Ủ phân hữu cơ để bón lúa hữu cơ

Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 – 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai 16ha mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, tại 2 điểm xã Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh).

 

Hướng dẫn nông dân tham gia ủ phân.

 

Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con quy trình ủ phân hữu cơ sinh học.

Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông cho biết: Nguyên liệu đầu vào để cho ra 1 tấn phân thì cần 1 – 1,5 tấn rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp; Phân chuồng hoặc mùn hoai: 3 – 4 tạ; Đạm urê: 1kg; Super lân: 2kg; Chế phẩm vi sinh vật Quế Lâm dạng bột: 2kg.

Rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp sau khi được thu gom và phân loại được đem tập trung đến đóng ủ. Ở đóng ủ, rác thải được dàn đều thành từng lớp, mỗi một lớp có độ dày khoảng 15 – 20cm (đường kính từ 2 – 2,5m), rải 1 lượt phân đạm urê và super lân lên và rải tiếp 1 lượt phân động vật lên trên lớp rác cào đều, sau đó phủ 1 lượt nguyên liệu hữu cơ 15 – 20cm tại mỗi lớp tiến hành xử lý chế phẩm VSV (để chế phẩm vi sinh không trực tiếp với phân đạm urê).

Cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành. Nếu phụ phế thải ở một số hộ gia đình có số lượng lớn có thể ủ tại sân hoặc vườn nhà đều có thể làm theo cách như trên. Sau khi ủ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát độ ẩm và bổ sung nước cho bể ủ khi thấy cần thiết (độ ẩm đống ủ được duy trì khoảng 60% để cho vi sinh vật hoạt động).

Thời gian ủ khoảng 45 – 60 ngày, sản phẩm sẽ được đưa ra sử dụng. Đối với phân hữu cơ sinh học, do phân đã ủ hoai mục và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân hữu cơ truyền thống (phân heo, phân trâu bò…) nên sẽ bón cho cây trồng với lượng bằng 1/2 – 2/3 lượng phân hữu cơ truyền thống.

Tùy theo từng loại cây trồng để bón lượng phân cho phù hợp. Đối với cây lúa, thông thường bón theo hai cách là bón lót và bón thúc. Bón lót bằng cách rải đều khi bừa lần cuối và bón thúc bằng hình thức vãi đều. Sản phẩm phân hữu cơ sinh học có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Tăng khả năng giữ nước của đất.

Bên cạnh đó phân hữu cơ sinh học có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh không chỉ ở cây lúa mà còn các cây trồng khác.

 

Bà con tham gia ủ phân hữu cơ.

 

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân hữu cơ sinh học sẽ làm tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây lúa, khả năng chống chịu sâu bệnh sẽ tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, sạch sâu bệnh. Giảm chi phí sản xuất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường xã hội. Nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân. Tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sốt giống lúa OM18

Tuy mới chuẩn bị bước vào đầu vụ ĐX 2019-2020 nhưng giống lúa OM18 đang dấy lên cơn sốt chưa từng có, làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu giống của Viện Lúa ĐBSCL cung ra thị trường so với những năm qua.

 

Giống lúa OM 18.

 

Thông tin trên được Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và Sản xuất nông nghiệp (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết. Hiện nay, Viện lúa chỉ đáp ứng giống cấp siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng cho các đơn vị sản xuất giống. Trong khi đó giống cấp xác nhận hầu như không đủ bán trước nhu cầu đang tăng cao.

Trên thực tế, giống lúa OM18 đã được chuyển giao từ hơn 4-5 năm qua. Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sau khi thực hiện các mô hình trình diễn ban đầu nhận thấy giống thích nghi, chống chịu hạn, mặn tốt.

Hơn nữa, nhờ đặc tính kháng rầu nâu và bệnh đạo ôn khá tốt, năng suất cao, nhất là chất lượng hạt gạo trắng trong, cơm thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng gạo nội địa nên OM18 được thương lái đặt cọc mua từ đầu vụ. Từ đó, nông dân chuyển sang chọn canh tác giống lúa OM18 càng nhiều, diện tích tăng nhanh, lấn át giống lúa OM5451 trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu…

Lúa gạo OM 18

 

Giống lúa OM18 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM8017/OM5166 được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. OM18 là giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày (lúa sạ), 100-105 ngày (lúa cấy), chiều cao cây 100-110 cm, cứng cây: độ 1, đẻ nhánh khỏe. Năng suất vụ ĐX 7-8 tấn/ha, vụ HT 5-6 tấn/ha. Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-79%, gạo trắng 67-68%; gạo nguyên 40-45%. Chiều dài hạt gạo 7,0-7,1 mm. Hạt gạo thon dài, cơm mềm và ngọt. Tính chống chịu: Kháng đạo ôn (cấp 2), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chống chịu mặn 3-4‰

Giống canh tác được các vụ trong năm, thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL và vùng nhiễm mặn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Một số lưu ý canh tác lúa trong mô hình tôm – lúa ĐBSCL

Một số lưu ý đó là các khâu: chọn giống, thời vụ gieo cấy, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước và thu hoạch – sau thu hoạch.

 

Mô hình canh tác Tôm – Lúa ở ĐBSCL

1. Mô hình tôm – lúa có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Việc nuôi tôm sú (nước lợ) tiến hành trong mùa khô khi nước mặn xâm nhập vào ruộng (thời gian nuôi bắt đầu khoảng tháng 1 và kết thúc vào tháng 6) và mùa mưa có nước ngọt thì trồng lúa: Canh tác lúa trong mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 12) khi đã cải thiện được xâm nhập mặn và có đủ nước ngọt cho sản xuất lúa.

Mô hình lúa – tôm đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích đất: Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).

Sau vụ tôm tiến hành trồng lúa giảm đầu tư phân bón (tận dụng xác bã thực vật, lượng thức ăn thừa của tôm), giảm dịch hại (do luân canh) chất lượng lúa gạo rất cao (lúa sạch, lúa hữu cơ) hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học. Năng suất nuôi tôm – lúa trên 1 ha bình quân đạt khoảng 300 – 500 kg tôm và 4 – 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm.

2. Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình.

2.1. Chọn giống:

– Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên, Một bụi lùn Minh Hải hoặc giống lúa trung mùa ST 24, một số vùng sản xuất bằng giống lúa ngắn ngày: OM5451, OM6976, OM7347, OM 4498, OM 2517, OM5464, OM5464, OM5981, IR 50404… Năng suất lúa biến động rất lớn, từ 3 – 6 tấn/ha tùy theo mức độ thâm canh của từng vùng.

 

2.2. Thời vụ gieo cấy:

Chủ yếu là mưa đều, rửa mặn xong (độ mặn dưới 1 phần ngàn) mới gieo sạ.

Đối với giống nhóm B (thời gian sinh trưởng tương đương 120 ngày): Gieo sạ từ 10/8 – 30/8.

Các giống lúa mùa có thể gieo mạ từ 20/7 – 30/7.

Đối với giống nhóm A1 (thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày): Gieo sạ từ 01/9 – 20/9.

Lượng giống sạ: 80-100kg/ha. Sử dụng giống xác nhận.

 

2.3. Bón phân:

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng, chú ý nhẹ đầu nặng cuối và khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp.

Bón lót: Bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và can-xi để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi. Các nhà khoa học khuyến cáo đầu vụ, trước khi gieo sạ, bà con có thể bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Bón thúc: Giai đoạn 10 ngày không bón, cây lúa hấp thu dinh dưỡng từ lớp bùn non của ruộng. Chỉ bón thúc đẻ 18-22 ngày sau sạ cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK + trung vi lượng: Bón 100-150kg Đầu Trâu TEA1 (gia giảm tùy theo lúa tốt xấu).

Bón đón đòng: trước khi lúa vào giai đoạn tượng đòng cần tạo điều kiện cho cây lúa chuyển sang màu vàng (xiết nước giữa vụ), khi lúa chuyển vàng, bóc ra có tim đèn (đòng đòng đất) 1-2mm sẽ bón phân theo kỹ thuật không ngày không số:

Lúa Màu vàng: Đầu Trâu TEA2 150 kg/ha.

Lúa Xanh nhạt: Đầu Trâu TEA2 100 kg/ha.

Lúa Xanh đậm: 50-70 kg KCl/ha (tuyệt đối không bón đạm).

 

2.4. Quản lý dịch hại tổng hợp:

Chú ý:

Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày.

Không phun thuốc sâu định kỳ, chỉ phun khi mật số sâu hại tới ngưỡng, nhớ áp dụng theo 4 đúng.

Đối với bệnh: Trong 40 ngày đầu thăm đồng phát hiện có vết chấm kim thì phun ngay.

Giai đoạn từ 40 ngày đến trổ đều: Có thể chủ động phun ngừa các bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá vi khuẩn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm.

 

2.5. Quản lý nước:

Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ giúp tiết kiệm nước và cây lúa khỏe.

Chú ý đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo).

 

2.6. Thu hoạch – sau thu hoạch:

Thu hoạch đúng độ chín (85-90% độ chín) cho năng suất và chất lượng cao nhất.

Hiện nay nếu nông dân bán lúa tươi tại ruộng là hay nhất. Nếu chưa bán được phải tìm cách sấy lúa, trong 24 giờ đầu cần hạ độ ẩm của lúa từ 22-28% xuống còn dưới 17% và sau 48 giờ độ ẩm dưới 15%. Nếu muốn bảo quản lâu hơn 1 tháng cần sấy đến độ ẩm 13%.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Đột phá công nghệ, nâng cao giá trị Gạo Việt

Xu hướng hiện nay của các nước nhập khẩu gạo luôn đòi hỏi chất lượng gạo phải ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc. Vì vậy để lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững cần có những giải pháp nâng cao chất lượng hạt gạo.

Thu hoạch Lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

 

Lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị XK hàng tỷ USD/năm, là sản phẩm nòng cốt giữ vững thương hiệu quốc gia nông nghiệp trên thế giới.

Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch XK gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của gạo Việt.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong SX, chế biến và bảo quản vẫn còn rất hạn chế đối với các DN SX gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia XK gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2010 – 2018, tổng lượng gạo tiêu dùng của Việt Nam dao động từ 19 – 23 triệu tấn/năm, sản lượng gạo XK dao động từ 4,9 – 7,7 triệu tấn/năm, giá trị XK luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và mức kỷ lục 3,08 tỷ USD năm 2018. Song, ứng dụng công nghệ trong chuỗi giá trị lúa gạo còn thấp nên thu nhập của nông dân và DN chưa cao.

Riêng 8 tháng đầu năm 2019 XK gạo đạt 5,4 triệu tấn nhưng trị giá chỉ đạt 1,96 tỷ USD (-15%). Trong năm nay gạo Việt XK sang thị trường Trung Quốc cũng giảm 65% về lượng và 67% về trị giá. Nguyên do vì hiện nay Trung Quốc tăng quản lý về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý biên giới không còn là thị trường dễ tính nữa.

Từ lý do đó lúa gạo Việt Nam cần đột phá về nhiều mặt như nâng công nghệ chất lượng hiệu quả trong SX và tiêu thụ lúa gạo sang các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các DN là chủ thể của chuỗi SX lúa gạo Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như mục tiêu lâu dài về nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của gạo Việt.

Hiện tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên cả nước là 50%, riêng ĐBSCL đạt 82%. Sấy lúa là khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thu hồi và chất lượng gạo xay xát, nhưng năng lực sấy lúa của Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, chỉ đạt khoảng 56%.

Các hệ thống kho chứa chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa dài ngày (từ 6 – 12 tháng). Hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo vẫn còn thấp, do tỷ lệ thất thoát cao, chất lượng gạo XK còn thấp, phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác còn bất cập. Cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản, chế biến ở địa phương còn lạc hậu làm gia tăng tổn thất, và giảm chất lượng trong bảo quản.

 

Lượng gạo XK của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị trường thế giới nhưng lại không có thương hiệu gạo nổi bật, nên không thu được giá trị gia tăng nhờ thương hiệu.

 

Theo ông Sơn, để có thể nâng cao giá trị nông sản, nhất là lúa gạo, thông tin về các sản phẩm được chế biến sau lúa, gạo là vô cùng hữu ích cho nông dân, nhà khoa học, các DN và quản lý nhà nước trong nỗ lực nghiên cứu, học hỏi các phương thức SX mới trên thế giới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lúa, hạt gạo, và các phụ phẩm sau thu hoạch.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đã và đang có nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về nội dung này và tin tưởng với tính hấp dẫn về đầu tư ngành nông nghiệp, cùng với những cơ hội ngày một mở rộng hơn từ các hiệp định thương mại ký kết gần đây, các DN tham gia trong ngành công nghệ chế biến và bảo quản lúa gạo quan tâm sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam, hợp tác với DN SX trong nước để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả và chất lượng của gạo Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Giá trị của hạt gạo trên thị trường, ngoài chất lượng gạo còn có rất nhiều yếu tố khác tác động như thương hiệu (uy tín của DN), quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc. Để nâng cao hơn nữa giá trị XK gạo của Việt Nam, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống đã đạt được, đề nghị các DN XK cần có sự hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Lượng Gạo XK của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị trường trên toàn Thế Giới nhưng lại không có thương hiệu Gạo nổi bật

 

Quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường và duy trì được sự ổn định của chất lượng giống và lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn nữa đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, mặc dù thị phần không lớn, nhưng có giá trị kinh tế rất cao, mà chưa được quan tâm đúng mức.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những mô hình canh tác né hạn: Đậu phộng chinh phục đất lúa

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả lại thiếu nước tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân).

Mô hình trồng Đậu Phộng (Lạc) trên đất trồng lúa

 

Trên 3 xứ đồng đậu phộng

 

Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao nên thời gian tới, các địa phương tiếp tục nhân rộng. Mô hình trồng đậu phộng giống TB25 tại xứ đồng Gò Chàm, Soi Dưới, Soi Trên, thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Hoà An (huyện Phú Hòa) trên diện tích 8ha, với 48 hộ nông dân tham gia. Trong thời gian sinh trưởng, đậu phộng TB25 có khả năng phân cành cấp 1 nhiều, chống chịu khá tốt với sâu bệnh hại; năng suất thực thu đậu phộng tươi đạt 46 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 30 triệu đồng/ha.

 

Ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tây Hòa An cho hay: Vùng đất này, trước đây bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 8 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng lúa trên 20 triệu đồng/ha. Đầu ra ổn định, có thương lái tiêu thụ. Không những thế, trồng đậu phộng trả lại đất nguồn dinh dưỡng, dây đậu phộng sau khi thu hoạch làm phân xanh.

Ông Trần Hay, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Trên chia sẻ: “Tôi trồng 3 sào (1.500m2) đậu phộng, cuối vụ gia đình tôi thu hoạch nhổ được 279 kg/sào, với giá bán 17.000 đồng/kg, thu trên 4,7 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí từ khi làm đất đến thu hoạch, còn lãi trên 2,1 triệu đồng/sào, với 3 sào tôi thu lãi 6,3 triệu đồng. So sánh với trồng lúa, vùng này lâu nay 3 sào đất nhà tôi bình quân thu 600kg, với giá bán 5.500 đồng/kg thì thu 3, 3 triệu đồng. Đó là chưa trừ chi phí phân thuốc, cày bừa”.

Ông Nguyễn Thành Phương, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứđồng Gò Chàm, cho hay: “Gia đình tôi trồng 3 sào, hôm tổ chức hội nghị tham quan mô hình, nhổ thí điểm 1m2 được 22 bụi, lặc lấy hột cân, quy ra năng suất đạt 220kg đậu tươi/sào. Trước khi trồng, gia đình tôi được nhận hỗ trợ 36kg giống, tương đương mỗi sào 12kg”.

Còn bà Bùi Thị Hiền, cũng tham gia trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Dưới, cho hay: “Tôi trồng 2 sào, thu hoạch được gần 5 tạ. Tôi chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông. Cuối vụ nhổ lên trái sai, hột đậu no. Trước đây tôi trồng đậu phộng nhưng dính lép, hột đậu phộng hơi nghiêng (bị xốp)”.

 

Giống TB25, LDH.01 trên Soi Họ

 

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng giống TB25, LDH.01 tại xứ đồng Soi Họ, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), trên diện tích 8ha, trong đó giống LDH.01 là 5ha, TB25 là 3ha, với 56 hộ nông dân tham gia.

Tại hội nghị tổng kết tham quan thực tế mô hình trồng đậu phộng tại Soi Họ, nông dân cân đo đong đếm, năng suất thực thu đậu phộng tươi đối với giống LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha, giống TB25 là 40 tạ/ha, với giá bán 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi ròng đối với giống LDH.01 gần 15 triệu đồng/ha, giống TB25 là 5,7 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bà con nông dân trồng bắp lợi nhuận chỉ đạt 2,3 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng bắp từ 3,7 đến 12,7 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Bình, tham gia mô hình cho hay: “Tôi tham gia mô hình trồng 1 giạ giống (1.000m2). Trước khi xuống giống, tôi được tập huấn kỹ thuật từ khâu cày bừa đất, sạch cỏ dại, bón lót phân chuồng, vôi, phân lân. Bón lót kết hợp với các biện pháp phòng trừ mối, kiến để khi rắc xuống không bị kiến, mối ăn hột giống. Đến khi đậu phộng ra hoa 10-15 ngày, tôi bón vôi, sau đó phun Bidamin 15WP (thuốc ức chế tăng trưởng) để giúp đậu phộng tập trung dinh dưỡng nuôi củ, chắc hột”.

Bà Đặng Thụ Duyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn La Hai cho rằng, mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả triển khai tại Soi Họ, kết quả năng suất 2 giống đậu phộng lần lượt là TB25 đạt 40, còn LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha. Mô hình còn tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh giữa 2 vụ trồng cây màu và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Thông qua mô hình, nông dân nắm bắt kỹ thuật trồng cây đậu phộng giống mới.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, mô hình trồng đậu phộng thuộc Dự án “Phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”. Trồng đậu phộng về mặt chi phí đầu tư cũng tương tự như trồng bắp nhưng đậu phộng có giá bán cao hơn.

Mặc khác, nếu trồng đậu phộng trên nền đất lúa kém hiệu quả giảm được từ 4 – 5 lần tưới tràn/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phộng giảm từ 60 – 70% so với lúa. Vì vậy, mô hình này không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Ba giống Ngô ưu việt

Những giống Ngô lai đơn VINO 688, VINO 678 và VINO 812 đều do Công ty TNHH Việt Nông nghiên cứu lai tạo và đưa vào sản xuất.

 

Các giống Ngô mới của Việt Nông

Giống VINO 688

Đây là giống ngô trung ngày (từ 98 – 105 ngày ở Nam bộ và 105 – 115 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc). VINO 688 chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, sinh khối đạt 50 – 60 tấn/ha; bộ lá đứng, thích hợp cho việc trồng dày. Chiều cao cây trung bình từ 200 – 220 cm, độ cao đóng trái từ 100 – 110 cm. Cây vẫn giữ được bộ lá xanh khi thu hoạch.

Giống VINO 688 có thể trồng với mật độ 65.000 – 70.000 cây/ha mà vẫn cho năng suất ổn định. Bắp có chiều dài từ 19 – 20 cm, 12 – 16 hàng hạt, dạng hạt đá, màu hạt vàng cam rất bắt mắt. Đặc biệt tỷ lệ hạt/bắp khá cao (khoảng 79%). Năng suất hạt trung bình đạt từ 9 – 11 tấn/ha. Giống VINO 688 có phổ trồng rộng, có thể trồng tất cả các vùng trong cả nước và có thể trồng quanh năm.

“Tôi ấn tượng với 2 giống ngô VINO 678 và VINO 688. Tôi trồng cả 2 giống thấy thân cây to, khỏe, tốc độ phát triển cũng như khả năng chịu hạn rất tốt”, ông Lò Văn Thanh (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) chia sẻ tại hội thảo trình diễn 3 giống ngô mới của Công ty TNHH Việt Nông tại Sơn La.

Giống VINO 678

Giống VINO 678 được lựa chọn theo định hướng vừa có thể thu hạt, vừa thu cây lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Là giống ngô dài ngày: 100 – 104 ngày ở Đông Nam Bộ, 103 – 114 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống đạt sinh khối lấy thân có thể đạt 60 – 70 tấn/ha, mật độ trồng từ 57.000 – 65.000 cây/ha.

Giống có bộ lá xanh, rễ chân kiềng phát triển, cây cao từ 220 – 235 cm, chiều cao đóng trái từ 110 – 115 cm. Vì là giống có sinh khối lớn nên trong quá trình trồng cần đảm bảo cung cấp đủ nước để cây phát triển tốt. Giống VINO 678 có thể kháng sâu bệnh hại khá tốt.

Bắp ngô VINO 678 có chiều dài đạt 20 – 22cm, 14 – 16 hàng hạt, đường kính 4,4 – 4,7 cm, tỷ lệ hạt trên trái đạt 78%, hạt dạng bán đá, có màu cam. Giống thích hợp trồng vụ đông xuân, hè thu và thu đông. Năng suất hạt của giống đạt từ 10 – 12 tấn/ha.

Ông Lò Văn Luyện (xã Chiềng On, huyện Yên Châu) cho biết: “Năm vừa qua tôi trồng 2 giống ngô VINO 688 và VINO 812. Ưu điểm ở 2 giống ngô này mà tôi ấn tượng nhất là khả năng chống chịu sâu bệnh và tốc độ phát triển nhanh trên đất đồi. Đặc biệt bắp to, màu sắc rất đẹp.”

Giống VINO 812

Đây là giống khá đặc biệt, được kết hợp giữa 2 dòng bố mẹ có sức sinh trưởng mạnh và thích thích nghi tốt nhất trong bộ nguồn của Công ty TNHH Việt Nông hiện có. Giống có tiềm năng đạt năng suất cao: 11 – 12 tấn/ha, năng suất lấy thân đạt 55 – 60 tấn/ha.

Bộ lá xanh, lá dày và thân cây lớn, bắp to là những nhận xét của người dân Sơn La về giống ngô này. Giống VINO 812 là giống bắp dài ngày, 100 – 105 ngày ở Đông Nam Bộ, 110 – 120 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống có chiều dài trái 20 – 21 cm, đường kính trái 5,0 – 5,2 cm, dạng hạt răng ngựa, màu vàng. Tỷ lệ hạt/trái cao: từ 80 – 81%. Bắp có từ 16 – 20 hàng hạt. Giống VINO 812 có thể trồng quanh năm và rất thích hợp trồng ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm trong vòng 1 năm trở lại đây nhưng người dân Sơn La đều đánh giá rất cao 3 giống ngô trên. Ông Lò Văn Phái (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) có 5.000 m2 trồng thử nghiệm, đã nhận xét: “Trong năm nay, người dân tại địa phương rất hứng thú với 3 giống ngô của Việt Nông. Kháng sâu bệnh tốt là đặc điểm mà bà con quan tâm nhất vì thời gian gần đây trồng ngô phải đối mặt với nạn sâu keo mùa thu”.

Năm 2019, xã Chiềng Sung trồng hơn 1.000 ha ngô, trong đó người dân gieo hơn 2.000 kg hạt giống của Công ty TNHH Việt Nông. Dự báo trong năm 2020, con số đó sẽ tăng lên đến 8.000 – 10.000 kg.

“Bắp của 3 giống ngô đều có màu vàng đẹp, bắp to, mang lại năng suất cũng như hiệu quả kinh tế rất cao. Vì chất lượng hạt giống tốt nên đối với người nông dân quá trình trồng khá đơn giản. Giá thương lái thu mua hiện khoảng 2.800 – 2.900 đ/kg, tương đương 38 – 40 triệu/ha”, ông Lò Văn Phái chia sẽ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kiên Giang: Năm nào cũng “đào” được 300 triệu từ khoai lang Bông Súng

Với 1ha đất trồng khoai lang Bông Súng, mỗi năm lão nông Huỳnh Văn Thơm (Mười Thơm), ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang) thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí làm bờ bao, lên liếp, phân bón, lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Trong khi đó, ở nhiều địa phương người trồng khoai lang năm được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa…

Với 1ha đất trồng khoai lang, mỗi năm lão nông Huỳnh Văn Thơm (Mười Thơm), ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng, Kiên Giang) thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí làm bờ bao, lên liếp, phân bón, lợi nhuận gần 150 triệu đồng.

Nhiều người tò mò trong khi giá khoai lang trên thị trường nhiều năm gần đây rất bấp bênh, nhiều gia đình bán đất , sang ruộng vì giá khoai lao dốc, nhưng ông Mười Thơm vẫn sống khỏe với loài cây trồng đã có mặt ở khu phố 6 từ mấy chục năm nay.

“Kinh nghiệm của tôi là canh thời điểm xuống giống khoai lang lúc ít nơi trồng được, để không bị dội chợ và bán được giá cao. Ngoài ra, kỹ thuật làm đất trồng khoai lang cũng cực kỳ quan trọng, quyết định vụ khoai thất bại hay thắng lợi” – ông Mười Thơm thiệt thà nói.

Ông Mười Thơm, thị trấn Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang bên luống khoai lang giống Bông Súng đang được ươm mới

Với kinh nghiệm theo dõi thị trường của mình, ông Mười Thơm nhận thấy, thông thường mùa nước nổi các vùng trồng khoai lang lớn trong vùng ĐBSCL sẽ ít trồng được khoai lang do ảnh hưởng lũ lên. Nhất là những nơi mực nước lũ cao, không có đê bao kiên cố sẽ không thể trồng khoai lang được. Vậy là cứ khoảng tháng 7 âm lịch ông Mười Thơm lại âm thầm thuê người cuốc dòng, lên luống rồi giâm dây khoai lang xuống.

Cứ như thế, mỗi năm ông Mười Thơm trồng được 2 vụ khoai lang Bông Súng. Để giữ gien giống khoai lang địa phương có từ thời cha ông để lại, cứ khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm, ông lại chọn những luống khoai có củ sai, to, trọng lượng khoảng 500gr/củ, cuống nhỏ để ương lấy dây làm dây khoai giống.

Nhờ nhiều năm kinh nghiệm, ông Mười Thơm, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vẫn thu lãi 150 triệu đồng/năm từ khoai lang Bông Súng

Theo ông Mười Thơm, mỗi củ khoai giống khi ương có thể cho 25-50 chồi. Với 20 củ khoai giống, ông có thể nhân ra được 400 dây giống, sau đó tiếp tục trồng ở một khu vực riêng để trồng làm dây giống phục vụ ruộng khoai của gia đình và chia cho bà con trong ấp cùng trồng.

Ở tuổi 70, với 50 năm kinh nghiệm trong nghề trồng khoai lang Bông Súng, ông Mười Thơm cho biết: “Trồng khoai lang sợ nhất là khoai bị sùng. Để hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học ngừa sâu, hà gây hại ruộng khoai lang, kinh nghiệm của tôi là sau khi thu hoạch khoai xong sẽ ban luống khoai cho bằng phẳng lại, rồi cho nước vào ngập ruộng ngâm suốt trong 15 ngày để diệt mầm bệnh trên ruộng khoai”.

Ngoài ra, trước khi cuốc giòng, ông Mười Thơm xử lý vôi bột trên mặt luống để hạ phèn, giúp khoai sinh trưởng tốt. Với những kinh nghiệm này đã giúp năng suất ruộng khoai lang nhà ông Mười Thơm luôn mức 12-15 tấn/ha.

Có lẽ vì điều kiện đồng đất của thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cùng với nguồn nước ngọt mát lành quanh năm từ kênh Bông Súng hiền hòa, sự cần mẫn tâm huyết của những lão nông gắn bó nhiều năm với củ khoai như ông Mười Thơm đã góp phần làm nên hương vị đặc trưng của củ khoai lang Bông Súng, ít nơi nào sánh được.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Một nông dân lai tạo được giống nếp thơm

Ở miền Tây, nói đến xứ nếp người ta nghĩ ngay đến Phú Tân (An Giang). Không chỉ SX lúa nếp bán đi khắp nơi, vùng đất lúa Láng Linh thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú còn có 1 nông dân tên Từ Bá Đạt đã lai tạo ra giống nếp thơm.

Giống nếp mới phát triển tốt

Dù là vùng đất có thể trồng các giống lúa nếp ngon nhưng người dân vẫn ưa chuộng nếp Thái, đó là vấn đề trăn trở để ông Đạt dốc tâm nghiên cứu và lai tạo thành công 10 giống nếp mang đặc trưng riêng của vùng đất Thạnh Mỹ Tây, trong đó chủ lực là giống nếp TMT1, TMT2, TMT3.

Ông Từ Bá Đạt, nông dân Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú cho biết: “Ở An Giang có SX ra nhiều giống nếp nhưng không thơm, trong khi đó Thái Lan có nếp thơm, vì lòng đam mê và trăn trở đó, tôi quyết học hỏi và lai tạo được giống nếp như nếp Thái Lan. Ban đầu, Viện lúa Ô Môn tập huấn cho tôi làm những giống lúa thơm, từ những dòng đó tôi rút ra lai tạo được giống nếp thơm mới”.

Sau 10 năm nghiên cứu, đến nay công trình của ông Từ Bá Đạt đã làm nhiều nhà nông miền Tây bất ngờ bởi hạt nếp TMT1, TMT2, TMT3 có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng riêng, năng suất vượt trội so với các giống nếp ngoại nhập từ 1 tấn/ha.

Chất lượng cao, nếp thơm TMT1 có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 100 ngày, TMT2 95 ngày, TMT3 từ 95-105 ngày. Tất cả đều kháng được sâu bệnh, được dân trồng nếp ở miền Tây ưa chuộng và tôn vinh ông là “Vua giống nếp”. “Giống nếp này vừa thơm vừa dẻo, rất đặc trưng cho vùng nếp Thạnh Mỹ Tây. Nếp trồng dễ, bông nút hạt bự, vô gạo cũng đẹp, còn xay ra nấu thì dẻo thơm, ngon”, ông Trần Văn Ba, nông dân trồng nếp ở xã Thạnh Mỹ Tây, chia sẻ.

Ưu điểm của giống nếp thơm là cứng cây, đẻ nhánh mạnh, thích hợp trồng trên diện tích rộng, vùng đất SX 3 vụ lúa/năm ở đồng bằng sông Cửu Long, năng suất thu hoạch ước đạt từ 9 – 10 tấn/ha.

“Hiện nay tôi có rất nhiều dòng nếp, tùy theo nhu cầu để cung ứng. Địa phương nào cần giống dài ngày thì mình sẽ cung cấp giống dài ngày phù hợp với tình hình SX nơi đó, còn những nơi thích nếp ngắn ngày thì tôi đưa ra những giống ngắn ngày”, ông Từ Bá Đạt cho biết thêm.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Trà Vinh: Có giống lúa chịu mặn đến 5‰

Đây là giống lúa độc nhất vô nhị tại Việt Nam do ông Lê Văn Chính, giám đốc HTX lúa giống 9 Táo LK (xã Song Lộc, H.Châu Thành, T.Trà Vinh) sưu tầm và lai tạo thành công.

Theo như chủ nhân của giống lúa này chia sẻ thì khả năng chịu mặn trên môi trường thử nghiệm, độ mặn 5‰, cây lúa vẫn phát triển bình thường, cho năng suất khá. Còn trong điều kiện nước ngọt, lúa cho năng suất tốt dao động từ 7-9 tấn/ha, tùy vụ.

Thu hoạch lúa Táo Tím 39 tại HTX Lúa giống 9 Táo LK

Ông Chính cho biết đã sưu tầm và thử nghiệm từ hơn ba năm nay, chọn được 3 dòng có năng suất khá cao và phẩm chất tốt để làm giống nhân rộng.Ông đã đặt tên cho các giống lúa này là Táo Tím 19, 29, 39. Ba dòng Táo Tím đều có những ưu điểm vượt trội, như Táo Tím 19 có hạt dài hơn giống lúa RVT, sinh trưởng từ 85-89 ngày. Táo Tím 29, hạt dài hơn giống Jasmine thời gian sinh trưởng từ 89-95 ngày. Táo Tím 39 hạt dài như VD 20, thời gian sinh trưởng từ 97-99 ngày. Tất cả ba dòng lúa đều thơm nhẹ và dẻo.

Như giống lúa Táo Tím 39 là giống lúa được ông Chính lai từ tổ hợp VD20, TV39 và tím Ấn Độ cho cây con có đặc tính thơm nhẹ, dẻo và năng suất kháng rầy nâu, đạo ôn, chịu mặn tốt lên đến 5‰. Mới vừa thu hoạch xong gần 10 công lúa Táo 39, ông Chính cho biết, năng suất được bình quân được 875/kg/công.

Còn 1 tuần nữa thu hoạch 5 công lúa Táo Tím 19, ông Lê Đức Tuấn ở ấp Hòa Hảo xã Phước Hảo, phấn khởi nói: “Tôi thấy lúa này sạ được đó, nhẹ phân hơn RVT. Lúa thơm thì có rầy, nhưng cũng bình thường như các giống khác. Dàn lúa tôi vụ này chắc cũng cỡ 700-800 kg/công à. Vậy là ngon rồi vì được cái nhẹ phân”.

Còn chị Trần Thị Thiết ở ấp 2 xã Ba Sao H. Cao Lãnh, T. Đồng Tháp cho biết: “Tôi đang sạ giống Táo Tím 39, nay được 47 ngày rồi. Thấy phân thì bình thường. Từ hồi sạ tới giờ không thấy bệnh đốm lá, đạo ôn gì hết, lá to như lá sả vậy đó. Dàn lúa rất cứng cáp tôi thấy rất yên tâm”.

Tuyển chọn lúa giống Táo Tím tại HTX 9 Táo LK

Được biết, hồi tháng 6/2018, giống lúa Táo Tím 19, 29, 39 đã được Cục Trồng Trồng Trọt chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới của ông Chính. Mới đây nhân chuyến công tác sơ kết Vụ ĐX và triển khai kế hoạch xuống giống vụ HT, ông Nguyễn Như Cường, Quyền cục trưởng Cục Trồng Trọt đã đến thăm giống lúa này tại HTX lúa giống 9 Táo LK. Ông Cường cho biết, giống lúa này có năng suất và phẩm chất gạo khá tốt, chống chịu mặn, sâu bệnh khá. Cục Trồng Trọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để HTX lúa giống 9 Táo nói chung và các HTX lúa giống nói riêng có điều kiện phát triển các giống lúa chất lượng cao, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

 

 

Việt Nam trúng thầu 29.000 tấn gạo cho Philippines

Trong phiên mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức Chính phủ- Tư nhân (G2P) của Philippines vào hôm nay, 18-10, Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu 29.000 tấn.

Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu 29.000 tấn gạo cho Philippines trong phiên mở thầu hôm nay, 18-10. Trong ảnh, nông dân đang thu hoạch lúa.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long tiết lộ với TBKTSG Online vào chiều hôm nay rằng hai đơn vị đến từ Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines trong phiên mở thầu sáng cùng ngày là Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood2) và Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) với tổng khối lượng 29.000 tấn.

Theo vị này, Vinafood 2 đã giành được hợp đồng 15.000 tấn với mức giá bỏ thầu là 427,68 đô la Mỹ/tấn và Vinafood 1 giành được hợp đồng 14.000 tấn với mức giá 427,5 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, một đơn vị khác đến từ Thái Lan là Công ty Thai Capital Crops Co Ltd đã giành được hợp đồng cung cấp 18.000 tấn gạo cho Philippines với mức giá 426,3 đô la Mỹ/tấn.

Như vậy, tổng khối lượng gạo Philippines đã đạt thỏa thuận trong phiên mở thầu sáng nay với các nhà cung cấp tư nhân là 47.000 tấn, tức nước này cần thêm 203.000 tấn gạo nữa mới đạt được kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn như công bố.

Theo vị này, lý do khối lượng gạo đạt thỏa thuận trong phiên mở thầu hôm nay của Philipines đạt thấp vì các nhà cung cấp tư nhân đưa ra mức giá cao hơn so với mức dự kiến ngân sách của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) là 428,18 đô la Mỹ/tấn.

Trước đó, Philippines đã thông báo mời thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo loại 25% tấm từ bất kỳ nguồn cung nào. Theo đó, mức giá tham chiếu được Philippines đưa ra là 431,2 đô la Mỹ/tấn, giá CIF giao tại kho chỉ định của Philippines, nằm trong bán kính 30 km từ cảng dỡ hàng, bao gồm cả chi phí chất hàng vào kho. Hình thức thanh toán trả chậm 30 ngày, kể từ ngày người mua nhận được bộ chứng từ gốc hợp lệ.

Với 250.000 tấn gạo, Philippines chia ra làm 9 gói thầu và 14 điểm cảng dỡ hàng. Thương nhân được phép dự thầu tất cả 9 gói thầu hoặc ít nhất là 1 gói. Tuy nhiên, điều kiện tham dự đấu thầu được Philippines đưa ra là trong 5 năm trở lại đây, tính đến ngày nộp thầu, thương nhân phải hoàn tất ít nhất một hợp đồng xuất khẩu gạo với quy mô tài chính tương đương gói thầu sẽ tham dự.

Trước đó, vào tháng 5-2018, NFA đã mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức G2P, các thương nhân Việt Nam đã không bán được tấn gạo nào cho Philippines, trong khi Thái Lan gần như chiếm trọn hợp đồng này.

Cũng trong tháng 5-2018, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 130.000 tấn gạo cho Philippines trong gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo tại một cuộc mở thầu theo hình thức liên Chính phủ (G2G).

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam