Kỹ thuật trồng dưa leo trong thùng xốp tại nhà

Dưa leo (tên khoa học Cucumis sativus) là một cây trồng phổ biến trong họ bầu bí Cucurbitaceae, là loại rau ăn quả thương mại quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước.

Là món ăn vừa giàu dinh dưỡng lại rất tốt cho da. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể bắt tay vào trồng dưa leo tại nhà mà không hề tốn nhiều công sức và thời gian.

Dưa leo

Bước 1: Chọn hạt giống dưa

Hiện nay trên thị thường có rất nhiều giống dưa leo khác nhau. Phổ biến nhất là giống dưa chuột leo giàn, ngoài ra còn có những loại giống dưa chuột khác như dưa leo xanh, dưa leo trắng, dưa leo gai, dưa leo Thái…
Hạt giống dưa leo
Tùy theo mục đích và điều kiện trồng để xác định xem nên chọn trồng giống dưa leo nào để dễ canh tác, chăm sóc và thu hoạch. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng bán hạt giống rau hoặc siêu thị.

Bước 2: Chuẩn bị đất trồng

Trộn đều đất và phân bò theo tỷ lệ 7/3. Trộn thêm 20g phân lân, 20g NPK, 50g vôi, 20g hữu cơ vi sinh vào mỗi thùng xốp. Đổ đất vào thùng xốp lớp dày chừng 20-30cm.

Chuẩn bị đất trồng

Bước 3: Gieo hạt

Hạt giống dưa leo có thể gieo trực tiếp không cần ngâm ủ. Hạt gieo dưới lớp đất với khoảng cách từ 20-30cm, gieo xong phủ hạt bằng lớp đất mỏng. Sau khi gieo hạt xong, tưới nước bằng vòi phun nhẹ nhằm tạo đủ độ ẩm cho đất, tưới 2 lần/ngày.

Gieo hạt

Bước 4: Chăm sóc

Cây dưa leo phát triển nhanh và không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Chỉ cần tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. Nếu tước quá nhiều khiến đất quá ẩm ướt, ngập úng thì cây sẽ rất dễ chết. Tưới ít nước cũng khiến cây bị thiếu nước không thể sinh trưởng tốt.
Nên trồng dưa leo ở những nơi có nhiều ánh sáng thì trái sẽ nhanh lớn và đạt năng suất cao.
Khi dưa leo cao 20cm chúng ta bắt đầu làm giàn. Giàn dưa leo có thể làm bằng lưới, tre hoặc cây có nhiều nhánh. Bón phân đạm và NPK 2 lần/tháng.

Bước 5: Thu hoạch

Cây dưa leo sau khi trồng khoảng 60-80 ngày, tùy theo giống cây trồng và điều kiện chăm sóc thì dưa cho thu trái. Thu hoạch dưa leo tốt nhất là vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ vẫn còn mát mẻ.
Dưa leo tươi tốt khi được chăm sóc đúng cách
Tổng hợp từ Farmtech Viet Nam.

Mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu.

Dưa chuột (tên khoa học Cucumis sativus) (miền nam gọi là dưa leo) là một cây trồng phổ biến trong họ bầu bí cucurbitaceae, là loại rau ăn quả thương mại quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước.

Cây giống.

Có thể mua hạt giống ở những trung tâm giống, ở mỗi tỉnh đều có trung tâm giống cây trồng vật nuôi.

Đất trồng.

Dưa chuột bao tử thích hợp trồng trên đất pha cát, đất thịt nhẹ, phát triển tốt ở độ ẩm 70-80%. Do đó, người trồng cần đánh luống cao, rãnh sâu để cây non không bị úng rễ, cây trưởng thành hạn chế sâu bệnh.

Kỹ thuật trồng.

Dùng cây nứa hoặc vật liệu sẵn có làm giàn cho cây, giàn cao 1,2-1,5m. Có sự phân tầng, khoảng cách giữa các chân giàn 20-25cm tùy theo khoảng cách cây trồng. Dựng giàn theo luống, đan chéo cây cọc cho chắc chắn.
Khoảng cách mỗi gốc dưa khoảng 20-40cm, một luống trồng từ 200 đến 250 cây.

Chăm sóc.

Thường xuyên kiểm tra, phòng và trừ sâu bệnh,  làm cỏ, bón phân cân đối, dọn dẹp ruộng thường xuyên.
Giữ đủ nước ở rãnh luống, cây leo đến đâu cần buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó. Người chăm sóc cũng phải thường xuyên cắt tỉa các loại lá vàng, đốm héo nhằm tránh lây lan bệnh cho vườn. Chu kỳ phun thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly giữa mỗi kỳ là 3-4 ngày.

Thu hoạch.

Sau khi trồng từ 30 đến 35 ngày, dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hái cách nhau khoảng 4 ngày.
Dưa bao tử lớn rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày có thể đạt kích cỡ tiêu chuẩn từ 3 đến 5cm nên cần thu hái thường xuyên. Vào dịp thu hoạch, người dân có thể hái 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều. Nếu để quá kích cỡ, giá bán sẽ bị giảm.
Sản lượng dưa chuột bao tử trung bình đạt khoảng 1,5 tấn trên mỗi ha. Giá thu mua ổn định ở mức 7.000 đồng một kg, loại to hơn có giá 4.500-5.000 đồng một kg. Chi phí sản xuất gồm tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tre, nứa bắc giàn chỉ từ 500.000 đến 700.000 đồng cho cả vụ. Lợi nhuận thu về cao gấp 2 lần trồng lúa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp trồng dưa leo thủy canh

Khi thực phẩm bẩn là một trong những mối lo ngại của người dân hiện nay thì mọi người có xu hướng tìm đến rau an toàn.

Thủy canh là phương pháp trồng rau an toàn không còn xa lạ với nhiều ưu điểm: không cần đất, không cần tưới, trồng được nhiều vụ, sản phẩm sạch…Sau đây Fman xin giới thiệu phương pháp trồng thủy canh không hồi lưu cây dưa leo:

Cây dưa leo trồng theo phương pháp thủy canh

1.Chuẩn bị vật liệu

  • Hộc thủy canh

Hộc thủy canh dưa leo có thể làm bằng gạch, hộp xốp đựng trái cây hoặc những vật liệu tương tự. Hộc có bề dày từ 5 – 6 cm để giữ cho nhiệt độ dung dịch được thấp.

  • Nắp hộc

Nắp hộc (nắp đậy) là nơi đặt giá thể trồng cây, nắp hộc được đục lỗ tròn tương ứng với kích thước của rọ nhựa. Vật liệu sử dụng nhẹ như tấm xốp, hoặc nhựa tổng hợp,…

  • Túi để cây (rọ nhựa)

Giá thể được sử dụng là vỏ trấu hoặc vermiculite. Rọ nhựa có đục lỗ cho rễ mọc ra và để chìm trong dung dịch dinh dưỡng chừng 1 – 3 mm để giữ ẩm cho giá thể, tạo điều kiện cho cây hô hấp.

  • Lưới bao quanh hệ thống thủy canh

    Cây trồng thủy canh được bố trí trong nhà lưới đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh như mưa gió, sâu bọ, côn trùng gây hại,…

  • Thiết bị tự động điều khiển mực nước

    Thiết bị phao nổi: Dung dịch dinh dưỡng được chứa trong hộc hoặc thùng xốp (50 x 35 x 35cm). Dung dịch dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ bên trong thùng xốp, rễ cây được hoàn toàn chìm trong đó. Phao nổi được đặc cách mặt thùng từ 3-4 cm, để khi dung dịch đã giảm đi vài centimet, nước sẽ được cung cấp tự động từ nguồn nước để khôi phục lại mực nước ban đầu.

Thiết bị phao nổi là một giải pháp để khắc phục nhược điểm của hệ thống thủy canh không hồi lưu.

  • Môi trường thủy canh

  • Hạt giống

Dưa leo chỉ cần 2 tuần để nẩy mầm từ hạt. Kể từ khi cấy đến khi tạo quả là 30 ngày. Thời gian thu hoạch là 90 ngày sau đó.

Khi gieo, tốt nhất nên để hạt nằm sâu trong giá thể nhưng không nên quá sâu làm cản trở sự nẩy mầm của hạt. Trước khi gieo, hạt nên được bao quanh bởi mẩu giấy hoặc bông thấm nước, nó sẽ giúp nhiệt độ quanh hạt được ổn định. Nhiệt độ tốt nhất để hạt nẩy mầm là 24ºC (29ºC hạt sẽ chết).

2. Cách tiến hành:

  • Chuẩn bị mặt bằng, giá đỡ

Có thể đặt thùng thủy canh trực tiếp trên nền xi măng, ban công, sân nhà…hoặc làm giá bằng tre, gỗ, nhựa và cũng có thể bằng xốp. Tuy nhiên khi chọn địa điểm để trồng nên chọn nơi có ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt.

  • Chuẩn bị hộc trồng

Hộc trồng hoặc hộp xốp phải có sơn đen bên trong hoặc lót ni long đen để đựng dung dịch (nhằm tránh ánh sáng khuếch tán tác động lên bộ rễ).

Hộc trồng được sơn đen

  • Khoan lỗ nắp đậy

Dùng ống nước bằng nhựa (có đường kính tương đương miệng rọ) đục lỗ trên nắp hộp khoảng cách các lỗ khoảng 5-10cm

Đục lỗ trên nắp đậy

2.4 Chuẩn bị rọ gieo hạt

Dùng xơ dừa nhồi dưới đáy rọ, nhồi tro trấu bên trên, đặt rọ vào các lỗ đã đục trên nắp hộp.

Rọ nhựa và gieo hạt

2.5 Pha dung dịch dinh dưỡng

Dinh dưỡng cô đặc đựng trong chai, lắc thật đều đổ vào thùng xốp,thêm đủ lượng nước theo hướng dẫn, sau đó khuấy đều. Mực nước cách miệng thùng ít nhất 2 cm
Pha dung dịch dinh dưỡng

2.6 Gieo hạt

Gieo 2-3 hạt vào mỗi rọ ở độ sâu khoảng 1cm hoặc cấy cây con vào

Gieo hạt

Cấy cây con

2.7 Kết thúc

Đặt nắp hộp có sẵn rọ nhựa đã gieo hạt lên trên hộp xốp chứa dụng dịch dinh dưỡng, sao cho đáy rọ nhựa ngập trong dung dịch từ 1-2 cm.

Kiểm tra mực nước

Chú ý: lắp thêm ống thông hơi để đảm bảo thông thoáng cho hệ rễ của cây, theo dõi mực nước trong hộp xốp, cần pha dinh dưỡng thêm vào khi mực nước thấp hơn bộ rễ

Theo dõi và chăm sóc

  • Từ khi gieo đến khi rễ cây có khả năng hút dung dịch cần chú ý phun tưới thường xuyên để giữ đủ ẩm cho hạt nảy mầm. Nếu trời quá lạnh, có xương muối hoặc quá nắng nóng đều phải che phủ cho cây.
  • Khi cây bắt đầu bén rễ có khả năng hút dinh dưỡng thì có thể bổ sung dinh dưỡng vào thùng, khuấy cho dinh dưỡng phân tán.
  • Nếu có điều kiện mỗi tuần một lần tiến hành sục khí làm thoáng dung dịch khi cây còn nhỏ và 4-5 ngày khi cây lớn, cây sẽ phát triển tốt hơn. Cần chú ý không để bong bóng khí quá lớn có thể gây tổn thương rễ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

  • Trong suốt quá trình phát triển của cây cần thường xuyên thăm nom quan sát tình hình sâu bệnh hại để phát hiện và có biện pháp phòng trừ sớm.
  • Trong quá trình chăm sóc rau chúng ta phải thường xuyên kiểm tra hộp trồng rau để tránh rò rỉ dung dịch dinh dưỡng; cần bổ sung nước sạch cho đến khi thu hoạch, cần bổ sung thêm lượng dinh dưỡng bằng 30% lượng dinh dưỡng dung dịch mẹ cho ban đầu sau mỗi lần thu hoạch
  • Theo dõi hàng ngày nếu có sâu thì bắt bằng phương pháp cơ học; bổ sung và thay thế những cây xấu, kém, những cây chết, chuyển đổi vị trí cho rau đủ ánh sáng và dinh dưỡng; cắt bỏ lá gốc, lá vàng, tỉa nhánh rễ, vệ sinh hộp sau mỗi lần thu hoạch, mùa hè cần che nắng bằng lưới đen từ 10 giờ đến 16 giờ

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Phòng trừ sâu bệnh trên bắp cải

Thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển các loại rau, trong đó có cây cải bắp. Bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ.

Các loài sâu gây hại

– Sâu tơ: thường tập hợp ở mặt dưới lá.

– Sâu xanh bướm trắng: thường ẩn nấp mặt dưới lá.

– Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc: gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 – 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.

Sâu tơ hại bắp cải.

Phòng trừ:

– Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 – 15 cm, phơi ải từ 10 – 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ ni-lông trên bề mặt từ 3 – 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.

-Biện pháp hoá học:

+ Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) và trên 30 con/m2 (cây lớn) thì sử dụng thuốc: Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E…

+ Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng thuốc Ratoin 10EC, Delfin WG (32BIU), Biocin 16WP, Cymerin 10EC…

+ Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 sử dụng thuốc Actara 25WG, Sokupi 0,36 AS, 0,5AS….

Chú ý: Khi phòng trừ phải phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, tuân theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc và bảo đảm đúng thời gian cách ly.

Bệnh thối nhũn

Có 2 nguyên nhân gây ra ( do nấm thối hạch và do vi khuẩn thối nhũn gây ra). Cần nhận biết và phân biệt rõ vỡi những triệu chứng sau:

Thối nhũn do nấm

– Do nấm tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra.

– Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, mất màu sau đó nhũn ra.

– Bệnh gây thối từng lớp lá từ trên xuống dưới.

– Gặp độ ẩm không khí cao thấy có lớp tơ màu trắng bao phủ vết bệnh. Không có mùi khẳn.

– Thuốc trị bệnh: Validacin3L, Rovral50WP, Anvil5SC, Bennomyl 50WP…

Bắp cải bị thối nhũn

Thối nhũn do vi khuấn

– Do vi khuẩn tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra

– Lúc đầu thấy xuất hiện một số lá bị héo vào buổi trưa, tươi lại buổi chiều.

– Bệnh làm thối mềm phần trong của cây (lõi) rồi sau đó làm thối nhũn cả bắp.

– Độ ẩm cao, thối nhũn càng nặng và ngửi vết bệnh thấy có mùi khẳn đặc trưng của hiện tượng thối nhũn do vi khuẩn.

– Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc phòng: Kasumin 2L, Starner 20WP, New Kasuran 16,2 WP, Rovral 50WP.

Chú ý: Khi gặp thời tiết có mưa, để phòng bệnh thối nhũn cải bắp, người trồng không nên xới xáo làm đứt rễ cây hoặc vặt lá gốc cây. Đồng thời, cần trừ sâu ăn lá (sâu xanh) nếu có sâu gây hại. Khi ruộng bị nhiễm bệnh, không nên tưới nước vào chiều mát.

Bệnh đốm lá do nấm

Vết bệnh hình tròn, có màu tím đậm sau chuyển nâu có viền vàng hoặc nâu đen. Vết bệnh già có màu đen, đôi khi thấy có một lớp bột màu đen che phủ lên bề mặt vết bệnh. Vết bệnh điển hình nhìn như đốm mắt cua.

Bệnh đốm lá

Thuốc phòng và trị bệnh: Score, Anvil 5SC, Antracol 70WP, Rovaral 50WP…

Bệnh cháy lá bã trầu do vi khuẩn

Vết bệnh có màu đỏ, ẩm thì nhũn ra, khô hanh thì giòn. Cây bị bệnh thường các lá bị cháy từ bìa lá cháy vào. Vết bệnh thường có hình tam giác mà đỉnh là gân lá.

Vi khuẩn tồn tại trong hạt giống và xác cây bị bệnh, không tồn tại trong đất trồng. Các vết thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng, vết thương cơ học, vết bệnh do các mầm bệnh khác,… là các cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.

Bệnh cháy lá bã trầu

Bệnh nhiễm nặng hơn trong điều kiện có mưa và nhiệt độ cao và có thể lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh trong khi vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn trữ.

Bệnh sưng rễ

Trồng bắp cải chỉ sau 3 tuần bắt đầu tạo củ – đây là bệnh gây sưng rễ cải bắp.
Triệu chứng:
Bệnh sưng rễ cải bắp (hay còn gọi là bệnh nốt sần rễ cải bắp) là một trong những đối tượng bệnh nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây hại trên cải bắp mà còn gây hại trên cả su hào, cải bẹ, cải củ và các cây rau họ thập tự khác. Đặc điểm của bệnh là tạo thành các nốt sần, các u bướu trên rễ cây. Các cây bị bệnh lá héo vàng, bắp không phát triển hoặc không hình thành bắp.

A : Bệnh sưng rễ. B : vườn bắp cải bị sưng rễ

Nguyên nhân:
Gây sưng rễ cải bắp được xác định là do nấm Plasmodiophora brassicae Wor. Nấm gây bệnh là một loại ký sinh chuyên tính và chỉ phát triển trong tế bào cây đang sống. Bào tử ngủ nghỉ ở trong đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển thành các du động bào tử có một lông roi ở phía đầu. Các du động bào tử này xâm nhập vào cây qua các lông rễ để gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào rễ cây các du động bào tử biến thành các khối chất nguyên sinh hình cầu, sau đó các khối này lại phân chia thành nhiều du động bào tử đơn bội thể giao phối với nhau và tạo thành các khối nhị bội thể. Vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây, dưới tác động của các vi sinh vật trong đất, các nốt sần ở rễ cây vỡ ra, bào tử nấm rơi vào đất và là nguồn lây bệnh cho vụ sau.
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
Bào tử nấm nảy mầm trong phạm vi nhiệt độ từ 6 – 28 C, độ ẩm đất vào khoảng 50 – 97%; nhưng nhiệt độ thích hợp cho bào tử nảy mầm là từ 18 – 25 C và ẩm độ đất là từ 75 – 90%. Trong đất không phải tất cả các bào tử đều nảy mầm một lúc; khả năng sống của bào tử nấm từ 6 – 7 năm. Nấm lan truyền từ ruộng này sang ruộng khác cùng với cây giống, cũng có thể qua dòng nước tưới, qua giun và các loại côn trùng sống trong đất.
Biện pháp phòng trừ bệnh:
+ Gieo trồng các giống cây chống bệnh.
+ Không trồng cải bắp và cây họ hoa thập tự 2 – 3 năm liên tiếp trên cùng mảnh ruộng.
+ Loại bỏ cây con bị bệnh trước khi mang ra ruộng trồng.
+ Trên chân đất chua cần bón bổ sung vôi.
+ Vun gốc cho cải bắp sau mỗi lần bón thúc và tưới nước để cải bắp ra thêm rễ mới giúp cây phát triển tốt hơn.
+ Tích cực diệt trừ cỏ dại đặc biệt là cỏ dại họ hoa thập tự vì nấm có thể tích luỹ ở rễ các loại cây này.
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây bệnh kịp thời nhổ bỏ cả cây lẫn rễ và mang tiêu huỷ.
+ Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma trộn với phân chuồng khô từ 10 – 15 ngày sau đó bón vào rãnh trước khi trồng cây.

Tổng hợp bởi Farmtrch Vietnam

Kỹ thuật trồng bắp cải tím

Bắp cải tím đang ngày càng được ưa chuộng vì những lợi ích mà nó mang lại. 

Trong bắp cải tím có chứa nhiều vitamin C và vitamin K tốt cho làn da cùng với hàm lượng chất chống ô xy hóa cao, giúp làn da trở nên mềm mại và đàn hồi.

Sở dĩ bắp cải tím có màu như vậy là vì nó có hàm lượng cao polyphenol anthocyanin. Chất anthocyanin có tính kháng viêm. Ngoài ra, chất này có tác dụng như kem chống nắng, bảo vệ các tế bào khỏi những tổn hại do các tia cực tím gây ra cho da, thậm chí còn có các chất dinh dưỡng thực vật nhiều hơn so với một bắp cải xanh.

Bắp cải tím có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, thích hợp với những vùng có khí hậu ôn đới, ở Việt Nam, loại rau này được trồng nhiều ở Đà Lạt. Kỹ thuật trồng loài cây này tương đối đơn giản gần giống với loại bắp cải xanh truyền thống của ta.

Chuẩn bị

  • Chọn đất canh tác: Cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy, … (không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện).
  • Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt.
  • Vệ sinh vườn, dọn sạch các tàn dư thực vật của vụ trước
  • Ở những vườn các vụ trước đã trồng bắp cải cần xử lý đất bằng Flusulfamide hay Methyl Bromide để hạn chế bệnh sưng rễ.

Gieo hạt và trồng cây

  • Đặc điểm hạt giống bắp cải tím là dễ nứt vỏ nên không cần ngâm ủ. Sau khi làm đất thì rải đều hạt lên trên mặt,phủ thêm một lớp đất mỏng. Để giữ đất ẩm lâu hơn bạn nên rải thêm một lớp rơm rạ hoặc trấu lên phía trên.
  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.Mật độ 30.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.

Chăm sóc và bón phân

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý vị trí cây phải cung cấp đủ ánh sáng để cây đậm màu.

  • Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh,dùng thuốc trừ sâu với sâu tơ và rệp.
  • Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.

Thu hoạch

Sau khoảng 3 tháng, bạn có thể thu hoạch được cây. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Cách bón phân cho bắp cải

Bắp cải là loại rau ăn lá, cho nên có nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng khá cao. Với năng suất 30 tấn/ha bắp cải, cây lấy đi từ đất 125kg N, 33 kg P2­­O5, 109 kg K2O. Hiện nay ở một số cơ sở sản xuất , nông dân đã đạt đuợc các năng suất 80-100tấn/ha bắp cải, thì lượng các chất dinh dưỡng được hút đi từ đất lại càng nhiều hơn rất nhiều. Ngoài các nguyên tố đa lượng, cải bắp cũng hút đi từ đất một lượng canxi đáng kể: với mức năng suất 30 tấn/ha, cây lấy đi 2 kg CaO/ha.

Bón phân cho bắp cải

Đối với bắp cải, nông dân thường sử dụng phân bón không hợp lý về liều lượng, chưa phù hợp về chủng loại, không đúng về thời gian làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và phẩm chất bắp cải. Thường nông dân sử dụng lượng phân bón khá cao, nhất là phân đạm. Phân hữu cơ thường được bón tươi không ủ. Phân đạm được bón không cân đối với phân lân và kali. Các loại phân thường được bón quá muộn.
Phân hữu cơ rất cần thiết đối với bắp cải để nâng cao năng suất và chất lượng bắp cải. có nhiều người cho rằng chỉ bón phân hữu cơ thì có thể hạn chế được việc tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Nhưng thực ra càng bón nhiều phân hữu cơ thì khả năng tích luỹ nitrat( NO3) trong đất và trong bắp cải càng lớn.
Việc sử dụng đạm vô cơ không đúng cũng tạo ra nguy cơ tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Vì vậy, vấn đề sử dụng phân đúng liều lượng, đúng lúc và cân đối đối với bắp cải rất quan trọng.

Ruộng bắp cải

Để đảm bảo cho cải bắp đạt năng suất cao cần cung cấp cho cây 250-300kg N/ha. Trong đó khoảng 30-40% N được lấy từ phân hữu cơ(20-25 tấn/ha). Các loại phân hữu cơ đều tốt cho bắp cải, tuy nhiên phân hữu cơ cần được ủ hoai mục trước khi bón để tiêu diệt các nguồn trứng giun và vi sinh vật gây bệnh.
Bón cân đối đạm-kali là một trong những yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng bắp cải. Tăng liều lượng phân đạm làm tăng năng suất bắp cải, song cũng làm tăng lượng nitrat trong lá bắp cải, đặc biệt là khi bón cao hơn mức 200kgN/ha.

Chăm sóc bắp cải

Bón kali làm tăng năng suất không nhiều(8-12%) nhưng lại nâng cao đáng kể chất lượng bắp cải: giảm tỷ lệ thối nhũn, tăng độ chặt và giảm đáng kể hàm lượng nitrat trong lá cải bắp. Kali đặc biệt phát huy tác dụng tốt khi đạm được bón với liều lượng cao. Lượng kali trung bình bón cho cải bắp là 100-150 kg K2O/ha. Ở mức bón kali này, hàm lượng nitrat trong lá bắp cải không vượt qua ngưỡng cho phép ( 500mg/kg bắp cải).
Với bắp cải: Phân hữu cơ và phân lân cần được bón lót toàn bộ. Phân đạm được chia ra để bón 3 lần: bón lót, bón thúc vào thời kỳ trải lá bàng và lúc bắt đầu cuộn bắp.
Bón thúc phân cho cải bắp có thể thực hiện đến lần thứ 3, nhưng nhất thiết phải kết thúc vào trước thời gian thu hoạch là 15-20 ngày, để đảm bảo hàm lượng nitrat trong bắp cải không vượt quá giới hạn cho phép.
Phân bón cho bắp cải, nhất là bón thúc, cần được vùi sâu vừa đảm bảo tăng hiệu quả sử dụng phân của cây, vừa làm giảm khả năng đạm trong phân chuyển sang dạng nitrat.
Lượng phân bón thông thường được khuyến cáo cho bắp cải là:
Phân chuồng: 20-25 tấn/ha
N: 180-200kg/ha
P2O5 : 80-100kg/ha
K2O: 100-150 kg/ha.

Theo Khuyến nông Việt Nam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm “vàng” khi trồng bắp cải sớm

Cải bắp vụ sớm thường hay bị bệnh thối nhũn do vi khuẩn, muốn hạn chế được bệnh này cho cây người trồng phải làm tốt tất cả các khâu.

Chọn và xử lý giống

Vụ sớm, cải bắp không phát triển thuận lợi được vì thời tiết không ưu tiên. Vì vậy, người trồng cần phải lựa chọn các giống có khả năng chịu nhiệt như Takii (T40); KK Cross, Thúy Phong, Roma hoặc bắp cải tím Sakata.

Chọn mua các túi giống mới được SX hoặc trong hạn sử dụng. Hạt giống trước khi đem gieo nên xử lý bằng nước ấm (3 sôi 2 lạnh) trong thời gian 20 phút hoặc xử lý bằng thuốc trừ nấm bệnh. Sau đó ngâm nước lạnh 8 – 10 tiếng rồi mới đem gieo.

Tốt nhất nên gieo hạt giống trong hộp xốp hoặc khay bầu để đảm bảo hạt mọc đều, cây con không bị thất thoát do nắng nóng hay mưa lớn. Lượng hạt phù hợp là 2 gr/m2.

Chọn giá thể và đất trồng

Giá thể trong khay hoặc hộp xốp bao gồm 40% đất, 30% trấu mục, 30% phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + 0,1% vôi tả hoặc 0,01% nấm đối kháng Trichodecma (Biobus). Hạt giống được ươm trong nhà lưới, nhà màn hoặc che đậy lúc mưa lớn, nắng nóng.

Nếu thời tiết có nắng mưa xen kẽ kéo dài nên phòng bệnh chết rũ cho cây con bằng cách tưới chế phẩm Biobus có tác dụng vừa phòng bệnh cho cây lại kích thích bộ rễ phát triển.

Đồng thời cần bổ sung 1 – 2 lần các chế phẩm phân bón trung vi lượng qua lá giúp cây khỏe mạnh và đủ tiêu chuẩn ra đồng.

Đất trồng cải bắp tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha hoặc đất phù sa bồi có độ pH trung tính 5,5 – 6. Vụ sớm hay có mưa to cần lên luống cao và hẹp hơn các vụ khác (luống rộng 0,8 – 1 m, cao 25 – 30 cm, rãnh rộng 30 – 35 cm), lên luống theo hình mai rùa để thoát nước tốt. Đất trồng cải bắp vụ sớm không nên làm quá kỹ và đập luống chặt.

Cải bắp vụ sớm thường hay bị bệnh thối nhũn do vi khuẩn, muốn hạn chế được bệnh này cho cây người trồng phải làm tốt tất cả các khâu.

Với đất trồng tốt nhất nên xử lý bằng chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma bằng cách trộn đều vào phân chuồng bón lót với lượng như khuyến cáo của nhà SX. Nếu không có nấm đối kháng thì có thể dùng vôi tả hoặc thuốc gốc đồng để xử lý đất trước khi trồng.

Trồng và chăm sóc

Vụ sớm không nên trồng cây con non quá sẽ dễ bị chột, chết, tốt nhất nên để cây có 6 – 7 lá thật rồi mới cấy chuyền.

Mật độ trồng thích hợp là 50 x 35 – 40 cm. Đất cần được bón lót trước khi trồng với lượng 400 kg phân chuồng mục hoặc hữu cơ vi sinh thay thế (40 kg) + 6 – 8 kg NPK 16:16:8+ 0,8 – 1 kg siêu vi lượng.

Vụ này không nên bón lót phân đơn vì dễ bị thất thoát do rửa trôi hoặc bay hơi. Lượng đạm và kali dùng để bón thúc chia làm 3 lần bón (lúc cây bén rễ, trải lá bàng và bắt đầu cuốn) có thể hòa nước tưới khi trời râm mát hoặc trộn đều bón vùi cách gốc 10 cm khi gặp mưa hoặc nắng nóng.

Để tăng chất lượng bắp cải sau này và tăng khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu bất lợi thời tiết, ngoài việc cung cấp phân bón gốc, nông dân cần bổ sung phân bón lá trung vi lượng cho cây nhất là thời kì cuốn bắp theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

Xới xáo, tưới nước

Cải bắp vụ sớm hay bị mưa to làm dí rẽ luống nên cần phải xới xáo và vun gốc cho cây 2 – 3 lần/vụ để cây phát triển thuận lợi. Tuyệt đối không nên xới xáo luống đất khi trời có mưa hay ruộng quá ẩm sẽ dễ làm cây bị thối rễ chết do vi khuẩn và nấm xâm nhập.

Cải bắp có bộ lá lớn nên cần được tưới dưỡng ẩm thường xuyên sao cho độ ẩm luống đất luôn đạt 75 – 80% (đất còn nguyên khối khi nắm chặt trong tay và không có nước rỉ ra ngoài).

Nếu gặp mưa kéo dài cần phải có những bịên pháp tác động tích cực như khơi thông mương máng, nạo vét dõng luống, đào hố góc ruộng cho nước róc nhanh, bón phân lân supe hoặc phân bón siêu ra rễ để cây nhanh hồi phục.

Thời kỳ cây cuốn bắp nếu gặp thời tiết bất thuận cần bổ sung một lượng phân bón siêu kali + vi lượng để phun qua lá cho rau định kì 1 tuần/lần nhằm giúp cho bắp cuốn thuận lợi hơn.

Bảo vệ thực vật

Các đối tượng như rệp muội, sâu xanh, sâu tơ và vi khuẩn thối nhũn thường hay phát sinh và gây hại cải bắp vụ sớm.

Nông dân cần thực hành phòng trừ tổng hợp, coi trọng dùng giống khỏe, luân canh, xen canh cây trồng, bón phân cân đối, tưới tiêu hợp lý mới nhằm giảm thiểu được mối nguy do dịch bệnh gây nên.

Sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết theo nguyên tắc 4 đúng, chú trọng đến thuốc sinh học để đảm bảo cho rau được an toàn.

* Chú ý:

– Không bón đạm urê quá muộn hoặc lạm dụng đạm cho cải bắp sẽ làm cây giảm chất lượng, sâu bệnh nhiều và nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Nếu trong vụ có nhiều mưa nên giảm lượng đạm bón, đồng thời tăng cường kali và vi lượng cho rau.

– Nên trồng xen cà chua hoặc hành tỏi cùng với cải bắp để hạn chế sâu tơ gây hại.

– Nếu mưa kéo dài cần tưới nấm đối kháng vào vùng rễ cây định kỳ 1 tuần/lần để hạn chế cây chết rũ.

Theo: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Quy trình sản xuất rau bắp cải an toàn

An toàn thực phẩm là một vấn đề nhức nhối và được xã hội quan tâm. Xu hướng càng ngày càng có nhiều người tìm đến nguồn rau sạch, an toàn cho sức khỏe.

Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau an toàn (RAT) đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định, vi vậy đòi hỏi phải có một mô hình trồng RAT thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định.

 1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:

  • Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
  • Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.
  • Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.
  • Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

2. Qui trình sản xuất:

2.1. Thời vụ :

  • Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:

– Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.
– Vụ chính: Gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9.
– Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.

  • Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.

2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:

  • Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8 – 1m, rãnh rộng 25 cm.
  • Bón lót phân: Mỗi ha bón 20 – 25 tấn phân chuồng mục và 10 – 15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5 – 2 cm.
  • Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28 – 0,30 kg hạt và thu được 3 – 4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5 – 2,0g/m2.
  • Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.

  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 – 30 ngày tuổi, có 5 – 6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.

2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:

  • Yêu cầu đất trồng: Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100 – 120 cm, cao 15 – 20 cm, rãnh luống 20 – 30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.
    – Vụ sớm: mật độ 33.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.
    – Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000 – 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50 cm.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.

  • Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).
    – Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.
    – Có thể trồng xen với cà chua hoặc hành tỏi để giảm mật độ sâu tơ.
    – Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.
    – Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5 – 10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.
    – Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.
    – Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG…); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC…) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.


– Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.

2.4. Thu hoạch và bảo quản:

– Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1 – 2,5 kg/cây, tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.
– Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0 – 2 độ C, độ ẩm 92 – 95% trong thời gian 4 – 8 ngày.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Tầm bóp từ rau dại trở thành loài cây trồng đầy hứa hẹn

Một cô gái cùng cộng sự ở Lâm Đồng đang thực hiện dự án trồng cây tầm bóp và dự tính thu cả tỷ đồng lợi nhuận/năm trong bối cảnh dư luận đang xôn xao về loại cây dại này.

Vừa qua, mạng xã hội gây xôn xao câu chuyện một loài cây dại ở Việt Nam nhưng lại có giá bán đắt đỏ ở Nhật Bản (700.000 đồng/ kg) và Đức (300.000-700.000 đồng/kg).

Quả tầm bóp được bày bán trong siêu thị ở Nhật Bản

Quả tầm bóp có vị chua giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu đờm và trị nhiều bệnh như: nôn, ho nhiều đờm, cẩm sốt, yết hầu sưng, nấc… Những người hay lênh đênh sông nước nên ăn quả này thường xuyên vì lượng vitamin C và B1, tiền vitamin A trong quả tầm bóp rất cao nên rất tốt cho cơ thể, có thể chữa bệnh Scorbut (một bệnh do thiếu hụt vitamin C) vì trên biển không có hoa quả. Ngoài ra, lá và rễ của chúng còn có công dụng chữa nhiều bệnh khác.

Trái cây tầm bóp khi chín

Đặc biệt, trên thế giới, tầm bóp được bán rất nhiều dưới dạng tinh dầu, bột, trái tươi… với giá trên trời. Với hàm lượng dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe, chúng được sử dụng như một món ăn sống, làm mứt, thạch, ăn kèm bánh nướng và làm kem.

Mứt và bánh ngọt từ trái tầm bóp

Trong một cuộc thi về khởi nghiệp tại TP HCM cuối tháng 9/ 2017 đã xuất hiện loại cây này. Chủ dự án là bạn Bùi Thị Nga, sinh năm 1989, cựu sinh viên Nông Lâm. Nga cùng cộng sự đang trong quá trình thực hiện dự án trồng cây tầm bóp để bán cho các cửa hàng rau quả, các công ty hương liệu, xuất khẩu trái cây.

Cây tầm bóp

Dự án của cô gái Lâm Đồng hiện đang thực hiện ở giai đoạn thứ 2 trong 4 giai đoạn mà cô trình bày với ban giám khảo. Cô cùng cộng sự đang ươm 500 cây tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Những trái tầm bóp vừa mới thu hoạch được Nga đưa đến cuộc thi

Theo tính toán của nhóm, khi trồng thương mại trên diện tích khoảng 1 hecta, tức đến tháng 4/2019, nhóm sẽ bán ra khoảng 1.200 kg/tháng. Giá bán sỉ ước tính là 150.000 đồng/kg và bán lẻ là 250.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, mỗi năm dự án sẽ có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí 1 tỷ đồng ra, lợi nhuận sẽ là khoảng 1 tỷ đồng.

Nga cho rằng nhiều người có ý tưởng kinh doanh từ tầm bóp nhưng theo hiểu biết của cô thì cô chưa thấy ai “làm tới”. Phía Bắc có Hoa Ban Food đã bán trái tầm bóp nhưng họ chỉ đi thu mua loại quả dại, chưa đầu tư vào trồng. Đây hứa hẹn là một loài cây mới, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Triển khai mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đang triển khai hỗ trợ mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, cây trồng có giá trị kinh tế cao này sẽ đâm chồi nảy lộc và thêm chọn lựa về cây trồng cho nông dân Khánh Hòa.

Cây măng tây

Cây trồng có thu nhập khá

Người ta gọi là măng Tây do có nguồn gốc từ phương Tây nhằm để phân biệt với “măng ta” như: măng tre, măng nứa… Măng Tây là một loại cây trồng lâu năm để thu hoạch chồi non, loại rau có giá trị dinh dưỡng cao và mang dược tính nên được thị trường trong và ngoài nước rất chuộng. Cây măng Tây du nhập vào Việt Nam từ gần 60 năm trước. Hiện nay đã trở thành cây trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân.

Theo tính toán, cứ sau khoảng 4 tháng trồng là măng Tây đã cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày, thời gian thu hoạch thường từ 8 đến 10 tháng mỗi năm và kéo dài trong 8 – 10 năm mỗi đợt xuống giống. Mỗi sào măng Tây (1.000m2) ở độ trưởng thành cho thu hoạch trung bình 10kg măng/ngày. Với giá bán bình quân là 50 nghìn đồng/kg, mỗi ngày sau khi trừ các chi phí, nông dân có thể bỏ túi tới 300 nghìn đồng. Đó là một mức thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, măng Tây với đặc tính sinh trưởng theo kiểu thay thế, cây măng con khỏe mạnh liên tục được sử dụng để thay thế cây măng mẹ nên công tác chăm sóc, cắt tỉa, chọn cây thay thế được thực hiện một cách thường xuyên, đòi hỏi mức độ tỉ mỉ, dày công của người trồng. Ngoài ra, măng Tây thích hợp với địa hình cao ráo, đặc biệt là ở những bãi bồi phù sa, thường là ven sông, suối; tuy nhiên, đây lại là những nơi dễ bị ngập úng vào mùa mưa nên không dễ tìm kiếm được các khu vực đáp ứng đồng thời được các đòi hỏi này. Ngoài ra, giá giống cây măng Tây khá cao. Hiện nay, mỗi gốc giống được bán với giá 10 nghìn đồng, mỗi hạt giống là 6 nghìn đồng. Mỗi héc-ta măng Tây, nông dân phải bỏ ra số vốn hàng trăm triệu đồng về giống, phân bón. Đặc biệt, măng Tây thường già đi một cách nhanh chóng và giảm hẳn giá trị, thậm chí là trở thành phế phẩm nếu không tuân thủ tốt các đòi hỏi về bảo quản sau thu hoạch.

Mô hình măng Tây từng được trồng tại Khánh Hòa

Trông chờ từ mô hình điểm

Theo ông Đào Đình Cương – Trưởng phòng Khuyến nông Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực hiện kế hoạch năm 2017, trung tâm tiến hành hỗ trợ cho 1 mô hình trồng măng Tây trên diện tích 4.500m2 của hộ ông Phan Đình Thành tại xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động khuyến nông sẽ hỗ trợ 70% chi phí giống và 30% chi phí vật tư phân bón, với số tiền hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng. Nông dân bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để trồng khoảng 10 nghìn gốc măng Tây trên diện tích đó. Theo ông Nguyễn Tiến – Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa, hiện nay, người dân đã hoàn tất việc chuẩn bị đất, dự kiến trong tháng 8 sẽ tiến hành xuống giống.

Được biết, cây măng Tây đã được trồng thử nghiệm tại Khánh Hòa vào các năm 2012, 2013 và 2014, nhưng chưa mang lại thành công như mong đợi. Nguyên nhân chính được cơ quan chuyên môn rút ra là do kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc loại cây này của nông dân chưa thực sự đầy đủ.

Ông Đào Đình Cương cho biết, trong ít ngày tới, công tác tập huấn kỹ thuật trồng măng Tây sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại Ninh Hòa. Và với tính chất của một mô hình điểm, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt quá trình thử nghiệm. Trung tâm coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên trong quá trình triển khai mô hình. Đồng thời, ngoài 4.500m2 kể trên, trong thời gian tới, diện tích trồng măng Tây sẽ tiếp tục được khuyến khích mở rộng nhằm đáp ứng đủ số lượng thu hoạch mỗi ngày theo yêu cầu của các đơn vị thu mua. “Tại tỉnh Ninh Thuận, phong trào chuyển đổi sang trồng măng Tây đang phát triển và mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân. Măng Tây đạt chất lượng và số lượng đang được nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức thu mua để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khánh Hòa cũng đã tiếp cận được với các doanh nghiệp này nên người nông dân không lo về đầu ra”, ông Cương khẳng định.

Hy vọng mô hình này sẽ mang lại thành công, mở ra hướng đi mới cho cây trồng ở khu vực lân cận và xa hơn là triển khai diện rộng ở những khu vực thích hợp trên toàn tỉnh.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.