Kỹ thuật khai thác và vận chuyển tôm hùm giống.

Tôm hùm hiện chưa thể sản xuất giống nhân tạo nên việc cung cấp con giống phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên. Để khai thác và vận chuyển tôm có hiệu quả, cần thực hiện đúng kỹ thuật.

Kỹ thuật khai thác và vận chuyển tôm hùm giống

Khai thác bằng lưới:

Ngư cụ khai thác là lưới trủ: Mắt lưới có kích cỡ 5mm (2a =5mm). Kích thước lưới phụ thuộc vào quy mô khai thác. Ðộ dài lưới dao động khoảng 100 – 150m, độ cao 4 – 6m.

Các hoạt động khai thác được tiến hành vào ban đêm .Sử dụng ánh sáng đèn neon có cường độ khoảng 1000 – 2000W.

Lưới được giăng xuống biển bằng thuyền vào khoảng 8 giờ tối, sau 4 – 5 tiếng (vào khoảng 12 – giờ khuya) lưới được kéo lên thuyền lần thứ nhất để thu gom những con tôm hùm giống dính lưới. Ngay sau đó, lưới được giăng tiếp xuống biển, vào khoảng 4 giờ sáng lưới được kéo lên lần 2. Một đêm khai thác thường kết thúc vào khoảng 5 giờ sáng của ngày hôm sau.

Những tôm hùm giống mắc lưới được gỡ ra rất nhanh và được lưu giữ trong các thùng nhựa tròn có thể tích 4 lít, khoảng 100-150 con/thùng và máy sục khí. Kích cỡ tôm giống thu được khá đồng đều, chúng trong suốt và chiều dài giáp đầu ngực chỉ dao động từ 7 – 8mm/con và trọng lượng từ 0,25 – 0,35 g/con.

Khi thuyền cập bến, tôm hùm giống được chuyển sang các thùng xốp với nước biển sạch. Kích thước của thùng là 30 x 50 x 25 cm, dưới đáy rải một lớp cát mỏng 5 -7mm. Mật độ lưu giữ khoảng 200 – 300 con/thùng và có sục khí liên tục. 

Tôm hùm giống mới nở

Khai thác bằng bẫy:

Loại bẫy được làm bằng lưới thường có chiều dài 60cm và đừơng kính khoảng 40cm. Riêng san hô được sử dụng làm bẫy có nhiều kích cỡ khác nhau tuỳ thuộc vào từng loại san hô. Ða số san hô tảng được chọn là những khối có trọng lượng khoảng 2-5kg, các lỗ trên bền mặt được khoan cách nhau khoảng 10 – 15cm, kích thước mỗi lỗ từ 2 – 2,5cm. Ðối với bẫy được làm bằng những gỗ cây cũng được khoan lỗ tương tự như đối với san hô.

Các loại bẫy được thả xuống nước ở độ sâu khoảng 4-5 m vào tháng 11 hàng năm, nghĩa là vào thời gian xuất hiện tôm hùm giống. Sau khoảng 3-5 ngày, khi bẫy đã ổn định ngư dân sẽ thu bắt tôm hùm hàng ngày vào các buổi sáng bằng cách giũ bẫy vào trong vợt lưới hoặc bắt chúng ra bằng tay từ các lỗ đã khoan. Kích cỡ con giống thu được khoảng 7,5 – 10 mm CL/con và trọng lượng xấp xỉ  0,3 – 1 g/con. Vào cuối tháng 5 bẫy cũng được thu lên bờ và cất giữ ở nơi thoáng mát để sử dụng cho mùa khai thác năm sau.

Với cách khai thác này, trong một diện tích thả bẫy khoảng 50 x 100m có thể thu gom được khoảng 50 – 200 con/ngày vào những tháng đỉnh cao như tháng 1 hoặc tháng 2 trong năm. Và tôm giống cũng được giữ trong các thùng xốp hoặc xô nhựa với nước biển có sục khí.

 Khai thác bằng lặn bắt:

Ðây là loại hình khai thác truyền thống của ngư dân miền Trung. Năm 1998 trở về trước, tôm hùm giống được khai thác chỉ bằng lặn bắt. Hình thức này đảm bảo con giống khỏe, với kích cỡ lớn từ 12 – 15 mm CL/con và trọng lượng 7 – 9 g/con. Song số lượng con giống được khai thác mỗi ngày tối đa chỉ được 100 – 150 con/thuyền/10 ngày/5 người vào mùa khai thác chính trong năm. Vào các tháng sau số lượng khai thác chỉ đạt 3 – 10% so với vụ chính.

Ngư dân khai thác và bán tôm hùm giống

Kỹ thuật vận chuyển tôm hùm giống:

Tôm hùm giống đã được vận chuyển bằng nhiều phương pháp khác nhau từ các vùng khai thác đến các vùng nuôi dọc ven biển miền Trung. Từ những số liệu điều tra cho thấy các hình thức vận chuyển đều đảm bảo tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt khoảng trên 80%

Phương pháp vận chuyển khô:

Thường được sử dụng để vận chuyển con giống lớn khoảng 30 – 100 g/con. Dụng cụ vận chuyển là các thàng xốp có kích thước 30 x 40 x 25 cm; hoặc 60 x 70 x 45 cm tùy thuộc vào số lượng giống cần vận chuyển. Mật độ tôm vận chuyển khoảng 150 – 300 con/thùng xốp. Thời gian vận chuyển khoảng 3 – 7 giờ với nhiệt độ được duy trì 21 – 22 0C bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi ni-lon kín. Tôm được giữ độ ẩm của nước biển bằng rong hoặc bằng khăn vải dày và chuyên chở bằng xe máy hoặc xe ôtô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt 90 – 95%.

Phương pháp vận chuyển nước

Ðược sử dụng để vận chuyển con giống nhỏ, từ post-puerulus (tôm trắng) đến juveniles (tôm bò cạp). Trọng lượng của cỡ giống này chỉ xấp xỉ 0,25 – 1 g/con, và rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường sống.

Dụng cụ vận chuyển cũng là các thùng xốp có kích cỡ 30 x 50 x 25 cm hoặc 45 x 60 x 35 cm. Dưới đáy thùng được phủ một lớp rong câu tươi hoặc một lớp cát dày 0,5 – 1cm. Ðổ nước biển sạch vào thùng xốp cao ngập cát hoặc rong khoảng 5 -7cm và sục khí trong suốt thời gian vận chuyển. Nhiệt độ nước được duy trì 21 – 220C với thời gian vận chuyển từ 5 – 15 giờ; và khoảng 23 – 25 0C với thời gian vận chuyển 3 – 5 giờ bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi ni – lon kín.

Tôm giống được đưa vào thùng xốp với mật độ 300 – 400 con/thùng nhỏ hoặc 700-1000 con/thùng lớn. Song hầu hết các phương tiện vận chuyển bằng xe máy thường sử dụng các thùng nhỏ vì tính gọn, nhẹ và dễ dàng xử lý trên đường vận chuyển. Thùng lớn được sử dụng khi chuyển giống với số lượng lớn bằng xe ô tô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển thường đạt 95 – 97%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Tôm hùm là loài có FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thành trọng lượng cơ thể) cao. Do đó, nuôi tôm hùm tốn rất nhiều chi phí cho thức ăn. Mặt khác, lượng thức ăn dư thừa trong lồng nuôi có thể làm môi trường nước bị ô nhiễm, gây bệnh cho tôm. Để khắc phục tình trạng này, nên kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học với thức ăn giúp tôm chuyển hóa thức ăn tốt hơn và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học

Chuẩn bị lồng nuôi

Vệ sinh lồng, kiểm tra khung sắt, lưới bọc khung trong, ngoài, sau đó di chuyển đến vị trí nuôi, là nơi kín gió, nguồn nước trong sạch, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, nước lưu thông tốt, chất đáy là cát, cát bùn có lẫn đá san hô nhỏ, vỏ động vật thân mềm. Sau đó đặt lồng trên nền đáy đã được dọn sạch, bằng phẳng.

Vùng nuôi có độ sâu: 7 m.

Độ mặn ổn định, dao động trong khoảng 30 – 350/00.

Lồng đặt cách đáy: 3 m.

Chọn giống:

Tôm hùm giống mới nở (tôm trắng)

Tôm trắng phải được kiểm tra kỹ, chọn mua ở nơi uy tín, nguồn giống khai thác tại địa phương nhằm tránh sự khác biệt về điều kiện môi trường, con giống chính vụ, khoẻ mạnh, bơi búng nhanh nhẹn, vỏ sáng bóng, có đầy đủ râu, chân và các phụ bộ khác, phát triển cân đối, đều cỡ, vì đây là giai đoạn tôm rất nhạy cảm với môi trường, sức đề kháng yếu, nếu chọn giống loài xoài, các đại lý thu gom nhiều ngày, lưu dưỡng cho đủ lượng để xuất bán thì sau này ương nuôi sẽ rất khó, tôm phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp.

Vận chuyển giống:

Buổi sáng sớm, dùng thùng xốp, kích cỡ 30 x 20 x 25 (cm), cho nước biển sạch vào 2/3 thùng, cho vào thùng 500 – 1.000 con, sục khí, vận chuyển đến vùng nuôi.

Xuống giống:

Khi tôm vận chuyển đến lồng nuôi, tiến hành thuần nhiệt độ cho đến khi gần bằng với nhiệt độ môi trường nuôi bằng cách cho dần dần nước từ môi trường nuôi vào thùng chứa tôm, sau 30 – 60 phút, tôm hồi phục sức khỏe hoàn toàn, tiến hành thả tôm ra lồng nuôi.

Mật độ ương nuôi:

Đối với tôm trắng: 90 con/m2. Sau 60 ngày, san thưa tôm với mật độ: 20 – 30 con/m2. Sau 90 ngày, san thưa tôm với mật độ: 15 – 20 con/m2.

Khi san thưa mật độ đồng thời phải phân đều theo cỡ tôm.

Quản lý, chăm sóc

Mỗi ngày cho tôm ăn 1 lần thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn (E.M trộn với trùn) vào buổi sáng. Lượng cho ăn 01 ngày: 15 – 20% trọng lượng đàn tôm (5 – 7 g/100 con tôm mới thả nuôi). Thành phần thức ăn: cá tạp, giáp xác (tôm, cua): 100%.

Chế phẩm sinh học E.M

Trộn đều 25 – 50 ml E.M trùn với 1 kg thức ăn cắt nhỏ, để 15 – 20 phút cho thuốc thấm đều vào thức ăn, sau đó cho tôm ăn.

Hàng ngày lặn xuống kiểm tra lồng, tình trạng hoạt động, sức khỏe tôm, kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để có hướng xử lý kịp thời.

Định kỳ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường nuôi sạch sẽ, thông thoáng.

nuôi tôm hùm, nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học, dùng chế phẩm sinh học nuôi tôm, nuôi tôm, kỹ thuật nuôi tôm

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm nuôi

Thu hoạch

Sau 3 tháng ương nuôi, tôm trắng chuyển sang giai đoạn tôm bò cạp, (tôm hùm xanh đạt 50 – 60 g/con, tôm hùm bông đạt 100 – 150 g/con), tổ chức thu hoạch chuyển qua lồng nuôi thương phẩm.

Thực hiện quy trình, khi cho tôm ăn “Thức ăn + chế phẩm sinh học E.M trùn” các phản ứng chủ yếu làm sạch môi trường, tối ưu hóa sức đề kháng cho tôm hùm nuôi xảy ra như sau: Phản ứng E.M trùn làm sạch môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; Phản ứng phân hủy khí độc NH3 làm sạch môi trường. Như vậy, chế phẩm sinh học E.M trùn vừa làm sạch môi trường, biến chất độc thành chất không độc, có lợi, vừa giúp tôm tăng sức đề kháng, ăn mạnh, lớn nhanh, không bị bệnh, quá trình nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Nuôi tôm hùm thương phẩm đang gặp một số bệnh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng. Nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm hùm để kịp thời hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nuôi, là rất cần thiết.

Phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi

Phòng bệnh tổng hợp

Để quản lý môi trường người nuôi cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, xa các nguồn nước thải, nền đáy không bị ô nhiễm, không đặt lồng sát đáy. Vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng lưu lượng dòng chảy. Định kỳ treo các túi vôi quanh lồng nuôi, nhất là khi xuất hiện bệnh. Loại bỏ thức ăn thừa ra khỏi lồng nuôi. Về vấn đề kiểm soát tác nhân gây bệnh, người nuôi nên chú ý tránh các xây xát cơ học như vận chuyển, đánh bắt, chuyển lồng… và phòng tránh ký sinh trùng gây hại. Chọn tôm hùm giống chất lượng tốt, khỏe mạnh; thời gian lưu trữ tôm giống không quá 48 giờ từ khi khai thác ở biển đến lúc thả ương nuôi. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh, nhằm hạn chế lây lan.

Thức ăn tươi được bảo quản tốt, được sát trùng bằng thuốc tím trước khi cho ăn. Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, loại bỏ các cá thể yếu, vỏ lột xác và điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp từng thời điểm. Bổ sung Vitamin C liều 5 – 10 g/kg thức ăn, acid amin, khoáng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Trị một số bệnh

Bệnh đỏ thân.

Bệnh đỏ thân ở tôm hùm

Nguyên nhân gây bệnh là do nước và đáy khu vực lồng bè bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa nhiều, vệ sinh kém, gây nhiễm khuẩn Vibrio. Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng, chết hàng loạt. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

Trị bệnh bằng cách tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracyline 0,5 – 2 g/m3 nước. Tắm trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Hoặc trộn Docyxyline vào thức ăn được bao dầu với lượng 3 – 7 g/kg thức ăn trong 5 – 7 ngày.

Bệnh đen mang.

Tôm hùm bị đen mang

Bệnh do nấm Fusarium gây ra khi lồng nuôi bẩn, môi trường nước bị ô nhiễm. Làm cho mang bị tổn thương chuyển thành màu đen và khi bệnh nặng toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Bệnh thường xảy ra ở tôm hùm giai đoạn trưởng thành.

Có thể tắm cho tôm bằng Formalin nồng độ 10 – 20 ml/mtrong 5 – 10 phút, trong 2 – 4 ngày để trị bệnh. Lưu ý, tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở lồng khác.

Bệnh trắng râu.

Râu 1 chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở tôm con, làm cho tôm chết hàng loạt. Nguyên nhân là do tôm bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp.

Trị bệnh bằng việc tắm cho tôm bằng dung dịch Formalin nồng độ 15 – 25 ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút, liên tục 5 – 7 ngày. Đồng thời, treo các túi vôi giữa các lồng nuôi.

Bệnh đóng rong.

Ðộ trong của nước cao làm khả năng xuyên sâu ánh sáng lớn khiến rong tảo phát triển mạnh.Tôm ít hoạt động, kém ăn chậm lớn, chu kỳ lột xác chậm.

Trị bệnh: bắt những con tôm bệnh tắm bằng formol với nồng độ 100 – 200ppm (1 -2 ml formol/10 lít nước), trong thời gian từ 5 – 10 phút.

bệnh sữa

Tôm hùm bị bệnh sữa

Bệnh sữa ở tôm hùm do vi khuẩn Rickettsia – like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.

Khi phát hiện tôm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% chứa LA và nước cất để pha. Với tôm hùm < 500 g/con, pha thuốc chứa 1ml Oxytetracyline 20% + 9ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), lắc đều, liều tiêm là 0,1ml thuốc đã pha/100g tôm. Với tôm > 500 g/con thì pha thuốc chứa 2ml Oxytetracyline 20% + 8ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), liều tiêm là 0,05ml thuốc đã pha/100g tôm. Sau khi tiêm thuốc tiến hành ghi chép và theo dõi 2 lần/ngày khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Ngoài ra, tôm hùm còn có thể mắc một số bệnh khác (bệnh to đầu, bệnh mềm vỏ, bệnh phồng mang, bệnh đóng hàu, sụn…). Bệnh chủ yếu phát sinh do môi trường ô nhiễm, tôm suy dinh dưỡng, kém ăn, khó lột xác. Những bệnh trên tỷ lệ xuất hiện không cao, tôm chết rải rác, không gây thiệt hại cho người nuôi; nếu biết ngăn ngừa, kiểm soát và thực hiện tốt khâu phòng bệnh tổng hợp thì sẽ tránh được các bệnh này.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi Tôm hùm bông trong bể

Tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, giá thị trường hiện tại khoảng 1250000đ/kg. Ở nước ta tôm hùm được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Tôm hùm có nhiều hình thức nuôi, phổ biến là nuôi trong lồng và nuôi trong bể.

Nuôi tôm hùm bông trong bể là mô hình nuôi tiên tiến, năng suất có thể đạt 5kg/m2, tỉ lệ sống trên 80% và có thể kiểm soát được các bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt như bệnh sữa, đỏ thân, hoại tử…

Tôm hùm bông

Kỹ thuật nuôi tôm hùm bông trong bể

Chọn địa điểm nuôi

Địa điểm nuôi đảm bảo chủ động được nguồn nước biển để nuôi tôm hùm bông phải có độ mặn ổn định quanh năm 30-35‰, nước không bị nhiễm bẩn chất thải công nghiệp, thuốc trừ sâu hay hóa chất độc hại khác, các chỉ tiêu thủy hóa phù hợp điều kiện sống của tôm hùm bông (độ cứng < 5, pH 7 – 8; NH3  < 0,01 mg/lít; NO2  < 0,05 mg/lít; Fe2+ khoảng 0,1 mg/lít; nhiệt độ < 310C).

Vị trí xây dựng trại nuôi tôm hùm thuận lợi về giao thông, điện, gần vùng có nguồn tôm giống phong phú để dễ khai thác và vận chuyển về cơ sở nuôi. Xây trại nuôi tôm hùm nơi có cấu tạo địa chất ổn định, không bị lún, sạt lở, địa hình bằng phẳng để thuận tiện khi cấp và tiêu nước, bơm nước biển dễ dàng.

Hệ thống bể nuôi

Bể nuôi tôm hùm có diện tích đáy 100 m2. Bể nuôi có dạng hình tròn đường kính 5,7 m, sâu 1,6 m hoặc dạng hình vuông có mỗi cạnh 10 m; mặt đáy nghiêng 5% về phía lỗ thoát nước, ống thoát nước có kích thước 114 mm nằm giữa bể.

Trong hệ thống nuôi tôm hùm thiết kế bể lọc sinh học tuần hoàn và bể ly tâm. Bể lọc sinh học tuần hoàn có 4 ngăn dạng hình chữ nhật, kích thước ngăn thứ nhất: 1,5m x 5 m x 1,6 m; 3 ngăn còn lại có kích thước 1,5 m x 5 m x 0,8 m. Bể ly tâm có đường kính 2 m; cao 1,6 m.

Bể chứa nước đã lọc qua hệ thống lọc sinh học tuần hoàn có thể tích từ 4 đến 30 m3.Bơm trực tiếp nước biển có độ mặn 30 – 35‰ vào bể chứa nước ngoài trời. Xử lý diệt khuẩn mầm bệnh có thể có trong nước biển bằng Chlorine, nồng độ 30 – 40 ppm. Sục khí mạnh liên tục 48 – 72 giờ. Tắt sục khí và kiểm tra nồng độ Cl  dư thừa, dùng thiosunphat để trung hoà Cl  trong trường hợp dư Cl.

Bơm nước đã xử lý vào hệ thống bể nuôi tôm hùm (bể nuôi, bể chứa và bể lọc sinh học) ở trong nhà, mức nước cấp 1,4 m.

Vận hành 2 máy bơm nước được lắp đặt ở bể chứa nước đã qua bể lọc tuần hoàn. Do chênh lệch thế năng, nước tự chảy từ bể nuôi tôm hùm về bể ly tâm để tham gia chu kỳ tuần hoàn nước.

Nuôi tôm hùm bông trong bể

Chọn và thả tôm hùm giống

Chọn mua tôm giống nơi gần nhất với trại nuôi và thả tôm hùm giống có cùng ngày tuổi (cùng giai đoạn phát triển).

Vận chuyển tôm hùm giống từ nơi mua về cở sở nuôi bằng phương pháp vận chuyển hở có sục khí, sử dụng thùng xốp kích thước 0,4 m x 0,4 m x 0,6 m để vận chuyển, mật độ khoảng 500 con/thùng.

Mật độ tôm giống thả nuôi 10 con/m2.

Thức ăn và cách cho ăn

Hiện nay chưa có thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm nên phải dùng thức ăn tự nhiên để nuôi tôm. Để hạn chế chất thải trong bể nuôi, cần sơ chế như sau :

Cá tạp : rửa sạch cá bằng nước mặn rồi cắt cá theo chiều ngang thân, kích thước lát cắt 1 – 2 cm. Làm sạch cá đã cắt bằng nước ngọt nhiều lần; sau đó cấp đông để cho ăn trong nhiều ngày.

Tách vỏ ghẹ, cắt bỏ phần phần mang (cơ quan hô hấp) và phần bụng, cắt ghẹ làm 2 hoặc 4 phần; sau đó rửa sạch ghẹ bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông để cho tôm ăn trong nhiều ngày. Loại bỏ vỏ sò và xoang màng áo; sau đó rửa sạch thịt sò bằng nước ngọt nhiều lần rồi cấp đông cho tôm hùm ăn.

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm

Đối với tôm hùm còn ở giai đoạn con giống, thức ăn phải được sơ chế bằng cách chỉ lấy phần thịt của cá, ghẹ, sò đem cắt nhỏ; sau đó rửa sạch bằng nước ngọt rồi cấp đông cho tôm hùm giống ăn nhiều lần.

Cho tôm ăn 3 lần/ngày, lượng thức ăn cho tôm ăn trong 2 tháng đầu từ 20 đến 30% trọng lượng thân. Những tháng nuôi sau giảm còn 15 – 20% trọng lượng thân. Sau khi cho ăn 1 – 2 giờ thì kiểm tra lượng thức ăn thừa, nếu còn thì vớt ra hết.

Quản lý và chăm sóc

Hằng ngày đo các yếu tố môi trường (nhiệt độ nước, pH, O­2 hoà tan, NH3, NO2 và NO3, H2S).

Định kỳ 15 – 30 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 50 – 70% nước cũ và bổ sung nước mới; 60 – 90 ngày thay 100% nước cũ, vệ sinh đáy bể nuôi và bổ sung nước mới.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi qua việc quan sát tôm sử dụng thức ăn, để xử lý kịp thời.

Thời gian nuôi và thu hoạch

Giống như nuôi tôm hùm ngoài biển, thời gian nuôi tôm hùm trong bể 18 – 20 tháng, tôm đạt khối lượng 0,7 – 1,3 kg/con thì thu hoạch; có thể thu những con lớn trước nhỏ sau hoặc thu toàn bộ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ copefloc cho năng suất cao

Copefloc sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn viên công nghiệp.

Công nghệ Copefloc – công nghệ gây nuôi thức ăn tự nhiên

Để gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ Copefloc cho năng suất cao, sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 – 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics).

Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ.

        Giun nhiều tơ và các loài động vật thân mềm sống đáy trong ao nuôi copefloc

Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trước khi thả giống tôm.

Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao.

Trong quá trình nuôi không cần cho ăn; thay vào đó người nuôi phải quản lý, duy trì quần thể và mật độ thức ăn tự nhiên, lượng biofloc trong ao nuôi. Thu mẫu và tính toán mật độ copepod hằng ngày bằng cách dùng xô, chậu lấy 50 – 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi.

     Đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho tôm nuôi. 

Sau đó lọc qua lưới phiêu sinh, kích thước mắt lưới 50 – 70 µm, cho vào lọ 60 ml, cố định bằng formol 2 – 4%. Dùng pipet lấy 1 ml và đếm dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X, bằng phương pháp di chuyển buồng đếm theo tọa độ. Từ đó tính toán được mật độ của copepod và điều chỉnh lượng chế phẩm sinh học bón xuống ao làm thức ăn cho copepod và sinh vật trong ao nuôi.

Để kích thích sự hình thành và duy trì tính ổn định của biofloc, cần bổ sung biofloc mồi và bổ sung nguồn cacbon vào hệ thống nuôi. Có rất nhiều nguồn cung cấp cacbon: bột ngũ cốc, mật rỉ đường, bột bã mía, rơm, cỏ. Duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/l trong suốt chu kỳ nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Làm giàu từ mô hình nuôi sò huyết trong ao tôm

Mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn, giúp các hộ dân thoát nghèo và hiện tại đang được nhân rộng ở các tỉnh phía Nam, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

                                                sò huyết của bà con nông dân

Hộ anh Nguyễn Quốc Trạng ở ấp Kênh Lớn, xã Đông Thới (Cái Nước, Cà Mau) có hơn 1 ha đất vuông tôm. Đầu năm, anh thả hơn 300 kg sò giống (chi phí 27 triệu đồng). Sau 9 tháng nuôi thu được 137 triệu, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu.

Không riêng gì gia đình anh Trạng, rất nhiều bà con trong vùng có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi sò. Có hộ nuôi thành công nhiều năm nay và được bà con địa phương đặt cho cái biệt danh thật thân thương gắn liền với con sò.

Ông Tám “sò” (ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người nuôi sò đầu tiên ở Cái Nước) đã xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ nuôi sò, ông mua thêm được 5 công đất.

Ông Tám chia sẻ, nhiều năm trước, bà con sống chủ yếu dựa vào con tôm, con cua nhưng chỉ đủ ăn. Khi mô hình nuôi sò trong vuông tôm hình thành, nhiều hộ phất hẳn lên. Có của ăn của để, còn mua thêm được đất.

“Hồi đó thấy sò huyết sinh sống và phát triển tốt ở các cửa biển rồi vào cả các tuyến kênh nối biển. Nhiều bà con khai thác kiếm thêm thu nhập. Nhưng những con sò nhỏ bán không ai mua, mang về ăn thì phí quá. Một vài hộ thả đại xuống vuông tôm nhà mình, sống chết mặc bay, không ngờ mang lại hiệu quả”, ông Tám “sò” hồi tưởng.

Từ thành công của bà con ở Cái Nước, Đầm Dơi (Cà Mau) mô hình nuôi sò tràn sang huyện bạn Đông Hải (Bạc Liêu). Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, bà con vùng này còn có nguồn thu nhập cao hơn cả nơi “đất tổ” của mô hình nuôi sò.

Theo số liệu thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, diện tích nuôi sò trong mô hình “Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp thả ghép sò huyết” của huyện đã tăng lên 578 ha chỉ hơn 100 ha), chủ yếu tập trung ở xã An Phúc, An Trạch A và Long Điền Tây dọc theo tuyến kênh sáng Gành Hào – Hộ Phòng. Ước lợi nhuận bình quân đạt từ 100 – 200 triệu đồng/ha.

Anh Trang Minh Cảnh, ngụ ấp 2, xã An Trạch A (Đông Hải) cho biết: “Sò rất dễ nuôi, không có quá nhiều rắc rối về kỹ thuật. Chỉ cần mua giống về quăng xuống, trông coi. Sau gần 1 năm trên 4 ha thử nghiệm  tôi thu gần 100 triệu đồng”.

Theo kinh nghiệm nuôi sò của bà con xã An Trạch A không phải vùng nào nuôi sò huyết cũng thuận. Nuôi con sò phải đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cải tạo môi trường.

Đặc biệt cần chú ý vuông tôm nào mà có rong sống dưới đáy thì không thể nuôi sò được, thả giống xuống là chết hết, cũng chưa rõ tại sao sò lại kỵ rong đến như vậy. Còn theo sự tích góp kinh nghiệm cả chục năm nay của ông Tám “sò”.

Sò huyết ăn phù sa, vì vậy chúng phù hợp với nơi có thủy triều lên xuống. Càng gần cửa biển, càng dễ nuôi. Trên địa bàn xã Đông Thới vùng thích hợp nuôi sò, nhất là các vuông tôm dọc theo tuyến kênh Đông Hưng dài khoảng 9 km.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tìm hiểu về đặc điểm dinh dưỡng của tôm thẻ chân trắng

Đối tượng Tôm thẻ chân trắng là đối tượng có giá trị kinh tế cao nên việc hiện nay người dân từng ngày chú trọng đến kỹ thuật nuôi đến chúng. Và đặc điểm dinh dưỡng cũng là điều ảnh hưởng lớn đến năng suất,chất lượng nuôi Tôm thẻ.

Trong thiên nhiên thức ăn của tôm thay đổi theo từng giai đoạn phát triển và có liên quan mật thiết đến sinh vật phù du và sinh vật đáy. Tôm Chân trắng là động vật ăn tạp

1. Giai đoạn Nauplius

Tôm dinh dưỡng bằng noãn hoàng dự trữ, chưa ăn thức ăn ngoài. Đến cuối N6 hệ tiêu hóa bắt đầu có sự chuyển động nhu động

2. Giai đoạn Zoea

Ấu trùng Zoea thiên về ăn lọc, ăn mồi liên tục, thức ăn là thực vật nổi, chủ yếu là tảo Silic như: Skeletonema costatum, Chaetoceros, Cossinodiscus, Nitzschia, Rhizosolena… Ở giai đoạn này ấu trùng ăn mồi liên tục, thức ăn trong ruột không ngắt quảng, đuôi phân dài cho nên mật độ thức ăn trong môi trường nước phải đạt mật độ đủ cho Zoea có thể lọc mồi liên tục suốt giai đoạn này. Mật độ thức ăn tăng dần từ Z1 đến Z3. Ngoài hình thức ăn lọc là chủ yếu, ở giai đoạn này ấu trùng còn có khả năng bắt mồi chủ động. Khả năng này tăng dần từ Z1 đến Z3­ đặc biệt là cuối Z3 ­­trở đi.

3. Giai đoạn Mysis

Tôm bắt mồi chủ động. Thức ăn chủ yếu là động vật nổi như luân trùng, ấu trùng Nauplius Copepoda, Nauplius artemia, ấu trùng động vật thân mềm… Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy ấu trung Mysis vẫn có khả năng ăn được tảo Silic.

4. Giai đoạn Postlarvae

Tôm bắt mồi chủ động. Thức ăn chủ yếu là động vật nổi như: Artemia, Copepoda, ấu trùng của giáp xác, ấu trùng của động vật thân mềm,… Cần chú ý ở giai đoạn này, tôm thích ăn mồi sống nên trong sản xuất nếu cho ăn thiếu N- Artemia, Postlarvae sẽ ăn thịt lẫn nhau.

Cho ăn giai đoạn Post-larvae Tôm thẻ chân trắng

5. Thời kỳ ấu niên đến trưởng thành

Từ thời kỳ ấu niên, tôm Chân trắng thể hiện tính ăn của loài (ăn tạp, thiên về ăn động vật). Thức ăn của tôm là các động vật khác như giáp xác, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, cá nhỏ.

Trong sản xuất giống nhân tạo ấu trùng tôm Chân trắng còn được cho ăn các loại thức ăn nhân tạo tự chế biến như lòng đỏ trứng, sửa đậu nành, thịt tôm, thịt hầu và các loại thức ăn nhân tạo sản xuất công nghiệp thường gọi là thức ăn tổng hợp.

Thiết kế công trình nuôi thương phẩm tôm càng xanh trong ruộng lúa

Thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn trong nền kinh tế của nước ta hiện nay. Vì thế các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người dân chú trọng đầu tư và phát triển.Tôm càng xanh cũng là một trong những đối tượng đó.

Tôm càng xanh Macrobrachium rosenberggi sống trong môi trường nước ngọt, có thể nuôi trong ao, ruộng cấy lúa, là sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế, có nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước.

Mô hình nuôi Tôm càng xanh trong ruộng lúa

Việc nuôi Tôm càng xanh trong ruộng lúa cần phải có sự chuẩn bị về mô hình nuôi một cách khoa học và phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Cơ cấu chất đất phải giữ được nước.
  • Gần nguồn nước ngọt tốt để có thể cấp tiêu nước dễ dàng. Tốt nhất là có thể trao đổi nước theo thuỷ triều.
  • Đất không bị nhiễm phèn, độ pH của nước từ  6,5 trở lên
  • Không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp và nước bẩn
  • Tiện đi lại và chăm sóc quản lý
  • Diện tích ruộng nuôi dao động từ  0,5 – 5,0 ha tuỳ theo từng điều kiện cụ thể.
  • Ruộng nuôi phải có đê bao kiên cố để đảm bảo giữ được mức nước tối thiểu trên mặt ruộng là 0,6 m. Mặt bờ đê rộng 1,2 – 1,5 m, chân bờ rộng 3,0 – 4,0 m, cao 1,2 m. Vào mùa lũ nên chắn lưới quanh bờ để ngăn không cho tôm ra ngoài khi mức nước cao hơn bờ đê.
  • Ruộng phải có mương bao rộng 3,0 – 4,0 m, sâu 0,8-1 m so với mặt ruộng. Mặt đáy của mương bao có độ nghiêng về phía cống thoát nước. Diện tích mương bao chiếm khoảng 20 – 25 % tổng diện tích.
  • Ruộng nuôi nên thiết kế cống cấp và thoát riêng.

Việc chọn nuôi tôm càng xanh của  bà con nông dân mặc dầu gặp khá     nhiều khó khăn tuy nhiên nếu áp dụng quy trình nuôi một cách khoa học, hợp lý chắc chắn sẽ giúp bà con đạt được năng suất nuôi hiệu quả nhất.

Chúc bà con thành công!

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Nhận biết tôm bơm tạp chất như thế nào?

Cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất

Loại tôm được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú.

Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong.

Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.

Nhận biết tôm bơm tạp chất như thế nào?
Tôm đã bị bơm hóa chất. 

Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.

Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.

Tôm bơm tạp chất mình thường căng phồng, mập bất thường
Tôm bơm tạp chất mình thường căng phồng, mập bất thường. 

Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.

Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Cách chọn tôm tươi ngon

Chắc ăn nhất, bạn hãy tìm mua tôm còn “nhảy tanh tách”, không rớt chân càng, đây là cách an toàn nhất để chắc chắn rằng bạn đang mua tôm tươi sống. Mặt khác, người tiêu dùng có thể chọn các loại tôm nhỏ hơn.

Cách tiếp theo là dành cho tôm đông lạnh hoặc đã hấp, bạn hãy bắt tôm lên, cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp này rộng ra tức là tôm đã bị để đông lạnh quá lâu.

Tôm tươi ngon là tôm còn sống, vỏ sáng bóng, còn nguyên chân, càngTôm tươi, ngon là tôm còn sống, vỏ sáng bóng, còn nguyên chân, càng.

Với tôm sú: Không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, bạn nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.

Về mặt cảm quan, khi mua bạn nên chọn những con tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn. Thịt trong gắn chặt vào vỏ.

Người ta bơm tôm bằng những chất gì?

Dung dịch để bơm tôm nhằm tăng trọng lượng chủ yếu là tinh bột như rau câu, a dao, CMC (chất ổn định dùng để kiểm soát độ nhớt của thủy hải sản)… Các chất này thường được nấu chín hoặc hòa với nước thành dung dịch sền sệt. Sau đó dùng ống tiêm chích trực tiếp vào đầu, thân và đuôi tôm.

Tạp chất được bơm vào tôm qua đầu, thân và đuôi. (Ảnh minh họa)
Tạp chất được bơm vào tôm qua đầu, thân và đuôi.

Ngoài ra, để giữ được vẻ bề ngoài cho tôm tươi lâu hơn, nhiều thương lái còn dùng hàn the, diêm tiêu, ure… để ướp tôm.

Tôm bơm tạp chất có hại như thế nào?

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lưu ý yếu tố môi trường khi thả tôm sú giống

Việc đảm bảo tỷ lệ sống của tôm giai đoạn mới thả là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất sau này của tôm nuôi. Vì vậy, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường ở mức tối ưu khi thả giống.

Màu nước, độ trong

Màu nước và độ trong là hai chỉ tiêu đánh giá tình trạng môi trường sống của tôm nuôi; đồng thời là căn cứ để theo dõi và điều chỉnh chất lượng nước phù hợp tôm giống khi thả. Nếu độ trong quá cao (> 50 cm), ao nuôi sẽ rất nghèo dinh dưỡng, không đủ lượng thức ăn tự nhiên cho tôm. Hơn nữa, chất lượng nước không ổn định, pH thấp, rong và tảo đáy phát triển mạnh, tôm giống dễ bị sốc và chậm lớn. Nếu độ trong quá thấp do mật độ tảo dày dễ làm cho độ pH trong ao nuôi tăng cao (pH > 9) vào buổi trưa và chiều. Khi thả tôm giống, độ trong của nước thấp do mật độ tảo lớn, chu kỳ nở hoa của tảo trong ao nuôi sẽ xảy ra sau khi phát triển đến đỉnh sau khi nuôi trong thời gian ngắn. Cần có biện phắp khắc phục để giảm mật độ tảo trước khi thả giống. Cùng với độ trong, màu nước là yếu tố vật lý người nuôi cần quan tâm trước khi thả giống. Nên thả giống khi thấy nước có màu xanh nõn chuối hay màu nâu và độ trong 30 – 40 cm.

pH

Có thể thả tôm giống khi pH 7,5 – 8,5 (tốt nhất là 7,8 – 8), dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5. Khi pH quá cao hoặc quá thấp so với mức thích hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự duy trì cân bằng pH của máu trong cơ thể tôm, rất dễ gây sốc cho tôm giống, tôm giống chết khi pH < 4 và pH > 11, ở mức pH 4 – 7 và 9 – 11 tôm rất chậm lớn, dễ cảm nhiễm bệnh. Hơn nữa pH thấp có thể làm tổn thương phần phụ, mang, ảnh hưởng đến quá trình lột xác và cứng vỏ. Ngoài ra còn làm tăng khả năng gây độc của khí H2S và làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, làm cho mang tôm tiết ra nhiều chất nhầy, giảm sức đề kháng của tôm. Khi pH tăng cao (> 9) sẽ làm cho các tế bào ở mang và các mô của tôm bị phá hủy; đồng thời làm tăng tính độc của khí amoniac (NH3) trong môi trường nước.

Độ kiềm

Độ kiềm giữ vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hệ đệm của hệ sinh thái ao nuôi. Đây được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng có tác dụng làm giảm sự biến động của pH nước, hạn chế tác hại các chất độc có sẵn trong nước tránh gây sốc bất lợi cho tôm nuôi. Độ kiềm thích hợp trong nuôi tôm là 80 – 120 mg/l, cũng là mức thích hợp khi thả tôm giống. Khi độ kiềm thấp hơn mức này thì pH dễ biến động, tôm bị mềm vỏ; nhưng khi độ kiềm cao quá thì tôm khó lột xác.

Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp cho tôm là 28 – 320C; nhưng chỉ nên thả giống khi nhiệt độ dưới 300C, lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tôm sú là động vật biến nhiệt (nhiệt độ cơ thể luôn thay đổi theo nhiệt độ môi trường sống), chúng không có khả năng ổn định nhiệt độ trong cơ thể; sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bắt mồi, làm mất cân bằng pH trong máu, thay đổi chức năng điều hoà áp suất thẩm thấu, làm rối loạn hô hấp và quá trình chuyển hoá vật chất bên trong cơ thể của nó, sinh lý bị rối loạn biểu hiện bên ngoài là cong thân, đục cơ, tôm ít hoạt động, nằm im và tăng cường hô hấp, rất dễ nhiễm bệnh, rủi ro sẽ rất lớn.

  thả tôm sú giống

Khi thả tôm, cần thả cả bao tôm giống xuống ao nuôi 15 – 20 phút khi nhiệt độ trong bao vận chuyển giống bằng với nhiệt độ ngoài môi trường nuôi. Sau đó bắt đầu mở bao tôm giống ra, tạt nước ngoài môi trường vào bao, rồi từ từ thả tôm giống ra ngoài ao nuôi.

Độ mặn

Độ mặn thích hợp nhất cho tôm sú là 8 – 20‰. Độ mặn giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa áp suất thẩm thấu giữa nguyên sinh chất của tôm sú và nước. Độ mặn vượt ra ngoài giới hạn thích ứng của tôm nuôi sẽ gây ra các phản ứng sốc cho cơ thể, làm giảm khả năng kháng bệnh của chúng. Độ mặn còn ảnh hưởng đến độ kiềm và độ pH, khả năng sinh trưởng của tôm. Đối với những vùng có độ mặn cao hơn 25‰ không phù hợp cho phát triển của tôm nuôi và dễ xảy ra dịch bệnh, cần chủ động bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả tôm giống. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả tôm giống hoặc thả vào thời điểm đón mùa mưa.

Trong ao nuôi tôm, độ mặn có thể tăng nhanh do hiện tượng bốc hơi nước (thường vào mùa khô) hoặc có thể giảm cục bộ do mưa (thường vào mùa mưa). Vì vậy trước khi thả tôm giống cần đo độ mặn để lên kế hoạch thuần tôm cho phù hợp.

Ôxy hòa tan

Hàm lượng ôxy hòa tan ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống của tôm nuôi ngay trong 10 ngày đầu. Sau khi thả giống, tôm thường bị yếu hơn do vận chuyển và phải thích nghi môi trường sống mới. Vì vậy, cần chạy máy quạt nước trước khi thả tôm giống khoảng 8 giờ, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan được bão hòa, và tắt quạt nước trước khi thả tôm 1 giờ mà hàm lượng ôxy hòa tan lúc thả tối thiểu đạt 4 mg/lít.

Hàm lượng khí độc

Trước khi thả tôm giống cần đo hàm lượng khí độc trong ao nuôi. Chỉ thả giống khi hàm lượng H2S < 0,01 mg/lít và NH3 < 0,1 mg/lít. Khi hàm lượng khí độc cao quá mức cho phép, dễ gây sốc cho tôm giống, thậm chí có thể gây chết hàng loạt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam