Nấm rơm tăng giá lên 60.000đ/kg nhà nông miền tây thêm tiền

Tại nhiều địa phương ở miền Tây như TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang…, giá nấm rơm tăng từ 5.000-15.000 đồng/ký, đạt mức cao 60.000 đồng/ký khiến nhiều hộ làm nghề trồng nấm phấn khởi bởi có thêm khoản tiền.

Giá nấm rơm tăng mạnh khiến người trồng nấm ở các tỉnh miền Tây có thêm thu nhập.

Gần đây, giá nấm rơm trên thị trường đã tăng khoảng 5.000-15.000 đồng/ký so với cách nay 2 tháng. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: An Giang, Đồng Tháp… nấm rơm tròn được nhiều nông dân bán cho thương lái ở mức 50.000-60.000 đồng/ký, còn nấm dài (nấm dù) có giá khoảng 40.000 đồng/ký.

Nấm rơm sản xuất tại ĐBSCL không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong nước.

Giá nấm rơm tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tăng và ảnh hưởng bởi các chi phí sản xuất đầu vào tăng như: giá rơm nguyên liệu, giá nhân công tăng…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thực hư về loại cà chua có giá cả triệu đồng/kg

Cà chua thân gỗ từng là loại quả độc, lạ có giá lên đến 1 triệu đồng/kg nhưng nay giá giảm xuống còn 1/5 vẫn khó bán

Cà chua thân gỗ có nguồn gốc từ Nam Mỹ (Ecuador, Peru,…) từng gây “sốt” ở TP HCM và Hà Nội do quả có hương vị lạ, là sự kết hợp của chanh dây, dâu tây và dứa. Hơn nữa, cây thân gỗ, quả đẹp, khác hẳn với hình dáng các loại cà chua khác nên được nhiều người hiếu kỳ.

Khi đó, quả cà chua thân gỗ chỉ có hàng “xách tay” với số lượng hạn chế nên giá bán lẻ lên đến 1 triệu đồng/kg. Nhiều điểm bán lý giải loại cà chua này hiếm, có công dụng tốt cho sức khỏe, thậm chí ngăn ngừa, phòng tránh ung thư nên giá cao.

Sau đó, người ta phát hiện loại cây này từng được trồng ở Lâm Đồng và phát triển khá tốt nhờ thổ nhưỡng phù hợp. Cây giống loài cây này được săn lùng và có lúc bị đẩy lên đến 500.000 đồng/cây, cao hơn rất nhiều so với các loại giống cây ăn trái thông thường.

 Cây giống cà chua thân gỗ từng ở mức 500.000 đồng/cây

Phải mất hơn 8 tháng, cây cà chua thân gỗ mới ra trái nên thời gian đầu, loại quả này vẫn còn hiếm, khách muốn mua phải đặt trước và giá bán vẫn ở mức cao, từ 200.000 – 500.000 đồng/kg (tùy thời điểm).

Đến nay, giá loại quả này đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khá cao so với các loại cà chua khác đang bán trên thị trường. Ngay cả cây giống cũng rớt xuống còn khoảng 100.000 – 200.000 đồng/cây.

Cuối tháng 9 vừa qua, tại cửa hàng nông sản sạch trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM), hộp cà chua thân gỗ xuất hiện tại khu trưng bày sản phẩm mới với giá bán 220.000 đồng/kg.

Nhân viên cửa hàng cho hay, đây là sản phẩm của một hợp tác xã tại Lâm Đồng ký gửi, bán không hết thì hợp tác xã thu về, không phải hàng xách tay như trước. Khi hỏi về sức tiêu thụ mặt hàng này thì nhân viên này trả lời: “Đây là sản phẩm mới, nhiều người thấy lạ thì hỏi nhưng giá còn cao nên rất hiếm người mua”.

Ngày 4-10, phóng viên báo Người Lao Động đã liên hệ với một cửa hàng rau quả trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP HCM) có trang trại tại Lâm Đồng thì được báo giá sản phẩm này ở mức 180.000 đồng/kg, miễn phí vận chuyển nội thành với đơn hàng tối thiểu 3 kg.

Cà chua thân gỗ được ký gửi tại cửa hàng để giới thiệu với người tiêu dùng TP HCM

Trao đổi với phóng viên, ông N.C.T, đại diện hợp tác xã cung cấp loại cà chua nói trên cho biết mỗi ngày hợp tác xã chỉ đưa ra thị trường khoảng 20 kg cà chua thân gỗ theo kênh phân phối rau sạch của hợp tác xã.

“Cách đây một năm, một số xã viên của chúng tôi thấy cây này lạ nên mua vài cây về trồng thử dọc hàng rào. Cây rất dễ trồng, sinh trưởng tốt, trái nhiều nên không còn quý hiếm như trước. Chính vì vậy, quả này cũng có tốc độ tụt giá nhanh về giá trị thật hơn nhiều loại cây độc, lạ khác do quá dễ trồng. Sắp tới, có khả năng loại quả này xuống dưới 100.000 đồng/kg” – ông T.nhận xét.

Cũng theo ông T., cà chua thân gỗ có vị chua trong khi nhìn chung người tiêu dùng thích trái cây có vị ngọt nên không bán được nhiều. Ngoài ra, loại quả này chỉ mới được dùng như trái cây “ăn cho vui”, không thể dùng trong chế biến nấu ăn trong gia đình nên khó tăng sản lượng.

Anh H.M.T, chủ một điểm cung cấp cây trồng làm kiểng tại TP HCM cho biết vòng đời một sản phẩm “độc, lạ” rất ngắn, chỉ từ 6-12 tháng. Do đó, giới kinh doanh phải nhanh chóng chớp thời cơ để đẩy hàng ở thời điểm giá cao.

“Thị hiếu người tiêu dùng thay đổi rất nhanh, một số sản phẩm độc, lạ theo phong trào sẽ sớm hạ nhiệt. Thậm chí là biến mất để chạy theo những mặt hàng mới. Cà chua thân gỗ là điển hình trong số đó” – ông T. đúc kết.

Theo tìm hiểu, cà chua thân gỗ ở nước ngoài có tên Tamarillo, được bán với giá quy đổi tiền Việt khoảng 100.000 đồng/kg là cao nhất.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nữa triệu một kg cà chua thân gỗ

Trái hình bầu dục, thịt dày, mùi vị đặc trưng nên cà chua thân gỗ trồng ở Đà Lạt dù giá đắt đỏ vẫn khá hút khách.

Chị Hồng, ở quận 3 (TP HCM) vốn chuộng các loại cà chua, nên tỏ ra thích thú khi vừa mua được 2 kg cà chua thân gỗ (hay còn gọi Tamarillo) có hình dáng như trái hồng Đà Lạt. “Tôi mua một kg giá 500.000 đồng, đắt gấp nhiều lần so với cà chua khác nhưng vì hàng lạ nên mua về dùng thử”, chị Hồng nói.

Thường xuyên ăn loại này, chị Hằng ở Bình Thạnh cho hay, nếu cách đây 4 tháng chị mua với giá 200.000 đồng một kg thì nay đã lên 350.000 đồng. Sở dĩ giá tăng là vì loại này hết mùa, chỉ còn một số nhà vườn trồng trái vụ mới có để thu hoạch.

Cà chua thân gỗ vỏ dày, hạt to hơn những loại thông thường.

“Thịt quả cà chua này săn chắc, có nhiều hạt lớn hơn so với hạt cà chua thông thường. Khi ăn, chúng có mùi thơm đặc trưng và và vị chua ngọt. Tôi không chỉ dùng làm salad, nước ép mà còn làm detox để uống cho đẹp da”, chị Hằng nói.

Trồng khoảng 500 cây cà chua thân gỗ, chị Tuyên, ở Lâm Đồng cho biết, loại này được khá nhiều khách chuộng, hàng có bao nhiêu cũng hết, nhưng hiện mỗi tuần vườn chị chỉ có khoảng 20 kg để bán. Hầu hết đầu mối đặt mua ở Hà Nội và TP HCM. “Tôi bán sỉ khoảng 200.000 đồng một kg, nếu là khách quen thì giá sẽ giảm hơn. Mùa này, cây có ít trái nên giá cao hơn so với hồi đầu tháng 6”, chị Tuyên nói và cho hay, cách đây một năm khi loại này lên cơn sốt, chúng còn có giá lên tới một triệu đồng một kg, nhưng nay đã hạ nhiệt.

Theo chị Tuyên, mặc dù giá cao, nhiều người vẫn chấp nhận đặt hàng trước cả tháng. Vì diện tích trồng loại cây này chưa nhiều nên thời gian tới chị dự định mở rộng diện tích để trồng thêm 500 cây.

Cũng trồng 1.000 m2 cà chua thân gỗ, chị Nguyệt ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, loại này nhà chị trồng hơn một năm nay. Vì hàng nhà trồng được nên chị bán giá ưu đãi 200.000 đồng một kg.

Theo chị Nguyệt, cây cà chua thân gỗ khá dễ trồng, không cần có kỹ thuật chăm bón đặc biệt vẫn phát triển tốt. Là loài cây thân gỗ, Tamarillo có lá và tán khá lớn, sống khỏe, phát triển nhanh, sức đề kháng tốt. Tuổi thọ của cây lên tới 20 năm với chiều cao khoảng 3m, trồng 3 tháng là cho quả; đặc biệt cành vươn tới đâu, quả tới đó. Mỗi năm cây cho thu hoạch 20 – 25 đợt, mỗi đợt tối đa khoảng 30 kg. Quả có nhiều thịt, hình bầu dục, khi chín có màu cam hoặc đỏ.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, sở dĩ quả này có giá đắt đỏ vì lạ và nguồn cung ít. Tuy nhiên, nếu người dân trồng ồ ạt thì giá sẽ giảm. Điển hình như cà chua đen, trước đây, loại này cũng được bán với giá vài trăm nghìn đồng một kg. Thế nhưng, khi nguồn giống được nhân rộng, mỗi kg cà chua đen giá cũng chỉ còn vài chục nghìn đồng.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Khánh Hồng: Trồng Rau Màu Đem Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao.

 Khánh Hồng là một xã thuần nông, thuộc địa bàn huyện Yên Khánh. Thời điểm này, trên những cánh đồng chuyên canh rau màu, người dân địa phương đang tập trung thu hoạch nốt đợt nông sản cuối cùng để chuẩn bị cho việc gieo trồng cây ngắn ngày khác.

Gia đình bà Ngô Thị Đào, xóm 8, xã Khánh Hồng còn hơn 2 sào trồng ớt. Bà Đào cho biết, gia đình bắt đầu gieo trồng ớt từ tháng 11/2017, đến tháng 3/2018 đã bắt đầu cho thu hoạch. Với giá thu mua của lái buôn là 15 nghìn đồng/kg, mỗi lứa thu hoạch, gia đình bà thu về hơn 1 triệu đồng tiền lãi. Ước tính, mỗi sào ớt cho người nông dân thu nhập từ 4-5 triệu đồng mỗi vụ. Ngoài ra, bà còn có 3 sào trồng rau, hiện đang cải tạo để trồng giống dưa hồng trong thời gian sắp tới. Đến khoảng tháng 5/2018, khi đợt thu hoạch ớt kết thúc, diện tích 2 sào này sẽ được cải tạo và trồng dưa lê.

Tại thửa ruộng rộng hơn 3 sào của gia đình bà Nguyễn Thị Sử, xóm 10, xã Khánh Hồng, những cây dưa hồng đang thời kỳ phát triển tốt. Vụ đông năm 2017, gia đình bà Sử dùng toàn bộ diện tích này để trồng các giống rau như cải bắp, súp lơ… Do đó, khi thu hoạch hết toàn bộ diện tích rau, bà Sử cải tạo đất và gieo trồng ngay giống dưa hồng. Bà Sử vui mừng chia sẻ: Năm ngoái, rau vừa được mùa lại vừa được giá. Với 3 sào trồng rau xanh, gia đình tôi thu lãi gần 12 triệu đồng. Nếu so về giá trị kinh tế, gấp từ 5-6 lần trồng lúa. Hiện bà Sử đang tích cực chăm sóc cho lứa dưa hồng mới trồng và rất lạc quan về năng suất, sản lượng khi thu hoạch. Bà cho biết, giống dưa hồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 2 tháng nữa là có thể thu hoạch. Với chất đất tốt và trình độ thâm canh của người dân nơi đây, năng suất dưa hồng luôn đạt trung bình từ 1,6-1,7 tấn/sào. Vụ trước, giá thu mua trung bình là 5 nghìn đồng/kg, ước tính mỗi sào cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng.

Được biết, người dân xã Khánh Hồng đã có truyền thống canh tác rau màu lâu đời, tuy nhiên thời gian gần đây, với sự năng nổ, tích cực của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, việc trồng rau màu tại đây mới phát triển mạnh mẽ đến vậy. Hiện nay, tại xã Khánh Hồng có 2 HTX, đó là HTX Yên Lạc và HTX Khánh Hồng. Xét về diện tích trồng rau màu, HTX Yên Lạc có phần vượt trội hơn so với HTX Khánh Hồng. Ông Tống Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Yên Lạc cho biết: Tính riêng vụ đông năm 2017, HTX Yên Lạc có tổng số 126ha trồng cây rau màu. Trong năm, HTX luôn giữ diện tích trồng rau màu đạt khoảng 70ha, đây chính là diện tích chuyên canh sản xuất. Nhiều giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao như cây dưa với diện tích 15ha, giá trị đạt trên 250 triệu đồng/ha; cây rau các loại là 35ha, giá trị đạt từ 150 – 180 triệu đồng/ha. Để góp phần đẩy mạnh việc sản xuất cây rau màu, HTX Yên Lạc đã ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản với Công ty cổ phần Giống cây trồng – nông sản xuất khẩu Kiên Giang (đặt tại tỉnh Hải Dương). Theo đó, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng khoai tây của người nông dân, giá thu mua được thương lượng, thỏa thuận đến khi đạt được sự nhất trí của cả hai bên. Theo ông Hiền, đây là bước tiến lớn cho sản xuất nông nghiệp của xã Khánh Hồng nói chung, của HTX Yên Lạc nói riêng, giúp cho người nông dân an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, để tăng năng suất và chất lượng cây trồng, cán bộ HTX Yên Lạc đã cất công lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mời các kỹ sư cây trồng về tận nơi để tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, các tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể áp dụng cho từng loại rau màu. Chính vì vậy, năng suất và chất lượng cây trồng đã nâng lên đáng kể. Điển hình như giống khoai tây, nếu như trước đây năng suất chỉ đạt từ 2-3 tạ/sào, thì nay năng suất đã đạt mức 5 tạ/sào, là mốc năng suất ấn tượng đối với giống cây trồng này.

Bên cạnh sự tích cực của các HTX nông nghiệp, Đảng ủy và chính quyền xã Khánh Hồng vẫn luôn coi mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng trồng rau màu là trọng tâm để phát triển kinh tế của địa phương. Ông Chu Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho biết: Trồng rau màu là nguồn thu nhập chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân trong xã. Hàng năm, xã luôn đề ra định hướng duy trì thường xuyên 120ha diện tích trồng rau màu, tiếp tục nghiên cứu và tìm ra những giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó là đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ đông để nâng cao giá trị canh tác của đất nông nghiệp. Xã cũng đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây rau màu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân địa phương ổn định sản xuất. Tại diện tích này, người dân xã Khánh Hồng canh tác các loại cây trồng quanh năm, hiếm có thời gian để đất trống. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã Khánh Hồng đã đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. Trong thời gian tới, xã Khánh Hồng sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rau màu, nhân rộng các mô hình sản xuất rau công nghệ cao, mô hình rau an toàn đã được các ngành của tỉnh triển khai thử nghiệm trong những năm qua.

Các Loại Rau Trong Nhà Mọc Nhanh Như Thổi

Không cần phải mua hạt, tốn thời gian lâu, bạn sẽ có rau mồng tơi, rau lang, tía tô… trong vòng một tháng.

Ngôi nhà cổ tiện nghi với sân vườn nhiều cây xanh/ Những loại cây hoa đẹp cứ cắm xuống là mọc.

Nếu bắt đầu trồng bằng việc gieo hạt, bạn sẽ tốn nhiều thời gian để có rau ăn. Bạn phải ngâm ủ hạt, chờ một tuần để cây nảy mầm, tỉa bớt cây để tập trung phát triển cây khỏe. Sau khoảng 1,5-2 tháng, bạn mới có rau để ăn.

Trong khi đó, với một số loại rau quen thuộc trong bữa cơm người Việt, bạn có thể dễ dàng trồng bằng cách giâm cành và thu hoạch sau một tháng. Khi mua rau về ăn, bạn có thể lấy phần cuộng rau bỏ đi, còn vài lá xanh để đem trồng.

Các loại rau có thể trồng từ cành là mồng tơi, rau muống, khoai lang, ngót Nhật, rau dền và các loại rau thơm như tía tô, canh giới, rau húng, lá lốt…

Đất trồng gồm đất phù sa trộn với xỉ than đập vụn và phân trùn quế. Các cành cắm thẳng hàng, cách xa nhau khoảng 10 cm. Lúc mới trồng, bạn để bình cây trong bóng mát.
1. Rau mồng tơi

Canh mồng tơi nấu với rau đay, tôm hoặc riêu cua rất được các gia đình Việt yêu thích. Khi mua được mớ rau ngon ngoài chợ về, bạn có thể dành một ít cành để trồng trong thùng xốp, hộp nhựa.

2. Rau dền

Không cần chăm sóc, bón phân, rau dền vẫn có thể lên tươi tốt và ít sâu bệnh. Bởi vậy, nhiều bà nội trợ rất ưa chuộng loại cây nấu canh rất ngọt và an toàn này.

3. Rau muống

Nếu không có điều kiện trồng rau muống nước, bạn có thể trồng rau cạn nhưng sẽ phải chăm sóc chu đáo hơn chút để rau không bị dai, cứng. Cách tự nhiên nhất là dùng nước tiểu pha loãng (tỷ lệ 1:20) tưới vào gốc cây 3-5 ngày một lần. Ngoài ra, bạn có thể dùng phân bón lá hữu cơ bón một lần một tuần.

4. Rau lang

Trước đây, rau lang ít được ăn nhưng giờ lại hay xuất hiện trong bữa cơm cho món luộc hoặc xào. Từ vài cành ban đầu, những dây rau lang nhanh chóng bò khắp nơi. Đặc biệt  sau khi trời mưa, cây sẽ lên xanh mơn mởn, ngọn rất non, ngọt.

5. Ngót Nhật

Là loại rau mới được trồng vài năm gần đây nhưng rau ngót Nhật lại được nhiều gia đình ưa chuộng. Rau mềm như mồng tơi, trước khi nấu canh, vò nhẹ như rau ngót. Chỉ từ một vài cành, cây sẽ nhanh chóng lan ra cả thùng xốp, chậu cây.

6. Lá lốt

Bạn có thể sử dụng loại lá này để chế biến nhiều món ăn như chả, ếch om chuối đậu, thịt bò xào… Từ các cành khỏe, bạn lựa ngày không nắng để giâm cành, hoặc đặt cây mới trồng ở chỗ có mái che. Cây phát triển lá xanh mơn mởn và to bằng bàn tay khi có mưa nhiều. Khi trời nắng gắt, bạn lưu ý để cây ở chỗ mát mẻ.

7. Các loại rau thơm

Thay vì phải chạy ra ngoài chợ mua mớ rau ăn kèm thịt luộc, cá nướng, bạn có thể ra vườn hái đủ các loại rau thơm. Tía tô, canh giới, rau húng… đều có thể giâm cành. Sau khi lấy phần lá và ngọn mềm để ăn, bạn có thể dùng phần cuộng cứng còn lá để trồng cây mới. Cây phát triển tốt có thể lấy được thời gian dài.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cách Trồng Rau Mồng Tơi Trong Thùng Xốp Tại Nhà

Để tìm hiểu và trồng rau mồng tơi tại nhà ta cần phân tích rõ rau mồng tơi có thể sinh trưởng ở những loại đất gì? Mồng tơi có thể sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh ở hầu hết các loại đất, nhưng đất cát là thích hợp nhất. Độ ẩm trong đất có tác dụng kích thích mồng tơi ra hoa.

5 bước Hướng dẫn cơ bản về cách trồng rau mồng tơi sạch tại nhà.
1/ Thời vụ
Mồng tơi được gieo trồng chủ yếu trong vụ xuân và thu hoạch suốt vụ hè thu. Gieo trồng từ đầu tháng 3 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9.
2/ Giống
Mồng tơi có 2 giống phổ biến:
– Mồng tơi trắng có phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt.
– Mồng tơi tía có phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ và mồng tơi lá to nhập từ Trung Quốc, lá dày, màu xanh đậm, phiến lá to, thân mập, thường được trồng dày để dễ cắt tỉa cành non, ít nhớt và cho năng suất cao.
3/ Làm đất
– Chọn loại đất thịt nhẹ, thịt trung bình, đất cát pha, độ pH từ 6,0-6,7
– Đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ trước khi gieo trồng.
– Làm luống rộng 1-1,2m, rãnh luống rộng 0,2-0,3m và cao 25-30cm.
4/ Mật độ khoảng cách
Có thể gieo thẳng theo hàng hoặc gieo cây con rồi tỉa cấy khi có 2-3 lá thật. Khoảng cách khoảng 20-25cm x 20cm/1 cây.
5/ Phân bón
– Phân hữu cơ cần ủ thật hoại, xử lý diệt vi khuẩn theo hướng dẫn.
– Phân hữu cơ nên trộn với phân lân bón lót, bón xong rồi cày đất hoặc bón theo luống.
– Trước lúc thu hoạch rau 7-10 ngày nên ngưng tưới phân đạm để lượng nitrat trong rau không quá cao.

Chú ý:
– Không nên dùng nước thải sinh hoạt chưa xử lý để tưới cho rau.
– Không nên dùng phân chế biến từ rác thải thành phố, vì trong loại rác thải này có chứa nhiều kim loại nặng.
– Mồng tơi trồng mới bón lót trước khi trồng 50gr phân hữu cơ khoáng Vedagro + 50gr phân lân. Thúc sau khi trồng 15 ngày bón 20gr urea. Mồng tơi gốc, sau mỗi lần thu hoạch cần bón 50gr phân hữu cơ khoáng vedagro .
– Sau trồng khoảng 1 tháng thì thu hoạch, dùng dao sắc cắt gốc cách mặt đất 5-10cm. Từ đó trở đi khoảng 12-15 ngày lại thu được một lứa. Nên thu vào buổi sáng sớm, thu hoạch khi trời nắng nóng rau dễ bị héo, ôi, kém phẩm chất

Nguồn:Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech VietNam

Trồng ớt ngọt lãi 600 triệu đồng/ha

Ớt ngọt trồng được trên nhiều loại đất, thích hợp nhất là đất thịt nhẹ, có độ pH: 5,5 – 6,5, đất phải thoát nước tốt…

Những năm gần đây có nhiều giống ớt ngọt (của Mỹ và Đài Loan) được du nhập vào Lâm Đồng, cho năng suất cao được bà con nông dân chọn trồng khá phổ biến. Mới đây Hội Nông dân thị trấn Nam Ban phối hợp với Phòng NN- PTNT huyện Lâm Hà, xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng ớt ngọt trong nhà che plastic, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình được giao cho hộ anh Chử Văn Thành, thị trấn Nam Ban. Anh Thành vui vẻ nói: “Trước đây tôi chủ yếu trồng cây cà phê, các anh biết đấy, giá cả cũng bấp bênh lắm. Từ khi được đi học, tập huấn quy trình kỹ thuật rồi chuyển qua trồng ớt ngọt trong nhà che plastic, kết quả cho thấy năng suất ớt đạt ngoài sự mong đợi. Giá cả rất cao, thu hoạch ớt xong, mối tới tận nhà để cân, chẳng phải mang đi đâu cả, cứ 1 tuần cắt bán ớt 1 lần. Nếu so với trồng cà phê thì trồng cây ớt giống mới này hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần”.

Anh Thành cho biết: Ớt ngọt trồng được trên nhiều loại đất, thích hợp nhất là đất thịt nhẹ, có độ pH: 5,5 – 6,5, đất phải thoát nước tốt, không nên trồng ớt trên đất vụ trước đã trồng cây thuốc lá, hoặc cây cà chua (cây họ cà). Đất được cày tơi xốp, làm sạch cỏ, bón vôi bổ sung và cày trộn đều trong đất, phơi ải từ 1 – 2 tuần để tiêu diệt một số bệnh hại. Có thể xử lý đất bằng chế phẩm Mocap, hoặc Sincosin, sau đó lên luống cao 15 – 20 cm để bón lót và chuẩn bị trồng cây.

Bón lót phân bò hoai mục đã xử lý nấm Trichoderma (8 khối phân bò cho 1.000m2), rải phân đều trên mặt luống, dùng cuốc xăm đều sau đó phủ một lớp đất mỏng trên bề mặt luống và tưới ẩm đều, tiến hành phủ màng nilon ngay sau khi bón lót, để hạn chế cỏ dại, tránh hao hụt phân bón và giảm lượng nước tưới.

 

                                                Nguồn: Báo Nông Nghiệp, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Hẹ trong thùng xốp dùng quanh năm

Theo các sách cổ để lại thì cây hẹ không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hàng đầu mà còn là vị thuốc quý dễ sử dụng lại lành tính. Cây hẹ có khả năng chữa nhức răng, hỗ trợ điều trị đái tháo đường, trị táo bón, chữa ho trẻ em do cảm lạnh, tiểu đường…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao nilon, bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng hẹ. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng

Hẹ ưa phát triển ở đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ, tốt nhất là đất thịt, thịt pha cát, đất phải chủ động được hệ thống tưới và tiêu nước tốt. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 – 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Chọn giống

Hẹ có thể trồng bằng hạt hoặc thân. Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản. Hẹ trồng bằng thân bạn có thể xin giống về trồng.

2. Cách trồng

Trồng bằng thân: Chọn kỹ các nhánh củ khỏe, chuẩn bị đất trồng tơi xốp cho vào trong dụng cụ trồng. Trồng từng nhánh hẹ vào đất cách nhau 8 – 10cm, lấp đất vừa kín nhánh, dùng tay ấn đất cho chặt, sau đó phủ rơm rạ mục, tưới nước. Sau 5 – 7 ngày nhánh hẹ sẽ mọc mầm.

Trồng bằng hạt: Hạt cây hẹ trước khi gieo nên xử lý bằng cách ngâm vào nước ấm 35 – 37 độ C (hoặc pha nước theo tỉ lệ 2 sôi + 3 lạnh trong 4 – 5 giờ). Sau khi gieo rải nhẹ một lớp đất mặt, ủ một lớp rơm rạ mỏng lên trên, tưới đủ ẩm. Sau khi cây hẹ mọc 5 – 10 ngày nên bón thêm urê. Khi cây hẹ cao 10 – 15cm thì nhổ mang đi trồng.

3. Chăm sóc

Sau khi trồng hẹ được khoảng 7 – 10 ngày, tiến hành bón lót đợt 1 bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê, phân gà… Cứ khoảng 15 – 20 ngày thì bón đợt tiếp theo.

Chăm sóc hẹ đúng cách để có được chất lượng tốt

Trong quá trình chăm sóc nên chú ý nhổ tỉa cây mọc quá dày trồng dặm vào chỗ thưa.Thường xuyên xới xáo đất, vun nhẹ gốc và nhổ cỏ.

Thời gian đầu mới trồng, tưới nước mỗi ngày 3 lần, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì chỉ cần tưới mỗi ngày 2 lần, tránh tưới vào buổi trưa.

4. Chăm sóc

Cây hẹ có khả năng tái sinh cao nên có thể cắt lá để dùng, chừa lại 2 – 3cm cách mặt đất, tưới phân thúc cây hẹ phát triển lá và củ.

Bạn có thể áp dụng lịch thu hoạch như sau:

– Đợt 1: 55 – 60 ngày sau khi trồng.

– Đợt 2: 30 – 35 ngày sau khi thu hoạch đợt 1.

– Đợt 3, 4, 5, 6…: cách nhau 30 – 35 ngày.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất nông nghiệp an toàn

Việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho rau màu, cây ăn trái trong bối cảnh thời tiết bất lợi, áp lực dịch hại gia tăng như hiện nay.

Để sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng cần giảm phân thuốc, và có thời gian cách ly an toàn

PGS.TS Trần Thị Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, trái dưa hấu khi trưng tết phải vừa trưng vừa ăn ngon. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn rất khó, thường năng suất cao thì chất lượng kém. Nếu trồng dưa thu hoạch bán trưng tết và dưa ăn thì vấn đề về năng suất hiện tại đã kết thúc, bà con không nên bón thêm phân.

Vào thời điểm tuần cuối thu hoạch dưa, chỉ sử dụng phân kali, không sử dụng kali muối ớt do chất Clo làm cháy lá và ruột bị bầm, sử dụng Kali tan (chỉ có Kali và lưu huỳnh) hoặc Kali Sunphat làm tăng hương vị trái ngon hơn.

Trong thời điểm này không cần quan tâm vấn đề bọ trĩ, sâu vẽ bùa trên vỏ trái, trái nằm trên mặt đất cần dời vị trí dưa để tránh thối phần dưới của trái. “Muốn dưa hấu có chất lượng ngon và an toàn cần giảm lượng đạm, tăng kali. Nếu tăng kali, canxi vừa giúp cây khỏe, độ đỏ trong ruột đậm hơn, ngọt hơn và vỏ sẽ cứng hơn, thời gian bảo quản lâu hơn. Việc giảm sử dụng phân đạm dẫn đến an toàn sức khỏe” PGS.TS Trần Thị Ba nói.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Vào dịp tết nhu cầu sử dụng rau màu và trái cây tăng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, có nhiều cơn mưa trái mùa, thậm chí có nhiều đợt mưa lớn liên tục xảy ra làm rau màu, trái cây của nhiều nhà vườn bị ảnh hưởng sản lượng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu nhập cao, do sản lượng giảm nhưng giá bán tăng.

Trong quá trình canh tác bà con cần tiến hành kiểm tra các ruộng rau, vườn trái cây nhiều hơn để có chế độ quản lý tốt. Những sản phẩm thu hoạch trước tết phải ngưng bón phân đạm, để tránh thừa đạm Nitrat trong sản phẩm. Những sản phẩm thu hoạch trong và sau tết nên bón tăng cường thêm phân kali để giúp trái ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Ông Liêm cho biết thêm, sản xuất rau màu cũng thế, phải đối phó với nhiều vấn đề từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và giá cả. Riêng dịch bệnh, nhóm sâu hại trong canh tác rau an toàn có nhiều giải pháp, sử dụng thuốc BVTV là biện pháp sau cùng, chọn đúng loại thuốc và sử dụng đúng thời điểm cần có thời gian cách ly để hạn chế tối đa lưu lượng thuốc BVTV tồn dư, gần đến ngày thu hoạch. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Ngoài ra, để hạn chế sâu bệnh hại trong ruộng rau màu cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Canh tác luân canh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý bón vôi và phân hữu cơ, trải màng phủ nông nghiệp, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm, tưới tập trung vào buổi trưa, hạn chế tưới buổi chiều.

Cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất

Về dịch hại trên cây khoai lang, một phần là do cách canh tác của bà con. Hiện tại, bà con trồng nhiều vụ trên một nền đất nhiều vụ trên năm, dẫn đến giống dần thoái hóa, dịch bệnh phát triển, đất không còn nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, phải luân canh để đảm bảo thời gian cách ly, cho ruộng ngập nước hơn một tháng để diệt mầm bệnh và tích lũy dinh dưỡng. Cần lưu ý khâu chọn giống tốt, đảm bảo cây khoai lang đủ dinh dưỡng, sớm phát hiện để xử lý đất, bệnh.

Đối với bệnh chết dây, đất phải xử lý bằng vôi, nếu phát hiện bệnh sớm phải ngắt bỏ tiêu hủy và rải vôi vào chỗ dây chết hoặc sử dụng thuốc trừ vi khuẩn phun tập trung tại dây bệnh và phun tập trung cả ruộng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thăm vườn rau hữu cơ ‘6 không’

Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ “6 không” nằm khép mình trong khu dân cư quận Tân Bình (TP.HCM).

Đó là vườn rau Happy Vegi của Thạc sĩ hóa học Nguyễn Thị Quỳnh Viên và Ths.BS dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp trồng hơn 10 loại rau ăn lá theo mùa…

Vườn rau xanh mướt Happy Vegi 

Vào khu vườn, ấn tượng là màu xanh mướt của rau, không khí trong lành, đặc biệt là có thể tha hồ ngắm những chú cuốn chiếu, trùn, cóc… đang ngoe ngẩy.

Để có được vườn rau xanh mướt ấy là cả một quá trình, vừa mất tiền, mất thời gian, hy sinh sự nghiệp trong trường… để chị Quỳnh Viên nghiên cứu, trồng lên những luống rau hữu cơ đảm bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ tại TP.HCM.

Chị Quỳnh Viên nói: “Nhớ lại những ngày đầu của vườn rau, người tiêu dùng hiểu rất khác nhau về thực phẩm hữu cơ. Mấy chị em ngồi nghĩ nát óc xem làm thế nào để đơn giản hóa những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để họ có thể hiểu. Thế là nguyên tắc “6 không” ra đời với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất”.

Để có một bó rau hữu cơ đảm bảo chất lượng, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng giống biến đổi gien.

Đất trồng được đảm bảo các tiêu chí về đất trồng rau của Bộ NN-PTNT, khi làm đất, thường phải chọn vị trí tốt, lấy đất cùng với phân bò đã cải tạo trộn với phân dừa đem ủ để có chế phẩm vi sinh diệt khuẩn gây bệnh.

Lấy từng cây con để chuẩn bị đem cấy

Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, ngô, đậu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã mía, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân huỷ thành các chất mùn dinh dưỡng. Trong 2 tuần ủ phân, vi sinh vật hoạt động làm nhiệt độ đống ủ tăng lên đến 60 – 75 độ C, giúp tiêu diệt các mầm bệnh, đồng thời góp phần phân hủy các nguyên liệu thành chất mùn được nhanh hơn để tạo ra một loại phân bón tơi, xốp, không mùi, tốt cho cây trồng.

“Canh tác hữu cơ không có năng suất cao nên chưa thể là giải pháp về thực phẩm cho tất cả mọi người. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 100kg rau. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để ổn định năng suất trong mùa mưa và mở thêm một vườn mới trên Măng Đen để đa dạng sản phẩm. Dự kiến sản lượng năm 2018 sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017. Người tiêu dùng tại TP.HCM có thể mua rau tại các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ hoặc đặt hàng online”, chị Trần Ngọc Diệp bộc bạch.
Chọn giống thuần chủng của địa phương để có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của địa phương. Ươm giống từ 15 – 20 ngày đem ra cấy hoặc sạ.

Khi cấy cây non thì khoảng cách giữa các cây là 5cm, hàng cách hàng 10cm; còn sạ thì dùng cào quanh theo chiều ngang luống để hạt chìm xuống, rồi dùng giá thể xơ dừa phủ lên trên tăng độ ẩm, dùng lưới màu trùm lên để giảm bớt ánh sáng cho cây phát triển, khi cây được 1 tuần tuổi, bón phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng.

Để hạn chế cỏ dại phải thường xuyên nhổ cỏ bằng tay, trồng các loại cây họ cúc, xả, bồ ngót Nhật… để xua đuổi côn trùng tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa… Che chắn cho rau để phù hợp khả năng sinh trưởng và bảo vệ nguồn dinh dưỡng, nguồn oxy cho cây.

“Đối với nước tưới quan trọng là độ pH trong nước, muốn nâng độ PH chúng tôi dùng một đệm vi sinh để trong bể nước và bơm nước trong vòng 24h khi vi sinh hoạt động thì độ pH sẽ được nâng lên gần 7 thì hệ vi sinh sẽ tốt”, chị Quỳnh Viên nhấn mạnh.

Ở đây, người nông dân không chỉ làm vườn, mà họ tự tay ghi chép vào sổ từng ngày gieo hạt, ngày bón phân…

Sau 40 – 45 ngày rau được thu hoạch về kiểm tra, khi sản phẩm rau đạt chỉ số an toàn được giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói và được phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9h sáng.

Vừa cung cấp rau hữu cơ, vườn rau Happy Vegi luôn là nơi được các bạn tình nguyện viên hòa bình từ các nước Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản… lựa chọn làm nơi trải nghiệm nông nghiệp, cũng như mở cửa cho bất cứ khách hàng, nhà trẻ… đến trải nghiệm, tham quan.

Tình nguyện viên nước ngoài đến trải nghiệm tại vườn rau

Mong rằng sẽ có nhiều vườn rau như thế, để đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình khi cùng nhau thưởng thức bát canh, đĩa rau, bát cháo ngon ngọt an lành, cũng như giúp cho người nông dân hàng ngày không phải tiếp xúc với những hóa chất độc hại, đem đến một hệ sinh thái tự nhiên.

Thu hoạch rau về kiểm tra trước khi đóng gói đem đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.