi nào để bán.

Theo ông Lê Đình Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Thạnh, cơn bão số 12 làm thiệt hại khá lớn đến nông dân trồng bưởi cảnh. Số ít chậu còn lại thì không đạt, trái nhỏ. Vài năm gần đây, nông dân trồng hoa nói chung và bưởi cảnh nói riêng đều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thời tiết thất thường. Nhiều năm bị mưa lụt, hoa tiêu thụ kém, năm nay lại bị bão nên nông dân lỗ vốn, lỗ nhân công. Vì thế, năm nay, nhiều nông dân đã nghỉ trồng hoa, cây cảnh hoặc vẫn trồng nhưng số lượng ít hơn. Số hộ nông dân trồng hoa, cây cảnh đã giảm một nửa so với trước. Hiện nay, toàn xã chỉ còn khoảng 20 hộ trồng tập trung tại các thôn: Trường Thạnh, Phú Khánh Hạ… Hội Nông dân xã đang xây dựng đề án trồng hoa, cây cảnh và khuyến khích nông dân tham gia nhằm tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, nâng cao hiệu quả kinh tế của các cây trồng này.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp tuần 1 tháng 11 (5-11/12)

Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ…


1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô: bệnh đốm lá, sâu đục thân… tăng. Rau màu: bọ nhảy, rệp, dòi đục hành… hại nhẹ đến trung bình; Bệnh lở cổ rễ trên khoai tây, bệnh héo xanh, xoăn lá trên cà chua… tiếp tục gây hại.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại. Cam, chanh, bưởi: bệnh chảy gôm, ruồi đục quả,… hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh, bệnh gỉ sắt có xu hướng tăng. Cây cà phê: bệnh gỉ sắt tăng, bệnh khô cành, rệp các loại… gây hại mức độ tăng chậm.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

a) Cây lúa: Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển, lây lan theo nguồn nước.

b) Cây trồng khác: Cây ngô và rau màu: sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, rệp… hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua gây hại; Bệnh đốm lá, khô vằn, sâu đục thân,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch.

– Cây cà phê: Rệp sáp, bệnh khô cành, gỉ sắt… tiếp tục gây hại. Cây hồ tiêu: tuyến trùng rễ, rệp sáp… tiếp tục gây hại. Cây điều: sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng, thán thư… hại tăng. Cây dừa: bọ cánh cứng tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

a) Cây lúa: Rầy nâu: phổ biến trưởng thành, trứng, tuổi 1. Bệnh đạo ôn lá phát triển thuận lợi và gây hại trên trà lúa Đông Xuân sớm, trà lúa Mùa. Cần lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, bệnh bạc lá vi khuẩn ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh – đòng, bệnh đen lép hạt ở giai đoạn trỗ chín.

b) Cây trồng khác: Cây thanh long: bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng và bệnh thán thư giảm. Cây cà phê: bệnh khô cành giảm diện tích và rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

CỤC BVTV khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để trừ ốc bươu vàng, dùng Honeycin 6G (5-6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3-5cm khi ốc xuất hiện, hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

+ Đối với diện tích gieo sạ mới, dùng thuốc trừ cỏ Rainbow 410SE với cơ chế “Diệt mầm 2 lớp”. Sử dụng 1 cặp Rainbow 410SE (gồm Rainbow 125ml + Chất an toàn Fenclorim 50ml) cho 1.000m2. Phòng trừ rầy nâu, dùng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu (môi giới truyền bệnh VL-LXL), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ dùng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha). Để trừ sâu đục thân dùng Nurelle D 25/2.5EC (1-1.5 l/ha). Để phòng trừ bệnh đạo ôn, dùng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha). Sử dụng Aviso 350SC (0,35 l/ha) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 l/ha) phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công. Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 l/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

Cây rau:

+ Dùng phân bón lá Foliar Blend cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng; kích thích sự phát triển của cây trồng, sự phát triển của vi sinh vật có ích trong đất.

Cây ngô (bắp): Dùng Maxer 660SC (1,25 – 2,5l/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu: Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ các sản phẩm Manozeb 80WP + Bonny 4SL, và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ. Để trừ nấm Phytophthora (gây bệnh chết nhanh), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom, tưới 4-6l/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê: Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh cho cà phê.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật 

Thu nhập 200 tỷ/năm nhờ vào cây có múi

Từ ý tưởng bị coi là “điên rồ”

Ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên, nhiều đời nay người dân sống chủ yếu dựa vào cấy lúa, mỗi sào cho thu hoạch vài tạ thóc. Có thời điểm, các hộ dân ở đây cơm không đủ ăn, cả nhà nhường nhau từng chút thức ăn để vượt qua những năm tháng đói nghèo bủa vây.

Trong hoàn cảnh đó, từ năm 2000, một số hộ dân ở xóm Thanh Sầm và Bùi Xá đã táo bạo chọn hướng thay đổi mô hình trồng lúa sang trồng cây có múi như cam Vinh, cam sành, bưởi Diễn với hy vọng cuộc sống sẽ sung túc hơn.

Xã Đồng Thanh thoát nghèo nhờ trồng cây có múi

Một trong những người đi tiên phong thay đổi cây trồng là ông Lê Văn Phú (60 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm. Ông Phú được người dân kính nể không chỉ vì có thu nhập khủng từ vườn cây có múi mà còn là người trực tiếp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp các gia đình khác thoát nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Phú vẫn không quên ‘trang điểm’ cho căn nhà bằng hai hàng bưởi sai trĩu quả đang vào vụ thu hoạch. Ông kể: “Năm 2000, khi tôi quyết định chuyển đổi 1,5 mẫu đất trồng lúa sang trồng cây cam Vinh, bưởi Diễn mọi người trong làng đều kịch liệt phản đối và cho rằng đó là ý tưởng điên rồ. Thậm chí, khi ấy UBND xã Đồng Thanh cũng không mặn mà gì với việc làm này của tôi”.

Tuy nhiên, bỏ qua những lời phản đối và những khó khăn ban đầu, ông Phú vẫn kiên định và quyết tâm theo đuổi con đường mình lựa chọn. Vì theo ông Phú, nếu cứ tiếp tục trồng lúa với thu nhập thấp như vậy thì gia đình sẽ mãi sống trong cảnh chật vật, nghèo túng.

“Thời gian đầu, khó khăn nhất là kĩ thuật trồng và chăm sóc cây. Tôi mất 5 năm đầu mới tự tin nhân rộng mô hình và thu được thành quả bước đầu” – ông Phú nhớ lại.

Cũng theo ông Phú, sau khi nắm bắt được kĩ thuật, học hỏi thêm kiến thức sau các đợt tập huấn, gia đình ông đã biết cách làm sao cho cây sống khỏe, cho ra vị ngọt rất đặc biệt, không giống với các loại cam ở các huyện khác ở Hưng Yên như Văn Giang.

“Đất của xã Đồng Thanh là đất thịt, khác với đất cát ở Văn Giang, đất đồi ở các vùng Hòa Bình nên rất phù hợp với việc trồng cây có múi. Hương, vị của hoa quả trồng ở đây cũng khác lạ, tạo nên thương hiệu riêng” – lão nông Lê Văn Phú cho biết.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế gia đình từ trồng cây có múi, lão nông Lê Văn Phú còn sáng tạo nhiều kĩ thuật canh tác cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Một trong những kĩ thuật đó là bón đậu nành cho cây cam.

Theo ông Phú, việc cho cây cam ‘ăn’ đậu nành giúp cây cho quả nhiều hơn, vị ngọt của cam đậm và thơm hơn. Cứ mỗi sào gia đình ông Phú bón từ 80 đến 100kg. Cùng với bón đậu nành, các hộ dân ở đây còn cho thêm phân kali để tăng vị ngọt và giúp cây chống chọi được với các dịch bệnh.

Sau 17 năm kiên trì, đến nay ông Phú đã mở rộng quy mô, tăng diện tích trồng cây có múi lên 11 mẫu, trồng khoảng 7.000 cây gồm cam Vinh, cam đường, bưởi Diễn. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm gần 2 tỷ đồng.

Đến xã ‘tỷ phú’ mới nổi

Nhìn thấy hiệu quả kinh tế ngoài sức tưởng tượng mà ông Phú gặt hái được từ cây có múi, từ năm 2010 đến nay, nhiều hộ dân trong xã Đồng Thanh đổ xô chuyển sang trồng cây có múi và đều đổi đời. Có nhiều gia đình mở rộng quy mô lên hàng chục mẫu đất, với chi phí đầu tư nhiều tỷ đồng. Có những hộ dân, chỉ với một vài sào ruộng nhưng cũng quyết tâm chuyển đổi.

Ông Vũ Văn Luận, được người dân mệnh danh là “ông trùm” về cây có múi ở xã Đồng Thanh với tổng diện tích trồng cây khoảng 20 mẫu, trồng khoảng 10 nghìn cây gồm cam và bưởi Diễn, mỗi năm thu về trên 3 tỷ đồng lợi nhuận.

Với những tìm tòi, sáng tạo trong canh tác, ông Luận cùng nhiều người đã tạo ra những quả cam có vị ngọt rất lạ, đậm và thơm. Theo ông Luận, thương lái từ khắp các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội,… lần lượt rỉ tai nhau kéo về đây để lấy hàng, ai nấy đều gật gù với chất lượng cam Đồng Thanh.

Nhìn thấy lợi nhuận từ vườn cây có múi, cả xã Đồng Thanh ai nấy đều ồ ạt chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam, bưởi. Có những gia đình diện tích đất chỉ vài sào nhưng cũng quyết tâm chuyển hướng với hy vọng đổi đời.

Cuộc sống của người dân thay đổi từ khi chuyển đổi cây trồng

Anh Đào Văn Vượng (40 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm, mặc dù chỉ có hơn 5 sào đất trồng cam nhưng mỗi năm vẫn cho thu về trăm triệu.

Anh Vượng tâm sự: “Ngày xưa khi còn trồng lúa, tôi vừa làm ruộng vừa làm công nhân bốc vác trên địa bàn huyện thu nhập chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng. Đời sống gia đình không khá lên được”.

“Thấy hàng xóm là ông Phú làm giàu từ cam với bưởi Diễn, tôi quyết định sang học tập kinh nghiệm. Sau 4 năm cố gắng, gia đình cũng có một vườn cam nhỏ đủ để trang trải cho cuộc sống. Năm nay, trừ đi chi phí, ước tính lợi nhuận thu được từ hơn 5 sào đất khoảng trên 100 triệu đồng”.

Bức tranh đời sống của xã Đồng Thanh thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên san sát.

Ông Lê Văn Nhất, chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, cho hay: Bộ mặt của toàn xã đã thay đổi hoàn toàn từ khi người dân chuyển đổi cây trồng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xã thay đổi hoàn toàn. Đó là nhờ việc nhân rộng mô hình chuyển đổi đất từ trồng lúa sang đầu tư cây có múi như cam Vinh, bưởi Diễn. Tổng thu nhập toàn xã Đồng Thanh các năm 2015, 2016 đều đạt trên 100 tỷ đồng. Xã đã chuyển đổi hơn 70% diện tích đất để trồng cây có múi.

Vị chủ nhiệm HTX Đồng Thanh vui mừng: “Mới đây, cam Đồng Thanh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang đưa sản phẩm tham gia các hội chợ với tên thương hiệu là cam và bưởi Đồng Thanh, với kỳ vọng thời gian tới sẽ xuất khẩu được cam ra thị trường nước ngoài”.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Lai tạo giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Queensland đã phát triển và trồng giống chuối Cavendish cải tiến kháng lại loài nấm gây bệnh nhiệt đới TR4, còn gọi là bệnh héo rũ Panama ở cây chuối.

Trong một thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên đất bị nhiễm mầm bệnh TR4, giống chuối Cavendish chuyển đổi bằng một gen lấy từ chuối tự nhiên vẫn hoàn toàn không có mầm bệnh TR4. Các kết quả vừa được đăng tải trong tạp chí Nature Communications.

Những điểm chính của nghiên cứu:

  • Giống chuối Cavendish Grand Nain đã được cải biến với gien RGA2 lấy từ các phân loài chuối tự nhiên của Đông Nam Á là Musa acuminata ssp malaccensis kháng mầm bệnh TR4.
  • Giống chuối Cavendish cải tiến (RGA2-3) vẫn không mang mầm bệnh TR4 trong ba năm thử nghiệm.
  • Ba giống chuối khác được biến đổi với RGA2 cho thấy sức đề kháng mạnh, với 20% hoặc ít hơn các cây có biểu hiện bệnh trong ba năm.
  • Ngược lại, 67% -100% các giống chuối khác sau ba năm cây sẽ chết hoặc bị nhiễm TR4, bao gồm một biến thể Giant Cavendish 218 được tạo ra thông qua nuôi cấy mô ở Đài Loan và cho thấy có khả năng chịu được TR4.

Cuộc thử nghiệm thực địa kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015 do Giáo sư James Dale, Trung tâm trồng cây nhiệt đới và các sản phẩm sinh học của Đại học Công nghệ Queensland chủ trì thực hiện. Nghiên cứu đã được thực hiện trên một trang trại chuối thương mại bên ngoài Humpty Doo thuộc miền bắc Úc trước đây bị ảnh hưởng bởi TR4. Đất trồng cũng bị tái nhiễm nặng nề với dịch bệnh do thử nghiệm.

Giáo sư Dale cho biết kết quả là một bước đi quan trọng để bảo vệ ngành chuối xuất khẩu toàn cầu trị giá 12 tỷ USD, vốn đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi bệnh TR4. Ông nói: “Những kết quả này rất thú vị vì nó có nghĩa là chúng ta có một giải pháp có thể được sử dụng để kiểm soát căn bệnh này”.

TR4 có thể tồn tại trong đất trong hơn 40 năm và không có biện pháp kiểm soát hóa học hiệu quả. Căn bệnh này là một vấn đề rất lớn, nó đã tàn phá các đồi trồng chuối Cavendish ở nhiều nơi trên thế giới và nó đang lan rộng khắp Châu Á. Đó là một mối đe dọa rất lớn đối với sản xuất chuối thương mại trên toàn thế giới

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm trên đồng ruộng ở miền bắc nước Úc, phát triển 4 dòng chuối RGA2 cho thấy sự đề kháng với mầm bệnh cũng như những dòng mới được cải tiến của giống chuối biến đổi gien Cavendish Grand Nain và Williams.

Giáo sư Dale nói: “Mục tiêu là chọn dòng Grand Nain tốt nhất và dòng Williams tốt nhất để đưa vào sản xuất thương mại. Trong khi ở Úc, chúng tôi chủ yếu trồng giống chuối Williams, ở những nơi khác trên thế giới, giống chuối Grand Nain rất phổ biến”.

Giáo sư Dale cho biết mối tương quan giữa hoạt động của gien RGA2 và sức đề kháng TR4 đã giúp mở ra những nghiên cứu mới.

Nguồn: Mard.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tỉnh Khánh Hòa: Thông báo sâu bệnh số 47 từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2017

Thời tiết tỉnh Khánh Hòa trong tuần qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to trên toàn tỉnh. Cây lúa và các cây trồng khác sinh trưởng và phát triển bình thường.

Bệnh đạo ôn trên lúa

I .Cây trồng và giai đoạn sinh trưởng:

– Cây lúa:

Vụ Mùa: Đã thực hiện được 9.011 ha (chủ yếu ở Ninh Hòa, Vạn Ninh), lúa giai đoạn đẻ nhánh – chín, đã thu hoạch 800 ha, năng suất ước đạt 47 tạ/ha. Cơ cấu giống gồm ML48, ML202,TH6 ….

+ Trà 1: Gieo từ ngày 25/7/2017 đến ngày 31/8/2017, diện tích 2.500 ha, lúa giai đoạn đỏ đuôi – chín. Đã thu hoạch 800 ha.

+ Trà 2: Gieo từ ngày 10/9/2017 đến ngày 10/10/2017, diện tích 6.511 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ.

II. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày qua:

1. Cây lúa: Trong tuần qua có những đối tượng gây hại cây lúa như sau:

+ Bệnh đạo ôn lá: Gây hại 13,5 ha ở Vạn Ninh, Cam Lâm, TLB 5-10%. Đã được phòng trừ. Tăng 8,5 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Ốc bươu vàng: Gây hại 03 ha, mật độ 3-5 con/m2 ở Vạn Ninh. Đã được phòng trừ. Giảm 06 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại 03 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, mật độ 25-50 con/m2. Đã được phòng trừ. Giảm 21 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu đục thân hai chấm: Gây hại 6 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh ở Vạn Ninh, TLH phổ biến 3 -5%. Đã được phòng trừ. Tăng 29 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Bệnh bạc lá: Gây hại 02 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, TLB 10-20%, đã được phòng trừ. Tăng 02 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Chuột gây hại 25 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, TLH 1-3%. Sâu đục thân hai chấm gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ với diện tích 13 ha, TLH 1- 5%, sâu tuổi 2, tuổi 3. Sâu cuốn lá nhỏ: gây hại rải rác trên các trà lúa đẻ nhánh, diện tích 14 ha, mật độ: 5-10con/m2, T3- T4.

2. Cây trồng khác:

Cây rau, đậu: Trên cây rau, đậu đang hồi phục sau bão và một số diện tích rau, đậu đang trồng mới. Bệnh thán thư gây hại rải rác nhiều giai đoạn trên cây dưa leo, ớt, khổ qua, hành, ở Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang diện tích 04 ha, TLB 3-5%. Sâu xanh, bọ nhảy gây hại rải rác trên cây rau cải, mồng tơi với diện tích 05 ha ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh với TLH 10-15% cây.

Cây xoài: Ở Cam Lâm, bọ trĩ gây hại giai đoạn ra hoa – đậu trái với diện tích 11 ha, mật độ 5-20 con/cành. Bệnh thán thư gây hại ở nhiều giai đoạn, TLB 5-10%, diện tích 48 ha.

III. Đề nghị các biện pháp xử lý hoặc các chủ trương cần triển khai thực hiện ở địa phương:

Hiện nay chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân, vậy đề nghị các trạm hướng dẫn bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị giống để xuống giống theo đúng lịch thời vụ, chú ý thu lượm ốc bươu vàng, phòng trừ bọ trĩ trên trà lúa mới gieo. Theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa vụ mùa để có biện pháp phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến năng suất.

Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa có diện tích mía bị bệnh trắng lá mía cần chú ý theo dõi phát sinh phát triển bệnh và khuyến cáo hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.

Trạm Trồng trọt và BVTV Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây chú ý bệnh sâu đục vỏ, xì mủ, nấm hồng, khô cành, chết cây….Đặc biệt là sâu đục thân, sâu tiện vỏ khi thấy có biểu hiện sự có mặt của sâu lập tức có biện pháp tiêu diệt như bắt thủ công, xông hơi, sử dụng thuốc lưu dẫn…Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn bà con bón phân cân đối hợp lý, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc nhằm tạo điều kiện tốt cho cây phát triển ở vụ sau.

Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa.