Tại sao côn trùng chưa được chấp nhận như là một nguồn protein để sản xuất thức ăn chăn nuôi?

Sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết trong tương lai. Chúng ta cần phải khẩn trương tìm một nguồn protein mới và côn trùng là một nguồn cung cấp protein có tiềm năng trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ côn trùng có chất lượng tương đương với các sản phẩm sản xuất từ bột cá và đậu nành dùng trong nuôi trồng thủy sản và trong chăn nuôi. Ngoài ra, chi phí thức ăn và diện tích đất để sản xuất 1 kg protein từ côn trùng cũng nhỏ hơn rất nhiều so với sản xuất 1 kg protein từ thịt động vật. Tuy nhiên, các quy định và pháp luật hiện hành có liên quan phải được xem xét để có thể chấp nhận việc sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bài viết trình bày về những thuận lợi và khó khăn khi sử dụng côn trùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nó cũng cung cấp một cái nhìn rõ ràng về các văn bản pháp luật hiện hành và những thay đổi cần phải thực hiện để hợp thức hóa việc sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

1. Những thuận lợi của việc sử dụng côn trùng làm thức ăn

– Có thể thay thế thịt

Bên cạnh việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho động vật, côn trùng còn có thể dùng làm thức ăn cho con người. Côn trùng được xem là một loại “gia súc mini” chúng chiếm một không gian sinh thái rất nhỏ so với nuôi các loài động vật cung cấp thịt khác. Giá trị dinh dưỡng của côn trùng tương tự như thịt bò. Hơn nữa, côn trùng còn chứa rất nhiều acid béo đa phân tử không bão hòa và rất nhiều khoáng chất, ví dụ như sắt.

Thực tế là các nguồn protein thay thế thịt có nhu cầu rất lớn trên thị trường do tốc độ gia tăng dân số trên thế giới ngày một nhanh, nhu cầu protein cũng rất lớn và liên tục tăng hàng năm. Nguồn cung cấp protein thông thường từ động vật đang ngày càng hạn chế. Côn trùng là một nguồn thức ăn đầy hứa hẹn cho con người và nó hiện là một phần trong chế độ ăn uống của hơn 2 triệu người trên thế giới. Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và Hà Lan hiện đang nuôi côn trùng dùng làm thức ăn cho con người ở quy mô lớn.

– Thành phần sản xuất thức ăn bền vững

PROteINSECT là một dự án về sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi đang được triển khai nhằm cung cấp nguồn protein dùng để sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Một trích dẫn trong dự án cho biết “Côn trùng đang ngày càng được công nhận như là một nguồn protein thay thế tuyệt vời trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.” Ngoài ra, có rất nhiều loài côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao và sản xuất (nuôi) chúng rất ít có tác động tiêu cực đến môi trường so với nuôi động vật lấy thịt hay khai thác cá làm bột cá ở biển. Cũng theo dự án này, côn trùng rất dễ nuôi và phát triển rất nhanh trong các môi trường chất thải hữu cơ ví dụ như các loại rau củ thối, chất thải sinh hoạt.

 Ruồi lính đen trưởng thành 

– Chi phí nuôi côn trùng rất thấp

Một công ty mới thành lập của Pháp có tên là Ynsect đã tìm ra được một phương pháp thay thế protein từ đậu nành có giá rẻ và sẵn có ở địa phương trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ruồi lính đen, ấu trùng ruồi nhà (con dòi), con tằm (silkworm) và sâu quy hay sâu bột (mealworm) được xem là các loài có triễn vọng nhất đối với ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi theo báo cáo mới đây của FAO và cơ quan lương thực Liên hiệp quốc. Theo FAO, nguồn protein như là bột thịt, bột cá và bột đậu nành chiếm tới 60-70% giá thức ăn chăn nuôi.

– Chất lượng thịt của động vật nuôi tốt hơn 

Yaohui Che, người làm việc trong một nông trại ở Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết “Nuôi gà với côn trùng giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của gà. Ngoài ra, nó cũng giúp cải thiện đáng kể chất lượng thịt gà.” Các thông tin này hy vọng giúp cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Châu Âu hiểu rõ hơn về nguồn protein mới này.

– Cung cấp nguồn protein bền vững hơn

Elaine Fitches, điều phối viên của dự án PROteINSECT cho biết “Chúng ta biết dân số thế giới ngày một gia tăng, con người ăn thịt nhiều hơn và vì thế chúng ta cần sản xuất một nguồn protein bền vững hơn.” FAO dự tính rằng thế giới cần gia tăng sản lượng thức ăn lên 70% vào năm 2050 để đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho khoảng 9 tỷ người. Sản xuất thức ăn chăn nuôi đang ngày càng cạnh tranh các nguồn tài nguyên (đất, nước, phân bón) với con người, với vấn đề đô thị hóa và thiên nhiên.

 Ấu trùng ruồi lính đen

– Phản ứng của các công ty 

Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Hà Lan Coppens và Công ty sản xuất côn trùng Hà Lan Protix Biosystems đã ký một thỏa thuận về việc sử dụng bột côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc. Khi luật pháp cho phép, các công ty có sẵn tất cả mọi thứ để sử dụng bột côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Họ sẽ sử dụng 200 tấn chất béo từ côn trùng và 300 tấn protein từ côn trùng. Nguồn nguyên liệu này đủ để sản xuất đủ 15.000 tấn thức ăn hỗn hợp cho chăn nuôi. Nguồn chất béo và protein này được cung cấp từ ấu trùng ruồi lính đen. Công ty Protix sản xuất được khoảng 2,5-3 tấn côn trùng mỗi tuần.

Ruồi lính đen được chọn nuôi do nó có chu kỳ sống ngắn và đẻ nhiều trứng. Chất béo (tinh khiết) được chiết xuất từ ấu trùng ruồi lính đen đã được chấp thuận sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và nó sẽ là nguồn cung cấp chính cho công ty Coppens. Công ty Coppens muốn kết hợp các thành phần từ côn trùng để sản xuất các loại thức ăn đặc biệt, ví dụ như dùng cho heo con. Tỷ lệ tiêu hóa cao của nguyên liệu chế biến thức ăn từ côn trùng rất phù hợp và tốt cho giai đoạn nhỏ của động vật. Cả hai công ty nhấn mạnh rằng côn trùng sẽ là một phần của nguồn thức ăn có nguồn gốc tự nhiên cho gà và lợn. Chất kitin có trong khung xương của côn trùng còn có tác dụng chống lại vi khuẩn. Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng từ côn trùng cũng đang được nghiên cứu thêm.

– Các loài côn trùng phù hợp

Trên thế giới có khoảng hơn 1900 loài côn trùng có thể ăn được. Thực tế cho thấy rằng, ấu trùng của ruồi lính đen, ruồi nhà và sâu bột là rất phù hợp cho việc sử dụng các nguồn chất thải hữu cơ quy mô lớn và thích hợp cho sản xuất protein quy mô lớn. Do đó, các loài này rất phù hợp để nuôi và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Theo dự tính, trong vòng 7 năm tới sẽ có khoảng 80 cơ sở sản xuất quy mô lớn đạt kim ngạch 420 triệu euro. Côn trùng là loài máu lạnh và do đó nó rất có hiệu quả trong việc biến các nguồn sinh khối có giá trị thấp thành nguồn protein có giá trị cao. Hàm lượng protein thô cao nhất trong nhộng ruồi nhà là 65,7% và thấp nhất là trên ấu trùng ruồi lính đen 38,9%.

– Một trường hợp điển hình: Công ty AgriProtein

Công ty AgriProtein thu gom các chất dinh dưỡng từ các lò giết mổ bao gồm máu và ruột để nuôi ruồi. Những quả trứng ruồi sẽ nở thành ấu trùng (dòi) và phát triển với tốc độ phi thường. Ấu trùng ruồi sau đó sẽ là nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá và gà. Một kg trứng ruồi sẽ phát triển thành 380 kg ấu trùng trong vòng 72 giờ. Thành phần dinh dưỡng của bột cá và ấu trùng ruồi gần như giống nhau, do đó nó được chọn lựa như là một sự thay thế tuyệt vời cho bột cá khi công ty AgriProtein bắt đầu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm thức ăn chăn nuôi của hãng. Công ty dự tính sản phẩm thức ăn chăn nuôi của hãng sẽ có giá rẻ hơn so với thức ăn làm từ bột cá, khoảng 900 USD/tấn so với 1.350 USD/tấn. Thế giới đang rất cần một nguồn cung cấp protein mới và bền vững hơn. Trong đó, ấu trùng ruồi là một nguồn protein thay thế tuyệt vời.

2. Những khó khăn khi sử dụng côn trùng làm thức ăn

– Cần nhiều thông tin hơn về việc sử dụng côn trùng làm thức ăn

Trong số hơn 1.300 người được hỏi ở 71 quốc gia, đại đa số (88,2%) cho rằng họ cần biết nhiều thông tin hơn về việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho người và động vật. Trong khi đó, có khoảng 66% người trả lời rằng ấu trùng ruồi là một nguồn protein phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi, có tới hơn một nửa (52,4%) người cho rằng không nên cho cá, gà và heo ăn thức ăn có chứa nguồn protein từ côn trùng vì họ không có thông tin đầy đủ về chủ đề này.

Rhonda Smith thuộc dự án PROteINSECT cho biết chúng ta cần phải tích cực công bố các thông tin cần thiết về việc sử dụng nguồn protein từ côn trùng đến công chúng. Hendrik de Vor, Tổng giám đốc công ty Coppens cho rằng chi phí sản xuất bột côn trùng hiện tại vẫn còn cao nhưng ông cho biết tiềm năng của việc sử dụng côn trùng trong tương lai là rất lớn. Công ty Coppens của ông muốn sử dụng côn trùng để làm thức ăn cho heo con, nhưng những ảnh hưởng của nguồn dinh dưỡng từ côn trùng lên heo con vẫn chưa được biết chính xác và cần phải nghiên cứu thêm.

– Các quy định và vấn đề pháp lý có liên quan đến việc sử dụng côn trùng

Hiện tại, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho động vật bị cấm (2014). Như đã đề cập ở trên, các chất béo tinh khiết được chiết xuất từ ấu trùng côn trùng đã được phép sử dụng trong chế biến thức ăn động vật. Tuy nhiên, việc sử dụng protein từ côn trùng trong thức ăn chăn nuôi vẫn bị cấm do các bộ luật an toàn và chất lượng khác nhau, ví dụ như quy định TSE của Châu Âu về việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Trong các điều luật này, côn trùng thường được liệt kê trong danh mục “động vật nuôi- farm animal”. Do đó, côn trùng không thể được sử dụng để chế biến thức ăn cho một loài động vật nuôi khác. Theo TSE quy định, côn trùng được xem là protein động vật và như vậy nó không được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn cho heo và gia cầm. Ngoài ra, chứng nhận GMP+ cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp với côn trùng. Ngoài ra, cũng cần phải có luật về việc sử dụng an toàn các chất thải như là rau củ quả thối, nước và phân dùng để nuôi côn trùng một cách có hiệu nhất.

– Cần quy mô lớn hơn nữa

Một ví dụ, muốn thay thế 5% lượng thức ăn cho gà thịt nuôi ở Hà Lan trong một năm cần phải cung cấp đủ khoảng 75.000 tấn côn trùng! Một cơ sở sản xuất côn trùng quy mô nhỏ có thể cung cấp 1 tấn/ngày (365 tấn/năm), do đó phải cần tới 200 công ty sản xuất côn trùng mới đủ đáp ứng 5% nhu cầu. Vì vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất côn trùng là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường thức ăn chăn nuôi đang ngày càng lớn mạnh.

Sâu bột 

– Cần thêm các đánh giá rủi ro

Cần có thêm nhiều nghiên cứu về khả năng tiêu hóa dinh dưỡng của thức ăn sản xuất từ côn trùng. Nghiên cứu chỉ số amino acid thiết yếu của ruồi lính đen, ruồi nhà và sâu bột cho thấy các nguồn protein này cung cấp lượng amino acid thiết yếu vượt hơn nhu cầu tăng trưởng cần thiết của gà thịt và heo. Để thay thế hoàn toàn bột đậu nành trong thức ăn nuôi heo thịt và gà thịt cần khoảng 685,000 tấn côn trùng. Ngoài ra, đánh giá các rủi ro để tiếp tục sử dụng côn trùng như là một thành phần để sản xuất thức ăn chăn nuôi là cần thiết để xây dựng và phát triển các quy định pháp lý khác.

– Chi phí chế biến cao

Ấu trùng của các loài côn trùng như ruồi lính đen, ruồi nhà và sâu bột cần phải được xử lý để có thể sử dụng như là một nguồn nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thời hạn sử dụng của các loài côn trùng phụ thuộc vào các phương pháp chế biến và xử lý ví dụ như đông lạnh hay đông lạnh khô sẽ cho thời gian sử dụng lâu hơn so với các phương pháp chế biến khác, tuy nhiên đây là các phương pháp xử lý rất tốn kém.

– Phúc lợi động vật đối với côn trùng

Vấn đề phúc lợi động vật (animal welfare) cũng có liên quan đến các cơ sở nuôi côn trùng. Côn trùng hàng ngày được xem là các loài gây hại và gây ô nhiễm. Nhưng ngay khi chúng được nuôi dùng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, các quy tắc về quyền lợi của động vật và giết chúng cũng phải được quy định cụ thể. Hiện tại, các kiến thức về vấn đề này vẫn còn thiếu. Để đảm bảo rằng côn trùng được nuôi không chịu đau đớn, tổn thương, bệnh tật và sống một cách thoải mái, các định nghĩa về đau đớn và chịu tổn thương cũng cần phải được áp dụng đối với côn trùng. Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Wageningen đang tiến hành một nghiên cứu để xác định liệu côn trùng có cảm giác đau đớn hay không.

3. Những việc cần làm tiếp theo

– Giảm chi phí nuôi và chế biến côn trùng

Điều này là cần thiết để có thể sử dụng côn trùng như là một nguồn protein trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các vấn đề có thể xem xét để giảm chi phí sản xuất như sau:

+ Gia tăng hiệu quả sử dụng thức ăn của côn trùng
+ Giảm chi phí nhân công lao động bằng cách ứng dụng cơ giới hóa, tự dộng hóa và các dịch vụ hậu cần
+ Giảm chi phí vận hành trang trại nuôi bằng cách nuôi côn trùng ở quy mô lớn
+ Giảm sử dụng năng lượng, trao đổi nhiệt độ và thông gió
+ Chỉ chọn nuôi loài côn trùng giàu protein
+ Giảm chi phí chế biến

– Những nghiên cứu bổ sung

Hiện nay sản lượng côn trùng thấp chủ yếu tập trung vào các đối tượng động vật nuôi trong các vườn thú và các cửa hàng thú cưng. Để sử dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cần thêm có nhiều nghiên cứu như:

+ Giá trị thức ăn
+ Tỷ lệ bổ sung côn trùng trong thức ăn của động vật
+ Phân tích giá trị và các thành phần dinh dưỡng của côn trùng
+ An toàn khi sử dụng các chất thải sinh học để nuôi côn trùng
+ Chiết xuất các chất dinh dưỡng từ côn trùng
+ Thời hạn sử dụng
+ Khả năng sử dụng các sản phẩm sau khi nuôi và thu hoạch côn trùng

4. Kết luận

Để sử dụng côn trùng như là một nguồn nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi ở quy mô lớn cần phải gia tăng sản lượng sản xuất côn trùng cả về số lượng lẫn chất lượng; giảm giá thành nuôi côn trùng để cạnh tranh với các nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi khác; xây dựng các chuỗi bao gồm nguồn cung cấp chất thải hữu cơ sinh học dùng để nuôi côn trùng, các công ty nuôi côn trùng, công nghiệp chế biến các loại côn trùng, công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất gia súc, gia cầm, thủy sản và cả ngành phân phối và bán lẻ; vận động hành lang ở khu vực Châu Âu để sớm chấp nhận sử dụng côn trùng như là một thành phần trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tóm lại, để đẩy mạnh việc ứng dụng côn trùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cần làm rất nhiều việc đặc biệt là vấn đề pháp lý.

Nguồn: Aquanetviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Châu âu có thể dùng ấu trùng ruồi làm thức ăn nuôi gà, lợn

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại để cung cấp nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc, gia cầm.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) khẳng định việc sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi không làm tăng rủi ro sinh học hoặc hóa học so với các hình thức chăn nuôi nào khác, New Atlas hôm 6/9 đưa tin. Côn trùng có thể trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi tốt giúp con người thoát khỏi tình trạng thiếu hụt protein toàn cầu.

EFSA sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, Hà Lan, Bỉ để thực hiện báo cáo về những rủi ro môi trường khi nuôi côn trùng trong trang trại. Kết quả cho thấy, nếu chất nền nuôi côn trùng không chứa protein có nguồn gốc từ chất thải người hoặc động vật nhai lại, khả năng côn trùng phát triển các protein bất thường gây bệnh như bệnh bò điên sẽ giảm.

EU đang nghiên cứu khả năng sử dụng ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn chăn nuôi.EU đang nghiên cứu khả năng sử dụng ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn chăn nuôi. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về quá trình tiêu thụ côn trùng của con người và động vật. Sự tích tụ của các hóa chất như kim loại nặng hoặc asen là một trong những vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét dữ liệu và cân nhắc thực hiện dự án PROteINSECT do Quỹ EC tài trợ nhằm kiểm tra độ an toàn cũng như khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại làm thức ăn chăn nuôi.

Kể từ năm 2013, các thành viên của dự án PROteINSECT đã làm việc với các chuyên gia châu Âu, Trung Quốc, châu Phi để nghiên cứu đưa hai loài ấu trùng ruồi vào chế độ ăn của gà, lợn, cá. Họ nuôi ấu trùng bằng chất thải hữu cơ, sau đó phân tích chất lượng và mức độ an toàn của nguồn thức ăn mới.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ thịt toàn cầu dự kiến tăng 72% từ năm 2000 đến năm 2030. Do đó, nguồn cung cấp protein trong thức ăn gia súc cần tăng lên nhanh chóng.

Việc nuôi côn trùng trong trang trại để cung cấp protein cho chăn nuôi sẽ giúp giải phóng đất để trồng cây, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của con người và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chất dẫn dụ sinh học diệt côn trùng (pheromone)

Là một nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng dẫn dụ giới tính, được sử dụng rộng rãi trong hệ thống bảo vệ thực vật cây trồng. Với đặc điểm chuyên tính cao với từng lọai sâu hại nên rất an tòan với sản phẩm, sinh vật có ích và môi trường. 

Pheromone được dùng như một công cụ có hiệu quả trong dự báo, phòng trừ dịch hại cây trồng và sản phẩm trong kho nông sản. 
Đến nay trên thế giới đã nghiên cứu và tổng hợp được hơn 3.000 hợp chất sex – pheromone dẫn dụ nhiều loại côn trùng khác nhau. Ở Việt nam hiện nay, việc ứng dụng pheromone được tập trung đối với một số côn trùng sau đây:

  • Côn trùng hại rau: Các lọai sâu ăn lá: sâu tơ ( Plutella xylostella) , sâu xanh ( Helicoverpa armigera ), sâu khoang ( Spodoptera litura ) và sâu xanh da láng ( Spodoptera exigua )..

Bẫy vàng làm bẫy sâu trưởng thành

  • Côn trùng hại cây ăn trái: tập trung là chất dẫn dụ ruồi vàng đục trái ( Bactrocera dorsalis ). Sản phẩm tiêu biểu là Vizubon – D với họat chất Methyl Eugenol dẫn dụ đối với ruồi đực rất mạnh. Trong sản phẩm có pha trộn thêm chất diệt ruồi Naled. Đối với sâu đục vỏ trái cam quýt ( Prays citri Milliire ) cũng đã được sử dụng pheromone có hoạt chất Z(7)- Tetradecenal.

Bẫy vàng kết hợp chất dẫn dụ chua ngọt bẫy ruồi vàng

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Muỗi hành hại lúa và cách phòng trị

                                         

Muỗi hành (sâu năn, muỗi năn, muỗi cọng hành) là một trong những loài dịch hại gây hại khá nặng trên lúa. Lúa bị gây hại sẽ mọc thêm chồi mới, nhưng đôi khi chỉ là những chồi vô hiệu hay nếu có cho bông thì hạt lép nhiều. Để phòng trừ muỗi hành cần áp dụng đồng thời các biện pháp canh tác, biện pháp hóa học.

Muỗi hành hại lúa

Nhận diện triệu chứng

Triệu chứng để nhận diện cây lúa bị muỗi hành gây hại là cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, phần thân hơi cứng, chiều ngang thân cây lúa nở to dần theo sự tăng trưởng của ấu trùng nằm bên trong, lá lúa xanh thẫm ngắn, dựng đứng và có nhiều cọng lúa giống như cọng hành lẫn trong bụi lúa

Muỗi hành phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết tương đối ẩm, có mưa và trời ít nắng, do đó mưa nhỏ sương mù và trời có mây âm u rất thuận lợi cho muỗi hành phát triển, thường phát sinh cục bộ trên một cánh đồng hoặc một vùng hẹp do khả năng di chuyển yếu của muỗi.

Ẩm độ thích hợp nhất đối với muỗi hành là 85-95% và nhiệt độ thích hợp là 26-300C. Vì các lý do nêu trên nên ở đồng bằng sông Cửu Long muỗi hành chỉ xuất hiện và gây hại nhiều vào vụ Hè Thu hàng năm

Tập quán sinh sống và cách gây hại

Trứng nở thành ấu trùng chui vào đọt non của lúa làm lá non không mở ra được, cuốn tròn thành cọng hành hay cọng năn nên còn gọi là muỗi năn hay sâu năn. Nó hóa nhộng luôn trong đó và khi lột xác thành muỗi nó đục lỗ phía trên đọt tròn đó mà chui ra, chồi bị chết. Chúng có thể sống trên cỏ dại và lây lan rất nhanh gây thiệt hại nặng trên các trà lúa muộn

Thành trùng vũ hóa vào đầu mùa mưa, thường là ban đêm, có thể bắt cặp ngay và đẻ trứng. Khoảng 7 ngày sau khi bị tấn công, ống lúa sẽ mọc dài ra và tròn giống như cọng hành và rất dễ nhìn thấy vì ống có màu xanh lá cây nhạt. Lúc đó ấu trùng bên trong đã đủ lớn hoặc đã làm nhộng. Nhộng có thể di chuyển lên xuống trong ống lúa nhờ các gai ngược trên thân. Trời mưa hay râm mát nhộng di chuyển lên phía trên ống lúa; trời nắng gắt nhộng thường di chuyển xuống phía dưới. Khi sắp vũ hóa nhộng di chuyển lên phía trên của ống lúa và đục một lỗ nhỏ chui ra khỏi ống lúa, một đầu còn gắn vào ống lúa

Muỗi hành thường tấn công cây lúa từ giai đoạn mạ đến nhảy chồi tối đa. Chồi chính bị hư sẽ kích thích cây lúa sinh chồi mới. Lúa bị gây hại sớm sẽ mọc thêm chồi mới, nhưng đôi khi chỉ là những chồi vô hiệu hay nếu có cho bông thì hạt lép nhiều

Biện pháp phòng trừ: để phòng trừ muỗi hành có thể áp dụng các biện pháp sau:

Biện pháp canh tác:

  • Diệt cỏ xung quanh ruộng lúa.
  •  Diệt lúa rài, lúa chét và gieo cấy sớm rất cần thiết để giảm mật số muỗi hành trên đồng ruộng.
  •  Không bón nhiều phân đạm.
  • Ruộng lúa bị sâu năn hại cần kịp thời tháo nước phơi ruộng để hạn chế sự lây lan phát triển.
  •  Dùng bẫy đèn diệt muỗi, bảo vệ ong mắt đỏ (thiên địch của sâu năn).
  •  Thăm ruộng thường xuyên từ giai đoạn mạ đến lúc cây lúa nhảy chồi tối đa.

Biện pháp hóa học:

  •  Nhúng rễ mạ vào dung dịch thuốc trừ sâu lưu dẫn trong 1 đêm trước khi cấy.
  •  Áp dụng thuốc nước để diệt thành trùng hoặc ấu trùng vừa nở ra.
  • Rãi thuốc hột khi ruộng chủ động nước.

Tóm lại, cho đến nay bệnh do muỗi hành gây hại đã được khắc phục, nhưng về giống thì vẫn chưa có giống kháng mạnh đối với loài dịch hại này nên việc áp dụng các biện pháp canh tác trước khi gieo sạ là rất thiết yếu. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện muỗi và phòng trị đúng lúc góp phần giúp cây lúa sach bệnh, khỏe mạnh sau này. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt dịch hại như là muỗi hành và các loài sâu bệnh hại khác, để đảm bảo cây lúa cho năng suất cao khi thu hoạch.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vai trò của côn trùng với môi trường và đời sống con người

 

Chỉ có 0,1% các loài côn trùng là đi ngược lại lợi ích của con người. Nhiều côn trùng được coi là những con vật có hại với loài người vì chúng truyền bệnh (ruồi, muỗi), phá hủy các công trình (mối), hay làm hỏng các sản phẩm lương thực (mọt). Các nhà côn trùng học đã đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát chúng mà phổ biến nhất là thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, ngày nay các phương pháp kiểm soát bằng sinh học (methods of biocontrol) đang ngày càng được dùng phổ biến hơn.

Mặc dù các côn trùng có hại thường nhận được nhiều sự quan tâm hơn, bên cạnh đó vẫn có nhiều loài có lợi cho môi trường và con người. Một số loài thụ phấn cho các loài thực vật có hoa (ví dụ ong, bướm, kiến…). Sự giao phấn (pollination) là sự trao đổi (hạt phấn) giữa các thực vật có hoa để sinh sản. Các loài côn trùng khi lấy mật và phấn hoa đã vô tình tiến hành giao phấn. Ngày nay, một loạt các vấn đề về môi trường đã làm giảm các quần thể “nhà giao phấn” (pollinator) này. Số lượng các loài côn trùng được nuôi với mục đích làm vật trung gian quản lý việc thụ phấn cho thực vật đang trong thời ký phát triển thịnh vượng.
Một số côn trùng cũng sinh ra những chất rất hữu ích như mật, sáp, tơ. Ong mật đã được con người nuôi từ hàng ngàn năm nay để lây mật. Tơ tằm đã có ảnh hưởng rất lớn tới lịch sử loài người, các mối quan hệ thương mại được thiết lập trên con đường vận chuyển tơ lụa giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Ấu trùng maggot được sử dụng để chữa trị vết thương, ngăn chặn sự hoại tử do chúng ăn các phần chết thối. Phương pháp điều trị hiện đại này đã được sử dụng ở một vài bệnh viện trên thế giới.

Nhiều nơi trên thế giới, côn trùng được sử dụng làm thức ăn cho con người (entomophagy) trong khi nó lại là đồ kiêng kị với vùng khác. Thực ra đây cũng là một nguồn protein trong dinh dưỡng của loài người. Người ta không thể ước tính được có bao nhiêu loài côn trùng đã nằm trong thực đơn của con người nhưng nó đã có mặt trong rất nhiều thức ăn, đặc biệt trong ngũ cốc. Hầu hết chúng ta không nhận ra rằng các luật bảo vệ thực phẩm ở nhiều nước không ngăn cản việc có mặt của côn trùng trong thức ăn.

Nhiều côn trùng, đặc biệt là các loài cánh cứng là những bọn ăn xác thối, chúng ăn các xác động vật chết, các cây bị gãy mục, trả lại môi trường các dạng hữu ích cho các sinh vật khác sử dụng. Ai Cập cổ đại đã sùng bái coi những con bọ cánh cứng như bọ hung là thần linh, bên cạnh nhiều động vật linh thiêng khác của họ như cá sấu, hà mã, cá trê, chim ưng… Điều này bắt nguồn từ một sự quan sát gắn với truyền thuyết: những con bọ hung Ai Cập sử dụng phân động vật làm thức ăn cho những con non của nó. Mà với một số lượng bọ hung đông đúc hoàn toàn sống dựa vào những bãi phân thì đối với chúng, thứ thức ăn bốc mùi này quả thật quý như vàng, và vì thế mà tranh chấp xảy ra. Chúng phải tìm cách lăn cục phân đi càng nhanh càng tốt khỏi đống phân và tìm một nơi chôn “kho báu” để giữ cho nó không bị cướp lại bởi những bà mẹ côn trùng khác. Chúng sử dụng hai chân sau để lăn phân-điều này đồng nghĩa với việc phải lộn ngược thân mình trong tư thế trồng cây chuối, mà như vậy thì không tiện cho việc quan sát đường đi cho lắm. Bởi vậy, những con bọ hung sử dụng hướng di chuyển của Mặt Trời, tức là từ Đông sang Tây làm la bàn định vị, những ông chủ kim tự tháp nhìn thấy các viên phân tròn dịch chuyển theo hướng di chuyển của Mặt Trời, rồi lại biến mất xuống lòng đất (bọ hung chôn phân trước khi đẻ trứng lên đó) đã ví những hình tượng không lấy gì làm vệ sinh lắm ấy với thần Mặt Trời, thần linh tối cao của họ. Và để trả ơn cho công lao dọn vệ sinh của con bọ hung, người Ai Cập đã trao cho chúng cái chức danh “người dẫn đường cho thần Mặt Trời”.

Bọ rùa – Thiên địch của rệp hại cây

Hầu hết chúng ta đều không ý thức được rằng, lợi ích lớn nhất của côn trùng chính là loài ăn côn trùng (insectivores). Nhiều loài côn trùng như châu chấu có thể sinh sản nhanh đến nỗi mà chúng có thể bao phủ Trái Đất chỉ trong một mùa sinh sản. Tuy nhiên có hàng trăm loài côn trùng khác ăn trứng của châu chấu, một số khác thì ăn cả những con trưởng thành. Vai trò này trong sinh thái thường được cho là của các loài chim, nhưng chính côn trùng, mặc dù không thực sự quyến rũ như những loài lông vũ kia mới chính là những con vật có vai trò quan trọng hơn. Với bất kỳ loài côn trùng có hại nào, như con người thường gọi, thì cũng có một loài ong bắp cày là vật ký sinh hay là thiên địch của chúng và giữ một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các loài có hại đó.

Chấu chấu là một loài thiên địch

Sự quan tâm của với việc kiểm soát dịch hại bằng thuốc trừ sâu có thể có tác dụng phản lại, thực tế thì chúng ta đã không nhận ra rằng chính côn trùng đã tự kiểm soát lẫn nhau và cả các quần thể có hại. Vì vậy, kiểm soát bằng thuốc độc thậm chí có thể dẫn đến sự bùng phát một loạt dịch hại nào đó.

Nguồn VOER, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam