Kỹ thuật nuôi ếch bằng lồng lưới và bằng bể xi măng

Hiện nay, nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng. Nhiều người đã nhân giống ếch đồng (ếch nội) để nuôi. Giống ếch này, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khỏe, ít bị bệnh hại, dễ nuôi, dễ bán.

Kỹ thuật nuôi ếch không khó nhưng đòi hỏi môi trường nuôi đảm bảo, giống tốt,… Đối với loài này chỉ với thời gian nuôi ngắn thì đã có thể thu hoạch. Có nhiều hình thức nuôi khác nhau, nhưng sau đây Farmtech VietNam xin giới cho bạn đọc hai hình thức nuôi ếch trong bể xi măng hoặc trong lồng lưới. Ưu điểm của hai hình thức này là dễ dàng quản lý, theo dõi được quá trình phát triển của ếch, dễ vệ sinh, phòng chống bệnh tật, phòng chống được con vật khác ăn thịt ếch

I. ĐỊA ĐIỂM NUÔI

1. Lồng lưới

– Làm bằng lưới cước hoặc sợi nilon, kích cỡ mắt lưới khoảng 0,5-1cm.

– Kích thước: cao 1- 1,2 m, rộng 2 m, dài 3-5m.

– Mặt trên lồng để hở 30-50 cm để cho ếch ăn và phân loại ếch. Có hệ thống che mát cho lồng nuôi (lá dừa, lưới che mát …)

– Mặt dưới để chìm dưới nước 15-25 cm, dưới đáy lồng thả các miếng xốp cho ếch lên ăn, nghỉ ngơi (chiếm 1/3-1/2 diện tích lồng nuôi).

2. Bể xi măng

– Diện tích: 6-30 m2, độ cao 1,2-1,5 m, đáy bể có độ nghiêng khoảng 50 về phía cống thoát.

– Có sàn ăn, bè nổi cho ếch lên ăn mồi và nghỉ ngơi (chiếm 1/3-1/2 diện tích bể nuôi).

– Thiết kế hệ thống cống cấp, thoát nước riêng biệt, hệ thống lưới che chắn, bảo vệ ếch.

– Bể trước khi nuôi được xử lý bằng các hóa chất: thuốc tím, Iodine, chlorine …

– Cho nước vào bể khoảng 20-30cm.

* Lưu ý: đối với bể mới xây hoặc sửa lại cần tẩy rửa bể trước khi nuôi bằng cách ngâm nước và xả bỏ nhiều lần (3-4 lần).

II. CHỌN GIỐNG VÀ THẢ GIỐNG

– Chọn ếch cỡ 45 ngày tuổi (khoảng 20g/con), khỏe mạnh, linh hoạt, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh hay bị dị tật.

– Thời gian thả: lúc trời mát (buổi sáng hoặc buổi chiều).

– Tắm ếch bằng nước muối 3‰ từ 10-15 phút trước khi thả nuôi.

– Mật độ thả nuôi:

+ Tháng thứ nhất: 150-200 con/m2.

+ Tháng thứ hai: 100-150 con/m2.

+ Tháng thứ ba: 80-100 con/m2.

* Lưu ý: Kiểm tra lại môi trường nước trước khi thả giống (pH: 6,5-7, nhiệt độ: 28-30oC).

III. THỨC ĂN VÀ CÁCH CHO ĂN

1. Thức ăn

– Thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có độ đạm cao (22-35%).

– Thức ăn tự chế biến: sử dụng 20% thịt, cá + 80% bột ngũ cốc trộn đều và nấu chín trước khi cho ăn, có thể bổ sung thêm B.complex, vitamin…

– Ngoài ra cần phải cho ăn bổ sung thêm thức ăn tự nhiên: ốc bươu vàng, giun, cá tạp…

2. Cách cho ăn

– Chọn thức ăn có kích cỡ và độ đạm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ếch.

– Hàm lượng protein (%) – Kích cỡ viên (mm) – Thời gian nuôi
+ 35 2,2-2,5 1-15 ngày (20-50g)
+ 30 3,0-4,0 15-45 ngày (50-100)
+ 25 5,0-6,4 45-75 ngày (100-150g)
+ 22 8,0-10 >75 ngày (>150g)
– Cho ăn bằng cách rải thức ăn trực tiếp vào hồ (đối với thức ăn viên) và để lên sàn ăn (đối với thức ăn chế biến).

– Lượng thức ăn cho ăn: Tháng đầu cho ăn 7-10% trọng lượng đàn ếch, từ tháng thứ hai 3 – 5%.

– Thời gian cho ăn: Tháng đầu cho ăn 3 – 4 lần/ngày (sáng, trưa, chiều, tối), từ tháng thứ hai trở đi cho ăn 2 – 3 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát.

IV. CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ

– Chế độ thay nước

+ Tháng đầu thay nước từ 2 – 3 ngày/lần, mực nước duy trì ở mức 20- 30 cm; Tháng thứ hai trở đi thay nước mỗi ngày, mực nước có thể giảm xuống còn  10 – 15 cm.

+ Thời gian thay nước thích hợp nhất là vào buổi sáng.

* Lưu ý: Nước giếng khoan được bơm lên trữ lại ít nhất một ngày mới sử dụng.

– Phân cỡ

Hàng ngày kết hợp với việc cho ăn và thay nước là việc tách đàn, phân cỡ ếch. Thông thường là phân thành hai cỡ lớn và nhỏ tương đối đều nhau. Việc phân cỡ càng kỹ thì ếch ít có cơ hội ăn thịt lẫn nhau, giảm tỷ lệ hao hụt đáng kể.

– Chăm sóc, quản lý

+ Kiểm tra quan sát thường xuyên các hoạt động của ếch để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp bị bệnh.

+ Bổ sung vitamin, thuốc bổ, men tiêu hóa 01 tuần/lần.

+ Tắm ếch tuần/ lần bằng thuốc tím, Iodine, …

+Kiểm tra thường xuyên các hệ thống cấp thoát nước, chất lượng nước, lưới bảo vệ đề phòng thất thoát ếch.

+ Định kỳ khoảng 2 tuần cân ếch một lần để kiểm tra mức tăng trọng và trọng lượng trung bình cả đàn làm cơ cơ sở điều chỉnh chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý.

V. THU HOẠCH

Sau 2,5-3 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng trung bình 200-250 g/con, có thể thu hoạch toàn bộ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bệnh và cách phòng trị bệnh ở ếch

1. Phòng bệnh

Dịch bệnh xuất hiện trong điều kiện nuôi khi: môi trường nuôi bị nhiễm bẩn, tồn tại tác nhân gây bệnh và ếch nuôi bị suy dinh dưỡng. Thức ăn không đầy đủ ếch thường cắn nhau rất dễ bị bệnh ngoài da, sau đó nhiễm trùng. Khi ếch bị nhiễm bệnh thì việc điều trị hết sức khó khăn, do đó việc thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh là rất cần thiết.
– Chọn giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ.
– Thường xuyên san thưa và phân cỡ: tạo đàn ếch đồng đều về kích cỡ.
– Không nuôi với mật độ quá dày.
– Thức ăn phải đảm bảo đầy đủ chất lượng.
– Định kỳ bổ sung vitamin + men tiêu hóa giúp tăng sức đề kháng của ếch nuôi.
– Thay nước và vệ sinh bể nuôi hàng ngày.

2. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị

Hiện nay trong quá trình nuôi, ếch thường bị hao hụt là do một số nguyên nhân sau:

2.1. Hiện tượng ăn nhau

Nguyên nhân: Nuôi mật độ cao, thức ăn không đủ, kích cỡ nuôi không đồng đều. Phòng chống: Mật độ nuôi vừa phải. Thức ăn phải đủ chất lượng, cho ăn đều khắp bể. Thường xuyên lọc và phân cỡ bể nuôi khi ếch nhỏ dưới 50g.

2.2. Bệnh lở loét đỏ chân

Triệu chứng bệnh: Ếch giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Giải phẩu nội tạng, thấy xuất huyết trong ổ bụng.
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển khi môi trường nuôi dơ và khi ếch bị sốc.
Bệnh lở loét đỏ chân
Phòng bệnh: Thường xuyên thay nước, giữ môi trường nuôi sạch sẽ.
Chữa trị: Điều trị kịp thời khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Ngâm ếch trong dung dịch Iodine (PVP Iodine 350: 5 – 10 ml/1m3 nước). Dùng Oxytetracycline (3 – 5g/kg thức ăn).

2.3. Bệnh về đường tiêu hóa

Triệu chứng bệnh: Bụng ếch trương phồng lên, ếch nằm yên một chổ. Một số con có hậu môn lồi ra, ruột bị sưng lên. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn.
Nguyên nhân: Do ếch ăn thức ăn ôi thiu hay cho ếch ăn quá nhiều, ếch không tiêu hóa được, nguồn nước nuôi dơ do ít thay nước.
Phòng bệnh: Định kỳ trộn men tiêu hóa vào thức ăn của ếch. Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch.
Chữa trị: Giảm lượng thức ăn xuống còn 50%. Làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Sulphadimezine và trimethroprim (4 – 5g/kg thức ăn). Sử dụng liên tục 5 ngày.

2.4. Bệnh mù mắt, cổ quẹo

Triệu chứng: Mắt bị viêm sưng. Mắt đục và mù cả hai mắt. Biến dạng cột sống và cổ quẹo, ếch thường xuyên quay cuồng và chết.
Bệnh mù mắt, quẹo cổ ở ếch
Nguyên nhân: Chưa rõ, nhưng có tài liệu cho là do vi khuẩn Pseudomonas sp.
Chữa trị: Cách ly những con có triệu chứng bệnh. Ngâm ếch bằng Iodine với liều lượng 3-5 ml/m3 nước. Trộn thuốc cho ếch ăn: 100g NOROCINE/500-700kg ếch. Xử lý và trộn thuốc liên tục trong 5 ngày.’
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá tăng thu nhập cao

Trong những năm gần đây mô hình nuôi ếch Thái kết hợp với nuôi cá được nhiều nông dân lựa chọn vì có hiệu quả kinh tế cao, có triển vọng phát triển bền vững.

mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá

Một trong những hộ nuôi thành công là ông Trần Văn Trí sinh năm 1959 ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nhờ vào sự chia sẻ, hướng dẫn tận tình của ông Nguyễn Văn Lũy ở ấp 1 xã Mỹ Thành Bắc (một người nuôi thành công trước đó), ông quyết định chuyển 2.500 m2 ao nuôi cá tra không hiệu quả sang nuôi ếch. Hiện ông nuôi 15 vèo, mỗi vèo thả 3.000 ếch giống. Ếch giống mua ở huyện Cái Bè, 600 – 1.300 đồng/con (tùy thời điểm). Vèo có diện tích 12m2 làm từ lưới Thái, phần đáy được phủ tấm nhựa để trữ nước. Bên ngoài vèo, ông thả nuôi kết hợp 4.000 cá tra và 1.000 cá trê.

Đối với ếch, nuôi theo kiểu gối đầu nên thu hoạch luân phiên, cứ cách vài tuần là thu hoạch 3 – 4 vèo, rồi lại thả tiếp ếch giống trên vèo mới vừa thu hoạch… Thời gian nuôi 1 vụ ếch từ 2,5 – 3 tháng, đạt trọng lượng 4 – 5 con/kg. Nếu nuôi đạt đầu con, mỗi vèo ông thu hoạch được 500 – 600 kg ếch thịt. Trong vụ mới đây, ông bán ếch với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi được 30 triệu đồng (mỗi vèo lãi 2 triệu đồng). Với 1 năm 4 vụ, nuôi ếch cho lãi trên 80 triệu đồng (do giá bán từng thời điểm khác nhau). Đối với 5.000 con cá đã thả, sau thời gian nuôi 10 tháng, ông thu được 5 tấn cá thịt, lãi hơn 100 triệu đồng nữa. Như vậy, mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá đem lại thu nhập cho ông trên 180 triệu đồng trong một năm.

Ông cho biết “Nuôi ếch Thái kết hợp với nuôi cá giúp tận dụng phân và thức ăn thừa của ếch để nuôi cá, đồng thời vệ sinh ao nuôi nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra. Quan trọng là nguồn nước phải sạch, thay đổi thường xuyên và được khử khuẩn trước khi đưa vào ao. Và cần phân cỡ ếch trước khi thả và trong 2 – 3 tuần đầu để hạn chế việc ăn thịt lẫn nhau. Ông tính toán: Nếu xuất bán ếch lúc giá thấp thì chỉ cần hòa vốn cũng tốt, vì phần lãi từ cá cũng khá đáng kể.

Ông nhiệt tình chia sẽ: Do lúc đầu chưa am hiểu đặc tính sinh trưởng và kỹ thuật nuôi kết hợp ếch – cá nên ông bị thất bại mấy đợt. Nhờ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi và cộng với sự chịu khó, linh hoạt, ông đã có được sự thành công. Từ nuôi với số lượng ít, ông dần phát triển lên số lượng nhiều hơn và hiện tại ông đã có 15 vèo. Trong thời gian tới nếu có điều kiện, ông sẽ tìm học kỹ thuật cho ếch sinh sản để giảm chi phí giống, tăng thêm lợi nhuận.

Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới trong việc xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt mô hình có khả năng nhân rộng rất tốt đối với những ao nuôi cá tra bỏ trống hoặc nuôi không hiệu quả chuyển đổi sang nuôi ếch kết hợp với cá.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam