Với mục đích nhân rộng và hoàn thiện quy trình nuôi tôm có hiệu quả, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc.
Kích cỡ tôm tại thời điểm nghiệm thu.
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai ở 2 điểm, là xã Hải Khê, huyện Hải Lăng và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, gồm 3 hộ tham gia nuôi, với diện tích từ 2.500- 3.500 m2/hộ. Mô hình triển khai với phần kinh phí hỗ trợ con giống tôm thẻ chân trắng là 50%; thức ăn công nghiệp là 50%; phần còn lại hộ tham gia mô hình đóng góp.
Quá trình chăm sóc quản lý bao gồm 2 giai đoạn ương và nuôi. Giai đoạn ương sử dụng quy trình theo công nghệ Biofloc ít thay nước.
Trong quá trình ương, tôm giống được ương ở ao ương nhỏ với hệ thống sục khí đáy đầy đủ để duy trì mật độ Biofloc ổn định đã góp phần cung cấp đủ lượng oxy hỗ trợ sức khỏe tôm, mặt khác mật độ Biofloc phù hợp cũng tạo ra môi trường nuôi ổn định, giảm stress cho tôm nuôi, tỷ lệ sống cao đạt 95%. Kết quả nuôi cho thấy trong giai đoạn ương tôm trong 30 ngày đầu chi phí giảm hơn so với các năm trước nuôi 1 giai đoạn, ước tính chi phí giảm khoảng 15- 20%.
Sau thời gian gần 1 tháng tiến hành san xuống ao nuôi thông qua ống xả đáy của ao ương. Việc san tôm thông qua ống xả trực tiếp, không gây xây xát ảnh hưởng sức khỏe tôm nên tôm đạt tỷ lệ sống cao.
Về tốc độ sinh trưởng, phát triển thì tôm ương giai đoạn 1 phát triển tốt, sau 30 ngày nuôi trước khi san đạt kích cỡ 950 con/kg. Hiện nay sau 2 tháng nuôi tại ao thương phẩm tôm đạt kích cỡ 57- 60 con/kg, đáp ứng yêu cầu của mô hình.
So sánh với quy trình nuôi tôm 1 giai đoạn thả tôm trực tiếp xuống ao nuôi thì quy trình 2 giai đoạn tôm sinh trưởng và phát triển tốt không thấy xuất hiện hội chứng tôm chết sớm. Kích cỡ con giống lớn, sạch và đẹp. Đặc biệt trong quá trình ương nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi 1 giai đoạn.
Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam
Bên cạnh các ao nuôi tôm truyền thống với diện tích lớn, mô hình sử dụng bể nổi tròn có diện tích nhỏ trong nuôi tôm thâm canh đang ngày càng phổ biến. Đón đầu xu hướng này, đội ngũ kỹ thuật của Skretting đã nghiên cứu và hoàn thiện mô hình nuôi để khai thác triệt để tiềm năng của hệ thống nuôi sử dụng loại bể này.
Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh
Ưu điểm của bể nổi tròn
Nhược điểm của ao nuôi hình chữ nhật truyền thống là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ. Hình dạng đặc trưng và kích thước của bể tròn (trung bình khoảng 500 – 1000 m2) giúp người nuôi thu gom và loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Vì bể hình tròn nên khi vận hành quạt nước tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc si-phon sạch các chất dơ, hạn chế việc gây ô nhiễm trong ao nuôi. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường nưới nuôi. Bên cạnh đó, diện tích bể nhỏ nên không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ oxy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi bể chỉ cần lắp đặt 2 dàn quạt (mỗi dàn gồm mô-tơ 3-5hp) và 01 dàn sục khí 5hp là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể.
Ao nằm nổi trên mặt đất nên không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại hoặc mầm bệnh tích tụ trong đất ngấm ngược vào bể. Vách bể thẳng đứng giúp hạn chế chất bẩn và rong bám vào, từ đó đơn giản hóa công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn phải các chất bẩn này… Nhờ các ưu điểm này trong quản lý chất lượng nước ao nuôi mà người nuôi sử dụng hệ thống bể trong giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường.
Quy trình nuôi hai giai đoạn sử dụng bể tròn
Giai đoạn 1 (giai đoạn ương vèo tôm giống): tôm giống PL10 – 12 được thả ương với mật độ 1000 – 3000 con/m2. Tôm được nuôi trong bể ương trong vòng 20 – 25 ngày cho đến khi tôm giống đạt cỡ 1500 – 700 con/kg. Giai đoạn 1 giúp giống ở giai đoạn PL12 đến PL40 thích ứng với môi trường ao nuôi ngoài trời, tăng sức đề kháng đặc biệt là với bệnh AHPND/EMS, đạt kích cỡ đồng đều, và có tỷ lệ sống cao. Từ đó rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm chi phí nuôi ban đầu, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, tăng vụ nuôi trong năm và tăng sản lượng. Trong quá trình ương tôm, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới chuyển qua ao nuôi.
Ban đầu, bể nuôi tròn nổi với diện tích nhỏ rất được ưa chuộng cho giai đoạn ương vèo trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm nhờ vào các ưu điểm đã được nêu trên. Hiệu quả của bể nổi tròn ngày càng được khẳng định, nên nhiều hộ nuôi đã quyết định tiến hành Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) trong bể nổi tròn thay vì ao nuôi có diện tích lớn. Ở giai đoạn này tôm được thả ở mật độ 100 – 300 con/m2; tôm giống giai đoạn này thường ở cỡ 1.000 – 2.000 con/kg. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đến khoảng 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg thì tiến hành thu tôm thương phẩm.
Ưu điểm của mô hình này là nâng cao tỷ lệ sống của tôm lên đến 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định, ao nuôi có diện tích nhỏ hơn nên quản lý chất lượng nước hiệu quả hơn rõ rệt. Các sản phẩm thức ăn của Skretting như PL (cho giai đoạn 1), Sapphire, Gamma, Mega, Xpand (Giai đoạn 2) được người nuôi ưa chuộng sử dụng trong mô hình nuôi hai giai đoạn này nhờ các đặc tính như tính dẫn dụ cao, thành phần dinh dưỡng dễ hấp thu, kết cấu bền trong nước, giảm thiểu áp lực lên môi trường nuôi.
Một số lưu ý trong thiết kế bể nổi tròn
Bể được dựng từ khung thép hoặc tường xây phủ bạt HDPE (dày 0.5 đến 1 cm), có đáy dạng hình phễu, vách thẳng đứng. Một số yêu cầu kỹ thuật trong quá trình lắp đặt bể nuôi gồm:
– Đáy bể có độ dốc hướng về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng.
– Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước có lắp van xả, điều này giúp cho tôm ương không bị hao, việc sang tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
– Hệ thống bể ương nổi cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý diệt khuẩn trước khi sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước cho bể ương.
– Ở giai đoạn ương người nuôi nên dùng lưới lan che nắng cho bể ương để giảm biên độ nhiệt độ, giảm được một phần nước mưa rơi vào ao khi mưa lớn. Giá thành thấp, lắp đặt đơn giản, dễ dàng để tháo dần ra cho tôm quen với nhiệt độ không có mái che, nhờ vậy tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống.
– Nên ương tôm trong bể có diện tích nhỏ khoảng 100m3 nước để dễ quản lý môi trường.
– Đối với nuôi tôm thịt, diện tích bể nên nằm trong khoảng từ 500m2 đến 900m.
– Ở giai đoạn này, khi số lượng tôm trong bể đạt trên 3.5 kg/m3 nên tiến hành thu tỉa hoặc sang bể để tôm có thể phát triển tối ưu.
– Đảm bảo sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường phải được chuẩn bị đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/7 để đảm bảo không có sự cố và nếu có thì cần xử lý ngay lặp tức.
Những khó khăn thường gặp trong vận hành
Các bể có thể tích quá nhỏ (dưới 50m3) có biên độ nhiệt lớn, tôm nuôi dễ bị sốc nhiệt độ. Cách khắc phục là tăng kích thước bể, lắp đặt mái che, đồng thời sục khí đều khắp thành ao sẽ giảm thiểu nhược điểm này.
Tôm bị sốc khi điều kiện sống thay đổi giữa các giai đoạn nuôi: sốc nhiệt độ, pH, kiềm, kim loại nặng… Người nuôi nên đảo đều nước trước 1-2 ngày, mở mái che để tôm dần quen với môi trường bên ngoài. Sang ao vào lúc nhiệt độ thấp, sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phù hợp nhất.
Ương mật độ quá cao yêu cầu kỹ thuật có chọn lọc, thao tác chính xác, trang thiết chuyên biệt. Hệ thống sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường luôn phải đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/24 để đảm bảo sự cố kịp thời.
Để phát huy tối đa hiệu quả của bể nuôi nổi tròn, đội ngũ kỹ thuật Skretting luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn người nuôi thiết kế, cải tạo và nâng cấp hệ thống nuôi sao cho khoa học, hợp lý. Đồng thời tư vấn cho người nuôi lựa chọn loại thức ăn phù hợp với đặc điểm môi trường và nhu cầu dinh dưỡng của tôm tại từng hộ nuôi.
Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam
Hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) thực hiện mô hình dùng rơm lúa để cải tạo nước, tạo môi trường sinh sống cho các loài thủy sản dưới vuông nuôi, bước đầu cho thấy hiệu quả.
Theo đó, khi rơm lúa gặp môi trường nước lâu dần sẽ tạo ra chất xúc tác làm giảm độ kiềm trong vuông nuôi. Đồng thời, tạo ra nơi tránh trú cho tôm trong mùa nắng nóng. Khi rơm mục, sẽ tạo ra nguồn thức ăn cho các loài thủy sản, nhất là tôm, cua.
Ông Trần Minh Châu, ngụ ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây là người đầu tiên áp dụng mô hình này. Trước khi thả rơm vào vuông, ông tiến hành bó các cuộn rơm lại. Sau đó, dùng cây cố định để rơm nổi lên mặt nước và không bị trôi. Sau 10 – 15 ngày rơm sẽ chìm trong nước, ông mới tiến hành thả giống. Cách làm này vừa tạo chỗ ở cho tôm, vừa tạo thức ăn sau này cho các loài giáp xác.
Sau khi áp dụng kỹ thuật dùng rơm lúa để tạo nơi trú ẩn, nguồn thức ăn cho thủy sản nuôi, trung bình mỗi tháng ông Châu có thu nhập hơn 30 triệu đồng. Hiện tôm đang trong giai đoạn phát triển tốt. Đây là đợt trúng nhất của gia đình ông Châu trong 10 năm qua.
Thấy hiệu quả từ rơm lúa mang lại cho con tôm, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Ân Tây đã mạnh dạn áp dụng. Hầu hết đều dùng rơm lúa kết hợp men vi sinh để cải tạo nước, giúp các đối tượng nuôi phát triển nhanh.
“Trước đây khi thả giống, hầu hết người dân chỉ thực hiện theo phương thức nuôi truyền thống, khó kiểm tra, phát hiện vật nuôi nhiễm bệnh. Nhưng với cách làm này con tôm, con cua bám vào rơm lúa để sinh sống, phát triển rất nhanh và rất dễ kiểm soát”, ông Hồ Văn Sỹ, ngụ ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây cho biết.
Theo ông Sỹ, mô hình tạo môi trường khá lý tưởng cho vật nuôi trong vuông bám vào trong lúc nhỏ, vừa hạn chế được mức độ thiệt hại. Hiện giá rơm được các mối ở vùng ngọt hóa chuyển tận nơi giá 3 triệu đồng/tấn. Còn mua bó thì khoảng 35 ngàn đồng/bó 12kg. Theo người dân địa phương, trong quá trình thực hiện mô hình cần lưu ý đến cách trải rơm vào vuông phải phù hợp. Tuyệt đối, không để rơm chạm đất, sẽ gây thối rơm, ảnh hưởng môi trường nước.
Ông Lê Minh Thùy, Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây lưu ý trước khi thả giống cần diệt cá tạp. Bởi con giống vào thời gian đầu sẽ trú ẩn, sinh sống ở những cuộn rơm nên dễ làm thức ăn cho cá tạp.
Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.
Tôm hùm nước ngọt (Danh pháp khoa học: Procambarus clarkii), thường được gọi là tôm hùm đất là một loài tôm hùm càng nước ngọt thuộc nhóm tôm hùm đất có nguồn gốc từ Đông Nam Hoa Kỳ và còn được tìm thấy trên các châu lục khác, nơi mà nó gây ra một dịch hại xâm lấn nghiêm trọng. Chúng phân bố tự nhiên ở Bắc Mỹ, là một trong 500 loại Tôm hùm đất (crawfish) và có đời sống như cua đồng, con cáy. Chúng được nuôi để lấy thịt tôm hùm đất.
Đặc điểm
Thông thường Procambarus Clarkii có màu đỏ sẫm, con tiền trưởng thành thường có màu màu xám. Tôm hùm nước ngọt có thể đạt kích thước hơn 50g trong 3-5 tháng (Henttonen and Huner, 1999) và có thể dài khoảng 5,5 đến 12 cm.
Thân dạng hình trụ. Toàn thân được bao bọc bởi lớp vỏ cứng, ở con trưởng thành dễ thấy có nhiều nốt sần (nhám) ở phần đầu ngực (Cephalothorax), với 2 càng lớn được dùng để gấp chiến đấu, gấp thức ăn, đào hang. Chũy dài thẳng và trông như một tam giác.
Loài này có 5 cặp chân ngực (Pleopod) dùng cho việc di chuyển trên cạn lẫn dưới nước. Cặp chân đầu nhỏ, dài, có màu đỏ tươi, có thể kìm kẹp thức ăn đưa vào miệng. Ngoài ra chúng còn 5 cặp chân nhỏ ở phần bụng (Pereopod) dùng để bơi lội và cuối cùng là Uropod (chân đuôi) bao quanh Telson (gai đuôi) và được chúng sử dụng như máy chèo.
Phân bố
Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ (cụ thể là ở Bắc Mexico đến Florida và phía bắc đến phía nam Illinois và Ohio), sau đó chúng được đưa đến nhiều nơi ở Mỹ: Arizona, California, Georgia, Hawaii, Idaho, Indiana, Maryland, North Carolina, Nevada, Ohio, Oregon, South Carolina, Utah và Virginia, Nam và Trung Mỹ. Loài này cũng đã được đưa đến châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Síp, Bồ Đào Nha), châu Phi và Đông Nam Á.
Tập tính
Tôm hùm nước ngọt loài sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm, chúng có thể đào hang trú ẩn, sâu đến 100-200 cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0 đến 370C (Nguyễn Dương Dũng, 2010), sống ở các sông, hồ, ao, suối, kênh rạch, vùng đất ngập nước theo mùa và đầm lầy, những vùng nước bị xáo trộn như ruộng lúa và các kênh thủy lợi, hồ chứa, vùng nước nông giàu thức ăn, nơi có đất thịt hoặc đất thịt pha cát, có nhiều rong cỏ, rễ cây.
Là loài sinh vật dễ dàng thích nghi với những vùng nước có độ mặn vừa phải, nồng độ oxy thấp, nhiệt độ khắc nghiệt và thậm chí là có thể sống ở những vùng nước bị ô nhiễm.Trong điều kiện môi trường xấu như thiếu oxy, thiếu thức ăn hay môi trường nước bị ô nhiễm tôm thường rời khỏi nơi sinh sống đi đến vùng nước khác, đặc biệt là khi mưa to. Khi thiếu oxy tôm thường bò bám lên cây cỏ thủy sinh lên mặt nước để thở hoặc nằm nghiên trên các bụi rong cỏ, khe đá sát mép nước, thậm chí là bò lên cạn thở bằng oxy không khí (Nguyễn Dương Dũng, 2010).
Tôm hùm nước ngọt được xem là một động vật ăn tạp thiên về thực vật,thức ăn bao gồm mùn bã hữu cơ, chế phẩm của ngũ cốc, thực vật như cỏ, rong, tảo, ấu trùng động vật đáy, động vật thuỷ sinh vừa cỡ miệng, các loại thức ăn chế biến… Chúng thường đi kiếm ăn và ăn mồi vào chiều tối.
Sinh sản
Tôm hùm nước ngọt thành thục sau 10-11 tháng tuổi, chúng thường chỉ đẻ trứng 1 lần trong năm nhưng ở những nơi có thời gian lũ kéo dài (lớn hơn 6 tháng) có thể có hai lần sinh sản vào mùa thu và mùa xuân. Sau khi giao phối, tôm cái sẽ đẻ trứng, trứng được con cái giữ ở chân bụng. Số lượng trứng của mỗi tôm cái phụ thuộc kích thước của chúng.
Tôm cái đạt 6,4cm có thể sinh sản, kích thước từ 10-14cm có thể sinh sản lên đến 500 trứng (Huner và Barr, 1991) và những quả trứng khoảng 0,4 mm.
Tôm con mới nở được con cái chăm sóc trong hang cho đến tám tuần và trải qua hai lần lột xác trước khi con non có thể tự lo cho bản thân (Hunter và Barr, 1991).
Từ giai đoạn ấu thể đến khi trường thành tôm lột xác ít nhất 13 lần (Nguyễn Dương Dũng, 2010) và trong tự nhiên loài này thường không sống lâu hơn 2 đến 5 năm (Smart et al., 2002).
Di cư tự nhiên
Con tôm đực có thể di cư đến 17 km trong vòng bốn ngày, chính hoạt động này thúc đẩy cho việc phân tán của loài tôm này trên khu vực rộng lớn (Gherardi & Barbaresi, 2000).
Hiện trạng
Phát tán: Tôm hùm nước ngọt có thể di cư sang các khu vực khác thông qua việc các cần thủ sử dụng chúng làm mồi câu. Chúng được phát tán nhiều nơi trên thế giới thông qua xuất nhập khẩu với mục đích cung cấp thực phẩm, cung cấp giống nuôi trồng hay qua việc nuôi làm cảnh hay phát tán tự nhiên từ vùng chúng được du nhập sang vùng lân cận ở các nước châu u (Henttonen và Huner, 1999)… Chúng còn được dùng như một tác nhân kiểm soát sinh học chẳng hạn tại Kenya P. clarkii làm giảm bớt số lượng ốc đóng vai trò là vật chủ trung gian cho các sinh vật gây bệnh sáng mán (Bilharzia). Hành động này đã thúc đẩy sự phát tán của P. clarkia ở Châu Phi. Ngoài ra, tại châu Phi đã xảy ra tình trạng buôn lậu loài tôm này làm cho tình trạng phát tán của chúng ngày càng tăng và gây mất cân bằng sinh thái tại châu lục này.
Procambarus clarkii được du nhập sang nhiều nơi với các mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là nuôi để cung cấp thực phẩm trong nước và xuất khẩu sang các nước khác hoặc chúng được vận chuyển để nuôi làm cảnh trong các hồ cá công viên hải dương hay để làm sinh vật tiêu diệt các loài ốc truyền bệnh.
Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ có hơn 20 tiểu bang nuôi tôm hùm nước ngọt trong đó ở Louisiana đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá nhiều triệu đô la với hơn 50.000 ha đất canh tác nuôi Procambarus clarkii (Gutierrez-Yurrita et al, 1999) và mô hình nuôi loài tôm này được cho là đã tồn tại từ thế kỉ 18.
Trong những năm 1970 và 1980 chúng được du nhập đến các nước phía Bắc châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Ý…) nhằm cung cấp nguồn thực phẩm. Đến thế kỷ 20 loài tôm này du nhập sang nhiều nơi trên thế giới như những năm 30 của thế kỉ 20, tôm hùm nước ngọt được nhập từ Nhật Bản sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay là nước xuất khẩu tôm hùm nước ngọt lớn nhất thế giới. Tôm hùm nước ngọt được bán sang khu vực Scandinavia (châu Phi) nơi chúng được coi là đặc sản.
Kenya và Nam Phi là hai nước đầu tiên ở châu Phi nhập khẩu tôm hùm nước ngọt vào thập niên 70. Mặc khác tại Kenya (Châu Phi), P. clarkia không chỉ được sử dụng như nguồn thực phẩm mà chúng còn được dùng để kiểm soát sự lây lan của bệnh sán máng ở người do ốc Bulinus và Biomphalaria spp. làm vật chủ trung gian cho các sinh vật Schistosom haematobium và S. mansoni gây ra (Mkoji et al, 1999a in Foster & Harper, 2007)
Tuy nhiên do tập tính thích nghi cao loài sinh vật này đã gây nên nhiều tác hại đến hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Do đó, chính phủ các nước và các nhà khoa học đã phải đưa ra các giải pháp quản lí nhằm hạn chế sự mất cân bằng môi trường sinh thái do loài này gây ra chẳng hạn như:
– Sử dụng pháp luật ngăn cấm vận chuyển và nhập khẩu khi chưa được phép.
– Sử dụng phương pháp cơ học như đánh bắt bằng lưới kéo, lưới vây,sử dụng các loại bẫy… làm giảm số lượng quần đàn.
– Kiểm soát bằng hóa chất như sử dụng các chất diệt sinh vật, thuốc trừ sâu và các hóa chết khác được dung để tiêu diệt P. clarkii nhưng phương pháp này không được khuyến khích vì các hóa chất này có thể gây hại đến các sinh vật khác, tích tụ trong tôm và phá hủy hệ sinh thái.
– Kiểm soát sinh học: sử dụng sinh vật khác để kiểm soát loài P. clarkia, dùng các loài cá ăn động vật như cá chình, cá lấu (Lota lota), cá măng, cá rô… hay sử dụng sinh vật gây bệnh, vi khuẩn sản xuất độc tố lên P. clarkia… ví dụ: vi khuẩn Bacillus thuringiensis var israeliensis (Pedigo, in 1989, in Holdich et al, 1999).
Tại Việt Nam, Tôm hùm nước ngọt được nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc với mục đích nuôi thử nghiệm ở diện hẹp vào tháng 9/2006. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cho phép Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ở các tỉnh miền Bắc phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu” và dự án: “Dự án nhập công nghệ sản xuất giống tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu ở các tỉnh miền Bắc”.
Kết quả bước đầu của việc nghiên cứu thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho rằng tôm hùm nước ngọt sẽ sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, thích nghi với điều kiện miền Bắc nước ta và ít dịch bệnh. Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng khả năng tôm hùm nước ngọt sẽ là đối tượng thủy sản nước tạo ra hàng hóa phục vụ xuất khẩu có tình khả thi cao.
Tổng hợp và kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam
10 năm phát triển kinh tế với con tôm, ông Trần Hoàng Vũ – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Vũ (Ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại) đã đúc kết những kinh nghiệm đắt giá để nuôi tôm hiệu quả. Hiểu rõ tập tính của con tôm, nắm vững kỹ thuật nuôi, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương thức quản lý hiệu quả, trong vụ nuôi năm 2017, ít có người nuôi tôm nào thắng lớn như cơ sở Hoàng Vũ.
Làm chủ kĩ thuật nuôi
Năm 2017, trại nuôi tôm của ông Vũ có 12 ao nuôi, tổng diện tích 10ha, thả 2,7 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Sau 110 ngày nuôi, ông thu được 63 tấn tôm, kích cỡ tôm 28 – 30 con/kg, bán được gần 9,5 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận trên 5,8 tỷ đồng. Theo ông, thắng lợi trên do kết hợp chặt chẽ, bài bản giữa cách nuôi khoa học, biết ứng dụng công nghệ hiện đại với kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời phải nắm bắt được yếu tố thị trường.
Sau những lần thất bại với con tôm, ông nhận ra được “thiên thời” là rất quan trọng nên ông chỉ tổ chức nuôi khi thời tiết thuận lợi, vào vụ mùa chính và chỉ nuôi 1 vụ trong năm. Đồng thời, qua nhiều năm nuôi, môi trường ao nuôi sẽ xấu dần do xử lý nhiều hóa chất ảnh hưởng sức khỏe tôm, dễ gây dịch bệnh trong quá trình nuôi. Chi phí quá lớn cho các trang thiết bị phục vụ cho nuôi như hệ thống oxy, hóa chất, kháng sinh cũng đẩy giá thành sản phẩm tôm lên cao, có khi thắng lợi tôm nhưng lợi nhuận rất thấp, rủi ro thất bại cao và gây tác hại nhiều mặt cho môi trường…. Hướng đi của ông Vũ bắt đầu thay đổi. Ông xác định ra cách nuôi mới.
Khi chưa vào vụ chính, ông lấy đầy nước vào tất cả các ao, trước khi thả nuôi 45 ngày, ông chọn ao thả giống, cứ 2 hoặc 3 ao liền kề, chọn ra 1 ao tiến hành cải tạo ao nuôi thật kỹ, phơi ao, xới đất, bón vôi CaO + Đolomite trước rồi sử dụng xe lu nhỏ lăn lại cho nền cứng. Nước được xử lý clo riêng ở ao liền kề sau đó mới cấp sang ao nuôi, điều này để tránh biến động môi trường như nước trong không gây màu được, pH biến động, kiềm thấp do xử lý trực tiếp hóa chất clo làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm giống trong 30 ngày đầu mới thả. Thả tôm ở ao 1 với mật độ dày, đến 35 – 40 ngày tuổi, mở cống cho tôm sang ao 2 để san thưa mật độ.
Vấn đề thứ hai trong nuôi tôm là đảm bảo oxy cho con tôm. Trong quá trình nuôi, ông Vũ nhận thấy thiết bị quạt oxy hiện tại nặng nề, cồng kềnh lại tốn điện, dễ rủi ro trong vận hành, nhưng hiệu quả không cao vì quạt nước chỉ tạo oxy trên bề mặt ao, làm bốc hơi nước nhanh, ao nhanh cạn. Hoặc nếu đặt ống dẫn nhựa rồi bơm không khí xuống, chi phí cao, rất cực nhọc khi cải tạo, vận hành, nhất là khi tôm bị dịch bệnh phải xúc rửa trong khi con tôm cần nhiều oxy hòa tan trong nước. Vì vậy, ông nghiên cứu, tìm kiếm các thiết bị sục oxy đáy ao. Hiện tại, trại tôm của ông đã lắp đặt hoàn toàn loại thiết bị sục oxy này, hiệu quả vượt trội, lượng oxy trong nước ổn định, chỉ số oxy hòa tan trên 5mg/l. Ông nhận xét: “Một máy sục khí này cho hiệu quả gấp đôi, gấp ba lần quạt nước. Trên 1 ao 5.000m2, sản lượng tôm thu hoạch 7 tấn tôi chỉ lắp 4 máy ở 4 góc ao là đủ. Thiết bị này còn tiết kiệm điện hơn, nhẹ nhàng, dễ thao tác, bảo quản, ít mất sức lao động, sử dụng hơn 9 năm rồi không hư hỏng”. Ngoài ra, ông còn sử dụng máy cho ăn tự động để tiết kiệm nhân công, tính được lượng thức ăn cho tôm, tránh lãng phí, dư thừa thức ăn, tránh làm dơ ao.
Đầu tư phát triển công nghệ
Công ty Hoàng Vũ là đơn vị đã mạnh dạn cho Viện Công nghệ Nano (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) “mượn đất” để lắp đặt mô hình thực nghiệm hệ thống tuần hoàn năng lượng từ chất thải sinh khối địa phương, phục vụ công tác nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới. Hệ thống được các kỹ thuật viên, các nhà nghiên cứu Trường Đại học Kyushu (Nhật Bản), Viện Công nghệ Nano lắp đặt vào tháng 9-2016, bắt đầu vận hành từ tháng 4-2017.
Tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ Nano trong nông nghiệp (WANA 2018) vừa qua, PGS.TS. Yushuke Shiratori (Đại học Kyushu – Nhật Bản) đã thuyết minh hiệu quả bước đầu của mô hình thực nghiệm tại Công ty TNHH Hoàng Vũ. Mô hình thực nghiệm là một hệ thống gồm các thiết bị công nghệ hiện đại gồm: hệ thống màng lọc nước, bồn lên men kỵ khí, trạm phát điện pin nhiên liệu, bộ sục khí, hệ thống than hóa. Ao thử nghiệm có diện tích 3.000m2, cũng được xử lý nước trước như các ao khác. Trong thời gian nuôi, nước ao nuôi được rút lên xử lý qua hệ thống lọc nước và xả nước sạch lại ao liên tục 24/24 giờ mỗi ngày.
Chất thải từ ao tôm trộn với bã mía, bã dừa, các loại chất thải nông nghiệp khác qua bồn lên men kỵ khí được xử lý thành khí biogas và bùn thải biogas. Chất bùn này được xử lý tại hệ thống than hóa tạo thành than xốp, bón cho vườn cây ớt (thử nghiệm) cho trái rất sai. Khí biogas được sử dụng làm nhiên liệu vận hành hệ thống phát điện SOFC. Năng lượng điện này được dùng để vận hành máy sục khí oxy cho ao tôm.
Với những kỹ thuật sử dụng đã mang đến những hiệu quả bước đầu rất khả quan. Ao nuôi tôm thực nghiệm cho năng suất cao nhất trong 12 ao, con tôm lớn nhanh, ít bị bệnh, tỷ lệ thu hoạch cao. Đồng thời bước đầu giải quyết được các vấn đề về môi trường, sử dụng được chất thải từ nông nghiệp để phát điện. “Tôi luôn tâm niệm sẽ làm những việc có ích lợi cho cộng đồng. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục liên kết, áp dụng mô hình thực nghiệm. Mong rằng khi công trình nghiên cứu thành công, nhiều người nuôi tôm có thể áp dụng rộng rãi, góp phần giảm những rủi ro, nuôi tôm đạt hiệu quả hơn”, ông Hoàng Vũ cho biết.
Dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới – góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” là dự án thuộc chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì mục tiêu phát triển bền vững (SATREPS) do Bộ Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đồng tài trợ, Viện Công nghệ Nano chủ trì, được thực hiện trong 5 năm (2015 – 2020).
Nguồn: Đồng Khởi, đã được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.
Tránh thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Sơn Tinh), từ ngày 17- 18/7, HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã tiến hành thu hoạch tôm “chạy” bão.
Anh Hồ Quang Dũng – Giám đốc kỹ thuật HTX NTTS Xuân Thành cho biết: “Mặc dù tôm nuôi chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng HTX vẫn tiến hành thu để tránh bất trắc do mưa bão. Trong 2 ngày, HTX đã thu hoạch được 45 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ tôm đạt 55 con/kg.”
Thời điểm này tôm nuôi chưa được giá nhưng HTX cũng phải thu hoạch vì mưa bão
“Đầu tư cho nuôi tôm công nghệ cao trên cát là rất lớn, nhưng thu hoạch sớm thì không được giá, lợi nhuận lại thấp. Tuy nhiên, gặp phải mưa bão thì phải chủ động ứng phó, tránh thiệt hại đáng tiếc xẩy ra” – anh Dũng chia sẻ.
Thời điểm này, ở một số diện tích nuôi tôm ở Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… người nuôi cũng đang tiến hành thu hoạch tôm “chạy” bão và triển khai các biện pháp ứng phó. Các trang thiết bị, mô tơ quạt nước, kiểm tra máy phát điện… cũng đã được huy động để có biện pháp đối phó.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, trước thông tin cơn bão số 3 ảnh hưởng đến địa bàn Hà Tĩnh, Chi cục Thủy sản cũng đã khuyến cáo bà con khẩn trương thu hoạch tôm khi đã đạt kích cỡ thương phẩm, tránh thiệt hại đáng tiếc xẩy ra.
Ngoài ra, tại các vùng tôm nuôi còn nhỏ, người dân cần tiến hành xả nước để tránh mưa lớn xảy ra ngập lụt, đồng thời chủ động gia cố hệ thống bờ, cống đề phòng khi có tình huống xấu xảy ra do mưa bão; đặt lưới chắn xung quanh bờ (độ cao 40-50 cm, ghim sâu 20-30cm dưới mặt đất), giảm thất thoát gây thiệt hại sản xuất khi mưa lũ kéo dài…
Nguồn: Hữu Trung – Đã được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
Tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thuỷ sản tập trung là hơn 226 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là gần 1,1 tỷ đồng, còn lại sẽ sử dụng vốn của các thành phần kinh tế khác.
Theo đó, khu nuôi thuỷ sản tập trung được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha; trong đó, khu nuôi tôm nước lợ tập trung 682 ha và khu nuôi hàu tập trung sẽ là 21 ha.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án này được xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của huyện Nhơn Trạch phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Riêng đối với khu nuôi tôm nước lợ, mục tiêu của vùng quy hoạch là phấn đấu đưa sản lượng tôm đạt hơn 16.000 tấn vào năm 2030 sẽ đạt sản lượng hơn 30.000 tấn.
Đặc biệt, với việc quy hoạch mỗi tiểu vùng nuôi tôm có diện tích tối thiểu từ 50 ha trở lên, khu nuôi tôm tập trung cũng sẽ tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn.
Từ đó, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật như tổ chức nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…
Đối với dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ đầu tư theo hình thức Nhà nước sẽ lập quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản.
Đồng thời, giao UBND huyện Nhơn Trạch là đơn vị đầu mối để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư bằng hình thức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tâng kinh doanh khai thác.
Những đối tượng được tham gia đầu tư bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều được phép đầu tư vào khu nuôi theo đúng quy hoạch được duyệt và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, các tiêu chuẩn mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, tạo sản phẩm hàng hoá có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn; tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.
Bằng kinh nghiệm và sáng tạo nhiều nông dân đã thành công trong nuôi tâm vụ Đông, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm. Nhiều hộ nuôi tôm vụ Đông thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng.
Kiểm tra mô hình nuôi tôm vụ Đông có mái che chóp nón tại Ninh Bình
Đắm mình với tôm vụ Đông
Là người thành công với trang trại nuôi tôm trong mùa Đông, ngày nào, anh Vũ Thanh Trường cũng trực tiếp lội xuống ao tôm. Anh bảo, phải đắm mình vào ao để cùng làm bạn với tôm, gắn bó với đồng tiền khúc ruột của mình để có được sự điều chỉnh sát về mức nhiệt, quạt, thức ăn, gom bọt sủi… Hãy làm như thế để mình yêu công việc của mình hơn và cũng để anh em công nhân say mê có trách nhiệm với công việc.
Đối với mái che hình chóp nón này, khi có mưa bão việc người đi lại để chỉnh sửa, chằng chéo không mấy khó khăn. Việc che chắn này sẽ cách ly môi trường bên ngoài (trung gian truyền bệnh). Nó không làm thay đổi nhiều và đột xuất nhiệt độ vì thế tôm thích nghi rất tốt. Khác với nuôi tôm không có mái che, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột tôm dễ bỏ ăn, phát sinh dịch bệnh.
“Hiện sản phẩm làm ra chỉ mới cung ứng trong nội địa. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho những hộ nuôi khác”, anh Trường cho biết.
Đáng chú ý, trong kỹ thuật nuôi tôm vụ Đông là phải giữ được nhiệt bên trong ao, nhất là nhiệt độ của nước phải đảm bảo nếu không tôm sẽ chết vì lạnh. Chính vì thế, các ao tôm chóp nón được phủ bạt (khác với bạt ni lông che mạ mùa đông) vì nó có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời.
“Đây được xem là một dạng của hiệu ứng nhà kính trong ao tôm che chóp nón, nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 – 8 độ C. Nhiệt dưới nước vào khoảng 27 – 32 độ C đảm bảo thích nghi của tôm”, anh Trường cho biết.
Lý giải về việc vì sao lại hình thành nên những ao tôm có mái che chóp nón, anh Vũ Thanh Trường cho hay, vùng biển Ninh Bình hàng năm đón nhiều cơn bão. Việc đầu tư nhà 2 mái che như rạp đám cưới sẽ khó giữ được mỗi khi có gió bão, đặc biệt rất khó có thể trèo lên chằng chéo mái che. Qua nghiên cứu các mô hình, nhận thấy mái che chóp nón hướng đón gió ít, thoát gió, chi phí đầu tư rẻ hơn.
Đã có nhiều nông dân ở Cà Mau ra đây tìm hiểu, nhận thấy giá tôm ở đây cao hơn nhiều so với miền trong. Cụ thể, ở đây, thường 28 – 30 con/kg giá bán 320.000 – 350.000đ/kg, trong khi ở miền trong có nơi bán 70 con/kg được 170.000 đồng. Mặc dù điều kiện nuôi tôm ở miền Bắc khắc nghiệt hơn miền Nam.
Lãi tiền tỉ nhờ sản xuất tôm mùa Đông
Từ xa, chúng tôi thấy thấp thoáng những chóp nón đó là các ao nuôi tôm. Trực tiếp chứng kiến và nghe người nuôi tôm kể, chúng tôi thực sự thấm thía sự thông minh sáng tạo của người nông dân. Ông Vũ Hải Đường, một trong những chủ nuôi tôm vùng bãi cát Bình Minh tâm sự, có được thành quả như hôm nay là cả một quãng thời gian dài vật lộn vớn thiên tai bão bùng, nắng gió và cả đau đớn trước những vụ tôm thất bát.
Có mái che “hiệu ứng nhà kính” nhiệt độ nước luôn ổn định nên tôm nuôi 4 vụ/năm phát triển tốt
“Khi một phần đất của Cty TNHH MTV Bình Minh cho khai thác, tôi cùng một hộ dân nữa thuê lại và triển khai nuôi tôm”, ông Đường bắt đầu câu chuyện. Theo đó, 5 năm trước mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh của ông Đường không mấy hiệu quả. Cũng từ đó ông khát khao thay đổi cách làm để không bể nợ.
Theo ông Vũ Hải Đường, với khí hậu miền Bắc, tôm quảng canh chỉ nuôi được 1 vụ chính, 1 vụ phụ trong đó vụ phụ bấp bênh vì thường vào mùa mưa bão. Nuôi tôm quảng canh mật độ thả tôm giống thưa, chi phí thấp, nhân công tận dụng. Sản lượng bấp bênh do chịu tác động lớn bởi thời tiết. Nếu một ao nuôi 5.000 m2 thì chi phí đầu tư khoảng 10 triệu, thu nhập chỉ đạt đến 20 triệu đồng.
“Điều này khác hẳn so với nuôi tôm có mai che. Vì nuôi tôm có mái che sản xuất được 4 vụ trong năm. Mật độ thả tôm giống cao, thường 200 con/m2. Sản lượng đạt 20 – 22 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, thu 20 tấn x 200 triệu đồng/tấn đạt 4 tỷ đồng, trừ chi phí 50% thì phần lãi đạt được là tiền tỷ (2 tỷ đồng) chứ không gói gọn trong mấy chục triệu”, ông Đường nói.
Cũng theo ông Đường, trong nuôi tôm có mái che là người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường. Ví dụ, trước và sau Tết hoặc vào các dịp lễ, hội thì nhu cầu tôm ở miền Bắc sẽ cao. Muốn có nguồn cung kịp thời, chủ động thì chỉ có tôm nuôi mái che mới đáp ứng chứ ao quảng canh không thể.
Đề cập đến tồn tại, hạn chế của nuôi tôm hiện nay, theo những người nuôi tôm chuyên nghiệp ở Ninh Bình đó chính là chúng ta chưa chủ động được nguồn giống. Phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, trong đó Tập đoàn CP của Thái Lan chiếm tỷ lệ lớn. Vì thế, nếu DN nước ngoài cho ra đời mẻ tôm giống tốt thì người nuôi trong nước được nhờ, ngược lại là khổ sở. Một khi tôm giống kém chất lượng thì tôm nuôi sẽ còi cọc, mang mầm bệnh, kéo dài thời gian nuôi, tốn chi phí, giá bán thương phẩm cũng thấp hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số mô hình tôm nuôi có mái che như của ông Đường, anh Trường đều đặt hàng tôm going của CP với những điều kiện gắt gao hơn, sẵn sàng trả phí cao hơn; đồng thời sử dụng thức ăn chế phẩm sinh học để có sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng.
Thị trường tôm vụ Đông rất lớn
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, trước đây người nuôi tôm đã đầu tư khá lớn về vốn và công sức cho hai vụ tôm trong năm. Có nơi nhờ dự án nuôi tôm công nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất. Thế nhưng dịp Tết Nguyên đán và khoảng cuối tháng 3, tháng 4 người tiêu dùng vẫn khan hiếm tôm.
Bằng thực tiễn trải nghiệm và quá trình tìm tòi nghiên cứu, mô hình nuôi tôm vụ Đông đã được triển khai ở Quảng Ninh, Hải Phòng và gần đây là Ninh Bình. Trên những bãi cát hoang vu hay các đầm tôm quảng canh tiêu điều dần được thay thế bởi những ao nuôi hình tròn chóp nón đáp ứng điều kiện sống của tôm vụ đông phía Bắc. Chính cách làm này, nhiều địa phương phía Bắc đã chủ động sản xuất được tôm vụ đông, nâng sản xuất từ 2 vụ lên 4 vụ/năm, doanh thu tăng gấp 3 – 4 lần so với các năm trước.
Bằng quyết tâm đó, ông Đường cùng người góp vốn đã vào miền Nam tìm hiểu, ra Quảng Ninh, Hải Phòng học hỏi rồi về đầu tư vốn liếng hình thành nên 11 ao nuôi có mái che chóp nón, trong đó có 8 ao nuôi, mỗi ao rộng 1.800 m2; các ao còn lại rộng từ 500 – 800 m2.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản rất ấn tượng nuôi tôm vụ đông của ông Vũ Hải Đường (trái)
Không chỉ đam mê với con tôm, “cay cú” với những lần thất bại và món nợ ngân hàng quá hạn, mà cái chính là ông Đường đã nhìn nhận được tiềm năng thị trường tôm vụ Đông ở phía Bắc là rất lớn. Đây chính là động lực thôi thúc ông dốc sức vào đầu tư sản xuất nuôi tôm vụ đông. Ông khẳng định, miền Bắc, nếu không làm ao có mái che sẽ không nuôi được tôm vụ đông.
Đây cũng là quan điểm của nhóm thanh niên ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. Từ một bãi cát được bồi lên sau dự án nạo vét sông Đáy người ta đầu tư dự án nuôi bò sữa thất bại, 5 thanh niên trong làng đã mạnh dạn góp vốn với một quyết tâm biến đồng cát bạc thành vùng tôm trù phú. Nhanh chóng 37ha đất này đã được cấp có thẩm quyền hoàn tất thủ tục cho họ thuê để nuôi tôm.
Anh Vũ Thanh Trường, một trong 5 thanh niên góp vốn chia sẻ, xác định nuôi tôm là phải có điện lưới. Trong khi chờ đợi nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã kéo lưới điện cao thế để đáp ứng nhu cầu cung ứng điện năng cho cả vùng nuôi.
Nguồn: Báo nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.
Nhiều nông dân ở xã Hòa Tân (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) khẳng định, mô hình nuôi sò huyết xen canh trên đất nuôi tôm, cua giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện toàn xã có trên 30 hộ đang đầu tư làm theo mô hình này.
Nhiều bà con thoát nghèo nhờ nuôi sò huyết trong vuông tôm
Bà Lê Thị Tới ở ấp Cái Nai kể, một lần tình cờ xem ti vi, bà phát hiện mô hình nuôi sò huyết cho thu nhập cao. Để thử nghiệm, bà tìm mua sò giống ở đầm Thị Tường về thả xen canh trên diện tích 0,2ha mặt nước nuôi tôm, cua. Thấy hiệu quả nên mở rộng và duy trì mô hình cho đến nay.
Theo kinh nghiệm của bà Tới, sò huyết là loài hải sản rất khỏe, ít bệnh, không tốn công chăm sóc. Ăn thức ăn tự nhiên có trong vuông nên sò lớn nhanh. Sau 6 tháng thả nuôi, sò đạt trọng lượng 70 – 100 con/kg, giá bán mỗi kg dao động từ 70.000 – 100.000 đồng.
Từ 10 triệu đồng ban đầu, qua 3 vụ thả nuôi, bà Tới đã tích lũy được nguồn vốn trên 150 triệu đồng và xây cất được nhà khang trang. Hiện, 600kg sò giống trong vuông tôm của gia đình bà đang phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Theo Tới, cái lợi của nghề nuôi sò huyết là cứ bỏ ra 1 đồng vốn thì 6 tháng sau thu vào được 3 đồng lời. Lại thêm, nuôi sò huyết xen canh với các đối tượng cua, tôm trên cùng đơn vị diện tích thì cả 3 đối tượng nuôi đều trúng so với nuôi độc canh.
Tuy nhiên, trước mỗi vụ nuôi, người nuôi cần cải tạo ao từ 15-30 ngày. Sau đó, tiến hành bón vôi từ 10 – 15kg/1.000m² đáy ao, để hạn chế trứng các sinh vật gây hại sò huyết xâm nhập vào ao nuôi, đảm bảo ao nuôi duy trì mực nước với độ sâu từ 0,4 – 0,6m, các yếu tố môi trường như độ pH, nhiệt độ, độ mặn phù hợp.
Thời điểm thả giống nuôi sò huyết lý tưởng là từ tháng 9 – 10 dương lịch. Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra khả năng phát triển của sò để thay nước, bổ sung nguồn nước đảm bảo độ sâu phù hợp.
Nuôi sò huyết khá đơn giản nhưng mang lại lợi nhuận sao
Sò huyết là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi nên nông dân nuôi thủy sản rất hào hứng với vật nuôi này. Từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay toàn tỉnh có khoảng 600 hộ nuôi sò huyết xen canh trong ao tôm, với diện tích hơn 450ha.
Bà Đặng Kim Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Tân đánh giá: “Sò huyết nuôi xen canh trong vuông nuôi tôm góp phần đa dạng đối tượng nuôi, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Hội Phụ nữ xã sẽ vận động hội viên thành lập thêm hợp tác xã nuôi sò huyết tại ấp Xóm Chùa để liên kết sản xuất, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm”.
Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.
Theo một nghiên cứu mới của các chuyên gia từ Đại học Barcelona và Đại học Portsmouth (Anh) thuốc chống nấm và thuốc trầm cảm phát hiện trên các hệ thống sông làm giảm lượng thức ăn tôm ăn vào và tăng tốc độ bơi của tôm.
Thuốc chống nấm được dùng trong nông nghiệp ảnh hưởng đến giáp xác ngoài tự nhiên.
Ở châu Âu, châu Á, Australia và Nam Mỹ nguồn nước có hàm lượng cao các chất chống nấm được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Thuốc chống trầm cảm cũng được tìm thấy trong các con sông ở thủ đô nơi có hệ thống nước thải có hàm lượng thuốc cao.
Các sản phẩm hóa học này được đưa vào môi trường nước do không được loại bỏ hoàn toàn ở các nhà máy xử lý; chúng có thể tích lũy trong não của một số loài cá. Và những ảnh hưởng của sự kết hợp của các chất độc khác nhau đã không được biết đến. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm và thuốc diệt nấm tới sinh vật phù du và các loài giáp xác như tôm cua.
Giáo sư Alex Ford cho biết: “Hầu hết các con sông trên thế giới đều tiếp nhận chất gây ô nhiễm từ nước thải ngành nông nghiệp và các hệ thống nước thải có nồng độ thuốc cao. Dung dịch hỗn hợp các chất này có thể không gây chết người, nhưng gây tổn hại đến hệ sinh thái và thủy sinh vật.”
Giảng viên Isabel Muñoz từ Đại học Barcelona cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy tác động của 2 chất này với hàm lượng thấp làm thay đổi hành vi của tôm Gammarus pulex, làm giảm lượng thức ăn ăn vào và tăng tốc độ bơi khi có độc tố. “
Nghiên cứu về hành vi bơi lội đã chứng minh rằng động vật bơi nhanh hơn sau khi tiếp xúc với thuốc diệt nấm và thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên, khi chúng tiếp xúc với cả hai yếu tố, như trong nguồn nước bị ô nhiễm ngoài tự nhiên, sự phối hợp 2 chất này làm cho chúng bơi chậm hơn và dễ dàng trở thành con mồi cho những loài ăn thịt khác.
“Sự thay đổi hành vi bơi lội và ăn uống tác động tới sự phát triển, sinh sản và sự sống còn của động vật giáp xác, một thành phần quan trọng trong chuỗi thức ăn.” Tác giả cảnh báo.
Nguồn: Báo cáo của: University of Barcelona được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.