Phát hiện phương pháp mới giúp lợn miễn nhiễm với dịch bệnh

Có thể gây tranh cãi song một nghiên cứu mới đây cho thấy phương pháp chỉnh sửa gene có thể giúp lợn miễn nhiễm với nhiều virus dịch bệnh thường gặp, hạn chế những đợt dịch bệnh vốn gây thiệt hại tới 1,6 tỷ USD mỗi năm cho ngành chăn nuôi gia súc châu Âu. Nghiên cứu do Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh thực hiện và được đăng tải trên tạp chí PLOS Pathogens ngày 23/2.

Các nhà khoa học đã chỉnh sửa một đoạn nhỏ trong bộ ​gene của lợn và tiêm virus Hội chứng Rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) vào lợn đã được chỉnh sửa gene để theo dõi khả năng kháng virus của vật chủ. Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy các tế bào được lấy từ lợn sau khi được chỉnh sửa gene có khả năng chống chọi được với 2 phân loại của virus PRRS.

Dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn.
Dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn.

Nếu bị nhiễm virus này, lợn con sẽ bị viêm phổi, trong khi lợn mẹ sẽ chết khi mang thai. Các tác giả nghiên cứu này nhấn mạnh tế bào từ con lợn sau khi được chỉnh sửa ​gene có thể chặn đứng sự xâm chiếm của virus gây bệnh.

Theo nhà khoa học Alan Archibald, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng tốt hơn trước nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh, qua đó giúp người chăn nuôi giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Ông Archibald nhấn mạnh kết quả ban đầu của công trình này giúp các nhà khoa học tiến gần hơn tới các giải pháp giúp ứng phó với bệnh dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trong ngành chăn nuôi gia súc.

Trong khi đó, Giáo sư Ian Jones thuộc Đại học Reading đánh giá đây là cách tiếp cận “thú vị” trong việc đối phó với những loại virus chưa có vaccine phòng chống. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vẫn còn hạn chế trong phương pháp mới này bởi để phòng chống dịch bệnh, tất cả loài vật nuôi đều phải trải qua quá trình chỉnh sửa gene vốn mất thời gian và khó được chấp thuận. Ngoài ra, cũng xuất hiện quan ngại về việc virus PRRSV có thể biến thể để xâm nhập vào vật nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đặc điểm lợn rừng của thái lan

Để đáp ứng nhu cầu thị trường các giống gia súc bản địa và hoang dã đang được các đơn vị chăn nuôi đã đầu tư và khai thác những đỉặc tính quý, một trong những động vật hoang dã được nhiều người Việt Nam ưa chuộng đó là lợn rừng. Thuần hóa lợn rừng, lai tạo với lợn nhà đang được nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi của nước ta nghiên cứu và ứng dụng. Người chăn nuôi ở Việt Nam biết và quan tâm đến các giống vật nuôi của Thái Lan trong đó có lợn rừng. Lợn rừng Thái Lan đang rất được người chăn nuôi và người tiêu dùng ưa chuộng do những đặc tính ưu việt: thịt thơm ngon, ít mỡ, nhiều nạc giá trị cao nhưng đầu tư thấp, chi phí thức ăn ít, thời gian nuôi ngắn, dễ nuôi, sinh sản tốt, tỷ lệ sống cao và ít bệnh tật.

Đặc điểm của lợn rừng Thái Lan

1. Tập tính sinh sống

Lợn rừng thường sống theo bầy đàn đông đến 50 con, sống dựa vào nhau để đảm bảo an toàn. Vì lợn rừng không chịu nắng nóng nên thường thích kiếm ăn về đêm, thích ngâm mình dưới bùn để thải nhiệt, đuổi côn trùng, ký sinh trùng trên da. Hiện nay lợn rừng Thái Lan được thuần dưỡng tại nhiều cơ sở chăn nuôi và sử dụng các sản phẩm theo ý muốn của con người.

2. Ngoại hình

– Lợn rừng Thái Lan có thân hình thon, mình mỏng, dáng cao, mặt nhọn hình tam giác, mõm dài, tai dựng đứng, nhỏ, mắt lồi trông dữ tợn, ở má có vệt lông màu trắng chạy vắt qua mũi. Mũi lợn rừng rất thính, linh hoạt, mềm nhưng rất khỏe (lợn thường dùng mũi để đào bới, tìm thức ăn).

lợn rừng Thái Lan

– Lông dài, cứng, màu lông nâu hoặc đen. Thường lỗ chân lông thành búi lông, mỗi búi có 3 gốc lông nhưng mỗi lỗ có 1 lông. Lông bờm màu đen đậm, mọc từ gáy dọc theo sống lưng cho đến mông.

– Đuôi nhỏ, ngắn, chỉ dài đến khoeo chân. Chân lợn rừng nhỏ thon, móng nhọn. Vai cao hơn hông.

– Lợn rừng cái có 2 dãy vú, mỗi dãy 5 núm vú, da rất dày. Con cái trưởng thành nặng trung bình 90 – 100 kg. Trung bình 1 lứa đẻ từ 8-12 con.

– Con đực trưởng thành nặng trung bình 100 – 120 kg. Lợn rừng đực có 4 nanh dài chĩa ra ngoài là phương tiện để kiếm thức ăn và là vũ khí lợi hại thể hiện sức mạnh.

– Lợn rừng con sinh ra có lông sọc giống trái dưa gang (vệt lông màu trắng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi lợn trên 2 tháng tuổi, các vệt sọc này không còn nữa.

3. Sinh sản và trưởng thành

Lợn rừng Thái Lan 7 – 8 tháng tuổi có thể trọng 40 – 60kg có thể cho phối giống sinh sản. Thời gian mang thai của lợn rừng giống lợn nhà (khoảng 114 ngày). Thời gian đẻ (từ con đầu đến con cuối) 2 – 4 giờ. Quá trình đẻ diễn ra theo tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người. Lợn rừng đẻ 2-2, 5 lứa/ năm, lứa đầu (con so) đẻ 4 – 6 con, lứa thứ 2 trở đi từ 7 – 12 con. Lợn rừng sơ sinh có tầm vóc nhỏ, khối lượng bình quân 0,5 – 0,9kg/con. Lợn con 1-2 tháng tuổi: 5 – 10kg, 3 – 4 tháng tuổi: 15 kg-20kg, 8-12 tháng: 60 – 70 kg, khi trưởng thành: trên 100 kg.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Chăm sóc nuôi dưỡng lợn rừng con

1. Giai đoạn lợn con mới sinh ra

– Lợn rừng con khi đẻ ra cho uống men tiêu hóa Lactomin 1 gói/1 đàn. Ngày hôm sau cho uống kháng thể KTE (làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

– Cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt (sữa của lợn nái 3 ngày đầu sau đẻ).

– Cố định vú bú, giữ cho những con yếu, nhỏ trong đàn được bú 2 cặp vú đầu liên tục trong 2-3 ngày đầu để giúp đàn lợn con phát triển đồng đều.

– Tiêm sắt cho lợn con: lần 1 tiêm 3 ngày sau đẻ, liều 1ml (100mg). Lần thứ 2 tiêm vào ngày thứ 10 sau đẻ, liều 2ml (200mg).

– Nếu thấy lợn con có hiện tượng đi ỉa ta lấy lá ổi, lá khổ sâm, phèn đen, nhọ nồi giã ra lấy nước bơm trực tiếp vào miệng lợn con.

2. Giai đoạn lợn rừng con trước cai sữa

– Cho lợn con tập ăn từ lúc 15-20 ngày tuổi bằng cám tập ăn 951.

– Trung bình 1 con lợn con cho ăn khoảng 0,1kg/ngày. Cho ăn 5 bữa/ngày.

– Lượng thức ăn cho lợn ăn tăng dần hàng ngày.

 lợn rừng con được chăm sóc trong chuồng

– Cho lợn làm quen dần với thức ăn bằng cách bôi thức ăn vào miệng lợn con.

(*) Cách tập ăn cho lợn con:

– Hòa thức ăn thành dạng sền sệt rồi bôi lên mép, miệng lợn con, đầu vú lợn mẹ vài lần sẽ làm cho lợn con quen dần với mùi thức ăn và sẽ tìm đến nơi có thức ăn.

– Cố định nơi để máng ăn để lợn con quen chỗ ăn. Cho lợn ăn 5 – 6 bữa/ngày, mỗi lần cho ăn nên để máng ăn 2-3h rồi bỏ ra vệ sinh sạch sẽ, 1-2h sau lại cho thức ăn mới vào. Làm như vậy vài lần trong ngày sẽ kích thích tính tò mò của lợn con kèm theo mùi thơm của thức ăn sẽ thu hút lợn con.

– Khi lợn con tập ăn được nhiều hơn sẽ ngăn lợn mẹ ra, cho lợn con ăn tăng dần nhưng không được cho ăn no sẽ dẫn đến tiêu chảy, chướng bụng. Cho lợn con ăn xen kẽ các loại rau, cỏ mần trầu, các loại cây thuốc nam.

3. Giai đoạn lợn con tách mẹ (cai sữa)

– Thời gian lợn con tách mẹ từ 35 – 45 ngày tuổi (tùy vào thể trạng tăng trưởng của lợn con và điều kiện thời tiết).

– Cho lợn con tập ăn từ 1-10 ngày đầu kể từ ngày cai sữa: 0,2 kg (50 % cám tập ăn 951 + 50 % cám tập ăn 952). Cho ăn 5 bữa trong ngày.

– Sau 10 ngày đến giai đoạn lợn hậu bị cho ăn 0,2 kg cám tập ăn 952 + 0,2 kg cám trộn (cám mì+cám ngô). Cho ăn 5 bữa trong ngày.

– Khẩu phần ăn tăng dần cho đến khi lợn đạt khoảng 15 kg thì chuyển sang chế độ ăn của lợn rừng hậu bị.

4. Điều kiện chuồng nuôi

– Chuồng nuôi phải khô ráo, ấm áp, được che chắn để tránh gió lùa.

– Những ngày đầu lợn con mới tách mẹ nên giữ nhiệt độ chuồng nuôi tương đương nhiệt độ chuồng nuôi trước cai sữa. Nhiệt độ thích hợp cho lợn con sau cai sữa từ 25-27 độ C. Thay đổi nhiệt độ chuồng nuôi đột ngột sẽ rất có hại cho lợn con, đặc biệt vào mùa đông lợn dễ bị viêm phổi.

– Quan sát đàn lợn để biết nhiệt độ chuồng nuôi:

+ Lợn đủ ấm: con nọ nằm cạnh con kia.

+ Lợn bị lạnh: nằm chồng chất lên nhau, lông dựng, mình mẩy run.

+ Lợn bị nóng: nằm tản mạn mỗi con 1 nơi, tăng nhịp thở

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Cách chọn giống lợn rừng

Chọn lợn rừng giống để nuôi rất quan trọng, quyết định đến 60% hiệu quả kinh tế khi nuôi.Giống lợn rừng để nuôi gồm 2 loại: Giống nuôi sinh sản và giống nuôi thịt. Sau 8 năm triển khai trang trại nuôi lợn rừng với quy mô trên 12000 con lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao, qua việc áp dụng các kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn chúng tôi tạm thời biên soạn “Kỹ thuật chọn lợn rừng giống” nhằm giúp cho các hộ chăn nuôi có thêm kiến thức trong quá trình chọn và phân loại lợn rừng giống.

  1. Kỹ thuật chọn lợn rừng đực giống

Chọn lợn rừng đực giống phải đảm bảo các tiêu chí sau:

– Chọn những con đầu thanh, mặt dài giống mặt ngựa, lưng thẳng, lông bờm dài, trông dữ tướng.

Giống lợn rừng

– Chân cao, vững chắc, bụng thon gọn.

– Cơ quan sinh dục phát triển, tinh hoàn lộ rõ, to và cân đối.

– Tính hăng cao.

– Không mắc các loại dịch bệnh từ đời bố mẹ.

  1. Kỹ thuật chọn giống lợn rừng hậu bị sinh sản

Chọn lợn rừng hậu bị sinh sản phải đảm bảo các yếu tố sau:

– Lựa chọn khi tuổi đời đạt từ 3 – 4 tháng tuổi.

– Ngoại hình: đầu thanh, mõm dài thẳng giống mặt ngựa, lưng thẳng, hông rộng; 4 chân cao, to, chắc khỏe.

– Cơ quan sinh dục: phát triển bình thường cả về hình thể và hoạt động.

– Vú: lợn rừng nái có 5 đôi vú xếp đồng đều mỗi bên, những nái có vú cong vênh, khô hoặc kẹ sẽ không chọn hoặc phải kiểm tra đánh giá lại.

– Không mắc các dịch bệnh từ đời bố mẹ, đặc biệt không cận huyết (cùng huyết thống).

  1. Kỹ thuật chọn giống lợn rừng nuôi thịt

Được lựa chọn để nuôi lấy thịt thương phẩm, chọn lợn rừng giống nuôi thương phẩm phải đảm bảo khỏe mạnh không dịch bệnh, có khả năng tăng trưởng tốt….thì mới đạt hiệu quả kinh tế.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cách xử lý mùi hôi khi nuôi gà trong hộ gia đình

Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn. bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con cách xử lý mùi hôi triệt để khi nuôi gà.

  1. Sử dụng đệm lót sinh học
    Điều đặc biệt của đệm lót sinh học là chế phẩm vi sinh có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu, hạn chế vi khuân và ký sinh trùng. Cấu tạo của đệm lót sinh học có độ dàu khoảng 60cm gồm tro than hút ẩm, trấu và rơm cắt nhỏ trôn với chế phẩm. Sử dụng đệm lót sinh học trong nuôi gà giúp khử mùi hôi hiệu quả, do chuồng khô ráo, không ruồi muỗi giảm thiểu bệnh tật cho gà.

    Đệm lót sinh học giúp khử mùi hôi

  2. Công nghệ ấu trùng ruồi đen
    Có thể nói, ấu trùng ruồi đen là loại côn trùng phàm ăn trong thế giới tự nhiên. Chúng có thể làm giảm khối lượng và thể tích của chất thải chỉ trong vòng 24 giờ. Chỉ với 1m2 ấu trùng có thể phân hủy khoảng 40 kg chất thải, và tạo ra khoảng 18kg ấu trùng. Một chuỗi khép kín thức ăn tạo ra cho gà vì ấu trùng ruồi đen có tỷ lệ chất dinh dưỡng cao như protein (42%), chất béo (34%).
  3. Công nghệ giun đất
    Loài giun được sử dụng là loài giun đỏ, giun hổ, giun hổ đỏ. Hai loại dung sử dụng phổ biến ở nước ta chính à giun đỏ và giun quế. Điều đặc biệt là chất thải của ấu trùng ruồi đen được sử dụng để nuôi giun đỏ, khi sử dụng chất thải đó, giun đỏ có thể lớn nhanh gấp 2 – 3 lần so với nuôi trên phân ủ. Trong ruột giun chứa hàng triệu vi khuẩn hiếu khí có vai trò phân giải các sinh khối hữu cơ, hóa chất và cũng là tác nhân kích thích sinh học. Quá trình phân hủy chất thải bằng giun đỏ có thể tạo ra môi trường khí tự nhiên nhưng hoàn toàn giảm thiểu mùi hôi của chuồng trại. Đặc biệt, phân từ giun đỏ lại rất tốt cho cây trồng.

Trên đây là 03 cách thường dùng trong chăn nuôi để giúp bà con xử lý mùi hôi chuồng trại, giảm thiểu ảnh hưởng đến tác hại môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bà con cần áp dụng để tránh vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo sức khỏe cho dân cư xung quanh và bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hướng dẫn làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi

Ở phương pháp nuôi gà trong chuồng kín, nhiệt độ được ổn định theo từng độ tuổi, chuồng được thiết kế kín, cách ly với bên ngoài, một đầu có hệ thống điều hòa hút lớn, đường kín từ 1.4 – 1.5 m, một đầu có hệ thống làm mát từ nước. Các hệ thống này sẽ làm giảm nhiệt độ bên trong và làm mát cho gà.Đối với chuồng kín nhiệt độ trong chuồng điều chỉnh nhiệt độ giảm dần theo độ tuổi của gà. Đặc biệt, gà thịt nuôi trong chuồng kín rất đồng đều khi bán thịt, gà hầu như không bị bệnh tật, việc áp dụng phương pháp đệm lót sinh học lên men trong chuồng kín cũng rất đơn giản.

 đệm lót sinh học cho gà

Đối với các chuồng nuôi gà thịt, mà sử dụng luôn chuồng úm gà đẻ nuôi tiếp, thì khi ta úm gà xong, đến khoảng qua ngày thứ 21, tức là 22 ngày tuổi, ta chỉ việc thực hiện một công việc rất đơn giản là dùng cào ngắn hoặc là tay cào bề mặt đệm lót sao cho tơi xốp sau đó ta rắc đều chế phẩm men lên trên bề mặt đệm mới cào xong, như vậy là ta có thể tiếp tục nuôi gà thịt bằng phương pháp đệm lót sinh học lên men cho gà thịt.

Đối với các chuồng đang nuôi gà mà sử dụng phương pháp đệm lót sinh học lên men này thì cần lưu ý, với chuồng có đệm lót là trấu dày 5 cm trở lên mà không bị nén chặt và hôi nhiều do quá ẩm và nhiều phân thì trước hết, rắc thêm trấu cho có độ dày khoảng 8 cm trở lên, sau đó trộn đều phân với trấu sao cho tơi xốp và rắc đều men đã được chế lên trên bề mặt đệm lót, sau đó dùng tay xoa trên mặt để men được phân tán đều khắp đệm lót.

Đối với chuồng có nền là trấu không đạt được đọ dày 5cm trở lên, đệm bị nén chặt, hôi nhiều do quá ẩm và nhiều phân, thì bà con cần làm lớp đệm lót sinh học mới, sau đó mới tiến hành rắc chế phẩm men đã được chế lên như bình thường.

Xin lưu ý với bà con là khi sử dụng đệm lót sinh học lên men bằng chế phẩm sinh học để nuôi gà thịt, có khi gà sẽ mổ và ăn chính những men vi sinh này vì men này được ủ từ ngô( bắp) và cám gạo, bà con hãy yên tâm vì trong  ngô( bắp)  và cám gạo này có chưa men vi sinh  bao gồm những vi sinh vật có lợi, khi gà ăn vào sẽ không bị ảnh hưởng gì về sức khoee, tiêu hóa, đường ruột, mà trái lại nó còn giúp con gà có khả năng tiêu hóa tốt hơn và có khả năng phòng bệnh đường ruột.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi trâu bò nhờ phế phụ phẩm nông nghiệp

Rơm rạ ở nước ta có khối lượng rất lớn nhưng tỷ lệ sử dụng trong chăn nuôi trâu bò còn rất khiêm tốn. Phần lớn chúng được sử dụng làm chất đốt (ở miền Bắc), hoặc đốt trực tiếp ngoài ruộng làm phân bón ruộng, một lượng nhỏ được sử dụng làm nấm rơm (ở miền Nam). Rơm rạ có thể sử dụng như một nguồn thức ăn chính để nuôi trâu bò cày kéo, sinh sản. Rơm rạ còn là nguồn xơ rất tốt để phối hợp với thức ăn nhuyễn, những thức ăn bổ sung đắt tiền khác trong chăn nuôi bò sữa và vỗ béo bò thịt..

Rơm rạ kềnh càng hơn và chất lượng thấp hơn thân cây bắp. Nếu chỉ cho ăn một mình rơm lúa thì gia súc chỉ ăn được một số lượng nhỏ. Rơm lúa rất giàu Kali hòa tan nhưng thiếu Canxi (Ca) có khả năng hấp thu., vì thế gia súc được nuôi dưỡng bằng rơm lúa là chính thì cần phải bổ sung thêm nguồn Ca dễ tiêu. Rơm lúa còn có thành phần lignin thấp (6-7%) nhưng thành phần Silic cao (12-16%) so với các loại phế phẩm cây trồng khác (thường có khoảng 10-12% Silic). Thành phần Silic cao là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tiêu hóa kém. Phần thân lúa được tiêu hóa nhiều hơn lá vì thế nên gặt lúa ở mức càng thấp càng tốt.

Khẩu phần chủ yếu là rơm lúa với một lượng nhỏ thức ăn bổ sung sẽ làm cho bê tăng trưởng chậm, tuổi đẻ lứa đầu lúc 4-5 năm, còi xương và bò có tỷ lệ đậu thai thấp.

Rơm rạ được ủ với 4-5% urea sẽ làm tăng tỷ lệ tiêu hoá (từ 39 lên 52%) giá trị năng lượng tăng từ 4,74 MJ lên 5,49 MJ/kg chất khô. Khả năng ăn vào cuả trâu bò với rơm ủ cũng cao hơn so với rơm không ủ (2,6kg so với 1,6kg DM/100kg khối lượng).

Bã mía có giá trị năng lượng và protein rất thấp nhưng đây là một nguồn xơ có ích. Có thể sử dụng đến 25% trong khẩu phần bò vắt sữa. Kinh nghiệm vỗ béo bò vàng ở Trung Quốc của Xiaqing Zou và CTV cho thấy có thể vỗ béo bò Vàng bằng khẩu phần thức ăn có: Bã mía (35-41%), rỉ mật  (5%) và thức ăn tinh (cám, bắp). Sau 100 ngày vỗ béo đạt tăng trọïng bình quân: 866-921 gam/ngày

Khi ủ phụ phẩm nhiều xơ với urea hoặc bổ sung urea, một nguồn nitơ rẻ tiền vào khẩu phần, sẽ đảm bảo sự gia tăng tỷ lệ tiêu hoá và khả năng ăn vào của gia súc. Tiêu hoá xơ cũng được cải thiện rõ nét khi bổ sung thêm một  lượng nhỏ carbonhydrate dễ lên men như rỉ mật, xác mì, khoai lang, cám…

Khi sử dụng nitơ phi protein, lưu huỳnh là yếu tố giới hạn chính đến hoạt động của hệ vi sinh vật dạ cỏ. Một hỗn hợp gồm 90% urea và 10% sulphat natri (Na2SO4) làm cho tỷ lệ N/S được cân bằng. Rơm rạ thường có hàm lượng canxi, phospho và muối thấp. Việc bổ sung coban (Co), đồng (Cu) sẽ cải thiện được khẩu phần dựa trên rơm rạ. Tỷ lệ tiêu hóa của rơm sẽ được cải thiện một cách đáng kể nếu bổ sung 1.5-2% urea, 10% rỉ mật và 0.5% hỗn hợp khoáng (muối, P, Ca, S)..

Phụ phẩm xay sát

Cám gạo có chất lượng rất khác nhau tùy thuộc vào quy trình xay sát. Cám gạo loại tốt thì có ít vỏ trấu nên hàm lượng xơ tổng số thấp (khoảng 6-7%) giá trị TDN khoảng 70% và protein thô từ 13-14%, Năng lượng trao đổi từ 12-12,5 MJ/kg chất khô. Cám gạo chất lượng xấu thì hàm lượng xơ có thể lên đến 20%. Cám gạo loại tốt là một nguyên liệu thức ăn rất có giá trị vói trâu bò, vì vậy giá cám gạo loại tốt cũng rất cao.

Hèm bia, bã rượu có protein thô từ 26%-32% (theo chất khô). Phụ phẩm này được sử dụng ở dạng ướt, khô hoặc ủ ướp chung với rỉ mật và axít hữu cơ. Hèm bia của các nhà máy bia của ta theo phân tích của chúng tôi có 32% protein; 18% xơ (theo chất khô); tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ đạt 68% và giá trị năng lượng trao đổi 12 MJ/kg chất khô (tương đương với cám gạo loại tốt). Hèm bia vừa giàu đạm, vừa giàu năng lượng nên từ lâu đã được sử dụng phổ biến để nuôi bò sữa. Độ ẩm cao là điều bất lợi chính trong việc dự trữ và sử dụng các loại thức ăn này.

Khô dầu là phụ phẩm  sau khi những hạt có dầu được ép vắt hoặc chế biến để lấy dầu. Thí dụ như bánh dầu dừa, đậu phộng, hạt bông vải, cao su… Protein thô của khô dầu dao động từ 20-40%. Khả năng phân giải protein và số lượng dầu phụ thuộc vào phương pháp chế biến. Eùp bằng phương pháp thủ công (ép vít) hàm lượng dầu còn khoảng 10% trong khi với phưong pháp ép kiệt (trích ly) dầu chỉ còn 1%. Chất xơ cũng thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào chế biến và số lượng vỏ hạt.

Khô dầu dừa là nguồn năng lượng và protein có giá trị được sử dụng một cách rộng rãi

Tuy nhiên, khả năng tiêu hoá protein của chúng thấp và thức ăn mau bị ôi khét. Bánh dầu dừa phồng lên nhanh chóng khi thấm nước và có thể sử dụng ở dạng này ở mức 50% trong khẩu phần

Khô dầu đậu phộng được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôibò thịt và bò sữa. Hàm lượng xơ thấp và không có sự hạn chế nào trong việc sử dụng cho gia súc nhai lại

Khô dầu bông vải chứa gossypol không hại đối với bò trưởng thành nhưng khả năng tăng trọng của bò sẽ được cải thiện nếu thêm sulfat sắt vào khẩu phần có nhiều bánh dầu bông vải. Có thể sử dụng 10-15% bánh dầu bông vải trong thức ăn hỗn hợp cho bê, đối với bò thịt có thể sử dụng 30%.

Hạt bông vải nguyên cũng được sử dụng để thay thế một phần thức ăn tinh. Hạt nguyên loại tốt chứa khoảng 20% dầu và 19% protein. Vỏ hạt bông vải chứa nhiều xơ (50% CF) nhưng vẫn có thể sử dụng ở mức 30% trong khẩu phần bò thịt. Thí nghiệm vỗ béo bò thịt của Lê Viết Ly đã thành công khi sử dụng khẩu phần vỗ béo có 2 kg hạt bông+ 2kg rỉ mật+ rơm ủ urea.

Khô dầu đậu nành thường đắt và được sử dụng cho gia súc dạ dày đơn. Vỏ hạt đậu nành chứa 37% CF, 12% CP và giá trị năng lượng tương đương với hạt ngũ cốc là một loại thức ăn có giá trị cho tất cả các loại trâu bò.

Một hạn chế chung trong việc sử dụng khô dầu cho chăn nuôi là hàm lượng dầu còn lại trong phụ phẩm cao nên hay bị ôi khét, thời gian bảo quản ngắn. Điểm bất lợi nữa là khô dầu dễ bị nhiễm nấm Aspergillus sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin, đặc biệt là ở khô dầu đậu phộng. Khắc phục được các hạn chế đó, phụ phẩm hạt lấy dầu là nguồn protein có giá trị trong chăn nuôi

Rỉ mật được sử dụng trong chăn nuôi để cải thiện tính ngon miệng, bổ sung một số chất khoáng. Rỉ mật còn được sử dụng như một thức ăn bổ sung năng lượng cho khẩu phần thức ăn thô chất lượng kém. Với một hàm lượng đường dễ lên men cao, rỉ mật như là một nguồn năng lượng rẻ tiền để sử dụng với các loại nitơ phi protein. Các loại khoáng cần được cân đối lại bởi vì trong rỉ mật chứa ít phospho và natri và không đủ lượng lưu huỳnh cho vi sinh vật dạ cỏ hoạt động. Hàm lượng kali trong rỉ mật cao.

Xác mì là phụ phẩm sau khi chiết xuất tinh bột  từ củ khoai mì (củ sắn). Xác mì có hàm lượng chất khô thấp (khoảng 20%), rất nghèo protein (1,5-1,6%), hàm lượng xơ thấp (10-11%, tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ rất cao (92-93%) vì vậy giá trị năng lượng trao đổi đạt tới 13MJ/kg chất khô (Đinh Văn Caỉ và cộng tác 1999). Vì vậy xác mì là một loại thức ăn cung cấp năng lượng rất tốt cho tất cả các đối tượng trâu bò đặc biệt là vỗ béo bò thịt. Tuy nhiên khi sử dụng cần phải được bổ sung protein, khoáng và vitamin vì những thành phần này trong bã củ mì không đáng kể. Nước ta là nước trồng khoai mì, nhiều nhà máy chế biến tinh bột khoai mì mỗi năm cho ra một khối lượng lớn xác mì nhưng mới sử dụng một tỷ lệ rất nhỏ để nuôi trâu bò. lí do chính là khâu bảo quản và vận chuyển. Cần nghiên cứu khả năng giảm hàm lượng nước của xác mì xuống còn 60-65% để dễ dàng áp dụng các phương pháp bảo quản nhằm sử dụng hữu hiệu hơn loại phụ phẩm này.

Bã thơm chủ yếu là vỏ và lõi vì thế chứa nhiều chất xơ, năng lượng và vitamin A nhưng protein và muối khoáng thấp. Do hàm lượng nước cao nên phế phẩm này cần được sử dụng ở gần nguồn của chúng. Chúng có thể làm khô bằng cách phơi nắng hoặc sấy. Có thể áp dụng phương pháp ủ ướp với công thức 65% bã thơm, 20% rơm lúa, 5% bột bắp, 10% rỉ mật và 1,5% urê.

Có một số yếu tố hạn chế việc sử dụng phụ phế phẩm làm thức ăn cho bò. Sự thu gom rất khó khăn do việc thu hoạch thủ công rãi rác ở các hộ nông dân nhỏ; việc cung cấp hầu hết là theo mùa và không đáng tin cậy lắm. Nhiều yếu tố về hóa học và vật lý cũng hạn chế việc sử dụng phụ phế phẩm cho trâu bò. Hàm lượng nước cao gây khó khăn trong vận chuyển, bảo quản và khả năng ăn vào. Một số phụ phế phẩm rất dễ hỏng do hàm lượng dầu và đường cao. Giá trị dinh dưỡng thay đổi nhiều do quá trình chế biến đơn giản và chưa được tiêu chuẩn hóa. Chúng thường xuyên bị nhiễm nấm, vi khuẩn và một số phụ phẩm có chứa độc tố đối với trâu bò. Hầu hết các phụ phế phẩm thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.

Có hai kỹ thuật chính để sử dụng tối đa phụ phế phẩm như một nguồn thức ăn cho gia súc:

  1. Bổ sung một cách thích hợp các chất dinh dưỡng khác để cân bằng sự thiếu hụt trong phụ phế phẩm;
  2. Cần phải được bảo quản theo các phương pháp thích hợp để kéo dài thời hạn sử dụng và để tránh hư hỏng.

Phụ phế phẩm có thể phơi khô, ủ để gia tăng thời gian sử dụng và tránh hư hỏng. Phơi nắng có thể thực hiện đối với một số phụ phẩm nhưng ủ ướp mới là phương pháp đáng tin cậy nhất. Ngoài ra, trong quá trình ủ ướp có thể bổ sung một số thức ăn khác để tạo ra một thức ăn ủ hoàn hảo, cân đối về dinh dưỡng.

Ủ rơm khô với urê

Rơm rạ khô giá trị dinh dưỡng thấp, tiêu hoá kém và trâu bò không ăn được nhiều. Bằng các phương pháp chế biến làm rơm ướt, mềm, tăng giá trị dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa và tính ngon miệng. Phương pháp thông thường nhất đang được áp dụng rộng rãi ở các nhước đang phát triển để chế biến rơm rạ cho trâu bò là ủ rơm với urea. Rơm ủ theo phương pháp này còn cung cấp cho trâu bò nguồn đạm phi protein rất có lợi cho vi sinh vật dạ cỏ, vì vậy có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa kinh tế lớn. Kĩ thuật ủ rất đơn giản

Nguyên liệu

  1. Cứ 100 rơm khô cần 40g urea và 80-100 lít nước (tỷ lệ urê 4% và nước so với rơm là 1/1.). Tùy theo lượng rơm cần ủ mà lượng urea và nước cũng tăng theo tỷ lệ trên.
  2. Tấm nilon lớn đủ che kín hố ủ (to hay bé là tùy độ lớn bề mặt hố ủ, sao cho khí amonoac hình thành trong và sau quá trình ủ không thoát ra ngoài).
  3. Bình tưới rau để tưới nước vào rơm khi ủ.

Hố ủ

Hố ủ có thể xây bằng gạch gồm các vách: hố có ba vách, hố có hai vách cạnh nhau hoặc có hai vách đối diện. Nói chung là cần tối thiểu hai vách để nén rơm cho chặt. Có thể lợi dụng góc nhà, tường nhà làm hố ủ rơm. Nền có thể là nền xi măng, gạch hay lót nhiều lớp lá chuối hoặc nilon. Dung tích hố ủ phụ thuộc vào số lượng rơm cần ủ hay quy mô đàn bò.

Cách ủ

Urê pha vào nước theo tỷ lệ trên, khuấy đều cho tan hết, sau đó cho vào bình tưới. Cứ trải một lớp rơm mỏng (20cm) lại tưới nước urê sao cho ướt đều rơm, lấy cào đảo qua đảo lại cho rơm thấm nước urê, dùng chân nén cho chặt, rồi lại tiếp tục trải một lớp rơm và tưới nước, lại nén cho chặt. Làm như thế nhiều lần cho đến khi hết rơm và hết nước. Sau đó phủ tấm nilon lên trên sao cho thật kín, không để khí ammoniac ở trong thoát ra ngoài. Những hố ủ ngoài trời cần có thêm mát tre nưa.

Lấy cho ăn

Sau 7 đến 10 ngày ủ có thể lấy rơm ra cho bò ăn, lấy vừa đủ lượng rơm cần thiết cho từng bữa. Lấy xong đậy kín ngay tấm nilon lại.

Yêu cầu chất lượng rơm ủ

Rơm ủ chất lượng tốt là rơm ẩm đều, mềm, không có mốc xanh mốc trắng mọc, màu rơm vàng nâu gần với màu tự nhiên của rơm trước khi ủ, mùi khai ammoniac.

Rơm ủ thường được trâu bò thích ăn, và ăn được nhiều hơn so với rơm khi chưa ủ. Tuy nhiên một số trâu bò lần đầu tiên không chịu ăn rơm ủ urê, phải kiên trì tập cho chúng quen dần. Lúc đầu cho ăn ít, trộn chung với thức ăn khác, sau đó tăng dần lên.

Vào mùa khô không có cỏ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng rơm ủ urea cho bò ăn tối đa (khoảng 10-12kg/ngày), bổ sung thêm muối ăn hoặc đá liếm thì bò tơ vẫn tăng trọng và bò mẹ vẫn béo mập và sinh sản tốt

Bánh dinh dưỡng

Bánh dinh dưỡng là một dạng chế biến phụ phẩm được ép thành bánh, có thêm chất khoáng và muối. Thành phần chủ yếu cuả bánh dinh dưỡng là rỉ mật. Rỉ mật vừa là chất kết dính vừa là nguồn cung cấp năng lượng, cung cấp khoáng vi lượng. Urea cung cấp nitơ cho vi sinh vật dạ cỏ. Chất độn thường là cám gạo hoặc cám mì, bã khoai mì…Đây cũng là nguồn cung cấp năng lượng. Ngoài ra còn sử dụng chất kết dính khác như vôi, ciment. Bò ăn bánh dinh dưỡng được thêm chất dinh dưỡng, cải thiện môi trường dạ cỏ có lợi cho vi sinh vật tiêu hoá thức ăn vì vậy sẽ có hiệu qủa tốt đối với khẩu phần nghèo dinh dưỡng.

Lợi ích của bánh dinh dưỡng

  1. Cung cấp N phi protein cho vi khuẩn dạ cỏ, nhu cầu này ở gia súc nhiệt đới cao hơn gia súc ôn đới.
  2. Cung cấp rỉ mật là nguồn năng lượng dưới dạng đường dễ lên men, khoáng nên kích thích hệ thống enzym vi sinh vật dạ cỏ hoạt động.
  3. Cung cấp lượng muối,  P và S cần thiết cho trâu bò nhưng thường bị thiếu trong thức ăn nhiệt đới.

Yêu cầu chất lượng bánh dinh dưỡng

  1. Các nguyên liệu phối trôn bánh dinh dưỡng phải có chất lượng tốt, không bị mốc hay ôi khét hư hỏng để bảo đảm thành phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
  2. Độ cứng thích hợp: không vỡ khi vận chuyển (chịu nén dưới áp lực 5-6 kg/cm2)
  3. Sản phẩm không bị mốc sau 6 tháng bảo quản.

Các chất ảnh hưởng đến độ rắn của bánh dinh dưỡng

  1. Rỉ mật phải có độ Brix trên 85 (đặc). Rỉ mật càng nhiều thì độ cứng càng kém.
  2. Urê và muối ăn hút nước nên cũng ảnh hưởng đến độ cứng.
  3. Đá vôi, xi măng thường được dùng làm chất kết dính.
  4. Để bánh xốp hơn ta dùng một số chất đệm như vỏ đậu phộng xay nhỏ, bột bã mía, rơm xay, bột dây đậu phọâng.

Cách làm bánh dinh dưỡng

Dụng cụ cần thiết nhất là khuôn bánh. Khuôn làm bằng gỗ như khuôn bánh chưng, kích cỡ các chiều tùy ý ta. Có khi khuôn chỉ đơn giản là một cái tô nhưa. Khuôn này phù hợp với quy mô hộ sản xuất theo phương pháp thủ công. Sản xuất ở quy mô vừa cho nhiều bò hoặc cho nhóm hộ thì cần khuôn ép bằng sắt có khả năng nén nguyên liệu trong khuôn vừa nhanh vừa mạnh. Ngoài khuôn còn cần các thiết bị trộn, xô thùng…

Có nhiều công thức làm bánh dinh dưỡng. Công thức đang sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Bò sữa như sau: Rỉ mật: 37- 40%, cám gạo: 35- 40%, urea: 5-8%, vôi: 5-7%, xi măng: 4%, Muối: 2%. Hỗn hợp khoáng 2-3%.

Trình tự phối trộn

Trước hết cân chính xác rỉ mật, urea, muối theo tỷ lệ nhất định (xem công thức ở bảng dưới). Hoà tan hết urea và muối vào rỉ mật, goị là hỗ hợp A (hỗn hợp lỏng)

Cân chính xác lượng chất độn (cám…), chất kết dính (vôi, ciment), khoáng… trộn đều tạo thành hỗn hợp B (hỗn hợp khô)

Trộn hỗn hợp A với hỗn hợp B thật nhanh, thật đều cho tới khi đồng nhất thì đưa vào khuôn ép. Quá trình này phải làm nhanh không để hỗn hợp nguôi lạnh sự kết dính sẽ kém. Sau 1 ngày bánh khô ta có thể cho bò ăn hoặc bao gói để dủng dần. Bánh dinh dưỡng làm đúng kĩ thuật đóng trong bao nilon có thể bảo quản đến nửa năm không bị mốc hay chảy nước.

Chú ý kiểm tra độ ẩm hỗn hợp bằng cách dùng tay nắm lại, nếu thấy tạo được hình trong lòng bàn tay, khi buông tay ra không bị rã rời là được.

Cách cho ăn.

Để bò liếm gặm nguyên bánh, không bóp nát, bẻ vụn hoặc hoà bánh vào nước cho bò ăn. Vì trong bánh có urea nên cần bò ăn từ từ tốt hơn là ăn một lần. Số lượng bánh cho một bò trưởng thành tùy thuộc vào lượng urea trong bánh. Nếu bánh có 10% urea thì cho ăm 1kg, nếu bánh có 4-5% urea thì cho ăn 2kg bánh cho một con/ngày. Bò tơ cho ăn ít hơn. Tuyệt đối không cho bê con ăn bánh dinh dưỡng có thể sẽ bị ngộ độc urea.

Tảng liếm hay còn gọi là đá liếm cũng làm tương tư như làm bánh dinh dưỡng nhưng thành phần khác bánh dinh dưỡng. Tảng liếm mục đích là cung cấp muối ăn và khoáng chất cho bò nên thành phần chủ yếu là muối ăn, bột xương, hỗn hợp khoáng vi lượng. Đá liếm không có urea nên cho cho tất cả các đối tượng bò và bê sử dụng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở vùng tây nguyên

Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và trường Đại học Tây Nguyên thực hiện dự án “Cải thiện các hệ thống nuôi dưỡng gia súc ăn cỏ trong nông hộ tai khu vực Tam giác phát triển Việt Nam , Lào và Campuchia”.

Đây là dự án khoa học áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Nguyên cũng như Tam giác phát triển kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho nông dân, tăng độ an toàn cho kinh tế nông hộ. Trong đó, đối tượng của dự án là những hộ chăn nuôi nhỏ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục đích của dự án là làm tăng sinh kế và thu nhập cho người nghèo, nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Cambodia.

Chăn nuôi đại gia súc      Phát triển chăn Nuôi đại gia súc ở vùng Tây Nguyên 

Các địa phương thực hiện dự án được đầu tư một phần về vật chất, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi dưỡng các loại động vật ăn cỏ; đồng thời xác định các yếu tố tác động về môi trường có ảnh hưởng đến chăn nuôi của nông hộ sản xuất nhỏ.

Trong quá trình thực hiện dự án, các địa phương được tổ chức lại sản xuất trong chăn nuôi, bố trí cơ cấu chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ hợp lý trên từng địa bàn, tận dụng đồng cỏ tự nhiên kết hợp trồng cỏ chất lượng cao và áp dụng thâm canh cỏ; sản xuất nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi trâu bò.

Các địa phương bố trí sản xuất chăn nuôi-trồng trọt hợp lý trong các nông hộ nhỏ, trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên đất đai, đồng cỏ, nguồn nước, khả năng lao động nông thôn và việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi.

Dự án hướng tới việc phát triển chăn nuôi gia súc gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo liên kết giữa các hộ chăn nuôi với chuỗi thị trường chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua việc thực hiện dự án, tạo điều kiện cho nông hộ sản xuất nhỏ làm quen với điều kiện sản xuất kinh doanh đổi mới, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi, thúc đẩy các mối liên kết trong chuỗi thị trường nội địa và qua biên giới 3 nước.

Tại Đăk Nông, dự án được thực hiện tại huyện Cư Jut. Đây là vùng đất có điều kiện tự nhiên và sinh thái thuận lợi để thực hiện các hoạt động của dự án phát triển các loại gia súc ăn cỏ. Với kinh nghiệm vừa qua Cư Jut cũng đã thành công trong việc triển khai thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng giống bò thịt” và đang được nhận rộng ra các huyện khác trong tỉnh Đăk Nông.

Hiện nay, cán bộ CIAT cùng với các nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên đang hỗ trợ nông dân tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc cây làm thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn các nông hộ cách liên kết có hiệu quả với thị trường. Qua đây sẽ làm tăng sinh kế của nông hộ chăn nuôi gia súc thông qua việc cải tiến kỹ thuật, tăng tính cạnh tranh chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tận dụng nguồn lao động nông thôn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi.

Chuẩn bị đệm lót sinh học

Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa, mùa hè 40 – 60 cm, mùa đông 60 – 90 cm. Độ dày của đệm lót giảm dần do lợn dẫm lên trong quá trình di chuyển, nên khi làm mới thường tăng thêm khoảng 20%.

Chất độn làm đệm lót là một số loại mùn bột nhỏ như mùn cưa; trấu, vỏ hạt bông, lạc, thân cây bông, lõi ngô, thân cây ngô nghiền kết hợp với trấu. Để chuẩn bị cho chuồng lợn có diện tích 20 m2, độ dày của đệm lót khoảng 60 cm, phải chuẩn bị 200 lít dung dịch lên men, 5 kg bột ngũ cốc.

Dung dịch lên men trước 1 – 2 ngày, cho 1 kg men gốc, 10 kg bột ngũ cốc, thêm 200 lít nước sạch, khuấy đều, đậy kín, để chỗ ấm 24 giờ, mùa đông có khi kéo dài đến 48 giờ. Sau đó, lấy khoảng 2 lít dung dịch lên men đã được chuẩn bị trộn ẩm, đều sau đó để chỗ ấm. Sau 5 – 7 giờ, rải lớp trấu dày khoảng 30 cm, dùng vòi phun mưa, cào đều đến khi độ ẩm đạt khoảng 40%, tưới đều 100 lít dung dịch men. Tiếp tục dải 30 cm bột mùn, phun nước sạch đến khi đạt độ ẩm 20%, rải đều bột ngũ cốc lên bề mặt của lớp bột mùn. Tưới đều 100 lít dung dịch lên men còn lại lên bề mặt. Làm phẳng toàn bộ lớp mặt mùn cưa, phủ bạt kín. Sau vài ngày, dưới độ 30 cm lớp đệm lót có nhiệt độ khoảng 400C, có mùi thơm nhẹ của rượu, bỏ lớp bạt, cào nhẹ lớp bề mặt khoảng 20 cm, khoảng 1 ngày sau thì thả lợn vào.

Nuôi lợn sạch
Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa

Kỹ thuật ủ thức ăn bằng men vi sinh

Phương pháp lên men ướt

Thường sử dụng cám ngô và cám gạo lên men làm thức ăn cho lợn. Để lên men 100 kg cám ngô và cám gạo thực hiện như sau: Lấy 0,5 kg men, 4 kg cám ngô hòa vào trong thùng đựng 100 lít nước sạch, khuấy đều trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô còn lại và cám gạo, từ từ cho đến hết, thấy nước hơi ngập mặt cám là được. Khi đổ cám vào thùng, không đổ đầy, để cám cách miệng thùng khoảng 15 – 20 cm, tránh sau khi lên men thức ăn bị đầy, nổi lên trên và tràn ra ngoài. Để hở miệng thùng sau 4 – 5 giờ thì đậy kín. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 giờ, nhiệt độ dưới 300C thời gian lên men khoảng 24 – 28 giờ, khi thức ăn chua nhẹ, thơm nhẹ là được. Vào mùa hè, thức ăn sau khi ủ men vi sinh chỉ nên cho lợn ăn trong khoảng 2 ngày. Trong quá trình sử dụng hạn chế mở nắp thùng, tránh hiện tượng thức ăn bị nhiễm nấm.

Phương pháp lên men khô ẩm

Đòi hỏi điều kiện lên men chặt chẽ hơn, chỉ sử dụng được các loại cám, bột để làm thức ăn lên men. Để lên men 100 kg cám ngô, gạo thực hiện như sau. Lấy 0,5 kg men vi sinh và 2 kg cám ngô hòa vào thùng chứa 40 – 45 lít nước, 10 – 15 phút khuấy đều 1 lần, trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô và cám gạo, tưới đều nước men lên, trộn cho đến khi cám ẩm đều. Xúc vào thùng hoặc bao ni lon, không nén chặt, để hở miệng 5 – 6 giờ thì đậy kín miệng. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 – 36 giờ; nhiệt độ dưới 300C, thời gian lên men khoảng 36 – 48 giờ. Chú ý khi lên men không sử dụng bao nilon, thùng bị thủng, hạn chế mở miệng bao, nắp thùng, tránh thức ăn bị nấm mốc.

Phương pháp sử dụng thức ăn

Sử dụng thức ăn lên men vi sinh trộn thêm thức ăn công nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để lợn tăng trọng nhanh hơn. Chọn loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein trên 45%. Chỉ trộn thức ăn lên men với thức ăn công nghiệp trước khi cho ăn. Sau khi trộn có thể để nguyên dạng khô hoặc trộn thêm nước thành dạng lỏng để cho lợn ăn, tùy vào thói quen.

Thành phần phối trộn thức ăn ủ men với thức ăn công nghiệp thay đổi theo kiểu lên men, giống lợn và giai đoạn phát triển.

Lợn lai F1

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn với tỷ lệ 1 phần thức công nghiệp với 4 – 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 – 5 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 0,7 – 1,1 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,5 – 0,8 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 – 30 kg: Phối trộn tỷ lệ 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 – 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 – 6 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn 1,2 – 1,7 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,8 – 1,2 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 – 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 7 – 8 phần thức ăn lên men ướt và 6 – 7 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 1,7 – 3,4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt và 1,7 – 2,3 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 9 phần thức ăn lên men ướt hoặc 8 phần thức ăn lên men khô. Lượng thức ăn 3,4 – 4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 2,3 – 3 kg/con/ngày với lượng thức ăn lên men khô.

Lợn siêu nạc

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 4 – 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 3 – 4 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 – 30 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 5 – 6 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 – 5 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 – 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 – 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 – 6 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 8 phần thức ăn lên men ướt hoặc 7,5 phần thức ăn lên men khô.

Lượng thức ăn tương tự như lợn lai F1.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi bò thịt hiệu quả

Trong nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi bò đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, khi mà thịt bò trở thành thực phẩm chính yếu của người tiêu dùng cả nước. Để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi bò, mời bà con tham khảo bài viết sau

  1. Giống :

Giống là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Giống khác nhau thì tốc độ sinh trưởng, phát triển, tích lũy thịt, mỡ khác nhau: Con lai của bò Charolaise có tỷ lệ thịt xẻ cao hơn con lai của bò Hereford và ngược lại, tổ chức mỡ của thịt bò Charolaise thấp hơn thịt bò Hereford. Bò vàng Việt Nam có tỷ lệ thịt xẻ là 42%, tỷ lệ thịt tinh là 31%, trong khi đó bò thịt Charolaise có tỷ lệ thịt xẻ 60%, tỷ lệ thịt tinh là 45%.

  1. Tuổi :

Trong quy trình vỗ béo và giết mổ, hiện nay người ta thường nuôi bò từ 16 – 24 tháng tuổi với quy trình công nghệ cao để giết mổ.

Tuổi giết mổ khác nhau thì chất lượng thịt cũng khác nhau: Bê và bò tơ cho thịt màu nhạt, ít mỡ, thịt mềm và thơm ngon hơn. Bò lớn tuổi cho thịt màu đỏ, đậm, nhiều mỡ, thịt dai hơn và tất nhiên là không thơm ngon bằng thịt bê tơ. Tỷ lệ các cơ quan nội tạng sẽ giảm theo tuổi và ngược lại độ béo sẽ tăng dần lên.

  1. Giới tính :

Thường thì bò cái thớ thịt nhỏ hơn bò đực, mô giữa các cơ ít hơn, thịt vị đậm hơn, vỗ béo nhanh hơn. Ngược lại bò đực có tỷ lệ thịt xẻ cao hơn bò cái cùng độ tuổi vì bò cái có cơ quan sinh dục phát triển hơn bò đực. Trong quy trình vỗ béo người ta có thể thiến bò đực lúc 7 – 12 tháng tuổi để vỗ béo, nếu bò thiến sớm để vỗ béo thì thịt bò sẽ mềm hơn và béo nhanh hơn.

  1. Khối lượng lúc giết mổ :

Khối lượng bò đưa vào giết mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như : Giống, khả năng tăng trọng, thời điểm tích lũy nạc lớn nhất, chế độ nuôi dưỡng, hệ số tiêu tốn thức ăn, thị trường và giá cả…

  1. Dinh dưỡng và phương thức vỗ béo :

Kỹ thuật chăn nuôi thâm canh bò thịt hiện nay là chọn lọc những bê khỏe mạnh của các giống cao sản chuyên thịt, đưa vào nuôi dưỡng với chế độ thâm canh cao để đạt được khối lượng giết mổ cao nhất ở giai đoạn bê sinh trưởng với cường độ cao nhất ( dưới 24 tháng tuổi ). Các khẩu phần ăn khác nhau sẽ cho tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh khác nhau khi giết mổ.

nuôi bò thịt

Dù vỗ béo theo phương thức nào, vỗ béo sớm hay vỗ béo muộn, đối với bò thịt trước khi giết mổ bắt buộc phải có công đoạn vỗ béo. Vỗ béo là dùng biện pháp dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng làm cho khối lượng con vật tăng nhanh và phẩm chất thịt được cải thiện. Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào phương thức vỗ béo, thức ăn, giống, độ béo của bò. Thời gian vỗ béo quá ngắn thì thịt sẽ nhiều nước, thời gian vỗ béo thích hợp thì chất lượng thịt sẽ cao hơn.

Khẩu phần thức ăn vỗ béo cho bò giàu đạm và nhiều sắt thì thịt bò sẽ đỏ đậm, khẩu phần thức ăn có nhiều bột bắp thì mỡ bò sẽ vàng, thịt thơm ngon và khẩu phần thức ăn có tỷ lệ các phụ phẩm công nghiệp thì thịt bò có thớ lớn và nhiều mỡ giắt ( mỡ giữa các lớp thịt ).

Điều cần chú ý khi nuôi bò thịt

Trong và năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, trong đó đáng chú ý là việc khôi phục và phát triển đàn bò địa phương. Ngoài ưu thế về chi phí thức ăn thấp, sử dụng thúc ăn không cạnh tranh với người, giải quyết công lao động nông nhàn. Nghề nuôi bò còn có một ưu thế quan trọng là sản phẩm cuối cùng là bê và thịt có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đạt được cao nhất, người chăn nuôi cần biết những yếu tố cơ bản sau:

Đặc điểm sinh lý :

– Với bò đực : Tuổi bắt đầu phối giống từ 24 – 26 tháng tuổi và thời gian sử dụng phối giống tất nhất là từ 2 – 6 năm tuổi.

– Đối với bò cái : Tuổi thành thục sinh dục 18 – 24 tháng tuổi, chu kỳ động dục trung bình là 21 ngày, thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày và thời gian động dục trở lại sau khi sinh con 60 – 70 ngày.

Chọn giống

Chọn những con tốt, thân hình vạm vỡ, mình tròn, phía mông và vai phát triển như nhau giống hình trụ. Nên biết rõ nguồn góc và tính năng SX của đòi bố mẹ.Một số giống bò được nuôi phổ biến tại Việt Nam :- Giống bò nội : Bò vàng Việt Nam ( Bosindicus ) .- Giống bò lai ngoại : Con lai Zêbu ( nhóm bò Zêbu gồm các giống: Redsindhi, Sahiwal, Brah-man đỏ, Brahman trắng, Ongole ).

Chuồng trại

– Xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát và có màng lưới bao xung quanh chuồng để chống ruồi, muỗi và các côn trùng khác xâm nhập ( trong chăn nuôi hộ gia đình ).

– Nền cứng, không trơn trượt và có độ dốc để dễ thoát nước.

– Diện tích tối thiểu : 2,5 – 3m2/con bò thịt.

– Máng ăn và máng uống nên làm bằng xi măng đặt theo chiều dài hành lang phân phối thúc ăn.

– Cần có biện pháp xử lý phân để hạn chế ô nhiễm môi trường chung quanh và lây lan cỏ dại.

Thức ăn :

– Nguồn thức ăn chủ yếu của bò gồm các loại cỏ tươi, rơm rạ, cỏ khô, thức ăn xanh thô và củ, quả…

– Ngoài ra nên sử dụng thức ăn ủ chua hoặc rơm được kiềm hóa và thức ăn tinh chế chủ động trong việc tìm thức ăn cho bò.

– Trong chăn nuôi bò thịt, mỗi gia đình cần dành 500 – 1.000m2 đất để trống các loại cỏ như cỏ voi, cỏ sả, cỏ lông tây, cây bình linh… để lấy thức ăn cho bò.

Chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo

– Bò cái chửa : Cần cho ăn uống đầy đủ, tránh cày kéo nặng, đặc biệt là ở những tháng chửa cuối cùng. Nhu cầu ăn mỗi ngày là: 25 – 30kg cỏ tươi, 2kg rơm, 1 kg thức ăn tinh và 20 – 30g muối.

– Bò cái nuôi con. Ngoài khẩu phần trên, cần cho thêm các thức ăn củ quả tươi và thức ăn tinh để bò cái tăng khả năng tiết sữa nuôi con.

– Bê con : Tập cho bê con ăn cỏ khô từ tháng thứ 2, cỏ tươi và củ quả từ tháng thứ 4 và cai sữa từ tháng thứ 6. Khi trời nắng ấm nên cho bê con vận động tự do. Nhu cầu ăn mỗi ngày 5 – 10kg cỏ tươi, 0,2 – 0,3kg thức ăn tinh.

– Bê từ 6 – 24 tháng: Trường hợp nuôi chuồng phải thường xuyên cho bò, bê ra sân vận động từ 2-4 giờ/ngày. Nhu cầu ăn một ngày: 10 – 15kg cỏ tươi và cho ăn thêm các thức ăn tận dụng khác như ngọn mía, dây khoai, rơm rạ, cỏ khô, cỏ ủ chua và củ quả thay thế.

– Để có bò thịt đạt khối lượng cuối cùng khi giết thịt từ 250-300kg lúc 24 tháng tuổi cần nuôi vỗ béo bò trong khoảng 80-90 ngày trước khi bán bằng thức ăn tinh 1 kg/con/ ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam