Trồng cây so đũa lấy lá nuôi dê

Anh Đỗ Văn Tú, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bước đầu đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng bằng lá so đũa. Anh Tú nói, để nuôi đàn dê nái, dê thịt, anh đã phải trồng 200 cây so đũa để lấy lá cho dê ăn…

Cây so đũa được trồng để lấy lá cho dê ăn

Nuôi dê là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân (ND) vùng ven thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lựa chọn. Quỹ Hỗ trợ ND của Hội ND đã giúp nhiều hộ có vốn đầu tư xây dựng mô hình.

Phù hợp với nông dân ít vốn

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiện nay đang được nhiều ND trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu lựa chọn, bởi dê là loài vật dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và những hộ vốn ít.

Được Hội ND thị xã Vĩnh Châu giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê nhốt chuồng của nhiều hộ ND trên địa bàn. Theo đó, Khánh Hòa là một trong những phường có nhiều hội viên ND thành công từ mô hình này. Ông Nguyễn Văn Dễ – Chủ tịch Hội ND phường Khánh Hòa cho biết: “Mô hình nuôi dê ở địa phương được triển khai thực hiện năm 2016 từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của thị xã, với nguồn vốn ban đầu là 50 triệu đồng, chia đều cho 4 hộ vay. Thấy được việc chăn nuôi dê có hiệu quả, nhiều bà con ở phường đã làm theo. Toàn phường có 945 hội viên ND thì có tới hơn 60 hội viên nuôi dê”.

Anh Đỗ Văn Tú ở khóm Kinh Ven -1 trong những hộ được vay vốn từ Quỹ HTND đầu tư nuôi dê nhốt chuồng tâm sự: “Với số tiền 12,5 triệu đồng được vay từ Quỹ HTND, tôi mua 7 con dê giống. Chuồng dê được tôi đổ cột bê tông cố định nên bền và chắc. Do chăm sóc tốt nên đàn dê của gia đình tôi tăng nhanh số lượng, hiện nay có 13 con dê nái và dê thịt thương phẩm”.

Chặt từng cành so đũa non cho dê ăn, anh Tú phấn khởi chia sẻ thêm: “Tôi mới bán 3 con dê thịt, thương lái vào tận nhà mua với giá 90.000 đồng/kg. Nuôi dê chi phí thấp, chỉ cần nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để mua con giống, chịu khó và học hỏi thêm kinh nghiệm thì có thể có thu nhập. Hơn nữa, dê rất dễ nuôi, nguồn thức ăn rất đa dạng gồm tất cả các loại cây tạp, nhưng để cho dê bóng và đẹp thì phải cho ăn thêm lá cây so đũa. Hiện nay, tôi đang trồng trên 200 cây so đũa mới đủ nguồn thức ăn cho dê”.

Tuyên truyền để nhân rộng

Gia đình anh Thái Văn Pha cùng ở khóm Kinh Ven cũng là 1 trong những hộ bước đầu thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Từ số tiền được vay của Quỹ HTND, anh Pha mua 4 con dê giống về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước cộng thêm sự siêng năng, cần cù, đàn dê của anh Pha ngày càng phát triển.

Dẫn chúng tôi ra tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, anh Pha phấn khởi cho hay: “Nuôi dê nhốt chuồng chi phí thấp, nguồn thức ăn của dê rất dễ kiếm, chủ yếu các phế phẩm nông nghiệp. Thường thì một con dê nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lần chỉ đẻ 2 con nhưng con dê nái nhà tôi lần này đẻ được 3 con dê cái. Hiện gia đình tôi có 7 con dê cái, tôi sẽ để nhân giống mở rộng đàn”.

Cho dê ăn lá cây so đũa

Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho dê ăn để tránh dê bị đau bụng. Từ thành công bước đầu của nhiều hộ nuôi dê nhốt chuồng ở phường Khánh Hòa, Hội ND thị xã Vĩnh Châu sẽ tuyên truyền để nhân rộng ở những địa phương phù hợp, qua đó giúp ND có thêm thu nhập từ nghề chăn nuôi mới…

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trang trại hoa lan trên vùng đất nắng

Anh Phan Thanh Sang – 30 tuổi; chủ trang trại hoa lan ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng – đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỉ đồng để trồng các giống hoa lan nhiệt đới theo công nghệ cao ở tỉnh Ninh Thuận.

Đầu năm 2015, sau nhiều lần xuôi ngược khảo sát ở các tỉnh miền Trung, anh Sang quyết định trồng thử nghiệm 1 ha một số giống lan nhiệt đới như hồ điệp, dendro, mokara, ngọc điểm tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Sau gần một năm theo dõi khả năng sinh trưởng, anh nhận thấy vùng đất Lâm Sơn thích hợp với hầu hết giống lan nhiệt đới. Từ đó, năm 2016, anh đầu tư 15 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 5 ha với khoảng 200.000 chậu hồ điệp, hơn 31.000 cây mokara, 3.000 cây ngọc điểm, 3.000 cây lan trầm.

Anh Sang đã đặt tên trang trại hoa lan là YSA Orchid Lâm Sơn. Tại trang trại này, hoa lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quạt thông gió, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, bón phân, đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm.

Anh Sang cho rằng vùng đất Lâm Sơn có nhiệt độ ban đêm 21-24 độ C, ban ngày hơn 30 độ C, rất phù hợp để lan nhiệt đới phát triển. “Cây con sau khi trồng khoảng 15-18 tháng sẽ được đưa lên Đà Lạt tiếp tục dưỡng thêm 4-5 tháng thì cho hoa, xuất bán” – anh Sang nói.

Trang trại hoa lan YSA Orchid Lâm Sơn

Với niềm đam mê hoa lan từ nhỏ, anh Sang đang là chủ 3 trang trại. Trang trại tại TP Đà Lạt chuyên trồng các loại địa lan. Hai trang trại ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trồng các giống hoa lan nhiệt đới. Một số giống địa lan, hồ điệp, mokara được anh tự nhân giống bằng công nghệ cao nuôi cấy mô.

Hiện nhiều hoa lan của trang trại YSA Orchid đã xuất bán cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và cả Campuchia với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình từ nghề trồng lan, ông chủ Phan Thanh Sang còn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng.

Sau thành công của trang trại lan nhiệt đới trên vùng đất nắng Lâm Sơn, anh Sang đang sưu tầm, nghiên cứu nhân giống một số loài lan rừng ở Ninh Thuận nhằm bảo tồn các giống lan đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng. “Nếu bà con trong tỉnh muốn đầu tư trang trại trồng hoa lan, tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng và liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác để cùng phát triển” – anh Sang bộc bạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Những năm qua, tôm càng xanh trên ruộng lúa đã bắt đầu “bắt nhịp” trên đồng đất Thới Bình và rải rác ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước. Từ hiệu quả ban đầu, người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn còn là câu hỏi lớn.
Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Người dân huyện Thới Bình đang bước vào thu hoạch tôm càng xanh và lo lắng mất giá nếu thu hoạch đồng loạt.

Hiện nay, diện tích tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Thới Bình gần 12.000 ha, tăng khoảng 4.000 ha so với năm 2016. Đây là năm tăng diện tích nuôi đột biến của huyện trong nuôi tôm càng xanh.

Sự đột biến trên ngoài nguyên nhân do người dân nhận thấy tính hiệu quả của mô hình mà tự ý mở rộng diện tích, còn phải kể đến sự “cộng hưởng” từ việc đầu tư những mô hình mới. Ví như dự án “tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270 ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.

Ngoài ra còn có sự “góp mặt” của mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ với hình thức cho tôm càng xanh ăn dặm trên diện tích thí điểm 12 ha. Mô hình này đang hứa hẹn 1 kết quả “đẹp” về năng suất.

Những lợi ích “kép” mà tôm càng xanh trên ruộng lúa mang lại trong thời gian qua không cần bàn cãi. Mô hình này vừa thích ứng với điều kiện tự nhiên, nhất là ít rủi ro về dịch bệnh, vừa hạn chế sử dụng hoá chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch, tăng thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Bạch Đằng, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm càng xanh từ năm 2013, hiệu quả khá cao, tầm khoảng 150-200 kg/ha/năm. Năm nay thấy bà con nuôi đại trà, không biết thương lái có ép giá không. Theo tôi biết thì vùng trên giá cũng cao, mà ở đây chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg”.

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, không ai có thể khẳng định chắc chắn việc phát triển diện tích ồ ạt như hiện nay thì nguồn tôm nguyên liệu sẽ bán đi đâu. Và cuối cùng người có thể chịu thiệt vẫn là những nông dân chân lấm tay bùn.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Tuấn An cho biết: “Chi phí thả tôm càng xanh trên ruộng trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/ha, nhưng lãi cao vì không tốn tiền thức ăn. Về đầu ra thì hiện tại chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc thương lái, địa phương cũng có khuyến cáo nhưng do nông dân tự phát mở rộng diện tích”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng, từ mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ, năm nay huyện sẽ liên kết với trường tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Địa phương sẽ liên kết, tìm những người có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con. Giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt vào cao điểm mà thu hoạch lúa trước, để tôm lại chờ qua Tết, tôm lớn bán được giá hơn, vừa giải quyết tình trạng sản lượng ồ ạt mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hoa Tết công nghệ cao “chiếm lĩnh” các nhà vườn

Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, năm nay, nhiều nhà vườn tại Phố núi Pleiku (Gia Lai) đã quyết định chuyển sang trồng các giống hoa hiện đại, lai tạo thay cho những loại hoa truyền thống để phục vụ thị trường Tết sắp đến.

Khu vườn nhỏ của anh Bùi Trọng Hưng tại tổ dân phố 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku đã gần như được phủ kín bởi hơn 600 chậu hoa sống đời, mai dạ thảo, hồng, cát tường, ớt kiểng… đang mơn mởn lá xanh. Một góc đất trống còn lại, anh dành để xuống giống thêm một số loại hoa ngắn ngày khác như: vạn thọ mỹ, cẩm chướng. Năm nay, hoa thược dược, mào gà, lay ơn… anh tạm thời không trồng nữa vì quá ít người mua; riêng cúc pha lê, anh Hưng giảm số lượng giống lại chỉ còn 150 chậu lớn nhỏ.

“Có thể nói đây là thời của hoa công nghệ cao, hoa lai tạo, ngoại nhập. Chúng rất đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc, phù hợp với nhiều không gian khác nhau mà giá thành bán ra cũng chẳng quá cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Điều này bắt buộc người trồng hoa chúng tôi muốn sống được với nghề phải thay đổi cách thức trồng và cập nhật thêm các giống hoa mới lạ thay vì cứ giữ khư khư các loại hoa truyền thống trước giờ”-anh Hưng bày tỏ.

Đang phụ con trai chăm sóc mấy chậu sống đời, bà Đỗ Thị Tam (84 tuổi, mẹ anh Hưng) không khỏi ngậm ngùi. Bà kể rằng gia đình bà tận ngoài Bắc xa xôi vào đây theo diện kinh tế mới từ những năm 50 của thế kỷ trước, gắn bó với nghề trồng hoa đã 6, 7 thập niên. 4 trong số 8 người con của bà sau này cũng tiếp nối cái nghề “ươm xuân” của bố mẹ. Dù biết phải thích ứng với thị trường, song nhìn những sắc hoa truyền thống dần khan hiếm và mai một trên chính mảnh đất của mình, bà Tam lại cảm thấy chạnh lòng. Vì vậy, bà vẫn căn dặn các con mình giữ lại ít chậu vạn thọ để trồng vào mỗi mùa hoa Tết.

Cách đó không xa, chủ nhân của những nhà vườn trên đường Tôn Thất Tùng (thuộc tổ dân phố 17, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cũng đang tất bật xuống giống và chăm sóc những “đứa con tinh thần” để chúng kịp khoe sắc trong ngày Tết cổ truyền sắp đến. Khác với xóm Hoa Lư, nơi đây mặc nhiên không thấy xuất hiện bất kỳ loài hoa truyền thống nào. Tất cả đều là hoa kiểng được trồng trong những chiếc chậu nhỏ xinh, xếp ngay ngắn dưới đất hoặc treo lơ lửng trên giàn lưới.

Hoa công nghệ cao “chiếm lĩnh” không gian tại các nhà vườn.

Vừa giúp chị gái tỉa lá, bỏ bớt hoa trên những chậu ớt kiểng, em Nguyễn Thị Mỹ Phương vui vẻ cho biết: “Vì thời tiết nắng ấm nên ớt ra hoa sớm. Muốn ớt không đậu trái và chín trước Tết thì phải ngắt hết đợt hoa này đi để chúng trổ hoa khác. Năm nay, vườn hoa của gia đình em có khoảng hơn 20 loại, chủ yếu là các loài hoa được nhiều người tìm mua như: sushi, baby, cẩm chướng, cúc đài loan, cúc 7 màu, thọ pháp, mai dạ thảo, dạ yến thảo, dừa cạn, thài lài tía, sống đời, triệu chuông, phong lữ… Thường thì trước Tết, thương lái hay đến tận nhà đặt hoa rồi chở đi bán nơi khác chứ gia đình em không tham gia chợ hoa Xuân”.

Theo chia sẻ của nhiều chủ nhà vườn, đa số giống hoa được họ nhập về từ Đà Lạt, chỉ có một số ít là tự ươm. Hoa thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển khá nhanh, cho bông đẹp. Việc chăm sóc cũng không cần quá kỳ công vì rễ cây khỏe, ít sâu bệnh và có thể chịu được nắng mưa thất thường.

Ngoài sức tiêu thụ mạnh, khi trồng hoa công nghệ cao bán Tết, người trồng hoa không lo bị thua lỗ nếu chẳng may ế ẩm. Bởi lẽ, thay vì phải vứt bỏ như một số loại hoa đặc trưng khác, họ có thể mang về chăm sóc lại và tiếp tục bán cho những ai có nhu cầu hoặc bỏ mối trang trí tại các quán cà phê, ăn uống, vui chơi… trên địa bàn thành phố.

Người trồng hoa kỳ vọng vào một mùa hoa Tết khởi sắc.

“Ngày thường, giá bán mỗi chậu hoa dao động từ 25.000 đồng đến 120.000 đồng tùy từng loại hoa và kích cỡ; mức giá này có thể nhỉnh hơn ít nhiều trong dịp Tết. Mong rằng năm nay thị trường hoa khởi sắc để người trồng hoa như nhà em có được cái Tết trọn vẹn” – Phương kỳ vọng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lợi ích kép từ trồng cây ăn trái xen canh cà phê

Sau hơn 10 năm trồng thử sức với mô hình cây ăn trái xen canh trong vườn cà phê, ông Phạm Đình Dũng (thôn Đăk Kđem, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã và đang được hưởng những trái ngọt khi thu về hiệu quả kinh tế cao. Trên một diện tích nhưng ông trồng được cả cà phê, sầu riêng, bơ đã cho thấy hiệu quả kép của mô hình này.

Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân trong làng, gia đình ông Phạm Đình Dũng chỉ trồng thuần cà phê trên diện tích hơn 3.000m2. Năm 2005, khi giá cà phê xuống thấp, ông đã nghĩ đến việc chuyển đổi trồng cây ăn trái thay cho cà phê. Tuy nhiên, chặt cà phê thì tiếc, ông tính cứ trồng xen canh rồi sau này cây lớn sẽ quyết định.

Vậy là ông gửi người mua 11 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép ở tận Bến Tre về trồng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, tìm hiểu, ông Dũng nhận thấy cây sầu riêng không làm ảnh hưởng gì tới sự phát triển của cây cà phê, vì vậy ông quyết định giữ lại cả hai loại cây trồng. Đáng nói hơn, cả hai loại cây đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích kinh tế kép cho gia đình ông Dũng.

Việc xen canh sầu riêng không làm ảnh hưởng tới suất năng của cà phê.

Ông Phạm Đình Dũng chia sẻ: Lúc đầu, tôi chỉ tìm thử một loại cây trồng mới xem sao thôi. Không ngờ, cây hợp đất nên phát triển rất tốt, 4 năm sau, những cây sầu riêng bắt đầu cho trái bói, đến năm thứ 5 cho thu quả ổn định. Tuy nhiên, do ban đầu chưa nắm rõ kỹ thuật nên mặc dù cây ra rất nhiều trái nhưng tỷ lệ đậu quả không cao, khi chín bị sượng và chỉ chín ồ ạt vào giữa mùa nên không bán được giá. Đến năm 2011, tôi nhờ con trai lên internet tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, cách can thiệp để quả ra sớm, đậu nhiều, chín đều… và áp dụng vào quá trình chăm sóc. Từ đó, vườn sầu riêng cho ra quả nhiều, quả nhỏ cũng được vài ký, quả to lên tới 5-6kg, sầu riêng chín sớm nên bán rất được giá. Năm ngoái, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 80 triệu đồng tiền sầu riêng; năm nay, giá bán thấp nhất 45.000 đồng/kg, giá cao nhất tới 90.000 đồng/kg, tôi bán được 120 triệu. Cá biệt, có một cây thương lái mua trọn gói 20 triệu đồng.

Mấy năm nay, tên tuổi sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người sành ăn biết đến. Nhiều người tìm đến tận nhà ông mua hoặc gọi điện thoại đặt hàng rồi ông Dũng mang giao tận nơi. Điều đặc biệt khiến sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người nhớ tới đó là ông luôn để sầu riêng chín rụng tự nhiên, không bao giờ cắt sớm; ông cũng chỉ bán khi quả chín vừa đủ.

Dẫn tôi thăm vườn cà phê trĩu quả xen lẫn những cây sầu riêng to bự, cao vút bắt đầu ra trái non đầy cành, ông Dũng chỉ: Cô thấy không, cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn nhiều quả hơn khi trồng độc canh vì chúng được hưởng cả phần dinh dưỡng khi bón cho sầu riêng. Những cây sầu riêng cũng được hưởng lợi khi mình chăm sóc cà phê nên có thể nói việc xen canh là nhất cử lưỡng tiện. Với tôi, sầu riêng là cây xen canh nhưng giờ lại là cây cho thu nhập chính, hiệu quả gấp 2- 3 lần so với cà phê.

Với thành công từ vườn sầu riêng xen canh, từ năm 2012- 2013, ông Phạm Đình Dũng mạnh dạn tiếp tục mở rộng mô hình xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê của gia đình mình. Tuy nhiên, dù sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng ông không chăm chăm vào một loại cây, mà lần này ông Dũng lại thử sức với cây bơ sáp trên diện tích hơn 4.000m2 cà phê. Năm ngoái, những cây bơ đầu tiên đã cho thu bói; năm nay, hầu hết vườn bơ đều cho thu quả.

Ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen sầu riêng, bơ với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê; tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô. Song điều quan trọng nhất trong việc trồng xen này là giúp cho mình tránh được thua lỗ khi độc canh một loại cây trồng, phòng trường hợp giá cà phê xuống thấp mình vẫn có nguồn thu từ các loại cây trồng khác. Hơn nữa, hiện nay, giá các loại trái cây sầu riêng, bơ, luôn khá cao và ổn định nên thu nhập còn vượt trội hơn nhiều.

Thấy được hiệu quả kinh tế của việc xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê của cha mình, chị Phạm Thị Lượm – con gái ông Dũng cũng học tập và làm theo. Tuy nhiên, điểm khác của vườn cà phê trồng xen cây ăn trái của nhà chị Lượm là trong cùng vườn cà phê, chị trồng xen cả sầu riêng và bơ chứ không chỉ xen 1 loại bơ hoặc sầu riêng như của ông Dũng. Với khoảng 20 cây sầu riêng năm nay cho thu bói, chị Lượm cũng đã thu về gần 30 triệu đồng, từ sang năm, bơ cũng bắt đầu cho thu quả.

Có thể nói, trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê là một phương thức đa dạng hoá cây trồng hay, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi rắn ráo trâu đem lại thu nhập trăm triệu

Bắt đầu triển khai từ năm 2014, đến nay mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình chị Trần Thị Linh (thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Nuôi ý chí làm giàu nhưng lại chịu cảnh đất chật người đông của vùng quê Vĩnh Phúc, năm 1996, vợ chồng chị Trần Thị Linh (sinh năm 1965) đưa nhau vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, quyết chí khởi nghiệp trên vùng đất mới.

Không nản chí sau những lần thất bại liên tiếp trong nuôi dê, nuôi bò do nhà neo người lại không có công và thời gian chăm sóc, tháng 11/2014, gia đình chị Linh đã chọn cho mình một hướng đi mới và táo bạo: nuôi rắn ráo trâu – một loại rắn không độc, có giá trị kinh tế cao.

Chị Linh chia sẻ: Trước khi đến với mô hình này, tôi đi học hỏi ở ngoài quê Vĩnh Phúc. Ở đó, cứ 100 nhà thì có đến 95 nhà nuôi rắn ráo trâu, do đó, tôi cũng mạnh dạn nuôi giống này…

Trang trại nuôi rắn mang lại cho gia đình chị Linh thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ban đầu, gia đình chị Linh bán đàn bò và trút hết số vốn 200 triệu đồng để mua 150 con rắn giống, xây dựng chuồng trại với diện tích 50m2, chia làm 90 ô chuồng ngay trong vườn cao su của gia đình tại thôn 6.

Dù quy mô chuồng trại khá khiêm tốn nhưng các dãy chuồng được gia đình bố trí ngăn nắp, thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ. Mỗi ô chuồng được thiết kế với chiều cao 80cm, rộng 80cm, nền tráng xi măng, lót đất khô, đệm lót sinh học, xung quanh xây bằng gạch, bên trên được đậy cẩn thận, an toàn bằng lưới sắt, mỗi ô chuồng nuôi nhốt từ 4-5 con tùy vào nhóm rắn, đảm bảo không gian cho rắn sinh trưởng và phát triển.

Ngoài thiết kế chuồng trại đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật, nguồn thức ăn cho rắn cũng được gia đình chị Linh chủ động đảm bảo bằng phương pháp nuôi ếch làm thức ăn cho rắn.

Chị Linh cho biết thêm: Nuôi giống rắn này một tuần cho ăn một lần. Rắn rất ít bệnh tật, từ khi nuôi đến nay, trại rắn chưa xuất hiện bệnh tật gì, chỉ thất thoát số ít do chúng cắn nuốt nhau. Nguồn thức ăn thì trước đây tôi chịu khó đi bắt cóc, ếch, nhái cho ăn. Hai năm nay, tôi xây mấy bể nuôi ếch, cho ếch ăn bằng bắp, cám, rồi lấy ếch làm thức ăn cho rắn, như vậy là sẽ đỡ phần nhân công đi bắt ếch, nhái. Ngoài ra, tôi mua thêm 2 tủ đông lạnh khoảng 20 triệu để cho thức ăn vào, hết mùa nuôi, tôi tích góp dự trữ thêm. Mỗi năm tôi chỉ hết tầm 6-7 triệu tiền thức ăn cho rắn bố mẹ.

Hiện nay, gia đình chị Linh đang nuôi 150 con rắn, trong đó có 100 con bố mẹ từ 2 đến 3 năm tuổi, nặng 2,5 – 3kg. Với sự mạnh dạn và cách làm khoa học, chỉ sau hơn 1 năm triển khai, gia đình chị đã thu được 100 triệu đồng; trong đó có 80 triệu tiền bán trứng với giá 140 ngàn đồng/quả và 20 triệu đồng từ bán rắn đực thương phẩm.

Riêng từ đầu năm đến nay, với giá thị trường từ 1- 1,5 triệu/con, gia đình chị thu thêm được 150 triệu tiền bán rắn giống, 90 triệu tiền trứng.

Ngoài ra, da rắn được gia đình thu gom bán cho các đại lý để làm thuốc, phân của rắn cũng được gia đình chị tận dụng bón cây trồng.

Phấn khởi trước hiệu quả mà mô hình mang lại, hiện gia đình chị Linh đang ấp ủ nhiều dự định để mở rộng quy mô cũng như giúp đỡ các hộ gia đình có nhu cầu học hỏi hướng làm giàu từ rắn ráo trâu.

“Tôi cũng muốn nhân rộng mô hình cho bà con ở đây. Tôi mong các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho nhân dân phát triển trang trại này vì nó rất hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn chưa ai mạnh dạn làm trang trại nuôi động vật hoang dã như thế này…” – Chị Linh nói.

Bên cạnh nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng từ mô hình rắn, gia đình chị Trần Thị Linh còn trồng thêm 3ha cao su, trong đó, có 1.200 cây đã cạo mủ và 1ha cà phê, ước tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đóng góp vào mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là thủy sản, rau quả, gạo, cao su…

Trong đó, rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 292 triệu USD.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (56,9%) và Trung Quốc (52,7%).

Gạo cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2017 ước đạt 389.000 tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với 39,8% thị phần.

Còn với mặt hàng cao su, do giá cao su tăng mạnh (giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2017 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016), nhu cầu tăng nên khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, chỉ tăng 8,2% về khối lượng nhưng tăng tới 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Chỉ riêng tháng 11, khối lượng xuất khẩu cao su ước đạt 143.000 tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%.

Mặt hàng thủy sản cũng là một điểm sáng của xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (67,9%), Hà Lan (47,5%), Anh (35%), Hàn Quốc (29,5%), Nhật Bản (22,2%) và Canada (22,7%).

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng có mức tăng nhẹ là chè (tăng 10,2% về khối lượng, 8,9% về giá trị ), hạt điều (tăng 1% về khối lượng, 23,2% về giá trị), gỗ (tăng 10,5%).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nông dân lo lắng vì cà phê được mùa mất giá

Giá giảm từng ngày

Theo người dân trồng cà phê ở Bình Phước, thời điểm đầu mùa vụ, giá cà phê luôn ổn định ở mức cao khiến bà con không khỏi trông đợi vào một vụ cà phê hiếm hoi được mùa, được giá để cứu vãn phần nào chi phí đầu tư sau một vụ mùa thất bát. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, giá cà phê đang dần đi xuống, thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tâm trạng chung của phần lớn người trồng cà phê ở Bình Phước là bất an, lo lắng vì năm nào cũng vậy, họ thường không làm chủ được thị trường và giá cả sau mỗi mùa thu hoạch.

Người dân lo lắng khi cà phê được mùa nhưng mất giá

Được mùa mất giá là điệp khúc thường xuyên mà người nông dân trồng cà phê ở Bình Phước thường phải đối mặt. Vụ mùa năm nay, giá cà phê xuống quá nhanh khiến người nông dân bị ảnh hướng rất nhiều tới cuộc sống. Nếu như thời điểm đầu mùa, giá cà phê ổn định từ mức 44.000 – 45.000 đồng/kg cà phê nhân thì nay giảm chỉ còn 37.000 đồng/kg. Trong khi đó chi phí đầu tư như phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… đã mất trọn khoản thu đó.

Với mức giá hiện tại, người trồng cà phê bị lỗ từ 5 – 6 triệu đồng/1 tấn cà phê. Quy ra với 1 ha cà phê, người dân mất trung bình hơn 20 triệu đồng do ảnh hưởng của giá cả xuống thấp. Hiện, người trồng cà phê ở Bình Phước đang hối hả thu hoạch sớm để có được mức giá đỡ “chua chát” hơn bởi giá cà phê đang xuống từng ngày mà không có tín hiệu tích cực hơn.

Theo ông Hồ Quốc Hưng, một thương lái chuyên thu mua cà phê trên địa bàn H.Đồng Phú (Bình Phước), giá cà phê bắt đầu giảm mạnh trong khoảng một tuần trở lại đây. Cứ mỗi ngày giá cà phê rớt trung bình 1.000 đồng/kg. “Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến bà con nông dân mà còn gây khó khăn đối vối cả những doanh nghiệp thu mua cà phê”, ông Hưng nói.

Theo phân tích của ông Hưng, giá cà phê xuống thấp bên cạnh việc ảnh hưởng mạnh tới đầu tư, công cán, phân bón, chăm sóc còn gây khó khăn cho các thương lái trong việc tiêu thụ. Ngoài ra, thương lái còn phải chịu khoản phí ứng trước của người dân để đầu tư, trong khi giá xuống thấp thì khoản thu hồi vốn sẽ gặp nhiều trở ngại.

Khó kiếm nhân công

Không chỉ khó khăn về giá cả mà tình trạng nhân công khan hiếm cũng là trở ngại không nhỏ với bà con khi sản lượng cà phê tăng lại đang vào chính vụ thu hoạch. Dù giá nhân công đã cao hơn so với năm ngoái nhưng nhiều hộ gia đình trồng cà phê ở Bình Phước vẫn không tìm được nhân công để thu hái.

Sản lượng cà phê cao nhưng mất giá nên tình trạng tìm kiếm nhân công rất khó khăn

Gia đình anh Nông Văn Táy (xã Nghĩa Bình, H.Bù Đăng) có hơn 3 ha cà phê 6 năm tuổi đang rất lo lắng trước tình trạng khan hiếm nhân công. “Cà phê đến kỳ phải thu hái nhưng không kiếm được nhân công. Bình thường giá nhân công tại chỗ chỉ khoảng 150.000 đồng/người/ngày, giờ tăng lên 200.000-220.000 đồng/ngày mà kiếm không ra. Riêng công hái khoán tính theo kg thì giá công lên đến 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Toàn bộ diện tích cà phê của gia đình tôi hái xong tiền công tốn khoảng 25 triệu đồng. Cộng với tiền chăm sóc, tiền phân bón, nước tưới… thì vụ mùa cà phê năm nay gần như chẳng thu được đồng lãi nào”, anh Táy ngao ngán cho hay.

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỳ lạ: Trồng rau trên cột nhựa, mang lại hiệu quả cao

Chỉ với khoảng sân thượng vỏn vẹn 12m² trên tầng 5, chị Vũ Ánh Tuyết (Hà Nội) đã thiết kế được một vườn rau khí canh với 9 trụ để trồng các loại rau ăn lá, ăn củ. Khác với quan niệm thông thường, vườn rau của chị mọc bám trên những cổ trụ nhựa, cây rau mọc nghiêng nhưng vẫn xanh tốt, năng suất cao.

Tranh thủ buổi sáng sớm trước khi đi làm, chị Vũ Ánh Tuyết ở ngõ 724, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) lên sân thượng tầng 5 của gia đình mình cắt một rổ rau cải đầy ắp rồi khoe: “Rau xanh, tốt, ngon mỡ màng. Nhiều khi lên đây nhìn vườn rau mà mê mẩn vì đẹp, đứng ngắm mãi không nỡ cắt”.

Vườn rau khí canh gồm 9 trụ với đủ các loại rau xanh

Chị Tuyết chia sẻ, nhà chị trồng rau trên sân thượng được hơn hai năm nay. Hồi đầu, chị trồng rau bằng đất, được một thời gian, do đất nặng, hàng ngày lại phải tưới nước cho rau nên trần nhà hay bị ẩm, có hiện tượng nứt; còn rau lại dễ bị sâu bệnh, chăm khá vất vả. Kể từ đó, gia đình chị bỏ không trồng rau bằng đất, chuyển sang trồng rau thủy canh, nhưng năng suất lại không cao.

Đến đầu tháng 8 năm nay, sau một thời gian mày mò, học hỏi từ bạn bè và trên mạng, anh Thắng, chồng chị đã tự mua các vật liệu về thiết kế vườn rau khí canh trên sân thượng. Trồng rau theo phương pháp này có nhiều ưu điểm. Mặc dù chi phí ban đầu khá cao, như mỗi trụ rau hết khoảng 1,5 triệu tiền vật liệu, chưa tính máy bơm, bút đo dinh dưỡng, chất dinh dưỡng,… Nhưng đổi lại, trồng bằng phương pháp này rất nhàn, không phải tưới rau hàng ngày, rau ít sâu bệnh, năng suất cao,…

Cách trồng khá đơn giản, hạt giống rau mình mua về ươm vào mút xốp (mút xốp đưa vào giá thể đặt lên trụ, khi trồng sẽ không bị mủn ra rơi vào trong trụ), khi hạt nảy mầm phát triển thành cây con đủ lá thì đặt vào giá thể rồi cho vào tháp là hoàn thành công đoạn trồng.

Ươm hạt giống trong mút xốp

Công đoạn chăm sóc thì hệ thống vườn khí canh đã có máy bơm tự động, hàng ngày sẽ bơm chất dinh dưỡng lên trụ trong vòng khoảng 15 phút liên tục rồi lại nghỉ 15 phút. Hai ngày thì phải tiếp chất dinh dưỡng một lần.

Chị Tuyết cho biết, từ công đoạn làm vườn, ươm giống, đưa rau lên tháp, tiếp chất dinh dưỡng đều do chồng chị tự tay làm, chị chỉ việc lên vườn cắt rau xuống chế biến.

Rau được chăm sóc đầy đủ chất dinh dưỡng nên vô cùng mơn mởn

Theo chị Tuyết, tuy mới trồng được mấy tháng nhưng phương pháp trồng rau khí canh trên sân thượng tầng 5 của gia đình chị khá thành công. Rau ăn lá thường được thu hoạch sau 20 ngày trồng với sản lượng trung bình đạt khoảng 50kg rau/tháng, dù nhà chị chỉ có 9 trụ rau khí canh.

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Gỡ bỏ 12 thủ tục sản xuất, kinh doanh chăn nuôi, thủy sản

Trong phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến sẽ bãi bỏ 12 thủ tục hành chính và quy định trong lĩnh vực này.

Nhiều thủ tục về Thẩm định điều kiện vệ sinh thú y sẽ được bãi bỏ

Các thủ tục và quy định này nằm rải rác trong nhóm thủ tục hành chính (TTHC) từ khi nuôi/sử dụng con giống đến phân phối, xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng số có 83 TTHC trong nhóm này. Trong đó: Lĩnh vực Chăn nuôi có 23 TTHC, lĩnh vực Thú y có 43 TTHC và lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có 17 TTHC.
Trong số 12 thủ tục xem xét bãi bỏ gồm 7 thủ tục ở lĩnh vực Chăn nuôi, 1 thủ tục trong lĩnh vực Thú y và 4 thủ tục của lĩnh vực Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Lĩnh vực Nông lâm sản và Thủy sản dự kiến bãi bỏ 4 thủ tục

Một số thủ tục điển hình được xem xét bãi bỏ như: Cấp giấy phép nhập khẩu giống vật nuôi ngoài danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh; Cấp giấy phép nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi; Kiểm tra giảm chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn; Các thủ tục về thẩm định điều kiện vệ sinh thú y (được quy định các dạng cơ sở cụ thể) do Trung ương và địa phương quản lý…

Nhiều thủ tục trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi được bãi bỏ

Ngoài 12 thủ tục đề nghị bãi bỏ trong nhóm thủ tục liên quan đến sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Bộ NN&PTNT đang dự kiến đơn giản hóa 49 thủ tục khác trong lĩnh vực này. Ước tính tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa TTHC nhóm này khoảng 27%, tổng chi phí tuân thủ TTHC tiết kiệm được hơn 483 tỷ đồng/năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam