Giá Tôm giảm mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói phải thật bình tĩnh!

Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt hơn 635 nghìn ha, tăng 102,5% so cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là hơn 582 nghìn ha, tăng 101,4% so năm 2017. Diện tích tôm thẻ chân trắng 54.500 ha, tăng hơn 116% so năm 2017.

 

Đáng chú ý, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ 5 tháng đầu năm 2018 là 195.748 tấn, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm sú là 85.655 tấn (giảm 4,9%) và sản lượng tôm thẻ chân trắng là 110.093 tấn (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, dù diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch tăng chủ yếu từ tôm thẻ chân trắng nhưng giá tôm loại này lại không ổn định.
Trong khi giá tôm sú từ đầu năm đến nay vẫn ổn định ở mức cao, tôm cỡ 30 con/kg giá dao động từ 225.000 – 250.000 đồng/kg thì từ tháng 4/2018 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng giảm nhiều, giảm từ 10.000 – 30.000 đồng/kg, chủ yếu ở cỡ tôm 80 -100 con/kg tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Đây là vấn đề khiến hàng chục nghìn hộ nuôi tôm trong nước rất quan tâm, lo lắng”, đại diện Vụ Nuôi trồng thuỷ sản nhận định.
Trước tình hình giá tôm giảm thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị người dân nuôi tôm phải thật bình tĩnh, không bán tôm cỡ size non, cần điều chỉnh về quy trình nuôi, thả tôm hợp lý,…
Đối với các doanh nghiệp đầu vào gồm giống, thức ăn, chế biến, Bộ trưởng Cường cho rằng đây là cơ hội rà soát lại quản trị, hạ giá thành sản phẩm một cách hợp lý và đi đôi với chất lượng để nuôi dưỡng thị trường lâu dài.
Với các doanh nghiệp chế biến, Bộ trưởng yêu cầu phải chia sẻ khó khăn, có trách nhiệm với người nuôi và coi khách hàng, người nuôi tôm là bạn đồng hành bền vững với mình.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành tập trung quản lý chặt chẽ, cùng với các cơ quan ngành dọc, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ quy trình nuôi, theo dõi dịch bệnh, kiểm soát chất lượng và liên kết sản xuất theo chuỗi để không bị động.
“Đối với các ngành chuyên môn, cần tổng kết những mô hình hay, sáng tạo để cùng với địa phương mở ra tùy quy mô khu vực, hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng nuôi tôm đạt hiệu quả cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Nguồn: Vneconomy được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phát triển nông nghiệp bền vững nhờ vào chất điều hòa pH

Vai trò của pH đất trong việc hấp thu dinh dưỡng của cây trồng

pH đất có vai trò quan trọng trong việc hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Theo kết quả “Nghiên cứu hiệu quả sử dụng phân bón và quản lý pH đất” của Tiến sĩ Scliff Snyder – Mỹ thì pH ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng phân bón như sau:

Một số bệnh ở các loại cây trồng liên quan trực tiếp đến pH đất, bởi pH đất là chỉ thị của sự có mặt của các tác nhân vi sinh vật gây bệnh. Một số bệnh điển hình ở cây trồng liên quan đến pH đất như:

Bệnh lá vàng trắng trên cây họ citrus (họ cây có múi như cam, chanh,…), bệnh thường gây ra trong môi trường có pH cao (đất kiềm)

Cây lúa bị ngộ độc Nhôm trên đất chua

Bệnh ghẻ củ (hà củ) ở khoai tây gây ra ở môi trường pH kiềm

Chất điều hòa pH – đột phá và khác biệt

Từ thực tế năng suất cây trồng chưa cao, lãng phí phân bón nhiều, mức đầu tư lớn, Công ty CP CNN Tiến Nông đã nghiên cứu cho ra đời sản phẩm chất điều hòa pH đất.

Chất điều hòa pH tiếp tục phát huy vai trò của vôi trong đất. Nếu như vôi chỉ có Canxi, khi bón vào đất sẽ cải tạo đất chua, nâng pH đất; thì ngoài Canxi, trong chất điều hòa pH còn có Magie, Silic, các vi lượng, chất hữu cơ,…

pH đất thấp báo hiệu việc thiếu các nguyên tố trung vi lượng (Ca, Mg, Mo, S, Zn…), thậm chí cây có thể bị ngộ độc Al, Fe, Mn,… do ở pH thấp, các nguyên tố này hòa tan nhiều. Vì vậy chất điều hòa pH vừa có chức năng cải tạo đất chua, nâng độ pH đất, vừa có tác dụng cung cấp các nguyên tố thiếu hụt cho cây.  Đặc biệt, trong chất điều hòa pH đất Tiến Nông còn chứa các chất hữu cơ hoạt tính, có tác dụng hoãn xung  cải tạo độ phì nhiêu của đất, hấp thụ các kim loại có thể gây độc cho cây.

Khi bón chất điều hòa pH Tiến Nông, pH đất sẽ tăng từ từ, tránh gây sốc và giúp cây hấp thu các đa trung vi lượng một cách hiệu quả hơn. Việc sử dụng chất điều hòa pH phải tuân thủ đúng hướng dẫn, liều lượng trên bao bì. Tại Hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn quốc vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng các đại biểu tham dự Hội nghị đã đánh giá cao sản phẩm chất điều hòa pH của Tiến Nông. Đây là sản phẩm phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Giống lúa mới: ít nước hơn, sản lượng cao hơn

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa sản xuất được một loại lúa có thể trồng tốt hơn và sử dụng nước hiệu quả hơn những giống lúa khác. Giáo sư Andy Pereira thuộc Viện Virginia Bioinformatics VBI đang thực hiện nghiên cứu với các đồng nghiệp ở Ấn Độ, Indonesia, Israel, Ý, Mexico và Hà Lan để xác định và sử dụng một gen có tên là HARDY, gen có khả năng cải thiện các đặc điểm chính của giống ngũ cốc quan trọng này.

Nghiên cứu hiện được đăng trong tạp chí Proceedings của viện hàn lâm khoa học Mỹ, đã chứng minh được gen HARDY góp phần vào việc sử dụng nước hiệu quả ở lúa, nguồn thực phẩm chính cho hơn nữa dân số thế giới.

Lúa là loại cây hút nước rất nhiều so với các giống cây khác. Nó sử dụng nước gấp 3 lần các cây thực phẩm khác như ngô hoặc lúa mì và tiêu thụ khoảng 30% lượng nước ngọt sử dụng cho các loại cây trồng trên thế giới. Trong điều kiện nước hiếm, việc trồng các loại cây có khả năng tạo ra Biomass (năng lượng sinh khối, hay năng lượng từ vật liệu hữu cơ) một cách hiệu quả mà chỉ sử dụng một khối lượng nước hạn chế là rất quan trọng.

                             Giống lúa mới: Ít nước hơn, sản lượng cao hơn

Lúa HARDY cho thấy có sự gia tăng biomass đáng kể trong cả điều kiện khô hạn và không khô hạn. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, năng lượng biomass của lúa HARDY tăng khoảng 50% trong điều kiện thiếu nước (khô hạn) so với giống lúa cùng loại chưa được biến đổi gen.

Tiến sĩ Andy Pereira, giáo sư viện VBI phát biểu: “Dự án nghiên cứu xuyên ngành bao gồm việc nghiên cứu hai loại cây. Đầu tiên, chúng tôi sử dụng một kỹ thuật kiểm tra sự đột biến làm tăng chức năng để nghiên cứu một số lượng lớn các cây Arabidopsis, một loại cây mù tạt thuộc họ cải có thể mang những đặc điểm có lợi đối với sự kháng nước và chống lại khô hạn. Các xác định phân tử và sinh lý học cho thấy rằng hiệu quả sử dụng nước được cải thiện có liên quan đến gen HARDY”.

Tiến sĩ Aarati Karaba nhận xét: “Bước tiếp theo là cấy gen HARDY vào lúa và kiểm tra các đặc điểm nảy sinh từ sự biến đổi này”.

Ở lúa, HARDY dường như hoạt động theo cách hơi khác so với ở Arabidopsis, nhưng nó vẫn cải thiện hiệu quả sử dụng nước và tăng biomass. Các nghiên cứu sâu hơn đã chứng minh được HARDY làm tăng đáng kể khả năng quang hợp của lúa trong khi cùng lúc làm giảm sự mất nước từ cây.

Tiến sĩ Andy Pereira nói thêm: “Phân tích gen chip (DNA microarray) cho phép chúng tôi nghiên cứu các kiểu biểu hiện do gen HARDY điều chỉnh. Chúng tôi tập trung cụ thể vào các gen có tên gen ontology (GO), là những gen được cộng đồng khoa học cho là có quá trình hoặc chức năng sinh học cụ thể. Chúng tôi xác định tập hợp gen đã biết được điều chỉnh bởi gen HARDY, gen có mức độ thay đổi trong điều kiện cây thiếu nước. Chúng tôi còn nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở các tập hợp gen có liên quan đến sự chuyển hóa các protein và carbohydrate then chốt, điều này có lẽ giải thích được một số sự khác biệt về đặc điểm mà chúng tôi đã phát hiện ra trong cây Arabidopsis và lúa.”

Các nhà khoa học đã theo dõi cải thiện về hiệu quả sử dụng nước và phát hiện một loại phân tử cụ thể, phân tử này được biết đến như là yếu tố sao mã giống với AP2/ERF. Các yếu tố sao mã (transcription factors) là các protein kiểm soát sự biểu hiện gen và gen HARDY giải mã một protein thuộc vào loại các yếu tố sao mã giống với AP2/ERF.

Shital Dixit, sinh viên sau đại học tại Viện Nghiên Cứu Thực Vật Quốc Tế Wageningen (Hà Lan), nhận xét: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa biết chức năng chính xác của yếu tố sao mã này mặc dù nghi ngờ rằng nó ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành có liên quan đến sự làm khô của mô. Nhưng điều rõ ràng là lúa HARDY cải thiện hiệu quả sử dụng nước và có khả năng chống khô hạn ở lúa và có lẽ ở các cây ngũ cốc và cây hạt khác. Điều này sẽ góp phần duy trì sản lượng cao một cách bền vững trong điều kiện lượng nước cung cấp hạn chế.”

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp việt nam

“Nhiên liệu sinh học được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại đang bị tách khỏi nền nông nghiệp. Đất cho vùng nhiên liệu sinh học gần như không còn”. Viện trưởng Viện KH Vật liệu ứng dụng trao đổi về việc thiết lập, bảo tồn mối quan hệ nhiên liệu sinh học – nông nghiệp Việt Nam.

                  Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp Việt Nam 

Trao đổi của PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng xung quanh sự nghiệp phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Việt Nam, đặc biệt là việc thiết lập và bảo tồn mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

PGS.TS Hồ Sơn Lâm cho biết, NLSH (còn gọi là nhiên liệu xanh) được sản xuất từ nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ NLSH – nông nghiệp.

Song hành vĩnh cửu

– Là người nghiên cứu lâu năm về NLSH, xin ông cho biết thêm về mối quan hệ giữa NLSH với nông nghiệp?

Mối quan hệ qua lại của tất cả các tác động lên vạn vật bao giờ cũng có hai mặt: Tốt và xấu. Sự khác biệt chỉ là tốt ít hay tốt nhiều, xấu ít hay xấu nhiều. Làm sao cho cái tốt nhiều, giảm thiểu cái xấu đến một mức độ có thể, luôn là mục tiêu của KH&CN.

NLSH cũng vậy, nó cũng có hai mặt. Nếu sử dụng đất nông nghiệp (đất tốt để sản xuất lương thực, thực phẩm) cho mục đích nhiên liệu, thì ta được lợi về mặt nhiên liệu, nhưng phía sau đó là ta phải nhập lương thực, thực phẩm, rau quả. Như vậy, lợi ít mà hại nhiều. Nếu sử dụng đất hoang hóa, đất bị bạc màu để trồng cây lấy dầu thì lợi nhiều mà hại ít. Nếu trên các nương đồi chỉ trồng sắn (củ mỳ), thì ta sẽ được tinh bột cho lương thực và làm nhiên liệu, nhưng ta đang khai tử vùng đất đó. Phải nhiều năm sau, cỏ mới mọc lại trên vùng đất đó, mà chủ yếu là cây cỏ tranh mới đủ sức sống ở đó.

Nông nghiệp trong đó có lúa gạo, khoai sắn, ngô, đậu là nguồn sống chính của người và gia súc. Các dạng thức ăn lên men công nghiệp cho gia súc có thể tăng nhanh số lượng, nhưng kèm theo đó là sự tăng trưởng đến chóng mặt của các loại bệnh lạ, làm hại đến sức khỏe của người. Nếu chúng ta nhớ lại hai, ba chục năm trước đây, khi chưa có thức ăn công nghiệp, gia súc của chúng ta hầu như không có các loại bệnh nan y. Sở dĩ như vậy, vì thức ăn của người và gia súc xuất phát từ nông nghiệp tự nhiên. Cho nên, nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta thu hẹp diện tích nông nghiệp tự nhiên, sống dựa vào nền nông nghiệp lai tạo và chất kích thích tăng trưởng, ta sẽ là nạn nhân của chính chúng ta.

– Vậy, việc sử dụng nhiên liệu sinh học ảnh hưởng tới nông nghiệp như thế nào?

NLSH có nghĩa là nhiên liệu được sản xuất ra từ sản phẩm của nền nông nghiệp. Mà sản phẩm của nền nông nghiệp là loại sản phẩm có thể tái tạo. Sự tái tạo ở đây không phải là sự “sống lại”, mà là sự lặp lại chu kỳ sinh trưởng tự nhiên. Do đó, nguyên liệu cho NLSH sống mãi với nền nông nghiệp, không mất đi như dầu mỏ, chỉ mất đi khi nền nông nghiệp bị tiêu diệt! Vì vậy, chiến lược phát triển NLSH phải đi đôi và đồng bộ với chiến lược phát triển nông nghiệp.

Thật phi lý khi bộ Công thương lập chiến lược phát triển NLSH, trong khi Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, nơi chỉ đạo và QLNN về nền nông nghiệp lại chỉ là cơ quan phối hợp! Điều này chứng tỏ chúng ta chưa thực sự hiểu hết về nhiên liệu sinh học, hay nói cách khác, chúng ta vẫn tách NLSH khỏi nền nông nghiệp. Đây là một sai lầm rất lớn và sẽ phải trả giá, nếu không thay đổi quan điểm.

– Nói như thế có nghĩa là NLSH ở ta chưa thực sự phát triển. Vậy, nguyên nhân chính là do đâu?

Theo tôi, nguyên nhân chính là do cách quản lý và thực hiện của ta có vấn đề. Nếu đọc kỹ đề án phát triển NLSH của Việt nam đến năm 2025, chúng ta sẽ thấy nhiều con số rất ấn tượng. Nhưng các con số này chưa nêu được những biện pháp cụ thể, trong đó, cần chỉ rõ đất ở đâu, vùng nào trồng cây gì… Đất nông nghiệp (tạm xem là đất ở vùng có khả năng cải tạo để sử dụng cho mục đích sản xuất lương thực, thực phẩm) đang dần biến thành khu công nghiệp, sân golf, du lịch sinh thái… Vậy lấy đâu ra đất để qui hoạch vùng NLSH?

Điều các nhà khoa học, các nhà sản xuất NLSH, các doanh nghiệp trồng nguyên liệu quan tâm là ngày nào, tháng nào, năm nào, NLSH sẽ được chính thức hóa ở Việt nam? Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm định chất lượng? Cơ quan nào có trách nhiệm cung ứng? Thì không biết đến bao giờ mới có? Nếu không có những căn cứ cụ thể đó, ai dám xây dựng một nhà máy vài trăm tỷ rồi ngồi chờ đến lúc được phép sử dụng! Có những người dám đầu tư hàng trăm ngàn hec ta đất để trồng nguyên liệu, vì họ hiểu rằng, dầu là vàng! Nhiều nước sẵn sàng mua hết, kể cả mỡ cá với giá cao! Không biết đến năm 2025, ta có nguyên liệu để sản xuất NLSH hay không?

Phát triển NLSH: Lắng nghe thiên nhiên, bảo vệ đất

– Chúng ta nên làm gì để có thể phát triển nguồn NLSH một cách bền vững?

Có nhiều cách để phát triển NLSH (cả xăng và dầu diesel sinh học), chứ không chỉ có mía, sắn để làm cồn, đậu tương biến đổi gel để làm dầu… Cần phải lắng nghe và đồng cảm với thiên nhiên của ta. Đừng vội phá hoại nó cho một mục đích trước mắt để tạo ra nhiên liệu sinh học mà phá vỡ đi sự hài hòa của thiên nhiên và nông nghiệp Việt Nam.

Đừng thấy người Brazin trồng nhiều mía và trở thành cường quốc của NLSH, rồi ta cũng phá ruộng trồng mía. Đừng thấy Mỹ trồng bắp lai có năng suất cao rồi ta cũng bắt chước trồng bắp lai. Đừng thấy Ấn Độ trồng jatropha rồi ta cũng chặt cây sở, cây trẩu, cây cao su để trồng jatropha.

Các nhà sinh vật học vẫn cho rằng Việt Nam là một quốc gia đa dạng sinh học. Hãy tôn trọng điều đó và từ đó, tìm cho mình một hướng đi để phát triển NLSH. Tất cả những gì thái quá đến cực điểm, sẽ có mẫu số chung là thảm họa. Nhìn thấy trước thảm họa để tránh, hơn là khắc phục thảm họa.

– Vậy thì, phát triển NLSH nên dựa trên những nguyên tắc nào, theo ông?

Thứ nhất, tất cả các cơ sở sản xuất NLSH phải được xây dựng trên nguyên lý công nghệ không bã thải.

Thứ hai, vùng nguyên liệu mới chỉ nên phát triển ở vùng đất kém hiệu quả kinh tế, đồng thời, phải bố trí đan xen các lọai nguyên liệu khác nhau, không độc canh. Trồng để cải tạo và phát triển chứ không trồng để bóc lột đất.

Thứ ba, hãy tạo điều kiện để tất cả mọi người, đặc biệt nhân dân vùng sâu, vùng xa tham gia sản xuất nguyên liệu cho NLSH. Triết lý “góp gió thành bão” chính là cơ sở lý luận của công nghệ không bã thải.

Thứ tư, luôn nhớ rằng, NLSH có tính nhân văn, không phải để làm giàu, mà để bảo vệ trái đất, để xóa đói giảm nghèo, để trái đất xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.

Từ những nguyên lý đó, dẫn đến việc bố trí trồng nguyên liệu sao cho phù hợp với từng khu vực và trồng những cây gì để hài hòa sinh thái, để bảo vệ đất. Điều này, các nhà khoa học nông nghiệp hiểu rất rõ.

Việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (trong đó có tài nguyên thực vật và sản phẩm nông nghiệp) sẽ tạo ra một mạng lưới nguyên liệu cho NLSH. Chỉ có thể phát triển bền vững, nếu ta kết hợp một cách hài hòa lợi ích của thiên nhiên với lợi ích của con người

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp: tiềm năng còn rất lớn

Trong khi nguồn than bùn, nguyên liệu chính để sản xuất phân bón hữu cơ đang ngày càng suy giảm, thì việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, chất thải chăn nuôi… để sản xuất phân hữu cơ, giúp cải thiện đồ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phát khí thải nhà kính được coi là một hướng đi quan trọng và hoàn toàn khả thi trong thời gian tới.

phế phụ phẩm rơm rạ

Theo dự báo của Phòng Sử dụng đất và phân bón – Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của Việt Nam rất cao, khoảng 13 triệu tấn/năm, trong khi công suất sản xuất của các nhà máy rất thấp, chỉ khoảng 500 nghìn tấn/năm.

“Hiện có khoảng 150 công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ, nhưng chỉ có một số ít công ty sản xuất với số lượng lớn như Công ty CP Sông Gianh, Công ty CP Quế Lâm, Công ty Thiên Sinh…, còn lại đa số là các công ty nhỏ với công suất chỉ từ 500-2.000 tấn/năm”, ông Cao Việt Hưng, chuyên viên Phòng Sử dụng đất và phân bón cho biết.

Cũng theo ông Hưng, trong tổng số 21 danh mục phân bón đã được Bộ NN&PTNT ban hành thì tổng số phân bón hữu cơ là trên 1.500 loại, trong đó phân hữu cơ thông thường là 80 loại, phân hữu cơ sinh học là 465 loại, phân hữu cơ khoáng là 621 loại và phân hữu cơ vi sinh là 417 loại. Mặc dù nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng cao nhưng hiện nay, có một thực tế là nguồn than bùn, nguyên liệu sản xuất chủ yếu lại đang bị suy giảm cả về chất lượng lẫn trữ lượng. Nguồn than bùn của Việt Nam hiện nay chủ yếu có hàm lượng chất hữu cơ chỉ từ 12-15%, trong khi tiêu chuẩn do Bộ NN&PTNT đưa ra cho phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh ngày càng cao nên việc sản xuất phân bón hữu cơ gặp nhiều khó khăn. Nếu không bổ sung được nguồn hữu cơ khác thì việc vi phạm chất lượng về chỉ tiêu hữu cơ sẽ trở nên phổ biến.

Ông Hưng cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng phân bón của Bộ NN&PTNT những năm gần đây cho thấy, riêng chỉ tiêu hữu cơ các mẫu bị phát hiện không đủ chất lượng chiếm tới 25-35%.

Do đó, việc khai thác nguồn nguyên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp được coi là một hướng quan trọng, vừa mang lại nguồn phân bón, vừa góp phần giảm khí thải do việc đốt rơm rạ gây nên.

Ước tính, để sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ có chứa từ 15-22% chất hữu cơ sẽ cần từ 2-3 triệu tấn hữu cơ dạng nguyên chất. Theo số liệu năm 2011, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 42 triệu tấn lúa, 4,6 triệu tấn ngô, 10 triệu tấn sắn, 1,1 triệu tấn cà phê… Như vậy, bình quân mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 50 triệu tấn phế phụ phẩm từ những cây trồng chủ lực này. Nếu được xử lý theo đúng các quy định và quy trình thì việc sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ là hoàn toàn khả thi.

Đối với một dạng phế phẩm khác từ chăn nuôi, thạc sỹ Nguyễn Quỳnh Hoa, chuyên viên Phòng Môi trường chăn nuôi – Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nhận định: Hiện nay, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tương đương 11,15 triệu tấn CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 17,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Do đó, việc sử dụng phụ phẩm từ khí sinh học (KSH) để sản xuất phân hữu cơ cũng là một hướng đi đúng đắn.

Theo đó, phụ phẩm từ KSH gồm 3 phần là nước xả, bã cặn và váng đều có chứa nhiều chất dinh dưỡng dễ hòa tan và nhiều nguyên tố vi lượng có ích cho cây trồng như đồng, kẽm, sắt, magiê. Nếu quy đổi thì 1 tấn nước xả tương đương với khoảng 0,8-1,7 kg urê, 0,5-1,5 kg super lân và 0,5-0,9 kg phân kali… Đồng thời, nước xả là loại phân bón có tác dụng nhanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng hòa tan trong nước nên cây trồng dễ hấp thu khi tưới, trong khi bã cặn gồm các hợp chất hữu cơ và các chất hấp thu nhiều yếu tố dinh dưỡng có hiệu quả cho cây trồng.

Theo bà Hoa, đến nay, các phụ phẩm KSH đã có nhiều ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp như dùng làm phân bón cho cây trồng, nuôi trồng nấm, xử lý hạt giống. Riêng đối với việc cải tạo đất, phụ phẩm KSH giúp cải thiện khả năng canh tác của đất, cải thiện cấu trúc và tính chất lý học của đất, làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ, thấm nước, làm giảm sự xói mòn do gió và nước.

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, khi sử dụng 60m 3 nước xả hòa với nước lã theo tỷ lệ 1/1 để bón bổ sung cho 1 ha bắp cải đã làm cho năng suất bắp cải tăng 24% so với lô đất cùng diện tích chỉ bón bằng phân NPK. Sau một vụ gieo trồng, với mỗi hecta, người dân tiết kiệm được trên 60 kg đạm urê, 65 kg supe lân… Ngoài ra, việc sử dụng nước xả để tưới đã giúp giảm 50% số lần phun thuốc trừ sâu cắn lá cho một vụ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ phẩm KSH để nuôi cá, theo bà Hoa cũng là một hướng đi thích hợp để giảm phát khí nhà kính, vì phụ phẩm KSH là một loại phân sạch, qua quá trình lên men sinh học, các mầm bệnh đã bị tiêu diệt. Do đó, việc sử dụng phụ phẩm KSH làm phân bón cho cá đã góp phần làm giảm các loại bệnh cho cá và cũng là cách hữu hiệu để giảm phát khí CO2 ra môi trường.

Theo dự báo của các chuyên gia, khí thải của ngành nông nghiệp tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khí thải từ hoạt động chăn nuôi sẽ vượt qua lượng khí thải từ đất nông nghiệp trong giai đoạn 2020-2030 tới và sẽ chiếm khoảng 30% lượng khí nhà kính phát thải trong nông nghiệp nói chung. Do đó, theo bà Hoa, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung gắn với bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng cần triển khai nhanh việc áp dụng quy trình chăn nuôi tốt và chăn nuôi sản xuất các bon thấp thông qua đẩy mạnh chương trình KSH cho ngành chăn nuôi để không chỉ giảm phát khí thải mà còn tận dụng phụ phẩm KSH, đem lại giá trị và lợi ích kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam