Công nghệ số giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của Bò Sữa

Những thiết bị gọn nhẹ có thể tự động gửi thông báo đến chủ trang trại nếu bò gặp vấn đề sức khỏe.

Vòng cổ thông minh (Smart Collar) là một thiết bị công nghệ phân tích sự thay đổi trong hành vi của bò có liên quan thế nào đến sức khỏe chúng, từ đó thông báo đến người chủ trang trại qua hệ thống máy tính và điện thoại.

Thiết bị này đã được dùng để theo dõi sức khỏe của những chú bò tại một trong trại ở Scotland từ năm 2010. Ban đầu vòng cổ được thiết kế và phát triển bởi một startup có tên là Glassgow. Chức năng duy nhất là theo dõi khả năng sinh sản của bò bằng cách theo dõi những hoạt động của chúng.

Bò sẽ di chuyển nhiều hơn khi chúng có nhu cầu sinh sản. Dựa vào đặc điểm này, thiết bị sẽ thông báo với người chủ trang trại khi những con bò đã sẵn sàng giao phối qua tin nhắn đến điện thoại hoặc máy tính.

Hiện nay, nhiều chức năng mới đã được thêm vào từ khi Afimilk – một công ty chuyên phát triển công nghệ trong ngành chế biến sữa được chuyển giao và tiếp tục nghiên cứu để phát triển vòng cổ thông minh.

Những chiếc vòng đeo cổ giúp người nông dẫn giám sát được những thay đổi về sức khỏe của chúng.

Những chức năng mới đã được thêm vào cho chiếc vòng như: phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật bằng cách kiểm tra thời gian trung bình mỗi con bò ăn uống và nhai lại. Sau khi phân tích thông tin, báo cáo sẽ được gửi đến điện thoại của người chủ trang trại nếu các hoạt động này có dấu hiệu suy giảm.

Richart Dewhurst – người chuyên nghiên cứu về vấn đề dinh dưỡng cho động vật ở trường đại học nông nghiệp Scotland cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm thêm nhiều sự thay đổi hành vi nhạy cảm của bò và mối liên hệ đến các vấn đề sức khỏe như đi khập khiễng hoặc bị nhiễm axit”. Các nhà khoa học đang phát triển thuật toán để phân tích các dữ liệu thu thập được từ những chiếc vòng cổ.

Trong một phần nghiên cứu khác, Dewhurst phân tích nồng độ xeton và sulfua trong hơi thở của mỗi con bò để tìm hiểu về sự thiếu ăn, sự phân hủy của các mô hay việc thiếu hụt protein trong chế độ ăn của chúng.

Ngoài dùng vòng theo dõi, camera cảm ứng nhiệt cũng được phát triển để theo dõi những vấn đề sức khỏe của bò.

Bệnh viêm vú trên bò sữa là căn bệnh có nguyên nhân từ việc bò bị nhiễm trùng tuyến vú, chính là bệnh phổ biến nhất ở bò sữa. Để phát hiện căn bệnh này, những máy quay cảm ứng nhiệt đã được đặt trong chuồng để có thể nhận ra những điểm nóng hoặc nhiễm trùng trên núm vú, điều này giúp bò có thể được điều trị sớm hơn.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu phát triển một thiết bị để gắn lên tai của những chú bò nhằm giúp phát hiện mức độ căng thẳng.

Theo Berkmans một nhà nghiên cứu động vật cho hay, bò càng căng thẳng thì mức độ dinh dưỡng trong thịt lại càng suy giảm. Chính vì vậy thiết bị đeo vào tai sẽ giúp phát hiện và thông báo cho người nông dân kịp thời qua hệ thống điện thoại và máy tính khi có vấn đề xảy ra.

Nguồn: Nature được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Ghẹ xanh trên biển

Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đang thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng hải sản: tôm hùm thương phẩm, tôm hùm giống, ốc hương…

Năm 2014, phát triển một mô hình nuôi trồng hải sản mới: nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển.

Giá trị lớn

Ghẹ xanh (Portunus pelagicus), còn gọi là ghẹ hoa, có vỏ màu xanh và các chấm trắng trên lưng. Ghẹ xanh được khai thác quanh năm, có sản lượng khá nhiều ở Bình Định nói riêng và khắp vùng biển từ Bắc vào Nam nói chung. Với sản lượng khai thác tự nhiên như hiện nay, một số hộ ngư dân đã nuôi ghẹ xanh thương phẩm trong ao, hồ, đầm, vịnh, đìa; thả đăng, thả lồng nuôi trên biển… để xuất bán; ngoài ra còn nuôi ghẹ lột vỏ.

Ghẹ xanh có giá trị dinh dưỡng cao

Mùa vụ thả nuôi ghẹ xanh từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Thức ăn của ghẹ xanh là cá, mực nhuyễn thể… Nguồn ghẹ cỡ nhỏ dồi dào có trong tự nhiên lâu nay được ngư dân đánh bắt và bán cho thương lái, bán ở các chợ, với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg. Một kg ghẹ ban đầu có thể tăng trọng lượng 1,3 – 1,5 kg, sau khi đưa vào nuôi thành ghẹ lột. Ghẹ lột là đặc sản ngon, bổ dưỡng và hiếm, có giá trị kinh tế nên giá đầu ra cao gấp 3 – 4 lần so với sản phẩm thô ban đầu.

Hướng đi hiệu quả mới

Trong khuôn khổ dự án nuôi trồng thủy sản thực hiện theo đề án xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Hải, giai đoạn 2011 – 2020, Tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Hải chủ trì đã thả nuôi hơn 2.500 con ghẹ xanh giống, trên diện tích hơn 300 m2 (nuôi bằng hình thức thả đăng) tại đảo Hòn Khô. Trong đó, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 75 triệu đồng, Tổ hợp tác Hội CCB xã gồm 7 thành viên tham gia nuôi ghẹ xanh bỏ vốn 10 triệu đồng/người, thời gian thực hiện mô hình là 3 năm. Nguồn ghẹ giống ngư dân đánh bắt trong tự nhiên được mua tại TP Quy Nhơn về thả nuôi. Giá ghẹ giống 28.000 – 35.000 đồng/kg (khoảng 40 – 50 con/kg). Nuôi thương phẩm 3 tháng thì xuất bán. Giá ghẹ xanh thương phẩm trên thị thường hiện nay 180.000 – 250.000 đồng/kg.

Nuôi ghẹ xanh trên biển là hướng đi mới cho ngư dân

Đây là mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm đầu tiên ở địa phương, bên cạnh nhiều mô hình nuôi hải sản (tôm hùm thương phẩm, tôm hùm giống, ốc hương thương phẩm, cá bóp…). Cùng đó, ngành nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản là những ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác an sinh – xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển hướng đến sự phát triển mới với nhiều mô hình trong nuôi trồng hải sản ở Bình Định. Thị trường tiêu thụ ghẹ xanh đang khá mạnh, mở ra một hướng sản xuất mới cho người nuôi trồng.

Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Hải, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ghẹ xanh, cho biết: Dự án nuôi ghẹ xanh trên biển được triển khai nhằm tạo công ăn việc làm để hội viên CCB phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, đồng thời thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Hải. Từ đó, nhân rộng mô hình ra cho hội viên và ngư dân trong xã để tham gia nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia đình.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá Chẽm công nghiệp tại Sóc Trăng

Với thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng, nghề nuôi cá chẽm giúp những công nhân làm việc tại trang trại nuôi cá ở Sóc Trăng có thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng từ lâu đã trở thành một trong những điểm mạnh đối với ngành thủy sản của tỉnh nói riêng và nước ta nói chung. Từ vùng ao và kênh rạch bỏ trống, người dân nơi đây đã cải tạo thành các khu ao nuôi cá chẽm, đảm bảo nguồn cung ứng cho người tiêu dùng.

Cá chẽm là một trong những thực phẩm có giá thành cao do thịt trắng thơm và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng cá chẽm trong tự nhiên sau nhiều lần khai thác không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ gia đình tại Sóc Trăng đã lấy cá tự nhiên mang về nhân giống và thực hiện quy trình nuôi công nghiệp nhằm tạo nguồn cung ổn định.

Thời gian đầu, khi áp dụng nuôi cá chẽm, các hộ chủ yếu để cá phát triển giống như ngoài tự nhiên bằng việc cung cấp thức ăn tươi sống. Do đó, khó khăn gặp phải là người dân khó tìm được nguồn thức ăn ưa thích thường xuyên cho cá. Không những vậy, đặc tính của giống này là cá lớn ăn cá bé nên những con phát triển sẽ ăn những con nhỏ hơn. Điều này khiến nhiều hộ rơi vào tình trạng khó khăn, lợi nhuận khi thu hoạch thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra mua giống.

Ao nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng.

Trước tình hình đó, trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã tìm cách tạo nguồn cá giống, nguồn cung cấp thức ăn ổn định và quy trình nuôi nhốt nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch.

Theo anh Dũng, chủ trang trại Ngọc Hường, do đặc tính tự nhiên của cá chẽm là ăn thịt tươi nên không thể nuôi chung với các loại cá khác. Bên cạnh đó, loại cá này còn có xu hướng ăn thịt lẫn nhau nên giai đoạn thuần dưỡng con giống khi mới nuôi gặp nhiều khó khăn.

Cá chẽm sau khi thu hoạch được vận chuyển tới địa điểm tiêu thụ. 

Tuy nhiên, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương, những năm qua, trang trại Ngọc Hường đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp với quy trình khép kín, quản lý chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật nuôi tới xây dựng ao hồ, hoàn thiện hệ thống sục khí hiện đại. Toàn bộ quy trình này được giám sát bởi Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng. Trang trại hiện có khoảng 12 ha nuôi cá chẽm công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 30 nhân công địa phương.

Anh Dũng cho biết, 30 nhân công làm việc tại trang trại có mức thu nhập ổn định 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, trang trại còn hỗ trợ ăn trưa, các sinh hoạt cơ bản cho những người cần phải ở lại trại nuôi trong thời gian dài. Nếu tiết kiệm, họ có thể để ra được một khoản tiền không nhỏ.

Hiện, Sóc Trăng có nhiều trang trại áp dụng mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho các công ty chế biến hải sản nội địa và quốc tế. Trong đó, một số trang trại hình thành xu hướng mở rộng và phát triển để trở thành nhà cung cấp trực tiếp trên thị trường.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi Ghẹ xanh lột thương phẩm

Ghẹ xanh là đối tượng khai thác rất lớn ở vùng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là vùng biển Phước Hải. Sản lượng khai thác không chỉ nhiều mà chất lượng thịt ghẹ cũng rất ngon cho nên thương hiệu ghẹ Phước Hải đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.

Ghẹ lột

Tuy nhiên, nguồn ghẹ thịt dồi dào có trong tự nhiên lâu nay chỉ bán ở các chợ hoặc bán cho lái buôn với giá 50.000 -100.000 đồng/kg. Trong khi đó, ghẹ lột là loại hàng thương phẩm có giá trị cao về kinh tế và dinh dưỡng, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Giá ghẹ lột có thể cao gấp 2-3 lần so với giá ghẹ thô ban đầu nên hiện nay nghề nuôi ghẹ lột thương phẩm trở thành nghề mang lại thu nhập cao.

1. Thiết kế bể nuôi ghẹ xanh lột

–   Nuôi trong bể xi măng 5×5= 25 m2, có che bớt ánh sáng bằng lưới chắn để nhiệt độ trong bể nuôi không quá 300C

–    Các yếu tố thủy lý, thủy hóa: nhiệt độ nước dao động 25-300C, độ muối duy trì 30– 33 %o oxy hoà tan 6,2 – 6,5mg/l và pH khoảng 7,8-8

–    Bể nuôi phải được sục khí liên tục 24/24 giờ và thay nước 100%/ngày

2. Hướng dẫn cách chọn ghẹ xanh làm ghẹ giống

Ghẹ xanh nuôi lột chọn cỡ từ 15 – 20 con/kg, trọng lượng từ 50 – 70g/con. Chọn những con chắc thịt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đủ chân càng và mai yếm không bị dập nứt. Trường hợp những con hình thành lớp vỏ mới chuẩn bị lột xác, khỏe mạnh có đủ chân càng nuôi riêng.

Kỹ thuật xử lý để ghẹ lột đồng loạt      

Để ghẹ xanh lột vỏ đồng loạt có thể áp dụng biện pháp cắt mắt và trộn chất Chitosan 1% vào thức ăn cho ghẹ ăn.

Sau khi tuyển ghẹ nuôi lột, cho ghẹ vào bể có sục khí nuôi lưu từ 10-12 h để ghẹ hồi sức và ổn định. Bổ sung Vitamin C vào bể nuôi để tăng thêm sức đề kháng cho ghẹ.

Khi kiểm tra ghẹ đã khỏe mạnh, giảm nhiệt độ nước xuống còn 20-220C và thực hiện cắt mắt. Dùng kéo đã khử trùng để cắt mắt ghẹ.

– Cắt mắt: Đốt nóng kéo hoặc dùng cồn khử trùng kéo cắt. Một người cầm giữ ghẹ, một người cắt, vết cắt tính từ gốc mắt ra là 2-3 mm. Sau khi cắt mắt tiếp tục nuôi thêm 10-12 h trong bể để ghẹ ổn định. Khi trời mát cho ghẹ vào bể nuôi lột.

– Cho ăn thuốc: Cá tươi rửa sạch trộn với chất kích thích lột vỏ của giáp xác là chất Chitosan với nồng độ 1%, có thể dùng dầu mực bao thức ăn để tăng khả năng của thuốc. Ghẹ cắt mắt sử dụng chất Chitosan trong vòng 14 ngày ghẹ lột vỏ đồng loạt, tỷ lệ 70 – 80%.

3. Hướng dẫn cách chăm sóc và quản lý ao nuôi ghẹ xanh lột

Thức ăn cho ghẹ lột là cá tạp tươi cắt thành miếng nhỏ, rửa sạch và rải đều khắp bể cho ghẹ ăn. Lượng thức ăn hàng ngày từ 10-20% trọng lượng thân và tùy thuộc vào sức ăn của ghẹ.

Ngày cho ghẹ ăn 2 lần vào buổi sáng (5-6h) và chiều (17-18h), cho ghẹ ăn lúc mới thay nước và tránh cho ăn lúc nhiệt độ cao. Những ngày đầu ghẹ ăn nhiều, sau ngày thứ 9, 10 trở đi sức ăn của ghẹ giảm và bắt đầu lột.

Kiểm tra: Sau từ 9 đến 14 ngày nuôi, một số ghẹ đã chuyển sang giai đoạn chuẩn bị lột. Người nuôi dùng ngón tay ấn nhẹ vào mép dưới mai ghẹ sẽ nghe thấy tiếng gãy của mai. Tách riêng những con chuẩn bị lột sang bể nuôi mới, thay nước để kích thích ghẹ lột, thay 100% nước hàng ngày và giữ nhiệt độ nước ổn định từ 28 – 30ºC. Ghẹ sắp lột vỏ không cho ăn, 2 – 3 giờ kiểm tra 1 lần, chú ý thay nước sạch cho ghẹ lột nhanh.

Cách nhận biết ghẹ chuẩn bị lột: Màu sắc trên lưng ghẹ chuyển từ màu xanh sau khi cắt mắt sang màu xanh hơi đỏ và chuyển tiếp sang màu xanh nâu hơi đậm.

Công việc lọc ghẹ lột được thực hiện liên tục vì sau khi lột vỏ hoàn toàn phải tiến hành thu hoạch và bảo quản ngay vì chỉ 2 giờ sau khi lột vỏ ghẹ đã cứng lại

Thời gian ghẹ lột nhiều nhất từ 17 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

4. Cách thu hoạch ghẹ xanh lột Ghẹ vừa lột được rửa sạch bằng nước ngọt ở nhiệt độ 150C, đem ghẹ lên cắt yếm, cắt ruột và gói vào bao nilon, sau đó xếp từng con vào trong vỉ, bảo quản lạnh và chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Công nghệ sản xuất giống cá Chép V1

Cá chép V1 là kết quả của chương trình chọn giống cá chép và lưu giữ nguồn gen thuỷ sản, do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Mai Thiên nguyên Viện trưởng chủ trì và tập thể cán bộ công chức Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I thực hiện.

Cá chép V1 đã tập hợp được những đặc điểm di truyền quý : Chất lượng thịt thơm ngon, khả năng chống chịu bệnh tốt của cá chép Việt Nam. Thân ngắn và cao cùng tốc độ tăng trọng nhanh của cá chép Hungary, đẻ sớm và trứng ít dính của cá chép Inđônêxia.

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá đưa vào nuôi vỗ có ngoại hình đẹp, khoẻ mạnh không có biểu hiện mắc bệnh. Cá đực từ 0,8 kg/cá thể trở lên, cá cái từ 1,0 kg/cá thể trở lên. Cá đực và cá cái được nuôi riêng ở các ao khác nhau với mật độ 1 kg/4 – 5m2.

Thời gian nuôi vỗ:

Cá được nuôi vỗ từ cuối tháng 9 năm trước, đến tháng 2 năm sau cá có thể bắt đầu sinh sản.

Chăm sóc:

Liều lượng thức ăn chiếm 3 – 5% trọng lượng quần đàn. Nuôi vỗ tích cực hàm lượng thức ăn được giảm dần từ 5 – 3% tuỳ thuộc vào thể trạng cá qua kiểm tra định kỳ (1 tháng một lần). Nuôi vỗ thành thục thường trước khi cho cá đẻ từ 30 – 45 ngày đối với chính vụ và 10 – 15 ngày với cá đẻ tái phát. Trong thời gian nuôi vỗ thành thục cần cho cá ăn thêm mầm thóc.

Chọn cá cho đẻ

Chọn cá cái có bụng mềm, phần phụ sinh dục màu hồng. Hạt trứng rời nhau, căng đều, màu sáng trắng. Cá đực được chọn là những cá thể khi vuốt nhẹ bụng gần phần phụ sinh dục thấy có sẹ màu trắng sữa.

Kích dục tố

Kích dục tố thường dùng là LRH-A kết hợp với DOM. Cá cái được tiêm kích dục tố 2 lần. Lần 1 tiêm 1/4 – 1/5 lượng thuốc cần tiêm, sau khoảng 6 đến 8 giờ tiêm hết số thuốc còn lại. Cá đực chỉ tiêm 1 lần, trước khi tiêm lần 2 cho cá cái khoảng 2 giờ.

Thu trứng và sẹ

Trứng cá được vuốt vào bát men hoặc nhựa có đường kính khoảng 18 – 22 cm, lòng bát phải trơn bóng. Sau khi đã thu được trứng cần nhanh chóng vuốt sẹ vào bát trứng để thụ tinh cho trứng. Trứng của mỗi cá cái cần được thụ tinh tối thiểu bởi tinh của 3 cá đực.

Thụ tinh cho trứng

Sử dụng lông vũ khô của gia cầm khuấy nhẹ nhàng, đảo đều trứng với sẹ trước khi cho 5 – 10 ml nước sạch vào bát trứng. Sau khi cho nước sạch vào tiếp tục khuấy thêm 1 – 3 phút.

Khử dính cho trứng

Trứng được khử dính bằng dung dịch nước dứa (DDKD). Lượng DDKD thường gấp 5 – 7 lần khối lượng trứng cần được khử dính.
Ðổ khoảng 1/3 – 1/4 lượng DDKD vào bát trứng đã được thụ tinh khuấy đều cho trứng tách rời nhau. Sau đó bổ sung số lượng DDKD còn lại, nhẹ nhàng khuấy đều từ 20 – 25 phút tuỳ thuộc vào nhiệt độ không khí tại thời điểm khuấy trứng. Sau 20 – 25 phút kiểm tra độ dính của trứng, nếu trứng không dính lại với nhau là được.

Ấp trứng

Trứng đã khử dính, rửa sạch được ấp trong bình vây có thể tích 300 lít với mật độ tối đa 40.000 trứng/lít.
Lượng nước qua bình khoảng 4 lít/giây. Trong quá trình ấp trứng cần vệ sinh mạng tràn thường xuyên, nhất là khi trứng nở.

Ương nuôi cá bột lên cá hương

Cá bột được ương nuôi trong ao với mật độ 100 – 150 cá thể/m2. Dùng bột đậu tương nghiền mịn trong 7 ngày đầu, 7 ngày tiếp theo sử dụng thức ăn dạng bột mịn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phòng, trừ bệnh xuất huyết cho cá chép

Bệnh xuất huyết trên cá chép là một trong những bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xuất huyết ở cá chép. Để phòng và trị bệnh, ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để đưa ra cách chưa trị phù hợp và nhanh chóng.

Triệu chứng bệnh: Dưới lớp vảy cá ở phần bụng, phần đuôi và vây cá bị xung huyết chuyển sang màu hồng. Cá mắc bệnh nổi lên gần tầng nước lạnh hoặc mặt nước, tụ thành bầy đàn, tốc độ bơi giảm dần và chết. Bệnh xuất huyết ở cá chép có một số dạng:

Bệnh bại huyết: Cá bệnh bề ngoài trông bình thường hoặc phía dưới lớp vảy ở vùng bụng bị xung huyết chuyển thành màu hồng, khi giải phẫu cá mắc bệnh thấy bên trong ứa ra máu loãng, các nội tạng có những đốm tụ huyết. Loại bệnh này do vi khuẩn Aeromonas gây nên.

Bệnh xuất huyết mang cá: Các tơ ở mang cá bị sưng lên, toàn bộ tơ mang cá xuất hiện nhọt động mạch, màu sắc tơ mang cá bị nhạt đi, khi bệnh đã nặng dịch huyết có màu như màu cà phê, ngay cả khi nồng độ ô-xy hòa tan trong ao nuôi cá đầy đủ vẫn thấy xuất hiện hiện tượng cá nổi đầu lên mặt nước.

Bệnh xuất huyết tính lặn: Khi cá mắc bệnh mới nổi lên mặt nước thì màu sắc vẫn bình thường, chất nhầy trên cơ thể rất ít, sau khi bắt nuôi trong hồ lưới từ 2-3 giờ, cơ thể cá xuất hiện hiện tượng xung huyết, trong đó một bộ phận nhỏ hàm trên của cá chuyển sang màu hồng, khoảng 7 tiếng sau thì cá chết. Giải phẫu cá bệnh thấy trong gan cá có mỡ, gan to. Nguyên nhân gây ra loại bệnh này là do cho cá ăn thức ăn có hàm lượng protein cao trong một thời gian dài.

Bệnh xuất huyết tính trội: Cá mắc bệnh bị xung huyết ở dưới vảy bụng, phần đuôi cá và mang cá; vây đuôi, vây lưng có màu hồng như máu. Khi giải phẫu cá bệnh thấy gan cá và túi mật sưng to, sắc nhạt. Nguyên nhân gây bệnh giống nguyên nhân gây bệnh xuất huyết tính lặn.

Cách phòng và điều trị bệnh:

– Cải thiện môi trường nước: Ngăn bờ và thay nước, định kỳ rắc bột vôi sống để tẩy trùng.

– Rắc muối: 5 phút trước mỗi lần cho ăn, rắc khoanh vùng nơi cá ăn khoảng 3-4 kg muối ăn, mỗi ngày 1-2 lần.

– Tiêu độc cho cá: Lúc thả cá giống, tốt nhất nên dùng muối ăn và thuốc muối bột nở (Bicarbonate) tỷ lệ 3:2 hòa tan trong nước rồi ngâm cá giống trong dung dịch đó từ 5-10 phút.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Chép Giòn

Bí quyết để nuôi cá chép giòn rất đơn giản. Cá chép loại thường trước khi thu hoạch khoảng 3 – 5 tháng cho ăn một loại thức ăn đặc biệt đó là hạt đậu tằm (còn gọi là đậu ván đỏ, đậu răng ngựa), cá sẽ trở thành cá chép giòn. Da thịt cá trở nên săn chắc và khi ăn có độ giòn và hương vị đặc biệt.

Dưới đây là các bước quy trình kỹ thuật nuôi cá chép giòn mang lại hiệu quả cao nhất.

Chuẩn bị ao, lồng nuôi

Ao, lồng nuôi nên bố trí, thiết kế ở những nơi có nguồn nước trong sạch, không có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt chảy vào.

– Đối với ao: Ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2. Đáy ao được cải tạo, san bằng, nghiêng về cống thoát nước. Độ sâu của ao lớn hơn 2 m, độ sâu của mực nước từ 1,5 – 2 m. Nuôi cá chép giòn trong ao yêu cầu có thiết bị phụ trợ tạo dòng chảy, có thể dùng máy bơm hoặc bố trí quạt nước. Đây là yêu cầu quan trọng kích thích cá thường xuyên bơi lội, hoạt động để cho thịt cá nhanh giòn hơn.

Trước khi đưa cá vào nuôi cần tháo cạn nước, nạo vét bùn. Sau đó dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp; liều lượng dùng từ 7 – 10 kg/100 m2, phơi nắng 3 – 5 ngày. Ao sau khi cải tạo, cấp đủ lượng nước trong ao từ 1,5 – 1,8 m, nước cấp vào ao phải đảm bảo trong sạch, không bị nhiễm bẩn, hạn chế nước cấp bị vẩn đục.

Khi nuôi cá chép giòn nguồn nước phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm bẩn, hạn chế nước cấp bị vẩn đục.

– Đối với lồng: Nếu lồng cá có diện tích lớn thì phải chọn những nơi có độ sâu 3,5 – 4 m. Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông, có dòng nước chảy liên tục, mực nước sông tương đối điều hoà và phải cao hơn chiều cao ngập nước của lồng từ 0,3 – 0,5 m.

Phương pháp và mật độ thả

Trước khi tiến hành các thao tác như vận chuyển đến ao, lồng nuôi mới hoặc san thưa, cần tiến hành ép cá bằng phương pháp cho cá nhịn ăn khoảng 1 ngày. Chuyển cá vào lúc trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối.

Cá đưa vào nuôi vây vẩy hoàn chỉnh, không xây xát, không mất nhớt, cỡ cá đồng đều. Trạng thái hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn; không có dấu hiệu bệnh.

Cá chép giòn có thể nuôi được 1 – 2 vụ/năm, thời gian 3 – 5 tháng/vụ; Cá được chọn nuôi có kích thước lớn từ 1,2 – 1,8 kg. Mật độ nuôi trong ao 0,5 – 1 con/m2, mật độ nuôi lồng 5 – 7 con/m3, tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc.

Cá chép nuôi khoảng 9 tháng khi đạt trên 1 kg, lúc này người nuôi mới vỗ béo bằng đậu tằm để quyết định độ giòn của thịt cá.
Biện pháp cho cá ăn đậu tằm

– Cách chế biến thức ăn: Trước khi tiến hành cho cá ăn, người nuôi phải ngâm hạt đậu tằm với nước từ 12-24 giờ (tùy theo nhiệt độ không khí), những hạt to phải cắt ra làm đôi. Sau đó đãi thật sạch và trộn với 1-2% muối, để trong thời gian 10 -15 phút rồi mới bắt đầu cho ăn. Đây là cách chế biến thức ăn khá phổ biến trong kỹ thuật nuôi cá chép. Cho ăn sau 3 tiếng thì quan sát xem cá có ăn hết hay không. Nhờ đó dễ dàng cân đối, điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp.

– Cách cho ăn: Nên luyện cho cá chép ăn đậu tằm bằng cách bỏ đói, không cho cá ăn gì trong vòng 5 ngày, sau đó bắt đầu cho cá ăn đậu tằm. Trong 5 ngày tiếp theo, cho cá ăn đậu tằm với khẩu phần 0,03% khối lượng thân vào lúc 16h chiều, vì đây là thời gian thích hợp để cá hấp thu thức ăn. Sau đó tăng dần khẩu phần ăn lên 1,5-3,0 % khối lượng cá trong ao.

Khi cho ăn, hạt đậu rất dễ bị chìm nên thả đậu cho cá ăn từng ít một. Lượng thức ăn hàng ngày của cá được tính theo 2 – 3% tổng trọng lượng cá nuôi trong ao. Dùng nhá để điều chỉnh lượng thức ăn, nhá được làm từ khung sắt có đường kính 80cm, rộng từ 3 – 4m2, chiều cao đáy 25 – 30cm. Một ngày cho cá ăn 1 lần, nhá được đặt ở đáy ao . Nhá được vây xung quanh 1 lớp lưới để giữ cho đậu không bị trôi ra ngoài. Trong suốt quá trình dùng nhá, phải đình kỳ kiểm tra, vệ sinh tối thiểu 4 lần/tháng để phòng bệnh cho cá.

Các loại đậu có thể cho cá ăn nhằm tăng độ giòn.

Thức ăn cho cá phải được kiểm tra sát sao hàng ngày thông qua sàng cho ăn.

Kỹ thuật nuôi

Trong thời gian đầu không được cho cá ăn gì khác ngoài đậu tằm, và sau khi cho cá ăn đậu khoảng 3 tiếng thì kiểm tra xem cá có ăn hết hay không, hoặc ăn nhiều, ít để có kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp.

Hạt đậu tằm sẽ có xu hướng chìm nhanh, vì vậy khi cho cá ăn chỉ cần rải từng ít một để tránh lãng phí thức ăn, và cho cá ăn tùy vào nhu cầu ăn của cá hàng ngày.

Cách nuôi cá chép đúng là cho cá ăn 2 lần/ngày vào lúc 8 – 10h và 16 – 18h, thức ăn cho vào máng đặt ở đáy ao, lồng nuôi (máng làm bằng khung sắt có đường kính 6 cm, diện tích máng 4 – 5 m2, chiều cao máng 25 – 30 cm). Xung quanh máng được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài.

Trong quá trình sử dụng máng cần định kỳ vệ sinh máng ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo phòng bệnh cho cá nuôi được tốt hơn.

Phòng bệnh

Định kỳ 1 tháng/lần bổ sung thêm Tiên Đắc I trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 100 g thuốc/500 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 3 ngày. Hoặc sử dụng tỏi xay nhuyễn với lượng 3 – 5 g/kg thức ăn. Ngoài ra có thể dùng Vitamin C, vitamin tổng hợp với liều lượng 30 mg/kg thức ăn.

Kiểm tra cá trong ao, lồng nếu thịt cá đạt độ giòn nhất định thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày cho cá nhịn ăn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật cho cá Chép đẻ tự nhiên trong ao

Cá chép thuần chủng có thể tự sinh sản được trong ao. Tuy vậy, ở nhiều nơi, do cá trong ao bị lai tạp và thoái hoá, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cá nuôi. Trong bài này sẽ giới thiệu cách cho cá chép đẻ tự nhiên theo phương pháp đơn giản để các hộ gia đình có thể chủ động sản xuất được con giống chất lượng cao, đúng thời vụ.

1. Mùa vụ cho đẻ:

Mùa đẻ chính của cá chép là mùa xuân và mùa thu. Trong thời gian này, vào những ngày mưa rào, có thể nhìn thấy từng đàn cá chép vật đẻ. Theo từng nhóm, cứ 2 – 3 con đực kèm sát 1 con cái, bơi lội ven bờ sông hoặc đầm ao, nơi có nhiều cây cỏ, rong, bèo để làm chỗ dựa vật đẻ. Các con đực tranh nhau đến cọ thân mình vào con cái. Cá cái được kích thích sinh dục uốn mình vật vã làm cho trứng phọt ra ngoài. Vỏ trứng cá chép có chất dính nên bám vào cỏ cây, rong, bèo. Ðồng thời lúc đó, cá đực phun ngay tinh dịch, tinh trùng bơi trong nước gặp trứng làm cho trứng thụ tinh. Dựa vào tập tính sinh đẻ của cá chép trong tự nhiên, người ta đã nghiên cứu cho cá chép đẻ theo ý muốn bằng cách tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi tương tự.

Yêu cầu của phương pháp cho cá chép đẻ tự nhiên: Vào đầu mùa xuân phải tuyển chọn trong ao nuôi vỗ cá chép bố mẹ những cá đạt tiêu chuẩn sau:

– Cá bố mẹ phải béo khoẻ, toàn thân trơn bóng, không rách vây, không trớt vảy, không bệnh. Có đủ cá đực và cá cái.

– Trứng cá phải căng tròn và rời. Sẹ cá phải trắng và đặc (vuốt xuôi hai bên bụng cá, thấy sẹ
trắng chảy ra như sữa).

Thời vụ cho cá chép đẻ tốt nhất vào mùa xuân. Trứng cá vụ xuân thường nhiều và tốt, nên nhân dân thường cho cá chép đẻ vào vụ xuân là chính (vụ thu chỉ tranh thủ cho đẻ những cá tái phát dục).

Những trạm trại cá giống thường ít quan tâm đến kế hoạch sản xuất cá chép giống, vì sản xuất vài chục triệu cá bột mè, trôi, trắm không khó, nhưng để sản xuất vài triệu cá chép bột trong một vụ lại không dễ, vì số lượng trứng của cá chép ít, phải nuôi vỗ một lượng khá lớn cá bố mẹ, gây tốn kém và mất nhiều diện tích ao. Vì thế, các hộ gia đình nuôi cá ở địa phương nên nắm vững kỹ thuật cho cá chép đẻ tự nhiên để chủ động sản xuất giống cá nuôi.

2. Cho cá đẻ tự nhiên:

* Chọn thời tiết thích hợp:

Nhiệt độ cho cá chép đẻ thích hợp nhất từ 18- 25oC. Trời lạnh dưới 18oC cá chép không đẻ. Trước khi cho cá đẻ, phải nghe dự báo thời tiết để tránh những đợt có gió mùa đông bắc sắp tràn về. Tốt nhất là những ngày đầu xuân, hôm nào trời ấm áp, đêm nằm chỉ đắp chăn đơn, bên ngoài ếch nhái kêu inh ỏi là hôm ấy cho cá chép đẻ tốt.

* Tuyển chọn cá cho đẻ:

Trước khi cho cá đẻ phải kiểm tra cá bố mẹ. Nếu thấy cá có hiện tượng nhô vây, hở đuôi, hay lượn sát ven bờ là trứng, sẹ của cá đã già, cá đã muốn đẻ. Ta bắt vài con lên để kiểm tra cho chính xác. Cách kiểm tra như sau:

Con cái: Khi sắp đẻ, bụng to kềnh, lật ngửa cá lên thấy giữa bụng có một ngấn hằn lõm vào kéo dài từ vây ngực đến tận hậu môn (dọc theo giữa hai buồng trứng). Sờ bụng thấy mềm nhũn, da bụng mỏng, nhất là phía cuối. Lỗ sinh dục đỏ thẫm và hơi lồi. Nếu vuốt nhẹ vào thành bụng, trứng sẽ chảy ra, màu vàng sẫm, trong suốt và rời thành từng cái là trứng đã già. Những cá này có thể cho đẻ ngay đợt đầu.

Kinh nghiệm ở một số cơ sở cho cá chép đẻ cho biết: Những con cá cái bụng to quá mức bình thường, bành ra như bụng cóc, sờ vào thấy mềm nhão thường rất khó đẻ (cá đã thoái hoá). Ngược lại, những con cá cái khi vuốt thấy trứng màu vàng đục hoặc vàng xanh dính vào nhau từng chùm là trứng còn non.

Cá đực: Lúc sắp phóng tinh trùng, nếu vuốt nhẹ hoặc cầm mạnh cá, tinh dịch cũng chảy ra, có màu trắng như nước vo gạo và đặc sền sệt như sữa hộp. Trường hợp tinh dịch còn loãng, tuy vẫn có màu trắng nhưng không đặc quánh là sẹ còn non.

3. Chọn nơi cho cá đẻ:

* Chọn ao cho cá đẻ: Diện tích ao rộng hay hẹp tuỳ theo số lượng cá cho đẻ nhiều hay ít. Chọn ao có đáy trơ, tốt nhất là cát pha sét. Nguồn nước đưa vào ao phải sạch, không chua mặn, không ô nhiễm. Ao được tẩy dọn kỹ, có mức nước sâu khoảng 1m. Có thể dùng bể đẻ cá mè, trôi, trắm, bể ấp hoặc bể chứa nước để cho cá chép đẻ.

* Chọn ruộng cho cá chép đẻ: Nhiều nơi ở miền núi phía Bắc đã có tập quán cho cá chép đẻ tự nhiên ngoài ruộng. Ruộng cho cá chép đẻ thường có diện tích 150- 200m2, đáy đất pha cát, có thể lấy nước vào dễ dàng và luôn giữ được nước. Ruộng cho cá chép đẻ phải được cày bừa san phẳng và phơi nắng mấy ngày cho se cứng đáy (không được nứt nẻ). Bờ ruộng đắp cao hơn mức nước, cao nhất khoảng 50 – 60cm, có máng dẫn nước và cống tiêu nước thuận tiện. Cửa cống dẫn nước phải chắn phên để ngăn cá tạp theo vào ruộng. Trước khi cho cá đẻ, tháo nước vào ruộng sâu khoảng 40 – 50cm. Nếu ruộng đó còn dùng để ương trứng, nên đào sẵn ở góc ruộng một cái hố khoảng 4m2, sâu 0,6m và có xẻ mương sâu 0,2m làm đường cho cá đi lại lên xuống kiếm ăn. Mặt hố có che lá cọ hoặc làm giàn trồng mướp, bầu, bí để che nắng cho cá.

4. Chuẩn bị ổ đẻ:

Thường chọn các loại xơ mềm có nhiều lông tơ nhỏ để làm ổ cho cá chép đẻ trứng cá dễ bám, như: bèo tây, xơ dừa, sợi nilông. Phổ biến nhất là dùng bèo tây, nếu dùng bèo phải chọn loại rễ bánh tẻ. Bỏ hết rễ bèo thối, rửa sạch đất, cặn bám ở rễ và sát trùng bằng nước muối 5% (0,5kg muối ăn pha trong 10 lít nước) hoặc xanh malachit nồng độ 3mg/lít ngâm 15 phút rồi vớt ra thả vào ổ đẻ. Dùng cây nứa quây bèo thành khung hình chữ nhật, để khi cá vật đẻ không làm bèo tản mát. Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I cho thấy: Số lượng trứng của mỗi cá mẹ tỷ lệ thuận với khối lượng cá. Cá nặng 1kg thường đẻ 120.000 – 140.000 trứng; cá nặng 1,5kg đẻ 180.000 – 210.000 trứng. Tỷ lệ trứng nở thành cá bột thường đạt 30- 40% (100 trứng nở được 30 – 40 con cá bột). Một khung bèo rộng 1m2 thường có khoảng 180 cây bèo. Mỗi cây bèo thường có 700 trứng bám, vậy cứ 1 con cá cái cỡ 1kg cho đẻ cần 1m2 khung bèo. Bèo thả kín vào khung, khung đặt cách bờ ít nhất 1m ở chỗ nước sâu để khi cá vật đẻ không làm nước bị đục.

5. Thành lập nhóm cá đẻ:

Sau khi kiểm tra cá thấy trứng, sẹ đạt yêu cầu cho đẻ, chuẩn bị xong ao và ổ cho cá đẻ, nếu thời tiết thuận lợi thì bắt cá cho vào nơi vật đẻ. Trước khi cho cá đẻ, cần xác định tỷ lệ đực cái thích hợp, để lượng tinh dịch đủ đảm bảo cho số trứng đẻ ra được thụ tinh hoàn toàn. Cá chép thụ tinh ngoài, tinh dịch của cá đực phóng vào nước bị pha loãng, nếu ít tinh dịch sẽ không đảm bảo cho tinh trùng gặp được trứng để thụ tinh. Trong điều kiện nuôi vỗ tốt có thể ghép 1 cá cái + 2 cá đực, cũng có nơi ghép 2 cá cái + 3 cá đực, tỷ lệ trứng thụ tinh vẫn cao. Khi ghép cá đực vào nhóm đẻ nên xen kẽ giữa con to và con nhỏ để tăng cường kích thích khi cá vật đẻ, tỷ lệ trứng rơi vãi ít hơn vì bèo không đảo lộn và nước không bị xoáy nhiều như khi dùng toàn bộ cá đực to.

Cho cá chép đẻ tự nhiên cần lưu ý:

– Trước khi cho cá đẻ, phải kiểm tra lại ao, ruộng – nơi cho cá đẻ, xem nguồn nước chảy vào có sạch không, mức nước đủ chưa. Nếu đạt yêu cầu sẽ thả ổ bèo xuống. Theo dõi thời tiết để thả cá bố mẹ đúng lúc. Nếu gặp gió mùa đông bắc, trời rét đột ngột nên tạm ngừng việc thả cá. Thời tiết ấm áp, nhiệt độ nước đạt 18 – 250C mới tiếp tục cho cá đẻ. Khi thả, nên thả cá cái vào buổi sáng, thả cá đực vào buổi chiều cùng ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, cá có thể đẻ từ 3 – 4 giờ tới 7 – 8 giờ sáng.

– Nếu 5 giờ sáng chưa thấy cá vật đẻ phải bơm nước vào ao hay ruộng (nếu dùng vòi phun làm mưa nhân tạo càng tốt). Thời gian bơm nước 1 – 2 giờ. Có nước mới, cá được kích thích và đẻ. Cá có thể đẻ 2 đêm liên tục. Khi trứng bám vừa phải thì thay ổ mới. Nếu để 2 đêm liền cá vẫn không đẻ, phải bắt cá trở lại ao nuôi vỗ tiếp, khoảng 20 – 30 ngày sau lại cho đẻ.

– Thời gian từ khi cá đẻ đến khi kết thúc thường kéo dài 2 ngày liền và thường đẻ mạnh vào ngày đầu.

Có thể tính số trứng cá đẻ tự nhiên một cách tương đối bằng công thức sau:

Số trứng đẻ được = (P- P’ x 60.000).

Trong đó: P là khối lượng tổng số cá cái trước khi đẻ

P là khối lượng tổng số cá cái sau khi đẻ.

Có thể ước tính số cá bột thu được bằng 30- 40% số trứng, để quyết định diện tích trứng ương thành cá bột.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Chép thương phẩm mau lớn thu lợi nhuận ‘khủng’

Kỹ thuật nuôi cá chép thương phẩm để nhanh lớn thì khâu quan trọng nhất là phải lựa chọn ao nuôi cá theo đúng tiêu chuẩn.

Cá chép là một loại cá sống thành bầy, có thể sống được trong nhiều điều kiện khác nhau, nhưng chủ yếu thích môi trường nước rộng với dòng nước chảy chậm cũng như có nhiều trầm tích thực vật mềm (rong, rêu). Tuy nhiên để nuôi cá thương phẩm trong thời gian ngắn nhất mà vẫn đảm bảo được độ thơm ngon, chắc thịt của cá là nỗi băn khoăn của không ít người.

Kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi

Tu sửa bờ ao, kiểm tra đăng cống, phát quang bờ. Tát hoặc tháo cạn ao, dọn sạch bèo, cỏ, vét bùn (nếu lượng bùn quá nhiều), san phẳng đáy, lấp hết hang hốc ven bờ ao.Tẩy vôi khắp đáy ao, để diẹt cá tạp và mầm bệnh, bầng cách rải đề từ 8-10kg vôi bột cho 100m2 đáy ao.

Nếu trong ao nuôi vụ trước, cá tôm bị bệnh hoặc ao bị chua thì lượng vôi tẩy ao tăng gấp 2 lần (từ 15-20kg/100m2).Phơi ao khoảng 3 ngày, bón lót bằng cách rải đều khắp ao 30-40kg phân chuồng đã ủ kỹ và 40-50kg lá xanh (lá thân mềm để làm phân xanh) cho 100m2. Lá xanh được băm nhỏ rải đều khắp đáy ao. Dùng trâu bừa đáy ao 1-2 lượt cho phân xanh và lá lẫn vào bùn đồng thời lấp phẳng đáy ao.

Lọc nước vào ao khoảng 0,5m, ngâm ao từ 5-7 ngàynước ao sẽ có màu xanh nõn chuối (màu của phù du sinh vật), lọc nươc’ tiếp vào aođạt mức sâu 1m trước khi thả cá. Càn lọc nước bằng đăng hoặc lưới đề phòng cá dữ, cá tạp tràn vào ao nuôi cá.

Kĩ thuật chăm sóc cá và thức ăn cho cá:

Tùy vào cơ cấu, mật độ cũng như tỉ lệ đàn cá nuôi trong ao mà bạn nên cho tỉ lệ thức ăn cho cá chép sao cho phù hợp nhất, tránh dư thừa hoặc thiếu hụt. Những loại thức ăn bổ sung bạn có thể áp dụng cho cá gồm: Thức ăn tinh bột: cám gạo, tinh bột ngô, tinh bột đậu tương, bột sắn… Hoặc cho cá chép ăn cua, ốc, nhái, giun đất, các phế thải lò mổ từ 20-30%. Lưu ý bạn nên cho cá ăn vào 2 lần sáng và chiều tối. Ngoài ra, nên tham khảo thêm về thức ăn công nghiệp cho cá.

Ngoài ra cần kiểm tra sinh trưởng và bệnh cá định kỳ ít nhất một lần trên tháng, từ đó giúp ta điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp cũng như cách phòng bệnh cho cá chép, xử lý nước ao, môi trường xung quanh hay mua thiết bị sục khí cho cá (nếu nuôi trong ao nhỏ hoặc bể).

Cách chọn cá giống và xử lý cá giống trước khi thả nuôi

Chất lượng cá giống: Cá khoẻ mạnh, bơi lội hoạt bát theo đàn, phản xạ nhanh với tiếng động. Khi vớt lên cá quẫy lộn lung tung, toàn thân trơn bóng, không rách vây, không tróc vảy, không khô mình, không mất nhớt, không bệnh.

Quy cỡ cá giống: Tuỳ theo từng loài cá, điều kiện ao nuôi và thời gian nuôi. Đối với ao nhỏ, dể quản lý chăm sóc, thời gian nuôi dài thì thả giống nhỏ. Ao rộng khó chăm sóc quản lý hoặc nuôi trong thời gian ngắn thì thả cá giống lớn.

Dùng cá thử nước: Cắm giai hay rổ thưa xuống ao, thả vào trong đó 10-15 con cá giống. Theo dõi cá từ 20-30 phút thấy cá hoạt động bình thường là được, nếu thấy cá yếu hoặc chết… thì phải tạm ngưng việc thả cá để giải quyết lại nguồn nước đã lấy vào ao. Trước khi thả cá lại ao cũng phải dùng cá để thử nước.

Tắm cho cá giống đề phòng bệnh: Cá giống khi vận chuyển về, trước khi thả, nên tắn qua nước mưới ăn (nacl) nồng độ 3%. Cách tắm: dùng chậu chứa 10 lit nước sạch, hoà tan 300g muối ăn trong nước, dùng vợt bắt cá để tắm trong thời gian từ 10-15 phút.

Tránh để cá bị “xốc” do chênh lệch nhiệt độ giữa nước ao và nước chứa cá: khi thả cá xuống ao nuôi, để đảm bảo an toàn cho cá, cần chú ý cân bằng nhiệt độ nước giữa 2 môi trường, nhất là cá giống vận chuyển đường xa trong mùa hè có nhiệt độ cao. Cách làm: ngâm túi cá xuống ao từ 5-10 phút trước khi thả. Thả cá: mở dây buộc túi,hai tay ấn dìm một nửa miệng túi xuống nước, cho nước ngoài ao từ từ vào túi, khi thấy cá khoẻ, bơi ngược dòng nước thì thả cá ra ao. Chú ý thả cá ở đầu gió cho cá phân tán nhanh ra ao.

Nguồn: Vietq.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.