Làng hoa Ninh Phúc rộn ràng vụ hoa Tết

Thời điểm này, các hộ trồng hoa ở xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đang tất bật chăm sóc hoa cho tết.

Làng Ninh Phúc trồng khoảng 14ha hoa các loại. Ông Điền Đức Nhuận ở thôn Đoài Thượng cho biết, năm nay nhà ông đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng hơn 2 sào hoa, trong đó hơn 1 sào lily. Nếu thời tiết thuận lợi, bán được giá thì vụ tết năm nay thu được trên 200 triệu đồng.

Người dân tận tụy chăm sóc cẩn thận cho những luống hoa Tết

Còn hộ ông Nguyễn Văn Chung thì chỉ trồng hoa hồng với hàng ngàn cây lớn nhỏ. Ông Chung cho hay, trồng hoa hồng có thuận lợi hơn là không phải chăm sóc tỉ mỉ như hoa lily, lay ơn… Mặt khác, giống hoa hồng cũng rẻ hơn. Trồng trong chậu rất thuận lợi cho việc mang đi tiêu thụ.

Theo nhiều người dân nơi đây, trồng hoa không mất quá nhiều công chăm sóc như trồng rau nhưng lại đòi hỏi phải làm chủ được các tiến bộ kỹ thuật, vì hoa cũng là một loài cây trồng khó tính…

Ông Điền Văn Nhẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm Chủ nhiệm HTX hoa Ninh Phúc cho biết, trăn trở lớn nhất của người trồng hoa nơi đây là khâu tiêu thụ. Các hộ vẫn phải đem sản phẩm đi bán ở các chợ trong tỉnh và vùng lân cận. Năm nay chi phí đầu tư cho giống hoa tăng khoảng 5 – 10% so với năm ngoái. Nếu thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp tết thì có thu nhập khá. Được sự hỗ trợ chính quyền, 9 hộ dân đã liên kết thành lập HTX hoa Ninh Phúc. Vụ này HTX sẽ cho ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường…

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Lúa khổng lồ Trung Quốc đạt 15 tấn/ha

Năng suất cao song chất lượng thấp, hoặc chất lượng tốt nhưng năng suất thấp, là cửa ải khó khăn với các nhà nghiên cứu lúa Trung Quốc. Bài toán đó được giải nhờ phát minh “lúa khổng lồ”, đạt năng suất 15 tấn/ha.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Hạ Tân Giới (Xia Xinjie), nhà khoa học phát minh ra “lúa khổng lồ” nói ông tin rằng giống mới này sẽ được trồng khắp Đông Nam Á và các quốc gia nằm trên sáng kiến Vành đai, Con đường, do Trung Quốc đưa ra, giúp giảm bớt lo ngại về an ninh lương thực, theo Xinhua. Ông Hạ được coi là “Đạo Vương”, tức vua lúa, người kế cận cha đẻ lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình.

Vua lúa Trung Quốc hiện là nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết giống lúa khổng lồ sẽ thích nghi tốt hơn với các điều kiện thay đổi khí hậu, so với các giống đang được sử dụng. Lúa khổng lồ có thể đạt chiều cao tới 2 mét, cao gấp đôi so với các giống lúa thông thường, và có vòng sinh trưởng dài hơn. Một cuộc thử nghiệm ở tỉnh Hồ Nam hồi tháng 10/2017 cho thấy giống lúa này cho năng suất 15 tấn trên mỗi ha, đuổi sát kỷ lục 17 tấn/ha của giống lúa lai mới nhất.

Lúa khổng lồ có thể đạt chiều cao tới 2 mét

Ông Hạ tự tin rằng giống lúa mới sẽ sớm vượt qua lúa lai. “Lúa lai đã gần như đạt năng suất tối đa, tuy nhiên lúa khổng lồ đang tạo ra con đường mới hướng tới việc phá kỷ lục năng suất, bằng cách gia tăng sinh khối hoặc trọng lượng”, ông Hạ nói.

Chiều cao nổi trội của cây lúa cũng giúp nông dân nuôi thêm các loài thủy sản trong đồng, tăng thu nhập, vua lúa Trung Quốc tuyên bố. “Với các cây lúa thông thường, mực nước thấp khiến không gian nuôi trồng thủy sản bị hạn chế. Đôi khi, thủy sản nhiều lại làm giảm bớt năng suất lúa. Song với cây lúa cao hơn, 300.000 con ếch có thể sống thoải mái trong một ha, và mang lại khoảng 300.000 nhân dân tệ (45.000 USD) cho nông dân”, ông Hạ nói.

Tuy nhiên, sau một số thông tin lạc quan về cây lúa khổng lồ của ông Hạ, có ý kiến lo ngại về hiệu quả thực sự của nó, cũng như việc phải tăng lượng phân bón cho lúa.  Một người dùng trên trang Zhihu, trang web hỏi đáp nổi tiếng Trung Quốc, cho rằng “chiều cao vượt trội của cây lúa khiến nó cần có các máy gặt thế hệ mới, và đương nhiên cần nhiều phân bón hơn, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trên thực tế”.

Tuy nhiên, ông Hạ tuyên bố cây lúa khổng lồ có thể được gặt bằng máy thông thường, mặc dù “nó có thể gây lãng phí đôi chút”.

Ông vua lúa Trung Quốc nói thêm rằng nếu được trồng với quy mô lớn, giống lúa mới sẽ cần đến “một số cải tiến” từ máy gặt thông thường. Đối với lo ngại về tăng lượng phân bón, ông Hạ khẳng định điều này là đúng, song nông dân không cần bón thêm. “Các ruộng đồng hiện nay đang đối mặt tình trạng dư thừa phân bón trong đất. Cây lúa mới vẫn có thể đạt chiều cao 2 mét, mặc dù nông dân không cần tăng lượng phân bón, do việc này sẽ được các loài thủy sinh vật đảm nhiệm. Chúng sẽ cung cấp lượng phân bón tự nhiên”.

Hạ Tân Giới cho biết ông bắt đầu nghiên cứu giống lúa mới từ năm 2006, lấy cảm hứng từ những thành tựu của ông vua lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình trong việc phát triển giống lúa lai siêu năng suất. “Tôi đã làm việc cho một công ty sinh học nông nghiệp ở Mỹ. Sau đó, tôi xem một chương trình TV giới thiệu về giống lúa lai siêu năng suất của ông Viên. Tôi cảm thấy được cổ vũ bởi thành tựu này và muốn trở lại Trung Quốc, tiếp tục các nghiên cứu trước kia về cây lúa”, Hạ kể.

Sau khi liên tục lựa chọn và nhân giống nhằm tạo ra giống lúa mới có thân cao hơn, nhiều hạt gạo hơn và bông lúa lớn hơn, ông Hạ bắt đầu trồng thử nghiệm vào năm 2014. “Giống lúa của tôi hoàn toàn không phải sản phẩm biến đổi gien”, ông Hạ khẳng định.

“Hàng chục triệu nhân dân tệ đã được đầu tư cho cuộc nghiên cứu này. Một số nhà đầu tư đề nghị tham gia dự án từ đầu, song nhiều người cũng đã rút lui do quá trình nghiên cứu, trồng trọt quá lâu và kết quả không chắc chắn”, Hạ Tân Giới nói về những khó khăn khi nghiên cứu.

Ông Hạ và các cộng sự Trung Quốc sử dụng một loạt công nghệ mới để tạo ra giống lúa mới, bao gồm đột biến gây tạo (mutation induction) và lai giống giữa nhiều loại lúa dại.

Nhà nghiên cứu này cho biết vào năm 2030, Trung Quốc cần nhiều hơn 60% lượng thóc so với năm 1995. Theo các số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hiện tại mỗi ha lúa của nước này cung cấp gạo đủ ăn cho 27 người. Đến năm 2050, để giải quyết bài toán an ninh lương thực, mỗi ha lúa Trung Quốc cần đáp ứng nhu cầu cho 43 người.

Ông Hạ có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng lúa khổng lồ lên hơn 130 ha vào năm nay, nếu được chính quyền cho phép. Hiện tại, giống lúa này chỉ được trồng với diện tích khoảng vài chục ha ở tỉnh Hồ Nam.

Theo nhanong.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

400 ha cà phê 20 năm trồng không sử dụng thuốc sâu

Về xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi đây là xã chuyên canh 1.500ha cà phê, trong đó có khoảng 400ha trong suốt 20 năm không sử dụng thuốc BVTV nhưng năng suất vẫn đạt từ 4 – 6 tấn/ha.

Cà phê “sạch” không sử dụng thuốc BVTV

Ông Vũ Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh cho biết, gia đình ông trồng 10 ha cà phê từ năm 1997 đến nay hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu, năng suất trung bình đạt 5 tấn nhân/ha/năm. Sự việc bắt đầu từ mô hình trồng cỏ không sử dụng thuốc sâu của KS Trần Thanh Tâm ở cùng xã. Mô hình đã giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Từ đó lan tỏa trong và ngoài xã, đến nay cả xã có trên 600 hộ có thâm niên 20 năm không dùng thuốc sâu trong canh tác cà phê.

KS Trần Thanh Tâm kể, năm 1995 sau khi ra trường anh về quê mua đất trồng cà phê. Sau đó lấy giống cỏ gừng trồng xen cà phê. Sau 3 năm áp dụng phương pháp canh tác mới, đồi cà phê cây nào cây nấy sai trĩu cành, năng suất cao. Thấy cách làm lạ, người dân kéo đến xem và học hỏi và làm theo.

Anh Tâm khẳng định, từ năm 1990 anh hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê, chủ yếu sử dụng phương pháp “thiên địch” để diệt sâu hại. Toàn bộ diện tích cà phê đều nuôi trồng cỏ lá gừng (tên khoa học Axonopus compressus) và cỏ cúc Thái Lan, hay còn gọi là sài đất (tên khoa học Wedelia chinensis).

Mục đích của việc nuôi cỏ nhằm chống xói mòn, giữ độ ẩm, cung cấp chất hữu cơ cho đất. Loại cỏ này phát triển rất mạnh và cho lượng sinh khối rất lớn, có khả năng cải tạo đất rất tốt, cân bằng hệ sinh thái giúp cho giun đất, kiến vàng, bọ rùa, bọ ngựa, ong ký sinh, hệ vi sinh vật có lợi phát triển.

Chính những côn trùng có lợi này sinh ra để tiêu diệt các loại sâu có hại nên không cần sử dụng thuốc sâu. Tuy nhiên khi nuôi trồng cỏ cũng cần lưu ý kỹ thuật phát cỏ, có thể phát toàn bộ diện tích, hoặc phát 1 hàng để 1 hàng. Phát cách mặt đất từ 5 – 10cm, giữ cho mặt đất không bị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cà phê sẽ phát triển tốt.

Anh Tâm chia sẻ, làm theo phương pháp nuôi trồng cỏ, không sử dụng thuốc sâu trong vườn cà phê tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: không tốn tiền mua phân hữu cơ vì hàng năm nguồn hữu cơ tự nhiên từ cỏ mục cung cấp một lượng rất lớn. Giảm lượng phân vô cơ, giảm và không mất tiền công tưới nước, không mất công đánh bồn, cuốc đất, không mất tiền mua thuốc BVTV, không ảnh hưởng môi trường. Đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Một năm đầu tư hết khoảng 15 triệu tiền phân vô cơ cho 1ha, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc sản xuất cà phê bền vững.

Tuy nhiên, khi canh tác cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của hệ thống thâm canh cây cà phê. Từ cây giống, kỹ thuật trồng, canh tác, thu hoạch, tiêu thụ sản phảm… Kỹ thuật bón phân bà con lưu ý: Nên bón phân cân đối, cách bón này đã giúp ngăn ngừa và trị bệnh gỉ sắt trên cây cà phê.

Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu đục thân ở cành cà phê chỉ việc cắt cành (cắt sau chùm cà phê bị đen 10 – 20cm) vứt xuống đất, các loại thiên địch như: kiến, bọ rùa, ong, tự bò tới tiêu diệt con sâu, nên không cần phải dùng thuốc sâu, tốn kém.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc tốt là những yếu tố quan trọng để thu hoạch được những hạt cà phê chất lượng

Ông Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thanh xác nhận: Thông tin 20 năm người dân ở địa phương không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê là hoàn toàn chính xác. Mô hình này rất hiệu quả và cần được nhân rộng.

Cũng theo ông Hồng, gia đình ông trồng 7ha cà phê từ năm 2000 không sử dụng thuốc sâu, mà dùng “thiên địch” để diệt sâu bệnh, năng suất vẫn đạt 5 tấn/ha/năm. Điều phấn khởi nhất là người dân đã ý thức được tác hại của thuốc sâu đối với chất lượng sản phẩm cà phê, với sức khỏe người lao động. Trước đây cả xã có 5 cửa hàng bán thuốc BVTV. Nhưng do người dân không sử dụng thuốc sâu nên các cửa hàng đều ế ẩm, có nhà phải chuyển qua bán phân bón hoặc kinh doanh mặt hàng khác.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trái cây độc, lạ sẵn sàng đón Tết

Nhiều loại trái cây “độc”, lạ của nông dân miền Tây trong dịp Tết Mậu Tuất có giá bán khá cao, từ 300.000 đồng/trái trở lên.

Ông Võ Trung Thành (ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông Phú Trí A, cho biết: “Trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các thành viên trong câu lạc bộ cung ứng khoảng 6.000 trái bưởi tạo hình, bao gồm: bưởi hồ lô “tài – lộc”, hồ lô “thỏi vàng đồng tiền”, hồ lô “thư pháp” ra thị trường. “Riêng sản lượng do hộ của tôi làm ra khoảng 500 trái. Tết năm nay không có sản phẩm mới mà chỉ có những sản phẩm truyền thống” – ông Thành thông tin.

Bưởi hồ lô tài lộc

Theo ông Thành, do năm nay là năm nhuần (có hai tháng 6 âm lịch) nên gây khó khăn cho nhà vườn trong việc xử lý ra hoa. Cụ thể, năm nay bưởi ra hoa sớm từ tháng 4 âm lịch sẽ cho trái thu hoạch trước Tết. Nhà vườn không thể chọn đợt trái này mà phải chọn đợt ra hoa từ tháng 6, nên bị hao hụt, mất sản lượng.

Hiện vườn bưởi hồ lô của ông Thành đã vào khuôn và sẽ thu hoạch từ khoảng 23 tháng Chạp. “Tết năm rồi, cả câu lạc bộ cung ứng khoảng 10.000 trái nhưng năm nay chỉ có 6.000 trái. Về giá cả bằng mọi năm, từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái tùy loại. Đến thời điểm này, đã có khách hàng hợp đồng một nửa sản lượng của câu lạc bộ.”, ông Thành thông tin thêm.

Riêng anh Huỳnh Thanh Tâm (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) năm nay lại đưa ra thị trường loại trái cây “độc”, lạ mới là dừa hồ lô in chữ nổi “phúc-lộc-thọ” và dừa hồ lô “tài – lộc” với khoảng 6.000 trái.

Dừa hồ lô in chữ nổi “phúc-lộc-thọ”

Theo anh Tâm, do năm nay có dừa hồ lô in chữ nổi là sản phẩm độc đáo nên hiện có 80% số trái cây “độc”, lạ này đã được khách hàng tại Hà Nội và TP HCM đặt hàng.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Sôi động thị trường hoa mai Tết tại Phú Yên và Bình Định

Dù còn gần 6 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, những làng trồng hoa truyền thống, trong đó có mai, tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Định đã bắt đầu nhộn nhịp.

Vào thời điểm này, ở những con đường vào các vùng trồng hoa truyền thống của tỉnh Phú Yên đã bắt đầu sôi động khi rất nhiều thương lái đến tìm mua mai lá Tết. Thị trường năm nay có nhiều biến động sau khi cơn bão số 12 đổ bộ vào khu vực miền Trung.

Người dân rộn ràng chăm chút cho từng cây mai Tết

Khoảng một tuần nay, ở các vùng trồng mai truyền thống tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, hai vùng trồng mai Tết lớn nhất miền Trung, nhà vườn đã xuất bán mai lá. Mua mai lá là một cách được thương lái miền Nam lựa chọn từ nhiều năm qua. Giữa tháng 11 Âm lịch, mai lá được chuyển vào Nam để chăm sóc và vặt lá để mai ra hoa vào đúng dịp Tết.

Năm nay, loại mai trồng từ 4 – 7 năm tuổi có giá dao động từ 700 nghìn đến 1,2 triệu đồng/chậu, cao hơn khoảng 30% so với năm trước. Mặc dù giá bán khá cao nhưng trong 10 hộ trồng mai Tết ở khu vực này, chỉ có khoảng 5 hộ có mai ra nụ để bán. Số còn lại do ảnh hưởng của đợt gió mạnh trong cơn bão số 12 nên lá bị khô, úa và không có nụ.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hứa hẹn mùa vụ hoa tết bội thu

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa khô là người trồng hoa tết ở làng hoa truyền thống phường Kim Dinh (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lại tất bật ra đồng chăm những chậu cúc, ly ly, lay ơn… Năm nay bà con đang phấn khởi kỳ vọng vào mùa hoa tết bội thu.

Là vựa trồng hoa lớn nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và có tiếng trong vùng Đông Nam bộ, năm nay Kim Dinh có hơn 50 hộ trồng hoa với diện tích trên 20ha, tăng 5ha so với năm ngoái và tập trung chủ yếu ở các khu phố như Hải Dinh, Kim Sơn, Kim Hải. Mỗi năm, làng hoa Kim Dinh cung cấp cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận hàng triệu chậu cúc, vạn thọ, lay ơn… lớn nhỏ.

Đến Kim Dinh vào một ngày cuối năm 2017, bắt gặp các cô gái đang thoăn thoắt tỉa lá, ngắt chồi, chăm chút cho từng khóm hoa cúc xanh mướt. Trong khi đó, cánh đàn ông tất bật kéo nước tưới cho từng luống hoa. Ghé thăm vựa hoa anh Nguyễn Văn Long (khu phố Kim Sơn), đúng lúc người làm công đang uốn vòng cho những cây trong chậu khỏi bị đổ ra ngoài.

Người dân hăng hái cắt tỉa, chăm chút cho từng khóm hoa

Theo chủ vườn, đa số người dân Kim Dinh đều nhập giống hoa từ Đà Lạt, khoảng tháng 8-9 âm lịch hàng năm sẽ xuống giống và bắt đầu chăm bón. Với thời tiết thuận lợi như năm nay, anh Long dự tính hơn 6.000 chậu hoa cúc, vạn thọ, lay ơn, hoa hồng… được đầu tư với số tiền hơn 300 triệu đồng sẽ cho thu về số tiền 600-700 triệu đồng.

Theo anh Long, để có vườn hoa tết đẹp, ngoài việc phải xuống giống đúng thời vụ còn phải chăm sóc kỹ lưỡng, bắt đầu từ cách làm đất, bón phân, tỉa cánh, tưới nước…, tỉ mỉ từng công đoạn và mỗi loại hoa có cách chăm sóc khác nhau. Để hoa nở đúng dịp tết, người trồng hoa còn phải chú ý đến thời tiết, tùy nhiệt độ nóng hay lạnh để điều chỉnh cách tưới, lưới che, xịt thuốc…

Năm nay thời tiết có vẻ ưu ái cho những người trồng hoa ở Kim Dinh, khi cả hai cơn bão cuối năm đã không đổ bộ vào đất liền Bà Rịa – Vũng Tàu. Người dân trồng hoa mừng rơn, ai nấy hồ hởi phấn khởi, nhiều gia đình còn tổ chức góp tiền ăn mừng vì bão không vô và vườn hoa vẫn tươi tốt theo từng ngày từng tháng.

Nét mới của làng hoa Kim Dinh năm nay là có sự xuất hiện của hoa ly ly. Ông Mai Hồng Sơn (khu phố Hải Sơn) – một người trồng hoa có tiếng ở vùng này đã mạnh dạn nhập hơn 5.000 củ hoa ly ly từ Hà Lan để kinh doanh vụ hoa tết. Đây là giống thích hợp với khí hậu mát mẻ và đặc biệt phải tránh nước mưa. Ông Sơn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà bạt chăm chút cho “cô nàng” này.

Vườn hoa ly với sức sống phát triển tốt

Dự tính mỗi cặp hoa ly ly năm nay được bán với giá 120.000 – 200.000 đồng, thu về cho gia đình ông Sơn số tiền vài trăm triệu đồng. Trong lúc trò chuyện với ông Sơn, một thương lái đến vựa mua hoa. Theo thương lái cho biết, còn hơn một tháng nữa mới tới tết, nhưng họ đã xuống các vườn đặt hàng gần hết, số khác đang chờ được giá hơn mới chịu xuất hàng.

Theo nhận định của họ, sức hoa năm nay phát triển tốt, vựa hoa nhà nào cũng đẹp hơn so với các năm trước nên được giá. Trung bình giá mỗi loại hoa tăng 10%-20%. Năm nay chi phí chăm sóc hoa ít hơn năm ngoái nên người dân hy vọng sẽ trúng quả.

Ông Lưu Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Kim Dinh, nói: “Tình hình sâu bệnh ít và được khắc phục kịp thời nên sức hoa phát triển tốt. Giá cả dự kiến năm nay sẽ tăng nên bà con rất vui mừng”.

The nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt mấy năm qua, năm 2017, rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để không chỉ lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK cao nhất.

Bưởi da xanh – một loại trái cây đang được XK tốt

So với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào CLB XK tỷ đô (những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD/năm trở lên). 5 năm trước, khi kết thúc năm 2012, trong ngành nông nghiệp đã có 7 mặt hàng XK đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, thì giá trị XK rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng hàng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.

Tuy “đi sau”, nhưng kể từ khi lọt vào CLB XK tỷ đô vào năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc XK khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm. Đồng thời, với giá trị XK như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản XK chủ lực.

Cần lưu ý rằng cao su, gạo và cà phê đều là những mặt hàng từng đạt giá trị XK tới hơn 3 tỷ USD từ nhiều năm trước (gạo từ 2010 – 2012; cao su 2011; cà phê vào các năm 2012, 2014 và 2016). Điều đó càng cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong XK rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không còn có thể duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh về giá trị XK do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường. Nhiều khả năng rau quả sẽ tiếp tục vượt qua điều trong thời gian ngắn sắp tới để đứng vào Top 3 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK lớn nhất.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với kết quả XK đã đạt được trong 11 tháng (3,177 tỷ USD), XK rau quả của cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới là hơn 3,4 tỷ USD. Với giá trị 2,404 tỷ USD trong 11 tháng và chiếm khoảng 76% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò là thị trường quan trọng nhất, có tính quyết định tới sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả nước ta.

Trong 11 tháng, giá trị rau quả XK sang Trung Quốc tăng tới 54,88% so cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng đó của thị trường Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của XK rau quả trong 11 tháng là 44,1%. Đặc biệt, trong năm 2017, XK rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với năm 2015 là năm mà XK rau quả sang Trung Quốc lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).

Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của XK rau quả năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 116,707 triệu USD, tăng 70,63% so cùng kỳ 2016; Mỹ đạt 92,568 triệu USD, tăng 21,24%…

Trồng rau VietGAP ở Lâm Đồng

Nhìn chung phần lớn các thị trường XK của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ 2016. Nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ở những thị trường này. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép XK sang Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Thanh long và xoài được phép XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand…

Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 – 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.

Với thị trường Trung Quốc, dự báo của FAO cho hay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2020. Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Thị hiếu tiêu dùng rau quả ở Trung Quốc cũng khá rõ nét: Người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải (3 – 4 kg/quả), ngọt đậm…

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), cho hay, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh… Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% nhu cầu lương thực thực phẩm của Trung Đông phụ thuộc vào NK. Năm 2016, NK lương thực, thực phẩm của Trung Đông là 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Tăng trưởng nông nghiệp cao nhất trong 3 năm

Năm 2017, tổng giá trị SX toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,16%, GDP nông lâm thủy sản tăng ở mức 2,9% so với năm 2016.

Ngành trồng trọt, nhất là rau quả XK đang có nhiều chuyển biến tích cực

Đây được xem là một nỗ lực lớn trong bối cảnh phải hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề cùng nhiều thách thức lớn về thị trường.

Trồng trọt vượt kế hoạch

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị SX toàn ngành nông nghiệp năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016, trong đó, trồng trọt tăng 2,23%, chăn nuôi tăng 2,16%, lâm nghiệp tăng 5,17% và thủy sản tăng 5,89%. GDP nông lâm thủy sản tăng 2,9% (so với mức 2,95% năm 2013; 3,9% năm 2014; 2,6% của năm 2015 và 1,44% năm 2016).

Là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ thiên tai, tuy nhiên, trồng trọt là lĩnh vực đã tạo được nhiều chuyển biến trong năm qua. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức SX; khuyến khích phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết SX theo chuỗi giá trị… tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ cấu SX ngành trồng trọt tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao… Nhờ đó, giá trị SX trồng trọt đã tăng 2,23% so với năm 2016, vượt mục tiêu so với kế hoạch đề ra (2%).

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2017, với tổng số khoảng 185,7 nghìn ha được chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cộng thêm với thiệt hại do thiên tai, diện tích lúa cả năm chỉ đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha; sản lượng lúa ước đạt 42,84 triệu tấn, giảm khoảng 318,3 nghìn tấn so với năm 2016. Bên cạnh đó, các loại cây lương thực như ngô cũng giảm trên 52 nghìn ha và 114,6 nghìn tấn so với năm 2016. Tuy nhiên, bù lại diện tích, sản lượng nhiều loại rau màu, cây lâu năm, đặc biệt là cây ăn trái có thị trường tiêu thụ tốt tăng mạnh.

Cụ thể, diện tích rau các loại đạt 937,3 nghìn ha, tăng 29,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (3,5%). Diện tích cà phê đạt 664,6 nghìn ha, tăng 14,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 1.529 nghìn tấn, tăng 51,9 nghìn tấn (4,7%); hồ tiêu đạt 152 nghìn ha, tăng 22,7 nghìn ha, sản lượng đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 25,1 nghìn tấn (11,6%). Đặc biệt, diện tích cây ăn quả ước đạt 923,9 nghìn ha, tăng 52,5 nghìn ha; sản lượng ước đạt 9.478,9 nghìn tấn, tăng 555,9 nghìn tấn (6,2%)… Xu hướng phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã quy hoạch vùng SX hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài trăm ha với nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, rau đậu các loại). Đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 600 nghìn ha SX lúa theo mô hình cánh đồng lớn với các quy trình tiên tiến, thân thiện môi trường (như VietGAP, Global GAP…) được phổ biến nhân rộng…

Thủy sản quyết vượt khó

Thủy sản tiếp tục là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao nhất của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2017 với tốc độ tăng giá trị SX đạt khoảng 5,89%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (5%). Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 7,22 triệu tấn, tăng 5,2%; trong đó khai thác đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5,1%; nuôi trồng đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,3%. Sản lượng tôm các loại đạt khoảng 723,8 nghìn tấn (tăng 10,3%), cá tra đạt khoảng 1.251,3 nghìn tấn (tăng 5,0% so với năm 2016), các đối tượng nuôi khác vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Thủy sản vượt khó ấn tượng trong năm 2017

Điểm khởi sắc trong năm 2017 của ngành thủy sản, đó là việc khôi phục SX sau sự cố môi trường biển miền Trung đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thương mại thủy hải sản ở khu vực này đã cơ bản lấy lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và XK hải sản nước ta trong năm 2017 lại vấp phải khó khăn do EC ban hành “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) áp dụng với DN Việt Nam.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục như: Ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EU về IUU; đồng thời hoàn thiện Luật Thủy sản trình Quốc hội phê duyệt để có quy định pháp lý cao nhất điều chỉnh các hành vi đánh bắt bất hợp pháp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU-Fishing; xây dựng chương trình truyền thông về khai thác IUU nhằm nâng cao nhận thức và hành động, tạo chuyển biến thật sự trong thực hiện các quy định, khuyến nghị của EC về khai thác hải sản…

Tại buổi họp báo tổng kết 2017 của Bộ NN-PTNT mới đây, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn khẳng định, mục tiêu trong năm 2018, ngành thủy sản phải bằng mọi biện pháp trước hết không để EU rút “thẻ đỏ”, tiếp tục duy trì trạng thái thẻ vàng, từ đó triển khai các giải pháp khắc phục.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Lâm Đồng: Nông nghiệp thông minh

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm…

Rất nhiều thành phần cấu thành nông nghiệp thông minh 4.0 được phân tích, song thực tế sản xuất ở Việt Nam tùy thuộc vào vùng sinh thái; loại cây trồng, vật nuôi; quy mô sản xuất, do đó chủ trang trại không nhất thiết phải ứng dụng tất cả các thành phần công nghệ mà có thể sử dụng 4 – 5 thành phần công nghệ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu sản xuất của trang trại; phải hướng đến mục tiêu hiệu quả kinh doanh là chính, song việc ứng dụng thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT) là công nghệ cốt lõi cần và đủ phải sử dụng ở tất cả các trang trạng nông nghiệp thông minh 4.0.

Tiếp cận công nghệ phù hợp

Qua nghiên cứu thực tế các mô hình trong và ngoài nước và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chỉ đạo thực tiễn sản xuất, chúng tôi đưa ra khái niệm: Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp mà trong suốt quá trình sản xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; sử dụng các thiết bị được kết nối mạng bên trong và bên ngoài của trang trại/doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để quản lý.

Với khái niệm này nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh từ đó có cách tiếp cận khoa học và hiệu quả phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp Việt Nam trong quá trình biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà phải tiếp cận nhanh song không nóng vội chạy theo phong trào, theo phương châm: “Đi ngay, đi nhanh và đi chính xác (lựa chọn cây trồng vật nuôi có lợi thế so sánh, công nghệ ứng dụng phù hợp và mục tiêu sản xuất kinh doanh là chính)”.

Trồng rau trong nhà kính tại Đà Lạt

Cũng tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, đến nay Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh, song thực tế cũng có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh, đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai.

Đối với nhà cùng cấp, qua nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay có khoảng 10 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức như: Cty CP dịch vụ công nghệ IoT – IoT Group; Cty công nghệ DTT; tập đoàn FPT; Cty Konexy; Cty Hachi; Cty Rynan Smart Fetilizer; VNPT; Cty TNHH Mimosa Technology; Cty Microsoft Việt Nam; Agricheck… Việc ứng dụng IoT cho nông nghiệp giúp người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí, tránh rủi ro vụ mùa và chủ động thị trường; thông qua đó giúp phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp IoT khá cao, bởi chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các thiết bị phần cứng, các thiết bị phù hợp với sản xuất nông nghiệp Việt Nam nên chủ yếu phải nhập ngoại từ Isreal, Nhật Bản, Đức, Thái Lan và Đài Loan.

Đối với nhà ứng dụng công nghệ IoT đã xuất hiện mạnh mẽ trong vòng 5 năm trở lại đây; xuất hiện cả các mô hình nghiên cứu và sản xuất kinh doanh ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trang trại ở nhiều vùng sinh thái và trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Khu NNƯDCNC thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn TH True Milk, Trung tâm Giống vật nuôi TP.HCM, các dự án rau sạch của Tập đoàn Vingroup triển khai tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Lâm Đồng…; tập đoàn Thành Thành Công, Cty Dalat Hasfarm, Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệp nông nghiệp Đà Lạt thuộc Tập đoàn Lộc Trời, Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Cty CP nông nghiệp U&I, Cty CP thủy sản Việt Úc, Cty CP Ba Huân… Đến nay cả nước có khoảng 30 trang trại/doanh nghiệp ứng dụng IoT; trong đó ở tỉnh Lâm Đồng có khoảng 15 doanh nghiệp/trang trại.

Thực tiễn từ Lâm Đồng

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp điển hình như: Cty CP chè Cầu Đất Đà Lạt, Cty TNHH Long Đỉnh, Cty TNHH Trường Hoàng, Cty TNHH trang trại Langbiang, Cty CP sinh học rừng hoa Đà Lạt, Cty TNHH Đà lạt GAP, Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt, trang trại Định Farm, trang trại Vương Đình Phi…

Đặc biệt, Cầu Đất Farm bắt đầu sản xuất nông sản sạch từ 2 năm trước bằng phương pháp thủy canh trên một hệ thống nhà vườn rộng 7ha. Toàn bộ hệ thống nhà vườn do nhân viên của Cầu Đất Farm lắp ráp, đầu tư hệ thống thông minh quản lý mỗi ha nhà vườn vào khoảng 2,7 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Cầu Đất Farm sở hữu nông trại ở Đà Lạt có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ lớn nhất Việt Nam.

Toàn bộ hệ thống được thiết kế đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho trang trại như quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và pH; hệ thống camera giám sát 24/24 ghi lại hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây. Đối với hệ thống giám sát, điều khiển qua Internet có chức năng: Cung cấp hệ thống giám sát nhà kính qua website, mobile application; giám sát realtime các thông tin nhà kính, quan sát camera. Hệ thống này cũng tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo, lệnh điều khiển đảm bảo môi trường cây phát triển, đưa ra quy trình cho cây trồng phát triển, nâng cao năng suất. Hệ thống này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, cà chua và các loại nông sản trên một quy mô lớn, ứng dụng toàn diện từ khâu sản xuất đến thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản và phát triển mô hình du lịch canh nông.

Theo dõi cây trồng bằng camera

Qua phân tích nêu trên cho thấy hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT bước đầu đã tiếp cận, là cơ sở quan trọng tiếp tục phát triển để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới. Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệc là nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2004 – 2015, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng 2025; đồng thời UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ký quyết định số 740/QĐ-UBND ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, theo đó kèm theo các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp thông minh nói riêng, với mức hỗ trợ cho mỗi dự án 50% cho tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…; hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư (thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng kể từ khi các tổ chức tín dụng hoàn thành thủ tục vay); hỗ trợ vay vốn Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển KHCN, Quỹ khuyến công… nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh.

Với những chính sách sát thực tế và phát huy mọi nguồn lực, chúng tôi hy vọng rằng tỉnh Lâm Đồng sẽ có nhiều trang trại/doanh nghiệp nông nghiệp thông minh 4.0 vào năm 2019…

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trắng đêm phun thuốc cho hoa Tết vì bệnh nấm gia tăng

Do thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ xuống thấp (13-15 độ), đi kèm là những trận mưa phùn nên những hộ dân trồng hoa cúc tại Gia Lai đang phải trắng đêm theo dõi bệnh nấm gia tăng trên hoa.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, những ngày này nhiều người trồng hoa lâu năm ở Gia Lai đang tất bật chăm chút cẩn thận từng chậu hoa, cây cảnh nhằm phục vụ tối đa nhu cầu chơi hoa Tết của người tiêu dùng. Năm nay, nhiệt độ tại Gia Lai xuống thấp, lạnh hơn khiến bệnh nấm trên hoa cúc gia tăng vào ban đêm nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm theo dõi phun thuốc trị nấm cho hoa.

Một hộ dân trồng mai đang tưới nước, bón phân cho vườn mai Tết

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Quốc Trưởng (38 tuổi, chủ vườn Hồng Cầu Sắt, ở ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8, TP.Plieku) cho biết, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người tiêu dùng, hiện tại tôi cũng đang chăm khoảng 400 chậu hoa mai, hơn 10.000 chậu hồng và khoảng 2 ngày nữa sẽ xuống giống hơn 6.000 chậu hướng dương. Mai và Hồng thì hiện đang theo đúng chu kỳ, khoảng 50 ngày trước tết, tôi sẽ tiến hành cắt cành đồng loạt. Hiện tại, tôi đang phải theo dõi cẩn thận vì thời tiết lạnh hơn nên hoa phát triển chậm hơn, may năm nay không xuống giống cúc chứ không giờ cũng trắng đêm phun thuốc trị nấm cho cúc rồi.

Nông dân thắp đèn cho cúc phát triển nhanh và theo dõi bệnh nấm gia tăng vào thời tiết lạnh

“Theo tôi, số lượng hoa Tết năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm vì đợt vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, lượng hoa giảm sẽ khiến cho thị trường giá hoa cao hơn”, anh Trưởng nhận định. Đi qua đường Lạc Long Quân, TP. Plieku chúng tôi phát hiện một vựa hoa cúc khá lớn. Theo tìm hiểu của PV, được biết tại đây mỗi nhà có trồng khoảng 400 đến 1.000 chậu cúc. Vì thời tiết năm nay lạnh hơn, bệnh nấm gia tăng nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm thắp đèn theo dõi các loại nấm và ứng cứu kịp thời để đáp ứng nhu cầu chơi hoa tết của người tiêu dùng.

Trời lạnh hoa cúc rất dễ bị nấm nên người dân phải túc trực phun thuốc kịp thời

Ông Trần Đăng Hòa (60 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân, TP.Plieku) một trong những hộ trồng hoa cúc nhiều nhất chia sẻ: “Năm nay tôi cung cấp cho thị trường tết khoảng 1.000 chậu hoa cúc vàng. Lúc mới gieo, hoa cúc phát triển khá tốt, nhưng những ngày gần đây nhiệt độ khá lạnh nên phát sinh các loại nấm gây hại cho hoa. Mấy ngày vừa qua, hai vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực thắp đèn vừa để cúc phát triển nhanh hơn, vừa phải theo dõi xem có bị mắc phải các loại nấm không còn kịp thời phun thuốc, chứ không là hỏng hết. Nấm lây lan rất nhanh, đặc biệt là ban đêm khi thời tiết lạnh. Nếu thời tiết thuận lợi như năm ngoái, 1.000 chậu Cúc này bán tết sẽ thu về khoảng 180 đến 200 triệu, trừ hết chi phí cũng thu về khoảng hơn 100 triệu”.

Nông dân đang lo lắng vì bệnh nấm hoành hành phá hoại vựa cúc lớn chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018

Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân) lo lắng: “Thời tiết năm nay lạnh quá nên phải thắp đèn sớm và số lượng bóng nhiều hơn mọi năm. Ngoài ra, gia đình tôi phải thay nhau túc trực cả đêm để trông coi, chia đều các bóng ra thì vườn cúc mới phát triển đều được. Rồi phải chăm sóc từng tí một chứ lạnh như này nấm phát triển mạnh lắm, không phun kịp mà để lây lan là hỏng hết. Giờ cũng chỉ biết trông coi tỷ mỉ hơn một chút chứ cũng không biết làm thế nào nữa, hy vọng trời không phụ lòng người”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.