Gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ copefloc cho năng suất cao

Copefloc sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn viên công nghiệp.

Công nghệ Copefloc – công nghệ gây nuôi thức ăn tự nhiên

Để gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ Copefloc cho năng suất cao, sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 – 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics).

Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ.

        Giun nhiều tơ và các loài động vật thân mềm sống đáy trong ao nuôi copefloc

Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trước khi thả giống tôm.

Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao.

Trong quá trình nuôi không cần cho ăn; thay vào đó người nuôi phải quản lý, duy trì quần thể và mật độ thức ăn tự nhiên, lượng biofloc trong ao nuôi. Thu mẫu và tính toán mật độ copepod hằng ngày bằng cách dùng xô, chậu lấy 50 – 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi.

     Đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho tôm nuôi. 

Sau đó lọc qua lưới phiêu sinh, kích thước mắt lưới 50 – 70 µm, cho vào lọ 60 ml, cố định bằng formol 2 – 4%. Dùng pipet lấy 1 ml và đếm dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X, bằng phương pháp di chuyển buồng đếm theo tọa độ. Từ đó tính toán được mật độ của copepod và điều chỉnh lượng chế phẩm sinh học bón xuống ao làm thức ăn cho copepod và sinh vật trong ao nuôi.

Để kích thích sự hình thành và duy trì tính ổn định của biofloc, cần bổ sung biofloc mồi và bổ sung nguồn cacbon vào hệ thống nuôi. Có rất nhiều nguồn cung cấp cacbon: bột ngũ cốc, mật rỉ đường, bột bã mía, rơm, cỏ. Duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/l trong suốt chu kỳ nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi lợn trên đệm lót – cách để bảo vệ môi trường

Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn đang là nỗi bức xúc đối với các cơ quan chức năng và cả người chăn nuôi. Để xử lý vấn đề này, Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót lên men tại huyện Đức Linh. Mô hình này bước đầu được người dân quan tâm thực hiện vì hiệu quả thiết thực của nó.

Ông Trương Văn Hòa, xã Đức Hạnh, Đức Linh, Bình Thuận, hộ đầu tiên thực hiện mô hình cho biết trước đây, với đàn lợn khoảng 100 con, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải. Nhiều biện pháp xử lý đã được thực hiện nhưng hiệu quả không như mong muốn. Từ khi sử dụng nền chuồng lợn là đệm lót lên men, mùi hôi không còn, tiết kiệm được nước do không phải rửa chuồng và giảm đáng kể công quét dọn phân lợn. Đệm lót từ 1-2 ngày mới đảo một lần để vi sinh vật phân hủy phân và nước tiểu gia súc…

Với cách làm này, chi phí cho mỗi con lợn nuôi thịt giảm khoảng 400.000 đồng. Lứa lợn đầu tiên khi áp dụng mô hình khiến gia đình rất phấn khởi vì xử lý được vấn đề quan trọng nhất là chất thải và công quét dọn.

Chăn nuôi lợn

Làm đệm lót rất đơn giản, nguyên liệu là bột bắp, mùn cưa, trấu… thay cho ximăng. Người nuôi chỉ cần tưới nước cho nền ướt, tưới dịch men và rắc phấn cám trộn với men vi sinh, sau đó trộn cho đều, dùng nilon đậy lại; sau 2-3 ngày, lấy tấm nylon ra và xới lên, để 1 giờ sau thì thả lợn vào nuôi.

Với diện tích chuồng nuôi khoảng 20m2, chi phí làm đệm lót khoảng 3 triệu đồng.

Đệm lót có thời gian sử dụng khoảng 4 năm cho nhiều lứa lợn. Sau giai đoạn nuôi, đệm lót trở thành phân bón cho cây trồng.

Cách làm này còn giúp giữ ấm cho vật nuôi do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men vi sinh.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận cho biết chăn nuôi lợn trên đệm lót là giải pháp hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho chăn nuôi do tận dụng được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp như mùn cưa, vỏ trấu, thân cây bắp…

Đây là lần đầu tiên ngành chăn nuôi Bình Thuận áp dụng một phương pháp mới. Cách làm này đơn giản, chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại cao, đặc biệt là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, trung tâm sẽ hỗ trợ để nhân rộng mô hình này cho đông đảo người chăn nuôi trong tỉnh thực hiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những lợi ích của giun (trùn) đất

Mỗi ngày một con giun đất có thể tạo ra lượng phân bằng trọng lượng nó

  • GIUN ĐẤT có thể tạo ra thêm nhiều phân bón hơn những phương pháp khác. Phân giun có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần về ni tơ, gấp 7 lần Lân, gấp 3 lần Mg, gấp 2 lần Cacbon, 1,5 lần Calcium, 11 lần Kali.
  • Việc phát hiện ra lợi ích của GIUN ĐẤT đã có từ rất lâu trong lịch sử. Người Hy Lạp cổ đại đã từng nhắc đến vai trò của GIUN ĐẤT trong việc cải tạo đất đai. Nhà triết học Aristole so sánh giun như là” bộ máy tiêu hóa của trái đất”.
  •  Người Ai Cập cổ đại đó là nữ hoàng Cleopatra cũng đã nhận ra vai trò của GIUN ĐẤT và được tôn thờ như một vị thần. Người nào mang GIUN ĐẤT ra khỏi Ai Cập có thể bị xử tử. Người nông dân Ai Cập cổ đại thậm chí còn không dám đụng vào giun vì sợ vì thần đất trừng phạt. Năm 1949 một nghiên cứu cho rằng mức độ màu mỡ của sông Nin có được là nhờ một phần rất lớn của GIUN ĐẤT.
  • Charle Darwin ( 1809-1882) đã nghiên cứu hơn 40 năm về GIUN ĐẤT để viết lên quyển sách nổi tiếng “Sự hình thành mùn thông qua quá trình hoạt động GIUN ĐẤT”. Darwin nói rằng “ Không có sự nghi ngờ nào nữa rằng nhiều loại động vật có vai trò trong lịch sử trái đất là những loài sinh vật có tổ chức rất đơn giản”.

Vậy bạn có biết GIUN ĐẤT có những vai trò nào nữa không ?

Giun đất

  • Giun giúp đất trồng trở nên thông thoáng, những đường di chuyển của chúng giúp cho nước ngấm sâu vào trong đất, tránh xói mòn. Nó cũng giúp đất trở nên mềm mại hơn, rễ cây dễ thâm nhập sâu hơn.
  •  GIUN ĐẤT cân bằng độ pH trong đất, phân của chúng giúp tăng độ kiềm trong đất.
  • Giun thường có khuynh hướng đào sâu vào nền đất rồi đùn phân lên phía mặt trên
  •  Giun giúp giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ, so với những phương pháp khác giun giúp phân hủy nhanh gấp 4 lần.
  • Mật độ giun trong đất cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi giúp hạn chế tuyến trùng và nấm gây hại trong đất

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Diệt ruồi đục quả bằng chế phẩm từ men bia

Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) vừa chuyển giao cho Việt Nam công nghệ phòng trừ ruồi hại quả mới – chế phẩm protein từ phế thải men bia, tiêu diệt hiệu quả ruồi hại quả ở giai đoạn trưởng thành.

Ruồi hại quả (Oriental fruit fly) có tên khoa học là Bactrocera dorsalis (Hendel), thuộc họ Trypetidae, bộ hai cánh (Diptera).to hơn ruồi nhà, có màu vàng, cánh trong và mang đặc tính sinh học khá đặc biệt.

Để đẻ trứng, ruồi cái buộc phải tìm nguồn protein trong tự nhiên. Thời kỳ quả gần chín, ruồi tập trung nhiều dưới các tán lá, đậu trên mặt quả, dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng.

Khi trứng nở, sâu non (giòi) hại thịt quả, ăn thịt quả. Đồng thời những lỗ ruồi châm cũng khiến vi khuẩn xâm nhập khiến quả rụng nhanh hơn.

Công dụng lớn nhất của hỗn hợp bả protein, theo TS Khánh, là nhờ mùi vị của protein rất hấp dẫn đối với ruồi hại quả. Vì vậy, để diệt ruồi hại quả, chỉ cần diệt trên một loại cây.

TS Khánh còn khuyến cáo nên tiến hành trên diện rộng, với sự đồng loạt của cả vùng, cả thôn, cả bản thì mới mong mang lại hiệu quả cao.

Bả protein tránh để rớt vào quả, mặc dù phun trước một tháng, với nồng độ thuốc trừ sâu thấp song cũng vẫn là điều đáng lưu tâm.

Để mua bả Ento-pro, có thể liên lạc với Viện Bảo vệ Thực vật-Phòng Côn trùng (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội). Theo thống kê của Viện Bảo vệ Thực vật, chỉ tính riêng miền Bắc, có tới 18 loại quả, rau ăn quả bị hại. Thậm chí, nhiều nơi, 100% cây ăn quả bị ruồi hại.

Để diệt sâu trong quả, các biện pháp trước đây thường dùng chất hóa học (lân) với nồng độ cao, đủ khả năng thẩm thấu vào bên trong quả. Nhưng với cách này, một dư lượng chất hoá học độc hại lớn để lại trong quả. Hơn nữa, sử dụng biện pháp hóa học gì cũng không đem lại hiệu quả.

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) chuyển giao cho Việt Nam công nghệ phòng trừ ruồi hại quả mới – chế phẩm protein từ phế thải men bia, tiêu diệt hiệu quả ruồi hại quả ở giai đoạn trưởng thành.
Chỉ với 20 lít hỗn hợp bả Ento-pro (gồm 100 ml bả protein+0,1g thuốc trừ sâu+900ml nước) là có thể sử dụng cho một hécta.

“Với biện pháp phun điểm lên lá cây, mỗi cây xịt một điểm, tính trung bình, để bảo vệ một hécta cây ăn quả, chỉ hết khoảng 700 nghìn đồng”, TS Khánh nói.

Cũng trong chương trình hợp tác, phía Úc giúp Việt Nam xây dựng một xưởng sản xuất bả protein tại Nhà máy bia Foster Tiền Giang. Tuy nhiên, xưởng sản xuất quá nhỏ, thành phẩm làm ra không đủ để đáp ứng nhu cầu của cả nước.

Do vậy phía Úc giúp và chuyển giao công nghệ cho xây dựng một xưởng sản xuất lớn hơn tại Nhà máy bia An Thịnh (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), nhằm cung cấp bả protein cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung với giá rẻ hơn rất nhiều so với nhập khẩu.

Giá thành của những sản phẩm này cũng hợp lý, đối với bình nhỏ 100ml, có giá 13.650 đồng; bình 480ml, giá 50.400đồng. Như vậy, để phun cho khoảng 1.000m2 chỉ cần 4-5 bình, tương ứng với số tiền là trên 200.000 đồng.

Đặc biệt, để phun cho một hécta cây ăn quả bằng thuốc hóa học, thông thường cũng phải mất 4-6 ngày. Áp dụng bả protein, một người chỉ cần ba tiếng là có thể phun cho một hécta.

(theo AGRIVIET, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam)

 

Nấm xanh diệt rầy nâu

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV TT-Huế cho biết, Chi cục vừa xây dựng thành công mô hình sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa đạt hiệu quả cao, mở ra triển vọng phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững… Trong lúc nhiều diện tích lúa trên địa bàn TT- Huế trong thời gian qua bị sâu bệnh, rầy nâu gây hại, thì những chân ruộng ở HTXNN Phú Đa I, huyện Phú Vang do sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu nên cả ruộng lúa óng vàng, trĩu hạt, hứa hẹn một vụ mùa cho năng suất cao.

Trong quá trình chăm sóc cây lúa, người nông dân ở đây cũng không còn nỗi lo như trước vì chịu tác động của thuốc BVTV làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đầu vụ HT vừa qua, Chi cục BVTV TT- Huế đã xây dựng mô hình sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa trên diện tích 2 ha ở các xã, thị trấn như: Phú Đa (huyện Phú Vang), xã Thủy Lương (thị xã Hương Thủy), xã Hương Phong (thị xã Hương Trà)và xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền).

Nguyên liệu SX nấm xanh là nguồn nấm cấp I. Trước kia, nguyên liệu phải mua từ ĐH Cần Thơ. Hiện nay, Chi cục BVTV TT- Huế là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền Trung đã chủ động SX được nguồn nấm cấp I. Cách làm nấm xanh khá đơn giản. Trước hết, lấy gạo hoặc tấm để ngâm ủ trong nước trong thời gian từ 30 – 40 phút, sau đó vớt ra để ráo và chia vào các túi ni lông, bình quân nửa kg/túi, rồi dùng các nút bông gòn bao bọc các miệng túi để tránh nước vào và tiến hành hấp khử trùng. Nguồn giống cấp I được nuôi cấy trong gạo và tấm từ 7- 14 ngày.

Thực tế, kết quả sử dụng nấm xanh cho thấy nấm phát triển tốt, ký sinh gây hại rầy nâu đạt hiệu quả cao. Theo ước tính ban đầu,việc sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu đã tiết kiệm công sức lao động, giảm chi phí phun thuốc từ 700.000 – 900.000 đồng/ha so với dùng thuốc hoá học ở vụ HT này.

ông Nguyễn Duy Bờ, hộ nông dân ở HTXNN Phú Đa I,được chọn làm điểm mô hình này cho biết: “Qua triển khai trên diện tích lúa vụ HT, tôi nhận thấy mô hình nấm xanh mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhìn chung đồng ruộng không có rầy đe dọa, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng địa phương cần nhân rộng mô hình này bởi, ngoài giảm chi phí SX cho bà con nông dân thì còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc BVTV”.

ông Hồ Đắc Thọ đánh giá: “Qua theo dõi thực tế trên đồng ruộng, hiệu quả của nấm xanh trừ rầy đạt tương đối khá cao, từ 70 – 75%. Trước đây, bà con thường sử dụng thuốc hóa học để phun trừ rầy, nhưng phun rất nhiều lần, vừa tốn kém trong chi phí, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường sinh thái, tuy nhiên rầy vẫn bộc phát ở thời điểm cuối vụ rất lớn.

Qua 2 mô hình sử dụng nấm xanh trừ rầy đối chứng với nông dân làm theo tập quán địa phương ở 4 điểm trên địa bàn toàn tỉnh thì mô hình rất khả quan và mang lại hiệu quả cao”.

ông Thọ cho biết thêm, việc sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa là một giải pháp tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên địch có ít trên đồng ruộng, góp phần tạo ra sản phẩm lúa sạch.

Trong những vụ mùa tiếp theo sẽ đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh TT- Huế cùng các ngành chức năng trong tỉnh tạo điều kiện để Chi cục chuyển giao kỹ thuật SX nấm xanh và ứng dụng sản phẩm nấm xanh vào SX để quản lý rầy nâu hại lúa.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Thêm silic vào đất để tăng cường khả năng phòng vệ thực vật

Để giúp các loài thực vật chống lại sâu bệnh tốt hơn, các nhà nghiên cứu đang trang bị đá cho chúng.

Biểu hiện của lá cây thiếu Silic

Nhà khoa học Ivan Hiltpold từ Đại học Delaware và các nhà nghiên cứu từ Viện Môi trường Hawkesbury từ Đại học Tây Sydney đang tiến hành kiểm tra việc thêm silic vào đất có trồng cây để giúp tăng cường khả năng chống lại những kẻ thù tiềm tàng.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Soil Biology và Biochemistry. Nền tảng của dự án là tiếp cận tác động của nấm arbuscular mycorrhizal đối với chất lượng dinh dưỡng của cây và sâu hại rễ, bổ sung thêm mía và côn trùng ăn rễ, chủ yếu là giòi mía – giòi của bọ cánh cứng trên cây mía.

Silic là nguyên tố dồi dào đứng thứ hai trên thế giới sau oxy trong lớp vỏ Trái đất, nhưng do silic ở dưới dạng đá hoặc khoáng nên không sẵn có cho thực vật sử dụng.

Bằng cách bổ sung cho đất Silic đioxyt, một dạng silic mà thực vật có thể dễ dàng hấp thu, các nhà nghiên cứu đã giúp thực vật xây dựng các phân tử nhỏ bé gọi là phytolith, hay “đá thực vật” để chống lại côn trùng ăn cỏ và có thể là các loài gặm nhấm.

Trong thí nghiệm với hai giống mía trồng trong nhà kính, côn trùng ăn rễ, chủ yếu là giòi mía, ký sinh trên cây. Chức năng miễn dịch của côn trùng được đánh giá bằng cách đo phản ứng miễn dịch của chúng đối với tuyến trùng giun gây bệnh – những sinh vật nhỏ giết côn trùng trong đất – trong khi sự phát triển côn trùng và tiêu thụ rễ được đánh giá trong một thử nghiệm cho ăn.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, ở mức hàm lượng silic cao hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của côn trùng và tốc độ ăn rễ tới 71%. Do silicon không ảnh hưởng đến gia súc chăn thả, các nhà khoa học cho biết sẽ không ảnh hưởng đến con người.

Việc lựa chọn sử dụng silic để tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cây trồng chống lại giòi mía bởi sự thân thiện với môi trường và tiết kiệm về mặt kinh tế đối với người trồng do không phải phun thuốc nhiều để bảo vệ cây trồng.

Kết quả năng xuất khi thử hiện ứng dụng

M.H – Mard, theo EurekAlert, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Làm giàu từ khoai lang tím

Hai bàn tay trắng, dắt díu vợ con chọn vùng đất nhiễm phèn nặng giữa Tứ giác Long Xuyên để mưu sinh, vậy mà bây giờ Phan Thành Tiến, ở ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã trở thành tỉ phú. Bí quyết gì? Tất cả nhờ vào cây khoai lang tím Nhật.

khoai lang tím

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), Tiến đã trải qua nhiều năm bám ruộng đồng trồng màu và trồng lúa nhưng thu nhập không cao. Thấy khó làm ăn, Tiến cương quyết bỏ quê nhà cùng vợ con đi làm thuê cho các ông chủ trồng khoai lang ở Bình Tân (Vĩnh Long), Hòn Đất (Kiên Giang)…

Suốt 5 năm trời làm thuê, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật trồng và biết vùng đất nào thích hợp cây khoai lang cho năng suất cao. Năm 2009 anh được một người bạn mời về vùng đất ở xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn) chơi. Đó là một vùng đất rộng, trồng lúa một năm chỉ 1-2 vụ là tối đa nên người cho thuê đất khá nhiều. Nuôi ý định trồng khoai lang tím Nhật từ lâu nên Tiến thấy vùng đất này thích hợp quá.
Đầu năm 2010 anh quyết định cùng vợ con về Vĩnh Phước thuê đất trồng khoai lang. 5 năm đi trồng khoai lang mướn được 50 triệu đồng cộng thêm 2 chỉ vàng hồi môn lúc cưới, vợ chồng Tiến thuê 5 ha đất. Năm đầu tiên mua giống khoai lang tím Nhật ở Hòn Đất về trồng thử. Chưa đầy 1 tháng, ruộng khoai xanh tốt, ít bệnh. Đến vụ thu hoạch bán trên 200 triệu đồng. Thắng lợi to quá, Tiến đầu tư mở rộng diện tích thành 15 ha và thắng tiếp gần 350 triệu đồng ở vụ thứ hai.

Có đồng vốn kha khá, đầu năm 2011 gia đình anh dồn hết tiền thuê 52 ha để trồng tiếp khoai lang tím Nhật. Chỉ sau một thời gian ngắn, 52 ha đất vốn nhiễm phèn được phủ xanh mơn mởn toàn khoai lang tím Nhật. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Tiến đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ cày xới, lên luống, bơm tưới, thu hoạch đều bằng máy. Nhân công chỉ nhặt khoai, chọn khoai và đóng gói nên chi phí rẻ.

Khoai lang tím Nhật có thể trồng quanh năm và cho thu nhập cao, gấp đôi các loại khoai khác. Đây là giống khoai chất lượng cao, dễ trồng, từ 4- 4,5 tháng cho thu hoạch, năng suất từ 13-15 tấn/ha. Bình quân mỗi dây khoai cho từ 3-7 củ, ít bị sùng ăn.

Theo kinh nghiệm của anh Tiến, bón phân đầy đủ và thường xuyên phòng trừ sâu hại, xử lý nước kịp thời, năng suất, chất lượng khoai sẽ cao. Nếu bán theo giá hợp đồng 15.000 đồng/kg, vụ này anh thu về 7-9 tỉ đồng. Trừ hết các chi phí vật tư, tiền thuê đất và nhân công vẫn còn lãi từ 3-4 tỉ đồng. Sang năm 2012 anh sẽ mở rộng diện tích trồng khoai lang tím lên 100 ha.

Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn đánh giá: Anh Tiến là một nông dân giỏi, dám nghĩ dám làm. Anh là người đầu tiên trồng khoai lang làm giàu trên vùng đất lũ của xã Vĩnh Phước này. Góp phần đưa nền kinh tế nông nghiệp ở một xã nghèo vươn lên và tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động tại địa phương.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi trùn quế làm giàu

Tình cờ anh Hồ Văn Tây, 39 tuổi, một chủ trang trại ở Diên Xuân (Diên Khánh, Khánh Hòa) học được nghề nuôi trùn quế từ một người bạn Việt kiều ở Úc. Và nghề nuôi trùn quế đã giúp anh làm giàu sau bao lần thất bại trong kinh doanh.

nuôi trùn quế làm giàu

Anh Tây đưa tôi đi xem trang trại nuôi trùn quế của anh trên một ngọn đồi nhỏ, bạt ngàn mía và cỏ voi thuộc thôn Xuân Nam, xã Diên Xuân. Hàng dãy nhà lá nối tiếp nhau chạy dài như một nhà máy lớn. Bên trong từng căn nhà, các ô nuôi trùn xếp bằng gạch, nối tiếp nhau dày đặc một màu đen toàn phân và phân. Một công nhân đang tưới giữ ẩm cho các ô nuôi trùn. Anh Tây chỉ vào một ô nuôi, hồ hởi: “Nuôi trùn rất thú vị, phân bò đưa vào đây chỉ trong 10 – 15 ngày, con trùn đã biến phân sống thành phân vi sinh, bón rất tốt cho cây trồng. Con trùn quả là một nhà máy chế biến tuyệt vời…”.

Được biết, phân trùn là chất dinh dưỡng tuyệt vời đối với cây trồng. Phân chuồng sau khi qua “công đoạn” xử lý của trùn đã trở thành thức ăn bổ dưỡng, rất dễ hấp thụ đối với cây trồng. Chính vì vậy, trang trại của anh bán rất chạy loại phân này. Hiện nay, nguồn thu nhập chính từ trang trại là bán phân trùn. Mỗi tháng trang trại có thể sản xuất từ 15 – 20 tấn phân trùn. Với giá bán hiện tại 2.000 đ /kg, anh Tây thu về một nguồn lợi không nhỏ. Anh Tây cho biết, thị trường tiêu thụ phân trùn rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay trang trại không đủ sức cung cấp cho thị trường. Phân trùn có thể bón cho rất nhiều loại cây trồng: từ cây lương thực (lúa, màu), cây ăn quả (thanh long, cam, bưởi…), cây công nghiệp (cà phê, chè, tiêu, cao su…), đến cả cây cảnh; đây cũng là loại phân cao cấp không sợ bị lạm dụng. Dân trồng laghim ở Đà lạt (Lâm Đồng) rất thích tìm mua loại phân này. Để phát triển thị trường, anh Tây mua thiết bị chế biến phân, in bao bì (25 kg) và lập nhà kho để chứa phân.

Nuôi trùn quế rất đơn giản, sau khi đem phân bò về, lượm rác, sỏi đá, tạp chất; dùng thuốc xử lý vi khuẩn, mầm bệnh; đưa vào ô nuôi, tưới giữ ẩm và chờ ngày “ra” thành phẩm. Sản phẩm bao gồm: trùn quế (sinh khối) và phân vi sinh. Cả 2 đều có thể bán. Giá trùn quế sinh khối hiện tại 9.000 đ /kg, là thức ăn cao cấp của các loài tôm, cá, ba ba, heo, gà… Tuy nhiên, hiện nay việc bán sinh khối gặp khó khăn về đầu ra nên trang trại chủ yếu bán phân vi sinh và sinh khối cho các hộ có nhu cầu. Để có thức ăn cho trùn, mỗi tháng anh Tây mua khoảng 20 m3 phân chuồng, chủ yếu là phân bò ở các nơi về với giá từ 40 – 50 ngàn đồng /m3. Anh cho biết, tiền lãi nuôi trùn quế từ đầu năm đến nay đã lên tới 150 triệu đồng. Có thể nói, trùn quế là đối tượng nuôi kinh tế xếp đầu bảng, vượt xa các đối tượng nuôi khác trong nông nghiệp. Đến nay, anh Tây đã xây dựng được 10 trại nuôi, mỗi trại có diện tích 100 m2. Lượng sinh khối lên tới vài chục tấn. Để duy trì sản xuất, anh thuê 12 người giúp việc để nuôi trùn, trồng cỏ voi (1 ha) và chăm sóc đàn bò (70 con), thu nhập mỗi lao động từ 1 – 1,2 triệu đồng /tháng.

Được biết, ở nước ngoài, nghề nuôi trùn quế rất phát triển và con trùn được chế biến thành nhiều sản phẩm cao cấp như: trà trùn, biscuis trùn và phân trùn cũng là phân vi sinh cao cấp. Anh Tây cho biết, tổng vốn đầu tư vào trại trùn quế đến nay đã lên đến 500 triệu đồng nhưng anh rất tin tưởng vào tương lai của nghề này. Hiện tại, nhiều đơn vị trong đó có Công ty Cao su Việt Lào (Gia Lai) đang đặt vấn đề mua phân vi sinh của anh với số lượng lớn nhưng do khả năng còn yếu nên anh chưa dám nhận đơn đặt hàng vì sợ đáp ứng không đủ. Anh dự định sẽ mở rộng trại trùn lên 5.000 m2 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Thu siêu lợi nhuận từ trồng chanh dây

Nhiều năm nay, hàng ngàn bà con nông dân một số tỉnh như Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông… trồng chanh dây cho thu nhập “siêu lợi nhuận”

Chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tại Lâm Đồng nói chung các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông nói riêng, cây chanh dây được bà con nông dân hồ hởi trồng chủ yếu là loại giống nhập khẩu từ Đài Loan. Giống này nếu chăm sóc tốt cho năng suất bình quân 70 – 100 tấn/ha/năm, với giá cả thị trường từ 15.000 – 17.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây thu được lãi thuần từ 500 – 700 triệu đ/ha/năm, chu kỳ canh tác hiệu quả nhất không quá 2 năm.

Với việc trồng chanh dây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được sâu bệnh hại và chu kỳ từ khi trồng đến khai thác xong không vượt quá 2 năm, sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác, nhất là với những địa phương cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Để đưa cây chanh dây trở thành cây trồng chủ lực và đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao phục phụ chế biến xuất khẩu đi thị trường châu Âu, hơn 5 năm trở lại đây Cty CP Nông Nghiệp Đông Phương – TP.HCM đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân nhằm chuyển giao giống, kỹ thuật giúp bà con nông dân canh tác loại giống chanh dây nhập khẩu từ Đài Loan đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tại Đắk Nông, công ty liên kết bao tiêu khoảng gần 100 ha chanh dây tím nhập khẩu từ Đài Loan, được phân bố ở các huyện Đắk R’lấp, Krông Nô, Đắk Glong, Chư Jút, thị xã Gia Nghĩa…

Chi chi phí đầu tư cho một ha chanh dây khoảng 70 – 100triệu đồng gồm tiền mua giống, kẽm gai, trụ… để làm giàn và công chăm sóc cũng khá đơn giản chỉ cần chăm chỉ thăm nom, nếu thấy xuất hiện sâu bệnh thì xử lý kịp thời để phòng trừ và sau trồng 5-7 tháng là bắt đầu cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 70 – 100 tấn một ha. Có hộ chăm sóc tốt còn đạt năng suất lên tới gần 130 tấn/ha.

Khuyến cáo với bà con nông dân: Rủi ro tiềm ẩn!!

Chia sẻ kinh nghiệm của Ths.Trần Văn An –Giám đốc Trung Tâm Khảo Nghiệm giống chanh dây thuộc CTY Phương cho rằng “Hiện nay, trồng chanh dây đang hấp dẫn nhiều hộ nông dân ở Đắk Nông, Gia lai, Lâm Đồng,  do hiệu quả kinh tế rất cao . Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân có ý định trồng chanh dây hoặc đang trồng cần phải lưu ý những vấn đề như “chọn đúng giống, phát hiện sâu bệnh kịp thời , thị trường tiêu thụ và chế biến”.

Bài học làm kinh nghiệm:

“Vào năm 2010 nhiều người trồng chanh dây ở các địa phương đã chạy đôn, chạy đáo mua các loại thuốc về phun trên cây, lá, xịt xuống gốc nhưng dịch bệnh vẫn không hết. Vì vậy, nhiều vườn chanh dây đang xanh tốt thì bị nhiễm bệnh lá chuyển sang màu vàng rồi rụng dần cả lá lẫn trái và chết toàn bộ, nhất là những vùng trước đây đã trồng chanh dây nhưng xử lý đất chưa kỹ, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người trồng chanh dây. Nhiều hộ dân đã thiệt hại nặng nề, có hộ đã phá sản vì cây chanh dây.

Nguyên nhân chủ yếu do việc trồng ồ ạt. Nhiều đơn vị, hộ dân tự ý cấy ghép, nhân giống không thông qua đơn vị kiếm soát, bán giống để kiếm lời trước mắt. Bà con nông dân ham rẻ mua phải những cây bị bệnh mà không biết. Diện tích trồng chanh dây tự phát và vượt quá mức kiểm soát, giống cây trồng không bảo đảm chất lượng … Hơn nữa đa số các hộ dân tự phát trồng đều không qua lớp tập huấn kĩ thuật nào, chỉ là dân “tay ngang” thấy người khác trồng có hiệu quả thì làm theo, vườn chanh dây không mắc bệnh cũng sẽ chậm phát triển, năng suất khó đạt như mong muốn”.

Trước thực trạng chanh dây đang được bà con nông dân trồng trở lại. Tránh tình trạng chặt trồng, trồng chặt đã là điệp khúc khi đề cập đến một số cây trồng khác, hay hạn chế dịch sâu, bệnh hại.

Vì vậy, bà con nông dân cũng cần tìm hiểu cặn kẻ trước khi đầu tư , đặc biệt: Chọn giống và nguồn gốc giống là rất cần thiết, phải thường xuyên hiễm tra và phát hiện kịp thời sâu hại , bệnh hại để xử lý kịp thời,

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà kết hợp thả cá trê phi

Mô hình nuôi gà kết hợp thả cá trê phi đang được nhiều người dân huyện Anh Sơn áp dụng hiệu quả bởi vừa tận dụng lượng chất thải lớn từ chăn nuôi gà để nuôi cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm thu nhập.

                                           nuôi gà kết hợp với cá trê phi

Áp dụng thành công mô hình này hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Hữu Đại ở thôn 4, xã Tường Sơn cho biết: “Với quy mô thực hiện hơn 5.000 con gà và 7 bể nuôi cá trê với diện tích 700 m2, mỗi năm gia đình tôi thu về 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí cũng thu lãi 400 triệu đồng/năm”.

Bể nuôi cá được ông Đại bố trí sát với chuồng nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa và xử lý môi trường. Gia đình thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho gà và cá phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Hữu Đại, để thực hiện mô hình gà – cá thành công, phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Ông Đại chia sẻ: Để nuôi gà kết hợp với cá trê trước hết chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố. Đối với nuôi gà, mỗi chuồng có diện tích 50m2. Gà con bố trí mật độ 1.200 con/chuồng, gà trưởng thành 400 con/chuồng. Chuồng nuôi phải thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè. Trong quá trình nuôi, thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý như: tiêm phòng đầy đủ, nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp rau cám và chăn thả tự nhiên. Cùng đó, cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.

Đối với nuôi cá: Bố trí diện tích ao nuôi phù hợp số lượng đàn gà trong trang trại. Hiện nay ông Đại bố trí 7 bể nuôi có với diện tích mỗi bể là 100m2, trong đó Chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi điều kiện tự nhiên, chủ yếu là cá trê phi và một ít cá rô phi; mật độ 10 con/m2 để tận dụng triệt để thức ăn thừa. Cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.

Với quy mô 5000 con gà và 7 bể nuôi cá đã mang lại lãi ròng cho gia đình ông Đại trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Đại chia sẻ: Việc nuôi một số lượng gà lớn kết hợp với chăn nuôi cá trê đang là hướng đi rất hợp lý của nhiều hộ trên địa bàn. Hàng ngày ngoài phân gà còn một lượng vỏ trứng từ lò ấp của gia đình cũng sẽ được dùng làm thức ăn cho cá. Mô hình nuôi kết hợp này đạt hiệu quả rất cao. Mỗi năm ông cho xuất chuồng trên 5.000 con gà và 2,1 tấn cá, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi gà thả trê tương đối dễ thực hiện, phù hợp điều kiện sản xuất ở nông thôn, mang lại hiệu quả cao, tùy khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam