Thăm vườn rau hữu cơ ‘6 không’

Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ “6 không” nằm khép mình trong khu dân cư quận Tân Bình (TP.HCM).

Đó là vườn rau Happy Vegi của Thạc sĩ hóa học Nguyễn Thị Quỳnh Viên và Ths.BS dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp trồng hơn 10 loại rau ăn lá theo mùa…

Vườn rau xanh mướt Happy Vegi 

Vào khu vườn, ấn tượng là màu xanh mướt của rau, không khí trong lành, đặc biệt là có thể tha hồ ngắm những chú cuốn chiếu, trùn, cóc… đang ngoe ngẩy.

Để có được vườn rau xanh mướt ấy là cả một quá trình, vừa mất tiền, mất thời gian, hy sinh sự nghiệp trong trường… để chị Quỳnh Viên nghiên cứu, trồng lên những luống rau hữu cơ đảm bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ tại TP.HCM.

Chị Quỳnh Viên nói: “Nhớ lại những ngày đầu của vườn rau, người tiêu dùng hiểu rất khác nhau về thực phẩm hữu cơ. Mấy chị em ngồi nghĩ nát óc xem làm thế nào để đơn giản hóa những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để họ có thể hiểu. Thế là nguyên tắc “6 không” ra đời với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất”.

Để có một bó rau hữu cơ đảm bảo chất lượng, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng giống biến đổi gien.

Đất trồng được đảm bảo các tiêu chí về đất trồng rau của Bộ NN-PTNT, khi làm đất, thường phải chọn vị trí tốt, lấy đất cùng với phân bò đã cải tạo trộn với phân dừa đem ủ để có chế phẩm vi sinh diệt khuẩn gây bệnh.

Lấy từng cây con để chuẩn bị đem cấy

Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, ngô, đậu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã mía, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân huỷ thành các chất mùn dinh dưỡng. Trong 2 tuần ủ phân, vi sinh vật hoạt động làm nhiệt độ đống ủ tăng lên đến 60 – 75 độ C, giúp tiêu diệt các mầm bệnh, đồng thời góp phần phân hủy các nguyên liệu thành chất mùn được nhanh hơn để tạo ra một loại phân bón tơi, xốp, không mùi, tốt cho cây trồng.

“Canh tác hữu cơ không có năng suất cao nên chưa thể là giải pháp về thực phẩm cho tất cả mọi người. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 100kg rau. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để ổn định năng suất trong mùa mưa và mở thêm một vườn mới trên Măng Đen để đa dạng sản phẩm. Dự kiến sản lượng năm 2018 sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017. Người tiêu dùng tại TP.HCM có thể mua rau tại các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ hoặc đặt hàng online”, chị Trần Ngọc Diệp bộc bạch.
Chọn giống thuần chủng của địa phương để có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của địa phương. Ươm giống từ 15 – 20 ngày đem ra cấy hoặc sạ.

Khi cấy cây non thì khoảng cách giữa các cây là 5cm, hàng cách hàng 10cm; còn sạ thì dùng cào quanh theo chiều ngang luống để hạt chìm xuống, rồi dùng giá thể xơ dừa phủ lên trên tăng độ ẩm, dùng lưới màu trùm lên để giảm bớt ánh sáng cho cây phát triển, khi cây được 1 tuần tuổi, bón phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng.

Để hạn chế cỏ dại phải thường xuyên nhổ cỏ bằng tay, trồng các loại cây họ cúc, xả, bồ ngót Nhật… để xua đuổi côn trùng tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa… Che chắn cho rau để phù hợp khả năng sinh trưởng và bảo vệ nguồn dinh dưỡng, nguồn oxy cho cây.

“Đối với nước tưới quan trọng là độ pH trong nước, muốn nâng độ PH chúng tôi dùng một đệm vi sinh để trong bể nước và bơm nước trong vòng 24h khi vi sinh hoạt động thì độ pH sẽ được nâng lên gần 7 thì hệ vi sinh sẽ tốt”, chị Quỳnh Viên nhấn mạnh.

Ở đây, người nông dân không chỉ làm vườn, mà họ tự tay ghi chép vào sổ từng ngày gieo hạt, ngày bón phân…

Sau 40 – 45 ngày rau được thu hoạch về kiểm tra, khi sản phẩm rau đạt chỉ số an toàn được giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói và được phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9h sáng.

Vừa cung cấp rau hữu cơ, vườn rau Happy Vegi luôn là nơi được các bạn tình nguyện viên hòa bình từ các nước Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản… lựa chọn làm nơi trải nghiệm nông nghiệp, cũng như mở cửa cho bất cứ khách hàng, nhà trẻ… đến trải nghiệm, tham quan.

Tình nguyện viên nước ngoài đến trải nghiệm tại vườn rau

Mong rằng sẽ có nhiều vườn rau như thế, để đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình khi cùng nhau thưởng thức bát canh, đĩa rau, bát cháo ngon ngọt an lành, cũng như giúp cho người nông dân hàng ngày không phải tiếp xúc với những hóa chất độc hại, đem đến một hệ sinh thái tự nhiên.

Thu hoạch rau về kiểm tra trước khi đóng gói đem đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Cải Xoăn Kale trong thùng xốp

Cải xoăn Kale được đánh giá là một trong những loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loại rau này có đặc tính chống lão hóa, ngừa ung thư, kháng viêm, giảm cholesterol, giảm cân, tốt cho xương và răng, tăng cường hệ thống miễn dịch…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao nion, bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cải xoăn Kale. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng

Đất trồng cải xoăn Kale cần được làm kỹ, tơi xốp và có độ pH từ 5,5 – 6,8. Có thể bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7-10 ngày trước khi gieo trồng hạt giống để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ…

Hạt giống

Nên chọn các cửa hàng bán hạt giống uy tín hoặc mua hạt giống ở các trang web nước ngoài để đảm bảo tỉ lệ nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của chúng.

2. Ngâm ủ, gieo hạt và cấy cây.

Trước khi gieo nên ngâm hạt với nước ấm ở nhiệt độ 40 độ C trong khoảng thời gian từ 2 – 5 tiếng. Sau đó, vớt hạt ra rửa sạch, để ráo nước.

Đào những lỗ nhỏ sâu 1 – 1,5cm và cách nhau khoảng 15cm rồi gieo hạt cải xoăn vào. Phủ đất lên trên và tưới nước.

Tưới nước thường xuyên. Trong khi ươm mầm, lớp đất bề mặt có thể khô giữa những lần tưới nước, tuy nhiên không để đọng nước ở bề mặt đất. Khi cây đã nảy mầm, bạn tỉa bớt những cây yếu, nhỏ để tạo thêm không gian cho các cây còn lại.

Khi cây con cao khoảng 7 – 10cm bạn có thể bứng cây con trồng vào chậu hoặc thùng xốp. Trồng cây với khoảng cách cây cách cây 25cm, hàng cách hàng 30cm.

3. Chăm sóc

Ngày tưới nước 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.

Khi cây cao khoảng 10 – 15cm, tiến hành bón lót đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê… Sau đó cứ 15 – 20 ngày tiến hành bón đợt tiếp theo. Khi bón phân kết hợp vui xới và nhổ cỏ cho cây.

4. Thu hoạch

Sau khi gieo trồng khoảng 70-90 ngày là có thể thu hoạch rau cải xoăn Kale. Cần thu hoạch lá từ ngoài vào trong, không nên để lá bị úa vì sẽ tạo ra môi trường cho nấm bệnh phát triển.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Rau cải cao 1,5m, ăn nửa năm chưa hết ở Đà Lạt

Khác hoàn toàn các giống rau cải ở Việt Nam, cây cải siêu lạ Kale thân cao đến 1,5m, cành lá xoăn tít, cho thu hoạch lá liên tục trong vòng nửa năm. Hiện được các nhà vườn đua nhau trồng bởi giá của loại rau này hiện nay lên đến 70.000-80.000 đồng/kg.

Anh Thanh Tùng, một đầu mối chuyên buôn bán các loại rau củ quả lạ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, loại cải xoăn có thân cao đến 1,5m hoặc trên 1,5m, được gọi là cải xoăn Kale. Giống rau cải này được nhập từ Mỹ về Việt Nam từ năm 2015. Sau đó, giống rau được các nhà vườn trồng thử nghiệm trên vùng Đà Lạt. Hiện nay, rau cải đã cho thu hoạch lá để bán.

Theo anh Tùng, rau cải xoăn Kale khác hoàn toàn với rau cải của Việt Nam. Cụ thể, rau cải của Việt Nam trồng đến lúc thu hoạch chỉ được một lần là hết (nhổ cả cây). Còn rau cải xoăn Kale chỉ thu hoạch lá. Cây ra lá đến đâu thu hoạch đến đó. Theo đó, cây để trồng càng lâu, thân phát triển càng cao.

Vườn rau cải xoăn Kale ở Đà Lạt

“Từ lúc bắt đầu trồng đến lúc phá vườn, các chủ vườn được thu hoạch lá liên tục (ngày nào cũng được hái lá bán) trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn nữa nếu chủ vườn chăm sóc tốt”, anh Tùng chia sẻ.

Do thị trường khá chuộng loại rau xoăn Kale nên rất nhiều nhà vườn ở Đà Lạt, kể cả nhà vườn ở Mộc Châu (Sơn La) đang tiến hành trồng loại cải xoăn này để cung cấp rau ra thị trường được nhiều hơn, anh Tùng chia sẻ.

Tương tự, các nhà vườn khác cũng cho biết, giống cải xoăn Kale khổng lồ này hiện đang là mặt hàng rau được bà nội trợ săn mua về làm thực phẩm ăn hàng ngày. Đặc biệt, các chị em còn đua nhau đặt mua loại cải này về làm sinh tố uống với mục đích chăm sóc sắc đẹp.

Hiện trên thị trường, lá của cây rau cải xoăn Kale khổng lồ đang được bán với mức giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Khách muốn mua đều phải đặt hàng trước.

Dưới đây là những hình ảnh về loại rau cải khổng lồ được trồng tại Đà Lạt:

Những cây cải xoăn cao đến trên 1,5m

Loại rau cải khổng lồ này đang được trồng tại một số nhà vườn ở Đà Lạt

Rau cải xoăn Kale hiện có 4 loại thể hiện qua các màu sắc lá khác nhau

Điểm chung là chúng sẽ cho thu hoạch lá liên tục trong vòng 6 tháng hoặc hơn


Các chủ vườn cho biết, ngày nào họ cũng được hái lá rau cải này bán cho đến khi cây già, năng suất thấp đi thì họ mới phá bỏ

Lá của loại rau cải này đang được các bà nội trợ săn mua về ăn với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg.

Nguồn: Vietnamnet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhà vườn bội thu nhờ trồng giống ngoại Cải Xoăn Kale

Gần đây, nhiều nông dân đã đưa giống cải xoăn Kale vào trồng. Đây là giống mới được nhập nội phù hợp với điều kiện ở Đà Lạt, cho thu hoạch quanh năm nên năng suất cao hơn các giống rau truyền thống.

Vườn cải xoăn Kale tại gia đình chị Huỳnh Thị Kim Hiệp

Điển hình là gia đình chị Huỳnh Thị Kim Hiệp (29 tuổi), ngụ đường Vòng Lâm Viện, phường 8. Vợ chồng chị Hiệp có khoảng 1.000m2 cải xoăn Kale trồng trong nhà kính, cho thu hoạch khá đều. Cải xoăn Kale được trồng trên đất thịt, các luống cao khoảng 20cm. Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt trực tiếp vào từng gốc nên tiết kiệm được đáng kể lượng nước và phân bón, giảm được giá thành sản xuất.

Đây là loại rau được đánh giá khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt nên rất hiếm khi xuất hiện sâu bệnh. Cây cải Kale từ khi xuống giống cho tới ngày được thu hoạch lá là 2,5 tháng. Đây là loại cây trồng dài ngày nhưng cho sản phẩm quanh năm. Do chỉ thu hoạch lá nên cây đạt chiều cao tối đa lên tới hơn 1m, năng suất lá tăng dần theo độ tuổi của cây.

Mỗi ngày chị Hiệp thu hoạch khoảng 40kg lá rau cải xoăn Kale

Theo chị Huỳnh Thị Kim Hiệp, mỗi ngày gia đình chị đang thu hoạch khoảng 40kg lá rau cải xoăn Kale. Đến nay, trên thị trường, loại cải này vẫn còn khá hiếm nên vào thời gian cao điểm, 1kg cải xoăn Kale có giá tại vườn lên tới 70.000 đồng. Với giá bán trung bình từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, loại rau này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau khác.

Theo chị Hiệp cải xoăn Kale phù hợp với điều kiện Đà Lạt và cho thu hoạch quanh năm

Sản phẩm cải xoăn Kale của gia đình chị Huỳnh Thị Kim Hiệp được tiêu thụ phần lớn tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Là loại rau mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, được cho là có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, cải xoăn Kale ngoài dùng để chế biến thành các món ăn còn được làm sinh tố giải khát.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tác dụng tuyệt vời của Cải Xoăn Kale

Cải xoăn Kale là một loại rau với lá xanh hoặc tím, trong đó lá ở giữa không tạo thành đầu. Nó được xem như có họ gần với bắp cải hơn hầu hết các loại rau trồng khác.

Cải lá xoăn là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin C và vitamin K tuyệt vời. Bên cạnh đó, cải lá xoăn còn là nguồn cung cấp chất xơ và nhiều chất khoáng cần thiết cho sức khỏe như folate, sắt, canxi, kali, mangan và phốt pho.

Sau đây là 9 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của cải lá xoăn:

1. Ngăn ngừa ung thư

Tất cả các loại rau họ cải, trong đó có cải lá xoăn đều có chứa phytochemicals, một chất đã được chứng minh có đặc tính chống ung thư. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ăn các loại rau này có khả năng ngăn ngừa một số dạng ung thư như ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng.

2. Đặc tính chống lão hóa

Thường xuyên ăn cải lá xoăn sẽ giúp bạn gái chống lại quá trình lão hóa da. Các thành phần dinh dưỡng có trong cải lá xoăn có tác dụng làm tăng tính đàn hồi của làn da.

3. Đặc tính kháng viêm

Cải lá xoăn được coi là loại rau có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Chống viêm là khả năng quan trọng giúp bảo vệ cơ thể. Do đó, cải lá xoăn có thể giúp bạn chống lại các căn bệnh như đau khớp, cứng khớp hay viêm khớp mãn tính.

4. Giảm cholesterol

Hàm lượng chất xơ cao có trong cải lá xoăn giúp làm giảm mức cholesterol cao, từ đó giúp ngăn ngừa hiện tượng xơ vữa động mạch. Theo tính toán của chuyên gia, một cốc nước ép cải lá xoăn cung cấp 10,4% lượng chất xơ yêu cầu của cơ thể mỗi ngày.

5. Ngăn ngừa đục thủy tinh thể

Cải lá xoăn chứa rất nhiều lutein và beta-carotene, vì vậy thường xuyên ăn loại rau này có thể tránh được mù lòa và đục thủy tinh thể do tia UV gây ra.

6. Giảm cân

Cải lá xoăn có hàm lượng calo thấp, vì vậy mà chúng là loại rau giúp giảm cân. Một cốc nước ép cải lá xoăn chỉ có 36 calo và không có chất béo. Một bát súp hay món salad cải lá xoăn sẽ vừa giúp giữ sức khỏe lại vừa giúp bạn giảm cân.

7. Hỗ trợ xương và răng

Cải lá xoăn là nguồn cung cấp canxi, mangan và magiê tuyệt vời. Vì vậy mà chúng có tác dụng rất lớn trong việc giúp xương và răng chắc khỏe.

8. Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vitamin C có rất nhiều trong cải lá xoăn và điều đó giúp cải lá xoăn có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

9. Ngăn chặn việc thiếu máu

Do hàm lượng sắt cao mà cải lá xoăn là loại rau tuyệt vời để bạn ngăn ngừa bệnh thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do sắt.

Kỹ thuật trồng Cải Xoăn Kale

Được yêu thích bởi hàm lượng chất dinh dưỡng cao, cải xoăn Kale là một trong những loại rau rất thích hợp để trồng vào mùa lạnh này.

Cùng thuộc họ cải, cải xoăn Kale với lá màu xanh hoặc tím có họ gần với bắp cải so với các loại rau trồng khác.

Rau cải xoăn được đánh giá là một trong những loại rau nhiều chất xơ nhất và chứa thành phần dinh dưỡng cao, cung cấp các loại vitamin A, C và K. Ngoài ra, rau cải xoăn cung cấp nhiều chất khoáng, chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao.

Nếu bạn còn đang loay hoay chưa biết cách trồng cải xoăn Kale thế nào thì hãy để Ngon Sạch Lạ hướng dẫn bạn nhé:

1. Chuẩn bị dụng cụ

Hạt giống: nên chọn các cửa hàng bán hạt giống uy tín hoặc mua hạt giống ở các trang web nước ngoài để đảm bảo tỉ lệ nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của chúng.

Đất trồng: Đất trồng cải xoăn Kale cần được làm kỹ, tơi xốp, có thể bón lót với vôi nông nghiệp rồi phơi ải từ 7-10 ngày trước khi gieo trồng hạt giống để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Thùng xốp hoặc chậu trồng cây phải thoát nước tốt.

2. Tiến hành trồng

Hạt giống cần được rửa sạch và ngâm trước trong nước khoảng từ 2-5h theo công thức 2 sôi- 3 lạnh (khoảng 40 độ C). Sau đó, vớt hạt ra rửa sạch, để ráo nước.

Đem gieo vào bầu hoặc trực tiếp lên đất đã chuẩn bị sẵn. Sau vài ngày hạt sẽ nảy mầm.

Chuyển nhà cho cây giống: nếu bạn trồng trong thùng xốp thì nên trồng từ 4-6 cây cải vào các hốc đất đã đào sẵn.

Trong điều kiện bạn có vườn thì có thể đào các hố cách nhau 20 – 30 cm, mỗi hố sau từ 10 – 15 cm.

3. Chăm sóc và thu hoạch

Trồng cải xoăn Kale cần rất nhiều nước để sinh trưởng và phát triển nên ngay khi trồng bạn nên tưới nước ngay, mỗi ngày tưới một đến hai lần.

Lưu ý nên tưới trực tiếp vào gốc cây cho đến giai đoạn cây bén rễ, sau đó chỉ cần tưới khi thấy đất thiếu độ ẩm. Cũng cần chú ý nếu tưới quá nhiều nước cũng sẽ khiến cây bị nấm bệnh.

Về phân bón: sau khi trồng 12 – 15 ngày, cây đã hồi lại với đất mới và xanh và có nhu cầu phát triển thì nên bón phân sinh học lần 1.

Mách nhỏ, nếu bạn e ngại dùng phân vô cơ cho cây trồng, có thể dùng nước tiểu ngâm lâu trong 1 tuần, đem pha loãng tưới cho cây cũng rất tốt.

Khi cây xoè lá thì bón thúc lần thứ hai. Trước khi bón thúc nên xới xáo mặt thùng kết hợp với vun cao gốc cho cải bẹ để chống đổ và nhặt cỏ dại.

Trong suốt quá trình sinh trưởng của cải bẹ cần bón thúc 5 – 7 lần và tùy tốc độ sinh trưởng của cây, màu sắc của thân lá cây mà tăng hay giảm lượng phân bón cho phù hợp.

Khi thu hoạch cải có thể tỉa lá hoặc thu chặt cả cây một lần tùy bạn.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Cải Thìa (P2)

Ở phần 1, Fman đã giới thiệu cho các bạn về kỹ thuật trồng và bón phân cho cải thìa, ở phần 2, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn biện pháp phòng trừ sâu bệnh cũng như biện pháp thu hoạch cải thìa.

8. Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cải thìa:

– Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ-liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Sử dụng luân phiên các loại thuốc hoá học, ưu tiên sử dụng các loại thuốc vi sinh, điều hoà sinh trưởng, gốc cúc tổng hợp. Bắt đầu phun khi có sâu hại, mỗi vụ có thể phun 2- 4 lần tùy tình hình sâu hại, đảm bảo đúng thời gian cách ly (Theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên nhãn thuốc). Ngoài biện pháp hoá học khi thăm vườn lưu ý bắt sâu bằng tay và ngắt bỏ các ổ trứng sẽ giảm được mật số sâu.

– Một số đối tượng sâu, bệnh hại chính.

8.1 Sâu hại:

a. Bọ nhảy (Phyllotreta striolata)

– Tập quán sinh sống và gây hại:

+ Thành trùng thường ẩn nấp vào nơi ẩm mát, mặt dưới lá gần mặt đất khi trời nắng, có khả năng nhảy xa và bay rất nhanh. Thường bò lên mặt lá ăn phá vào lúc sáng sớm và chiều tối, cắn lủng khắp mặt lá, làm lá có thể bị vàng và rụng.

+ Ấu trùng ăn rễ cây làm cây bị còi cọc, đôi khi héo hoặc thối.

+ Xuất hiện gây hại trên cải rất sớm: gây hại cả giai đoạn cây con cho đến lúc thu hoạch.

– Phòng trừ:

+ Vệ sinh ruộng sau khi thu hoạch, thu gom các cây cải hoặc lá cải hư vào một nơi để tiêu hủy.

+ Luân canh với các loại cây trồng khác không phải họ cải, góp phần hạn chế thiệt hại của vụ sau.

+ Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc để phòng trừ như: Tậpkỳ, Sec-Saigon, Actara, Sokupi, Dibonin …

+ Chú ý xử lý đất bằng phơi đất và xử lý đất bằng thuốc hóa học như: Dibonin 5G, BM-Tigi 5H để hạn chế sâu non. Sử dụng các bẩy dính (dùng mỡ bò) để bắt trưởng thành.

b. Sâu tơ (Plutella xylostella):

– Tập quán sinh sống và cách gây hại:

+ Sâu tơ có tính ăn hẹp, chỉ gây hại các cây thuộc họ cải.

+ Sâu non mới nở bò lên mặt lá gặm biểu bì tạo thành những đường rảnh nhỏ ngoằn ngoèo.

+ Từ tuổi 2, sâu ăn thịt lá để lại lớp biểu bì tạo thành những vết trong mờ.

+ Sâu lớn ăn toàn bộ biểu bì lá làm lá thủng lỗ chỗ, khi mật độ sâu cao ruộng rau bị hại xơ xác, giảm năng suất và chất lượng rau. Gây hại quanh năm, gây hại từ vườn ươm đến thu hoạch.

+ Thành trùng là một loại ngài nhỏ màu nâu xám, trên cánh trước có nhiều đốm nhỏ màu nâu. Khi đậu 2 cánh xếp trên lưng. Thành trùng ban ngày thường ẩn nấp dưới lá, nhập nhoạng tối mới ra bắt cặp và đẻ trứng.

– Phòng trừ.

+ Luân canh, xen canh với cây khác họ thập tự.

+ Vệ sinh đồng ruộng, hủy bỏ tàn dư cây trồng.

+ Sâu có khả năng kháng thuốc cao do vậy nên dùng luân phiên xen kẽ các loại thuốc, dùng thuốc B.T, Dipel, Tập kỳ, Success, Pegasus. Kết hợp biện pháp tưới phun mưa vào lúc chiều tối 6-8 giờ để hạn chế sự đẻ trứng và làm rửa trôi trứng.

+ Nên áp dụng biện pháp IPM hoặc trồng rau trong nhà lưới.

c. Sâu ăn tạp- sâu khoang (Spodoptera litura)

– Tập quán sinh sống và cách gây hại:

+ Bướm thường vũ hoá vào buổi chiều và hoạt động vào lúc vừa tối, ban ngày bướm đậu ở mặt sau lá hoặc trong các bụi cỏ. Bướm hoạt động từ tối đến nửa đêm, có thể bay xa đến vài chục mét và cao đến 6-7 mét.

+ Sâu non có khả năng biến đổi màu sắc từ xanh thẩm đến nâu tối, sống tập trung.

+ Là loại ăn tạp gây hại trên nhiều loại cây trồng nên có mặt quanh năm trên đồng ruộng.

+ Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm.

+ Sâu làm nhộng trong đất.

– Phòng trừ:

+ Đất trước khi trồng cần phải được cày, phơi và xử lý thuốc trừ sâu hoặc cho ruộng ngập nước 2-3 ngày để diệt nhộng, sâu non có trong đất.

+ Phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu, ngắt bỏ ổ trứng hoặc tiêu diệt sâu non mới nở khi chưa phân tán đi xa.

+ Thành trùng có khuynh hướng thích mùi chua ngọt và ánh sáng đèn, do đó có thể dùng bả chua ngọt để thu hút bướm khi chúng phát triển rộ.

+ Bả chua ngọt gồm: 4 phần giấm + 1 phần mật + 1 phần rượu + 1 phần nước. Sau đó đem bả mồi vào chậu rồi đặt ở ngoài ruộng vào buổi tối nơi thoáng gió có độ cao 1m so với mặt đất.

+ Có thể sử dụng các loại thuốc hoá học gốc Cúc tổng hợp, Match, Pegasus, Anitox… để diệt sâu.

Cần lưu ý: Sâu ăn tạp rất dễ kháng thuốc, nên luân phiên nhiều loại thuốc để phun.

d. Sâu đục nõn (Hellula undalis fabricius):

– Bướm nhỏ, màu nâu xám đậm, đời sống của bướm ngắn (1 tuần), đẻ 100-200 trứng rải rác trên các lá non của đọt cải.

– Ấu trùng màu hồng, đầu đen và có những sọc đen chạy dọc thân mình, thời gian phát triển lâu độ 10 ngày, nhộng màu đỏ nâu, phát triển 6-8 ngày.

Ấu trùng nở ra thường sống tập trung tìm ăn ở đọt non của cây cải. Chúng nhả tơ bao phủ đọt cải và ăn ở bên trong làm cho đọt non bị chết nên gây thiệt hại đáng kể cho cải bắp, cải ngọt, bẹ xanh và cải bông.

– Phòng trừ:

+ Thường xuyên thăm ruộng cải để phát hiện sớm khi sâu vừa xuất hiện, còn ở ngoài lá chưa chui vào trong đọt cải để dễ dàng áp dụng các loại thuốc hoá học

+ Có thể sử dụng các loại thuốc hoá học gốc Cúc tổng hợp, Match, Pegasus, Anitox… để diệt sâu.

8.2. Bệnh hại trên cải thìa

a. Bệnh thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora):

– Bệnh xuất hiện nặng vào mùa mưa, nhưng chưa có thuốc nào phòng trừ hiệu quả.

– Để quản lý bệnh thối nhũn, chủ yếu sử dụng các biện pháp canh tác: Trước hết cần có cơ cấu luân canh hợp lý, đối với vùng đất bị nhiễm bệnh nặng, cần luân canh trên hai vụ.

– Khi xuất hiện bệnh cần giảm tưới nước, nhổ bỏ cây bệnh và xử lý vôi ở vị trí cây bệnh để tránh lây lan. Rắc thêm tro để giảm ẩm độ trong ruộng, dùng thuốc Starner, Kasumin 2L, Kasuran để hạn chế sự phát triển bệnh.

b. Bệnh đốm lá vi khuẩn (Xanthomonas campestris pv):

– Vi khuẩn tồn tại trong tàn dư cây trồng, đất, hạt giống.

– Vết bệnh thường xuất hiện ở mặt dưới của lá, triệu chứng ban đầu là đốm xanh giọt dầu, sũng nước, gần giống như vết bọ nhảy phá hại, bệnh nặng mặt trên lá màu vàng sáng.

– Điều kiện thời tiết nóng ẩm xen kẽ thuận lợi cho bệnh phát triển.

– Phòng trừ: Thu gom tàn dư, mật độ cây không trồng dầy, sử dụng giống chống chịu bệnh, có thể sử dụng thuốc Starner, Kasumin 2L, Kasuran để hạn chế sự phát triển bệnh. Ngoài ra khi trời mưa có thể hạn chế sự lây lan phát triển bệnh bằng cách che chắn luống.

c. Bệnh thối hạch lá (Rhizoctonia solani):

Gây hại nặng vào mùa mưa phun thuốc khi bệnh xuất hiện, nếu bệnh nặng có thể phun thuốc 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày, thường phun thuốc phòng trừ kết hợp phòng trừ bệnh thối nhũn. Có thể dùng Ridomil, Moceren, Validacin.

9. Các kỹ thuật khác

– Chú ý làm cỏ kịp thời. Đối với cải được gieo trực tiếp lên liếp, cần chú ý tỉa thưa hợp lý (khoảng cách 20 x 20cm) nếu để dày quá sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và cây dễ bị nhiễm bệnh.

– Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt, tưới đẫm quá cải dễ bị nhiễm bệnh.

– Tưới nước 2-3 lần trong ngày.

10. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

Tiến hành thu hoạch đúng độ tuổi sinh trưởng, không để cải ngồng làm mất giá trị thương phẩm; đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV, phân đạm; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn cho người tiêu dùng. Áp dụng qui trình thu hoạch và xử lý sau thu hoạch theo Quyết định 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

11. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm:

Quy định tại mục 10, chương II của Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Cải Thìa (P1)

Cây cải thìa có đặc điểm hình thái: cuống lá hình lòng máng, màu trắng, phiến lá hơi tròn, cây mọc gọn có thể trồng gần như quanh năm. Thời gian sinh trưởng từ 35 – 40 ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp.

1. Giống

– Sử dụng các giống năng suất cao, thích hợp với điều kiện địa phương, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép kinh doanh tại Việt nam.

– Nếu giống tự sản xuất phải có hồ sơ ghi lại đầy đủ các biện pháp xử lý hạt giống, xử lý cây con, hoá chất sử dụng, thời gian, tên người xử lý và mục đích xử lý. Trong trường hợp giống không tự để giống phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân, thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý giống (nếu có).

– Lượng giống:

+ Gieo hạt trực tiếp lên liếp: 400-600gr/1000m2.

+ Gieo qua liếp ươm: 100-200gr hạt gieo trên 100m2 cấy cho 1000m2. Tuổi cây con được nhổ trồng lại 17 – 23 ngày tuổi tùy theo mùa vụ.

– Xử lý giống: xử lý khô hạt giống bằng Roval, Benlate-C hoặc Aliette, lượng dùng: 1gr thuốc cho 10 gr hạt. Sau khi gieo hạt, phủ một lớp đất trộn phân chuồng hoai mỏng, rồi phủ một lớp rơm mỏng, tưới đủ ẩm.

2. Thời vụ:

– Cải thìa có thể trồng quanh năm, tuy nhiên trong mùa khô năng suất đạt được cao hơn. Trong mùa mưa khi trồng cần phải có biện pháp che chắn (lưới, giàn che…) để tránh nước mưa làm rách, dập lá.

– Thời gian cấy đến thu hoạch 18-25 ngày .

– Thời gian gieo đến thu hoạch (không qua vườn ươm) 35-40ngày.

– Phải lập hồ sơ lịch canh tác.

3. Chuẩn bị đất:

– Yêu cầu: Cải thìa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Đất thích hợp trồng cải thìa là loại đất có nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước tốt không bị ngập úng. Đất không bị ô nhiễm các chất độc, kim loại nặng….Theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007 về việc Ban hành Quy định về sản xuất và kinh doanh rau an toàn, mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất như sau:

Bảng 1: Mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất

TT
Nguyên tố
Mức giới hạn tối đa

cho phép (mg/kg)

Phương pháp thử
1 Asen (As) 12,0 TCVN 6498:1999; 10 TCN 797:2006
2 Cardimi (Cd)  2,0 TCVN 6498:1999; 10 TCN 796:2006
3 Chì (Pb) 70,0 TCVN 6498:1999; 10 TCN 796:2006

Trong mùa mưa cần có biện pháp che phủ (rơm hoặc nylon) để tránh đất bám trên lá, cây dễ nhiễm bệnh và làm giảm giá trị thương phẩm của rau.

– Kỹ thuật làm đất: làm đất tơi xốp, tùy điều kiện tốt nhất nên phơi ải đất từ 7- 10 ngày trước khi lên liếp mới.

– Kích thước liếp: chiều dài tùy theo kích thước vườn, rộng 1 – 1,2m x cao 10 -15cm ( mùa mưa lên liếp cao 20-25cm). Khoảng cách giữa hai liếp khoảng 25 – 30cm để thoát nước và đi lại chăm sóc, tưới nước.

– Xử lý đất: tiến hành xử lý đất 3 ngày trước khi trồng, sử dụng Dibonin 5G, BM-Tigi 5H, Pounce 1.5G để phòng trừ sâu đất, tuyến trùng.

– Hàng năm phải tiến hành phân tích, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất và giá thể theo tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước.

– Khi cần thiết phải xử lý các nguy cơ tiềm ẩn từ đất và giá thể, tổ chức và cá nhân sản xuất phải được sự tư vấn của nhà chuyên môn và phải ghi chép và lưu trong hồ sơ các biện pháp xử lý.

– Không được chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước trong vùng sản xuất. Nếu bắt buộc phải chăn nuôi thì phải có chuồng trại và có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm sau thu hoạch.

4. Nước tưới:

– Nước tưới cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch rau phải đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng.

Theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007 về việc Ban hành Quy định về sản xuất và kinh doanh rau an toàn, mức giới hạn tối đa cho phép của một số chất trong nước tưới như sau:

Bảng 2: Mức giới hạn tối đa cho phép của một số chất trong nước tưới

TT Nguyên tố Mức giới hạn tối đa

cho phép (mg/lít)

Phương pháp thử
1 Thủy ngân 0,001 TCVN 5941:1995

TCVN 6665:2000

2 Cardimi(Cd) 0,01 TCVN 6665:2000
3 Asen (As) 0,1 TCVN 6665:2000
4 Chì (Pb) 0,1 TCVN 6665:2000

– Việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa chất và sinh học từ nguồn nước sử dụng cho: tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cho bảo quản, chế biến, xử lý sản phẩm, làm sạch và vệ sinh, phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ.

– Trường hợp nước của vùng sản xuất không đạt tiêu chuẩn phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã xử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp xử lý, kết quả kiểm tra và lưu trong hồ sơ.

– Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất và xử lý sau thu hoạch.

5. Khoảng cách trồng

– Khoảng cách trồng 20 x20 cm hoặc 20 x 15 cm.

6. Phân bón, chất phụ gia:

– Từng vụ phải đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón và chất phụ gia, ghi chép và lưu trong hồ sơ. Nếu xác định có nguy cơ ô nhiễm trong việc sử dụng phân bón hay chất phụ gia, cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm lên rau.

– Chỉ sử dụng các lọai phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Sử dụng phân hữu cơ và phân vô cơ đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và đúng thời điểm, không bón thừa phân đạm(N), đảm bảo cách ly phân đạm từ 7-10 ngày trước khi thu hoạch. Không lạm dụng các chế phẩm tăng trưởng, các chất kích thích, phân bón lá vì sẽ gây tốn kém, dễ bị nhiễm sâu bệnh.

– Phân hữu cơ phải được ủ hoai đúng phương pháp, đúng kỹ thuật, không sử dụng phân bắc, phân rác… để bón cho rau.

– Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (ủ hoai mục). Trong trường hợp phân hữu cơ được xử lý tại chỗ, phải ghi lại thời gian và phương pháp xử lý. Trường hợp không tự sản xuất phân hữu cơ, phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân vả thời gian cung cấp, số lượng chủng loại, phương pháp xử lý.

– Nơi chứa phân bón hay khu vực để trang thiết bị phục vụ phối trộn và đóng gói phân bón, chất phụ gia cần phải được xây dựng và bảo dưỡng để giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước.

– Lưu giữ hồ sơ phân bón và chất phụ gia khi mua (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian và số lượng mua).

– Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón và chất phụ gia (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, phương pháp bón phân và tên người bón).

-Lượng phân dùng trên diện tích 10m2 đất trồng cải thìa bao gồm:

+ Phân hữu cơ: Phân chuồng hoai từ 10-15kg hoặc phân hữu cơ vi sinh liều lượng từ 1-2kg.

+ Phân vô cơ: Urê 50-100gr; DAP 50gr; NPK 16-16-8 300-350gr tùy thuộc vườn cấy hoặc vườn gieo thẳng. Trường hợp không có phân hữu cơ có thể tăng gấp đôi liều lượng từng loại phân.

-Cách bón:

Bón lót: Dùng cho vườn ươm và vườn sản xuất (vườn cấy hoặc gieo thẳng)

10-15kg phân chuồng hoai (hoặc 1-2kg hữu cơ vi sinh) + 150gr NPK.

Bón thúc:

*Vườn ươm:

Bón thúc 1 lần vào giai đoạn 10 ngày sau gieo: tưới 50gr urê +50gr DAP.

*Đối với vườn cấy: Được bón thúc 2 lần:

Lần 1: 5-7 ngày sau cấy, tưới 50gr urê + 50gr DAP.

Lần 2: 10 ngày sau cấy, tưới 150gr NPK.

*Đối với cải sạ thẳng (không qua giai đoạn vườn ươm): Bón thúc 3 lần: Lần 1: 10 ngày sau gieo 50gr urê + 50gr NPK.

Lần 2: 17 ngày sau gieo 50gr urê + 50gr DAP.

Lần 3: 25 ngày sau gieo 150gr NPK.

7. Hoá chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật)

– Người lao động và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động phải được tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp sử dụng bảo đảm an toàn.

– Trường hợp cần lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật và chất điều hoà sinh trưởng cho phù hợp, cần có ý kiến của người có chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ thực vật.

– Nên áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

– Chỉ được phép mua thuốc bảo vệ thực vật từ các cửa hàng được phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

– Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại rau, qủa tại Việt Nam.

– Phải sử dụng hoá chất đúng theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hoá hoặc hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất và sản phẩm.

– Các hỗn hợp hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật dùng không hết cần được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường.

– Sau mỗi lần phun thuốc, dụng cụ phải vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra. Nước rửa dụng cụ cần được xử lý tránh làm ô nhiễm môi trường.

– Kho chứa hoá chất phải đảm bảo theo quy định, xây dựng ở nơi thoáng mát, an toàn, có nội quy và được khoá cẩn thận. Phải có bảng hướng dẫn và thiết bị sơ cứu. Chỉ những người có trách nhiệm mới được vào kho.

– Không để thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng trên giá phía trên các thuốc dạng bột.

– Hoá chất cần giữ nguyên trong bao bì, thùng chứa chuyên dụng với nhãn mác rõ ràng. Nếu đổi hoá chất sang bao bì, thùng chứa khác, phải ghi rõ đầy đủ tên hoá chất, hướng dẫn sử dụng như bao bì, thùng chứa hoá chất gốc.

– Các hoá chất hết hạn sử dụng hoặc đã bị cấm sử dụng phải ghi rõ trong sổ sách theo dõi và lưu giữ nơi an toàn cho đến khi xử lý theo quy định của nhà nước.

– Ghi chép các hoá chất đã sử dụng cho từng vụ (tên hoá chất, lý do, vùng sản xuất, thời gian, liều lượng, phương pháp, thời gian cách ly và tên người sử dụng).

– Lưu giữ hồ sơ các hoá chất khi mua và sử dụng (tên hoá chât, người bán, thời gian mua, số lượng, hạn sử dụng, ngày sản xuất, ngày sử dụng).

– Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa hoá chất. Những vỏ bao bì, thùng chứa phải gom và cất giữ ở nơi an toàn cho đến khi xử lý theo quy định của nhà nước.

– Nếu phát hiện dư lượng hoá chất trong rau quả vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán sản phẩm, xác định nguyên nhân ô nhiễm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm. Phải ghi chép cụ thể trong hồ sơ lưu trữ.

– Các loại nhiên liệu, xăng, dầu và các hoá chất khác cần được lưu trữ riêng nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm lên rau, quả.

– Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng hoá chất có trong rau theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Các chỉ tiêu phân tích phải tiến hành tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng rau Cải Bẹ Dưa (Tòa Xại)

Rau cải vốn ưa khí hậu mát, lạnh song cũng có những giống chịu nóng khá tốt. Rau cải có bộ rễ ăn nông trên tầng đất màu, bộ lá khá phát triển, to bản nhưng mỏng nên chịu hạn kém và dễ bị sâu bệnh phá hại. Đặc điểm của nhóm cải bẹ là có bẹ lá to, lá rất lớn, một cây có thể nặng 2 – 4kg, thời gian sinh trưởng dài trên 50 ngày tùy loại.

Thời vụ:

Gieo hạt vào tháng 8, tháng 9, tháng 10. Trồng ra ruộng vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11.Tuổi cây giống 30 – 35 ngày (4 – 5 lá thật). Để trồng 1 ha cần 350 – 400gr hạt giống.

Làm đất:

Làm đất, bón lót và trồng: Làm luống rộng 1,2 – 1,5m; trồng 3 hàng kiểu nanh sấu. Trồng theo hốc. Bổ hốc trồng trên mặt luống sâu 12 – 15cm và cách nhau 40 – 50cm một hốc để có khoảng 32 – 35 ngàn cây trên 1 ha. (1.152 – 1.620 cây/sào)

Bón phân:

Bón lót cho 1 ha cải bẹ như sau:

+ Phân chuồng: 15 – 20 tấn.

+ Phân đạm urê: 20 – 25 kg

+ Phân lân supe: 120 – 150kg

+ Phân kali : 30kg

Tât cả các lại phân này được trộn đều và bón trực tiếp vào hốc, đảo đều đất rồi đặt cây giống vào. Chú ý đặt cây giống nằm ở tư thế tự nhiên, sau đó lấp đất, ấn nhẹ đất quanh gốc rồi san bằng mặt luống.

Chăm sóc:

+ Tươi nước: sau khi trồng phải tưới nước ngay; mỗi ngày một lần, nên tưới trực tiếp vào gốc, cho đến khi cây bén rễ hồi xanh. Sau đó chỉ tưới khi cảm thấy đất thiếu ẩm.

+ Bón thúc và vun xới: sau khi trồng 12 – 15 ngày cây đã hỗi xanh và có nhu cầu phát triển thì bón thúc bằng phân chuồng nước pha loãng. Với “rau sạch” thì không bón bằng nước phân chuồng pha loãng mà hoà bằng nước hoặc rắc khoảng 32 – 35 kg urê trên mặt luống gần gốc cây rồi tưới nước để phân ngấm vào đất.

Khi cây xoè lá thì bón thúc lần thứ hai. Trước khi bón thúc nên xới xáo mặt luống kết hợp với vun cao gốc cho cải bẹ để chống đổ và nhặt cỏ dại.

Trong suốt quá trình sinh trưởng của cải bẹ cần bón thúc 5 – 7 lần. Lượng phân bón thúc cho cải bẹ như sau:

+ Phân bắc, phân chuồng ủ mục khoảng 6 – 10 tấn

+ Phân đạm urê bón phối hợp khoảng 85 – 100kg

Tuỳ tốc độ sinh trưởng của cây, màu sắc của thân lá cây ma tăng hay giảm lượng phân bón cho phù hợp.

Thu hoạch:

Cải bẹ có thể tỉa lá hoặc thu chặt cả cây thu hoạch 1 lần.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.