Công nghệ nuôi gà không cần kháng sinh

Kee Song Brothers Poultry của Singapore đã trở thành công ty đầu tiên ở Đông Nam Á có thể nuôi gà quy mô lớn mà không cần dùng kháng sinh.

Để chứng minh cho sự thành công của công nghệ này, Kee Song đã tiến hành một nghiên cứu trong giai đoạn tháng 5-8/2013 và mời 6 công ty quốc tế trong các lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và dược phẩm tham gia một thử nghiệm nuôi 180.000 con gà tại trang trại của công ty ở bang Johor, Malaysia.

Kết quả nghiên cứu cho thấy gà được cho ăn loại khuẩn sữa riêng, vốn hay được dùng trong chế biến sữa chua và phomát, có tỷ lệ sống sót từ 98 đến 99% so với gà được cho dùng kháng sinh (95%). Gà do Kee Song nuôi cũng ít bị chứng tiêu chảy hơn.

Công nghệ nuôi gà không cần kháng sinh ở SingaporeCông nghệ nuôi gà không cần kháng sinh

Dù kháng sinh được các trại chăn nuôi gia cầm sử dụng rộng rãi để giúp gà có thêm sức đề kháng, nghiên cứu cho thấy một số loại vi khuẩn hoặc “siêu vi trùng” trong gà có thể nhờn kháng sinh trong dài hạn, theo tiến sĩ Chia Tet Fatt – tác giả công nghệ mới.

Công nghệ này được Kee Song Brothers Poultry và Otemchi Biotechnologies – một công ty chuyên nghiên cứu công nghệ khuẩn sữa, cùng nghiên cứu và phát triển.

Tiến sĩ Chia, cũng là Giám đốc Otemchi Biotechnologies cho biết chúng tôi muốn loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh không chỉ để giúp gà có thể khỏe mạnh hơn mà còn bảo vệ người lao động, những người đầu tiên sẽ bị nhiễm bệnh (nếu vi khuẩn xuất hiện) do họ làm việc tại các nông trại.

Kee Song hiện đã bán gà được nuôi bằng khuẩn sữa trên trang web của công ty. Sản phẩm gà đông trùng hạ thảo đang được bán tại nhiều siêu thị, được cho có thể giúp người dùng tăng cường sức đề kháng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cách chọn giống lợn rừng

Chọn lợn rừng giống để nuôi rất quan trọng, quyết định đến 60% hiệu quả kinh tế khi nuôi.Giống lợn rừng để nuôi gồm 2 loại: Giống nuôi sinh sản và giống nuôi thịt. Sau 8 năm triển khai trang trại nuôi lợn rừng với quy mô trên 12000 con lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao, qua việc áp dụng các kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn chúng tôi tạm thời biên soạn “Kỹ thuật chọn lợn rừng giống” nhằm giúp cho các hộ chăn nuôi có thêm kiến thức trong quá trình chọn và phân loại lợn rừng giống.

  1. Kỹ thuật chọn lợn rừng đực giống

Chọn lợn rừng đực giống phải đảm bảo các tiêu chí sau:

– Chọn những con đầu thanh, mặt dài giống mặt ngựa, lưng thẳng, lông bờm dài, trông dữ tướng.

Giống lợn rừng

– Chân cao, vững chắc, bụng thon gọn.

– Cơ quan sinh dục phát triển, tinh hoàn lộ rõ, to và cân đối.

– Tính hăng cao.

– Không mắc các loại dịch bệnh từ đời bố mẹ.

  1. Kỹ thuật chọn giống lợn rừng hậu bị sinh sản

Chọn lợn rừng hậu bị sinh sản phải đảm bảo các yếu tố sau:

– Lựa chọn khi tuổi đời đạt từ 3 – 4 tháng tuổi.

– Ngoại hình: đầu thanh, mõm dài thẳng giống mặt ngựa, lưng thẳng, hông rộng; 4 chân cao, to, chắc khỏe.

– Cơ quan sinh dục: phát triển bình thường cả về hình thể và hoạt động.

– Vú: lợn rừng nái có 5 đôi vú xếp đồng đều mỗi bên, những nái có vú cong vênh, khô hoặc kẹ sẽ không chọn hoặc phải kiểm tra đánh giá lại.

– Không mắc các dịch bệnh từ đời bố mẹ, đặc biệt không cận huyết (cùng huyết thống).

  1. Kỹ thuật chọn giống lợn rừng nuôi thịt

Được lựa chọn để nuôi lấy thịt thương phẩm, chọn lợn rừng giống nuôi thương phẩm phải đảm bảo khỏe mạnh không dịch bệnh, có khả năng tăng trưởng tốt….thì mới đạt hiệu quả kinh tế.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Một số điểm cần lưu ý trong chăn nuôi thỏ

Chăn nuôi thỏ có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi, lao động phụ. Thỏ thuộc loại đẻ khỏe, phát triển nhanh. Một thỏ mẹ nặng 4 – 5kg trong một năm có thể sản xuất ra 90 – 140 kg thịt, hiệu suất cao hơn nhiều so với các loài gia súc khác.

Về cơ bản, thỏ thuộc loại dễ nuôi, tuy nhiên để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao cần chú ý các vấn đề sau đây:

1. Vấn đề thức ăn và nước uống cho thỏ

Do đặc điểm của dạ dày thỏ là co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Manh tràng có dung tích lớn và có khả năng tiêu hóa chất xơ nhờ hệ vi sinh vật. Vì vậy, cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt, để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thỏ, vừa có tác dụng chống đói và đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường. Thức ăn thô xanh cho thỏ phải được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng. Những loại rau lá có hàm lượng nước lớn như bắp cải, khoai lang…, sau khi rửa cần phơi tái cho bớt nước trước khi cho thỏ ăn.

Cho thỏ ăn thức ăn nghèo chất xơ hoặc thức ăn chứa nhiều nước, thức ăn không tươi, bị dập nát dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng đầy hơi hoặc ỉa chảy và thỏ có thể bị chết.

Cũng cần lưu ý là thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn thiếu thức ăn, đặc biệt là đối với thỏ đẻ và tiết sữa. Không cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ dẫn đến tình trạng thiếu sữa hoặc thậm chí thỏ mẹ ăn thịt thỏ con. Trong thời gian nuôi con nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía để nhanh phục hồi cơ thể, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt.

2. Vấn đề sinh sản của thỏ

Tùy theo giống, thỏ có thể thành thục tính dục lúc 3 – 4 tháng tuổi. Để đề phòng hiện tượng cắn xé nhau và giao phối tự do, dẫn đến tình trạng giảm trọng hoặc rối loạn sinh sản, khi thỏ được 3 tháng tuổi nên nhốt riêng thỏ đực với thỏ cái.

Không nên cho thỏ phối giống ngay khi thỏ động dục lần đầu mà nên chờ đến 5 – 6 tháng tuổi, lúc thỏ đạt 75 – 80% khối lượng của thỏ trưởng thành. Cho phối giống trước 5 tháng tuổi thì đàn con đẻ ra sẽ yếu ớt, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của thỏ bố mẹ.

Do đặc điểm của thỏ là trứng chỉ rụng sau khi giao phối 9 – 10 giờ nên trong thực tế, để tăng số trứng được thụ tinh và tăng số con đẻ ra, nên áp dụng phương pháp phối giống bổ sung, tức là phối lại lần thứ hai sau lần thứ nhất từ 6 đến 9 giờ.

Khi cho thỏ phối giống cũng cần chú ý là bắt thỏ cái đến lồng thỏ đực mà không nên làm ngược lại, vì khi lạ chỗ thỏ đực khó làm quen với thỏ cái và thỏ cái thường kháng lại thỏ đực.

Để tránh đồng huyết, không để thỏ đực phối với thỏ cái cùng gia đình.

3. Vấn đề làm lồng và chuồng nuôi thỏ

Cần phải làm lồng nuôi thỏ. Lồng thỏ bảo đảm phải chắc chắn, thỏ không chui lẫn đàn, tránh được chuột tấn công và chăm sóc thuận tiện.

Phải làm ổ đẻ có nắp đậy cho thỏ. Sau khi thỏ đẻ, mỗi ngày chỉ nên đưa ổ đẻ vào lồng thỏ mẹ một lần để cho con bú, tránh hiện tượng thỏ mẹ chui vào ổ ỉa đái, bới ổ và dẫm đạp lên đàn con.

Thỏ là loài gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp. Khi nhiệt độ không khí tăng trên 35 độ C và kéo dài, thỏ rất dễ bị cảm nóng. Do các đặc điểm này lồng nuôi thỏ cần đặt tại những vị trí thoáng, mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

Trong trường hợp chăn nuôi thỏ quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại cẩn thận. Chuồng trại phải đảm bảo thông thoáng và dễ làm vệ sinh. Trong trường hợp nuôi thỏ quy mô gia đình, có thể đặt lồng dưới gốc cây có bóng mát ngoài vườn, đầu nhà, có mái che chống được mưa, nắng, gió lùa. Không nên đặt lồng thỏ trong chuồng lợn hoặc chuồng gà, vừa ngột ngạt, hôi thối, vừa dễ lây lan dịch bệnh.

4. Vấn đề vệ sinh phòng trị bệnh

Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Cụ thể, hàng ngày cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi; định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nuớc uống sạch sẽ, chất lượng tốt.

Các bệnh thỏ thường mắc là bệnh bại huyết, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng ..v..v. Cách sử dụng các loại thuốc để phòng trị các bệnh này như sau:

– Đối với bệnh bại huyết: Tiêm vắc xin để phòng bệnh bại huyết cho thỏ con lúc 2 tháng tuổi. Đối với thỏ sinh sản, tiêm định kỳ 6 tháng 1 lần.

– Đối với bệnh ghẻ:
Điều trị: Dùng Ivermectin 0,7 ml/3kg thể trọng hoặc dùng Dextomax 0,1 ml/3kg thể trọng.

– Đối với bệnh cầu trùng:
Phòng bệnh: vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Sử dụng thuốc Anticoc, HanE3 bằng 1/2liều điều trị.
Điều trị bệnh: thuốc Anticoc, HanE3: 0,1-0,2g/kg thể trọng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lợi ích của dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi

Diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện ngành chăn nuôi các tỉnh, thành phố phía Nam.

Hiện sản lượng thịt lợn, bò, gà… ở Việt Nam là 4 triệu tấn/năm, trong đó thịt lợn chiếm 3 triệu tấn. Thời gian qua, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn và thuốc thú y tăng cao, nhiều loại dịch bệnh và ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất tăng trọng, tạo nạc và thuốc kháng sinh làm tồn dư các hóa chất này trong sản phẩm thịt, trứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, việc người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm thịt lợn đã gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng cho người nuôi.

Ngoài ra, mỗi ngày tại các trại chăn nuôi lợn thải ra khoảng 5 tấn phân và nước thải. Lượng phân này hiện đang được dùng vào việc trồng trọt, tuy nhiên việc xử lý không đúng cách làm rau màu nhiễm trứng giun và vi sinh vật có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Lợi ích của dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi

Trên thị trường hiện nay có hơn 200 chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỷ lệ các sinh vật gây bệnh, kích thích hệ miễn dịch, nhờ đó khống chế các bệnh lây nhiễm và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lâm Minh Thuận (Đại học nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh), việc sử dụng chế phẩm tự nhiên như gừng, nghệ, tỏi thay thế kháng sinh trong chăn nuôi gà giúp loại gia cầm này chuyển hóa trao đổi chất, đồng thời nâng cao sức đề kháng bệnh, tạo ra thịt sạch, an toàn cho người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.

Trong chăn nuôi lợn, việc sử dụng tỏi, nghệ theo các nhà khoa học, giúp cải thiện tăng trưởng cũng như hệ số chuyển hóa thức ăn, giảm chi phí trên 1kg tăng trọng so với lợn sử dụng kháng sinh. Với việc sử dụng thức ăn, nhiều nhà khoa học đánh giá, nếu người chăn nuôi sử dụng thức ăn lên men bằng “Men vi sinh hoạt tính” sẽ giúp gia súc, gia cầm phát triển tốt, tăng trọng nhanh; giảm tiêu tốn và chi phí thức ăn; giảm tỷ lệ mắc bệnh; tạo môi trường sạch.

Thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, những năm qua nhờ dùng chế phẩm sinh học Balasa N01 nên ngành chăn nuôi của tỉnh này đã hạn chế chất thải độc hại ra môi trường.

Bà Ngô Xuân Hương (Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Đồng Tháp) cho biết việc sử dụng men Balasa N01 đem lại nhiều lợi ích như phân giải được nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo vệ sức khỏe vật nuôi; tiết kiệm khoảng 80% nước trong chăn nuôi do không phải sử dụng nước rửa chuồng hay tắm cho vật nuôi; tiết kiệm 50% nhân công do không cần dọn, tắm cho vật nuôi hàng ngày. Đặc biệt, người chăn nuôi khi sử dụng men Balasa N01 đã cho ra sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh về màu, mùi, vị.

Tại Đồng Nai, hiện gần 100% trang trại chăn nuôi lợn, gà đã ứng dụng chế phẩm sinh học. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, điển hình như việc nuôi gà bằng thảo dược của chị Cao Thị Len ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán.

Sau hơn một năm thực hiện, chị Len đã nuôi được nhiều lứa gà bằng thảo dược. Với giá bán 50.000 đồng/kg, gà thảo dược của chị Len được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng thịt cao hơn so với gà nuôi theo phương pháp thông thường. Hiện trang trại của chị có hai chuồng gà thảo dược, với hơn 5.000 con.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.

Tại Việt Nam, các chế phẩm sinh học cũng đã được áp dụng tại nhiều trang trại. Tuy nhiên, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học vẫn là một điều xa lạ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi.

Chuẩn bị đệm lót sinh học

Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa, mùa hè 40 – 60 cm, mùa đông 60 – 90 cm. Độ dày của đệm lót giảm dần do lợn dẫm lên trong quá trình di chuyển, nên khi làm mới thường tăng thêm khoảng 20%.

Chất độn làm đệm lót là một số loại mùn bột nhỏ như mùn cưa; trấu, vỏ hạt bông, lạc, thân cây bông, lõi ngô, thân cây ngô nghiền kết hợp với trấu. Để chuẩn bị cho chuồng lợn có diện tích 20 m2, độ dày của đệm lót khoảng 60 cm, phải chuẩn bị 200 lít dung dịch lên men, 5 kg bột ngũ cốc.

Dung dịch lên men trước 1 – 2 ngày, cho 1 kg men gốc, 10 kg bột ngũ cốc, thêm 200 lít nước sạch, khuấy đều, đậy kín, để chỗ ấm 24 giờ, mùa đông có khi kéo dài đến 48 giờ. Sau đó, lấy khoảng 2 lít dung dịch lên men đã được chuẩn bị trộn ẩm, đều sau đó để chỗ ấm. Sau 5 – 7 giờ, rải lớp trấu dày khoảng 30 cm, dùng vòi phun mưa, cào đều đến khi độ ẩm đạt khoảng 40%, tưới đều 100 lít dung dịch men. Tiếp tục dải 30 cm bột mùn, phun nước sạch đến khi đạt độ ẩm 20%, rải đều bột ngũ cốc lên bề mặt của lớp bột mùn. Tưới đều 100 lít dung dịch lên men còn lại lên bề mặt. Làm phẳng toàn bộ lớp mặt mùn cưa, phủ bạt kín. Sau vài ngày, dưới độ 30 cm lớp đệm lót có nhiệt độ khoảng 400C, có mùi thơm nhẹ của rượu, bỏ lớp bạt, cào nhẹ lớp bề mặt khoảng 20 cm, khoảng 1 ngày sau thì thả lợn vào.

Nuôi lợn sạch
Độ dày của đệm lót thay đổi theo mùa

Kỹ thuật ủ thức ăn bằng men vi sinh

Phương pháp lên men ướt

Thường sử dụng cám ngô và cám gạo lên men làm thức ăn cho lợn. Để lên men 100 kg cám ngô và cám gạo thực hiện như sau: Lấy 0,5 kg men, 4 kg cám ngô hòa vào trong thùng đựng 100 lít nước sạch, khuấy đều trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô còn lại và cám gạo, từ từ cho đến hết, thấy nước hơi ngập mặt cám là được. Khi đổ cám vào thùng, không đổ đầy, để cám cách miệng thùng khoảng 15 – 20 cm, tránh sau khi lên men thức ăn bị đầy, nổi lên trên và tràn ra ngoài. Để hở miệng thùng sau 4 – 5 giờ thì đậy kín. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 giờ, nhiệt độ dưới 300C thời gian lên men khoảng 24 – 28 giờ, khi thức ăn chua nhẹ, thơm nhẹ là được. Vào mùa hè, thức ăn sau khi ủ men vi sinh chỉ nên cho lợn ăn trong khoảng 2 ngày. Trong quá trình sử dụng hạn chế mở nắp thùng, tránh hiện tượng thức ăn bị nhiễm nấm.

Phương pháp lên men khô ẩm

Đòi hỏi điều kiện lên men chặt chẽ hơn, chỉ sử dụng được các loại cám, bột để làm thức ăn lên men. Để lên men 100 kg cám ngô, gạo thực hiện như sau. Lấy 0,5 kg men vi sinh và 2 kg cám ngô hòa vào thùng chứa 40 – 45 lít nước, 10 – 15 phút khuấy đều 1 lần, trong 1 giờ. Trộn đều cám ngô và cám gạo, tưới đều nước men lên, trộn cho đến khi cám ẩm đều. Xúc vào thùng hoặc bao ni lon, không nén chặt, để hở miệng 5 – 6 giờ thì đậy kín miệng. Nhiệt độ trên 300C, thời gian lên men khoảng 24 – 36 giờ; nhiệt độ dưới 300C, thời gian lên men khoảng 36 – 48 giờ. Chú ý khi lên men không sử dụng bao nilon, thùng bị thủng, hạn chế mở miệng bao, nắp thùng, tránh thức ăn bị nấm mốc.

Phương pháp sử dụng thức ăn

Sử dụng thức ăn lên men vi sinh trộn thêm thức ăn công nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để lợn tăng trọng nhanh hơn. Chọn loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein trên 45%. Chỉ trộn thức ăn lên men với thức ăn công nghiệp trước khi cho ăn. Sau khi trộn có thể để nguyên dạng khô hoặc trộn thêm nước thành dạng lỏng để cho lợn ăn, tùy vào thói quen.

Thành phần phối trộn thức ăn ủ men với thức ăn công nghiệp thay đổi theo kiểu lên men, giống lợn và giai đoạn phát triển.

Lợn lai F1

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn với tỷ lệ 1 phần thức công nghiệp với 4 – 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 – 5 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 0,7 – 1,1 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,5 – 0,8 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 – 30 kg: Phối trộn tỷ lệ 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 – 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 – 6 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn 1,2 – 1,7 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 0,8 – 1,2 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 – 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 7 – 8 phần thức ăn lên men ướt và 6 – 7 phần thức ăn lên men khô. Cho ăn với lượng 1,7 – 3,4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt và 1,7 – 2,3 kg/con/ngày với thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 9 phần thức ăn lên men ướt hoặc 8 phần thức ăn lên men khô. Lượng thức ăn 3,4 – 4 kg/con/ngày với thức ăn lên men ướt; 2,3 – 3 kg/con/ngày với lượng thức ăn lên men khô.

Lợn siêu nạc

Lợn trọng lượng dưới 15 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 4 – 5 phần thức ăn lên men ướt hoặc 3 – 4 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 16 – 30 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 5 – 6 phần thức ăn lên men ướt hoặc 4 – 5 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng 31 – 60 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 6 – 7 phần thức ăn lên men ướt hoặc 5 – 6 phần thức ăn lên men khô.

Lợn có trọng lượng trên 61 kg: Phối trộn 1 phần thức ăn công nghiệp với 8 phần thức ăn lên men ướt hoặc 7,5 phần thức ăn lên men khô.

Lượng thức ăn tương tự như lợn lai F1.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi bò thịt hiệu quả

Trong nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi bò đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, khi mà thịt bò trở thành thực phẩm chính yếu của người tiêu dùng cả nước. Để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi bò, mời bà con tham khảo bài viết sau

  1. Giống :

Giống là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Giống khác nhau thì tốc độ sinh trưởng, phát triển, tích lũy thịt, mỡ khác nhau: Con lai của bò Charolaise có tỷ lệ thịt xẻ cao hơn con lai của bò Hereford và ngược lại, tổ chức mỡ của thịt bò Charolaise thấp hơn thịt bò Hereford. Bò vàng Việt Nam có tỷ lệ thịt xẻ là 42%, tỷ lệ thịt tinh là 31%, trong khi đó bò thịt Charolaise có tỷ lệ thịt xẻ 60%, tỷ lệ thịt tinh là 45%.

  1. Tuổi :

Trong quy trình vỗ béo và giết mổ, hiện nay người ta thường nuôi bò từ 16 – 24 tháng tuổi với quy trình công nghệ cao để giết mổ.

Tuổi giết mổ khác nhau thì chất lượng thịt cũng khác nhau: Bê và bò tơ cho thịt màu nhạt, ít mỡ, thịt mềm và thơm ngon hơn. Bò lớn tuổi cho thịt màu đỏ, đậm, nhiều mỡ, thịt dai hơn và tất nhiên là không thơm ngon bằng thịt bê tơ. Tỷ lệ các cơ quan nội tạng sẽ giảm theo tuổi và ngược lại độ béo sẽ tăng dần lên.

  1. Giới tính :

Thường thì bò cái thớ thịt nhỏ hơn bò đực, mô giữa các cơ ít hơn, thịt vị đậm hơn, vỗ béo nhanh hơn. Ngược lại bò đực có tỷ lệ thịt xẻ cao hơn bò cái cùng độ tuổi vì bò cái có cơ quan sinh dục phát triển hơn bò đực. Trong quy trình vỗ béo người ta có thể thiến bò đực lúc 7 – 12 tháng tuổi để vỗ béo, nếu bò thiến sớm để vỗ béo thì thịt bò sẽ mềm hơn và béo nhanh hơn.

  1. Khối lượng lúc giết mổ :

Khối lượng bò đưa vào giết mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như : Giống, khả năng tăng trọng, thời điểm tích lũy nạc lớn nhất, chế độ nuôi dưỡng, hệ số tiêu tốn thức ăn, thị trường và giá cả…

  1. Dinh dưỡng và phương thức vỗ béo :

Kỹ thuật chăn nuôi thâm canh bò thịt hiện nay là chọn lọc những bê khỏe mạnh của các giống cao sản chuyên thịt, đưa vào nuôi dưỡng với chế độ thâm canh cao để đạt được khối lượng giết mổ cao nhất ở giai đoạn bê sinh trưởng với cường độ cao nhất ( dưới 24 tháng tuổi ). Các khẩu phần ăn khác nhau sẽ cho tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh khác nhau khi giết mổ.

nuôi bò thịt

Dù vỗ béo theo phương thức nào, vỗ béo sớm hay vỗ béo muộn, đối với bò thịt trước khi giết mổ bắt buộc phải có công đoạn vỗ béo. Vỗ béo là dùng biện pháp dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng làm cho khối lượng con vật tăng nhanh và phẩm chất thịt được cải thiện. Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào phương thức vỗ béo, thức ăn, giống, độ béo của bò. Thời gian vỗ béo quá ngắn thì thịt sẽ nhiều nước, thời gian vỗ béo thích hợp thì chất lượng thịt sẽ cao hơn.

Khẩu phần thức ăn vỗ béo cho bò giàu đạm và nhiều sắt thì thịt bò sẽ đỏ đậm, khẩu phần thức ăn có nhiều bột bắp thì mỡ bò sẽ vàng, thịt thơm ngon và khẩu phần thức ăn có tỷ lệ các phụ phẩm công nghiệp thì thịt bò có thớ lớn và nhiều mỡ giắt ( mỡ giữa các lớp thịt ).

Điều cần chú ý khi nuôi bò thịt

Trong và năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, trong đó đáng chú ý là việc khôi phục và phát triển đàn bò địa phương. Ngoài ưu thế về chi phí thức ăn thấp, sử dụng thúc ăn không cạnh tranh với người, giải quyết công lao động nông nhàn. Nghề nuôi bò còn có một ưu thế quan trọng là sản phẩm cuối cùng là bê và thịt có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đạt được cao nhất, người chăn nuôi cần biết những yếu tố cơ bản sau:

Đặc điểm sinh lý :

– Với bò đực : Tuổi bắt đầu phối giống từ 24 – 26 tháng tuổi và thời gian sử dụng phối giống tất nhất là từ 2 – 6 năm tuổi.

– Đối với bò cái : Tuổi thành thục sinh dục 18 – 24 tháng tuổi, chu kỳ động dục trung bình là 21 ngày, thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày và thời gian động dục trở lại sau khi sinh con 60 – 70 ngày.

Chọn giống

Chọn những con tốt, thân hình vạm vỡ, mình tròn, phía mông và vai phát triển như nhau giống hình trụ. Nên biết rõ nguồn góc và tính năng SX của đòi bố mẹ.Một số giống bò được nuôi phổ biến tại Việt Nam :- Giống bò nội : Bò vàng Việt Nam ( Bosindicus ) .- Giống bò lai ngoại : Con lai Zêbu ( nhóm bò Zêbu gồm các giống: Redsindhi, Sahiwal, Brah-man đỏ, Brahman trắng, Ongole ).

Chuồng trại

– Xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát và có màng lưới bao xung quanh chuồng để chống ruồi, muỗi và các côn trùng khác xâm nhập ( trong chăn nuôi hộ gia đình ).

– Nền cứng, không trơn trượt và có độ dốc để dễ thoát nước.

– Diện tích tối thiểu : 2,5 – 3m2/con bò thịt.

– Máng ăn và máng uống nên làm bằng xi măng đặt theo chiều dài hành lang phân phối thúc ăn.

– Cần có biện pháp xử lý phân để hạn chế ô nhiễm môi trường chung quanh và lây lan cỏ dại.

Thức ăn :

– Nguồn thức ăn chủ yếu của bò gồm các loại cỏ tươi, rơm rạ, cỏ khô, thức ăn xanh thô và củ, quả…

– Ngoài ra nên sử dụng thức ăn ủ chua hoặc rơm được kiềm hóa và thức ăn tinh chế chủ động trong việc tìm thức ăn cho bò.

– Trong chăn nuôi bò thịt, mỗi gia đình cần dành 500 – 1.000m2 đất để trống các loại cỏ như cỏ voi, cỏ sả, cỏ lông tây, cây bình linh… để lấy thức ăn cho bò.

Chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo

– Bò cái chửa : Cần cho ăn uống đầy đủ, tránh cày kéo nặng, đặc biệt là ở những tháng chửa cuối cùng. Nhu cầu ăn mỗi ngày là: 25 – 30kg cỏ tươi, 2kg rơm, 1 kg thức ăn tinh và 20 – 30g muối.

– Bò cái nuôi con. Ngoài khẩu phần trên, cần cho thêm các thức ăn củ quả tươi và thức ăn tinh để bò cái tăng khả năng tiết sữa nuôi con.

– Bê con : Tập cho bê con ăn cỏ khô từ tháng thứ 2, cỏ tươi và củ quả từ tháng thứ 4 và cai sữa từ tháng thứ 6. Khi trời nắng ấm nên cho bê con vận động tự do. Nhu cầu ăn mỗi ngày 5 – 10kg cỏ tươi, 0,2 – 0,3kg thức ăn tinh.

– Bê từ 6 – 24 tháng: Trường hợp nuôi chuồng phải thường xuyên cho bò, bê ra sân vận động từ 2-4 giờ/ngày. Nhu cầu ăn một ngày: 10 – 15kg cỏ tươi và cho ăn thêm các thức ăn tận dụng khác như ngọn mía, dây khoai, rơm rạ, cỏ khô, cỏ ủ chua và củ quả thay thế.

– Để có bò thịt đạt khối lượng cuối cùng khi giết thịt từ 250-300kg lúc 24 tháng tuổi cần nuôi vỗ béo bò trong khoảng 80-90 ngày trước khi bán bằng thức ăn tinh 1 kg/con/ ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chế phẩm sinh học từ trùn quế

Các nhà khoa học ở Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và phân bón cho cây. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng.

Trong nông nghiệp, trùn quế được coi là loại thức ăn đạm cao cấp cho vật nuôi. Các loài cá, baba, tôm, ếch, lươn, cua biển… đều rất thích ăn trùn. Đối với gia súc, gia cầm, trùn là loại thức ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, trùn quế tươi chỉ có thể để không quá một ngày ở nhiệt độ thường nên rất khó lưu trữ.

Từ thực tế đó, TS Võ Thị Hạnh cùng các cộng sự thuộc Phòng Vi sinh Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân bón cho cây… Các chế phẩm này có thể được bảo quản, lưu trữ trong thời gian dài, từ 6-10 tháng.

Một ưu điểm nổi trội của các chế phẩm này là vẫn giữ nguyên mùi trùn tươi, các chất dinh dưỡng không bị mất đi hoặc biến chất theo thời gian. Chế phẩm đầu tiên là BIO-T, dùng làm thức ăn cho tôm sú, cá tra, gà lương phượng và vịt xiêm. Điều đáng nói là nếu sử dụng trùn quế tươi phải cần một lượng nhiều gấp 10 lần so với BIO-T mới có hiệu quả tương tự. BIO-T được sản xuất bằng cách sử dụng trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi khuẩn hữu ích và enzyme tiêu hóa dùng trong chăn nuôi, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu dinh dưỡng (đạm protein và amin cao), enzyme tiêu hóa, vi khuẩn hữu ích và các chất kháng sinh…

Chế phẩm thứ hai là BIO-BL, đã được dùng để bón cho cây trà ô long và một số cây hoa màu, cây kiểng… Kết quả sau khi sử dụng cho thấy búp trà tươi, màu sắc đẹp hơn, mùi hương của trà cũng thơm hơn. BIO-BL được tạo thành từ trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi sinh vật hữu ích và enzyme dùng trong trồng trọt, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu đạm protein và amin cao, enzyme tiêu hóa có hoạt lực cao, vi khuẩn hữu ích…

Chế phẩm BIO-PT được tạo ra bằng cách dùng phân trùn ủ lên men, sản phẩm làm ra có mùi thơm, độ ẩm 40%, đạm tổng 2%, chất hữu cơ, kháng sinh và hỗn hợp vi khuẩn hữu ích. BIO-PT dùng để gây màu và xử lý nước ao nuôi tôm dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Nhóm tác giả cho biết ưu điểm của phương pháp chế biến trùn quế bằng công nghệ vi sinh là không cần dùng thiết bị đông lạnh hay thiết bị sấy nên không tốn chi phí điện, năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng. Việc có thêm các chế phẩm sinh học mới có giá thành rẻ góp phần làm cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt phát triển tốt hơn.

 

 

Các hình ảnh về trùn quế và chuồng nuôi trùn quế

Nguồn : Báo NLĐ, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

5 lưu ý vàng trong chăn nuôi cút

Với nguồn lợi kinh tế cao, chăn nuôi cút là lựa chọn được nhiều hộ gia đình ở nông thôn tìm đến trong thời gian qua. Tuy nhiên, ít người biết rằng môi trường sống giữ một vai trò vô cùng quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của chim. Do đó, trước khi bắt tay vào chăn nuôi, bà con hãy tìm hiểu 5 lưu ý dưới đây để đạt được hiệu quả cao nhất.

chim cút

1.    Nhiệt độ thích hợp

Trong chăn nuôi cút, mỗi một giai đoạn phát triển khác nhau đòi hỏi cần có mức nhiệt khác nhau sao cho phù hợp với thân nhiệt của chim.

Thông thường, nhiệt độ phù hợp với chim cút non là 35-24o C, chim cút đẻ là 18-25oC. Trong điều kiện nóng quá hay lạnh quá sẽ khiến chim chậm phát triển, đẻ không đều ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhiệt độ cũng sẽ khiến ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm xáo trộn chu kỳ đẻ trứng bình thường của chim. Vì vậy trong chăn nuôi, bà con cần giữ chuồng nuôi với nhiệt độ ổn định là tốt nhất.

2.    Không gian thoáng mát

Tương tự như những loại gia cầm khác, chăn nuôi cút đòi hỏi bà con cần chú ý đến việc giữ sạch môi trường sống cho chim. Tốt nhất chuồng nuôi nên được đặt ở nơi có vị trí cao, thoáng mát. Trong điều kiện này, không khí cần phải trong lành với các khí độc hại như NH3, H2S… không được vượt quá 0,3%.

3.    Giữ yên tĩnh

Đặc tính của chim cút là khá nhút nhát nhưng thính giác và thị giác rất phát triển nên chúng dễ bị kích động bởi các tác động của môi trường, đặc biệt là các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, người lạ. Do đó, để tạo điều kiện môi trường sinh trưởng, sinh sản tốt, bà con cần giữ một môi trường yên tĩnh tối đa. Trong trường hợp phát hiện nhiều tiếng động lạ hay người lạ, chim có thể bay lên đột ngột dẫn đến đập đầu vào chuồng. Trong trường hợp thường xuyên xuất hiện tiếng ồn, chim có thể bị stress dẫn đến mặc bệnh.

4.    Vệ sinh

Tình hình thời tiết biến động thất thường, dịch bệnh dễ dàng phát triển và lây lan có thể khiến việc chăn nuôi cút của bà con gặp nhiều kho khăn. Do đó, bà con cầu chú ý đến khâu giữ gìn vệ sinh chuồng trại

, xây dựng một môi trường chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hợp vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi để cho cút phát triển.

Trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng chế phẩm sinh học “Vườn Sinh Thái” cho chim cút khá phổ biến trong các hộ chăn nuôi. Đây là cách giảm ô nhiễm môi trường giảm chi phí thức ăn hiệu quả, giúp chăn nuôi cút có độ an toàn cao, rủi ro thấp. Vì vậy, bà con có thể tìm hiểu phương pháp này để áp dụng hiệu quả cho mô hình của gia đình mình.

5.    Đề phòng mèo chuột

Chim cút là một trong những món ăn béo bở của cả chuột và mèo. Do đó, khi xây dựng chuồng trại, bà con cần lưu ý đến thiết kế sao cho có thể chống các động vật nguy hại và nguy hiểm này. Tốt nhất bà con nên bố trí chuồng nuôi ở vị trí cao, xây kín đáo cũng như đặt bẫy chuột ở những vị trí cần thiết.

Ngoài những lưu ý cơ bản trên, để chăn nuôi cút hiệu quả đòi hỏi bà con chú ý đến rất nhiều yếu tố khác như lựa chọn con giống, chế độ ăn cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh cho chim. Khi có được những kiến thức cơ bản nhất, chắc chắn việc chăn nuôi sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam