Trang trại hoa lan trên vùng đất nắng

Anh Phan Thanh Sang – 30 tuổi; chủ trang trại hoa lan ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng – đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỉ đồng để trồng các giống hoa lan nhiệt đới theo công nghệ cao ở tỉnh Ninh Thuận.

Đầu năm 2015, sau nhiều lần xuôi ngược khảo sát ở các tỉnh miền Trung, anh Sang quyết định trồng thử nghiệm 1 ha một số giống lan nhiệt đới như hồ điệp, dendro, mokara, ngọc điểm tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Sau gần một năm theo dõi khả năng sinh trưởng, anh nhận thấy vùng đất Lâm Sơn thích hợp với hầu hết giống lan nhiệt đới. Từ đó, năm 2016, anh đầu tư 15 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 5 ha với khoảng 200.000 chậu hồ điệp, hơn 31.000 cây mokara, 3.000 cây ngọc điểm, 3.000 cây lan trầm.

Anh Sang đã đặt tên trang trại hoa lan là YSA Orchid Lâm Sơn. Tại trang trại này, hoa lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quạt thông gió, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, bón phân, đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm.

Anh Sang cho rằng vùng đất Lâm Sơn có nhiệt độ ban đêm 21-24 độ C, ban ngày hơn 30 độ C, rất phù hợp để lan nhiệt đới phát triển. “Cây con sau khi trồng khoảng 15-18 tháng sẽ được đưa lên Đà Lạt tiếp tục dưỡng thêm 4-5 tháng thì cho hoa, xuất bán” – anh Sang nói.

Trang trại hoa lan YSA Orchid Lâm Sơn

Với niềm đam mê hoa lan từ nhỏ, anh Sang đang là chủ 3 trang trại. Trang trại tại TP Đà Lạt chuyên trồng các loại địa lan. Hai trang trại ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trồng các giống hoa lan nhiệt đới. Một số giống địa lan, hồ điệp, mokara được anh tự nhân giống bằng công nghệ cao nuôi cấy mô.

Hiện nhiều hoa lan của trang trại YSA Orchid đã xuất bán cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và cả Campuchia với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình từ nghề trồng lan, ông chủ Phan Thanh Sang còn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng.

Sau thành công của trang trại lan nhiệt đới trên vùng đất nắng Lâm Sơn, anh Sang đang sưu tầm, nghiên cứu nhân giống một số loài lan rừng ở Ninh Thuận nhằm bảo tồn các giống lan đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng. “Nếu bà con trong tỉnh muốn đầu tư trang trại trồng hoa lan, tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng và liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác để cùng phát triển” – anh Sang bộc bạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hoa Tết công nghệ cao “chiếm lĩnh” các nhà vườn

Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, năm nay, nhiều nhà vườn tại Phố núi Pleiku (Gia Lai) đã quyết định chuyển sang trồng các giống hoa hiện đại, lai tạo thay cho những loại hoa truyền thống để phục vụ thị trường Tết sắp đến.

Khu vườn nhỏ của anh Bùi Trọng Hưng tại tổ dân phố 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku đã gần như được phủ kín bởi hơn 600 chậu hoa sống đời, mai dạ thảo, hồng, cát tường, ớt kiểng… đang mơn mởn lá xanh. Một góc đất trống còn lại, anh dành để xuống giống thêm một số loại hoa ngắn ngày khác như: vạn thọ mỹ, cẩm chướng. Năm nay, hoa thược dược, mào gà, lay ơn… anh tạm thời không trồng nữa vì quá ít người mua; riêng cúc pha lê, anh Hưng giảm số lượng giống lại chỉ còn 150 chậu lớn nhỏ.

“Có thể nói đây là thời của hoa công nghệ cao, hoa lai tạo, ngoại nhập. Chúng rất đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc, phù hợp với nhiều không gian khác nhau mà giá thành bán ra cũng chẳng quá cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Điều này bắt buộc người trồng hoa chúng tôi muốn sống được với nghề phải thay đổi cách thức trồng và cập nhật thêm các giống hoa mới lạ thay vì cứ giữ khư khư các loại hoa truyền thống trước giờ”-anh Hưng bày tỏ.

Đang phụ con trai chăm sóc mấy chậu sống đời, bà Đỗ Thị Tam (84 tuổi, mẹ anh Hưng) không khỏi ngậm ngùi. Bà kể rằng gia đình bà tận ngoài Bắc xa xôi vào đây theo diện kinh tế mới từ những năm 50 của thế kỷ trước, gắn bó với nghề trồng hoa đã 6, 7 thập niên. 4 trong số 8 người con của bà sau này cũng tiếp nối cái nghề “ươm xuân” của bố mẹ. Dù biết phải thích ứng với thị trường, song nhìn những sắc hoa truyền thống dần khan hiếm và mai một trên chính mảnh đất của mình, bà Tam lại cảm thấy chạnh lòng. Vì vậy, bà vẫn căn dặn các con mình giữ lại ít chậu vạn thọ để trồng vào mỗi mùa hoa Tết.

Cách đó không xa, chủ nhân của những nhà vườn trên đường Tôn Thất Tùng (thuộc tổ dân phố 17, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cũng đang tất bật xuống giống và chăm sóc những “đứa con tinh thần” để chúng kịp khoe sắc trong ngày Tết cổ truyền sắp đến. Khác với xóm Hoa Lư, nơi đây mặc nhiên không thấy xuất hiện bất kỳ loài hoa truyền thống nào. Tất cả đều là hoa kiểng được trồng trong những chiếc chậu nhỏ xinh, xếp ngay ngắn dưới đất hoặc treo lơ lửng trên giàn lưới.

Hoa công nghệ cao “chiếm lĩnh” không gian tại các nhà vườn.

Vừa giúp chị gái tỉa lá, bỏ bớt hoa trên những chậu ớt kiểng, em Nguyễn Thị Mỹ Phương vui vẻ cho biết: “Vì thời tiết nắng ấm nên ớt ra hoa sớm. Muốn ớt không đậu trái và chín trước Tết thì phải ngắt hết đợt hoa này đi để chúng trổ hoa khác. Năm nay, vườn hoa của gia đình em có khoảng hơn 20 loại, chủ yếu là các loài hoa được nhiều người tìm mua như: sushi, baby, cẩm chướng, cúc đài loan, cúc 7 màu, thọ pháp, mai dạ thảo, dạ yến thảo, dừa cạn, thài lài tía, sống đời, triệu chuông, phong lữ… Thường thì trước Tết, thương lái hay đến tận nhà đặt hoa rồi chở đi bán nơi khác chứ gia đình em không tham gia chợ hoa Xuân”.

Theo chia sẻ của nhiều chủ nhà vườn, đa số giống hoa được họ nhập về từ Đà Lạt, chỉ có một số ít là tự ươm. Hoa thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển khá nhanh, cho bông đẹp. Việc chăm sóc cũng không cần quá kỳ công vì rễ cây khỏe, ít sâu bệnh và có thể chịu được nắng mưa thất thường.

Ngoài sức tiêu thụ mạnh, khi trồng hoa công nghệ cao bán Tết, người trồng hoa không lo bị thua lỗ nếu chẳng may ế ẩm. Bởi lẽ, thay vì phải vứt bỏ như một số loại hoa đặc trưng khác, họ có thể mang về chăm sóc lại và tiếp tục bán cho những ai có nhu cầu hoặc bỏ mối trang trí tại các quán cà phê, ăn uống, vui chơi… trên địa bàn thành phố.

Người trồng hoa kỳ vọng vào một mùa hoa Tết khởi sắc.

“Ngày thường, giá bán mỗi chậu hoa dao động từ 25.000 đồng đến 120.000 đồng tùy từng loại hoa và kích cỡ; mức giá này có thể nhỉnh hơn ít nhiều trong dịp Tết. Mong rằng năm nay thị trường hoa khởi sắc để người trồng hoa như nhà em có được cái Tết trọn vẹn” – Phương kỳ vọng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lợi ích kép từ trồng cây ăn trái xen canh cà phê

Sau hơn 10 năm trồng thử sức với mô hình cây ăn trái xen canh trong vườn cà phê, ông Phạm Đình Dũng (thôn Đăk Kđem, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã và đang được hưởng những trái ngọt khi thu về hiệu quả kinh tế cao. Trên một diện tích nhưng ông trồng được cả cà phê, sầu riêng, bơ đã cho thấy hiệu quả kép của mô hình này.

Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân trong làng, gia đình ông Phạm Đình Dũng chỉ trồng thuần cà phê trên diện tích hơn 3.000m2. Năm 2005, khi giá cà phê xuống thấp, ông đã nghĩ đến việc chuyển đổi trồng cây ăn trái thay cho cà phê. Tuy nhiên, chặt cà phê thì tiếc, ông tính cứ trồng xen canh rồi sau này cây lớn sẽ quyết định.

Vậy là ông gửi người mua 11 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép ở tận Bến Tre về trồng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, tìm hiểu, ông Dũng nhận thấy cây sầu riêng không làm ảnh hưởng gì tới sự phát triển của cây cà phê, vì vậy ông quyết định giữ lại cả hai loại cây trồng. Đáng nói hơn, cả hai loại cây đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích kinh tế kép cho gia đình ông Dũng.

Việc xen canh sầu riêng không làm ảnh hưởng tới suất năng của cà phê.

Ông Phạm Đình Dũng chia sẻ: Lúc đầu, tôi chỉ tìm thử một loại cây trồng mới xem sao thôi. Không ngờ, cây hợp đất nên phát triển rất tốt, 4 năm sau, những cây sầu riêng bắt đầu cho trái bói, đến năm thứ 5 cho thu quả ổn định. Tuy nhiên, do ban đầu chưa nắm rõ kỹ thuật nên mặc dù cây ra rất nhiều trái nhưng tỷ lệ đậu quả không cao, khi chín bị sượng và chỉ chín ồ ạt vào giữa mùa nên không bán được giá. Đến năm 2011, tôi nhờ con trai lên internet tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, cách can thiệp để quả ra sớm, đậu nhiều, chín đều… và áp dụng vào quá trình chăm sóc. Từ đó, vườn sầu riêng cho ra quả nhiều, quả nhỏ cũng được vài ký, quả to lên tới 5-6kg, sầu riêng chín sớm nên bán rất được giá. Năm ngoái, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 80 triệu đồng tiền sầu riêng; năm nay, giá bán thấp nhất 45.000 đồng/kg, giá cao nhất tới 90.000 đồng/kg, tôi bán được 120 triệu. Cá biệt, có một cây thương lái mua trọn gói 20 triệu đồng.

Mấy năm nay, tên tuổi sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người sành ăn biết đến. Nhiều người tìm đến tận nhà ông mua hoặc gọi điện thoại đặt hàng rồi ông Dũng mang giao tận nơi. Điều đặc biệt khiến sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người nhớ tới đó là ông luôn để sầu riêng chín rụng tự nhiên, không bao giờ cắt sớm; ông cũng chỉ bán khi quả chín vừa đủ.

Dẫn tôi thăm vườn cà phê trĩu quả xen lẫn những cây sầu riêng to bự, cao vút bắt đầu ra trái non đầy cành, ông Dũng chỉ: Cô thấy không, cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn nhiều quả hơn khi trồng độc canh vì chúng được hưởng cả phần dinh dưỡng khi bón cho sầu riêng. Những cây sầu riêng cũng được hưởng lợi khi mình chăm sóc cà phê nên có thể nói việc xen canh là nhất cử lưỡng tiện. Với tôi, sầu riêng là cây xen canh nhưng giờ lại là cây cho thu nhập chính, hiệu quả gấp 2- 3 lần so với cà phê.

Với thành công từ vườn sầu riêng xen canh, từ năm 2012- 2013, ông Phạm Đình Dũng mạnh dạn tiếp tục mở rộng mô hình xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê của gia đình mình. Tuy nhiên, dù sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng ông không chăm chăm vào một loại cây, mà lần này ông Dũng lại thử sức với cây bơ sáp trên diện tích hơn 4.000m2 cà phê. Năm ngoái, những cây bơ đầu tiên đã cho thu bói; năm nay, hầu hết vườn bơ đều cho thu quả.

Ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen sầu riêng, bơ với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê; tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô. Song điều quan trọng nhất trong việc trồng xen này là giúp cho mình tránh được thua lỗ khi độc canh một loại cây trồng, phòng trường hợp giá cà phê xuống thấp mình vẫn có nguồn thu từ các loại cây trồng khác. Hơn nữa, hiện nay, giá các loại trái cây sầu riêng, bơ, luôn khá cao và ổn định nên thu nhập còn vượt trội hơn nhiều.

Thấy được hiệu quả kinh tế của việc xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê của cha mình, chị Phạm Thị Lượm – con gái ông Dũng cũng học tập và làm theo. Tuy nhiên, điểm khác của vườn cà phê trồng xen cây ăn trái của nhà chị Lượm là trong cùng vườn cà phê, chị trồng xen cả sầu riêng và bơ chứ không chỉ xen 1 loại bơ hoặc sầu riêng như của ông Dũng. Với khoảng 20 cây sầu riêng năm nay cho thu bói, chị Lượm cũng đã thu về gần 30 triệu đồng, từ sang năm, bơ cũng bắt đầu cho thu quả.

Có thể nói, trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê là một phương thức đa dạng hoá cây trồng hay, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nông dân lo lắng vì cà phê được mùa mất giá

Giá giảm từng ngày

Theo người dân trồng cà phê ở Bình Phước, thời điểm đầu mùa vụ, giá cà phê luôn ổn định ở mức cao khiến bà con không khỏi trông đợi vào một vụ cà phê hiếm hoi được mùa, được giá để cứu vãn phần nào chi phí đầu tư sau một vụ mùa thất bát. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, giá cà phê đang dần đi xuống, thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tâm trạng chung của phần lớn người trồng cà phê ở Bình Phước là bất an, lo lắng vì năm nào cũng vậy, họ thường không làm chủ được thị trường và giá cả sau mỗi mùa thu hoạch.

Người dân lo lắng khi cà phê được mùa nhưng mất giá

Được mùa mất giá là điệp khúc thường xuyên mà người nông dân trồng cà phê ở Bình Phước thường phải đối mặt. Vụ mùa năm nay, giá cà phê xuống quá nhanh khiến người nông dân bị ảnh hướng rất nhiều tới cuộc sống. Nếu như thời điểm đầu mùa, giá cà phê ổn định từ mức 44.000 – 45.000 đồng/kg cà phê nhân thì nay giảm chỉ còn 37.000 đồng/kg. Trong khi đó chi phí đầu tư như phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… đã mất trọn khoản thu đó.

Với mức giá hiện tại, người trồng cà phê bị lỗ từ 5 – 6 triệu đồng/1 tấn cà phê. Quy ra với 1 ha cà phê, người dân mất trung bình hơn 20 triệu đồng do ảnh hưởng của giá cả xuống thấp. Hiện, người trồng cà phê ở Bình Phước đang hối hả thu hoạch sớm để có được mức giá đỡ “chua chát” hơn bởi giá cà phê đang xuống từng ngày mà không có tín hiệu tích cực hơn.

Theo ông Hồ Quốc Hưng, một thương lái chuyên thu mua cà phê trên địa bàn H.Đồng Phú (Bình Phước), giá cà phê bắt đầu giảm mạnh trong khoảng một tuần trở lại đây. Cứ mỗi ngày giá cà phê rớt trung bình 1.000 đồng/kg. “Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến bà con nông dân mà còn gây khó khăn đối vối cả những doanh nghiệp thu mua cà phê”, ông Hưng nói.

Theo phân tích của ông Hưng, giá cà phê xuống thấp bên cạnh việc ảnh hưởng mạnh tới đầu tư, công cán, phân bón, chăm sóc còn gây khó khăn cho các thương lái trong việc tiêu thụ. Ngoài ra, thương lái còn phải chịu khoản phí ứng trước của người dân để đầu tư, trong khi giá xuống thấp thì khoản thu hồi vốn sẽ gặp nhiều trở ngại.

Khó kiếm nhân công

Không chỉ khó khăn về giá cả mà tình trạng nhân công khan hiếm cũng là trở ngại không nhỏ với bà con khi sản lượng cà phê tăng lại đang vào chính vụ thu hoạch. Dù giá nhân công đã cao hơn so với năm ngoái nhưng nhiều hộ gia đình trồng cà phê ở Bình Phước vẫn không tìm được nhân công để thu hái.

Sản lượng cà phê cao nhưng mất giá nên tình trạng tìm kiếm nhân công rất khó khăn

Gia đình anh Nông Văn Táy (xã Nghĩa Bình, H.Bù Đăng) có hơn 3 ha cà phê 6 năm tuổi đang rất lo lắng trước tình trạng khan hiếm nhân công. “Cà phê đến kỳ phải thu hái nhưng không kiếm được nhân công. Bình thường giá nhân công tại chỗ chỉ khoảng 150.000 đồng/người/ngày, giờ tăng lên 200.000-220.000 đồng/ngày mà kiếm không ra. Riêng công hái khoán tính theo kg thì giá công lên đến 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Toàn bộ diện tích cà phê của gia đình tôi hái xong tiền công tốn khoảng 25 triệu đồng. Cộng với tiền chăm sóc, tiền phân bón, nước tưới… thì vụ mùa cà phê năm nay gần như chẳng thu được đồng lãi nào”, anh Táy ngao ngán cho hay.

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỳ lạ: Trồng rau trên cột nhựa, mang lại hiệu quả cao

Chỉ với khoảng sân thượng vỏn vẹn 12m² trên tầng 5, chị Vũ Ánh Tuyết (Hà Nội) đã thiết kế được một vườn rau khí canh với 9 trụ để trồng các loại rau ăn lá, ăn củ. Khác với quan niệm thông thường, vườn rau của chị mọc bám trên những cổ trụ nhựa, cây rau mọc nghiêng nhưng vẫn xanh tốt, năng suất cao.

Tranh thủ buổi sáng sớm trước khi đi làm, chị Vũ Ánh Tuyết ở ngõ 724, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) lên sân thượng tầng 5 của gia đình mình cắt một rổ rau cải đầy ắp rồi khoe: “Rau xanh, tốt, ngon mỡ màng. Nhiều khi lên đây nhìn vườn rau mà mê mẩn vì đẹp, đứng ngắm mãi không nỡ cắt”.

Vườn rau khí canh gồm 9 trụ với đủ các loại rau xanh

Chị Tuyết chia sẻ, nhà chị trồng rau trên sân thượng được hơn hai năm nay. Hồi đầu, chị trồng rau bằng đất, được một thời gian, do đất nặng, hàng ngày lại phải tưới nước cho rau nên trần nhà hay bị ẩm, có hiện tượng nứt; còn rau lại dễ bị sâu bệnh, chăm khá vất vả. Kể từ đó, gia đình chị bỏ không trồng rau bằng đất, chuyển sang trồng rau thủy canh, nhưng năng suất lại không cao.

Đến đầu tháng 8 năm nay, sau một thời gian mày mò, học hỏi từ bạn bè và trên mạng, anh Thắng, chồng chị đã tự mua các vật liệu về thiết kế vườn rau khí canh trên sân thượng. Trồng rau theo phương pháp này có nhiều ưu điểm. Mặc dù chi phí ban đầu khá cao, như mỗi trụ rau hết khoảng 1,5 triệu tiền vật liệu, chưa tính máy bơm, bút đo dinh dưỡng, chất dinh dưỡng,… Nhưng đổi lại, trồng bằng phương pháp này rất nhàn, không phải tưới rau hàng ngày, rau ít sâu bệnh, năng suất cao,…

Cách trồng khá đơn giản, hạt giống rau mình mua về ươm vào mút xốp (mút xốp đưa vào giá thể đặt lên trụ, khi trồng sẽ không bị mủn ra rơi vào trong trụ), khi hạt nảy mầm phát triển thành cây con đủ lá thì đặt vào giá thể rồi cho vào tháp là hoàn thành công đoạn trồng.

Ươm hạt giống trong mút xốp

Công đoạn chăm sóc thì hệ thống vườn khí canh đã có máy bơm tự động, hàng ngày sẽ bơm chất dinh dưỡng lên trụ trong vòng khoảng 15 phút liên tục rồi lại nghỉ 15 phút. Hai ngày thì phải tiếp chất dinh dưỡng một lần.

Chị Tuyết cho biết, từ công đoạn làm vườn, ươm giống, đưa rau lên tháp, tiếp chất dinh dưỡng đều do chồng chị tự tay làm, chị chỉ việc lên vườn cắt rau xuống chế biến.

Rau được chăm sóc đầy đủ chất dinh dưỡng nên vô cùng mơn mởn

Theo chị Tuyết, tuy mới trồng được mấy tháng nhưng phương pháp trồng rau khí canh trên sân thượng tầng 5 của gia đình chị khá thành công. Rau ăn lá thường được thu hoạch sau 20 ngày trồng với sản lượng trung bình đạt khoảng 50kg rau/tháng, dù nhà chị chỉ có 9 trụ rau khí canh.

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Gỡ bỏ 12 thủ tục sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, thủy sản

Trong phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến sẽ bãi bỏ 12 thủ tục hành chính và quy định trong lĩnh vực này.

Nhiều thủ tục về Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y sẽ được bãi bỏ

Các thủ tục và quy định này nằm rải rác trong nhóm thủ tục hành chính (TTHC) từ khi nuôi/sử dụng con giống đến phân phối, xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng số có 83 TTHC trong nhóm này. Trong đó: Lĩnh vực Chăn nuôi có 23 TTHC, lĩnh vực Thú y có 43 TTHC và lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có 17 TTHC.
Trong số 12 thủ tục xem xét bãi bỏ gồm 7 thủ tục ở lĩnh vực Chăn nuôi, 1 thủ tục trong lĩnh vực Thú y và 4 thủ tục của lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Lĩnh vực Nông lâm sản và Thủy sản dự kiến bãi bỏ 4 thủ tục

Một số thủ tục điển hình được xem xét bãi bỏ như: Cấp giấy phép nhập khẩu giống vật nuôi ngoài danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi; Kiểm tra giảm chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn; Các thủ tục về thẩm định điều kiện vệ sinh thú y (được quy định các dạng cơ sở cụ thể) do Trung ương và địa phương quản lý…

Nhiều thủ tục trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi được bãi bỏ

Ngoài 12 thủ tục đề nghị bãi bỏ trong nhóm thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ NN&PTNT đang dự kiến đơn giản hóa 49 thủ tục khác trong lĩnh vực này. Ước tính tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa TTHC nhóm này khoảng 27%, tổng chi phí tuân thủ TTHC tiết kiệm được hơn 483 tỷ đồng/năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm, cá, kết hợp trồng rau màu

Ðể tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, từ năm 2012 đến nay, nhiều hộ nông dân Tân Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất nuôi tôm, cá, kết hợp trồng màu và du lịch sinh thái cho lợi nhuận mỗi năm từ 300 triệu đến 500 triệu đồng.

Trồng rau màu trên bờ liếp nuôi tôm được nhiều bà con nông dân lựa chọn nhằm tăng năng suất và tận dụng diện tích canh tác.

Ðiển hình như lão nông Nguyễn Hữu Ánh nuôi cá chình – bống tượng kết hợp trồng cây ăn trái, cây kiểng; nông dân Phạm Văn Hiệp nuôi cá kết hợp với trồng rau màu trên bờ ao; nhà nông trẻ Phạm Ngọc Tuấn nuôi cá sấu, cá bống tượng, tôm công nghiệp; hay nông dân Cao Văn Hiệu nuôi cá, trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch – dịch vụ,…

Nổi bật là mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích của gia đình nông dân Cao Văn Dũng, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2012 đến 2016 đã cho lợi nhuận gần bốn tỷ đồng.

Anh Dũng cho biết, năm 2012, gia đình anh đã tận dụng đất trống trên bờ ao trồng các loại rau đắng, ổi, cốc, sa bô, vú sữa, xoài dưới ao thì thả nuôi các loại cá bống tượng, cá chình, trừ chi phí còn lợi nhuận gần 670 triệu đồng/năm.

Năm nay, anh Dũng vận động bốn hộ nông dân có cùng ngành nghề, sở thích xây dựng khu du lịch miệt vườn rộng gần 5 ha phục vụ khách tham quan, giải trí, với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Tại đây du khách được câu cá, mua trái cây do tự tay mình hái, vừa có thể thưởng thức hương vị tươi ngon tại chỗ, vừa có thể mua về làm quà cho người thân. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Anh Dũng và những cộng sự hy vọng, với những mô hình tôm, cá, kết hợp trồng cây màu và du lịch sinh thái, trong tương lai không xa, Tân Thành sẽ trở thành địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách khi đến Cà Mau nói chung và phường Tân Thành nói riêng, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân vùng đất mũi.

Nguồn: Báo Nhân dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giải pháp mới cho cà phê già cỗi

KTNT – Khá nhiều hộ nông dân ở các vùng cà phê Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… (Lâm Đồng) đã và đang áp dụng giải pháp ghép chồi mới trên thân cây cũ, kết hợp với việc sử dụng đồng bộ các chất dinh dưỡng, điều hòa độ pH, khử chua cho đất, tạo bộ rễ mới cho cây cà phê già (15- 20 năm tuổi), hướng đến năng suất 7 tấn nhân/ha/năm.

Vườn cà phê trẻ hóa, mô hình do Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông hỗ trợ ở Đức Trọng ra hoa, đậu trái đồng loạt sau khi cải thiện độ pH trong đất từ 5,2-6,0.

Khử chua cho đất

Thống kê 3 năm qua, Lâm Đồng đã tái canh trồng mới và ghép cải tạo trên 24.000ha cà phê giống cũ già cỗi (15- 20 năm) bằng các giống cao sản như TR4, TR9, TR11…, tăng năng suất bình quân từ hơn 2,8 tấn/ha lên ổn định từ 6-7 tấn/ha. Trong đó, 50% diện tích là tái canh ghép cải tạo được thực hành từ những vườn cà phê quy mô hộ gia đình canh tác 1- 2ha. Nếu áp dụng biện pháp tái canh cà phê trồng mới phải mất 2- 3 năm luân canh cải tạo đất bằng các loại cây hoa màu ngắn ngày, cộng với khoảng 3 năm thâm canh mới bước vào thời kỳ cà phê kinh doanh, thì biện pháp ghép cải tạo vừa thu hoạch cà phê trên cành, nhánh cây cũ hàng năm mà vẫn chăm sóc chồi cành mới phát triển. Tính ra việc ghép cải tạo cà phê dù đến năm thứ 4 mới hoàn thành, nhưng vẫn không bị gián đoạn thu nhập của người sản xuất.

Để góp phần trẻ hóa cà phê phù hợp với điều kiện canh tác của hộ gia đình ở địa phương, tháng 12/2012, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp với Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông – Thanh Hóa (Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng) xây dựng 2 mô hình tiêu biểu tại vùng cà phê xã Bình Thạnh (Đức Trọng), mỗi mô hình đang sản xuất 2ha cà phê khoảng 20 năm tuổi. Mô hình được tiến hành đồng thời 3 giải pháp chính trong 3 năm, gồm: sử dụng phân bón cân đối; kiểm soát, điều hòa độ pH cho đất; và ghép chồi mới trên thân cây cà phê cũ. Cụ thể, hàng năm, vào mùa khô, sau khi thu hoạch cà phê, tiến hành cắt tỉa cành già cỗi, cành xương cá yếu ớt và thân cây không còn tiềm năng phát triển… Chờ khi lá cà phê hơi rũ xuống mới tiến hành tưới nước đợt một để giúp cây ra hoa, đậu trái đồng loạt. Đợt tưới thứ hai cách đợt tưới đầu tiên khoảng 25-30 ngày để có thời gian ép cây nở hết nụ hoa còn lại. Mỗi gốc cây bón 400-500g phân “cà phê số 1 Tiến Nông”, bón phân đến đâu thì tưới nước đến đó…

Kỹ sư Lương Văn Hoàn, Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông – Thanh Hóa – Chi nhánh Lâm Đồng, chia sẻ thêm: “Sau những đợt mưa đầu mùa hàng năm, chúng tôi trực tiếp hướng dẫn nông dân cải tạo độ chua, phục hồi độ phì nhiêu của đất bằng chất điều hòa pH, giúp cây cà phê hấp thụ tối đa dinh dưỡng. Đồng thời kiểm tra phòng chống những bệnh thường gặp của cây cà phê như tuyến trùng, thối rễ tơ, thối rễ cọc trước khi bón phân…”. Bên cạnh đó, bắt tay vào ghép chồi mới trên thân cây cũ, tỉa bỏ số cành và chồi vượt còn lại, rồi bón phân dinh dưỡng “Tiến Nông cà phê số 2” 400-500g/gốc. Giai đoạn chăm sóc vào giữa và cuối mùa mưa, 2 chủ vườn cà phê bón phân đợt 1 vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 bằng sản phẩm “Tiến Nông cà phê số 3 từ 500 – 600g/gốc”; đợt 2 bón “Tiến Nông cà phê số 3” vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9,khoảng 600-700g/gốc…

Tăng thêm thu nhập 50 triệu đồng/ha

Kết quả nghiệm thu sau hơn 3 năm cải tạo đất mới, trẻ hóa cây cà phê tại 2 mô hình ở xã Bình Thạnh, thấy: Do vẫn lạm dụng phân hóa học làm cho đất canh tác bị chua, có độ pH từ 4-5, ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ, những vườn cà phê già cỗi, giống cũ chỉ đạt năng suất 3 – 4 tấn nhân/ha/năm. Khi áp dụng quy trình kỹ thuật và giải pháp dinh dưỡng mới của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng và Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, đến nay 2 vườn cà phê mô hình được cải thiện độ pH lên 5,2 – 6,0, đất tơi xốp, rễ tơ phát triển nhiều hơn, ở mặt dưới đất đào lên thấy có nhiều giun, năng suất đạt đến 5 – 7 tấn nhân/ha/năm, cao hơn năng suất canh tác theo biện pháp thông thường 2- 3 tấn nhân/ha/năm. Đặc biệt, cây cà phê được nâng cao khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thấp, thu hoạch trái chín đồng đều…Hạch toán theo giá cả niên vụ cà phê năm 2015- 2016, biện pháp canh tác mới này đã tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

“Những vườn cà phê 15- 20 năm tuổi, năng suất thấp trong nhiều năm liền (dưới 1,5 tấn nhân/ha), nhưng cây vẫn có bộ rễ khỏe thì có thể áp dụng biện pháp cưa ghép cải tạo làm trẻ hóa vườn cây để giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngược lại, những vườn cà phê dù cùng 15 – 20 năm tuổi, nhưng bộ rễ quá yếu, thường xuyên bị sâu bệnh gây thối mục, thì nên tiến hành tái canh trồng mới”, kỹ sư Hoàn nói.

Nguồn: Báo Kinh tế nông thôn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Táo bạo: Cô gái 8x “biến” cây tầm bóp dại thành sữa chua, dược phẩm

Lúc nhỏ thường cùng các bạn bứt trái tầm bóp ở những cánh đồng lúa gần nhà, lớn lên, cô gái Bùi Thị Nga, sinh năm 1989, đã biến loại cây dại này thành một dự án kinh doanh khá lạ: trồng cây tầm bóp thương phẩm.

Hẳn trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, cây tầm bóp không xa lạ gì. Bùi Thị Nga cũng có một tuổi thơ lam lũ ở vùng quê Cát Tiên, Lâm Đồng. Nga tâm sự cô cùng đám bạn thường bứt trái tầm bóp ở những cánh đồng lúa gần nhà và đã nung nấu ý định biến loại trái này thành thương mại từ khi còn là học sinh trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2016, trải qua bốn năm học đại học Nông lâm TP.HCM, đi làm thêm một vài công ty liên quan đến nông nghiệp, có chút kiến thức, Nga mới bắt tay vào nghiên cứu kỹ hơn về cây tầm bóp.

Cây tầm bóp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín.

Nga lao vào tìm kiếm các thông tin và được biết thế giới cũng đang ứng dụng rộng rãi những lợi ích từ cây này, nên càng vững tin hơn để thử nghiệm.

“Ở nước ngoài, ngành công nghiệp thực phẩm đã sử dụng quả tầm bóp trong các sản phẩm khác nhau, như ngoài làm trái cây tráng miệng nó còn được chế biến ra thức uống, sữa chua, sấy và mứt một cách phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có một sản phẩm tốt như thế này để phục vụ người dân”, Nga tâm sự.

Sau hơn một năm tìm tòi, thử nghiệm qua các loại giống trong nước và ngoài nước, nhóm đã chọn được một nguồn giống tốt từ Viện Nghiên cứu nông nghiệp miền Nam nước Pháp, loại Physalis Peruviana để tiếp tục trồng khảo nghiệm tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Các đợt cây giống mà Nga nghiên cứu đã phát triển khá thuận lợi ở giai đoạn đầu, tuy nhiên, khó khăn là giống Việt Nam có vòng sinh trưởng hoàn toàn khác cây Nam Mỹ và năng suất cũng thấp, nên cô phải rất cố gắng điều chỉnh để có được độ tương thích tối ưu.

Đến tháng 10.2017, Nga và cộng sự đã có được những trái thành phẩm thử nghiệm đầu tiên của cả giống Việt Nam và giống Nam Mỹ. Và định hướng sẽ đưa trái tươi ra thị trường vào giữa năm 2018.

“Hiện tại vẫn trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, lựa chọn giống và liên kết với các đơn vị khác để nghiên cứu về các ứng dụng từ chiết xuất thành dược phẩm”, Nga nói thêm về tương lai dự án.

Nguồn: Danviet.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Sơn La lần đầu tiên xuất khẩu chanh leo tươi sang Pháp

Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc là đơn vị trực tiếp xuất khẩu chanh leo sang Pháp bằng đường hàng không.

Đóng hộp chanh leo trước khi xuất khẩu

Hai tấn chanh leo quả tươi đầu tiên được công ty cổ phần Nafood xuất khẩu sang các siêu thị của nước Pháp. Để xuất khẩu, những quả chanh leo phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng 12 quả/kg và phải được trồng, chăm sóc và thu hoạch theo tiêu chuẩn Globalgap – tiêu chuẩn xuất khẩu của Châu Âu.

Những trái chanh leo đều tăm tắp

Hiện nay, Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc là đơn vị được tỉnh Sơn La cấp phép đầu tư trồng và chế biến chanh leo. Vùng nguyên liệu của công ty hiện nay có trên 500 ha tập trung chính ở hai huyện Mộc Châu và Thuận Châu.

Vườn chanh leo sai trĩu quả ở Sơn La

Dự kiến, sản lượng thu hoạch năm nay đạt trên 12.000 tấn quả tươi. Với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha chanh leo cho thu lãi khoảng 200 triệu.

Chanh leo có nhiều công dụng đối với sức khỏe

Việc xuất khẩu chanh leo sang thị trường Pháp góp phần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh có lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng, nhằm tăng nhanh sản lượng sản phẩm có chất lượng và không ngừng gia tăng giá trị sản phẩm.

Đây là lần đầu tiên Sơn La xuất khẩu chanh leo tươi sang Pháp

Tỉnh Sơn La đã có các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường ngoài nước như chè, mận hậu, xoài, mật ong… Việc xuất khẩu chanh leo ra thị trường nước ngoài nói riêng và các mặt hàng nông sản của Sơn La nói chung, sẽ làm đa dạng hóa được thị trường tiêu thụ, có tác dụng tương hỗ trong việc tiêu thụ hàng hóa, để tránh bị ép cấp, ép giá các sản phẩm hàng hóa nông sản trong xu hướng hội nhập.

Nguồn: VOV.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.