Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (28/11 – 4/12)

Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch.

1. Các tỉnh phía Bắc

Cây ngô: Sâu đục thân, bắp, rệp, chuột tiếp tục tăng.

Rau màu: Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại và có xu hướng tăng.

Cây cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo, ruồi đục quả tiếp tục gây hại các vườn cây già cỗi.

Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn gây hại cục bộ trên đồng ruộng. Châu chấu lưng vàng tiếp tục gây hại tại Nghệ An, Thanh Hóa.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước .

Cây ngô và rau màu: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại.

Cây cà phê: Rệp sáp, rệp vảy, khô cành tiếp tục gây hại.

Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm tiếp tục gây hại.

Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng tiếp tục gây hại.

Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma,… gây hại cục bộ mía vùng ổ dịch.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành, cần theo dõi diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân khuyến cáo vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất kỹ, gia cố bờ bao, tăng cường bơm rút nước, đặc biệt phải theo dõi bẫy đèn để tập trung xuống giống đồng loạt, né rầy. Bệnh đạo ôn lá và bệnh bạc lá tiếp tục phát triển ở nhiều địa phương trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm.

Cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng.

Cây dừa: Diện tích nhiễm bọ cánh cứng và diện tích nhiễm bọ vòi tăng.

Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (20.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ.

Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô, rau màu: Các đối tượng gây hại phát sinh nhẹ đến trung bình.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng.

– Cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo… gây hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém.

– Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn… hại cục bộ trên đồng ruộng.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

– Cây lúa: Trên lúa đông xuân cực sớm, lúa mùa đẻ nhánh – làm đòng, bệnh đạo ôn hại lúa nhẹ. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

– Cây trồng khác: Cây cà phê rệp sáp, rệp vảy, bệnh khô cành, gỉ sắt, đốm mắt cua,… hại tăng. Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm… hại tăng. Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, nấm, thán thư… tiếp tục gây hại. Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma… hại cục bộ vùng ổ dịch. Cây dừa: Bọ cánh cứng, đốm lá, thối nõn… tiếp tục gây hại. Cây sầu riêng: Bệnh nứt thân xì mủ, nấm hồng, thán thư… tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

– Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 3 – 5, rải rác có rầy trưởng thành di trú do lúa thu đông đang thu hoạch rộ. Bệnh đạo ôn phát triển, có thể gia tăng nhiễm trên trà lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng đối với các trà lúa mới gieo sạ, bệnh bạc lá ở giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng.

– Cây trồng khác: Cây thanh long bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm. Cây điều: Bệnh thán thư tăng. Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Những mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp trồng rau thủy canh lợi nhuận cao

Anh Trần Thiện Phi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã trải qua nhiều nghề khác nhau như làm ruộng, nuôi gà, vịt, cá… nhưng cuối cùng đã chọn con lươn để làm giàu.

Anh Phi kể: Ban đầu bắt tay vào nghề nuôi chỉ có 25m2 nuôi trong 2 bể, sau nhiều vụ thành công và rút kinh nghiệm, hiện anh sở hữu 20 bể lươn tương đương với 500m2. Ngoài nuôi lươn thương phẩm, anh còn nhân giống, bình quân mỗi năm sản xuất trên 100.000 con giống.

Mô hình nuôi lươn của anh Phi kết hợp trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả cao

Theo tính toán của anh, với 20 bể nuôi, mỗi năm thu hoạch từ 8 – 12 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ thả nuôi nhiều đợt nên lươn thu hoạch quanh năm. Ngoài nuôi lươn, anh còn sáng kiến trồng rau cần nước (cần ống) trên mặt bể và các loại rau răm, rau om, mướp xen kẽ vào các khoảng đất trống theo mô hình chăn nuôi khép kín giúp tăng thêm thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/vụ (lươn nuôi 6 – 8 tháng). Chỉ riêng rau cần ống, mỗi tuần anh cũng thu hoạch khoảng 20kg/bể, bán với giá 15.000đ/kg. Trồng rau hoàn toàn không dùng phân hóa học và thuốc BVTV.

Còn ông Lê Văn Bút ở cùng xã Thạnh Phú sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lươn không bùn và không ngừng mở rộng thêm bể nuôi, đến nay đã sở hữ 6 bể với diện tích gần 150m2.

Ông Bút cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000m2 đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ đường. Thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao, tôi cũng chuyển sang nuôi lươn. Lúc đầu gặp không ít khó khăn nhưng nhờ siêng năng, chịu khó, ham học hỏi… dần dà tay nghề cũng khá lên”.

Nuôi lươn không bùn phát triển mạnh ở Cờ Đỏ

1 bể nuôi lươn 20m2 (4 x 5m), ông Bút thả 50kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 75 con/m2, tỷ lệ sống 70%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 180 – 200gram/con, thu hoạch khoảng 200kg lươn thịt, bán với giá bình quân 180.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, thức ăn, dụng cụ làm bể bạt, công chăm sóc…), ông thu gần 16 triệu đồng.

Ông Bút chia sẻ kinh nghiệm, để nuôi lươn tốt nên chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió. Cắm trụ, dùng bạt nilon loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể 20m2, chiều cao bể 1 – 1,2m. Nước được lọc và diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng mới đưa vào bể. Mực nước tốt nhất trong bể từ 20 – 30cm. Thả rau cần ống và trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.

Nuôi lươn không bùn được siêu thị Metro Cần Thơ bao tiêu sản phẩm

Vấn đề chọn thả con giống rất quan trọng, nên chọn lươn màu vàng sẫm để nuôi vì đây là loại lươn có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt. Lươn giống 30 – 60 con/kg thả 1 bể là phù hợp. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua phải để ý nguồn gốc, vì cỡ này hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do giãn cột sống lúc bị đánh bắt. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không xây xát, khỏe mạnh. Mật độ thả tốt nhất là 60 – 80 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối loãng trong 3 – 5 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nông nghiệp 4.0 và khả năng áp dụng ở Việt Nam: Nông nghiệp 4.0 là gì?

Nông nghiệp 4.0 còn được coi là hàm số của Nông nghiệp thông minh x Công nghệ thông minh x Thiết kế thông minh x Doanh nghiệp thông minh. Ở châu Á, Ấn Độ khó áp dụng cách mạng nông nghiệp 4.0 đầy đủ

Cà chua ứng dụng công nghệ điện toán đám mây “Akisai” có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với sản phẩm thông thường, Viện nghiên cứu rau quả.

Tuy nhiên Thái Lan đang phấn đấu còn Đài Loan tự hào là nơi cung cấp thiết bị cho nông nghiệp 4.0 chỉ sau một vài nước phát triển.

Việt Nam chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, mới có một số mô hình thông minh thông qua hợp tác quốc tế về canh tác lúa, rau. Chính phủ cần kịp thời định hướng cho nghiên cứu, triển khai mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ.

Khái niệm và xuất xứ của nông nghiệp 4.0

Theo khái niệm của Hiệp hội Máy Nông nghiệp Châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017):

1) Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nền nông nghiệp đó có khả năng nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ và một phần ba dân số tham gia vào quá trình sản xuất nguyên liệu thô.

2) Nông nghiệp 2.0, đó là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, khởi đầu là giống lúa mì lùn cải tiến, nhưng phải dựa nhiều vào bón thêm đạm, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tổng hợp, cùng với máy móc chuyên dùng, cho phép hạ giá thành và tăng năng suất, đem lại lợi nhuận cho tất các các bên tham gia.

3) Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. Bắt đầu khi định vị toàn cầu (GPS) được ứng dụng đầu tiên để định vị và định hướng. Thứ hai là điều khiển tự động và cảm biến (sensor) đối với nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, dinh dưỡng, từ những năm 1990, máy gặt đập liên hợp được gắn thêm màn hình hiển thị năng suất dựa vào định vị GPS. Thứ ba là tiến bộ công nghệ sử dụng các thiết bị không dây (Telematics).

4) Nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức.

Tương tự với “Công nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp). Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình SX, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị. Một số thuật ngữ khác thường được sử dụng như “Nông nghiệp thông minh” và “Canh tác số hóa”, dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp. Các thiết bị thông minh bao gồm các cảm biến, các bộ điều tiết tự động, công nghệ có thể tính toán như bộ não và giao tiếp kỹ thuật số. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự tiến hóa tiếp theo, bao gồm những hoạt động không cần có mặt con người trực tiếp và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động.

Theo tổng kết ở Mỹ đến nay các thành phần chủ yếu của nông nghiệp 4.0 thường được hiểu như sau:

1). Cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors): Từ dinh dưỡng đất kết nối với máy chủ và các máy kết nối khác là thành phần chủ yếu của nông nghiệp hiện đại.

2). Công nghệ đèn LED đang trở thành tiến bộ không thể thiếu để canh tác trong nhà vì sự đáp ứng sinh trưởng và năng suất tối ưu.

3). Người máy (Robot) đang thay việc cho nông dân thường làm. Người máy cũng có cả các bộ phân tích nhờ các phần mềm trợ giúp phân tích và đưa ra xu hướng trong các trang trại.

4). Tế bào quang điện (Solar cells). Phần lớn các thiết bị trong trang trại được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời trở nên quan trọng.

5). Thiết bị bay không người lái (Drones) và các vệ tinh (satellites) được sử dụng để thu thập dữ liệu của các trang trại.

6). Canh tác trong nhà/hệ thống trồng cây – nuôi cá tích hợp/Thủy canh (khí canh): Hiện nhiều giải pháp đã được hoàn thiện.

7). Công nghệ tài chính phục vụ trang trại (Farm Fintech): Fintech nghĩa là kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty tài chính sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Farm Fintech bao gồm dịch vụ cho vay, thanh toán, bảo hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện khác đang diễn ra như: Các sản phẩm vật chất được nâng cao giá trị gia tăng nhờ các dịch vụ với những thuật toán dùng để biến đổi dữ liệu thành thông tin gia tăng giá trị, tối ưu hóa sản phẩm, các quá trình nông học, giảm thiểu rủi ro và hạn chế những nguy hiểm do tác động của máy móc cơ giới hư hỏng, thời tiết hoặc dịch bệnh gây ra. Hay nông nghiệp sinh thái (tương tự mô hình VAC ở Việt Nam), với những hệ điều hành kết hợp được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, từ các bộ cảm biến (có thể cảm nhận nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng đất để phát tín hiệu cho người sản xuất), thiết bị, từ nguồn dữ liệu thu thập từ đồng ruộng hay trang trại. Nông dân/chủ trang trại điều hành thông qua bảng điều khiển có thông tin thời gian thực và gần thực, và đưa ra các quyết định dựa trên các giả thiết định lượng để tăng hiệu quả tài chính.

Nội hàm của nông nghiệp 4.0

Nông nghiệp 4.0 bao hàm nghĩa rộng của cả trồng trọt, chăn nuôi (có thể hiểu rộng hơn sang cả thủy sản và lâm nghiệp) về nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất. Nông nghiệp hiện đại quan tâm đến độ bền vững và các giải pháp an toàn. Canh tác (Farming) là thực hiện những kỹ thuật như làm đất, gieo cấy, tỉa cành, luân canh, chăm sóc, thu hoạch, với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số. Thuật ngữ Canh tác 4.0 (Farming 4.0) xuất hiện vào những năm 2010. Đó là các canh tác năng động và hiệu quả.

Theo khái niệm của Mạng lưới Chuyên đề Canh tác Thông minh Châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng Xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot)…, tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn, đó là: 1). Hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của trang trại. 2). Nông nghiệp chính xác, thông qua các hệ thống có thể quản lý độ biến động theo không gian và thời gian để cải thiện hiệu quả kinh tế đầu tư và giảm thiểu tác hại của môi trường.

Nông nghiệp chính xác còn được hiểu là nền nông nghiệp có thể nuôi sống cả dân số thế giới dự báo 10 tỉ người vào năm 2050. Nông nghiệp chính xác, tức ngành nông nghiệp sử dụng cảm biến và các thuật toán thông minh để phân phối nước, phân bón và thuốc trừ sâu, đáp ứng cho cây khi cây thực sự cần, nhằm đảm bảo tính sinh lời, tính bền vững và bảo vệ môi trường. Nông dân có thể quyết định tưới tiêu khi thực sự cần thiết và tránh việc lạm dụng thuốc trừ sâu, họ sẽ có thể tiết kiệm được chi phí và nâng cao sản lượng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng cà chua thân gỗ tại nhà

Cà chua thân gỗ hay còn có tên gọi là Tamarillo, có xuất xứ từ Ecuador và đã được trồng thành công tại Việt Nam, hiện đang là loại quả khiến các bà nội trợ tích cực săn lùng.

Loại cà chua thân gỗ này có nhiều thịt hơn, thơm hơn và có vị chua ngọt. Không chỉ sử dụng trong nấu ăn, cà chua thân gỗ còn được dùng chủ yếu để làm salad, hoặc ăn trực tiếp như hoa quả bình thường, làm nước ép trái cây vì rất giàu các vitamin và khoáng chất. Quả Cà chua thân gỗ – Tamarillo thường có màu cam hoặc màu đỏ, quả hình elip. Quả cà chua thân gỗ này cũng rất giống với cà chua thường mà chúng ta vẫn hay sử dụng, nhưng mức giá thì lại đắt gấp gần 50 lần.

Hãy cùng tìm hiểu cách trồng loại cà chua đang làm mưa làm gió này cho khu vườn nhà bạn thôi để khỏi xót tiền mỗi lần phải mua chúng.

Thời điểm gieo hạt thích hợp nhất là mùa xuân, khi thời tiết mát mẻ. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng có bán với giá khoảng 30.000đ/gói (4 hạt) và gieo như cách gieo hạt cà chua đỏ thông thường ở Việt Nam.

Sau khi cây ra lá và đủ lớn thì bạn chuyển chúng ra đất trồng. Tuy nhiên cần lưu ý, đây là giống thân gỗ và tán lớn, cho nên chỉ có thể trồng ngoài vườn hoặc trong bồn lớn mà không nên trồng trong chậu hoặc thùng xốp để cây có thể phát triển tốt nhất.

Thời gian ra quả sau gần một năm tính từ khi trồng cây con. Cây con khỏe mạnh, phát triển nhanh và có sức đề kháng tốt, thích hợp trồng ở môi trường Việt Nam. Cây có thể ra quả quanh năm, và có thể thọ đến 20 năm tuổi.

Tuy nhiên, giống như các giống cây cà thông thường, thân cây cà chua rất giòn và dễ gãy, cho nên thường người ta sẽ kết hợp với giàn đỡ để cây không bị quá nặng, vì mỗi một đợt ra quả, cây có thể cho thu hoạch từ 40-60kg.

Theo như những người đã trồng thành công cây cà chua thân gỗ này thì cây cà chua nhà chị không thấy bị sâu bệnh và cũng không cần chăm bón quá nhiều như các loại quả và rau khác. Bạn cũng có thể dùng phân hữu cơ, phân gà, phân vi sinh để bón cho cây.

Loại cà chua này đang được bán trên thị trường với giá từ khoảng 500.000đ – 1.000.000đ, và thường không có sẵn mà phải đặt trước nhiều ngày rồi nhập khẩu về.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cà chua trái cây được trồng từ sữa và trứng

Giống cà chua trái cây có nguồn gốc từ nước Nhật, chỉ là cà chua bình thường. Tuy nhiên, quy trình chăm sóc và tưới tắm lại đặc biệt không giống bất kỳ loại cây ăn quả nào. Đó là phân bón được thay bằng hỗn hợp sữa và trứng gà

Một người phụ nữ tên Phạm Thị Xuân Thủy ở Lâm Đồng là người tiên phong trong việc áp dụng cách trồng trọt của người Nhật vào Việt Nam.

Đầu tiên, một hệ thống nhà kính được lắp đặt với khung sắt không gỉ. Ngoài ra, còn lắp thêm hệ thống tưới tiêu tự động nhỏ giọt để tạo độ đồng đều chăm bón. Sau đó, sẽ chọn giống cà chua thường trước khi ghép với giống cà chua Nhật.

Cà chua sẽ được trồng bình thường đến khi nó trổ hoa thì bắt đầu áp dụng phương pháp tưới tiêu đặc biệt. Hỗn hợp sữa bò, sữa bột, trứng gà và mật mía được lên men trong một tuần và tiến hành tưới tiêu đều cho các cây.

Công thức pha trộn cũng được điều chỉnh để hợp hơn với khí hậu và thời tiết Việt Nam. Kết quả thu hoạch được khoảng 8-10kg mỗi cây và cứ 50-60 ngày cây bắt đầu cho trái.

Mục đích của hỗn hợp tưới tiêu trứng sữa này là cà chua sẽ hạn chế hết mức bị sâu bệnh phá hoại và có vị ngọt thanh chứ không chua như cà chua thường. Đặc biệt hơn nữa là, khi ăn có mùi thơm từ trứng sữa và không hề tanh.

Hỗn hợp này có giá thành khá cao và đòi hỏi kỳ công, vì thế mà cà chua trái cây đắt gấp nhiều lần các giống cà chua khác là điều dễ hiểu. Mỗi cân có giá lên đến 100 ngàn đồng

Ngoài việc mang lại vị giác tươi mới, giống cà chua này cũng đặc biệt chứa hàm lượng oxy hóa cao, ngăn ngừa ung thư nhất là ung thư tuyến tiền liệt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tỏi voi Nhật Bản trồng được ở “Vương quốc tỏi” Lý Sơn

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa loại tỏi voi ra trồng ở “vương quốc tỏi” Lý Sơn…

Một doanh nghiệp của Nhật Bản vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn về việc thông qua dự án phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn. Theo doanh nghiệp này, nếu trồng tỏi voi, người dân sẽ nâng cao ý thức phân loại rác thải để chế biến phân hữu cơ đạt chất lượng và mang đến Quảng Ngãi mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu Nhật Bản tại Việt Nam.

Tỏi Lý Sơn vang danh không chỉ trong nước sẽ gặp khó với tỏi Nhật Bản?

Doanh nghiệp muốn trồng tỏi là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản). 2 doanh nghiệp này giới thiệu về sản phẩm tỏi voi và lĩnh vực sản xuất kinh doanh. CAN Holdings là Công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tỏi voi là một trong những sản phẩm được Công ty sản xuất tại Nhật Bản.

Theo lời giới thiệu của CAN Holdings tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỏi voi giống tỏi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và tốt cho sức khỏe. Để sản xuất 100m² tỏi voi cần khoảng 1 tấn phân bón hữu cơ. Sản lượng đạt 4,5 tấn/ha. Ở Nhật trị giá 1kg tỏi voi có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Do đó, để sản xuất giống tỏi này đạt chất lượng cần chi phí lớn, đòi hỏi phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rác thải làm phân hữu cơ không có kim loại và chất độc.

Nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn

Được biết, nếu dự án thành hiện thực, 2 công ty này, sẽ mang giống tỏi voi sang trồng tại đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Được biết, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã mang mẫu tỏi voi tới Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn để giới thiệu, mặc dù vậy, một số người dân Lý Sơn cho rằng, nếu trồng tỏi voi trên đảo, thương hiệu tỏi Lý Sơn vang danh bấy lâu nay sẽ bị ảnh hưởng.

Khí hậu và thổ nhưỡng cho phép Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”

Đảo Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” bởi khí hậu, thổ nhưỡng của hòn đảo này cho phép người nông dân trồng được loại tỏi tép nhỏ, thơm, nhiều chất dinh dưỡng mà lại không quá cay nồng. Tỏi Lý Sơn không chỉ là một nông sản vang tiếng trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Hiện nhiều doanh nghiệp tỏi cũng đang xuất khẩu tỏi Lý Sơn qua các nước như Quata, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và cả… Nhật Bản

Nguồn: Danviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bộ cảm biến ngăn chặn lãng phí nước trong tưới tiêu cây trồng

Một kỹ thuật mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania của Mỹ sáng chế sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả người nông dân trong việc tưới tiêu, ngăn chặn sự lãng phí nước và tránh cho cây thiếu nước. Đó là các bộ cảm biến thực vật đo độ dày và điện dung của lá.

Kiểm soát sự căng thẳng về nước của cây trồng đặc biệt quan trọng ở những khu vực khô cằn thường được thực hiện bằng cách đo độ ẩm của đất hoặc xây dựng các mô hình nhằm tính toán tổng lượng nước bốc hơi ở mặt đất và sự thoát hơi nước của cây trồng.

Bộ cảm biến cung cấp nước cho cây trồng

Tuy nhiên, một kỹ thuật mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania của Mỹ sáng chế sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả người nông dân trong việc tưới tiêu, ngăn chặn sự lãng phí nước và tránh cho cây thiếu nước. Đó là các bộ cảm biến thực vật đo độ dày và điện dung của lá.

Công trình thử nghiệm được thực hiện trên cây cà chua trong một nhà kính với nhiệt độ không đổi và chu kỳ sáng tối 12 giờ trong 11 ngày. Môi trường tăng trưởng là một hỗn hợp đất, than bùn với lượng nước được ghi nhận bằng một cảm biến đo độ ẩm đất.

Hàm lượng nước trong đất được duy trì ở mức tương đối cao trong ba ngày đầu và sau đó được phép khử nước, trong thời gian 8 ngày. Các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên sáu chiếc lá đã được tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng và gắn cảm biến vào chúng, tránh các gân lá chính và các cạnh. Họ ghi lại các số liệu trong khoảng năm phút một lần.

Sự thay đổi độ dày của lá hằng ngày là không đáng kể khi độ ẩm của đất dao động từ cao đến điểm héo. Tuy nhiên, sự thay đổi đã được ghi nhận ở ẩm độ đất thấp hơn điểm héo và độ dày này ổn định trong hai ngày cuối cùng của thí nghiệm khi hàm lượng hơi nước đạt 5%.

Điện dung ở lá gần như không đổi ở một giá trị tối thiểu trong suốt thời kỳ tối và tăng nhanh trong thời kỳ sáng, cho thấy nó phản ánh hoạt động quang hợp. Các biến thể điện dung hằng ngày biến đổi khi độ ẩm của đất dưới điểm héo và hoàn toàn giảm xuống dưới mức dung lượng nước 11%, cho thấy ảnh hưởng của áp suất nước lên điện dung đã được quan sát qua ảnh hưởng của nó đối với quang hợp.

Nhà khoa học Amin Afzal, thuộc Đại học bang Pennsylvania, thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Độ dày của lá giống như một quả bóng – nó phồng lên do sự hydrat hóa và co lại bởi sự căng thẳng của nước, hay mất nước”.

Cơ chế đằng sau mối quan hệ giữa điện dung của lá và nước là phức tạp. Điện dung của lá thay đổi để đáp ứng sự thay đổi tình trạng nước của cây trồng và ánh sáng xung quanh.Vì vậy, việc phân tích chiều dày lá và biến thể điện dung cho thấy tình trạng nước của cây được cung ứng tốt hay là bị khô hạn.

Nghiên cứu này cũng nhằm phát triển một hệ thống mà các cảm biến gắn trên lá sẽ gửi thông tin chính xác về độ ẩm thực vật tới một đơn vị trung tâm ở cánh đồng, sau đó truyền thông theo thời gian thực cùng hệ thống tưới tiêu để tưới cho cây trồng. Các cảm biến có thể được cung cấp điện không dây với pin hoặc pin mặt trời.

Trong một nghiên cứu tiếp theo, Afzal vừa hoàn thành việc đánh giá cảm biến lá trên cây cà chua trong nhà kính. Ngoài ra, ông đang phát triển một thuật toán để chuyển biến dạng độ dày và điện dung của các lá phiếu sang các thông tin có ý nghĩa về tình trạng nước cây.

Nguồn: Dwrm.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bệnh mốc sương cà chua

Trong điều kiện độ ẩm cao, nhiều đám mốc trắng bắt đầu xuất hiện trên mặt các vết này. Khi khô, các vết đó sẽ biến màu nâu như màu gan và dễ vỡ khi va chạm nhẹ.

Các vết màu nâu đậm cũng có thể được hình thành từ ban đầu trên thân, cuống lá và quả cà chua. Sau đó, chúng chuyển qua màu nâu đen. Những tổn thương thường xuất hiện sớm trên quả non. Khi quả chín, để lại những vết nâu như màu sô cô la trên bề mặt quả.

Bệnh mốc sương cà chua

Nguyên nhân gây bệnh

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh ban đầu là các sợi nấm của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bào tử nang hình thành trên các vết thương tổn và sản sinh ra các động bào tử nấm bệnh. Nhờ nước tự do, các động bào tử xâm nhập vào trong cây qua lỗ khí khổng hoặc các vết thương.

Bệnh xuất hiện và phát triển trên đồng ruộng khi có nhiệt độ thấp (khoảng 20 độ C) và độ ẩm cao. Ở thời gian vụ ĐX, nhiệt độ thấp lại thường có mưa phùn kéo dài trong nhiều ngày là điều kiện lý tưởng để bệnh mốc sương phát sinh. Dưới điều kiện thích hợp, có thể xảy ra nhiều đợt bùng phát bệnh trong một vụ do giai đoạn ủ bệnh ngắn.

Khi chuẩn bị trồng cần vệ sinh đồng ruộng bằng cách dọn sạch hoàn toàn các cây bị bệnh và phần còn lại của chúng từ các vụ trước. Kế đó là việc chọn giống. Trong những giống có năng suất cao, nên chọn trồng các loại có khả năng kháng bệnh tốt, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Độ ẩm trên ruộng cũng nên giữ ở mức thấp trong chừng mực có thể, bằng cách điều chỉnh việc tưới nước.

Nhiệt độ thấp lại thường có mưa phùn kéo dài trong nhiều ngày là điều kiện lý tưởng để bệnh mốc sương phát sinh

Nên trồng luân canh các loại cây khác nhau, vụ này cây này, vụ sau cây khác. Đặc biệt sau vụ có bệnh bùng phát mạnh. Do bệnh mốc sương gây hại cả trên cà chua và khoai tây, nên lưu ý nếu thấy những ruộng khoai tây gần đó bị bệnh này thì nên phun thuốc phòng.

Phòng trị bệnh

Các thuốc hoá học thường dùng có khá nhiều như các hoạt chất Chlorothalonil (Daconil 500SC…), Folpet (Folpan 50WP…), Mancozeb (Manozeb 80WP…), Metalaxyl+Mancozeb (Ricide 72WP…). Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện. Điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 – 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng.

Thường xuyên thăm đồng, nếu thấy vết bệnh xuất hiện thì phun thuốc càng sớm càng tốt, không nên để bệnh nặng mới đi phun. Việc phun liên tiếp một loại thuốc trừ bệnh trong nhiều lần có thể dẫn đến sự kháng thuốc của mầm bệnh, vì thế làm giảm hiệu lực phòng trừ. Để tránh điều này, nên sử dụng đảo các loại thuốc với nhiều kiểu tác động khác nhau (tiếp xúc, nội hấp…) trong một chu kỳ phun.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

7 loại thuốc trừ sâu thiên nhiên có thể tự chế tại nhà

1. Nước cây xoan (cây sầu đâu)

Người Ấn Độ cổ đại rất coi trọng chất dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng. Thực tế, nước từ quả xoan và lá cây còn có thể làm dung dịch trừ sâu bởi chất đắng chứa bên trong.

Dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng

Cụ thể, người dùng hòa 15 ml dầu xoan và một phần thìa cà phê nước rửa bát vào khoảng 1,9 lít nước ấm, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Dầu xoan có thể thay bằng dung dịch nước từ quả hoặc lá xoan phơi khô, nghiền nhỏ. Dung dịch này có hiệu quả với hầu hết các loại sâu, rệp.

2. Dầu khoáng nông nghiệp

Dầu khoáng được chưng cất từ dầu mỏ ở 30-40 độ C có khả năng trừ sâu mà không làm cháy lá cây. Để làm dung dịch diệt trừ sâu bọ, người dùng trộn khoảng 5-10 ml dầu khoáng với một lít nước, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Đây là thuốc trừ sâu hiệu quả với những loại côn trùng và trứng của chúng. Cụ thể, dầu giúp bịt các lỗ thở, làm sâu ngạt thở và chết, làm trứng sâu bị ung, đồng thời hạn chế sâu hại tìm đến cây chủ.

Nông dân thường dùng dầu khoáng để diệt trừ nhện hại, rầy, rệp, bọ trĩ và hạn chế ruồi, sâu đục quả. Tuy nhiên, người dùng không phun dầu khoáng trong giai đoạn cây ra hoa hoặc dưới trời nắng nóng.

3. Dung dịch từ ớt và tỏi, gừng

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại. Để làm dung dịch này, người dùng băm nhỏ ớt, tỏi, gừng theo tỷ lệ 1: 1: 1, sau đó thêm khoảng 3 lít rượu vào hỗn hợp và để ngâm trong khoảng 15 ngày.

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại

Khi phun, dung dịch được hòa với nước theo tỷ lệ 200ml tỏi gừng ót với 12 lít nước cho một sào. Loại thuốc trừ sâu thảo mộc này có thể để tới 4, 5 tháng.

4. Trà hoa cúc

Hoa cúc chứa một thành phần hóa học thực vật mạnh có tên gọi pyrethrin. Chất này sẽ xâm chiếm hệ thần kinh của côn trùng và làm chúng không hoạt động được.

Có thể chế tạo dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc

Người dùng có thể tự chế dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc bằng cách đun sôi 100 gram hoa cúc phơi khô với một lít nước trong vòng 20 phút, sau đó, lọc lấy nước, để nguội rồi cho vào bình xịt. Loại thuốc này hiệu quả đối với động vật có máu lạnh, côn trùng và động vật không xương sống. Nước hoa cúc giữ được tới 2 tháng. Người dùng có thể trộn thêm với dầu cây xoan để tăng hiệu quả.

5. Dung dịch từ thuốc lào

Dung dịch từ thuốc lào từng được sử dụng để tiêu diệt sâu hại, nhộng bướm, rệp và các loài nhuyễn thể như sên. Để điều chế, người dùng trộn thuốc lào hoặc lá, thân của cây thuốc lá đã phơi khô với 3,7 lít nước và ngâm hỗn hợp qua đêm. Sau 24 giờ, hỗn hợp ngâm có màu nâu nhạt, nếu dung dịch quá sẫm màu, người dùng nên thêm nước. Thời điểm thích hợp để phun dung dịch này là khi nhiệt độ khoảng trên 30 độ C. Hỗn hợp có thể dùng cho hầu hết các loại thực vật ngoại trừ các cây thuộc họ cà như cà chua, ớt, cà tím…

6. Cây ruốc cá

Cây ruốc cá (cây dây mật) được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng, rầy xanh, rệp bông… Tại một số vùng ở nước ta, người dân hái cây duốc cá tươi, làm thành vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh.

Để điều chế thuốc trừ sâu rầy từ cây ruốc cá, bạn ngâm rễ cây rồi giã, vắt lấy nước, sau đó đem phun. Ngoài ra, hạt cây khi rang lên, giã thành bột cũng có thể đem ngâm nước rồi phun. Khoảng 7kg bột cây ruốc cá có thể ngâm với 400 – 500 lít nước và phun cho khoảng một ha.

Thuốc bảo vệ thực vật từ cây ruốc cá cho hiệu quả 70-80% với sâu ba ba hại rau muống, rầy xanh hại chè, rầy bông, tuy nhiên không độc với bọ rùa, ong mắt đỏ.

7. Cây nghể răm

Cây nghể răm không độc với người nhưng độc với các loài nhuyễn thể, giun, sán, rệp muội, các loại sâu ăn lá nên loại cây này còn được dùng để trị các bệnh về giun sán và tiêu hóa.

Người dùng lấy cây nghể răm giã nhuyễn, ngâm với khoảng 3 lít nước ấm (tỷ lệ pha 3 sôi : 2 lạnh) sau đó lọc, pha lại với 8 lít nước để phun cho diện tích 500m².

Ngoài ra, bạn có thể đun 4kg cây nghể răm trong 8 lít nước, sau khi sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp để ngâm qua đêm, sau đó lọc và đem phun cho 500m2 ruộng. Để tăng hiệu quả, người dùng có thể pha thêm với dung dịch thuốc lào.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.