Rau hữu cơ Định Trung khẳng định thế mạnh OCOP

Cây rau ở xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) lúc đầu chỉ có một vài hộ làm theo kiểu tự cung tự cấp. Dần dà, đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng trồng rau. Phối hợp với ngành NN-PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, hỗ trợ giống, vốn, VTNN và bao tiêu một phần rau xanh cho nông dân…


Để rau Định Trung có đầu ra ổn định, khẳng định được chỗ đứng, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành năm 2012, “Liên kết nhóm” trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ được hình thành. Ban đầu có 19 hộ tham gia với 1,5ha. Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 50% sản phẩm.

Tháng 5/2017, HTX SX và TM Định Trung (HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc) thành lập với 25 hội viên, là những nông dân trồng rau hữu cơ tại xã Định Trung. HTX hợp tác với các DN, nhằm liên kết, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình SX rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, giám sát SX để có những sản phẩm đạt VSATTP, từng bước hỗ trợ SX và tiêu thụ rau hữu cơ cho bà con với giá cao hơn, hoặc ít nhất bằng giá thị trường.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, bà Nguyễn Thị Hương Hồi, PGĐ kỹ thuật HTX cho biết, để rau, củ, quả hữu cơ, an toàn, bà con tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5 không”, gồm không dùng phân hóa học; không dùng chất biến đổi gen; không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Thay vào đó, bà con dùng ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn ngâm với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây thì dùng đu đủ chín, mướp đắng, chuối chín, cá trộn với đường (mùa đông 21 ngày, mùa hè 15 ngày) sau đó lọc lấy nước phun. Hiện tại HTX có 3 ha đang SX tại cánh đồng Đường Hiên, mỗi ngày làm ra từ 400 – 800kg rau, củ, quả…

Còn theo bà Hoàng Thị Tám, PGĐ HTX phụ trách thị trường, hiện tại rau HTX đã được tiêu thụ rộng rãi, tại nhiều của hàng và công ty như: Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden (Hà Nội), Cửa hàng thực phẩm sạch Bảo Phúc, Cửa hàng thực phẩm sạch Tĩnh Liên (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo), Thực phẩm sạch T-Food (Trần Phú, Liên Bảo), Sông Hồng thủ đô… Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX chỉ đạt 40 – 50%, còn lại các hộ vẫn phải tự lo đầu ra.

Vừa tranh thủ chăm sóc ruộng bắp cải, bà Trịnh Thị Vinh ở thôn Đậu, xã Định Trung, xã viên HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào bắp cải, su hào, cà chua theo hướng hữu cơ. Với 1 sào bắp cải trên 1.000 cây, trồng 2,5 đến 3 tháng cho thu hoạch, giá hiện tại 10.000 đồng/cây, trừ chi phí cũng thu được 7 triệu/đợt/sào. Tuy nhiên giá còn bấp bênh, như tầm này năm trước, mỗi cây bắp cải chỉ 2.000- 3.000 đồng, phải bán tống, bán tháo hoặc chặt cho bò, lợn, cá ăn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Gò, gia đình chị có 2 sào trồng rau, khi chưa thành lập HTX thì rau làm ra khó tiêu thụ, giá trị không cao. Khi vào HTX, các xã viên cùng chịu trách nhiệm nên chất lượng rau nâng lên, thu nhập tăng theo, bình quân 1 sào khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm, cao hơn cây trồng khác. Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX còn thấp, hộ gia đình vẫn phải tự lo đầu ra 50% sản phẩm.

Với phương châm “Sạch từ tâm, ngon xứng tầm”, chị Đặng Thị Bảo Yến, chủ cửa hàng thực phẩm Bảo Phúc (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo) cho biết, hàng ngày của hàng tiêu thụ trực tiếp khoảng 80kg rau, củ, quả của HTX. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn nhận giao hàng tận nơi khách hàng yêu cầu.

Nhanh tay chọn cho mình những túi rau tươi ngon mang nhãn hiệu HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc, chị Phan Thị Minh Thu ở khu 10, phường Liên Bảo tâm sự: “Tôi thường xuyên mua rau cửa hàng Bảo Phúc vì rau ở đây tươi ngon, sạch, được chứng nhận đảm bảo VSATTP, hơn nữa giá cả hợp lý”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mật ong bạc hà trên cao nguyên đá

Vừa tới khu nuôi ong của anh Giàng Nai Cơ ở thôn Cá Ha, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, Hà Giang, chúng tôi đã được chào đón nồng nhiệt bởi những tiếng vo vo của hàng ngàn con ong cùng mùi thơm phảng phất của hoa bạc hà làm quên hết mệt nhọc khi leo dốc đá.

Mật ong bạc hà trên cao nguyên đá tại Hà Giang

Nhà anh Giàng Nai Cơ đang nuôi 101 nhà ong, mỗi nhà có 4 – 5 cầu. Khi hoa bạc hà nở rộ từ tháng 11 – 12 hàng năm thì cứ 10 ngày anh quay mật 1 lần, mỗi lần quay được khoảng 0,5 lít mật. Mỗi mùa hoa bạc hà nở anh quay được khoảng 3 lần, tổng cộng mỗi nhà ong thu được 1,5 lít. Với giá bán khoảng 700.000 đ/lít thì mỗi mùa hoa bạc hà anh thu được khoảng 1 triệu đồng/nhà ong. Với 100 nhà ong anh có doanh thu hàng năm là 100 triệu đồng.

Các khoản chi phí bao gồm duy trì và giữ ong trong những tháng còn lại không có hoa bạc hà là 20 triệu đồng. Anh cho biết là các hoa khác trên vùng núi đá này rất ít, không đủ cho ong làm mật. Chi phí chuyển ong, nhân công, mua nhà ong và ong giống là 30 triệu đồng. Mỗi nhà có giá khoảng 1,1 triệu đồng và nuôi được 2 – 3 năm. Nhà ong được làm bằng gỗ, kích cỡ khoảng 42cm dài, 30cm rộng và cao khoảng 30cm. Như vậy hàng năm trừ các khoản chi phí thì có lãi khoảng 50 triệu đồng, đây là khoản thu nhập khá cao với bà con vùng núi cao.

Ong được nuôi theo đúng quy trình để có được chất lượng tốt

Anh Giàng Nai Cơ cho biết, ong nội ở nơi đây rất khỏe và ít bệnh tật, một số bệnh thỉnh thoảng xảy ra là thối ấu trùng tuổi nhỏ và bệnh ấu trùng túi. Do vậy cũng cần phải chăm sóc tốt, phòng bệnh bằng các loại thuốc có thể phun trực tiếp vào cầu ong hay trộn vào nước đường mía cho ong ăn. Duy trì đàn ong bằng thức ăn đường kính, phấn hoa, nước theo đúng quy trình.

Từ lâu, mật ong bạc hà cao nguyên đá Đồng Văn đã được nhiều người biết đến bởi những dược tính đặc biệt của nó, đó là khả năng bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đau dạ dày, làm đẹp da. Chính cây hoa bạc hà là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho con ong trên địa bàn và quyết định nên thương hiệu sản phẩm mật ong bạc hà.

Mật ong bạc hà có rất nhiều công dụng bổ ích cho con người

Tuy nhiên theo cán bộ Trạm Khuyến nông Đồng Văn thì cây bạc hà rất khó mở rộng do mọc tự nhiên, phân bố hẹp chỉ có ở khu vực núi đá trong thời gian từ tháng 11 – 12 và mọc xen ở các khu vực canh tác ngô 1 vụ. Cây bạc hà phụ thuộc lớn vào khí hậu. Mặt khác thời gian khai thác mật thường có rét đậm rét hại ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn ong.

Theo bà Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Giang thì Sở NN-PTNT tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển đàn ong nội, đặc biệt là quyết định số 300/QĐ- UBND của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt “Báo cáo phân tích và kế hoạch đầu tư chiến lược chuỗi giá trị mật ong giai đoạn 2017-2020” cũng như việc hoàn thiện quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu bạc hà.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Tỉnh An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu bền vững dựa trên thế mạnh về lúa và cá tra, đồng thời phát triển ngành du lịch xanh…

An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang cho biết, ước tính tổng diện tích trồng lúa năm 2017 của tỉnh đạt gần 649.200ha, giảm gần 20.000ha, trong đó các  vụ ĐX, HT và TĐ đều giảm diện tích. Đồng thời diện tích hoa màu gieo trồng được hơn 60.000ha, tăng nhẹ so cùng kỳ. Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, diện tích gieo trồng cây lúa giảm do chuyển dịch sang cây trồng và nuôi thủy sản khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt xấp xỉ 4 triệu tấn, giảm gần 40.000 tấn, nhưng giá trị SX tăng, ước tính giá trị SX nông nghiệp bình quân đạt mức 160 triệu đồng/ha.

Nông nghiệp An Giang đang hướng tới SX bền vững. Ngoài kế hoạch SX lúa hàng năm để đảm bảo kế hoạch lương thực, xu hướng chuyển dịch sang các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân áp dụng.

Tỉnh chú trọng SX lúa gạo an toàn, nâng cao chất lượng, tăng diện tích lúa nếp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2017, riêng sản lượng lúa nếp đã đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 271.500 tấn so năm trước. Tuy nhiên để đảm bảo SX bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng SX lúa nếp tại huyện Phú Tân, và thường xuyên kiểm soát các địa phương “xé rào” SX do sức hút của thị trường.

Trong SX cây lúa hàng năm, xu hướng hình thành chuỗi liên kết SX từ khâu cung cấp giống chất lượng cao đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, chế biến xay xát và xuất khẩu đang được nhiều nông dân lựa chọn. Theo thống kê mỗi năm trên địa bàn tỉnh có  trên 35.400ha đất SX 2 vụ thực hiện chuỗi liên kết SX mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Ngành nông nghiệp An Giang đang tổ chức thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm lúa gạo ra thị trường ngoài nước.  Trong nhiều năm qua tại tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng và vận hành hai nhà máy chế biến xay xát gạo với công suất là 200.000 tấn/năm/nhà máy.

Các nhà máy gắn liền với vùng nguyên liệu tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành và xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn cùng các địa phương khác gần nhà máy với phương thức: Tập đoàn Lộc Trời liên kết SX với hộ nông dân để cung cấp sản phẩm cho nhà máy. Tập đoàn cung cấp cho nông dân giống lúa tốt để áp dụng quy trình SX an toàn cho sản phẩm gạo sạch…

Trong các năm qua, nông nghiệp An Giang đánh dấu bước chuyển biến từ chuyển dịch diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Năm 2017 tổng diện tích cây ăn trái trên 15.800ha, tăng 19,2% (tương đương tăng 2.552ha so cùng kỳ), trong đó diện tích cây ăn trái tăng chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Mới. Diện tích cây ăn trái đã cho thu hoạch sản phẩm trên 11.700ha.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang hình thành vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái là hướng đi đúng của huyện. Chợ Mới đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững bằng hình thành các HTX  trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Hiện toàn huyện đã hình thành các vùng trồng xoài tập trung, với các giống chất lượng cao như xoài Đài Loan, xoài Cát Hòa Lộc. Kế hoạch nâng diện tích xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP đến năm 2018 là 500ha.

Tri Tôn là huyện miền núi có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống, với điều kiện đất đai khí hậu có 6 tháng mùa mưa và 6 tháng là mùa nắng nóng. Kinh tế của huyện trước đây chỉ trông chờ vào trồng lúa, nuôi bò với quy mô nhỏ lẻ, bấp bênh. Năm 2017 đánh dấu bước chuyển tích cực của huyện, khi có nhiều DN đầu tư chăn nuôi gia súc với quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho huyện Tri Tôn trong phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích tích cực cho bà con.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỳ lạ: Trồng rau trên cột nhựa, mang lại hiệu quả cao

Chỉ với khoảng sân thượng vỏn vẹn 12m² trên tầng 5, chị Vũ Ánh Tuyết (Hà Nội) đã thiết kế được một vườn rau khí canh với 9 trụ để trồng các loại rau ăn lá, ăn củ. Khác với quan niệm thông thường, vườn rau của chị mọc bám trên những cổ trụ nhựa, cây rau mọc nghiêng nhưng vẫn xanh tốt, năng suất cao.

Tranh thủ buổi sáng sớm trước khi đi làm, chị Vũ Ánh Tuyết ở ngõ 724, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) lên sân thượng tầng 5 của gia đình mình cắt một rổ rau cải đầy ắp rồi khoe: “Rau xanh, tốt, ngon mỡ màng. Nhiều khi lên đây nhìn vườn rau mà mê mẩn vì đẹp, đứng ngắm mãi không nỡ cắt”.

Vườn rau khí canh gồm 9 trụ với đủ các loại rau xanh

Chị Tuyết chia sẻ, nhà chị trồng rau trên sân thượng được hơn hai năm nay. Hồi đầu, chị trồng rau bằng đất, được một thời gian, do đất nặng, hàng ngày lại phải tưới nước cho rau nên trần nhà hay bị ẩm, có hiện tượng nứt; còn rau lại dễ bị sâu bệnh, chăm khá vất vả. Kể từ đó, gia đình chị bỏ không trồng rau bằng đất, chuyển sang trồng rau thủy canh, nhưng năng suất lại không cao.

Đến đầu tháng 8 năm nay, sau một thời gian mày mò, học hỏi từ bạn bè và trên mạng, anh Thắng, chồng chị đã tự mua các vật liệu về thiết kế vườn rau khí canh trên sân thượng. Trồng rau theo phương pháp này có nhiều ưu điểm. Mặc dù chi phí ban đầu khá cao, như mỗi trụ rau hết khoảng 1,5 triệu tiền vật liệu, chưa tính máy bơm, bút đo dinh dưỡng, chất dinh dưỡng,… Nhưng đổi lại, trồng bằng phương pháp này rất nhàn, không phải tưới rau hàng ngày, rau ít sâu bệnh, năng suất cao,…

Cách trồng khá đơn giản, hạt giống rau mình mua về ươm vào mút xốp (mút xốp đưa vào giá thể đặt lên trụ, khi trồng sẽ không bị mủn ra rơi vào trong trụ), khi hạt nảy mầm phát triển thành cây con đủ lá thì đặt vào giá thể rồi cho vào tháp là hoàn thành công đoạn trồng.

Ươm hạt giống trong mút xốp

Công đoạn chăm sóc thì hệ thống vườn khí canh đã có máy bơm tự động, hàng ngày sẽ bơm chất dinh dưỡng lên trụ trong vòng khoảng 15 phút liên tục rồi lại nghỉ 15 phút. Hai ngày thì phải tiếp chất dinh dưỡng một lần.

Chị Tuyết cho biết, từ công đoạn làm vườn, ươm giống, đưa rau lên tháp, tiếp chất dinh dưỡng đều do chồng chị tự tay làm, chị chỉ việc lên vườn cắt rau xuống chế biến.

Rau được chăm sóc đầy đủ chất dinh dưỡng nên vô cùng mơn mởn

Theo chị Tuyết, tuy mới trồng được mấy tháng nhưng phương pháp trồng rau khí canh trên sân thượng tầng 5 của gia đình chị khá thành công. Rau ăn lá thường được thu hoạch sau 20 ngày trồng với sản lượng trung bình đạt khoảng 50kg rau/tháng, dù nhà chị chỉ có 9 trụ rau khí canh.

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi tôm có chứng nhận, nâng cao giá trị sản phẩm

Các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau đang hình thành nhiều tổ hợp tác (THT), HTX kiểu mới. Bước đầu đã có một số HTX nuôi tôm sạch đạt chứng nhận quốc tế. Đây là xu hướng mới để ngành tôm mở rộng qui mô SX, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu tôm Việt Nam.

Chuyển biến mới

Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… bắt đầu hình thành một số HTX nuôi tôm sạch và mở hướng liên kết SX theo chuỗi giá trị. Đặc biệt từ sau khi thực hành nuôi tôm có chứng nhận, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ sử dụng thuốc kháng sinh, đến kỳ thu hoạch có DN bao tiêu sản phẩm, tổ chức thu mua nên loại hẳn nạn bơm chích tạp chất. Điều này đang được các nhà nhập khẩu nước ngoài đồng tình, quan tâm theo dõi.

Vùng nuôi tôm sạch đạt chuẩn ASC của HTX Hòa Nghĩa (Sóc Trăng)

Từ đầu năm 2016, với sự hỗ trợ của WWF (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) tại Việt Nam, Trung tâm hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp các cơ quan chuyên ngành và DN của tỉnh, HTX Hòa Nghĩa (xã Hòa Đông, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bắt đầu trải nghiệm quá trình tập huấn kỹ thuật, thực hành áp dụng quy trình nuôi tôm theo chuẩn quốc tế ASC (Aquaculture Stewardship Council – nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm). Sau hơn 1 năm, đến cuối tháng 6/2017 HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa được Chương trình Nuôi trồng Thủy sản và Thực phẩm của WWF Việt Nam trao giấy chứng nhận quốc tế ASC về nuôi tôm bền vững. Nhà nhập khẩu Nordic Seafood (Na Uy) và Cty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cùng đến tham dự, chứng kiến sự kiện.
Theo HTX Hòa Nghĩa, vào cuối tháng 6/2017 sản phẩm tôm nuôi theo chuẩn ASC đã được Cty Stapimex bao tiêu với giá cao hơn thị trường 15 – 20%. Từ sản phẩm tôm sạch đạt chuẩn ASC, Cty Stapimex chế biến xuất khẩu sang Na Uy. HTX Hòa Nghĩa có 29 thành viên, với diện tích ao nuôi 90 ha, mỗi năm SX cung ứng khoảng 600 tấn tôm thương phẩm. Từ nền tảng ban đầu vào năm 2013 HTX đã nuôi tôm đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, năm nay các hộ thành viên nuôi đạt chuẩn ASC thêm tự tin vì sản phẩm được DN bao tiêu với giá cao.

Xây dựng chuỗi liên kết

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản tỉnh Sóc Trăng là tổ chức lại các vùng nuôi thủy sản, đặc biệt đối với vùng nuôi tôm nước lợ. Tỉnh chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư cho vùng nuôi trọng điểm, hợp tác sản xuất theo hình thức tổ, nhóm. Trong 6 tháng đầu năm 2017 tỉnh Sóc Trăng thành lập mới 1 HTX và 7 THT, nâng tổng số lên 22 HTX và 183 THT thủy sản.
Kết quả sau gần 2 năm thực hiện liên kết về chuỗi SX và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, hiện nay về thực hiện liên kết đầu vào có 5 HTX/THT với diện tích 197 ha liên kết các nhà cung ứng vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, giống, bạt lót). Việc thực hiện mô hình liên kết giúp bà con sử dụng vật tư với giá thấp hơn so với mua ở các đại lý bên ngoài đồng thời kiểm soát tốt hơn chất lượng. Về liên kết đầu ra toàn tỉnh có 11 HTX/THT với diện tích 337 ha đã ký liên kết tiêu thụ sản phẩm với DN, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người nuôi.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các công ty yêu cầu người nuôi tôm phải áp dụng theo các quy chuẩn nuôi tôm sạch, đảm bảo chất lượng theo chuẩn ASC, VietGAP. Trong khi thực trạng đa số hộ nuôi đều quy mô nhỏ lẻ nên việc mua với số lượng lớn/lần khá khó khăn. Vì vậy yêu cầu của DN đối với các tổ nhóm tham gia ký kết phải có kế hoạch SX cụ thể.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, nhìn nhận: Các HTX nuôi tôm đạt tiêu chuẩn sạch, thực hiện liên kết SX theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả đã trở thành những điểm sáng. Lợi nhuận các hộ thành viên tăng cao hơn, dần nâng cao nhận thức về thực hành nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 1 HTX đạt chứng nhận nuôi tôm theo chuẩn ASC, 2 HTX/THT nuôi tôm áp dụng thực hành nuôi tốt đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo chương trình tuyên truyền về quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP cho người nuôi tôm nước lợ, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ có thêm 2 HTX/THT được chứng nhận VietGAP.
Ông Huỳnh Quốc Tịnh, Điều phối viên quốc gia về thực phẩm bền vững của WWF Việt Nam:

HTX Hòa Nghĩa nhận giấy chứng nhận ASC

Từ đầu năm 2016, với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam, Trung tâm hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp các cơ quan chuyên ngành và DN tập huấn kỹ thuật, thực hành áp dụng quy trình nuôi tôm theo chuẩn ASC (một chứng nhận quốc tế về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm) cho 30 HTX (Sóc Trăng 17 HTX, Bạc Liêu 5 HTX và Cà Mau 8 HTX).
Hiện nay người nuôi tôm nhỏ lẻ cung cấp sản lượng tôm nuôi chiếm phần lớn và lượng nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn ASC chỉ khoảng 5%. WWF Việt Nam nhắm tới các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực về kiến thức, thông qua các mô hình điểm HTX/THT với mô hình liên kết tam giác 3 nhà SX – DN chế biến XK – nhà nhập khẩu.

HTX thành lập từ năm 2003 có diện tích ao nuôi 26,6 ha, đến năm 2012 chuyển đổi theo Luật HTX. Theo hướng SX tôm sạch và liên kết SX, tất cả 20 hộ thành viên trong HTX đồng lòng, thừa nhận vào HTX SX đồng loạt theo thời vụ gặp nhiều mặt thuận lợi hơn. Khâu đầu vào khi mua tôm giống HTX liên kết với 3 công ty cung ứng giống. Thức ăn thủy sản HTX liên kết với 2 công ty, đến cuối vụ thu hoạch tôm bán cho Cty CP Thủy sản sạch Việt Nam và một số công ty khác.
Tuy HTX có phương án SX kinh doanh nhưng vốn ít. Vốn điều lệ của HTX chỉ có 162 triệu đồng và hoạt động chủ yếu nhờ vốn tín dụng nội bộ. Kế hoạch năm 2018 HTX tiếp tục vận động bà con bên ngoài tham gia, mở rộng qui mô SX và tổ chức liên kết SX theo chuỗi giá trị; đồng thời tranh thủ vốn vay từ ngân hàng, liên minh các HTX để làm dịch vụ cung ứng đầu vào – đầu ra giúp các hộ thành viên tăng thêm lợi nhuận.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cách phòng trừ sâu bệnh hại rau hữu cơ

Sản xuất rau hữu cơ là không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Vì vậy, việc phòng, ngăn ngừa sâu, dịch hại bùng phát quan trọng hơn là để cho chúng phát triển rồi mới diệt trừ. Những cách dưới đây sẽ giúp người trồng tiết kiệm chi phí sản xuất và phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả.

Kiểm tra vườn rau thường xuyên

Thường xuyên kiểm tra vườn rau. Tần suất nhiều ít tùy thuộc vào tình hình thời tiết, khí hậu, mùa vụ gieo trồng và khu vực trồng rau.

Thường xuyên kiểm tra vườn rau

Nếu phát hiện sâu và ổ trứng của sâu hại cần tiêu diệt ngay để tránh bùng phát dịch bệnh. Việc này đòi hỏi người trồng rau cần có kiến thức nhất định về các loài sâu hại để có thể phát hiện được.

Tạo môi trường cho côn trùng có ích (thiên địch) phát triển

Trong tự nhiên, luôn có một sự cân bằng nhất định về các loại côn trùng. Có côn trùng có ích và côn trùng gây hại. Tỷ lệ này luôn luôn tương đương nhau. Tùy vào nhiều yếu tố mà có thể sâu hại nhiều hơn thiên địch hay ngược lại. Mỗi loài sâu hại đều có những thiên địch của chúng. Do đó chúng ta cần tạo điều kiện để thiên địch phát triển hơn số sâu hại có trong vườn. Khi đó việc trồng rau sẽ đỡ vất vả hơn.

Theo thống kê, có hơn 100 họ côn trùng (sâu hại) như nhện, rầy mềm, rệp… Những loài côn trùng này có thể làm thức ăn cho những loài côn trùng (thiên địch) có ích khác như các loài bọ rùa, kiến ba khoang, chuồn chuồn, bọ ngựa, các loài ong,…

Tạo môi trường cho côn trùng có ích phát triển

Do vậy, việc tạo điều kiện cho các loài thiên địch này phát triển bằng cách trồng các loài hoa thiên nhiên như cỏ ba lá, cỏ linh lăng, hoa soi nhái… xung quanh vườn hay chỗ trống gần vườn rau để kích thích sự phát triển của côn trùng có ích đến tiêu diệt sâu hại.

Che chắn theo hàng rau, hoặc làm nhà lưới, nhà màng. Dùng băng vải, nilon dựng thành khung hoặc chắn xung quanh vườn hoặc theo các hàng rau bảo vệ rau khỏi côn trùng tấn công. Kỹ thuật này có hiệu quả với một số bọ cánh cứng, và bọ xít hại dưa leo, rau ăn lá…

Biện pháp này thường áp dụng đối với một số loại rau dưa leo, hoặc các loại rau không cần cho thụ phấn. Kỹ thuật này cũng có tác dụng giảm sương giá và dịch hại khác tấn công (chuột, bọ, ốc…). Ngoài ra, nhà lưới, nhà màng còn có tác dụng kéo dài mùa vụ gieo trồng rau, bảo vệ rau khỏi các điều kiện môi trường bất lợi và ngăn chặn sâu bệnh và dịch hại tấn công.

Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp để phủ lên các liếp trồng để hạn chế cỏ dại, nấm và các sinh vật trong đất gây hại đến vườn rau và giữ nước tốt. Biện pháp này áp dụng được với tất cả các loại cây trồng.

Bẫy cây trồng

Trồng một số cây cỏ không quan trọng gần vườn rau để nhử côn trùng tập trung vào nhằm giảm áp lực gây hại cho rau. Sau đó tiêu diệt những cây nhử này khi côn trùng tập trung mật độ cao, gây hại nhiều bằng các loại bẫy côn trùng như phenon,… sẽ dễ hơn rất nhiều so với phải diệt côn trùng trong toàn vườn rau.

Điều chỉnh thời vụ gieo trồng

Người trồng rau cần có kiến thức nhất định về các loại côn trùng, về đặc điểm gây hại của côn trùng đặc biệt là thời điểm bùng phát, gây hại của từng loại côn trùng trong năm. Ví như côn trùng chuyên phát triển mạnh vào mùa hè, côn trùng chuyên phát triển và gây hại vào mùa đông,…

Khi nắm rõ đặc điểm này rồi thì việc chọn thời vụ để gieo trồng sẽ hạn chế rất tốt sâu bệnh hại.

Trồng xen nhiều loài rau, luân canh khi cần

Xen canh là kỹ thuật trồng từ 2 đến nhiều loại rau trong một khu vực trong cùng thời vụ. Để trồng xen, người trồng cần nắm vững đặc điểm của một số loại rau.

Luân canh là kỹ thuật trồng mỗi vụ một loại rau khác nhau trên cùng chân đất trồng nhằm ngăn côn trùng bùng phát mật số cao gây hại trên một loại rau. Các loại rau này cần khác họ; như mùa này trồng cải bắp, xu hào thì vụ sau cần trồng họ khác như rau bầu, bí hay đậu, cà…

Vệ sinh đồng ruộng và giữ cho cây khỏe mạnh

Cây khỏe không hấp dẫn côn trùng tấn công, nếu bị côn trùng tấn công thì khả năng phục hồi nhanh và sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường. Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, nơi chứa chấp dịch hại (côn trùng, chuột, ốc…) thường xuyên và sau khi thu hoạch không còn nơi trú ngụ của sâu hại, trứng và nhộng trong các tàn dư cây trồng.

Vệ sinh đồng ruộng để giữ cho cây luôn khoẻ mạnh

Cày xới đất sau thu hoạch ngay để phơi đất hoặc lợi dụng thiên địch (chim) diệt nhộng, trứng, mầm bệnh, ổ chuột, bọ, cắt dứt nguồn gây hại cho vụ tới.

Áp dụng thuốc trừ sâu hữu cơ, sinh học

Một số loại thuốc trừ sâu có thể áp dụng sản xuất rau hữu cơ được các cơ quan chuyên môn công bố được phép sử dụng bao gồm Bt (Bacillus thuringiensis), thuốc trừ sâu cây cúc, thuốc trừ sâu rotenon, xà phòng trừ sâu, thuốc từ gốc cây Neem, các loại dầu thực vật…

Khi sử dụng, cần phải đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến cán bộ chuyên môn, kỹ thuật trước khi sử dụng cho rau hữu cơ.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Một số biện pháp sản xuất vụ đông

Đầu vụ đông năm 2017, miền Bắc gặp vô vàn khó khăn, hàng ngàn hecta lúa mùa, cây trồng, đặc biệt là cây vụ đông sớm bị thiệt hại do bão, mưa lớn, mưa kéo dài. Thu hoạch lúa mùa chậm, đất ướt, tiến độ gieo trồng chậm.

Đến nay, cây trồng vụ đông ưa ấm thời vụ cơ bản đã hết, chỉ còn thời vụ gieo trồng cây ưa mát, cây chịu lạnh. Những ngày này, giá rau xanh tăng vọt. Nếu không có biện pháp thích hợp thì khả năng vụ đông năm nay một số địa phương không thực hiện được mục tiêu đề ra. Dưới đây xin trao đổi với bà con một số biện pháp sản xuất:

Các địa phương, hộ sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất, trồng cây vụ đông, kiểm tra đồng ruộng, đánh giá tình hình sinh trưởng của rau màu, tổ chức tiêu thoát nước tốt, để có biện pháp xử lý thích hợp. Đối với những diện tích thiệt hại nhiều, cây trồng không có khả năng hồi phục nên phá bỏ, trồng mới.

Người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ đông

Chăm sóc cho diện tích bị ảnh hưởng do mưa kéo dài, sinh trưởng phát triển chậm như vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa lá già, lá bị giập nát, tỉa nhánh, nhổ cỏ dại… dồn dặm đối với diện tích mới trồng. Xới xáo nhẹ mặt luống, vét rãnh luống tới tầng đế cày để nước trong luống thoát ra nhanh, tạo độ thông thoáng, cung cấp oxy cho bộ rễ trao đổi chất.

Bón phân lân, phân tổng hợp, phun phân bón lá kích thích bộ rễ hồi phục và phát triển. Phun phòng trừ một số loại bệnh lở cổ rễ, thối gốc… bằng thuốc trừ bệnh phổ rộng như: Ridomil Gold, Daconil… trừ các loại sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu khoang bằng một trong các loại thuốc như: Regent 800WG, Success, Abamectin…

Để tranh thủ thời vụ cần tiến hành gieo cây giống sớm, gieo qua vườn ươm hoặc gieo trực tiếp vào bầu. Nếu thời gian để cây giống trong bầu dài thì làm bầu to. Áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu, trồng cây trên nền đất ướt như trồng bí ngô, ngô. Trồng một số loại rau để được thu hoạch sớm như su hào, các loại rau cải. Thực hiện bón lót sâu, bón phân nhiều, bón thúc sớm để đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây trồng.

Để giải quyết sự khan hiếm rau xanh giai đoạn sắp tới nên gieo trồng các loại rau có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày như cải thìa, cải ngọt, cải cúc… Áp dụng biện pháp kỹ thuật: Khi làm đất còn ướt nên cuốc lát nhỏ, vằm san mặt, rắc phân chuồng hoai mục, phân tổng hợp, lót nhiều rồi rải tiếp hỗn hợp đất bột hoặc cát lấp với trấu, phân chuồng rồi gieo hạt, chăm sóc bình thường.

Để tránh hiện tượng mất cân bằng cung – cầu, các loại sản phẩm vụ đông, từng hộ gia đình, địa phương gieo trồng các loại rau màu vụ đông có cơ cấu hợp lý, rải vụ, chú trọng phát triển những cây trồng sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, sản xuất những loại cây trồng sản phẩm có thể cung cấp ngay cho thị trường lại vừa cất trữ bảo quản được. Cơ cấu cây trồng hài hòa về thời gian sinh trưởng, cây cực ngắn thời gian sinh trưởng dưới 50 ngày, cây ngắn ngày có thời gian sinh trưởng khoảng 2,5 tháng, cây dài ngày trên 3 tháng.

Cân đối giữa các loại cây trồng ăn lá, ăn quả, ăn củ…

Áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất, thực hiện trồng xen, trồng gối một số cây trồng như: các loại rau cải ngắn ngày trồng xen với hành, tỏi, bí ngô… Phát triển những cây trồng gieo trồng 1 lần thu hoạch nhiều lần như đậu cove leo, đậu bắp, cải xoong, cà chua, cà tím…

Diện tích cây vụ đông giảm nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu về giá trị và tổng sản lượng, trong đó, chú trọng sử dụng các giống rau màu lai F1 cao sản, tăng cường đầu tư phân bón, đặc biệt là bón lót sâu, lượng nhiều, bảo đảm đủ nước cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Thực hiện quy vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn an toàn gắn với thị trường…

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Quản lý thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản

Vấn đề quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại là một việc vô cùng quan trọng cần được sự quan tâm của chính quyền và người dân.

Nghị định 39/2017/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/ 02/2010 về việc quy định điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại. Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế, xã hội đầu tư nghiên cứu, đào tạo, khuyến công, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước và các chính sách khác, trong đó có việc dành thêm quỹ đất và tín dụng ưu đãi cho việc trồng, thu hoạch, bảo quản, sản xuất, gia công, chế biến nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước.

Đầu tư và xã hội hóa đầu tư nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Khuyến khích phát triển mạnh hình thức xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.

Đối với việc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, Nghị định đã quy định không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản. Ngoài ra, kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản

Nguồn: Internet

Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.

Sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng đảm bảo không gây tồn dư kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép trong sản phẩm chăn nuôi và không gây ảnh hưởng đến kháng kháng sinh trong điều trị bệnh của con người và vật nuôi.

Chỉ được phép sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.

Về điều kiện nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải có hoặc thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo quản đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường và theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Nghị định cũng nêu rõ, đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải đáp ứng các điều kiện như: Địa điểm sản xuất, gia công phải nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi những yếu tố như chất thải, hóa chất độc hại, chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường…

Trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày 20/5/2017, cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại có trách nhiệm thực hiện việc công bố hợp quy về điều kiện cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định của Nghị định này.

Theo hoinongdan.org.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Quan tâm đến chỉ dẫn địa lý, giúp nâng cao giá trị sản phẩm

Hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý”. Hội thảo do Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các định hướng, khuyến nghị về xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý, để phát triển các sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của Việt Nam.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương cho sản phẩm địa phương là yêu cầu thực tế và là biện pháp hiệu quả để phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, đồng thời cũng là một quá trình đầu tư lâu dài và đòi hỏi cam kết, nỗ lực của nhiều bên tham gia từ người nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức đến chính quyền các cấp tại địa phương.

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hàng nông sản và đặc sản vùng miền nhằm xác định phương thức phát triển thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới rất giàu tiềm năng về nông sản, là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo cà phê, tiêu và dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây công nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, Chè Thái Nguyên, cốm Làng Vòng, tỏi Lý Sơn, chuối Ngự Đại Hoàng…

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt là tư khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý

Tồn tại trên có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp. sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, kỹ năng kinh doanh thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản.

Để có thể phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đặc biệt là để đặc sản các vùng miền Việt Nam giữ vững thị trường trong nước, tiến tới mở rộng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, vẫn còn không ít vấn đề cần được giải quyết.

Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm; việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng, cần thiết.

“Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý như: Ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể: Sữa Ba Vì, chè Ba Vì, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, cốm làng Vòng, bún Phú Đô, giò chả Ước lễ, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi…; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ, phối hợp nhiều tỉnh thành trong cả nước tổ chức các chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội. Hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương đã có mặt tại các kênh phân phối tại Hà Nội và được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích, tin dùng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Thông qua chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương; nhằm phát huy và nâng cao giá trị, phát triển bền vững và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo baomoi.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Cấp bách xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt

Thực tiễn của các nước trên thế giới đã chỉ ra, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ sẽ có “giá” hơn rất nhiều sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh. 

Chiếm tỷ lệ quá ít

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây nông nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn… Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay có khoảng hơn 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc.

Ở trong nước, con đường tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là đi từ người sản xuất ra chợ truyền thống. Dưới góc độ quốc gia, nông sản Việt Nam chủ yếu được XK bằng con đường vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc để XK. Gần đây, một số ít các loại hoa quả được một số thị trường khó tính cho phép NK. Hiện, nhiều mặt hàng của Việt Nam còn đứng top XK lớn nhất thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu…, nhưng có một nghịch lý là nông sản Việt ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, có tới 90% nông sản Việt Nam XK dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Bổ sung thêm thông tin, PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Đại học Ngoại thương cho hay, có 9/11 tổng công ty của Bộ NN&PTNT đã đăng ký thương hiệu cho 107 mặt hàng nhưng chỉ mới có 3 thương hiệu được đăng ký ở nước ngoài; mới có 15/58 hội viên của Hiệp hội Trái cây Việt Nam đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước.

Không chỉ dừng ở đó, bà Hà còn bổ sung, không thể tìm thấy những loại hoa quả có gắn nhãn trên thị trường trong nước, còn ở thị trường thế giới, có đến 95% nông sản XK dưới dạng nguyên liệu, dạng thô mà chưa có thương hiệu. Đơn cử như cà phê, 95% XK dưới dạng nguyên liệu, chiếm 40% thị phần XK cà phê thế giới nhưng giá trị chỉ chiếm 2% bởi Việt Nam chỉ có 3 thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay. Trong khi đó, so sánh với các quốc gia có tỷ lệ XK cao như Brazil, có đến 20% thương hiệu cà phê hòa tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay. Tương tự, mặt hàng gạo, chè cũng vậy.

Thua thiệt

Do chưa được xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý nên hàng hóa Việt Nam bị thua thiệt rất nhiều, ít được người tiêu dùng thế giới biết đến. Ví dụ, cùng là sản phẩm chè Việt Nam chỉ XK được với giá 50 USD/kg trong khi sản phẩm chè của Ấn Độ bán với giá 200 USD/kg. Đây là một khoảng cách vô cùng lớn được tạo ra bởi thương hiệu của sản phẩm.

Một dẫn chứng khác được ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Council Wordwide tại Việt Nam nêu ra, trong khi Trung Đông bán vài USD/kg thanh long thì thanh long của Việt Nam chỉ bán được vài nghìn đồng/kg, bày bán tràn lan trên khắp các vỉa hè Hà Nội. Hiệp hội Thanh long của Bình Thuận chỉ có vài chục DN tham gia, dẫn tới thương hiệu thanh long Bình Thuận rất ít người biết tới. “Thử hỏi làm sao sản phẩm Việt có đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Tôi cho rằng, trước khi nghĩ tới chuyện xúc tiến ra thế giới, chúng ta cũng cần trả lời câu hỏi xúc tiến trong nước trước đã. Làm sao để người Việt yêu thích các sản phẩm của Việt Nam hơn hàng hoá của thế giới mới là vấn đề. Còn hiện nay, người Việt vẫn chuộng gạo Campuchia, Thái Lan hơn gạo Việt, chuộng mít Thái hơn mít Việt”, ông Nhất nêu vấn đề.

Theo bà Hà, việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế, gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận một tên gọi được định danh trên thị trường, chưa xây dựng được quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Toản, có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các DN còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và DN chưa chặt chẽ, kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.

Chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản. Bên cạnh đó, chi phí bảo hộ tốn kém cũng ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của DN. Thực tiễn triển khai ở địa phương hiện nay, việc xây dựng 1 bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý rất phức tạp vì liên quan đến vấn đề kỹ thuật, pháp lý và nhiều yếu tố khác mà không phải địa phương nào cũng sẵn sàng triển khai được.

Dựa vào yếu tố khác biệt

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích cho những nhà sản xuất kinh doanh và cho nền kinh tế. Nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra, nhờ vào sản phẩm duy nhất của Colombia đã thay đổi cả nền kinh tế. Cụ thể, những năm 1960, 87% cà phê tiêu thụ ở thị trường Mỹ có nguồn gốc từ Colombia nhưng người tiêu dùng Mỹ hầu như không biết đến nguồn gốc của loại sản phẩm này. Chỉ có 4% người tiêu dùng biết sản phẩm này có nguồn gốc từ Colombia. Nhưng sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển thương hiệu này, độ nhận biết sản phẩm trên thị trường Mỹ từ 4% lên 80%, một vài quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha con số này là 95%. Nhờ có thương hiệu mà giá trị của sản phẩm cà phê Colombia tăng đáng kể.

Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Theo bà Hà, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thương hiệu uy tín. Nghiên cứu tại Liên minh châu Âu cho thấy, 43% người tiêu dùng Liên minh châu Âu (khoảng 159 triệu người) sẵn sàng trả thêm 10% cho sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 8% (khoảng 29,6 triệu người) thậm chí sẵn sàng trả thêm 20%. 3% (khoảng 11 triệu người) trả tới 30% cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là vấn đề cấp bách.

Ông Nhất cho rằng, đến thời điểm này, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để phát triển thị trường, sau khi có thương hiệu cần xây dựng và phát triển để tăng giá trị thương hiệu. Trước tiên, Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu trong nước rồi mới tính đến chuyện đem thương hiệu đó đi XK, khắc phục tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã diễn ra trong thời gian qua. Để làm được điều này, chúng ta phải định vị, xác định được vị trí, đối thủ. Ví dụ, muốn làm thương hiệu du lịch, Việt Nam cần nhìn từ Thái Lan, Malaysia. “Có đến 80% khách du lịch khi đến Thái Lan đều muốn quay trở lại, còn Việt Nam tại sao không. Chúng ta phải tìm ra sự khác biệt để xây dựng thương hiệu”, ông Nhất nói.

Cùng quan điểm này, bà Hà cho biết thêm, việc xây dựng thương hiệu nông sản dựa vào chiến lược cạnh tranh, dựa vào năng lực cạnh tranh dẫn đầu, năng suất, sự khác biệt. Bản chất của quá trình xây dựng thương hiệu chính là tạo ra sự khác biệt, tìm ra năng lực cạnh tranh cốt lõi. “Ở Việt Nam có đặc điểm là, nhiều địa phương có ranh giới giáp nhau có sự tương đồng văn hóa, nhiệm vụ của người xây dựng thương hiệu là phải chỉ ra được thương hiệu cốt lõi, sự khác nhau của sản phẩm, ví dụ chè Tân Cương, chè San Tuyết và chè Hà Giang”, bà Hà chia sẻ.

Nguồn: Baohaiquan.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.