Trắng đêm phun thuốc cho hoa Tết vì bệnh nấm gia tăng

Do thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ xuống thấp (13-15 độ), đi kèm là những trận mưa phùn nên những hộ dân trồng hoa cúc tại Gia Lai đang phải trắng đêm theo dõi bệnh nấm gia tăng trên hoa.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, những ngày này nhiều người trồng hoa lâu năm ở Gia Lai đang tất bật chăm chút cẩn thận từng chậu hoa, cây cảnh nhằm phục vụ tối đa nhu cầu chơi hoa Tết của người tiêu dùng. Năm nay, nhiệt độ tại Gia Lai xuống thấp, lạnh hơn khiến bệnh nấm trên hoa cúc gia tăng vào ban đêm nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm theo dõi phun thuốc trị nấm cho hoa.

Một hộ dân trồng mai đang tưới nước, bón phân cho vườn mai Tết

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Quốc Trưởng (38 tuổi, chủ vườn Hồng Cầu Sắt, ở ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8, TP.Plieku) cho biết, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người tiêu dùng, hiện tại tôi cũng đang chăm khoảng 400 chậu hoa mai, hơn 10.000 chậu hồng và khoảng 2 ngày nữa sẽ xuống giống hơn 6.000 chậu hướng dương. Mai và Hồng thì hiện đang theo đúng chu kỳ, khoảng 50 ngày trước tết, tôi sẽ tiến hành cắt cành đồng loạt. Hiện tại, tôi đang phải theo dõi cẩn thận vì thời tiết lạnh hơn nên hoa phát triển chậm hơn, may năm nay không xuống giống cúc chứ không giờ cũng trắng đêm phun thuốc trị nấm cho cúc rồi.

Nông dân thắp đèn cho cúc phát triển nhanh và theo dõi bệnh nấm gia tăng vào thời tiết lạnh

“Theo tôi, số lượng hoa Tết năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm vì đợt vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, lượng hoa giảm sẽ khiến cho thị trường giá hoa cao hơn”, anh Trưởng nhận định. Đi qua đường Lạc Long Quân, TP. Plieku chúng tôi phát hiện một vựa hoa cúc khá lớn. Theo tìm hiểu của PV, được biết tại đây mỗi nhà có trồng khoảng 400 đến 1.000 chậu cúc. Vì thời tiết năm nay lạnh hơn, bệnh nấm gia tăng nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm thắp đèn theo dõi các loại nấm và ứng cứu kịp thời để đáp ứng nhu cầu chơi hoa tết của người tiêu dùng.

Trời lạnh hoa cúc rất dễ bị nấm nên người dân phải túc trực phun thuốc kịp thời

Ông Trần Đăng Hòa (60 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân, TP.Plieku) một trong những hộ trồng hoa cúc nhiều nhất chia sẻ: “Năm nay tôi cung cấp cho thị trường tết khoảng 1.000 chậu hoa cúc vàng. Lúc mới gieo, hoa cúc phát triển khá tốt, nhưng những ngày gần đây nhiệt độ khá lạnh nên phát sinh các loại nấm gây hại cho hoa. Mấy ngày vừa qua, hai vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực thắp đèn vừa để cúc phát triển nhanh hơn, vừa phải theo dõi xem có bị mắc phải các loại nấm không còn kịp thời phun thuốc, chứ không là hỏng hết. Nấm lây lan rất nhanh, đặc biệt là ban đêm khi thời tiết lạnh. Nếu thời tiết thuận lợi như năm ngoái, 1.000 chậu Cúc này bán tết sẽ thu về khoảng 180 đến 200 triệu, trừ hết chi phí cũng thu về khoảng hơn 100 triệu”.

Nông dân đang lo lắng vì bệnh nấm hoành hành phá hoại vựa cúc lớn chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018

Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân) lo lắng: “Thời tiết năm nay lạnh quá nên phải thắp đèn sớm và số lượng bóng nhiều hơn mọi năm. Ngoài ra, gia đình tôi phải thay nhau túc trực cả đêm để trông coi, chia đều các bóng ra thì vườn cúc mới phát triển đều được. Rồi phải chăm sóc từng tí một chứ lạnh như này nấm phát triển mạnh lắm, không phun kịp mà để lây lan là hỏng hết. Giờ cũng chỉ biết trông coi tỷ mỉ hơn một chút chứ cũng không biết làm thế nào nữa, hy vọng trời không phụ lòng người”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thái Bình áp dụng nhiều mô hình nuôi tôm đem lại hiệu quả cao

Nuôi tôm theo mô hình VietGAP hay theo phương thức “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính được tỉnh Thái Bình áp dụng giúp giảm rủi ro, dịch bệnh, đem lại lợi nhuận cao.

Nhiều phương thức nuôi tôm mới được tỉnh Thái Bình áp dụng

Nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mô hình “Nuôi tôm Thẻ chân trắng theo quy phạm VietGAP” đã được tỉnh Thái Bình đưa vào áp dụng. Sau thời gian ngắn triển khai mô hình đã có những kết quả về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và những tiêu chí VietGAP được chứng nhận. Đối với mô hình nuôi theo qui phạm thực hành VietGAP môi trường ao nuôi ổn định. Sản phẩm nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn.

Ngoài ra phương thức “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính cũng được tỉnh Thái Bình áp dụng. Sau thời gian triển khai, các chủ “Ao nuôi liên kết” khẳng định, phương thức nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao là phương thức nuôi chắc ăn, rất ít rủi ro, dịch bệnh và có thể mang lại suất lợi nhuận cao gấp 4 đến 5 lần, thậm chí còn cao hơn nữa so phương thức nuôi truyền thống.

Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong nhà kính kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm” để giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, công nghệ nuôi tôm nhà kính của Doanh nghiệp Phương Nam đã đưa từ 2 vụ nuôi/năm (nuôi cổ truyền) lên 4 vụ nuôi/năm, đưa năng suất nuôi trồng từ khoảng 1 kg/m2 (nuôi cổ truyền) lên trên 2 kg/m2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm từ 70-75 con/kg (nuôi cổ truyền) lên 30-35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi.

Phương thức “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính cũng được tỉnh Thái Bình áp dụng

Việc đưa từ 2 vụ lên 4 vụ nuôi/năm không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi, sớm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi… mà điều quan trọng là, 2 vụ nuôi tăng thêm thực chất là 2 vụ nuôi trái vụ nên đã tránh được tình trạng “được mùa thì rớt giá” trong sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết đông giá, các tỉnh phía Bắc không thể nuôi tôm theo phương thức cổ truyền, việc nuôi theo công nghệ mới này giúp có tôm xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán là hết sức có ý nghĩa.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho phương thức nuôi trồng này là vốn đầu tư ban đầu cao (8-9 tỷ đồng/ha) và để thực hiện nuôi trồng độc lập thì “hộ nuôi trồng” phải có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết.

Nguồn: VietQT được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Quản lý kháng sinh, vấn đề cấp bách

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã đưa ra danh sách các loại kháng sinh quan trọng trong nhân y và trong thú y. Việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho vật nuôi làm thực phẩm cho con người là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của kháng sinh. Trong chăn nuôi, duy trì sức khỏe vật nuôi rất quan trọng trong sản xuất thực phẩm an toàn cho người, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trên thế giới trong việc tìm kiếm protein có nguồn gốc động vật với giá cả phải chăng cho khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

Chính sách lành mạnh có thể được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, và tốt nhất cần phải xem xét các bài học và kinh nghiệm toàn cầu. Những kinh nghiệm và bài học của các nước, bao gồm của Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ có thể đóng góp vào quá trình ban hành chính sách, quy định mang tính khoa học cho từng quốc gia. Việc áp dụng các nguyên tắc phân tích rủi ro, bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông rủi ro, có thể giúp các quốc gia kết hợp những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất vào quá trình quản lý động vật làm thực phẩm.

Các bài học và thực tiễn đều chứng minh rằng, một cách tiếp cận mang tính chiến lược để xác định kháng kháng sinh là vô cùng quan trọng. Nhận thức về hiện trạng và mục tiêu mong muốn của một quốc gia và sau đó xây dựng một quy trình thông qua các luật, quy định và thực tiễn để làm cầu nối giữa hiện trạng đến trạng thái mong muốn là điều quan trọng nhất để đảm bảo rằng chính sách và khoa học được thực hiện đạt kết quả cao nhất. Hành động chính trị mà không có lý do khoa học chính đáng hoặc thực tiễn thực tế sẽ dẫn đến hậu quả không mong đợi và lãng phí nguồn lực vốn còn hạn chế.

Kháng sinh thường được kiếm soát như một phần của quy trình phê duyệt thuốc thú y

Quy trình pháp lý này bao gồm đánh giá an toàn (con người, động vật và môi trường), chất lượng và hiệu quả (công bố trên nhãn với các công dụng đã được phê duyệt). Đánh giá an toàn về mặt pháp lý đối với con người của kháng sinh trong lịch sử được xem là an toàn về mặt độc tính và vi  giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) để đảm bảo việc sử dụng sản phẩm một cách an toàn.

Gần đây, việc đánh giá an toàn kết hợp phân tích rủi ro cho kháng kháng sinh, bao gồm đánh nguy cơ phơi nhiễm, quản lý rủi ro thông qua hướng dẫn sử dụng nhãn và truyền thông rủi ro nhằm đảm bảo sử dụng có trách nhiệm. Trọng tâm chính là giảm thiểu các mầm bệnh trong thực phẩm và sự kháng lại các vi khuẩn khiến cho bệnh trên người không thể điều trị được.

Quan điểm của các nước

Trong hai thập kỷ qua, EU và Hoa Kỳ đã tìm kiếm để ngăn chặn sự kháng kháng sinh thông qua các luật, quy định của mình, đồng thời đưa ra các thực tiễn về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi phương pháp tiếp cận tiên tiến khác nhau đưa ra những kinh nghiệm và bài học khác nhau. Trên toàn cầu, kháng sinh tiếp tục được sử dụng ở tất cả các quốc gia trong chăn nuôi động vật làm thực phẩm; không có quốc gia nào loại bỏ được tất cả các loại kháng sinh.

EU đã xây dựng các quy định về kháng sinh sử dụng qua đường tiêm, nước chứa thuốc và thức ăn chứa thuốc. Phân tích nguy cơ kháng kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính, là người kê đơn sử dụng kháng sinh. Ở châu Âu, hiện có nhiều cuộc tranh luận về sử dụng kháng sinh cho KTTT trong thú y, và EU đã cấm sử dụng kháng sinh cho KTTT từ 1/01/2016.

Quan trọng là, lệnh cấm của EU không phải là lệnh cấm cho một hoạt chất cụ thể mà mang ý nghĩa về chỉ dẫn sử dụng, rằng nếu một hoạt chất có chỉ dẫn về mục đích điều trị và KTTT thì KTTT sẽ bị cấm, tuy nhiên hoạt chất này vẫn được lưu hành trên thị trường cho mục đích điều trị.

Cách tiếp cận của EU đối với việc cấm KTTT đã có “những hậu quả không mong muốn” dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử ở gia cầm và bệnh lị trên heo. Sự gia tăng sử dụng Tetracylin và Peniciline dẫn đến mức độ kháng các nhóm kháng sinh này càng tăng trong các mầm bệnh lây qua thực phẩm, đặc biệt là các chủng Samonella.

Dữ liệu từ DanMap 2013 của Đan Mạch cho thấy sau khi KTTT bị cấm, mức độ kháng Tetracycline và Ampicillin đã tăng, và điều này được phản ánh trong việc sử dụng các nhóm kháng sinh này cho mục đích điều trị. Rõ ràng, quyết định của EU dựa trên nguyên tắc thận trọng hơn là các dữ liệu khoa học.

Hoa Kỳ đã xây dựng các quy định về kháng sinh và phân tích rủi ro về kháng kháng sinh như một phần quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý của mình. Các kháng sinh có thể được phê duyệt cho mục đích trị bệnh, kiểm soát và phòng bệnh, và cho KTTT. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính trong việc kê đơn sử dụng kháng sinh, bao gồm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi theo “chỉ thị của bác sỹ thú y trong thức ăn chăn nuôi”.

Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại kháng sinh thành 3 nhóm: nhóm chỉ dùng trong nhân y, nhóm chỉ dùng trong thú y và nhóm sử dụng chung cả trong nhân y và thú y. Các công ty thuốc thú y được khuyến khích tự nguyện rút KTTT khỏi nhãn sản phẩm với các kháng sinh thuộc nhóm sử dụng chung; trong đó, KTTT có thể được sử dụng đối với các kháng sinh chỉ dùng trong nhân y.

Từ ngày 1/01/2017, kháng sinh thuộc nhóm dùng chung chỉ được phép sử dụng cho mục đích điều trị (trị, kiểm soát và phòng bệnh) theo kê đơn của bác sỹ thú y. Các kháng sinh thuộc nhóm chỉ dùng trong thú y có thể được dùng cho mục đích điều trị theo kê đơn của bác sỹ thú y hoặc có thể tiếp tục được dùng cho KTTT và được bán tại quầy thuốc.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Khôi phục nuôi trồng thủy sản tại Vạn Ninh

“Cầm” sổ đỏ vay vốn, làm lại từ đầu

Cảng cá Vạn Giã (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) – một trong những vùng nuôi trồng thủy sản sầm uất với dày đặc lồng bè thả tôm, cá trước đây giờ trở nên thoáng đãng, quá đỗi yên bình, chỉ lác đác vài lồng bè vừa mới “mọc” lên sau bão.

Trên bờ biển, những lồng bè rách nát, phuy nhựa, lưới cụ, tàu thuyền bị vỡ được người dân mót lại sau bão vẫn còn nằm ngổn ngang khắp nơi. Tất cả tan hoang, trở thành thảm họa.

Khung cảnh tan hoang sau bão tại Vạn Ninh

Xen kẽ giữa những thứ bề bộn đó, là những khung bè mới được bà con đóng lại nhưng chưa kéo ra mặt nước nuôi vì chưa hoàn thiện. Hơn nữa dù khung bè đã xong nhưng trước mặt người nuôi trồng thủy sản còn vô vàn nỗi lo và cần chuẩn bị nhiều thứ như làm lồng nuôi, mua con giống, thức ăn…mới có thể nuôi trở lại.

Trong số những khung bè đang làm lại có bè nhà anh Lưu Văn Thanh, ở thị trấn Vạn Giã hiện đã cơ bản hoàn thành. Gặp chúng tôi, anh cho biết, để làm ra nhà bè, cùng với khung bè gồm 24 ô lồng, giảm 6 ô lồng so với trước đây thì ngoài việc tận dụng những cây gỗ, phuy nhựa còn sót lại, anh còn bỏ thêm 150 triệu đồng đầu tư.

Sau bão trắng tay vì bao nhiêu vốn liếng dành dụm đã đầu tư nuôi 3.000 con cá bớp và cá bè đạt trọng lượng xuất bán thì bị bão “cướp” sạch, ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Vừa qua anh đến ngân hàng cầm 3 sổ đỏ là nhà cửa của anh em, họ hàng mới vay được 600 triệu đồng.

Nguời dân đang từng bước đã hoàn thành bước một, là làm lại khung bè và mua chiếc thuyền nhỏ (không có máy), giá 30 triệu đồng làm phương tiện đi lại trên biển.

Còn bước tiếp theo sẽ làm lại lồng nuôi và mua con giống, khi đó nếu thiếu tiền sẽ vay tiếp. Bởi theo anh, nếu không nuôi trồng thủy sản không có cách nào gỡ gạc, trả nợ được.

Tiếp tục về xã Vạn Thạnh- vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở huyện Vạn Ninh nhìn ra biển Đầm Môn cũng trở nên hoang vắng. Nhiều ngư dân vẫn cặm cụi mót từng chiếc phuy, chắp từng mảnh cây để đóng lại lồng bè.

Ngư dân cặm cụi đóng lại lồng bè

Theo người nuôi trồng thủy sản, khó khăn hiện nay là các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phuy nhựa, lưới đều tăng giá từ 15 – 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi khan hiếm và tăng từ 100-150 ngàn/con, cụ thể tôm trắng 305 ngàn đồng/con; tôm nuôi 1 tháng từ 400-500 ngàn đồng/con.

Tuy nhiên, theo quan sát chúng tôi hiện nay một số hộ gia đình cũng đã “vượt lên nỗi đau”, tìm mọi cách để nuôi tôm trở lại.

Tiêu biểu như anh Trần Đẩu, thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng sau cơn bão, anh mất trắng hơn 30.000 con tôm hùm và cá các loại, ước thiệt hại 25 tỷ đồng. Do cạn kiệt vốn nên gia đình anh cầm sổ đỏ nhà tại ngân hàng để vay vốn khôi phục sản xuất.

Anh Đẩu cho biết, sau bão anh đóng lại bè mới với hơn 30 ô lồng và thả 3.000 con tôm hùm. Dù việc phục hồi chẳng thấm vào đâu với số thủy sản đã mất, nhưng đó là sự quyết tâm gượng dậy của người nuôi trồng thủy sản.

Cần tiếp sức từ những chính sách

Đối với anh Thanh, anh Đẩu giờ họ đã vực dậy, tự an ủi bản thân, bắt tay làm lại từ đầu vì nghĩ rằng ông trời sẽ không phụ lòng người cố gắng, kiên trì đến cùng. Thế nhưng không phải ai cũng có được quyết tâm như vậy sau nỗi mất mát quá lớn và kinh tế kiệt quệ!

Như gia đình ông Phạm Thân, tổ 7, thị trấn Vạn Giã vẫn chưa hết ám ảnh khi cơn bão làm toàn bộ lồng bè tan nát, cá tôm mất sạch ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Dù ông Thân vẫn hằng ngày ra biển tu sửa lại con thuyền bị vỡ, đôi mắt hướng về biển nhưng chưa thể bắt tay làm lại. Bởi lẽ gia đình ông đã không còn gì, còn mang nợ nên không thể nào xoay xở vốn để gỡ gạc. Ông Thân bộc bạch: “Bây giờ gia đình tôi hy vọng nhà nước sớm có chính sách tháo gỡ cho vay vốn tái sản xuất may ra tôi mới có thể làm lại”.

Tượng tự gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, một người tôm trải bạt ở thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ cho biết, hiện vẫn chưa tu sửa ao đìa, bởi chi phí đầu tư lớn vượt quá tầm của gia đình.

Theo ông Lộc, 2 ao nuôi trên bạt tổng cộng gần 3.000 m2 giờ muốn nuôi lại ,ông phải đổ đất đắp ao, rồi trải bạt và mua toàn bộ thiết bị nuôi tôm tốn hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chưa kể sau khi phục hồi xong ao nuôi, còn mua giống, mua thức ăn, tính ra cả tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Sáng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, việc khôi phục nuôi trồng thủy sản đang rục rich nhưng chậm, bởi nguồn lực trong dân đã hết. Hơn nữa, hầu hết người nuôi đều đã vay vốn ngân hàng. Sau cơn bão, toàn xã ngoài thiệt hại 7.261 lồng bè, còn hơn 107 ha ao nuôi tôm, ốc mất trắng; tổng thiệt hại ước 491 tỷ đồng.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay chỉ mới 20-30% số hộ nuôi trồng thủy sản bắt đầu khôi phục trở lại nhưng chủ yếu là lồng bè, còn việc thả giống chưa nhiều.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để giúp người dân thả nuôi trở lại, huyện đã đề nghị Sở NN-PTNT sớm tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ tiền mua giống, cây trồng, vật nuôi theo NĐ 02/2017/NĐ-CP. Đồng thời đề nghị tỉnh sớm ban hành quy hoạch tạm thời khu vực nuôi trồng thủy sản để người dân tái sản xuất và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ thiệt hại theo quy định như thiếu bản kê khai ban đầu theo NĐ 02, huyện đề nghị Sở NN-PTNT xem xét, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ riêng cho các trường hợp này. Bởi tính riêng lồng, bè thiệt hại không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định đã là hơn 56.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn 4.700 lồng nuôi cá.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nghệ An: Nuôi trồng thủy sản vượt chỉ tiêu đề ra

Năm 2017, sản xuất, nuôi trồng thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Diện tích nuôi trồng thủy sản Nghệ An đạt 21.333 ha bằng 102% KH và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, diện tích nuôi ngọt 18.926 ha, nuôi mặn lợ đạt 2.408 ha (diện tích nuôi tôm đạt 2.119 ha).

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng ngọt 39.626 tấn, sản lượng mặn lợ đạt 10.627 tấn (sản lượng tôm là 6.582 tấn).

Ươm cá giống tại Diễn Châu

Trong năm qua, các cơ sở tại Nghệ An đã sản xuất được 1.719 triệu con tôm giống, bằng 143% so KH và bằng 105% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tôm sú đạt 184 triệu con, tôm thẻ đạt 1.535 triệu con.

Sản xuất cá giống các loại đạt 704 triệu con bằng 101 % KH và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Sản xuất cua giống đạt trên 31 triệu con. Sản xuất, ương ngao giống đạt 1,2 tỷ con.

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.

Tại Hội nghị, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã trao Giấy khen cho 14 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nuôi trồng thủy sản năm 2017.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng 1ha măng cụt VietGAP trên đất lúa, mỗi năm thu về trăm triệu

Với 1ha măng cụt trồng theo VietGap, mỗi năm, ông Nguyễn Văn Tỵ ở Bình Dương thu về trăm triệu.

Vườn măng cụt của ông Tỵ

Ông Tỵ bắt đầu trồng thêm cây măng cụt trên đất lúa từ năm 2004. Cây có thể cho trái đến gần 100 năm, sản lượng mỗi năm sẽ một tăng. Hơn nữa, cây măng cụt sinh trưởng mạnh, khả năng chống sâu bệnh tốt, ít phải chăm sóc giống các loại cam, quýt.

Ban đầu, ông học kỹ thuật trồng từ người bán giống và tự tìm hiểu thêm qua sách vở. Năm 2015, sau khi tham gia lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng măng cụt theo chuẩn VietGap do Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương tổ chức, ông đem kiến thức học được về áp dụng cho vườn cây của gia đình.

Ông Tỵ cho biết, chăm sóc cây măng cụt không khó mà cái khó hơn là tuân thủ các yêu cầu khi trồng theo VietGap. Chi phí đầu tư gồm giống, phân bón cho 1ha tốn khoảng 20 triệu đồng, trong đó cây giống khoảng 1,6 triệu đồng trên 200 cây. Ông tuân thủ kỹ càng các yêu cầu từ cách đào hố, bón lót, tỷ lệ đạm, lân, kali, phân chuồng để cây sinh trưởng tốt.

Tại Bình Thuận, mùa nắng kéo dài nên nước tưới là yếu tố quan trọng. Để vườn đủ nước, ông đào rãnh, mương dẫn nước vào vườn, xen giữa các hàng cây. Để tránh nắng cho cây, nhiều nhà vườn còn chăng lưới che. Riêng vườn ông, tận dụng thêm những cành dừa khô để chắn cho cây con thay lưới. Từ khi trồng đến nay, suốt 13 năm, vườn nhà ông chỉ xuất hiện kiến. Mỗi năm, ông chỉ xịt thuốc sinh học một lần.

Ông Tỵ tự tay chăm bón 1ha măng cụt, từ bón phân, làm cỏ, tỉa cành. Sau 5 năm, vườn măng cụt bắt đầu cho thu hoạch, năm sau cao dần hơn năm trước. Thời điểm thu hoạch từ tháng 3-4 Âm lịch hàng năm.

Vụ măng cụt 2017, ông Tỵ phấn khởi vì sản lượng tiếp tục tăng thêm 0,4 tấn so với vụ 2016. Giá bán tại vườn là 45.000 -50.000 đồng một kg. Giá cả các năm ổn định mang về đều đặn cho ông trên 100 triệu đồng mỗi năm. Theo ông, giá măng cụt ổn định như vậy là do chất lượng quả ngon, đều và thị trường tiêu thụ khá rộng. Ông cho biết, măng cụt có thể bảo quản cả tháng mà không bị hư nên chúng có thể vận chuyển ra thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Theo xu hướng phát triển của cây măng cụt, địa phương đang có các chủ trương khuyến khích hộ trồng giữ vững tiêu chuẩn trồng VietGap, liên kết thành hợp tác xã trồng măng cụt VietGap, tạo nền tảng hình thành vùng chuyên canh và xây dựng thương hiệu măng cụt địa phương.

Nguồn: VNE được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kính nể lão nông ‘gàn’ lên núi trồng rau công nghệ cao

Mới nghe chuyện có người lên núi trồng rau công nghệ cao, tôi cứ ngỡ ấy là việc làm của chàng thanh niên gàn dở nào đấy, không ngờ nhân vật đó lại là một nông dân đã chạm tuổi “cổ lai hy”!

Đã gần 70 tuổi, nhưng qua cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận từ ông toát ra sự năng động hừng hực. Ông nói về chuyện trồng rau công nghệ cao như một “ma men” nói đến rượu ngon.

Ông Ba Thành nói chuyện trồng rau CNC như “ma men” nói đến rượu ngon

Ông họ Ba tên Thành, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Lên núi kiếm cơm

Nhà nghèo, con đông, vốn liếng có mấy sào ruộng, vợ chồng ông Ba Thành dù có cố đến mấy cũng không thể nuôi nổi 5 đứa con ăn học. Bàn đi tính lại miết, cuối cùng vợ chồng ông Ba Thành dắt díu con cái rời nơi chôn nhau cắt rốn là thôn Lại Đức, kéo nhau lên vùng đồi núi quanh năm không bóng người, nằm trên địa bàn thôn Diễn Khánh ở xã Hoài Đức để bày cuộc làm ăn.

Đó là vào năm 1990. Khi ấy, con cái còn nhỏ, vợ chồng ông Ba Thành ngày đêm gắn với cây cuốc cái rựa để phát dọn, biến vùng đồi hoang vu ngày nào thành 6 sào đất bằng phẳng nhìn mát mắt.

Vốn con nhà nông, đi đến đâu ông Ba Thành cũng nghĩ đến cây lúa. Ngày ấy, cái đói luôn ám ảnh, nên cây lúa nhanh chóng xuất hiện trên vùng đất mới của ông Ba Thành. Nước tưới đã có những con suối từ trên núi chảy xuống cung cấp. Nhưng vì nằm cạnh núi, nên vùng đất ông Ba Thành khai hoang chẳng mầu mỡ gì mấy.

Lại thêm nạn chuột. Vào mùa mưa lũ, lũ chuột ở đồng bằng “sơ tán” hết lên núi ẩn nấp. Lũ qua, chúng kéo xuống cả đoàn, vậy là những ruộng lúa xanh mướt của ông Ba Thành trở thành nơi “chè chén” của chúng.

Không chỉ có chuột, những con thú trong rừng lâu lâu “đổi gió” xuống đồng cũng “góp tay” phá nát những đám lúa của ông. Đến mùa, số lúa thu hoạch được chẳng bõ công vợ chồng Ba Thành bỏ ra suốt mấy tháng trời.

Khó khăn kích thích năng động. Trồng lúa không hiệu quả, ông Ba Thành chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò. Phương án này hiệu quả trông thấy, vợ chồng ông rủng rỉnh tiền cho con đi đại học. Đến bây giờ, ông Ba Thành vẫn không dấu được tự hào khi nói: “Chính lũ trâu lũ bò ngày ấy đã nuôi ba đứa con lớn của tui học hành đến nơi đến chốn, giờ một đứa thành bác sĩ, một đứa giáo viên và một đứa đang làm trong ngành vật tư nông nghiệp TP.HCM”.

Khi đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, năm 2005, ông Ba Thành bắt tay đầu tư trồng cây lâu năm với 150 gốc bưởi da xanh và 150 gốc cam sành. Những loại cây ông chọn trồng cách đây hơn 10 năm bây giờ trở thành loại cây “thời thượng” trong bảng “xếp hạng” các loại cây ăn quả ở Bình Định.

Vườn bưởi da xanh của ông Ba Thành sẽ “hốt tiền” trong dịp Tết Mậu Tuất 2018

Ghé thăm trang trại của ông Ba Thành vào những ngày cuối năm 2017, đi dạo vườn, mắt tôi không thể rời những cây bưởi da xanh lúc lỉu quả non. Ông bảo, lứa bưởi này kịp bán Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Chừng này bưởi bán vào dịp tết để người ta chưng mâm ngũ quả là hốt tiền!

Khi đã có của ăn của để, và có thêm chân thêm tay của 2 người con trai nhỏ theo nghề nông của cha đỡ đần công việc, ông Ba Thành mở rộng quy mô chăn nuôi. Bò đã có 30 con, ông Thành xây dựng mấy dãy chuồng kiên cố để nuôi heo. Bây giờ, góc đồi hoang vắng ngày xưa thêm rộn ràng bởi tiếng kêu của 100 con heo thịt và 50 heo nái sinh sản, nhất là đến giờ chúng đòi ăn.

“Bén duyên” rau công nghệ cao

Dường như một việc làm hoài khiến ông buồn hay sao mà ông Ba Thành không để cái đầu ngơi nghỉ. Lần này, ông nghĩ đến cái điều mà tôi dám chắc, chưa một nông dân nào ở Bình Định dám nghĩ tới, đó là trồng rau công nghệ cao. Vốn liếng trong tay có 6 sào đất (500 m2/sào), bưởi cam chuồng heo chuồng bò chiếm mất 2 sào, còn lại 4 sào ông “quăng trất” vào công cuộc trồng rau công nghệ cao.

Tôi hỏi: “Điều gì dẫn dắt chú đến với rau công nghệ cao?”. “Từ báo chí. Tui mê nghề nông nên hễ báo chí nói gì đến nông nghiệp là tui đọc tuốt. Có bữa tui vớ phải tờ báo có bài viết về làm rau công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), tui đọc ngấu đọc nghiến. Đọc xong bài báo ấy thì chuyện trồng rau công nghệ cao cứ ám ảnh miết trong đầu. Ngủ mơ cũng thấy nhà màng, béc phun. Vậy là tui ghim trong ruột chuyện đó, quyết tâm sẽ có ngày mình làm!”, ông Ba Thành bộc bạch.

Những nhà kính trồng rau bề thế của ông Ba Thành trên ngọn đồi hoang vắng

Đi theo sau sự quyết tâm là cả chuỗi ngày dài tìm tòi học hỏi. Ở Bình Định chưa có nông dân nào làm, ông đành học từ các phương tiện truyền thông. Tivi thì xem chương trình nói về rau công nghệ cao, báo chí thì đọc những bài viết về rau công nghệ cao. Sợ mình tuổi già lú lẫn tiếp thu không hết, ông Ba Thành còn nhờ người con trai ở TP.HCM lên Đà Lạt học hỏi trực tiếp nông dân làm rau trên ấy rồi về truyền đạt lại. Cách làm nhà màng trồng rau như thế nào, con trai ông vừa quan sát vừa chụp ảnh, mang về diễn giải lại cho cha.

Tháng 5/2017, ông Ba Thành quyết định thực hiện ước mơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 4 nhà kính có tổng diện tích 2.000m2 bề thế với khoản đầu tư trên 500 triệu đồng. Nếu quy số tiền này ra heo ra bò thì không biết bao nhiêu con, nhưng đã “lỡ mê” là ông Ba Thành làm tới.

“Toàn bộ vườn rau của tôi được bao bọc kỹ bằng màn nhà kính do hãng Ginegar của Israel sản xuất. Nhà kính vừa ngăn côn trùng xâm nhập vào vườn gây hại rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng; bên cạnh đó hệ thống tưới nước tự động giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Ba Thành hồ hởi khoe.

Để đảm bảo đầu ra, ông Ba Thành trồng nhiều loại rau: Cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, cà tím… các loại rau ăn lá. Mỗi thứ một ít diện tích, theo kiểu cuốn chiếu để thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Để có được nguồn nước tưới rau, ông Thành phải đào giếng. Do là vùng đất đồi núi nên giếng ông đào phải sâu đến 70m mới có nước. Nước được bơm từ giếng lên chiếc bồn có dung tích chứa 7.000 lít đặt trên cao rồi được xả xuống hệ thống tưới tự động trong các vườn rau.

Hiện bình quân mỗi ngày vườn rau của ông Ba Thành cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 200kg rau các loại. Ngoài cửa hàng rau do con ông mở bán tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), rau của ông Ba Thành còn đi vào bệnh viện, các trường học. Tuy giá cả có đắt hơn rau ngoài thị trường, nhưng rau của ông Ba Thành vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Nhân viên siêu thị cũng đã ghé thăm vườn rau của ông đặt vấn đề thu mua, nhưng rau của ông không đủ bán. Ngoài vợ chồng và mấy đứa con suốt ngày lúc thúc trong những vườn rau, ông Ba Thành còn thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương ổn định gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Cái máu tìm tòi luôn “sôi” trong người, nên ông Ba Thành không ngừng “săn lùng” những giống rau mới mang về trồng. Ngoài những giống rau bản địa, hiện trong vườn rau của ông Ba Thành còn xuất hiện những dây dưa leo giống mới, nhập ngoại, cứ mỗi mắc đã cho 1 quả mà theo ông Thành, loại dưa này trồng chỉ 25 ngày là đã cho thu hoạch và giống dưa hấu Nam Mỹ.

Ông Ba Thành nói về những giống rau mới

“Ở Bình Định chắc chưa có ai trồng hai loại cây này, tôi bảo con trai mua giống về trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì tui sẽ nhân rộng trong những năm tới”, ông Ba Thành nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất tôm giống: Lượng và chất chưa song hành

Hiện nay, nếu xét về năng lực, các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt đó là vẫn còn một lượng lớn tôm giống không bảo bảo chất lượng cung cấp cho người nuôi.

Năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất tôm giống

Đủ lượng, thiếu chất

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, với sản lượng ước hơn 100 tỷ con. Những con số này cho thấy, công suất của các cơ sở sản xuất giống cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi.

Ông Phan Tuấn Cự, Giám đốc DNTN Tuấn Cự (Bình Thuận) cho biết, theo tính toán, muốn sản xuất được 100 tỷ con tôm thương phẩm thì nhu cầu giống phải có 400 – 500 tỷ con chất lượng. Các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được đủ con giống cung ứng cho thị trường. Thậm chí, nếu nhu cầu thị trường cần thì các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong nước có thể sản xuất được nhiều hơn con số trên. Song chất lượng vẫn là bài toán khó khi vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn đang sản xuất và cung ứng giống ra thị trường.

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và cung ứng tôm giống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam cho biết: “Số lượng cơ sở sản xuất tôm giống của ta hiện nay đủ về mặt số lượng nhưng ít về mặt chất lượng, như vậy nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc phát triển ngành tôm”.

“Tất cả cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hai đặc điểm hạn chế chung. Thứ nhất, nguồn tôm bố mẹ hầu hết được lấy từ hai nguồn. Một là khai thác, đánh bắt ngoài biển, đối với Việt Nam chúng ta là đánh bắt tại Vịnh Thái Lan. Hai là, nguồn tôm bố mẹ, như tôm thẻ chân trắng, được nhập khẩu tới hơn 90%. Có một số đơn vị trong nước đã tiến hành cung cấp tôm bố mẹ đã được gia hóa. Tuy nhiên, nguồn tôm có uy tín cũng đều là tôm nhập từ nước ngoài về. Thứ hai là vấn đề tổ chức sản xuất. Tất cả cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đồng bộ. Hạ tầng phần mềm, tức là khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất con giống cũng hạn chế, dẫn đến việc chưa chủ động sản xuất ra được tôm giống chất lượng cao”, ông Xuân chia sẻ thêm.

Rất cần giống tốt

Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) – một doanh nghiệp đang nuôi tôm công nghệ cao mùa đông cho biết: “Hiện, Công ty đang có 10 ao nuôi (8 ao rộng 1.800 m2, 1 ao 900 m2 và 1 ao 700 m2). Ngoài ra, còn có 2 ao ương với diện tích 500 m2/ao. Đối với nuôi tôm, có rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng phải đối diện với nhiều rủi ro, trong đó quan trọng nhất là vấn đề con giống. Công ty đang sử dụng tôm giống của Công ty C.P Bình Định. Nhìn chung, chất lượng tôm giống khá tốt, phát triển nhanh, tránh được các bệnh dịch; từ đó giúp Công ty nuôi tôm thành công với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay”.

“Công ty rất thận trọng trong việc lựa chọn con giống bởi đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành bại của một vụ nuôi. Chúng tôi sẵn sàng đặt hàng doanh nghiệp sản xuất tôm giống riêng cho Công ty dù phải mua với giá cao hơn, miễn sao chất lượng được đảm bảo”, ông Đường chia sẻ thêm.

Trên thị trường hiện nay, chất lượng tôm giống không đồng đều, thật giả lẫn lộn, giá mỗi nơi một kiểu. Với sản xuất công nghiệp quy mô lớn, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có đủ điều kiện, khả năng liên kết chặt chẽ với nơi sản xuất giống để mua được con giống tốt; Nhưng với những người dân nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít thì khó tiếp cận với cơ sở sản xuất giống tốt. Vậy làm thế nào để người dân không mua phải giống trôi nổi, giống chưa qua kiểm tra?

Nhiều chuyên gia cho rằng, người nuôi tôm nên mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường; cần phải liên kết với nhau để mua với số lượng lớn mà không cần qua trung gian. Việc liên kết này vừa giúp giảm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo sẽ tiếp cận được với tôm giống chất lượng. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên và đột xuất, từ đó có phân loại theo dạng cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A hay B hay C. Chứng nhận đó là cơ sở quan trọng để người dân phân biệt được chất lượng của cơ sở sản xuất giống và giá thành có tương ứng với chất lượng giống mình đang sử dụng hay không.

Từ đầu năm đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tổng cục An ninh (A86) – Bộ Công an và Công an kinh tế các địa phương (PA81) thành lập đoàn thanh tra đột xuất và tiến hành xử phạt nghiêm đối với nhiều cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Với những hành động quyết liệt này, hy vọng chất lượng tôm giống sẽ ngày càng được nâng cao, giúp người nuôi tôm hân hoan với những vụ nuôi thắng lợi, hoàn thành tốt các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra với ngành tôm Việt Nam.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Khoa học đánh thức nuôi trồng thủy sản miền Trung

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Tôm giống 

Những năm gần đây, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật có ứng dụng cao trong thực tiễn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã giới thiệu những giống mới, quy trình kỹ thuật nuôi mới giúp các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngày một đa dạng hơn về đối tượng nuôi.

Tiến bộ trong sản xuất thức ăn

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III (Viện III) cho biết, khu vực các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 60.000ha với điều kiện thiên nhiên ưu đãi (độ mặn cao và ổn định quanh năm). Các loại hình thủy vực, đối tượng nuôi, hình thức nuôi khu vực này đang ngày một đa dạng hơn, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn nơi đây.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về sản phẩm hải sản ngày càng tăng cao, nghề nuôi hải sản ở nước ta đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong đó hình thức nuôi công nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm định hướng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi hải sản công nghiệp ở các địa phương. Do vậy, nhu cầu thức ăn công nghiệp cho nuôi hải sản với số lượng lớn là xu thế tất yếu trong thời gian trước mắt và tương lai.

Mới đây, Viện đã nghiên cứu thành công đề tài “Công nghệ sản xuất thức ăn ương nuôi cá chình” góp phần đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp trong các doanh nghiệp nuôi lớn và một phần sẽ cung cấp thức ăn cho các trang trại có quy mô nhỏ ở các địa phương.

Hiện nay việc nuôi cá chình chủ yếu dựa vào thức ăn tươi, cá tạp tự chế biến (ước tính 100.000 tấn/năm) mang lại tác động xấu đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Một số trang trại tiến hành nhập khẩu thức ăn công nghiệp từ nước ngoài, tuy nhiên giá thành cao, thủ tục phức tạp và không chủ động nguồn thức ăn.

Theo ông Ninh, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzyme và một số nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam là một tiến bộ mới, là bước đột phá trong việc ứng dụng, phát triển ngành sản xuất thức ăn nuôi thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thức ăn cá chình nói riêng. Do từ trước đến nay chưa có nghiên cứu ứng dụng, công ty hoặc cơ sở nào sản xuất thức ăn cho cá chình từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước có bổ sung enzyme.

Ứng dụng enzyme để sản xuất thức ăn tổng hợp góp phần đảm bảo nghề nuôi phát triển bền vững. Sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, tạo ra sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao (giá thành thấp hơn 20 – 25% so với thức ăn nhập ngoại), làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho người nuôi, tiến tới thay thế thức ăn cá tạp nuôi cá chình, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình ở nước ta phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững.

Ngoài ra, Viện đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá chình, tạo ra được công thức thức ăn có hiệu quả kinh tế cao, hoàn thiện mô hình thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn công suất 500 kg/giờ, thay thế việc nhập máy móc từ nước ngoài.

Bên cạnh hiệu quả về nghiên cứu tạo ra thức ăn tổng hợp cho cá chình, mới đây Viện III đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống bể sử dụng nước tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho hay, sau 2 năm thực hiện, Viện đã thiết kế và vận hành hiệu quả hệ thống nuôi gồm bể nuôi và bể lọc sinh học, và chọn lựa được các thiết bị phụ trợ như máy bơm, máy xử lý nước, máy ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, máy cung cấp ô xy nguyên chất, thiết bị lọc…

Bể lọc sinh học sử dụng vật liệu sẵn có trong nước có hiệu suất lọc khá tốt, duy trì ổn định các yếu tố môi trường nuôi phù hợp cho tôm hùm bông phát triển, với tỉ lệ sống của tôm hùm bông nuôi trong bể đạt 70%.

Đến nay, nhóm tác giả bước đầu đã chủ động sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên sử dụng 100% nguyên liệu sẵn có trong nước, thay thế hoàn thức ăn tươi. Chi phí thức ăn để sản xuất 1kg tôm hùm bông ước tính 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy vào cỡ tôm.

Ông Ninh cho biết thêm, nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn nước bằng thức ăn công nghiệp là mô hình nuôi tiên tiến, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào (nước, thức ăn) do đó giúp giảm thiểu dịch bệnh và tạo sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi trong bể giúp hạn chế được rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, ít lệ thuộc vào thiên nhiên là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm của Việt Nam.

Phát triển công nghệ di truyền và sản xuất giống

Bên cạnh việc nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thức ăn, thì việc ứng dụng công nghệ trong di truyền chọn giống là rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ sống và độ tăng trưởng cho các loại thủy sản nuôi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ở Việt Nam, từ thập niên 90 các nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá chẽm đã bắt đầu nghiên cứu, đến nay công nghệ sản xuất giống cá chẽm đã đạt những kết quả nhất định. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang lưu giữ đàn cá bố mẹ là sản phẩm của đề tài di truyền chọn giống cá chẽm.

Đàn cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh so với đàn cá bố mẹ trước đây từ 10 – 15%, đã và đang được sử dụng cho việc sản xuất giống với công suất trại giống 2 – 3 triệu cá giống 3 – 5 cm/năm.

Sản xuất thành công giống cá vua song

Bên cạnh sản xuất thành công giống cá chẽm, mới đây, Viện III đã hợp tác nghiên cứu với Philippines và Úc phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua (cá mú nghệ), với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống ổn định và đạt hiệu quả cao để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá song vua tại Việt Nam.

Ông Ninh cho rằng, một trong những khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá mú nghệ chủ yếu do số lượng con giống sản xuất ra trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi nên vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại. Hiện nay, trong khu vực chỉ có Đài Loan có thể sản xuất giống đối tượng này với số lượng lớn và xuất giống đi các nước.

Đề tài phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua đã nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ. Cá bố mẹ đưa vào thuần dưỡng và nuôi vỗ có trọng lượng từ 20 – 35kg, tuổi cá từ 3 – 4 năm, được tuyển chọn từ đánh bắt ngoài tự nhiên. Thức ăn cho cá bố mẹ là các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cá tươi, mực, cua, ghẹ…

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Chuyên gia thực hiện kỹ thuật cấy ngọc vào trai ngọc nữ

Từ tháng 7/2017, trong khuôn khổ hợp tác với Úc, dự án phát triển nuôi trai cấy ngọc bán cầu tại bắt đầu thực hiện tại Viện III đã được các chuyên gia từ Úc và cán bộ Viện III tiến hành cho trai sinh sản. Kết quả thu được 5 triệu ấu trùng chữ D, và thu được 400 ngàn con giống điệp quạt với kích cỡ 1 – 3mm, hiện con giống đang được ương nuôi tại Viện III.

Ngoài ra, dự án cũng thử nghiệm cấy ngọc và thu được 71 viên ngọc bán cầu. Dự kiến trong năm 2018, dự án sẽ thực hiện việc ương giống, cấy ngọc quy mô lớn và chuyển giao công nghệ đến người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, với những chức năng và nhiệm vụ chính như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản… trong giai đoạn 2013 – 2016, Viện Nghiên cứu NTTS III đã chủ trì thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN các cấp (11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 cấp Bộ, 18 cấp Tỉnh và 6 nhiệm vụ nhánh) và 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như chọn giống, sản xuất giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản…

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trị, bệnh do vi khuẩn ở cá nuôi lồng bè

Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho vi khuẩn trong ao phát triển mạnh gây bệnh cho cá. Bài viết cung cấp một số bệnh phổ biến trên cá do vi khuẩn, dấu hiệu nhận biết và biện pháp chữa trị.

1. Những bệnh do vi khuẩn trên cá nuôi

1.1.Bệnh viêm ruột (đốm đỏ) ở cá

* Dấu hiệu bệnh lý:

  • Cá kém ăn hoặc bỏ ăn;
  • Cá bệnh bơi lờ đờ trên tầng mặt;
  • Da cá màu tối, mất nhớt khô ráp;
  • Xuất hiện các đốm đỏ trên thân;
  • Mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi, hậu môn sưng đỏ;
  • Khi cá bệnh nặng có biểu hiện hoại tử da và cơ;
  • Mổ cá kiểm tra thấy nhiều dịch màu hồng trong bụng cá. Các cơ quan nội tạng bị xuất huyết và viêm nhũn (dịch hóa).

* Tác nhân gây bệnh: Do nhóm vi khuẩn Aeromonas spp di động gây ra.

2.2.Bệnh thối mang

*Dấu hiệu bệnh lý:

  • Các tia mang thối nát, có dính bùn, lớp biểu bì phía trong mang xung huyết nên còn được gọi là bệnh mang đóng bùn.
  • Các tế bào tổ chức mang bị thối nát, ăn mòn và xuất huyết.
  • Bệnh này thường kết hợp với bệnh nhiễm trùng máu, xuất huyết (đốm đỏ).
  • Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu khi nhiệt độ nước 28- 35ºC.

* Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn dạng sợi Myxoccocus piscicolas.

2. Biện pháp phòng, trị bệnh do vi khuẩn

Việc trị bệnh do vi khuẩn cho cá rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao, vì vậy phòng bệnh rất quan trọng.

* Biện pháp phòng bệnh:

  • Đảm bảo môi trường nước tốt cho đời sống của cá, không để cá bị sốc do môi trường thay đổi xấu.
  • Định kỳ treo túi vôi vừa có tác dụng khử trùng vừa giúp kiềm hoá môi trường nước.
  • Mùa xuất hiện bệnh: 2 tuần treo một lần.
  • Mùa khác: một tháng treo 1 lần.
  • Lượng vôi: trung bình 2 kg vôi nung/10m3 lồng
  • Bè lớn treo nhiều túi và bè nhỏ treo ít túi tập trung ở chỗ cho ăn và phía đầu nguồn nước chảy.
  • Trước và trong mùa xuất hiện bệnh cho cá ăn: Cung cấp thêm lượng vitamin C, lượng dùng thường xuyên từ 20-30mg Vitamin C/1 kg cá/ngày.

* Biện pháp trị bệnh:

  • Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp xử lý kịp thời. Việc chữa trị chỉ hiệu quả khi phát hiện sớm, chẩn đoán đúng bệnh và trị bệnh các biện pháp hợp lý.
  • Khi phát hiện cá có các dấu hiệu của 2 loại bệnh trên cần áp dụng các biện pháp trị bệnh như sau:
  • Tăng sức để kháng cho cá nuôi: trộn vitamin C vào thức ăn rồi cho cá ăn. Đồng thời treo túi vôi ở đầu dòng nước chảy vào lồng.
  • Cho cá ăn thuốc kháng sinh: trộn kháng sinh vào thức ăn đúng liều lượng hướng dẫn. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày, từ ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày đầu.
    – Oxytetracyclin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Steptomycin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Kanamycin: 10-12g/100kg cá/ngày
    – Sulphamid: 1,5-2g/100kg cá/ngày
    – Erythromycin: 2-5g/100kg cá/ngày
  • Kết hợp với việc đánh diệt khuẩn cho ao nuôi.

Nguồn: TTKNQN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.