Phòng, trị côn trùng ký sinh trên da trâu bò

Ruồi, chấy, rận, bọ chét, ve, ghẻ, trong số đó, có nhiều loài ký sinh trên da trâu bò ở nước ta, gây tác hại lớn nhất là ve, ghẻ, rận, ruồi trâu và mòng.

Phòng bệnh:

– Tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc trâu bò, bê, nghé. Tắm cọ thường xuyên, nhốt riêng gia súc bị rận, ghẻ, ve.

– Phát quang đồng cỏ quá rậm rạp, thực hiện việc đốt đồng cỏ trước mùa mưa, luân canh đất canh tác có tác dụng diệt ve, tiêu nưới để trừ ruồi trâu, các chất độn chuồng đem đốt, phân đem ủ kỹ đúng kỹ thuật có tác dụng diệt ghẻ và ấu trùng ruồi mòng.

Trị bệnh:

Biện pháp cơ giới đơn giản nhất đối với ruồi trâu và mòng là đập chết.

Dùng hoá chất: Thuốc bôi, tắm, phun… Có thể dùng một trong các loại thuốc sau để tiêu diệt các động vật chân đốt ký sinh ngoài da gia súc như: Dipterex; Pyrethroids tổng hợp; Permethrin; Cypermethrin; Spinosad; Amitraz… (Cách sử dụng từng loại thuốc trên theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

 Thuốc tiêm: Dùng Ivermectin tiêm dưới da với liều 0,2 mg/kg thể trọng, tiêm trong 2-3ngày liền và tiêm nhắc lại sau 10 ngày để diệt nội, ngoại ký sinh trùng gia súc.

 Dùng thuốc nam: Các loại hạt có chất độc để diệt ghẻ như: Hạt thàn mát, hạt máu chó, hạt củ đậu, giã nhỏ hoà với dầu ăn bôi lên chỗ ghẻ của gia súc. Sau 9 ngày bôi lại lần 2 diệt những con ghẻ mới nở.

Dùng lá cây thuốc lá diệt rận: 50 gram giã nhỏ cho 1 lít nước, cắt gọt lông gia súc, xát thuốc ngâm lá thuốc lá lên trên da gia súc mắc bệnh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Châu âu có thể dùng ấu trùng ruồi làm thức ăn nuôi gà, lợn

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại để cung cấp nguồn thức ăn giàu protein cho gia súc, gia cầm.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) khẳng định việc sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi không làm tăng rủi ro sinh học hoặc hóa học so với các hình thức chăn nuôi nào khác, New Atlas hôm 6/9 đưa tin. Côn trùng có thể trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi tốt giúp con người thoát khỏi tình trạng thiếu hụt protein toàn cầu.

EFSA sử dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, Hà Lan, Bỉ để thực hiện báo cáo về những rủi ro môi trường khi nuôi côn trùng trong trang trại. Kết quả cho thấy, nếu chất nền nuôi côn trùng không chứa protein có nguồn gốc từ chất thải người hoặc động vật nhai lại, khả năng côn trùng phát triển các protein bất thường gây bệnh như bệnh bò điên sẽ giảm.

EU đang nghiên cứu khả năng sử dụng ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn chăn nuôi.EU đang nghiên cứu khả năng sử dụng ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn chăn nuôi. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về quá trình tiêu thụ côn trùng của con người và động vật. Sự tích tụ của các hóa chất như kim loại nặng hoặc asen là một trong những vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét dữ liệu và cân nhắc thực hiện dự án PROteINSECT do Quỹ EC tài trợ nhằm kiểm tra độ an toàn cũng như khả năng nuôi ấu trùng ruồi trong trang trại làm thức ăn chăn nuôi.

Kể từ năm 2013, các thành viên của dự án PROteINSECT đã làm việc với các chuyên gia châu Âu, Trung Quốc, châu Phi để nghiên cứu đưa hai loài ấu trùng ruồi vào chế độ ăn của gà, lợn, cá. Họ nuôi ấu trùng bằng chất thải hữu cơ, sau đó phân tích chất lượng và mức độ an toàn của nguồn thức ăn mới.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ thịt toàn cầu dự kiến tăng 72% từ năm 2000 đến năm 2030. Do đó, nguồn cung cấp protein trong thức ăn gia súc cần tăng lên nhanh chóng.

Việc nuôi côn trùng trong trang trại để cung cấp protein cho chăn nuôi sẽ giúp giải phóng đất để trồng cây, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của con người và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi cấy thịt gia súc

Thịt gia súc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành nông nghiệp toàn thế giới.

               Nuôi cấy thịt gia súc

Chỉ trong 10 năm nữa, con người có thể thoải mái ăn thịt gia súc mà không sợ mắc bệnh truyền nhiễm hoặc gặp phải thịt nhiễm độc. Không những thế, con người còn thoát được “tội sát sinh” và môi trường trái đất cũng được bảo vệ tốt hơn. Nghe có vẻ như trong tiểu thuyết viễn tưởng, nhưng nhóm chuyên gia đang đi tiên phong trong lĩnh vực nuôi cấy thịt gia súc trong phòng thí nghiệm khẳng định: Phát kiến của họ có thể thay đổi chế độ ăn uống trên toàn cầu trong vòng 1 thập niên nữa.

Ích lợi của thịt cấy

Hãng tin CNN dẫn lời nhà khoa học Jason Matheny thuộc nhóm nghiên cứu New Harvest (Mỹ) cho biết: thịt gia súc nhân tạo có rất nhiều ưu điểm. “Chúng ta có thể kiểm soát một cách chính xác lượng mỡ trong thịt. Chúng ta có thể tạo ra thịt bò với tỷ lệ a-xít béo lý tưởng”, ông Matheny nói.

Công nghệ sản xuất thịt và chăn nuôi gia súc hiện là một trong những nguồn gây ra nhiều căn bệnh cho con người, như cúm gia cầm, bệnh bò điên, nguồn gây nhiễm khuẩn salmonella. Các nhà khoa học cam đoan sản phẩm thịt cấy của họ được tạo ra trong một môi trường vô rùng, điều kiện mà những trại chăn nuôi hoặc lò sát sinh không bao giờ có được.

Quy trình sản xuất thịt thông thường cũng tạo ra gánh nặng đối với môi trường. Tác động của ngành chăn nuôi đối với sự thay đổi khí hậu toàn cầu đã được nêu rõ trong báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc. Các tổ chức như Greenpeace và Friends of the Earth đã chứng minh chuyện những cánh đồng trồng đậu nành để phục vụ cho việc nuôi gia súc đã góp phần tàn phá rừng Amazon. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu ban đầu của Đại học Oxford (Anh) cho thấy thịt gia súc cấy sẽ giảm hơn 80% lượng khí thải carbon so với chu trình sản xuất thịt bình thường.

Lợi nhuận khổng lồ

Như vậy làm sao để sản xuất được thịt gia súc nhân tạo? Nhóm của ông Jason Matheny cho hay thịt cấy sẽ được tạo từ các mẫu của động vật đã bị giết thịt theo cách thông thường. Ví dụ, “thịt heo” được làm từ buồng trứng của heo nái đã được thụ tinh với tinh trùng heo tại lò mổ, sau đó biến trứng thành dạng phôi thai. Lúc đó các nhà khoa học sẽ đặt chúng vào môi trường đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển.

Ngoài những lợi ích thiết thực cho sức khỏe con người và môi trường, động lực chính đằng sau cuộc nghiên cứu thịt cấy chính là lợi nhuận khủng khiếp của ngành khai thác thịt gia súc. Theo thống kê của New Harvest, ước tính thị trường thịt trên toàn cầu đang tạo ra doanh thu 1.000 tỉ USD/năm, và nhu cầu này dự tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Nhà nghiên cứu Matheny cũng cho biết tập đoàn đầu tư tài chính Kleiner Perkins Caufield & Buyers (Mỹ) tỏ vẻ hứng thú với dự án khoa học của ông, trong khi Stegman – công ty cung cấp xúc xích cho tập đoàn thực phẩm Sara Lee – hiện là đối tác của New Harvest. Chính phủ Hà Lan cũng đã đầu tư khoảng 4 triệu USD vào công trình nghiên cứu thịt gia súc nhân tạo.

Xem ra, điều còn lại khiến giới khoa học lo lắng chính là phản ứng của người tiêu dùng. Liệu họ có đồng ý đổi miếng thịt lấy từ một con bò được nuôi theo cách bình thường để lấy dòng “thực phẩm Frankenstein”?

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đặc điểm lợn rừng của thái lan

Để đáp ứng nhu cầu thị trường các giống gia súc bản địa và hoang dã đang được các đơn vị chăn nuôi đã đầu tư và khai thác những đỉặc tính quý, một trong những động vật hoang dã được nhiều người Việt Nam ưa chuộng đó là lợn rừng. Thuần hóa lợn rừng, lai tạo với lợn nhà đang được nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi của nước ta nghiên cứu và ứng dụng. Người chăn nuôi ở Việt Nam biết và quan tâm đến các giống vật nuôi của Thái Lan trong đó có lợn rừng. Lợn rừng Thái Lan đang rất được người chăn nuôi và người tiêu dùng ưa chuộng do những đặc tính ưu việt: thịt thơm ngon, ít mỡ, nhiều nạc giá trị cao nhưng đầu tư thấp, chi phí thức ăn ít, thời gian nuôi ngắn, dễ nuôi, sinh sản tốt, tỷ lệ sống cao và ít bệnh tật.

Đặc điểm của lợn rừng Thái Lan

1. Tập tính sinh sống

Lợn rừng thường sống theo bầy đàn đông đến 50 con, sống dựa vào nhau để đảm bảo an toàn. Vì lợn rừng không chịu nắng nóng nên thường thích kiếm ăn về đêm, thích ngâm mình dưới bùn để thải nhiệt, đuổi côn trùng, ký sinh trùng trên da. Hiện nay lợn rừng Thái Lan được thuần dưỡng tại nhiều cơ sở chăn nuôi và sử dụng các sản phẩm theo ý muốn của con người.

2. Ngoại hình

– Lợn rừng Thái Lan có thân hình thon, mình mỏng, dáng cao, mặt nhọn hình tam giác, mõm dài, tai dựng đứng, nhỏ, mắt lồi trông dữ tợn, ở má có vệt lông màu trắng chạy vắt qua mũi. Mũi lợn rừng rất thính, linh hoạt, mềm nhưng rất khỏe (lợn thường dùng mũi để đào bới, tìm thức ăn).

lợn rừng Thái Lan

– Lông dài, cứng, màu lông nâu hoặc đen. Thường lỗ chân lông thành búi lông, mỗi búi có 3 gốc lông nhưng mỗi lỗ có 1 lông. Lông bờm màu đen đậm, mọc từ gáy dọc theo sống lưng cho đến mông.

– Đuôi nhỏ, ngắn, chỉ dài đến khoeo chân. Chân lợn rừng nhỏ thon, móng nhọn. Vai cao hơn hông.

– Lợn rừng cái có 2 dãy vú, mỗi dãy 5 núm vú, da rất dày. Con cái trưởng thành nặng trung bình 90 – 100 kg. Trung bình 1 lứa đẻ từ 8-12 con.

– Con đực trưởng thành nặng trung bình 100 – 120 kg. Lợn rừng đực có 4 nanh dài chĩa ra ngoài là phương tiện để kiếm thức ăn và là vũ khí lợi hại thể hiện sức mạnh.

– Lợn rừng con sinh ra có lông sọc giống trái dưa gang (vệt lông màu trắng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi lợn trên 2 tháng tuổi, các vệt sọc này không còn nữa.

3. Sinh sản và trưởng thành

Lợn rừng Thái Lan 7 – 8 tháng tuổi có thể trọng 40 – 60kg có thể cho phối giống sinh sản. Thời gian mang thai của lợn rừng giống lợn nhà (khoảng 114 ngày). Thời gian đẻ (từ con đầu đến con cuối) 2 – 4 giờ. Quá trình đẻ diễn ra theo tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người. Lợn rừng đẻ 2-2, 5 lứa/ năm, lứa đầu (con so) đẻ 4 – 6 con, lứa thứ 2 trở đi từ 7 – 12 con. Lợn rừng sơ sinh có tầm vóc nhỏ, khối lượng bình quân 0,5 – 0,9kg/con. Lợn con 1-2 tháng tuổi: 5 – 10kg, 3 – 4 tháng tuổi: 15 kg-20kg, 8-12 tháng: 60 – 70 kg, khi trưởng thành: trên 100 kg.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Chăm sóc nuôi dưỡng lợn rừng con

1. Giai đoạn lợn con mới sinh ra

– Lợn rừng con khi đẻ ra cho uống men tiêu hóa Lactomin 1 gói/1 đàn. Ngày hôm sau cho uống kháng thể KTE (làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

– Cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt (sữa của lợn nái 3 ngày đầu sau đẻ).

– Cố định vú bú, giữ cho những con yếu, nhỏ trong đàn được bú 2 cặp vú đầu liên tục trong 2-3 ngày đầu để giúp đàn lợn con phát triển đồng đều.

– Tiêm sắt cho lợn con: lần 1 tiêm 3 ngày sau đẻ, liều 1ml (100mg). Lần thứ 2 tiêm vào ngày thứ 10 sau đẻ, liều 2ml (200mg).

– Nếu thấy lợn con có hiện tượng đi ỉa ta lấy lá ổi, lá khổ sâm, phèn đen, nhọ nồi giã ra lấy nước bơm trực tiếp vào miệng lợn con.

2. Giai đoạn lợn rừng con trước cai sữa

– Cho lợn con tập ăn từ lúc 15-20 ngày tuổi bằng cám tập ăn 951.

– Trung bình 1 con lợn con cho ăn khoảng 0,1kg/ngày. Cho ăn 5 bữa/ngày.

– Lượng thức ăn cho lợn ăn tăng dần hàng ngày.

 lợn rừng con được chăm sóc trong chuồng

– Cho lợn làm quen dần với thức ăn bằng cách bôi thức ăn vào miệng lợn con.

(*) Cách tập ăn cho lợn con:

– Hòa thức ăn thành dạng sền sệt rồi bôi lên mép, miệng lợn con, đầu vú lợn mẹ vài lần sẽ làm cho lợn con quen dần với mùi thức ăn và sẽ tìm đến nơi có thức ăn.

– Cố định nơi để máng ăn để lợn con quen chỗ ăn. Cho lợn ăn 5 – 6 bữa/ngày, mỗi lần cho ăn nên để máng ăn 2-3h rồi bỏ ra vệ sinh sạch sẽ, 1-2h sau lại cho thức ăn mới vào. Làm như vậy vài lần trong ngày sẽ kích thích tính tò mò của lợn con kèm theo mùi thơm của thức ăn sẽ thu hút lợn con.

– Khi lợn con tập ăn được nhiều hơn sẽ ngăn lợn mẹ ra, cho lợn con ăn tăng dần nhưng không được cho ăn no sẽ dẫn đến tiêu chảy, chướng bụng. Cho lợn con ăn xen kẽ các loại rau, cỏ mần trầu, các loại cây thuốc nam.

3. Giai đoạn lợn con tách mẹ (cai sữa)

– Thời gian lợn con tách mẹ từ 35 – 45 ngày tuổi (tùy vào thể trạng tăng trưởng của lợn con và điều kiện thời tiết).

– Cho lợn con tập ăn từ 1-10 ngày đầu kể từ ngày cai sữa: 0,2 kg (50 % cám tập ăn 951 + 50 % cám tập ăn 952). Cho ăn 5 bữa trong ngày.

– Sau 10 ngày đến giai đoạn lợn hậu bị cho ăn 0,2 kg cám tập ăn 952 + 0,2 kg cám trộn (cám mì+cám ngô). Cho ăn 5 bữa trong ngày.

– Khẩu phần ăn tăng dần cho đến khi lợn đạt khoảng 15 kg thì chuyển sang chế độ ăn của lợn rừng hậu bị.

4. Điều kiện chuồng nuôi

– Chuồng nuôi phải khô ráo, ấm áp, được che chắn để tránh gió lùa.

– Những ngày đầu lợn con mới tách mẹ nên giữ nhiệt độ chuồng nuôi tương đương nhiệt độ chuồng nuôi trước cai sữa. Nhiệt độ thích hợp cho lợn con sau cai sữa từ 25-27 độ C. Thay đổi nhiệt độ chuồng nuôi đột ngột sẽ rất có hại cho lợn con, đặc biệt vào mùa đông lợn dễ bị viêm phổi.

– Quan sát đàn lợn để biết nhiệt độ chuồng nuôi:

+ Lợn đủ ấm: con nọ nằm cạnh con kia.

+ Lợn bị lạnh: nằm chồng chất lên nhau, lông dựng, mình mẩy run.

+ Lợn bị nóng: nằm tản mạn mỗi con 1 nơi, tăng nhịp thở

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam