Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (từ 6-12/3)

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng

1. Trên lúa

Các tỉnh phía Bắc: Ốc bươu vàng, tuyến trùng, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ gây hại tăng. Bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ, chuột tiếp tục gây hại. Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ, tỷ lệ hại thấp.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại tăng nhanh trên diện rộng. Chuột hại tăng trên lúa trà sớm ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, lúa trà muộn mới gieo. Ốc bươu vàng hại tăng trên lúa mới gieo cấy, hại nặng trên những ruộng gần ao hồ, sông suối, khu đồng trũng ngập nước thường xuyên. Tuyến trùng rễ, bọ trĩ có khả năng gây hại tăng trên các chân ruộng thiếu nước.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng gây hại trên lúa trà sớm giai đoạn đòng trỗ – chắc xanh. Bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại tăng. Sâu đục thân, sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn gây hại rải rác trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Bệnh bạc lá hại cục bộ ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Chuột hại diện rộng trên các trà lúa ĐX giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL: Rầy nâu hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh đạo ôn lá có thể sẽ xuất hiện trên lúa HT sớm 2018 giai đoạn đẻ nhánh ở mức độ nhẹ đến trung bình; Bệnh đạo ôn cổ bông vẫn còn phát triển và gây hại trên các trà lúa trỗ. Sâu năn gây hại trên các giống lúa Jasmin85, OM4900, Đài thơm 8, OM 7347, OM 6162, OM 6976, OM 5451… Nơi gieo sạ lúa HT phải đảm bảo thời gian giãn vụ, cày ải, phơi đất ngay sau khi thu hoạch lúa ĐX 2017-2018 tối thiểu là 15 ngày. Lưu ý bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ; chuột gây hại trên lúa ở giai đoạn trỗ đến chín.

2. Trên cây trồng khác

– Cây nhãn: Bệnh chổi rồng nhãn tiếp tục gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu, ốc sên tiếp tục gây hại.

– Cây có múi: Bệnh greening tiếp tục gây hại.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục gây hại.

– Cây điều: Bọ xít muỗi và bệnh thán thư tiếp tục gây hại.

– Cây dừa: Bọ cánh cứng và bọ vòi voi tiếp tục gây hại.

– Cây cà phê: Bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Bệnh khảm lá virus tiếp tục hại.

Khuyến cáo

Trên lúa:

+ Để phòng trừ rầy nâu gây hại, sử dụng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu môi giới truyền bệnh VL-LXL (700g/ha), hoặc sử dụng Wellof 3GR (12-15kg/ha).

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ sử dụng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít, phun 2,5 – 3 bình/1.000 m2) hoặc Wellof 330EC (0,8-1 lít/ha, pha 40-50ml/bình 16 lít nước).

+ Để trừ sâu đục thân, sử dụng Nurelle D 25/2.5EC (1-1,5 lít/ha), phun sau khi bướm nở rộ 5-7 ngày.

+ Để phòng trừ đạo ôn, sử dụng BEAM 75WP – “Cắt ngay cháy lá” (250g/ha).

+ Sử dụng Bonny 4SL (0,75 lít/ha, 30 ml /bình 16 lít nước), lượng nước phun 400 lít/ha.

+ Sử dụng Aviso 350SC (0,35 lít/ha, 14ml thuốc/bình 16 lít nước) để phòng trừ bệnh lem lép hạt.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 lít/ha) để phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công cây lúa.

+ Sử dụng Pulsor 23DC (0,22-0,33 lít/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

+ Để kích thích cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tránh nghẹn đòng khi trổ, dùng Dekamon 22.43L (6ml/bình 16 lít nước), phun lên lá, bông 10-15 ngày sau sạ, 40-45 ngày sau sạ và sau khi trổ đều.

Cây rau:

+ Sử dụng Foliar Blend (50ml/16 lít nước) để cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng.

+ Sử dụng Gekko 20SC với hoạt chất Amisulbrom 200g/l, liều dùng 12-20ml/bình 16 lít nước để phòng trừ bệnh sương mai, giả sương mai trên dưa leo, cà chua.

Cây ngô (bắp):

+ Sử dụng Maxer 660SC (1,25 – 2,5 lít/ha) trừ cỏ giai đoạn 7-20 ngày với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

Cây tiêu:

+ Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu, khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ Manozeb 80WP (1kg/phuy 200 lít nước) + Bonny 4SL (250ml/phuy 200 lít nước), phun 4-6 lít nước/gốc và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ.

+ Để trừ tốt nấm Phytophthora (nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh cây tiêu), dùng Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom (sử dụng 200ml thuốc/200 lít nước), tưới 4-6 lít/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê:

+ Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh.

Nguồn: Cục BVTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bón phân đúng cách, lợi nhuận trồng Ớt thấy rõ

Ít được nhắc đến như nhiều loại cây trọng điểm khác, nhưng cây ớt dần được nông dân lựa chọn. Cây ớt cho lợi nhuận khá nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật gieo trồng cũng như chăm sóc bằng dòng phân bón thích hợp.

Nhánh ớt được thu hoạch từ mô hình tại ruộng ớt của anh Tâm

Bà con ở ấp 3 xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp vui tươi rộn ràng bởi chương trình trình diễn phân bón trên cây ớt của Đạm Cà Mau đến giai đoạn tổng kết, thu hoạch. Nếu như tập quán canh tác cũ cho lợi nhuận bấp bênh thì dịp này, bà con được sử dụng công thức bón mới mang lại hiệu quả cao, ổn định mà chi phí thấp bằng việc sử dụng trọn bộ phân bón dinh dưỡng Đạm Cà Mau, trong đó có loại cao cấp NHumate + TE Cà Mau.

Vào mùa con nước rút trả lại phù sa màu mỡ là thời điểm tốt nhất cho cây ớt sinh trưởng phát triển. Trên cánh đồng thực nghiệm chia đôi, hai tập quán canh tác cùng hạt giống, thời điểm và kỹ thuật nhưng chăm sóc bằng dòng phân bón khác nhau đã cho kết quả hoàn toàn khác biệt.

“Gia đình tui canh tác nhiều năm nay nên nắm rõ đặc tính của cây ớt. Nhưng để SX đạt hiệu quả cao thì vẫn đang loay hoay. Đợt thực nghiệm tui bón đúng cách hướng dẫn của công ty và các kỹ sư Đạm Cà Mau cho bộ sản phẩm phân bón đã mở ra cách nhìn mới, phải thay đổi tập quán SX cũ, tiếp thu kỹ thuật mới thì mới giảm chi phí mà nhanh giàu”, chủ hộ Lê Chí Tâm, xã An Phong, huyện Thanh Bình chia sẻ.

4 công ruộng của anh Tâm được chia đôi, sau hơn 60 ngày trồng thực nghiệm, giữa tháng 1/2018, gia đình anh đã có thể thu hoạch rộ, chi phí giảm 8% lại cho lợi nhuận gấp rưỡi. Số trái ở ruộng trình diễn trung bình 85 trái/cây so với ruộng đối chứng là 77 trái/cây. Trên phần ruộng thực hiện mô hình, nếu phần ruộng đối chứng bón urea, DAP khác và NPK năng suất 2,1kg thì ruộng thực nghiệm dùng N.Humate chủ lực, kết hợp DAP, Kali Cà Mau theo giai đoạn bón cho năng suất đến 2,4 kg.

N.Humate Cà Mau hầu như đáp ứng đủ điều kiện phát triển của cây ớt, không chỉ giúp bộ rễ chùm phát triển nhanh mạnh, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng để ra hoa đều mà còn tăng số nhánh trên cây, phần nào quyết định đến số lượng trái.

Anh Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp phát biểu tổng kết mô hình

Với mô hình thực nghiệm này, anh Tâm tiết giảm tổng chi phí vật tư và nhân công, tính ra giá thành sản xuất chỉ 6.390 đ/kg ít hơn so với 7.775 đ/kg trước đây, trái ớt to, chắc mẩy bán được giá thu về lợi nhuận gần 321 triệu đồng/ha cao hơn so với 257 triệu đồng/ha vụ cũ.

Niềm vui được mùa xen lẫn niềm vui xuân mới, anh Tâm phấn khởi trước cánh đồng ớt rực đỏ như hồng thêm nét mặt của hy vọng. Anh tâm huyết chia sẻ với bà con tại hội thảo tổng kết mô hình trình diễn vừa rồi như vừa khoe thành tích lại vừa mong mỏi bà con áp dụng cách trồng từ những hướng dẫn này.

Từ đây, cả anh và bà con trong vùng có thể tin tưởng vào một hướng đi mới cho cây ớt quê nhà, thay đổi tập quán cũ, canh tác bằng kiến thức mới và thành tựu nông nghiệp hiện đại sẽ trúng mùa, lời đậm từ loài cây tưởng nhỏ bé như ớt.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số biện pháp kỹ thuật trồng Dưa Chuột vụ xuân sớm

Đặc điểm thời tiết vụ xuân sớm là nền nhiệt độ thấp, nhiều ngày mưa phùn, số giờ nắng ít, đúc rút kinh nghiệm trồng dưa chuột vụ xuân sớm của nông dân Gia Lộc, chúng tôi xin trao đổi một số biện pháp kỹ thuật trồng dưa chuột vụ xuân sớm cho năng suất và thu nhập cao:

1. Lựa chọn giống

Lựa chọn các giống dưa chuột chịu lạnh tốt như: Summer Top nguồn gốc Nhật Bản của Công ty TNHH Hoa Sen, giống dưa chuột nếp số 1 của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm v.v…

2. Thời vụ

Gieo cây trong bầu từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 1 dương lịch. Trồng khi cây có 3 lá thật.

3. Ngâm ủ hạt giống và gieo ươm

Ngâm ủ hạt giống: Ngâm hạt giống trong nước ấm 4 – 5 giờ. Trước khi ủ hạt, rửa sạch nhớt trên vỏ hạt. Dùng khăn vải bông vẩy sạch nước, giàn hạt đều và gấp khăn lại, để nơi có nguồn nhiệt thích hợp như túi áo ngực… giúp cho hạt nảy mầm nhanh và đều. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo.

Gieo ươm: Nơi đặt bầu cao, bằng phẳng, sạch cỏ dại. Hỗn hợp làm bầu gồm 3 phần đất bột trộn với 1 phần phân chuồng hoai mục, 2% vôi bột. Túi bầu bằng nilon kích thước 4×5 (cm), đáy túi cắt góc, cho hỗn hợp làm bầu vào túi cách mép túi khoảng 1 cm, đặt hạt nghiêng rồi phủ một lớp mỏng đất bột trộn trấu, tưới đủ ẩm. Hoặc hỗn hợp làm bầu bằng bùn trộn với đất bột, phân chuồng hoai mục, trấu mục. Trải hỗn hợp dày khoảng 3 – 4 cm rồi đặt hạt theo khoảng cách 4 – 5 cm. Khi hạt nảy mầm thì dùng dao mỏng cắt theo khoảng cách. Dùng khum tre kết hợp với nilon trắng che phủ chống mưa và chống rét.

Chăm sóc cây con trong bầu: Thường xuyên tưới đủ ẩm. Khi thời tiết rét, không có nắng thì che kín nilon. Ban ngày trời rét, có nắng phải mở nilon thoáng hai đầu hoặc cả phía Nam.

Phun phòng trừ bệnh lở cổ rễ khi cây mọc được 2 – 3 ngày và trước khi trồng bằng thuốc: Validacin 5L hoặc Anvil…

4. Làm đất, bón phân và trồng cây, chăm sóc

Chọn ruộng cao, đất giàu mùn, có tầng canh tác dày, đất được nghỉ tối thiểu 10 ngày, không trồng dưa chuột nhiều vụ liên tục hoặc trên ruộng vụ trước đã trồng cây họ bầu bí, họ cà. Đối với đất thịt nhẹ nên làm đất còn hơi ẩm, không làm đất nhỏ.

Làm luống theo hướng Đông Tây, mặt luống rộng khoảng 1 m, rãnh rộng 30 – 35cm. Trồng 2 hàng, hàng cách hàng 60 – 70cm, cây cách cây 45-50cm. Yêu cầu đặt bầu cao, phủ đất quanh bầu, không phủ đất vào gốc để hạn chế bệnh lở cổ rễ trong điều kiện thời tiết mùa xuân ẩm ướt.

Khi làm đất bón 30 – 50 kg vôi bột/sào Bắc Bộ (360 m2).

Lượng phân bón cho 1 sào: 800 – 1000 kg phân chuồng, lân super Lâm Thao 30 kg, kali clorua 10 kg. Nếu dùng phân tổng hợp NPK phải quy đổi ra phân đơn cho phù hợp.

Bón lót: 100% phân chuồng, 100% phân lân, 40% phân kali, 20% đạm ure. Cách bón: toàn bộ phân chuồng hoai mục và 50% phân lân, bón tập trung vào rạch hàng trồng cây rồi phủ đất dày 3 – 4 cm. Đạm, kali và 50% lân bón rạch giữa luống.

Bón thúc kết hợp với vun xới khi cây bắt đầu có tua cuốn, 20% đạm ure, 20% kali. Còn lại bón sau khi thu quả lứa đầu và thời kỳ thu hoạch.

– Làm giàn chữ A, dùng dóc kết hợp với lưới cước mắt lớn trên 20 cm. Khoảng cách giữa các dóc 1,5m.

– Thường xuyên tỉa bỏ lá già, tỉa nhánh, bấm ngọn, buộc ngọn..

– Dùng bạt che phía Bắc và Đông Bắc để hạn chế tác hại của gió mùa Đông Bấc.

– Tưới nước: thường xuyên giữ ẩm. Nên tưới rãnh, đưa nước vào rãnh ngập 2/3 luống, để 3-4 giờ tháo cạn. Thời tiết mưa xuân hoặc đêm và sáng có nhiều sương tuyệt đối không tưới mặt luống.

Để quả cách gốc 60cm trở lên. Nếu để quả thấp hơn, cây không phát triển được và nhanh tàn.

Che nylon chắn gió bấc cho cây dưa chuột

5. Phòng trừ sâu bệnh

Trồng dưa chuột vụ xuân sớm, phòng trừ sâu bệnh như vụ xuân. Đặt biệt lưu ý bệnh lở cổ rễ, bệnh giả sương mai và bệnh phấn trắng.

Sử dụng thuốc BVTV bảo đảm thời gian cách ly, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, vi sinh, thảo mộc trong thời gian thu hoạch.

Lưu ý: Do đặc điểm mùa xuân ẩm ướt, lạnh nên tăng khả năng chống rét cho cây, cây giống cần được bảo vệ tốt, gieo ươm trong bầu và chống rét tốt, tuổi cây giống già để sau trồng chống chịu thời tiết bất thuận tốt hơn. Tăng cường bón phân chuồng, phân lân và kali, bón lót cao, giảm phân đạm thời kỳ đầu để cây chịu rét tốt. Trồng theo hướng Đông Tây, trồng mật độ thưa hơn so với chính vụ để nâng cao hiệu suất quang hợp. Trồng cây cao gốc, không phủ đất vào gốc, hạn chế tưới nước mặt luống để hạn chế bệnh lở cổ rễ. Thực hiện các biện pháp trên sẽ cho hiệu quả cao.

Nguồn: Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Khoai Tây (kỳ 1)

Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông với thành phần cơ giới nhẹ thoát nước và giữ ẩm tốt, quy hoạch tập trung, gọn vùng, chủ động tưới tiêu, tốt nhất là ruộng luân canh với lúa nước.

1. Chọn đất, chuẩn bị đất và giống

a. Chọn đất

Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông với thành phần cơ giới nhẹ thoát nước và giữ ẩm tốt, quy hoạch tập trung, gọn vùng, chủ động tưới tiêu, tốt nhất là ruộng luân canh với lúa nước.

b. Làm đất

Vơ sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước. Nếu đất còn ướt áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu. Nếu đất khô tiến hành cày bừa và lên luống. Đất sau khi gặt lúa xong, cắt dạ sát gốc, tiến hành cày rãnh để thoát nước và chia luống. Luống đơn trồng bằng 1 hàng, luống rộng 60 – 70 cm, cao 20 – 25 cm. Luống đôi trồng 2 hàng, luống rộng 120 – 140cm, rãnh rộng: 20 – 40 cm, sâu 15 – 20 cm. Việc làm rãnh nhằm mục đích thoát nước, tránh không để úng nước làm thối củ giống và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển sâu bệnh sau này của cây.

c. Chuẩn bị nguồn giống

Giống khoai tây có thể để nguyên cả củ trồng và có thể trồng bằng biện pháp cắt củ.

Với các giống khoai tây có kích cỡ lớn, để giảm thiểu việc đầu tư giống trên 01 diện tích việc áp dụng biện pháp kỹ thuật cắt củ giống khoai tây theo phương pháp cắt dính là rất cần thiết.Phương pháp này bao gồm các bước sau đây:

– Chuẩn bị củ giống

+ Củ giống được đem cắt phải có độ trẻ về sinh lý. Tốt nhất là dùng củ giống từ nguồn nhập khẩu hoặc củ giống được bảo quản trong kho lạnh ở điều kiện 40C.

+ Củ giống phải có khối lượng ít nhất từ 50g/cẳt trở lên mới đem cắt.

+ Củ giống được mang ra cắt phải hết thời gian ngủ nghỉ (đã phát mầm).

– Chuẩn bị vật liệu và xử lý dao cắt:

+ Vật liệu xử lý: Khi áp dụng cắt củ giống thì việc xử lý dao cắt phải rất chú ý: có thể xử lý dao bằng cồn công nghiệp, lửa đèn cồn hay lửa ngọn nến hoặc nước đun sôi bằng bình siêu tốc.

+ Dao cắt: Phải sắc và mỏng, không được dùng dao có bản dày, để tránh làm dập nát tế bào ở chỗ cắt.

+ Sau mỗi lần cắt nhất thiết phải xử lý lại dao cắt để tránh lây bệnh từ củ bị bệnh sang củ sạch bệnh.

– Phương pháp và tiêu chuẩn miếng cắt:

+ Cắt dọc củ theo chiều của mầm đỉnh với tiết diện miếng cắt phải là nhỏ nhất, để tránh gây thương tổn không cần thiết.

+ Cắt củ giống phải tuân thủ tuyệt đối theo phương pháp cắt dính, nghĩa là miếng cắt không rời hẳn ra mà còn dính lại khoảng 2 – 3 mm.

+ Cắt củ xong, phải úp ngay hai miếng cắt còn dính lại với nhau (như trước khi cắt) rồi xếp vào khay đựng hoặc rổ, rá và không được cho vào bao tải ẩm ướt.

+ Không cần xử lý củ giống sau cắt với bất kỳ loại hoá chất nào.

+ Để đảm bảo năng suất khoai tây, mỗi miếng cắt phải có ít nhất 2 mầm trở lên.

+ Mỗi củ giống chỉ nên cắt đôi, không nên cắt 3 hay 4.

-Phương pháp và thời bảo quản củ giống sau cắt:

+ Sau khi cắt, củ giống phải được bảo quản trong điều kiện 18 – 200C, thoáng khí.

+Thời gian để miếng cắt lành lại vết thương mất khoảng 7 – 10 ngày. Trước khi trồng 1 – 2 ngày nên tách hẳn miếng cắt ra làm đôi để miếng cắt lành hoàn toàn.

2. Thời vụ trồng

a. Vùng Đồng bằng Bắc Bộ

– Vụ chính: Trồng từ 15/10 – 15/11, thu hoạch vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau.

– Vụ xuân: Trồng tháng 12, thu hoạch vào đầu tháng 3 năm sau.

b. Vùng miền núi phía Bắc

– Vùng núi thấp <1000 m: Vụ đông trồng tháng 10, thu hoạch tháng 1 năm sau. Vụ xuân trồng tháng 12, thu hoạch cuối tháng 3

– Vùng núi cao >1000 m: Vụ thu đông trồng đầu tháng 10, thu hoạch tháng 1. Vụ xuân trồng tháng 2, thu hoạch tháng 5.

c. Vùng Bắc Trung bộ

Chỉ trồng vụ đông: trồng đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1.

d. Vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng)

– Vụ mùa chính thu hoạch kéo dài trong thời gian mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5.

– Vụ mùa nghịch thu hoạch trong mùa mưa từ đầu tháng 6 đến tháng 11.

3. Mật độ, khoảng cách

– Lượng giống: Trung bình 30 – 40 kg củ/sào (360 m2)

– Mật độ: Với củ nhỏ, trồng 10 củ/m2, cách nhau 17 – 20 cm. Với củ bình thường: trồng 5 – 6 củ/m2, cách nhau 25 – 30 cm.

4. Cách trồng

a. Cách trồng khoai tây nguyên củ

Rải rơm rạ cắt ngắn hoặc bón lót phân chuồng, đạm và lân xuống đáy rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân. Đặt củ giống so le nhau, nằm ngang và mầm khoai hướng lên trên. Chú ý không để củ giống tiếp xúc với phân, nhất là phân hóa học. Dùng đất bột, mùn, trấu phủ kín củ giống một lớp mỏng; sau đó dùng rơm rạ phủ lên toàn bộ mặt luống khoảng 7 – 10 cm. Tưới nước ướt đều lên mặt luống làm ẩm rơm rạ và đất; nếu độ ẩm đất còn cao không cần tưới. Có thể dùng đất đè lên rơm rạ tránh rơm rạ bay nếu gió mạnh.

Trồng khoai tây nguyên củ

b. Cách trồng khoai tây bổ củ

Rạch hàng trên mặt luống, rải toàn bộ phân chuồng mục và lân vào rạch trộn đều với đất trong rạch. Đặt củ giống hay miếng bổ vào rạch, chú ý tuyệt đối không để củ giống hoặc miếng bổ tiếp xúc trực tiếp với phân. Khoảng cách giữa củ giống (hoặc miếng bổ) 25-30 cm. Mật độ 4 – 5 hốc/m2, hốc cách hốc từ 25 – 30 cm, đặt mầm hướng lên trên, rồi phủ kín mầm bằng 1 lớp đất dầy từ 3 – 4 cm, không được để hở mầm.

Trồng khoai tây bổ củ

5. Bón phân

a. Lượng phân bón

– Cho 1 ha:Phân chuồng loại mục: 15 – 20 tấn; Đạm urê: 250-300kg; Lân supe: 350-400kg; Kali clorua: 150 – 200 kg.

– Quy ra 1 sào Bắc bộ (360 m2): Phân chuồng loại mục: 6 – 7 tạ; Đạm urê: 9 -10kg; Lân supe: 12-15kg; Kali clorua: 5 – 7 kg.

Nếu dùng phân NPK cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì và quy đổi về dạng phân đơn để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp và cân đối.

Nếu bón phân NEB 26 thì giảm đi 50% đạm (7 ml NEB 26 thay cho 01 kg đạm). Không phun NEB26 lên lá và không trộn NEB26 với phân khác ngoài đạm.

b. Cách bón

– Bón lót: Rải toàn bộ phân chuồng và lân + 1/3 đạm + 2/3 kali lên trên mặt luống giữa hai hàng khoai.

Bón thúc lần 1: Sau khi cây mọc cao 15-20cm: 1/3 đạm, 1/3 kali. Bón vào mép luống hoặc giữa 2 khóm khoai, không bón trực tiếp vào gốc cây làm cây chết.

Bón thúc lần 2: Sau thúc lần 1: 15-20 ngày: 1/3 đạm, 1/2 kali.

Chú ý: Bón lót nhiều kali sẽ cho củ to, mẫu mã đẹp. Không bón phân chuồng tươi vì có nhiều vi khuẩn nấm bệnh làm cho mã củ không đẹp, và khoai dễ bị thối. Chỉ dùng phân chuồng hoai mục.

Nguồn: Viện Bảo vệ thực vật được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đà Nẵng: Thu tiền tỷ từ vườn rau thủy canh công nghệ cao

Với mong muốn sản xuất ra những loại nông sản sạch tốt cho sức khỏe, trong điều kiện quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp, anh Nguyễn Quốc Phong (256/2 Nguyễn ông Trứ, Đà Nẵng) đã quyết định bỏ ngang công việc ở tập đoàn viễn thông để nghiên cứu, thử nghiệm trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh. Đây là mô hình trồng rau sạch công nghệ cao có quy mô đầu tiên ở Đà Nẵng.

Bỏ việc, về nhà tìm giải pháp trồng rau sạch

Việc từ bỏ một công việc kỹ sư công nghệ thông tin thu nhập 25 triệu đồng/tháng ở Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel gần 01 năm qua, để thử nghiệm giải pháp trồng rau sạch khiến anh Nguyễn Quốc Phong bị không ít người chê “khùng”.

Anh Phong chia sẻ: Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp và nhu cầu bức thiết về an toàn thực phẩm như hiện nay, việc đầu tư trồng rau sạch là hướng khả thi. Suy nghĩ và tìm tòi các giải pháp, anh thấy giải pháp thủy canh sẽ giải được bài toán trên.

Anh tự tìm hiểu mô hình thủy canh trên mạng, rồi thiết kế một mô hình thủy canh đơn giản cho gia đình. Tận dụng những vật liệu có sẵn bằng ống nhựa, sau khi thử nghiệm thành công, anh liên hệ khảo sát mô hình tại Đà Lạt, tìm kiếm đối tác, vật tư với giá cả thấp nhất. Sau đó, tìm kiếm vật tư nông nghiệp công nghệ cao chuyên dụng cho thủy canh. Hiện anh đang thực hiện hệ thống thủy canh dùng công nghệ thủy canh NFT, đây là công nghệ tối ưu nhất trong thủy canh.

“Cuối năm 2016, mô hình bắt đầu có những khách hàng đầu tiên. Khách hàng ban đầu, thử nghiệm mô hình là hai người bạn thân. Khi đưa mô hình lên mạng, một giám đốc tại Đà Nẵng cảm thấy thích thú với mô hình đã yêu cầu tôi lắp đặt tại nhà của ông. Sau đó, cả 3 rất bất ngờ, hài lòng với sản phẩm mang lại”- anh Phong chia sẻ.

Rau sạch cho nhà phố

Hiện mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của anh Phong cung cấp giải pháp trồng rau sạch mang tên H2O Farm theo quy trình chăm sóc, dinh dưỡng và hạt giống theo giải pháp tiêu chuẩn châu Âu. Mô hình này phù hợp với nhu cầu trồng rau sạch của người dân các đô thị.

Sau gần 1 năm thực hiện, đã tạo được việc làm cho 4-5 lao động thường xuyên, đang chăm sóc cho gần 50 mô hình “rau nhà phố” tại Đà Nẵng và 3 dự án trồng rau thủy canh thương mại với diện tích hơn 2.000 m2.

Anh Nguyễn Quốc Phong với mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao
Bà Trần Thị Anh Thư, một người dân ở Đà Nẵng cho biết, trước đây gia đình bà đã trồng các loại rau bằng các khay nhựa hoặc hộp xốp nhưng tốn thời gian để tưới cây và bảo vệ khỏi các loại sâu bệnh, chuột. Do đó, gia đình bà đã lắp đặt vườn rau thủy canh của công ty H20 Farm có diện tích 6m2 trên sân thượng từ 8 tháng nay để cung cấp rau sạch cho gia đình.

“Tôi đã đầu tư 10 triệu để lắp đặt hệ thống thủy canh gồm ống nước, giàn, máy bơm và hạt. Gia đình tôi không cần phải mua các loại rau ở bên ngoài bởi vì vườn đã cung cấp rất nhiều. Trồng rau công nghệ cao thực sự thích hợp với những hộ muốn sử dụng rau an toàn”. – bà Thư cho biết.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng công ty nhận thêm 10 đơn hàng để lắp đặt thiết kế theo mô hình này. Tính đến thời điểm hiện tai, sau gần một năm, mô hình có tổng doanh thu chừng 1 tỷ đồng, thu lợi nhuận khoảng 30%.

“Hiện công ty đang tiếp tục đầu tư dự án phát triển hơn. Đối với tôi, khi khởi nghiệp ngoài đam mê phải có sự kiên trì, nhẫn nại, tìm kiếm mô hình, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ, quan trọng sản phẩm làm ra phải giải quyết những vấn đề mà xã hội đang cần, thực sự cần…”, anh Phong chia sẻ.

Công ty cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm phát triển hệ thống rau sạch trên nền công nghệ IOT (Internet of Things), đưa tính năng theo dõi và chăm sóc rau bằng điện thoại thông minh (smartphone). Thông qua ứng dụng được cài đặt trên hệ điều hành Android hoặc iOS, khách hàng có thể bật, tắt các thiết bị như máy bơm, tưới phun sương, kéo rèm che nắng và theo dõi các thông số như cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm giá thể, lượng dinh dưỡng chỉ với một vài thao tác trên điện thoại.

Nguồn: Khuyến nông Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sản xuất giống rau Xà Lách, rau Diếp

Rau diếp có hàm lượng dinh dưỡng thấp , hàm lượng nước 94- 95% trong lá. Trong rau diếp có một số dinh dưỡng như vitamin A, C, nguyên tố vi lượng như Can xi, phốt phát, sắt, sodium và kali. Mặc dù vậy rau diếp, xà lách là loại rau làm xa lát quan trọng nhất. Để sản xuất giống rau diếp, xà lách; Fman xin giới thiệu cho bà con những lưu ý và kỹ thuật sau:

Tương tự như hướng dương, rau diếp là cây giao phấn đặc biệt nó dễ dàng giao phấn với loài rau diếp dại (Lactuca serriola). Rau diếp, xà lách là loài có hàm lượng nhựa mủ cao ở thân và lá. Rau diếp thích hợp sinh trưởng trong điều kiện lạnh độ ẩm cao và ánh sáng đầy đủ. Rau diếp cuốn thì điều kiện nhiệt độ thấp ban đêm rất cần thiết cho rau cuốn chặt.

Rau diếp có loại hình là rau diếp xoăn và lá thẳng, xà lách cũng có hai loại là xà lách cuốn và xà lách li ti.

Quá trình sinh sản của rau diếp, xà lách

Các giống rau diếp phản ứng quang chu kỳ hoặc không và nhiệt độ cao trên 18oC sẽ chuyển từ giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng sang sinh trưởng sinh thực. Để tăng số hoa có thể áp dụng 3 phương pháp những tốt nhất là phun GA3 với nồng độ 20 – 500ppm khi rau diếp 3 – 5 lá để kích thích ra chồi hoa.

Bông hoa ra diếp do nhiều hoa nhỏ tạo nên cụm hoa, nhiều hoa nhỏ hình thành ở các giai đoạn khác nhau. Nhưng 90% năng suất hạt được tạo nên ở những hoa ra đầu trong pham vi 35 ngày của tổng thời gian ra hoa khoảng 70 ngày.

Yêu cầu môi trường

Xà lách , rau diếp là cây ưa nhiệt độ thấp, nhiệt độ thích hợp của xà lách từ 8 – 25 oC để
cuốn, nhưng rau diếp nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng 10 -27 oC. Nhiệt độ để chuyển giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng sáng sinh trưởng sinh thực là trên 18oC, ánh sáng ngày ngắn sang ngày dài.

Độ ẩm thích hợp 70 – 80%. Đất sản xuất hạt giống cần đất tốt, giàu mùn để có năng suất hạt lai cao, độ pH từ 6,0 đến 6,6 thích hợp cho sản xuất hạt.

Các giống rau diếp, xà lách

Các giống ra diếp xà lách trồng phổ biến ở nước ta chủ yếu là giống địa phương như rau
diếp xoăn (ra diếp ngô), rau diếp ta, xà lách trứng, xà lách li ti giống ưu thế lai chủ yếu từ nguồn nhập nội và các công ty nước ngoài hay liên doanh sản xuất tại Việt Nam

Kỹ thuật sản xuất

Thời vụ gieo trồng: Thời vụ trồng ở nước ta có thể gieo trồng từ tháng 8 ở đồng bằng, vùng núi khoảng tháng 10 để sản xuất hạt

Làm đất chăm bón: Đất trồng sản xuất hạt, cày sâu khoảng 30 cm và cày sớm, bừa kỹ và phẳng, lên luống cao 10 – 15cm, mặt luống 70 cm phẳng để trồng 2 hàng thuận tiện cho làm giàn đỡ cành hoa. Rãnh giữa các luống 25 – 30 cm để thoát nước và tưới nước thuận tiện.

Mật độ khoảng cách

Gieo trồng : Hạt rau diếp, xà lách nảy mầm khi nhiệt độ đất 17oC và tối ưu là 24oC, nếu khi gieo nhiệt độ cao nên gieo vào buổi chiều tối và tưới nước để giảm nhiệt độ. Lượng hạt gieo sản xuất hạt giống khoảng 2,4 kg/ha. Khoảng cách gieo hàng cách hàng 38cm, cây cách cây 5 – 7 cm.

Các cây được tỉa thưa sau gieo 4 – 6 tuần sau gieo đảm bảo hàng cách hàng 25 – 30 cm để đạt số cây trên ha khoảng 74000 cây

Phân bón cho sản xuất hạt giống rau diếp và xà lách tỷ lệ N: P : K thích hợp là 3:2:2 cho
giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng. Phân đạm hạn chế bón lót và trong thời gian trồng, phân bón lót yêu cầu 7-10 tấn phân chuồng hoai mục + 40kg kali.

Chăm sóc

Sau khi gieo cần phải tưới ngay để tăng tỷ lệ nảy mầm, nếu trồng cây con tưới ngay sau
trồng. Sau đó tưới nước thường xuyên để giữ ẩm, kết hợp xới xáo và làm cỏ. Khi cây thiếu phân biểu hiện lá màu xanh nhạt tưới thúc bằng cách hòa phân đạm loãng và tưới, tưới xong phải rửa bằng nước sạch để không gây hại cho lá. Tưới nước từ khi bắt đầu cây ra hoa đối với rau diếp và xà lách là rất quan trọng để đảm bảo năng suất hạt.

Làm giàn

Làm giàn đỡ cành hoa như các cây họ thập tự, cố thể cắm cọc mỗi cọc cho một cây và buộc cành hoa vào cọc bằng dây mềm

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu bệnh hại ra diếp chủ yếu là sâu ăn lá, rệp hại và là vectơ truyền một số bệnh virus, rệp gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ cao. Bệnh hại rau diếp là virus khảm là loại có thể truyền qua hạt gây cây con sinh ra còi cọc, lá vàng. Ngoài ra rau diếp và xà lách còn bị một số bệnh nấm như nấm phấn trắng. Sâu bệnh có thể làm giảm năng suất hạt nghiêm trọng đặc biệt là bệnh virus.

Khử lẫn

Loại bỏ cây khác dạng khi bắt đầu có ngồng hoa, căn cứ vào màu sắc thân lá, dạng hoa,
cành hoa và màu sắc hoa, lá để xác định cây đúng giống và cây khác dạng.

Thu hoạch, tách hạt,

Từ khi ra hoa đến khi hạt chín khoảng 12 – 21 ngày tùy theo giống, nhưng rau diếp xà lách hạt không chín cùng một lúc nên thu hoạch khi một nửa hạt trên đầu chín, căn cứ để biết hạt chín là mào hạt mở hoàn toàn, hạt khô. Thu hoạch có thể bằng máy hoặc bằng tay, cắt cả cây hoặc cành hoa và nên cắt vào buổi sáng khi vẫn còn sương để không rơi hạt giảm năng suất. Cành hoa sau khi cắt phơi và rũ hạt vào túi ni lông để không rơi hạt, công việc rũ hạt lặp lai 2 – 3 ngày.

Khi ra hoa xà lách rất sợ rét, hạt phấn xà lách rất yếu chịu đựng và mất sức nảy mầm rất
nhanh. Vì thế ở các vùng núi Sapa xà lách để giống được gieo vào tháng 10, ở các tỉnh đồng bằng thì gieo vào tháng 8 và đàu tháng 9. Cây giống cần được bón thúc một lần trước lúc làm giàn để cây có sức ra hoa quả đều và nhiều.

Làm sách sau khi phơi loại bỏ tạp chất và những hạt lép lửng, làm sạch bằng sàng xảy hay máy quạt sau đó phân loại hạt và đóng túi bảo quản. Phơi hạt khi độ ẩm đạt 7% là độ ẩm bảo quản với hạt xà lách, rau diếp. Hạt rau diếp rất dễ chết lá mầm, nguyên nhân hư hỏng lá mầm của hạt rau diếp , xà lách đến nay vẫn chưa được biết rõ ràng. Vì thế bảo quản hạt trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ thấp là biện pháp tốt nhất để tránh hư hỏng hạt trong quá trình bảo quản.

Trồng Xà Lách Xoăn hiệu quả

Cây xà lách hiện đã được nhiều nông dân lựa chọn trong cơ cấu rau màu ở các vụ vì hiệu quả kinh tế của nó mang lại.

Xà lách được nhiều người trồng vì dễ chăm bón và hiệu quả kinh tế khá

Có 2 loại xà lách: xoăn và cuốn. Trong đó, giống xà lách xoăn chịu nhiệt tốt hơn. Hiện đang là vụ xà lách cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong năm nhưng phải lưu ý và tác động kỹ thuật tích cực. Xin hướng dẫn nông dân một số biện pháp kỹ thuật khi thâm canh cây trồng này:

+ Giống và thời vụ: Các giống xà lách xoăn đang được trồng phổ biến hiện nay được nhập từ Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc. Ở nhiệt độ từ 25-300C cây vẫn sinh trưởng bình thường nên có thể trồng quanh năm, song thích hợp nhất từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.

+ Gieo và chăm sóc cây con:

Do bộ rễ của xà lách ăn nông và yếu chịu úng, hạn nên đất vườn ươm cần tơi xốp, giàu mùn, giữ ẩm và thoát nước tốt. Đất được làm nhỏ, lên luống cao từ 25-30 cm, mặt luống rộng từ 0,8-1 m. Mỗi m2 đất vườn ươm sử dụng từ 3- 4 kg phân chuồng mục kết hợp với một lượng nhỏ chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma đảo đều rồi bón lót vào luống, dùng cuốc đảo đều phân vào đất.

Hạt trước khi gieo cần được xử lý bằng nước ấm 540C (3 sôi, 2 lạnh) trong thời gian từ 1-2 giờ rồi để ráo. Gieo hạt trên mặt luống với lượng từ 0,6- 0,7g/m2. Gieo xong phủ một lớp rơm hoặc trấu mỏng rồi tưới ẩm bằng bình ô doa từ 3- 4 ngày đầu vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1-2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây trồng ngừng tưới 3- 4 ngày để huấn luyện cây con được cứng cáp và không bị chết chột sau trồng. Khi nhổ cây cần tưới nước trước 4-5 giờ để cây không bị đứt rễ.

Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây có từ 4-5 lá thật (sau gieo từ 15- 18 ngày).

+ Trồng và chăm sóc: Cần chọn đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, chủ động tưới tiêu, xa khu công nghiệp và các nguồn gây ô nhiễm. Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, xử lý bệnh bằng nấm đối kháng Trichodecma hoặc vôi tả (20kg/sào), diệt sâu xám bằng thuốc Diazan với lượng 0,5kg/sào. Lên luống cao 20-30cm, rộng 1-1,2m.

* Chú ý: Nếu có chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để xử lý đất tốt nhất nên trộn nấm với phân chuồng mục hoặc phân hữu cơ vi sinh rồi bón lót cho xà lách.

Lượng phân bón cho 1 sào rau gồm: phân chuồng 5- 7 tạ hoặc 25-30 kg phân hữu cơ vi sinh thay thế + 3-4kg u rê + 6- 7,5kg su pe lân + 2,5-3 kg kali sunphat. Có thể dùng các loại phân khác thay thế như NPK với liều lượng tương đương.

– Tưới nước: Ruộng rau xà lách cần được giữ ẩm thường xuyên với độ ẩm thích hợp là 70- 80%. Nguồn nước tưới cần bảo đảm an toàn cho rau vì xà lách là cây rau ăn tươi. Tốt nhất là áp dụng biện pháp tưới ngấm để rau được an toàn.

Chú ý:

+ Tháo nước khi gặp mưa to tránh để cây ngập nước sẽ dễ bị chết. Cần kết hợp xới xáo, làm cỏ cho rau vào những ngày nắng ráo.

+ Vì bộ lá xà lách rất mềm yếu nên những khi gặp thời tiết có mưa, nắng kéo dài tốt nhất nên làm khung (vòm) nilon trắng che chắn để bộ lá không bị giập nát thối hỏng hay dùng lưới đen che để giảm bức xạ mặt trời; đồng thời bổ sung thêm phân bón vi lượng và kali trắng bằng cách phun qua lá sẽ giúp cây sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn, năng suất cao hơn và tuân thủ thời gian cách ly của mỗi loại phân bón khi sử dụng.

+ Bảo vệ thực vật: Xà lách rất ít bị sâu bệnh hại, nhất là khi xử lý được đất trồng tốt lại là cây rau ăn tươi nên nông dân không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phun cho cây trồng này. Khi có hiện tượng một số cây bị chết rũ nên bổ sung tưới kịp thời chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma vào vùng rễ cây để giảm thiểu lượng cây bị chết.

+ Thu hoạch: Xà lách cho thu hoạch sau trồng từ 30-35 ngày.

Nguồn: Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau Xà Lách cho năng suất bội thu

Rau xà lách là loại cây thân thảo. Rau xà lách có nhiều loại như: xà lách mỡ, xà lách xoăn lá lớn, xà lách lô tô xanh, xà lách lô tô tím… Trong đó, loại rau xà lách mỡ với ưu điểm dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, tốn ít chi phí và cho năng suất thu hoạch cao.

Rau xà lách thích hợp với chu kỳ ngày dài. Từ lúc gieo hạt cho đến lúc cho thu hoạch trong khoảng từ 60 – 65 ngày.

Thời vụ gieo trồng rau xà lách

Rau xà lách có thể trồng quanh năm và tốt nhất trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 4 sang năm đối với loại xà lách trứng và từ tháng 7 đến thoáng 2 đối với loại xà lách li. Nếu gieo từ tháng 3-4 có thể ăn vào mùa hè.

Xử lý hạt giống trước khi gieo trồng

Sử dụng một số giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt như xà lách dún, xà lách búp Mineto…

Xử lý hạt giống tr­ước khi gieo bằng Rorval, Aliette, Benlat C, Viben C. Lư­ợng giống gieo trồng (sau đó nhổ cấy lại) cho 500m2: 300g (600 g/1.000 m2). Sau khi gieo, phủ một lớp đất mỏng đã trộn phân chuồng hoai, phủ một lớp rơm mỏng. Mùa khô cần t­ới đủ ẩm.

Phư­ơng pháp tốt nhất: Xử lý hạt giống bằng chế phẩm Comcat (C.ty Lúa Vàng) sau đó gieo trên khay xốp hoặc khay nhựa, đặt trong vườn ­ươm, chăm bón khi cây đạt tiêu chuẩn cây giống thì chuyển qua ruộng sản xuất.

Chuẩn bị đất trồng rau xà lách

Có thể trồng cải trên nhiều loại đất khác nhau, chủ động t­ưới tiêu. Đất cần đ­ược cày xới, phơi ải 10 ngày- 15 ngày trước khi lên liếp.

Nên xử lý vôi hoặc bột Dolomite, Silibore trư­ớc khi gieo trồng. Lư­ợng bón từ 40kg – 70 kg/ 1.000m2.

Mùa mư­a cần che phủ đất bằng rơm hoặc bạt nilon để hạn chế cỏ dại và rửa trôi phân. Không nên trồng liên tục nhiều vụ rau xà lách trên cùng chân đất (cần luân canh với loại rau có củ hoặc có trái).

Lên luống: cao 15-20cm, rộng 90cm, rãnh 30cm, đất mặt luống phải bằng phẳng, tơi xốp không gồ ghề để dễ phủ bạt nylon và đục lỗ trồng.

Về công đoạn bón lót: Toàn bộ phân chuồng đã ủ hoai mục, bón với l­ượng 500 – 1.000 kg/ 1.000 m2 (hoặc phân hữu cơ chế biến với l­ượng 200kg-500 kg/1000m2). Phân hữu cơ + 50kg phân lân nội địa (lân nung chảy hoặc lân super) trộn đều và bón lót tr­ước khi trang bằng mạt luống.

Phủ bạt: Dùng bạt kích cỡ 90cm, kéo căng, dùng ghim tre ghim thật chặt, hoặc đắp đất cố định bạt.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau xà lách

Về mật độ, khoảng cách trồng thích hợp cho xà lách: Cây cách nhau khoảng 15-20cm; hàng cách hàng khoảng 15-20cm. Mật độ 16.000-17.000cây/ 500m2 (32.000 – 34.000 cây/1 .000 m2).

Khi cây có từ 2 – 3 lá thật, đem ra cấy, nên cấy vào lúc chiều mát. Cấy xong phun n­ước để cây chặt gốc.

Lưu ý: L­ượng cây cần dự trữ khoảng 10% với cây nhổ để cấy lại & và dự trữ khoảng 2 % với cây trồng trong khay để trồng dặm nhằm bảo đảm mật độ.

Trồng dặm: Tiến hành kiểm tra và trồng dặm ngay sau trồng khoảng 2-3ngày cho những cây chết, bị bệnh. Dặm vào lúc chiều mát, dặm xong phải t­ới n­ước ngay.

Kỹ thuật bón phân

Tổng lượng phân cho 1000m2. Phân chuồng ủ hoai 500- 1.000kg (hoặc phân hữu cơ chế biến bón với lư­ợng = 200kg-500kg/1.000 m2); Lân nội địa: 50kg; Ure:12kg; Kali: 12kg; Bánh dầu (nếu có): 30kg.

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ 100 % phân lân, Bánh dầu 3kg Ure và 3kg Kali.

Bón thúc:

Lần l: (khi cây có 2 – 3 lá thật): Bón phân ure với l­ượng 3,0 kg

Lần 2: 15 ngày sau gieo (NSG): 3kg ure pha với n­ước t­ưới đều

Lần 3 : (20-25NSG): pha loãng 3,0 kg Ure +3kg Ka li tư­ới đều

Chú ý: Tùy tình hình sinh tr­ưởng của cây có thể tăng hoặc giảm l­ượng phân cho phù hợp và sử dụng thêm phân bón lá NPK(30- 10- 10). Riêng lần thúc 3 thì xịt phân bón lá NPK(12-0-40+ 3ca) hoặc loại NPK(20-20-20).

Tuyệt đối ng­ưng sử dụng phân bón tr­ước khi thu hoạch 8-10 ngày

Biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho rau xà lách

Sâu hại chính trên nhóm cây xà lách chủ yếu là sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh da láng. Với những loại sâu này nên sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh phòng trị như BT, VI-BT, Dipel, Delfin, Amectin, Acmenovate;Thiamectin, Centari . . .

Bệnh hại chủ yếu là chết cây con, thối nhũn, đốm vòng nên sử dụng Aliette, COC85, Ridomil, Monceren, Validacine, Physan, Norshel phun phòng trị. Chú ý quan sát sớm. Liều l­ượng phun có ghi trên bao bì sản phẩm, chú ý ngừng phun thuốc tr­ước khi thu hoạch 8 – 10 ngày.

Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch: Sau khi cấy ra ruộng trồng từ 35-40 ngày có thể thu hoạch, không để quá già làm giảm chất l­ượng sản phẩm, khi thu dùng dao cắt sát gốc.

Bảo quản: Bảo quản cẩn thận, tránh để sản phẩm bị dập nát và bụi bặm bám vào, nên đóng gói tr­ước khi vận chuyển; phải đảm bảo tư­ơi, sạch khi đ­ưa ra tiêu thụ.

Lưu ý: Sau trồng 1 – 2 lứa rau, cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây bằng phân hữu cơ vi sinh với lượng 350-400 g/m2 hoặc 80-100 g/ khay kích thước 40x 60cm. Đất trồng tiến hành xới xáo lại và phơi khô trong 2-3 nắng để diệt nấm bệnh sâu hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng thủy canh rau Xà Lách

Thủy canh là phương pháp “Trồng cây trong nước”. Tuy nhiên do có rất nhiều môi trường tổng hợp được sử dụng để trồng cây nên có thể mở rộng định nghĩa thủy canh là ” Trồng cây không sử dụng đất”.

Theo KS nông nghiệp Hà Sỹ Tân, thủy canh là một phương pháp trồng rau có từ lâu, dung dịch có thành phần dinh dưỡng giúp cây trồng hấp thu và chuyển hóa thành các vật chất hữu cơ cho cơ thể cây trồng: thân, lá, rễ, hoa, quả,… Ưu điểm của trồng rau thủy canh là không phải làm đất, không có cỏ dại; trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ, không cần tưới; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại, năng suất cao hơn từ 25% đến 50%; không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường. Các loại rau thích hợp với môi trường thuỷ canh: Rau xà lách, các loại rau cải, rau húng, rau muống, cà chua…
Trong Đông y, rau xà lách được biết đến là một loại rau có vị ngọt đắng, tính mát, tác dụng giải nhiệt, lọc máu, kích thích tiêu hóa, giảm đau, gây ngủ, chống ho… Và thường được sử dụng dưới dạng rau sống, rau trộn, nước ép rau. Vì sử dụng trực tiếp rau dạng tươi sống nên người tiêu dùng rất lo sợ mua phải rau tưới nhiều đạm, phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một hạn chế vô cùng lớn của rau trồng ngoài đồng ruộng mà rau trồng theo phương pháp thủy canh đã khắc phục được. Rau xà lách trồng thủy canh không có thuốc bảo vệ và phân bón hóa học nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá bán rau xà lách thủy canh này trên thị trường khoảng 35.000 – 45.000 đồng/kg. Năng suất của rau xà lách thủy canh đạt 28.2 tạ/1000 m2, thời gian sinh trưởng của cây từ 25 – 30 ngày. Với phương pháp trồng rau thủy canh, nhà vườn có thể trồng tối đa là 15 vụ, trong khi đó lối canh tác truyền thống chỉ sản xuất 3 – 4 vụ.

Hệ thống thủy canh trồng rau xà lách

1. Lắp đặt hệ thống thủy canh

Bà con cần lắp đặt một hệ thống thủy canh trước khi muốn trồng rau theo phương pháp này. Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ R.A.I xin giới thiệu đến bà con Hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu như hình dưới đây:

– Làm bằng nhựa PVC chịu nhiệt nên hệ thống này rất bền, có thể sử dụng được 10 năm.

– Sử dụng hệ thống bơm chìm có hẹn giờ bơm.

– Chiếm diện tích nhỏ trong sân nhà, ban công: Kích thước của hệ thống này: Dài x rộng x cao: 1.5 x 0.6 x 1.2 (mét).

2. Ươm giống

– Bà con có thể mua các loại giống rau trên thị trường.

– Ngâm hạt giống rau xà lách trong nước ấm khoảng 40 – 50 độ C, sau đó để vào rổ cho khô nước.

– Cho hạt giống đã ngâm vào bầu ươm: 1-2 hạt/ rọ bầu ươm.

– Thường xuyên giữ độ ẩm cho bầu ươm để hạt giống nảy mầm tốt.

Rọ trồng cây đồng thời là bầu ươm hạt giống

3. Cách pha dung dịch dinh dưỡng

Bà con tham khảo công thức pha dung dịch cho rau xà lách của GS. Hoagland (Đại học Washington).

3.1. Chuẩn bị chất pha dung dịch thủy canh

Bình A:

Tên chất Khối lượng (gram)
Calcium nitrate Ca(NO3)2 95,2

Bình B + C:

Tên chất Khối lượng (gram)
Potassium nitrate (KNO3) 3.9
Mono potassium phosphate (KH2PO4) 26.9
Potassium sulfate (K2SO4) 42.3
Magnesium sulfate (MgSO4) 30.8
Zinc sulfate (ZnSO4) 0.015
Boric acid (H3BO3) 0.02
Manganese sulfate (MnSO4) 0.115
Cooper sulfate (CuSO4) 0.01
Ammonium molybdate (NH4Mo7O24) 0.003
FeSO4 0.64
Na-EDTA 0.86

3.2. Chuẩn bị dụng cụ.

– Cân tiểu ly điện tử: Cân chính xác khối lượng hóa chất cần pha.

– Thùng đựng dung dịch.

– Tập giấy quỳ tím: Kiểm tra pH của môi trường.

– Ống đong 100ml.

3.3. Cách tiến hành

3.3.1. Pha bình A:

Bước 1: Cho 1 lít nước vào thùng đựng dung dịch.

Bước 2: Cân 95.2 gram Calcium Nitrat – Ca(NO3)2.

Bước 3: Sau đó cho 95.2 gram Ca(NO3)2 vào ca nước 1 lít ở trên và quậy/khuấy đều.

Bước 4: Rót dung dịch A vừa pha vào bình đựng, ghi nhãn (bình A).

3.3.2. Pha bình B + C:

Bước 1: Cho 1 lít nước vào thùng đựng dung dịch.

Bước 22: Cân lần lượt các hóa chất có ở bảng B .

Bước 3: Cho các hóa chất đã cân ở B2 vào cùng ca nước ở trên, quậy/khấy đều như hướng dẫn. Dung dịch cuối cùng có màu sắc như màu vàng nước trà/chè.

Bước 4: Rót vào bình đựng, ghi nhãn (bình B).

4. Cách trồng

4.1. Cách pha dung dịch thủy canh hoàn chỉnh

Sau khi pha xong 2 bình dung dịch bình A + B. Để dung dịch trồng rau có nồng độ mong muốn 1200 ppm bà con pha theo công thức sau:

STT Tên nguyên liệu Thể tích pha
1 Bình A 100 (ml)
2 Bình B 100 (ml)
3 Nước sạch 10 (lít)

Bước 1: Cho 10 lít nước sach vào 1 thùng đựng dung dịch.

Bước 2: Dùng ống/bình đong, rót 100 ml dung dịch bình A và cho vào thùng đựng dung dịch ở trên, quậy/khuấy đều.

Bước 3: Dùng tiếp ống đong, rót 100 ml dung dịch bình B và cho vào cùng thùng đựng dung dịch ở trên, khuấy đều.

Bước 4: Dùng giấy quỳ tím bỏ vào dung dịch đã pha ở B3 để đo pH. So sánh với bảng màu để biết pH thuộc khoảng nào. pH thuộc khoảng 5.5 – 7,0 thì không phải điều chỉnh. Khi pH > 7 bà con dùng axit H2SO4 hoặc H3PO4 0.5 – 1% để điều chỉnh. Khi pH< 5,5 bà con dùng nước vôi trong để điều chỉnh. Bà con nhỏ giọt từ từ để điều chỉnh. Môi trường dung dịch thủy canh có pH = 6,2 là thích hợp nhất với loại cây ăn lá.

Chú ý:

– pH<5.5 cây chỉ hấp thụ được trung lượng và vi lượng: Sắt, Mangan, Bo, Cu, Zn => Cây còi cọc do không hấp thụ được đa lượng N,P,K,Ca,Mg và Mo.

– pH>7 cây hấp thụ đa lượng nhưng lại kém tiêu hóa Sắt, Mangan, Bo, Cu, Zn => lá cây trở nên vàng vọt.

B5: Dùng bút đo nồng độ ppm (TDS) đo thử. Nếu chưa đạt đến nồng độ mong muốn thì tiếp tục đong dung dịch bình A + B và cho vào thùng đựng dung dịch.

Chú ý: Đánh dấu mực nước trong bồn dung dịch, khi nước cạn, ta bù thêm nước trắng cho bằng mức đánh dấu, không nên pha thêm dung dịch đổ vào.

Khi nồng độ giảm xuống từ 1200 ppm ban đầu xuống 800 ppm, tiến hành thay dung dịch mới hoặc châm thêm dung dịch dinh dưỡng.

4.2. Theo dõi quá trình sinh trưởng của cây.

– Khi cây con chưa nảy mầm, cần để các khay bầu trong ánh sánh nhẹ hoặc che ánh sáng trực tiếp vào cây con đang nảy mầm.

– Khi cây con nảy mầm đều khoảng 2 cm, đưa dần cây con ra ánh sáng. Lúc này, đưa cây con đang ươm giống lên hệ thống thủy canh đã có sẵn dung dịch dinh dưỡng pha loãng để tưới cây con hàng ngày (nồng độ dung dịch pha loãng bằng 1/2 nồng độ dung dịch trồng cây).

– Khi cây con được khoảng 2 tuần tuổi (tùy từng loại cây, thông thường cây cao khoảng 8 – 10 cm và có vài lá thật), tiến hành tỉa cây, mỗi rọ chỉ để 5 – 6 cây và chuyển rọ cây vào hệ thống thủy canh đã chứa sẵn dung dịch thủy canh.

Lưu ý: Bổ sung dung dịch dinh dưỡng: Trong quá trình cây sinh trưởng cây sẽ hút dung dịch, vì vậy dung dịch sẽ vơi dần, chú ý bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng thường xuyên cho cây (thông thường 1 lần/tuần) để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng.

Theo dõi nồng độ dung dịch thủy canh hàng ngày bằng cách: Đo nồng độ các cation trong dung dịch bằng bút đo TDS:

Giai đoạn cây Nồng độ ppm phù hợp
Cây non (3 – 5 lá thật) 600 – 800
Cây phát triển (> 5 lá thật) 900 – 1300
Cây trước thu hoạch 10 ngày 600

Chú ý: Nếu đo TDS của nước > 200 ppm thì bà con phải lọc trước khi đưa vào hệ thống thủy canh.

Bà con nên chuẩn bị sổ ghi chép để theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Nguồn: Khomay.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.