VietGAP có gì khác với JGAP và GlobalGAP ?

VietGAP, GlobalGAP, JGAP có gì khác biệt?

GAP là viết tắt của cụm từ “Good Agricultural Practices” nghĩa là Thực hành tốt nông nghiệp.

GlobalGAP (Good Agricultura Pratices)

Đây là tiêu chuẩn Toàn cầu do hơn 80 Quốc gia đặt chung và lấy tên là GlobalGap để đề ra tiêu chuẩn chung sản xuất trong ngành Nông nghiệp bao gồm Trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản.

GlobalGAP với hơn 100 tiêu chí kiểm soát, theo đó yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; giống cây trồng, vật nuôi được chọn cũng là giống sạch bệnh bởi nếu giống không an toàn sẽ ảnh hưởng nhiều tới năng suất, chất lượng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ra, người sản xuất phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc.

Có thể thấy, để một mặt hàng nông nghiệp đáp ứng được GlobalGAP nghĩa là được thừa nhận đảm bảo chất lượng trên toàn cầu thì mặt hàng đó phải trải qua một hệ thống kiểm soát vận hành nghiêm ngặt, tối ưu nhất, và chưa kể đến việc phải bỏ ra một khoản chi phí đáng kể.

Chính từ ưu điểm và một số khó khăn hệ thống này, một số nước đã dựa trên GlobalGAP để xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng để phù hợp với tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Pratices)

Năm 2008, tiêu chuẩn VietGAP đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, dựa trên 4 tiêu chí như:

  • Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.
  • An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.
  • Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.
  • Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hệ thống này bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gặp một số bất cập như quản lý kiểm soát chưa chặt chẽ, người nông dân chưa hưởng ứng triệt để làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do thói quen nông nghiệp lạc hậu, và chi phí duy trì, tái đánh giá,v.v..

JGAP (Japan Good Agricultural Practices)

Tương tự, JGAP là bộ tiêu chuẩn của Nhật Bản được xây dựng vào năm 2007. Ngay từ khi mới ra đời, JGAP đã được công nhận là bộ chuẩn đạt chất lượng tương đương tham chiếu với GlobalGAP.

Như đã biết, bên cạnh thị trường nổi tiếng kiểm soát về chất lượng sản phẩm là EU thì Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường có những quy định riêng nghiêm ngặt hơn nữa. Đó là lý do bộ chuẩn JGAP được quy định với hơn 130 tiêu chí kiểm soát đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng đầu thế giới.

PHẠM VI – SỰ KHÁC BIỆT

Như vậy sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ được thừa nhận trên thị trường Việt Nam.

Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay các tiêu chuẩn tương đương (JGAP) sẽ được thừa nhận trên quy mô toàn cầu, dễ dàng được chấp nhận bởi các nhà phân phối lớn và thâm nhập các thị trường khó tính. Sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP sẽ được nhận biết thông qua hệ thống định vị tọa độ địa lý toàn cầu, tham gia hệ thống dữ liệu toàn cầu, đảm bảo truy xét nguồn gốc nên có thể trở thành đối tượng của thương mại điện tử.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phân công trách nhiệm nguồn nhân lực trong JGAP

Trong bất kỳ một tiêu chuẩn nào cũng đều có một hệ thống quản lý nguồn lực. Vậy thì trách nhiệm của từng bộ phận quản lý là gì?

Bài viết dưới đây xin chia sẻ đến bà con về vấn đề phân công trách nhiệm nguồn lực quản lý trong tiêu chuẩn JGAP

1. Người quản lý nông trại

Người quản lý nông trại là người được phân quyền thay mặt ban lãnh đạo để quản lý nông trại. Người quản lý nông trại phải làm những việc sau:

1) Phải hiểu rõ phiên bản mới nhất của JGAP và phổ biến lại cho những người có trách nhiệm liên quan.

2) Phải có đủ khả năng để giải thích kiến thức liên quan tới những điểm kiểm soát của JGAP mà họ ứng dụng trong khu vực của họ.

2. Người quản lý sản phẩm

  • Trách nhiệm của người quản lý sản phẩm là giám sát các mục sau:

1) Giám sát loại sản phẩm và tiêu chuẩn (Giống, phương pháp canh tác…)

2) Thông số giao hàng, bao gồm cả cách đóng gói, số lượng và cân nặng

3) Quản lý thông tin trên bao bì sản phẩm

4) Đảm bảo an toàn và chất lượng nông sản

5) Xử lý khiếu nại hoặc bất thường của sản phẩm, và quy trình thu hồi sản phẩm

  • Trách nhiệm cho người quản lý sản phẩm như sau:

1) Phải có đủ khả năng để giải thích kiến thức liên quan tới những điểm kiểm soát của JGAP mà họ ứng dụng trong khu vực của họ.

2) Phải nỗ lực để nâng cao những kiến thức trong việc kiểm soát sản phẩm.

3. Người quản lý phân bón

Người có trách nhiệm quản lý phân bón giám sát, lựa chọn, đo lường, ứng dụng và lưu trữ phân bón.

Người có trách nhiệm quản lý phân bón thực hiện các công việc sau:

1) Phải có khả năng giải thích kiến thức của mình về các điểm kiểm soát JGAP trong khu vực làm việc của mình.

2) Cố gắng nâng cao kiến thức về phân bón và quản lý đất đai.

4. Người quản lý hóa chất nông nghiệp

Người có trách nhiệm quản lý hóa chất nông nghiệp giám sát, lựa chọn, đo lường, ứng dụng và lưu trữ hóa chất nông nghiệp.

Người có trách nhiệm quản lý hóa chất nông nghiệp thực hiện các công việc sau:

1) Phải có khả năng giải thích kiến thức của mình về các điểm kiểm soát JGAP trong khu vực làm việc của mình.

2) Cố gắng nâng cao kiến thức về hóa chất nông nghiệp.

3) Phải cập nhật được những thông tin mới nhất về tiêu chuẩn áp dụng hóa chất nông nghiệp và có thể trình bày những thông tin trong vòng 1 năm qua.

5. Nhân viên chịu trách nhiệm về an toàn lao động

Nhân viên chịu trách nhiệm về an toàn lao động giám sát công việc để ngăn ngừa các thương tích hoặc tai nạn tại nông trại.

Nhân viên chịu trách nhiệm về an toàn lao động thực hiện các công việc sau:

1) Phải có khả năng giải thích kiến thức của mình về các điểm kiểm soát JGAP trong khu vực làm việc của mình.

2) Cố gắng nâng cao kiến thức về an toàn lao động.

3) Phải cập nhật và hiểu được những thông tin mới nhất về an toàn lao động trong việc sử dụng máy móc và cơ sở hạ tầng.

4) Phải đảm bảo rằng nông trại luôn có người có thể tiến hành sơ cấp cứu, và phải đảm bảo rằng người đó đã được huấn luyện về sơ cấp cứu.

6. Nhân viên chịu trách nhiệm về quản lý lao động

Nhân sự chịu trách nhiệm quản lý lực lượng lao động giám sát công việc để quản lý môi trường làm việc, phúc lợi, điều kiện lao động tại nông trại.

Nhân sự chịu trách nhiệm quản lý lực lượng lao động thực hiện các công việc sau:

1) Đủ khả năng giải thích những hiểu biết của mình về các Điểm kiểm soát JGAP trong khu vực mình phụ trách.

2) Nỗ lực cải thiện kiến thức của bản thân về nhân quyền, phúc lợi và việc quản lý lực lượng lao động.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tiêu chuẩn GAP là gì?

Hẳn chúng ta ai cũng đã từng nghe qua những câu “Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”, “Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GloabalGAP”, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về VietGAP, GlobalGAP . Vậy những tiêu chuẩn đó là gì?

Gap là cụm từ Good Agricultural Pratices được viết tắt là G-A-P dịch sang tiếng Việt là “Thực hành nông nghiệp tốt”.

   Nguồn gốc GAP

Từ năm 1997, theo sáng kiến của những nhà bán lẻ Châu Âu (Euro-Retailer Produce Working Group) nhằm giải quyết mối quan hệ bình đẳng và trách nhiệm giữa người sản xuất sản phẩm nông nghiệp và khách hàng của họ. Họ đã đưa ra khái niệm GAP.

2   GAP trên toàn thế giới- GLOBALGAP

Từ ngày 7/9/2007, hệ thống EurepGAP (GAP của Châu Âu) được nâng lên thành GLOBALGAP (GAP của toàn Cầu). Đó là một tổ chức GAP của tư nhân được toàn thế giới hưởng ứng. Điểm quan trọng nhất của GLOBALGAP:

  1. An toàn thực phẩm.
  2. Truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm khi có sự cố xảy ra.
  3. Sự an toàn của người lao động.
  4. Sức khỏe và an sinh xã hội.
  5. An toàn cho môi trường. GLOBALGAP là tiêu chuẩn quy trình sản xuất của tổ chức làm ra sản phẩm (Prefarmgate).

Nghĩa là chứng chỉ đó bao trùm một chuỗi quy trình sản xuất xuyên suốt từ gieo hạt giống cho đến khi đưa sản phẩm ra khỏi nông trại.

GLOBALGAP được áp dụng cho rau, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cà phê hạt, trà, heo, gia cầm, cừu và gia súc, bò sữa, thủy sản, một số sản phẩm khác đang xây dựng.

Những yêu cầu chính để thực hiện GLOBALGAP

– Sản phẩm sản xuất ra phải được đăng ký nơi sản xuất rõ ràng.

– Cơ sở phải xây dựng hệ thống kỹ thuật và quản lý sản xuất hoàn chỉnh đến sản phẩm cuối cùng.

– Quy trình sản xuất, bón phân, BVTV có thể linh họat điều chỉnh cho phù hợp.

– Quản lý chặt chẽ kho thuốc, và dư lượng thuốc BVTV trong nông sản.

– Hồ sơ sản xuất (trước và sau thu họach) ghi chép, hồ sơ đầy đủ để có thể truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Thực hành sản xuất theo GAP có lợi gì cho người sản xuất, và sẽ gặp những trở ngại gì?

Sự có lợi của GAP ở chỗ những quy định, quy tắc và tiêu chuẩn của chất lượng và độ an toàn của nông sản được xác định rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đánh giá, làm giảm đi những rủi ro của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) và những tạp chất có hại khác.

Những thử thách, trở ngại chính của chương trình GAP là sự tăng giá thành sản phẩm do công việc ghi chép chứng từ, tập hợp hồ sơ suốt quá trình sản xuất, kiểm tra dư lượng hóa chất và những tạp chất khác trong nông sản, để đủ dữ kiện để có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra còn phải đầu tư cho những công việc như đánh giá, và xây dựng hệ thống thông tin để quản lý GAP.

3   GAP của  khu vực Châu Á – ASEANGAP

ASEANGAP được thành lập bởi Hiệp Hội ASEAN, năm 2006. ASEANGAP có những tiêu chí như sau:

–         An toàn nông sản.

–         An toàn môi trường.

–         Sức khỏe cho người lao động, an sinh xã hội.

–         Chất lượng nông sản.

4   GAP của một số nước

Một số nước đã có GAP áp dụng cho thị trường của mỗi nước.

– Thailand: Q GAP và ThaiGAP, do Bộ Nông Nghiệp & Hợp tác xã Thailand đưa ra.

– Japan: JGAP, do một nhóm người sản xuất xây dựng nên năm 2005, đến 2006 Bộ Nông nghiệp công nhận JGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật Bản. Tháng 8/07 Nhật Bản công nhận GLOBALGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật.

– Ấn độ: IndiaGAP: được thành lập bởi tổ chức quản lý chế biến xuất nhập khẩu nông sản của Ấn độ. Riêng nông sản xuất sang Châu Âu, Ấn độ sử dụng tiêu chuẩn GLOBALGAP.

– Trung Quốc: ChinaGAP được thiết lập bởi Nhà Nước Trung Quốc cho nông sản và thực phẩm. Tháng 4/2006 ChinaGAP được hòa nhập với GLOBALGAP đối với nông sản xuất khẩu.

– Malaysia: SALMGAP, do Bộ Nông Nghiệp Malaysia đưa ra. Phòng kiểm tra chất lượng (Crop Quality Control Division) thuộc Cục Nông nghiệp- Bộ Nông nghiệp Malaysia là đơn vị tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và cấp chứng chỉ SAlMGAP cho rau hoa quả.

5   GAP của Việt Nam

VietGAP: Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam (Good Agricultural Practices for production of fresh fruit and vegetables in Vietnam) được Bộ Nông Nghiệp&PTNT Việt Nam ban hành vào 28/01/2008.

Mười hai nội dung quy trình thực hành VietGAP

  1. Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất.
  2. Giống và gốc ghép.
  3. Quản lý đất.
  4. Phân bón và chất phụ gia.
  5. Nước tưới.
  6. Hóa chất (Bao gồm cả thuốc BVTV).
  7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
  8. Quản lý và xử lý chất thải.
  9. Người lao động.
  10. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm.
  11. Kiểm tra nội bộ.
  12. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Quy trình nuôi ghép tu hài, ốc hương và rong câu

Việc nuôi ghép các đối tượng này trong ao đầm nước mặn vừa đa dạng hóa đối tượng nuôi vừa hạn chế rủi ro dịch bệnh và nâng cao thu nhập cho người dân. Quy trình này đang được nhân rộng tại các vùng ven biển miền Trung.

Chuẩn bị ao nuôi

Khu vực nuôi là ao, đầm nguồn nước có độ mặn từ 25‰ trở lên trong suốt thời gian nuôi (8 tháng). Diện tích tối thiểu từ 3.000 m2 trở lên, trong đó, diện tích nuôi tu hài và rong câu ở giữa phải chiếm 30 – 50% tổng diện tích ao nuôi. Ao có bờ bao chắc chắn và cống cấp, thoát nước đảm bảo gần nguồn nước để thuận tiện thay nước. Chất lượng nước có pH 7,5 – 8, đáy cát bùn (cát nhiều hơn bùn, không nhiễm phèn và ít mùn bã hữu cơ).

Tháo cạn nước ao, đầm dọn sạch các loại rong, rêu, san hô, cây cỏ… tu sửa bờ ao, cống, nếu bùn đáy dày thì có thể nạo vét bớt, san bằng đáy, tạo dốc về phía cống thoát.

Dùng vôi nông nghiệp (CaO) rải xuống đáy ao, liều lượng 500 – 700  kg/ha để vệ sinh, sát trùng đáy ao. Nếu đáy ao không bằng phẳng cần rải vôi tập trung ở những vùng trũng, nhiều bùn. Xung quanh bờ ao phải vây lưới cước quanh bờ, sát mép nước (cỡ mắt lưới a = 0,3 cm) để ngăn không cho ốc bò lên bờ.

Khu vực nuôi tu hài và rong câu ở giữa ao được vây chắn lưới xung quanh với diện tích 1.000 – 2.000 m2 (dài 40 – 50 m và rộng 25 – 40 m). Đào rãnh sâu 15 – 20 cm, rộng 20 cm, cắm cọc đỡ lưới (đường kính cọc 5 – 7 cm, cao 1 m, khoảng cách 2 m/cọc), sau đó, đưa lưới xuống rãnh phủ đất và lèn chặt chân.

Cấp nước sạch cho ao vào kỳ triều cường, nước được lọc qua hệ thống đăng lưới chắn để ngăn rác, cá tạp và các loại địch hại khác vào ao. Duy trì mực nước 0,8 – 1,2 m trong ao và lắp quạt khí để đảo nước và tăng cường ôxy hòa tan trong ao khi ốc lớn, mật độ nuôi cao (2 dàn quạt/3.000 m2).

Nuôi ghép Tu hài, Ốc hương và Rong câu cho hiệu quả cao

Thả giống và chăm sóc

Thả giống

Giống ốc hương: được mua về cỡ 15 – 20 mm (4.000 – 6.000 con/kg), vận chuyển bằng bao nilon bơm ôxy, đóng kín vào thùng xốp, giữ nhiệt độ 24 – 250C hoặc đóng khô, giữ nhiệt độ 24 – 250C trong suốt quá trình vận chuyển. Ốc khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng, bò lên nhanh khi cho ăn và vùi toàn bộ xuống cát khi ăn xong. Không có các biểu hiện nhiễm bệnh như trắng vỏ, gãy đỉnh vỏ, sưng vòi…

Giống tu hài: có thể mua từ trại giống sản xuất nhân tạo hoặc giống thu gom từ tự nhiên, giống thường có kích cỡ 1.500 – 3.000 con/kg, giống phải khỏe mạnh không bị sứt sát, màu sắc tươi sáng và vòi không bị sưng. Mật độ thả 7 – 8 con/m2 ghép với trồng rong câu (0,5 kg/m2). Rong và tu hài được trồng và nuôi trong đăng chắn ở giữa ao.

Ốc hương: nuôi làm 2 giai đoạn: Giai đoạn ương (1 tháng đầu), thả 800 – 1.000 con/m2, nuôi trong đăng chắn với diện tích 200 m2. Nuôi lớn: Sau 1 tháng nuôi, ốc đạt cỡ 700 – 900 con/kg, mở lưới đăng và san thưa ốc trong ao (khu vực nuôi ốc) để nuôi lớn, mật độ 30 – 40 con/m2.

Chăm sóc, quản lý

Thức ăn cho ốc hương bao gồm cá tạp, tôm, tép…; cho ăn 1 – 2 lần/ngày, lượng thức ăn chiếm 10% trọng lượng thân và được điều chỉnh hàng ngày theo sức ăn của ốc. Nên sử dụng thức ăn tươi, không cho ốc ăn thức ăn ôi thiu. Có thể căn cứ vào điều kiện môi trường nước ao nuôi cùng với tốc độ sinh trưởng và mật độ ốc thả mà có thể san thưa để đảm bảo ốc sinh trưởng tốt. Cùng đó, có thể kết hợp tháo cạn nước, vệ sinh ao để san thưa sang ao và đăng nuôi khác nếu môi trường đáy ao có nhiều bùn và rong.

Trong quá trình nuôi thường xuyên quan sát hoạt động ăn mồi của ốc, kiểm tra sự dò rỉ nước ao, kịp thời phát hiện địch hại để diệt trừ. Theo dõi lượng thức ăn thừa hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp. Thay nước định kỳ 3 – 5 ngày/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước ao. Luôn phải giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch, tránh ô nhiễm làm ốc bị nhiễm bệnh. Duy trì mực nước trong ao 0,8 – 1,2 m để ổn định nhiệt độ, hạn chế rong đáy phát triển. Ốc hương thường vùi mình trong bùn và sống chủ yếu dưới tầng đáy, do vậy để tránh ô nhiễm đáy cần vớt hết thức ăn thừa. Vận hành quạt khí liên tục từ tháng thứ 2 trở đi nhằm cung cấp ôxy hòa tan và gom tụ chất thải vào giữa ao làm thức ăn cho tu hài. Cùng đó, nguồn dinh dưỡng sinh ra trong quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ, bài tiết của ốc sẽ được rong câu hấp thụ, vừa làm trong nước ao vừa hạn chế được tảo và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong vụ nuôi, cần hạn chế sự biến động lớn của độ mặn (không quá 5‰), để tu hài, rong câu, ốc hương phát triển tốt cần định kỳ thay nước ao đầm (15 – 20‰) vào kỳ con nước có độ mặn cao để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho tu hài và làm trong nước, giúp ốc hương và rong câu phát triển tốt.

Ổn định các yếu tố môi trường trong suốt vụ nuôi như nhiệt độ nước: 27 – 300C; độ trong 30 – 35 cm, pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 120 mg/l kiềm, ôxy hòa tan trên 4 mg/l, độ mặn 25 – 30‰; H2S < 0,01 mg/l; NO2 và NO3 < 0,1 mg/l. Cần kiểm tra chất đáy định kỳ (tháng/lần), nếu chất đáy có mùi hôi thối, chuyển sang màu đen thì tiến hành cào đáy, quạt và thay nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm cát sạch dày khoảng 2 cm.

Thu hoạch

Sau 5 – 6 tháng nuôi, khi ốc hương đạt kích cỡ lớn 25 – 30 con/kg con thì thu hoạch bằng cách dùng bẫy, lồng nhử mồi hoặc vợt để thu tỉa những con to, con nhỏ để lại nuôi tiếp. Sau 8 tháng nuôi trở lên có thể thu hoạch tu hài bán nếu đạt kích thước thương phẩm 30 – 40 con/kg.

Rong câu sau 2 tháng nuôi có thể tiến hành thu tỉa (tháng/lần) và luôn đảm bảo mật độ rong 0,5 – 1 kg/m2.

Nguồn : thuysanvietnam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi tôm sú sạch kết hợp rong nho và hải sâm

Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận thực hiện thí điểm thành công trên diện tích 2 ha tại xã Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư Ninh Thuận, cho biết mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm 1 con/m2; rong nho 0,05 kg/m2. Mô hình này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ tham gia dự án được cán bộ của trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, hải sâm và rong nho.


Mô hình nuôi kết hợp tôm sú – hải sâm – rong nho ở tỉnh Ninh Thuận đã thành công bước đầu và chuẩn bị được nhân rộng

Sau gần 9 tháng, kể từ ngày thả nuôi các giống thủy sản nói trên, tỉ lệ sống của tôm và hải sâm đạt trên 70% (cao hơn 15% so với nuôi thuần chủng). Sản lượng thu hoạch tôm trên 3,6 tấn/ha, hải sâm gần 2,6 tấn/ha, rong nho 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3 kg/bụi rong. Sau khi trừ chi phí, 3 hộ nông dân tham gia lãi hơn 600 triệu đồng, cao trên 30% so với nuôi tôm sú thuần chủng.

Ông Nguyễn Văn Long, một trong 3 hộ nói trên, cho biết lúc mô hình mới triển khai, ông rất bỡ ngỡ nhưng ngay vụ đầu đã thấy hiệu quả vì môi trường nước sạch hơn, tôm và hải sâm không dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua giá cao hơn, từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (tôm, hải sâm, rong nho).

Theo đánh giá của các chuyên viên thủy sản, lợi ích lớn nhất của mô hình này là giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, đồng thời thức ăn được kiểm soát tốt, không để dư thừa nên môi trường nước rất sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập kế hoạch để nhân rộng mô hình nuôi thủy sản này trên địa bàn.

Theo báo Người lao động, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho : hiệu quả cao và bền vững

Ốc hương là thực phẩm cao cấp, có giá trị dinh dưỡng, thương mại cao, nghề nuôi ốc hương đã được nhiều người phát triển rộng rãi. Tuy nhiên hiện nay đa số người dân nuôi ốc hương với hình thức nuôi đơn, thả mật độ dày. Vài vụ nuôi đầu cho năng suất cao, càng về sau nguồn nước càng ô nhiễm bởi hóa chất và thức ăn thừa nên dẫn đến dịch bệnh trên ốc, làm năng suất hạ thấp thậm chí mất trắng cả vụ nuôi.

Trước tình hình đó, Trung tâm khuyến ngư quốc gia đưa ra cho bà con mô hình nuôi mới : nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho. Hải sâm cát đã nhân giống thành công và được nuôi phổ biến tại Khánh Hòa. Trong khi đó, rong biển cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng. Khi nuôi kết hợp 3 loài này mới nhau, hải sâm có tác dụng lọc tầng đáy, ăn thức ăn thừa, vụn hữu cơ của ốc hương, còn rong nho hấp thu các chất hữu cơ lơ lửng trong nước, giúp nước sạch và mát hơn. Sau đó là hải sâm, rong biển sẽ chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang năng lượng cao và hữu ích; đồng thời giúp người nuôi tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nuôi ghép 3 đối tượng này cho hiểu quả kinh tế cao

Mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật như sau :

Mô hình diện tích ao từ 2.500 – 5.000 m², độ mặn từ 20‰ trở lên, độ sâu mực nước từ 1,2-1,5 m. Đáy ao là đáy cát bằng phẳng dốc về phía cốc tiêu nước, được cắm lưới xung quanh (mắt lưới 2a = 2 mm) đáy cách bờ 5m, để ngăn không cho ốc bò lên bờ ao, có phần lưu không 1-2 m xung quanh ao. Sau 1 tháng nuôi thì lắp các cánh quạt.

Mật độ thả nuôi ốc hương 40 – 50 con/m² (cỡ trung bình 10.000 con/kg). Sau 1 tháng tiến hành thả hải sâm 0,5 con/m² (cỡ trung bình 50 g/con) và rong nho 500 kg/ha. Rong nho được đặt trong lồng, kích cỡ 1 m²/lồng. Mỗi lồng trồng 500 g rong nho giống

Sau thời gian thả nuôi từ 5 – 6 tháng thì tiến hành thu hoạch.  Lúc này ốc hương đạt kích thước 120 – 140 con/kg và hải sâm đạt 250 – 400 g/con. Thu hoạch ốc hương trước bằng máy. Sau khi bắt ốc hương xong, tháo cạn nước và dùng vợt hoặc tay để bắt hải sâm.

Kết quả thực hiện mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển năm 2015 tại hai điểm như sau:

– Năng suất rong nho đạt trung bình 17,6 tấn/ha; ốc hương đạt 2,5 tấn/ha; hải sâm đạt 1,3 tấn/ha.

– Lợi nhuận từ mô hình dao động từ 82,6 – 344 triệu đồng/hộ (trung bình đạt 224,7 triệu đồng/0,5 ha/vụ hay 449,4 triệu đồng/ha/vụ).

Khi so sánh với mô hình nuôi đơn cùng diện tích thì lợi nhuận nuôi đơn chỉ đạt 129,5 triệu/0,5 ha. Như vậy so với mô hình nuôi đơn, mô hình nuôi kết hợp lợi nhuận tăng 42,4%. Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi kết hợp cao gấp 1,7 lần so với mô hình nuôi đơn. Tỷ suất lợi nhuận đạt trung bình 59,4%/9 tháng (hay 6,6%/tháng), cao gấp 11 lần so với lãi suất ngân hàng.

Mô hình đã và dang được nhân rộng

Dự án tại Khánh Hòa đã góp phần tạo phương thức nuôi hải sản mới, giúp cho người dân chuyển từ hình thức nuôi đơn thiếu bền vững sang nuôi kết hợp cải thiện môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và bền vững. Tuy vậy, do đây là mô hình mới nên người dân còn ngại chuyển đổi, nên cần được phổ biến, nhân rộng nhiều hơn nữa.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại

Nhờ các cảm biến ghi nhận dữ liệu tự động và cập nhật qua internet, các trang trại nuôi tôm sẽ không cần loay hoay đo độ pH, oxy hòa tan… mỗi ngày. Chỉ cần cầm trên tay một chiếc smartphone, chủ trang trại có thể cập nhật nhanh chóng tình hình ao nuôi dù đang ở bất cứ nơi nào.

Chiều 14-10, vòng chung kết cuộc thi IoT Startup 2017 đã diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 10 dự án tập trung vào giải pháp thiết kế hệ thống quản lý vận hành trên nền tảng công nghệ Internet of Things (Internet kết nối vạn vật-IoT). Trong số các dự án này, có khá nhiều giải pháp hướng tới việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa việc quản lý các hệ thống sản xuất, chiếu sáng, môi trường…

Theo Ban tổ chức, các dự án này sau giai đoạn phát triển ý tưởng, xây dựng sản phẩm… đều phải trải qua thời gian triển khai giải pháp trong thực tế mới đủ điều kiện tham gia vòng chung kết. Tại vòng chung kết, các dự án đã cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, trình diễn kết quả thử nghiệm trong thực tế và thuyết trình về chiến lược kinh doanh sản phẩm, giải pháp.

Các dự án tham gia vòng chung kết IoT Startup 2017 đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp, giao thông, môi trường.

Giải thưởng cao nhất thuộc về dự án chuyên giám sát, quản lý ao nuôi trồng thủy sản bằng các thiết bị IoT cũng đã triển khai mô hình thực tế ở các hộ nuôi thủy sản. Các ao nuôi thủy sản thay vì hàng ngày phải đo các chỉ số môi trường theo hình thức thủ công; thông qua giải pháp này cùng với cảm biến (gắn dưới ao) sẽ tự động đo các chỉ số và gửi dữ liệu tới máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone).

Farmtech Vietnam đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi IoT Startup 2017

IoT Startup 2017 là cuộc thi thường niên do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức. Mục tiêu của cuộc thi là kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp, xã hội với các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trên nền tảng IoT (Internet of Things) cũng như ươm tạo và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo TBKTSG Online & Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng Xoài cát Hòa Lộc sạch không dùng thuốc BVTV

Xoài cát Hòa Lộc ở xã Cam Thành Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa đã trở thành thương hiệu xoài sạch, chất lượng. Đạt được thành quả đó là nhờ bà con trong xã đã áp dụng quy trình kỹ thuật trồng xoài sạch của Trung tâm khuyến nông khuyến ngư đưa ra.

Xoài cát Cam Lâm là 1 trong 3 loại xoài được dán tem chứng nhận nhãn hiệu

Quy trình kỹ thuật gồm 5 bước như sau :

   Bước 1: Khi thu hoạch xong xoài vụ trước vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch thì tiến hành bón phân phục hồi cho xoài theo công thức: 1kg sunphat + 1kg lân + 0,5 kg kali/1 gốc xoài, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Sau đó, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành vượt, cành vô hiệu, tạo độ thông thoáng cho cây xoài, tăng nguồn ánh nắng chiếu vào tán cây nhằm hạn chế sâu bệnh ẩn nấp và cây đỗ ngã mùa mưa bão.

   Bước 2: Vào đầu tháng 12 âm lịch, tiến hành bấm ngọn cho ra lộc mới, nên bấm đồng loạt thì xoài sẽ ra ngọn, ra bông đồng loạt. Tiếp theo, bón 2 kg phân lân + 1 kg kali + 0,5 kg sunphat, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Bón phân ở giai đoạn này nhằm tạo ra những ngọn cây mập và khỏe mạnh, đồng thời dự trữ chất dinh dưỡng để nuôi hoa sau này.

Đến cuối tháng 1 âm lịch năm sau thì xoài bắt đầu ra cơi 2, sau đó khoảng 10 ngày thì ta phun thuốc trị sâu, rầy, bọ trĩ. Nếu gặp trời mưa thì phun thuốc trị bệnh thán thư cho xoài để hạn chế lây lan về sau. Sử dụng thuốc đặc trị có nguồn gốc sinh học, phun 03 lần, mỗi lần cách nhau 4 ngày. Vì trong thời kỳ này xoài ra ngọn nhiều, khi phun thuốc xong ta tiến hành tỉa bớt ngọn, chỉ để 1 – 2 ngọn mập và khỏe cho đủ sức nuôi hoa sau này tốt hơn.

     Bước 3: Vào tháng 2 âm lịch tiến hành bón phân tiếp theo công thức: 2kg kali + 1kg sunphat + 0,5 kg lân. Vào giai đoạn này cây xoài tập trung phát triển mầm hoa, do đó cần bón thêm 0,5 kg KNO3/1gốc cây, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng, tích lũy để phân hóa mầm hoa. Kết hợp với bón vôi để khử chua và cung cấp canxi cho cây.

     Bước 4: Khi cây xoài đã ra cơi 2 hoàn chỉnh, lá bắt đầu chuyển sang màu phớt hồng thì sử dụng thuốc gói Paclobutrazol loại 20% tưới kích cho cây. Hòa 1kg thuốc Paclobutrazol loại 20% tưới cho khoảng 8 – 10 cây xoài, tùy theo tán lớn nhỏ và độ tuổi của cây. Tưới cách gốc 5 tấc theo vành máng chứa rồi giữ ẩm liên tục từ 8 – 15 ngày và ngưng. Siết khô xong ta kiểm tra xem đọt xoài đã ra cựa gà chưa. Nếu thấy cây nhú cựa gà khoảng 80 – 90% thì phun thuốc trị sâu rầy, bọ trĩ hoặc nếu gặp mưa thì phun thuốc phòng ngừa thán thư hại bông sau này. Sau khi siết khô hạn được 10 – 15 ngày thì ta bón thêm 2 đợt KNO3 nữa để kích ra hoa đồng loạt, kèm theo bón phân vi lượng và trung lượng.

     Bước 5: Khi xoài ra hoa rộ và đậu quả bằng trứng cá hay trứng cút thì ta bắt đầu chọn loại bỏ bớt để xoài mau lớn trái. Đến khi trái xoài to bằng quả trứng gà hoặc lớn hơn thì chọn loại bỏ lần 2, chỉ để lại từ 1 – 2 trái/chùm mà thôi. Sau đó, tiến hành bao trái ngay để hạn chế ruồi vàng và sâu đục quả. Trong thời gian này ta bón phân kích thích lớn trái có thành phần kali, canxi làm cho trái xoài chắc, đẹp mã, nặng ký, giá cao và được thị trường ưa chuộng.

Nguồn : Khuyến nông Khánh Hòa, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên – Phần 2 : Giải pháp phát triển bền vững

Nhận ra được những nguyên nhân dẫn tới việc nuôi biển không hiệu quả, tỉnh đã đề ra những giải pháp để nuôi trồng thủy sản mặt nước biển bền vững như sau :

Triển khai lập Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển, trên cơ sở đó triển khai công tác giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ mật độ lồng, bè nuôi và môi trường vùng nuôi.

 – Lập Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển phù hợp với quy hoạch khu du lịch quốc gia để có cơ sở giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ các vùng nuôi.

– Trong khi chờ lập các quy hoạch nêu trên, kiến nghị với UBND Tỉnh cho chủ trương tiếp tục quản lý nuôi trồng thủy sản mặt nước biển theo 06 Phương án phân vùng đã được phê duyệt.

Quy hoạch lại vùng nuôi là điều cần thiết

Chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng về lồng, bè NTTS mặt nước biển.

– Tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm từ bên ngoài nhập về thị xã Sông Cầu (nhất là nguồn giống nhập từ nước ngoài),

+  Rà soát, thống kê toàn bộ các hộ kinh doanh giống tôm hùm trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý giống tôm hùm nhập về theo quy định pháp luật.

+ Phổ biến, tuyên truyền các hộ nuôi không nên mua, thả giống tôm hùm không rõ nguồn gốc và tuân thủ việc thả nuôi tôm hùm với mật độ thả nuôi trong lồng và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển.

+ Thường xuyên kiểm tra các đầu mối nhập tôm hùm giống về địa phương theo quy định của pháp luật.

+ Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT không cho phép nhập tôm hùm giống trái vụ.

– Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới bè, lồng nuôi trồng thủy sản.

+ Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới lồng, bè nuôi trồng thủy sản, không để phát sinh thêm lồng, bè và hộ nuôi mới.

+ Triển khai quản lý đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản phân cấp của UBND tỉnh Phú Yên;

– Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản.

Củng cố, kiện toàn Ban Quản lý vùng NTTS mặt nước biển và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi, đảm bảo hoạt động hiệu quả để quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo qui chế đã đề ra.

–  Trong Quy chế quản lý vùng nuôi cần lưu ý đến chế độ thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình thả nuôi các đối tượng thủy sản và dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản.

Củng cố, kiện toàn các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi để thực hiện các nhiệm vụ: Quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi; quản lý về mật độ nuôi, mật độ lồng nuôi; đảm bảo an ninh trật tự vùng nuôi; hỗ trợ giúp nhau phát triển sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp kịp thời các thông tin về NTTS, quan trắc môi trường… của các cơ quan quản lý nhà nước đến người nuôi thủy sản biết để thực hiện.

Vùng nuôi tránh xâm lấn vùng vịnh du lịch

Triển khai quyết liệt các giải pháp về Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển.

– Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trung ương thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra đối với NTTS mặt nước biển.

Triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển. Trong đó:

+ Trách nhiệm của người nuôi: gom chất thải NTTS hàng ngày và để trên bè của mình để tàu đến thu gom; nộp tiền hàng tháng để chi trả cho đội tàu thu gom chất thải;

+ Trách nhiệm của nhà nước: Qui hoạch các điểm tập kết chất thải trên bờ  và Bãi chứa chất thải. Huy động xe rác của thị xã tiến hành thu gom và chuyển chất thải về các bãi chứa rác thải.

Tuân thủ các quy định về nuôi thủy sản để phát triển bền vững

Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản

– Vận động, sắp xếp nuôi theo đúng phương án phân vùng đã được phê duyệt, đảm bảo số lượng lồng nuôi và mật độ tôm nuôi theo qui định (với mật độ thả nuôi trong lồng tối đa 40 con/lồng tôm có kích cỡ ≥ 0,3 kg / 01 lồng nuôi và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển).

– Kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định..

– Vận động, hướng dẫn người nuôi phải tuân thủ các quy định về lịch thời vụ, quy trình nuôi bền vững, về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, về vệ sinh an toàn thực phẩm… do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành.

– Người nuôi phải tham dự đầy đủ và thực hiện đúng nội dung đã hướng dẫn tại các buổi tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh NTTS.

– Không tư ý cắm cọc tre, sử dụng lốp xe… để nuôi vẹm, hàu và các vật nuôi thủy sản khác làm cản trở quá trình lưu thông nước của vùng nuôi.

– Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về số lượng lồng nuôi, về môi trường, bệnh dịch cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Khi có bệnh dịch xảy ra, phải kịp thời báo cáo và phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y để xử lý kịp thời.

– Thu gom rác thải, chất thải để tại nơi được quy định. Tuyệt đối không được vứt chất thải (đặc biệt là xác vật nuôi thủy sản bị chết) ở trong vùng nuôi. Kịp thời ngăn chặn và phản ảnh với UBND các xă, phường khi phát hiện những cá nhân có hành vi sai phạm.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm.

Xúc tiến thành lập Hiệp Hội tôm hùm thị xã Sông Cầu, nhằm liên kết giữa đại diện người nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ tôm hùm để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro và phát triển tôm hùm bền vững, an toàn môi trường và an toàn thực phẩm.

– Phối hợp với Cục sở hữu Trí truệ và sở KHCN Phú Yên xây dựng nhãn hiệu tôm hùm bông của thị xã Sông Cầu.

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên- Phần 1 : tràn lan nhưng thiếu hiệu quả.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông được bao bọc bởi các đảo và bán đảo nên mặt biển ít động, rất phù hợp để phát triển nuôi lồng bè trên biển. Từ lâu nơi đây đã phát triển ngành nuôi trồng thủy sản biển, nhưng càng lúc càng nhiều làm ô nhiễm vùng nuôi và khó quản lý.

Những tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển.

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, như: các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm đều đã được quy hoạch phân vùng gắn với thành lập Ban quản lý vùng nuôi và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS để sắp xếp, bố trí và quản lý số lượng lồng nuôi; định kỳ hàng tháng thông báo kết quả quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đánh số lồng, bè NTTS mặt nước biển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật NTTS cho người nuôi…

Tôm hùm chết do mưa bão

Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã còn nhiều tồn tại, yếu kém; nhất là Công tác quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ lồng bè một số vùng nuôi dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lượng lồng nuôi đã vượt gấp nhiều lần so với quy định của Phương án phân vùng đã được phê duyệt, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng; đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển lồng, bè:

Trên địa bàn thị xã hiện có 2.142 hộ nuôi tôm hùm với 1.229 bè (có đăng ký).

Theo thống kê của các xã, phường trong 6 tháng đầu năm 2017 có 7.700 lồng ươm tôm hùm giống các loại, trong đó tôm hùm bông 3.200 lồng và các loại tôm hùm khác (như tôm xanh, tôm sỏi, tôm đỏ,…) 4.500 lồng.

Đối với tôm hùm thịt nuôi từ năm 2016 chuyển sang: trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xuất bán 6.600 lồng tôm hùm thịt các loại với sản lượng đạt 190 tấn (bằng 66,7% so với cùng kỳ và bằng 31,7 % so với kế hoạch); số lượng lồng tôm hùm thịt niên vụ 2016 – 2017 còn lại 8.900 lồng tôm các loại (Sản lượng, năng suất tôm hùm giảm mạnh so cùng kỳ là do ảnh hưởng bởi đợt mưa, lũ cuối năm 2016 và  sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017).

Đối với tôm hùm thịt thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017 (từ lồng ươm giống tôm hùm sang lồng nuôi tôm hùm thịt) là 12.000 lồng, trong đó tôm hùm bông 5.800 lồng và tôm hùm khác 6.200 lồng, bằng 2,26 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân nguồn tôm giống nhập từ nước ngoài về nhiều trong khi tôm giống không xuất bán được và được người nuôi chuyển sang nuôi thịt.

Về Nuôi thủy sản mặt nước biển khác: Nuôi cá bớp lồng, bè 250 lồng; nuôi hầu, vẹm xanh xen với ghép trong các vùng nuôi tôm hùm ước khoảng 50 ha; nuôi ốc hương có 5 ha.

Từ giữa năm 2016 đến nay, nghề nuôi tôm hùm lồng, bè ở Sông Cầu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Cụ thể:

+ Đợt nắng nóng vào tháng 6/2016 ở vùng nuôi xã Xuân Phương thiệt hại 24.849 kg (tương đương 31.061 con tôm hùm bông), 14.394 kg (tương đương 47.980 con tôm hùm xanh);

+ Đợt mưa, lũ tháng 11 năm 2016: Có 598 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại 751.423 con (trong đó 21.355 tôm bông/ tương đương 399 lồng và 730.068 tôm các loại/ tương đương 4.675 lồng) và 33 hộ nuôi cá bị thiệt hại 8.463 con.

+ Đợt dịch bệnh sữa trên tôm hùm nuôi ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương từ tháng 1-3 năm 2017 đã làm thiệt hại 20% tổng đàn tôm hùm nuôi.

+ Đặc biệt sự cố tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 ở 02 xã, phường (Xuân Phương, Xuân Yên) có 1.100 người nuôi thủy sản bị thiệt hại với 2.325.242 con tôm hùm chết, 32.358 con cá (mú, bớp).

Tôm hùm chết do dịch bệnh

Nguyên nhân của việc nuôi nhiều nhưng kém hiệu quả

Để xảy ra tồn tại, yếu kém nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước:

– Chưa có Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển và chưa ban hành qui định trình tự, thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS.

– Chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, nhất là không kiểm soát được số lượng giống tôm hùm rất lớn từ nước ngoài, dẫn đến nguồn tôm giống thả nuôi không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đây là nguyên nhân chính làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi và gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian qua.

– Chưa triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nhận thức việc tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản và vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển.

– Chưa quản lý được việc mua, bán thức ăn tươi sống cho hoạt động NTTS, nhất là tình trạng các xe tải chở thức ăn mua, bán công khai ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã.

– Các Tổ quản lý cộng đồng NTTS đã được thành lập, nhưng chưa thường xuyên chỉ đạo để củng cố, kiện toàn, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, nên vùng nuôi chưa được quản lý chặt chẽ theo qui chế đã đề ra, nhất là chưa quản lý được số lượng lồng nuôi, mật độ và bảo vệ môi trường vùng nuôi, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động NTTS.

– Công tác phổ biến, truyền đạt thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các thông tin về quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn NTTS, chưa được truyền đạt kịp thời, sâu rộng đến với người nuôi.

Bè nuôi kín mặt vịnh Xuân Đài

Trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

– Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi còn nhiều yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua.

– Người nuôi chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; nhất là:

+ Công tác quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi chưa được người nuôi quan tâm, làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua.

+ Nhiều hộ dân tự phát cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu làm cản trở quá trình lưu thông nước.

+ Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đều không kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định; làm khó khăn trong công tác quản lý và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

– Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh tôm hùm chưa được người nuôi quan tâm, tỉ lệ người tham dự các buổi tập huấn nuôi tôm hùm đều rất thấp so với số lượng triệu tập; sau khi tập huấn không thực hiện theo qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.