Tiềm năng phát triển chanh leo tại Việt Nam

Là đơn vị tiên phong trồng, chế biến và XK chanh leo cách đây hàng chục năm, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đánh giá: Việt Nam hiện là nước có tiềm năng, lợi thế hàng đầu thế giới về chanh leo.

Mới đây, Tập đoàn Nafoods cũng đã chính thức khởi công xây dựng NM chế biến chanh leo tại Sơn La (dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2018), đồng thời đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu chiến lược với diện tích khoảng 5.000ha chanh leo tới năm 2020 tại Sơn La. Đây là những động thái cho thấy chanh leo đang là mặt hàng mang rất nhiều triển vọng XK trong năm 2018 và những năm tới.

Theo ông Đinh Cao Khuê, khí hậu Việt Nam rất phù hợp với cây chanh leo, đặc biệt là 6 tỉnh khu vực Tây Nguyên, bởi độ cao thích hợp nhất cho cây chanh leo phát triển từ 400 – 700m so với mực nước biển. Năng suất chanh leo tại Tây Nguyên có nơi đạt trên 100 tấn/ha, vào loại cao nhất thế giới. Trên thị trường quốc tế, chanh leo thuộc mặt hàng trái cây rất được ưa chuộng tại châu Âu, Mỹ và các nước phát triển, bởi cung cấp nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe con người.

“Năm 2017, Doveco chúng tôi dự kiến đạt con số 2.000 tấn chanh leo cô đặc XK sang các thị trường Mỹ, Canada, Israel, EU, Nhật Bản… gấp đôi sản lượng so với năm 2016, giá trị kinh tế ước đạt trên 10 triệu USD. Tháng 6/2018, Doveco sẽ khánh thành thêm một nhà máy chế biến chanh leo tại tỉnh Gia Lai với công suất 60.000 tấn chanh leo tươi/năm (tương đương 5.000 tấn chanh leo cô đặc), đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán và mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây lợi thế này”, Chủ tịch Doveco Đinh Cao Khuê tiết lộ.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau màu vụ đông Bắc Đông tăng cao

Giá cao gần gấp đôi

Hiện rau màu vụ đông đang cho thu hoạch rộ. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ghi nhận ở một số vùng chuyên canh rau màu cho thấy, giá nông sản bình quân cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.

Đơn cử, cà chua 12 – 15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8 – 9 nghìn đồng/cây; su hào 7 – 8 nghìn đồng/củ; đậu cô ve 18 – 20 nghìn đồng/kg; cà chua bi 8 – 12 nghìn đồng/kg; 50 – 60 nghìn đồng/kg ớt…

Khảo sát tại cánh đồng thôn Ghép, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nông dân khi rau được mùa, được giá. Gia đình bà Nguyễn Thị Là đang thu hoạch lứa bắp cải thứ hai tính từ đầu vụ để chuẩn bị xuống giống súp lơ thu vào tháng Giêng. “Mấy năm trước, rau chỉ bán được giá vào thời điểm đầu vụ, về sau hạ dần và có lúc rẻ như cho, nhiều nhà lấy chăm cá hoặc bỏ thối ngoài đồng. Năm nay thì khác, rau luôn được giá, cứ mỗi lứa bắp cải, gia đình tôi thu về gần chục triệu đồng/sào”, bà Là cho biết.

Bà con phấn khởi khi rau màu tăng giá

Tương tự, người dân trồng cây ưa lạnh tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (huyện Lục Nam) cũng thắng lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy, người dân trong thôn, năm nay, trời rét sớm, lạnh sâu, cây trồng ít sâu bệnh. Người trồng rau không tốn công, giảm chi phí khâu chăm sóc, sản phẩm lại bán giá cao đã góp phần tăng giá trị rau màu. Với hai sào su hào vừa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 12 nghìn ha rau, màu các loại. Đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, nhìn chung, cây vụ đông năm nay cho giá trị kinh tế cao, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với năm trước. Cá biệt có một số cây cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha như dưa lưới, các loại ớt, cà chua.

Bám sát diễn biến thời tiết, chủ động nguồn cung

Đang trong thời điểm chính vụ song nông sản không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, các tiểu thương đều phải trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng. Anh Tống Văn Thọ ở thôn Ghép nói: “Trước đây, tôi chỉ cần ở nhà và cân nông sản khi người dân chở rau, củ đến. Mấy ngày nay dù đã tăng giá nhưng vẫn không có rau để mua vì khan hiếm, tôi chủ động đến một số vùng chuyên canh đặt cọc trước. Chậm chân là hết rau, lỡ đơn hàng với khách”.

Các tiểu thương trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng

Ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho rằng, giá rau tăng mạnh do một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến sản phẩm khan hiếm. Hơn nữa, nhiều nơi nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng, bỏ ruộng vụ đông, không còn “tự cung, tự cấp” như trước mà phải mua rau, quả để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, công tác liên kết cũng được thực hiện tốt với hơn 3 nghìn ha rau, quả có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ.

Còn theo một tiểu thương có hơn chục năm trong nghề tiêu thụ nông sản tại xã Thái Đào, nhiệt độ xuống thấp, rau dễ bảo quản, vì vậy người buôn rau lựa chọn hàng trong nước để kinh doanh. Còn nếu thời tiết ấm, nóng thì giới “chạy chợ” luôn ưu tiên mặt hàng của Trung Quốc vì thường có chất bảo quản, nông sản tươi lâu hơn sẽ ít rủi ro.

Cùng đó, biện pháp xây dựng mô hình điểm tại các địa phương, điểm mới trong chỉ đạo vụ đông đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 34 mô hình điểm với diện tích hơn 500ha và đạt hiệu quả cao. Điển hình, huyện Yên Dũng xây dựng 10 mô hình điểm sản xuất tập trung. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện thông tin: “Lo ngại khó đạt kế hoạch diện tích đề ra, huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị cây vụ đông. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vùng tập trung với mức 100 nghìn đồng/sào; đồng thời tổ chức hội nghị mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, nhóm hộ”.

Đến nay mô hình điểm về rau an toàn ở xã Tiến Dũng, Đồng Việt đã cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha. Các mô hình khoai tây chế biến hứa hẹn bội thu. Ở Tân Yên, huyện hỗ trợ 50% giá giống, chuyển giao kỹ thuật cho 6 mô hình điểm theo chuỗi khép kín, tập trung tại xã Ngọc Lý, Đại Hóa, Lan Giới; quy mô bình quân 5 – 10 ha/mô hình.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể

Đối tượng nhuyễn thể đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống.

Nghêu, ngao

Nuôi nghêu Bến Tre đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển phía Nam, nhất là Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số tỉnh ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định. Nguồn con giống cung cấp chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh đã thực hiện được quy chế quản lý bãi nghêu giống. Lượng ngao, nghêu giống cỡ nhỏ (nghêu cám) tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau cung cấp cho các địa phương phía Bắc đã hình thành nghề ương nghêu giống trong ao ở Thái Bình, Nam Định, mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực cho việc giải quyết giống nuôi. Hiện nay, một số địa phương đang tiếp nhận công nghệ sản xuất giống nghêu từ các viện nghiên cứu bước đầu khá tốt như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định.

Ốc hương

Ốc hương được nuôi ở các tỉnh ven biển miền Trung và giống được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và Ninh Thuận. Nhu cầu mỗi năm khoảng trên 10 – 20 triệu giống và tăng dần vì phần lớn diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả ở vùng ven biển đã chuyển sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, sản xuất giống ốc hương chưa được quan tâm kiểm soát, chưa có tiêu chuẩn chất lượng.

Sò huyết

Nuôi sò huyết phát triển khá mạnh ở vùng ĐBSCL, tuy vậy con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo. Một số vùng nuôi cũng bắt đầu khoanh vùng bảo vệ các bãi sò huyết phân bố tự nhiên, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định.

Trai ngọc

Trai ngọc được phát triển nuôi ở vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) và đang được phát triển nuôi ở Kiên Giang do những công ty có vốn đầu tư lớn nuôi với mục đích cấy ngọc. Do nuôi ở vùng biển xa, đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ hẹp có tính chất chuyên sâu nên mức độ nuôi còn rất hạn chế, con giống nuôi do các công ty nuôi tự sản xuất giống.

Tu hài

Nuôi tu hài phát triển mạnh ở vùng vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) và đang nuôi ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, sản xuất giống đã hoàn thiện công nghệ và chủ động cung cấp đủ giống, đáp ứng nhu cầu.

Hàu Thái Bình Dương

Nuôi hàu đang được phát triển ở nhiều địa phương ven biển và có triển vọng khả quan về thị trường tiêu thụ. Vùng nuôi tập trung nhất ở Quảng Ninh. Hiện đã sản xuất được giống bằng sinh sản nhân tạo nhưng số lượng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất giống hầu tam bội được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III nhập và đang triển khai ứng dụng sẽ góp phần tạo được giống có chất lượng và chủ động sản xuất giống cho nhu cầu nuôi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giống bò BBB – ‘cỗ máy’ sản xuất thịt

Các nhà khoa học của Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu nhập nội thành công giống bò BBB cho cải tạo đàn bò thịt lai Sind ở nước ta.

Bò BBB hay bò lang trắng xanh có nguồn gốc từ Bỉ. Một số nơi nông dân còn gọi bò 3B. Giống có đặc điểm ngoại hình da loang lổ màu trắng xen xanh xám, cơ bắp phát triển, đặc biệt là vùng đùi sau và phần cơ mông (phát triển hơn 40% so với bò thông thường).

Bò BBB nhập nội từ Bỉ

Đây là giống bò thịt cao sản. Được mệnh danh là “cỗ máy” sản xuất thịt. Khối lượng bò trưởng thành đạt 900 – 1.250kg với con đực và 600 – 800kg với con cái. Khả năng tăng trọng trung bình đạt 1,3kg/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 66 – 70%. Tỷ lệ thịt tinh/thịt xẻ đạt 78%. Tuổi đẻ lứa đầu trung bình là 32 tháng. Thời gian mang thai 280 ngày. Tỷ lệ đẻ hàng năm đạt 80%. Khoảng cách lứa đẻ là 14 tháng.

Nhược điểm của bò cái BBB là sự đàn hồi của cơ xương chậu kém, nên ở Bỉ trên 90% bò cái BBB khi đẻ phải mổ để lấy thai. Ở Việt Nam, bò BBB đã được Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhập nội, nuôi giữ, khai thác và sản xuất tinh bò đực BBB thuần, phục vụ chương trình cải tạo đàn bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 BBB hướng thịt, có khả năng thích nghi tốt, tăng trọng nhanh, thịt ngon và cho hiệu quả kinh tế cao. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Cty CP Giống gia súc Hà Nội sản xuất tinh cọng rạ trên dây chuyền hiện đại, và phân phối tinh Bò đực BBB thuần trên toàn quốc.

Bò BBB đã nuôi thử nghiệm rất thành công trên địa bàn Hà Nội. Bê lai BBB ở 1 tháng tuổi đã có thể bán được 14 – 15 triệu đồng/con (cao hơn so với bê lai khác từ 5 – 6 triệu đồng/con), đến 18 tháng tuổi có thể bán từ 35 – 40 triệu đồng/con (cao hơn bò lai khác từ 12 – 15 triệu đồng/con).

Để chăn nuôi hiệu quả bò lai BBB, TS Phạm Kim Đăng, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam ) khuyến cáo:

– Cần mua bê lai BBB ở những cơ sở nhân giống có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

– Bê lai BBB có tốc độ sinh trưởng nhanh, nên thức ăn phải đảm bảo năng lượng cao, lượng cho ăn hàng ngày tối thiểu đạt 2,5% khối lượng cơ thể. Nên cân đối khẩu phần hoàn chỉnh trên cơ sở phối trộn 55 – 60% thức ăn thô với 40 – 45% thức ăn tinh (tính theo vật chất khô trong khẩu phần).

– Chuồng trại cũng giống như khuyến cáo nuôi bò thịt cao sản khác như, xây dựng chuồng ở nơi cao ráo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đảm bảo diện tích chuồng bình quân 4,5 – 5,5 m2/con.

– Thực hiện đúng quy trình vệ sinh thú y đối với bò thịt. Đặc biệt chú ý phòng trị bệnh nội và ngoại ký sinh trùng.

– Thường xuyên liên hệ với các chuyên gia về vật nuôi để có được tư vấn tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò lai BBB nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đột phá giống thủy sản

Năm 2017, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ khó khăn… nhưng ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An vẫn đạt và vượt kế hoạch. Thành công trên được xác định ở khâu đột phá về giống.

Tính đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An đạt 21.333ha bằng 102% kế hoạch và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó diện tích nuôi nước ngọt 18.926ha, nuôi mặn lợ 2.408ha.

Nuôi tôm thắng lớn

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng nuôi ngọt 39.626 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 10.627 tấn.

Diện tích nuôi tôm đạt 2.119ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 2.072ha, tôm sú 27ha, chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm 6.582 tấn, bằng 120% kế hoạch và bằng 108% năm 2016, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha.

Trong năm 2017, ngành thủy sản Nghệ An triển khai 3 mô hình nuôi TTCT thâm canh không sử dụng kháng sinh, không sử dụng hóa chất, áp dụng VietGAP; 2 mô hình nuôi TTCT thâm canh tuần hoàn khép kín áp dụng VietGAP. Các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tiếp tục được củng cố; nhiều tiến bộ KHKT được người nuôi áp dụng.

Hiện toàn tỉnh có 7 vùng (240ha) nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 5/7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ nuôi trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vùng khác từ 20 – 25%. Nhiều vùng nuôi đạt hiệu quả cao như Nam Tiến, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) với 90% hộ nuôi có lãi từ từ 200 triệu – 2,5 tỷ đồng/hộ. Vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai), Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) khoảng 80% số hộ có lãi, mức lãi từ 100 – 500 triệu/hộ, có một số hộ mức lãi từ 1 – 5 tỷ đồng…

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Nghệ An năm 2017 ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.
Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích nuôi cá – lúa đạt 4.511ha bằng 101% so cùng kỳ năm 2016. Nhiều hộ dân ứng dụng lồng nuôi công nghệ vào nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước với trên 70% số lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh năm 2017 là 696 chiếc, tăng 246 chiếc so năm 2016, tập trung tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều lắp đặt theo công nghệ cải tiến.

Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ; 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, trong đó 15 cơ sở xếp loại A, 11 cơ sở xếp loại B. Năm 2017 đã có 15.073 con cá; 1.700 con TTCT; 100% số tôm sú bố mẹ được kiểm tra, đạt chất lượng. Toàn tỉnh sản xuất, ương dưỡng được 1.535 triệu con TTCT; 184 triệu tôm sú giống; 31 triệu con cua giống; 1 triệu con cá hồng mỹ, cá bống bớp, cá chim, cá đối. Việc sản xuất ương dưỡng giống thủy sản ở Nghệ An cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trên địa bàn và xuất bán các tỉnh lân cận.

Kiểm tra tôm giống TTCT tại Cty Hải Tuấn, phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai

Trên địa bàn có 6 trại sản xuất cá giống cấp 1 và 7 cơ sở sản xuất giống cấp 2. Đối tượng sản xuất chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Tổng số lượng cá bố, mẹ đưa vào sinh sản năm 2017 là 15.073 con, gồm 8.809 cá cái, 6.264 cá đực, tổng khối lượng 15.918kg; cá bố mẹ đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Sản lượng cá giống sản xuất được năm 2017 đạt 704 triệu con cá bột, 54.885kg cá hương, 312.585kg cá giống.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng chất nhầy để phát hiện TiLV trên cá rô phi

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thái Lan đã xác định được con đường lây truyền của mần bệnh Tilapia Lake Virus(TiLV) và sử dụng chất nhầy để phát hiện mần bệnh mà không gây chết cho cá.

Cá rô phi nuôi

Tilapia Lake Virus (TiLV) là một loại virus gây bệnh trên cá rô phi đang nổi lên gần đây ở nhiều quốc gia trong đó có Israel, Ecuador, Colombia, Ai Cập và Thái Lan.

Tuy nhiên, ít có thông tin và hiểu biết đến về con đường lây truyền của virus trong quần thể cá. Trong nghiên cứu này, TiLV đã được phát hiện trong các mẫu gan và chất nhầy từ cá rô phi đã chết bằng cách sử dụng phản ứng chuỗi polymerase định lượng ngược và cách ly virus trong nuôi cấy tế bào.

So sánh phát hiện virus trong gan và chất nhầy của các mẫu cá bệnh cho thấy chất nhầy có thể được áp dụng để chẩn đoán TiLV và virus này trong chất nhầy vẫn còn có khả năng gây bệnh và là nguyên nhân của hiệu ứng bệnh biến trong tế bào.

Cá khỏe mạnh sống chung với cá có chứa TiLV làm cho tỷ lệ tử vong tích lũy của cá lên tới 55,71% cho thấy tiếp xúc trực tiếp với cá bệnh là nguyên nhân lây bệnh.

Đáng chú ý là các gen RNA TiLV đã được xác định trong chất nhầy của cá khỏe mạnh khi tiếp xúc với cá bệnh sớm nhất là 1 ngày nhiễm bệnh và virus được phân lập từ các mẫu chất nhầy thu được ở 5 ngày nhiễm bệnh.

Tỉ lệ tử vong tích lũy của cá sống chung được ghi lại hằng ngày.

Sự hiện diện của TiLV đã kéo dài đến 12-14 ngày bị nhiễm bệnh trong chất nhầy, gan và ruột của cá sống chung.

Sự phát hiện TiLV trong chất nhầy của các mẫu cá bệnh và cá khỏe sống chung cho thấy lây truyền qua tiếp xúc (truyền ngang) là con đường lây lan chính của TiLV trên cá.

Quan trọng hơn, nghiên cứu này cho thấy rằng chất nhầy có thể được sử dụng để lấy mẫu để phát hiện TiLV mà không gây chết cho cá.

Nguồn: Sciencedirect được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Nguy cơ mất vụ xoài Tết

Thời gian qua, mưa bão đã khiến diện tích lớn xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị rụng trái, hư hỏng. Người trồng xoài đang đứng trước nguy cơ mất vụ xoài Tết.

Ông Nguyễn Chí Hiếu (tổ dân phố Bãi Giếng Bắc, thị trấn Cam Đức) có hơn 2ha xoài Úc và xoài cát Hòa Lộc. Đợt cơn bão số 12 vừa qua, lượng lớn xoài cát Hòa Lộc của ông bị rụng trái, chỉ còn lại xoài Úc. Gia đình ông đang ra sức chăm sóc số xoài còn lại cho kịp bán vụ Tết thì mấy ngày qua, trời mưa to, gió lớn làm xoài rụng trái gần hết, những cây đang ra hoa cũng bị hư hỏng. Sản lượng xoài của gia đình ông bây giờ chỉ còn lại khoảng 20% đến 30% kịp phục vụ bán Tết. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn tiếp tục mưa, gió lớn, nguy cơ mất trắng rất lớn. “Đến bây giờ, tôi may mắn còn giữ lại được một ít, chứ có nhiều nhà đã mất sạch, xoài rụng chỉ biết mang về ăn chứ bán được cho ai. Chắc năm nay người trồng xoài mất vụ Tết”, ông Hiếu nói.

Vườn xoài của ông Nguyễn Chí Hiếu chỉ còn lại hơn 20% sản lượng do mưa và gió lớn những ngày qua.

Ông Thái Minh Ngưu (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) cho biết, hơn 60 gốc xoài Úc của gia đình ông đang ra trái, chờ đến gần Tết thu hoạch đã bị mất một nửa trong cơn bão số 12; vừa qua, trời gió lớn đã khiến số xoài còn lại bị rụng gần hết. Ông Ngưu cho biết: “Bây giờ có làm cách nào cũng không kịp để cho xoài ra trái kịp vụ Tết. Chưa có năm nào thời tiết xấu như năm nay, người trồng xoài như tôi giờ không mất trắng thì cũng lỗ”.

Tại xã Cam Hòa, người dân trồng xoài cũng chịu chung tình cảnh. Ông Phùng Minh Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, sau cơn bão số 12, diện tích xoài còn trái để phục vụ Tết của toàn xã chỉ còn khoảng 50ha, nhưng những ngày qua, mưa to và gió lớn đã khiến diện tích xoài này rơi rụng, hư hỏng hết. Xoài Úc hiện nay có giá 80.000 đồng/kg, đến gần Tết sẽ tăng lên hơn 100.000 đồng/kg. Đây không phải là vụ chính nhưng là thu nhập Tết của người trồng xoài, nhưng thời tiết xấu đã ảnh hưởng khá nhiều.

Khảo sát ở nhiều vườn, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng trên. Nhiều người chạy đôn chạy đáo mua thuốc về xử lý, hy vọng gỡ gạc để kịp có xoài bán dịp Tết nhưng đều bất lực. Vườn xoài nào cũng xơ xác, bông, trái đều rụng hết. Bà Trần Thị Hải – thương lái thu mua xoài ở xã Cam Hiệp Bắc cho biết: “Với tình hình này thì xoài chắc chắn mất vụ Tết, giá xoài sắp tới sẽ cao. Không những người trồng mất mùa mà thương lái cũng không có mà bán”.

Ông Lê Đình Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm cho biết, vụ xoài chính thường bắt đầu từ tháng 4, sau Tết Nguyên đán, nhưng trước đó, hầu hết người dân trồng xoài đều xử lý cho ra bông sớm hơn, làm xoài trái vụ để lấy trái bán dịp Tết. Theo thống kê mới nhất của địa phương, năng suất xoài đang đạt 73,29 tạ/ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng với tình hình mưa, gió lớn những ngày qua, năng suất thực tế đã giảm thấp hơn rất nhiều. Qua cơn bão số 12, toàn huyện bị đổ ngã 1.733,8ha/5.021,5ha xoài, người trồng vừa khôi phục được phần nào thiệt hại thì lại thêm đợt mưa lớn và gió làm xoài bị rụng, nên nguy cơ người dân mất vụ xoài Tết rất cao.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cà phê Tây Nguyên thối, rụng, bung hoa, nông dân điêu đứng

Người trồng cà phê Tây Nguyên không chỉ điêu đứng vì giá liên tục giảm mà còn bất lực chứng kiến cảnh cà phê đang chín rộ khiến quả thối rụng. Chưa hết, hiện tượng hoa bung nở trong lúc thu hoạch còn làm giảm năng suất, chất lượng cà phê vụ kế tiếp.

Chị Ngân nhặt từng quả cà phê sau bão

Cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Tây Nguyên đúng lúc nông dân đang bước vào vụ thu hoạch khiến nhiều diện tích cà phê bị quật đổ. Chị Đinh Thị Ngân ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đah, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có 400 cây cà phê đang cho thu hoạch bị bão quật gãy cành lá, trái non, già vùi lẫn dưới đất. Tiếc của, chị phải bới từng gốc nhặt quả, vớt vát thiệt hại. Năm trước chị thu được 2 tấn cà phê nhân nhưng nay chỉ được 1 nửa, năm sau còn giảm nữa do nhiều cây gãy chết.

Sau bão, tiếp tục xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo làm chậm tiến độ thu hoạch, phơi sấy cà phê. Nhà chị H’ Djuang Niê ở buôn xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) có hơn 5 sào cà phê nhưng cả tháng nay vẫn chưa thu hoạch xong.

Theo chị H’ Djuang, tầm này mọi năm nhà chị đã thu hoạch xong cà phê nhưng hiện tại vẫn phải vừa hái, vừa phơi rất tốn thời gian. “Trời mưa liên tục, cà phê hái về đổ đầy sân không phơi được nên không dám thu hoạch nữa. Gọi là hái chứ nhặt dưới gốc là phần nhiều vì cà phê chín quá rụng trắng gốc. Nước mưa thấm vào làm quả nở tét, nhân bị thâm đen, bán mất giá.

Năm vừa rồi thu được 3 tấn, năm nay cao lắm là 2 tấn, hiện giá cà phê bán ra cũng giảm từ 50 nghìn đồng/kg (2016) xuống còn khoảng 36 nghìn đồng/kg. Để tiết kiệm chi phí thu hoạch, nhà tôi tự hái hoặc đi đổi công ở các nhà khác chứ không dám thuê nhân công”, chị H’ Djuang chia sẻ.

Cà phê chín rụng khó thu hoạch

Không riêng Đắk Lắk, nông dân các tỉnh khác cũng lao đao vì thời tiết. Ông Vương Đình Danh (51 tuổi, ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) có 2ha cà phê chín rộ vẫn chưa thu hoạch xong do khát nhân công. Từ đầu vụ đến nay ông đã thuê 10 nhân công từ các tỉnh miền Trung vào hái nhưng được vài ngày thì họ phải quay về khắc phục hậu quả mưa lũ tại quê nhà. Số người còn lại do không quen với khí hậu nắng mưa thất thường nên tiếp tục bỏ về khiến tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra trên diện rộng.

Ông Danh xót ruột cho biết: “Ở đây nhà nào cũng có cà phê nên họ lo thu hoạch cho xong phần mình. Giờ tôi mới tìm thêm được vài nhân công nên năn nỉ họ cố hái hết vụ chứ nhà tôi không thể xoay xở hết 2ha đang chín đỏ trên cây. Với tình hình thời tiết, giá cả như hiện nay tôi chỉ mong đủ vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ sau”.

Nỗi lo mất mùa vụ đang hiện hữu thì hiện tượng hoa cà phê nở trắng cành khi việc thu hái chưa xong càng khiến nông dân lo lắng hơn. Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua một mùa nắng nữa để dưỡng chất dồn lên búp hoa, lúc này người dân mới tưới nước tập trung cho cây nở hoa đều, khả năng đậu quả cao và cho trái chín đúng mùa vụ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, mưa kéo dài sang mùa khô khiến cây ra hoa nhiều khi đang thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Việt ở huyện Cư M’gar có vườn cà phê nở hoa khi đang thu trái cho hay, mưa nhiều làm gián đoạn việc thu hoạch, giảm năng suất, chất lượng cà phê cho vụ hiện tại, lại kích thích hoa nở sớm, ảnh hưởng đến vụ năm sau.

Thu hoạch cà phê gián đoạn vì thời tiết

Giờ anh đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” nếu hái quả khi hoa đang nở sẽ gây rụng hoa chắc chắn làm giảm năng suất vụ sau. Còn nếu kiên nhẫn chờ hoa khô rụng rồi mới hái thì quả chín quá, rơi hỏng, vừa nhọc công thu hoạch, nâng suất cũng giảm.

Đằng nào cũng ảnh hưởng nên anh và một số hộ khác chọn cách tuốt bỏ bông hoa nở sớm, khi thu hoạch quả xong thì cho cây nghỉ một thời gian rồi tưới nước để kích thích cho hoa ra đồng loạt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp phục hồi vườn cây ăn trái khi bị ngập lũ

Trong đợt bão lũ vừa qua, nhiều vườn cây ăn trái bị ngập nước, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Sau khi nước rút, bà con cần áp dụng các phương pháp kỹ thuật để vườn cây phục hồi nhanh, đảm bảo năng suất cho vụ tiếp theo.

Hàng trăm ha thanh long bị nước lũ nhấn chìm tại tỉnh Ninh Thuận

Bộ rễ suy yếu trong mưa lũ

Trong mùa mưa lũ, hầu hết các yếu tố về môi trường đều tác động gây bất lợi cho các vườn cây ăn trái. Đặc biệt là những vườn cây được nông dân xử lý ra hoa mùa nghịch trong mùa mưa thì càng chịu tác động bởi thời tiết mưa lũ nhiều hơn.

Trong mùa mưa, sức khỏe của cây bị ảnh hưởng nhiều nguyên nhân như: Cây thiếu ánh sáng quang hợp để tổng hợp chất đường bột nhằm tạo ra năng lượng để nuôi cây. Quang hợp ít hơn dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng, làm cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bị hạn chế.

Tùy theo điều kiện về đất đai, loại cây trồng, tuổi cây, giai đoạn sinh trưởng mà các vườn cây ăn trái do ngập lũ có thể bị thiệt hại với mức độ khác nhau.

Mặt khác, khi thiếu ánh sáng, mưa nhiều ẩm độ không khí cao thì sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và tấn công gây hại. Trong thời điểm này, bà con cần hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị lèn chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

Các vườn cây ăn trái chẳng may bị ngập nước thì bề mặt đất bị phủ bởi một lớp phù sa và nước sẽ chiếm đầy các khoảng trống trong các khe hở của đất.

Vì vậy, các khí khổng trong đất sẽ không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ cây hô hấp. Khi đất thiếu oxy, hệ sinh vật yếm khí sẽ hoạt động mạnh càng làm cho sự thiếu oxy thêm trầm trọng và thải ra nhiều chất độc hại như khí cacbonic và các axit hữu cơ làm cho rễ cây bị thối.

Đồng thời rễ cây cũng rất dễ bị các loại nấm bệnh như Fusarium, Phytophthora,… tấn công ngay sau khi bị ngập lũ. Ngoài ra, hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp Ethylene bên trong cây gây ra ngộ độc làm cho lá bị vàng nhanh và rụng.

Cắt tỉa cành và chăm bón hợp lý

Để tránh bị thiệt hại do vườn bị ngập lũ, cần chú ý áp dụng các biện pháp sau đây:

Khi xảy ra sự cố vỡ bờ bao hoặc bị nước tràn vào vườn thì nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp, không cần lội vào vườn đắp chặn hay ven ví nước lại.

Vườn cây ăn quả bị ngập nước trong đợt mưa lũ vừa qua tại Thanh Hóa.

Hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn cây ăn trái, vì làm như vậy cây càng dễ bị thiếu oxy và chết nhanh hơn. Dòng nước chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy và giúp rễ cây dễ dàng hô hấp hơn. Nếu cây đang ra hoa, trái hay tược non thì nên tỉa hoặc cắt bỏ hết tược non và đợt hoa, trái này.

Nên cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.

Có thể xử lý giúp cây ngừng ra tượt non bằng cách phun dung dịch Phosphat Kali + Urê với tỷ lệ (Phosphat Kali: Urê là 4:5) ở nồng độ 1- 1,5% hoặc hỗn hợp phân DAP và KCl với tỷ lệ (DAP: KCl là 2:1) ở nồng độ 1- 2%, nên xử lý vào chiều mát nếu cộng thêm chất bám dính thì càng tốt vì sẽ hạn chế phần nào lượng phân bị rửa trôi do mưa.

Phun từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7-10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm làm cho lá mau già, cây chậm tăng trưởng và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng hoặc có thể phun dung dịch có chứa Cytokynin nhằm ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylen và sự oxit hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu khi bị ngập úng.

Tuyệt đối không nên sử dụng các chế phẩm kích thích ra hoa, ra đọt, trong giai đoạn này. Dùng dụng cụ tỉa bớt hoa, trái hoặc tỉa bỏ toàn bộ (thu hoạch trái sớm), tùy theo tình trạng sức khỏe của từng cây.

Sau khi nước rút cần xẻ rãnh phụ giữa các hàng cây để thoát nước thật nhanh nhằm hạ mực thủy cấp trong vườn. Dùng cào răng xới nhẹ mặt đất bằng để phá váng, giúp mặt đất được thông thoáng cho rễ dễ tiếp nhận oxy. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô để che phủ mặt đất (nên che xa gốc cây khoảng 20cm để hạn chế phần nào nấm bệnh tấn công vào gốc cây).

Bón phân cân đối, đặc biệt là kali. Không nên bón đạm làm cây ra nhiều chồi non. Hạn chế bón phân hữu cơ, đặc biệt phân hữu cơ chưa hoai vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng.

Không nên bón nhiều phân NPK, nhất là phân chứa nhiều đạm, mà nên bón phân có chứa nhiều lân và kali như bón phân DAP và Clorua Kali với tỷ lệ (DAP: Clorua Kali là 2:1) liều lượng 0,2- 1kg hỗn hợp/cây tùy thuộc vào tuổi và loại cây nên kết hợp với phân chuồng nhằm kích thích cho vi sinh vật hoạt động tốt, rễ phát triển nhanh, cây mau phục hồi.

Có thể phun các loại phân qua lá có chứa N, P, K đặc biệt là các dạng phân bón lá có chứa nhiều lân, các dạng phân K-humat, humic,… nhằm giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh; kết hợp với việc phun các loại thuốc đặc trị các loại bệnh gây hại ở vùng đất và rễ.

Đồng thời tỉa bỏ lá non, cành khô chết, tỉa bớt những cành quá xum xuê. Quét vôi vùng thân gốc từ mặt đất lên 0,5- 2m (tùy loại và chiều cao cây). Nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma hay các loại thuốc đặc trị nấm, để tưới vùng gốc rễ, ngăn chặn bệnh hại rễ.

Giai đoạn này, cần chú ý quản lý cỏ hợp lý vì cỏ là những “bơm sinh học” làm tầng đất sâu mau khô ráo. Do đó, không nên diệt sạch mà chỉ cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao.

Ngoài ra, sau mùa mưa lũ cũng nên bổ sung phân vi lượng cho vườn cây ăn trái bằng cách phun một số loại phân bón lá có chứa vi lượng. Đồng thời chú ý phòng trừ các loại bệnh như bệnh loét, bệnh xì mủ gốc hoặc bệnh vàng lá thối rễ sẽ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt

Nguồn: Trangtraiviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kinh ngạc: Nuôi tôm trong mùa Đông vẫn lãi tiền tỉ

 Bằng kinh nghiệm và sáng tạo nhiều nông dân đã thành công trong nuôi tâm vụ Đông, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm. Nhiều hộ nuôi tôm vụ Đông thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng.

Kiểm tra mô hình nuôi tôm vụ Đông có mái che chóp nón tại Ninh Bình

Đắm mình với tôm vụ Đông

Là người thành công với trang trại nuôi tôm trong mùa Đông, ngày nào, anh Vũ Thanh Trường cũng trực tiếp lội xuống ao tôm. Anh bảo, phải đắm mình vào ao để cùng làm bạn với tôm, gắn bó với đồng tiền khúc ruột của mình để có được sự điều chỉnh sát về mức nhiệt, quạt, thức ăn, gom bọt sủi… Hãy làm như thế để mình yêu công việc của mình hơn và cũng để anh em công nhân say mê có trách nhiệm với công việc.

Đối với mái che hình chóp nón này, khi có mưa bão việc người đi lại để chỉnh sửa, chằng chéo không mấy khó khăn. Việc che chắn này sẽ cách ly môi trường bên ngoài (trung gian truyền bệnh). Nó không làm thay đổi nhiều và đột xuất nhiệt độ vì thế tôm thích nghi rất tốt. Khác với nuôi tôm không có mái che, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột tôm dễ bỏ ăn, phát sinh dịch bệnh.

“Hiện sản phẩm làm ra chỉ mới cung ứng trong nội địa. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho những hộ nuôi khác”, anh Trường cho biết.

Đáng chú ý, trong kỹ thuật nuôi tôm vụ Đông là phải giữ được nhiệt bên trong ao, nhất là nhiệt độ của nước phải đảm bảo nếu không tôm sẽ chết vì lạnh. Chính vì thế, các ao tôm chóp nón được phủ bạt (khác với bạt ni lông che mạ mùa đông) vì nó có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời.

“Đây được xem là một dạng của hiệu ứng nhà kính trong ao tôm che chóp nón, nhiệt độ bên trong và ngoài chênh lệch 7 – 8 độ C. Nhiệt dưới nước vào khoảng 27 – 32 độ C đảm bảo thích nghi của tôm”, anh Trường cho biết.

Lý giải về việc vì sao lại hình thành nên những ao tôm có mái che chóp nón, anh Vũ Thanh Trường cho hay, vùng biển Ninh Bình hàng năm đón nhiều cơn bão. Việc đầu tư nhà 2 mái che như rạp đám cưới sẽ khó giữ được mỗi khi có gió bão, đặc biệt rất khó có thể trèo lên chằng chéo mái che. Qua nghiên cứu các mô hình, nhận thấy mái che chóp nón hướng đón gió ít, thoát gió, chi phí đầu tư rẻ hơn.

Đã có nhiều nông dân ở Cà Mau ra đây tìm hiểu, nhận thấy giá tôm ở đây cao hơn nhiều so với miền trong. Cụ thể, ở đây, thường 28 – 30 con/kg giá bán 320.000 – 350.000đ/kg, trong khi ở miền trong có nơi bán 70 con/kg được 170.000 đồng. Mặc dù điều kiện nuôi tôm ở miền Bắc khắc nghiệt hơn miền Nam.

Lãi tiền tỉ nhờ sản xuất tôm mùa Đông

Từ xa, chúng tôi thấy thấp thoáng những chóp nón đó là các ao nuôi tôm. Trực tiếp chứng kiến và nghe người nuôi tôm kể, chúng tôi thực sự thấm thía sự thông minh sáng tạo của người nông dân. Ông Vũ Hải Đường, một trong những chủ nuôi tôm vùng bãi cát Bình Minh tâm sự, có được thành quả như hôm nay là cả một quãng thời gian dài vật lộn vớn thiên tai bão bùng, nắng gió và cả đau đớn trước những vụ tôm thất bát.

Có mái che “hiệu ứng nhà kính” nhiệt độ nước luôn ổn định nên tôm nuôi 4 vụ/năm phát triển tốt

“Khi một phần đất của Cty TNHH MTV Bình Minh cho khai thác, tôi cùng một hộ dân nữa thuê lại và triển khai nuôi tôm”, ông Đường bắt đầu câu chuyện. Theo đó, 5 năm trước mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh của ông Đường không mấy hiệu quả. Cũng từ đó ông khát khao thay đổi cách làm để không bể nợ.

Theo ông Vũ Hải Đường, với khí hậu miền Bắc, tôm quảng canh chỉ nuôi được 1 vụ chính, 1 vụ phụ trong đó vụ phụ bấp bênh vì thường vào mùa mưa bão. Nuôi tôm quảng canh mật độ thả tôm giống thưa, chi phí thấp, nhân công tận dụng. Sản lượng bấp bênh do chịu tác động lớn bởi thời tiết. Nếu một ao nuôi 5.000 m2 thì chi phí đầu tư khoảng 10 triệu, thu nhập chỉ đạt đến 20 triệu đồng.

“Điều này khác hẳn so với nuôi tôm có mai che. Vì nuôi tôm có mái che sản xuất được 4 vụ trong năm. Mật độ thả tôm giống cao, thường 200 con/m2. Sản lượng đạt 20 – 22 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, thu 20 tấn x 200 triệu đồng/tấn đạt 4 tỷ đồng, trừ chi phí 50% thì phần lãi đạt được là tiền tỷ (2 tỷ đồng) chứ không gói gọn trong mấy chục triệu”, ông Đường nói.

Cũng theo ông Đường, trong nuôi tôm có mái che là người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường. Ví dụ, trước và sau Tết hoặc vào các dịp lễ, hội thì nhu cầu tôm ở miền Bắc sẽ cao. Muốn có nguồn cung kịp thời, chủ động thì chỉ có tôm nuôi mái che mới đáp ứng chứ ao quảng canh không thể.

Đề cập đến tồn tại, hạn chế của nuôi tôm hiện nay, theo những người nuôi tôm chuyên nghiệp ở Ninh Bình đó chính là chúng ta chưa chủ động được nguồn giống. Phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, trong đó Tập đoàn CP của Thái Lan chiếm tỷ lệ lớn. Vì thế, nếu DN nước ngoài cho ra đời mẻ tôm giống tốt thì người nuôi trong nước được nhờ, ngược lại là khổ sở. Một khi tôm giống kém chất lượng thì tôm nuôi sẽ còi cọc, mang mầm bệnh, kéo dài thời gian nuôi, tốn chi phí, giá bán thương phẩm cũng thấp hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số mô hình tôm nuôi có mái che như của ông Đường, anh Trường đều đặt hàng tôm going của CP với những điều kiện gắt gao hơn, sẵn sàng trả phí cao hơn; đồng thời sử dụng thức ăn chế phẩm sinh học để có sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng.

Thị trường tôm vụ Đông rất lớn

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, trước đây người nuôi tôm đã đầu tư khá lớn về vốn và công sức cho hai vụ tôm trong năm. Có nơi nhờ dự án nuôi tôm công nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất. Thế nhưng dịp Tết Nguyên đán và khoảng cuối tháng 3, tháng 4 người tiêu dùng vẫn khan hiếm tôm.

Bằng thực tiễn trải nghiệm và quá trình tìm tòi nghiên cứu, mô hình nuôi tôm vụ Đông đã được triển khai ở Quảng Ninh, Hải Phòng và gần đây là Ninh Bình. Trên những bãi cát hoang vu hay các đầm tôm quảng canh tiêu điều dần được thay thế bởi những ao nuôi hình tròn chóp nón đáp ứng điều kiện sống của tôm vụ đông phía Bắc. Chính cách làm này, nhiều địa phương phía Bắc đã chủ động sản xuất được tôm vụ đông, nâng sản xuất từ 2 vụ lên 4 vụ/năm, doanh thu tăng gấp 3 – 4 lần so với các năm trước.

Bằng quyết tâm đó, ông Đường cùng người góp vốn đã vào miền Nam tìm hiểu, ra Quảng Ninh, Hải Phòng học hỏi rồi về đầu tư vốn liếng hình thành nên 11 ao nuôi có mái che chóp nón, trong đó có 8 ao nuôi, mỗi ao rộng 1.800 m2; các ao còn lại rộng từ 500 – 800 m2.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản rất ấn tượng nuôi tôm vụ đông của ông Vũ Hải Đường (trái)

Không chỉ đam mê với con tôm, “cay cú” với những lần thất bại và món nợ ngân hàng quá hạn, mà cái chính là ông Đường đã nhìn nhận được tiềm năng thị trường tôm vụ Đông ở phía Bắc là rất lớn. Đây chính là động lực thôi thúc ông dốc sức vào đầu tư sản xuất nuôi tôm vụ đông. Ông khẳng định, miền Bắc, nếu không làm ao có mái che sẽ không nuôi được tôm vụ đông.

Đây cũng là quan điểm của nhóm thanh niên ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. Từ một bãi cát được bồi lên sau dự án nạo vét sông Đáy người ta đầu tư dự án nuôi bò sữa thất bại, 5 thanh niên trong làng đã mạnh dạn góp vốn với một quyết tâm biến đồng cát bạc thành vùng tôm trù phú. Nhanh chóng 37ha đất này đã được cấp có thẩm quyền hoàn tất thủ tục cho họ thuê để nuôi tôm.

Anh Vũ Thanh Trường, một trong 5 thanh niên góp vốn chia sẻ, xác định nuôi tôm là phải có điện lưới. Trong khi chờ đợi nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã kéo lưới điện cao thế để đáp ứng nhu cầu cung ứng điện năng cho cả vùng nuôi.

Nguồn: Báo nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.