Tác hại thuốc chống nấm trong nông nghiệp đến động vật giáp xác

Theo một nghiên cứu mới của các chuyên gia từ Đại học Barcelona và Đại học Portsmouth (Anh) thuốc chống nấm và thuốc trầm cảm phát hiện trên các hệ thống sông làm giảm lượng thức ăn tôm ăn vào và tăng tốc độ bơi của tôm.

Thuốc chống nấm được dùng trong nông nghiệp ảnh hưởng đến giáp xác ngoài tự nhiên.

Ở châu Âu, châu Á, Australia và Nam Mỹ nguồn nước có hàm lượng cao các chất chống nấm được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Thuốc chống trầm cảm cũng được tìm thấy trong các con sông ở thủ đô nơi có hệ thống nước thải có hàm lượng thuốc cao.

Các sản phẩm hóa học này được đưa vào môi trường nước do không được loại bỏ hoàn toàn ở các nhà máy xử lý; chúng có thể tích lũy trong não của một số loài cá.  Và những ảnh hưởng của sự kết hợp của các chất độc khác nhau đã không được biết đến. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm và thuốc diệt nấm tới sinh vật phù du và các loài giáp xác như tôm cua.

Giáo sư Alex Ford cho biết: “Hầu hết các con sông trên thế giới đều tiếp nhận chất gây ô nhiễm từ nước thải ngành nông nghiệp và các hệ thống nước thải có nồng độ thuốc cao. Dung dịch hỗn hợp các chất này có thể không gây chết người, nhưng gây tổn hại đến hệ sinh thái và thủy sinh vật.”

Giảng viên Isabel Muñoz từ Đại học Barcelona cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy tác động của 2 chất này với hàm lượng thấp làm thay đổi hành vi của tôm Gammarus pulex, làm giảm lượng thức ăn ăn vào và tăng tốc độ bơi khi có độc tố. “

Nghiên cứu về hành vi bơi lội đã chứng minh rằng động vật bơi nhanh hơn sau khi tiếp xúc với thuốc diệt nấm và thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên, khi chúng tiếp xúc với cả hai yếu tố, như trong nguồn nước bị ô nhiễm ngoài tự nhiên, sự phối hợp 2 chất này làm cho chúng bơi chậm hơn và dễ dàng trở thành con mồi cho những loài ăn thịt khác.

“Sự thay đổi hành vi bơi lội và ăn uống tác động tới sự phát triển, sinh sản và sự sống còn của động vật giáp xác, một thành phần quan trọng trong chuỗi thức ăn.” Tác giả cảnh báo.

Nguồn: Báo cáo của: University of Barcelona được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giải bài toán giống cá tra

Dù giá trị XK đã đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các sản phẩm thủy sản XK chủ lực của Việt Nam, nhưng ngành hàng cá tra vẫn luôn ở trong tình trạng khi thiếu, lúc thừa cá tra nguyên liệu, gây khó khăn lớn cho hoạt động XK.

Để giải quyết vấn đề này, ổn định sản xuất cá tra nguyên liệu đang là vấn đề cấp thiết, nhất là giải quyết bài toán giống.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL hiện vẫn đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, không mấy người nuôi cá tra được hưởng lợi từ mức giá này, bởi không còn cá mà bán.

Theo ông Nguyễn Văn Đời, một chủ trại cá tra lớn, với diện tích 10ha ở cù lao Tân Phong (Tiền Giang), phần lớn các ao nuôi cá tra ở cù lao này đã thu hoạch và bán hết khi cá tra nguyên liệu ở mức giá 24.000 – 25.000 đ/kg. Hiện dưới ao chỉ có cá mới thả nuôi chưa lâu. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, GĐ HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang), cho biết, hầu hết các ao nuôi ở đây cũng không còn cá để thu hoạch.

Điều đáng nói là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá tra nguyên liệu trong năm 2017 đã được nhiều DN cảnh báo từ năm ngoái, nhưng vẫn cứ xảy ra. Nguyên nhân trước hết là do trong 3 năm từ 2014 – 2016, giá cá tra nguyên liệu thường ở mức thấp, khiến nhiều người nuôi bị thua lỗ, phải treo ao hay chuyển nghề nuôi khác. Bên cạnh đó, là việc mất mùa cá tra giống cuối năm 2016 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thả nuôi cá tra của nhiều trang trại trong năm nay.

Mặt khác, chất lượng cá tra giống cũng đang khiến cho nhiều DN, trang trại không yên tâm thả nuôi. Theo báo cáo của TS Dương Nhựt Long (Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ), tại Lễ tổng kết Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam, tỷ lệ sống của cá tra trong quá trình ương giống rất thấp, hiện chỉ từ 6 – 10%. Sau khi thả giống, tỷ lệ cá chết khá cao, từ 10 – 30%, tỷ lệ sống của cá tra nuôi thịt hiện mới chỉ đạt 69 – 80%.

Chính vì vậy, để ổn định nghề nuôi cá tra, việc nâng cao chất lượng con giống đang được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Một thông tin đáng chú ý là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang”.

Cụ thể: cấp 1 gồm các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, trường ĐH và DN có đủ điều kiện cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt để chuyển giao cho đơn vị cấp 2; cấp 2 gồm Trung tâm giống thủy sản An Giang, trung tâm giống thủy sản cấp 1 của các tỉnh, các DN có cơ sở sản xuất giống, các trại giống liên kết sản xuất, cung cấp cá tra bột; cấp 3 là các cơ sở ương dưỡng từ cá bột lên cá hương giống. Mục tiêu là đến năm 2020, diện tích tham gia chuỗi liên kết đạt 1.000ha, chiếm 50% diện tích ương giống cá tra khu vực ĐBSCL; cung cấp cho toàn vùng khoảng 50% con giống (tương đương 1,75 tỉ con giống); đến năm 2025 cung cấp 70% con giống (tương đương khoảng 2,8 tỉ con giống).

Điều đáng chú ý của Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp là đã thu hút được sự tham gia của các DN. Chẳng hạn, Tập đoàn Việt – Úc đã quyết định đầu tư vùng sản xuất cá tra giống chất lượng cao với diện tích 100ha ở thị xã Tân Châu (An Giang).

Bộ NN-PTNT cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của DN trong hệ thống sản xuất giống cá tra, nhất là những DN đã khẳng định được năng lực trong nghiên cứu, chọn tạo giống thủy sản. Mới đây, tại Lễ công bố Chương trình tôm giống bố mẹ của tập đoàn Việt – Úc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, sau khi biểu dương những thành công của Tập đoàn Việt – Úc trong việc chọn tạo tôm giống bố mẹ, đã đề nghị tập đoàn này tận dụng kinh nghiệm sẵn có, phát triển nghiên cứu chọn giống sang các đối tượng nuôi quan trọng, trong đó có cá tra.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong 10 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt gần 1,48 tỷ USD. Trong mấy tháng cuối năm đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ một số thị trường nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN… Tuy nhiên, do cá tra nguyên liệu bị thiếu hụt nặng nề, kế hoạch XK cuối năm của nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giá dịch vụ “ăn theo” nuôi tôm siêu thâm canh tăng mạnh

Với năng suất cao, ít rủi ro, đem lại lợi nhuận gần như gấp đôi so với các hình thức nuôi khác, loại hình nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay đã và đang gây “bão” đối với người dân nuôi tôm trên địa bàn. Diện tích tôm nuôi tăng đột biến, kéo theo đó là những dịch vụ phục vụ nuôi tôm cũng có cơ hội “ăn theo”, nhiều nguy cơ tăng chi phí cho người nuôi.

Người nuôi tôm huyện Đầm Dơi đang chuẩn bị mở rộng diện tích nuôi siêu thâm canh khi bước vào chính vụ.

Là địa phương có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh chiếm nhiều nhất hiện nay, huyện Đầm Dơi đã tăng lên 322,5 ha với 357 hộ nuôi. Trong khi diện tích đăng ký kê khai ban đầu chỉ 16,7 ha.

Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, chia sẻ: “Hiện nay, diện tích này đang tăng lên, đặc biệt chuẩn bị bước vào mùa nắng, mùa thuận của nuôi tôm, diện tích này sẽ mở rộng ồ ạt. Theo đó, dịch vụ xe cuốc, xe ủi để chuẩn bị ao đầm có thể sẽ đẩy giá lên cao”.

Được biết, hiện tại giá xe ủi, xe cuốc cho mỗi héc-ta khoảng 80-100 triệu đồng, tăng 20-40 triệu đồng/ha so với đầu năm. Đó là chưa kể tuỳ vào địa hình, kết cấu đất, nếu đất khó ủi thì chi phí này có khả năng tăng hơn.

Ông Hồ Chí Khanh, ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, than thở: “Vụ rồi gia đình đã nuôi được 1 ao với diện tích 1.600 m2, năng suất đạt khoảng 70%, vụ này dự tính sẽ mở rộng thêm 4 ao với diện tích 1,2 ha. Giá xe cuốc, ủi tăng nhiều, trước đây chỉ 60-70 triệu đồng/ha, giờ tăng lên 100 triệu đồng/ha, còn phải đặt cọc trước”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, số lượng xe cơ giới để ủi đầm trên địa bàn không nhiều, không đủ phương tiện, giá có thể đội lên 150 triệu đồng/ha.

Là chủ phương tiện xe cuốc, ủi hoạt động trên địa bàn xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi 17 năm qua, anh Huỳnh Trung Sơn cho biết: “Giá cuốc hiện nay đang tăng do nhu cầu nuôi tôm siêu thâm canh đang mở rộng, hiện đã kín lịch, người dân đã đặt trước để vào vụ sẽ bắt đầu ủi đầm. Lo là xe cuốc vùng trên xuống sẽ phá giá. Vì xong vụ họ đi nơi khác, giá nào họ cũng làm được, không lo sợ bị tẩy chay do làm việc không chất lượng”.

Đang chuẩn bị cột bê-tông, ống nhựa, lưới mành cho vụ nuôi tôm sắp tới, anh Hứa Văn Cường, ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, lo lắng: “Hiện nay mỗi hộ nuôi tôm muốn phát triển loại hình nuôi tôm siêu thâm canh thì hầu hết là tự liên hệ với một công ty nào đó để cung cấp vật tư, quy trình nuôi. Hiện nay, bắt đầu xuất hiện nhiều công ty mới như: Trúc Anh, Nam Á cung cấp bạt, các thiết bị, vật tư khác cho người dân. Giá xe cuốc tuy tăng giá nhưng giá bạt hiện giảm 4.000 đồng/m2 do các công ty cạnh tranh với nhau”.

Biến động về giá vật tư đang là nỗi lo, gánh nặng cho người nuôi tôm, nhưng lo lắng nhất của địa phương vẫn là môi trường nuôi sắp tới đây nhiều khả năng bất ổn nếu như diện tích cứ tăng ồ ạt mà quy trình nuôi không đảm bảo, kiểm soát chặt chẽ.

Ông Thống chia sẻ: “Hiện nay huyện đang tăng cường kiểm tra, thống kê lại các hộ nuôi tôm siêu thâm canh không đủ điều kiện nuôi sẽ không cho tiến hành nuôi mà phải cam kết thực hiện đúng theo quy trình của Sở NN&PTNT đề ra. Đồng thời, để hạn chế sự phát triển quá nhanh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, các ngành của huyện còn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi tôm tìm hiểu kỹ về quy trình kỹ thuật, nguồn vốn, con giống và thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao và quy trình nuôi tôm thâm canh năng suất cao theo công nghệ Semi-Biofloc”.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lão nông 83 tuổi “mắc màn” nuôi ếch

Dù đã 83 tuổi nhưng ông Chu Trọng Tại (ngụ tại tổ 1, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng) vẫn say mê làm trang trại với nhiều sáng kiến nổi tiếng trong vùng.

Ông Chu Trọng Tại bên màn ếch của mình.

Khi chúng tôi đến gặp, ông Tại đang hì hục đổ cát san vườn để nuôi gà Đông Tảo. Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ ông Tại đã 83 tuổi vì ông vẫn làm việc nhanh thoăn thoắt. Ông Tại là cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân ngũ, ông công tác ở Điện lực Hải Phòng rồi nghỉ chế độ. Lão nông này cũng từng đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nghĩa (thuộc huyện Kiến Thụy cũ ở Hải Phòng). Từ năm 2001, ông Tại là 1 trong 10 người đi tiên phong trong việc phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp ở huyện Kiến Thụy.

“Việc nuôi ếch tôi từng triển khai từ năm 2004, lúc đó tôi có 5.000 con, nuôi theo kiểu bán hoang dã. Ếch được thả tự do trong vườn, lớn nhanh như thổi, nhưng không hiểu tại sao sau một đêm, 5.000 con ếch, đã to bằng cái chén uống nước, biến đâu hết. Buồn quá, tôi bỏ, cho đến năm 2016 mới bắt đầu lại”, ông Tại vừa dẫn chúng tôi ra ao nuôi ếch, vừa kể chuyện.

Khi bắt đầu nuôi ếch trở lại, ông Tại đi tìm hiểu nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. “Tôi thấy người ta chủ yếu nuôi ếch trong bể xây bằng bê tông. Như thế khá tốn kém mà ếch dễ thoát ra ngoài, hoặc bị chuột, chim tấn công. Tôi nghĩ ra việc nhờ người ta may lưới thành 1 cái màn kín rồi mắc xuống ao. Trong màn thả vài miếng xốp, bèo cho ếch sống, thế mà ổn”, lão nông này chia sẻ.

Trong thửa ao rộng 300 m2, ông Tại dựng 4 chiếc màn, nuôi hơn 6.000 con ếch. Mỗi màn có chiều dài 7 m, rộng 3 m, cao 2,5 m. Ếch giống mua về được chia ra các màn khác nhau, tùy theo con to, con nhỏ cho ếch khỏi bắt nạt nhau. Lúc nhỏ ếch được ăn lòng đỏ trứng gà sao khô trong 1 tuần, sau đó mới cho ăn cám gia súc. Trung bình 1.000 con ếch cần 4 kg thức ăn, chia thành cho 2 bữa một ngày. Ếch trong 4 màn của ông Tại đã nuôi được gần 3 tháng, mỗi con nặng khoảng 3 lạng. Đây là lứa ếch cuối trong năm của ông. “Ít ngày nữa, ếch nặng 3,5 lạng mỗi con là có thể xuất chuồng, với giá khoảng 55.000 đồng/kg và đã có người đặt hàng từ lâu rồi. Ếch là đặc sản và dễ bán hơn vịt gà”, ông Tại tự tin nói.

Lão nông 83 tuổi cũng cho biết, ếch dễ nuôi nhưng cũng dễ mắc bệnh nấm, cần phải phòng ngừa. “Vết loét cứ to dần ra làm ếch chết hàng loạt nên tôi phải chủ động phòng bệnh hơn là chữa bệnh, bằng cách vài ngày lại phun thuốc tím vào màn để sát trùng. Nếu màn nào mà ếch có bệnh thì phun dày hơn”, ông Tại chia sẻ.

Doanh thu tiền tỉ

Từ ao ếch, ông Tại dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu trang trại rộng hơn 10.000 m2 mà ông đã gây dựng 16 năm nay. Để xây dựng chuồng trại, ông Tại đi tìm nhà cung cấp vật liệu thân quen, xin họ bán chịu rồi trả dần. Những thứ có thể tự túc, ông Tại cùng các con làm ngày, làm đêm. “Như cái chuồng gà 2 tầng này cần đến 10 cột thì tôi chỉ thuê thợ mộc làm 1 cái cột thôi, rồi bố con tôi tự đóng theo mẫu đó”, ông Tại kể.

Trang trại của ông Tại đang nuôi hàng nghìn con gà theo hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có 2 ao cá rộng 5.000 m2, mỗi năm cho 7 tấn cá rô phi, trắm, mè… Một năm, trang trại của ông Tại có doanh thu khoảng 4 tỉ đồng. Trừ các loại chi phí, bố con ông có lãi khoảng 400 triệu đồng. “Ở nông thôn, đây là nghề bền vững chú ạ”, ông nói. Ổn định là thế, nhưng ông Tại chưa thỏa mãn và đang âm thầm phát triển việc nuôi gà Đông Tảo và lên cả kế hoạch nuôi đà điểu. “Làm cái này như một đam mê đấy. Mỗi lần nuôi thành công một con gì đấy, tôi vui lắm”, ông cụ 83 tuổi nói về dự định của mình sôi nổi như chàng trai mới đôi mươi.

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện tuổi già, sức yếu, ông Tại tự hào nói: “Hàng ngày tôi thức dậy từ 5 giờ, làm đến 18 giờ mới thôi, nhưng 10 năm qua chưa đi viện lần nào”.

Nguồn: Báo Thanh niên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi giữ cá qua mùa đông

Tầm quan trọng

Đối với người nuôi cá, cá giống là yếu tố quan trọng trong sản xuất, nhất là tại các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh và mùa đông kéo dài. Mùa đông đến, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí một số tỉnh vùng núi phía Bắc nhiệt độ xuống 0°C gây khó khăn cho việc lưu giữ cá giống cho vụ nuôi năm sau.

Nhiệt độ thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng thành thục và sinh sản của cá bố mẹ. Vì vậy, miền Bắc thường sản xuất giống muộn, ảnh hưởng không nhỏ đến thời vụ nuôi. Do vậy, việc lưu giữ được cá giống cho vụ sau là điều rất cần thiết.

Ngoài ra, sử dụng cá giống lưu qua đông sẽ tăng được thời gian nuôi cá, thu hoạch sớm hơn và cá bán được giá tốt hơn.

Những kỹ thuật cần lưu ý 

Chuẩn bị ao nuôi

Đối với ao cá giống và cá thương phẩm thì cần tránh dùng những ao bị ảnh hưởng trực tiếp hướng gió đông bắc.

Ao có bờ chắc chắn, không rò rỉ. Độ sâu mực nước 1,5 – 2 m, nguồn nước cấp vào ao phải sạch, không bị ô nhiễm.

Cải tạo ao: Trước mùa đông thường thu hoạch hết cá giống, cá thịt phân loại để lưu giữ và nuôi qua đông. Sau khi thu hoạch cần tát cạn nước ao, vét bớt bùn đáy, chỉ để lại một lớp bùn sâu 15 – 20 cm. Tu sửa bờ ao, cống. Xử lý ao bằng vôi bột, liều lượng 8 – 10 kg /100 m² ao. Sau đó, cấp nước vào ao từ 1,8 – 2,2 m.

Thả cá: Sau khi cải tạo ao xong, gây màu tạo nguồn thức ăn là động thực vật phù du đối với ao nuôi cá giống. Trước khi thả cá giống cần phân loại, đong đếm để tiện cho việc chăm sóc và quản lý sau này.

Với cá nuôi thương phẩm cũng phân loại kích cỡ, số lượng để tiện chăm sóc. Thả cá vào những ngày thời tiết nắng ấm.

Chăm sóc quản lý

Thời điểm trước khi đưa cá vào lưu giữ cần tăng cường dinh dưỡng cho cá để cá béo khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và có khả năng chịu đựng được thời tiết lạnh giá. Cho cá ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Đối với cá giống và cá thương phẩm trong thời gian lưu giữ, vẫn cho cá ăn vào lúc thời tiết ấm, 9 – 10h sáng hoặc 14h chiều.

Tăng cường kiểm tra, bổ sung dinh dưỡng cho cá để cá béo khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật 

Lượng thức ăn bằng 1 – 1,5% trọng lượng cá trong ao. Thức ăn cần đảm bảo có hàm lượng đạm 18 – 22%. Có thể cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự phối chế với thành phần: bột cá 10% + bột đậu tương 20% + bột cám gạo 70%. Đối với cá trắm cỏ cho ăn thêm thức ăn xanh với lượng 20 – 25 kg/100 kg cá/ngày.

Khi cho ăn cần đảm bảo nghiêm túc yêu cầu 4 định: định chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm. Bổ sung thuốc, chất dinh dưỡng vào thức ăn để phòng các bệnh và tăng khả năng chống rét cho cá như tỏi, Vitamin C.

Khi nhiệt độ nước thấp, cá dễ bị mắc bệnh nấm thủy mi. Vì vậy, khi nuôi cá trong ao nên hạn chế đánh bắt, giữ mực nước ổn định 1,5 – 2 m.

Chú ý: Không dùng phân hữu cơ bón trực tiếp xuống ao để tránh các mầm bệnh phát triển gây bệnh cho cá nuôi. Định kỳ, hàng tháng xử lý môi trường ao nuôi khoảng 2 lần, bằng vôi bột hòa nước té đều khắp ao với lượng 2 – 3 kg/100 m³ nước. Hằng ngày kiểm tra hoạt động của cá, khả năng sử dụng thức ăn, môi trường ao nuôi và tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Kỹ thuật chống rét

Đối với cá giống: Khi thời tiết lạnh giá kéo dài nhiệt độ nước xuống dưới 8 -14ºC nên dừng cho cá ăn, chủ động nâng cao mực nước từ 1,5 – 2 m. Có thể thả bèo tây, rau muống phủ kín 1/3 (hoặc 2/3) diện tích mặt ao. Dùng rơm, rạ cuộn thành từng bó cho xuống các góc ao để cá trú rét. Với ao nhỏ có thể dùng nylon phủ trên ao, tạo thành ngôi nhà chống rét cho cá giống.

Vào thời điểm nhiệt độ trên 18ºC, tập trung cho cá ăn thức ăn tinh giàu đạm để tăng cường khả năng chịu rét cho cá. Trong suốt thời gian trú đông không được dùng lưới kéo cá để kiểm tra, đánh bắt tránh cá bị xây xát dẫn đến nhiễm bệnh và chết. Sau khi hết rét, cần cho cá ăn tích cực đảm bảo đủ chất lượng, số lượng để cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Đối với cá thịt: Sau khi tiến hành thu hoạch, cần tuyển chọn lại cá (cá chim trắng, rô phi, trắm cỏ…) chưa đủ cỡ thu hoạch để tiến hành chống rét và nuôi lớn tiếp để bán vào thời điểm sau tết âm lịch hoặc đầu năm.

Cần chọn ao có diện tích khoảng 300 – 1.000 m², độ sâu 1,2 – 1,5 m, kín gió. Sau khi thả cá vào, tiếp tục cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, thức ăn tinh vào những ngày ấm để cá tăng khả năng chịu rét. Dùng sọt đựng rơm thả xuống đáy ao để cá chui vào trú đông. Trên mặt ao thả bèo kín 1/2 ao về phía bắc, nếu có điều kiện có thể dùng nilon phủ kín mặt ao.

Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, thức ăn có độ đạm cao để giúp cá chống rét tốt hơn.

Phòng và trị một số loại bệnh

Bệnh ngoại kí sinh: Cá bị bệnh, màu sắc cá trở nên nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài thời tiết lạnh.

Phòng, trị bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm, dùng formol tạt đều khắp ao với nồng độ 20 – 25 ml/m³.

Bệnh đốm đỏ: Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to chứa dịch và đỏ bầm, cá bơi lội lờ đờ chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.

Phòng bệnh: Không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột CaCO3 với lượng 3 kg/1.000 m³ (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).

Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Neomycine 4g/100 kg cá bệnh và Vitamin C, liều lượng 3g/100 kg cá bệnh, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Bệnh nấm thủy mi: Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu của sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều xuất hiện những đám bông màu trắng, gây cho cá ngứa ngáy, cá thường tập trung ở những nơi có nước chảy.

Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, không để cá suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dày hoặc làm cá xây xát.

Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt đều xuống ao liều 3 – 5 g/m³ nước, hoặc dùng muối ăn tắm cho cá trong 15 phút.

Chú ý: Đối với một số vật nuôi khác như lươn, ếch cũng cần phải có biện pháp chống rét: Che kín bể nuôi bằng bạt nilon, lá dừa… Mặt ao, bể nuôi thả bèo tây chiếm 2/3 diện tích về phía hướng gió. Dùng lá dừa khô tạo thành những ụ ở những chỗ ếch thường nằm để ếch vào tránh rét. Lươn, ếch phải được chăm sóc kỹ, cho ăn bình thường, bổ sung thêm Vitamin C vào khẩu phần ăn giúp ếch tăng sức đề kháng. Vào những ngày nắng ấm hoặc buổi trưa trời nắng cần cho vật nuôi ăn đầy đủ. Lượng cho ăn phải tùy thuộc vào sức ăn mà tăng hoặc giảm để lươn, ếch khỏe mạnh, có khả năng chống rét.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Lá chuối và lá ngô giúp bảo vệ da cá

Việc bổ sung thêm chất bổ sung lá chuối và ngô không có tác dụng làm tăng hiệu quả tăng trưởng của cá nhưng lại có tác dụng bảo vệ biểu bì của da cá chống lại tác nhân gây bệnh Aeromonas hydrophila.

Bổ sung lá chuối (Musa nana) và lá ngô (Zea mays) vào thức ăn giúp bảo vệ da cá
Cơ sở khoa học

Hiện nay, các chủng vi khuẩn Aeromonas hydrophila đang gây bệnh trên khắp mọi nơi có liên quan đến ở viêm loét da cá, đặc biệt trong điều kiện căng thẳng. Nó có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và đặc biệt phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Lá tươi từ ngô và chuối đã được các nông dân nuôi cá ở Việt Nam sử dụng làm thức ăn bổ sung và người ta đã báo cáo rằng họ có thể có lợi ích phòng bệnh từ nguồn gốc thực vật.

Trong nghiên cứu này, một thử nghiệm cho ăn được tiến hành để đánh giá các lợi ích của việc cung cấp ngô và lá chuối như là thức ăn bổ sung: để xác định xem chúng đã tác động như thế nào đối với hệ thống miễn dịch và tiêu hóa bởi cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella), nếu sự hấp thu này dẫn đến hiệu suất tăng trưởng tốt hơn, và nếu bổ sung lá có thể bảo vệ cá khi gây nhiễm thực nghiệm với vi khuẩn A. hydrophila bằng phương pháp tiêm thì đây là một nguyên liệu hết sức gần gũi với người nông dân.

Kết quả

Kết quả tất cả cá đều được cho ăn một tỷ lệ giống nhau về thức ăn viên thương phẩm có liên quan đến sinh khối. Tuy nhiên, 12/18 bể cá có khẩu phần này được bổ sung bằng lá chuối tươi hoặc lá ngô tươi cho thấy việc bổ sung lá làm tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tổng thể (FCR).

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các nhóm cá không có ý nghĩa thống kê (P<0,005). Những thay đổi đối với thành phần đồng vị của cá thể hiện sự hấp thu dinh dưỡng của lá. Tác dụng bảo vệ cá bằng việc cho ăn lá chuối hoặc lá ngô được phát hiện chống lại nhiễm trùng với A. hydrophila nhưng cao hơn không có ý nghĩa thống kê so với đối chứng, và khẩu phần ăn không làm thay đổi hematocrit cá.

Tuy nhiên, việc bổ sung lá ngô làm giảm đáng kể mức độ tổn thương của da ở cá, dấu hiệu lỡ loét cũng được quan sát có dấu hiệu giảm rõ rệt, có thể cải thiện giá trị thương phẩm thị trường của cá.

Kết luận

Việc bổ sung thêm chất bổ sung lá chuối và ngô không có tác dụng làm tăng hiệu quả tăng trưởng của cá nhưng lại có tác dụng bảo vệ biểu bì của da cá chống lại tác nhân gây bệnh Aeromonas hydrophila.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thu nhập 200 tỷ/năm nhờ vào cây có múi

Từ ý tưởng bị coi là “điên rồ”

Ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên, nhiều đời nay người dân sống chủ yếu dựa vào cấy lúa, mỗi sào cho thu hoạch vài tạ thóc. Có thời điểm, các hộ dân ở đây cơm không đủ ăn, cả nhà nhường nhau từng chút thức ăn để vượt qua những năm tháng đói nghèo bủa vây.

Trong hoàn cảnh đó, từ năm 2000, một số hộ dân ở xóm Thanh Sầm và Bùi Xá đã táo bạo chọn hướng thay đổi mô hình trồng lúa sang trồng cây có múi như cam Vinh, cam sành, bưởi Diễn với hy vọng cuộc sống sẽ sung túc hơn.

Xã Đồng Thanh thoát nghèo nhờ trồng cây có múi

Một trong những người đi tiên phong thay đổi cây trồng là ông Lê Văn Phú (60 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm. Ông Phú được người dân kính nể không chỉ vì có thu nhập khủng từ vườn cây có múi mà còn là người trực tiếp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp các gia đình khác thoát nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Phú vẫn không quên ‘trang điểm’ cho căn nhà bằng hai hàng bưởi sai trĩu quả đang vào vụ thu hoạch. Ông kể: “Năm 2000, khi tôi quyết định chuyển đổi 1,5 mẫu đất trồng lúa sang trồng cây cam Vinh, bưởi Diễn mọi người trong làng đều kịch liệt phản đối và cho rằng đó là ý tưởng điên rồ. Thậm chí, khi ấy UBND xã Đồng Thanh cũng không mặn mà gì với việc làm này của tôi”.

Tuy nhiên, bỏ qua những lời phản đối và những khó khăn ban đầu, ông Phú vẫn kiên định và quyết tâm theo đuổi con đường mình lựa chọn. Vì theo ông Phú, nếu cứ tiếp tục trồng lúa với thu nhập thấp như vậy thì gia đình sẽ mãi sống trong cảnh chật vật, nghèo túng.

“Thời gian đầu, khó khăn nhất là kĩ thuật trồng và chăm sóc cây. Tôi mất 5 năm đầu mới tự tin nhân rộng mô hình và thu được thành quả bước đầu” – ông Phú nhớ lại.

Cũng theo ông Phú, sau khi nắm bắt được kĩ thuật, học hỏi thêm kiến thức sau các đợt tập huấn, gia đình ông đã biết cách làm sao cho cây sống khỏe, cho ra vị ngọt rất đặc biệt, không giống với các loại cam ở các huyện khác ở Hưng Yên như Văn Giang.

“Đất của xã Đồng Thanh là đất thịt, khác với đất cát ở Văn Giang, đất đồi ở các vùng Hòa Bình nên rất phù hợp với việc trồng cây có múi. Hương, vị của hoa quả trồng ở đây cũng khác lạ, tạo nên thương hiệu riêng” – lão nông Lê Văn Phú cho biết.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế gia đình từ trồng cây có múi, lão nông Lê Văn Phú còn sáng tạo nhiều kĩ thuật canh tác cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Một trong những kĩ thuật đó là bón đậu nành cho cây cam.

Theo ông Phú, việc cho cây cam ‘ăn’ đậu nành giúp cây cho quả nhiều hơn, vị ngọt của cam đậm và thơm hơn. Cứ mỗi sào gia đình ông Phú bón từ 80 đến 100kg. Cùng với bón đậu nành, các hộ dân ở đây còn cho thêm phân kali để tăng vị ngọt và giúp cây chống chọi được với các dịch bệnh.

Sau 17 năm kiên trì, đến nay ông Phú đã mở rộng quy mô, tăng diện tích trồng cây có múi lên 11 mẫu, trồng khoảng 7.000 cây gồm cam Vinh, cam đường, bưởi Diễn. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm gần 2 tỷ đồng.

Đến xã ‘tỷ phú’ mới nổi

Nhìn thấy hiệu quả kinh tế ngoài sức tưởng tượng mà ông Phú gặt hái được từ cây có múi, từ năm 2010 đến nay, nhiều hộ dân trong xã Đồng Thanh đổ xô chuyển sang trồng cây có múi và đều đổi đời. Có nhiều gia đình mở rộng quy mô lên hàng chục mẫu đất, với chi phí đầu tư nhiều tỷ đồng. Có những hộ dân, chỉ với một vài sào ruộng nhưng cũng quyết tâm chuyển đổi.

Ông Vũ Văn Luận, được người dân mệnh danh là “ông trùm” về cây có múi ở xã Đồng Thanh với tổng diện tích trồng cây khoảng 20 mẫu, trồng khoảng 10 nghìn cây gồm cam và bưởi Diễn, mỗi năm thu về trên 3 tỷ đồng lợi nhuận.

Với những tìm tòi, sáng tạo trong canh tác, ông Luận cùng nhiều người đã tạo ra những quả cam có vị ngọt rất lạ, đậm và thơm. Theo ông Luận, thương lái từ khắp các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội,… lần lượt rỉ tai nhau kéo về đây để lấy hàng, ai nấy đều gật gù với chất lượng cam Đồng Thanh.

Nhìn thấy lợi nhuận từ vườn cây có múi, cả xã Đồng Thanh ai nấy đều ồ ạt chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam, bưởi. Có những gia đình diện tích đất chỉ vài sào nhưng cũng quyết tâm chuyển hướng với hy vọng đổi đời.

Cuộc sống của người dân thay đổi từ khi chuyển đổi cây trồng

Anh Đào Văn Vượng (40 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm, mặc dù chỉ có hơn 5 sào đất trồng cam nhưng mỗi năm vẫn cho thu về trăm triệu.

Anh Vượng tâm sự: “Ngày xưa khi còn trồng lúa, tôi vừa làm ruộng vừa làm công nhân bốc vác trên địa bàn huyện thu nhập chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng. Đời sống gia đình không khá lên được”.

“Thấy hàng xóm là ông Phú làm giàu từ cam với bưởi Diễn, tôi quyết định sang học tập kinh nghiệm. Sau 4 năm cố gắng, gia đình cũng có một vườn cam nhỏ đủ để trang trải cho cuộc sống. Năm nay, trừ đi chi phí, ước tính lợi nhuận thu được từ hơn 5 sào đất khoảng trên 100 triệu đồng”.

Bức tranh đời sống của xã Đồng Thanh thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên san sát.

Ông Lê Văn Nhất, chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, cho hay: Bộ mặt của toàn xã đã thay đổi hoàn toàn từ khi người dân chuyển đổi cây trồng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xã thay đổi hoàn toàn. Đó là nhờ việc nhân rộng mô hình chuyển đổi đất từ trồng lúa sang đầu tư cây có múi như cam Vinh, bưởi Diễn. Tổng thu nhập toàn xã Đồng Thanh các năm 2015, 2016 đều đạt trên 100 tỷ đồng. Xã đã chuyển đổi hơn 70% diện tích đất để trồng cây có múi.

Vị chủ nhiệm HTX Đồng Thanh vui mừng: “Mới đây, cam Đồng Thanh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang đưa sản phẩm tham gia các hội chợ với tên thương hiệu là cam và bưởi Đồng Thanh, với kỳ vọng thời gian tới sẽ xuất khẩu được cam ra thị trường nước ngoài”.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Khởi nghiệp thành công từ nấm bào ngư sạch

Trang trại nấm bào ngư của anh Chung nằm nép mình dưới những tán cao su già. Đây là nơi anh đã tự mình ủ phôi, lên men và đưa nấm thành phẩm ra thị trường. Khởi nghiệp từ nấm bào ngư sạch, Chung đã thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.

Đặng Quang Chung (SN 1981) quê ở tỉnh Yên Bái. Cách đây hơn 10 năm, Chung vào Bình Phước lập nghiệp bằng nghề chạy xe tải. Thời gian này, anh quen biết và kết hôn với chị Bùi Thị Hạnh (SN 1986) và quyết định ở lại ấp 7, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài lập nghiệp. Trải qua thời gian dài liên miên trên các cung đường, đến năm 2011 Chung quyết định “dừng chân” với nghề trồng nấm bào ngư sạch. Đây là bước khởi động thành công, giúp anh ổn định cuộc sống gia đình.

Anh Đặng Quang Chung thành công với mô hình trồng nấm bào ngư 

Kể về những ngày đầu quyết định đến với nghề trồng nấm, anh Chung tâm sự: “Khi vợ sinh con đầu lòng, mình vẫn tất tả với nghề chạy xe đường dài. Nhiều đêm trên những chặng đường, phải căng mắt chống chọi với những cơn buồn ngủ, mình mong đổi nghề để được ở gần vợ con”.

Sau một thời gian “kiếm vốn”, Chung bàn với vợ mua 2 sào đất ở hiện tại. Nhờ gia đình chị Hạnh từng có kinh nghiệm trồng nấm, anh bàn với vợ chuyển hướng sang trồng các loại nấm linh chi, nấm mèo, nấm bào ngư. Nghĩ là làm, Chung xây dựng một trại nấm với đầy đủ công đoạn: Nghiền bột, lên men, ủ phôi, vô meo, bán phôi và dựng trại trồng cả nấm thành phẩm. Với công việc này, vợ chồng anh phải mướn thêm 6 nhân công.

Đưa chúng tôi đi thăm các công đoạn làm nấm, anh Chung kể, trồng nấm phải có bí quyết. Điều quan trọng với người làm kinh doanh nông nghiệp là phải uy tín, đảm bảo chất lượng và ưu đãi về giá cả cho người nông dân. “Nếu mình làm đúng, làm chuẩn thì bà con mình mới có nhiều nấm thành phẩm. Từ thu nhập của bà con, uy tín của mình mới tăng lên, nhờ đó lượng hàng bán ra của mình ngày càng nhiều hơn”, anh Chung cho biết.

Để đảm bảo chất lượng phôi, Chung tự mình kiểm tra tất cả các khâu. Đầu tiên là khâu chọn bột gỗ. Sau đó là các khâu vô men, ủ phôi, vô meo, lên dàn nấm. Các khâu kia đều có bí kíp, tỷ lệ riêng. Riêng bột trồng nấm bào ngư nhất định là bột cao su, vì theo kinh nghiệm của anh Chung, nấm bào ngư “ưa” nhất là loại gỗ trắng, mủ trắng.

Hiện tại, trại nấm của anh Chung cung cấp ra thị trường từ 40.000 – 50.000 bịch phôi nấm các loại. Mỗi bịch phôi hiện tại có giá 3.500 đồng. Ngoài bán nấm phôi, anh Chung còn cung cấp ra thị trường thành phẩm hàng tạ nấm báo ngư trắng. Thương lái đến tận trại thu mua với giá mối 25.000 đồng/kg.

“Vừa làm phôi nấm, vừa làm trại nấm thành phẩm giúp mình theo dõi được chi tiết quá trình phát triển đầy đủ sản phẩm của chính mình. Đây chính là kinh nghiệm thực tiễn, để mình có thể cung cấp ra thị trường những bịch phôi chất lượng”, chị Hạnh vợ anh chia sẻ.

Trước đây, vợ chồng anh từng làm cả nấm linh chi, nấm mèo. Nay do điều kiện thị trường nên anh chị chỉ tập trung vào nấm bào ngư xám. Anh Chung cho biết loại nấm này tuyệt đối sạch, đáp ứng với nhu cầu thực tế của thị trường. Để trại nấm của mình phát triển đầy đủ, anh lắp đặt giàn phun sương tự động. Với hệ thống này, nhà nấm của anh luôn đáp ứng đủ độ ẩm để nấm phát triển. “Hầu như đêm nào mình cũng có nấm bán ra thị trường. Lứa nọ so le lứa kia, mỗi ngày như vậy ít nhất mình cũng có 100kg nấm”, chị Hạnh cho biết.

Quy trình của một phôi nấm kéo dài 5 – 6 tháng. Mỗi bịch phôi trung bình thu được từ 2 – 3 lạng nấm tươi. Quá trình nuôi, thu hoạch phụ thuộc vào kỹ thuật của từng người trồng. Chính vì vậy, khi bán phôi ra thị trường, anh Chung còn chia sẻ cho nông dân cách dựng trại, vô hàng, tạo độ ẩm cho phôi.

Mỗi bịch nấm có trọng lượng từ 40 – 80 gram

Theo kinh nghiệm của anh Chung, người trồng nấm nên đầu tư giàn phun sương tự động vừa đỡ tốn công, vừa đảm bảo độ ẩm cho nấm phát triển tốt nhất. Với trại nấm thành phẩm của mình, sau khi bán nấm tươi, anh sẽ tận dụng xác phôi bán ra thị trường để người dân trồng nấm rơm. “Tuy nhiên chuyện này chỉ là phụ thôi. Việc chính của mình là cung cấp phôi cho thị trường”, anh Chung chia sẻ.

Nấm bào ngư xám thường mắc bệnh mốc xanh. Bệnh này gây hại cho phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai. Tuy nhiên bệnh không lây nhiễm. Nếu phát hiện bệnh mốc xanh, bịch phôi ấy sẽ phải bỏ. Anh Chung cung cấp ra thị trường đảm bảo nguyên tắc 100% ra phôi trọn vẹn. Trang trại của anh chịu hoàn toàn trách nhiệm về bệnh mốc xanh trong phôi trước khách hàng. Nhờ làm đúng quy trình, kỹ thuật và giữ uy tín nên phôi nấm của anh được thị trường ưa chuộng. Trừ các chi phí sản xuất, anh Chung thu lợi ít nhất 400 triệu đồng/năm.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu đàn cá song vua bố mẹ

Cùng với sự bứt phá mạnh mẽ của ngành thủy sản, nhiều giống hải sản có nguồn gốc từ tự nhiên đã và đang được nghiên cứu, từng bước chủ động nguồn giống bằng biện pháp sinh sản nhân tạo cũng như hoàn thiện về quy trình nuôi…

Trại lưu giữ giống cá biển bố mẹ của Trung tâm QG GHSMB

Trong đó, điển hình là loài cá song lai do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 nghiên cứu chọn tạo.

Triển vọng cá song

Nghề nuôi hải sản lồng bè ở các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng trước đây đa số khởi phát từ nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như hàu, ngao hoa, tu hài… Tuy nhiên, do những tác động suy thoái môi trường nước nên nghề nuôi lồng bè nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ngày một thu hẹp, hiện chỉ còn phát triển được ở một số vịnh xa.

Tại Hải Phòng, khoảng 5-7 năm trở lại đây, các lồng bè chủ yếu đã chuyển sang nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cá song vẫn là đối tượng nuôi truyền thống và đã vươn lên là đối tượng nuôi chủ lực, thường xuyên chiếm từ 50-60% trong cơ cấu nuôi của người dân nhờ nhiều ưu thế về khả năng sinh trưởng và có giá trị cao.

Ở vùng nuôi hải sản lồng bè tập trung ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), có rất nhiều giống cá song đang được chọn nuôi như cá song chấm nâu, cá song hổ, cá song chuột, cá song da báo, cá song chanh… Nếu như trước đây, cá song chấm nâu, song chuột, song hổ… từng là đối tượng nuôi chủ yếu thì khoảng 2-3 năm trở lại đây, cá song lai đang ngày càng khẳng định vị thế số một so với tất cả các đối tượng nuôi khác. Cá song nói chung có nhiều ưu điểm có thể nuôi được mật độ rất dày (tới 500 con thương phẩm/lồng), dễ tính, không đòi hỏi môi trường nước phải quá khắt khe. Tuy nhiên, để vừa có chất lượng tốt, lại sinh trưởng nhanh thì chỉ có cá song lai.

Thạc sỹ Nguyễn Đức Tuấn, Phòng Nghiên cứu SX giống và Nuôi cá biển thuộc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc (Trung tâm QG GHSMB) cho biết, hiện Trung tâm đã gây dựng được đàn cá bố mẹ và chủ động được quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo cũng như nuôi đối với rất nhiều loài cá song.

Trong đó, một số giống cá song rất có giá trị như cá song hổ, cá song chấm nâu, đặc biệt là cá song chuột có giá bán trên thị trường rất cao, có thời điểm lên tới 900.000 – 1.200.000 đ/kg. Song chuột có chất lượng thịt thơm ngon đặc biệt, lại sở hữu một số axit amin quý mà con người không thể tổng hợp được nên các thị trường như Hồng Kông, Trung Quốc và một số thị trường cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM hết sức ưa chuộng. Tuy nhiên, song chuột nói riêng cũng như các loài cá song giống thuần truyền thống như song hổ, song chấm có nhược điểm là sinh trưởng quá chậm, bình quân chỉ khoảng 700-800 g/năm, trong khi hệ số tiêu tốn thức ăn lại khá lớn (từ 6-7kg/kg tăng trọng).


Tắm xử lí nấm bệnh, ký sinh trùng cho đàn cá sống mẹ.

Làm thế nào để vừa có được giống cá song chất lượng cao như song chuột, lại có thể nhanh lớn là bài toán mà các nhà chọn tạo giống hải sản đã đặt ra hàng chục năm về trước. Thạc sỹ Nguyễn Đức Tuấn cho biết, mặc dù không có đề tài lai tạo giống cá song lai được phê duyệt, tuy nhiên suốt từ năm 2008 đến nay, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc đã âm thầm thực hiện, và đến nay đã thành công ngoài mong đợi. Theo đó, cá song lai ra đời là sự kết hợp rất bất ngờ giữa con mẹ là loài cá song hổ truyền thống và bố là loài cá song vua – một loài cá được mệnh danh là “vua của các loài cá song”.

Cá song vua giống

Ngoài tự nhiên, cá song vua đã từng được ghi nhận với trọng lượng lên tới 500-600 kg, ngư dân Việt Nam cũng đã đánh bắt được những con cá song vua nặng từ 50-60kg tới hàng tạ. Trong chiến lược nghiên cứu loài cá song khổng lồ này, từ năm 2000 – 2003, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã cho NK một số cá thể giống cá song vua từ Đài Loan và chuyển đổi thành công sang giới tính đực.

Bên cạnh cá song lai, Trung tâm QG GHSMB cũng có thể SX được giống cá song vua (thuần chủng). Cá song vua lớn rất nhanh, mỗi năm có thể tăng trọng hàng chục kilogam, cá nuôi từ có chất lượng rất tốt, được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cá chỉ có thể thu hoạch thương phẩm từ kích cỡ 25 kg/con trở lên, tương đương thời gian nuôi 2,5 đến 3 năm, trong khi chi phí SX khá lớn nên đòi hỏi người nuôi phải trường vốn. Vì vậy, cá song vua hiện được nuôi rất ít, chỉ thả xen lác đác ở một số bè.

Những năm sau đó, một số cá thể cá song vua khác do ngư dân các tỉnh của nước ta đánh bắt được cũng đã được sưu tập về nuôi dưỡng ở trại giống cá bố mẹ tại vịnh Lan Hạ (thuộc Trung tâm QG GHSMB, đảo Cát Bà). Đến nay, trại giống ở Cát Bà của Trung tâm QG GHSMB là nơi duy nhất ở Việt Nam đã sở hữu được đàn cá song vua bố mẹ với tổng số khoảng 100 con, trong đó có khoảng 20 con cá song vua đực, con lớn nhất ước nặng tới 120kg.

Vua cá song “sang chảnh”

Những con cá song vua đực ở đây to lớn sồ sồ tới hàng tạ, con bé cũng 50-60kg, mỗi con phải nuôi riêng ở mỗi ô lồng với chế độ chăm sóc đặc biệt.

Chúng chỉ tha thẩn trong lồng, tới đúng giờ ăn mới nổi lên. Do được chăm bẵm từ bé nên chúng rất “sang chảnh”, thức ăn phải là cá nục cỡ lớn 300 – 500 g/con, và phải là cá nục tươi, hễ gặp thức ăn hơi ươn một chút thôi chúng đã đánh được hơi, ngậm vào rồi nhè ra ngay.

Môi trường nước xung quanh ô lồng cũng phải thật yên tĩnh, người lạ phải hết sức hạn chế ghé thăm nơi ở của nó để tránh làm kinh động. Cá song vua đực đã từng được thử nghiệm cho lai tạo với cá song cái thuộc nhiều loài khác nhau, nhưng chỉ có sự kết hợp giữa song vua đực và song hổ cái mới cho ra thế hệ cá song lai F1 có khả năng thành công cao, đặc tính sinh trưởng và chất lượng tốt hơn cả.

Về kỹ thuật lai, kỹ sư Phạm Văn Thìn, Trưởng phòng Bảo tồn, lưu giữ giống gốc và nguồn gen hải sản (Trung tâm QG GHSMB), người đã gắn bó với đàn cá song vua từ gần chục năm nay cho biết: Thông thường, cá song vua đực có từ 7 năm tuổi trở đi mới có thể lấy tinh để SX cá song lai F1. Cá song vua đực có kích cỡ lớn hàng tạ, trong khi cá song hổ cái chỉ khoảng 7-8 kg, lại khác nhau về đặc tính sinh sản nên muốn lai tạo, phải áp dụng biện pháp can thiệp bằng kích dục tố.

Mùa sinh sản của cá song thường từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Đến kỳ sinh sản, những con cá song vua bố được cáng lên bởi cáng chuyên dụng với 2 người lực lưỡng mới xuể, sau đó chúng sẽ được vuốt tinh trùng. Mỗi lần vuốt tinh, mỗi con có thể cho ra tới 300-350 ml tinh trùng. Con cá song mẹ là song vua dù chỉ nặng 7-8kg nhưng cũng có khả năng vuốt được tới hàng kilogam trứng.

cá song vua, nơi lưu trữ giống cá, giống cá song vua, cá giống
Một con cá song vua đực được đưa lên cáng chuẩn bị đi vuốt tinh. Ảnh: Quỳnh Trang

Trứng và tinh trùng sẽ được trộn lẫn với nhau, sau đó đưa ra bể ươm với nhiệt độ phải đảm bảo từ 28-30 độ C, trong vòng 20-24h sau khi thụ tinh, trứng sẽ nở ra cá bột. Cá bột nuôi thêm khoảng 2 tháng sẽ trở thành cá song lai giống F1, có thể đưa ra ô lồng để nuôi thương phẩm.

Cá song lai F1 ra đời có sự hội tụ những đặc tính ưu việt của cả bố và mẹ của chúng: Vừa lớn nhanh, vừa có chất lượng thịt thơm ngon nên giá cũng khá cao. Song lai trung bình nuôi 2 năm có thể xuất bán với trọng lượng từ 2,5 đến 3 kg/con, giá dao động từ 200-220 nghìn đồng/kg, lại ít hao hụt và bị bệnh trong quá trình nuôi nên hệ số lợi nhuận có thể lên tới 40%. Với những ưu thế đó mà chỉ sau 3-4 năm có mặt, cá song lai được mở rộng rất nhanh ở hầu hết các vùng nuôi hải sản lồng bè khắp các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…

Tại vùng nuôi hải sản lồng bè tập trung ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), cá song lai chỉ mới bung ra mạnh nhất trong 2 năm gần đây nhưng hiện đã chiếm cơ cấu tới 40-50% trong tổng đàn nuôi và ngày càng tăng mạnh.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lồng bè nuôi thủy sản: Cần nghiên cứu cải tiến

Những tổn thất của cơn bão 12 vừa qua đặt ra câu hỏi cho ngành chức năng và người nuôi phải nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào làm lồng bè sao cho đủ khả năng chống chọi với sóng biển, mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại.


Một hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh đang làm lại bè nuôi bằng gỗ

Thiệt hại lớn

Gia đình ông Nguyễn Văn Búp (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) gắn bó với nghề nuôi tôm hùm hơn 20 năm nay. Thế nhưng, 2 bè với 50 lồng nuôi hơn 8.000 con tôm hùm bông đang chuẩn bị xuất bán bị bão đánh tan tành, thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Để khôi phục lại lồng nuôi, hơn 10 ngày qua, ông đã đi khắp nơi để mua gỗ và lưới về kết lồng bè nhưng không tìm đủ vật liệu. Ông Búp chia sẻ: “Bè nuôi truyền thống chủ yếu làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa để nổi trên mặt biển; còn túi lồng nuôi thì làm bằng lưới quấn quanh khung sắt bọc nhựa. Trước đây, giá thành cho một ô lồng rộng 4m2 khoảng 8 triệu đồng, nhưng hiện nay nhu cầu làm lại lồng bè sau bão tăng cao nên giá lên hơn 12 triệu đồng/4m2 chưa kể công thợ. Tuổi thọ trung bình của mỗi lồng bè truyền thống khoảng 4 năm, sóng biển cấp 3 là bị đánh vỡ. Biết làm lồng bè truyền thống rủi ro cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì không biết dùng vật liệu, công nghệ nào để đảm bảo độ an toàn. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra loại vật liệu mới, có độ an toàn cao để áp dụng đại trà cho người dân”.

Hơn 15 năm nay, gia đình ông Lê Văn Hải (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) nuôi cá bớp trên vịnh Cam Ranh cũng chỉ làm lồng bè nuôi truyền thống. Chính vì vậy, đợt bão vừa qua, toàn bộ bè nuôi với 30 ô lồng hơn 5.000 con cá bớp bị sóng biển đánh vỡ, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ông Hải cho biết: “Thiên tai thì biết trách ai. Bây giờ muốn làm lại lồng bè để thả nuôi cũng lo. Giá như có vật liệu, công nghệ làm lồng bè nuôi vững chắc, an toàn, chống chịu được mưa bão, sóng biển thì chúng tôi an tâm”.

Ông Trần Kim Bảo – Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, 100% lồng bè trên địa bàn huyện đều làm bằng gỗ nên không đảm bảo an toàn, kéo theo hệ lụy phá rừng. Trước nhu cầu gỗ làm lại lồng bè đang rất lớn, thời gian qua, ở địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân vào rừng đốn gỗ. Do vậy, về mặt lâu dài, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, học tập cách làm lồng bè ở các địa phương khác để áp dụng, thay thế cách làm lồng bè truyền thống cho người dân. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật nuôi mới để đảm bảo an toàn cho cả người và tài sản.

Sẽ nghiên cứu, học tập cách làm mới

Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 54.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển. Trung bình, mỗi lồng bè thủy sản luôn có từ 2 đến 5 lao động (tùy quy mô, diện tích bè nuôi) chăm sóc, trông coi. Lồng bè truyền thống làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa, chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, kích thước, khiến hiệu quả sản xuất chưa cao. “Cơn bão vừa qua, toàn tỉnh có hơn 35.000 lồng bè nuôi bị thiệt hại hoàn toàn. Qua đây cho thấy, sự lạc hậu trong cách làm lồng bè nuôi thủy sản truyền thống. Trước khi bão vào, mặc dù người nuôi thủy sản đã gia cố kỹ càng, thậm chí đã kéo lồng bè vào khu vực kín gió, những khi bão đi qua thì không còn lồng bè nào trụ vững. Đã đến lúc các ngành chức năng, người nuôi trồng thủy sản cần nghiên cứu, học tập, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào làm lồng bè đảm bảo an toàn, tránh rủi ro thiên tai, hạn chế thiệt hại cho người dân”, ông Én chia sẻ.

Thực tế, nhiều ngư dân ở các tỉnh thường xuyên có bão như: Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên… đã và đang áp dụng nhiều cách làm bè nuôi thủy sản bằng vật liệu mới, đảm bảo an toàn trước sóng biển, mưa bão. Chẳng hạn như ngư dân ở tỉnh Quảng Ninh, sử dụng vật liệu nhựa HDPE làm bè nuôi vừa kín nước, tuổi thọ cao, vừa không bị ăn mòn, có độ uốn dẻo cao, tránh bị gãy khi va đập. Loại vật liệu này có giá thành vừa phải, dễ mua, trung bình 4m2 khung lồng nuôi khoảng 15 triệu đồng. Hay như ngư dân tỉnh Nghệ An, Bạc Liêu sử dụng vật liệu composite để làm bè nuôi thủy sản. Tuy giá thành của loại vật liệu này khá cao nhưng đảm bảo độ an toàn, dễ di chuyển…

Tại buổi làm việc với Khánh Hòa vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gợi ý, các ngành chức năng tỉnh và người dân nên rút ra bài học kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản trong điều kiện mưa bão. Chẳng hạn, nhiều hộ nuôi ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên làm bè bằng phao hơi, khi bão vào họ cột túi lồng nuôi không cho thủy sản thoát ra ngoài rồi xả khí phao hơi cho lồng chìm xuống khoảng 5m so với mặt nước biển. Khi bão đi qua, họ sẽ bơm khí vào phao để bè nổi lên lại. Đây là một kinh nghiệm hay mà người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè nên biết.

Ông Tào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, ngành sẽ nghiên cứu, học tập công nghệ mới của Na Uy, cách làm lồng bè bằng vật liệu composite của ngư dân tỉnh Nghệ An, làm bằng vật liệu nhựa HDPE của người dân tỉnh Quảng Ninh để chuyển giao cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản để tránh tình trạng xâm chiếm vùng nuôi; tăng cường quản lý, giám sát, khuyến cáo người dân không được thả nuôi ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Nguồn: Khanhhoa.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.