Kính nể lão nông ‘nghiệp dư’ nuôi Cá lồng kết hợp Trai lấy ngọc, thành công bất ngờ

Ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc…

Dù có hoàn cảnh kinh tế khá giả, lại đã được nghỉ hưu nhưng ông Lưu Văn Hạnh (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) lại chọn cho mình một công việc mới vô cùng vất vả và nhiều bất trắc.

Quyết định táo bạo

Đầu năm 2016, khi nghe Thạc sỹ thủy sản Trần Viết Vinh (Đại học Nông lâm Thái Nguyên) nói về triển vọng, hiệu quả của việc nuôi cá lồng, ông Hạnh đã bị mê hoặc về ý tưởng đó.

Ông Lưu Văn Hạnh chăm sóc cá lồng

Cất công về thành phố tìm gặp thạc sỹ Vinh, ông trình bày ý tưởng để được hướng dẫn. Về nhà, ông viết dự án để trình Phòng NN-PTNT huyện Đại Từ phê duyệt. Tháng 4/2016, ông thành lập Cty TNHH Việt Nhật để thực hiện dự án, đầu tư ghép 30 lồng cá quy chuẩn trên hồ Gò Miếu (thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ).

Người thân lo lắng phân trần, đã 60 tuổi, Nhà nước cho nghỉ lại còn lao đầu vào núi. Các con ông đều đã trưởng thành cả cũng lựa lời, điều kiện kinh tế có thiếu thốn gì mà bố lại một thân, một mình lên non.

Khi công nhân tiến hành ghép các lồng bè trên mặt hồ thì chính người dân bản địa cũng lo sợ vì nước hồ nơi này thiêng lắm. Người dân Ký Phú từ người già đến con trẻ đều lưu truyền và biết về sự tích thần hồ Gò Miếu.

Hồ Vai Miếu (người địa phương gọi là Gò Miếu) được xây dựng ở thượng nguồn nên nước đổ vào hồ là nước tinh khiết, trong xanh, sạch sẽ và mát rượi, vì thế hồ còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Đi thuyền trên mặt hồ, du khách sẽ đến một vùng đá lô nhô ngâm mình trong dòng nước trong vắt. Sắc xanh của Tam Đảo, của cây rừng ven hồ soi bóng xuống đáy nước, tạo ra một cảnh sắc huyền diệu. Ông Hạnh nuôi cá lồng trên hồ liệu có làm thần núi, thần nước quở báng mà vật chết?

Quyết định đã được đưa ra và không có đường lùi. Ông Hạnh ngày đêm ở hẳn trên mặt hồ để chỉ đạo thi công. Sau gần 1 tháng xây dựng, tháng 5/2016, ông đầu tư mua cá giống về nuôi.

Thành quả bất ngờ

Dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn hoạt bát, gần 2 năm sống trên mặt nước hồ nên ông Hạnh có nước da cháy sạm. Ông lái thuyền máy đưa chúng tôi lượn một vòng quanh hồ. Sinh ra và lớn lên ngay dưới chân hồ nên từng khe suối, từng lối mòn của đồng bào đi lấy măng, lấy củi ông đều đã nằm lòng.

Cấy ghép ngọc trai tại lồng bè của Cty TNHH Việt Nhật

Một đòi hỏi quan trọng của việc nuôi cá lồng là nguồn nước phải sạch và lưu thông. Chính từ yêu cầu đó mà ông Hạnh đã nghĩ đến hồ Gò Miếu và được chấp thuận ngay. Ông cho nuôi 10 loại cá như lăng đen, lăng chấm, chiên, trắm đen, nheo, điêu hồng, chép… Cá lớn rất nhanh lại không bị bệnh gì.

Ông Hạnh lý giải, nhờ thiên nhiên Tam Đảo ban phát, nguồn nước sạch vô biên thượng nguồn đã giúp cho cá khỏe mạnh, chóng lớn. Ông đã về tận Nam Sách (Hải Dương) để học kỹ thuật thì thấy người chăn nuôi tốn rất nhiều tiền mua thuốc men để phòng và trị bệnh cho cá. Nhưng vì cá ở đây được nuôi sống trong nguồn nước trong sạch nên mỗi lứa ông chỉ mất 2 triệu tiền mua tỏi về để cho cá ăn. Tỏi được nghiền trộn cùng thức ăn sẽ giúp cá tăng sức đề kháng, phòng một số bệnh.

Thức ăn của cá ngoài cám, ông còn cho thu mua cá vụn, cá tép dầu được người dân bán lại. Chỉ sau 3 tháng, có vài loại cá đã được thu hoạch như cá điêu hồng, rô phi. Thống kê sau một năm nuôi thành công, Cty TNHH Việt Nhật của Giám đốc Lưu Văn Hạnh đã xuất bán được xấp xỉ 100 tấn cá.

Ông Hạnh cho biết, hiện trong 30 lồng cá đang nuôi của ông có khoảng 90 tấn cá. Gồm 30 tấn cá lăng đen, 30 tấn điêu hồng, 2 tấn cá chiên, 10 tấn chép…

Tháng 5/2017, ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc.

Bà Cao Thị Thanh Dần (chuyên gia kỹ thuật của Cty TNHH Hồng Ngọc Pearl, Ninh Bình – đơn vị chuyển giao kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc) nhận xét, mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp của Cty TNHH Việt Nhật được đầu tư bài bản và quy chuẩn. Điều kiện sinh thái tại hồ Gò Miếu đặc biệt thuận lợi và tiềm năng vẫn còn rất nhiều.

Mô hình nuôi cá lồng kết hợp nuôi trai lấy ngọc của Việt Nhật đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Chị Nguyễn Thị Hằng (xóm Chuối, xã Ký Phú) cho biết, sau khi được tuyển dụng vào làm công nhân của công ty, người lao động được cho đi học tập kỹ thuật nuôi cá lồng, cấy ghép nhân và nuôi trai lấy ngọc. Triển vọng lớn của công ty mang lại niềm vui, sự yên tâm cống hiến của công nhân.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá lăng trong ao đất

Chuẩn bị và cải tạo ao nuôi

Ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2 là thích hợp nhất. Độ sâu nước từ 1,5 – 2 m.

Bờ ao chắc chắn, ao có cống cấp và thoát đầy đủ, đáy ao bằng phẳng, nghiêng về phía cống thoát. Ao nuôi gần nguồn nước sạch, chủ động cấp và thoát nước.

Cải tạo ao: Tháo cạn nước, vét bùn đáy, gia cố bờ bao chắc chắn.

Diệt tạp: Dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp. Liều lượng từ 10 – 12 kg/100 m2, vôi được rắc đều và phơi nắng 3 – 5 ngày.

Nước cấp vào ao lọc qua lưới lọc, mực nước cấp vào ao cao 1,5 – 1,8 m.

Mùa vụ và mật độ thả nuôi

Mùa vụ: Giống thả được quanh năm hoặc thả vào 2 vụ chính là: vụ Xuân từ tháng 3 – 4; vụ Thu từ tháng 8 – 9.

Nuôi cá lăng trong ao đất

Mật độ thả: 1 con/m2, nuôi ghép với cá mè trắng hoặc mè hoa.

Kích cỡ thả giống: Tùy theo thời gian nuôi mà chọn kích cỡ giống khác nhau. Nếu nuôi thời gian ngắn (6 tháng) nên thả giống cỡ lớn từ 0,5 kg/con trở lên.

Chọn giống: Cá giống đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh hay dị tật. Nên mua giống tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Tắm cho cá trước khi thả giống bằng muối 2 – 3% trước khi thả xuống ao.

Cho ăn và chăm sóc

Cho cá ăn bằng thức ăn tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp. Thức ăn tươi sống dùng cá tạp tươi, phụ phế phẩm lò mổ. Thức ăn tươi cần được cắt nhỏ cho phù hợp với kích cỡ cá. Nên cho thức ăn vào sàng ăn để kiểm tra lượng thức ăn (ao 2.000 m² nên đặt 4 sàng ăn).

Nếu dùng cám công nghiệp, sử dụng loại cám có hàm lượng đạm >30%, cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân. Cho cá ăn 2 cữ sáng và chiều. Hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp.

Chăm sóc: Thường xuyên duy trì ổn định mực nước ở mức yêu cầu. Nếu dùng thức ăn tươi sống thì phải thường xuyên thay nước, mỗi lần thay từ 20 – 30% lượng nước ao nuôi.

Định kỳ dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước, dùng vôi 2 – 3 kg/100m3 nước để xử lý nước (ổn định pH, sát khuẩn,…).

Kiểm tra tăng trưởng và dấu hiệu bệnh của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường ôxy cho cá vào những khi thời tiết bất thường hoặc cá có dấu hiệu nổi đầu.

Phòng, trị bệnh cho cá

Thường xuyên vệ sinh sàng ăn đảm bảo sạch sẽ. Định kỳ hàng tháng trộn thuốc, vitamin vào thức ăn phòng bệnh cho cá.

Xử lý một số bệnh thường gặp: Cá lăng hay gặp một số bệnh như bệnh nấm thủy mi, bệnh viêm ruột.

Bệnh nấm thủy mi: Cá bị bệnh bơi lội không bình thường do cơ thể bị ngứa nên cá cọ sát vào các vật thể trong nước làm xây xát lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm có cơ hội phát triển khiến bệnh nặng hơn.

Bệnh này, cần sử dụng hóa chất khử trùng nước, kết hợp với trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn để điều trị bệnh.

Bệnh viêm ruột: Cá bị bệnh viêm ruột bụng trương to, có ban đỏ, hậu môn lồi và sưng đỏ. Khi bệnh nặng, vây cá bị tổn thương, xoang bụng tích nước, thành ruột bị tụ máu. Toàn bộ ruột có màu đỏ thâm, ruột không có thức ăn, xuất hiện dịch mủ màu vàng nhạt.

Để phòng trị bệnh này, cần đảm bảo thức ăn tươi, không bị ôi thiu. Vệ sinh sàng ăn và thức ăn thừa sạch sẽ. Định kỳ dùng thuốc phòng bệnh cho cá. Khi cá bị bệnh dùng vôi bột hoặc hóa chất xử lý nước ao, kết hợp sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho cá.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng (nếu thả giống lớn) thì có thể thu hoạch. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo sức khỏe cho cá, nhất là vận chuyển cá đi xa.

Cá lăng chất lượng cao khi được nuôi trong ao đất

Theo thuysanvietnam.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Tập thể hình, ép cân cho cá lăng đen để tạo chất lượng độc đáo

Nuôi cá lăng đen vốn không xa lạ với người dân ở các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, tuyệt chiêu giảm cân cho cá để chất lượng cá ngon hơn, săn hơn, bán đắt hơn thì quả là mới mẻ. Người đang sở hữu tuyệt chiêu đó là anh Cao Xuân Kiền ở bến phà Phú Hậu, xóm 9, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Tập thể hình cho cá

Các mô hình nuôi cá với số lồng bè khủng cho sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm tôi đã gặp không ít. Nhưng nuôi cá lớn không phải để bán ngay mà phải tập luyện cho con cá làm sao giảm hết mỡ như các vận động viên thể hình 6 múi rồi mới đem đi bán thì quả thật tôi mới gặp lần đầu.

Tôi theo anh Kiền từ TP Phủ Lý đến bến phà Phú Hậu, huyện Lý Nhân để tìm hiểu về những con cá đang được luyện tập giảm cân mỗi ngày. Anh Kiền cho biết, ngày xưa từng đi dọc con sông Kinh Thầy (Hải Dương) nhìn nhiều người nuôi cá trên những cái bè nổi đã khiến anh rất thích thú. Gắn bó với công việc nhà nước gần chục năm cũng không làm giảm được niềm đam mê sông nước, nên anh Kiền bỏ ngang công việc để về bến phà Phú Hậu lập nghiệp nuôi cá.

Khu vực nuôi cá của anh Kiền ở bến phà Phú Hậu 

Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2013, với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 600 triệu đồng, anh tập trung nuôi cá lăng đen với quy mô chỉ  6 lồng. Sau khi nuôi được 2 năm, anh mới nảy ra ý tưởng thử nghiệm các bước để ép cân cho cá.

Chuyện là, trong một lần ngồi taxi, anh Kiền được tài xế mách nước muốn có món cá ngon, trước tiên bỏ cá vào chậu nước pha muối khoảng 15 phút; cá xót, vận động nhiều nên thịt săn chắc, ăn rất ngon.

Về nhà anh làm thử ngay, thấy con cá gặp muối bơi nhanh quanh chậu, sau đó đem nấu lên ăn quả thật thịt cá ngon hẳn hơn mọi hôm. Đêm đó, anh có suy nghĩ khác về cách tìm đầu ra cho toàn bộ số cá mình đang nuôi ở bè. Lúc đầu, anh áp dụng thử 10 con, sau thấy hiệu quả, từ đó mạnh dạn nghĩ đến chuyện ép cân cho cá.

Một con cá lăng đen giống, anh Kiền nuôi khoảng 2 năm đạt từ 3-4 kg, có con đột biến thì được 5kg, với nguồn thức ăn hàng ngày chủ yếu là cá rô phi.

Cá sau khi được ép cân trong 30-40 ngày thì giảm khoảng 8 lạng, lúc đó ruột cá rất sạch, thịt săn, bụng không còn mỡ. Những con cá khi mang đi ép cân hoàn toàn không ăn gì trong những ngày này, thế nhưng đến lúc bán cá vẫn khỏe.

Ngày trước, trong quá trình ép cân vì chưa có kinh nghiệm nên thỉnh thoảng có con bị chết. Thế nhưng, sau 2 năm trau dồi kinh nghiệm, đến nay anh ép cân cho cá không còn nào bị chết nữa.

Để ép cân cho một con cá lăng đen, anh Kiền phải nghiêm khắc luyện tập cho chúng từ 20-40 ngày, gồm 2 giai đoạn.

Đầu tiên bắt cá dưới lồng nuôi lên cho riêng vào một cái lồng ép nhỏ ở bè, lúc này bắt đầu cho cá nhịn trong 5-10 ngày để cá quen với việc nhịn ăn. Vài ngày sau rắc 1kg muối trắng vào bể khoảng 2 khối nước, sau đó dội nước trực tiếp vào cá để chúng vận động thải hết thức ăn từ trong ruột ra và sát trùng để cá không bị lở loét.

Bên cạnh đó, hàng ngày những con cá này đều được đánh dẻo theo đúng số lần và thời gian quy định. Cách đánh dẻo cho cá rất đơn giản, mỗi ngày kéo cá lên lửng 2 lần để cá vận động nhiều hơn. Trước khi đánh dẻo phải cho cá nghỉ ăn 2 ngày để cá vận động nhiều không bị chết, nếu cá ăn no mà kéo dẻo liền thì cá chết ngay.

Anh Kiền đang đánh dẻo cho cá 

Biểu diễn cho tôi xem, anh bước ngay đến bên cái lồng ép, đôi tay anh cầm lưới thật chặt từ từ kéo lên, những con cá đang bình yên dưới nước bất chợt vùng vẫy quẫy mạnh đuôi khi được kéo lên, nước văng tung tóe cả một vùng.

Sau gần nửa tháng huấn luyện, anh tiếp tục vận chuyển những con cá này về bể đặt ở nhà rồi tiếp tục cho cá nhịn ăn trên 10 ngày xong mới đem bán. Cá thả tại bể được dùng bằng nước máy đã khử clo, mỗi ngày anh đều thay nước trong bể 1 hoặc 2 lần.

Cách đây 2 năm, khi nuôi đại trà thì giá bán cá phải theo thị trường. Bây giờ cá lăng đen sau khi được ép cân anh bán với giá 100-120 ngàn/kg, trong khi giá cá bình thường ở chợ chỉ khoảng 80-90 ngàn/kg. Năm ngoái, giá cá lăng xuống thấp nhưng anh vẫn đảm bảo được lợi nhuận, khi giá xuống sâu thì anh vẫn hòa chứ không lỗ nặng như một số hộ nuôi khác. Nhiều người khi thử ăn đều mua cá của anh dù giá cao hơn ở chợ nhưng người dân vẫn chấp nhận mua.

Nơi anh Kiền chuyên ép cân cho cá 

Bây giờ quy mô nuôi đã được anh Kiền phát triển đến 14 lồng, các lồng anh đang nuôi gồm: cá lăng đen, lăng vàng, trắm cỏ. Số cá trắm cỏ khoảng vài tấn đang chuẩn bị thu hoạch sau nửa năm nuôi. Hiện, trung bình mỗi năm anh bán được 40-50 tấn cá lăng đen, ngoài ra anh cũng đang nuôi thử vài chục con cá lăng vàng vì giống này khó nuôi nên không dám đầu tư mạnh.

Thu hút nhiều người tham gia

Anh Kiền tâm sự, mới vào nghề nuôi cá ai cũng gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm nuôi và chọn cá giống chưa chuẩn nên không mang lại lợi nhuận cao. Đợt mới nuôi anh cũng bị dịch bệnh làm thiệt hại nhiều về giống cá như: cá chép, lăng đen.

Do vậy, để giảm thiệt hại cho người nuôi nơi đây khi giá cả lên xuống bấp bênh, anh Kiền đã vận động những hộ nuôi xung quanh thành lập HTX Chăn nuôi thủy sản Phú Phúc với 12 thành viên được nuôi theo mô hình của anh, quy mô HTX hiện tại đạt khoảng 50 lồng. Theo anh Kiền, khi xây dựng HTX sẽ tạo thành 1 chuỗi cho nhiều người tham gia giảm thiểu rủi ro và đảm bảo được nguồn cung cho thị trường.

Để thuyết phục nhiều người làm giống mình và quảng bá thương hiệu cá ép cân cho bản thân, anh mời nhiều người đến ăn thử cá ép cân và một con cá bình thường thì mọi người đều thấy thịt con cá sau khi ép cân ăn dai và ngon hơn nhiều. Từ đó, tiếng lành đồn xa, dân sành ăn ai cũng biết đến chất lượng những con cá mà anh đem bán.

Những con cá đã được ép cân chuẩn bị mang đi bán 

Hiện, anh đang tập trung phát triển mạnh thương hiệu cá ép cân cho bản thân mình. Cách đây 3 tháng, anh đã mở hẳn một trang website chuyên bán cá sạch trên mạng, đồng thời bán tại nhà thêm nhiều loại cá như: cá lăng đen, chép giòn, cá quả, trắm đen. Bây giờ, anh đang có rất nhiều đơn đặt hàng tại nhiều tỉnh trong cả nước như: Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… Cá khách đặt do tự tay anh làm sạch rồi ướp đá gửi thùng xốp, hoặc ai muốn gửi cá tươi thì anh cho cá vào túi bóng bơm oxy và cho đá lạnh vào trong, rồi bỏ thùng xốp gửi đi.

Anh Kiền cho hay: “Quan trọng nhất là phải tạo chất lượng cá mình bán ra luôn đảm bảo ngon. Một con cá nặng 4kg, nếu không ép cân thì bán được 320 ngàn đồng (giá 80 ngàn đồng/kg). Nếu ép cân, con cá đó chỉ còn 3,2 kg nhưng bán giá 120 đồng/kg. Như vậy, nếu so sánh thì cá ép cân vẫn lời được khoảng 50 ngàn đồng. Khi mình bán lên đến số lượng hàng chục tấn thì lợi nhuận mang về cao hơn nhiều so với bán cá đại trà. Có lúc giá cá lăng lên cao đỉnh điểm, giá cá ở chợ 120 ngàn/kg, còn cá tôi ép cân thì bán được đến 180 ngàn/kg”.

Sau câu chuyện, tôi được anh Kiền mời một bữa cơm thịnh soạn với món cá lăng hấp và nấu chua. Đêm đó, tôi còn được mời ngủ lại trên bè để tận hưởng hương vị cuộc sống vùng sông nước đầy thú vị…

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ép cân và những lưu ý khi ép cân cho cá

Phương pháp ép cân hay còn gọi “tập thể dục cho cá” có lợi ích cho chất lượng cá ngon hơn, các mô mỡ giảm dần hệ cơ vận động săn chắc, bán giá cao hơn do cá được ép cân dáng vẻ thon tròn và da láng bóng.

 

Phương pháp cho cá tập thể dục

Anh Cao Xuân Kiền ở bến phà Phú Hậu, xóm 9, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam dùng phương pháp ép cân cho cá lăng đen. Cá sau khi được ép cân trong 30-40 ngày thì giảm khoảng 800g/con, lúc đó ruột cá rất sạch, thịt săn, bụng không còn mỡ. Những con cá khi mang đi ép cân hoàn toàn không ăn gì trong những ngày này, thế nhưng đến lúc bán cá vẫn khỏe.

Một con cá lăng đen giống, anh Kiền nuôi khoảng 2 năm đạt từ 3-4 kg, có con đột biến thì được 5kg. Nguyên tắc ép cân của anh Kiền: giảm ăn, ngưng ăn và tăng cường vận động

Kỹ thuật ép cân cho cá

Để ép cân cho một con cá lăng đen, anh Kiền phải nghiêm khắc luyện tập cho chúng từ 20-40 ngày, gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1:

Giảm ăn: Trước khi thực hiện ép cân từ 3-5 ngày giảm ăn theo tỷ lệ phần trăm khối lượng vì dụ ngày đầu tiên giảm nửa bao, ngày 2 giảm 1 bao cứ thế tăng dần tập cho cá thói quen nhịn ăn, bởi nếu đột ngột cá sẽ sốc và chết.

Lựa chọn và nuôi tách riêng những con cá có cùng độ tuổi, cùng kích cỡ ở dưới lồng nuôi cho riêng vào một cái lồng ép nhỏ ở bè, lúc cá được chuyển sang ô lồng mới cá sẽ được nhịn ăn hoàn toàn.

Vài ngày sau rắc 1kg muối trắng vào bể khoảng 2 khối nước, sau đó dội nước trực tiếp vào cá để chúng vận động thải hết thức ăn từ trong ruột ra và sát trùng để cá không bị lở loét.

Hàng ngày những con cá này đều được “đánh dẻo” theo đúng số lần và thời gian quy định. Cách đánh dẻo cho cá: mỗi ngày kéo lưới ở lồng nuôi cá lên lửng 2 lần để cá vận động nhiều hơn. Trước khi đánh dẻo phải cho cá nghỉ ăn 2 ngày để cá vận động nhiều không bị chết, nếu cá ăn no mà kéo dẻo liền thì cá chết ngay.

Giai đoạn 2:

Sau gần nửa tháng huấn luyện, anh tiếp tục vận chuyển những con cá này về bể đặt ở nhà rồi tiếp tục cho cá nhịn ăn trên 10 ngày xong mới đem bán. Cá thả tại bể được dùng bằng nước máy đã khử clo, mỗi ngày anh đều thay nước trong bể 1 hoặc 2 lần.

Hằng ngày tiếp tục tập thể dục cho cá bằng cách sục nước lùa cá bơi quanh bể, đồng thời cho 1 lượng muối nhỏ (2m3 nước dùng 1kg muối) để khoảng 15 phút rồi thay nước.

Cá sau khi bị ép cân sẽ hao hụt trọng lượng. Tuy nhiên, khi ép thành công, giá bán sẽ tăng gấp đôi nên lợi nhuận vẫn rất cao.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.