Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 26-31/12)

1. Các tỉnh phía Bắc

Rầy, sâu đục thân 2 chấm, ốc bươu vàng,… hại nhẹ trên mạ chiêm, lúa gieo sạ. Sâu đục thân, chuột, đốm lá,… hại trên ngô. Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp,… hại trên rau màu. Bệnh héo xanh, mốc sương,… hại trên cà chua, khoai tây; sâu khoang, bệnh đốm lá,… hại trên lạc, đậu tương.

Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng trên mía tại Nghệ An; Bệnh chảy gôm, bệnh loét, sẹo, ruồi đục quả, nhện… hại trên cam, chanh, bưởi. Bệnh chết nhanh xu hướng tăng trên tiêu. Bệnh gỉ sắt tăng trên cà phê. Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn,… hại trên sắn.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Rầy, bệnh khô vằn, đen lép hạt,… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10+12 giai đoạn chín – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn,… hại trên lúa ĐX giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

Cây trồng khác: Bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại; bệnh phấn trắng, mốc sương,… hại rau họ bầu bí; bệnh héo xanh, thán thư,… hại rau họ cà; sâu khoang, gỉ sắt,… hại nhẹ trên cây lạc và đậu đỗ. Bệnh đốm lá, khô vằn,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch. Rệp sáp, rệp vảy, đốm mắt cua,… hại cà phê. Tuyến trùng rễ, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm,… hại hồ tiêu. Sâu đục thân, bọ xít muỗi, thán thư,… hại điều. Sâu non bọ hung, bệnh sọc đỏ, trắng lá do Phytoplasma… hại cục bộ mía ở Gia Lai. Bọ cánh cứng phát sinh gây hại dừa. Bệnh đốm nâu, thán thư,… tiếp tục hại thanh long.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành. Đối với lúa ĐX đã xuống giống cần theo dõi rầy di trú, che chắn nước kịp thời đối với lúa dưới 20 ngày sau sạ. Đối với lúa ĐX xuống giống đợt cuối tháng 12/2017 đầu tháng 1/2018 cần theo dõi rầy nâu vào đèn, khí tượng thủy văn, xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy. Bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, chuột, đen lép hạt.

Cây trồng khác: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tăng trên tiêu. Bọ xít muỗi giảm và bệnh thán thư tăng nhẹ trên điều. Bọ cánh cứng tăng nhẹ và bọ vòi voi giảm nhẹ trên dừa.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

 Làn sóng trồng lúa hữu cơ ở Thái Lan

Các giống gạo hữu cơ đang được nông dân tại Thái Lan hướng tới. Gạo hữu cơ tại Thái Lan cũng đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Trồng lúa hữu cơ tại Thái Lan

Theo Vitoon Panyakul, người đứng đầu Cty Green Net Cooperative – một DN xã hội kết nối nông dân SX bền vững với người tiêu dùng: SX thực phẩm hữu cơ nói chung, gạo nói riêng đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 8%/năm tại Thái Lan trong 5 năm qua, với hơn 13.150 nông dân tham gia vào SX hữu cơ tính trong năm 2015. Ông Vitoon ước tính, những nông dân chuyển sang trồng lúa hữu cơ nhìn chung có thu nhập tăng khoảng 10 – 15%, mặc dù cuối năm 2016, Green Net mua gạo hữu cơ từ hơn 750 thành viên với mức giá cao hơn 40% so với các giống gạo phi hữu cơ thông thường.

Ông Chomchuan Boonrahong, giáo sư tại Đại học Mae Ko của Chiang Mai, đồng thời cũng là một nông dân trồng lúa, nuôi gà và cá cho hay: Nếu bạn có 5 rai (0,8ha) đất trồng lúa hữu cơ, bạn có thể trang trải cho con cái đi học đại học. Nhiều giống lúa gạo như gạo berry, đại học Kasetsart phát triển từ năm 2012, được bán với giá gấp đôi gạo trắng thông thường.

Bà Fah Mui, một nông dân trồng lúa tại Chiang Rai, bắt đầu ghi nhận những kết quả tuyệt vời của việc lựa chọn theo đuổi Hệ thống Thâm canh lúa, trong đó thâm dụng lao động, ít sử dụng nước để tăng năng suất, cộng với các thực hành SX hữu cơ như sử dụng các nước thảo mộc lên men để xua đuổi côn trùng và quản lý mực nước kiểm soát cỏ dại, cua và ốc. Bà tự xát và đóng gói gạo, sử dụng một trang thông tin điện tử và mạng xã hội Facebook để marketing trực tiếp.

Từ gạo lứt của chính mình, bà cũng SX bột acid gamma amino butyric (GABA), thường được sử dụng như một chất an thần hoặc giảm đau. Có một số sản phẩm từ gạo có lợi nhuận cao, như thức uống ngũ cốc và bánh quy, thậm chí có cả một loại bia tên gọi là “Cheers” làm từ gạo berry. Gạo lứt của bà Fah Mui được bán với giá khoảng 4.000 USD/tấn tại Bangkok (so với mức giá 266 – 422 USD/tấn của gạo phi hữu cơ). Sản phẩm GABA của bà còn có giá lên tới 10.000 USD/tấn.

Theo ông David Dawe, chuyên gia ngành gạo châu Á tại FAO, khi người dân châu Á giàu lên, họ có thể trang trải cho thực phẩm hữu cơ và quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sức khỏe. Do đó, đây là ngành kinh doanh đang lớn mạnh. Thị trường thực phẩm hữu cơ có tiềm năng ở mọi nơi tại châu Á. Chính phủ Thái Lan đang đề ra Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ thứ 2. Bộ Nông nghiệp Thái Lan ra các chính sách hỗ trợ giúp tăng thêm 162.000ha đất SX gạo hữu cơ đến năm 2021.

Nguồn: Nikkei Asia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

An Giang: Nông dân chế tạo bình xịt điện năng lượng mặt trời

Hiện nay, thị trường có nhiều loại bình để phun xịt thuốc trên ruộng lúa, hoa màu và cây ăn trái như bình xịt gạt tay, bình xịt bằng máy xăng, bình xịt sử dụng điện của bình ắc quy…

Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi nhưng cũng có nhiều hạn chế như hao tốn nhiên liệu, thời gian sử dụng điện ắc-quy không lâu, trọng lượng nặng. Thấy được khuyết diểm đó, anh Trần Trung Hiếu ở xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành tỉnh An Giang đã nghiên cứu chế tạo bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời. Sáng chế này đã đạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang lần X (năm 2017).

Gia đình anh Hiếu làm ruộng và trồng vườn để phát triển kinh tế. Do thường xuyên phun xịt thuốc bằng máy phun sử dụng động cơ xăng, anh nhận thấy máy gây ô nhiễm môi trường, tiếng động ồn ào, tốn kém nhiên liệu mà đeo vác cũng mệt nên anh Hiếu đã nghiên cứu chế tạo bình xịt theo nguyên tắc sử dụng điện năng lượng mặt trời để thay thế và tiết kiệm nhiên liệu xăng. Bình xịt điện năng lượng do Hiếu sáng chế có trọng lượng nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng từ 4 đến 6 kg, hoạt động theo nguyên lý sử dụng điện từ tấm pin năng lượng mặt trời tích điện cho ắc-quy để nạp năng lượng liên tục cho động cơ hoạt động thời gian dài.

Bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời do anh Hiếu chế tạo

Với bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời này, thay vì phải dùng 100 bình xịt động cơ xăng để xịt thuốc cho 6 hecta ruộng, thì nay anh chỉ cần sử dụng phân nửa số bình xịt điện năng lượng mặt trời; 3 công đất trồng cam của gia đình giờ chỉ cần 7 bình xịt điện năng mặt trời trong khi trước đây phải tốn đến 15 bình xịt dùng động cơ xăng. Điểm nổi bật của sáng chế bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời là hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, các loại rầy bị tiêu diệt nhanh vì tốc độ phun rất đều và mịn.

Hiện nay Trần Trung Hiếu đã mở cơ sở sản xuất ngay tại nhà và được khách hàng nhiều nơi đặt hàng. Sản phẩm này cũng đang chờ công nhận bản quyền do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ cấp.

Nguồn: Khuyennong.gov được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mùa kiệu Tết: Cung thấp, cầu cao

Những ngày này, về các vùng trồng kiệu tại huyện Cam Lâm hay TP. Cam Ranh, không còn thấy những ruộng kiệu bạt ngàn như những năm trước.

Ông Lê Văn Bông – Khuyến nông viên xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cho hay, nông dân không mặn mà với việc trồng cây kiệu. Trên địa bàn xã diện tích kiệu giảm mạnh, hiện nay chỉ còn vài sào so với khoảng trên dưới 20ha những năm trước. Tại vùng Đồng Bà Thìn, diện tích kiệu lâu nay khoảng 15ha nhưng năm nay chỉ còn vài sào.

Sản xuất kiệu tại Cam Thành Nam, Cam Ranh.

Tại thị trấn Cam Đức (Cam Lâm), diện tích trồng kiệu cũng không như những năm trước đây. “5 – 6 năm trước, diện tích kiệu lên tới 25ha. Năm nay chỉ đạt khoảng 12ha”, ông Nguyễn Văn Thư – cán bộ nông nghiệp thị trấn Cam Đức xác nhận.

Tại xã Cam Thành Nam (Cam Ranh) – trọng điểm kiệu của tỉnh – bây giờ tìm “đỏ mắt” mới thấy được mảnh ruộng trồng kiệu. Ông Ngô Văn Nhẹ – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Có nhiều lý do khiến diện tích giảm mạnh: đất trồng nhiễm sâu bệnh phải luân chuyển cây khác, giá giống cao (35.000 – 38.000 đồng/kg), công lao động tăng (hiện nay 200.000 đồng/công), giá cả bấp bênh… Vì thế, tổng diện tích kiệu toàn xã chỉ còn dưới 10ha, trong khi những năm trước lên đến 50 – 60ha.

Lãnh đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cam Lâm cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên thì tâm lý nông dân ngại mưa lũ nên cũng không phát triển thêm diện tích. Năm nay, diện tích kiệu toàn huyện giảm 15ha so với năm 2016, chỉ còn 148ha.

Tuy vậy, tình hình cây kiệu lại rất khả quan cho nông dân. Ông Trần Văn Ân – chủ cơ sở chế biến Ngọc Thưởng (thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam) cho biết, từ tháng 6 âm lịch (thời điểm xuống giống) tới nay, kiệu phát triển tốt; năng suất cao hơn năm trước, có thể đạt 1,2 tấn/sào; sâu bệnh cũng giảm nên chi phí phun xịt thuốc bảo vệ giảm nhiều. Hơn tháng trước, cơn bão số 12 khủng khiếp là vậy nhưng lại không ảnh hưởng đến các ruộng kiệu.

Còn một tháng nữa mới tới vụ thu hoạch nhưng ngay từ bây giờ, nhiều nông dân trồng kiệu đã thu tiền bán kiệu sớm. Ông Trần Văn Ân cho hay, theo dự báo, giá kiệu Tết thu mua sẽ cao hơn từ 5 đến 7 triệu đồng/sào. Hiện nay, các thương lái đã tìm đến các ruộng kiệu ngã giá và đưa tiền trước; căn cứ vào dự đoán năng suất mà chốt giá mức 27 – 35 triệu đồng/sào, thậm chí còn cao hơn.

Ông Ngô Văn Nhẹ cho biết, đầu mùa, người dân không đầu tư trồng kiệu nhiều nên diện tích sụt giảm. Giảm cung ắt tăng cầu. Chuyện các thương lái thu mua kiệu sớm khẩn trương như hiện nay là điều bình thường vì nếu không nhanh thì đến mùa, có tiền chưa chắc đã mua được. Năm nay, nhờ mã kiệu đẹp thương lái trả giá rất cao. Kiệu đang thời kỳ tích lũy tinh bột, củ to, chắc, dự báo được mùa, năng suất, sản lượng có thể tăng 20 – 25% so với mọi năm.

Còn ông Nguyễn Văn Thao – người trồng kiệu nhiều kinh nghiệm tại thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam cho hay, kiệu Tết năm nay năng suất dự báo có thể đạt 1,5 tấn/sào, cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, các thương lái đã đặt mua kiệu non với giá 34 triệu đồng/sào, cao nhất từ trước tới nay so với giá kiệu sớm 25 – 27 triệu đồng/sào cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khuyến cáo xử lý sâu bệnh từ 19 – 25/12

Để trừ ốc bươu vàng hại lúa, sử dụng Honeycin 6G (5 – 6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3 – 5cm khi ốc xuất hiện. Hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

1. Cây lúa:

+ Để trừ ốc bươu vàng hại lúa, sử dụng Honeycin 6G (5 – 6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3 – 5cm khi ốc xuất hiện. Hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

+ Đối với diện tích gieo sạ mới, sử dụng Thuốc trừ cỏ Rainbow 410SE với cơ chế “Diệt mầm 2 lớp”, mạnh mẽ hơn diệt cỏ chưa mọc mầm và đã mọc mầm. Sử dụng 1 cặp Rainbow 410SE (gồm Rainbow 125ml + Chất an toàn Fenclorim 50ml) cho 1.000m2 , trừ hiệu quả cỏ dại trong ruộng lúa ở giai đoạn 0 – 3 ngày sau sạ. Với phổ diệt cỏ rộng, diệt cả 3 nhóm cỏ: hòa bản, chác lác, lá rộng, an toàn cho mầm lúa.

+ Sử dụng Clincher 200EC với hoạt chất Cyhalofop – buty 20% w/w do Dow AgroSciences B.V sản xuất để phòng trừ cỏ đuôi phụng, cỏ lồng vực trên lúa (giai đoạn 5 – 12 ngày sau sạ) với liều khuyến cáo 0,5 – 0,7 lít thuốc/ha, pha 50 – 70ml/bình máy 25 lít.

Để trừ cỏ đuôi phụng (giai đoạn 12 – 18 ngày sau sạ): Liều khuyến cáo 0,7 lít thuốc/ha, pha 70ml/bình máy 25 lít. Với lượng nước phun: 400 lít/ha.

+ Để phòng trừ rầy nâu gây hại mạnh và phát sinh trên diện rộng, sử dụng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu (môi giới truyền bệnh Vàng lùn – lùn xoắn lá) hiệu quả, sử dụng với liều lượng 700g/ha. Hoặc sử dụng Wellof 3GR (12 – 15kg/ha), rải đều trên ruộng lúa, khi rầy ở tuổi 1, 2.

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun ở ngưỡng phòng trừ sử dụng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít, phun 2,5 – 3 bình/1.000 m2) hoặc Wellof 330EC (0,8 – 1 lít/ha, pha 40 – 50ml/bình 16 lít nước).

+ Để trừ sâu đục thân hại lúa, sử dụng Nurelle D 25/2.5EC (1 – 1,5 lít/ha), phun sau khi bướm nở rộ 5 – 7 ngày.

+ Bệnh đạo ôn trên lúa (đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông) đang có xu hướng gia tăng mạnh. Để phòng trừ hiệu quả, sử dụng thuốc đặc trị BEAM 75WP – ”Cắt ngay cháy lá” (250g/ha) phun khi vết bệnh chớm xuất hiện.

+ Sử dụng Aviso 350SC (0,35 lít/ha, 14ml thuốc/bình 16 lít nước) để phòng trừ bệnh lem lép hạt. Phun ở giai đoạn trước trổ và sau khi lúa trổ đều.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 lít/ha) để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công cây lúa. Phun ở giai đoạn trước trổ và sau khi lúa trổ đều.

+ Sử dụng Pulsor 23DC (0,22 – 0,33 lít/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

2. Cây rau:

+ Sử dụng sản phẩm phân bón lá Foliar Blend (50ml/16 lít nước) để cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng. Kích thích sự sinh trưởng phát triển của cây trồng (thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp và trao đổi chất) đồng thời kích thích sự phát triển của vi sinh vật có ích trong đất, giúp cây trồng khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng nông sản khi thu hoạch.

+ Sử dụng Gekko 20SC với hoạt chất Amisulbrom 200g/lít, liều dùng 12 – 20ml/bình 16 lít nước để phòng trừ bệnh Sương mai, giả sương mai trên dưa leo, cà chua. Phun thuốc khi tỷ lệ bệnh từ 5 – 10%.

Cây ngô (bắp): Sử dụng Maxer 660SC (1,25 – 2,5 lít/ha) trừ cỏ ở giai đoạn từ 7 – 20 ngày đối với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

3. Cây tiêu:

+ Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu, khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ các sản phẩm Manozeb 80WP (1kg/phuy 200 lít nước) + Bonny 4SL (250ml/phuy 200 lít nước), phun 4 – 6 lít nước/gốc và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ.

+ Để trừ tốt nấm Phytophthora (nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh cây tiêu), sử dụng sản phẩm Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom (sử dụng 200ml thuốc/200 lít nước), tưới 4 – 6 lít/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê: Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh cho cà phê.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Ngô sinh khối thu về 150 tỷ/năm tại Nghệ An

Ông Nguyễn Bá Trường, người trực tiếp quản lý và thu mua nguyên liệu làm thức ăn cho trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: Hiện đàn bò sữa của TH ở huyện Nghĩa Đàn đã vượt qua mốc 45.000 con, cung cấp sữa tươi nguyên liệu để SX các sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK. Tổng đàn lớn như vậy thì mỗi năm đàn bò sữa “ngốn” tới vài trăm ngàn tấn thức ăn thô xanh (chưa kể việc phải nhập khẩu cỏ Alfalfa chịu lạnh để kích thích tiết sữa và các loại thức ăn tinh).

Trong khi đó, diện tích ngô, cỏ Monbasa, hoa hướng dương, cây cao lương, cỏ Mulato II… của trang trại TH mới cung cấp được khoảng 60% nhu cầu thức ăn thô xanh của cả đàn bò. Bởi thế, những năm trước đây, mỗi năm TH phải nhập khẩu thêm các loại cỏ của Mỹ, Australia, Brazil… về để đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò. Điều đáng nói là khi hàng trăm nghìn tấn cỏ này về đến trang trại thì giá đội lên rất cao.

Người dân trồng ngô cung cấp cho đàn bò sữa của TH

Để giảm bớt gánh nặng tài chính, Tập đoàn TH đã chủ động lấy mẫu rơm, rạ tại các địa phương ở Nghệ An về phân tích độ an toàn và hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng và sau đó triển khai mua mỗi năm hàng trăm tấn rơm rạ/năm về chế biến ủ chua cho đàn bò.

Năm 2014, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đã chủ động mở ra một hướng đi mới để giải quyết vấn đề này. Đó là phối hợp với địa phương để liên kết với nông dân trong vùng dự án và các huyện lân cận để SX ngô sinh khối. Trước mắt bà con trực tiếp ký hợp đồng liên kết với trang trại TH để trồng ngô. Sau đó, nếu bà con thấy có lợi ích thực sự thì sẽ tiến tới việc thành lập HTX. Theo đó, từng hộ nông dân sẽ là cổ đông chỉ chuyên SX các loại thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò sữa của TH.

Ông Nguyễn Bá Trường tâm sự: “Khi chúng tôi đến các HTX để bàn với họ triển khai thực hiện chủ trương này thì đa số bà con không ủng hộ phương án trồng ngô cung cấp cho TH vì họ chưa quen với tập quán canh ngô sinh khối mà chỉ trồng ngô lấy hạt dùng cho chăn nuôi hoặc bán ra thị trường.

Kiên trì vận động rồi cuối cùng một số bà con mới chịu bắt tay vào SX ngô sinh khối vụ đông. Khi ngô vừa chín sáp, tập đoàn tiến hành thu mua với giá từ 850.000 – 900.000 đồng/tấn ngay tại ruộng, ngay trong năm đầu thu nhập của bà con đã tăng gấp rưỡi”.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, cứ thế, vụ sau người dân vùng dự án và các huyện lân cận bắt đầu mở rộng diện tích. Trồng ngô sinh khối, do trồng dày hơn ngô lấy hạt nên năng suất đạt bình quân từ 39 – 40 tấn/ha, thu nhập từ 32 – 34 triệu đồng/ha. Bà con không phải lo xử lý sản phẩm sau thu hoạch, đất đai lại giải phóng nhanh nên có thêm thời gian để tăng vụ.

Chị Trần Thị Lệ, trú tại xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 4ha đất đồi, sau khi cam hết chu kỳ, tôi đều chuyển sang trồng ngô sinh khối cho TH. Hàng năm nếu thuận lợi, tôi trồng 3 vụ ngô/năm. Do đất đồi, hạn hán và chất dinh dưỡng trong đất kém nên mỗi vụ chỉ được 34 – 39 tấn/ha (tùy vụ). Năm 2016, tôi trồng được 3 vụ thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ giống, phân bón và công cày còn lãi hơn 100 triệu.

Ngô non sinh khối được trồng rất nhiều để cung cấp thức ăn cho bò sữa

Năm nay, do thời tiết không ổn định nên tôi chỉ trồng 2 vụ nhưng vẫn thu được 160 triệu, trừ chi phì còn lãi trên 80 triệu. Nói chung, nếu so với trồng mía thì trồng ngô sinh khối cho lãi gấp 1,5 lần nên tôi và bà con rất yên tâm”, chị Lệ nói.

Ông Võ Quang Niên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) khi nghe chúng tôi đề cập đến việc liên kết SX ngô sinh khối cho TH thì phấn khởi nói: “HTX chúng tôi có 75ha đất màu thì có tới 65ha đất trồng ngô sinh khối. Bình quân mỗi năm làm 3 vụ chắc ăn, mỗi vụ thu được từ 40 – 50 tấn/ha. Giá bán tại ruộng TH thu mua là 860.000 đồng/tấn, doanh thu bình quân 105 – 110 triệu đồng/ha/năm. So với SX ngô hạt thương phẩm lãi ít nhất gấp 1,5 lần, nông dân không phải lo lắng về thời tiết, giá cả, thất thoát sau thu hoạch…”.

Khi được hỏi hàng năm có phải vận động bà con làm ngô sinh khối hay không? Ông Niên nói chắc nịch: “Hoàn toàn không! Sau khi nông dân thực hiện chương trình trồng ngô bán nguyên cả cây và bắp cho TH, mọi việc tiến hành thuận lợi, có thu nhập tốt và ổn định, bà con đều tự giác đăng ký SX”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thanh Chương – Nghệ An: Nuôi thành công tôm càng xanh trên ruộng lúa

Trạm Khuyến nông Thanh Chương đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Thanh Chương và đã thành công.

Người dân xã Thanh Hưng (Thanh Chương) thu hoạch tôm càng xanh.

Mô hình được thực hiện ở ruộng của ông Trần Văn Hải ở xóm Trung Đường, xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương. Với 1,5 ha ruộng lúa; sau 4 tháng nuôi ông Hải đã có tôm thu hoạch, loại to 6 con/kg, loại trung bình 10 con/kg. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg ông thu về 235 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu về từ 2 vụ lúa.

“Tôi thấy nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có hiệu quả nhiều so với nuôi cá vụ 3. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và hướng dẫn cho những ai muốn phát triển nghề nuôi tôm càng xanh” – ông Hải vui mừng chia sẻ”.

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển đáng kể; với nhiều hình thức nuôi trồng khác nhau, song đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống mà hiệu quả lại không cao. Xuất phát từ thực tế trên, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu, xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Thanh Hưng.

Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình đã mang lại giá trị thu nhập cao góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tính bền vững trong sản xuất.

Ông Trần Đình Bình – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Chương đánh giá, qua quá trình nuôi cho thấy, tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới nhưng nó phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi tôm càng xanh cũng gặp không ít khó khăn nhất là về con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi con giống phải vận chuyển từ các tỉnh Long An, An Giang về bằng đường máy bay nên chi phí rất lớn. Trong lúc đó tỷ lệ sống chỉ đạt từ 40 – 50%.

Thêm vào đó, giá của tôm càng xanh cũng cao nên đối tượng tiêu thụ cũng chỉ dành cho những người có thu nhập cao và các nhà hàng, quán ăn nên đối tượng nuôi trồng cũng phải lựa chọn cụ thể, rõ ràng.

Chính vì thế, trước khi nhân ra diện rộng, huyện đang phối hợp với nhà cung cấp giống và các nhà khoa học thực hiện nghiêm các quy trình.

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Thanh Chương đã giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp cận được với đối tượng nuôi mới, phương thức nuôi mới có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; khai thác có hiệu quả các chân ruộng trũng trên địa bàn huyện, tăng tính bền vững trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Báo Nghệ An được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp tuần 1 tháng 11 (5-11/12)

Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ…


1. Các tỉnh phía Bắc

– Cây ngô: bệnh đốm lá, sâu đục thân… tăng. Rau màu: bọ nhảy, rệp, dòi đục hành… hại nhẹ đến trung bình; Bệnh lở cổ rễ trên khoai tây, bệnh héo xanh, xoăn lá trên cà chua… tiếp tục gây hại.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại. Cam, chanh, bưởi: bệnh chảy gôm, ruồi đục quả,… hại các vườn cây già cỗi, chăm sóc kém. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh, bệnh gỉ sắt có xu hướng tăng. Cây cà phê: bệnh gỉ sắt tăng, bệnh khô cành, rệp các loại… gây hại mức độ tăng chậm.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

a) Cây lúa: Rầy, khô vằn, đen lép hạt… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển, lây lan theo nguồn nước.

b) Cây trồng khác: Cây ngô và rau màu: sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, rệp… hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua gây hại; Bệnh đốm lá, khô vằn, sâu đục thân,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch.

– Cây cà phê: Rệp sáp, bệnh khô cành, gỉ sắt… tiếp tục gây hại. Cây hồ tiêu: tuyến trùng rễ, rệp sáp… tiếp tục gây hại. Cây điều: sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng, thán thư… hại tăng. Cây dừa: bọ cánh cứng tiếp tục gây hại.

3. Các tỉnh phía Nam

a) Cây lúa: Rầy nâu: phổ biến trưởng thành, trứng, tuổi 1. Bệnh đạo ôn lá phát triển thuận lợi và gây hại trên trà lúa Đông Xuân sớm, trà lúa Mùa. Cần lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, bệnh bạc lá vi khuẩn ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh – đòng, bệnh đen lép hạt ở giai đoạn trỗ chín.

b) Cây trồng khác: Cây thanh long: bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm. Cây hồ tiêu: bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng và bệnh thán thư giảm. Cây cà phê: bệnh khô cành giảm diện tích và rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

CỤC BVTV khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để trừ ốc bươu vàng, dùng Honeycin 6G (5-6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3-5cm khi ốc xuất hiện, hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

+ Đối với diện tích gieo sạ mới, dùng thuốc trừ cỏ Rainbow 410SE với cơ chế “Diệt mầm 2 lớp”. Sử dụng 1 cặp Rainbow 410SE (gồm Rainbow 125ml + Chất an toàn Fenclorim 50ml) cho 1.000m2. Phòng trừ rầy nâu, dùng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu (môi giới truyền bệnh VL-LXL), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ dùng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha). Để trừ sâu đục thân dùng Nurelle D 25/2.5EC (1-1.5 l/ha). Để phòng trừ bệnh đạo ôn, dùng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha). Sử dụng Aviso 350SC (0,35 l/ha) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 l/ha) phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công. Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 l/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

Cây rau:

+ Dùng phân bón lá Foliar Blend cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng; kích thích sự phát triển của cây trồng, sự phát triển của vi sinh vật có ích trong đất.

Cây ngô (bắp): Dùng Maxer 660SC (1,25 – 2,5l/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu: Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ các sản phẩm Manozeb 80WP + Bonny 4SL, và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ. Để trừ nấm Phytophthora (gây bệnh chết nhanh), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom, tưới 4-6l/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê: Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh cho cà phê.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật 

Tỉnh Khánh Hòa: Thông báo sâu bệnh số 47 từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2017

Thời tiết tỉnh Khánh Hòa trong tuần qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to trên toàn tỉnh. Cây lúa và các cây trồng khác sinh trưởng và phát triển bình thường.

Bệnh đạo ôn trên lúa

I .Cây trồng và giai đoạn sinh trưởng:

– Cây lúa:

Vụ Mùa: Đã thực hiện được 9.011 ha (chủ yếu ở Ninh Hòa, Vạn Ninh), lúa giai đoạn đẻ nhánh – chín, đã thu hoạch 800 ha, năng suất ước đạt 47 tạ/ha. Cơ cấu giống gồm ML48, ML202,TH6 ….

+ Trà 1: Gieo từ ngày 25/7/2017 đến ngày 31/8/2017, diện tích 2.500 ha, lúa giai đoạn đỏ đuôi – chín. Đã thu hoạch 800 ha.

+ Trà 2: Gieo từ ngày 10/9/2017 đến ngày 10/10/2017, diện tích 6.511 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ.

II. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày qua:

1. Cây lúa: Trong tuần qua có những đối tượng gây hại cây lúa như sau:

+ Bệnh đạo ôn lá: Gây hại 13,5 ha ở Vạn Ninh, Cam Lâm, TLB 5-10%. Đã được phòng trừ. Tăng 8,5 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Ốc bươu vàng: Gây hại 03 ha, mật độ 3-5 con/m2 ở Vạn Ninh. Đã được phòng trừ. Giảm 06 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại 03 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, mật độ 25-50 con/m2. Đã được phòng trừ. Giảm 21 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu đục thân hai chấm: Gây hại 6 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh ở Vạn Ninh, TLH phổ biến 3 -5%. Đã được phòng trừ. Tăng 29 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Bệnh bạc lá: Gây hại 02 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, TLB 10-20%, đã được phòng trừ. Tăng 02 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Chuột gây hại 25 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, TLH 1-3%. Sâu đục thân hai chấm gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ với diện tích 13 ha, TLH 1- 5%, sâu tuổi 2, tuổi 3. Sâu cuốn lá nhỏ: gây hại rải rác trên các trà lúa đẻ nhánh, diện tích 14 ha, mật độ: 5-10con/m2, T3- T4.

2. Cây trồng khác:

Cây rau, đậu: Trên cây rau, đậu đang hồi phục sau bão và một số diện tích rau, đậu đang trồng mới. Bệnh thán thư gây hại rải rác nhiều giai đoạn trên cây dưa leo, ớt, khổ qua, hành, ở Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang diện tích 04 ha, TLB 3-5%. Sâu xanh, bọ nhảy gây hại rải rác trên cây rau cải, mồng tơi với diện tích 05 ha ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh với TLH 10-15% cây.

Cây xoài: Ở Cam Lâm, bọ trĩ gây hại giai đoạn ra hoa – đậu trái với diện tích 11 ha, mật độ 5-20 con/cành. Bệnh thán thư gây hại ở nhiều giai đoạn, TLB 5-10%, diện tích 48 ha.

III. Đề nghị các biện pháp xử lý hoặc các chủ trương cần triển khai thực hiện ở địa phương:

Hiện nay chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân, vậy đề nghị các trạm hướng dẫn bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị giống để xuống giống theo đúng lịch thời vụ, chú ý thu lượm ốc bươu vàng, phòng trừ bọ trĩ trên trà lúa mới gieo. Theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa vụ mùa để có biện pháp phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến năng suất.

Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa có diện tích mía bị bệnh trắng lá mía cần chú ý theo dõi phát sinh phát triển bệnh và khuyến cáo hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.

Trạm Trồng trọt và BVTV Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây chú ý bệnh sâu đục vỏ, xì mủ, nấm hồng, khô cành, chết cây….Đặc biệt là sâu đục thân, sâu tiện vỏ khi thấy có biểu hiện sự có mặt của sâu lập tức có biện pháp tiêu diệt như bắt thủ công, xông hơi, sử dụng thuốc lưu dẫn…Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn bà con bón phân cân đối hợp lý, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc nhằm tạo điều kiện tốt cho cây phát triển ở vụ sau.

Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (28/11 – 4/12)

Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch.

1. Các tỉnh phía Bắc

Cây ngô: Sâu đục thân, bắp, rệp, chuột tiếp tục tăng.

Rau màu: Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại và có xu hướng tăng.

Cây cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo, ruồi đục quả tiếp tục gây hại các vườn cây già cỗi.

Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn gây hại cục bộ trên đồng ruộng. Châu chấu lưng vàng tiếp tục gây hại tại Nghệ An, Thanh Hóa.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước .

Cây ngô và rau màu: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại.

Cây cà phê: Rệp sáp, rệp vảy, khô cành tiếp tục gây hại.

Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm tiếp tục gây hại.

Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng tiếp tục gây hại.

Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma,… gây hại cục bộ mía vùng ổ dịch.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành, cần theo dõi diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân khuyến cáo vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất kỹ, gia cố bờ bao, tăng cường bơm rút nước, đặc biệt phải theo dõi bẫy đèn để tập trung xuống giống đồng loạt, né rầy. Bệnh đạo ôn lá và bệnh bạc lá tiếp tục phát triển ở nhiều địa phương trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm.

Cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng.

Cây dừa: Diện tích nhiễm bọ cánh cứng và diện tích nhiễm bọ vòi tăng.

Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.