Dùng nấm xanh phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa

Nông dân Hậu Giang đang dùng nấm xanh phun trên ruộng lúa Đông Xuân, không những đạt hiệu quả cao trong phòng trừ sâu bệnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường trên đồng ruộng.

                       Dùng nấm xanh phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa

Để gieo cấy nấm xanh, người dân cần chuẩn bị nguyên liệu gạo tấm và nấm gốc, các dụng cụ gồm nồi hấp, tủ cấy, bọc nilon và ống nhựa. Tấm được ngâm trong nước rồi cho vào nồi hấp, sau đó trộn với nấm gốc, cho vào bọc nilon và ủ trong vòng 14 ngày. Nấm thành phẩm được lọc lấy nước, trộn với chất bám dính và nước để phun trên ruộng. Do nấm thành phẩm có màu xanh nên được nông dân gọi là nấm xanh.

Nấm xanh được phun hai lần trong một vụ lúa, lần 1 vào lúc cây lúa được 25-30 ngày, lần hai vào lúc cây lúa 50-55 ngày. Chi phí gieo cấy nấm xanh khoảng 100.000 đồng/ha, giảm khoảng 5 lần so với việc sử dụng thuốc trừ sâu, tiết kiệm cho người nông dân từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha trong một vụ lúa. Nấm xanh khi phun vào cây lúa sẽ ký sinh và phát triển trên cơ thể côn trùng, làm côn trùng bị tiêu diệt, nhất là các loại rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu keo.

Bà Lê Thị Như Thùy, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết dự án ứng dụng nấm xanh trên cây lúa được Chi cục thực hiện từ vụ lúa Đông Xuân 2010-2011 ở 8 điểm, sang vụ Hè Thu năm 2011 thực hiện ở 12 điểm. Người dân được hỗ trợ nguyên liệu, vật liệu và được hướng dẫn cách gieo cấy nấm, sử dụng trên ruộng.

Vụ lúa Đông Xuân 2012, Chi cục thực hiện 17 điểm gieo cấy nấm xanh dùng cho khoảng 250ha, hỗ trợ một phần nguyên liệu và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Ở những điểm thực hiện gieo cấy nấm xanh trong các vụ trước, người dân đã tự gieo cấy nấm xanh để dùng trên ruộng lúa.

Do nấm xanh đạt hiệu quả cao trong việc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường trên đồng ruộng, nhất là giảm chi phí sản xuất cho người nông dân, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang đang có hướng mở rộng mô hình gieo cấy nấm xanh, hướng dẫn cho nhiều nông dân biết cách thực hiện và sử dụng nấm xanh trong những vụ lúa tới.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chất dẫn dụ sinh học diệt côn trùng (pheromone)

Là một nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng dẫn dụ giới tính, được sử dụng rộng rãi trong hệ thống bảo vệ thực vật cây trồng. Với đặc điểm chuyên tính cao với từng lọai sâu hại nên rất an tòan với sản phẩm, sinh vật có ích và môi trường. 

Pheromone được dùng như một công cụ có hiệu quả trong dự báo, phòng trừ dịch hại cây trồng và sản phẩm trong kho nông sản. 
Đến nay trên thế giới đã nghiên cứu và tổng hợp được hơn 3.000 hợp chất sex – pheromone dẫn dụ nhiều loại côn trùng khác nhau. Ở Việt nam hiện nay, việc ứng dụng pheromone được tập trung đối với một số côn trùng sau đây:

  • Côn trùng hại rau: Các lọai sâu ăn lá: sâu tơ ( Plutella xylostella) , sâu xanh ( Helicoverpa armigera ), sâu khoang ( Spodoptera litura ) và sâu xanh da láng ( Spodoptera exigua )..

Bẫy vàng làm bẫy sâu trưởng thành

  • Côn trùng hại cây ăn trái: tập trung là chất dẫn dụ ruồi vàng đục trái ( Bactrocera dorsalis ). Sản phẩm tiêu biểu là Vizubon – D với họat chất Methyl Eugenol dẫn dụ đối với ruồi đực rất mạnh. Trong sản phẩm có pha trộn thêm chất diệt ruồi Naled. Đối với sâu đục vỏ trái cam quýt ( Prays citri Milliire ) cũng đã được sử dụng pheromone có hoạt chất Z(7)- Tetradecenal.

Bẫy vàng kết hợp chất dẫn dụ chua ngọt bẫy ruồi vàng

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vai trò của vi sinh vật đối kháng

Hướng phòng trừ bệnh sinh học đã và đang được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và cho ra các chế phẩm sinh học có nhiều triển vọng.

Đây là một trong những phương pháp phòng chống có hiệu quả khả quan. Hiện nay, để phòng trừ các loại nấm gây bệnh hại cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt hơn, làm cho tác nhân gây bệnh không kháng thuốc, an toàn với môi trường sinh thái, phù hợp với xu hướng an toàn nông nghiệp hiện nay. Tìm ra các chủng vi sinh vật có khả năng kháng nấm bệnh là biện pháp phổ biến của công tác phòng trừ sinh học. Cơ chế đối kháng với vi sinh vật gây bệnh là chủng vi sinh vật có thể tiết ra chất kháng sinh, cạnh tranh về dinh dưỡng hoặc tấn công trực tiếp lên tơ nấm gây bệnh, hay tiết ra những chất kích thích sinh trưởng giúp cho cây trồng tăng khả năng kháng bệnh.

Bacillus là một tác nhân sinh học đầy tiềm năng trong việc phòng trừ bệnh hại cây trồng. Chúng có khả năng đối kháng các loại vi nấm gây bệnh với phổ tác động rộng, không gây hại cho con người và cây trồng. Mặt khác, Bacillus còn tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất hữu cơ khó phân hủy thành những chất hữu cơ đơn giản cho cây trồng dễ sử dụng, giúp cải tạo đất, khống chế và tiêu diệt một số loại vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng bởi các chức năng sinh học chuyên biệt của chúng. Vi khuẩn Bacillus subtilis nằm trong nhóm vi khuẩn có khả năng đối kháng với một số nấm gây bệnh cho cây. Trong các vi sinh vật đối kháng, vi khuẩn Bacillus được chứng minh có khả năng đối kháng với nhiều loại nấm như: Rhizoctonia, Sclerotinia, Fusarium, Pythium và Phytopthora và một số vi khuẩn khác nhờ vào khả năng sinh ra các chất kháng sinh (Lê Đức Mạnh và ctv, 2003; Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Thu Hoa, 2005; Nguyễn Xuân Thành và ctv 2003, Võ Thị Thứ, 1996).

Bacillus subtilis

Trichoderma là một loại vi nấm được phân lập từ đất, thường hiện diện ở vùng xung quanh hệ thống của rễ cây. Đây là loại nấm hoại sinh có khả năng ký sinh và đối kháng trên nhiều loại nấm bệnh cây trồng. Nhờ vậy, nhiều loài Trichoderma spp. đã được nghiên cứu như là một tác nhân phòng trừ sinh học và đã được thương mại hóa thành thuốc trừ bệnh sinh học, phân sinh học và chất cải tạo đất (Harman & ctv, 2004). Có khả năng phòng trị, cạnh tranh hoặc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh giúp cải thiện sức khỏe của cây; Kích thích sự phát triển của rễ nhờ tiết ra các chất điều hòa sinh trưởng. Tính đối kháng với các nấm hại này bằng cách cạnh tranh dinh dưỡng, ký sinh với nấm hại hoặc tiết kháng sinh, enzyme phân hủy vách tế bào nấm gây bệnh cây trồng. Cơ chế tác động chính của nấm Trichoderma là ký sinh và tiết ra các kháng sinh trên các loài nấm gây bệnh. Ngoài hiệu quả trực tiếp trên các tác nhân gây bệnh cây, nhiều loài Trichoderma còn định cư ở bề mặt rễ cây giúp thay đổi khả năng biến duỡng của cây, nhiều dòng nấm đã kích thích sự tăng trưởng của cây, gia tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, cải thiện năng suất cây và giúp cây kháng được bệnh

Trichoderma harzianum

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam