Quy trình SX súp lơ xanh an toàn

Trong quy trình SX súp lơ an toàn, khâu làm đất, bón phân khá quan trọng. Sau khi làm kỹ đất, tiến hành bón lót từ 200 – 250 kg phân hữu cơ ủ hoai, lân 5 kg, vôi bột 12 kg/sào Bắc bộ.

Súp lơ xanh mang lại thu nhập khá cho nông dân Hà Nội

Hiện đang là thời điểm bà con nông dân Thủ đô chuẩn bị vụ trồng súp lơ xanh muộn phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, nhiều vùng rau của Hà Nội “ăn nên làm ra” nhờ đẩy mạnh phát triển súp lơ xanh.

Theo Quy trình kỹ thuật SX súp lơ xanh an toàn do Sở NN-PTNT Hà Nội ban hành, thời vụ gieo trồng súp lơ xanh như sau: Vụ sớm, gieo từ tháng 7 – 8, trồng tháng 8 – 9; Chính vụ, gieo từ tháng 9 – 10, trồng tháng 10 – 11; Vụ muộn, gieo từ tháng 12, trồng tháng 1 – 2 năm sau.

Nguồn giống được bà con nông dân Thủ đô sử dụng mấy năm gần đây chủ yếu là giống chất lượng cao được NK bởi các DN lớn, uy tín trong nước. Theo đó, cần 550 – 700g hạt giống/ha, cây con cần từ 45.000 – 50.000 cây/ha (1.600 – 1.800 cây/sào).

Trong quy trình SX súp lơ an toàn, khâu làm đất, bón phân khá quan trọng. Sau khi làm kỹ đất, tiến hành bón lót từ 200 – 250 kg phân hữu cơ ủ hoai, lân 5 kg, vôi bột 12 kg/sào Bắc bộ.

Luống đánh rộng 80 – 100 cm, cao 25 – 30 cm (vụ sớm mặt luống làm kiểu mui rùa để tránh ngập úng khi gặp mưa, chính vụ làm mặt luống bằng phẳng dễ thoát nước), rải phân đều trên mặt luống, đảo đều đất và phân, vét đất ở rãnh phủ lên mặt luống, sau đó gieo hạt, gieo xong phủ một lớp rơm rạ, trấu mỏng trên mặt luống và tuới đẫm.

Sau gieo, tưới nước 1 – 2 lần/ngày trong 3 – 5 ngày, khi hạt nảy mầm nhô lên mặt đất cứ 2 ngày tuới một lần. Tỉa bớt cây bị bệnh không đủ tiêu chuẩn kết hợp tưới thúc bằng phân vi sinh (chú ý không tưới đạm urê).

Khi cây được 5 – 6 lá thật thì đem nhổ trồng. Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới cho rau. Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly với phân đạm urê ít nhất 10 – 14 ngày trước khi thu hoạch.

Sau khi trồng được 45 ngày (giống sớm) đến 60 – 70 ngày (giống chính vụ và muộn) thấy có ngù hoa ở trong lá nõn thì phải che đậy ngay. Việc che đậy này phải làm cho tới khu thu hoạch hoa lơ. Lúc đầu hoa lơ còn bé, có thể bẻ gập 1 – 2 lá trong lại để đậy (chú ý không bẻ rời hẳn mà chỉ bẻ gẫy chân chính của lá); khi hoa đã lớn thì ngắt bỏ các lá ngoài (lấy khoảng 1/3 phiến lá phần đầu lá) để đậy cho hoa, cứ thấy lá đậy hoa hơi héo là phải thay đổi lá đậy khác ngay để nước khỏi dột vào ngù làm thối rữa hoa.
Lưu ý, nên dọn sạch cỏ và tàn dư thực vật trước khi gieo trồng và trồng cây 2 hàng/luống với khoảng cách 40 x 50 cm.

Nên trồng cây vào các buổi chiều, tưới nước đủ ẩm hàng ngày. Nếu có điều kiện nên tưới phun mưa vào các buổi chiều tối sẽ có tác dụng rửa trôi bớt trứng, sâu non sâu tơ và hạn chế bướm sâu tơ đến đẻ trứng.

Nên chọn các loại đất luân canh với cây trồng khác rau họ Thập tự; đối với các vùng không chuyên rau nên luân canh với cây lúa nước nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp.

Dùng biện pháp thủ công: Ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu xám, sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang); phát hiện và nhổ bỏ những cây bị bệnh héo xanh đem tiêu huỷ.

Chi cục BVTV Hà Nội khuyến khích người nông dân sử dụng bẫy pheromone để bắt trưởng thành sâu tơ, sâu khoang từ đầu đến cuối vụ.

Trong trường hợp mật độ sâu bệnh quá cao mới sử dụng thuốc BVTV, nhưng ưu tiên sử dụng các sản phẩm sinh học và chú ý phải đảm bảo tuyệt đối thời gian cách ly đối với từng loại thuốc theo hướng dẫn trên nhãn.

Khi tuổi hoa lơ được 15 – 20 ngày, xung quanh mặt hoa có hiện tượng rão là thu hoạch tỉa (cây lớn trước, cây bé sau). Loại bỏ lá gốc chỉ để một số lá sát hoa. Không nên rửa hoa lơ mà đưa thẳng vào bao bì để vận chuyển đến nơi tiêu thụ sẽ giúp chất lượng, mẫu mã hoa lơ được tốt nhất.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phát hiện “mỏ” nấm ở Quảng Trị

Mấy ngày qua, người dân đi rừng phát hiện nấm mối mọc khắp nơi, thế là mọi người gác lại tất cả mọi công việc để vào rừng nhổ nấm mang ra chợ bán.

Biết được nấm mối là loại thuốc quý nên các đầu mối từ các tỉnh lân cận đổ về Quảng Trị thu gom một lúc vài trăm cân nấm…

Nấm mối tại Quảng Trị

Vào mùa “săn” nấm mối, các nhà hàng trên địa bàn thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thêm các món đặc sản chế biến từ nấm mối, vì thế nên giá nấm mối không ngừng tăng cao. Những ngày qua, giá nấm giao động khoảng 120.000/kg.

Theo chị Lê Thị Hoa, ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, mấy ngày qua, người dân đi rừng phát hiện nấm mối mọc dày đặc khắp nơi, thế là mọi người gác lại tất cả mọi công việc để vào rừng nhổ nấm mang ra chợ bán. Chị Hoa cho biết: “Gia đình tôi 5 người nhổ một ngày cũng được 100 kg nấm, bán cho thương lái tại chỗ 60 nghìn đồng/kg”.

Theo nhiều người dân có kinh nghiệm trong nghề săn nấm mối, từ 5 năm trở lại đây chưa bao giờ nấm mọc nhiều như thế này. Người dân quan ngại sau mỗi lần nấm mọc nhiều thì xảy ra tình trạng rét nặng kéo dài. Tên gọi nấm mối vì nấm chỉ xuất hiện ở nơi có nhiều tổ mối đất sinh sống. Mối đất làm tổ to như trái dừa khô, hình dáng từng hốc đất, ổ mối đất màu trắng hoặc hơi ngả vàng.

Nấm mối xuất hiện vào đầu mùa mưa, ở nơi đất cao vì mối không thể làm ổ ở nơi đất quá ẩm ướt. Nấm mối được hình thành từ meo đặc biệt của một loại mối chuyên sinh ra nấm. Một gò nấm có vài chục tổ như vậy. Các tổ liên kết nhau bởi những con đường hầm nhỏ. Mối chúa ở tổ trung tâm nơi sâu nhất, chuyên việc sinh sản. Nó to cỡ đầu đũa, dài hơn 3 cm, thân mềm, màu trắng đục, các chân thoái hóa, di chuyển chậm chạp.

Vào mùa nấm mọc, mối thợ lăng xăng tạo meo quanh tổ, chờ ngày nấm rẽ đất mọc lên. Khởi đầu meo phát triển trong tổ thành nhiều mầm nấm trông như những mũi tên trắng xóa, rất đẹp. Những mầm nấm này hút chất dinh dưỡng trong tổ nấm để lớn dần và rẽ đất mọc lên.

Cụ Hồ Nung, ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết: “Cuộc đời cây nấm cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Giai đoạn nấm mới mọc nhú gọi là “nấm nứt đất” chưa thu hái được vì cái nấm còn rất bé. Vài ngày sau, nấm phát triển thành nấm búp có hình như cây dù chưa mở. Sau đó, tán nấm xòe ngang ra nở trọn vẹn gọi là nấm tán dù. Ngày sau, nấm héo úa, hư hoại dần, gọi là nấm tàn, bán chỉ 20.000/kg mà chẳng ai mua”.

Sau lời hứa chắc chắn chỉ đi theo để thu thập thông tin chứ không hái nấm, đặc biệt không tiết lộ thông tin khu vực hái nấm cho người khác, những người hái nấm cho chúng tôi theo chân vào một đêm khuya giá lạnh. Đoàn người lặng lẽ nhằm hướng rừng sâu thẳng tiến, không nói chuyện, không bật đèn để giữ bí mật.

Ông Núi, một người ngoại lục tuần có vẻ là trưởng nhóm thỉnh thoảng dừng lại dùng mũi đánh hơi nấm mối. Sau này một người cho tôi biết, không phải ai cũng tìm ra nơi nấm mối mọc. Ai “nặng vía” không thể nào tìm được nấm mối, nếu có đi ngang chỉ có giẫm lên mà thôi, còn người “nhẹ vía” có thể tìm được rất nhiều. Người dùng mũi đánh hơi nấm mọc như ông Núi chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ lại không ăn được nấm.

Đi khoảng gần một giờ đồng hồ, đến một đám cây rừng rậm rạp, ông Núi lệnh cho cả đoàn ngừng lại nghỉ ngơi, rồi rút trong túi một cây đèn pin nhỏ bịt kín chóa đèn, chỉ chừa một luồng ánh sáng nhỏ bằng ngón tay út tiến vào đám cây rừng. Một lúc sau trở ra, ông Núi nói khẽ, thấy nấm rồi, nhưng hôm nay triển khai lên phía tây.

Ở phía nam nấm mới nứt đất, 8 giờ sáng mai mới hái được. Mọi người đồng loạt rút đèn pin đều bịt kín như ông Núi rồi cầm gậy phòng thân tán ra phía tây. Tôi đi theo một thanh niên, anh cầm gậy phang vài cái vào một đám cây để đuổi rắn rết rồi thụp xuống soi đèn. Trước mắt chúng tôi không biết cơ man nào là nấm mối. Chúng mọc dày đúng nghĩa như câu nói: mọc như nấm. Anh này nói với tôi dẫm lên dấu chân người đi trước kẻo dẫm phải nấm là mang tội, rồi cẩn thận nhổ từng tai nấm nguyên vẹn cho vào bao tải sau lưng.

Tôi lóng ngóng nhổ thử vài cây nấm, thấy chúng dập nát trong lòng bàn tay. Thì ra tìm nấm và hái nấm là cả một nghệ thuật mà những người nôn nóng không làm được. Đặc biệt, nhổ nấm không được dùng dao hay bất cứ thứ gì bằng kim loại, vì người dân cho rằng, nấm nghe hơi sắt mùa sau sẽ lặn mất, không mọc nữa, nên những chỗ đất cứng dùng que tre, que gỗ để bới gốc nhổ nấm.

Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, mọi người tập trung đầy đủ ở vị trí tập kết với các bao tải gai đầy nấm, ông Núi kiểm tra quân số rồi ra về. Ước chừng một bao nấm mọi người hái được khoảng 30 kg. Ở khu vực này, nấm đang giai đoạn cây búp nên rất quý. Loại này bán giá cao hơn rất nhiều so với nấm tán dù hay nấm tàn. Nếu bán với giá 60 nghìn đồng/kg thì mỗi người kiếm được gần 2 triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tây Ninh: Trồng Gừng trong bao 100m², thu nhập trên 100 triệu đồng

Trồng Gừng trong bao, một công việc không phải là mới với nhiều người ở hầu khắp các địa phương trên cả nước nhưng trồng Gừng trong bao xi măng, bao tải dứa, bao nilon… thực sự là mô hình khá mới mẻ với nhiều người nhưng lại đang tỏ ra là một mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập cao trong nhiều năm trở lại đây. Bài viết dưới đây về một người nông dân bình thường cũng là ví dụ điển hình.

Sau nhiều năm bôn ba với nghề thợ hồ, năm 2006, ông Trần Văn Công (56 tuổi) ở ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh quyết định về nhà trồng gừng. “Tôi lớn tuổi rồi, ra ngoài làm mướn không bằng tụi trẻ” – ông Công tâm sự.

Trồng gừng trong bao xi măng – mô hình khá mới mẻ

Ông chọn miếng đất bên hông nhà khoảng 100m², làm đất kỹ lưỡng và lên liếp trồng gừng. Do chưa có kinh nghiệm, cộng với đất ở đây thường ẩm ướt, nên gừng hay bị thối củ, năng suất không cao. Những lần ông đốt rác, rồi cho vào trong bao bỏ trong góc vườn. Thấy đất tốt, ông trồng thử vài gốc gừng, thu hoạch, gừng cho năng suất cao hơn trồng trên liếp. Ông nảy ra sáng kiến trồng gừng trong bao.

Từ phân rác, ông chế công thức pha trộn đất để trồng gừng. Năm 2007, ông san bằng mặt liếp, đến các công trường xin bao xi măng về may thành các túi nhỏ, cho đất trồng 1.000 gốc gừng. Sau 6 tháng, ông thu được trên 2.000kg gừng củ, với giá gừng 40.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi gần 80 triệu đồng. Ông cho biết, 2 năm ông trồng 3 vụ gừng, trừ chi phí, mỗi năm ông bỏ túi trên 100 triệu đồng.

Theo ông Công, ưu điểm của trồng gừng trong bao là đất không ẩm ướt, nên củ gừng không bị thối, không bị rễ các cây khác chèn vào, vì vậy năng suất mỗi gốc từ 2-3kg củ, trong khi trồng trên liếp, mỗi gốc cho khoảng 1,5kg củ. Mặt khác, trồng gừng trong bao dễ chăm sóc, di dời và dễ thu hoạch.

Gừng dễ dàng được chăm sóc khi trồng trong bao xi măng

Thành công với cây gừng, năm 2010, ông thử nghiệm trồng 17 gốc khoai môn củ trong bao. Kết quả, khoai môn trồng trong bao củ to hơn, năng suất mỗi bao từ 2,7- 3kg củ, còn trồng trên liếp mỗi gốc chỉ cho 1,5-2kg củ. Năm 2011, ông quyết định trồng thêm 100 gốc khoai môn trong bao.

Ông Công dự định, cuối năm, ông mở rộng thêm diện tích trồng gừng, khoai môn và mua lưới để che vườn gừng. Ông chia sẻ, theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu cây gừng được che mưa, che nắng, năng suất sẽ cao hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng gừng mang lại năng suất cao

Những năm gần đây, cây Gừng là một cây mang lại giá trị kinh tế rất cao. Việc trồng xen canh cây gừng với các cây công nghiệp khác như Hồ tiêu, Cao Su hay Điều không phải là cách làm mới nhưng lại là một mô hình mới với hầu hết bà con các địa phương trên cả nước. Bởi từ trước đến nay, đa số bà con vẫn quen áp dụng cách trồng cổ điển là trồng Gừng dưới đất.

Quy trình trồng gừng khá đơn giản

Một thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình mới trồng Gừng trong bao và đem lại năng suất rất cao ( gấp 6 – 8 lần). Tuy nhiên, để đạt năng suất và chất lượng cao cho cả một vụ gừng thì yếu tố giống quyết định đến 70% sự thành công. Với những khách hàng mua giống tại Công ty Nông Sản Việt Tuấn thì có thể bỏ qua khâu này vì giống gừng đã được Công ty lựa chọn Giống và xử lý rất kỹ việc chống khuẩn, nấm bệnh. Với bà con nông dân tự mua giống trôi nổi trên thị trường cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nên chọn giống củ to, già, bóng, không khô héo, không nhăn nhúm và không bị sâu bệnh…

Trồng gừng bằng cách thông thường

Theo ThS Nguyễn Thị Nguyệt, chuyên nghiên cứu về nông sản cho biết, để đạt năng suất và chất lượng cao, nông dân cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nên chọn giống củ không nên quá to nhưng phải già, bóng, không khô héo, không nhăn nhúm và không bị sâu bệnh. Muốn gừng lên đều cần ủ giống cho nảy mầm trước khi trồng.

Gừng giống phải để nơi thoáng mát khoảng 1 tuần rồi tiến hành bẻ hom bằng tay, vì khi dùng dao thì mầm bệnh sẽ từ củ này lây sang củ kia. Hom giống phải to, nguyên vẹn (từ 40 – 60g) mới đủ sức nuôi cây con khoẻ mạnh, trên mỗi nhánh phải có ít nhất một mắt mầm.

Đất trồng gừng phải xốp, đủ ẩm và thoát nước tốt. Đất được cày sâu 25 – 30cm, phơi ải, xới cho nhuyễn rồi lên luống. Khoảng cách trồng có thể là 30 x 40cm hoặc 50 x 20cm. Gừng là loại cây ưa sáng nhưng cũng có khả năng chịu rợp. Tuy nhiên nếu che ánh sáng nhiều quá (70 – 80%) thì năng suất giảm rõ rệt.

Do nhánh Gừng nảy chồi ngang nên đặt củ xuôi theo hàng trồng để chồi phát triển về bên hàng. Trong quá trình phát triển, không để gừng thiếu nước sẽ chậm lớn. Gừng là cây rất háo nước nhưng lại không chịu úng, do khi bị úng dễ bị bệnh thối củ. Vì thế trong mùa mưa, bạn nên chú ý liếp ( luống) trồng gừng phải thoát nước tốt.

Gừng có nhu cầu N, P, K tương đối cao, trong đó nhu cầu về N là nhiều nhất để gừng đạt năng suất cao nhất. Lượng phân sử dụng cho 1.000m2 là: Urê 15 – 20kg, super lân 20 – 25kg, KCL 20kg và 500kg phân hữu cơ. Có thể thu hoạch gừng từ 6 tháng trồng trở đi ( Gừng Non) nhưng nếu làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng. Không nên để già quá, gừng cay nhiều, có xơ cũng không thu non quá, củ bị nhăn nhúm, giảm chất lượng.

Trồng gừng trong bao xi măng, bao tải, bao nylon

Dùng vỏ bao xi măng giặt sạch ( hoặc bao nylon, hoặc vỏ sọt tre…) đáy bao đục 6 lỗ. Dùng trấu, đất, phân trộn đều theo tỷ lệ 3 trấu + 2 đất + 1 phân chuồng hoai mục, sau đó cho vào bao. Củ gừng giống sau khi ủ lên mầm được trồng vào bao. Chăm sóc thì chỉ cần tưới nước và bón thêm 2 lần phân. Tỷ lệ trấu, đất còn tùy thuộc vào chất đất tại từng địa phương mà tăng giảm cho hợp lý.

Lần đầu, cách thời gian trồng từ 30 đến 45 ngày. Mỗi bao gừng bón 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào một lớp hỗn hợp chất hữu cơ dày khoảng 20 cm với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 3 trấu. Lần 2, cách thời gian bón lần một 60 ngày. Mỗi bao bón thêm 1 thìa phân NPK quanh gốc. Sau đó cho thêm vào bao một hỗn hợp chất hữu cơ với tỷ lệ 1 phân chuồng hoai mục + 1 đất + 4 trấu.

Việc phòng trừ sâu bệnh cho gừng cũng đơn giản, bao nào bị sâu bệnh dễ dàng đem ra cách ly, không để lây lan. Cái hay của cách trồng gừng trong bao là bất cứ ở đâu, chổ nào, từ thôn quê đến đô thị đều trồng được cả. Bao gừng đặt dưới đất hoặc trên giàn, trên kệ, dưới tán cây, ven lối đi, bất cứ chỗ nào mà diện tích không dùng cho sản xuất đều có thể đặt bao gừng giống để trồng. Đặc biệt là dễ di chuyển khi cần thiết để tránh sự bất lợi của thời tiết ( mưa ngâp, nắng hạn ).

Thường mỗi củ gừng giống khi trồng chỉ nảy từ 3 – 4 nhánh con, nhưng với cách trồng trong bao, gừng nảy rất nhiều nhánh. Mỗi nhánh là một củ gừng, sau 9 – 10 tháng có thể thu hoạch từ 1,5 đến 2 kg củ/bao, có nơi lên đến 3 – 4 kg/bao. Tổng chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha so với lúc thu hoạch, trung bình người dân có thể lãi từ 80 – 300 triệu đồng tùy vào giá thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Khám phá bất ngờ về rau tiến vua

Rau tiến vua có thể để được cả năm mà không mất đi hương vị nếu biết bảo quản cẩn thận.

Rau tiến vua (rau cần biển)

Rau tiến vua còn có tên gọi khác là rau cần biển. Đây là loại rau mọc ở ven biển, có thân lá mềm nhưng dai, với kích cỡ bằng ngón tay út.

Rau tiến vua có đặc điểm độc đáo, đó là có thể đem phơi khô và bảo quản được cả năm. Khi cần, chỉ việc ngâm với nước là dùng được như khi rau còn tươi.

Tháng 4 âm lịch là mùa của rau tiến vua. Loại rau này không những dễ sống mà còn dễ thu hoạch và dễ bảo quản.

Rau tiến vua rất ngon và chứa nhiều dinh dưỡng

Rau tiến vua không chỉ ngon mà còn rất giàu dinh dưỡng. Trong rau chứa nhiều chất xơ, nước, các khoáng chất và vitamin trong khi hàm lượng calo lại thấp.

Rau tiến vua có thể được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau, như làm nộm, gỏi, muối dưa, xào,…

Rau tiến vua có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau

Trước khi phổ biến trong các bữa ăn của người Việt thì rau tiến vua từ lâu đã được nhiều dân tộc ở các vùng cao sử dụng như một loại thực phẩm dự trữ quanh năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Rau tiến vua được lùng mua với giá 500.000 đồng

Vừa nhận được một túi rau khô to đùng từ người giao hàng, chị Hoàng Thị Dương Hà, nhân viên một công ty sách ở Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) liền với điện thoại tìm cửa hàng hải sản sạch để đặt 5 lạng tôm sú. Chị khoe: “Rau tiến vua mà làm món gỏi tôm thì ngon miễn chê, tôi chờ cả nửa tháng mới đặt mua được”.

Rau tiến vua

Nói xong, chị lấy một nắm rau to trong túi nilon bỏ vào cái chậu nhỏ để ngâm cho nở ra. Chị cho biết, vốn được dùng làm rau tiến cho nhà vua nên dân gian gọi là rau tiến vua. Thực ra, tên của nó là rau cần biển, thường mọc ở ven bờ biển. Loại rau này chị Hà mua là rau khô, muốn ăn phải ngâm nước 2-3 tiếng, rau sẽ nở ra nhìn giống như lúc tươi.

Chỉ cần rửa sạch, cắt khúc dài bằng 2 đốt ngón tay là có thể chế biến thành đủ các món như cần biển xào thịt bò, nộm cần biển,… Hôm nay, chị Hà làm món gỏi cần biển tôm sú.

Theo chị Hà, rau này ăn giòn sần sật, có thể kết hợp làm khá nhiều món nộm, xào khác nhau. Tuy nhiên, hiện rau đang khá hiếm, lần nào chị mua cũng phải chờ tầm nửa tháng mới có.

“Giá rau cần biển cũng siêu đắt, vì 1kg rau khô giá lên đến gần nửa triệu đồng”. Song, chị Hà cho biết, tuy đắt nhưng xắt ra miếng. 1kg rau cần biển khô được rất nhiều, có thể chia nhỏ rau nấu được 10 bữa. Thế nhưng, tính ra ăn loại rau này đắt hơn với ăn thịt.

Rau tiến vua được chế biến thành những món ăn cực kì ngon

Dù chỉ là rau xanh nhưng chị Bùi Lê Nguyên ở Phan Văn Trường (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải thừa nhận rằng giá rau tiến vua vô vùng đắt đỏ.

“Nếu so sánh với giá thịt lợn thì rau tiến vua đang có giá đắt gấp 7 lần. Bởi, đi chợ giờ mua thịt lợn ba chỉ loại ngon có 75.000 đồng/kg, nhưng rau tiến vua giá gần 500.000 đồng/kg”, chị Nguyên nói. Tuy giá đắt đỏ là vậy nhưng mỗi tháng, nhà chị vẫn đặt mua tầm 2kg rau tiến vua về làm đủ món.

Đặc biệt, lần này chị còn đặt mua hẳn 5kg để tích tủ ăn dần từ giờ tới Tết Nguyên đán. Chị sợ Tết đến nhiều người đặt mua, trong khi rau này hiếm. Lúc đó giá kiểu gì cũng tăng cao ngất ngưởng, chị chia sẻ.

Hàng hiếm, xếp hàng chờ mua nửa tháng

Chị Chu Hồng Trang, một đầu mối chuyên bán rau cần biển ở Quang Lãm (Hà Đông, Hà Nội), cho biết, ở Hà Nội không nhiều người bán nên mỗi lần chị gom được một ít là mọi người tranh nhau mua.

Chị cho hay, rau tiến vua có thân lá với lá mềm nhưng dai, kích thước thường bằng ngón tay út hoặc có thể to hơn. Trước đây, chị thường ngâm rau cần biển khô cho nở ra để xào cùng với thịt bò, làm nộm các kiểu bán cho khách. Thế nhưng, gần đây, khách ăn các món ăn có rau cần biển thấy ngon, giòn nên hỏi mua rất nhiều.

1kg rau tiến vua khá đắt đỏ

“Thấy nhiều khách hỏi mua vậy, tôi quyết định gom rau cần biển về một phần để chế biến làm món ăn sẵn bán, phần còn lại bán rau khô cho khách có nhu cầu. Vậy mà ai ngờ, mới rao bán mà khách đặt mua tới tấp, vèo một cái đã bán hết sạch 20kg rau khô”, chị nói.

Theo chị Trang, rau cần biển khá khó mua, chị cũng phải gom từ nhiều đầu mối các nhau. Thế nên nguồn hàng thường không ổn định, lần về ít, lần về nhiều. Song, đa phần khách muốn mua thường phải “xếp hàng” đặt trước tầm nửa tháng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Trung, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, rau cần biển mùa thu hoạch vào tháng 4. Thời điểm hiện giờ trên thị trường chỉ có rau cần biển khô nhưng cũng hiếm.

“Rau cần khô dễ bảo quản, để cả năm không hỏng nên khách thường đặt mua từ 1-2 kg về ăn dần”. Anh chia sẻ, khách đặt nhiều, nguồn hàng lại ít nên muốn có rau ăn khách cũng phải đặt trước tầm 2 tuần, có lần còn phải đặt trước khoảng 3 tuần.

Ghi nhận của PV, trên thị trường hiện nay, cần biển muối rao bán với giá 160.000-200.000 đồng/kg, riêng với rau cần biển khô, giá dao động từ 380.000 đến gần 500.000 đồng/kg, tùy lại.

Theo vov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đậu bắp quanh năm cho năng suất cao

Đậu bắp là loại rau ăn quả ngon, dễ trồng có hương vị khác biệt so với những loại đậu khác,ngoài ra nó còn là một trong những loại rau có thể trồng được quanh năm và cho năng suất cao

Đặc tính của đậu bắp là loại cây thân thảo, thời gian sinh trưởng  ngắn, đậu bắp được trồng nhiều tại niềm Nam, là loại cây trồng thích nghi với vùng nhiệt đới nóng ẩm, và trồng được quanh năm. Người trồng có thể tuỳ theo vùng mà bố trí mùa vụ phù hợp để cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng đậu bắp

Trung bình năng suất có thể đạt được  từ 20 – 25 tấn/ha/vụ. Mang lại thu nhập cao từ 60 – 100triệu đồng/ha/vụ.

Giống và thời vụ

Đậu bắp nên trồng  vào thời vụ Đông Xuân, gieo vào tháng 9 là phù hợp, để có được năng suất cao nhất.

Trên thị trường hiện nay có các loại giống  như: ĐB1 VN1; TN 75 trong nước sản xuất hoặc có thể dùng các giống nhập nội như:  Lionseeds của Ấn Độ, Jubilee 047; Đài Loan.

Làm đất

Nên chọn đất cát pha, thịt nhẹ đến thịt trung bình, có khả năng thoát nước tốt, phải chủ động được nguồn nước tưới.

Đất cần phải cày bừa kỹ, tuỳ theo mùa vụ mà người trồng có những cách làm khác nhau. Đối với mùa mưa phải lên luống rộng từ 1- 1,2m làm luống cao và có độ dốc thuận lợi cho việc thoát nước. Đối với mùa nắng cần phải làm đất kỹ, rạch thành hàng và gieo theo hốc.

Bón lót

Lượng phân bón cho 1000m2 dất trồng đậu bắp: phân chuồng hoai mục 1-2 tấn+ super lân 30kg+urê 15kg+kali clorua 10kg. Lưu ý nếu đất chua thì cần bón 50 – 100kg vôi bột trước khi bừa ngả. Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng hoai, lân; kali,  đạm. Bón phân theo rãnh,  rạch rãnh sâu từ 10- 12cm, sau đó cho phân vào rãnh và lấp đất phủ lên xung quanh rồi  tiến hành gieo hạt.

Gieo hạt

Khoảng cách giữa 2 hàng cách nhau là 70-80cm, cây trên hàng cách hàng dưới 40-50cm, Trước khi xuống hạt giống, cần ủ trước cho hạt giống nứt mầm sau đó trộn với thuốc sát trùng để tránh cho côn trùng phá hoại cây trồng. Mỗi hốc gieo 2 hạt, sau này chọn lại 1 cây khoẻ mạnh phát triển tốt hơn; khi gieo hạt xong lấy tay xoa đất lấp kín hạt. Đất trồng 1000m² cần 2 -3 kg hạt giống.

Sau khi gieo hạt xong, phải tưới nước thường xuyên cả sáng và chiều để giữ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt.

Có thể trồng xen cây đậu bắp với các loại rau ăn lá khác, trồng xen vào hai bên mép luống trồng. Trước khi gieo trồng nên tưới nước nhẹ trên mặt luống để giữ đất ẩm ướt sau đó gieo hạt giúp hạt nhanh nãy mầm hơn.

Chăm sóc đậu bắp sau khi gieo trồng

Khi cây đậu bắp có từ 2- 3 lá thì tiến hành làm cỏ, xới nông bề mặt luống rồi vun nhẹ vào gốc. Đậu phát triển cao khoảng 20cm thì xới sâu bề mặt luống, sau đó làm sạch cỏ dại và vun gốc giúp cây có thể đứng thẳng tránh đổ ngã.

Chăm sóc đậu bắp để có chất lượng tốt nhất

Ngoài ra, sau mỗi trận mưa, mặt luống có thể bị đóng váng vì vậy khi khô đất phải xới xáo lại vì nếu vun xới khi đất còn ướt, cây đậu bắp dễ bị nghẹt rễ, sinh trưởng phát triển kém.

Quá trình bón thúc cho đậu bắp nên chia ra làm 3 lần:

Bón thúc lần đầu: khi cây có 2 lá thật trong 1000m2 sử dụng 5kg urê + 3kg kali hoà với nước sau đó tưới vào gốc cây.

Thúc lần 2 khi cây sinh trưởng khoảng 5 lá.

Thúc lần 3 khi hoa đang nở rộ, bón 7kg urê + 5kg kali trộn đều sau đó bón vào giữa hai hàng theo các hốc chôn kín phân. Dùng tưới nước đủ ẩm cho phân tan ra.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Cần chủ động phòng trừ một số sâu, bệnh hại cây trồngnhư: rầy, bọ xít, rệp, bệnh thán thư… để giữ năng suất, chất lượng đậu đạt hiệu quả cao và ổn định.

Phun định kỳ các loại phân bón lá như Multi-K khoảng 7 ngày/lần, cây sẽ xanh, cho sai quả, năng suất tăng thêm từ 20-30%

Một số sâu hại thường gặp trên cây đậu bắp:

– Với sâu đục quả:Sử dụng thuốc Sherpa 20EC hay Cyperan 25EC.

– Con Rầy mềm: Dùng thuốc Bassa, Trebon,

– Bệnh thán thư: Phun thuốc Score 250EC hay Antracol.

– Bệnh rỉ sắt: Diệt trừ bằng thuốc Anvil 5SC hoặc Score 250EC.

Khi sử dụng thuốc cần phải tuân thủ theo hướng dẫn ghi trên bao bì, lưu ý đảm bảo thời gian cách ly tránh dư lượng thuốc trên sản phẩm làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Sau trồng từ 50-60 ngày thì bắt đầu tiến hành thu quả, thu hoạch thành nhiều lứa, sau khi thu hoạch xong cần tiêu thụ ngay trong thời gian từ 1-2 ngày, nếu để lâu trái sẽ bị già, không đạt chất lượng.

Thành quả sau thu hoạch

Thực hiện đầy đủ các kỹ thuật trồng và chăm sóc, cây đậu bắp sẽ cho năng suất trái có thể đạt 3- 3,5 tấn/1.000 m2, thu lãi từ 3- 4 triệu đồng mang lại lợi nhuận cao cho người trồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

5 bước trồng đậu bắp cực hiệu quả tại nhà

Là một loại quả ngon, dễ trồng và có hương vị không giống so với những loại đậu khác, đậu bắp là một trong những loại rau có thể trồng ngay tại nhà chỉ với vài bước cực dễ.

Trồng đậu bắp không hề khó, chỉ với vài bước cực đơn giản là bạn đã có những quả đậu bắp xanh non, tươi ngon để chế biến nhiều món ăn ngon bổ dưỡng tại nhà rồi.

Đậu bắp là một loại rau ăn quả, có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn, ít sâu bệnh và thích nghi ở thời tiết nóng ẩm và có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên để trồng đậu bắp đạt năng suất cao nhất thì các bạn nên chú ý trồng vào thời điểm từ cuối tháng 2 đến tháng 3, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9. Hoặc gieo từ cuối tháng 7 đến tháng 8, thu hoạch quả từ tháng 9 đến tháng 1, đầu tháng 2.

Trồng đậu bắp không hề khó

Bước 1: Làm đất

Nên chọn đất cát pha để thoát nước tốt, lưu ý tùy thuộc vào mùa vụ trồng mà xử lý đất theo các phương pháp khác nhau. Nếu trồng vào mùa mưa, bạn cần lên luống vừa rộng, vừa cao và dốc để dễ thoát nước. Ngược lại, nếu trồng vào mùa nắng, bạn cần làm đất kỹ theo hàng và gieo vào các hốc.

Bón lót: Cho phân (nên sử dụng các loại phân bón vô cơ trong danh mục cho phép) để vào rãnh, lấp đất phủ lên rồi gieo hạt vào.

Bước 2: Chọn hạt giống đạt chuẩn

Đậu bắp có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành nhưng khi bạn mới trồng lần đầu thì có thể lấy hạt từ những quả đã già hoặc mua hạt giống về và gieo hạt cho nảy mầm. Để có những cây đậu bắp sai quả, ban đầu bạn nên chọn những hạt giống có chất lượng tốt nhất bằng cách đem phơi cho thật khô sau đó tách ra bạn sẽ thấy hạt đậu bắp bên trong.

Chọn những hạt sáng bóng to tròn để đem gieo sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao

Bước 3: Gieo hạt

Trước khi gieo hạt bạn nên ngâm số hạt đó vào trong nước ấm theo công thức 2 sôi – 3 lạnh để chúng ngấm no nước và ủ trong khăn ẩm khoảng nửa ngày cho hạt nứt nanh thì mới đem gieo. Lưu ý: Đậy trên bề mặt chậu sau khi gieo hạt vào đất. Khi hạt đã nhú mầm ra khỏi mặt đất thì mở tấm đậy ra.

Ngâm hạt vào trong nước ấm để hạt nứt nanh nhanh chóng

Kiểm tra độ ẩm đất trong thời gian gieo hạt, nếu để đất khô hay quá ẩm hạt sẽ nảy mầm kém.

Sau 2-3 ngày hạt sẽ nảy mầm. Khi cây con được 7-10 ngày tuổi, lúc này sẽ đạt chiều cao khoảng 5 đến 10cm. Trong mỗi chậu bạn chọn từ 1-2 cây để giữ lại trồng và nhổ bớt cây còi cọc thiếu sức sống.

 Cây con được 7-10 ngày tuổi

Bước 4: Chuyển nhà cho cây

Khi cây đạt chiều cao khoảng 20cm trở lên, bạn nên chuyển cây ra vườn trồng

Lưu ý khi di chuyển cây đậu bắp sang ngôi nhà mới, nên bón lót một ít phân vô cơ bên dưới trước khi trồng cây xuống đất. Sau khi trồng, tưới nước đẫm cho cây mau bén rễ. Duy trì độ ẩm hàng ngày bằng việc dùng bình tưới buổi sáng và buổi chiều. Vài ngày là cây sẽ xanh tốt trở lại.

Sau khoảng 1 tuần, cây đậu bắp đã lên cao, lúc này bạn nên bón thêm phân cho cây. Cứ 15 ngày bón 1 lần cho đến khi cây ra hoa đậu quả thì dừng.

Khi còn non lá có màu xanh nhạt, càng ngày lá sẽ càng đậm dần. Khi thấy cây ra quá nhiều lá và cành rậm rạp, bạn nên tỉa bớt cành nhánh sẽ giúp giàn được thông thoáng và thuận lợi cho cây đơm hoa kết trái tốt hơn. Chỉ vài ngày nữa dấu hiệu ra hoa sẽ bắt đầu.

Hoa của cây đậu bắp được hình thành từ nách lá, mọc thành từng chùm màu trắng hoặc xanh trông rất đẹp mắt.

Sau vài ngày hoa nở, những quả non đầu tiên sẽ mọc. Dần dần những quả đậu bắp non lớn lên và đạt kích thước trưởng thành từ 10 đến 15cm, màu cũng đậm dần lên.

Bước 5: Thu hoạch thành quả

Không phải đợi quá lâu để cho thu hoạch, chỉ khoảng 1 tuần kể từ khi xuất hiện quả non, đậu bắp đã mọc sai chi chít trên cây. Đậu bắp khi thu hoạch có chiều dài khoảng 15-20cm.

Đậu bắp khi đã đạt đến độ trưởng thành

Vậy là giờ đây gia đình bạn đã có một giàn đậu bắp sai trĩu quả có thể tự cung cấp rau sạch cho bữa ăn hàng ngày.

Sau 50-60 ngày từ khi trồng đậu bắp có thể bắt đầu thu trái, thu thành nhiều lứa. Sau khi thu cần  tiêu thụ ngay trong  thời gian 1-2 ngày, nếu để lâu trái bị già

Những quả đậu bắp mơn mởn sau thu hoạch

Đậu bắp (mướp tây) được dùng để chế biến rất nhiều món ăn thông dụng như luộc, nướng, ăn sống…

Nhờ thành phần có nhiều chất xơ và và các vitamin, khoáng chất phong phú nên đậu bắp cũng nằm trong danh sách vị thuốc chữa được khá nhiều bệnh. Ngoài tác dụng chữa bệnh táo bón, giúp làm trắng và làm mịn da, giảm cân, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, tăng cường thị lực, làm đẹp tóc, đây cũng là loài cây cải thiện khả năng sinh lý cho phái mạnh.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

3 bước thụ phấn nhân tạo cho họ Bầu, Bí

Khi trồng các loại cây dây leo như bầu, bí dưa chuột…muốn cây sai quả chúng ta cần tiến hành thụ phấn nhân tạo cho cây. Tuy nhiên, nhiều người lúng túng vì chưa biết cách thụ phấn nhân tạo.

Thụ phấn nhân tạo giúp bầu bí đậu quả nhiều hơn

Bước 1: Phân biệt hoa đực hay hoa cái

Muốn thụ phấn bạn cần xác định được đâu là hoa đực hay hoa cái. Sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết khá dễ dàng.

Hoa đực thường mọc ở nách nhánh. Mỗi nách nhánh có một cụm nhiều hoa đực. Hoa đực ngắn hơn và không phát triển bầu nhỏ phía dưới giống như hoa cái.

Hoa cái thường mọc từ nách lá. Mỗi nách thông thường có 1 hoa cái tùy loại giống. Hoa cái có một bầu nhỏ, nếu được thụ phấn, bầu này sẽ phát triển thành quả.

Bước 2: Kiểm tra hoa trước khi tiến hành thụ phấn

Trước khi tiến hành thụ phấn cho hoa bạn cần kiểm tra kỹ xem nhị phấn của hoa đực đã chín chưa. Bạn lấy tay dí vào nhị nếu thấy phấn vàng dính vào tay là đã được.

Đối với hoa cái bạn cũng dùng tay kiểm tra nếu thấy nhụy dính đồng nghĩa với việc đã thụ phấn được.

Tiếp đến bạn cần kiểm tra để chọn được bông hoa tốt giúp kết quả thụ phấn tốt hơn. Với hoa đực bạn nên chọn hoa to, đẹp, không sâu bệnh, nhị đực phân thuỳ có bao phấn to màu vàng sáng.

Chọn những hoa cái hoàn chỉnh, nhụy hoa có đầy đủ đài hoa, núm nhuỵ, cánh hoa. Hoa không bị sâu, bệnh hại ở những vị trí định cho đậu quả để thụ phấn.


Cách thụ phấn nhân tạo cho bầu bí

Bước 3: tiến hành thụ phấn

Dùng tay hay kéo cắt lấy hoa đực có đoạn cuống dài 5cm.

Cắt hoặc vặt hết cánh hoa cho khỏi vướng đầu nhị có bao phấn.

Chấm nhẹ đầu nhị của hoa đực vào núm nhụy của hoa cái sao cho hạt phấn màu vàng mịn từ hoa đực bám vào núm nhụy hoa cái là đạt yêu cầu.

Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể dùng chổi sơn loại nhỏ hoặc bông tai quét phấn từ hoa đực rồi bôi sang nhụy hoa cái.

Lưu ý

– Lấy hoa đực ở cây này để thụ phấn cho hoa cái cây kia để phát huy được ưu thế lai. Như vậy quả sẽ to, đẹp hơn là thụ phấn cho hoa cùng gốc.

– Hoa mướp nở rộ vào khoảng 7-8 giờ sáng với vụ xuân hè và 9-10 giờ sáng với vụ thu đông. Còn đối với bầu (hoa trắng), hoa lại nở vào tầm tối. Đây là những thời điểm thụ phấn bổ sung tốt nhất.

-Trước và sau khi thụ phấn cho cây cần cung cấp đủ nước tưới và dinh dưỡng cho cây như thế sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn cách gieo hạt giống bầu hồ lô

Bầu hồ lô không chỉ là món ăn ngon mà còn có nhiều tác dụng, làm đồ dùng để đựng đồ cũng rất đẹp. Trồng bầu hồ lô không khó, chỉ cần bạn chú ý một số kỹ thuật sau sẽ có những giàn bầu hồ lô trĩu quả.

1. Chuẩn bị trước khi trồng bầu hồ lô

– Chậu ươm hạt hoặc khay ươm

– Hạt giống bầu hồ lô: Hiện có rất nhiều loại hạt giống bầu hồ lô cho bạn lựa chọn. Việc lựa chọn hạt giống bầu hồ lô chất lượng sẽ giúp tăng năng suất về sau. Khi lựa chọn hạt giống bầu hồ lô, bạn nên lựa chọn hạt giống chắc khỏe, không sâu bệnh, tỉ lệ nảy mầm cao. Nên lựa chọn hạt giống tại các cửa hàng bán hạt giống uy tín như

– Đất trồng: Đất ươm và trồng phải đảm bảo tơi xốp, trộn thêm chế phẩm Nấm Trichoderma, gieo hai hạt bầu hồ lô cho một bầu đất, độ sâu khoảng 2cm. Hoặc bạn có thể dùng đất sét nung để trồng.

– Xử lý hạt giống bầu hồ lô trước khi trồng: Hạt giống bầu hồ lô có phần vỏ dầy và cứng nên xử lý trước khi trồng sẽ giúp hạt nhanh nảy mầm. Xử lý bằng cách: Pha 2 phần nước sôi và 3 phần nước lạnh cho hạt bầu hồ lô vào ngâm trong 24giờ (1 ngày/đêm). Sau đó vớt hạt bầu hồ lô ra, rửa sạch chất nhầy bám trên hạt bằng nước lạnh để tiến hành gieo.

2. Gieo trồng và chăm sóc

– Ươm hạt: Bỏ đất vào chậu ươm, sau đó gieo hạt vào khay. Để khay vào chỗ mát, tưới nước hàng ngày sẽ giúp hạt nhanh nảy mầm và phát triển thành cây con.

– Trồng cây con: sau khi cây bầu hồ lô cao khoảng 20cm thì mang ra trồng được. Dùng phân hữu cơ hoai mục trộn với đất theo tỷ lệ 30 phân hữu cơ 70 đất. Bộ rễ cây bầu hồ lô rất nhạy cảm, bạn nên nhẹ tay để bầu đất không vỡ ra.

– Tưới nước: Thời gian đầu nên tưới nước thường xuyên cho cây vào mỗi buổi sáng sớm và chiều mát.

– Làm giàn: Khi cây có dây leo, nên dùng cây tre làm giàn, dây thép căng ô vuông sẽ chắc chắc hơn. Các cây ngang dọc cách nhau 20cm là vừa.

– Bón phân: Với bầu hồ lô nên sử dụng phân hữu cơ. Khi cây bắt đầu bén rễ hòa phân hữu cơ hòa cùng nước để tưới cho cây. Thời gian bón phân mỗi đợt cách nhau 20 ngày.

– Sâu bệnh: Trong giai đoạn phát triển, bầu hồ lô sẽ bị các loại sâu bệnh như rệp, sâu vẽ bùa, bọ xít lá tấn công. Khi cây có biểu hiện của bệnh, nên dùng thuốc BrighTin phun vào ngọn và dưới lá. Phun vào lúc buổi sáng sớm hoặc chiều lúc tắt nắng và không mưa. Phun 3 ngày liên tục, sau 1 tuần nếu không hết phun tiếp.

– Ra hoa và thụ phấn: Sau 1 tháng kể từ khi trồng, bầu hồ lô sẽ cho ra hoa và đậu trái. Tuy nhiên để đạt được năng suất cao, nên tự thụ phấn cho hoa. Chọn một bông hoa đực nở to và hạt phấn đã bung ra xung quanh, ngắt hoa đực đó, lấy nhị của hoa đực cho tiếp xúc nhụy của hoa cái, lúc này bạn sẽ thấy phấn hoa của nhị bông đực dính lên thùy của hoa cái, vậy là được. Nếu sau khi thụ phấn gặp trời mưa, nên dùng nilong trùm hoa cái vừa thụ phấn sẽ tốt hơn.

Sau hơn 1 tháng, bạn có thể thu hoạch bầu hồ lô. Chỉ với một vài kỹ thuật cơ bản, bạn đã có những giàn bầu hồ lô sai quả trong vườn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.