Các biện pháp phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy

Vụ lúa xuân miền Bắc thường gặp đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, có thể xuất hiện rét đậm, rét hại với nền nhiệt hạ thấp (3-5ºC) kèm theo mưa, làm ảnh hưởng đến diện tích mạ và lúa mới cấy.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho mạ và diện tích lúa mới cấy như sau:

Đối với diện tích lúa cấy sớm: Cần tiếp tục duy trì mức nước trên mặt ruộng để tăng cường khả năng chống rét cho lúa mới cấy cũng như giúp cho lúa đẻ nhánh sớm và đẻ nhánh tập trung khi thời tiết nắng ấm trở lại.

Với diện tích vừa cấy xong: Bà con nông dân cần duy trì lớp nước mặt 3-5cm để giữ ấm cho chân lúa nhằm tăng cường khả năng chống rét. Khi nắng ấm trở lại, lúa bén rễ hồi xanh, vươn lá mới và ra rễ trắng thì mới tiến hành bón phân như bình thường.

Với những diện tích chưa cấy, cần tiếp tục duy trì độ ẩm. Cần che phủ nilon trong cho diện tích mạ và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo độ kín của nilon. Có thể sử dụng từ 100-200g super lân hòa với 20 lít nước để  tưới cho mạ nhằm tăng cường sự phát triển của bộ rễ và tăng khả năng chống rét cho mạ. Đặc biệt lưu ý trong điều kiện rét đậm, rét hại, tuyệt đối không bón bất kỳ loại phân đạm nào cho mạ và lúa sau cấy.

Với diện tích lúa gieo thẳng: Tiếp tục duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm, nếu có điều kiện dùng tro bếp, rơm rạ bón đều trên mặt luống để tăng cường khả năng chống rét.

Đối với những diện tích gieo thẳng mà mộng mạ chưa gieo: trong điều kiện thời tiết rét đậm, bà con cần phải hãm mộng mạ, bằng cách rải đều ra nền cứng với độ dầy từ 7 – 10cm để hạn chế sự phát triển của mộng mạ và tranh thủ những lúc buổi trưa trời hửng nắng thì tiến hành gieo.

Ngoài ra, cần chuẩn bị tốt khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế lây truyền sâu bệnh cho vụ sau, nhất là bệnh đạo ôn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, sâu đục thân, ốc bươu vàng. Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây trồng vụ Đông 2015, để giải phóng quĩ đất gieo cây lúa Đông Xuân 2015-2016 đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất.

Chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện để lấy nước dự trữ và đổ ải phục vụ gieo cấy lúa, đồng thời cần huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ làm đất, để khi nắng ấm trở lại thì gieo sạ và tiến hành cấy cho kịp thời vụ.

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

IRRI phát triển thành công giống lúa siêu chịu mặn

Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), có trụ sở ở Philippines, cho biết các nhà khoa học của viện này đã phát triển thành công giống lúa siêu chịu mặn, có thể giúp người nông dân trồng lúa tại các khu vực duyên hải đang bị bỏ hoang do sự xâm lấn của nước biển.

Theo IRRI, các nhà khoa học đang trong quá trình phát triển hoàn thiện giống lúa trước khi đem trồng thử nghiệm một cách rộng rãi.

Giống lúa mới này có khả năng chịu mặn cao gấp hai lần so với các giống lúa khác và dự kiến sẽ đến tay người nông dân trong vòng từ 4 đến 5 năm nữa.

Giống lúa chịu mặn này được lai giữa các giống lúa dại ngoại lai được tìm thấy tại các khu vực nước lợ với một giống lúa được phát triển trong viện (IR56). Kết quả là “giống lúa mới có thể đào thải chất mặn từ dưới đất thông qua việc tiết muối ra ở trên lá.”

Các nhà khoa học hy vọng giống lúa này sẽ giúp người nông dân tận dụng được các khu vực đất nhiễm mặn bị bỏ hoang để trồng trọt.

Cùng với lúa mì và ngô, lúa gạo được coi là một trong ba loại lương thực thiết yếu, cung cấp thức ăn cho con người trên khắp thế giới.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra các giống lúa cho năng suất cao.

Nguồn: Khoahoc.tv được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Trung Quốc tạo giống lúa cao hơn đầu người cho năng suất lớn

Giống lúa có tên gọi “lúa khổng lồ” được các chuyên gia ở Viện nông nghiệp cận nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lai tạo với hy vọng có thể cung cấp lương thực cho nhiều người hơn, theo China’s People’s Daily. Giống lúa mới được chính thức giới thiệu hôm 16/10 sau 10 nghiên cứu, có năng suất cao hơn 50% so với các giống lúa thông thường.

Nhóm nghiên cứu đã trồng thử cây lúa khổng lồ và thu hoạch trên một cánh đồng nằm ở thị trấn Jinjing thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Thân cây lúa cao trung bình 1,8 mét, những cây lớn nhất cao tới 2,2 mét.

Xia Xinjie, một nhà nghiên cứu trong dự án, cho biết năng suất dự kiến có thể đạt trên 11,5 tấn/hecta. Số hạt có thể thu hoạch từ một gốc lúa là hơn 500 hạt.

Các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng một loạt công nghệ mới để tạo ra giống lúa mới, bao gồm đột biến gây tạo (mutation induction) và lai giống giữa nhiều loại lúa dại. Lúa khổng lồ có thể đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nông dân và dân số ngày càng tăng.

“Lượng thóc lúa cần sản xuất thêm vào năm 2030 cao hơn 60% so với năm 1995. Hiện nay, một hecta đất trồng lúa cung cấp đủ thức ăn cho 27 người. Vào năm 2050, mỗi hecta phải đáp ứng nhu cầu lương thực cho 43 người”, Yuan Longping, nhà nông nghiệp học nổi tiếng ở Trung Quốc, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Nguồn: VnExpress được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn sử dụng bảng so màu lá để bón phân đạm cho lúa cao sản

1. Thời điểm sử dụng bảng so màu

  • Bón phân lần thứ 2: Lúc 20 ngày sau khi bắt đầu tiến hành so màu lá lúa. Nếu lúa có màu ở khung số 4 trở lên thì không cần bón đạm. Sau đó 2-3 ngày so lại, nếu lúa vẫn có màu xanh ở khung số 4 trở lên vẫn chưa cần bón đạm. Sau đó cứ 2 ngày tiếp tục so lại màu cho đến khi lá lúa có màu khung từ số 3 trở xuống mới bón.
  • Bón phân lần thứ 3: Lúc 40 ngày sau sạ bắt đầu tiến hành so màu lá lúa. Cách xác định thời điểm bón phân tương tự như hướng dẫn ở lần bón thứ 2.
  • Các lần bón phân kế tiếp (nếu có): Khi lúa trổ xong đang vào chắc, nếu màu lá ở khung số 3 trở xuống mới cần bón thêm đạm. Lượng phân bón thêm là 2-3 kg urê/ công. Lúc này lúa bị nhiễm bệnh thì bón thêm đạm.

Chú ý: Cần bón đủ lượng phân lân và kali vào các thời điểm đúng theo hướng dẫn chi tiết trong quy trình bón phân lúa cao sản.

2. Cách so màu trong ruộng

  • Nên so màu vào cùng thời gian (vào sáng sớm hoặc chiều mát). Khi so, lưng của người so màu hướng về phía mặt trời để bóng của người đó che mát cho lá lúa để không bị phản sáng so màu không chính xác.
  • Chọn ngẫu nhiên ít nhất 20 lá lúa (lá trên cùng khi mà lá kế tiếp đã ra được 2/3 phiến lá) từ 4-5 vị trí khác nhau trên ruộng.
  • So màu bằng cách đặt phần của lá lúa ở khoảng cách 1/3 hoặc 2/5 từ chóp lá lên từng khung màu trong bảng. Không được tách đôi làm hư lá lúa. Ghi nhận số khung màu của từng lá rồi tính trị số trung bình của 20 lá đã được so.
  • Nếu trị số trung bình ở dưới khung màu chuẩn (khung màu chuẩn là khung số 4). Khi lúa có màu ở khung chuẩn thì không cần bón đạm, nhưng khi lúa có màu dưới khung chuẩn (khung 1,2 & 3) là lúc lúa thiếu đạm nên cần bón ngay thêm lượng đạm.

Bảng so màu lúa

Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm thổ nhưỡng của từng địa phương mà thời điểm thực hiện việc so màu và bón phân lần 2, lần 3 có thể thực hiện sớm hoặc muộn hơn so với khuyến cáo.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bệnh vàng lá lúa

Hiện nay do điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng oi bức kéo dài, xen kẽ những trận mưa với cường độ lớn và hạn nhiều ngày kết hợp với phương pháp canh tác chưa hợp lý làm hàng vạn ha lúa mùa sớm đang giai đoạn làm đông, lúa mùa chính vụ đang đẻ nhánh bị nhiễm bệnh vàng lá lúa.

Do khó khăn trong việc xác định nguyên nhân gây nên các triệu chứng vàng lá nên cả cơ quan chức năng và nông dân đều lúng túng trong công tác phòng trừ. Tuy nhiên đây không phải là đối tượng lạ nguy hiểm nào đáng ngại.

Bệnh do một số nguyên nhân chính gây ra như ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, do virus, do nấm, do vi khuẩn và do điều kiện khí hậu bất lợi.

1. Vàng lá do virus

Thường thì khi thấy vàng lá, cơ quan chuyên môn gửi mẫu đi test virus. Tuy nhiên ở miền Bắc có thể loại trừ khả năng bệnh vàng lá do virus (vàng lùn). Do bệnh vàng lùn phải có sự phối trộn của 3 loại virus lùn lúa cỏ, lùn xoăn lá do rầy nâu truyền bệnh và bênh Tungro do rầy xanh đuôi đen truyền bệnh. Trong những năm gần đây việc đồng thời xuất hiện dịch rầy nâu và rầy xanh đuôi đen không đáng kể.

2. Vàng lá do ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn

Triệu chứng biểu hiện giống bệnh vàng lùn, cây lúa bị vàng và lùn. Khi gặp trường hợp này, chúng ta chỉ cần nhổ khóm lúa lên, rửa sạch rễ và kiểm tra. Nếu thấy rễ đen (ngộ độc hữu cơ), đỏ vàng (ngộ độc phèn) kèm theo rễ bị thối, ít hoặc không có rễ trắng (rễ mới), cây không hút đủ nước và dinh dưỡng gây nên hiện tượng vàng và lùn xuống.

Bệnh vàng lá làm cho lúa vàng và lùn xuống

Khuyến cáo người dân ngừng bón đạm, rút nước ra khỏi ruộng nếu điều kiện thủy lợi cho phép (ngộ độc phèn cần thay nước nhiều lần). Bón khoảng 400 kg/ha vôi bột đã và để ruộng khô nứt chân chim sau đó cho nước vào ruộng.

Trường hợp lá lúa dày quá, không thể bón vôi thì nên rút nước ra khỏi ruộng, sau đó đắp bờ và hòa vôi bột đầu dòng nước chảy vào ruộng. Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao (siêu lân). Sau 1 tuần bón thêm khoảng 200 kg/ha Super lân. Có thể phun phòng trừ các nấm bệnh bằng các thuốc như Nevo 300EC, Tilt Super 300EC, Anvil 5SC nếu cần.

3. Vàng lá do nấm

Tác nhân chính là nấm Gonatophragmium sp, bắt đầu giữa lá lúa xuất hiện một chấm vàng nhỏ. Sau đó chấm vàng to dần lên, lan ngược đỉnh lá lúa, sọc vàng nhỏ dần khi hướng lên chóp lá. Bệnh nặng nửa trên có thể bị vàng hết. Để phòng trừ đối tượng này, chúng ta có thể sử dụng các thuốc như Ridomil Gold 68WG, Nevo 330EC, Tilt Super 300EC, Amistar Top 325SC, Score 250SC.

Vàng lá lúa do nấm

4. Vàng lá do vi khuẩn

Hiện nay đang phổ biến trên lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae và Xanthomonas oryzicola gây ra. Cơ quan chỉ đạo và nông dân đang lúng túng và thấy như một căn bệnh lạ.

Triệu chứng ban đầu phía bìa lá chuyển vàng trước, sau đó phần chóp vàng và hóp lại như mo cau, vết bệnh lan dần vào trong theo đường gợn sóng màu vàng, mô bệnh xanh tái, vàng lục. Giữa mô bệnh và mô khỏe có ranh giới rõ ràng, giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng, có khi chỉ một đường viền màu nâu đứt quãng, rất dễ nhầm lẫn với bệnh vàng lá và khô đầu lá do sinh lý.

Vàng lá lúa do vi khuẩn

Thông thường chúng ta nghĩ rằng bệnh bạc lá, là phải gây nên bạc trắng lá ngay. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào thời tiết, giống lúa. Triệu chứng lá bạc là giai đoạn cuối của bệnh bạc lá, lúc này các mô lá nhiễm bệnh đã chết. Nếu ẩm độ cao, tế bào trương nước chúng ta ít bắt gặp giai đoạn lá chuyển vàng và chỉ thấy lá bị khô trắng lúc nắng lên.

Ngoài ra, hiện nay trên đồng ruộng cũng đang xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn (Xanthomonas oryzicola). Triệu chứng là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc theo các gân lá. Lúc đầu vết sọc xanh trong giọt dầu, lúc đầu chuyển màu nâu, xung quanh sọc màu nâu có các quầng vàng. Nếu lá bị nhiều đốm sọc tập trung thì các quầng vàng liên kết nhau làm lá lúa bị vàng.

Các loài vi khuẩn xâm nhiễm chủ yếu qua vết thương cơ giới. Do mưa, gió các lá lúa cọ xát vào nhau gây tổn thương. Vì thế phần hai mép lá thường bị tổn thương trước và nhiễm bệnh trước (người ta gọi bệnh cháy bìa lá).

Có thể phòng trừ bằng kháng sinh như kasugamicin, không nên dùng thuốc có chứa streptomincin vì kháng sinh này là thuốc chữa bệnh cho người, nếu ăn thực phẩm nhiễm kháng sinh này rất nguy hiểm. Hoặc có thể sử dụng nhóm thuốc sát trùng như Bronopol (Xantocin 40WP).

Ngoài ra, điều kiện thời tiết bất lợi như mưa nắng bất thường, nhiệt đổi thay đổi đột ngột, gió lào, các chân đất sâu trũng, đọng nước, đất cát dễ nhiễm vàng lá sinh lý.

Nguồn nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

 

Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa

So với thế giới, Việt Nam đã có thể làm chủ được tới 70,5% công nghệ sản xuất giống. Trong đó lúa thuần được xem là lợi thế – đạt 90%, còn lúa lai đã làm chủ công nghệ tới 66%.

Đó là số liệu được đưa ra trong đề tài “Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong tạo giống và sản xuất lúa lai tại miền Bắc và duyên hải miền Trung” do thạc sỹ Phạm Ngọc Lý – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) – làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 – một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được triển khai tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các giống lúa đặc sản được bảo tồn tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

“Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa. Tuy nhiên, lượng giống lúa thuần đủ cung cấp cho sản xuất trong nước, trong khi đó lúa lai chỉ đảm bảo cung ứng đủ 33% nhu cầu giống, lượng còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ…)” – Phó Tổng Giám đốc Vinaseed cho biết.

Ông Phạm Ngọc Lý nêu một thực trạng, qua khảo sát 17 công ty (thuộc 2 khu vực miền Bắc và duyên hải miền Trung) thì chỉ Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương và Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình là có hệ thống máy, chế biến và đóng gói công nghệ hiện đại. Công ty cổ phần giống cây trồng trung ương có công suất sấy và chế biến hơn 30.000 tấn giống lúa/năm và Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình có công suất 15.000 tấn giống lúa/năm. Hệ thống máy sấy, chế biến và đóng gói chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Đan Mạnh). Vì vậy, chất lượng hạt giống lúa của 2 công ty trên rất có uy tín trên thị trường.

Đa số các công ty giống còn lại có hệ thống máy sấy, chế biến và đóng gói tương đối đơn giản, hằng năm chủ yếu sản xuất, kinh doanh từ vài trăm tấn đến 5.000-7.000 tấn giống lúa các loại.

“Vì vậy, các công ty trong thời gian tới muốn tồn tại và phát triển được bắt buộc phải đầu tư hơn nữa về công nghệ cũng như công cụ máy móc để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường giống lúa ở nước ta” – ông Lý đề xuất.

Nguồn: Khoahocphattrien được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Những hình ảnh cho thấy chúng ta đã ăn ngô, dưa hấu biến đổi gen từ cả nghìn năm nay

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Bạn có bao giờ thắc mắc về tổ tiên của chúng trước đây như thế nào không? Những hình ảnh sau chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

Dưa hấu

2.000 năm TCN, dưa hấu được phát hiện ra ở vùng đông bắc Châu Phi sau đó lan dần sang Địa Trung Hải. Theo các sách cổ miêu tả lại: Lúc chín, ruột dưa có màu vàng cam, sau đó bằng cách lai giống chọn lọc, kết hợp gen màu đỏ và gen quyết định lượng đường mà mà ruột dưa đã dần chuyển sang màu đỏ như ngày nay.

Chuối

Lịch sử của chuối có thể từ 7.000 đến 10.000 năm trước đây tại khu vực Đông Nam Á. Chuối ngày nay có nguồn gốc từ chuối rừng và chuối hột , quả ngắn và hạt to cứng hơn bây giờ.

Cà rốt

Cà rốt được tìm thấy lần đầu tiên ở Ba Tư và Tiểu Á vào thế kỷ 10. Lúc đầu, nó được cho là có màu tím hoặc trắng với gốc nhỏ, bị tách đôi. Dần dần nó mất sắc tố và chuyển thành màu vàng, củ phình to, mọng nước hơn.

Cà tím

Cà tím ngày nay có tổ tiên là những quả tròn màu vàng, xanh, trắng, tím và có gai. Chúng được trồng rất sớm bởi những người Trung Quốc và hiện nay phiên bản cà tím đã hoàn toàn khác xa với tổ tiên chúng.

Bắp ngô

Tiền thân là cây teosinte hầu như không ăn được nhưng nhờ lai tạo được bởi những người Bắc Mỹ 7.000 năm TCN.

Kích thước ngô ngày nay gấp 1.000 lần và dễ dàng bóc hạt hơn, ngoài ra nó cũng chứa 6.6% lượng đường, cao hơn hẳn so với ngô tự nhiên chỉ có 1.9%.

Hình dáng cây cũng khác nhau

Bắp cải, súp lơ, su hào có nguồn gốc từ cây mù tạt dại

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Do vậy, từ một cây mù tạt hoang dã, họ đã cho ra thành công các loại súp lơ, cải xoăn, cải bắp và su hào như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nấm xanh diệt rầy nâu

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV TT-Huế cho biết, Chi cục vừa xây dựng thành công mô hình sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa đạt hiệu quả cao, mở ra triển vọng phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững… Trong lúc nhiều diện tích lúa trên địa bàn TT- Huế trong thời gian qua bị sâu bệnh, rầy nâu gây hại, thì những chân ruộng ở HTXNN Phú Đa I, huyện Phú Vang do sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu nên cả ruộng lúa óng vàng, trĩu hạt, hứa hẹn một vụ mùa cho năng suất cao.

Trong quá trình chăm sóc cây lúa, người nông dân ở đây cũng không còn nỗi lo như trước vì chịu tác động của thuốc BVTV làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đầu vụ HT vừa qua, Chi cục BVTV TT- Huế đã xây dựng mô hình sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa trên diện tích 2 ha ở các xã, thị trấn như: Phú Đa (huyện Phú Vang), xã Thủy Lương (thị xã Hương Thủy), xã Hương Phong (thị xã Hương Trà)và xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền).

Nguyên liệu SX nấm xanh là nguồn nấm cấp I. Trước kia, nguyên liệu phải mua từ ĐH Cần Thơ. Hiện nay, Chi cục BVTV TT- Huế là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền Trung đã chủ động SX được nguồn nấm cấp I. Cách làm nấm xanh khá đơn giản. Trước hết, lấy gạo hoặc tấm để ngâm ủ trong nước trong thời gian từ 30 – 40 phút, sau đó vớt ra để ráo và chia vào các túi ni lông, bình quân nửa kg/túi, rồi dùng các nút bông gòn bao bọc các miệng túi để tránh nước vào và tiến hành hấp khử trùng. Nguồn giống cấp I được nuôi cấy trong gạo và tấm từ 7- 14 ngày.

Thực tế, kết quả sử dụng nấm xanh cho thấy nấm phát triển tốt, ký sinh gây hại rầy nâu đạt hiệu quả cao. Theo ước tính ban đầu,việc sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu đã tiết kiệm công sức lao động, giảm chi phí phun thuốc từ 700.000 – 900.000 đồng/ha so với dùng thuốc hoá học ở vụ HT này.

ông Nguyễn Duy Bờ, hộ nông dân ở HTXNN Phú Đa I,được chọn làm điểm mô hình này cho biết: “Qua triển khai trên diện tích lúa vụ HT, tôi nhận thấy mô hình nấm xanh mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhìn chung đồng ruộng không có rầy đe dọa, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng địa phương cần nhân rộng mô hình này bởi, ngoài giảm chi phí SX cho bà con nông dân thì còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc BVTV”.

ông Hồ Đắc Thọ đánh giá: “Qua theo dõi thực tế trên đồng ruộng, hiệu quả của nấm xanh trừ rầy đạt tương đối khá cao, từ 70 – 75%. Trước đây, bà con thường sử dụng thuốc hóa học để phun trừ rầy, nhưng phun rất nhiều lần, vừa tốn kém trong chi phí, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường sinh thái, tuy nhiên rầy vẫn bộc phát ở thời điểm cuối vụ rất lớn.

Qua 2 mô hình sử dụng nấm xanh trừ rầy đối chứng với nông dân làm theo tập quán địa phương ở 4 điểm trên địa bàn toàn tỉnh thì mô hình rất khả quan và mang lại hiệu quả cao”.

ông Thọ cho biết thêm, việc sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa là một giải pháp tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên địch có ít trên đồng ruộng, góp phần tạo ra sản phẩm lúa sạch.

Trong những vụ mùa tiếp theo sẽ đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh TT- Huế cùng các ngành chức năng trong tỉnh tạo điều kiện để Chi cục chuyển giao kỹ thuật SX nấm xanh và ứng dụng sản phẩm nấm xanh vào SX để quản lý rầy nâu hại lúa.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Dùng nấm xanh phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa

Nông dân Hậu Giang đang dùng nấm xanh phun trên ruộng lúa Đông Xuân, không những đạt hiệu quả cao trong phòng trừ sâu bệnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường trên đồng ruộng.

                       Dùng nấm xanh phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa

Để gieo cấy nấm xanh, người dân cần chuẩn bị nguyên liệu gạo tấm và nấm gốc, các dụng cụ gồm nồi hấp, tủ cấy, bọc nilon và ống nhựa. Tấm được ngâm trong nước rồi cho vào nồi hấp, sau đó trộn với nấm gốc, cho vào bọc nilon và ủ trong vòng 14 ngày. Nấm thành phẩm được lọc lấy nước, trộn với chất bám dính và nước để phun trên ruộng. Do nấm thành phẩm có màu xanh nên được nông dân gọi là nấm xanh.

Nấm xanh được phun hai lần trong một vụ lúa, lần 1 vào lúc cây lúa được 25-30 ngày, lần hai vào lúc cây lúa 50-55 ngày. Chi phí gieo cấy nấm xanh khoảng 100.000 đồng/ha, giảm khoảng 5 lần so với việc sử dụng thuốc trừ sâu, tiết kiệm cho người nông dân từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha trong một vụ lúa. Nấm xanh khi phun vào cây lúa sẽ ký sinh và phát triển trên cơ thể côn trùng, làm côn trùng bị tiêu diệt, nhất là các loại rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu keo.

Bà Lê Thị Như Thùy, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết dự án ứng dụng nấm xanh trên cây lúa được Chi cục thực hiện từ vụ lúa Đông Xuân 2010-2011 ở 8 điểm, sang vụ Hè Thu năm 2011 thực hiện ở 12 điểm. Người dân được hỗ trợ nguyên liệu, vật liệu và được hướng dẫn cách gieo cấy nấm, sử dụng trên ruộng.

Vụ lúa Đông Xuân 2012, Chi cục thực hiện 17 điểm gieo cấy nấm xanh dùng cho khoảng 250ha, hỗ trợ một phần nguyên liệu và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Ở những điểm thực hiện gieo cấy nấm xanh trong các vụ trước, người dân đã tự gieo cấy nấm xanh để dùng trên ruộng lúa.

Do nấm xanh đạt hiệu quả cao trong việc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường trên đồng ruộng, nhất là giảm chi phí sản xuất cho người nông dân, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang đang có hướng mở rộng mô hình gieo cấy nấm xanh, hướng dẫn cho nhiều nông dân biết cách thực hiện và sử dụng nấm xanh trong những vụ lúa tới.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Giống lúa mới: ít nước hơn, sản lượng cao hơn

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa sản xuất được một loại lúa có thể trồng tốt hơn và sử dụng nước hiệu quả hơn những giống lúa khác. Giáo sư Andy Pereira thuộc Viện Virginia Bioinformatics VBI đang thực hiện nghiên cứu với các đồng nghiệp ở Ấn Độ, Indonesia, Israel, Ý, Mexico và Hà Lan để xác định và sử dụng một gen có tên là HARDY, gen có khả năng cải thiện các đặc điểm chính của giống ngũ cốc quan trọng này.

Nghiên cứu hiện được đăng trong tạp chí Proceedings của viện hàn lâm khoa học Mỹ, đã chứng minh được gen HARDY góp phần vào việc sử dụng nước hiệu quả ở lúa, nguồn thực phẩm chính cho hơn nữa dân số thế giới.

Lúa là loại cây hút nước rất nhiều so với các giống cây khác. Nó sử dụng nước gấp 3 lần các cây thực phẩm khác như ngô hoặc lúa mì và tiêu thụ khoảng 30% lượng nước ngọt sử dụng cho các loại cây trồng trên thế giới. Trong điều kiện nước hiếm, việc trồng các loại cây có khả năng tạo ra Biomass (năng lượng sinh khối, hay năng lượng từ vật liệu hữu cơ) một cách hiệu quả mà chỉ sử dụng một khối lượng nước hạn chế là rất quan trọng.

                             Giống lúa mới: Ít nước hơn, sản lượng cao hơn

Lúa HARDY cho thấy có sự gia tăng biomass đáng kể trong cả điều kiện khô hạn và không khô hạn. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, năng lượng biomass của lúa HARDY tăng khoảng 50% trong điều kiện thiếu nước (khô hạn) so với giống lúa cùng loại chưa được biến đổi gen.

Tiến sĩ Andy Pereira, giáo sư viện VBI phát biểu: “Dự án nghiên cứu xuyên ngành bao gồm việc nghiên cứu hai loại cây. Đầu tiên, chúng tôi sử dụng một kỹ thuật kiểm tra sự đột biến làm tăng chức năng để nghiên cứu một số lượng lớn các cây Arabidopsis, một loại cây mù tạt thuộc họ cải có thể mang những đặc điểm có lợi đối với sự kháng nước và chống lại khô hạn. Các xác định phân tử và sinh lý học cho thấy rằng hiệu quả sử dụng nước được cải thiện có liên quan đến gen HARDY”.

Tiến sĩ Aarati Karaba nhận xét: “Bước tiếp theo là cấy gen HARDY vào lúa và kiểm tra các đặc điểm nảy sinh từ sự biến đổi này”.

Ở lúa, HARDY dường như hoạt động theo cách hơi khác so với ở Arabidopsis, nhưng nó vẫn cải thiện hiệu quả sử dụng nước và tăng biomass. Các nghiên cứu sâu hơn đã chứng minh được HARDY làm tăng đáng kể khả năng quang hợp của lúa trong khi cùng lúc làm giảm sự mất nước từ cây.

Tiến sĩ Andy Pereira nói thêm: “Phân tích gen chip (DNA microarray) cho phép chúng tôi nghiên cứu các kiểu biểu hiện do gen HARDY điều chỉnh. Chúng tôi tập trung cụ thể vào các gen có tên gen ontology (GO), là những gen được cộng đồng khoa học cho là có quá trình hoặc chức năng sinh học cụ thể. Chúng tôi xác định tập hợp gen đã biết được điều chỉnh bởi gen HARDY, gen có mức độ thay đổi trong điều kiện cây thiếu nước. Chúng tôi còn nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở các tập hợp gen có liên quan đến sự chuyển hóa các protein và carbohydrate then chốt, điều này có lẽ giải thích được một số sự khác biệt về đặc điểm mà chúng tôi đã phát hiện ra trong cây Arabidopsis và lúa.”

Các nhà khoa học đã theo dõi cải thiện về hiệu quả sử dụng nước và phát hiện một loại phân tử cụ thể, phân tử này được biết đến như là yếu tố sao mã giống với AP2/ERF. Các yếu tố sao mã (transcription factors) là các protein kiểm soát sự biểu hiện gen và gen HARDY giải mã một protein thuộc vào loại các yếu tố sao mã giống với AP2/ERF.

Shital Dixit, sinh viên sau đại học tại Viện Nghiên Cứu Thực Vật Quốc Tế Wageningen (Hà Lan), nhận xét: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa biết chức năng chính xác của yếu tố sao mã này mặc dù nghi ngờ rằng nó ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành có liên quan đến sự làm khô của mô. Nhưng điều rõ ràng là lúa HARDY cải thiện hiệu quả sử dụng nước và có khả năng chống khô hạn ở lúa và có lẽ ở các cây ngũ cốc và cây hạt khác. Điều này sẽ góp phần duy trì sản lượng cao một cách bền vững trong điều kiện lượng nước cung cấp hạn chế.”

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam