Mô hình nuôi thỏ, gà kết hợp trồng trọt, thu 30 triệu đồng/tháng

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao…

Thành ngữ Việt Nam có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Câu nói đó thật đúng với trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc và ông Nguyễn Quốc Kim ngụ tại Kp7, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, hai vợ chồng vẫn ngày đêm cần mẫn phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ mô hình kết hợp này, mỗi tháng gia đình ông bà thu nhập được hơn 30 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ và gà thả vườn của gia đình bà Lộc

Hơn 2 sào lúa đang trổ bông, 1 sào rau muống xanh mướt, một mô hình nuôi thỏ ta với hơn 100 con và hơn 350 con gà ta được nuôi theo cách thả vườn là điều ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Chừng ấy công việc, mà chỉ có 2 người làm là điều không hề đơn giản, nhưng với sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, vợ chồng bà Lộc đã bố trí thời gian vừa trồng trọt vừa chăn nuôi hợp lý để vừa chăm sóc tốt cho đàn thỏ và gà cũng như chăm bón tốt cho lúa và rau muống, khiến cho ai nhìn vào vào cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: “Khởi đầu ngày mới của gia đình bà thường bắt đầu với công việc đầu tiên là vệ sinh chuồng thỏ để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ được chăm sóc tốt nên tỷ lệ thỏ lớn khỏe mạnh hầu như lúc nào cũng tuyệt đối, trọng lượng mỗi con thỏ ta nuôi khoảng từ 3 đến 4 tháng, xuất bán cho thương lái và các mối hàng kinh doanh lúc nào cũng trên 2 ký rưỡi. Với giá bán lẻ và bán sỉ đều như nhau: Khoảng 65 ngàn đồng/kg nên người mua khá ưa chuộng”

Chất lượng thịt thỏ của gia đình bà Lộc nuôi được nhiều người mua đánh giá là thơm ngon, chắc thịt… vì thỏ nhà bà Lộc nuôi được cho ăn chủ yếu là rau muống mà gia đình tự trồng, chỉ bổ sung một ít thức ăn tinh vào buổi trưa là từ thức ăn gia súc để đảm bảo dinh dưỡng cho thỏ. Với 20 con thỏ giống, mỗi tháng chúng sinh sản phát triển trung bình trên 50 con thỏ con, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao, sau khi gà nở và trong quá trình chăn nuôi sau bà đều cho chúng uống vắc xin phòng bệnh theo từng giai đoạn, nên rất hiếm khi xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ xuất bán mỗi tháng trên 100 con với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên Đán, gà nhà bà Lộc nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Lộc trồng thêm lúa và rau muống để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà
Ngoài ra để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bà Lộc còn trồng thêm 2 sào lúa và 1 sào rau muống. Một mặt là phát triển thêm kinh tế, mặt khác là để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà, không những tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn ban đầu, mà còn còn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Ông Đỗ Bách Việt – PCT Hội Nông Dân phường Tân An cho biết: “Với mô hình vừa kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia đình bà Lộc thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mất vụ bưởi cảnh Tết

Còn 2 tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng người trồng bưởi cảnh ở xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) vẫn không thể phục hồi hàng trăm chậu bưởi bị thiệt hại bởi cơn bão số 12.

Là người trồng bưởi cảnh lâu năm và cũng có số lượng bưởi cảnh lớn tại thôn Trường Thạnh (xã Diên Thạnh), ông Nguyễn Chí Phong buồn rầu trước vụ mùa năm nay. Gia đình ông có hơn 120 chậu bưởi cảnh dự định bán trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng sau cơn bão số 12 đã có đến 110 chậu bị thiệt hại như: rụng trái, gãy cây, ngã… “Chi phí bỏ ra không nhiều, chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng nhưng tôi tiếc là số bưởi này đang ở thời kỳ sung sức, cho trái nhiều và đẹp. Nếu bán vào dịp Tết thì gia đình tôi cũng có số tiền lãi hơn 130 triệu đồng. Từ khi dâm cành đến khi bán một chậu bưởi, tôi phải mất gần 3 năm. Vậy mà đến lúc gần thu hoạch thì bị thiệt hại”.

Lo bị ngập lụt, bà Lê Thị Thanh Thủy kê cao các chậu bưởi và tích cực chăm sóc để kịp bán Tết

Ông Nguyễn Luyện (thôn Trường Thạnh) cũng cho biết, gia đình ông trồng gần 100 chậu bưởi cảnh nhưng cũng bị thiệt hại gần hết, phần lớn là bị rụng trái. Một số chậu chỉ còn lại 2 – 3 trái nên cũng không bán được. Ông Luyện nói: “Bưởi cảnh phải khoảng 4 trái trở lên thì thương lái mới thu mua. Các cây còn vài ba trái chỉ còn cách cắt trái bán thôi. Tôi đang cố gắng dọn dẹp, thu gọn lại các chậu bưởi để trồng các loại hoa ngắn ngày như thược dược, mào gà bán kiếm thêm tiền tiêu Tết”.

Những năm gần đây, do có thị trường tiêu thụ ổn định, giá thành cao (trung bình khoảng 1 triệu – 1,5 triệu đồng/chậu), bưởi cảnh đã trở thành cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân xã Diên Thạnh. Năm nay, toàn xã có khoảng 10 hộ trồng bưởi với hơn 600 chậu. Được biết, sau vụ bưởi Tết năm trước, các hộ nhận tiền đặt cọc của các mối hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận cho vụ bưởi năm nay (từ 20 đến 30 triệu đồng). Với những thiệt hại do bão, các hộ phải hoàn trả tiền cọc, thông báo cho mối hàng biết và thông cảm. Tuy nhiên, người trồng bưởi lo ngại sẽ bị mất mối hàng vào năm sau.

So với những người trồng bưởi trong thôn, gia đình bà Lê Thị Thanh Thủy còn vớt vát được 40 chậu trên tổng số 100 chậu bưởi dự định bán trong Tết năm nay. Những chậu này do có nhiều trái nên khi những trái lớn bị rụng thì trên cây vẫn còn 5 – 6 trái nhưng đều là trái nhỏ. Hiện nay, gia đình bà đang nỗ lực chăm sóc, cắt tỉa cành, bón phân thúc để bưởi phát triển kịp bán Tết. Tuy nhiên, mấy ngày nay mưa nhiều, bà Thủy lại lo sẽ bị ngập nặng thì không còn chậu bưởi nào để bán.

Theo ông Lê Đình Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Thạnh, cơn bão số 12 làm thiệt hại khá lớn đến nông dân trồng bưởi cảnh. Số ít chậu còn lại thì không đạt, trái nhỏ. Vài năm gần đây, nông dân trồng hoa nói chung và bưởi cảnh nói riêng đều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thời tiết thất thường. Nhiều năm bị mưa lụt, hoa tiêu thụ kém, năm nay lại bị bão nên nông dân lỗ vốn, lỗ nhân công. Vì thế, năm nay, nhiều nông dân đã nghỉ trồng hoa, cây cảnh hoặc vẫn trồng nhưng số lượng ít hơn. Số hộ nông dân trồng hoa, cây cảnh đã giảm một nửa so với trước. Hiện nay, toàn xã chỉ còn khoảng 20 hộ trồng tập trung tại các thôn: Trường Thạnh, Phú Khánh Hạ… Hội Nông dân xã đang xây dựng đề án trồng hoa, cây cảnh và khuyến khích nông dân tham gia nhằm tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, nâng cao hiệu quả kinh tế của các cây trồng này.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp tuần 1 tháng 11 (5-11/12)

Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ…


1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô: bệnh đốm lá, sâu đục thân… tăng. Rau màu: bọ nhảy, rệp, dòi đục hành… hại nhẹ đến trung bình; Bệnh lở cổ rễ trên khoai tây, bệnh héo xanh, xoăn lá trên cà chua… tiếp tục gây hại.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại. Cam, chanh, bưởi: bệnh chảy gôm, ruồi đục quả,… hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh, bệnh gỉ sắt có xu hướng tăng. Cây cà phê: bệnh gỉ sắt tăng, bệnh khô cành, rệp các loại… gây hại mức độ tăng chậm.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

a) Cây lúa: Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển, lây lan theo nguồn nước.

b) Cây trồng khác: Cây ngô và rau màu: sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, rệp… hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua gây hại; Bệnh đốm lá, khô vằn, sâu đục thân,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch.

– Cây cà phê: Rệp sáp, bệnh khô cành, gỉ sắt… tiếp tục gây hại. Cây hồ tiêu: tuyến trùng rễ, rệp sáp… tiếp tục gây hại. Cây điều: sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng, thán thư… hại tăng. Cây dừa: bọ cánh cứng tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

a) Cây lúa: Rầy nâu: phổ biến trưởng thành, trứng, tuổi 1. Bệnh đạo ôn lá phát triển thuận lợi và gây hại trên trà lúa Đông Xuân sớm, trà lúa Mùa. Cần lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, bệnh bạc lá vi khuẩn ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh – đòng, bệnh đen lép hạt ở giai đoạn trỗ chín.

b) Cây trồng khác: Cây thanh long: bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng và bệnh thán thư giảm. Cây cà phê: bệnh khô cành giảm diện tích và rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

CỤC BVTV khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để trừ ốc bươu vàng, dùng Honeycin 6G (5-6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3-5cm khi ốc xuất hiện, hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

+ Đối với diện tích gieo sạ mới, dùng thuốc trừ cỏ Rainbow 410SE với cơ chế “Diệt mầm 2 lớp”. Sử dụng 1 cặp Rainbow 410SE (gồm Rainbow 125ml + Chất an toàn Fenclorim 50ml) cho 1.000m2. Phòng trừ rầy nâu, dùng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu (môi giới truyền bệnh VL-LXL), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ dùng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha). Để trừ sâu đục thân dùng Nurelle D 25/2.5EC (1-1.5 l/ha). Để phòng trừ bệnh đạo ôn, dùng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha). Sử dụng Aviso 350SC (0,35 l/ha) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 l/ha) phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công. Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 l/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

Cây rau:

+ Dùng phân bón lá Foliar Blend cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng; kích thích sự phát triển của cây trồng, sự phát triển của vi sinh vật có ích trong đất.

Cây ngô (bắp): Dùng Maxer 660SC (1,25 – 2,5l/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu: Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ các sản phẩm Manozeb 80WP + Bonny 4SL, và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ. Để trừ nấm Phytophthora (gây bệnh chết nhanh), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom, tưới 4-6l/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê: Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh cho cà phê.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật 

Thu nhập 200 tỷ/năm nhờ vào cây có múi

Từ ý tưởng bị coi là “điên rồ”

Ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên, nhiều đời nay người dân sống chủ yếu dựa vào cấy lúa, mỗi sào cho thu hoạch vài tạ thóc. Có thời điểm, các hộ dân ở đây cơm không đủ ăn, cả nhà nhường nhau từng chút thức ăn để vượt qua những năm tháng đói nghèo bủa vây.

Trong hoàn cảnh đó, từ năm 2000, một số hộ dân ở xóm Thanh Sầm và Bùi Xá đã táo bạo chọn hướng thay đổi mô hình trồng lúa sang trồng cây có múi như cam Vinh, cam sành, bưởi Diễn với hy vọng cuộc sống sẽ sung túc hơn.

Xã Đồng Thanh thoát nghèo nhờ trồng cây có múi

Một trong những người đi tiên phong thay đổi cây trồng là ông Lê Văn Phú (60 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm. Ông Phú được người dân kính nể không chỉ vì có thu nhập khủng từ vườn cây có múi mà còn là người trực tiếp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp các gia đình khác thoát nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Phú vẫn không quên ‘trang điểm’ cho căn nhà bằng hai hàng bưởi sai trĩu quả đang vào vụ thu hoạch. Ông kể: “Năm 2000, khi tôi quyết định chuyển đổi 1,5 mẫu đất trồng lúa sang trồng cây cam Vinh, bưởi Diễn mọi người trong làng đều kịch liệt phản đối và cho rằng đó là ý tưởng điên rồ. Thậm chí, khi ấy UBND xã Đồng Thanh cũng không mặn mà gì với việc làm này của tôi”.

Tuy nhiên, bỏ qua những lời phản đối và những khó khăn ban đầu, ông Phú vẫn kiên định và quyết tâm theo đuổi con đường mình lựa chọn. Vì theo ông Phú, nếu cứ tiếp tục trồng lúa với thu nhập thấp như vậy thì gia đình sẽ mãi sống trong cảnh chật vật, nghèo túng.

“Thời gian đầu, khó khăn nhất là kĩ thuật trồng và chăm sóc cây. Tôi mất 5 năm đầu mới tự tin nhân rộng mô hình và thu được thành quả bước đầu” – ông Phú nhớ lại.

Cũng theo ông Phú, sau khi nắm bắt được kĩ thuật, học hỏi thêm kiến thức sau các đợt tập huấn, gia đình ông đã biết cách làm sao cho cây sống khỏe, cho ra vị ngọt rất đặc biệt, không giống với các loại cam ở các huyện khác ở Hưng Yên như Văn Giang.

“Đất của xã Đồng Thanh là đất thịt, khác với đất cát ở Văn Giang, đất đồi ở các vùng Hòa Bình nên rất phù hợp với việc trồng cây có múi. Hương, vị của hoa quả trồng ở đây cũng khác lạ, tạo nên thương hiệu riêng” – lão nông Lê Văn Phú cho biết.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế gia đình từ trồng cây có múi, lão nông Lê Văn Phú còn sáng tạo nhiều kĩ thuật canh tác cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Một trong những kĩ thuật đó là bón đậu nành cho cây cam.

Theo ông Phú, việc cho cây cam ‘ăn’ đậu nành giúp cây cho quả nhiều hơn, vị ngọt của cam đậm và thơm hơn. Cứ mỗi sào gia đình ông Phú bón từ 80 đến 100kg. Cùng với bón đậu nành, các hộ dân ở đây còn cho thêm phân kali để tăng vị ngọt và giúp cây chống chọi được với các dịch bệnh.

Sau 17 năm kiên trì, đến nay ông Phú đã mở rộng quy mô, tăng diện tích trồng cây có múi lên 11 mẫu, trồng khoảng 7.000 cây gồm cam Vinh, cam đường, bưởi Diễn. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm gần 2 tỷ đồng.

Đến xã ‘tỷ phú’ mới nổi

Nhìn thấy hiệu quả kinh tế ngoài sức tưởng tượng mà ông Phú gặt hái được từ cây có múi, từ năm 2010 đến nay, nhiều hộ dân trong xã Đồng Thanh đổ xô chuyển sang trồng cây có múi và đều đổi đời. Có nhiều gia đình mở rộng quy mô lên hàng chục mẫu đất, với chi phí đầu tư nhiều tỷ đồng. Có những hộ dân, chỉ với một vài sào ruộng nhưng cũng quyết tâm chuyển đổi.

Ông Vũ Văn Luận, được người dân mệnh danh là “ông trùm” về cây có múi ở xã Đồng Thanh với tổng diện tích trồng cây khoảng 20 mẫu, trồng khoảng 10 nghìn cây gồm cam và bưởi Diễn, mỗi năm thu về trên 3 tỷ đồng lợi nhuận.

Với những tìm tòi, sáng tạo trong canh tác, ông Luận cùng nhiều người đã tạo ra những quả cam có vị ngọt rất lạ, đậm và thơm. Theo ông Luận, thương lái từ khắp các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội,… lần lượt rỉ tai nhau kéo về đây để lấy hàng, ai nấy đều gật gù với chất lượng cam Đồng Thanh.

Nhìn thấy lợi nhuận từ vườn cây có múi, cả xã Đồng Thanh ai nấy đều ồ ạt chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam, bưởi. Có những gia đình diện tích đất chỉ vài sào nhưng cũng quyết tâm chuyển hướng với hy vọng đổi đời.

Cuộc sống của người dân thay đổi từ khi chuyển đổi cây trồng

Anh Đào Văn Vượng (40 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm, mặc dù chỉ có hơn 5 sào đất trồng cam nhưng mỗi năm vẫn cho thu về trăm triệu.

Anh Vượng tâm sự: “Ngày xưa khi còn trồng lúa, tôi vừa làm ruộng vừa làm công nhân bốc vác trên địa bàn huyện thu nhập chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng. Đời sống gia đình không khá lên được”.

“Thấy hàng xóm là ông Phú làm giàu từ cam với bưởi Diễn, tôi quyết định sang học tập kinh nghiệm. Sau 4 năm cố gắng, gia đình cũng có một vườn cam nhỏ đủ để trang trải cho cuộc sống. Năm nay, trừ đi chi phí, ước tính lợi nhuận thu được từ hơn 5 sào đất khoảng trên 100 triệu đồng”.

Bức tranh đời sống của xã Đồng Thanh thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên san sát.

Ông Lê Văn Nhất, chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, cho hay: Bộ mặt của toàn xã đã thay đổi hoàn toàn từ khi người dân chuyển đổi cây trồng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xã thay đổi hoàn toàn. Đó là nhờ việc nhân rộng mô hình chuyển đổi đất từ trồng lúa sang đầu tư cây có múi như cam Vinh, bưởi Diễn. Tổng thu nhập toàn xã Đồng Thanh các năm 2015, 2016 đều đạt trên 100 tỷ đồng. Xã đã chuyển đổi hơn 70% diện tích đất để trồng cây có múi.

Vị chủ nhiệm HTX Đồng Thanh vui mừng: “Mới đây, cam Đồng Thanh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang đưa sản phẩm tham gia các hội chợ với tên thương hiệu là cam và bưởi Đồng Thanh, với kỳ vọng thời gian tới sẽ xuất khẩu được cam ra thị trường nước ngoài”.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục mới

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2017 ước đạt gần 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã vượt qua con số 32,1 tỷ USD của cả năm ngoái, để thiết lập kỷ lục mới, và đang hướng đến mốc 35-36 tỷ USD trong năm nay.

Tính trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu nông sản tăng 16%; thủy sản tăng 18,3%; lâm sản tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị nhập khẩu (nhập khẩu) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong 11 tháng qua là đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 8 tỷ USD.

Nhiều nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Đối với lúa gạo, kết quả xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn, đem về 192 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, đã xuất khẩu 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,8% thị phần; tăng 35% về lượng và tăng 33,9% về giá trị. Xuất khẩu gạo càng về cuối năm càng thuận lợi, nhu cầu tăng mạnh khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa loại thường tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến tăng 200 đ/kg trong tháng 11 lên mức 5.600 đ/kg; lúa Jasmine tăng 500 đ/kg lên 6.900 đ/kg. Hiện nguồn cung lúa gạo chỉ trông chờ vào diện tích lúa thu – đông còn lại của những tỉnh gieo sạ trễ.

Ngành hàng rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 292 triệu USD, đưa giá trị 11 tháng lên 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong năm nay với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Giá trị xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở các thị trường: Nhật Bản tăng 67,6%; Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất tăng 56,9%, và Trung Quốc tăng 52,7%.

Ước tính khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11/2017 đạt 143 nghìn tấn, đem về 210 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với năm 2016.

Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%. Trong nước, giá thu mủ cao su dạng nước đã tiếp tục tăng sau nhiều tháng không biến động, từ mức 12.500 đ/kg lên 13.200 đ/kg.

Ở ngành hàng điều, tháng 11, xuất khẩu đạt 32 nghìn tấn và 310 triệu USD, đưa xuất khẩu 11 tháng lên 323 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tăng 22,4% so với năm ngoái.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,8%, 15,9% và 12,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều…

Thủy sản, lâm sản lập kỷ lục mới

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng ước đạt 7,57 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là: Trung Quốc tăng 67,9%, Hà Lan tăng 47,5%, Anh tăng 35%, Hàn Quốc tăng 29,5%, Nhật Bản tăng 22,2%, và Canada tăng 22,7%.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên ở một số vùng, dao động ở mức 26.000-28.500 đ/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán, có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đ/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tính từ đầu tháng 11/2017, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 đạt 655 triệu USD, đưa kết quả 11 đạt kim ngạch 6,87 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 42,7%, 14,1%, và 13,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (tăng 18,8%), Hàn Quốc (tăng 14,2%) và Canada (tăng 13,4%).

Nhìn chung toàn cảnh xuất khẩu ngành nông lâm ngư nghiệp, chỉ có 3 ngành hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, tiêu, sắn. Xuất khẩu cà phê tháng 11 ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.289,9 USD/tấn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,3% và 12,8%.

Ngành hàng tiêu đang trong giai đoạn đi xuống về giá trị xuất khẩu, tháng 11 ước đạt 10 nghìn tấn, với giá trị đạt 46 triệu USD; đưa xuất khẩu tiêu 11 tháng lên 203 nghìn tấn và 1,06 tỷ USD; tăng 20,1% về lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm nay giảm 34,6% so với năm trước. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt là 19,4%, 6,8%, và 5,8%.

Nguồn: vneconomy.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lai tạo giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Queensland đã phát triển và trồng giống chuối Cavendish cải tiến kháng lại loài nấm gây bệnh nhiệt đới TR4, còn gọi là bệnh héo rũ Panama ở cây chuối.

Trong một thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên đất bị nhiễm mầm bệnh TR4, giống chuối Cavendish chuyển đổi bằng một gen lấy từ chuối tự nhiên vẫn hoàn toàn không có mầm bệnh TR4. Các kết quả vừa được đăng tải trong tạp chí Nature Communications.

Những điểm chính của nghiên cứu:

  • Giống chuối Cavendish Grand Nain đã được cải biến với gien RGA2 lấy từ các phân loài chuối tự nhiên của Đông Nam Á là Musa acuminata ssp malaccensis kháng mầm bệnh TR4.
  • Giống chuối Cavendish cải tiến (RGA2-3) vẫn không mang mầm bệnh TR4 trong ba năm thử nghiệm.
  • Ba giống chuối khác được biến đổi với RGA2 cho thấy sức đề kháng mạnh, với 20% hoặc ít hơn các cây có biểu hiện bệnh trong ba năm.
  • Ngược lại, 67% -100% các giống chuối khác sau ba năm cây sẽ chết hoặc bị nhiễm TR4, bao gồm một biến thể Giant Cavendish 218 được tạo ra thông qua nuôi cấy mô ở Đài Loan và cho thấy có khả năng chịu được TR4.

Cuộc thử nghiệm thực địa kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015 do Giáo sư James Dale, Trung tâm trồng cây nhiệt đới và các sản phẩm sinh học của Đại học Công nghệ Queensland chủ trì thực hiện. Nghiên cứu đã được thực hiện trên một trang trại chuối thương mại bên ngoài Humpty Doo thuộc miền bắc Úc trước đây bị ảnh hưởng bởi TR4. Đất trồng cũng bị tái nhiễm nặng nề với dịch bệnh do thử nghiệm.

Giáo sư Dale cho biết kết quả là một bước đi quan trọng để bảo vệ ngành chuối xuất khẩu toàn cầu trị giá 12 tỷ USD, vốn đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi bệnh TR4. Ông nói: “Những kết quả này rất thú vị vì nó có nghĩa là chúng ta có một giải pháp có thể được sử dụng để kiểm soát căn bệnh này”.

TR4 có thể tồn tại trong đất trong hơn 40 năm và không có biện pháp kiểm soát hóa học hiệu quả. Căn bệnh này là một vấn đề rất lớn, nó đã tàn phá các đồi trồng chuối Cavendish ở nhiều nơi trên thế giới và nó đang lan rộng khắp Châu Á. Đó là một mối đe dọa rất lớn đối với sản xuất chuối thương mại trên toàn thế giới

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm trên đồng ruộng ở miền bắc nước Úc, phát triển 4 dòng chuối RGA2 cho thấy sự đề kháng với mầm bệnh cũng như những dòng mới được cải tiến của giống chuối biến đổi gien Cavendish Grand Nain và Williams.

Giáo sư Dale nói: “Mục tiêu là chọn dòng Grand Nain tốt nhất và dòng Williams tốt nhất để đưa vào sản xuất thương mại. Trong khi ở Úc, chúng tôi chủ yếu trồng giống chuối Williams, ở những nơi khác trên thế giới, giống chuối Grand Nain rất phổ biến”.

Giáo sư Dale cho biết mối tương quan giữa hoạt động của gien RGA2 và sức đề kháng TR4 đã giúp mở ra những nghiên cứu mới.

Nguồn: Mard.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tỉnh Khánh Hòa: Thông báo sâu bệnh số 47 từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2017

Thời tiết tỉnh Khánh Hòa trong tuần qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to trên toàn tỉnh. Cây lúa và các cây trồng khác sinh trưởng và phát triển bình thường.

Bệnh đạo ôn trên lúa

I .Cây trồng và giai đoạn sinh trưởng:

– Cây lúa:

Vụ Mùa: Đã thực hiện được 9.011 ha (chủ yếu ở Ninh Hòa, Vạn Ninh), lúa giai đoạn đẻ nhánh – chín, đã thu hoạch 800 ha, năng suất ước đạt 47 tạ/ha. Cơ cấu giống gồm ML48, ML202,TH6 ….

+ Trà 1: Gieo từ ngày 25/7/2017 đến ngày 31/8/2017, diện tích 2.500 ha, lúa giai đoạn đỏ đuôi – chín. Đã thu hoạch 800 ha.

+ Trà 2: Gieo từ ngày 10/9/2017 đến ngày 10/10/2017, diện tích 6.511 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ.

II. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày qua:

1. Cây lúa: Trong tuần qua có những đối tượng gây hại cây lúa như sau:

+ Bệnh đạo ôn lá: Gây hại 13,5 ha ở Vạn Ninh, Cam Lâm, TLB 5-10%. Đã được phòng trừ. Tăng 8,5 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Ốc bươu vàng: Gây hại 03 ha, mật độ 3-5 con/m2 ở Vạn Ninh. Đã được phòng trừ. Giảm 06 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại 03 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, mật độ 25-50 con/m2. Đã được phòng trừ. Giảm 21 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu đục thân hai chấm: Gây hại 6 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh ở Vạn Ninh, TLH phổ biến 3 -5%. Đã được phòng trừ. Tăng 29 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Bệnh bạc lá: Gây hại 02 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, TLB 10-20%, đã được phòng trừ. Tăng 02 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Chuột gây hại 25 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, TLH 1-3%. Sâu đục thân hai chấm gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ với diện tích 13 ha, TLH 1- 5%, sâu tuổi 2, tuổi 3. Sâu cuốn lá nhỏ: gây hại rải rác trên các trà lúa đẻ nhánh, diện tích 14 ha, mật độ: 5-10con/m2, T3- T4.

2. Cây trồng khác:

Cây rau, đậu: Trên cây rau, đậu đang hồi phục sau bão và một số diện tích rau, đậu đang trồng mới. Bệnh thán thư gây hại rải rác nhiều giai đoạn trên cây dưa leo, ớt, khổ qua, hành, ở Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang diện tích 04 ha, TLB 3-5%. Sâu xanh, bọ nhảy gây hại rải rác trên cây rau cải, mồng tơi với diện tích 05 ha ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh với TLH 10-15% cây.

Cây xoài: Ở Cam Lâm, bọ trĩ gây hại giai đoạn ra hoa – đậu trái với diện tích 11 ha, mật độ 5-20 con/cành. Bệnh thán thư gây hại ở nhiều giai đoạn, TLB 5-10%, diện tích 48 ha.

III. Đề nghị các biện pháp xử lý hoặc các chủ trương cần triển khai thực hiện ở địa phương:

Hiện nay chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân, vậy đề nghị các trạm hướng dẫn bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị giống để xuống giống theo đúng lịch thời vụ, chú ý thu lượm ốc bươu vàng, phòng trừ bọ trĩ trên trà lúa mới gieo. Theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa vụ mùa để có biện pháp phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến năng suất.

Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa có diện tích mía bị bệnh trắng lá mía cần chú ý theo dõi phát sinh phát triển bệnh và khuyến cáo hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.

Trạm Trồng trọt và BVTV Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây chú ý bệnh sâu đục vỏ, xì mủ, nấm hồng, khô cành, chết cây….Đặc biệt là sâu đục thân, sâu tiện vỏ khi thấy có biểu hiện sự có mặt của sâu lập tức có biện pháp tiêu diệt như bắt thủ công, xông hơi, sử dụng thuốc lưu dẫn…Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn bà con bón phân cân đối hợp lý, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc nhằm tạo điều kiện tốt cho cây phát triển ở vụ sau.

Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa.

Hà Giang xây dựng chuỗi giá trị cam sành

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và là đặc sản của Hà Giang. Cây cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở Hà Giang

Trong niên vụ cam 2017 – 2018, tổng diện diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 8.850ha, trong đó có trên 4.500ha cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 48.000 tấn.

Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cam sành góp phần thúc đẩy tiềm năng đối với cây ăn quả đặc sản của địa phương; thu hút đầu tư từ các nguồn lực, tạo mối liên kết thị trường, góp phần tăng thu nhập và ổn định cho người SX, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và 3 huyện trồng cam thực hiện các chương trình, dự án nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm.

Điển hình là chương trình “Cải tạo và phục hồi cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”, chương trình “Mở rộng và nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành”… Cho tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hàng năm vào đầu vụ thu hoạch, UBND tỉnh đều phối hợp với các huyện tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành. Hiện sản phẩm cam sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Cam sành trồng theo chuẩn VietGap 

Xác định cam sành là một trong những cây trồng chủ lực (gồm cam, chè và cây dược liệu), HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND về các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực, trong đó có cây cam sành.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để thâm canh cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha; riêng đối với vườn cam có xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ 24 tháng.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến cam sành sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thanh Hóa: Tỉnh cấm, nông dân cứ chặt cây cao su vì để thì… đói

Mặc dù cao su từng được coi là cây “vàng trắng” và đang ở thời kỳ thu hoạch, nhưng giá mủ cao su xuống thấp nhiều năm nay khiến người dân Thanh Hóa phải ồ ạt chặt bỏ loại cây để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đua nhau chặt bỏ… “gánh nợ”

Cách đây hơn 20 năm, cây cao su được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá quy hoạch vùng trồng và xem là cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế, giúp người trồng đổi đời.

Người dân xã Quảng Phú ồ ạt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa. Ảnh: Bùi Oanh

Toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 20.000ha diện tích cây cao su, trong đó có hơn 6.400ha cao su đang cho thu hoạch. Các huyện có diện tích cây cao su lớn như Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy… Trong năm 2015, tỉnh này đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su, nhưng chỉ trồng được 1ha vì người dân không còn mặn mà với loại cây này.

Năm 1997, khi chính quyền xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) thông báo dự án trồng cao su trên đất 327 (Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15.9.1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước), đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm hộ dân. Hơn 144ha đất của 202 hộ nhanh chóng được người dân, chính quyền địa phương triển khai trồng cao su, theo hợp đồng có thời hạn 50 năm. Theo hợp đồng, lợi nhuận người dân thu được sẽ nộp sản cho ngân sách xã 30%.

Sau hơn 10 năm cây cao su cho thu hoạch mủ, vài năm đầu giá mủ cao, người dân có lãi nhưng chỉ được vài năm sau đó giá xuống thấp dần, thấp đến nỗi người dân bỏ mặc cây cao su, rồi tiếp đó là việc ồ ạt chặt bỏ loại cây từng được xem như“vàng trắng”.

Gia đình chị T (ngụ tại xã Quảng Phú) vừa chặt bỏ đi 6.500m2 đồi cao su trong sự cay đắng. Chị T cho biết: “Mất 20 năm công sức chăm sóc cao su mới cho thu hoạch được vài năm, dù không muốn chặt bỏ nhưng cũng phải chặt thôi, càng để càng lỗ đau. Từ năm 2012 đến nay, giá cao su xuống rất thấp, mỗi ngày vợ chồng tôi đi lấy mủ cũng chỉ thu được từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, không đủ bù chi phí. Nhiều năm nay gia đình tôi đã không đến lấy mủ cao su ở vườn trồng của mình nữa. Nhưng kinh tế gia đình phụ thuộc vào 13 sào đất, nếu cứ để cao su như vậy thì không biết lấy gì mà sống. Vẫn biết chính quyền ra lệnh cấm không cho chặt bỏ cao su, nhưng đành phải liều thôi”.

Nhìn 14 sào cao su hơn 5 năm nay không thu được nổi 1 đồng nào, bà Đỗ Thị Sáu (60 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Quảng Phú) nói trong xót xa: “Giá mủ hiện tại chỉ còn 8.000 – 9.000/kg mủ tươi, quần quật làm cả ngày trời cũng không thu nổi 100.000 đồng thì chúng tôi biết lấy gì mà ăn. Đã nhiều lần chúng tôi lên xã cầu cứu, xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng không được. Xã bảo ở trên họ không cho chuyển đổi, thời hạn hợp đồng chưa hết nhưng cứ kéo dài tình trạng này thì dân chỉ có chết đói”.

Không chờ được sự đồng ý của chính quyền, nhiều hộ dân tại xã Quảng Phú đã tự ý chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa và các loại cây trồng khác. Chính quyền địa phương có nhắc nhở, tuyên truyền nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra.

Khó giữ diện tích cao su?

Những gốc cây cao su hơn 20 năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Tình trạng người dân đổ xô đi chặt bỏ cây cao su đang kỳ thu hoạch diễn ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định… Chính quyền các địa phương rơi vào tình trạng khó xử khi trên thì ra lệnh giữ nguyên diện tích cao su, còn đa phần người dân thì kiến nghị chặt bỏ cao su để chuyển đổi cây trồng khác nhằm nuôi sống gia đình.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, trước đây, toàn xã có hơn 144ha cao su, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây người dân đã tự ý chặt bỏ khoảng 30ha và khoảng 30ha khác do đổ gãy. Hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 80ha. Theo hợp đồng trông cao su người dân sẽ nộp sản 30% lợi nhuận thu được cho ngân sách xã, nhưng do tình trạng cao su không có lời nên nhiều năm nay xã chỉ thu 100.000 đồng/sào.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân giữ diện tích cây cao su vì hợp đồng chưa hết, nếu chặt bỏ là vi phạm. Tuy nhiên, cũng khó cho người dân khi cao su không đem lại lợi nhuận, nếu họ không chuyển đổi sang cây trồng khác thì sẽ không có nguồn thu. Xã đang cho cán bộ rà soát lại diện tích cao su còn lại, đồng thời sẽ gửi văn bản đến các cấp đề nghị được chuyển đổi sang cây trồng khác như cây dứa, cam, chứ cứ tình trạng này sẽ khó giữ được cao su” – ông Quyết nói.

Ông Lê Thọ Cường – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thọ Xuân cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000ha cây cao su nhưng hiệu quả cây cao su những năm gần đây là rất thấp. Nhiều xã và ngay cả huyện cũng từng có đề nghị với tỉnh được phép chuyển đổi diện tích trồng cây cao su sang cây trồng khác nhưng không được đồng ý. Theo tinh thần của tỉnh thì hiện tại chúng tôi chỉ đạo các xã phải bảo vệ, giữ diện tích cây cao su, người dân không được phép chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác” – ông Cường nói.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng cây so đũa lấy lá nuôi dê

Anh Đỗ Văn Tú, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bước đầu đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng bằng lá so đũa. Anh Tú nói, để nuôi đàn dê nái, dê thịt, anh đã phải trồng 200 cây so đũa để lấy lá cho dê ăn…

Cây so đũa được trồng để lấy lá cho dê ăn

Nuôi dê là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân (ND) vùng ven thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lựa chọn. Quỹ Hỗ trợ ND của Hội ND đã giúp nhiều hộ có vốn đầu tư xây dựng mô hình.

Phù hợp với nông dân ít vốn

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiện nay đang được nhiều ND trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu lựa chọn, bởi dê là loài vật dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và những hộ vốn ít.

Được Hội ND thị xã Vĩnh Châu giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê nhốt chuồng của nhiều hộ ND trên địa bàn. Theo đó, Khánh Hòa là một trong những phường có nhiều hội viên ND thành công từ mô hình này. Ông Nguyễn Văn Dễ – Chủ tịch Hội ND phường Khánh Hòa cho biết: “Mô hình nuôi dê ở địa phương được triển khai thực hiện năm 2016 từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của thị xã, với nguồn vốn ban đầu là 50 triệu đồng, chia đều cho 4 hộ vay. Thấy được việc chăn nuôi dê có hiệu quả, nhiều bà con ở phường đã làm theo. Toàn phường có 945 hội viên ND thì có tới hơn 60 hội viên nuôi dê”.

Anh Đỗ Văn Tú ở khóm Kinh Ven -1 trong những hộ được vay vốn từ Quỹ HTND đầu tư nuôi dê nhốt chuồng tâm sự: “Với số tiền 12,5 triệu đồng được vay từ Quỹ HTND, tôi mua 7 con dê giống. Chuồng dê được tôi đổ cột bê tông cố định nên bền và chắc. Do chăm sóc tốt nên đàn dê của gia đình tôi tăng nhanh số lượng, hiện nay có 13 con dê nái và dê thịt thương phẩm”.

Chặt từng cành so đũa non cho dê ăn, anh Tú phấn khởi chia sẻ thêm: “Tôi mới bán 3 con dê thịt, thương lái vào tận nhà mua với giá 90.000 đồng/kg. Nuôi dê chi phí thấp, chỉ cần nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để mua con giống, chịu khó và học hỏi thêm kinh nghiệm thì có thể có thu nhập. Hơn nữa, dê rất dễ nuôi, nguồn thức ăn rất đa dạng gồm tất cả các loại cây tạp, nhưng để cho dê bóng và đẹp thì phải cho ăn thêm lá cây so đũa. Hiện nay, tôi đang trồng trên 200 cây so đũa mới đủ nguồn thức ăn cho dê”.

Tuyên truyền để nhân rộng

Gia đình anh Thái Văn Pha cùng ở khóm Kinh Ven cũng là 1 trong những hộ bước đầu thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Từ số tiền được vay của Quỹ HTND, anh Pha mua 4 con dê giống về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước cộng thêm sự siêng năng, cần cù, đàn dê của anh Pha ngày càng phát triển.

Dẫn chúng tôi ra tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, anh Pha phấn khởi cho hay: “Nuôi dê nhốt chuồng chi phí thấp, nguồn thức ăn của dê rất dễ kiếm, chủ yếu các phế phẩm nông nghiệp. Thường thì một con dê nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lần chỉ đẻ 2 con nhưng con dê nái nhà tôi lần này đẻ được 3 con dê cái. Hiện gia đình tôi có 7 con dê cái, tôi sẽ để nhân giống mở rộng đàn”.

Cho dê ăn lá cây so đũa

Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho dê ăn để tránh dê bị đau bụng. Từ thành công bước đầu của nhiều hộ nuôi dê nhốt chuồng ở phường Khánh Hòa, Hội ND thị xã Vĩnh Châu sẽ tuyên truyền để nhân rộng ở những địa phương phù hợp, qua đó giúp ND có thêm thu nhập từ nghề chăn nuôi mới…

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.