Phòng Bệnh “Ngù Đọt” Trên Bầu

Bầu là một loại rau được trồng phổ biến vì đây là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng và mang lại lợi nhuận cao. Trên một số vùng trồng rau chuyên canh ở xã Hữu Định, Giao Long ( huyện Châu Thành),… bầu là loại rau chiếm diện tích khá lớn.

Tuy nhiên, hiện nay trên cây bầu nông dân rất quan tâm đến bệnh khảm (nông dân còn gọi là “ngù đọt”) vì bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của bầu, làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Triệu chứng bệnh thể hiện trên lá và toàn cây. Cây bị bệnh đọt non xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng loang lổ, các đốt thân co ngắn, dây chùn lại, phát triển chậm, trái ít và biến dạng, méo mó.

Bệnh do virus gây ra. Virus gây bệnh khảm trên bầu tồn tại trong một số cây hoang dại do rệp và bọ trỉ là côn trùng môi giới lan truyền. Sự xuất hiện và phát triển của bệnh có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của bọ trỉ.

Bọ trĩ là một loại côn trùng rất phổ biến trên bầu, ngoài tác hại truyền bệnh virus chúng còn chích hút nhựa cây làm cho đọt và lá non bị xoăn lại, có nhiều đốm nhỏ màu vàng nhạt, dây bầu kém phát triển rõ rệt. Một số bọ trĩ cao làm dây bầu cằn cỗi, chùn đọt, không vươn lóng, lá vàng và khô, hoa rụng, trái ít và nhỏ. Bọ trĩ trưởng thành rất nhỏ dài khoảng 1 mm, có màu vàng hơi nâu với hai đôi cánh dài, hẹp, cả hai đôi cánh đều có tua ở rìa với cấu trúc giống như lông. Ấu trùng có màu vàng nhạt, hầu như trong suốt khi mới nở và giống như con trưởng thành nhưng nhỏ hơn và không có cánh.

Bọ trĩ là côn trùng sống thành đàn nên mật số rất cao trên lá. Bọ trĩ sống tập trung đọt non hay mặt dưới lá non. Con trưởng thành chỉ có thể bay một khoảng cách ngắn nhưng có thể phân tán trên phạm vi rộng nhờ gió. Trứng được đẻ mặt dưới lá, khi nở ấu trùng sẽ di chuyển đến các lá non. Vòng đời bọ trĩ ngắn, trung bình 15-18 ngày. Bọ trĩ chích hút đọt non và truyền bệnh virus cho cây. Mức độ nhiễm bệnh của các giống cây có khác nhau.

Ngoài tự nhiên Bọ trĩ có thể bị tấn công bởi một số thiên địch như Bọ cánh lưới (Chrysopha sp), Ong ký sinh,…

Biện pháp phòng bệnh:

Đối với bệnh virus không có thuốc trị nhưng các biện pháp phòng bệnh mang lại hiệu quả cao. Nên áp dụng tổng hợp các biện pháp như:
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại trong ruộng bầu và xung quanh;
– Không nên trồng liên tục các loại cây mẫn cảm vì bọ trĩ có thể lây lan rất nhanh nếu có nguồn thức ăn liên tục;
– Không nên trồng bầu cạnh những cây đã bị nhiễm bọ trĩ
– Nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bị nhiễm bệnh khảm;
– Phun thuốc hoá học để trừ bọ trỉ (côn trùng môi giới). Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Confidor 100SL, Map Go 20ME, Actara 25WG,… phun kỹ phần đọt non vì bọ trĩ trú ngụ trên lá non. Bọ trĩ là loại côn trùng rất mau kháng thuốc nên cần sử dụng thuốc luân phiên.

Chú ý: Bầu là loại rau được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Nguồn: Baovecaytrong.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại quan trọng trên cây rau họ Bầu Bí

Trong thực tế do diện tích trồng bầu ít, giá trị kinh tế của bầu không cao, nông dân có thể không phun ngừa thuốc trị bệnh, chỉ nhổ bỏ cây bệnh hay ngắt bỏ lá bệnh nếu có. Tuy nhiên, nếu trồng với diện tích lớn, cần chú ý những điều sau:

I. Biện pháp canh tác

– Vệ sinh đồng ruộng: Thu gom và tiêu huỷ tàn dư cây trồng mang nguồn bệnh như các bệnh héo xanh, giả sương mai, phấn trắng, khảm lá vi rút, ….cỏ dại ký chủ sâu bệnh hại,… hạn chế nguồn lây lan…

– Sử dụng giống khoẻ, sạch sâu bệnh, sử dụng giống chống chịu
+ Chỉ sử dụng giống khoẻ, hạt có tỷ lệ nảy mầm cao, sạch sâu bệnh
+ Nên gieo giống trên giá thể khay bầu, đảm bảo chất lượng cây giống cho ruộng sản xuất

– Chăm sóc:
+ Phân bón và bón phân: Bón phân đúng kỹ thuật, bón vừa đủ và cân đối cho từng loại/ giống rau, từng loại đất, từng mùa vụ, đúng thời kỳ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh (1 ha bón 15-20 tấn phân chuồng hoai mục; Phân đạm ure: 300-400 kg; Phân lân super: 270-300 kg; Phân kali: 220-270 kg); chú trọng phân hữu cơ khoáng, phân lân vi sinh…)
+ Tưới nước:  Luôn đảm bảo ruộng dưa đủ ẩm, không đọng nước.

– Thời vụ:  Lựa chọn loại rau/giống phù hợp với từng mùa vụ để cây sinh trưởng thuận lợi.

– Mật độ gieo trồng: Gieo trồng mật độ hợp lý, đảm bảo ánh sáng và không khí lưu thông tốt, hạn chế sâu bệnh phát sinh

– Xen canh: Xen canh với cây trồng khác họ, hạn chế nguồn ký chủ và xua đuổi sâu hại (bầu bí xen rau thập tự, lúa)

– Luân canh: với lúa nước, các cây khác họ không cùng ký chủ sâu, bệnh hại làm gián đoạn nguồn thức ăn của sâu bệnh hại

– Bẫy cây trồng: Trồng xen cây khác không thu hoạch trên diện nhỏ để thu hút sâu hại và phun trừ chúng

II. Biện pháp thủ công

Sử dụng bẫy đèn, bẫy dính màu vàng, màu xanh bắt và tiêu diệt rệp có cánh, ruồi đục lá, tiêu huỷ cây bị sâu bệnh, xử lý nhiệt hạt giống,…

III. Biện pháp sinh học :

Khai thác và sử dụng những sinh vật có lợi (thiên địch, kẻ thù của sâu hại), các sản phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây.

– Bảo vệ thiên địch
+ Các loài bọ rùa ăn rệp, ăn sâu hại
+ Các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại
+ Các loài kiến, bọ cánh cứng, nhện,…ăn sâu hại- Sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc:
+ Các chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis phòng trừ sâu ăn lá, nấm ký sinh côn trùng Beauveria, Metarhizium,…
+ Thuốc thảo mộc Azadirachtin , Rotenone, Saponin, Matrine,… được dùng phòng trừ, xua đuổi và gây ngán nhiều sâu hại trên rau.
+Nấm đối kháng Trichoderma hạn chế một số loại nấm bệnh trong đất
+ Các hoạt chất có nguồn gốc sinh học: Abamectin, Emamectin benzoate,Validamycin,

IV. Biện pháp hoá học:

Sử dụng các chất hoá học để phòng trừ sâu bệnh hại cây, chỉ nên sử dụng những loại thuốc sau trong trường hợp cần thiết :

– Các loại thuốc chọn lọc, ít độc hại cho con người và môi trường

– Các loại thuốc nhanh phân hủy

– Các loại thuốc nhóm độc thấp (nhóm 3, 4)

– Áp dụng biện pháp xử lý hạt giống và cây con

– Sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng:
1.      Đúng lúc: phun lúc sâu non tuổi nhỏ, vết bệnh mới xuất hiện. Giai đoạn sinh trưởng của cây. Phun sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa,…
2.      Đúng thuốc: cho từng đối tượng dịch hại, luân phiên các loại thuốc,…
3.      Đúng cách: Thực hiện thao tác pha-phun đúng hướng dẫn của từng loại thuốc,…
4.   Đúng liều lượng, nồng độ: theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc (về lượng dùng, lượng nước pha).

NHỮNG SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN RAU HỌ BẦU BÍ

1) Ruồi đục lá (Liriomyza sativae) Sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bì ăn phần diệp lục để lại đường đục ngoằn nghèo trên lá. Thường có mật độ cao ở thời kỳ cây ra hoa rộ-quả, vào tháng 3-5 và 9-11 trong năm.

2) Sâu ăn lá dưa Diaphania indica: thường có mật độ cao khi cây sinh trưởng tốt sau trồng 25-30 ngày, chúng hại búp, lá non. Gây hại chính ở vụ xuân hè và thu đông sớm.

3) Rệp Aphis craccivora Koch: Chúng thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán. Mật độ thường tăng rất nhanh do chúng đẻ ra con, trong năm thường gây hại nặng vào các tháng 3-5 và 9-11 trong năm.

4) Bọ trĩ (Thrip spp.) Bọ trĩ chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng và giòn. Trong năm chúng thường có mật độ cao vào các tháng 3-5 (vụ xuân hè) và tháng 9-11 (vụ thu đông)

Phòng trừ sâu hại: Áp dụng các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học. Theo dõi phát hiện sớm, khi cần phun các loại thuốc: Elincol 12 ME, Vertimex 1.8EC; Sherpa 25EC, Trebon 30EC (trừ sâu ăn lá), Confidor 100SL, Oshin 20WP, Elsin 10EC (trừ các loại chích hút), …

5. Bệnh héo xanh vi khuẩn Pseudomonas solanacearum Smith: Gây hại ở tất cả các thời kỳ của cây nhưng nghiêm trọng nhất là thời kỳ hoa – quả và bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 25-300C. Bó mạch thâm nâu, cây không hút được nước, héo và chết.

6. Bệnh giả sương mai: Pseudoperonospora cubensis: Bệnh phát sinh nặng trong điều kiện nhiệt độ dưới 200C ẩm độ không khí cao. Gây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên dưa chuột vụ thu đông và xuân hè sớm.

7. Bệnh phấn trắng ( Erysiphe sp): Bệnh phấn trắng gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống tàn dư cây bệnh và lan truyền theo gió.

8. Bệnh khảm lá (Cucumber mosais virus): do virut gây hại, nếu bị bệnh từ khi cây còn nhỏ, cây còi cọc lá xoăn nhỏ và thường không ra quả. Bệnh do côn trùng chích hút truyền bệnh chủ yếu là rệp, bọ trĩ, lây từ cây bệnh sang cây khoẻ. Phải trừ môi giới truyền bệnh.

Phòng trừ bệnh hại: Xử lý hạt giống, chọn giống kháng, dọn sạch tàn dư cây bệnh tiêu hủy. Khi cần thiết phải phun thuốc:- Phòng trừ bệnh héo xanh: Phun hoặc tưới gốc định kỳ bằng thuốc Funguran-OH 50WP, hoặc các thuốc gốc đồng để ngừa bệnh, Exin 4.5 HP (Phytoxin VS), Bactocide,…

– Các thuốc trừ bệnh sương mai, phấn trắng: Juliet 80 WP, Vicarben-S 70 BTN, Daconil 500SC, Đồng oxyclorua (Vidoc) 80 BTN, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Tilt Super 300EC, Bellkute 40WP. Ensino 40 SC, Binhnomyl 50WP, Manage 5WP,…

Nguồn: Viện bảo vệ thực vật được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn trồng và chăm sóc cà tím trong thùng xốp cho quả sai

Cà tím (cà dái dê) là loại quả rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Nó được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ngoài ra, cà tím còn được coi là thần dược chữa rất nhiều các loại bệnh khác nhau như phòng ngừa ung thư, tốt cho tim mạch, kiểm soát tiểu đường…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng thau, chậu, khay hoặc thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cà tím. Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Tuy nhiên, chậu hoặc thùng xốp phải cao từ 20-25cm, rộng ít nhất 30cm.

Đất trồng

Cà tím thích hợp trồng trên tơi xốp, giàu mùn, dễ thoát nước và có độ pH khoảng 6. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…

Hạt giống

Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản gần nhà hoặc siêu thị.

2. Ngâm ủ, gieo hạt và cấy cây

Hạt cà tím có vỏ khá cứng và dày nên trước khi gieo bạn phải ngâm nước lạnh từ 24-30 giờ. Sau đó vớt ra ngâm ở nước ấm có nhiệt độ khoảng 50 độ C trong vòng 1 tiếng. Công đoạn này vừa giúp làm mềm vỏ hạt để kích thích nảy mầm vừa giúp diệt trừ nấm bệnh. Ủ hạt giống trong vải ẩm cho nứt ra rồi mới đem đi gieo.

Cà tím được trồng trong thùng xốp

Đem hạt đã ủ gieo từ 2-3 hạt vào một ô ở giá gieo hạt hoặc bầu. Sau đó lấp 1 lớp đất mỏng và tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

Khi cây con trồng trong bầu có từ 5 đến 6 lá thật và cao khoảng 6-8cm thì chọn ra những cây khỏe mạnh nhất rồi đem trồng ra chậu hoặc thùng xốp. Sau khi cấy xong tưới nước cho cây và che phủ trong vòng 1 tuần.

3. Chăm sóc

Cà tím là loại cây ưa nước, do đó trong thời gian đầu bạn cần phải tưới nước hàng ngày. Lưu ý: Tưới đủ độ ẩm cần thiết cho cây con sinh trưởng phát triển tốt. Đặc biệt trong thời kỳ ra hoa và nuôi quả bạn không được để mặt chậu bị khô hoặc thiếu nước thì cây cà sẽ ra hoa kém dẫn đến giảm năng suất và trái không được to.

Sau khi cấy cây con được 1 tuần, tiến hành bón lót bằng phân bò, phân trùn quế, phân gà, phân dê hoặc phân hữu cơ. Cứ 10-12 ngày bón thúc lần.

4. Thu hoạch

Sau 60-70 ngày trồng là cà tím có thể thu hoạch đợt đầu tiên. Không nên thu hoạch lúc quả quá già bởi ăn sẽ không ngon. Thời gian thu hoạch tùy thuộc vào việc chăm sóc cây.

Thành quả sau thu hoạch

Bạn cũng có thể chọn những quả to, dài, đẹp, không sâu bệnh để già làm giống cho vụ sau.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Quy trình trồng cà tím an toàn

1. Các điều kiện đảm bảo sản xuất cà tím an toàn vệ sinh thực phẩm

Ruộng trồng cà tím phải đảm bảo cách xa bệnh viện, khu nghĩa địa, bãi rác thải sinh hoạt, đường quốc lộ và khu công nghiệp trên 500m.

Phải có nguồn nước tưới sạch (không nhiễm kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh).

Hạt giống phải sạch, không sâu bệnh, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%.

Người gieo trồng phải nắm vững qui trình kỹ thuật sản xuất cà tím an toàn.

2. Thời vụ

Cà tím có thể trồng quanh năm trừ, chỉ tránh các tháng giá rét (tháng 11; 12; 1) và nóng nắng gắt (tháng 5; 6). Sau trồng khoảng 2 tháng sẽ cho thu hoạch.

3. Giống trồng

Nên sử dụng các giống địa phương có năng suất cao ổn định, có khả năng chống chịu điều kiện bất thuận tốt.

Có thể sử dụng một số giống nhập nội như: LN11, Violet King 252, Cà tím 2 mũi tên đỏ.

4. Làm vườn gieo ươm cây giống

Chọn chân ruộng đất tơi xốp, giàu mùn. Rải 20 – 30 vôi bột/sào (360m2). Cày lật đất. Phơi ải, làm nhỏ đất và dọn sạch cỏ.

Lên luống rộng 1,2m, cao 25 – 30cm, rãnh rộng 30 – 35cm.

Phân lót/1m2: 1kg tro bếp + 3-4 kg phân hữu cơ hoai mục. Trộn đều phân trong lớp đất mặt luống, tiến hành gieo hạt.

Cần căn cứ diện tích trồng để tính lượng hạt giống gieo trên vườn ươm (gieo 14 – 17g hạt giống trong vườn ươm sẽ đủ lượng cây giống trồng cho 1 sào).

Ngâm giống trong nước sạch 24 – 30 giờ. Vớt hạt ngâm trở lại trong nước ấm 54 độ C (2 sôi 3 lạnh) trong 1 giờ để xử lý nấm bệnh.

Có thể dùng thuốc BVTV Ridomil hoặc Anvil để xử lý nấm bệnh cho hạt giống (sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao gói).

Hạt giống sau xử lý nấm bệnh, vớt để ráo ủ trong trong khăn vải ẩm tới nứt nanh thì đem gieo.

Trộn hạt trong đất bột để gieo cho đều, khoảng cách gieo 4 – 5cm/1 hạt.

Giữ ẩm thường xuyên cho vườn ươm. Tỉa bỏ sớm các cây sâu bệnh, cây gầy yếu, cây gieo quá dày.

Yêu cầu, cây giống trước khi xuất vườn phải mập, khỏe, sạch sâu bệnh, cao 6 -8cm và có 5 – 6 lá thật.

5. Trồng cây con ra ruộng sản xuất

Ruộng sản xuất cà tím cũng cần xử lý vôi bột trước khi cày lật đất như ruộng ươm cây giống.

Làm luống, khơi rãnh thoát nước, bổ hốc trồng 2 hàng so le nanh sấu trên luống. Mật độ trồng cây cách cây 60 – 70cn, hàng cách hàng 50 – 60cm.

Lượng phân bón/1 sào là, phân chuồng mục: 400 – 500kg hoặc phân hữu cơ vi sinh 100 – 120kg, Đạm urê 9 – 10kg, Lân supe 13 – 15kg, Kali Clorua 4 – 5kg.

Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân + 2-3 Kali Clorua.

Bón thúc: Lần 1 (sau trồng 10 – 12 ngày): 2 – 3kg Đạm urê; lần 2 (khi cây ra hoa rộ): 3 – 4 Đạm urê + 2-3kg Kali Clorua; lần 3 (sau cây ra quả đợt đầu) bón nốt số phân còn lại.

Sau trồng tưới đẫm nước hoặc trồng đến đâu tưới đến đó. Có thể tưới trực tiếp quanh gốc cây hoặc tới rãnh. Nếu ngày hôm sau còn nước ở rãnh cần tháo kiệt. Độ ẩm đất cho cây suốt thời gian sinh trưởng là 80%.

Xới xáo, làm cỏ, vun gốc, bắt sâu sau khi bón thúc phân.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Một số đối tượng sâu bệnh chính hại cà tím là: sâu đục quả, rầy xanh, rầy trắng, bọ trĩ, sâu đo xanh, sâu khoang, các bệnh lở cổ rễ, héo xanh, phấn trắng, sương mai… gây thối quả.

Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như: Vệ sinh đồng ruộng. Sử dụng giống kháng bệnh. Mật độ gieo trồng hợp lý. Bón phân cân đối. Gieo trồng trong nhà lưới ngăn côn trùng. Bấm ngọn, tỉa cành, ngắt bỏ lá già, lá sâu bệnh kịp thời để ruộng cà luôn thông thoáng. Không luân canh cà tím với các cây trồng cùng họ cà như: cà chua, thuốc lá, ớt, cà pháo…

Theo dõi sự xuất hiện của một số sâu bệnh hại chính. Chỉ phun thuốc khi thật cần thiết và phải ngừng phun thuốc trước thu quả 7 – 10 ngày.

Một số thuốc BVTV có thể phun trừ sâu bệnh cho sản xuất cà tím an toàn là:

Sâu xám, Tuyến trùng: Xử lý đất trước khi trồng bằng Sagosuper 3G, Diaphos 10H, Sincosin lên gốc cây gieo hoặc rải quanh gốc sau trồng.

Sâu xanh: Delfin, Sumicidin, Cypermethin.

Bọ trĩ, rầy xanh, nhện: Actara, Sagosuper, Sherzol.

Sâu vẽ bùa: Ofunack, Triggard.

Bệnh chết cây: Coe 85, Topsin, Polygam, Vanicide, Hexin, Luster.

7. Thu hoạch

Khi quả cà bắt đầu chuyển màu tím, hạt còn non. Ngắt cả cuống quả, tránh làm gẫy nhánh. Cách 2 – 3 ngày thu 1 lần. Các lứa cà ra rộ cần thu quả hàng ngày. Nếu chăm sóc tốt năng suất quả sẽ đạt 25 – 30 tấn/ha. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài trên 2 tháng.

Thu hoạch cà tím

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Mẹo trồng cà rốt trong thùng xốp cho năng suất cao

Ngoài việc dùng để chiến biến những món ăn ngon, cà rốt còn có tác dụng chữa bệnh như chống lão hóa, phòng chống các bệnh tim mạch, tốt cho gan, răng miệng, ngăn ngừa nhiễm trùng…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao nilon, bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cà rốt. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Chiều cao tối thiểu của dụng cụ trồng khoảng 20-25cm.
Đất trồng
Cà rốt ưa các loại đất có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…
Hạt giống
Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản hoặc siêu thị gần nhà. Nên chọn những giống cà rốt cao sản để thu hoạch đạt được năng suất cao nhất.
Trồng cà rốt tại nhà khá đơn giản

2. Ngâm ủ và gieo hạt

Hạt cà rốt có vỏ và lông khá cứng nên trước khi gieo bạn cần vò hạt cho lông cứng gãy hết. Sau đó trộn hạt giống với mùn theo tỷ lệ 1:1, tưới nước giữ ẩm khoảng 2-3 ngày rồi đem gieo.
Mỗi hốc gieo từ 2-3 hạt, khoảng cách giữa các hốc từ 7-10cm.
Sau khi gieo hạt xong, phủ lên 1 lớp đất mỏng hoặc rơm rạ cắt nhỏ. Tưới nước giữ ẩm hàng ngày vào buổi sáng sớm.

3. Chăm sóc

Ngày tưới nước 1 lần bằng vòi phun nhẹ vào sáng sớm cho cà rốt.
Khi cà rốt cao khoảng 5-7cm thì tiến hành cắt bỏ những cây còi cọc, ốm yếu, giữ lại những cây mập mạp, khỏe mạnh (mỗi hốc để chừng 1-2 cây). Nên dùng kéo cắt bỏ những cây nhỏ bởi nhổ sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây giữ lại.
Khi cà rốt được 15 ngày tuổi thì tiến hành bót lót đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phân bò, phân gà, phân dê, phân trùn quế… cho cây. Cứ 15-20 ngày lại bón đợt tiếp theo. Mỗi đợt bót phân kết hợp xới đất và nhổ cỏ.
Nếu củ cà rốt hở ra ngoài thì bạn phải lấy đất lấp lại để tránh củ bị xanh.

4. Thu hoạch

Cà rốt cho thu hoạch sau khoảng 100-130 ngày trồng. Khi các lá dưới chuyển màu vàng, các lá non ngừng sinh trưởng, vai củ tròn đều thì cần thu hoạch ngay để đạt chất lượng cao.
Cà rốt – thực phẩm quý giá cho sức khỏe con người
Thu hoạch vào những ngày khô nắng. Nhổ củ, làm sạch đất, rửa bằng nước sạch và cắt bớt phần lá, chỉ để lại đoạn cuống dài 15-20cm.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sâu bệnh hại cà rốt và cách phòng trừ (P2)

3. Bệnh thối hạch (Sclerotinia libertiana Fuckl)

3.1.Triệu chứng

– Bệnh chủ yếu gây hại trên củ cà rốt thời kỳ gần thu hoạch.

– Vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ màu nâu, hơi mềm xuất hiện rải rác khắp bề mặt vỏ củ. Dần dần các đốm bệnh loang rộng, lớn dần lên bao quanh khắp củ và ăn sâu vào trong lõi củ.

– Trên mặt vỏ củ, nơi có vết bệnh, dần hình thành lớp mốc màu trắng, xốp như­ những sợi bông làm phần thịt củ bên trong bị thối mềm làm mất giá trị dinh dư­ỡng.

– Khi phần thịt củ bị phá hủy hoàn toàn, trên bề mặt lớp mốc trắng.

3.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

– Bệnh do nấm Sclerotinia libertiana Fuckl gây hại

– Điều kiện môi trư­ờng xung quanh quá ẩm ­ướt, bón nhiều phân đạm.

3.3. Biện pháp phòng trừ

– Chọn đất phù hợp để trồng cà rốt nh­ư đất thịt nhẹ, dễ thoát nư­ớc.

– Bón phân đầy đủ, cân đối.

– Biện pháp hóa học: do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ, vì vậy có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Carbendazim Trichoderma sp.

4. Bệnh thối đen (Alternaria radicirima)

4.1. Triệu chứng

Bệnh gây hại trên lá, trên thân và trên củ cà rốt:

– Trên lá: Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ. Lá bị bệnh xuất hiện vết bệnh hình tròn hoặc hình bất định, màu xám nâu hoặc xám đen. Vết bệnh thường lan từ mép lá, chót lá vào trong phiến lá, xung quanh có quầng vàng rộng. Gặp thời tiết ẩm ướt, trên mô bệnh có lớp nấm mốc màu đen, lá bị thối, dễ rụng.

– Trên củ: bệnh gây hại nặng vào thời kỳ gần thu hoạch. Vết bệnh không có hình dạng nhất định màu nâu đen lõm vào phần thịt củ, phần cuống củ sát mặt đất bị thối đen.

4.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

– Bệnh do nấm Alternaria radicirima gây ra.

– Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trên những ruộng gieo trồng quá dầy và bón nhiều đạm.

4.3. Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây bị bệnh sau khi thu hoạch.

– Bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ

– Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh, do đó có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Trichoderma sp, Cytokinin, Streptomycin sulfateCarbendazim.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sâu bệnh hại cà rốt và cách phòng trừ (P1)

Giới thiệu đặc điểm hình thái, đặc tính sinh sống và gây hại, biện pháp phòng trừ một số loại sâu hại, bệnh hại trên cây cà rốt: sâu xám, tuyến trùng, bệnh thối hạch, bệnh thối đen,…

1. Sâu xám (Agrotis ypsilon )

1.1. Đặc điểm hình thái

– Trưởng thành là loài bướm có thân dài 20-25mm. Cánh trước có màu xám đen, gần phía góc mép ngoài có 3 vệt đen nhỏ hình tam giác. Cánh sau màu trắng, mép ngoài màu nâu xám nhạt. Cơ thể có nhiều lông màu xám.

– Trứng có hình cầu hơi dẹt, có sọc nổi, đường kính khoảng 0.5mm, lúc đầu có màu nhạt sau chuyển sang màu đen đến nâu.

– Sâu non màu đen nâu, có đường xẻ màu nâu nhạt ở giữa và hai sọc hai bên. Đầu rất đen, có hai điểm trắng.

– Nhộng có màu nâu cánh gián, cuối bụng có một đôi gai ngắn.

1.2. Tập quán sinh sống và gây hại

– Bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất, một bướm cái có thể đẻ khoảng 800-1000 trứng.

– Sâu non mới nở gặm biểu bì lá cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất.

– Sâu xám phát sinh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm độ cao, trong điều kiện thời tiết tại Lâm Đồng sâu sám gây hại quanh năm, chủ yếu phá hại khi cây còn nhỏ.

– Vòng đời trung bình 50-60 ngày, trong đó giai đoạn sâu non 30-35 ngày.

1.3. Biện pháp phòng trừ

– Vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng.

 – Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ sâu xám hại cà rốt, do đó có thể sử dụng một số loại thuốc có các hoạt chất: Abamectin; Emamectin benzoat; Cypermethrin.

2. Tuyến trùng

2.1. Triệu chứng

Tuyến trùng gây hại trên củ cà rốt, làm củ biến dạng như sau:

– Củ chỉa: Do điểm sinh trưởng của chóp rễ chính bị tổn thương mà tác nhân gây hại chính là tuyến trùng tấn công bộ rễ làm cho củ phát triển có nhiều nhánh phụ chẻ đôi, ba…, màu sắc củ không bình thường.

– Củ mọc lông: Trên trục của củ xuất hiện nhiều rễ phụ dài, bất thường xếp thành hàng hoặc mọc dài tạo thành búi.

– Củ sần sùi, u sưng: Củ phát triển không bình thường, trên củ xuất hiện nhiều u sưng với các kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn hoặc trên trục của củ phát triển không đều, nhiều chỗ lồi lên làm củ trở nên sần sùi, màu sắc nhạt và tối hơn.

– Củ nứt: Các vết nứt có thể xuất hiện ngay ở phần tiếp giáp với gốc cây và kéo dài theo trục  của củ đến tận chóp củ để lộ ra phần lõi củ, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chất lượng củ cà rốt.

– Củ có dạng hạt đeo trên rễ: Trên củ xuất hiện nhiều rễ phụ dài, trên các rễ phụ có các hạt nhỏ tròn với đường kính khác nhau từ 0.5 – 1.5mm tùy theo số lượng tuyến trùng kí sinh. Các rễ phụ mọc nhiều, mật độ tuyến trùng ký sinh lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phát triển của củ.

– Sự thiệt hại do hiện tượng biến dạng củ cà rốt:

+ Làm giảm năng suất, tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế

+ Làm giảm chất lượng sản phẩm: vị ngon, màu sắc, hàm lượng các axitamin, bột, đường, thời gian lưu trữ ngắn.

+ Làm giảm giá trị của đất, phải luân canh lâu dài.

2.2. Tác nhân gây biến dạng và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

– Tuyến trùng Meloidogyne sp. là loại tuyến trùng nội ký sinh không di động, chúng đào những đường vào trong rễ để hút dinh dưỡng và không di chuyển ra khỏi rễ, sau khi xâm nhập vào rễ, con cái trưởng thành phát triển mạnh to phồng lên, đẻ hàng loạt trứng ngay bên ngoài rễ hoặc dưới rễ. Đây là loài tuyến trùng gây các triệu chứng hạt nhỏ đeo trên rễ, triệu chứng u sưng.

– Tuyến trùng Pratylenchus sp.là loài tuyến trùng nội kí sinh di động. Trước khi xâm nhập tuyến trùng thường tập trung ở bề mặt rễ và dùng kim hút tấn công các tế bào của rễ nhỏ sau đó tiết men  tiêu hóa hòa tan các chất trong tế bào để dinh dưỡng. Sau khi xâm nhập vào trong rễ chúng có thể sinh sản nhanh và tăng số lượng kí sinh lên rất lớn. Tất cả các dạng ấu trùng và trưởng thành đều có khả năng xâm nhập vào trong rễ. Chúng có thể đi ra khỏi mô thực vật vào bất kỳ lúc nào, sống một thời gian trong đất và tìm đến vật chủ mới.

Tuyến trùng cái trong mùa sinh sản thường đẻ mỗi ngày 1 trứng. Vòng đời thường kéo dài từ 6-8 tuần.Pratylenchus sp.thích nghi với đất cát pha, ở đất có độ ẩm thấp một vài loài có thể tồn tại trong thời gian trên 1 năm. Loài tuyến trùng này thường gây các triệu chứng củ chỉa, củ nứt trên cà rốt.

– Tàn dư cây bệnh không được nông dân tập trung tiêu hủy là nguồn bệnh lây lan.

– Trồng cà rốt liên tục qua nhiều vụ.

– Lây lan theo dụng cụ lao động như máy cày, máy nông cụ, giày, ủng trong quá trình lao động, do gia súc.

– Phạm vi ký chủ của tuyến trùng rộng. Ngoài cà rốt, tuyến trùng còn xuất hiện nhiều trên đất trồng cây họ thập tự, cây cà chua, ớt …

2.3. Biện pháp phòng trừ tổng hợp

– Xử lý hạt giống bằng nước nóng 3 sôi 2 lạnh ngâm trong vòng 45 phút sau đó vớt ra hong khô và đem gieo.

– Chọn đất có cấu tượng nhẹ, thoát nước tốt.

– Triệt để vệ sinh đồng ruộng: Thu gom toàn bộ tàn dư cây bệnh trên vườn đem tiêu hủy trước khi làm đất. Vệ sinh dụng cụ lao động khi chuyển từ vườn này qua vườn khác.

– Luân canh cây trồng: Đất trồng cà rốt có thể luân canh với một số cây trồng ít nhiễm tuyến trùng như dền.

– Thực hiện chế độ làm đất kỹ: Việc cày xới đất kỹ nhất là trong điều kiện thời tiết khô hanh sẽ làm cho trứng và ấu trùng dễ bị tiêu diệt do đó làm giảm mật độ tuyến trùng trong đất.

– Xử lý đất trước khi trồng bằng hoạt chất sinh học Paecilomyces lilacinus (Palila 500WP),  có thể trộn đều với đất mịn để rải sau khi lên luống và dùng cào trộn đều thuốc vào đất sau đó tưới nhẹ cho đất đủ ẩm.

– Sử dụng các loại thuốc: Cytokinin(Etobon0.56SL),Chitosan(Stop 5SL,15WP), Copper citrate (Heroga 6.4SL) để phòng trừ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cách trồng cà rốt 1 lần ăn mãi không cần hạt giống

Cà rốt là thực phẩm phổ biến và rẻ tiền nhưng lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mọi người có thể ăn sống, nấu chín, làm nước ép cà rốt hay thái vài lát trang trí cho bữa cơm gia đình. Chính vì vậy, nhiều người mệnh danh cà rốt là “thực phẩm vàng” trong nhà.

Trong quá trình chế biến, phần đầu gốc thường bị bỏ đi. Lần sau, bạn hãy tận dụng phần này để trồng cà rốt thủy canh. Rễ cây cà rốt mới được nuôi dưỡng trong nước sẽ mọc lại và cho ra cây mới.

Thời vụ

Có thể trồng cà rốt từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau.

Vụ sớm: Gieo tháng 7 – 8, thu hoạch vào tháng 10 – 11.

Chính vụ: Gieo tháng 9 – 10, thu hoạch tháng 12 – tháng 1 năm sau.

Vụ muộn: Gieo tháng 1 – 2, thu hoạch tháng 4 – 5.

Chuẩn bị

Đất trồng: Cây cà rốt có thể trồng trên nhiều loại đất, tuy nhiên rất cần đất tơi xốp để phát triển củ, thoát nước tốt. Lưu ý khi chọn đất là nếu trồng trên đất nhẹ, cát và các hạt thô nhiều thì hình thù của củ sẽ biến dạng, méo mó. Nếu trồng trên đất quá nặng (hàm lượng sét quá cao) thì có chiều hướng cây ra nhiều lá, khó ra củ.

Làm đất: Cây cà rốt có rễ và củ đều nằm dưới đất, do vậy trước khi trồng cà rốt bạn nên làm đất tơi xốp và lên luống.

Chậu trồng: Bạn chọn chậu có chiều cao tối thiểu từ 20-25cm để đảm bảo củ được phát triển tốt nhất.

Phân bón: Bón phân trùn quế kết hợp phân NPK để cho năng suất tốt nhất

Nhiệt độ: Cà sốt sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 16 – 27 độ C. Ở nhiệt độ thích hợp củ cà rốt phát triển to, nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá thì củ bé, màu đỏ nhạt.

Các bước trồng cà rốt bằng đầu củ

Bước 1: Dùng phần đầu cà rốt (còn cuống) khoảng 3-4cm sau khi đã dùng phần thân củ ngâm vào một khay nước.

Cắt bỏ lấy phần đầu của củ cà rốt

Bước 2: Đặt khay nước ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời như cửa sổ, ngoài hiên,… Thay nước hàng ngày để tránh các loại rêu tảo phát triển.

Đặt khay nước nơi có nhiều ánh sáng

Bước 3: Sau khoảng 1 tuần khi cà rốt bắt đầu ra rễ thì mang cà rốt ra trồng xuống đất hoặc trồng trong chậu.

Mang cà rốt đi trồng trong chậu

Chăm sóc

Tưới nước: Cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm, thông thường chỉ cần 2-3 ngày tưới 1 lần tuỳ thời vụ. Ở giai đoạn hình thành củ, cây cà rốt cần được cung cấp đủ nước cho sự sinh trưởng và phát triển của củ vì thế bạn nên tưới hàng ngày.

Chăm sóc để cà rốt có chất lượng tốt nhất

Tỉa cây: Khi cây cà rốt đã mọc cao 5-7cm bạn nên tỉa bớt cây xấu mọc chen chúc, chỉ giữ lại khoảng cách cây cách nhau 5-7cm là vừa.

Xới đất: Khi cây cà rốt bắt đầu phát triển củ, dùng dụng cụ làm vườn vét đất ở rãnh luống phủ lên mặt luống sao cho lấp kín củ giúp cho củ không bị xanh đầu do bị tiếp xúc với ánh sáng.

Thu Hoạch

Sau khi trồng khoảng, bạn thấy lá chuyển màu vàng, lá non ngừng phát triển thì cây đã đến thời điểm thu hoạch để củ cho chất lượng ngon ngọt nhất.

Thành quả sau thu hoạch

Ban nên thu hoạch vào những ngày khô nắng, cách thu hoạch như sau: nhổ củ, làm sạch đất, rửa bằng nước sạch và cắt bớt phần lá, chỉ để lại đoạn cuống dài 15-20 cm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây bầu cho năng suất cao

Bầu ngày nay được trồng rất phổ biến ở các nơi có khí hậu nóng do đặc tính có thể giải nhiệt. Quả bầu non thường được dùng để nấu canh, luộc, xào… Lá non cũng có thể dùng để luộc rau. Cách trồng bầu hiệu quả là chọn một số giống F1 như: Trang Nông TN215, Trầm Hương. Giống này trái dài vừa 20-25cm, kháng bệnh và virut, và đặc biệt cho năng suất cao.

Quả bầu

Thời vụ

– Bầu là loài thuộc họ thân leo có tua cuốn có giá trị dinh dưỡng cao. Cây Bầu có thể trồng quanh năm.

Giống

-Có nhiều loại nhưng tốt nhất nên chọn một số giống F1 như: Trang Nông TN215, Trầm Hương. Giống này trái dài vừa 20-25cm, bóng đẹp, kháng bệnh khảm và virut, chết cây con và đặc biệt cho năng suất cao.

Chuẩn Bị Đất

•    Chuẩn bị đất:
– Làm sạch cỏ – bón vôi – cày đất – phơi ải từ 7-10 ngày. Mục đích để giúp đất tơi xốp, tăng độ PH, diệt trừ sâu hại và nấm bệnh trong đất.
    Lên Liếp (làm luống):
– Đất phải cày bừa, băm nhỏ.
– Mỗi liếp rộng 0,6-0,8m cao 20-30cm.
– Tâm liếp này cách tâm liếp kia 1,2m.
•    Bón Lót:
– Vôi + super Lân + Phân hữu cơ + 20-20-15+ Thuốc trừ sâu  Basudin 10G   hoặc Visa 5G
=> Cách bón:     Mỗi gốc 1 tô phân +đánh rãnh – rãi phân – sau đó lấp đất.
•    Phủ Bạt:
– Bạt phủ nên chỏn loại có kích cỡ 1m
-dùng lạt tre cố định bạt để tránh gió quật làm bay bạt ành hưởng đến bộ rễ cây.
•    Đục Lỗ:
– Có nhiều cách đục lỗ nhưng có 2 cách đơn giản và nhanh nhất.
* Cách 1: Dùng ống nhựa pvc phi 60 cắt hình bánh răng như kiểu líp xe đạp, khi cần đục lỗ chỉ cần dùng lực tộng mạnh trên xuống là ok.
* Cách 2: Dùng lon sữa pha cà phê phần trên cắt miệng, đáy thì lấy đinh đục lỗ xung quanh đáy lon,  bỏ than nóng và ít dầu hỏa vào lon đốt lửa cứ thế mà đục lỗ.
* Khoảng cách cây cách cây là 1m- 1,2m.

Làm Giàn

– Hiện nay có 4 cách làm giàn.

•    Giàn chữ I
•    giàn chữ U
•    giàn chữ A
•    giàn chữ X
=> Lời Khuyên: bà con nên làm giàn theo kiểu chữ U, A để dễ thu hoạch và thuận tiện cho khâu chăm sóc sau này.
Làm giàn trồng các loại dây leo

Kỹ Thuật Gieo, Trồng Cây Con

•    Chuẩn bị gieo hạt:

– Xử lý hạt giống bằng nước ấm cụ thể là 2 sôi 3 lạnh. Ngâm trong vòng 4-6 tiếng rồi vớt ra rửa sạch ủ trong khăn vải sau 24h hạt nứt nanh thì đem trồng.
=> Lưu ý: Khăn, vải ủ không được quá ướt, không được quá khô vì sẽ làm hư hạt và tỉ lệ này mầm thấp.
– Hạt sau khi nứt nanh phải trồng hết trong ngày. Nếu để qua ngày rể mọc dài thì khi gieo trồng rể dễ bị gãy.
•    Trồng cây:
– Xới nhẹ lỗ trồng rải ít thuốc sâu Basudin 10G hoặc Visa 5G sau đó gieo hạt và phủ một lớp đất mỏng.
=> Lưu ý: Bà con phải rãi thuốc trừ sâu để dế và một số loại côn trùng khác không cắn phá, ảnh hưởng đến sự nảy mầm và sự đồng đều sau này.
Làm giàn trồng bầu

Bón Phân, Tưới Nước, Làm Cỏ

•    Bón Phân:

– bón thúc lần 1 sau khi gieo trồng 10-15 ngày cây có 3-4 lá thật.
– bón thúc lần 2 sau khi gieo trồng 20-25ngày cây có tua cuốn.
– bón thúc lần 3 sau khi gieo trồng 35-40 ngày khi cây đã cho trái.
Phân bón bà con dùng 20-20-15+ TE của đầu trâu là tốt nhất. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng cà hoặc đục lổ màng phủ giữa 2 gốc bầu rồi rải phân.
•    Sử Dụng Phân Bón Lá:
– Cứ 7-10 ngày phun một lần bà con tham khảo một số loại phân sau đây:
* Phân hữu cơ rong biển canada 95%.
* HVP 20-20-15 + TE..
* Boom Flower N
•    Tưới Nước:
– Tùy vào chân đất mà có cách tưới khác nhau
– Bà con nên lắp đặt hệ thống tưới để giàm công chăm sóc
=>> Lưu ý: không được tưới quá ẩm cây trồng rất dễ bị nấm bệnh. Ví dụ thối rễ, chết nhanh.
•    Làm Cỏ:
– Mật độ cỏ ít thì bà con nên nhổ cỏ, Nếu cỏ quá nhiều thì nên dùng thuốc cháy như  Gfaxone 20SL , power up 275sl.

Phòng Trị Sâu Bệnh

•    Sâu hại:
– Rầy xanh, sâu xanh, bọ xít xanh và một số loài rầy rệp khác. Thuốc trị Excell basa 50ND, Sarifos 585 ec
– Bọ trĩ, nhện đỏ,rầy mềm . Regent 20wp, tasieu 1.9 ec, Reasgent 3.6 ec, Confidor 100sl, Actara 25wp .
– Ruồi vàng đục quả. Vizubon d.
•    Nấm bệnh:
– Chết nhanh, chết chậm, thối rễ, lỡ cổ rễ. Thuốc trị  Ridomil Gold 68WG , ALIETTE 800WG, Vimonyl 72WP
– Héo rũ . Kasumin 2sl
– Sương mai, tán thư, nấm hồng, rỉ sắt. Thuốc trị Antracol 70WP, Ridomil Gold 68WG, Kasuran 47WP, Vimonyl 72WP
– Đối với khâu phòng trị sâu hại bà con nên tập trung tiêu diệt khi cây con còn nhỏ để khi cây lớn sâu gây hại ít, vừa giảm công phun xịt vừa tiết kiệm tiền mua thuốc BVTV, quan trọng an toàn cho người tiêu dùng.

Thu Hoạch

Sau khi trồng 45-50 ngày, tùy giống cây bắt đầu cho thu hoạch
Kinh nghiệm: để kéo dài thời gian thu hoạch lúc  bà con nên tăng cường phun phân bón lá hữu cơ sweeed canada 95%.
Theo cachtrongrau.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt mấy năm qua, năm 2017, rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để không chỉ lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK cao nhất.

Bưởi da xanh – một loại trái cây đang được XK tốt

So với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào CLB XK tỷ đô (những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD/năm trở lên). 5 năm trước, khi kết thúc năm 2012, trong ngành nông nghiệp đã có 7 mặt hàng XK đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, thì giá trị XK rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng hàng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.

Tuy “đi sau”, nhưng kể từ khi lọt vào CLB XK tỷ đô vào năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc XK khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm. Đồng thời, với giá trị XK như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản XK chủ lực.

Cần lưu ý rằng cao su, gạo và cà phê đều là những mặt hàng từng đạt giá trị XK tới hơn 3 tỷ USD từ nhiều năm trước (gạo từ 2010 – 2012; cao su 2011; cà phê vào các năm 2012, 2014 và 2016). Điều đó càng cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong XK rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không còn có thể duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh về giá trị XK do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường. Nhiều khả năng rau quả sẽ tiếp tục vượt qua điều trong thời gian ngắn sắp tới để đứng vào Top 3 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK lớn nhất.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với kết quả XK đã đạt được trong 11 tháng (3,177 tỷ USD), XK rau quả của cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới là hơn 3,4 tỷ USD. Với giá trị 2,404 tỷ USD trong 11 tháng và chiếm khoảng 76% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò là thị trường quan trọng nhất, có tính quyết định tới sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả nước ta.

Trong 11 tháng, giá trị rau quả XK sang Trung Quốc tăng tới 54,88% so cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng đó của thị trường Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của XK rau quả trong 11 tháng là 44,1%. Đặc biệt, trong năm 2017, XK rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với năm 2015 là năm mà XK rau quả sang Trung Quốc lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).

Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của XK rau quả năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 116,707 triệu USD, tăng 70,63% so cùng kỳ 2016; Mỹ đạt 92,568 triệu USD, tăng 21,24%…

Trồng rau VietGAP ở Lâm Đồng

Nhìn chung phần lớn các thị trường XK của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ 2016. Nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ở những thị trường này. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép XK sang Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Thanh long và xoài được phép XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand…

Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 – 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.

Với thị trường Trung Quốc, dự báo của FAO cho hay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2020. Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Thị hiếu tiêu dùng rau quả ở Trung Quốc cũng khá rõ nét: Người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải (3 – 4 kg/quả), ngọt đậm…

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), cho hay, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh… Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% nhu cầu lương thực thực phẩm của Trung Đông phụ thuộc vào NK. Năm 2016, NK lương thực, thực phẩm của Trung Đông là 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.