Thành tỉ phú nhờ nuôi tôm.

Là người dân tộc Khmer, dù chỉ mới học hết lớp 3, nhưng nhờ cần cù lao động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, mỗi năm ông Lâm Văn Linh (TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) thu lãi hàng tỉ đồng từ con tôm.

Thu hoạch tôm

Gặp ông Linh (45 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) ngoài đầm tôm, nhiều người cứ tưởng là người giữ vuông thuê bởi làn da đen đúa, lúc nào cũng đội nón lụp xụp, cặm cụi dưới ao. Thật ra ông là một tỉ phú, hiện sở hữu trên 100 công vuông (mỗi công khoảng 1.300 m2), 2 xe ô tô và biệt thự thuộc hàng lớn nhất vùng.

Hơn 15 năm nuôi tôm thất bại.

Nhờ nuôi tôm trúng lớn, ông Linh liên tiếp mở rộng quy mô. Hiện ông có 3 khu nuôi tôm công nghiệp với diện tích hơn 10 ha. Ngoài phân chia ra nhiều ao lắng, ông có tổng cộng 51 ao nuôi tôm công nghiệp. Chỉ tính riêng vụ nuôi tôm năm 2018, ông Linh thu hoạch trên 60 tấn tôm thương phẩm, thu lãi trên 4 tỉ đồng.

Ông Linh kể, gia đình ông có 4 công đất trồng lúa nhưng từ năm 2003, nước mặn xâm nhập nên không trồng lúa được nữa. Lúc đó, ông đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Sau khi “học lóm” được chút ít kinh nghiệm, ông quyết tâm cải tạo 4 công đất trồng lúa thành ao nuôi tôm sú. Thật bất ngờ, vụ nuôi đầu tiên ông trúng lớn, thu hoạch 4,7 tấn tôm, bán được 470 triệu đồng, sau trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Theo ông Linh, thời điểm đó 300 triệu đồng có giá trị rất lớn, bằng người dân làm hàng trăm công lúa. Bởi người làm lúa khi đó lợi nhuận cao lắm chỉ khoảng 500.000 đồng/công.

Có tiền, ông tiếp tục mua thêm đất, cải tạo thêm 2 ao nuôi tôm. Năm tiếp theo, ông Linh lại trúng đậm, thu lãi cả tỉ đồng. Theo ông Linh, từ năm 2003 đến nay, qua hơn 15 năm nuôi tôm bất bại, có năm nuôi tôm chậm lớn, tôm mất giá, cũng có nhiều ao thiệt hại, nhưng tổng kết năm nào ông cũng có lợi nhuận từ 3 – 4 tỉ đồng.

Ông Linh kiểm tra tôm sú nuôi công nghiệp.

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho hàng ngàn hộ dân.

Ông Linh chia sẻ, trong quá trình nuôi tôm ông tự đúc kết, tích lũy kinh nghiệm là chính. Theo đó, mỗi năm ông thuê máy ủi, máy cuốc cải tạo ao nuôi một lần. Trong quá trình xử lý nước trước khi thả tôm nuôi phải có ao lắng, lưới lọc giám sát, xử lý diệt khuẩn đáy ao. Về con giống, phải lựa chọn giống tốt từ các công ty sản xuất giống có uy tín, chất lượng, đặc biệt phải biết rõ nguồn gốc tôm bố mẹ. Trong quá trình nuôi phải quản lý chặt chẽ về môi trường, sự phát triển của tôm ở cụ thể từng ao nuôi. Khi môi trường có biến động như tôm ăn chậm, đứt râu, đen mang, màu nước thay đổi… thì chủ động xử lý, phòng ngừa. Để ổn định môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, đáy ao định kỳ phải cấy vi sinh, tạt vôi, tạo khoáng…

Ông Linh cho biết, để đạt được kết quả tốt trong nhiều vụ nuôi tôm liên tiếp, gia đình ông phải thức khuya dậy sớm theo dõi, chăm sóc từng ao nuôi. Hằng đêm, từ 19 – 24 giờ ông phải “đi tuần” kiểm tra các ao nuôi tôm, sau 24 giờ thì giao người con trai thay ca túc trực. Bởi nuôi tôm công nghiệp với mật độ cao, khi xảy ra các sự cố như cúp điện đột ngột, dàn quạt bị gãy đổ, môi trường nguồn nước thay đổi đột ngột nếu không phát hiện kịp thời thì tôm nuôi sẽ thiệt hại bất cứ lúc nào.

Ông Linh nuôi tôm liên tục từ 2 – 3 vụ/năm nên đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 thanh niên địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn thưởng thêm từ hiệu quả nuôi tôm. Nếu thu hoạch được 1 tấn tôm sú thì thưởng thêm 2 triệu đồng, 1 tấn tôm thẻ thưởng thêm 1,5 triệu đồng. Những lao động gắn bó lâu năm, chuyên cần nhưng có khó khăn về nhà ở được ông xây tặng nhà tình thương, mỗi căn trị giá khoảng 40 triệu đồng… Đặc biệt, những kinh nghiệm nuôi tôm đạt hiệu quả đúc kết được, ông Linh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng ngàn hộ nuôi tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau… thông qua các cửa hàng thuốc thú y thủy sản ở địa phương.

Nguồn: Tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Australia là nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia với UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Đại diện đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia đánh giá rất cao về những bước tiến mới của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng. Đặc biệt, tại Bạc Liêu – thủ phủ tôm cả nước, có rất nhiều trang trại tôm công nghệ cao với các quy trình, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới để nuôi tôm sạch, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội.

Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể xuất khẩu tôm nguyên con vào thị trường Australia. Vì yếu tố an toàn dịch bệnh, đến nay, thị trường này chưa cho phép nhập khẩu tôm nguyên con từ các nước. Dự kiến, sau chuyến khảo sát này, cơ quan nông nghiệp hai nước sẽ có buổi làm việc nhằm thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu mặt hàng tôm trong thời gian tới.

Nguồn: VTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thừa Thiên – Huế: Hiệu quả từ mô hình nuôi luân canh Tôm Sú – Rong Câu

Mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu được xác định là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế trong điều kiện thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Lãi khá

Mới đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên – Huế (TTKNLN) triển khai thực hiện mô hình “Nuôi luân canh tôm sú – rong câu trong ao nước lợ” nhằm góp phần đa dạng hóa phương thức nuôi, giải quyết vấn đề ô nhiễm trong quá trình nuôi chuyên tôm. Mô hình còn hướng đến tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng nguồn nguyên liệu cho tiêu dùng và xuất khẩu. Qua một vài vụ nuôi, mô hình đã được khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như kỳ vọng.

Ông Đào Duy Trai ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) phấn khởi: Trong khi nuôi chuyên tôm “chết lên chết xuống”, mô hình nuôi luân canh tôm sú-rong câu thật sự là cứu cánh cho người dân. Lãi tuy không bằng nuôi chuyên tôm, nhưng mô hình này ít rủi ro, ít ô nhiễm môi trường và bền vững. Hộ ông Trai được chính quyền địa phương lựa chọn hỗ trợ mô hình với diện tích 0,5 ha. Đối với tôm sú mật độ thả 15 con/m2 (cỡ giống p15); rong câu 0,5 cây/m2 (cỡ giống 10 – 15 cm). Đối với tôm, tỷ lệ sống bình quân đạt 64%, cỡ tôm thu hoạch 20 g/con, tổng sản lượng gần 1 tấn, lãi ròng 78,5 triệu đồng.

Trưởng phòng Kỹ thuật Thủy sản – TTKNLN – Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, ngoài hộ ông Trai, TTKNLN còn hỗ trợ xây dựng thêm 3 mô hình thí điểm tại 3 hộ khác ở các xã Vinh Giang (Phú Lộc), Vinh Xuân (Phú Vang) và Quảng Công (Quảng Điền). Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi 5.000 m2 với mật độ thả giống, kích cỡ tôm tương tự. Sau 5 – 6 tháng nuôi, sản lượng bình quân tại các hộ này đạt gần 1 tấn, lãi ròng trên dưới 50 triệu đồng.

Để mô hình bền vững

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu bước đầu thành công, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Một ưu thế đối với mô hình này là kinh phí đầu tư không lớn so với nuôi chuyên tôm, với quy mô nuôi khoảng 5.000 m2 chỉ khoảng trên 50 triệu đồng… Trong khi nuôi tôm sú lợi nhuận khá, hiệu quả kinh tế rong câu mang lại còn thấp, nhưng có tác dụng làm ổn định các yếu tố môi trường, giảm thiểu đáng kể các chất gây hại nguồn nước trong ao nuôi…

Các vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi về mặt nước, môi trường để nuôi thủy sản xen ghép, trong đó mô hình luân canh tôm sú – rong câu được xác định rất phù hợp. Để phát huy hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, sắp đến các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện mô hình này với quy mô lớn hơn, nhân rộng nhiều địa phương khác nhằm xác định được tính khả thi của việc trồng rong câu thương phẩm trong ao nuôi tôm và cải thiện chất lượng nguồn nước ao nuôi. Từ đó thúc đẩy, khuyến khích người dân từng bước đổi mới phương thức nuôi trồng thủy sản bền vững, hạn chế rủi ro trong nuôi chuyên tôm sú như hiện nay.

Phó Giám đốc TTKNLN – Châu Ngọc Phi chia sẻ, nếu được đầu tư phát triển mô hình trình diễn, các ban ngành sẽ kết hợp chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đây cũng là điều kiện để nhân rộng mô hình, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Tôm kết hợp trồng Rong Câu

Có một vấn đề rất nan giải, mà bấy lâu nay đã làm “đau đầu” tất cả các nhà nuôi tôm-đó là chất thải và nước thải từ các ao nuôi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây về ứng dụng một số loài rong câu (như Gracilaria spp, Gracilariales, Rhodophyta) trong xử lý môi trường nuôi tôm, được các nhà khoa học thủy sản tiến hành tại Viện Hải dương học Nha Trang, cho thấy vấn đề này đã có hướng giải quyết.

Các tác giả tiến hành phương pháp nuôi tôm thâm canh kết hợp trồng rong câu trong hệ tuần hoàn kín. Trong đó, sử dụng ao rong câu mật độ cao đóng vai trò bể lọc sinh học (để làm sạch nước thải).

Nghiên cứu dựa trên cơ sở ứng dụng các tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) với các yếu tố môi trường. Cụ thể ở đây là: rong câu tạo ra ôxy hòa tan-tôm tiêu thụ nó, rong câu tiêu thụ CO2 và các mối dinh dưỡng-do tôm sản sinh ra nó; rong câu làm giảm a xít trong môi trường nước-tôm làm tăng tính axít… Sự hoạt động cân bằng này cho phép giữ ổn định môi trường nuôi tôm.

Hệ thống ao nuôi kiểu mới này được bố trí, gồm: Ao lắng và tiệt trùng (chiếm 21% tổng diện tích cả hệ thống). Ao nuôi tôm (chiếm 62%). Ao trồng rong câu (hay còn gọi ao xử lý sinh học, chiếm 17%). Nước sử dụng cho quá trình nuôi được lấy vào cả ba ao ngay từ đầu và sử dụng chung cho cả vụ nuôi.

Với quy trình tuần hoàn vận hành như sau: Nước được khử trùng ngay trong ao lắng trước khi bơm vào ao nuôi tôm. Rồi nước thải từ ao nuôi tôm được bơm dần (mỗi lần khoảng 15-20%) sang ao trồng rong câu và lưu lại đây ba ngày. Sau đó, bơm trở lại ao lắng và tiến hành xử lý hóa học, xong cho lưu lại đây ba, bốn ngày. Tiếp đến, lại bơm vào ao nuôi tôm-bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Trong quá trình nuôi, có một lượng nước bị mất đi do thẩm thấu và bốc hơi sẽ được bổ sung từ nguồn nước bên ngoài vào. Bằng cách sử dụng nguồn nước như thế, sẽ hạn chế tối đa sự tiếp xúc hoặc trao đổi với nguồn nước bên ngoài, do đó hạn chế được những ảnh hưởng của trại nuôi tôm với môi trường chung quanh và ngược lại.

Mặc dù một số tính chất vật lý của nước như độ mặn, tăng dần theo các tháng trong vụ tôm (thay đổi từ 2,1% đến 3,5%) do nước bốc hơi. Nhưng cả tôm nuôi và rong câu đều cùng phát triển tốt, mà lại thêm nguồn lợi thu được từ rong câu khá lớn.

Trong hai tháng đầu vụ nuôi (từ tháng 2 đến tháng 4) mật độ rong câu trung bình 500g/m2, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%. Đến tháng thứ 3, rong đã có mật độ đạt 2kg/m2 và đã bắt đầu thu tỉa được với khối lượng 170-200g/m2. Từ tháng thứ 5 độ tăng trọng chỉ đạt 1,3%, nhưng đến khi thu hoạch tôm thì rong đã có sinh lượng tích lũy 4kg/m2. Sản lượng rong câu tươi trên một ha ao thí nghiệm đạt tới 6 tấn/tháng.

Hơn nữa, phương pháp nuôi tôm thâm canh kết hợp trồng rong câu trong hệ tuần hoàn khép kín kiểu này, đặc biệt có lợi cho môi trường. Kết quả thí nghiệm qua một vụ tôm đã cho thấy rõ, rong câu có tác dụng làm thay đổi đáng kể các chỉ số yếu tố môi trường nước đối với nguồn nước đi ra từ ao rong. Chỉ với một ao rong có diện tích bằng 17% tổng diện tích cả hệ thống ao nuôi kết hợp kể trên, thì với vai trò là bể lọc sinh học, nó đã cải thiện tốt chất lượng nước của ao nuôi tôm: Làm tăng 5% pH, tăng 49% ôxy, đồng thời làm giảm 60,3% nitơ vô cơ hòa tan, 38,1% phospho, 66% chlorophyll, 56% chất lơ lửng từ nguồn của ao nuôi tôm.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nuôi kết hợp tôm-rong câu không chỉ làm cho những thông số về chất lượng nước trong ao nuôi tôm tốt hơn, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường chung quanh trại nuôi, mà còn làm giảm chi phí sản xuất. Giảm thiểu sử dụng chất và thuốc phòng trị bệnh cho tôm. Vì thế, sẽ có sản phẩm tôm thương phẩm sạch hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nghiên cứu này cần được khảo sát tiếp trong mùa mưa để kiểm tra về hiệu quả cải thiện chất lượng nước thải, xác định thời gian lưu giữ nước và độ sâu mực nước trong ao rong câu.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất kết hợp tôm sú

Cá dìa là một đặc sản của Thừa Thiên Huế, không chỉ người dân Huế mà cả khách du lịch đều biết đến giá trị thương phẩm của loài này.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời được sự vận động của các cán bộ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, anh Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Triệu Thôn, xã Phú An, huyện Phú Vang đã mạnh dạn đầu tư hơn 5000 m2 ao đất của mình để nuôi cá dìa kết hợp với nuôi tôm sú.

Từ những kiến thức đã học hỏi từ các cán bộ kỹ thuật, anh Dưỡng cho biết cá dìa là đối tượng nuôi có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên của Huế. Chúng là loài rộng nhiệt, rộng muối, chịu được biên độ dao động muối từ 5-37‰. Thức ăn của cá dìa là thực vật thuỷ sinh, mùn bã hữu cơ, đồng thời chúng vẫn có thể ăn thức ăn tổng hợp nên rất tốt cho việc cải thiện môi trường ao nuôi.

Các bước thực hiện trong quá trình nuôi cá dìa của anh Dưỡng như sau:

Kỹ thuật cải tạo ao nuôi:

Trước khi thả nuôi cá phải tiến hành cải tạo kỹ ao nuôi. Sau khi cày xới mặt ao, anh Dưỡng dùng 500 kg vôi bột rải đều mặt ao, đặc biệt bón nhiều ở những chỗ còn đọng nước.  Dùng phân vi sinh và phân NPK để gây màu nước với hàm lượng 10kg phân vi sinh/100m2 và 3kg phân NPK/100 m2.

Hướng dẫn thả giống:

Trên diện tích 5000 m2, anh Dưỡng thả 2500 con cá dìa giống cỡ 50-70g/con, 7.500 tôm sú giống.

Kỹ thuật chăm sóc:

Biết được cá dìa là loài ăn thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ nên anh Dưỡng tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như rong tảo. Ngoài ra anh còn tự chế biến thức ăn từ ngũ cốc, cá tạp. Trong quá trình nuôi, cá dìa cũng mắc phải một số bệnh như bệnh ký sinh trùng và bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau khi xử lý bằng formol (100%) với nồng độ 100-150ppm thì cá hết bệnh.

Sau 3 tháng nuôi anh Dưỡng thu được 312 kg cá dìa thịt, 150 kg tôm sú, 100 kg cua và tôm đất. Cá dìa có trọng lượng bình quân 250g/con, tỷ lệ sống 50%. Sau khi trừ chi phí, anh Dưỡng thu lãi hơn 8 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá dìa kết hợp nuôi tôm sú bước đầu thành công đã làm tăng thu nhập của gia đình anh Dưỡng. Cá dìa sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên chi phí thức ăn thấp. Tuy nhiên cần phải lưu ý lựa chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết.

Nguồn: Tiếp Thị Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bạc Liêu sẽ trở thành “thủ phủ” ngành tôm

Chính phủ đã quyết định thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Nuôi tôm công nghiệp ở Bạc Liêu

Theo TTXVN, ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết Bạc Liêu được Chính phủ quyết định cho thành lập “ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Đến nay, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt- Úc 315 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, ngoài 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho hơn 100 hộ nông dân áp dụng. Qua thực tế khảo sát cho thấy, mô hình này đang được lan tỏa trong cộng đồng người nuôi tôm trên địa bàn, người dân rất háo hức, phấn khởi áp dụng sản xuất.

Đặc biệt, với “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, sau hơn một năm từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, đến nay tất cả các hồ sơ, thủ tục, các điều kiện liên quan đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất, dự kiến sẽ tiến hành khởi công xây dựng trong giữa đầu Quí I năm nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan thông tấn, báo chí và các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để Bạc Liêu xây dựng và phát triển thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hướng đến “Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam” đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Đại biểu nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái cho biết: Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, lãnh đạo tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư xây dựng những cánh đồng tôm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đặc biệt, xây dựng khu sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao và phát triển mạnh mô hình thực hành thủy sản tốt có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic) với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đưa con tôm thẳng tiến “từ ao, đầm trực tiếp đến bàn ăn”.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu con tôm Bạc Liêu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, phát triển và mở rộng thêm thị trường tiềm năng như: Hong Kong, Trung Đông, Đông Âu, ASEAN, Liên minh kinh tế Á – Âu và với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nguồn: TTXVN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thị trường xuất khẩu tôm “đổi ngôi”, châu Âu mới là số 1

Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2018, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, Châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1.2018.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1.12.2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc khi nhu cầu ở thị trường này tăng mạnh.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa tết âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ châm trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Cụ thể, theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.

Trong khi đó, sản xuất tôm trong nước năm qua cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ giá tốt, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành ưu tiên. Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ trong vòng một năm qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển rất mạnh mẽ tại địa phương này, hướng tới xây dựng Bạc Liêu thành trung trâm công nghiệp tôm của cả nước.

“Chỉ với 500 – 600 triệu đồng, nông dân có thể đầu tư ao nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và lấy lại vốn sau 1 năm. Do đó, các mô hình này đang lan tỏa rất nhanh, dẫn tới lo ngại về việc khó kiểm soát ô nhiễm môi trường”, ông Trung cho biết.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.