Người dân lao đao vì mía rẻ như cho

Ông Mai Văn To – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Lức (Long An) ngồi buồn so nói: “Vừa rồi chúng tôi đi xem tình hình bà con trồng mía trên địa bàn, thấy mà phát rầu. Bây giờ bà con kêu lái đến cho mía cũng không ai lấy. Xem như năm này bà con mất Tết”.

Hàng ngàn ha mía mất bao công chăm sóc để “rồi cho không”, khiến năm nay nông dân trồng mía ở Bến Lức (Long An) không biết lấy tiền đâu mà sắm tết.

“Ăn Tết nỗi gì!”

Sau vụ mía “bán mà như cho”, ông Hai Long (Nguyễn Văn Long, xã Lương Hòa, Bến Lức) hốp ngụm trà thơm mà đắng chát cổ họng. “Mong vô vụ mía bán kiếm tiền ăn Tết, nhưng thua rồi. Giờ không biết lấy tiền đâu ăn Tết”, ông lắc đầu.

Theo ông Hai Long, giờ thương lái rất ngại mua mía cho nông dân. Nếu mua họ phải chở đi tận Tây Ninh, Bến Tre, thậm chí Hậu Giang để bán cho nhà máy đường. Đi như vậy lỗ vốn lấy gì ăn”, ông Hai thổ lộ.

Ông Hai cho biết, năn nỉ riết thương lái mới chịu mua mía nhưng chỉ với giá 200.000 đồng/tấn. Bán hơn 1ha mía với giá này ông Hai cầm chắc lỗ. “Với giá này chỉ đủ tiền phân. Nhưng không bán chẳng lẽ để mía chết khô trên đồng, rồi lại tốn thêm tiền thuê nhân công dọn rẫy”, ông Hai trần tình.

Trong khi đó, dù có gần 30 năm gắn bó với cây mía, từng trồng cánh đồng mía với diện tích đến 300 ha, nhưng ông Trương Hùng Dũng (huyện Trảng Bom, Đồng Nai)  giờ cũng nản lòng với cây mía. Hiện, ông đang chuyển dần khoảng 100ha mía còn lại sang trồng cây ăn trái.

Theo ông Dũng, năm nay bất lợi về thời tiết nên năng suất mía bình quân chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha. “Với giá mía bèo bọt như hiện nay, trừ các khoản chi phí là lỗ là cái chắc, mong gì kiếm lời mà trang trải, ăn tết”, ông than thở.

Ông Dũng cho rằng, dù rất buồn phải chia tay với cây mía, nhưng ông sẽ quay lại nghề trồng mía nếu mỗi ha có lời khoảng 30 triệu đồng. Vì trồng mía có nhà máy chế biến bao tiêu, nông dân yên tâm chứ không quá bấp bênh như thị trường cây ăn trái sáng nắng, chiều mưa như hiện nay.

Nghề trồng mía teo tóp

Giá mía năm qua sụt giảm nghiêm trọng khiến các tỉnh có trồng mía đang teo tóp dần diện tích. Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, diện tích mía niên vụ 2018 – 2019 trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 40% so cùng kỳ năm 2017.

Hiện, tỉnh có hơn 8.000ha mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (1.400ha), Đức Hòa, Đức Huệ (trên 650ha). Dự tính, đến năm 2020, diện tích này sẽ giảm còn 3.000 – 4.000ha.

Nhà máy đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đanbg nợ trên 100 tỉ đồng không có khả năng chi trả đành đóng cửa.

Theo Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ NNPTNT, tỉnh Long An được phân bổ 8.500ha mía. Nhưng theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, sở này đã kiến nghị với Bộ NNPTNT xin giảm một nửa diện tích mía được phân bổ trong Đề án trên.

Lý do là tình hình sản xuất mía trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, do: Giá thấp, nhà máy nợ tiền nông dân, khan hiếm nhân công, nhất là khi thu hoạch; Chi phí vận chuyển, đầu tư sản xuất tăng cao, lượng đường tồn kho lớn. Vừa qua, nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị bỏ chết khô ngoài đồng do giá rẻ.

Trong khi đó, Đồng Nai từng là tỉnh có diện tích mía lớn của cả nước với cả chục ngàn ha nhưng cũng đang giảm dần theo từng năm. Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, nếu năm 2012 toàn tỉnh có gần 10.700 ha trồng mía thì đến nay chỉ còn 8.000ha.

Thương lái ở Long An không muốn mua mía vì phải vận chuyển mía đến nhà máy đường quá xa, sợ thua lỗ.

Tại nhiều tỉnh, thành, hàng loạt nhà máy đường đã đóng cửa hoặc đối diện với nguy cơ phá sản. Vụ thu hoạch mía năm nay, cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đều lâm vào cảnh khốn đốn.

Tại Long An, nông dân bán mía phải nhận đường vì Nhà máy Đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nợ trên 100 tỉ đồng không có khả năng chi trả.

 Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 nhà máy chế biến đường là Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Nhà máy đường TTC Biên Hòa – Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Tổng thiết kế của 2 nhà máy đạt khoảng 5.000 tấn mía/ngày với tổng sản lượng đường đạt khoảng 38.900 tấn đường/năm. Nhưng theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT tỉnh, tính đến cuối 2018, lượng đường tồn kho của 2 nhà máy trên khoảng 19.000 tấn.

Theo ông Thiện, có 3 nguyên nhân dẫn đến giá thành đường Việt Nam cao là: Năng suất mía Việt Nam bình quân 60 – 70 tấn/ha, trong khi năng suất mía của các nước đạt khá cao; Chữ đường của Việt Nam lại thấp; nhiều nhà máy sản xuất công nghệ lạc hậu nên lượng đường sản xuất trên 1 tấn mía thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới…

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Người dân trồng mía Khánh Hòa trắng tay sau bão

Hàng ngàn ha mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau bão 12 đi qua. Một vụ mía trắng tay.

Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Đổ rạp, bật gốc toàn bộ

Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768ha mía chịu thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều địa phương như Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Sim… diện tích thiệt hại trên 1.000ha.

Sau bão, diện tích trồng mía trên địa bàn TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề

Ông Lê Thiện Nhất, Phó chủ tịch xã Ninh Sim, cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.800ha mía gãy đổ, bật gốc. “Tùy từng cây ở độ tuổi nào mà chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn  cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung là tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%. Chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%”, ông Nhất nói.

Được biết, vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Qua quan sát, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. “Năng suất sẽ giảm khoảng 50 – 70% vì cây đã gãy như thế thì không phát triển được nữa”, ông Cao Văn Cảnh (Ninh Sim) – một người dân trồng mía cho biết.

Vụ mía này, ông Cảnh canh tác diện tích 20ha. Tính tất cả chi phí đầu tư, phân bón, nhân công… ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng. Bình thường với diện tích này mỗi năm sẽ đem lại cho ông khoảng 200 – 300 triệu tiền lời thì năm nay, gia đình ông sẽ thua lỗ với con số tương tự.

Trắng tay sau bão

Cũng giống như ông Cảnh, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ 57ha mía của gia đình ông Nguyễn Hữu Điền (Ninh Xuân, Ninh Hòa) cũng thiệt hại hoàn toàn. Ông Điền nghẹn ngào: “Còn gì đâu mà nhắc đến nữa. Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho đồng mía giờ toàn bộ vốn liếng gần như đi sạch. Dù có vớt vát lại cũng phải lỗ gần cả tỷ đồng rồi. Số tiền lỗ còn có thể hơn nữa vì năm nay, mía đổ nghiêng ngả nên thu hoạch khó. Tiền công chặt năm ngoái trung bình 200.000 đồng mỗi tấn chứ năm nay có thể lên đến 300.000 đồng, càng thêm lỗ”.

Những cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị gió bão làm gãy ngọn

Đau xót không kém là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Được (Ninh Tây). Mấy ngày nay, dù căn nhà của ông bị đổ sập, mọi thứ còn ngổn ngang chưa dọn dẹp nhưng vì quá buồn bã ông cứ đi loanh quanh khắp nơi cho khuây khỏa. Toàn bộ diện tích 45 ha mía của ông đều bị bão tàn phá hư hại.

“Mất sạch rồi chú à. Mấy ngày nay người trồng mía chúng tôi đã khóc cạn nước mắt. Trồng mía ở đây mấy chục năm chưa có năm nào cây mía bị tàn phá hoàn toàn như thế. Trong 6 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng ra đi sạch”, ông Được nói.

Lặng lẽ đi vào ruộng mía, ông Được cho biết thêm, với cây mía đã ngã đổ thì người dân chỉ biết để vậy chứ không có cách nào khắc phục. Khi nào thu hoạch chặt được chừng nào hay chừng đó. “Mía chưa phát triển tối đa đã gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường cũng thấp, giá bán thấp hơn. Những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 – 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế chỉ bỏ luôn chứ làm gì được. Tính ra năm nay nhà tôi thua lỗ gần 700 triệu đồng”, ông Được nói.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây mía

Phòng trừ cỏ dại:

– Cần tiến hành làm cỏ sớm, Đặc biệt là ở giai đoạn mía <4 tháng tuổi, phải đảm bảo ruộng mía luôn sạch cỏ dại.

– Biện pháp thủ công: Có thể dùng cuốc, bằng tay, trâu bò cày xới giữa hàng để diệt cỏ.

– Biện pháp hóa học:

+ Ngay sau khi trồng: nếu đất có nhiều cỏ có thể phùn trong các loại thuốc tiền này mầm như : Mizin 80WW (3-6 kg/ha). Dual gold 906EC90,5-0,6 l/ha) tiến hành phun phủ cả ruộng , trong phạm vi từ 2-5 ngày sau khi trồng. Chú ý đất phải đủ ẩm khi phun.

+ Giai đoạn 30-40 ngày sau trồng có thể sử dụng các loại thuốc diệt cỏ được khuyến cáo để phun giữa các hàng mía(tránh phun vào ngọn và lá mía).

+ Giai đoạn 2-4 tháng sau trồng. Nếu xuất hiện cỏ nhiều do làm cỏ không kip hoặc do trước đó khồng trừ cỏ , có thể sử dụng thuốc trừ có tiếp xúc.

Phòng trừ một số sâu bệnh hại:

– Sâu đục thân:

+ Dùng thuốc Basudin 10G hoặc Diaphos 10H với liều dùng từ 20-30 kg/ha rải vào rãnh mía trước khi đặt hom hoặc rải vào sát gốc mía trước khi vun.

+ Cắt bỏ cây mầm bị sâu và làm sạch cỏ.

– Rệp bông trắng:

+ Làm sạch cỏ, bóc và cắt lá già cho ruộng mía thông thoáng

+ Khi thấy rệp xuất hiện cần tổ chức diệt trừ dứt điểm để không lấy lan bằng thuốc Trebon 10EC pha với nộng độ 0,1-0,15 % mỗi ha sử dụng từ 1 -1,5 lít thuốc. phun ướt đẫm đều khắp mặt lá, phun thật kỹ, tập trung những nơi có ổ rệp.

– Bệnh than:

+ Kịp thời nhổ bỏ và tiêu hủy khi mía bị bệnh

+ Ruộng mía bị bệnh nặng không nên để lưu gốc và phải luôn canh cây họ đậu từ 1-2 năm.

– Bệnh chồi cỏ, trắng lá:

+ Tổ chức, sử dụng hom giống sạch bệnh.

Các loại bệnh liên quan đến dinh dưỡng:

– Đạm:

Đạm là nguyên tố rất cần thiết cho quá trình quang hợp(N là thành phần quan trọng của phân tử diệp lục- Mỗi phân tử diệp lục có chưa tới 4 nguyên tử đạm).

Khác với các nguyên tố khác, việc thừa N ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất của cây mía, cây sinh trưởng quá mạnh, thân lá tăng trưởng nhanh mà mô cơ giới kém hình thành nên cây rất yếu và gây hiện tượng lốp đổ, giảm năng suất , chữ đường nghiêm trọng.

+ Thiếu đạm:

Thiếu đạm làm cho cây sinh trưởng rất kém ,lóng ngắn, thân thấp, diệp lục không được hình thành ,đẻ nhánh kém, giảm sút hoạt động quang hợp và tích lũy, giảm năng suất nghiêm trọng. Triệu chứng thiếu hụt điển hình nhất lá lá mía hóa vàng, đặc biệt là ở các lá vàng gần gốc cây.Khi thiếu N nghiêm trọng thì các lá này bị vàng úa và rụng. Các lá non thể hiện triệu chứng muộn hơn do có thể huy động N từ các lá giá. Như vậy triệu chứng thiếu đạm ở lá mía có thể nhận biết bằng việc quan sát mía thấy hiện tượng có lá xanh nhạt ở phía trên và vàng ở phía dưới(N là nguyên tố linh động).

– Lân:

Lân có tác dụng thúc đẩy mía sinh trưởng và phát triển rễ sớm, có vai trò trong sự quang hợp, hộ hấp và các tiến trình khác của cây.
Biểu hiện của cây mía thiếu lân đó là bộ rễ phát triển kém, thân mảnh, lá hẹp ngắn hơn bình thường, chuyển từ mầu xanh đậm sang huyết dụ, mía chín chậm..

Lân cũng như đạm là nguyên tố linh động nên nó biểu hiện từ các lá già sau đó mới chuyển sang các lá non.

– Kali:

Kali có tác dụng điều chỉnh các đặc tính lý hóa của keo nguyên sinh và ảnh hưởng đến tốc đô và chiều hướng của các quá trình xảy ra trong tế bào, Kali điều chỉnh sự đóng mở khí khổng, Kali điều chỉnh dòng vận chuyển các chất hữu cơ trong mạch libe, Kali điều chỉnh tốc độ tích lũy về các chất đồng hóa trong mạch dây đặc biệt là điều chỉnh các chất hữu cơ tích lũy về các cơ quan kinh tế nên có ý nghĩa quan trong trong tăng năng suất kinh tế. Vì vậy, bón kali sẽ làm tăng chữ đường, tăng sinh khối của cây mía.

Ngoài ra Kali còn làm tăng tính chống chịu của mía với các điều kiện ngoại cách bất thuận như tính chống chịu, tính chịu hạn, nóng…

Thiếu Kali cây mía có biểu hiện lá ngắn, hẹp, xuất hiện các chấm đỏ, lá bị khô rồi héo do mất sức trương, triệu chứng quan sát được trước tiên lá xuất hiện đốm vàng hoặc viền quanh mép lá bị mất mầu dần chuyển sang khô, thân ốm mềm, hệ thống rễ phát triển kém.

– Can xi:

Canxi tham gia vào hình thành nên thành tế bào, màng tế bào can xi kết hợp với axit pecinic tao nên pectat canxi có mặt ở lớp giữa của thành gắn chặt các tế bào với nhau thành 1 khối.

Canxi có ý nghĩa quan trọng trong việc trung hòa độ chua và đối kháng với nhiều ion khác trong cây , loại trừ độ độc tinh khiết của các cation có mặt trong chất nguyên sinh như H+, Na+, Al 3+…

Trong đất canxi có tác dụng trung hòa độ chua của đất thuận lợi cho sự sinh trưởng của rễ và hoạt động của vi sinh vật.

Triệu chứng thiếu Canxi của mía: lá già có những đốm mầu vàng, có thể chết sớm. lá non uốn cong hình móc câu, đầu lá vàng , rìa lá bị héo khô, thân ốm, rễ phát triển chậm.

– Silic:

Mía có khả năng hấp thu silic rất cao, silic giúp tăng hiệu quả quá trình quang hợp , tăng khả năng chống hạn, chống úng cho mía.

Thiếu Silic lá có những đốm trắng tròn hoặc bầu dục, lá già cỗi sớm, mía đẻ nhánh kém.

Thiếu silic mía thường dễ đổ và nhiễm các bệnh nấm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm trồng cây mía đường – Phần 2

Chăm sóc:

Đối với mía tơ:

Trồng dặm:

– Khoảng 15-25 ngày sau khi trồng, hoặc thu hoạch vụ trước cây mía sẽ có 1-2 lá thật và nếu thấy mất khoảng > 0,8m thì phải trồng dặm (nên trồng dặm vào buổi chiều hoặc khi thời tiết râm mát).

– Kỹ thuật dặm: Đào rãnh sâu ngang với đáy rãnh lúc trồng, đặt cây dặm và lấp kín gốc, khi dặm đất phải đủ ẩm, cây đem dặm phải cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước, lèn chặt gốc cây dặm. Nếu có điều kiện cần tưới ngay sau khi dặm.

Bón phân cho mía:

Mía là cây cao sản, mỗi hecta một năm có thể cho ta từ 150 đến 200 tấn, cá biệt còn có thể lên đến 260 tấn( Ở ĐBSCL có nhiều clb 200 tấn). Thời gian sinh trưởng của mía dài từ 10 đến 15 tháng, nên yêu cầu các chất dinh dưỡng cao hơn các cây trồng khác.

Thông thường để tạo ra 100 tấn mía cây nguyên liệu (không kể đọt, lá…), cây cần một lượng dinh dưỡng khoảng 120 kg N, 70 kg P2O5, 200 kg K2O.

Tỷ lệ của các yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau theo các thời kỳ sinh trưởng:

– Thời kỳ mầm non (từ 1 đến 5 lá thật) mía yêu cầu nhiều nhất là đạm rồi mới đến kali và lân;

– Thời kỳ đẻ nhánh và đầu thời kỳ vươn cao, mía yêu cầu nhiều nhất là kali rồi mới đến lân, sau cùng là đạm;

– Thời kỳ mía chín (tích lũy đường) nhu cầu của mía theo thứ tự N-P-K.

Để giúp người dân trong các vùng nguyên liệu mía, sử dụng phân bón đúng cách và hiệu quả bảo đảm tăng năng suất, tăng chữ đường và tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng mía. Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông khuyến cáo đồng bộ gói giải pháp kỹ thuật chắm sóc và bón phân cho mía bằng bộ sản phẩm dinh dưỡng Tiến Nông chuyên dùng cho cây mía: Cải tạo đất bằng “Chất điều hòa pH đất” và bộ dinh dưỡng NPKSi chuyên dùng cho cây mía “Mía 1 – Nuôi chồi khỏe, đẻ nhánh tập trung, Mía 2 – Vươn lóng mạnh, tăng năng suất, tăng chữ đường”. Với bộ sản phẩm Mía 1, Mía 2 đây là những loại phân bón NPKSi tổng hợp không chỉ chứa đầy đủ và cân đối hàm lượng dinh dưỡng N-P-K cho nhu cầu cây mía mà còn có chứa các chất trung và vi lượng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, thúc đẩy quá trình hình thành đường trên cây mía : Si, Ca, Mg, S, Zn, Cu, Bo…

Trước khi trồng mía bà con nên cải tạo đất bằng sản phẩm Chất điều hòa pH đất Tiến Nông (Đối với những vùng đất có pH ≤ 6) nhằm khử chua, hạ phèn, giải độc và nâng cao độ phì của đất, đồng thời cung cấp các nguyên tố trung vi lượng thiết yếu cho cây, giúp tăng cường phát triển bộ rễ và tăng khả năng chịu hạn và hấp thụ dinh dưỡng cho cây.

Bón lót:

– Phân hữu cơ: 10-20 tấn (phân chuồng , phân rác, bã bùn, tro…)
– Chất điều hòa pH (với vùng đất có pH ≤ 6).

Lượng bón: chất điều hòa pH đất (căn cứ vào trị số pH đất).

– Nếu pH < 4 lượng dùng 1.500 kg – 2.000 kg/ha.
– Nếu pH từ 4 – 5 lượng dùng 1000 kg – 1500 kg/ha.
– Nếu pH từ 5 – 6 lượng dùng 500 kg – 1000 kg/ha.

+ Sản phẩm Mía 1 (NPKSi. 16-10-14+2,5 SiO2+ TE) – Chuyên lót “ Mục tiêu giúp cây mía nuôi chồi khỏe, đẻ nhánh tập trung”

Lượng bón: (căn cứ vào từng vùng đất và mức đầu tư của bà con): 600 kg -1000kg /ha

Bón thúc:

+ Sản phẩm Mía 2 (NPKSi. 18-2-22+1,5 SiO2+ TE) – Chuyên thúc “ Mục tiêu giúp cây mía vươn lóng mạnh, tăng năng suât, tăng chữ đường”

Lượng bón: 400 – 800 kg/ha

(Đối với đất nghèo dinh dưỡng, đất hấp thu dinh dưỡng kém như đất xám bạc màu, đất phèn cần bón ở mức cao để đạt hiệu quả tốt nhất)

Cách bón:

– Chất điều hòa pH:

Bón đều trên mặt ruộng trước lần bừa cuối , trước bón phân NPK, đặt hom từ 7 -10 ngày.

– Phân bón NPK:

+ Bón lót: Mía 1 – (Chuyên lót) bón vào rãnh mía đã rạch, lấp một lớp đất mỏng khoảng 2 – 3cm, sau đó mới đặt hom mía và lấp đất.

+ Bón thúc: Ngay khi kết thúc giai đoạn đẻ nhánh, cày rạch hai bên hàng cánh gốc khoảng 10 cm, sâu 15 cm, sau đó dải hạt dinh dưỡng Mía 2 – Chuyên thúc, lấp đất.

Lưu ý: trước khi bón phải dọn sạch cỏ dại , đất phải đủ độ ẩm, phân được rải đều theo dọc hàng mía. Sau khi bón phân phải xới xáo vùi lấp phân để hạn chế bốc hơi, rửa trôi.

Đối với Mía lưu gốc:

Chọn ruộng để gốc và phương pháp thu hoạch:

Chỉ lưu gốc những ruộng mía có năng suất cao, ít sâu bệnh, tỉ lệ mất dưới 20%.

Sau khi thu hoạch xong phải tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay. Dùng cuốc , dao để bạt sát đất những gốc cao, loại bỏ cây mầm, cây bị sâu bệnh.

Thu hoạch khi đất khô cần che phủ ruộng mía lưu gốc bằng nguồn ngọn, lá mía, gom ngọn lá mía xung quanh ruộng vào trong ruộng để tao khoảng cách phòng chống cháy.

Bón phân:

– Lượng phân bón giống như đối với trồng mía tơ.

Cách bón:

– Chất điều hòa pH:

+ Sau thu hoạch, bón rải đều trên bề mặt các rãnh Mía trước khibón phân NPK ít nhất 7 ngày.
+ Trường hợp nếu để lại được lá từ vụ trước cho đất thì rải đều pH đất lên mặt lá sẽ giúp lá mía phân hủy xenluloza nhanh hơn, thuận tiện cho việc chăm sóc sau này.

– Phân bón NPK:

+ Bón lót: Sau thu hoạch ,tiến hành dọn vệ sinh đồng ruộng, cày phá váng hai bên luống mía cách gốc 10cm, sâu 15 cm để làm đứt bớt bộ rễ già, tạo sự ức chế sinh trưởng giúp cây Mía nảy mầm nhanh hơn, sau đó tiến hành bón sản phẩm Mía 1 – Chuyên lót, vào hai bên luống mía, lấp đất.
+ Bón thúc: Ngay khi kết thúc giai đoạn đẻ nhánh,(khoảng 40-60 ngày sau bón phân lần 1) cày rạch hai bên hàng cánh gốc khoảng 10 cm, sâu 15 cm, sau đó dải hạt dinh dưỡng Mía 2 – Chuyên thúc, lấp đất.

Tưới tiêu nước:

– Chỉ tiến hành tưới nước bổ sung cho mía vào giai đoạn khô hạn kéo dài. Đặc biệt là giai đoạn mọc mầm, đẻ nhánh và bắt đầu vươn lóng.

Phương pháp tưới: Tùy điều kiện, có thể áp dụng các phương pháp tươi nước cho mía phổ biến như tưới thấm, tưới nhỏ giọt, tưới phun, tưới tràn…

Lượng nước tưới: 40-50mm/lần tưới, tương đương 400-500 m3 /ha/lần tưới

Tưới 1-2 lần/tháng

Tiêu nước: Mía cần nhiều nước nhưng chịu úng rất kém đặc biệt thời kì cây con và vươn lóng. Để tránh bị úng , ruộng trồng mía phải bằng phẳng, thiết kế hệ thống tưới tiêu ngay sau khi trồng, xung quanh ruộng cần có rãnh, mương đầu nối với hệ thống thoát nước tránh bị đọng sau khi mưa to.

Chăm sóc mía thủ công hoặc bằng cơ giới:

Nơi có diện tích lớn, tập trung, ruộng bằng phẳng ,có điều kiện cơ giới có thể xới để đất tơi xốp, thoáng khí, giúp cây mía sinh trưởng tốt.

Lần 1 khi mía kết thúc mọc mầm(sau trồng hoặc sau thu hoạch vụ trước 30-40 ngày).

Lần 2: Khi mía kết thúc đẻ nhánh(sau trồng hoặc sau thu hoạch 60-80 ngày).

Chỉ dùng máy xới khi đất đủ ẩm, xưới giữa 2 hàng mía cách gốc mía khoảng 20 cm.

Thu hoạch:

Xác định mía chín để thu hoạch

Theo cảm quan khi mía chín: lá mía sít lại ,ngả mầu hơi vàng nhạt, các đốt phần trên ngọn ngắn lại.

Dùng máy kiểm tra : lấy ngẫu nhiên khi CCS lớn hơn 9% hoặc brix gốc – brix ngọn<1 là có thể thu hoạch.

Mía gốc thu hoạch trước , mía tơ thu hoạch sau.

Chặt và vận chuyển mía

– Phải chặt sát gốc, không dập gốc, chặt ngọn ló mặt trăng, róc sạch rễ lá

Vận chuyển sau khi thu hoạch không quá 24 tiếng , mía chưa được đưa vào nhà máy cần phải được che phủ để giảm tối đa thất thoát đường.

+ Theo nghiên cứu thu hoạch mía cao gốc từ 4-7 cm thì hệ quả là mất trung bình 7,6 tấn mía/ha , chữ đường giảm đi 0,2-0,3 CCS

+ Việc chặt sát gốc đối với mía lưu gốc cũng sẽ giúp mía tái sinh vụ mới tốt hơn, cây mía khỏe, vững chắc do bộ rễ ăn sâu trong dất. Ngược lại mía chặt quá cao ngoài việc lãng phí, mất chữ đường như nói trên thì mía tái sinh ở vụ mới sẽ kém hơn, dễ bị đổ ngã do mía được mọc từ mắt mầm trên mặt đất
+ Thời gian phơi bãi tồn trữ, sau thu hoạch kéo dài sau 24h, 48h, 72h, 96h sẽ mất đi tương ứng 4,5%, 6,3%, 10,6%, 14,3% về khối lượng.

+ Sau 1,3,5 ngày tồn trữ không có che phủ , chữ đường sẽ giảm tương ứng 0,15; 0,59; và 2,26 CCS.

+ Tỷ lệ mía non, chưa chín khi thu hoạch cao thì năng suất, chữ đường thấp, hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ thụ hồi và hiệu quả chế biến đường thấp. (Theo Viện nghiên cứu mía đường).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm trồng cây mía đường – Phần 1

Trồng cây mía đường nếu thiếu ánh sáng, cây sẽ kém phát triển, và cho lượng đường thấp. Cách trồng cây mía đường hiệu quả nhất là phải đảm bảo cây được nhận nắng hơn 2.000 giờ.

Chuẩn bị đất trồng mía:

Chọn đất:

Cây mía không yêu cầu chọn đất khắt khe, nhưng để có điều kiện thâm canh đạt năng suất cao, yêu cầu đất có độ dốc < 10°. Tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, pH trung tính và thoát nước tốt.

Làm đất:

– Đất bãi và đất ruộng: Cày sâu 30-35 cm và bừa từ 2 đến 3 lần, rạch hàng 1 lần sâu từ 25-30 cm.

+ Để đạt năng suất cao, chất lượng tốt bà con nên áp dụng theo quy trình cày ba chảo (1-2) lần + (1-2) lần bừa + (2-3) lần cày 7 chảo. Độ sâu phải đạt trên 30 cm (sử dụng các loại máy công suất lớn). Hướng cày lần sau phải vuông góc với hướng lần trước để tránh bị lõi (chú ý để lần cày sau cùng trùng với hướng cày rạch hàng). Vùng đất thấp nhiều phèn chú ý không rạch hàng sâu đến lớp đất phèn và chủ động làm kênh mương thoát nội đồng.

– Đất đồi: Thiết kế hàng mía theo đường đồng mức (nơi có điều kiện áp dụng cây không lật với độ sâu từ 40-50 cm) nên làm đất trước khi trồng 40-60 ngày để cho đất có thời gian phơi ải, diệt nguồn sâu bệnh.

– Đất trũng đồng bằng sông cửu Long phải lên liếp rộng 6,0 – 20,0m, cao 25 -35 cm. Rãnh trồng mía sâu 20-25 cm, đáy rãnh phủ lớp đất xốp dày 5-10 cm.

– Đất bị nhiễm phèn thì liếp rộng 4,5-5,0m, cao 25cm -35cm. Đấy rãnh phủ lớp đất xốp dày 5-10 cm.

– Có thể áp dụng công nghệ cày sâu không lất (độ sâu > 35cm): Với các ưu điểm cày rất sâu, không lật đất giúp giữ ẩm tốt cho đất. Bừa quay trục đứng (làm tơi đất ở độ sâu 10-15cm) giúp đất đạt độ tơi cao, ít lượt giúp giảm độ nén đất. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng khi đất không có gốc cây, ít đá, độ ẩm đất phải phù hợp, không áp dụng với nền đất chai, cứng hoặc độ ẩm cao.

Lưu ý: Cần thiết kế hệ thống tưới tiêu nước để kịp thời thoát nước mùa mưa và tưới bố sung khi gặp khô hạn.

Chuẩn bị giống:

Giống mía:

Bộ giống mía đang được sử dụng nhiều ở các vùng như sau:

– Vùng núi phía bắc: Roc 22, Roc 10, Roc 16, VĐ 93-15,My 55-14

– Vùng Bắc Trung Bộ: VĐ 55, VĐ 93-159, Roc 22, My 55-14

– Tây Nguyên: VĐ 93-159, LK 92-11, K84-200, K95-156

– Duyên Hải Nam Trung Bộ: VN 84 K83-29, Suphanburi 7, LK 84-200. K88-92

– Tây Nam Bộ: K88-92, K95-84, Roc 16, VN 84-4137, K84-200

– Đông Nam Bộ: K95-84,K88-92,LK 92-11, Suphanburi 7…

– Đồng bằng Sông cửu long: K88-92, K95-84 (Số liệu được dẫn theo báo cáo của các công ty mía đường tại hội nghị “Định hướng nghiên cứu và phát triển bên vững ở Việt Nam”)

Tùy điều kiện đất đai từng vùng và nhu cầu vùng nguyên liệu cụ thể của từng nhà máy để bố trí tỷ lệ các nhóm giống chín sớm, chính trung bình và muộn cho phù hợp.

Chuẩn bị mía giống:

Hom mía giống phải lấy từ các ruộng đảm bảo các yếu tố sau:

+ Tuổi mía tốt nhất: 6-8 tháng tuổi.

+ Loại mía : Mía tơ hoặc mía gốc 1 là tốt nhất

+ Độ thuần : trên 98%

+ Độ khỏe: Mía sinh trưởng tốt, không bị vống lốp, căn cỗi, dưới 10% cây bị chồi nách, dưới 10% cây đỗ ngã. Chỉ lấy giống ở những ruộng không bị bệnh than, thối đỏ, không có triệu trứng các bệnh virus, vi khuẩn và nấm bệnh…

Hom mía giống phải đạt các yêu cầu sau:

+ Có từ 2-3 mắt mầm

+ Không nhiễm sâu bệnh

Trong trường hợp nắng hạn hom mía nên lấy từ giữa thân lên ngọn và khi trồng cần xử lý hom bằng cách ngâm qua nước vôi hoặc ngâm vào nước lã. Nếu không có điều kiện ngâm thì có thể phun nước trước khi trồng 24h để hom mía phát triển tốt nhất.

Thu hoạch , vận chuyển và bảo quản hom mía giống:

– Thu hoạch mía giống: Dùng dao sắc chặt nguyên cây, giữ nguyên bẹ lá trên thân mía, bó thành bó dưới 15kg và buộc lại thật chặt

– Vận chuyển và bảo quản mía giống: Mía giống cần được vận chuyển nhanh đến nơi trồng, tránh làm lẫn giống, bốc xếp giống nhẹ nhàng, hom giống phải được che mát và bảo đảm thông thoáng.

– Kỹ thuật cắt hom: Nên ra hom ngay sau khi chặt cây giống và trồng càng sớm càng tốt.

– Không nên để hom giống quá 7 ngày kể từ sau khi chặt. Lột bỏ bẹ lá sau đó dùng dao sắc để cắt hom giống, không làm dập nứt thân và mầm. Chỉ ngâm và ủ hom giống trong trường hợp: Giống có đặc tính moc mầm chậm và kém hoặc muốn tranh thủ mùa vu. (Nếu có điều kiên nên xử lý hom giống trước khi trồng bằng cách ngâm trong nước không quá 24 giờ, sau đó xử lý bằng nước nóng 52% trong 30 phút, sau khi ngâm ủ nên trồng ngay).

Cách trồng mía:

Thời vụ:

– Trung du miền núi phía bắc: 1/1 -30/4 (phụ 1/9-30/11)

– Bắc Trung Bộ: 1/1-30/04 (phụ 1/10-15/12)

– Duyên Hải Nam trung Bộ: 1/1-1/3 (phụ 1/6-30/8)

– Tây Nguyên : 1/10-30/11 ( phụ 1/5 – 30/6)

– Đông Nam Bộ 15/10-3012 (phụ 15/4-15/6)

– Tây Nam Bộ 1/4-30/6 (phụ 15/11-30/1)

Mật độ và cách trồng:

Mật độ: Tùy điều kiện đất đai, loại giống để bố trí mật độ, lượng hom giống cần từ 35.000 – 40.000 hom/ha (mỗi hom có 3-5 mắt) tương đương 8-10 tấn

Khoảng cách hàng: Tuy việc canh tác thủ công hay bằng mày để bố trí khoảng cách hàng đơn từ 0,8-1,2 m (canh tác thủ công) hoặc hàng kép 1.2-1,8m x 0,6-0,4m (canh tác bằng máy).

Cách trồng:

Đặt hom theo rãnh hàng đơn cách nhau 1m hoặc hàng kép (1,4m) phủ kín đất từ 3-5 cm (trồng không chính vụ) hoặc 7-10 cm (trồng chính vụ). Đất khô cần nén chặt cho hom tiếp xúc với đất. Trong vụ trồng chính nếu có điều kiện nên tưới ẩm sau khi trồng và sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm và hạn chế cỏ dại cho mía.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ủ chua ngọn và lá mía để nuôi bò thịt

Bà con các vùng trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường đã  tận dụng ngọn, lá mía sau khi thu hoạch để ủ chua làm thức ăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Sau khi thu hoạch mía, lá mía và ngọn được sử dụng để ủ chua làm thức ăn cho bò

Kinh nghiệm này xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu biện pháp ủ chua ngọn lá mía làm thức ăn chăn nuôi bò thịt” của các nhà khoa học Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội do TS. Đặng Vũ Bình làm chủ nhiệm.

Theo TS. Bình thì ngọn, lá mía dùng cho chăn nuôi bò thịt có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, có thể thay thế được nguồn thức ăn xanh. Với phương pháp ủ chua, nông dân có thể tận dụng được từ 60 đến 80% ngọn lá mía tại các vùng nguyên liệu mía đường làm thức ăn dự trữ cho những tháng thiếu cỏ để chăn nuôi bò thịt rất tốt.

Ông Nguyễn Công Nhân ở xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân là người đầu tiên được Sở NN-PTNT Thanh Hóa và nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội giúp đỡ xây dựng mô hình theo phương pháp này phấn khởi cho hay: “Phương pháp này dễ làm, tận dụng nguyên liệu sẵn có, các phụ gia cũng dễ tìm, dễ kiếm, rẻ tiền”. Nhiều hộ chăn nuôi bò thịt ở Xuân Châu đã bắt đầu làm theo. Cách làm như sau:

– Ngọn lá mía sau khi thu hoạch được băm nhỏ với kích thước 1-3cm rồi trộn đều với urê (2%), rỉ mật (2-4%) hoặc bột sắn, bột ngô, cám gạo… (tỷ lệ 4-6%). Nếu là rỉ mật thì có thể dùng vòi phun hoặc pha trong bình ô doa để tưới đều vào đống lá và ngọn đã băm nhỏ; nếu là bột mì, bột ngô hoặc cám gạo thì dùng tay trộn đều trước khi đem ủ trong các silo.

Lá mía sau khi thái nhỏ

– Silo là những ống tròn rỗng có đường kính khoảng 1,2-1,4m, cao 1,3-1,4m được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, gỗ, tôn sắt… và có thể chồng lên nhau để có chiều cao theo ý muốn. Trong trường hợp không có các silo thì có thể đào hố đất, xây bể xi măng hoặc dùng các bao nilon chắc chắn để nén ủ cũng được. Dùng nilon để lót đáy và xung quanh silo trước khi cho hỗn hợp ngọn, lá mía và chất phụ gia gây lên men vào ủ. Cứ sau 1 lớp ngọn, lá mía dày 10-15cm lại dùng đầm hoặc chân để nén chặt xuống cho đến khi đầy silo. Sau cùng dùng nilon đậy kín rồi lấp 1 lớp đất dày 20-30cm (nện chặt) lên trên. Dùng bao đựng cát hoặc đất xếp 1 lớp lên trên, làm giàn mái che mưa nắng.

– Sau từ 30-45 ngày có thể lấy ra cho bò ăn dần. Nếu không có nhu cầu cho ăn ngay thì có thể bảo quản dự trữ được từ 5-7 tháng. Sản phẩm đảm bảo chất lượng là có mùi thơm dễ chịu, màu hanh vàng, trâu bò rất thích ăn. Có thể cho ăn với khối lượng 6-8kg/con/ngày cùng với các loại thức ăn tinh khác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nông dân tìm cách “sống chung” với bệnh trắng lá mía

Trước tình hình bệnh trắng lá mía lây lan nhanh trên đồng ruộng nhưng chưa có giải pháp chữa trị hữu hiệu, chính quyền huyện Ia Pa (Gia Lai) đang chỉ đạo ngành chuyên môn vào cuộc, phối hợp với Nhà máy Đường Ayun Pa và người dân tìm biện pháp “sống chung” với loại bệnh này.

Bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh

Huyện Ia Pa là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực Đông Nam tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 7.000 ha mía, trong đó có 3.300 ha mía trồng mới và hơn 3.600 ha mía lưu gốc. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa thì hiện nay gần như chân ruộng nào cũng có mía bị trắng lá.

Bệnh trắng lá mía

Tại xã Chư Răng-nơi có diện tích mía bị trắng lá lớn nhất huyện Ia Pa, nhiều hộ trồng mía đang lâm vào cảnh khốn đốn khi bỏ ra số tiền đầu tư khá lớn nhưng chưa thu hồi lại được vốn, nay lại tốn thêm công, tiền của để thuê máy, công cày, cuốc bỏ… Bà Tình (một người dân xã Chư Răng) cho biết: “Ruộng mía của tôi trồng theo kỹ thuật hàng đôi, ở chu kỳ năm thứ hai, là thời điểm đạt năng suất cao nhất thì bị nhiễm bệnh trắng lá. Bệnh bùng phát quá nhanh, trong vòng 1 tháng chưa kịp xử lý cuốc bỏ gốc nhiễm bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn vì diện tích quá lớn thì bệnh đã lan ra cả 16 ha. Chúng tôi buộc phải cày phá bỏ toàn bộ ruộng mía, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng”.

Tương tự, anh Trần Công Sơn (thôn Bình Trung, xã Chư Răng) có 19 ha mía mới thu năm đầu chưa đủ bù đắp cho số tiền đầu tư (hơn 500 triệu đồng, trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha) nay càng khó thu hồi khi diện tích nhiễm bệnh trắng lá ngày càng tăng. Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 5 ha mía bị nhiễm bệnh trên 40% buộc phải cày bỏ. “Lúc đầu, ruộng mía của gia đình tôi chỉ bị nhiễm ít thôi, tỷ lệ rất thấp. Tôi đã thuê công cuốc bỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan nhưng chỉ sau 1-2 cơn mưa đầu mùa (khoảng giữa tháng 5) thì thấy ruộng mía trắng xóa. Tốc độ nhiễm bệnh rất nhanh khiến tôi không kịp trở tay”-anh Sơn cho biết.

Tìm cách “sống chung”

Trước tốc độ bùng phát của bệnh trắng lá mía, UBND tỉnh đã chỉ đạo ráo riết các ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Ia Pa, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức nhiều cuộc họp tìm biện pháp tháo gỡ tình hình. Huyện Ia Pa và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia vào cuộc để tìm nguyên nhân, giải pháp đối phó với bệnh trắng lá mía.

“Sống chung” với bệnh trắng lá mía

Huyện Ia Pa hiện có 435,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá dưới 30% phải cuốc bỏ những gốc cây bị bệnh đem tiêu hủy và 79,9 ha mía gốc bị nhiễm nặng trên 30% phải cày phá bỏ tiêu hủy hoàn toàn, diện tích nhiễm bệnh còn lại đang được tập trung xử lý. Tuy nhiên, đến nay, nguồn bệnh trắng lá mía vẫn tồn tại tiềm tàng trong tàn dư thực vật, hom giống ở hầu hết các xã trồng mía. Tất cả các giống mía đang trồng trên đồng ruộng đều bị nhiễm bệnh trắng lá đã tạo môi trường cho bệnh lây lan khó kiểm soát. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ ra tồn tại là hiện các địa phương và Nhà máy Đường Ayun Pa chưa kiểm soát được nguồn giống mía của nhân dân sử dụng dẫn đến bệnh lây lan từ nguồn hom giống trước khi đem ra trồng là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống sản xuất, nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp: cơ bản, kiểm định và thương phẩm. Ngay cả trang trại mía giống của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đặt tại xã Pờ Tó cũng bị bệnh trắng lá hoành hành nhiều hơn ruộng của dân.

Bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho hay, thời tiết nắng hạn kéo dài trong những năm gần đây, nhất là thời điểm có cơn mưa đầu mùa gây khí hậu nóng ẩm là điều kiện để vi rút Phytoplasma gây bệnh trắng lá mía bùng phát, kết hợp lúc này cây mía đang thời kỳ đẻ nhánh rất mẫn cảm với mầm bệnh. Theo bà Hường, biện pháp phòng trừ bệnh hiện tại vẫn là khuyến cáo người dân cuốc bỏ những gốc mía bị bệnh để đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy đối với diện tích có tỷ lệ gốc bị nhiễm dưới 30% và cày bỏ tiêu hủy hoàn toàn ruộng mía với diện tích bị nhiễm trên 30%, sau đó trồng luân canh cây họ đậu 1 năm rồi mới trồng mía trở lại. Khi làm đất phải thực hiện cày trục, cày sâu, thâm canh cây mía áp dụng quy trình trồng mía có tưới nước; sử dụng nguồn mía giống sạch bệnh. Đối với diện tích đất cát pha sét thì nên chuyển đổi cây trồng khác chứ không nên trồng mía…

Vì chưa có thuốc đặc trị nên huyện Ia Pa nói chung và cả vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh đang phải “sống chung” với bệnh trắng lá mía. Theo đó, một trong những giải pháp đang được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa triển khai là mô hình quản lý tổng hợp bệnh trắng lá mía với diện tích 1 ha cho 2 hộ dân là Nguyễn Viết Xuân và Đỗ Văn Cường ở thôn 2, xã Chư Răng. Sau 3 tháng trồng giống mía K95-84, đến nay, mía đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát hiện mầm bệnh trắng lá gây hại. “Trên cơ sở mô hình này, Trạm đang xây dựng kế hoạch cho năm sau nhân rộng lên 10 ha trên địa bàn huyện”-bà Hường nói.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại cục bộ đầu tiên ở huyện trong niên vụ 2013-2014 với diện tích nhiễm 131,7 ha. Sang niên vụ 2014-2015, bệnh bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm 1.079,7 ha (chiếm gần 17% diện tích mía toàn huyện). Niên vụ 2015-2016, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía là 981,7 ha. Vụ mía 2017-2018, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá 712,4 ha. Huyện Ia Pa đang là địa phương chiếm phần lớn diện tích mía bị bệnh trắng lá trong toàn tỉnh (thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tính đến 15-8, toàn tỉnh có 836,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá). Hầu hết các giống mía người dân đang trồng đều bị nhiễm bệnh trắng lá.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam